Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:51:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ truyện kể với bạn bè  (Đọc 104981 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #140 vào lúc: 24 Tháng Chín, 2010, 06:33:19 pm »

 Không quân Pháp gây cho ta không ít khó khăn trong công tác vận chuyển tiếp tế từ hậu phương ra tiền tuyến và ta đã khắc phục được. Nhưng còn một “kẻ thù” khác đồng lõa với địch để ngăn cản công tác hậu cần của ta, đó là những trận mưa nguồn. Những trận mưa đầu mùa như trút nước đã phá hoại biết bao đoạn đường vận chuyển của ta. Có những khúc đường tụt hẳn xuống vực sâu. Có những khúc bị núi lở lấp kín. Những dòng suối trong vắt hiền hòa mùa khô, lội qua không ướt bắp chân, nay bỗng trở thành những dòng lũ hung dữ.

 Mưa đã làm đảo lộn kế hoạch vận tải trên nhiều cung đoạn.

 Sau đợt hai trong ngày đầu tháng tư, đã có lúc vấn đề hậu cần tiếp tế trở thành nóng bỏng. Đảng ủy mặt trận và các đồng chí có trách nhiệm trong các cơ quan chiến dịch trong lòng rất băn khoăn. Có đêm gạo vào kho không đầy một tấn. Đã có trường hợp đồng chí tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái phải duyệt từng viên đạn pháo.

 Đồng chí tư lệnh mặt trận đã giành nhiều thời gian cùng các đồng chí hậu cần và tham mưu bàn bạc, tìm biện pháp khắc phục. Tăng cường lực lượng công binh cao xạ, dân công để bảo vệ và sửa chữa các tuyến đường xung yếu, với quyết tâm không để một đêm giao thông bị gián đoạn.
Tăng cường việc động viên thu mua tại chỗ. Tận dụng tuyến vận chuyển trên dòng sông Nậm Na từ Bản Nậm Cúm về. Đẩy mạnh phong trào đoạt dù tiếp tế của địch để giải quyết một phần nhu cầu của ta, nhất là đạn pháo lớn. Động viên tinh thần tự túc của các đơn vị về lương thực, thực phẩm.

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #141 vào lúc: 24 Tháng Chín, 2010, 06:41:39 pm »

 Đúng vào những ngày khó khăn này, tinh thần chủ động của các đơn vị thật là đáng quý.

 Chỉ trong một thời gian ngắn, chiến sĩ đại đoàn 312 đã đào được 52 tấn củ mài, đánh được 12 tấn cá, kiếm được 36 tấn rau các loại. Đại đoàn còn tổ chức một đoàn xe thồ từ hậu phương chở vật phẩm ra cho bộ đội.

 Đại đoàn 351 làm thịt ướp ở hậu phương và chuyển ra cho các đơn vị được hơn 100 tấn.

 Chiến sĩ đại đoàn 316 kiếm được hàng ngàn hoa chuối rừng để thay rau, đã đào được hàng chục tấn củ mài. Đại đoàn cho người về hậu phương đánh từng đàn bò, lợn lên để có thịt tươi cho bộ đội.

 Nhiều đơn vị đem đậu xanh từ hậu phương lên ngâm giá để bữa ăn của bộ đội luôn có chất tươi. Trung đoàn 88 (308) có những tuần trung bình mỗi ngày một chiến sĩ có 150 gam giá.

 Các đơn vị đều tổ chức trồng rau, kiếm rau rừng đánh cá, ngâm giá, tổ chức mua rau mua thịt quanh vùng, tổ chức tiếp tế thuốc hút, đường kẹo, thuốc đánh răng, xà phòng cho bộ đội.

 Tinh thần chủ động khắc phục khó khăn của các đại đoàn đã góp phần quan trọng bảo đảm mức sinh hoạt tối thiểu cần thiết cho bộ đội trong điều kiện chiến đấu và lao động khẩn trương giữa cánh đồng Mường Thanh trong những ngày hè tháng tư.

 Đúng vào dịp này, phái viên của Trung ương, đồng chí Hoàng Tùng được Ban bí thư cử ra mặt trận để thông báo cho Đảng ủy biết tình hình ở “nhà” và lấy tin tức của mặt trận. Hôm 9 tháng tư, chia tay với đồng chí Hoàng Tùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề nghị đồng chí phái viên báo cáo với Trung ương; Vấn đề gạo và đạn dược hiện nay đối với mặt trận là quyết định. Toàn thể bộ đội ở Điện Biên Phủ quyết tâm hoàn thành bằng được nhiệm vụ mà Trung ương trao cho là đánh thắng trận này. Chúng tôi sẽ dồn hết sức lực để kết thúc số phận quân địch tại đây trước khi mùa mưa tới…

 Đồng chí phái viên về tới khu căn cứ ngày 18. Ít ngày sau, một công văn hỏa tốc được chuyển tới Sở chỉ huy mặt trận. Đồng chí Bí thư Đảng ủy tự tay mở ra. Đó là bản nghị quyết ngày 19 tháng tư của  Bộ Chính trị, kèm theo bức viết tay của đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh.

 Bản nghị quyết khẳng định: “Toàn dân, toàn Đảng và chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”.

 Qua bức thư đề ngày 21, đồng chí Tổng bí thư báo tin cho Đảng ủy mặt trận biết: “Bộ Chính trị đã đôn đốc Hội đồng cung cấp và các khu, các tỉnh thực hiện cho được việc động viên nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch. Đã phái đồng chí Trần đi mặt trận, đồng chí Dũng đi Khu IV, đồng chí Thanh đi Việt Bắc để kiểm tra, đôn đốc. Ở nhà, đồng chí Lương lo đôn đốc chung…”.

 Đọc xong nghị quyết của Bộ Chính trị và bức thư của đồng chí Trường Chinh, đồng chí Bí thư Đảng ủy ngồi yên lặng, rất xúc động. Từ khi hạ quyết tâm chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược đến nay, mặc dù phải lo lắng bao nhiều công việc nặng nề khác. Trung ương vẫn luôn luôn theo dõi sát sao và chỉ đạo Đảng ủy Mặt trận. Trung  ương không bỏ qua  bất kỳ yêu cầu nào của bộ đội phía trước, dù là những yêu cầu khó khăn nhất. Sự quan tâm của Trung ương nhiều khi đã vượt quá cả điều mong đợi của Đảng ủy Mặt trận.

 Càng suy nghĩ, đồng chí càng thấy trách nhiệm rất nặng nề của tập thể những người có trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân trong chiến dịch lịch sử này.

 Trao bản nghị quyết và bức thư cho một đồng chí Đảng ủy viên có mặt tại đó, đồng chí Bí thư xúc đông nói:

 - Trung ương đã làm đủ mọi việc. Trận này, Đảng yêu cầu chúng ta chỉ được thắng…
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #142 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2010, 12:38:30 pm »

 Quyết tâm của Đảng và sức mạnh của hậu phương một lần nữa lại thể hiện trên đường ra tiền tuyến.

 Cả nước vẫn hàng ngày hướng ra mặt trận.

 Thêm mười vạn dân công, từ vùng đồng bằng trù phú của tỉnh Thanh đến các bản mường hẻo lánh của Tây Bắc, từ vùng tự do Cao Lạng xa xôi đến vùng đồng bằng trung du còn bị tạm chiến, nô nức lên đường, tiếp tục đợt phục vụ mới.

 Từ Khu IV ra, từ Bản Nậm Cúm về, từ Việt Bắc sang, hướng về một điểm: Điện Biên Phủ. Một dòng vô tận dân công, xe đạp thồ, xe vận tải các loại, chỉ trong một thời gian ngắn đã rót ra tiền tuyến trên 4.000 tấn gạo, trên 300 tấn gà, vịt, lợn, bò…

 Trong đợt huy động này, tỉnh Thanh Hóa đã chứng minh là một địa phương vừa đông người nhiều của vừa giầu lòng yêu nước của một tỉnh hậu phương hết lòng vì tiền tuyến. Trong một cuộc họp của tỉnh ủy bàn về việc huy động lực lượng chi viện chiến trường Điện Biên Phủ, đồng chí Văn Tiến Dũng, ủy viên Trung ương, Tổng tham mưu trưởng đã nói:

 - Các chiến sĩ Điện Biên Phủ không ngần ngại hy sinh xương máu để tiêu diệt quân địch và đã hứa quyết tâm thực hiện bằng được nhiệm vụ Trung ương giao cho. Chiến dịch đang trên đà thắng lợi, chúng ta không thể để bộ đội vì thiếu lương thực mà phải rút quân trong khi sắp giành được thắng lợi. Đảng đã quyết định tập trung mọi khả năng dốc ra tiền tuyến để tiêu diệt toàn bộ quân địch, giành thắng lợi hoàn toàn trong chiến dịch này. Các đồng chí phải quyết tâm cùng với Trung ương, cùng với bộ đội anh dũng của chúng ta tại Điện Biên Phủ khắc phục mọi khó khăn để chiến thắng quân địch.

 Số người và của mà tỉnh Thanh dốc ra phục vụ tiền tuyến trong đợt này thật là to lớn: 80% tổng số dân công, 80% xe đạp thồ, 50% tổng số gạo, 40% tổng số thực phẩm…

 Đồng bào Tây Bắc, đất rộng người thưa, kinh tế nghèo nàn lại vừa thoát khỏi cảnh vơ vét của địch, cũng góp từng thúng thóc, từng con gà để nuôi bộ đội.

 Từ khoảng trung tuần tháng tư, nhờ sự chi viện hết lòng của nhân dân hậu phương, những dòng kẻ trên những biểu đồ theo dõi hậu cần nhích dần lên bao nhiêu thì nỗi băn khoăn lo lắng của các đồng chí lãnh đạo mặt trận giảm đi bấy nhiêu. Các kho đạn, kho gạo dần dần đầy ắp. Lượng dự trữ thực phẩm dồi dào. Những ngày nóng bỏng của công tác hậu cần tiếp tế đã trôi qua.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #143 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2010, 12:41:54 pm »

 Cùng với cuộc đấu tranh thắng địch, thắng thiên nhiên để có cơ sở vật chất chiến đấu lâu dài liên tục, một yêu cầu khác không kém phần quan trọng đòi hỏi phải giải quyết cấp bách là sức khỏe của bộ đội.

 Sau 5 tháng hành quân, chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu liên tục, sức khỏe bộ đội đã giảm sút. Thời tiết bất thường của tháng tư trên đất Điện Biên này càng gây thêm nhiều khó khăn cho đời sống trong chiến hào của anh em. Nếu trên đường vận chuyển ra mặt trận mưa đã “tiếp tay’ cho địch gây trở ngại cho ta thì trong lòng chảo Điện Biên này, mưa cũng đem lại những khó khăn không nhỏ đối với sinh hoạt và chiến đấu của bộ đội.

 Có một lần, mới sau một trận mưa đầu mùa, đồng chí tư lệnh chiến dịch gọi điện thoại xuống hỏi tình hình hầm hào của bộ đội phía Tây, từ đầu dây đằng kia, đồng chí đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ trả lời:

 - Báo cáo anh, nước đến ngang bụng bộ đội rồi.

 Mưa đã ngập cả chiến hào. Bộ đội vận động dưới đường hào bùn và nước ngập ngang thắt lưng. Có đơn vị bộ đội đi chiến đấu về, phải đứng dưới hào đầy nước, đội súng đạn lên đầu để khỏi ướt. Hầm ngủ bị sụt lở.

 Sau những trận mưa nguồn, nắng hình như lại càng dữ dội hơn. Cánh đồng Mường Thanh rộng là thế mà không khí oi ả, ngột ngạt. Cần đề phòng dịch bệnh mùa hè có thể xẩy ra và uy hiếp sức chiến đấu của bộ đội.

 “Phải bình thường hóa sinh hoạt của bộ đội trong chiến hào”. Đó là chủ trương đã từng được đề ra, nay trở thành vấn đề cấp bách để giữ sức khỏe cho bộ đội chiến đấu lâu dài.

 Cán bộ các cơ quan mặt trận và các đại đoàn ra tận chiến hào sát địch để kiểm tra và hướng dẫn tổ chức nơi ăn, chốn ngủ, chỗ giải trí cho anh em. Khẩu hiệu được đề ra cho các đơn vị. Quyết không chịu sống lúi xùi.

 Khi đề ra yêu cầu bình thường hóa sinh hoạt, không ít ý kiến cho rằng không thể thực hiện được vì chiến đấu liên tục, lao động mệt mỏi. Nhưng rồi, mọi người đều nhất trí với chủ trương của trên. Không bình thường hóa sinh hoạt thì ăn không tốt, ngủ không tốt, càng thêm mệt nhọc. Yêu cầu khẩn trương nhưng kế hoạch đề ra thực hiện từng bước.

 Trước hết phải lo củng cố công sự. “Đêm nằm – năm ở”. Chỗ ngủ tốt; ngủ đẫy giấc là cần thiết để phục hồi sức khỏe sau những ngày chiến đấu căng thẳng.

 Công sự được đào sâu, mở rộng thêm. Đất moi lên, đắp cho công sự thêm dày, thêm vững. Nền hầm của tổ 3 người, hầm tiểu đội được lát gỗ, lát tre. Trần và bốn mặt hầm được nẹp vải dù, trang trí thêm những bức tranh cắt từ họa báo những bông hoa rừng cắm vào đui đạn đồng.

 Ngoài hầm được tổng vệ sinh đào thêm rãnh thoát nước. Các hố tiêu, hố tiểu cũ được lấp đi, đào hố mới, có nắp đậy kín. Rác rưởi trống hào quét sạch. Các đường hào khó đi được sửa lại, dốc thì có bậc lên xuống có tay vịn, chỗ hẹp được mở rộng, đi lại dễ dàng.

 Chỉ sau vài buổi, anh em có chỗ ngủ, chỗ nghỉ thoải mái.

 Sau giờ đi bắn tỉa về hoặc sau mỗi buổi đào công sự, ngoài đồng chí canh gác, từng tổ, từng tiểu đội có chỗ đọc sách báo, tin tức đánh cờ, đánh tu-lơ-khơ hoặc ghếch chân lên nhau khẽ hát một bài cho đỡ nhớ những buổi liên hoan, hát “hết cỡ” khi còn ở hậu phương.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #144 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2010, 12:48:27 pm »

 Thứ hai là cải thiện bữa ăn.

 Trước đây, anh nuôi ở phía sau, đường tiếp tế khó khăn. Bộ đội phải ăn cơm nắm, thức ăn nguội, canh không đủ, nước uống thiếu.

 Do sáng kiến của đồng chí Xuân Yến, bếp “Hoàng Cầm” (một kiểu bếp đào, chống khói, xuất hiện từ các chiến dịch trước) được cải tiến. Bếp đào sâu gần 2 mét, rộng 3 mét, nắp dày 1 mét rưỡi. Ống khói không thẳng mà gấp khúc, đào vào thành hào, lấy đất ướt trát kín thành ống dẫn khói.
Khói tỏa ra bạc như sương. Máy bay trinh sát ban ngày không phát hiện được. Ban đêm, chỉ cần một chiếc chăn che ngoài ánh lửa không hắt ra, anh nuôi ung dung nấu nướng. Từ ấy, anh em đàng hoàng hai bữa cơm nóng, canh nóng, nước chín ngon lành. Có người thay nhau giúp anh nuôi “cải thiện”. Cua Mường Thanh nổi tiếng là nhiều, to và ngon, nấu với khế Long Pếch. Cả tiểu đội có bát canh chua mát ruột.

 Thứ ba là lo việc tắm giặt. Đào thêm giếng. Giếng đào  càng sâu mạch nước càng nhiều. Dần dần, mỗi tiểu đội có một giếng. Nước rửa đủ. Hàng tuần, anh em thay nhau tắm, mỗi người được từ một đến hai lần. Không còn tình trạng buổi sáng xô nhau quanh một vũng nước con để rửa mặt, đánh răng. Ngoài ra, các “giếng Na-va” (hố bom của địch, sau cơn mưa, nước rất trong) đều được khai thác triệt để. Đồng chí nào có việc về sau, tranh thủ tắm giặt thoải mái. Khi ra, vác theo một ống bương, hoặc gánh đôi sọt lót ni-lông, góp thêm phần nước sạch cho anh nuôi.

 Bỏ sức ra, thắng cái ngại, cái mệt mỏi, uể oải, đời sống trong chiến hào dần dần trở lại bình thường. Không còn sợ mưa uy hiếp.

 Yêu cầu của trên đã  thành hiện thực: Quân số ốm chỉ được giảm, không được tăng.

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #145 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2010, 01:06:22 pm »

 Quân ta ở vòng ngoài, ở thế chủ động bao vây, tiến công địch. Sức lao động và trí thông minh sáng tạo cho phép anh em bình thường hóa và cải thiện sinh hoạt. Nhưng giữ mình, đi đôi với diệt địch. Theo chỉ thị của trên, trước khi bước vào đợt 3, phải làm sao khoét sâu khó khăn của địch, dồn chúng vào thế không còn chịu nổi để rồi bị tiêu diệt.

 Yêu cầu đó làm nảy sinh nhiều hình thức hoạt động thật phong phú, đa dạng, làm cho cuộc đấu trí đấu lực mấy tuần cuối tháng tư thật sôi nổi, hào hùng.

 Phong trào bắn tỉa – săn Tây đã làm cho địch không dám ló ra ngoài công sự. Vòng vây của ta ngày càng khép chặt sát địch. Chúng ở ngay trong tầm súng các cỡ của ta và trở thành những “bia sống” của những tay thiện xạ náu mình tại những chỗ bất ngờ ngay sát vị trí của chúng.

 Ở một đơn vị thuộc đại đoàn 308 ở phía Tây, chỉ trong vòng 10 ngày, bốn tổ thiện xạ hạ được 110 tên địch. Ở Hồng Cúm, chỉ 15 ngày sau khi phát động phong trào bắn tỉa, trung đoàn 57 đã diệt ngót 100 tên. Quanh phân khu trung tâm, đại đoàn 312 diệt gần 120 tên. Riêng chiến sĩ Lục Văn Thông, trung đoàn 165, trong một ngày hạ 30 tên địch; Chiến sĩ Lâm Văn Vượng, với 15 viên đạn diệt 13 tên. Đó là chỉ kể những tên bị chết mà ta trông thấy, còn những tên chết dúi trong bụi, trong hào, không kể. Anh em đã thực hiện được yêu cầu đề ra trong lời kêu gọi ngày 22 tháng tư của Bộ Tổng Tư lệnh, một viên đạn, một tên địch, một viên đạn mấy tên địch.

 Phong trào bắn tỉa – săn Tây đã làm cho quân số  địch tiêu hao, tinh thần của chúng luôn căng thẳng; Ở một ví trí hướng Tây, có tên địch vừa ngủ dậy, đang gấp chăn màn, quân ta trông thấy, nổ một phát, tên địch gục tại chỗ. Những ngày không mưa, nước lã đối với chúng cũng là vấn đề căng thẳng. Có những vị trí ở sát sông Nậm Rốm mà địch cũng không dám xuống sông lấy nước.

 Giăng Pu-tiên, sĩ quan giúp việc của Na-va, bị bắt trong những ngày cuối chiến dịch, đã kể lại rằng: Ngày 16, một đoàn 35 lính ngụy do một đại úy Pháp chỉ huy, tải nước đến vị trí Huy –ghét 6 (ta gọi là cứ điểm 105, bắc sân bay). Họ đi trên con đường ngoằn nghèo, gò lưng xuống vì phải mang nặng và cũng vì sợ sệt. Tới đích, sau khi vượt quãng đường hơn một kilômét, chỉ còn 7 người sống sót, cõng 5 can nước. Tính ra, mất 28 mạng để đổi lấy cho mỗi người trong cứ điểm một phần tư lít nước giữa nắng hè trên cánh đồng Mường Thanh.

 Một chuyện khác: Đêm 16 rạng ngày 17, muốn ra sông lấy một vài can nước và thu chừng nửa tá hòm quân nhu được thả xuống, hai đại đội phải chiến đấu trong vòng 10 tiếng đồng hồ.

 Cuối cùng những tên địch ở sát bờ sông phải buộc dây dù vào những cái “phuy” quẳng xuống sông, rồi từ trong vị trí hò nhau kéo lên. Nhưng chiếc thùng đã bị chiến sĩ thiện xạ ta bắn thủng. Kéo lên chỉ là thùng không.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #146 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2010, 01:08:38 pm »

 Về tiếp tế và tăng viện, địch không ngờ rằng cầu hàng không, cái mà chúng cho là chỗ mạnh tuyệt đối so với phương tiện của ta, lại trở thành chỗ yếu chí mạng của chúng.

 Đêm đêm, những chiếc máy bay là xuống thấp để thả dù người và tiếp tế. Các đơn vị cao pháo của ta đã áp sát khu trung tâm, bất thần cùng các cỡ súng bộ binh nổ đồng loạt. Chiếc máy bay nào không dính đạn bốc cháy thì cũng bị hất lên cao, vội vã thả dù để nhẹ cánh quay về căn cứ ở đồng bằng. Buộc phải thả dù ở độ cao trên 3.000 mét, máy bay đã tung một nửa số dù tiếp tế vào trận địa ta hoặc ở những nơi xa hẳn vị trí địch.

 Một hình thức hoạt động khác của quân ta đã xuất hiện. Đó là đoạt dù tiếp tế của địch để bổ sung một phần tiếp tế của ta nhưng chủ yếu là để bóp chết dạ dày của chúng.

 Có đơn vị chỉ trong một tuần đã thu được 776 chiếc dù với các loại hàng tiếp tế do địch ném xuống: đạn pháo và đạn súng cối, gạo, bánh mì, đồ hộp, dầu hỏa, huyết thanh khô… Có đơn vị đoạt được cả lon tướng và rượu cô-nhắc của vợ Đờ Cát ở Hà Nội gửi lên cho chồng nhân dịp hắn được thăng cấp.

 Quân ta đã kết hợp hoạt động bắn tỉa với đoạt dù tiếp tế của địch. Mang được một hòm chở đồ tiếp tế do máy bay thả xuống, về được cứ điểm, địch phải giả giá đắt. Như sau này Lăng-gle thú nhận, lính địch đã mệt mỏi và khiếp sợ tới mức “không đủ sức lực và tinh thần để nhặt những kiện hàng ném xuống ngay sát hàng rào thép gai của cứ điểm”. Hắn ước tính, máy bay Pháp – Mỹ đã tiếp tế cho pháo binh Việt Minh trên 5.000 viên đạn 105.

 Tướng Pháp Y.Gras nói rõ hơn thảm cảnh cái dạ dầy tập đoàn cứ điểm bị bóp chết. Ông ta thừa nhận. Việc tiếp tế đã trở nên quyết liệt vào thời kỳ cuối (tháng tư) khi khu vực thả dù đã bị thu hẹp lại như một tấm da thuộc, chỉ còn rộng khoảng 100 héc-ta (mỗi chiều một kilômét) và hầu như hoàn toàn nằm trong tầm hỏa lực của đối phương. Như vậy, rút cục chính là vì hành động của các sư đoàn Việt Minh nhiều hơn là vì tác động của lực lượng phòng không mà Điện Biên Phủ bị chết ngạt. Những khó khăn lớn nhất trong việc tiếp tế bằng đường không cho Điện Biên Phủ chính là ở dưới đất. Việc thu góp những kiện hàng được thả xuống rải rác trên mặt đất đòi hỏi nhiều nhân lực. Chỉ riêng việc đó cũng là một nhiệm vụ nặng nề và tập đoàn cứ điểm giống như một cái cổ thực sự bị bóp nghẹt… Trong những ngày cuối tháng tư, mỗi ngày cố ném xuống chừng 145 tấn phương tiện vật chất nhưng cao nhất cũng chỉ thu được 100 tấn…

 Trước tình cảnh cái “cuống họng đường không” bị cắt đứt, cái “dạ dày Điện Biên Phủ” có nguy cơ bị lép kẹp, ngày 10 tháng tư, Đờ Cát phải ra thông tư 239/PC nói rằng: “…Những nhu cầu về tiếp tế đạn dược bắt buộc phải rút xuống đến mức tối thiểu yêu cầu hàng ngày về lương thực… Các ông chỉ huy các cứ điểm chịu trách nhiệm về việc thu hồi trong phạm vi của mình… Mỗ cứ điểm phải cử ra một trung đội có một sĩ quan chỉ huy chịu trách nhiệm giữ trật tự về việc thu hồi. Kẻ nào bị bắt quả tang ăn cướp sẽ bị bắn ngay, không cần xét xử gì cả. Lệnh này phải được thi hành một cách nghiêm ngặt ngay lập tức…”.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #147 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2010, 01:11:09 pm »

 Đờ Cát phải ngăn ngừa việc ăn cắp các dù tiếp tế vì, trong cảnh thiếu thốn nguy kịch đó, một loạt “chợ trời” đã xuất hiện, nhất là dọc hai bờ sông Nậm Rốm. Chẳng là có hàng ngàn tên lính mất tinh thần, bỏ chiến đấu. Chúng chưa dám sang hàng quân ta mà khoét bờ sông thành những cái hang và sống trong đó (như Y.Gras nhận xét) như những con chuột. Trong số này, quân lê dương và Bắc Phi có, quân ngụy có. họ tìm cách cướp các hòm tiếp tế được thả dù xuống và tổ chức “chợ đen”. Cái gì cũng có. Đồ hộp, thuốc lá Mỹ, rượu, bánh mì… Và trong cái chợ đó, có một thứ rất “được giá” mà bọn “chuột Nậm Rốm” coi là bùa hộ mệnh. Đó là những tờ truyền đơn của quân ta. Có một tờ truyền đơn trong túi, nếu có lọt vào tay quân ta chúng cũng… dễ ăn nói. Vì vậy, truyền đơn trở thành một mặt hàng trên “thị trường sông Nậm Rốm”.

 Bọn lính trốn chiến đấu và trở thành những con chuột trong hang vì chúng không thể sống nổi trong “địa ngục”. Từ địa ngục là do chính sĩ quan và lính Pháp ở Điện Biên Phủ dùng để tả cuộc sống của họ trong tập đoàn cứ điểm trong những ngày tháng tư. Từ đó, sau này được Béc-na Phôn dùng để đặt tên cho một cuốn sách viết về Điện Biên Phủ (Một góc  địa ngục – Un coin denfer, Laffoat. Paris, 1968).

 Một đặc điểm nổi bật mà viên thiếu tá quân y Gra-uyn ở Điện Biên Phủ nhớ mãi trong cái địa ngục đó là nạn ruồi.

 Trong cuốn "Tôi đã là thầy thuốc ở Điện Biên Phủ", viên sĩ quan quân y này tả lại như sau: Những nóc nhà, những nắp hầm sũng nước (mưa) trở nên rất nặng, đè lên những thành vách đã bị yếu đi vì ngấm nước. Hàng loạt gian hầm xây dựng vội vã đã đổ ụp, đè cả lên đám người bên trong… Đến tháng 5, bùn ngập lên đến đầu gối, việc đi lại càng trở nên khó khăn… Khi nóng, hơi ẩm và những vật thối rữa đẻ ra một tai họa mới: ruồi ! Nguồn ruồi đầu tiên ở bãi để xác lính chết. Nhưng dần dà, nó tràn vào cả trạm quân y và những gian hầm lân cận. Ruồi đẻ trứng khắp nơi: trên vách đất, trong chiến hào, trong lớp bông băng đẫm máu vứt bừa bãi chung quanh trạm quân y, trên giường, trong vải băng và lớp bột bao bọc vết thương. Trứng ruồi vỡ ra giòi. Giòi bọ lúc nhúc trong chăn bẩn, trên đệm, trên vải băng vết thương, chui cả vào những vết thương bó bột, những chỗ cứ tưởng không gì lọt vào nổi… Đêm đến, thật là một cảnh tượng kinh khủng khi nhìn những con giòi màu trắng, kinh tởm, bò nhởn nhơ trên bàn tay, trên mặt, trên tai bọn lính bị thương đang ngủ…

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #148 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2010, 01:13:01 pm »

 Thiếu lương ăn, nước uống, thuốc chữa bệnh, đã đành. Điều đáng sợ khác đối với địch là lực lượng của chúng không ngừng bị tiêu hao do kết quả phong trào bắn tỉa của các chiến sĩ thiện xạ của ta. Lính bị chết, bị thương và đào ngũ đã dẫn đến nạn khủng hoảng quân số nghiêm trọng.

 Theo một bản báo cáo của thiếu tá Lê-ớt trưởng ban quân lực tập đoàn cứ điểm, chỉ riêng trong tuần lễ từ 17 đến 24 tháng tư, khoảng 1.000 lính chết và bị thương nặng chỉ được bù lại bằng 432 lính được ném xuống trong những cuộc thả dù lén lút, nhỏ giọt. Tuần lễ tiếp theo đó (được coi là “tuần lễ tương đối im ắng”), địch mất thêm 427 người, đổi lấy 251 lính tăng viện.

 Thiếu tá quân y Gra-uyn nêu lên một nhận xét tổng quát: “Việc thả dù tăng viện ban đêm không lấp nổi cái hố thiệt hại ban ngày”.

 Còn tướng  Y.Gras thì nhận xét rằng vào cuối tháng tư tổn thất hàng ngày của tập đoàn cứ điểm là từ 100 đến 120 người chết hoặc bị thương cần được thay thế. Việc thả dù người tốn nhiều thời gian và cần nhiều lực lượng không quân hơn là thả dù hàng.Thế là vấn đề được đặt ra để bọn chỉ huy Pháp lựa chọn là thả hàng tiếp tế hay thả quân tăng viện. Mặt khác, quân dù chuyên nghiệp ở Hà Nội không còn. Phải huy động đến những lính gọi là “quân nhảy dù tình nguyện” chưa từng nhảy dù bao giờ. Cuối tháng  tất cả có 475 “lính dù” loại đó đã được thả xuống. Nhưng vì khu vực có thể thả dù đã bị thu lại quá hẹp nên trung tá Lăng-gle quyết định cho nhảy trực tiếp xuống khu trung tâm tập đoàn cứ điểm, không kể gì đến tình trạng là đất đã bị cầy với, không đúng với quy cách của một bãi nhảy dù.

 Có điều mà tướng tá Pháp không tiện nói rõ ra là, do các chiến hào của ta càng về cuối tháng càng áp sát các vị trí trong khu trung tâm nên không ít những tên “lính dù tình nguyện” khốn khổ này bị ném lén lút xuống ban đêm, đã đặt chân xuống… khu vực trận địa của ta.

 Như sau ngày tướng Y.Gras tính sổ, nạn khủng hoảng quân số dẫn đến kết quả là, đến cuối tháng tư, ở phân khu trung tâm chỉ còn chừng 3.000 quân đủ sức chiến đấu; ở phân khu Nam – Hồng Cúm – 1.200 tên. Đó là tất cả quân số còn lại so với 16.000 lính khi ta bắt đầu mở màn chiến dịch đêm 13 tháng 3. Về vũ khí, pháo 105 còn 19 khẩu; pháo 155; 1 khẩu: cối 120: 15 khẩu với số đạn đủ cho một đêm hoặc hai ngày chiến đấu liên tục. Tất cả các xe cơ giới đều bị các trận pháo kích phá hủy, chỉ còn 3 chiếc xe tăng thì 2 cái đặt ở I-da-ben – Hồng Cúm.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #149 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2010, 01:15:07 pm »

 Vì sao nên nông nỗi này.

 Viên tướng Pháp xác nhận rằng phạm vi của “quân đồn trú” không ngừng bị thu hẹp, người và vũ khí bị tiêu hao vì “các sư đoàn Việt Minh đã để ba tuần lễ (cuối tháng) để vây lấn liên tục, nhằm xiết chặt quân Pháp trong một khu đất vuông mỗi cạnh một kilômét… Trong những ngày này, “ông Giáp không chủ trương mở những cuộc công kích quy mô lớn đòi hỏi nhiều người và đạn dược… Ông thực hiện tiêu hao đối phương bằng cách quấy rối và đánh chiếm các điểm tựa bên ngoài khu trung tâm, diệt từng cái một nhằm xiết chặt thêm vòng vây, ông dùng phương pháp vây lấn thay cho phương pháp vây hãm và tiến công các điểm tựa bằng một hệ thống chiến hào giống như một mạng nhện quây chặt để rồi bắt một con côn trùng nằm lọt thỏm trong mạng nhện. Như vậy, vị trí của Pháp trở nên bị cô lập, phong tỏa và nhanh chóng bị bóp nghẹt vì thiếu đạn dược, thực phẩm và nhất là thiếu nước.

 Chính do phương pháp đánh này mà chỉ trong vòng mấy ngày, các vị trí Huy-ghét 1 và Huy-ghét 6 (ta gọi là các cứ điểm 105 và 206) lần lượt bị bao vây và đánh chiếm. Đờ Cát tung tiểu đoàn dù lê dương 2 (2e B.E.P) ra phản kích”. Cuộc phản kích thất bại. Tiểu đoàn lê dương bị mất 150 người. Đối phương đánh chiếm sân bay. Từ đó, khu vực thả dù bị thu hẹp lại chỉ còn trong khu trung tâm. Với thất bại này (mất sân bay) – thất bại lớn  nhất và nghiêm trọng nhất từ khi Đô-mi-nic (ta gọi là các vị trí D1 và D2 ở phía Đông) bị đánh chiếm đêm 30-3 – thời kỳ suy tàn của quân đồn trú bắt đầu…”.

 Như vậy là trong những ngày cuối tháng tư này, với việc tiêu diệt các vị trí Tây và Bắc sân bay, ta đã thực hiện được chủ trương cắt ngang và hoàn toàn làm chủ sân bay, triệt hẳn nguồn tiếp tế của địch.

 Phương pháp phát triển chiến hào, dùng hỏa lực bắn thẳng và bộc phá của phân đội nhỏ tiếp cận diệt từng hỏa điểm, từng lô cốt, từng đoạn chiến hào của địch rồi bất thần lao lên tiêu diệt cơ quan chỉ huy của địch, nhanh chóng chiếm vị trí khiến địch không kịp trở tay như các trận tiêu diệt các cứ điểm 106 trong đợt 2 và các cứ điểm 105, 206 trong tháng tư này, là một sáng tạo về cách đánh của ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ta gọi là cách đánh lấn.

 Địch rất “ớn” về cách đánh này, cũng như việc xây dựng trận địa tiến công và bao vây của ta, một lối đánh mà chúng cho là cổ điển (chiến tranh chiến hào) nhưng lại rất kỳ lạ, chúng không có cách nào đối phó. Lăng-gle, chỉ huy phó tập đoàn cứ điểm sau này viết rằng: “Lính bộ binh (Việt Minh) áp dụng đúng quy tắc Vô-băng (Vauban) và đào trong 50 ngày 400 kilômét đường hào trên cánh đồng. Và bộ chỉ huy (Pháp) phát hiện ra rằng xẻng và cuốc là những vũ khí cũng mạnh như xe tăng và máy bay…”.

 Tóm lại, trong cuộc đấu trí đấu lực những ngày cuối tháng tư, bằng hệ thống trận địa bao vây và tiến công, bằng các hoạt động bắn tỉa, đánh lấn, đoạt dù… ta đã dồn địch vào một tình thế khốn quẫn đến nỗi sau này (khi đã bị bắt làm tù binh). Đờ Cát đã phải thú nhận rằng quân lính của hắn “không còn chịu đựng nổi” và không thể tránh khỏi bị tiêu diệt.

 Trong Vài hồi ức về Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Hàng ngày, ở sở chỉ huy, khi nghe báo cáo số địch chết vì bị bắn tỉa, số lương thực, đạn dược của địch thả dù mà bộ đội ta đã đoạt được, tôi chẳng khỏi nghĩ, chúng ta đang cho kẻ địch nếm những đòn cay đắng nhất”.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM