Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 05:54:20 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ truyện kể với bạn bè  (Đọc 104923 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #100 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2010, 06:58:05 pm »

 Chiến trường, sau cơn bão lửa đầu tiên, đã trở lại yên tĩnh. Nhưng dư âm của cơn kinh hoàng vừa qua còn lởn vởn trong đầu óc Đờ Cát, Pi-rốt và cả chỉ huy phó tập đoàn cứ điểm Lăng-gie. Sự kiện mà trước kia người ta đã từng phán đoán, nhưng không ai tin, không ai mong là có thật nay đã xảy ra. Việt Minh đã mang được pháo lớn vào đây. Một điều không tốt lành đang đe doạ tập đoàn cứ điểm.

 Đờ Cát thông báo cho cấp dưới: cuộc giao ban buổi chiều hoãn lại vì có triệu chứng đối phương tiến công.

 Buổi chiều 13 tháng 3.

 Sương xuống mỗi lúc một dày.

 Cấp chỉ huy các đại đoàn 312 và 351 trao đổi với nhau và nhất trí đề nghị lên trên cho nổ súng sớm kẻo sương mù che mục tiêu, pháo binh khó hiệu chỉnh đạn.

 Người cầm máy trực tiếp trả lời chính là đồng chí Tổng tư lệnh, kiêm chỉ huy trưởng mặt trận. Trong chiến dịch này, đồng chí lấy bí danh là Ngọc. Sau khi dùng điện thoại kiểm tra tình hình chuẩn bị, được biết cả bộ binh và pháo binh đều đã sẵn sàng đồng chí chấp nhận đề nghị của các đơn vị, cho nổ súng sớm trước giờ quy định.

 17 giờ, Trận pháo hoả chuẩn bị mở màn chiến dịch bắt đầu.

 Hơn 40 khẩu pháo dội lửa xuống cứ điểm Him Lam phân khu trung tâm, sân bay và trận địa pháo địch.

 Trưa nay bọn địch trong tập đoàn cứ điểm mới được nếm thử chừng hai chục viên lựu pháo rót xuống Him Lam. Giờ đây, mặc dù chúng đang nơm nớp chờ đợi nhưng đòn phủ đầu của pháo binh quá mạnh, đã trở thành nỗi bất ngờ đối với chúng.

 Cứ điểm Him Lam ngập khói. Năm chiếc máy bay trên sân bay Mường Thanh bị tan xác. Thêm một kho xăng bốc cháy. Các trận địa pháo của tập đoàn cứ điểm hầu như bị tê liệt, pháo bị trúng đạn, pháo thủ chết gục bên càng pháo.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #101 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2010, 07:03:11 pm »

 Trung tá Lăng-gle đang tắm ở sông Nậm Rốm, bỗng nghe những tiếng xoèn xoẹt trên đầu, tiếp đến là những tiếng nổ inh tai. Không còn kịp mặc quần áo, hắn lao vào một cái hầm gần đó, ướt như chuột lụt.

 Từ hầm chỉ huy Ê-pec-vi-ê, người ta nghe tiếng Đờ Cát thét trong điện thoại. Đầu dây bên kia là trung tá chỉ huy pháo binh Pi-rốt, “một người vốn được Đờ Cát tin cậy và kính nể”.

 - A-lô, Pi-rốt, Pi-rốt... Bọn chúng từ đâu bắn tới thế?...

 Viên sĩ quan pháo binh cụt tay đang gần như phát điên. Hắn ấp úng và cuối cùng cũng thét lên:

 - Chúng nó ở... ở trên những đỉnh núi chung quanh.

 - Làm cách nào cho chúng im đi chứ!

 Làm cách nào? Câu hỏi giản đơn nhưng câu trả lời thật hắc búa. Làm thế nào để “phản pháo theo kế hoạch” khi mà các trận địa pháo của tập đoàn cứ điểm đang bị chế áp, máy bay trinh sát tê liệt không dám cất cánh và không một chút gợn khói đầu nòng pháo đối phương xuất hiện. Nhìn lên sườn lòng chảo chỉ thấy cây và rừng.

 Địch không nhìn thấy ta, nhưng ta lại nhìn rất rõ chúng.

 Sau này, chính uỷ đại đoàn 312 Trần Độ đã gợi lại một hình ảnh: “Khi pháo binh của ta bắt đầu giội xuống cụm cứ điểm Him Lam, tôi ở đài quan sát nhìn thấy rõ những đồn địch như những cái đe khổng lồ đang nằm chịu những nhát búa lửa liên tiếp”.

 Đờ Cát vẫn cầm máy nói. Hắn chờ đợi tin pháo binh của tập đoàn cứ điểm “trả lời” đối phương, nhưng chỉ nhận được những tin chẳng lành từ khắp nơi báo về. Trung tá Gô-sê, chỉ huy phân khu trung tâm, đồn trưởng Pê-gô và đồn phó Pác-đi của Bê-a-tơ-ri-xơ đều chết ngay từ những loạt pháo đầu tiên. Một viên đạn pháo 105 đã lọt vào hầm chỉ huy của họ...
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #102 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2010, 07:06:39 pm »

 ... Pháo dứt, bộ binh đối phương đã đột nhập cứ điểm 2 và 3. Cả trung tâm đề kháng không còn sự chỉ huy chung.

 Pê-gô và Pác-đi chết, Bê-a-tơ-ri-xơ như rắn không đầu. Từng cứ điểm tự lo phận mình. Pháo từ Mường Thanh chi viện lên khó khăn vì không nắm được tình hình diễn biến trận đánh.

 Đờ Cát đứng trước bản đồ cụm cứ điểm Him Lam. Ông ta suy nghĩ lung lắm. Đối phương đã bí mật làm cầu từ bao giờ mà họ nhanh chóng vượt qua sông Nậm Rốm để lao vào mỏm bắc và mỏm tây. Thế ba mỏm đồi ở Him Lam vững như kiềng ba chân. Chà! Những đại đội Lê dương tinh nhuệ vào bậc nhất. Sao đại đội lê dương 11 ở mỏm bắc để cho đối phương thọc sâu vào làm rối loạn đội hình, khống chế sở chỉ huy nhanh như vậy? Sau khi pháo đối phương ngừng bắn chừng một giờ, Đờ Cát không còn liên lạc được với mỏm này nữa. Có thể đại đội 11 đã bị tiêu diệt, mỏm bắc đã bị tràn ngập.

 Ở mỏm đông, theo tin tức đầu tiên thì đối phương đã bị chặn từ ngoài. Đó là một tin đầy hy vọng. Nhưng rồi những hoả lực bắn thẳng, những khẩu sơn pháo “tép” của Việt Minh đã lần lượt diệt các hoả điểm lợi hại trong các lô cốt. Những cuộc giáp lá cà cũng không cứu được mỏm đông khỏi bị mất.

 Đờ-Cát dồn hi vọng vào mỏm tây. Pi-rốt cho biết một phần trận địa pháo của hắn đã hồi phục và bắt đầu chi viện cho mỏm tây chiến đấu. Bước tiến của đối phương đã bị chặn đứng từ cửa ngõ mỏm tây. Rõ ràng những ụ súng ngầm và những hoả điểm di động đã phát huy tác dụng, nhờ sự chi viện của pháo Mường Thanh.

 Mong sao mỏm tây kéo dài trận đánh, đứng vững đến sáng. Quân từ Mường Thanh sẽ lên phối hợp phản kích.

 Nhưng rồi các hoả điểm di động và mai phục cũng lần lượt bị diệt.

 Đối phương đã mở được cửa, nhanh chóng thọc sâu và chỉ 15 phút sau, Đờ Cát mất liên lạc hoàn toàn với Bê-a-tơ-ri-xơ. Lúc đó là 22 giờ 30 phút.

 Tâm trí viên đại tá rối bời.


Cắm cờ trên cứ điểm Him Lam
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Chín, 2010, 07:12:40 pm gửi bởi dongadoan » Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #103 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2010, 07:15:38 pm »

 Trưa nay, khi đối phương bắn vài chục phát “ca nông xăng xanh” hắn ta đắn đo chưa báo cáo về Hà Nội cho Cô-nhi. Thật là khó nói khi mà pháo tập đoàn cứ điểm buộc phải im tiếng” trước sự xuất hiện của trọng pháo đối phương. Liệu cấp trên (cụ thể là Cô-nhi) sẽ suy nghĩ và đánh giá như thế nào khi nhớ lại những lời phô trương trước đây, nhất là của Pi-rốt về khả năng phản pháo.

 Chuyện buổi trưa, không báo cáo cũng được. Nhưng mất Bê-a-tơ-ri-xơ, một trung tá, hai thiếu tá, một tiểu đoàn thiện chiến của bán lữ đoàn 13... là chuyện không nhỏ. Liệu báo cáo thế nào đây. Không báo cáo thì không được tăng viện. Mà báo cáo thì...

 Hai mươi lăm năm sau, trong giới quân sự Pháp có người nhận xét như thế này: “Sự thất thủ nhanh chóng của trung tâm đề kháng Bê-a-tơ-ri-xơ là một tai hoạ như đã từng xảy ra  trong chiến tranh. Nhưng điều cần nói là đáng lẽ phải phản ứng tức khắc một  cách kiên quyết thì đại tá Đờ Cát lại để cho mình bị chìm đắm trong không khí bi quan mà sự kinh hoàng đã gây nên trong sở chỉ huy của ông ta. Chẳng những không tung ra bất cứ một cuộc phản kích nào để chiếm lại vị trí đã mất mà ông ta còn chấp nhận một cuộc ngừng bắn do Việt Minh đề xướng để cho phép người Pháp có thể thu nhặt thương binh của họ...”

 Chẳng là, sáng 14, giữa lúc Đờ Cát còn đang trong cơn bối rối, ôm đầu suy nghĩ bên cạnh cốc cà phê đã nguội lạnh do cô thư ký Pôn-lơ Buốc-giát-đơ mang lại từ lâu, thì một viên sĩ quan vào báo cáo có trung uý Tuyếch-panh từ Him Lam về.

 Viên đại tá vội lao ra. Nhưng rồi trông thân hình tiều tuỵ của viên quan hai thất trận này. Đờ Cát vừa bực tức, vừa kinh hoàng. Hắn cứ lùi dần, lùi dần.

 Sự việc xảy ra như thế này.

 Sau khi quân ta tiêu diệt vị trí Him Lam, Bộ chỉ huy mặt trận chỉ thị cho chính uỷ trung đoàn 141 Mạc Ninh viết một bức thư cho Đờ Cát, cho phép hắn sớm mai lên Him Lam lấy thương binh về. Bức thư viết xong, nhưng khi chọn tên tù binh thứ nhất, giao cho hắn đưa về Mường Thanh, hắn van nài “xin tha cho”. Đến tên thứ hai cũng vậy. Họ muốn vào trại tù binh hơn là trở về tập đoàn cứ điểm, nơi mà trận đánh đêm qua cho thấy, trước sau họ cũng không thoát chết.

 Trời sắp sáng. Thời gian không còn nhiều. Anh Mạc Ninh hạ lệnh cho một sĩ quan cầm lá thư đi. Hắn cầm thư xuống đường cái, lững thững đi về hướng sở chỉ huy của Đờ Cát, dáng lủi thủi như đi vào cõi chết.

 Tên sĩ quan của đơn vị Lê dương “nổi tiếng” vừa bị tiêu diệt ở Him Lam chính là trung uý Tuyếc – panh, bằng xương bằng thịt đang đứng trước mặt đại tá Đờ Cát.

 Đọc hay không đọc thư? Đối phương nói cái gì?

 Các sĩ quan tham mưu lúc đó đều đủ mặt. Không khí trong sở chỉ huy căng thẳng, mọi người im phăng phắc. Họ đứng như bị chôn chân trong hầm chỉ huy.

 Cuối cùng, Đờ Cát, tay run run đón nhận bức thư. Trên đầu hắn, từ chiều, cái mũ ca-lô mầu tiết dê đã được thay bằng chiếc mũ sắt, chính hiệu U.S.A.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #104 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2010, 07:17:50 pm »

 Hắn liếc mắt, lướt nhanh tờ giấy được xé từ một cuốn sổ nhỏ:

 “Gửi Đờ Ca-xtơ-ri, chỉ huy quân viễn chinh Pháp tạm thời chiếm đóng Điện Biên Phủ.
Được lệnh của cấp trên, tôi báo cho các người biết: Đúng 8 giờ sáng mai: các người được phép đưa một trung đội không vũ khí, có ô tô chữ thập đỏ, người đi đầu phải mang cờ trắng, đến Him Lam nhận thương binh về.
24 giờ ngày 13 tháng ba năm 1954”.


 Với lối suy nghĩ rất thực dân, hắn hỏi vu vơ:

 - Lòng nhân đạo hay một đòn tâm lý?

 Biết không phải hỏi mình, nhưng Tuyếc-panh thấy cần nói lên sự thật:

 - Lòng nhân đạo. Sau khi chúng tôi hạ súng, không một ai trong số hơn hai trăm con người sống sót bị họ đối xử tàn nhẫn. Họ còn cứu chữa cho thương binh của chúng ta.

 - Phải đón họ về thôi và chữa chạy cho họ. Chúng ta sẽ thiếu quân nếu Hà Nội không tăng viện. Câu nói phát ra trong đám sĩ quan tham mưu.

 Buổi trưa, một chiếc xe có cờ chữ thập đỏ và một chiếc xe tải theo đường 41 từ Mường Thanh tiến lên phía Him Lam. Viên đại uý quân y nhận một số thương binh.

 Và họ chỉ nhận một chuyến. Số thương binh còn lại bị đồng bọn bỏ rơi. Họ chửi Đờ Cát nhưng lại nói thẳng ra rằng ở lại là điều may. Mường Thanh đâu còn là nơi an toàn...

 Sau khi đắn đo, cuối cùng mọi việc xảy ra hai ngày qua đều được Đờ Cát điện về Hà Nội cho Cô-nhi. Tin mới nhất là một máy bay trinh sát đầu tiên bị hạ trên bầu trời Điện Biên. Pháo bị cháy trên sân bay là do pháo đất. Còn bị hạ trên không phận sáng nay là do pháo trời. Như vậy là có mặt cao xạ pháo 37 của Nga trên thung lũng Mường thanh, chứ không chỉ có pháo 105 mà thôi. Lại thêm một bất ngờ, một mối lo âu.

 Cô-nhi điện an ủi và hứa: Sẽ có một tiểu đoàn dù bản xứ ném xuống tăng viện. Sẽ bù số pháo bị phá huỷ, số đạn bị tiêu hao. Nhưng “phải phản kích lấy lại Bê-a-tơ-ri-xơ”.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #105 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2010, 07:19:35 pm »

 Lạy chúa ! Trong cuộc đời binh nghiệp của hắn ta, chưa bao giờ Đờ Cát nhận một mệnh lệnh trái khoáy như lần này. Phơi quân trên 2,5 kilômét đường trống trải đã là không an toàn. Phản kích lấy lại một vị trí mà tiểu đoàn 3 Lê dương tinh nhuệ nhường ấy còn không giữ nổi thì quả là một việc không thể làm được. Đã bắn hết 6.000 viên đại bác 105, tức một phần tư tổng số đạn trong kho, mà không giữ nổi Bê-a-tơ-ri-xơ. Muốn chiếm lại, liệu phải mất bao nhiêu đạn pháo nữa. Và lấy gì để đối phó với cuộc tiến công sắp tới?

 Đờ Cát do dự. Cơ quan tham mưu của hắn ta cũng do dự. Thế rồi cuộc phản kích lên Him Lam không được đặt ra nữa. Trước mắt, phải tập trung đối phó với cuộc tiến công thứ hai có thể xảy ra đêm nay. Có thể đến lượt Ga-bri-en.

 Trong lúc Đờ Cát và đồng bọn đang hoang mang sau khi vị trí Him Lam bị tiêu diệt, thì trên báo tường của bộ đội, một bài ca dao mới được dán lên:
Cắm cờ Bác giữa đồn Tây
Đờ Cát bảy vía lên mây cả mười.
Bác vui, Đại tướng cũng cười,
Khen: “Các chú giỏi tuyệt vời đã thắng Him Lam...”

 Đờ Cát đoán đúng.

 Ga-bri-en – vị trí đồi Độc Lập được chọn làm mục tiêu tiến công đêm 14.

 Đồi Độc Lập có tên cũ là Pú Vắng, tiếng Thái có nghĩa là Đồi Vực vì dưới chân đồi có một cánh đồng sâu. Giữa thế kỷ 18, giặc Phẻ tràn đến tàn sát nhân dân Điện Biên và dùng cánh đồng này làm hố chôn tập thể. Xương người trắng cánh đồng trũng. Từ đó, nhân dân đặt cho cánh đồng một tên mới, cái tên mang ý nghĩa hận thù: Tông Khao (cánh đồng trắng).

 Chính tại Đồi Vực này, nghĩa quân của Hoàng Công Chất đã giết tên trùm giặc Phẻ là Chẩu Phạ Tin Toòng, năm 1754. Đồi Vực – Tòng Khao từ chỗ là một dấu tích đau thương đã trở thành dấu tích chiến công của  ông cha mà mọi người dân Mường Thanh không mấy ai không biết.

 Đấy là câu chuyện đúng 200 năm trước.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #106 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2010, 01:59:11 pm »

 Sau khi nhảy dù xuống Điện Biên, quân Pháp phá trụi cây để xây dựng vị trí trên đồi Độc Lập này, ngọn đầu bầu dục dài 700 mét, rộng 150 mét và cao gần 500 mét. Vì ở riêng biệt trên phía Bắc, cách trung tâm Mường Thanh 4 kilômét, nên khi đặt tên cho các mục tiêu tiến công, điểm cao này được ta đặt cho cái tên là đồi Độc Lập. Với chiến công đêm 14 này, ngọn đồi đã cùng các địa danh khác của Điện Biên đi vào lịch sử.

 Đơn vị địch chiếm giữ đồi Độc Lập là một tiểu đoàn Âu – Phi tinh nhuệ, được tăng cường một đại đội nguỵ Thái, có nhiệm vụ án ngữ quân ta theo đường 12 tiến công từ hướng Bắc xuống.

 Cũng như đối với vị trí Him Lam, Đờ Cát có nhiều lý do để tin rằng quân của hắn ta có thể đứng vững được ở Ga-bri-en. Nào là vị trí này được tổ chức phòng ngự kiên cố không kém gì Bê-a-tơ-ri-xơ. Nào là tiểu đoàn 5 thuộc trung đoàn An-giê-ri thứ 7 (V/7e/RTA) cũng là một đơn vị tinh nhuệ rất đáng tin cậy. Sau trận thất bại ở Bê-a-tơ-ri-xơ, sáng 14 Đờ Cát đã ra lệnh tiếp tế đầy đủ cho Ga-bri-en “đến mức trung tâm đề kháng đủ sức cầm cự ít nhất được 4 ngày”. Về mặt chi viện pháo binh từ kinh nghiệm hôm trước và để lấy lại uy tín đã bị sứt mẻ sau thất bại trận đầu, trung tá Pi-rốt đã bảo đảm với viên chỉ huy Ga-bri-en rằng pháo Mường Thanh sẽ yểm trợ trung tâm đề kháng này “tới mức đối phương không thể gãi được cứ điểm”.

 Trước khi trận tiến công của ta bắt đầu, tại vị trí này có hai viên thiếu tá chỉ huy, Méc-cơ-nem hết hạn sắp rời tập đoàn cứ điểm để về nước. Cát - thiếu tá chỉ huy mới, vừa được cử lên thay thế. Họ chưa kịp bàn giao thì trưa nay theo lệnh của Đờ Cát, họ tổ chức báo động diễn tập đối phó với cuộc tiến công sắp tới của ta.

 Thật ra thì Méc-cơ-nem muốn bàn giao cho nhanh rồi chuồn, hòng thoát khỏi số phận của Pê-gô đêm trước. Nhưng Cát thấy trước nguy cơ vị trí sắp bị tiến công nên nấn ná, trần trừ, để Méc-cơ-nem vẫn chịu trách nhiệm về số phận của Ga-bri-en.

 Họ ra vẻ chủ động đề phòng trước. Nhưng thực tế cho thấy vừa vào trận đánh cả hai viên thiếu tá và cấp trên của họ ở sở chỉ huy Mường Thanh là Đờ Cát và Pi-rốt đều bị bất ngờ.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #107 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2010, 02:01:42 pm »

 Chẳng là đêm 14 trời đổ mưa rất to. Sơn pháo  được điều đến tham gia trận đánh tới chậm. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ thấy đến giờ nổ súng mà sơn pháo chưa đến đủ đã hạ lệnh cho lựu pháo 105 bắn vào cứ điểm để phá một phần công sự và uy hiếp tinh thần địch.

 Méc-cơ-nem báo cáo về sở chỉ huy Ê-pec-vi-ê. Đờ Cát hạ lệnh cho Pi-rốt sẵn sàng cho pháo bắn vào các đầu chiến hào của ta. Từ kinh nghiệm hôm trước hắn cho là cứ pháo ta chuyển làn là quân ta xung phong.

 Thế rồi, mấy lần pháo ta ngừng bắn là mấy lần pháo binh địch dội xuống trận địa xuất phát xung phong của ta. Đờ Cát và Pi-rốt đinh ninh rằng “đã nghiền nát hoặc ít nhất cũng chặn đứng được cuộc tiến công của đối phương”. Nhưng cứ mỗi lần như vậy, Méc-cơ-nem lại báo cáo về Mường Thanh: Chẳng thấy bóng Việt Minh tiếp cận hàng rào.
 
Thì ra hàng ngàn phát pháo đã rót xuống chỗ không người. Xung kích của ta vẫn ở lui về phía sau. Đờ Cát và cấp dưới không hề hay biết rằng do sơn pháo đến chậm, đối phương đã tương kế tựu kế thay đổi quy luật pháo hoả chuẩn bị. Sót vì số đạn mất toi tức vì bị mắc lừa. Hắn không ngờ đúng vào thời điểm đó, 3 giờ 30 sáng 15, trăng non vừa lặn, sơn pháo đã đến đủ và đã chuẩn bị xong quân ta chính thức mở cuộc tiến công.

 Đờ Cát vừa kịp lệnh cho Pi-rốt chi viện hoả lực thì đã được tin chừng nửa tiểu đội quân Việt Minh đã thọc thẳng lên mỏm Đông Nam. Đó chính là lúc tổ mũi nhọn của ta đã diệt trận địa súng cối 120 và đang đánh chiếm trung tâm thông tin của Méc-cơ-nem.

 Thấy quân ta ít, bọn địch bảo vệ hầm chỉ  huy tới tấp ném lựu đạn và xông lên đẩy lùi đối phương, giải vây cho bọn chỉ huy. Trước tình hình nguy ngập, Đờ Cát đích thân sang hầm của Pi-rốt, trực tiếp điều khiển hoả lực chi viện cho Ga-bri-en, giải toả sở chỉ huy của cứ điểm.

 Nhưng rồi, khoảng 4 giờ 30, một viên trái phá đã xuyên xuống hầm chỉ huy. Méc-cơ-nem bị thương nhẹ. Cát mất hẳn một chân. Liên lạc giữa Ga-bri-en với sở chỉ huy ở Mường Thanh bị gián đoạn.

 Ở mỏm Đông Bắc, ngay từ đầu Đờ Cát được báo cáo: sức ép của đối phương không đáng kể. Sau đó họ chỉnh lại hướng mở cửa. Rồi lại một mũi xung kích đầu tiên lao lên phối hợp với mỏm Đông nam diệt sở chỉ huy của Méc-cơ-nem. Ngay sau đó, lực lượng xung kích lao lên diệt các hoả điểm địch, chia cắt đội hình của chúng và làm chủ vị trí trước khi trời sáng.

 Sau này, khi đã bị thương và bị bắt làm tù binh, viên đại uý Giăng-đrơ đã nói với đồng bọn trong trại giam những suy nghĩ của anh ta về trận đánh trên đồi Độc Lập: “Các anh hãy nghe tôi. Một quân đội (ý nói quân đội thực dân xâm lược) không thể chống lại cả một dân tộc. Đó là chân lý. Người ta cứ giết họ, giết bao nhiêu lại có bấy nhiêu. Suốt đêm, hết đợt sóng này đến đợt sóng khác, họ lao lên đồi Ga-bri-en, hàng ngũ chặt chẽ...”.

 Thế là sau hai đêm, hai trung tâm đề kháng được coi là hai cánh cửa sắt của tập đoàn cứ điểm bị đập tan.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #108 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2010, 02:05:19 pm »

 Đờ Cát bất chợt nhớ lại lời răn đe của tướng Gin khi viên tướng này bàn giao cánh đồng Mường Thanh cho hắn ta ngày 7 tháng 12 năm ngoái: “Để mất một tấc đấc là cậu bỏ đời...!”.

 Viên đại tá thấy cần phải phản kích chiếm lại Ga-bri-en, không phải chỉ vì chấp hành lệnh gay gắt của Cô-nhi mà còn ví hắn bị ám ảnh bởi câu nói của Gin. Cả hai trung tâm đề kháng Bê-a-tơ-ri-xơ và Ga-bri-en đâu phải là “một tấc đất”?


 Trung tá Pa-di được lệnh đưa hai tiểu đoàn ứng chiến (trong đó có tiểu đoàn dù nguỵ thứ 5 – 5e B.P V.N – vừa được ném xuống hôm trước) cùng 8 chiếc xe tăng lên hướng đồi Độc Lập. Hắn không ngờ rằng quân ta đã dự kiến địch lên phản kích. Một đại đội thuộc đại đoàn 308, có sơn pháo yểm trợ, đã triển khai ngay đội hình trước khi trời sáng. Được pháo binh chi viện đắc lực, đại đội này đã đập tan cuộc phản kích. Hai tiểu đoàn của Pa-di, đội hình rối loạn tháo chạy về Mường Thanh.
 
 Ngày 15-3 đối với Đờ Cát thật là một ngày ảm đạm “Phần còn lại của ngày hôm đó, có yên tĩnh ở mặt trận nhưng không có yên tĩnh ở ban tham mưu của tập đoàn cứ điểm. Ở đó, một sự hoang mang – nếu không nói là một cái gì hơn thế nữa – đã thể hiện rõ. Trong hành lang của cái hầm dài có nóc kiên cố nơi có các bộ phận của ban tham mưu làm việc, những con người bối rối đi đi lại lại, mũ sắt chụp lút đầu mặt xám đi vì sợ hãi...”. Đó là nhận xét của Lăng-gle chỉ huy phó tập đoàn cứ điểm, sau khi ra khỏi trại tù binh của ta và viết cuốn sách nhan đề Điện Biên Phủ.

 Có những người bối rối nhất trong số những người bối rối mà Lăng-gle nói trên đây. Trước hết là tham mưu trưởng tập đoàn cứ điểm, trung tá Ken-le. Viên sĩ quan này hoảng loạn tưởng như phát điên. Hắn đến gặp Đờ Cát, đòi xin về Hà Nội “để được nhìn thấy mặt vợ con”. Trung tá Đuy-crúych được cử thay tham mưu trưởng Ken-le ngay ngày hôm đó. Cô thư ký riêng của ngài đại tá “xinh đẹp và hay son phấn” được coi như “bông hoa trong hầm chỉ huy” Ê-pec-vi-ê cũng không chịu nổi không  khí chiến trường căng thẳng đã xin chia tay với Đờ Cát để lên máy bay về Hà Nội.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #109 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2010, 02:08:28 pm »

 Sau khi vị trí đồi Độc Lập bị mất, sự kiện làm cho không khí trong sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm đã bi đát lại càng bi đát hơn đó là cái chết của Pi-rốt.

 Viên trung tá pháo binh cụt tay này được giới quân sự Pháp ở Đông Dương coi là một sĩ quan lão luyện. Một giai thoại được lan truyền là hắn có kinh nghiệm dùng một khẩu pháo 155 để diệt một trận địa pháo 105 của đối phương nếu hắn nắm chắc toạ độ của cụm pháo đó. Có điều mà giai thoại không nói đến là sau khi sang Đông Dương, Pi-rốt đã buộc phải bỏ hàng chục khẩu pháo để tháo chạy khỏi Lạng Sơn cuối năm 1950, để rồi ít ngày sau, nhận những lời xỉ vả không thương tiếc của tổng chỉ huy mới, tướng Đờ-Lát Đờ Tát-xi-nhi.

 Na-va tin vào tài của Pi-rốt, đưa hắn lên Điện Biên Phủ làm chỉ huy phó, đặc trách binh chủng pháo binh, một binh chủng đối với hắn đã trở thành nghề nghiệp.

 Người ta còn nhớ, ngày 26 tháng 1, khi bộ trưởng Giắc-kê lên thăm tập đoàn cứ điểm, có hỏi Pi-rốt về tình hình pháo binh. Viên trung tá đã hợm hĩnh trả lời rằng hắn có quá số pháo cần thiết ở Điện Biên Phủ. Và một lần nữa, trước mặt ngài bộ trường, Pi-rốt lại nhắc lại lời cam kết (đã trở thành một điệp khúc) rằng hắn sẽ khoá mồm pháo binh đối phương ngay từ loạt đạn đầu. Chẳng những riêng Giắc-kê mà cả phái đoàn tháp tùng ngài bộ trưởng đều trầm trồ khen ngợi và yên tâm. Vậy mà...

 Sau khi Bê-a-tơ-ri-xơ bị san phẳng, người ta thấy Pi-rốt đã khóc trước mặt Lăng-gle. Trung tá chỉ huy phó Lăng-gle khuyên trung tá chỉ huy phó Pi-rốt hãy mang tài năng vốn có, giúp cho Ga-bri-en “đứng vững”. Nhưng rồi cả đêm hôm 14, cả Pi-rốt và những khẩu pháo của hắn đã tỏ ra bất lực. Hơn nữa mới qua hai trận đấu, vốn liếng của Pi-rốt đã hao mòn quá lớn: một đại đội cối 120, 2 khẩu 105, một trong 4 khẩu 155. Số đạn vãi ra vô tác dụng lên tới gần 2,7 vạn viên.

 Ngày 15, bị Đờ Cát xỉ vả, Pi-rốt lủi thủi về hầm. Mấy phút sau một tiếng nổ khô khan phát ra. Tên lính cần vụ của hắn kêu cứu. Mọi người xô đến hầm của Pi-rốt. Một cảnh tượng khiến Đờ Cát và đồng bọn bàng hoàng, rùng rợn: đầu và ngực Pi-rốt nát nhừ. Cánh tay độc nhất bị đứt phăng. Bằng một quả lựu đạn, viên sĩ quan pháo binh đã trả giá cho những lời huênh hoang trước đây của hắn.

 Một cái hố được đào ngay dưới gầm giường. Xác Pi-rốt được vùi dưới một lớp đất, trên rắc vôi bột. Một bức điện bay về cơ quan tham mưu của Cô-nhi: “Trung tá Pi-rốt đã hi sinh trên chiến trường danh dự” (!)

 Đờ Cát muốn chôn vùi xác của Pi-rốt cũng như chôn vùi tin về cái chết của hắn. Nhưng tai vách, mạch rừng. Quan và lính ở phân khu trung tâm chỉ mấy phút sau đã rỉ tai nhau về cái gì vừa xẩy ra.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM