Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:26:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ truyện kể với bạn bè  (Đọc 104743 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #70 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2010, 08:08:44 pm »

 Mười ngày qua, hàng vạn chiến sĩ và dân công đã không quản hy sinh gian khổ, nỗ lực đến cùng để chuẩn bị chiến đấu theo tinh thần hội nghị Thẩm Púa.

 Mờ sáng hôm nay, 25.1, khẩu lựu pháo cuối cùng đã chiếm lĩnh xong trận địa. Những quả trái phá vàng óng đã được lau chùi sạch bóng. Đài quan sát pháo binh bắt đầu hoạt động. Các đơn vị cao xạ 37 và 12,7mi-li-mét, nguỵ trang kín đáo đã nằm chờ sẵn trên cánh đồng Na Hi, Bản Tô. Khí tài quan sát và đo đạc đã được tháo khỏi hộp. Đường dây thông tin giữa đài và các trận địa pháo đã thông suốt. Ở các đơn vị bộ binh, không khí động viên chiến đấu rất sôi nổi. Lá cờ  Quyết chiến – Quyết thắng của đại đoàn 312 đã được chính uỷ trao cho đơn vị xung kích. Các chiến sĩ 308 ở hướng Tây đã đào xong công sự. Cơm nắm, bánh chưng đã được phân phối. Mỗi chiến sĩ đang hoàn thành những công việc cuối cùng với khí thế nô nức lập công.

 Từng đoàn dân công tiếp tục luồn rừng tải đạn, tải gạo vào hoả tuyến. Tiếng cười xen với tiếng chân rộn rã.

 Trong khi đó, tại Sở chỉ huy chiến dịch, Đảng uỷ Mặt trận bắt đầu cuộc họp quan trọng.

 Tin tức những ngày qua cho thấy tình hình địch đã có nhiều thay đổi. Tổ chức phòng ngự của chúng không còn ở tình trạng lâm thời chiếm lĩnh trận địa nữa. Trên cả ba phân khu, chúng đã tăng cường lực lượng, củng cố công sự. Cũng trong thời gian này, công tác chuẩn bị chiến đấu của ta không những chậm lại chưa hoàn chỉnh. Thời gian kéo pháo dài gấp ba lần dự kiến. Về mặt chiến thuật, còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết cụ thể, nhất là cách đánh khi vào sâu bên trong tập đoàn cứ điểm.

 Đồng chí tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái vừa đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến đấu của hai đại đoàn bộ binh và pháo binh. Về tới Sở chỉ huy đêm hôm trước, đồng chí đã báo cáo tình hình với đồng chí chỉ huy trưởng Mặt trận.

 Từ sau hội nghị Thẩm Búa và nhất là trong mấy ngày gần đây, vấn đề thu hút tâm trí của các đồng chí vẫn là cách đánh. Thực tế ngày càng khiến các đồng chí suy nghĩ, cân nhắc: trong điều kiện cụ thể như hiện nay, đánh nhanh giải quyết nhanh liệu còn phù hợp? Liệu còn bảo đảm mười phần chắc thắng?

 Hội nghị Đảng uỷ họp hôm nay, 25 tháng 1, chính là để bàn thêm về phương châm tác chiến, một vấn đề có tầm quan trọng quyết định thắng lợi của chiến dịch.

 Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng uỷ kiêm chỉ huy trưởng,báo cáo tình hình thay đổi của địch và công tác chuẩn bị chiến đấu của ta. Theo đồng chí, cần nghiên cứu thay đổi cách đánh. Tình hình thực tế không cho phép vận dụng phương châm tác chiến đã được xác định ở hội nghị Thẩm Púa. Trong điều kiện hiện nay, “đánh nhanh giải quyết nhanh” không bảo đảm thắng lợi. Cần lui thời gian mở màn chiến dịch, chuẩn bị thêm, đầy đủ hơn và theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”...

 Không phải ngay từ đầu mọi người đã nhất trí với nhận định trên đây.

 Có đồng chí cho rằng tập đoàn cứ điểm đang trong quá trình củng cố, cần tranh thủ đánh ngay. Càng để lâu, mục tiêu càng “cứng”, khó đánh và lực lượng ta có thể bị tiêu hao. Bộ đội đã sẵn sàng đợi lệnh nổ súng. Anh em đang náo nức lập công. Lui trận đánh lại, công tác chính trị tư tưởng sẽ khó khăn phức tạp. Chiến dịch kéo dài, vấn đề hậu cần vốn đã khó khăn càng trở nên khó khăn gấp bội. Đánh lâu, thời tiết khắc nghiệt, sức khoẻ bộ đội sẽ giảm sút, nhất là khi mùa mưa đến. Tóm lại,còn có đồng chí chủ trương theo phương châm tác chiến cũ, đánh nhanh giải quyết nhanh để hạn chế bớt khó khăn về nhiều mặt. Thực chất đó cũng chỉ là những ý kiến đã từng được nêu lên trong hội nghị cán bộ trước đây, ở Thẩm Púa.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #71 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2010, 08:11:01 pm »

 Đảng uỷ tiếp tục thảo luận. Ý kiến chân tình, rành rẽ, nhằm đạt tới nhất trí cao của cấp lãnh đạo chiến dịch.

 Trước khi bước vào Đông Xuân này, trình độ tác chiến của bộ đội mới đạt tới mức tiêu diệt một tiểu đoàn địch trong công sự vững chắc, bắt đầu và kết thúc trận đánh trong một đêm. Trong chiến dịch này, khi tổ chức phòng ngự của địch đã được củng cố vững chắc, để tiêu diệt gần 20 tiểu đoàn các loại trong một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, phải chọn cách đánh thế nào để bộ đội có thể chiến đấu liên tục ngày đêm trên cánh đồng bằng phẳng rộng hơn 100 kilômét vuông.

 Tại hội nghị Thẩm Púa, ta có cơ sở khách quan để xác định phương châm đánh nhanh giải quyết nhanh. Lúc đó, bố trí của địch còn tương đối sơ hở, binh lực hoả lực của chúng chưa được tăng cường nhiều, công sự chưa được củng cố thật vững chác. Đến nay, tình hình đã thay đổi. Cách đánh đó không còn phù hợp với trình độ tác chiến của bộ đội trong một chiến dịch công kiên mang tính chất trận địa quy mô lớn chưa từng thấy trong lịch sử quân đội ta.

 Một trong những nguyên tắc chỉ đạo tác chiến của Đảng là đánh chắc thắng. Nguyên tắc đó đã được nhấn mạnh trong hội nghị tháng 1-1953 của Trung ương và hội nghị tháng 9 của Bộ Chính trị. Trong chỉ thị trước khi bộ đội lên đường đi chiến dịch. Bác Hồ cũng nhắc lại nguyên tắc đó.

 Đành rằng thay đổi phương châm chiến dịch thành “đánh chắc tiến chắc”, việc chỉ đạo chỉ huy sẽ phải giải quyết nhiều khó khăn mới, nhất là về hậu cần tiếp tế. Nhưng bắc cân lên, giữa một bên khó khăn tăng thêm, đòi hỏi quyết tâm khắc phục để bảo đảm chắc thắng, với một bên khó khăn có thể ít đi nhưng không bảo đảm 10 phần thắng lợi, ta nên chọn bên nào? Ấy là chưa nói, khi đã không chắc thắng, chiến dịch bị “sượng” thì sẽ nảy sinh rất nhiều khó khăn mà hiện nay ta chưa lường trước được...

 Cuối cùng, Đảng uỷ hoàn toàn nhất trí: lui ngày mở màn chiến dịch, rút quân về nơi tập kết, kéo pháo ra vị trí an toàn, chuẩn bị thêm theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”, bảo đảm đánh là thắng.

 Thức tế sau này chứng minh: đây là một quyết định táo bạo nhưng sáng suốt, trong điều kiện ở xa Trung ương và Bộ Chính trị và trong điều kiện bộ đội đã triển khai, sẵn sàng đợi lệnh nổ súng theo kế hoạch, chiều 25-1. Trách nhiệm trước Đảng, trước sinh mạng hàng vạn chiến sĩ, trước ý nghĩa trọng đại của chiến dịch lịch sử, không cho phép những người cầm quân khinh xuất.

 Một bức thư hoả tốc được gửi về báo cáo Bộ Chính trị và Bác Hồ đề nghị phê duyệt chủ trương tác chiến mới và đề nghị động viên hậu phương chi viện bộ đội ăn no đánh thắng trong điều kiện chiến dịch có thể kéo dài. Đảng uỷ quyết tâm chỉ đạo chỉ huy bộ đội thực hiện bằng được nhiệm vụ Trung ương trao cho là tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

 Cán bộ các đại đoàn được gọi vào máy trực tiếp nhận mệnh lệnh mới của Bộ chỉ huy chiến dịch.

 Không phải không có cán bộ đại đoàn ngạc nhiên, sửng sốt trước mệnh lệnh đột ngột. Nhưng sau khi biết quyết tâm chung không thay đổi, nhớ lại phương châm "tích cực –chủ động – cơ động – linh hoạt" đã được thảo luận tháng 11 ở Việt Bắc và hai cách đánh đã được dự kiến ở Thẩm Púa, các đồng chí chỉ huy các đại đoàn đã đoán được ý định của cấp trên.

 Riêng với đồng chí đại đoàn trưởng 308 ngoài mệnh lệnh chung ra, còn mệnh lệnh đặc biệt. Bằng một ngôn ngữ riêng mà chỉ người trong cuộc mới hiểu, đồng chí tham mưu trưởng chiến dịch đã truyền đạt cho đại đoàn trưởng nhiệm vụ mới, đột xuất, ngoài dự kiến của đại đoàn. Và chỉ sau 24 giờ chuẩn bị, đêm 26.1 toàn đại đoàn lên đường, vượt các triền núi phía Tây sang đất bạn. Các chiến sĩ, bước chân thần tốc, hiểu thế nào là ý nghĩa việc phá sập phòng tuyến sông Nậm Hu, triệt mọi khả năng rút chạy của địch khỏi Điện Biên Phủ trói chặt chúng trong lòng chảo Mường Thanh để tiêu diệt.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #72 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2010, 09:07:13 pm »

 Có sử gia Pháp đã đồng tình một cách sai lầm với lập luận của Na-va cho rằng chính phủ Pháp đã giao cho quân viễn chinh sứ mệnh “bảo vệ nước Lào”. Trong cuốn sách của mình, cuốn  "Đông Dương hấp hối", viên tổng chỉ huy Pháp đã tốn nhiều công sức dùng vấn đề Lào để biện bạch cho việc chọn Điện Biên Phủ làm cái chốt chặn bước đối phương tiến quân sang hướng Thượng Lào. Ông ta gọi đó là ngăn chặn cuộc xâm lăng của cộng sản.

 Thực ra thì khi Hội đồng quốc phòng Pháp thông qua kế hoạch Na-va cũng như khi viên tổng chỉ huy gặp phái viên của Pa-ri là đô đốc Ca-ba-niên bốn tháng sau đó, về Lào đều không được đặt ra. Mặc dù đã có lúc (15.10.1953) vào dịp hiệp ước Pháp – Lào sắp được ký kết, bộ trưởng các Quốc gia liên kết Mắc Giắc-kê đã nói với Na-va rằng: “Sự sụp đổ của Luông Pha-bang sẽ buộc phải kết thúc chiến tranh”, nhưng Na-va chưa hề nhận dược lệnh chính thức của Pa-ri về vấn đề Lào.

 Đối với Na-va cũng như với 6 viên tổng chỉ huy trước hắn, ngay từ những ngày đầu sang Đông Dương, mọi hoạt động thực tế đều chứng tỏ rằng Bắc Bộ bao giờ cũng là chiến trường chính, quyết định số phận quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Vào mùa khô này cũng vậy. Đưa quân lên Điện Biên Phủ để yểm trợ cho Lai Châu, để thu hút chủ lực đối phương, đỡ gánh nặng nghẹt thở cho đồng bằng sông Hồng và đồng thời cũng nhằm bảo vệ cho Thượng Lào nữa. Kết quả, như sau này chính người Pháp thú nhận, cái lòng chảo lớn nhất trong số các lòng chảo ở vùng Tây Bắc sẽ là trận thất bại lớn nhất trong những thất bại của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

 Điều đáng chú ý là, trong các trang sách của họ, tướng lĩnh, ký giả và sử gia Pháp không muốn hoặc không biết nói sao cho đúng mối quan hệ Việt Lào và ý nghĩa hoạt động của lực lượng vũ trang tình nguyện Việt Nam trên đất Lào.

 Điện Biên Phủ là một huyện biên giới của một tỉnh biên giới Việt – Lào. Với huyện Mường Khoa tỉnh Phong Sa Ly của bạn, ta có chung một con đường, một dòng sông, một đỉnh núi. Đứng trên đỉnh dãy Pủ Xam Xao có thể quay phía này ngắm phong cảnh của Lào, ngoảnh phía kia, ngắm phong cảnh của Việt. Từ Luông Pha-bang có thể theo sông Nậm Hu của bạn vào sông Nậm Nứa của ta để lên phía Bắc vào sông Nậm Rốm đến chợ Mường Thanh.

 Điện Biên – Tây Bắc và Mường Khoa – Thượng Lào gần nhau đến mức:

Lào Việt đều nghe gà gáy sớm
Đôi bạn cùng nhen bếp lửa chiều.
......
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #73 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2010, 09:11:16 pm »

 Sau khi thả quân dù xuống Điện Biên, Na-va cho Cre-vơ-cơ (De Crevecoeur) chỉ huy quân Pháp ở Thượng Lào), rải 6 tiểu đoàn, lập thành phòng tuyến dọc sông Nậm Hu. Với cái gọi là “hành lang chiến lược” đó Điện Biên Phủ được nối liền với Luông Pha bang một điều kiện để, khi cần quân Pháp có thể rút chạy khỏi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sang hướng Thượng Lào.

 Về phía ta, kế hoạch giải phóng Lai Châu sau đó phát triển sang hướng Thượng Lào đã được Bộ tổng tư lệnh của ta và Bộ chỉ huy Quân đội Pha-Thét lào thống nhất từ tháng 8 và cụ thể thêm một bước vào tháng 11. Khi quân ta tập trung nỗ lực chuẩn bị trên chiến trường trọng điểm Điện Biên Phủ, ta và bạn đã phối hợp chiến đấu trên các hướng Trung và Hạ Lào. Sau khi phương châm chiến dịch Điện Biên Phủ thay đổi, hai bộ tư lệnh hai quân đội kháng chiến Việt – Lào lại nhất trí mở cuộc tiến công sang hướng Thượng Lào, tranh thủ tiêu diệt địch, mở rộng vùng giải phóng của bạn, đập tan phòng tuyến sông Nậm Hu, vừa đánh lạc hướng chú ý của địch, thu hút lực lượng không quân sang đối phó trên chiến trường Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta tiếp tục công tác chuẩn bị trên chiến trường Điện Biên Phủ hoàn toàn bị cô lập, tạo thêm nhân tố thắng lợi cho chiến dịch sắp tới.

 Nhân dân nước bạn đã chuẩn bị sẵn sàng bảo đảm tiếp tế cho quân ta kịp hành quân thần tốc sang phối hợp chiến đấu trên cả hai hướng lưu vực sông Nậm Hu và Phong Sa Ly.

 Trước đòn tiến công mạnh mẽ và bất ngờ của Liên Quân Lào – Việt, 17 đại đội của Cre-vơ-cơ vội vã đốt đồn bốt tháo chạy cũng không thoát khỏi bị diệt và bị bắt. Phòng tuyến sông Nậm Hu bị phá sập. Na-va vội vã ra lệnh chuyển ưu tiên sử dụng cầu hàng không cho mặt trận Thượng Lào để ném 9 tiểu đoàn xuống, thành lập thêm 2 tập đoàn cứ điểm ở Luông Pha-bang và Mường Sài.

 “Hành lang chiến lược” không còn, Điện Biên Phủ trở nên hoàn toàn bị cô lập và, một lần nữa cái túi quân cơ động của Na-va ở đồng bằng sông Hồng lại bị teo thêm.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #74 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2010, 09:12:36 pm »

 Báo chí Pháp và phương Tây sôi nổi đưa tin về cuộc hành quân thần tốc của đại đoàn 308 và trung đoàn 148 sang Thượng Lào. Họ gọi đây là một “cuộc chạy việt dã quái đản xuyên rừng rậm, vượt trên sức bất cứ quân đội nào”. Các nhà bình luận quân sự thì coi “Mặt trận Lào quả là một cái bơm, bơm cạn hết nguồn sinh lực của các mặt trận khác. Đồng bằng (Bắc Bộ), Át – Lăng (Liên khu 5) và cả Trung Lào nữa đều phải rút bớt quân đi để ném cho cái chiến trường bị đe doạ là Mường Sài và Luông Pha-bang”... “Những đơn vị tinh nhuệ của Na-va (các binh đoàn cơ động, lính lê dương, lính dù) nay thả chỗ này, mai ném chỗ kia, tuỳ theo cục diện chiến tranh (do đối phương chi phối), thoắt từ chiến trường này sang chiến trường khác và đến nay đã bị sử dụng đến mức chịu đựng cuối cùng của chúng rồi...”.

 Sau Lai Châu. Trung-Hạ Lào và Bắc Tây Nguyên, đây là đòn thứ 5 làm cho Na-va bị giằng xé trong một đống mâu thuẫn chiến lược: bảo vệ chiến trường, rừng núi và giữ vững chiến trường đồng bằng, tiến công và phòng ngự, chiến trường chính (Bắc Bộ) và các chiến trường khác...

 Chỉ đến ngày 23-2, khi đại đoàn 308 trở lại chiến trường Điện Biên Phủ, sau mùa xuân chiến thắng trên đất bạn. Na-va mới tỉnh táo nhận ra nhiều điều có ích. Thì ra Điện Biên Phủ không thể là cái chốt chặn chân đối phương tiến quân sang Thượng Lào. Thì ra đối phương không bỏ ý định tiến công Điện Biên Phủ. Điều đáng tiếc đối với ông ta, là những kết luận rút ra quá muộn!

 Như sau này tướng Pháp Y. Gras nhận xét, đến cuối tháng 2-1954, người Pháp không thể nào còn nuôi ảo tưởng đối với tình hình. Chắc chắn  tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sẽ bị tiến công. Và lúc đó tướng Na-va mới thực sự lo lắng. Ông ta lại vội vã tăng cường lực lượng để đối phó. Lực lượng dự bị không vận (quân dù dự bị ở Hà Nội) đã từ 3 tiểu đoàn tăng lên 5 tiểu đoàn. Quyền ưu tiên được chi viện bằng không quân đang từ hướng Thượng Lào lại được trao trả cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chỉ mấy ngày qua, khi quyền ưu tiên sử dụng không quân bị chuyển sang cho chiến trường Lào thì việc tiếp tế cho Điện Biên Phủ bị sững lại. Khẩu phần của binh lính trong tập đoàn cứ điểm bị rút bớt. Mức tiêu thụ xăng bị hạn chế. Số đạn dược trong kho vợi hẳn đi. Phải có ngay 700 chuyến máy bay để cho tập đoàn cứ điểm trở lại hoạt động bình thường. Cuộc tranh cãi về ưu tiên không quân cho chiến trường nào đã trở thành một trong những nguyên nhân mâu thuẫn ngấm ngầm giữa Na-va và Cô-nhi.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #75 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2010, 09:24:10 pm »

 Na-va đã phạm một sai lầm lớn khi vừa được tin đại đoàn 308 rời chiến trường Điện Biên Phủ sang hướng Thượng Lào đã vội cho là đối phương từ chỗ do dự đến chỗ bỏ cuộc, không dám tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thực ra thì sau ngày 25-1, guồng máy chiến đấu chung quanh lòng chảo Mường Thanh tiếp tục quay với tốc độ mới, khẩn trương và từng bước vững chắc.

 Khi nghe lệnh tạm ngừng tiến công và kéo pháo ra, không ít chiến sĩ và cả cán bộ cơ sở sững sở, không tin ở tai mình nữa. Rồi những tiếng thở dài, những lời phản ứng và cả những câu châm biếm nữa. Nhưng thực ra, đằng sau thái độ “bất bình” đó là một tâm hồn kỳ diệu, mang bản chất cách mạng của quân đội. Lính ta là như vậy, nhất là những chàng lính cũ, đã lẫn lộn trên mình cả chiến công và thương tích nhưng vẫn chưa hết tính bồng bột của tuổi trẻ. Lần này cũng vậy. Chai tay kéo pháo vào, chai tay đào công sự để rồi lại kéo pháo ra, để rồi ngừng cuộc tiến công?

 Phút thắc mắc dù có kéo dài nhưng rồi cũng tiêu tan. Và đến khi đó thì những lá truyền đơn khiêu khích mà Đờ Cát cho máy bay ném trắng rừng Điện Biên (để thách thức ta tiến công) chỉ còn là trò hề lố bịch. Anh em đã biết rằng quyết tâm của trên không thay đổi chúng ta không “bỏ cuộc” như quân thù lầm tưởng, rằng chúng ta chuyển hướng kế hoạch để chuẩn bị điều kiện chắc thắng hơn. Những bộ mặt lại rạng rõ hẳn lên, mặc dù biết trước bao nhọc nhằn đang chờ đợi.

 Trước mắt, việc kéo pháo ra được coi như một nhiệm vụ chiến đấu. Và ngay đêm 25 đáng ghi nhớ đó, công việc nặng nhọc này bắt đầu.

 Lại những tiếng mõ tre cốc cốc gióng giả gõ nhịp cho từng bước đi chậm chạp của từng con voi thép. Lại những địa danh kỳ lạ nhưng đã trở thành quen thuộc: Bãi Chuối... Lại thêm những gương hi sinh, quên mình bảo vệ pháo trước những chùm đạn đại bác những cụm lửa na-pan của địch.

 Lại thêm chín đêm nặng nhọc trôi qua.

 Sáng 3 tháng 2, mồng một Tết.

 Trời sáng dần. Ánh nắng đầu xuân xuyên qua khe lá chiến vào những nét mặt gầy tọp nhưng hết sức hân hoan. Những chú voi thép cuối cùng đã về đến địa điểm tập kết.

 Theo dõi từng giờ việc kéo pháo suốt gần 10 ngày qua, nhận được tin vui sáng nay, các đồng chí trong Sở chỉ huy mặt trận thở phào, nhẹ nhõm. Có đồng chí thốt lên: “Các chiến sĩ ta đã làm được một kỳ công...”

 Thắng lợi của việc kéo pháo ra càng làm cho các đồng chí lãnh đạo chiến dịch thêm vui, sau hàng loạt tin chiến thắng dồn dập những ngày qua. Đó là chiến công của 32 dũng sĩ thuộc đại đoàn 312 bảo vệ Đồi Xanh, chiến công của dũng sĩ Hoàng Văn Nò thuộc đại đoàn 316 trong trận Tà Lèng. Trên các chiến trường phối hợp, đó là tin thắng lợi ở các mặt trận Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào và đồng bằng sông Hồng... Tất cả hoà thành bài ca chiến thắng chung vào những ngày Xuân.

 Ra đi từ những ngày đầu kháng chiến, anh lính cũ đã qua gần 10 cái Tết xa nhà, nhưng chưa năm nào Tết vui như Tết chiến hào xuân Giáp Ngọ này. Trong hầm tiểu đội, anh em đọc chung thư chúc Tết của Bác Hồ, thư hậu phương báo tin thắng lợi cải cách ruộng đất ở quê nhà, thư của các đoàn thể và nhân dân địa phương, của anh em bầu bạn năm châu, những bức thư đượm tình quốc tế, vượt hàng ngàn hàng vạn ki-lô-mét đến tận chiến hào Điện Biên. Anh em uống chung nước trong chiếc ca quà Tết của Bác Hồ, ngắm chung bó hoa bộ ban đủ mầu tím hồng vàng đỏ, ăn chung miếng bánh chưng đượm hương vị quê hương. Anh em bộ đội pháo binh được vinh dự đón đồng chí Tổng tư lệnh đến thăm và chúc mừng năm mới. Vừa hoàn thành nhiệm vụ kéo pháo ra, anh em được thưởng một chầu tắm nước nóng, một bữa ăn tươi và đặc biệt là một giấc ngủ bù. Bộ đội sơn pháo 75 vừa lập chiến công đầu Xuân: sáng mồng 2 Tết bắn cháy chiếc máy bay đầu tiên trên sân bay Mường Thanh.

 Trên mỗi đoạn hầm trú quân của từng đơn vị, không khí Tết đến mang một nét riêng. Nhưng tất cả đều cùng chung một ý nghĩ: Phải làm gì để Xuân này là một mùa Xuân chiến thắng...
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #76 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2010, 09:28:56 pm »

13. HẬU PHƯƠNG DỐC SỨC


 Từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2, tức là khi quân ta kéo pháo ra đến khi đại đoàn 308 trở lại chiến trường Điện Biên Phủ sau cuộc hành quân thần tốc quét sạch địch dọc sông Nậm Hu, phía Pháp vẫn tin rằng ta bỏ cuộc, không tiến công tập đoàn cứ điểm.

 Có nhiều yếu tố khiến họ tin như vậy và tin một cách thực sự, cả về chủ trương chiến lược cả về khả năng tiếp tế của hậu phương. Về  chủ trương chiến lược, họ cho rằng ta không dại gì húc vào một tập đoàn cứ điểm “siêu Nà Sản”. Việc đó càng trở nên mạo hiểm khi hoạt động của ta đã lên đến đỉnh cao (!) trên các chiến trường khác suốt mấy tháng qua. Ta đã hụt hơi (!) Chẳng thế mà Cô-nhi đã đề nghị với Na-va không tăng thêm lực lượng lên Điện Biên Phủ nữa kéo đối phương thấy mục tiêu tiến công quá, họ sẽ “ngợp” trước sức mạnh của tập đoàn cứ điểm mà không dám tiến công. Vẻ hậu cần tiếp tế, họ nhấn mạnh chiến trường quá xa, hậu phương quá nghèo, phương tiện vận tải cơ giới không đủ để đáp ứng yêu cầu cho mấy vạn con người chiến đấu với một đối thủ được tiếp tế đầy đủ bằng đường hàng không hàng trăm tấn một ngày.

 Những tờ truyền đơn khiêu khích của Đờ Cát thả chung quanh Điện Biên Phủ để thách thức ta tiến công cũng như những lời tuyên bố huênh hoang của Cô-nhi với các phóng viên Pháp – Mỹ, đều bắt nguồn từ cách suy nghĩ và đánh giá trên đây.

 25 năm sau, tướng Pháp Y. Gras đã có giải thích tương đối đúng đắn vì sao chúng ta chưa mở cuộc tiến công. Theo Gras trong cuốn "Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương" thì:

...Bao giờ Việt Minh cũng xác định chiến lược của họ một cách hết sức thận trọng. Họ không coi chiến lược là một canh bạc (được ăn cả - ngã về không). Vấn đề đặt ra với họ là: Liệu có nên liều dốc toàn bộ lực lượng ưu tú của quân đội nhân dân vào  một cuộc phiêu lưu mà thắng lợi không phải là chắc chắn. Ông Giáp đã hạ quyết tâm với những lý do chiến lược cao tay hơn... Ông suy nghĩ cân nhắc nhiều về kế hoạch Na-va, một kế hoạch mà sự tồn tại có thực đã được báo chí rêu rao (như một hãng buôn quảng cáo chiêu hàng) Cần phải đập tan kế hoạch đó bằng mọi giá, nhất là khi ông đã nhín thầy tình thế phiêu lưu của quân Pháp khi họ bị ném xuống Điện Biên Phủ Ông đã nắm lấy cơ hội đó để hạ quyết tâm tập trung lực lượng tiêu diệt đối phương trong lòng chảo Điện Biên. Một thắng lợi quân sự giành được sẽ hỗ trợ một cách thiết thực cho sáng kiến về một giải pháp hoà bình mà Cụ Hồ Chí Minh đã mở ra khi trả lời phỏng vấn tờ báo Thuỵ Điển Expressen (11-1953). Nhưng để giành thắng lợi quân sự đó phải xem xét các vấn đề chiến thuật. Không phải là do dự trước một cuộc phiêu lưu mà là cân nhắc cách đánh để giành thắng lợi.

... Cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm đặt ra vấn đề hậu cần tiếp tế cùng một lúc – nếu không phải là đặt ra trước – vấn đề chiến thuật. Liệu có thể bảo đảm về mặt hậu cần cho một khối chủ lực quan trọng chiến đấu cách xa hậu phương của nó đến như vậy hay không? nhiều người – nhất là trong bộ tham mưu Pháp – cho rằng Việt Minh không thể làm được điều đó.

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #77 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2010, 09:31:47 pm »

 ... Từ cuối tháng 1, sau khi lựa chọn cách tiến công và vây hãm dài ngày, vấn đề chiến thuật và vấn đề hậu cần gắn chặt với nhau. Vây hãm dài ngày làm nảy sinh những khó khăn mới rất to lớn, về tiếp tế lương thực và đạn dược. Cuộc giao chiến kéo dài trước hết phải được giải quyết về mặt bảo đảm hậu cần cần bằng một trục đường bộ duy nhất. Đối với một chỉ huy Việt Minh phải có sự làm chủ và niềm tin khác thường mới có thể mở một chiến dịch quy mô như vậy, trong những điều kiện bảo đảm như vậy. Nhưng ông Giáp quan niệm rằng “cả một dân tộc sẽ tìm ra giải pháp cho vấn đề hậu cần”. Không nghi ngờ gì nữa, đó là quan niệm táo bạo nhất và kết quả đã nói lên sự thực hiện xuất sắc của bộ chỉ huy Việt Minh.
Và giải pháp “cả một dân tộc...” đã làm thất bại mọi tính toán và dự kiến của Bộ tham mưu Pháp những người từ lâu đã nuôi hy vọng cắt đứt hoặc ít nhất là làm chậm lại một cách có hiệu quả dòng tiếp tế hậu cần của đối phương, bằng cách ném bom con đường vận chuyển duy nhất của họ. Toàn bộ máy bay có thể huy động đều được sử dụng vào việc tiến công con đường tiếp tế đường 13 và đường 41. Thế nhưng trong các chuyến bay trinh sát cũng như ném bom, các phi công chỉ thấy toàn là rừng rậm đơn điệu, bạt ngàn vô tận. Bay trên lãnh thổ của Việt Minh, họ có cảm giác về một sự trống rỗng (chân không tuyệt đối. Đôi khi trong chớp mắt, họ bắt chợt bắt gặp một đoàn dân công trên một đoạn đường vòng. Nhưng ngay lập tức dân công bỏ lại hàng hoá và chạy tản ra dưới các lùm cây. Máy bay quay lại, ném bom bắn phá, nhưng sau đó, khi máy bay đã đi khuất “đàn kiến” lại trở về với công việc... Người ta nghĩ ràng trút hàng trăm tấn bom xuống hàng chục địa điểm có thể ngăn chặn bước đi của dòng dân công bất tận đó. Nhưng ngay sau khi con đường bị cắt đứt thì họ đã chuyển tải, mở những đường đi vòng, trong lúc một lực lượng chuyên trách cứ lấp các hố bom và sửa chữa con đường. Thế là chung quanh những quãng đường bị cắt, con đường đương được nhân lên thành một mạng đường vòng giống như một con sông mà người ta cố ngăn chăn, lại tìm được dòng chảy của nó bằng cách uốn quanh và biến thành những con suối. Không quân Pháp đã bất lực trong việc chống lại sự thô sơ của hậu cần Việt Minh: con đường không bao giờ dứt.

 ... Đêm đêm, dưới ánh  đuốc và ngày ngày dưới rừng cây, những đàn kiến khổng lồ kiên trì chăm chỉ làm việc trên những con đường, đường lớn cũng như đường mòn. Hàng ngàn hàng vạn người, trai cũng như gái, vận chuyển hàng hoá, dắt  ngựa và đẩy xe đạp thồ, đánh xe trâu, hướng dẫn các xe vận tải. Trong khi đó, những người khác,với xẻng cuốc trong tay, nhẫn nại hàn gắn những đoạn đường...


 Đấy là mấy đoạn tóm tắt những nhận xét và miêu tả của một viên tướng  Pháp. Ông ta công nhận: Hậu cần của ta thô sơ nhưng không quân Pháp đã bất lực trước những “đàn kiến” dân công vận tải tiếp tế cho chiến trường Điện Biên Phủ. Nhận xét đó đúng với thực tế 9 năm kháng chiến và càng đúng với mùa khô 1950-1954.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #78 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2010, 09:37:03 pm »

 Sau khi phê duyệt phương châm “đánh chắc tiến chắc” Bộ chính trị Trung ương Đảng đã động viên toàn dân dốc sức chi viện cho bộ đội phía trước thực hiện cho bằng được quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, phá tan kế hoạch Na-va.

 Về mối quan hệ hậu phương – tiền tuyến, xã luận báo Nhân dân (26-4-1954 đã chỉ rõ: “Mỗi khi tiền tuyến cần gì, chúng ta trả lời: Có ! không trả lời: Không ! Mỗi khi tiền tuyến đề ra việc gì, chúng ta phải trả lời: Làm được ! Không thể trả lời: Không làm được”.

 Khắp nơi nô nức hưởng ứng khẩu hiệu do Trung ương đề ra: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

 Trước yêu cầu của mặt trận 300 cán bộ của một lớp tập huấn công tác phát động quần chúng được chọn lên đường phục vụ tiền tuyến. Phong trào tòng quân rầm rộ chưa từng thấy. Từng đợt từng đợt tân binh, sau khi được huấn luyện, phấn khởi lên đường ra mặt trận. Cùng với thắng lợi của công cuộc phát động quần chúng nông dân, vùng tự do vừa qua hai vụ bội thu. Trong vùng tạm bị chiếm, địch bị buộc phải co hẹp phạm vi kiểm soát của chúng, diện tích cày cấy được mở rộng. Hướng về các chiến sĩ ngoài mặt trận, bà con nông dân xã này thi đua với xã khác đội này thi đua với đội khác, gặt nhanh, gặt gọn, phơi khô quạt sạch, đóng thuế nông nghiệp vượt yêu cầu, trước thời gian18. Bà con hát rằng:

Thóc nhiều, chiến thắng càng to
Đồn Tây càng đổ, câu hò lại vang
Đóng nhanh, nhanh nhất xóm làng
Em thách thôn chàng nộp đủ, nộp mau
Nắng nhiều sớm nở hoa cau
Đóng nhanh, thóc tốt, càng mau thắng thù...

 Từ các kho thóc hậu phương, từng đoàn dân công, từng đoàn ô tô đưa thóc ngược lên Tây Bắc, rót vào các kho thóc tiền phương như một dòng thác bất tận, hết lại có, vơi lại đầy.

 Có được hạt thóc đóng góp cho bộ đội ngoài tiền tuyến, bà con nông dân vùng tạm chiếm đã phải qua những ngày đấu tranh gay go với địch, từ lúc cầy cấy, gặt hái, đến lúc đưa được thóc ra vùng tự do. Mọi thủ đoạn dã man của địch, bắn giết trâu bò, phá lúa cướp thóc, ngăn đường chặn lối... cũng không cản nổi người nông dân yêu nước cùng hạt thóc vượt tuyến ra cung cấp cho anh bộ đội Cụ Hồ. Được binh tuyển đi thanh niên xung phong, đi dân công Điện Biên Phủ và nhất là đi bộ đội là một vinh dự lớn lao đối với mỗi người dân, mỗi gia đình yêu nước trong vùng địch tạm chiếm.
------------------------
 18. Con số 35 vạn tấn thóc thuế nông nghiệp thu được từ khu IV trở ra là một kết quả chưa từng có. Thuế nông nghiệp đã chiếm trên ¾ tổng số thu của ngân sách Nhà nước năm 1953. Được mùa, mặc dù đời sống còn khó khăn, nhưng không gia đình nào nộp dưới yêu cầu. Có gia đình nộp vượt mức 100%.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #79 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2010, 09:42:26 pm »

 Sau này, trong cuốn Đông Dương hấp hối, chính Na-va cũng phải nhận rằng quân viễn chinh không thể nào làm giảm sút được tinh thần yêu nước của người dân sống trong vùng gọi là do Pháp kiểm soát. Họ luôn luôn hướng về cách mạng, về kháng chiến. Họ luôn luôn hướng về cách mạng, về kháng chiến. Ông ta viết: “Trong vùng quân ta (quân viễn chinh Pháp) kiểm soát thì họ (Việt Minh) vẫn có một uy quyền bí mật, đánh bại được uy quyền của ta và cho phép họ thu được một quân bổ sung ở đó, họ chở ra rất nhiều gạo, muối vải mà họ cần dùng, họ mua sắm ở đó những chiếc xe đạp có tác dụng lớn trong công việc tiếp tế, các loại thuốc men cần thiết cho ngành y tế của họ, những hòm pin điện lắp vào mìn để giết hai binh sĩ chúng ta...”

 Đi đôi với việc động viên sức người của từ hậu phương xa đến, việc huy động khả năng tại chỗ, nhất là về lương thực, thực phẩm vẫn là một phương hướng được coi trọng. Một tấn gạo, tấn thịt do nhân dân đóng góp tại chỗ đặc biệt quý giá vì không những có giá trị gấp chục lần số lượng tương đương huy động từ hậu phương xa đến mà còn đáp ứng được nhanh chóng kịp thời cho bộ đội đang chiến đấu tại chỗ 32 vạn đồng bào Tây Bắc, phần lớn mới được giải phóng năm trước, mặc dù kinh tế nghèo nàn, dân cư thưa thớt, giao thông không thuận lợi nhưng với tấm lòng yêu nước vốn có, đã đóng góp cho bộ đội Điện Biên Phủ 7.310 tấn gạo (chiếm 29,1% tổng số gạo huy động, tức ½ tổng số yêu cầu của bộ đội), 800 tấn rau tươi, 389 tấn thịt.

 Người nông dân góp thóc cho bộ đội và cũng chính bằng đôi vai và cánh tay của mình, bà con lại đưa thóc ra tiền tuyến. Đáng chú ý là đồng bào Tây Bắc, nhất là trên các rẻo cao, rất ít khi xa nhà, “xuống núi, nghe ếch nhái kêu cũng nhức đầu không ngủ được”, vậy mà theo lời kêu gọi của Cụ Hồ, đã hăng hái lên đường  đi dân công, kề vai sát cánh cùng đồng bào miền xuôi phục vụ chiến dịch. Con số 31.818 dân công (thành 1.296.678 ngày công) nói lên sự cố gắng rất lớn, một thành tích rất lớn của nhân dân Tây Bắc góp vào thắng lợi chung của quân và dân cả nước mùa khô 1953-1954.

 Để kịp phục vụ yêu cầu của chiến dịch, Hội đồng Cung cấp mặt trận cố tranh thủ vận chuyển bằng cơ giới đến mức cao nhất, nhưng vai trò dân công vẫn không kém phần quan trọng19.

 Từng đoàn, từng đoàn dân công ở vùng tự do và cả vùng địch tạm chiếm, miền ngược có trai gái, già trẻ, ra đi như chảy hội lên hướng Điện Biên Phủ “Binh chủng dân công” thật nhiều  loại hợp thành: ngựa thồ, xe ngựa, thuyền mảng, nào gồng gánh, nào xe đạp thồ. Bom đạn địch đánh phá dọc đường, thời tiết khắc nghiệt mùa đông của núi rừng Tây Bắc, ăn uống kham khổ, trèo đèo lội suối... Không một trở ngại nào ngăn nổi bước chân người chiến sĩ dân công.
------------------------------
 19. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta huy động:
  - Gạo: 25.056 tấn (riêng Tây Bắc đóng góp 7.311 tấn)
  - Thịt: 907 tấn (riêng Tây Bắc đóng góp 389 tấn)
  - Thực phẩm khác: 917 tấn
  - Dân công: 261.453 người (riêng Tây Bắc đóng góp 31.818 người)  Bằng: 18.301.570 ngày công (riêng Tây Bắc đóng góp 1.296.078 ngày)
  - Xe đạp thồ: 20.991 xe
  - Ô-tô: 628 xe
  - Ngựa thồ: 17.400 lượt con
  - Thuyền mảng ca-nô: 11.800 chiếc.

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM