Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:48:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ truyện kể với bạn bè  (Đọc 104980 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #10 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 01:56:12 pm »

 La-ni-en nghe chừng xuôi tai. Ngài thủ tướng đồng tình với việc bổ nhiệm Na-va và càng tỏ ra hài lòng khi được biết viên tổng chỉ huy mới Hăng-ri Na-va hiện đang ở bên kia bán cầu và tỏ ra năng nổ với một sự say mê khác thường.

 Thật vậy. Vừa tới Sài Gòn, Na-va vội vã bay ra Hà Nội. Sau khi thăm viếng một vài nơi, ra mắt một số đơn vị quân viễn chinh, ngày 25, tướng tổng chỉ huy mới nhận bàn giao của người tiền nhiệm, tướng Xa-lăng.

 Ngay từ buổi đầu làm việc với viên tướng này, không những Na-va thấy mình đứng trước một con người không bình thường mà còn đứng trước một cục diện chiến trường cũng rất không bình thường.

 Người ta biết rằng Xa-lăng rất khổ tâm (!) khi phải ra đi, phải từ giã cái xứ Đông Dương béo bở này. Đây không chỉ là mảnh đất để thăng quan tiến chức mà nhất là gần đây, những chuyến áp phe thuốc phiện rất lớn (chở từ Thượng Lào vào Sài Gòn cho Bảy Viễn tiêu thụ) đã đem lại cho ngài tổng chỉ huy những món tiền không nhỏ.

 Không phải đến bây giờ Xa-lăng mới phản ứng về việc phải ra đi. Từ hồi đầu tháng 5, khi phái viên quân sự của Pa-ri là tướng Lơ-se (Lecheres, tham mưu trưởng không quân Pháp) sang Đông Dương và tiết lộ việc thay tướng tổng chỉ huy. Xa-lăng đã từng nổi cơn thịnh nộ. Vậy mà giờ đây, khi May-ê đã bị hạ bệ, vẫn có một Na-va bằng xương bằng thịt sang đây và đang nhận bàn giao. Do đó, thật là dễ hiểu nếu viên tướng tổng chỉ huy mới không tìm thấy ở người mà mình sẽ thay thế một thái độ thân hữu, đồng đội.

 Về cục diện chiến trường, tình hình còn bi đát hơn nhiều so với những gì mà Na-va đã tìm hiểu và nắm được trong những ngày lưu lại ở Pa-ri.
Cái đập vào mắt Na-va, khiến ông chủ mới của quân viễn chinh đặc biệt quan tâm, là tấm bản đồ chiến sự kỳ lạ, loang lổ, nhất là trong vùng châu thổ sông Hồng. Xa-lăng giải thích rằng mầu đỏ là vùng Việt Minh kiểm soát, màu trắng là vùng thuộc quyền làm chủ của quân viễn chinh, mầu hồng là những địa bàn tranh chấp. Nhìn tấm bản đồ, Na-va thấy vết trắng chỉ dừng lại ở các đô thị và trên những trục giao thông lớn. Còn vết đỏ thì, lạy chúa, khắp nơi, ngay cả quanh Hà Nội. Ngay tại “vùng đồng bằng có ích”, chiến trường trọng điểm, mà còn như vậy thì các chiến trường khác khỏi nói.


Tướng Salan tại SG năm 1952
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #11 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 01:59:24 pm »

 Xa-lăng cứ thuyết trình, cứ biện bạch. Na-va ngồi đó, lơ đăng. Tình hình đã rõ. Tấm bản đồ hình thái chiến lược kia, phải chính tấm bản đồ loang lổ, loè loẹt, lỗ chỗ ấy đã nói lên tất cả. Nó giống như bộ mặt của một người lên sởi. Nó cho thấy đối phương ở ngay sát cạnh quân viễn chinh bất kỳ trong vùng nào, rừng núi hay đồng bằng, đô thị hay nông thôn. Và cũng chính qua tấm bản đồ đó mà Na-va hiểu rõ thêm ý nghĩa thực chất của những từ mà ở Pa-ri các tướng lĩnh thường nói: Cuộc chiến tranh Đông Dương là cuộc chiến tranh không trận tuyến, rất kỳ lạ và khó hiểu đối với các học viện quân sự Pháp.

 Rồi Xa-lăng nói về dự kiến hoạt động sắp tới, về cái kế hoạch dài hạn mà ông ta đã vạch ra. A thì ra người mà mình sắp thay thế cũng đã từng có một kế hoạch mà qua nghe trình bày, không phải là không có những điều đáng nghiên cứu. Theo Xa-lăng thì tác dụng “con đê ngăn sóng” của tập đoàn cứ điểm Nà Sản là một kinh nghiệm cần được vận dụng ở nơi nào cần chán đứng bước chân của đối phương, vì như ở Điện Biên Phủ chẳng hạn. Một “con nhím”7 đứng chân ở đấy là cần thiết, nhưng trước mắt chưa làm được. Xa-lăng thừa nhận rằng bộ tổng chỉ huy quân viễn chinh đang thiếu quân.

 Na-va tỏ ra không quan  tâm lắm đến điều này, càng không quan tâm đến “con nhím” Nà Sản của Xa-lăng. Nhưng không vì vậy mà viên tổng chỉ huy không nhận bản kế hoạch chiến lược do Xa-lăng dự thảo, nói là “để tham khảo”.

 Sau cuộc bàn giao, nếu người ra đi không vui vì nặng lòng luyến tiếc mảnh đất này thì người mới đến cũng không vui vì tiếp nhận một “di sản độc hại”. Tình hình quá khó khăn. Nhưng  rồi nhớ lại những lời khuyến khích của bạn bè ở Pa-ri và nhất là của thống chế Gioăng, Na-va tự an ủi rằng lối thoát của quân viễn chinh trên chiến trường Đông Dương lúc này đòi hỏi người cầm quân phải sáng suốt và mạnh bạo, phải nắm vấn đề cơ bản là tiến công, luôn luôn tiến công, chủ động tiến công. Đó cũng chính là cái chìa khoá mở ra lối thoát danh dự cho nước Pháp.

 Với lòng tự tin, Na-va bắt tay vào xây dựng kế hoạch. Gạt sang một bên tính kiêu kỳ vốn có, viên tổng chỉ huy không chút coi thường bản kế hoạch chiến lược của Xa-lăng. Không tham khảo nó để tìm ra đầu mối trong cái mớ bòng bong này thì trong thời gian một tháng – thời gian mà cựu thủ tướng May-ê đã hạn định – khó có thể xây dựng được một phương án hành động.

 Từ thực tế đó, có lẽ lời nhận xét của Phốc8 rằng Na-va là “một nhà chiến lược tuyệt vời” phải chăng có phần quá đáng?
-----------------------------
 7. Một tiếng lóng quân sự, thông dụng trong giới quân nhân Pháp, để gọi tập đoàn cứ điểm. Người ta giải thích rằng cách phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm là hình thức phòng ngự có hiệu nghiệm vì bao gồm nhiều cụm cứ điểm kiên cố, xây dựng liên kết với nhau trong một vùng rộng lớn, với những họng súng trong công sự, những nòng dại bác trong những xe tăng cố định, những cọc dây thép gai... tua tủa như lông nhím. Khi bị tiến công, các loại hoả lực của tập đoàn cứ điểm bắn ra tứ phía, giống như hành động tự vệ của con nhím khi nó bị uy hiếp.
Sau này người ta được biết rằng: trước tháng 12/1953, tướng Na-va đã công kích mạnh mẽ hình thức phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm, cho đó là “sản phẩm nhiễm độc” của tư tưởng phòng ngự, không thể hiện tinh thần tích cực tiến công. Nhưng từ 3/12/1953, chính Na-va lại đi vào con đường này, tức là xây dựng một tập đoàn cứ điểm lớn ở Điện Biên Phủ để hòng tiêu diệt chủ lực của ta.
 8. James Eox, tác giả bài “Ông Giáp, người chiến thắng ở Điện Biên Phủ, tạp chí The Sunday Times Magazine số 5-11 – 12-11-1972.

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #12 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 02:02:34 pm »

 Đã lâu lắm, tại điện Ê-li-dê9 mới có cuộc họp quan trọng như hôm nay, 24-7-1953 Đáng lẽ Văn phòng Phủ tổng thống định lui lại đầu tuần sau, nhưng rồi thấy cần cho Na-va ra mắt sớm để còn khẩn trương trở lại Đông Dương, nên người ta đã quyết định họp ngay vào ngày thứ sáu này.

 Cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng lần này quan trọng thật. Chẳng thế mà điểm mặt người ta thấy cả tổng thống Ô-riôn (Vincent Auriol), thủ tướng La-ni-en, phó thủ tướng Rây-nô (Paul Reynaud – đặc trách Đông Dương), tám bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao, tài chính, tư pháp, quốc gia liên kết, lục quân, hải quân, không quân, thống chế Gioăng và ba tham mưu trưởng ba quân chủng.

 Cả một cử toạ đầy vẻ uy nghi đó ngồi nghe viên tổng chỉ huy mới của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, tướng Hăng-ri ơ-gien Na-va trình bày bản kế hoạch chiến lược và cũng là một dịp để viên tướng ra mắt, vì đến lúc này, nhiều vị trong Chính phủ vẫn chưa biết vấn đề quân sự ở Đông Dương được giao phó cho ai.

 Sau hơn 30 ngày sang Đông Dương. Na-va đã trở lại thủ đô Pháp với bản kế hoạch chiến lược đại qui mô mới hình thành, mang chính tên tác giả, kế hoạch Na-va.

 Trước đó, để quảng cáo trước cho bản kế hoạch của mình, ngày 22-6, tổng chỉ huy mới ra mắt ba quân đã dùng lối hành văn đượm mầu lính tẩy để kích thích khẩu vị đoàn quân viễn chinh:

 - Chiến thắng, phải biết chiến thắng, phải kiên quyết chiến thắng. Nhưng chiến thắng cũng ví như một người đàn bà, chỉ đến với các bạn nếu các bạn có tài chinh phục mụ ta...

 Sau khi trở lại Pa-ri và mấy ngày trước cuộc họp quan trọng này, tướng Na-va đã đến gõ cửa nhiều nhân vật tai to mặt lớn để tranh thủ sự đồng tình đối với bản kế hoạch của mình. Nếu giới quân sự cao cấp, nhất là tham mưu trưởng các quân chủng, sớm đồng tình và ủng hộ Na-va, không tỏ một sự bất đồng nào đáng kể  về chủ trương chiến lược mới thì ngược lại, nhiều bộ trưởng và thứ trưởng dân sự xem ra còn e ngại đủ điều. Thì ra cuộc nhảy dù tập kích liều mạng xuống Lạng Sơn hồi trung tuần tháng 7 đã chẳng gây một sự rung động nào đối với các vị này, mặc dù báo chí Sài Gòn, Hà Nội và đài phát thanh quân viễn chinh đã cố gắng tô điểm cho “chiến thắng đầu tay” của vị tổng chỉ huy mới. Thực tế đó đã khiến cho Na-va sớm nhận thấy rằng chinh phục một cử toạ như vậy quả không phải là chuyện giản đơn.

 Nhưng bước vào cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng, nhận được nụ cười khích lệ của thống chế Gioăng. Na-va thêm phần tự tin.

 Cử toạ lúc đầu kiên nhẫn nghe viên tướng thuyết trình thao thao bất tuyệt về mục đích chính trị của cuộc chiến tranh, về tình hình quân viễn chinh, về các vùng các hướng có thể bị Việt Minh uy hiếp trong mùa khô này... Nhưng đến khi Na-va giới thiệu chủ trương phát triển lực lượng qui mô lớn để chống chọi với đối phương, để giành lại quyền chủ động chiến lược trên chiến trường và giành thắng lợi quân sự có ý nghĩa quyết định thì từ phía cử toạ bắt đầu có những tiếng thì thào, những lời chất vấn.

 Viên tổng chỉ huy cố thuyết phục mọi người bằng cách giải thích rõ hai bước của bản kế hoạch 18 tháng (8-53-3-1955): với việc nhổ bớt một số  quân ở những vùng không cần thiết, với việc đẩy mạnh phát triển quân người bản xứ, với việc tranh thủ đến mức tối đa sự viện trợ của người Mỹ, và với sự tăng viện của chính quốc sang chừng hai sư đoàn rút từ lực lượng của Pháp ở khối N.A.T.O. Na-va tin rằng sẽ xây dựng được một lực lượng lớn mạnh chưa từng có ở Đông Dương. Bước thứ nhất – cũng tức là trong mùa khô thứ nhất – sẽ là bước chuẩn bị điều kiện, chuẩn bị tiền đề chiến lược để dứt điểm trong mùa khô thứ hai.

 Cuối cùng, tổng chỉ huy khẳng định trước Hội đồng Quốc phòng: Sau hai bước ấy, nếu chưa tiêu diệt được chủ lực của Việt Minh, hoàn thành cần bản mục đích của cuộc chiến tranh thì ít nhất cũng đã thay đổi được cục diện chiến trường, tạo điều kiện để đàm phán trên thế mạnh, kết thúc cuộc chiến bằng lối thoát danh dự.
---------------------------
 9. Phủ Tổng thống Pháp (Elysecs).
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #13 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 02:04:18 pm »

 Cử toạ thảo luận khá ồn ào. Người này chất vấn rằng Việt Minh sức đâu mà uy hiếp lắm hướng thế, nào đồng bằng sông Hồng, nào Tây Bắc Việt Nam và Thượng Lào, nào miền Nam Đông Dương? Người khác đòi phải kêu gọi Mỹ đóng góp nhiều hơn nữa, chỉ có viện trợ tăng nhanh mới có cơ sở vật chất để thực hiện kế hoạch to lớn này. Người thứ ba đặt vấn đề: liệu kế hoạch có mạo hiểm quá không v.v... Bộ trưởng tài chính Tét-gien (Pierre Henri Teitgen) tỏ thái độ “lảng ra” rõ rệt. Ông ta làm một bài toán và hạ một câu khiến cử toạ ngẩn ra: Lấy đâu ra hàng trăm tỷ phơ-răng trong lúc nền tài chính của đất nước đang lên cơn sốt?

 Điều qua tiếng lại. Hàng giờ đã trôi qua. Gioăng thấy đã đến lúc phải lên tiếng.

 Với kiến thức quân sự, với địa vị là người lính số một hiện nay của nước Cộng hoà Đại Pháp, với tài hùng biện vốn có, ngài thống chế đã bênh vực bản kế hoạch của người mà ngài đã đích thân tiến cử:

 - Tư tưởng chỉ đạo của kế hoạch là tiến công. Muốn chiến thắng phải chủ động tiến công, tiến công liên tục, phải đánh cho Việt Minh không kịp trở tay. Muốn tiến công phải phát triển lực lượng. Biện pháp chỉ có hai: Một là xin viên trợ Mỹ và hai là phát triển mạnh quân đội bản xứ. Chính quốc ít có khả năng tăng viện lực lượng, càng ít có khả năng tăng chiến phí cho Đông dương. Cần tập trung nỗ lực giúp Bảo Đại xây dựng trên 50 tiểu đoàn khinh quân mà trong hội nghị quân sự Đà lạt hồi tháng 2 vừa qua họ đã quyết nghị. Về phía người Mỹ, qua chuyến đi cầu viện vừa qua của ngoại trưởng Bi-đôn, có nhiều dấu hiệu cho thấy Oa-sinh-tơn chấp nhận chủ trương nỗ lực chiến tranh của chúng ta. Trước mắt, có thể họ chỉ viện cấp tốc chừng 400 triệu đô la cho kế hoạch lược này. Những cuộc tiếp xúc giữa tướng quân Na-va với đại diện của Hoa Kỳ ở Sài Gòn là tướng quân Ô Đa-ni-en (O.Daniel) cho thấy Oa-xinh-tơn tin rằng với kế hoạch Na-va, thắng lợi quân sự của chúng ta đã ở trong tầm tay...

 Bằng những lời tán dương bản kế hoạch chiến lược này là táo bạo, kiên quyết và có cơ sở vững chắc, tán dương tác giả của bản kế hoạch là một viên tướng đáng tin cậy... ngài thống chế đã bỏ “một phiếu quyết định” cho bản kế hoạch chiến lược. Gioăng bắt tay khích lệ với nguồn hy vọng chan chứa sau lời kết luận cuối cùng của tổng thống.

 Nhờ có cái ô của thống chế Gioăng, cuộc ra mắt của tổng chỉ huy mới đã thành công tốt đẹp. Bản kế hoạch chiến lược đại qui mô được coi như đã lọt mắt xanh của mọi người.

 Tuy nhiên, đối với tổng chỉ huy Na-va tình hình có khác. Sau những phút hùng biện khi thuyết trình cũng như khi trả lời các câu chất vấn, mặc dù được những lời vàng ngọc của thống chế Gioăng đề cao hết mức. Na-va rời khỏi điện Ê-ly-dê với không ít nỗi lo âu  trong lòng. Mọi yếu tố bảo đảm biến kế hoạch thành thắng lợi mới chỉ là khả năng. Từ khả năng đến hiện thực chiến thắng trên chiến trường, chao ôi, còn phải trải qua một chặng đường dài, có khi quá dài...
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #14 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2010, 05:11:18 pm »

4. ĐIỆN BIÊN PHỦ - NƠI NHÍM XÙ LÔNG


 Trước chiến dịch, kể cả trước ngày chiến thắng 7-5-1954, còn ít người biết đến Điện Biên Phủ, một địa danh ở tận cùng miền Tây Bắc đất nước.
Ngay các đồng chí cán bộ tiểu đoàn 910 cũng vậy. Được chỉ định ở lại bám đất, bám dân sau ngày 20-11, anh em mới có dịp tìm hiểu vùng đất này, tìm hiểu mà không hề nghĩ rằng cái tên Điện Biên Phủ hẻo lánh, với cánh đồng Mường Thanh phì nhiêu sắp đi vào lịch sử của dân tộc với tầm cỡ “như một Bạch Đằng một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ 20”.

 Người già ở địa phương, người Lựu cũng như người Xá, người Mèo cũng như người Tày, đã giúp anh bộ đội hiểu thêm về một vùng đất mà trước đây anh em không thật quan tâm. Những điều người già kể lại thật là bổ ích đối với nhiệm vụ tìm hiểu chiến trường hôm nay và nhiệm vụ chiến đấu ngày mai.

 Người già nói rằng, về tên đất mà nói, Điện Biên là cái tên đứng vào bậc hay nhất trong các tên đất của Tổ quốc. Điện là bền vững. Biên là biên cương. Hai từ ghép lại. Điện Biên là biên giới vững vàng, một cái tên có từ lâu đời, nói lên ý chí bảo vệ biên cương của đất Việt.

 Điện Biên gắn liền với cái tên Mường Thanh, một cánh đồng lớn nhất huyện và lớn nhất cả vùng Tây Bắc. Phát âm theo người Thái là Mường Then. Còn chữ Mường Thanh đã được gọi quen và ghi trên bản đồ là cách phát âm phổ thông theo giọng kinh.

 Theo người già kể thì vào năm Ất Mão (1775), chúa Trịnh đặt ra châu Ninh Biên và Mường Thanh trở thành thủ phủ của Ninh Biên. Gần 70 năm sau, vào năm Tân Sửu (tức Thiệu Trị nguyên niên) Ninh Biên mới đổi thành Điện Biên, khi đó còn bao gồm cả vùng Tuần Giáo và Lai Châu. Cái tên Điện Biên Phủ ra đời từ đó (1841).


Cánh đồng Mường Thanh
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #15 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2010, 05:13:26 pm »

 Mười dân tộc hội tụ ở Điện Biên, theo truyền thuyết, bắt nguồn từ một chuyện thần thoại về sinh thành của con người ở đây, chuyện “chung một gốc bầu”.

 Ở Điện Biên có bản Tấu Púng, thuộc xã Nà Tàu, nơi có trái núi giống hình một quả bầu. Tiếng Thái, Tẩu Púng là quả bầu. Còn Mường Then là một vùng, một địa bàn của Trời (tiếng Thái, Then là trời). Chuyện kể rằng, người trời lấy dùi sắt nung đỏ, khoan vào quả bầu cho loài người “chui” ra. Người Xá (Khơ Mú) ra trước tiên, dính vào gio than ở lỗ khoan nên có nước da ngăm đen. Ra trước là anh. Anh cả Xá rồi mới đến chú hai Thái, chú ba Lào, chú tư Lự, chú năm Kinh... Mười dân tộc, mười anh em hội tụ ở một vùng, trong đó các nhóm dân tộc đông là Thái, Xá, Mèo...

 Cả mười dân tộc chia nhau sống rải ra trên các độ cao khác nhau. Vùng cao (trên 1.500m so với mặt biển) “chót vót trên mây” là nơi sinh sống của người Mèo. Vùng giữa “cái thang nối vùng thấp với vùng cao” có  người Thái, người Xá, người Xính Mun. Vùng thấp tức thung lũng Mường Thanh (gọi là thấp nhưng cũng cao hơn mặt biển 400m) là vùng đông dân nhất và có nhiều dân tộc:  Thái, Kinh, Tày, Lào, Lự, Hoá...

 Người già nói Điện Biên là đất lành, đất của lao động và tình yêu. Ca rằng:

Lự chài cá trên sông,
Thái gặt lúa dưới đồng
Xá đứng dưới sàn nhà, giã gạo bình boong

 Và

...Anh yêu em, yêu cả khăn, cả áo,
Mặt trời mọc cũng nhớ,
Mặt trời lặn cũng thương
...Em tươi như hoa sen
Em đẹp như cầu vồng.
Hoa sen, anh có thể với tới,
Cầu vồng, đâu là lối anh lên...

 Người già cũng bảo: Điện Biên là đất dữ, dữ với kẻ thù xâm lược. Bảo nhau:

Lửa cháy cùng nhau dập.
Giặc đến, cùng nhau đánh...
Giặc vào bản, em ra chặn cuối thôn.
Giặc vào làng, anh ra phục đầu ngõ...
Và khi giặc đã tan thì:
Chia nước cùng nhau uống
Chia ruộng cùng nhau cày...
Cuộc đời thanh bình trở lại.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #16 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2010, 05:17:13 pm »

 Nhưng bao trùm lên tất cả. Điện Biên là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết thương yêu của người dân tộc, mười anh em “cùng nghe chung một lời ru của mẹ”. Ru rằng:

Chung gốc bầu, chung lỗ khoan xưa.
Chung họ cả người Kinh,
Chung lỏng cả người Xá...
Mẹ làm sao phân biệt được:
Mặt con trai, giống người Kinh
Mặt con gái, giống người Lự.

 Cán bộ đã thưa với Bác Hồ và Bác đã biết về truyền thống đoàn kết thương yêu nhau, truyền thống lao động và chiến đấu của các dân tộc Điện Biên. Già, trẻ, gái trai trên vùng đất đã đi vào lịch sử này chưa ai quên cái ngày 7-5-1959 nhân kỷ niệm 5 năm chiến thắng. Bác lên thăm đồng bào Điện Biên. được nhìn thấy Bác, được ngồi gần Bác, người già được biết Bác chẵn tuổi 69. Gần 70 tuổi mà Bác lặn lội lên đây thăm đồng bào. Bác dùng ngón tay, kể tên từng dân tộc và hỏi:

 - Còn dân tộc nào tôi quên chưa nêu lên không ?  Nếu còn sót, tôi xin lỗi.

 Nghe Bác hỏi, người già lau nước mắt. Bác cầm tay từng cụ già, xoa đầu từng cháu nhỏ, nói với mọi người về cách làm ăn, về học hành, về giữ vệ sinh, về đoàn kết dân tộc... Những lời giản dị mà sao thấm thía. Đột nhiên, Bác ngừng và hỏi bằng một câu tiếng Thái:

 - Pi noọng hụ bấu ? (Bà con hiểu rõ không ?).

 Không những đồng bào hiểu, mà còn nhớ kỹ, nhớ sâu những lời lẽ nói thân tình của Bác.


Bác Hồ tại lễ mít tinh kỷ niệm 10 năm giải phóng Điện Biên (5/1959)

 Trong một dịp khác, khi đoàn đại biểu Tây Bắc về thăm Bác ở Thủ đô, Bác lại nhắc:

 - Một cái đũa thì dễ bẻ. Cả bó đũa thì không dễ bẻ được đâu. Các cô các chú về nói lại với đồng bào để người nào cũng hiểu và biết đoàn kết thương yêu nhau.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #17 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2010, 05:21:44 pm »

 Vì đây là cuốn sách nói về đánh giặc ở Điện Biên, nên tôi xin phép nói thêm về tinh thần bất khuất của đồng bào quyết tâm bảo vệ bản làng.

 Như trên đã nói đối với quân thù, trước sau Điện Biên vẫn là đất dữ. Không có điều kiện nhắc lại chiến công của Hoàng Công Chất đoàn kết nhân dân chống giặc Phẻ (1754), của Chương Han (dân tộc Xá) tập hợp  trai tráng diệt giặc Cờ Vàng (1880). Chỉ nói từ khi dấu chân của những tên thực dân Pháp đầu tiên đặt trên cánh đồng màu mỡ này. Đó là “nhà thám hiểm” Pa-vi (Auguste Pavie) và viên đại tá Péc-nô (Pernol) được tên Việt gian Đèo Văn Trí cõng rắn về cắn gà nhà từ năm 1888. Cuộc chiến đấu chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Quang Bích, Tôn Thất Thuyết. Đèo Văn Sanh kéo dài hàng chục năm. Đến 1915, đế quốc Pháp vừa hí hửng đặt Lai Châu thành Đạo quân binh thứ tư (4e territoire) thì chỉ 3 năm sau. Giàng Ta Chay lại lãnh đạo nhân dân nổi dậy. Tiếng súng khởi nghĩa nổ ra và kéo dài suốt 4 năm...

 Và giờ đây đến lượt Na-va. Kết quả là một sự trùng hợp khá lý thú về thời điểm lịch sử ở Điện Biên Phủ: giặc Phẻ nổi tiếng tàn bạo đã bị tống cổ khỏi đất Mường Thanh. đúng 200 năm sau, quân sĩ của Na-va với tàu bay và đại bác tối tân nhường ấy mà đành lũ lượt kéo nhau về trại tù binh, bỏ lại hàng ngàn tên phơi thây trên cánh đồng 1754-1954, hai con số, khoảng cách 200 năm, thật dễ nhớ và cũng thật đáng tự hào.

 Với Na-va, vì đâu nên nông nỗi ấy?

 Câu chuyện đã bắt đầu bằng con chuột nước. Nay xin phép được tiếp tục bằng chuyện con nhím xù lông nó xù lông ngay trên đất Mường Thanh. Không ít người đặt câu hỏi: tại sao Na-va lại chọn Điện Biên, vùng “đất dữ” ? Hỏi như vậy vì họ không hiểu rằng trên đất nước Việt Nam này, có mảnh đất nào “lành” đối với quân xâm lược? Xin chưa vội mở rộng phạm vi bàn luận mà nên thu hẹp vấn đề, để xem Na-va biện bạch cho việc chọn Điện Biên Phủ làm đất dụng võ thế nào.

 Sau khi bị phơi áo ở Điện Biên, bị triệu hồi rồi bị về vườn, tướng Na-va viết cuốn Đông Dương hấp hối10 hay đúng hơn là Cơn hấp hối của quân viễn chinh Pháp trong những ngày cuối của cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Trong cuốn sách, tác giả tốn khá nhiều giấy mực để cố làm cho thiên hạ hiểu rằng ông ta chọn Điện Biên Phủ là đúng, trên cả ba mặt: quân sự, kinh tế và chính trị. Nói nôm na, viên tướng coi cánh đồng Mường Thanh vừa là cái cửa ngõ, vừa là cái vựa thóc.

 Theo ông ta, Điện Biên Phủ là một “ngã tư chiến lược”, là “cái bàn xoay”, có thể xoay được tứ phía: Việt Nam, Lào, Miến Điện và Trung Quốc. Riêng trên  chiến trường Tây Bắc Đông Dương, rõ ràng đây là cửa ngõ, là cái chìa khoá mở sang Thượng Lào.
---------------------------
 10. Henri Navarre – Agonte del Indochine, Plon, Paris – 1956.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #18 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2010, 05:24:33 pm »

 Đại tá Lăng-gle (Pierre Langlais, nhân vật quan trọng thứ hai của tập đoàn cứ điểm trong “những ngày Điện Biên Phủ”) cùng đồng tình với quan điểm của Na-va. Trong cuốn sách của mình11 viên sĩ quan dù này viết rằng: “Chỉ cần nhìn trên bản đồ cũng đủ thấy rằng Điện Biên Phủ khống chế đường sang Luang Phangbang và sông MêKông bằng các dòng sông Nặm Nửa và Nặm Hu, xuống vùng phía Nam Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ bằng sông Mã, sông Đà và các nhánh của hai sông đó...”.

 Nhìn ngược lại quá khứ một chút thì thấy không những hồi đế quốc Pháp còn đang hưng thịnh, Pa-vi đã mò đến cái “cửa ngõ” này (1888) mà ngay cả khi đã thất cơ lỡ vận hồi bị Nhật đảo chính (9-3-1945) các quan Tây vẫn muốn bám lấy cái “bàn xoay” này hòng xoay chuyển tình thế. Một câu chuyện chứng minh điều này. Đó là trong cái đêm No-en 1953, chính trên cánh đồng Mường Thanh này, nhân lúc chén  tạc chén thù trong hầm chỉ huy của Đờ Cát (De Castries, chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ), có mặt cả Na-va, viên đại tá lê dương Gô-sê12 với giọng nửa tỉnh nửa say, đã kể lại rằng: khi hắn ở trong đám tàn quân bại trận vì bị Nhật đảo chính và đang dừng chân ở Điện Biên Phủ trên đường chạy chốn sang Côn Minh, chính hắn đã trông thấy hai phái viên cao cấp của Đờ Gôn từ máy bay Đa-kô-ta (của Mỹ) nhảy dù xuống cánh đồng Mường Thanh. Hai người (Lăng-gla-đơ và quan năm Đơ-oa-vơ-ranh (Langlade, DeWavrin) tự giới thiệu là phái viên của Pa-ri. Họ chuyển đạt cho bọn chỉ huy đám tàn quân Pháp chỉ thị của Đờ-Gôn nói rằng quân Pháp phải ở lại Đông Dương bằng bất kỳ giá nào (!), rằng nhất thiết phải giữ lấy “cái chậu” (cuvete) Điện Biên Phủ. Đứng vững chân được ở cánh đồng này thì sẽ cứu vãn được xứ Đông Dương khỏi tay phát xít Nhật (!).

 Từ hơn nữa thế kỷ trước hay ít nhất cũng gần chục năm trước, các vị thực dân đàn anh còn đánh giá cao vị trí chiến lược của Điện Biên Phủ đến thế. Huống chi ngày nay, đến lượt Na-va.

 Ngay từ lần đầu lần đầu tiên lên thăm Điện Biên Phủ (29-11-1953), viên tổng chỉ huy đã thấy tầm mắt của y được phóng rất xa trên một cánh đồng rộng, bằng phẳng. Với thói quen nghề nghiệp của một tên lính lái tầu bò trước đây. Na-va nắc nỏm khen thầm: Đất này mà xe tăng cơ động thì tuyệt. Sân bay kia có thể sửa lại và mở rộng gấp hai ba lần. Đảo mắt lên những ngọn núi cao vút, rất xa, vây quanh lòng chảo, viên tướng thấy một không gian rộng cho phép các loại máy bay hoạt động, lên xuống dễ dàng. Những ngọn núi đó, bức thành thiên nhiên ngăn chặn không cho đối phương đặt pháo với tầm tới lòng chảo. Ôi chao, một địa bàn lý tưởng để xây dựng một căn cứ không quân – lục quân hiện đại lớn vào bậc nhất Đông Dương.
--------------------------
 11. Pierre Langlais Điện Biên Phủ, France Empire. 1963.
 12. Gaucher, phó chỉ huy tập đoàn cứ điểm, đặc trách phân khu trung tâm. Hắn bị chết ngay từ loạt đạn pháo đầu tiên khi ta bắt đầu tiến công đêm 13-3-1954.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #19 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2010, 05:26:22 pm »

 Đó là về quân sự. Còn về kinh tế, thì xem cái “vựa lúa” này thế nào.

 Mường Thanh đứng đầu sổ trong bốn cánh đồng lớn ở Tây Bắc. Từ thời Tây, thóc Mường Thanh đủ nuôi cả thị xã Lai Châu, ấy là chưa kể một số lớn bị rót vào bồ bịch của các quan cai trị Đạo quan binh thứ tư và các quan chức An-nam trong tỉnh. Hàng ngày, từ 100 đến 150 con ngựa thồ có lính đi kèm, lặc lè thồ gạo từ Điện Biên, men theo con đường gồ ghề gần 140km mang tên “nhà thám hiểm” Pa-vi, lên tận Lai Châu.

 Na-va sớm biết khai thác lợi thế kinh tế của cánh đồng Mường Thanh. Ngay khi kế hoạch Ca-xto còn đang trong thời kỳ thai nghén, ngày 2-11-1953 viên tổng chỉ huy đã ra huấn lệnh (số 852/3/0/TS) nói rằng: “Việc chiếm Điện Biên Phủ phải được tiến hành tốt nhất vào khoảng 19 – 20, muộn nhất là 25-11. Mùa gặt sắp bắt đầu ở thượng du. Phải tranh thủ khả năng tước đoạt chủ bài hậu cần của đối phương”. Ông ta đặt một con tính: Sản lượng lúa ở Mường Thanh có thể bảo đảm nuôi vài ba vạn quân trong nhiều tháng.

 Về mặt chính trị thì đã rõ. Châu Ún, Đèo Văn Long và cả một hệ thống tay sai ở cái khu tự trị Tây Bắc này cần sự có mặt của quân viễn chinh.

 Tóm lại, không cần bàn cãi gì nữa. Tầm quan trọng của Điện Biên Phủ đối với cuộc chiến tranh của Pháp đã quá rõ ràng, nhất là trong trường hợp muốn mở rộng cục diện chiến trường. Không nơi nào có được các ưu thế như Điện Biên để chặn bước chân Việt Minh bảo vệ Thượng Lào.

 Như để lấy lòng chủ tướng, khi ngồi trên máy bay trở về Hà Nội cùng với Na-va, đại uý Pu-giê (Jean Pouget) còn cho viên tổng chỉ huy biết rằng trong số sĩ quan hàng không, người ta đang tranh cãi: Điện Biên Phủ xa hay gần các căn cứ trung tâm. Điện Biên chỉ cách Hà Nội có một giờ bay. Một giờ bay so với cuộc chiến tranh đã kéo dài 8 – 9 năm, có đáng là bao. Người ta có thể bay về Hà Nội chữa răng buổi sáng, ăn trưa ở khách sạn Mê-tô-pôn (Metropole) làm một giấc la-xiết rồi trở lại Điện Biên trước tối bằng chuyến Đa-cô-ta cuối cùng. Thật là một sự nhàn hạ lý tưởng đối với cuộc đời chinh chiến.

 Nhưng rồi sau này, khi đã được ra khỏi trại tù binh của ta. Pu-giê mới tỉnh ngộ ra rằng chính cái một giờ bay ngắn ngủi ấy lại là một trong trăm ngàn chiếc dây thòng lọng bóp chết cái dạ dày Điện Biên Phủ, khiến cho hàng vạn chiến hữu của anh ta sống dở chết dở trước khi bỏ mạng hoặc chui vào trại tù binh.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM