Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:30:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ truyện kể với bạn bè  (Đọc 104740 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #90 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2010, 08:28:54 pm »

 Hai tháng sau, khi địch đã đầu hàng, từng đoàn tù binh lũ lượt đi qua những con đường kéo pháo rộng thênh thang giữa đèo cao vực sâu, vắt từ sườn núi này qua sườn núi khác, họ đã phải kinh ngạc thốt lên: “Chỉ riêng việc làm đường để kéo những khẩu “ca nông” này, các ông cũng đủ thắng chúng tôi rồi...”.

 Trận địa lựu pháo cũng được xây dựng cùng một lúc với việc làm các tuyến đường kéo pháo.

 - Pháo này là vốn quý của quốc gia, của quân đội. Các đồng chí phải làm hầm kiên cố để bảo vệ nó.

 Chấp hành chỉ thị trên đây của đồng chí Tư lệnh chiến dịch, anh em đã đục núi, khoét hầm, đắp đất, lát gỗ đường kính từ 30 cm trở lên để hầm pháo có thể chịu đựng được bom ta và đạn xuyên của pháo địch. Để bảo đảm bí mật, các “công trường khai thác gỗ” được tổ chức xa trận địa 9 – 10 ki-lô-mét. Bài thơ trên báo tường của một đơn vị đã nói lên sự mệt nhọc của anh “bộ đội sơn tràng”:

Bốn mươi người một cột chuyển vào
Lặc lè bước thấp bước cao trên gò
Cột gì mà cột đến to
Nặng như chì giáng, cơ hồ sụn vai
Thở gì, thở cả đằng tai
Mồ hôi ướt vã cả hai mạng sườn.

 Chuyển gỗ vất vả bao nhiều thì đào hầm hào cũng gian khổ bấy nhiêu. Để xây dựng một trận địa khẩu đội, anh em đã moi từ 200 đến 300 mét khối đất đá sâu vào lòng núi rồi lại đổ lên nắp hầm đủ  khối đất đá đã đào. Nắp hầm pháo dày 3 mét, gồm nhiều lớp đất xen kẽ với những bố trúc. Mỗi khẩu đội còn có hẩm chỉ huy, hầm đạn. Mỗi đại đội chung một hầm ăn hầm nghỉ, hầm thương binh, hầm nấu ăn, hầm giấu xe, hầm hội họp hoặc vui chơi. Nối liền các hầm pháo là giao thông hào khá rộng và sâu, có rãnh thoát nước và hố tránh bom lửa. Gần khu vực mỗi trận địa thật lại có một trận địa giả, tổ chức để đánh lừa địch, thu hút bom đạn của chúng.

 Một khối công việc khổng lồ đã được hoàn thành đúng thời gian quy định cùng với hệ thống đài quan sát và mạng thông tin nối liền đội hình chiến đấu của toàn trung đoàn lựu pháo. Một tuần trước ngày nổ súng, một khẩu đội pháo được kéo thử vào trận địa. Các tổ trinh sát mang theo máy nói, bí mật tiến vào sát hàng rào cứ điểm địch để theo dõi. Nếu nghe tiếng động cơ xe kéo pháo từ ngoài vọng vào, lập tức báo về phía sau để xe tắt máy, dùng sức người bí mật kéo tiếp vào trận địa. Nhưng không một tổ trinh sát nào báo về. Thế là ổn. Yếu tố bí mật được bảo đảm. Đêm sau chia thành nhiều mũi trên các trục đường, đoàn “voi thép” lặng lẽ tiến vào trận địa.

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #91 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2010, 08:41:00 pm »

 Nếu các đơn vị lựu pháo chọn những sườn núi cao để đặt trận địa phía trên cứ điểm địch thì cao pháo lại buộc phải tìm trận địa dưới thấp, ngay trên mặt ruộng. Lúc đầu, dựa theo sách vở đã học, anh em báo cáo với cấp trên: trong 8 điều kiện cần có để chọn trận địa cao xạ thì ở Điện Biên này thiếu mất 7, chỉ còn một điều kiện là “không gần đường dây điện cao thế”! Trên chỉ thị đừng lệ thuộc hoàn toàn vào những quy tắc, phải cố gắng phát huy tinh thần sáng tạo của pháo binh quân đội nhân dân. Vấn đề được đem ra thảo luận. Cuối cùng mọi người nhất trí là phải khắc phục mọi khó khăn để bố trí cho được trận địa yểm hộ cho bộ binh và pháo mặt đất tiêu diệt địch. Thế là ngay trên lòng chảo Mường Thanh, bốn bề núi cao bao bọc, trận địa pháo cao xạ được đặt ngay cánh đồng Na Hi Bản Tố.

 Đào công sự ngay sát đồn địch, vấn đề bí mật an toàn được đề ra rất nghiêm ngặt. Phải đào ban đêm. Để tránh bổ cuốc vào đầu nhau, anh em lấy những mảnh nứa mục, có lân tinh, cài lên mũ. Dựa lưng vào nhau, đào từ trong đào ra, vừa an toàn, vừa tăng năng suất, vì yên tâm bổ nhát cuốc hết sức mình.

 Trời hửng sáng. Trận địa đào dở được nguỵ trang thành những đụn rơm, đến tối lại đào tiếp.

 Trong khi pháo thủ đào trận địa thì các chiến sĩ trinh sát bí mật luồn vào các điểm cao phía Bắc sân bay địch để tìm hiểu các loại máy bay, để có cơ sở tính toán tính năng, tốc độ từng loại phi cơ địch.

 Đêm 8 tháng 3, sau bao ngày gian khổ chuẩn bị đến lượt các khẩu đội cao xạ tiến vào cánh đồng, chiếm lĩnh trận địa, an toàn, bí mật, trước thời hạn quy định.

 Xây dựng trận địa đối với bộ binh cũng là một công việc mới lạ. Trước yêu cầu của trận đánh công sự vững chắc quy mô lớn, lần đầu tiên anh em xây dựng trận địa cho các cơ quan chỉ huy, trận địa tiến công, với quy mô lớn và tính chất ác liệt chưa từng thấy.

 Hàng vạn chiến sĩ dốc hết tâm sức, đổ mồ hôi và đổ cả máu để tạo nên “một thành phố ngầm” dưới đất. Bộ máy chỉ huy được đặt trong những hầm lớn, khoét sâu vào lòng núi thành những trận địa kiên cố, đủ sức chịu đựng phi pháo địch, lại có đủ phương tiện làm việc, nghỉ ngơi cứu chữa thương binh. Một bộ phận của “thành phố ngầm” đó là khu vực chiến đấu, là trận địa xuất phát tiến công của các đơn vị. Gần 100 ki-lô-mét chiến hào và giao thông hào vươn lên phía trước để bộ đội tiếp cận địch an toàn, chuẩn bị trận địa xuất phát xung phong, từ đó lao vào vị trí địch.

 Để có nơi ăn, ngủ, học tập và chiến đấu lâu dài, mỗi tổ ba người có một hầm chữ nhật trên lát gỗ và đổ đất dày đủ sức chịu đựng pháo địch. Một hệ thống giao thông hào liên tục nối liền các căn hầm của tổ ba người, của tiểu đội đến các hầm lớn của các cơ quan chỉ huy.

 Mạch máu chính của “thành phố ngầm” là một đường hào trục, vắt mình từ đồi này sang đồi khác, từ 4 mặt rừng, ngoằn nghèo bò xuống cánh đồng, được nguỵ trang kín đáo, bí mật tiến gần về phía địch. Nếu đối với bộ đội ta, đường trục là nơi trụ bám của các đường hào nhỏ và các trận địa, tạo thành một thế liên hoàn vững chắc thì đối với địch, đến trước ngày trận đánh bắt đầu đường trục và các chiến hào, giao thông hào, lại là một hệ thống thông lọng nhiều tầng, từ 4 phía từng bước xiết chặt cổ họng hàng vạn tên địch trong tập đoàn cứ điểm.

 Thấy trước nguy cơ đó, địch tung xe tăng, xe ủi đất và bộ binh ra để lấp các đường hào của ta. Việc xây dựng trận địa không còn là công việc lao động bình thường mà thực sự đã bước sang một giai đoạn mới, vừa lao động vừa chiến đấu ác liệt. Trong lửa đạn, các chiến sĩ phân công nhau, vừa kiên quyết chiến đấu đẩy lùi bọn địch xông ra phá hào, vừa ra sức dùng xẻng khoét đất cho thật nhanh, giấu mình xuống dưới mặt ruộng sớm phút nào hay phút ấy. Cuộc chiến đấu quyết liệt diễn ra suốt ngày đêm. Đêm ta đào, ngày địch cho xe ra lấp. Đem sau ta lại đào. Địch thường dùng hảo lực pháo binh hòng sát thương ta. Càng đào gần về phía địch, chúng càng phản ứng quyết liệt, việc xây dựng trận địa càng gian khổ, ác liệt không kém gì những trận chiến đấu thực sự, kéo dài liên tục đến trước ngày chiến dịch mở màn. Cuối cùng, một mạng chiến hào liên hoàn, hoàn chỉnh vây quanh  tập đoàn cứ điểm đã hình thành. Âm mưu địch ngăn cản quân ta xây dựng trận địa đã thất bại.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #92 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2010, 08:44:11 pm »

 Với phương châm “đánh chắc tiến chắc”, chiến dịch sẽ kéo dài. Vấn đề được Đảng uỷ mặt trận đặc biệt quan tâm là làm thế nào bảo đảm sức khoẻ cho bộ đội đánh lâu dài liên tục.

 Hậu phương chi viện không tiếc sức đã là nhân tố rất cơ bản. Bình thường hoá sinh hoạt của bộ đội cả về vật chất và tinh thần là biện pháp quan trọng đã được vận dụng tích cực triệt để tỏng suất quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch. Để bảo đảm tiếp tế cho bộ đội sinh hoạt và chiến đấu, bộ máy hậu cần chiến dịch lên tới trên 3.000 người một con số chưa từng thấy trong các chiến dịch trước.

 Hồi đầu Đông Xuân, trong những ngày hành quân, bộ đội đã thực hiện đúng yêu cầu của Bộ Tổng Tư lệnh: ăn tốt, đi tốt, nghỉ tốt. Chính do yêu cầu ba tốt đó mà hàng vạng con người đi bộ vác nặng, leo đèo lội suối, vượt chặng đường năm sáu trăm ki-lô-mét, đã tới đích đầy đủ quân số, khoẻ mạnh, đúng thời gian. Bước vào chuẩn bị và thực hành chiến đấu dài ngày, “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, yêu cầu mới được đặt ra là tích cực chỉ đạo chặt chẽ việc nuôi quân, phòng bệnh, bảo đảm cho bộ đội sống, vệ sinh, sạch sẽ, thoải mái, phấn khởi “gan không núng, chí không sờn” để chiến thắng địch.

 Sau khi phương châm chiến dịch thay đổi trong Mệnh lệnh tác chiến số 1. Bộ tổng tham mưu đã nhấn mạnh: “Bộ đội phải hoạt động một  thời gian tương đối dài trong những điều kiện khó khăn về địa hình, về tiếp té và khí hậu. Cần phải tăng cường phòng bệnh và cải thiện sinh hoạt để giữ vững sức khoẻ cho bộ đội...”.

 Bình thường hoá đời sống trong chiến hào đã trở thành một cuộc vận động sâu rộng trong các đơn vị. Nó bao gồm mọi mặt: tổ chức chỗ ở, chỗ ngủ, tổ chức ăn uống nóng, sạch, tổ chức vệ sinh tắm rửa, giải quyết vấn đề đại tiểu tiện, vệ sinh nơi đóng quân, phòng trừ dịch tễ, truyền nhiễm... Bình thường sinh hoạt thực chất là một cuộc đọ sức giữa ta và địch về mặt tổ chức đời sống để giành thắng lợi trong chiến đấu đồng thời cũng là cuộc đấu tranh giữa con người với thiên nhiên trong điều kiện chiến đấu khẩn trương, ác liệt.

 Chỉ đạo chặt chẽ việc bình thường hoá đời sống của bộ đội trong chiến hào cũng chính là thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch về trách nhiệm đối với sức khoẻ của chiến sĩ. “Lúc ra trận, việc đặt mìn phá  lô cốt đều do tay anh em đội viên làm. Nếu anh em tư tưởng vững, chính trị vững, kỹ thuật khá, thân thể khoẻ mạnh thì nhất định thắng. Trái lại nếu anh em chính trị khá, nhưng quân sự kém, hoặc chính trị quân sự đều khá nhưng thân thể yếu đuối thì cũng không thắng được”. Trước yêu cầu về sức khoẻ cho bộ đội chiến đấu trong điều kiện như ở chiến trường Điện Biên Phủ này, cán bộ các cơ quan trong Sỏ chỉ huy chiến dịch càng thấm thía lời dạy của Bác, càng quyết tâm thực hiện cho bằng được.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #93 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2010, 08:50:53 pm »

 Bảo đảm dinh dưỡng, cụ thể là bảo đảm chất đạm, chất tươi cho bộ đội đủ sức khoẻ chiến đấu liên tục dài này là mục tiêu phấn đấu và cũng là chiến công thầm lặng của các chiến sĩ quân nhu, của anh chị em dân công, từ hậu phương xa xôi, kiên trì cần mẫn “chỉ huy” hàng ngàn trâu bò, lợn... vượt mấy trăm ki-lô-mét ra mặt trận. Số lượng thực phẩm tiêu thụ hàng ngày ở mặt trận rất lớn: hàng chục tấn rau, hàng trăm con lợn... Bảo đảm  chất đạm đã khó, cung cấp chất tươi lại càng khó hơn. Cơ quan hậu cần mặt trận chủ trương tích cực đưa hạt giống các loại lên để hướng dẫn đồng bào địa phương cùng trồng rau cung cấp cho bộ đội, đưa hàng chục tấn đấu xanh lên để ngâm giá, đưa đậu tương lên để làm đậu phụ, đồng thời động viên các đơn vị tận dụng rau rừng để bữa ăn luôn luôn có rau tươi. Tổ chức đào củ mài, đánh cá ở suối và nhất là cử người về hậu phương dắt lên từng đàn gia súc hoặc làm thịt ướp đưa lên mặt trận... hậu cần các đại đoàn đã góp phần quan trọng cải thiện bữa ăn cho bộ đội.

 Nhờ sự hoạt động tích cực của cơ quan Hậu cần các cấp, sự giúp đỡ của nhân dân địa phương, quân ta đã được bảo đảm sức khoẻ chiến đấu liên tục trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của cả ba mùa đông, xuân và hè trên vùng rừng núi Tây Bắc.

 Bình thường hoá và cải thiện sinh hoạt cho bộ đội trong chiến hào không chỉ dừng ở chỗ bảo đảm ăn uống, vệ sinh phòng bệnh. Nhiều vấn đề cụ thể khác, như tờ báo, cỗ bài tu-lơ-khơ, điều thuốc lào, đến việc cắt tóc, và quần áo, nghỉ ngơi cho anh em đều được quan tâm.

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #94 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2010, 06:26:50 pm »

 Trải qua hơn nửa tháng lao động khẩn trương, tích cực, ngày 20-2, một cuộc hội nghị được triệu tập để kiểm tra lại các mặt chuẩn bị chiến đấu của các đơn vị và giải quyết thêm những vướng mắc tồn tại của cán bộ trước khi mở màn chiến dịch.

 Qua hội nghị nhận thấy, nếu về mặt vật chất kỹ thuật đã được tiến hành chuẩn bị tốt và đạt thành tích cao thì việc quán triệt phương châm tác chiến mới còn có mặt chưa thật đầy đủ. Cán bộ còn những lo ngại cần được thảo luận để quán triệt thêm trước ngày nổ súng: đánh lâu, địch sẽ tăng cường thêm lực lượng: bộ đội sẽ bị thương vong vì phi pháo địch: mùa mưa sắp đến sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt và chiến đấu của bộ đội, v.v...

 Dựa vào những điều lợi của cách đánh chắc tiến chắc mà Đảng uỷ mặt trận đã ra trong hội nghị trước những khó khăn sẽ xuất hiện và biện pháp khắc phục, mọi người thảo luận sôi nổi và sau đó dược giải đáp và kết luận cặn kẽ. Hội nghị nhất trí rằng toàn quân đang đứng trước một nhiệm vụ lớn lao chưa từng có. Nhìn về mọi mặt, ta có những khó khăn do chiến dịch kéo dài đặt ra và phải được giải quyết. Nhưng rõ ràng là địch còn khó khăn hơn nhiều. Tìm mọi biện pháp hạn chế khó khăn của ta, khoét sâu khó khăn và nhược điểm của địch, nhất định ta sẽ vượt qua cuộc thử thách lớn lao này. Cùng với chiến thắng to lớn mà quân và dân ta quyết tâm giành được trong mùa xuân này, quân đội ta sẽ lớn thêm lên một bước mới, vững chắc hơn.

 Như sau này Na-va thú nhận ông ta và cơ quan tham mưu quân viễn chinh Pháp không thể lường hết nỗ lực và khả năng của ta vượt qua những khó khăn tưởng chừng như không thể khắc phục nổi để bước vào trận chiến đấu quyết định này.

 Mặc dù đến cuối tháng 2, khi đại đoàn 308 đã trở lại chiến trường Điện Biên Phủ, phía Pháp tin rằng ta sẽ tiến công tập đoàn cứ điểm, nhưng họ không hình dung nổi chúng ta làm thế nào để giải quyết vấn đề hậu cần tiếp tế cho cuộc tiến công. Họ cũng không đánh giá hết nguy cơ của quân Pháp trong tập đoàn cứ điểm khi quân ta mở màn chiến dịch. Chẳng thế mà trong huấn lệnh ngày 25 tháng 2. Na-va vẫn tin rằng ta sẽ phải lui quân sau vài ngày chiến đấu. Ông ta nhấn mạnh nhiệm vụ của quân Pháp trong tập đoàn cứ điểm là phải kịp thời truy kích khi ta rút lui, phải  đánh phá căn cứ Tuần Giáo, cắt mọi đường rút chạy của ta, phải khai thác mọi tình thế thuận lợi để tiêu diệt chủ lực ta. v.v...

 Mãi 10 ngày sau, ngày 4 tháng 3, khi cùng Cô-nhi lên kiểm tra tình hình, Na-va nghi hoặc giả thuyết tập đoàn cứ điểm có thể đứng trước một đối thủ không thể coi thường, có cả quyết tâm và sức mạnh vật chất. Ông ta ngỏ ý muốn đưa thêm 3 tiểu đoàn lên để lập thêm một trung tâm phòng ngự nữa ở giữa hai phân khu Mường Thanh và Hồng Cúm để bảo đảm chi viện hoả lực cho cụm cứ điểm đồi Độc Lập (Gabrielle) và để có thêm lực lượng phản kích có hiệu lực hơn. Nhưng cả Cô-nhi và Đờ-Cát đều thấy không cần vì “càng thấy ta dâng thêm lực lượng. Việt Minh càng do dự và hoãn cuộc tiến công; cần phải khích họ tiến công ngay mới được”. Đờ Cát còn quả quyết: “Thật là một tai hoạ đối với tinh thần binh sĩ nếu Việt Minh không tiến công nữa ! Tất cả mọi người, từ sĩ quan đến binh sĩ đều sẵn sàng chở đối phương đánh vào. Chúng tôi không e ngại gì hết...”.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #95 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2010, 06:28:59 pm »

 Thấy quyết tâm của cấp dưới như vậy. Na-va yên tâm trở về Sài Gòn. Hai ngày sau đài phái thanh quân viễn chinh tung đi một bức thư ngỏ của tổng chỉ huy gửi tướng sĩ, khẳng định lòng tin vào chiến thắng sắp tới, tin rằng đối phương không thể đạt được mục tiêu chiến lược nào Na-va cũng để lộ ý đồ tiếp tục cuộc hành binh tiến công vào Liên khu 5. Hắn nói: “Từ nay đến lượt chúng ta tiến công...”.

 Thật ra, không phải Na-va không có cơ sở tuyên bố như vậy. Con chủ bài không quân mà ông ta yêu cầu Mỹ tăng viện đã bước đầu được thoả mãn. Thực hiện lời hứa cuối tháng 1 của họ, các tướng lĩnh ở Lầu Năm Góc đã gửi sang Đông Dương 200 kỹ thuật viên hàng không cùng với 10 máy bay B.26, loại máy bay ném bom cỡ lớn mà Na-va khao khát. Các đợt viện trợ về không quân sẽ còn tiếp tục. Người Mỹ hứa tìm mọi cách để kế hoạch Na-va không bị đổ vỡ.

 Nhưng có điều tổng chỉ huy Pháp không lường tới, đó là mục tiêu tiến công của các lực lượng vũ trang dối phương trên các chiến trường phối hợp với Điện Biên Phủ. Theo chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh của ta phải đánh mạnh trên các trục giao thông chiến lược quan trọng, đánh các phương tiện vận tải tiếp tế đường bộ và đường không của địch, góp phần cắt cái “nhau” tiếp máu cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, hỗ trợ đắc lực cho bộ đội trên chiến trường trọng điểm này hoàn thành những công việc chuẩn bị cuối cùng và tạo thêm nhân tố giành thắng lợi trong cuộc đọ sức quyết định sắp tới.

 Chiến tranh du kích được đẩy mạnh trong các chiến trường sau lưng địch chính là nhằm vào mục tiêu chiến lược đó. Đặc biệt là trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, nơi xuất phát nguồn tiếp tế mỗi ngày gần trăm tấn lương thực đạn dược cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân ta đã đánh mạnh trên các đường giao thông thuỷ bộ của địch. Chỉ trong mấy tháng đầu năm, hàng loạt trận đánh trên sông Hồng, sông Thái Bình, sông Luộc, sông Đáy, đã nhấn chìm trên 40 tầu chiến và ca nô địch. Đường chiến lược số 5, cuống họng chính mà địch dùng để bảo đảm cho cả chiến trường Bắc Bộ và riêng cho Điện Biên Phủ, luôn luôn bị uy hiếp, mặc dù địch đã rải quân ra và tìm trăm phương nghìn kế để đối phó. Lực lượng vũ trang ta ở đồng bằng coi việc đánh giao thông trên con đường này là một sự phối hợp thiết thực nhất với chiến trường trọng điểm Điện Biên Phủ. Ba tháng đầu năm, ta đã phá 35 đầu tầu, 340 toa tầu, hơn 100 xe tăng và xe cơ giới khác: đã phá hoại đường sắt làm tê liệt sự vận chuyển của địch trên đường sắt Hải Phòng – Hà Nội suốt một tuần lễ giữa tháng 3. Chiến công đặc biệt nổi lên là các trận tiến công hai sân bay Cát Bi và Gia Lâm. Trong hai trận đánh liên tiếp đầu tháng 3, quân ta đã phá huỷ gần 80 máy bay địch, trong đó không những gồm các máy bay phóng pháo B.26 mà cả những máy bay vận tải cỡ lớn C.47 mới được Mỹ viện trợ cũng bị phá huỷ.

 Đập thẳng vào lực lượng không quân, chỗ dựa duy nhất của Na-va để nuôi sống hàng vạn quân trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ quân dân ta trong vùng sau lưng địch đã góp phần quan trọng thực hiện chủ trương hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch, đã chia lửa một cách có hiệu quả với chiến trường trọng điểm trước ngày quân ta nổ súng mở màn chiến dịch.

 Được sự chi viện và động viên của cả nước, bộ đội và dân công trên chiến trường Điện Biên Phủ đã hoàn thành mọi công tác chuẩn bị.

 Từ hậu phương, Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng theo dõi từng bước hoạt động của bộ đội. Ngày 11 tháng 3, trong chiến hào Điện Biên, các chiến sĩ lắng nghe từng lời thư của Bác gửi bộ đội: “...Các chú sắp ra trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới...”

 Dịp Tết, Bác đã gửi quà ra mặt trận. Hôm nay anh em lại được nghe những lời ân cần tha thiết của Người trước giờ nổ súng.

 Một luồng gió phấn khởi tràn ngập từng căn hầm, từng đoạn chiến hào. Các tổ 3 người, các tiểu đội, trung đội, đại đội đều hạ quyết tâm thi đua lập công xuất sắc để chúc thọ Bác vào dịp ngày sinh sắp tới của Người.

 Với quyết tâm đó, số phận hàng vạn tên địch đang lúc nhúc trong lòng chảo Mường Thanh đã được định đoạt.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #96 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2010, 06:31:44 pm »

CHƯƠNG BỐN
NĂM MƯƠI LĂM NGÀY ĐÊM

15. PHÁ TOANG CỬA TẬP ĐOÀN CỨ ĐIỂM


 Đến trước ngày quân ta nổ súng mở màn chiến dịch, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được xây dựng hoàn chỉnh với 49 cứ điểm, quây lại thành 8 trung tâm đề kháng, hay gọi nôm na là cụm. Mỗi cụm mang tên một thiếu nữ21.

 Quân số địch trong tập đoàn cứ điểm đã lên tới 16.000 tên, trong đó có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh.

 Bộ chỉ huy của Đờ-Cát mang tên Ê-pec-vi-ê (Epervier).

 Bắt chước quan thày Na-va, Đờ Cát cũng sinh chơi chữ. Tiếng Pháp, từ Ê-pe-viê có nghĩa là một loài chim cắt, loài chim ác. Nhưng cũng còn một nghĩa khác là cái lưới bổ vây. Vì vậy, có người đặt vấn đề: cái tên Ê-pec-vi-ê đã phản lại Đờ Cát. Phải chăng hắn đã thấy trước sẽ bị từng từng lớp lớp chiến hào của đối phương bổ vây, như chiếc thòng lọng khổng lồ siết chặt cổ hay sao mà lại tự giam mình vào cái hầm mang tên “lưới bổ vây” như vậy?

 Về cái thòng lọng chiến hào, tôi sẽ có dịp kể với các bạn ở những trang sau. Bây giờ xin trở lại hình thù cái tập đoàn cứ điểm.

 Cửa ngõ của tập đoàn cứ điểm là 3 trung tâm đề kháng, từ phía Bắc chụp xuống như một cái nón, hay cái dấu (^). Từ phải qua trái, phía Đông Bắc là vị trí Him Lam, phía Bắc là vị trí đồi Độc Lập, phía Tây Bắc là vị trí Bản Kéo.
------------------------------
 21.
1. Ga-bri-en (Gabrielle) tức đồi Độc Lập.
2. Bê-a-tơ-ri-xơ (Beatrice), tức Him Lam
3. An-nơ Ma-ri (Annê Marie) gồm các cứ điểm ở tây bắc sân bay như Bản Kéo, Cảng Na...
4. Huy-ghét (Huguelte), cụm cứ điểm tây sân bay Mường Thanh hữu ngạn sông Nậm Rốm.
5. Clô-đin (Claudine), cụm cứ điểm nam sân bay Mường Thanh hữu ngạn  sông Nậm Rốm.
6. Ê-li-an (Êliane), cụm cứ điểm phía đông, tả ngạn sông Nậm Rốm, khu vực Sở chỉ huy của Đờ-Cát.
7. Đô-mi-nich (Dominique) cụm cứ điểm đông sân bay, tả ngạn sông Nậm Rốm.
8. I-da-ben (Irabelle) tức Hồng Cúm

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #97 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2010, 06:36:01 pm »

 Để quân ta có thể tiến xuống cánh đồng, tiếp cận và tiêu diệt 4 cụm cứ điểm ở trung tâm Mường Thanh. Bộ chỉ huy mặt trận chủ trương, trong đợt tiến công đầu tiên, tiêu diệt ba vị trí vành ngoài, cũng tức là đập tan tấm lá chắn che chở cho tập đoàn cứ điểm từ Đông Bắc đến Tây Bắc.

 Trong tất cả các vị trí của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Him Lam được quân Pháp xây dựng đầu tiên, mấy ngày sau khi chúng nhảy xuống cánh đồng Mường Thanh.

 Người địa phương gọi bản Him Lam và đồi Him Lam là Hin-Lăm. Tiếng Thái, hin là đá, lăm là đen; cái tên Hin-Lăm có liên quan đến vấn đề địa lý và địa chất trong một câu chuyện cổ tích – thần thoại của đồng bào Điện Biên. Trên sách báo, bản đồ, cho đến nay cái tên được dùng đã trở thành quen thuộc, nhất là từ chiến dịch Điện Biên Phủ, là Him Lam.

 Vị trí Him Lam được xây dựng trên điểm cao gần 500 mét, nằm ngay cửa ngõ Đông Bắc của cánh đồng Mường Thanh, án ngữ con đường Tuần Giáo – Điện Biên.

 Là cửa ngõ, ở vào vị trí “đầu sóng ngọn gió” nhằm đỡ đòn cho tập đoàn cứ điểm nếu đối phương tiến công từ hướng Đông Bắc vào cho nên Him Lam được coi là vị trí kiên cố nhất của tập đoàn cứ điểm. Đơn vị được Đờ Cát giao cho “đứng mũi chịu sào” ở vị trí Him Lam là tiểu đoàn 3 thuộc bán lữ đoàn Lê Dương thứ 13 (III/13 è DBLE). Trong lịch sử quân đội Pháp, 13e DBLE là một đơn vị có truyền thống, đã được xây dựng gần 100 năm. Nói truyền thống đây, xin hiểu là truyền thống xâm lược của quân viễn chinh Pháp.

 Vị trí xây dựng kiên cố vào bậc nhất. Đơn vị chiếm giữ lại là đơn vị thiện chiến hàng đầu. Vì thế mà Đờ Cát cũng như các cấp trên của hắn ta, từ Cô-Nhi đến Na-va đều tin rằng Him Lam sẽ đủ sức đương đầu với mọi cơn giông tố.

 Sự đánh giá chủ quan đó lan đến cả các sĩ quan cấp dưới.

 Trước khi nổ súng mở màn chiến dịch, các chiến sĩ của ta bắt một viên sĩ quan địch, khai thác những điều cần biết thêm để bổ sung cho kế hoạch tiến công Him Lam. Viên thiếu uý tù binh tên là Giắc-cơ khai rằng: Him Lam là một pháo đài bất khả xâm phạm. Pháo đài này do chính tay một cố vấn Mỹ ở chiến trường Triều Tiên về vẽ kiểu và trực tiếp đôn đốc xây dựng, tổ chức phòng ngự Tướng Mỹ Ô-Đa-ni-en đã cùng tướng Na-va thân chinh đến góp ý kiến và cả bộ trưởng quốc phòng Pháp Plê-ven cùng các tham mưu trưởng các binh chủng cũng đã đến tận nơi kiểm tra. Cuối cùng, với giọng tỏ ra thành thật, Giắc-cơ “khuyên” quân ta:

-... Tôi xin phép được khuyên các ngài một điều các ngài đừng có đụng vào Bê-a-tơ-ri-xơ!
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #98 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2010, 06:48:18 pm »

 Có thể địch đã ít nhiều đánh hơi thấy quân ta sắp tiến công vị trí Him Lam, nhưng ngày giờ nào thì chúng chưa nắm được.

 Hàng ngày, cứ vào 17 giờ, các sĩ quan chỉ huy các cụm đều đến hầm chỉ huy của Đờ Cát để báo cáo tình hình, nghe thông báo và nhận chỉ thị mới. Trong sinh hoạt quân sự, người ta gọi đó là chế độ giao ban.

 Cuộc giao ban chiều 12 tháng 3 cho thấy Đờ Cát và cấp dưới chưa hay biết là sắp đến ngày quân ta tiến công.

 Trong lúc trao đổi và phán đoán, họ có hai ý kiến trái ngược. Kẻ cho rằng ngày 13 ta sẽ tiến công thì viện lẽ rằng Việt Minh đánh vào ngày thứ bảy, vì ngày đó lính tây hay nhậu nhẹt, say sưa, không sẵn sàng chiến đấu. Đó là thời cơ để đối phương nổ súng. Kẻ khác thì cho rằng ai lại bắt đầu chiến dịch vào ngày 13, con số xúi quẩy.

 Ai cũng có lý. Nhưng là người chỉ huy cao nhất nên Đờ Cát cảnh giác hơn Hắn ta dặn bộ hạ: 1. Phải sẵn sàng đối phó để không bị bất ngờ; 2. Nếu đêm nay (12), Việt Minh chưa tiến công thì cuộc giao ban ngày mai vẫn bắt đầu vào 17 giờ như thường lệ.

 Nhưng còn 5 giờ nữa mới đến giờ như thường lệ tình hình đã thay đổi rồi.

 Từ sáng, bọn lính trong các vị trí có vẻ bồn chồn khác thường. Máy bay từ Hà Nội lên gầm rít từ sớm.

 Tám giờ. Hai chiếc Đa-cô-ta vừa hạ cánh xuống sân bay liền bị sơn pháo của ta bắn cháy. Ba giờ sau, thêm một chiếc khác ăn đạn cối 120 ly.

 Máy bay địch lồng lộn. Chúng trút bom xuống các cửa rừng, nơi nghi có quân ta tập kết. Máy bay trinh sát vè vè lượn nhiều vòng quanh lòng chảo Mường Thanh.

 Từ trên cao, bọn lái máy bay trinh sát báo cho Đờ Cát biết rằng chúng phát hiện một đoạn chiến hào của Việt Minh chỉ cách Bê-a-tơ-ri-xơ chừng vài trăm mét.

 Viên đại tá hỏi lại cả thiếu tá Pê-gô chỉ huy Him Lam và các phi công. Họ báo cáo: đây có thể là trận địa xuất phát xung phong của đối phương.

 Hai xe tăng và một đại đội bộ binh được lệnh tiến lên hướng Him Lam. Phải phá, phải lấp ngay trận địa của đối phương.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #99 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2010, 06:51:27 pm »

 Đường 41 từ Mường Thanh ra hướng Tuần Giáo là con đường lớn nhưng xe tăng bò chậm chạp. Bộ binh dò dẫm từng bước lên phía trận địa của ta. Các đài quan sát pháo binh báo cáo về. Và hầu như cùng một lúc, sở chỉ huy mặt trận nhận được báo cáo của bộ tư lệnh các đại đoàn 312 và 351. Các đơn vị yêu cầu cho lựu pháo lên tiếng, chặn bước chân địch bảo vệ trận địa.

 Từ mấy tháng nay, bộ chỉ huy chiến dịch chủ trương giữ bí mật đến phút cuối cùng sự có mặt của pháo lớn. Địch đã không tin rằng ta đưa được trọng pháo vào chiến trường và đưa được pháo lên núi Pháo chỉ lên tiếng khi trận mở màn bắt đầu để giành được yếu tố bất ngờ.

 Nhưng tình hình đã thay đổi. Trong khi lực lượng xung kích còn ở cả phía sau thì xe tăng và bộ binh địch ra phá trận địa. Phải bảo vệ trận địa để trận đánh bắt đầu vào chiều nay đúng theo kế hoạch. Đại đoàn 351 được lệnh cho pháo bắn 20 phát vào Him Lam, chặn xe tăng và bộ binh địch đồng thời kiểm tra độ chính xác của pháo. Đại đội 806 lựu pháo vinh dự được lên tiếng đầu tiên.

 Từ đài quan sát trên điểm cao 674, trinh sát viên báo cáo về: trừ hai phát bắn thử, 18 viên rơi rất chụm trên cứ điểm Him Lam. Hai xe tăng vừa lùi vừa bắn vung vít. Bộ binh địch chạy theo, vượt lên, lao về phía Mường Thanh. Trong khi lựu pháo bắn vào Him Lam thì sơn pháo tập kích vào sân bay, sở chỉ huy của Đờ-Cát và trận địa pháo địch. Một kho xăng bốc cháy. Hai máy bay chưa kịp cất cánh chạy trốn đã bị phá huỷ.

 Đờ Cát quát trong máy, hỏi Pi-rốt chỉ huy pháo binh: Ca-nông 105 của Việt Minh phải không? Sao không phản pháo cho nó câm họng đi?

 Khốn nỗi, ngay từ khi mấy viên đạn pháo đầu tiên rót xuống Him Lam, cả máy bay trinh sát và máy bay ném bom đều vội vã cất cánh, lượn đi lượn lại trên bầu trời Điện Biên, nhưng giữa cảnh rừng núi bao la, tìm đâu ra khói đầu nòng của những khẩu pháo đang nhả đạn. Thế thì phản pháo vào đâu. Chính vào giờ phút này, người ta nhớ lại những lời tuyên bố huyênh hoang được nhắc đi nhắc lại nhiều lần của Pi-rốt: “Tôi sẽ khoá mõm pháo Việt Minh ngay từ loạt đạn đầu...”

 Tâm trạng của Pi-rốt lúc này được Rê-côn, tác giả cuốn "Vì sao Điện Biên Phủ?" nhận xét như sau: “Từ giờ phút ấy, trung tá Pi-rốt đã cảm thấy bất lực và đêm hôm ấy, nhiều khẩu pháo của ông ta bị phá huỷ, càng làm cho ông ta không tin vào khả năng phản pháo của mình nữa...”
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM