Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:45:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ truyện kể với bạn bè  (Đọc 104744 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 12:54:05 pm »

ĐIỆN BIÊN PHỦ TRUYỆN KỂ VỚI BẠN BÈ



Tác giả: Đại tá - Nhà nghiên cứu LSQS Trần Trọng Trung.
Nhà xuất bản: Hà Nội.
Năm xuất bản: 1981.
Số hóa: dongadoan

Chương một
BẮT ĐẦU TỪ TRẬN MƯA DÙ

I. CON CHUỘT NƯỚC


 Tháng 11 năm 1953.

 Trên thung lũng Mường Thanh, lúa đã chín. Khác với thường lệ, từ sáng ngày 20, người ta thấy vắng những tiếng cười hồn nhiên của các cô gái Thái duyên dáng, với chiếc khăn Piêu đội đầu, ẩn ẩn hiện hiện trên đồng lúa, xen lẫn anh bộ đội thân quen giúp dân gặt mùa. Các cô ở lại bản tiễn anh bộ đội lên đường.

 Theo kế hoạch đã định, hôm nay bộ đội thuộc trung đoàn Sơn La xuất quân lên phía bắc để chuẩn bị phối hợp với các đơn vị bạn giải phóng Lai Châu. Sau những phút chia tay bịn rịn tình quân dân, làng bản vắng hẳn. Đơn vị cuối cùng còn lại là tiểu đoàn 910 cũng đang dỡ dây thông tin để lên đường.

 Từ mấy ngày qua, một máy bay “bà già” ngày nào cũng bay lượn nhiều lần trên bầu trời Điện Biên.

 Hôm nay cũng vậy. Khoảng quá 10 giờ, máy bay trinh sát vừa xuất hiện thì liền sau đó hai chiếc B.26 ập đến dội bom xuống Hồng Cúm và “đồi đồn Tây”1. Từ hướng Đông Nam, tiếng ì ầm nặng trịch vọng về mỗi lúc một gần. Với tiểu đoàn 910 bộ đội Sơn La, những triệu chứng địch sắp nhảy dù như vậy là đã rõ. Đơn vị đã từng tiêu diệt chừng 60 tên lính dù  nhảy xuống vùng Đồng Văn, Hà Giang. Hơn nữa năm trước đây, chính trên cánh đồng Mường Thanh quen thuộc này, anh em đã cùng dân quân tóm gọn 30 tên biệt kích được thả xuống để gây cơ sở, chống phá địa phương.

 Tiểu đoàn vừa được lệnh triển khai chiến đấu thì từ hướng Phú Hồng Mèo, những chiếc máy bay vận tải đen xì đã xuất hiện. Từng đợt, từng đợt dù được thả xuống, tập trung nhất là ở phía Bắc cánh đồng Mường Thanh và khu vực Hồng Cúm. Sau này ta được biết, địch đặt cho bãi nhảy dù phía Bắc cái tên Na-ta-sa (Natacha) bãi phía Nam. Xi-mon (Simone). Những cái tên mỹ miều được dùng vào một cuộc hành quân xâm lược.


 Đợt đầu, nhảy xuống Na-ta-sa là một tiểu đoàn dù do viên thiếu tá Bi-gia (Mareel Bigeard) chỉ huy. Cái tiểu đoàn dù thuộc địa thứ 6 này (6è BPC) đối với người lính Tây Bắc phải đâu là xa lạ. Nó đã bao lần  lột xác, nhưng cứ mỗi lần bổ xung quân số hàng loạt, các viên chỉ huy Pháp vẫn cố giữ cho nó cái phiên hiệu cũ. Nhớ lại “kỷ niệm” gần nhất là cuộc tháo chạy suốt bốn ngày từ Tú Lệ về Nà Sản cuối tháng 10 năm ngoái, không những từng tên lính còn sống sót của  tiểu đoàn chưa hết ớn lạnh xương sống mà cả viên cố đạo Giăng-đen (Jean Del), tuyên uý của tiểu đoàn, mỗi khi nhớ lại “cuộc Ma-ra-tông bất đắc dĩ” năm trước hẳn cũng không khỏi đưa tay lên làm dấu, cầu Chúa đã ban phước lành cho y sống sót. Còn viên thiếu tá tiểu đoàn trưởng Bi-gia, trong những năm 70 đã leo lên chức thứ trưởng quốc phòng Pháp, ắt cũng chưa quên những “lời khen” hồi đó của tổng chỉ huy Xa-lăng (Raoul Salan) về “thành tích” đã làm cho tiểu đoàn tan tác.
------------------------------
1. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta gọi điểm cao này là đồi A1. Chúng tôi sẽ nói rõ lịch sử quả đồi này trong những trang sau.

« Sửa lần cuối: 03 Tháng Chín, 2010, 07:17:26 pm gửi bởi dongadoan » Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 12:56:59 pm »

 Chúng ta hãy trở lại cánh đồng Mường Thanh.

 Cũng trong đợt đầu, nhảy xuống bãi Xi-mon là một tiểu đoàn dù khác, tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn dù biệt kích (2/1/ RCP) do thiếu tá Brê-si-nhắc (Brêchignac) chỉ huy. Buổi chiều, địch xuống càng nhiều. Máy bay khu trục bắn phá, yểm trợ cho trực thăng hạ xuống đưa bọn bị thương về Hà Nội.
Sau ngày đầu, gần 3.000 tên và hôm sau (21-11) thêm gần 2.000 tên nữa, tất cả 6 tiểu đoàn dù (tức 2/3 quân dù toàn Đông Dương), một đại đội công binh, hai đại đội pháo binh, dưới sự chỉ huy của tướng Gin (Gilles), viên tướng chột, có biệt hiệu là “thần khổng lồ một mắt”, được ném xuống cánh đồng Điện Biên cùng với 240 tấn dụng cụ các loại. Trong số quân nhảy xuống hôm sau, người ta thấy có hai viên cố đạo, biết nói tiếng Việt khá sõi. Bọn lính thực dân khoác áo thày tu này vừa nhảy xuống đã giở thủ đoạn lừa phỉnh dụ dỗ những người dân vừa bị bắt trong cuộc nhảy dù. Các “cha” (!) đã làm lễ cầu hồn cho gần 300 tên bỏ mạng ngay sau khi đặt chân trên mảnh đất Điện Biên. Xác được bó bằng vải dù và vùi vội ở một góc nào đó trên cánh đồng Mường Thanh. Trên những nấm mồ, mọc lên những cây thánh giá mầu trắng đục. Đó là những nầm mồ đầu tiên báo hiệu hàng ngàn tên khác sẽ đền tội trên cái lòng chảo này, cái lòng chảo khi đó còn hầu như chưa ai biết đến nhưng rồi sẽ được thiên hạ nói đến nhiều và ngày càng nhiều trên những trang báo, những bản tin.

 Ngay từ chiều 20, ở cả Hà Nội, Sài Gòn và Pa-ri người ta nghe tin về “trận mưa dù xuống Điện Biên Phủ”. Năm ngày sau đó là tin chiếc Đa-cô-ta đầu tiên đã hạ cánh trên sân bay Mường Thanh. Nếu chỉ qua lời tường thuật của nhiều ký giả, lời tường thuật đã bị Phòng Nhì Pháp cắt xén không thương tiếc, thì khó mà hình dung nổi những gì đã xảy ra trên cái thung lũng hẻo lánh trên vùng biên giới Tây Bắc Việt Nam.

 Đúng là cuộc nhảy dù đã diễn ra khá bất ngờ đối với tiểu đoàn 910 bộ đội Sơn La. Mặc dù triển khai chiến đấu chậm, trên một địa bàn quá rộng từ sân bay đến các điểm cao phía Đông và mặc dù nhiều đơn vị đã mất liên lạc với nhau, các trung đội vẫn độc lập chiến đấu liên tục từ 11 giờ, khi những tên lính dù đầu tiên đặt chân xuống đất. Bốn phía đều có địch. Đến 13 giờ, các chiến sĩ đại đội 221 hết đạn đã lấy súng đạn của địch để tiếp tục chiến đấu. Đại đội 223 vẫn chặn địch, giữ vững được bản Mường Thanh. Qua các bài tường thật và các tác phẩm lịch sử mà các ký giả và sử gia Pháp và phương Tây sau này viết ra, qua những bức ảnh còn để ở Bảo tàng Điện Biên, người ta thấy rõ cảnh hỗn độn lớn của cánh quân Bi-gia. Đó là cảnh lính Tây vác xác đồng bọn chạy trên cánh đồng...

 Đến 16 giờ, khi mà lực lượng địch nhảy xuống đã lên tới 4 tiểu đoàn, quân ta chiến đấu trong điều kiện lực lượng chênh lệch và địch lại chiếm được các điểm cao khống chế, bộ đội được lệnh rút vào rừng, chuẩn bị hành quân đuổi theo các đơn vị lên hướng Lai Châu chiến đấu theo kế hoạch đã định.

 Chiều tối hôm đó, trước khi bộ đội hành quân lên hướng Mường Phăng, anh em còn giúp dân cứu chữa những người bị thương chôn cất người bị chết, giúp cụ già em nhỏ tạm lánh xa vùng có địch. Cán bộ bộ đội cùng cán bộ huyện họp bàn cách tổ chức tản cư nhân dân, giúp dân gặt lúa. Một số cán bộ tiểu đội, trung đội thông thạo địa hình, sõi tiếng địa phương được cử lại giúp dân quân du kích chiến đấu và hướng dẫn địa phương tiếp tục nắm tình hình địch, chuẩn bị cho bộ đội trở lại chiến đấu sau này.

 Từ ngày 20, cảnh yên vui thanh bình của thung lũng Mường Thanh không còn nữa. “Trận mưa dù”, tiếng súng, tiếng bom xen với tiếng gầm rít của máy bay, rồi cảnh tượng người thân ngã xuống, ảnh nhà cháy, cây đổ tan hoang... tất cả đã để lại trong tâm trí người dân địa phương chưa từng quen với bom đạn một ấn tượng sâu sắc lâu quên.

 Lúa vẫn chín vàng trên cánh đồng. Nhưng thay vào những tiếng cười vui được mùa là tiếng bom nổ ở ven rừng để đốt lúa của dân và đề phòng bộ đội ta tập kích, là tiếng máy bay từng đợt từng đợt bay lượn trên bầu trời và thả xuống những cuộn dây thép gai, những hòm gỗ lớn, những xe húc đất, những tảng thiết bị công sự...

 Quân Pháp vội vã sửa chữa sân bay, xây đắp công sự. Cây ven rừng bị chặt, cây trong bản mường bị phát quang, nhà bị dỡ xuống. Chúng càn có vật liệu để gấp rút tổ chức trận địa. Những lớp dây thép gai vội vã quây lấy các vị trí trú quân tạm thời. Nhưng địch chưa yên tâm. Chúng xua đuổi mọi người dân ra khỏi nhà, khỏi bản, tập trung họ lại thành một hàng rào vây quanh từng khu lều bạt trên từng điểm cao, trên mặt ruộng, đề phòng quân ta tập kích ban đêm.

 Chỉ vài ngày sau “trận mưa dù”, thung lũng Điện Biên đã nhanh chóng trở thành một trại lính khổng lồ.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 01:06:49 pm »

 Từ hai tháng trước, một kế hoạch hành quân mang tên Cát-xtơ (Castor) đã hình thành trong cơ quan tham mưu quân viễn chinh Pháp. Những người quen biết Na-va (Henri Navarre) và làm việc trong tổng hành dinh của ông ta không lạ gì những cái tên như vậy. Từ khi Na-va sang cái mảnh đất Đông Dương xa lạ này, người ta thường thấy viên tổng chỉ huy Pháp dùng tên các loài chim, loài cá để đặt cho các cuộc hành quân của mình. Cuộc tập kích bằng quân dù xuống Lạng Sơn mang tên “Chim én” (Hirondelle): cuộc càn quét ở vùng sông Luộc mang tên “Cá măng” (Brochet); cuộc tiến công ra Tây Ninh Bình mang tên “Hải âu” (Mouette) v.v... Hết chim, bây giờ đến chuột.

 Thật ra trong thâm tâm, Na-va muốn dùng chữ Castor (chữ C hoa) đặt cho cuộc nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ cùng một lúc với việc dùng chữ Pollux (chữ P hoa) đặt cho cuộc hành trình tháo chạy từ Lai Châu về Điện Biên. Ông ta muốn tỏ cho thiên hạ biết mình là người thông thiên văn, giỏi địa lý, nên dùng tên hai người con sinh đôi của Duy-pi-te (Jupiter) đặt cho hai cuộc hành quân. Khốn nỗi, tiếng Pháp, chữ castor (chữ c thường) là một danh từ chung, có một nghĩa không đẹp đẽ gì: đó là con hải ly (chuột biển), con chuột nước hay là con thú gì đó. Tóm lại là loại gậm nhấm, sống được cả ở trên cạn và dưới nước. Và khi việc ném quân dù xuống Điện Biên Phủ đã hoàn tất, viên chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ là Cô-nhi (Cogny) đã lớn tiếng tán thưởng “con chuột nước thần kỳ” (lecastor magique). Thế là người ta không còn nghĩ gì đến hai cái tên thần thoại Casto – Pollux nữa. Gần nửa năm sau, số phận quân Pháp ở Điện Biên Phủ được định đoạt vào lúc mùa mưa vừa đến. Quân lính của Na-va đã trải qua những người “ướt như chuột lụt” trong chiến hào. Và người ta bàn tán rằng: ngay khi ném quân xuống cánh đồng Mường Thanh. Na-va đã biết tiên đoán rằng lính Pháp sẽ trải qua cuộc sống của con chuột nước nên đã dùng chữ castor để đặt tên cho cuộc hành binh của 6 tiểu đoàn dù. Thật là một viên tướng tổng chỉ huy có nhãn quan chiến lược sâu xa!


Henri Navarre
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 01:14:36 pm »

 Chúng ta hãy trở lại tổng hành dinh của Na-va để xem bối cảnh ra đời của con chuột nước thế nào.

 Địa bàn chiến lược Điện Biên Phủ đã được quân ta giải phóng từ cuối năm 1952, trong chiến dịch Tây Bắc. Từ đó, viên tổng chỉ huy cũ là tướng Xa-lăng (Raoul Salan) đã nhiều lần muốn chiếm lại cái cánh đồng lớn nhất Tây Bắc này, nhưng chưa làm được vì dù giật gấu vá vai, tìm đâu cũng không đủ quân để đưa lên vùng đất hẻo lánh nhưng rất quan trọng đó.

 Ngày 25 tháng 5-1953, khi bàn giao sự nghiệp viễn chinh cho viên tổng chỉ huy mới, Xa-lăng vẫn nhắc lại tầm quan trọng của Điện Biên Phủ và nguyện vọng (bất thành) của mình là chiếm lại địa bàn này.

 Người chủ mới của quân viễn chinh là Na-va, lúc đầu không hề có ý định chiếm đóng Điện Biên Phủ, vì ông ta đang cố ky cóp từng đơn vị nhỏ lại để xây dựng một lực lượng dự bị mạnh, chuẩn bị thực hiện một ý đồ lớn là tiến tới đánh cho đối phương một đòn quyết định. Việc rút quân khỏi Nà Sản, đưa về đồng bằng được 6 tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đoàn pháo, đã góp phần làm cho cái túi dự bị chiến lược của Na-va thêm phong phú. Nhưng ngay sau khi quân Pháp bỏ Nà Sản (8/53), cơ quan tham mưu của Pháp mới phát hiện ra một cục diện đáng lo ngại. Mấy tiểu đoàn Pháp còn lại ở Lai Châu bị lọt thỏm giữa vùng rừng núi Tây Bắc bao la và luôn đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Mặt khác, con đường Hoà Bình, Sơn La, Tuần Giáo, Điện Biên Phủ thông thống, Việt Minh có thể bước một bước dài sang tận Thượng Lào mà không bị cản trở. Rõ ràng là Lai Châu không được  yểm trợ thì sẽ bị lạnh chân; Thượng Lào không được bảo vệ thì sẽ bị hở sườn.

 Trước lý lẽ của cơ quan tham mưu, Na-va gật gù cho là phải. Lai Châu bị tiêu diệt là một vấn đề quân sự to lớn. Thượng Lào bị uy hiếp là một vấn đề chính trị trọng đại. Nhưng vấn đề đặt ra  là đưa quân lên đâu để yểm trợ được Lai Châu và bảo vệ được Thượng Lào? Chẳng lẽ vừa rút quân khỏi Nà Sản, nay lại đưa quân lên đó để rồi nhận lấy những lời chê bai về cách chỉ đạo chiến lược kiểu đèn cù? Suy đi tính lại, Na-va chợt nhớ lời của Xa-lăng về cái thung lũng Điện Biên. Phải chăng chỉ có Điện Biên mới đáp ứng được mấy yêu cầu chiến lược trên đây?

 Nhưng Điện Biên Phủ là cái quái gì ? Vốn không có “thâm niên Đông Dương” như Xa-lăng, không biết gì về cái mảnh đất hẻo lánh ở tít vùng biên giới miền Tây xa xôi kia, cho nên Na-va giao cho cơ quan tham mưu nghiên cứu khả năng và kế hoạch đưa quân lên Điện Biên Phủ. Thế là từ giữa tháng 9, người ta thấy viên đại tá Béc-tây (Berteil), tham mưu phó phụ trách kế hoạch hành binh, thường ngồi trước tấm ảnh lòng chảo Mường Thanh được phóng đại, cùng với Phe-răng-đi (Jean Ferradi) thì thầm to nhỏ. Phe-răng-đi là một sĩ quan tình báo thuộc loại kỳ cựu Đông Dương.


 Thế rồi một kế hoạch hành binh mang tên Castor ra đời. Theo kế hoạch này, quân Pháp sẽ đánh chiếm Điện Biên Phủ bằng ba lực lượng phối hợp: từ Lai Châu đánh xuống, từ thượng Lào đánh sang và quân dù từ trên trời nhảy thẳng xuống cánh đồng Mường Thanh.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 01:25:07 pm »

 Trong quá trình thai nghén con chuột nước cũng là quá trình cuộc tranh cãi kéo dài giữa một số tướng lĩnh chủ chốt. Trừ Bô-đê (Bodet, phó tướng của Na-va) cũng ủng hộ chủ trương đánh chiếm Điện Biên Phủ, còn các nhân vật khác đều cho rằng chiếm đóng địa bàn này chẳng có tác dụng ngăn chặn Việt Minh, đặt chân sang Thượng Lào. Thật ra thì đằng sau ý kiến có vẻ là vô tư ấy, mỗi viên tướng chung quanh Na-va đều có động cơ riêng trong khi phản đối đưa quân lên Tây Bắc. Cô-nhi và Mat-xông (Masson), tư lệnh và phó tư lệnh Bắc Bộ không muốn nhả quân ra khỏi đồng bằng vì sợ vùng châu thổ sông Hồng bị uy hiếp. Tướng Gin, tư lệnh quân dù thấy ngót 10 tiểu đoàn dù toàn Đông Dương đứng trước nguy cơ bị chia năm, xẻ bảy. Tướng Đờ-sô (Dechaux) tư lệnh không quân, lo gánh nặng sẽ đè lên đôi vai còm cõi của các phi đội vận tải nếu thêm một tập đoàn cứ điểm hình thành xa trung châu vài ba trăm kilômet.

 Cuộc tranh cãi chưa ngã ngũ thì vào khoảng trung tuần tháng 11 một sự kiện quan trọng đã xảy ra: Phòng Nhì được tin đại đoàn 316 của đối phương hình như đã xuất quân lên hướng Tây Bắc. Một câu hỏi đặt ra: Họ đi đâu, lên đánh Lai Châu hay sang Thượng Lào qua lối Điện Biên – Mường Khoa? Mọi đáp số đều cho thấy một nguy cơ chiến lược.


 Tướng Na-va cấp tốc bay ra Hà Nội. Và ngày 17 tháng 11, một cuộc hội nghị cao cấp được triệu tập. Vào hội nghị Na-va mới biết rằng do còn nhiều ý kiến bất đồng giữa các tướng lĩnh chủ chốt nên chưa chuẩn bị được cho Thượng Lào và Lai Châu phối hợp với quân dù khi nhảy xuống Điện Biên. Đành vậy. Tình thế khẩn cấp lắm rồi. Phải chiếm Điện Biên Phủ ngay, dù chỉ bằng đổ bộ đường không, để chặn đứng đối phương bên này biên giới Việt Lào. Để cho quân dù sau khi nhảy xuống Điện Biên Phủ khỏi bị cô lập, cần nghiên cứu mở cuộc hành quân hỗ trợ từ phía Lào sang sau khi quân dù đã đứng vững chân trên cánh đồng Mường Thanh. Cuộc hành binh hỗ trợ này sẽ tạo nên một “hành lang chiến lược” nối liền Điện Biên Phủ với Luang Pha-bang, qua Mường Khoa.

 Không bàn cãi gì nữa khi mà tổng chỉ huy đã quyết.

 Thế là chỉ ba ngày sau, ngày 20-11, tướng Gin đi đầu trong việc thực hiện ý đồ chiến lược của Na-va.

 Hạ quyết tâm ném quân dù xuống lòng chảo Điện Biên, tướng Na-va không hề nghĩ rằng mọi chuyện bắt đầu từ đấy. Viên tổng chỉ huy thứ 7 của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương có biết đâu rằng trong cái ngày thứ 6 đẹp trời ấy (20-11-1953), con chuột nước ra đời, đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn cuộc đời binh nghiệp của ông ta.

 Để hiểu thêm ngọn ngành câu chuyện, có lẽ chúng ta nên đi ngược lại thời gian nửa năm trước, khi viên tướng này được trao chức tổng chỉ huy và xuất hiện trên chiến trường Đông Dương.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 01:30:45 pm »

2. VIÊN TƯỚNG THỨ 7


 Vào một ngày đầu tháng 5 năm 1953, một bức điện khẩn được chuyển đến tổng hành dinh của thống chế Gioăng (Alphonse Juin) tư lệnh các lực lượng Trung Âu của khối Bắc Đại Tây Dương. Pa-ri gọi tướng Na-va về gấp để nhận nhiệm vụ mới. Thống chế Gioăng không bất ngờ về việc này vì chính ông ta là người tiến cử Na-va sang thay Xa-lăng làm tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Nếu được bổ nhiệm, Na-va sẽ là viên tổng chỉ huy thứ 7 sau 8 năm chiến tranh Đông Dương2.

 Được gọi đến gặp Gioăng và sau khi được biết về việc bổ nhiệm sắp tới, Na-va không khỏi bàng hoàng Xứ Đông Dương đối với viên tướng 4 sao này còn xa lạ lắm. Qua tin tức 7 – 8 năm nay. Na-va biết nhưng không quan tâm lắm đến những gì – kể cả khá nhiều sự kiện tọng đại – đã xảy ra trên cái bán đảo mà dư luận giới quân sự Pháp ở Pa-ri gọi là mảnh đất “bất trị” này.

 Đến bây giờ, tháng 5/1953, Na-va mới quan tâm đến một điều quan trọng là chính trên cái bán đảo nhỏ bé này, hàng loạt tướng lĩnh thuộc loại cự phách của nền Đệ tứ Cộng Hoà Pháp như cỡ Lơ-clec và Đờ-lát (Phi-lippe Leclere, Jean Delattre de Tassigny) đã chôn vùi sự nghiệp của mình sau khi đã nếm mùi thất bại. Đó là chưa kể những viên tướng khác đã bỏ xác trên chiến trường như Hác-tơ-man hay Săng-xông (Har-temann, Chanson).
Tại sao khi quyết định một việc trọng đại như thế này mà người ta lại không dò hỏi ý kiến đương sự trước? Na-va muốn vin lý do chưa quen chiến trường Đông Dương để khéo thoái thác “niền vinh dự đáng sợ” này. Nhưng khốn nỗi người đối thoại lúc này lại đồng thời là cấp trên rất đáng tin cậy của mình, thống chế  Gioăng, người tỏ ra rất lạc quan về cục diện, chiến trường Đông Dương. Ông ta nói về khả năng tăng viện trợ không hạn chế của Mỹ, về thái độ “đã bớt trùm chăn” của Bảo Đại, về triển vọng của quân đội bản xứ v.v.. Và kết luận:

 - Nhiệm vụ của tướng quân có khó khăn đấy nhưng không phải hoàn toàn không có lối thoát.

 Thật là khó xử đối với Na-va, người được dư luận và nhất là cấp trên trực tiếp đánh giá là có trí tuệ lỗi lạc, tính kiên quyết, có trí thức chung và kiến thức quân sự sâu rộng... Na-va đành miễn cưỡng tiếp thu và cám ơn những lời khích lệ của cấp trên. Rồi họ chia tay nhau. Na-va vội vã đi Pa-ri.
-------------------------
 2. Những viên tướng sang chỉ huy quân viễn chinh Pháp trước Na-va là: Leclere (1945-1946) Valluy (1946-1948) Blaizot (1948-1949), Carpentier (1949-1950) De. Tassigny (1951) Salan (1952-1953).
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 01:33:51 pm »

 Ngồi trên ghế thủ tướng Pháp lúc này là May-ê (Rene Mayer). Đây là ngài thủ tướng thứ 18 của nước Pháp kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, cũng tức là sau 8 năm chiến tranh xâm lược Đông Dương. Tuy chỉ mới được dựng lên chừng 5 tháng, nhưng không khí chính trị mùa hè ở Pa-ri cho thấy nội các của May-ê đang như con thuyền trên đại dương trước những cơn bão tố kinh tế, chính trị ngày một dâng cao.

 Viên tướng Pháp đến lâu dài Ma-ti-nhông3, yết kiến thủ tướng May-ê vào một ngày thứ năm, 7/5/1953. Mặc dù ông thủ tướng tiếp đón Na-va hết sức niềm nở, nhưng ngay từ phút đầu, với con mắt của một người tình báo kỳ cựu, viên tướng đã nhận thấy những nét lo lắng hằn trên khuôn mặt của người cầm đầu chính phủ, khác hẳn thái độ  lạc quan của thống chế Gioăng mấy hôm trước.

 Thủ tướng Pháp nói về tình hình Đông Dương, về những khó khăn của nước Pháp sau 8 năm chiến tranh về phương hướng hoạt động sắp tới của quân viễn chinh. Cuối cùng, ông ta đưa ra cho Na-va một chỉ thị mà cũng là một yêu cầu:

 - Tướng quân hãy giúp chính phủ tìm kiếm một lối thoát danh dự.

 Nếu mấy hôm trước, được thống chế Gioăng động viên, Na-va đã có lúc tự tin vào khả năng hoàn thành trọng trách được giao thì ngược lại, trong buổi gặp gỡ thủ tướng hôm nay, viên tướng Pháp lại không tìm thấy một chút hứng thú trong nhiệm vụ sắp tới.

 Trước lời thoái thác khéo léo của cấp dưới, lúc đầu thủ tướng còn tươi cười:

 - Chính phủ đã cân nhắc kỹ khi quyết định trao chức tổng chỉ huy cho tướng quân, với hy vọng là tướng quân sẽ nhìn cuộc chiến với con mắt mới hơn, khách quan hơn, không bị lệ thuộc vào những định kiến sẵn có...Việc tướng quân không quen Đông Dương chỉ là một lý do phụ.

 Nhưng rồi trước thái độ thiếu hào hứng của Na-va, May-ê thấy phải áp ngay dấu ấn của người có quyền hành vào quyết định bổ nhiệm. Ông ta nghiêm nét mặt.

 - Một quân nhân liệu có nên và có thể từ chối một nhiệm vụ mà cấp trên giao phó, nhất là đó lại là một nhiệm vụ nguy hiểm. Tướng quân hãy sang bên đó tìm hiểu tình hình và trong khoảng thời gian ngắn, chừng một tháng, cố đề đạt một phương án hoạt động thích hợp với tình hình thực tế...

 Câu nói mang tính mệnh lệnh. Mà đã là mệnh lệnh thì chỉ có chấp hành.

 Na-va miễn cưỡng nhận nhiệm vụ rồi cáo từ thủ tướng. Đồng hồ trên tường chỉ 17 giờ 50 phút, một thời điểm đáng ghi nhớ trong cuộc đời binh nghiệp của Na-va.

 Hôm sau, khi đã được chính thức bổ nhiệm, ngài tổng chỉ huy rời khỏi lâu đài Ma-ti-nhông với biết bao câu hỏi đè nặng tâm trí: Lối thoát được không? Và nhất là phải làm gì để thoát? Tiêu diệt hết Việt Minh để trở lại thời kỳ hoàng kim như năm 1939 ư? Một việc không thể nào làm được. Trao trả độc lập cho người Đông Dương để rồi rút quân một cách cao thượng ư? Pa-ri đâu muốn thế. Nhường Đông Dương lại cho người Mỹ để tránh một thất bại quân sự như mấy năm vừa qua ư? Đó chỉ là bước đường cùng.
--------------------------
 3. Matignon, nơi làm việc của thủ tướng Pháp, trụ sở Hội đồng bộ trưởng Pháp.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 01:37:04 pm »

 Mặc dù chính phủ yêu cầu sang Đông Dương gấp để sớm có kế hoạch hành động, nhưng tướng Na-va cố nán lại Pa-ri để tìm hiểu tình hình, tìm hiểu sâu hơn về cuộc chiến tranh Đông Dương sau 8 năm kéo dài. Các thư viện, các cơ quan lưu trữ và nhiều nhân vật quen biết đã giúp cho viên tổng chỉ huy mới nắm được nhiều điều bổ ích, tuy rằng, bổ ích không đồng nghĩa với đáng khích lệ.

 Trải qua chừng 10 ngày lưu lại ở Pa-ri tướng Na-va đã thu hoạch được những gì.

 Cuộc chiến tranh đã bước sang năm thứ tám. Dư luận cho rằng 8 năm đó là thời gian cần thiết để đối phương đặt nước Pháp trước một thực tế: Phải thoát khỏi cuộc chiến tranh bằng mọi giá. Thoát khỏi cuộc chiến tranh, phải chăng đó lại chính là mục đích chiến tranh hiện nay của nước Pháp? Thật khó hiểu, tướng Na-va không tự giải đáp nổi. Nếu như trước đây viên tướng này thờ ơ với cuộc chiến tranh Đông Dương bao nhiêu thì giờ đây ông ta lại thấy cần nghiên cứu nó một cách nghiêm chỉnh bấy nhiêu. Và chỉ hơn  một tuần tìm hiểu. Na-va đã phải cay đắng kết luận rằng: cuộc chiến tranh kéo dài, đã gây nên một sự mệt mỏi lan rộng không loại trừ một giới nào, quân sự hay dân sự. Đáng buồn hơn nữa là trong hàng ngũ các tướng lĩnh, không ít người chua chát đưa ra nhận xét rằng các chính phủ kế tiếp nhau ở Pa-ri đã bất tài trong việc điều hành cuộc chiến tranh thì họ cũng sẽ bất lực không thể kết thúc nó theo ý muốn.

 Được biết Na-va sắp sang Đông Dương, những bạn đồng nghiệp đã thân tình cho viên tướng biết rằng, trải qua 18 lần thay đổi thủ tướng và 6 lần thay đổi tổng chỉ huy, kinh nghiệm cho thấy người cầm quân ở Đông Dương đừng nên chờ đợi gì ở chính phủ, dù là May-ê hay một thủ tướng nào đó sẽ thay thế ông ta nay mai cũng vậy.

 Họ sẽ mặc cả với anh từng tiểu đoàn tăng viện. Và sau khi đã có kẻ bớt một thêm hai, họ sẽ phó mặc anh đương đầu với mọi sự rủi ro, mọi vấn đề gay cấn mà chiến trường sẽ đặt ra trước mắt anh, người tổng chỉ huy.

 Về mặt quân sự, thực tế chiến trường hiện nay ra sao? Vùng đồng bằng tạm chiếm không ổn định. Tám vạn quân chôn chân trong gần 1.000 đồn bốt và mặc dù những cuộc càn quét qui mô lớn liên tiếp diễn ra, quân viễn chinh cũng không sao cứu nổi đồng bằng khỏi bị “ruỗng nát”. Chừng một nửa tổng số làng xã trong “vùng đồng bằng có ích” đã thoát khỏi sự kiểm soát thực tế của quân Pháp. Chiến trường rừng núi thì sơ hở, hầu như vắng bóng quân viễn chinh. Riêng trên hướng Tây Bắc, hai vị trí Nà Sản và Lai Châu trơ trọi như hai hòn đảo chơ vơ, chập chờn giữa một vùng rừng núi trùng điệp.

 Trong khi đó thì ở Pa-ri, các thế lực cầm quyền luôn luôn xâu xé nhau vì sự khác biệt trong mục tiêu chiến tranh. Nền kinh tế đã kiệt quệ lại bị đổ vào cuộc xung đột ở Đông Dương, vô ích như nước đổ xuống lỗ nẻ. Đúng là viện trợ Mỹ tăng nhiều, nhưng viện trợ càng tăng, người Mỹ càng không cần gì giấu giếm tham vọng muốn giành vai trò làm chủ Đông Dương. Quan  hệ Pháp – Mỹ - các quốc gia liên kết (tức chính quyền tay sai ở ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia), không phải là ở vào thế kiềng ba chân như nhiều người mong ước mà trái lại, như báo chí đã vạch trần, đó là cái “tam giác chông chênh”, trong đó góc nào, cạnh nào cũng muốn hành động vì lợi ích của riêng mình. Người ta nói rằng phải đoàn viện trợ quân sự Mỹ (M.A.A.G) đang lộng hành, rằng Bảo Đại muốn dựa vào Mỹ để làm mình làm mẩy với Pháp, rằng Pa-ri luôn phải dùng đến cái đòn bẩy duy nhất là doạ “bỏ cuộc” để gây sức ép buộc Mỹ phải nhượng bộ về chính trị, tăng cường viện trợ quân sự v.v..

 Tóm lại, tình hình rất đáng bi quan. Điều đó giải thích cho Na-va thấy vì sao trước đây tướng Cơ-ních  (Keenig) và cả Gioăng nữa, những sĩ quan cấp tướng cỡ đàn anh của mình đã từng từ chối không muốn sang Đông Dương và bây giờ, vì sao thủ tướng May-ê lại yêu cầu giúp chính phủ tìm ra lối thoát danh dự.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 01:40:31 pm »

 Thật ra trong những ngày tìm hiểu tình hình, Na-va nhận thấy rằng trong hàng ngũ các tướng lĩnh, không phải ai cũng đưa ra những ý kiến làm cho viên tổng chỉ huy mới nản lòng. Mà lập luận của những người bạn đầy thiện chí này không phải là không có căn cứ.

 Việt Minh đã mạnh lên. Đúng. Nhưng máy bay, không, xe tăng, cũng không. Pháo của họ chỉ là mấy khẩu pháo tép cỡ 75 mi-li-mét cổ lỗ sĩ, cơ động trên chiến trường chỉ nhờ vào bắp chân và đôi vai người lính. Chẳng thế mà phòng tuyến boong-ke từ thời Đờ-Lát vẫn còn nguyên. Tập đoàn cứ điểm Nà Sản, Cánh Đồng Chum... vẫn tồn tại. Không phận bao giờ cũng thuộc quyền làm chủ của quân đội Pháp. Các đô thị lớn, các đường giao thông chiến lược vẫn do phía Pháp kiểm soát. Quân Pháp và quân các quốc gia  liên kết luôn luôn đông hơn nhiều so với quân chính qui của Việt Minh. Đến nay, mặc dù chúng ta chờ đợi và thách thức, họ vẫn chưa hề dám công khai đối mặt với chúng ta trong một trận đánh theo bài bản của chiến tranh qui ước. Họ chỉ hoà lẫn trong dân chúng hoặc chỉ dựa vào rừng núi, lợi dụng bóng đêm để chúng hoặc chỉ dựa vào rừng núi, lợi dụng bóng đêm để đánh nhau với chúng ta bằng lối đánh bất ngờ.

 Về cá nhân người chỉ huy quân viễn chinh, người ta còn thêm rằng Na-va rất có lợi thế vì đã quen làm việc với người Mỹ. Mà kinh nghiệm thời Đờ-Lát cho thấy, sự quen biết người Mỹ là điều kiện rất thuận lợi để tranh thủ sự viện trợ của họ và hạn chế sự can thiệp của họ vào nội bộ quan hệ giữa chúng ta với các quốc gia liên kết.

 Những ý kiến loại này làm cho Na-va thêm yên tâm.

 Sau khi lưu lại Pa-ri chừng 10 ngày, Na-va lên đường và chiều ngày 19-5, viên tổng chỉ huy mới đã có mặt ở Sài Gòn.

 Trước khi Na-va tới đây, đã không ít lời bàn tán về “tân quan”. Những người thuộc ê-kíp của Đờ-Lát thường thấy “người chủ cũ” của họ ra để làm tiêu chuẩn so sánh. Nào là, về tuổi tác, Na-va thua Đờ -Lát hàng chục tuổi, nhưng do những lý do này khác mà thăng quan tiến chức khá nhanh: từ một đại uý tình báo năm 1942, chỉ 10 năm sau đã leo lên cấp tướng 4 sao. Được giao chức tham mưu trưởng lục quân Pháp trong khối NATO ở Trung Âu, rõ ràng Na-va được lòng các nhân vật quân sự chóp bu ở Pa-ri như cỡ Gioăng. Cơ-ních... Nào là về tài ba, không những Na-va chưa hề biết gì về cái xứ Đông Dương này mà ông ta lại không thuộc loại tướng đã từng cầm quân dày dạn chiến trận, như cỡ Đờ-Lát. Vậy thì một người xuất thân từ lính xe tăng, đã qua một thời gian dài làm nghề tình báo – một nghề kỹ thuật lành lùng trong cơ quan tổng hành dinh – liệu có đủ trình độ cần thiết để tìm ra đặc điểm của cuộc chiến tranh Đông Dương này và đưa ra những quyết định quan trọng phù hợp? Nào là về cá tính, người ta thấy thật khó khăn, đối với một vị tổng chỉ huy mà nghề nghiệp trong quá khứ - nghề tình báo – đã làm cho Na-va trở nên lạnh lùng, khó khăn và sống xa cách mọi người v.v..

 Nhưng rồi cuối cùng người ta cũng đành yên tâm chờ đợi, với hy vọng rằng một con người do thống chế Gioăng đích thân tiến cử chắc hẳn không phải là một người tầm thường. Chắc chắn là Pa-ri đã cân nhắc, đã chọn mặt gửi vàng. Hơn nữa (và điều này có tầm quan trọng đặc biệt), với “cách nhìn mới” (New look) người Mỹ đã khéo bắn tin rằng họ tán thành một vị tổng chỉ huy không lệ thuộc vào những lề thói của những sĩ quan cứ bo bo giữ lấy lối làm ăn của thế kỷ trước, của thời Ga-li-ê-ni và Ly-ô-tây4. Người ta bảo nhau: Hãy chờ đợi. Thời gian và thực tế chiến trường là thước đo bản lĩnh của từng viên tướng và cũng là người phán xét nghiêm khắc nhất để phân biệt vàng, thau.

 Viên Tổng chỉ huy vừa chân ướt chân ráo đến Đông Dương thì từ Pa-ri đã vọng sang một tin đáng chú ý: Nội các May-ê đã bị đổ. Nước Pháp đang lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị mới. Tin này khiến Na-va không vui. May-ê là người trao nhiệm vụ và chỉ thị cho ông ta làm kế hoạch hành động. Ai sẽ là người thông qua kế hoạch đó? Làm thế nào có thể cùng một lúc uốn một lưỡi câu vừa nhiều miệng cá, nếu nội các cứ thay đổi xoành xoạch?

 Tuy thấy không thể vội vã nhưng chiến trường miền Bắc, chiến trường luôn nóng bỏng, đã thu hút viên tổng chỉ huy mới.

 Ngày 21-5, Na-va đã có mặt ở Hà Nội.
--------------------------------
 4. Joseph Simon Gallíeni (1849-1916) thống chế, bộ trưởng chiến tranh Pháp (1915-1916); Louis Lyautey (1854-1934), thống chế, bộ trưởng chiến tranh Pháp (1916-1917). Cả hai đều đã chỉ huy quân đội Pháp xâm lược Đông Dương lần thứ nhất.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 01:47:51 pm »

3- RA MẮT


 Nếu như vào những tuần đầu tháng 5, việc tướng Na-va được cử sang Đông Dương còn chưa được chính phủ công bố rộng rãi thì vào khoảng hạ tuần tháng 6, trong giới quân sự cao cấp Pháp, người ta bắt đầu bàn tán về một sự đổi mới sắp diễn ra trên chiến trường Đông Dương khi mà một kế hoạch chiến lược được thông qua.

 Người ta nhận xét rằng kế hoạch này ra đời không phải không trải qua những ngày sóng gió, trước hết do sự thay đổi người chủ của Điện Ma-ti-nhông. Nội các May-ê không chịu nổi những khó khăn nội bộ, nhất là về mặt tài chính, đã bị lật nhào ngày 21-5. Sau một cuộc khủng hoảng nội các dài nhất từ 8 năm nay, ngày 28-6, một nội các mới ra đời với La-ni-en (Joseph Laniel) làm thủ tướng, Bi-đôn (Georges Bidault) làm ngoại trưởng. Đây là nội các thứ 19, kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai5.

 Một điều quan hệ trực tiếp tới số phận của tướng Na-va là ở chỗ khác nhau giữa May-ê và La-ni-en trong chính sách đối với cuộc chiến tranh Đông Dương. Nếu May-ê chỉ đề ra cho Na-va một phương hướng rất chung là tìm lối thoát danh dự cho nước Pháp thì La-ni-en. Bi-đôn lại chủ trương dựa vào Mỹ và động viên các quốc gia liên kết dốc sức hơn nữa để tiếp tục cuộc chiến tranh và chỉ thương lượng với đối phương khi quân viễn chinh đã ở vào thế có lợi trên chiến trường.

 Ngay sau khi ngồi vào ghế thủ tướng. La-ni-env đã đặt lại  vấn đề: tại sao phải thay thế Xa-lăng, một viên tướng rất quen thuộc chiến trường lại hết lòng hết dạ (!) với xứ Đông Dương. Thời còn mồ ma Đờ Lát, Xa-lăng đã từng được cấp trên nhận xét là “một con cáo khôn ngoan, không bao giờ đặt chân lên phía trước nếu không biết mình đặt chân lên chỗ nào”. Thử hỏi, trong hàng ngũ tướng lĩnh Pháp, liệu được mấy người “kỳ cựu Đông Dương” như Xa-lăng? Trải qua 30 năm có mặt trên mảnh đất này, từ viên trung uý đồn trưởng Đình Lập ở biên giới Đông Bắc, leo lên tới viên tướng 4 sao tổng chỉ huy, - Xa-lăng rất tinh thông ngôn ngữ, phong tục tập quán và cả những món ăn đặc sản của các dân tộc sống trên bán đảo này. Hồi tháng 3, theo yêu cầu của thủ tướng May-ê, tướng Xa-lăng đã xây dựng một kế hoạch chiến lược dài hạn (30 tháng) để đệ trình chính phủ. Đó là một kế hoạch có thể chấp nhận được. Như vậy thì có nên thay thế Xa-lăng bằng Na-va không? Phương hướng hành động của Na-va là gì, có phải là nhằm đàm phán trên thế mạnh không?

 Các quan chức Pháp, nhất là những tướng lĩnh đã lâu ngày cộng tác với Xa-lăng, đã góp với thủ tướng La-ni-en nhiều ý kiến thẳng thắn, đích đáng. Người ta nói toạc ra rằng Xa-lăng bất tài. Ba mươi năm qua, với nhiều nhiệm kỳ ở Đông Dương, là ba mươi năm “sống lâu lên lão làng” chứ không phải vì chiến công. Chiến thắng cuối năm 1947 ư? Một sự lừa bịp được sự đồng tình của cả cao uỷ Bô-la và tổng chỉ huy Va-luy (Emi-le Bollaert và Etienne Valluy). Những thất bại liên tiếp từ cuối năm 1951 đến đầu năm 1953 này đã khiến giới quân sự ở Lầu Năm Góc bàn tán với mối quan tâm sâu sắc. Muốn tiến tới đàm phán trên thế mạnh thì phải tiến công, chủ động tiến công. Vậy mà tướng Xa-lăng đã trải qua nhiều năm điều hành cuộc chiến tranh một cách thụ động, cứ chờ đối phương ra rồi mới đối phó. Thất bại nặng nề trên chiến trường rừng núi Tây Bắc Đông Dương6 vừa qua đã chứng minh điều đó. Hãy so sánh: Xa-lăng hiểu biết Đông Dương nhưng thụ động về chiến lược, Na-va chưa quen chiến trường, nhưng có tư tưởng chủ động tiến công. Miễn là người tướng có tinh thần tiến công, còn việc tìm hiểu chiến trường là biện pháp cần thiết phải làm khi thực hiện chiến lược tiến công đó.
----------------------------
 5. Trong 8 năm (1945-1953) chính quyền Pháp đã trải qua 19 lần thay đổi: 1945: Đờ-Gôn: 1949 Goanh và Bi-đôn; 1947: Bơlom và Ra-ma-điê; 1948: Su-man. Ma-ri rồi lại Su-man; 1949: Cơi-Mốc và May-ê; 1950: Bi-đôn và Plê-ven; 1951: Cơi và Plê-ven; 1952: Phô và Pi-nay; 1953: May-ê và La-ni-en.
Những người hai lần làm thủ tướng trong 8 năm đó là: Bi-đôn, Su-man, Cơi, May-ê và Plê-ven.
 6. Ý nói thất bại của Pháp trong hai chiến dịch tiến công của ta ở Tây Bắc và Thượng Lào, cuối 1952 – đầu 1953.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM