Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:07:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ truyện kể với bạn bè  (Đọc 104747 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #20 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2010, 05:32:53 pm »

 Người ta nói rằng Na-va vốn thận trọng, một thói quen, một đức tính của người đã nhiều năm lăn lộn trong nghề tham mưu. Sau khi tận mắt thấy rõ tính ưu việt của Điện Biên Phủ, Na-va thấy không cần vội vã. Sáu tiểu đoàn đủ chặn đường sư đoàn 316 sang hướng Thượng Lào rồi. Kinh nghiệm Nà Sản còn đó. Hơn nữa, Việt Minh đã bỏ kế hoạch tiến công vào đồng bằng của họ đâu. Đối phó với “Hải âu”, tướng Giáp chỉ tung một sư đoàn 320 ra phản công. Đối phó với “Ca-mác-gơ” cả  304, 325 không động đậy. Phía bắc đồng bằng 308, 312 và cả 351 nữa, còn đó. Phía nam sông Hồng, 304 và 320 sẵn sàng thúc lên. Cô-nhi nói thế mà đúng. Đồng bằng chưa thoát khỏi nguy cơ bị tiến công.

 Nhưng rồi Na-va sớm nhận ra là mình đã lầm. Chính cái buổi chiều 29-11 ấy, bất chấp là chủ nhật, cũng bất chấp là tổng chỉ huy mới đi công cán về, đại tá Béc-tây hối hả đến báo cáo nhiều tin tức quan trọng. Không phải chỉ sư đoàn 316 mà có tin cả 308 cũng đã lên đường. 312 vẫn bặt vô âm tín. Có tin Bộ tư lệnh Việt Minh yêu cầu chuẩn bị hàng ngàn tấn gạo cho hướng Tây Bắc. Đáng buồn là tin Pa-ris báo cho biết đừng hy vọng vào khả năng tăng viện và còn nhắc nhở phải “liệu cơm gắp mắm”, hãy điều chỉnh kế hoạch sao cho phù hợp với phương tiện có trong tay. Phải hiểu lối thoát danh dự mà Pa-ri chỉ thị không có nghĩa là tiêu diệt Việt Minh (một việc chắc chắn không thể làm được) mà chỉ cần làm cho đối phương thấy rằng họ không thể giành được thắng lợi quân sự trong cuộc chiến tranh này...

 Trong đầu tướng Na-va thật trăm mối tơ vò. Không có tăng viện; đánh bằng gì? Việt Minh bỏ kế hoạch tiến công đồng bằng hay sao mà họ lại kéo quân lên Tây Bắc? Một “con nhím”  loại vừa cỡ như Nà Sản liệu có đủ sức đối phó với mấy sư đoàn Việt Minh không? Liệu ý kiến của Cô-nhi có phải là một đề nghị khôn ngoan không? Đợi cho 308 lên đường rồi, tiến công lên hướng Thái Nguyên hay Phú Thọ, chặn đường tiếp tế của đối phương, kìm chân 312 lại, thậm chí buộc 308 phải quay về và thu hút cả 304 lên đối phó... Ôi chao! Phải tung bao nhiêu quân ra để làm được việc đó? Kéo quân đi, đồng bằng sẽ trống rỗng. Phải cẩn thận trọng cuộc đấu trí này với Việt Minh. Súng của họ nhỏ nhưng bộ não của họ lớn. Xa-lăng đã từng phải thú nhận như vậy.

 Na-va bỏ ý định bay vào Sài Gòn mà nghỉ lại trong cái biệt thự riêng ở gần Hồ Tây. Ông ta cần sự yên tĩnh để suy nghĩ. Hai lần trong một đêm phải uống thuốc an thần. Nhưng tất cả đều vô hiệu. Viên tổng chỉ huy qua một đêm chủ nhật thao thức.

 Nhất dạ sinh bá kế. Cuối cùng Na-va đã tìm ra lối thoát.

 Đối phương kéo đại quân lên Tây Bắc. Được lắm. Đã thế thì tương kế tựu kế hãy tổ chức Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm cỡ bự. Một là để thu hút nhiều hơn nữa  chủ lực của Việt Minh lên đây, bẫy họ vào tròng càng đông càng tốt. Như vậy sức ép của họ ở vùng châu thổ sông Hồng sẽ không còn nữa, đồng bằng sẽ “dễ thở” hơn. Hai là các cuộc hành binh lên vùng kiểm soát của Việt Minh ở trung du không cần thiết nữa. Cứ để cho chủ lực đối phương rảnh chân tiến quân lên Tây Bắc, không cần kìm chân họ làm gì. Ba là khi Việt Minh đã dồn lực lượng lên đây. Điện Biên Phủ sẽ là một cái “máy nghiền”, nghiền nát chủ lực của họ nếu Việt Minh dám liều lĩnh húc đầu vào con nhím khổng lồ này. Bốn là nếu họ không dám tiến công (mà họ lấy gì bỏ vào bụng để mà tiến công) thì mùa khô sẽ qua đi, khả năng đánh vào đồng bằng không còn nữa, cả về thời gian (muộn rồi) cả về thời tiết (mùa mưa đã đến). Và năm là quân viễn chinh ung dung thực hiện kế hoạch hành binh Át-lăng (Atlante), đánh chiếm khu đất thánh của họ ở khu 5 như kế hoạch đã định...

 Béc-lây và Cô-nhi khen chủ tướng là cao kiến, nhất là Cô-nhi. Viên chỉ huy miền Bắc này thấy bùi tai khi nghe nói quân “của mình” không bị đụng chạm đến, trừ vài tiểu đoàn cần thiết tăng cường lên Điện Biên Phủ và nhất là cái vùng đồng bằng “của mình” không bị uy hiếp nữa.

 Na-va yên tâm bay vào Sài Gòn.

 

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #21 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2010, 05:36:55 pm »

 Ba ngày sau, ngày 3-12, bằng giấy trắng mực đen, một mệnh lệnh từ tổng hành dinh bay đến tay Cô-nhi và tư lệnh các quân chủng, nói lên quyết tâm chiến lược của tổng chỉ huy Na-va.

 1. Xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, do Cô-nhi trực tiếp chỉ đạo, để tiếp nhận chiến đấu với chủ lực đối phương. Dù lực lượng Việt Minh có kéo lên bao nhiêu, cũng phải bảo vệ Điện Biên Phủ bằng mọi giá.

 2. Tăng cường ngay lực lượng và trang bị cho Điện Biên Phủ bằng số quân rút ở Lai Châu về (cuộc hành binh rút khỏi Lai Châu mang tên Pô-luých (Pollux) và bằng lực lượng đưa ở đồng bằng lên.

 3. Dùng một lực lượng chừng 6 tiểu đoàn, tổ chức một hành lang chiến lược nối liền Điện Biên Phủ với Luông Pha bang, dọc sông Nậm Hu, để Điện Biên Phủ khỏi bị cô lập và làm cho thế phòng ngự Thượng Lào thêm vững vàng.

 4. Trước khi chiến dịch Át-lăng bắt đầu, không quân phải dành ưu tiên số 1 cho Điện Biên Phủ.

 Mệnh lệnh còn chỉ rõ: giả định Việt Minh dám tiến công Điện Biên Phủ thì dự kiến cuộc chiến đấu ở đây cũng không thể kéo dài mà chỉ qua mấy giai đoạn:

 a) Một giai đoạn đối phương tập trung binh lực trong nhiều tuần. Quân đồn trú (tức quân Pháp ở Điện Biên Phủ) phải đẩy mạnh mọi hoạt động dưới đất và trên không để trì hoãn việc chuyển quân của đối phương và đánh phá các tuyến giao thông tiếp tế của họ.

 b) Một giai đoạn tiến công trong vài ngày. Quân đồn trú phải dùng hành động phản kích liên tục, buộc đối phương phải trả một giá rất đắt và phải đình chỉ trận đánh.

 c) Một giai đoạn đối phương phải chấp nhận thất bại và rút lui. Quân đồn trú phải kịp thời khuếch trương thắng lợi, nhanh chóng truy kích, gây thêm cho họ nhiều tổn thất trong suốt quá trình lui quân.

 Thật là một quyết tâm sắt đá, một nhãn quang chiến lược tuyệt vời. Và tất nhiên mọi người răm rắp luận theo, kể cả Cô-nhi, viên tướng to xác, “con gà trống tốt mã” đã từng tỏ ra lừng khừng khi thấy chủ tướng cứ moi dần quân ở đồng bằng đưa lên Điện Biên. Trong hàng ngũ sĩ quan cao cấp, không ai còn nghĩ rằng chỉ mới cách dây ít tháng, chính Na-va đã hết lời đả kích lối phòng ngự “kiểu Ma-gi-nô”, đã chê bai những “con nhím”, những pill-box (ý nói kiểu boong ke, kiểu tập đoàn cứ điểm của thời Đờ-Lát, Xa-lăng).
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Chín, 2010, 01:05:02 pm gửi bởi dongadoan » Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #22 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2010, 05:42:18 pm »

 Lệnh vừa phát ra, bộ máy chiến tranh của Pháp ở Bắc Đông Dương hoạt động nhộn nhịp hẳn lên. Cái công trường khổng lồ, bụi mù trên cánh đồng Mường Thanh, như một cái nhọt đang ung mủ, bỏng tấy lên hàng ngày. Số chuyến bay trên cầu hàng không Hải Phòng – Hà Nội – Điện Biên tăng lên gấp hai ba lần. Mọi thứ được đưa lên, hối hả, dồn dập: Quan và lính vôi cát và sắt thép, súng đạn và lương thực... Nhỏ là cùi dìa, phuốc-sét, bộ đồ pha cà phê, là sợi dây, cái đinh... To là đại bác 155, xe tăng M.24, là từng cuộn, từng cuộn dây thép gai. Những con số khổng lồ: 6 vạn chiếc dù, 3000 tấn dây thép gai...

 Hai tiểu đoàn Âu Phi được cấp tốc đưa  trót lọt từ Lai Châu về Điện Biên bằng máy bay (bỏ mặc số phận hơn 20 đại đội nguỵ Thái lếch thếch kéo bộ dọc đường Lai Châu – Điện Biên) ba tiểu đoàn Âu Phi khác từ đồng bằng lần lượt được đưa lên.

 Tướng Gin hết hạn viễn chinh, được hồi hương. Thay Gin chỉ huy tập đoàn cứ điểm là một sĩ quan thuộc loại kỳ cựu Đông Dương, một đại tá xe tăng, thuộc dòng dõi đại quý tộc, có cái tên dài dằng dặc: Chiristian Marie Ferdinand De la Croix De Castries xin gọi tắt là Đờ-cát. Na-va không cử lên đây một vị tướng như cỡ Gin vì theo ông ta, chân lý là ở chỗ một đại tá năng nổ và có tài còn hơn một viên tướng bất lực, chỉ biết ngồi chơi xơi nước, kể cả loại cỡ bự như Các-păng-chiê trước đây. Còn nhiều lý do khác nữa. Nào là Đờ-cát đã từng hoạt động dưới cái ô của Na-va khi còn ở một đơn vị xe tăng. Nào là đối với ông bạn Hoa Kỳ, Đờ-cát đã từng lọt vào mắt xanh của Ních-xơn khi ngài phó tổng thống Mỹ sang thăm Đông Dương và quá bộ ra tận chợ Ghềnh để thị sát chiến trường trong chiến dịch Hải âu và đã từng ngỏ lời khen đại tá Đờ Cát là viên chỉ huy xông xáo. Nào là...và vân vân...

 Phát lệnh đi xong và sau khi biết Đờ Cát đã có mặt ở Điện Biên, Na-va yên tâm với chiến trường Bắc Đông Dương, kể cả địa bàn trọng điểm Điện Biên Phủ, nơi con chuột nước đang nhanh chóng biến dạng thành con nhím khổng lồ, xù lông hết cỡ. Từ đầu tháng 12 mọi suy nghĩ của Na-va hướng vào cuộc tấn công chiến lược ở Miền Nam, vào cái vùng đồng bằng khu 5 đầy hấp dẫn. Đêm đêm, cái tên At-lăng cứ chập chờn trong giấc mơ màng của ngài tổng chỉ huy.

 Con đường trước mắt hứa hẹn biết bao hy vọng. Báo chí phương Tây tốn không ít giấy mực để dự đoán rằng kế hoạch Na-va, một kế hoạch đầu lưỡi của giới quân sự Pháp – Mỹ và của các ký giả phương Tây, sẽ nhất định làm đảo lộn thế cờ.


Chiristian Marie Ferdinand De la Croix De Castries
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #23 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2010, 12:27:41 pm »

Chương hai
HIỆP ĐẦU CỦA CUỘC ĐẤU TRÍ

5. BÀN CỜ CŨ – ĐẤU THỦ MỚI


 Khoảng cuối tháng 5, chúng ta được tin cụ thể về việc Pari thay tướng.

 Trong cơ quan tham mưu chiến lược của ta, có ý kiến cho rằng đây là một dịp để điểm mặt những viên tướng đã phơi áo trên chiến trường để rồi phải ra đi với nỗi lòng chua xót của kẻ bại trận. Điểm mặt những kẻ đã qua để hiểu mưu đồ của kẻ sắp tới.

 Đối mặt với quân thù trong điều kiện không cân sức bảy năm qua ta đã liên tiếp làm thất bại các kế hoạch chiến lược của 6 viên chỉ huy Pháp.
Lơ-clec cùng Va-luy hùng hổ kéo quân sang với hy vọng chỉ bằng “một cuộc diễu hành quân sự” trong vòng vài tháng cũng đủ hoàn thành nhiệm vụ mà tổng thống Đờ-Gôn trao cho là “mang lá cờ tam tài trở lại một thuộc địa cũ”. Chiến lược đánh nhanh thắng nhanh bị hoàn toàn phá sản bằng cuộc tiến công lên Việt Bắc cuối 1947, đúng vào dịp quân ta tròn 3 tuổi, chỉ 3 tuổi, một quân đội cách mạng đã thắng một keo quan trọng tỏng năm đầu thử sức toàn diện với đội quân viễn chinh có lịch sử xâm lược hàng trăm năm.

 Tướng Ble-đô sang với mưu đồ khoá chặt hơn nữa biên giới Việt –Trung và giữ cho được “vùng đồng bằng có ích”. Nhưng muộn rồi ! Mặt trận vùng sau lưng địch đã mở nhằm biến hậu phương quân viễn chinh thành tiền phương của lực lượng kháng chiến. Những “chấm đỏ” lần lượt xuất hiện ngày càng nhiều trong vùng quân Pháp kiểm soát nhất là ở  đồng bằng Bắc Bộ. Ble-dô-thất bại, ra đi, nhường chỗ cho Cac-păng-chiên. Viên tổng chỉ huy thứ tư này chưa ngồi ấm chỗ, thì “thảm hoạ đường số 4” đã ập tới. Quân ta giành thắng lợi lớn trên chiến trường biên giới. Chiến tranh đi vào bước ngoặt.

 Pa-ri quyết thay ngựa để đảo lộn thế cờ. Một Đờ-Lát cỡ bự 5 sao được cử sang Đông Dương, cùng với viện trợ Mỹ đổ vào như nước. Vừa tới nơi. Đờ-Lát đã phải dốc sức dập tắt những đám lửa bùng lên ở trung du và đồng bằng. Bị động vẫn hoàn toàn bị động. Lại đi theo con đường cũ: bắt lính, càn quét, hòng xoá “những chấm đỏ” đã quá nhiều trong vùng châu thổ sông Hồng. Cái mới và “cao tay hơn”: phòng tuyến boong-ke được dựng lên quanh đồng bằng Bắc Bộ. Khốn nỗi, đã qua rồi, những ngày đối phương đánh qui mô nhỏ. Các binh đoàn  đã ra đời. Quả đấm chiến lược tuy chưa thật mạnh nhưng cũng đánh dấu một bước trưởng thành quan trọng của lực lượng kháng chiến. Ba thứ quân đã đứng rất vững trên chiến trường với thế kiềng ba chân. Trước khi về chầu Chúa. Đờ-Lát đưa quân ra Hoà Bình, để lại cho người thay thế là Xa-lăng một gánh nặng chĩu vai. Thất bại ở Hoà Bình rồi Tây Bắc và mới đây nhất là cuộc “ma-ra-tông bất đắc dĩ” trên chặng đường gần 300km ở Thượng Lào. Xa-lăng cắp áo ra đi với nỗi cay đắng của 30 năm “thâm niên” trên bán đảo này, bắt đầu bằng cái lon trung uý đồn trưởng Đình Lập và kết thúc bằng 4 sao trên cầu vai tổng chỉ huy.

 Và giờ đây, một Hăng-ri Ơ-gien Na-va sang.

 Trong những ngày tháng 6, tháng 7 – 1953, chúng ta chưa biết gì nhiều về viên tổng chỉ huy mới này và kế hoạch chiến lược của hắn. Một sĩ quan tình báo kỳ cựu? Một cán bộ tham mưu trong khối NATO? Được! Tìm hiểu, phán đoán, bắt mạch mưu đồ mới của kẻ thù... Trên bàn cờ mà xe pháo của chúng đã bao phen tan tác, liệu đấu thủ mới sẽ đi những nước “cứu thế” ra sao?

 Con số thống kê cho thấy chủ lực của địch vẫn đông hơn ta. Vậy mà những tin tức đầu tiên cho thấy Na-va tiếp tục tập trung quân. Khối chủ lực cơ động của chúng lớn nhanh và vón cục ở đồng bằng Bắc Bộ.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #24 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2010, 12:31:06 pm »

 Đồng bằng. Bước sang cái năm thứ tám của cuộc chiến tranh này, anh bộ đội nông dân mặc áo lính nhiều lúc hướng suy nghĩ về đồng bằng. Ước mong da diết được về giải phóng quê hương.

 Ngoài vùng tự do này đang tiến hành cải cách ruộng đất. Trong khi đó, sau luỹ tre xanh ở miền xuôi xa tắp kia, những người thân còn phải sống sát đồn bốt địch, còn còng lưng trên cánh đồng chưa thuộc sở hữu của mình. Giải phóng quê hương, một ước mong trăm phần chính đáng của người con ra đi chiến đấu, đã vắng nhà gần chục năm.

 Nhưng từ hội nghị đầu năm. Trung ương đã nhận định rằng đồng bằng là chỗ rắn của địch. Hướng đi của ta là “tạm thời tránh chỗ mạnh đánh chỗ yếu”. Điều mà các cấp chỉ đạo chiến lược của ta quan tâm suy nghĩ trong những ngày cuối hè đầu thu này, là làm thế nào để phân tán khối chủ lực mà địch đang ra sức xây dựng và tập trung phần lớn ở đồng bằng, để tiêu diệt từng bộ phận của chúng. Phải chọn hướng chiến lược địch sơ hở nhưng lại là hướng quan trọng. Địch sơ hở thì ta có thêm điều kiện thuận lợi để tiêu diệt chúng. Nhưng phải là hướng quan trọng thời  mới “buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa điểm xung yếu mà chúng không thể bo”13.

 Chủ trương chung là như thế. Nhưng cụ thể, chọn hướng chiến lược nào ? Các cấp lãnh đạo tiếp tục suy nghĩ, cân nhắc ngay trong quá trình tìm hiểu sâu hơn, cụ thể hơn về mưu đồ của địch, về kế hoạch Na-va. Và vấn đề đã được  kết luận trong hội nghị Bộ Chính trị tháng 9. Địch đã rút quân khỏi Nà Sản, một tập đoàn cứ điểm mà ta đã từng dự kiến sẽ tiêu diệt trong thu đông này. Bây giờ, cả vùng Tây Bắc bao la, địch chỉ còn lại ở Lai Châu. Mấy tiểu đoàn trơ trọi trên vùng rừng núi trùng điệp như hòn đảo chơi vơi giữa biển cả. Tiêu diệt bọn, cả địa bàn Tây Bắc rộng lớn sẽ hoàn toàn được giải phóng. Mặt khác, đây là một vùng chiến lược quan trọng, liên quan trực tiếp đến số phận quân viễn chinh Pháp ở Thượng Lào. Địch không thể không đưa quân lên đối phó, tuy lúc này ta chưa khẳng định được thời gian và địa điểm cụ thể. Như vậy, chọn hướng Tây Bắc, ta sẽ đạt được cả mấy mục tiêu chiến lược: tiêu diệt địch, giải phóng đất đai và nhất là buộc địch phải phân tán lực lượng, tạo điều kiện cho quân ta đánh lớn theo phương hướng đã được vạch ra từ hội nghị đầu năm của Trung ương.
--------------------------
 13. Võ Nguyên Giáp – Điện Biên Phủ, in lần thứ 6, Nxb QĐND Hà nội, 1979, trang 63.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #25 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2010, 12:46:47 pm »

 Kế hoạch chiến lược hình thành và được phê duyệt. Tháng 11, một cuộc hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt được triệu tập ở Tổng hành dinh tại Việt Bắc, giữa lúc các đơn vị, các chiến trường đang trải qua những ngày mong đợi, mong đợi quyết tâm của trên, mong đợi ngày lên đường.

 Hội nghị phổ biến kế hoạch tác chiến Thu Đông năm nay làm muộn, so với mọi năm.

 Vẫn khu rừng nứa. Vẫn những nụ cười tiếng nói quen thuộc. Nếu chú ý ta sẽ thấy họ nhà pháo năm nay có mặt đông hơn, gồm cả những gương mặt mới, khiến các đại biểu bộ binh cảm thấy có cái gì khác về qui mô tác chiến mùa khô này. Người ta đoán, xuất trận mùa chiến dịch năm nay, không chỉ có pháo “tép”. Chẳng thế mà có đồng chí đại đoàn trưởng đã nói vui khi bắt tay các đồng chí chỉ huy pháo binh:

 - Gặp mặt các “ông” hôm nay tôi “ngửi” thấy đâu đây có mùi trọng pháo...

 Nỗi vui mừng, lòng tin tưởng vào chiến đấu hiệp đồng với pháo lớn lần đầu ra trận, cả pháo đất và pháo trời...

 Hội nghị mới qua hai ngày và đang diễn ra những cuộc thảo luận sôi nổi nhất về hướng tiến công, về cách đánh chiến lược thì một tin mới bay về: địch đổ quân xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ. Như một luồng gió vừa lùa tới, không khí hội nghị sôi nổi hẳn lên.


Hội nghị tại BTTM mùa khô năm 1953

 Nhiều người biết đại đoàn 316 đã xuất quân lên hướng Tây Bắc nên có ý kiến cho rằng có thể địch đánh hơi thấy “binh đoàn sơn cước” chăng? (Sau này ta được biết: Na-va cố bám lấy lý do phát hiện sư đoàn 316 của đối phương xuất quân” để biện bạch cho việc ném quân xuống Điện Biên Phủ của hắn). Sự có mặt của binh đoàn mà Phòng Nhì Pháp gọi là “chuyên đánh rừng” này trên hướng Tây Bắc thì quả thật Na-va không thể yên tâm được. Chính đại đoàn này năm ngoái đã từ Phú Thọ, Yên Bái tiến quân trên chặng đường dài, vượt sông Thao, sông Đà, quét hàng loạt đồn địch, tiến sát biên giới Việt – Lào.

 Cứ coi như việc Phòng Nhì Pháp đánh hơi thấy hướng tiến quân của 316 là có thật thì một câu hỏi được đặt ra: Tại sao vừa bước vào mùa khô, chỉ mới một nước cờ đầu tiên của ta mà Na-va đã vội vã đối phó như vậy ?

 Đồng chí chính uỷ đại đoàn nhận lệnh lên đường đuổi theo đơn vị ngay. Tình hình đang báo hiệu những chuyển biến mau lẹ.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #26 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2010, 12:49:24 pm »

 Hội nghị tiếp tục họp. Cuộc thảo luận xoay quanh việc địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Thật ra lúc đó, nhiều cán bộ chỉ huy của ta chưa hiểu biết nhiều về cái cánh đồng lớn nhất Tây Bắc này. Qua tấm bản đồ tỉ lệ rất nhỏ, được biết đây là một thung lũng hình con thoi, chừng trên 100km vuông, bốn bề là núi. Châu lỵ là nơi gặp nhau giữa đường Lai Châu xuống Tuần Giáo vào và thông sang Mường Khoa – Thượng Lào.

 Địch nhảy dù xuống đây với ý đồ gì? Lo cho Lai Châu lạnh chân hay sợ Thượng Lào hở sườn trước mũi tiến quân sắp tới của 316? Địch sẽ đóng lại hay sẽ rút? Rút cả Lai Châu và Điện Biên Hay trên cánh đồng Mường Thanh lại xuất hiện một Nà Sản mới? Nhiều câu hỏi và cũng nhiều ý kiến khác nhau về đáp số. Cuối cùng, mọi người nhất trí với kết luận của Tổng quân uỷ. Trước đây, ta đã từng dự kiến nếu Tây Bắc bị uy hiếp, địch sẽ phải đối phó. Đưa chủ lực từ đồng bằng lên đây, địch đã chứng minh sự phán đoán của ta là đúng. Chúng lên đây để yểm trợ cho Lai Châu và cũng để che chở cho Thượng Lào, hòng ngăn bước tiến của ta sang hướng Mường Khoa – Phong Sa Lỳ. Khối chủ lực của Na-va, chưa xây dựng xong, đang được tập trung ở đồng bằng đã bị điều đi ném xuống vùng rừng núi xa xôi này, điều đó nói lên một bước phát triển  mới mâu thuẫn của địch giữa yêu cầu bảo vệ đồng bằng và sự cần thiết chiếm đóng vùng rừng núi xung yếu. Tình hình còn đang diễn biến. Cần tiếp tục theo dõi. Dù sao, khối chủ lực địch bắt đầu bị phân tán là điều có lợi cho ta.

 Kế hoạch tác chiến chiến lược của ta trên các hướng không thay đổi:

 - Hướng chính vẫn là Tây Bắc, nhằm giải phóng Lai Châu. Nay bổ sung thêm: phải bám sát địch ở Điện Biên Phủ, chuẩn bị chiến trường. Cố tranh thủ thời cơ có lợi, diệt địch khi chúng mới lâm thời chiếm lĩnh trận địa, thế phòng ngự chưa được củng cố (Lệnh cho đại đoàn 308 sẵn sàng hành trên lên hướng Tây Bắc).

 Các hướng khác (như phối hợp với bạn ở Trung Lào và Hạ Lào) là hướng phối hợp của chủ lực nhằm tiêu diệt sinh lực địch và buộc chúng phải phân tán binh lực hơn nữa.

 - Chủ lực Khu V chuẩn bị tiến công, giải phóng vùng Bắc Tây Nguyên theo kế hoạch. Không vì dự kiến địch có thể đánh vào vùng tự do, đồng bằng Khu V mà không kiên  quyết mở chiến dịch trên hướng Bắc Tây Nguyên. Ta thắng ở vùng Kôngtum sẽ trực tiếp làm thất bại cuộc tiến công của địch vào vùng tự do quân ta.

 - Chiến tranh du kích trong vùng tạm bị chiếm, từ Bắc chí Nam phải được đẩy mạnh nhằm phối hợp với các hướng tiến công chiến lược của chủ lực, buộc địch phải căng mỏng lực lượng ra hơn nữa để đối phó. Ba thứ quân trong vùng đồng bằng sông Hồng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện chủ trương chiến lược này. Địch đã tập trung ở đây trên 40 tiểu đoàn cơ động. Đó là một lực lượng dự trữ lớn. Phải làm cho cái “túi” này của Na-va vơi dần, teo lại, không còn đủ sức để mở bất kỳ cuộc  tiến công nào có ý nghĩa chiến lược, tạo điều kiện để các chiến trường tiêu diệt sinh lực địch và giải phóng đất đai ngày càng lớn hơn...

 Hướng đi của các nước cờ như thế đã rõ. Mọi người cảm thấy thoải mái. Nhiều vấn đề đã được sáng tỏ.

 Đại biểu các đơn vị, các chiến trường ra về với cùng chung một suy nghĩ: Nếu kế hoạch Na-va là vỏ quýt dày thì cuộc họp quan trọng vừa qua đã tạo cho toàn quân, toàn dân ta móng tay nhọn để thực hiện cho kỳ được quyết tâm của Trung ương là phá tan kế hoạch chiến lược của địch trong mùa khô này.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #27 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2010, 12:56:35 pm »

6. GIỮA HAI MÙA CHIẾN DỊCH


 Sau chiến thắng Sầm Nưa, áo còn vương khói súng, các binh đoàn chủ lực đã trở về căn cứ. Có đại đoàn đi một mạch từ bên kia đèo Pa-hang, nơi hầm hập gió Lào đầu hè, về thẳng nơi trú quân ở trung du. Trở về với rừng cọ, đồi chè, hoặc với dòng sông Lô lịch sử, hoặc với đường số 3 còn in dấu chiến thắng năm xưa... Từ lâu, anh em đã coi các vùng căn cứ trú quân và luyện quân là quê hương thứ hai. Gặp lại những bộ mặt thân quen đón những con em của mình chiến thắng trở về sau mỗi mùa chiến dịch...

 Khác hẳn với mọi khi, lần này tới nơi, vừa đặt ba-lô xuống, anh em như bị thu hút ngay vào cuộc đấu tranh giai cấp đang sôi sục ở thôn xóm. Cuộc chỉnh quân chính trị cũng bắt đầu vào dịp này. Nội dung cần làm sáng tỏ trong học tập cũng chính là những vấn đề nóng bỏng của cuộc đấu tranh:

 - Nông dân vì đâu mà khổ?

 - Địa chủ vì đâu mà sướng?

 - Ai nuôi ai? Ai bóc lột ai?

 - Chỗ đứng của người chiến sĩ Quân đội nhân dân trong cuộc đấu tranh này là ở đâu?

 Những  vấn đề thảo luận và hơi nóng của cuộc đấu tranh thấm sâu vào từng người, những nông dân mặc áo lính.

 Phong trào văn nghệ được phát động nhằm phục vụ chỉnh quân chính trị của bộ đội và cuộc đấu tranh của nông dân vùng trú quân. Sân khấu, báo tường... thu hút mọi người. Các vở kịch Thúng thóc của đại đoàn 312, Đồng chí Biền của đại đoàn 308, chuyện kể bằng văn vần Mẹ con đồng chí Chanh của nhà văn Nguyễn Đình Thi, xuống với bộ đội trong những ngày chỉnh quân chính trị, đã có tác dụng cổ vũ cuộc đấu tranh giai cấp mới, góp phần giúp cho anh em phân rõ bạn thù.

 Mục tiêu chiến đấu được sáng tỏ. Lòng tin ở Đảng và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong mùa khô tới, được nâng cao.

 Rồi những dòng thư ngắn gọn bay tới: Quê ta đã phát động nông dân... Nhà ta đã được chia ruộng rồi... Người chiến sĩ sung sướng và cảm động khi được biết quê nhà đã khác xưa. Người dân không còn khép nép run sợ trước uy thế của bọn cường hào. Nhà nhà đã có thêm thóc, có ruộng, có trâu và nhất là được quyền tham gia bàn việc làng, việc nước. Một cuộc đổi đời...


Bộ đội tham gia CCRĐ tại Phú Thọ - năm 1953
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #28 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2010, 01:00:14 pm »

 Thắng lợi của chỉnh quân chính trị làm đà cho chỉnh huấn quân sự. Anh em đốt đuốc để chuẩn bị thao trường để giành thêm được thời gian học tập. Nắng hè nóng bỏng trên bãi tập không làm người chiến sĩ bận tâm. Và những dòng báo tường;

...Muốn cho chiến thắng nơi nơi
Tiếc gì anh, gọt mồ hôi thao trường
...Tập đêm rồi lại tập ngày
Tập cho giặc Pháp phơi thây chiến trường...

 Cán bộ trung đội, tiểu đội và cả những chiến sĩ cũ, những người được mệnh danh là các nhà “tham mưu con”, rất thích với nội dung huấn luyện quân sự năm nay. Anh em cảm thấy hình như được huấn luyện đánh công sự vững chắc, công sự mới kiểu boong-ke kỹ hơn, cao hơn mọi năm.

 Trên những mỏm đồi, trên những cánh đồng đã gặt chiêm, đồn giả được dựng lên. Tường đắp dày, hầm ngầm, dây thép gai, các loại vật cản... như đồn thật. Các cuộc thảo luận diễn ra sôi nổi ngay bên cạnh cái boong-ke lùn tịt. Cứng, dày, ở trên điểm cao, có lỗ châu mai hướng ra bốn phía... Nhưng chỗ yếu của nó là cái gì? Làm thế nào tiếp cận nó để đặt bộc phá? Vận động dưới hoả lực chéo cánh sẻ quét ngang tầm gối thế nào? Pháo bắn thẳng đặt ở đâu để ngay từ phút đầu phụt trúng lỗ châu mai...?

 Các nhà “tham mưu con” cũng biết rằng năm ngoái ta còn lưu lại một “con nhím” ở Nà Sản. Hình thù nó như thế nào? Cán bộ vẽ sơ đồ, đắp bàn cát. Những điểm tựa tua tủa như con nhím xù lông. Vỏ ngoài cứng, tung thâm sâu, có hoả lực phi pháo chi viện. Có lực lượng phản kích bằng bộ binh và xe tăng... Rõ ràng không phải đơn giản như diệt một cứ điểm, một cụm cứ điểm cỡ tiểu đoàn địch, đêm đánh, sáng rút.

 Sau cuộc tập huấn ở trên Bộ về, anh em nghe nói nhiều đến từ “tập đoàn cứ điểm”. Cán bộ nghiên cứu, thảo luận trong giảng đường, trên bàn cát rồi ra thao trường.

 Đúng là nội dung huấn luyện năm nay có cái gì khác hơn nhiều. Các nhà “tham mưu con” suy nghĩ nhưng không nói ra. Phải chăng mục tiêu mùa khô năm nay là “con nhím Nà Sản”?

 Tân binh được bổ sung về đủ biên chế. Từng tổ ba người, từng tiểu đội, lính cũ, lính mới quấn quít như bóng với hình. Mỗi băn khoăn lo lắng, mỗi khó khăn trong học tập đều được chiến sĩ cũ thân tình trao đổi, giải quyết. Mỗi kinh nghiệm thực tế của lớp người đi trước đều được người bạn chiến đấu mới trận trọng học tập, vận dụng. Tránh làn đạn địch thế nào trong vận động; buộc xẻng cuốc, lựu đạn thế nào cho chắc lại dễ lấy...

 Mới và cũ sớm hoà với nhau, săn sóc nhau từ nơi ăn chốn ngủ đến từng động tác trên thao trường. Tình bạn chiến đấu, tình đồng đội, tình anh em hoà với nhau trong sáng mặn mà.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #29 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2010, 01:04:38 pm »

 Thực ra không phải đơn vị nào cũng được dùng trọn vẹn thời gian huấn luyện.

 Đại đoàn 320, hai năm thành lập mới được hai lần tập trung chỉnh huấn và cả hai lần đều ngắn ngủi, vội vàng. Đối với người chiến sĩ đồng bằng, mỗi giờ phút học tập thuận lợi ở hậu phương sao mà hiếm hoi quí báu.

 Lần này cũng vậy. Mới qua mấy tuần huấn luyện đã lao vào đợt chiến đấu mới. Chẳng mấy chốc, hai tháng đã trôi qua, 22 trận chiến đấu liên tục. Phòng tuyến sông Đáy của địch rung chuyển. Toàn đại đoàn lại rời khỏi chiến trường, về hậu phường chỉnh quân chính trị.

 Đại đoàn 316 cũng không được qua mùa huấn luyện thuận lợi. Sau chiến thắng Thượng Lào, một trung đoàn ở lại Mộc Châu, một trung đoàn ở lại Sầm Nưa. Đại đoàn bộ cùng một trung đoàn về căn cứ trú quân ở Thanh Hoá.

 Đầu tháng 7 mới bắt đầu huấn luyện, trong điều kiện phân tán. Vừa huấn luyện vừa thay nhau tiễu phỉ ở Mường Lầm và tiêu diệt bọn biệt kích gián điệp nhảy dù xuống Mộc Châu, Sông Mã, Mai Sơn...

 Cán bộ Đại đoàn 304 vừa chỉ đạo huấn luyện, vừa nghiên cứu địa hình vùng bờ biển xung yếu, chuẩn bị phương án tác chiến tại chỗ, bảo đảm vừa huấn luyện sẵn sàng chiến dấu bảo vệ vùng tự do Thanh Hoá nếu địch mạo hiểm tiến công.

 Bước vào tháng 11, đại đoàn thực hiện một cuộc nghi binh qui mô lớn do Bộ chỉ đạo, làm lạc hướng phán đoán của địch.

 Mặc dù có những khó khăn riêng, nhưng tất cả các đơn vị đều hết sức tranh thủ thời gian huấn luyện. Như cơ quan tham mưu nhận xét, bước vào mùa khô này, sức chiến đấu của các đại đoàn đều được nâng lên rõ rệt.

 Chiến sĩ cũ, vẫn những nhà “tham mưu con” ấy, còn phát hiện một điều là năm nay huấn luyện muộn hơn nên xuất quân cũng muôn hơn. Chớm đến màu đông rồi mà chưa thấy nói gì đến chuyện lên đường. Kiên nhẫn chờ đợi nhưng rồi cũng có lúc bật ra câu hỏi: Tại sao? Riêng ở đại đoàn 304, câu hỏi đặt ra còn nóng bỏng hơn: Địch tiến công ra phía nam đồng bằng, không những không được trên cho đánh mà giữa tháng 10 Bộ lại còn ra lệnh: Tiếp tục học tập để hoàn thành tốt chương trình huấn luyện quân sự. (Điện 18/10 của Bộ gửi 304).

 Ở Đại đoàn 308, huấn luyện xong, đợi. Huấn luyện tiếp 2-3 chương trình bổ xung, xong lại đợi. Là đơn vị trú quân ở gần Bộ, phái viên qua lại luôn, nhưng xem ra cán bộ bình thản lắm. Nhìn cái khẩu hiệu “quyết tâm phá tan kế hoạch Na-va” kẻ trên những bức tường ở huyện Đại Từ anh em nói với nhau: Chỉ muốn xuất quân sớm để xem mặt mũi cái thằng cha Na-va nó thế nào...

 Chính trong những ngày chờ đợi như vậy thì tin chiến thắng từ hướng Tây Nam Ninh Bình dội về càng thôi thúc, khiến anh em càng nóng lòng muốn sớm được xuất quân. Có anh em suy bì: 320 thế mà bở. Trong lúc mình ro ró ở trong rừng sâu này thì người ta đã làm ăn rôm rả, nào là ở Trại Ngọc, Dốc Giang, nào là Sòng Cạn... Thế rồi anh em, chẳng ai bảo ai, ngấm ngầm chuẩn bị. Nhưng chuẩn bị để đi theo hướng nào nhỉ? Lại đoán mò: Học đánh công sự vững chắc, cứ điểm có công sự boong-ke, chắc chắn là đánh đồng bằng rồi! Có học đánh tập đoàn cứ điểm thật nhưng sao bảo Na-va chuồn khỏi Nà Sản rồi, thế thì không về đồng bằng thi đi đâu? Chắc chắn phen này phải được quét sách “đám đồn bốt ở quê thôi.

 Thế là nguyện vọng chính đáng sớm được về giải phóng quê hương càng thúc giục anh em chủ động chuẩn bị, ngay từ khi chưa có lệnh. Dây buộc  xẻng, giỏ đựng lựu đạn, bi đông bằng ống tre, hộp dầu con hổ, tấm vài nhựa che mưa, kim chỉ... tất cả đều được kiểm tra lại, bổ sung cái này, làm lại cái kia...

 Nhưng rồi một điều bất ngờ đã xảy đến, cả với các nhà “tham mưu con”. Khi có chỉ thị chính thức chuẩn bị thì hướng lên núi đã quá rõ ràng: Quân y mang thêm thuốc sốt rét, màn phải nhuộm xanh và nhất là chớ quên cái khoản thuốc lào! Nhưng không phải đã hết những anh chàng bán tín, bán nghi. Chắc “các cụ” lại nghi binh thôi! Chẳng là phải luôn luôn đề phòng những anh bạn hay mau mồn mau miệng mà. “Các cụ” bao giờ chẳng cẩn thận thế.
Dù còn phân vân trong sự phán đoán, từ khi có lệnh chuẩn bị chính thức, không khí các đơn vị sôi nổi hẳn lên...
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM