Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:34:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ truyện kể với bạn bè  (Đọc 104745 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #110 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2010, 02:10:08 pm »

 Hàng loạt sự kiện xảy ra trong mấy ngày khiến cho Đờ Cát cũng phải nao núng. Hắn vốn nuôi hy vọng rằng chỉ mấy ngày sau khi thay tướng Gin, cái cơ ngơi đồ sộ mà hắn ra công đốc thúc xây dựng trên cánh đồng Mường Thanh này sẽ là nấc thang để hắn với tới ngôi sao cấp tướng. Vậy mà chỉ ba ngày, mọi việc đã đảo lộn hết.

 Đáng buồn là thái độ của Cô-nhi và Na-va trước lời yêu cầu khẩn thiết của hắn xin được tăng viện. Đờ Cát được cấp trên cho biết: sau khi tiểu đoàn dù nguỵ thứ 5 được thả xuống và tiểu đoàn dù biệt kích thứ 6 (6e B.C.P của thiếu tá Bi-gia) đang chuẩn bị lên Điện Biên Phủ, ở Hà Nội chỉ còn một tiểu đoàn và toàn Đông Dương chỉ còn 2 tiểu đoàn dù mà thôi.

 Tập đoàn cứ điểm “đứng vững” thế nào đây?

 Nếu kẻ tỏ ra náo núng là Đờ Cát thì viên chỉ huy phó của hắn là Lăng-gle lại tỏ ra “cứng cựa”. Viên trung tá “kỳ cựu Đông Dương” này được chỉ định kiêm chỉ huy phân khu trung tâm sau khi Gô-sê bỏ mạng. Hắn tự động viết một bản nhật lệnh để cho Đờ Cát ký, gửi cho ba quân trong tập đoàn cứ điểm. Bản nhật lệnh chứa đựng những lời hứa bịp mà sau này trong cuốn sách của hắn, chính Lăng-gle đã vô tình phủ định.

 “Chúng ta đã phải trải qua một vài trận gay go và bị mất nhiều quân, nhưng số quân này đã được bù đắp ngay bằng hai tiểu đoàn  dù. Còn năm tiểu đoàn dù nữa đã sẵn sàng nhảy xuống tăng viện... Pháo của ta còn nguyên vẹn (!), sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ bắn chặn có bảo đảm. Đã có thêm nhiều đại bác và pháo thủ vừa được thả dù xuống... Như vậy là số viện binh hiện có đang bù đắp rộng rãi những thiệt hại của chúng ta. Quân Việt thì không được như thế... Chỉ còn vài ngày nữa là chúng ta sẽ thắng...”.

 Những lời lẽ có dụng ý che giấu sự thật của bản nhật lệnh đã không có tác dụng hâm lại tinh thần cho binh lính trong tập đoàn cứ điểm, nhất là các đơn vị nguỵ. Tiểu đoàn lính nguỵ Thái đóng ở Bản Kéo là một ví dụ.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #111 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2010, 02:11:55 pm »

 Bản Kéo là một bản nhỏ ở tây bắc sân bay, tây nam đồi Độc Lập. Vị trí An-nơ Ma-ri được xây dựng trên ba điểm cao phía bắc Bản Kéo, do tiểu đoàn nguỵ người Thái chiếm giữ. Tiểu đoàn 3e B.A.T này do viên thiếu tá người Pháp tên là Thi-mon-niên chỉ huy.

 Trên bản đồ phân vùng trong tập đoàn cứ điểm, An-nơ Ma-ri thuộc khu trung tâm nhưng ở biệt lập trên phía tây – bắc, có nhiệm vụ bảo vệ sân bay trên hướng này và cũng là vị trí tiền tiêu che chỗ sườn tây – bắc của khu trung tâm Mường Thanh.

 Tiểu đoàn Thái 3e B.A.T. gồm một số lính nguỵ mới chạy thoát từ Lai Châu về hồi tháng 12. Cũng như các tiểu đoàn nguỵ Thái khác ở vùng Tây Bắc, đơn vị này được mang cái tên lừa bịp là tiểu đoàn Thái tự trị thứ ba. Họ là những người bị Pháp bắt buộc lựa chọn giữa hai con đường: hoặc là vào lính nguỵ, hoặc là vào tù. Buộc phải cầm súng cho địch, tất nhiên họ không có tinh thần chiến đấu.

 Hai trận đánh ở Him Lam và đồi Độc Lập dã làm cho tinh thần của họ thêm nao núng. Nhất là đêm 14, khi vị trí đồi Độc Lập - ở gần Bản Kéo – bị tiến công, lính nguỵ ở An-nơ Ma-ri hầu như không ngủ. Viên thiếu tá Thi-mon-niên ra lệnh nhưng họ nằm để nghe tiếng súng, tiếng pháo từ Đồi Độc Lập vọng về. Họ rì rầm nói chuyện, lo sợ cho thân phận lính đánh thuê của mình.

 Chiếc máy bay bị cao xạ hạ, rơi xuống Bản Nà – Lời buổi sáng, tiếp đến là vị trí đồi Độc Lập bị diệt, cuộc phản kích lên đồi Độc Lập bị đánh tan, tất cả những sự thật đó khiến họ suy nghĩ về sức mạnh của quân ta. Họ biết trước sau vị trí Bản Kéo cũng bị tiến công.

 Từ ngày 15, tiếng loa nói bằng tiếng Thái và tiếng Kinh của quân ta từ đồi Độc Lập vọng về kêu gọi họ ra hàng, cùng với những tờ truyền đơn đã lọt vào tay họ từ những ngày trước đó, đã khiến anh em biết rằng quay về với kháng chiến sẽ được nhân dân khoan hồng, sẽ được cùng các dân tộc Mèo, Xá, Kinh... đánh giặc cứu nước.

 Suy nghĩ, thì thầm trao đổi, dần dần họ đã tìm thấy hướng đi, lối thoát. Đánh hơi thấy hiện tượng bồn chồn khác thường trong hàng ngũ lính Thái viên chỉ huy Pháp vừa tức, vừa sợ. Hắn thấy trước; An-nơ Ma-ri không thể đứng được. Đã có dấu hiện cho thấy đối phương đang từ phía Bắc phát triển chiến hào tiếp cận vị trí.

 Sáng 17, khi lựu pháo của trung đoàn 45 và súng cối của trung đoàn 36 rót vào vị trí Bản Keo. Thi-mon-niên hạ lệnh cho lính Thái bắn trả. Lệnh không được thi hành hoặc thi hành bằng những nòng súng ngẩng cao. Buổi chiều, lại thêm 20 viên pháo 105 rơi vào cứ điểm. Vừa kịp báo với sở chỉn huy ở trung tâm Mường Thanh, viên sĩ quan Pháp cho binh lính mở cửa đồn chạy về phía sân bay.

 Những người lính Thái chỉ đợi có thế. Vừa ra khỏi đồn, họ chạy ngược lên hướng Bắc, hướng núi. Pháo địch từ Mường Thanh bắn chặn. Xe tăng từ hướng sân bay lao theo đường cái. Nhưng các trận địa pháo của ta đã kịp thời hỗ trợ cho bước đường quay về của binh lính Thái. Trận địa pháo địch ở Mường Thanh bị chế áp. Xe tăng bị bắn chặn. Các chiến sĩ ta từ đồi Độc Lập dùng loa chỉ hướng chạy cho hàng binh và tối hôm đó, hầu hết anh em đã có mặt ở nơi tập trung.

 Tin binh lính Thái ở đồn Bản Kéo ra hàng đã sớm bay về Mường Thanh, đến tai những người thuộc tiểu đoàn 2e B.A.T. Đề phòng bất trắc, Đờ Cát vội cho tiểu đoàn nguỵ Thái này đóng lui vào vị trí phía trong đưa một đơn vị lê dương ra thay thế.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #112 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2010, 02:14:13 pm »

 Ba trung tâm đề kháng vành ngoài đã bị xoá sổ. Cửa ngõ tập đoàn cứ điểm, từ đông bắc sang tây bắc đã bị mở toang.

 Các đơn vị cao pháo đã tiến sâu vào cánh đồng Nà Hi ngay sau chiến thắng Him Lam và hôm sau, khi vị trí đồi Độc Lập bị tiêu diệt, đã tiến sâu xuống cánh đồng giữa ban ngày, vừa di chuyển đội hình vừa chiến đấu với máy bay địch. Khi địch ở Bản Kéo ra hàng cũng là lúc cao xạ đã hạ chiếc máy bay thứ 9 của địch trên bầu trời Điện Biên.

 Cũng vào ngày đó, ngày 17, cán bộ đang dự hội nghị sơ kết đợt 1 của chiến dịch tại sở chỉ huy mặt trận ở Mường Phăng. Áo còn vương mùi thuốc súng, cán bộ bắt tay nhau, chúc mừng chiến công đầu tiên. Ai cũng thấy phương châm “đánh chắc tiến chắc”, diệt gọn từng vị trí trong mỗi đêm, là cách đánh phù hợp với trình độ bộ đội.

 Hai trận Him Lam và Độc Lập được đánh giá cao trong bản báo cáo sơ kết của Đảng uỷ mặt trận. Đó là hai trận mở màn đánh vào tập đoàn cứ điểm của địch, hai trận đánh công sự vững chắc theo lối chính quy có hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất từ trước đến nay của quân ta. Kết quả hai trận đầu nói lên bước tiến bộ mới của bộ đội.

 Thay mặt Đảng uỷ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tư lệnh chiến dịch đã biểu dương các đơn vị. Đại đoàn 312 tiến bộ rõ rệt về đánh công sự vững chắc: đại đoàn 308 mới ở chiến trường xa về chuẩn bị chiến đấu khẩn trương nhưng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ; đại đoàn 316 mặc dù chưa trực tiếp tham chiến cũng tích cực hoạt động nhỏ và kiềm chế pháo binh địch, giúp đơn vị khác hoàn thành nhiệm vụ; đại đoàn 351 lần đầu pháo lớn ra trận, đã hoàn thành nhiệm vụ và tiến bộ khá nhanh.

 Đại biểu các đơn vị đứng lên nhiệt liệt hoan nghênh đại đoàn 351, đơn vị đầu tiên được vinh dự nhận lá cờ luân lưu của Bác Hồ. Mọi người đều thấy đại đoàn xứng đáng với phần thưởng cao quý của Hồ Chủ tịch. Các đơn vị sơn pháo 75, lựu pháo 105, cao pháo 37, súng cối 120, công binh..., trong chuẩn bị cũng như trong chiến đấu đợt 1 đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trong điều kiện rất khó khăn.

 Hội nghị sơ kết nhất trí nhận định rằng thắng lợi to lớn trong đợt 1 là cơ sở cho bước phát triển tiếp theo của chiến dịch. Nhưng rõ ràng là nhiệm vụ còn rất nặng nề.

 Sau khi bị mất 3 vị trí vành ngoài, địch đã ném xuống hai tiểu đoàn dù tăng viện cùng một số trang bị kỹ thuật. Quân số của địch còn đông. Hoả lực của chúng còn mạnh.

 Xuống chiến đấu giáp mặt với địch trên cánh đồng, trước mặt bộ đội không còn là một vài cứ điểm riêng lẻ, đột xuất, mà là gần 40 vị trí liên kết với nhau trên cánh đồng. Hệ thống điểm cao phía Đông vẫn là chỗ mạnh, là khu vực phòng ngự then chốt của địch.

 Qua đài phát thanh quân viễn chinh và đài nước ngoài, có tin Pa-ri đã lên tiếng kêu gọi cầu cứu Oa-sinh-tơn. Đây là một dịp để những con “diều hâu” Hoa kỳ nhúng tay sâu hơn nữa vào cục diện chiến tranh Đông Dương.

 Vui mừng trước thắng lợi vừa qua. Nhưng một vấn đề khiến mọi người có mặt trong hội nghị đều suy nghĩ là sắp tới, tiếp tục đánh địch như thế nào.

 Cuộc đấu trí, đấu lực trong những nước cờ tiếp theo thật không đơn giản.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #113 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2010, 02:22:07 pm »

16. THÊM NHỮNG NƯỚC CỜ


 Những sự kiện xảy ra trung tuần tháng ba trên thung lũng Mường Thanh khiến cả Na-va và Cô-nhi không những chỉ bất ngờ mà còn có những điều chính họ cũng không giải thích nổi.

 Trình độ thiện chiến của các tiểu đoàn III/23e D.B.L.E và V/7e R.T.A, là điều đã quá rõ ràng, ai cũng biết. Người ta đã nói nhiều đến tính bền vững của các trung tâm đề kháng Bê-a-lơ-ri-xơ và Ga-bri-en. Trong hội nghị chuyên đề về pháo binh ngày 29 tháng 12, người ta đã rút ra những kết luận cần thiết  về khả năng pháo binh của tập đoàn cứ điểm cũng như đối  phương. Vậy mà chỉ trong mấy ngày, tất cả đã đảo lộn.

 Nhớ lại những lời tuyên bố gần đây và đối chiếu với thực tế chua xót đã xảy ra, mới thấy xa nhau một trời một vực.

 Ngày 26 tháng 1, tại cứ điểm Him Lam.

 Hôm đó bộ trưởng Quốc gia Liên kết Giắc-kê cùng một đoàn tháp tùng cỡ bự từ Pa-ri sang được Na-va, Cô-nhi dẫn lên thăm tập đoàn cứ điểm.
Nhìn những hầm trú ẩn của binh lính, ngài bộ trưởng hỏi trung tá Gô-sê xem liệu những người trú ẩn trong hầm có được bảo đảm an toàn không. Gô-sê tự đắc trả lời:

 - Chà ! Thưa ngài bộ trưởng, xin ngài đừng lo. Đã có 5 mét gỗ, đất và vật liệu khác trên đầu họ. Bảo đảm vững chắc lắm. (Thật ra lúc đó, không chỉ Đờ-Cát mà cả Na-va và Cô-nhi đều đồng tình và hài lòng về câu trả lời của Gô-sê).

 Vậy mà cả Pê-gô và Pac-đi đều toi mạng trong hầm chỉ huy vì đạn pháo đối phương (mà hầm chỉ huy thì kiên cố hơn hầm chiến binh đó là thường tình).

 Đến khi Giắc-kê tỏ ra lo ngại về sự an toàn của sân bay thì Pi-rốt lên tiếng:

 - Thưa ngài bộ trưởng, xin ngài hãy tin vào kế hoạch hoả lực pháo binh của tôi. Chúng tôi có số pháo quá đủ so với yêu cầu...

 Vậy mà sân bay đã mấy lần bị pháo kích. Những máy bay đỗ ở đường băng tan xác, còn pháo của Pi-rối thì...im lặng...
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #114 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2010, 02:24:32 pm »

 Chưa hết.

 Ngày 4 tháng 2, sau khi Đờ-cát thả truyền đơn thách thức đối phương tiến công, sơn pháo Việt Minh lên tiếng đúng vào dịp Tết. Kho bị cháy. Máy bay bị phá huỷ. Vậy mà viên đại tá chỉ huy tập đoàn cứ điểm còn lớn tiếng tuyên bố với phóng viên A-mu-ru “Người ta bắn ư? Thưa ông. Rồi sao nữa nhỉ? Tôi sẽ đội cái mũ ca-lô đỏ của tôi để Việt Minh trông rõ mục tiêu hơn”...

 A-mu-ru kể lại chuyện này với Cô-nhi. Là người đã từng “nổi tiếng về những lời tuyên bố”. Cô-nhi cũng cảm thấy sự khoác lác của Đờ-Cát là quá đáng. Hắn phải điện lên “uốn nắn” cấp dưới. Có lẽ cũng nhận thấy mình đã quá lời nên bị cấp trên nhắc nhở, viên đại tá phải ra một thông tri gửi cho ba quân nói rằng;

 “...Trong trận pháo kích của Việt Minh ngày 5 tháng 2, bên ta có người chết và người bị thương nặng.
Nay ra lệnh: khi có hiệu lệnh báo động, tất cả mọi người phải vào hầm trú ẩn cho đến khi có hiệu lệnh báo yên.
Cần nhắc lại rằng trong thời gian báo động, viện đội mũ sắt là bắt buộc, đặc biệt đối với những người có việc phải đi lại...”


 Nhớ lại tất cả những chuyện tương tự và những gì mới xảy ra, Cô-nhi không vui.

 Gô-sê và Pi-rốt đều đã đánh giá sai lầm và cả hai đều đã bị vùi sâu cùng với những lời khoác lác của họ. Còn Đờ-Cát, người đứng mũi chịu sào, cũng đã từng nhiều lần huênh hoang, thì có nhiều triệu chứng cho thấy đang lâm vào  trạng thái dao động. Dẫn chứng gần nhất là sau khi bị mất Bê-a-tơ-ri-xơ và Ga-bri-en, Cô-nhi đã vét túi ném xuống Điện Biên Phủ hai tiểu đoàn tăng viện. Vậy mà mới đây Đờ-Cát điện về cho biết khả năng tập đoàn cứ điểm bị tiêu diệt và đã nghĩ đến chuyện cho phân khu Nam (I-da-ben – Hồng Cúm, do trung tá La-lăng chỉ huy) tìm đường rút sang Lào!

 Cô-nhi thấy cần phải kéo Đờ-Cát ra khỏi cơn hoảng loạn này, phải cứu tập đoàn cứ điểm vì dù sao hắn, Cô-nhi, cũng đã được Na-va giao trách nhiệm về số phận “con nhím” Điện Biên Phủ. Cần lên bàn bạc để giúp Đờ-Cát tìm ra lối thoát. Nếu không, do quan hệ không tốt đẹp gì với Na-va, viên tổng chỉ huy có thể nhân cơ hội này mà... kiếm chuyện.

 Ngày 17, Cô-nhi đáp máy bay lên Điện Biên Phủ. Nhưng vừa tới nơi, từ trên cao, Cô-nhi đã chứng kiến cảnh sân bay đang chịu sự trừng phát của pháo đối phương. Hạ cánh rõ ràng là không an toàn, mà bay lâu trên bầu trời đang bị cao xạ uy hiếp cũng không được Viên tướng “số 1 Bắc kỳ” đánh dùng vô tuyến trao đổi đôi lời với Đờ-cát rồi cho máy bay chuồn về Hà Nội. Cô-nhi nhắc cho Đờ Cát biết rằng tiểu đoàn dù biệt kích của Bi-gia vừa được ném xuống là  một đơn vị cự phách, là một công cụ chữa cháy hiệu nghiệm. Phải giao cho Bi-gia nhiệm vụ phản kích. Phải kiên quyết phản kích lấy lại bất kỳ cứ điểm nào bị đối phương đánh chiếm.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #115 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2010, 02:34:17 pm »

 Trong mấy mấy ngày sau “sự kiện Bê-a-lơ-ri-xơ và Ga-bri-en” Na-va cũng mò ra Hà Nội. Viên tổng chỉ huy cũng bối rối và bực tức mà bực tức nhất là mỗi khi nhớ lại cái hội nghị chuyên đề pháo binh do chính Cô-nhi chủ trì hồi cuối tháng 12. Những chuyên gia pháo binh mà rút ra toàn những kết luận sai lầm về pháo.

 Mấy viên thuốc an thần không giúp lấy lại thăng bằng, Na-va bay về Sài Gòn. Không một chỉ thị gì sáng sủa cho cấp dưới trong mấy ngày lưu lại Hà Nội. Bản thân ngài tổng chỉ huy cũng chưa biết xử trí ra sao để thoát khỏi thế “gà mắc tóc” ở đồng bằng khu 5. Cái chiến dịch Át-lăng chết tiệt, xấu số.

 Vừa vào tới phòng, đã thấy đại tá Phlơ-răng xuất hiện. Viên đại tá trưởng Phòng Nhì đã dẫn xác đến không đúng lúc. Na-va không muốn nghe giọng lưỡi của cái cơ quan tình báo bất lực luôn đánh giá sai đối phương. Chưa biết cấp dưới định báo cáo gì – thực ra Phlơ-răng cũng chưa kịp mở miệng - viên tổng chỉ huy đã đập bàn:

 - Thôi đừng có ảo tưởng nữa. Hỏng bét rồi.

 Như bị giội gáo nước lạnh, viên đại tá Phòng Nhì rón rén bước ra khép cửa, lặng lẽ rút lui.

 Thật ra, Phlơ-răng khấp khởi mừng thầm vì định đem lại cho tổng chỉ huy một tin vui mới từ Pa-ri vọng về.

 Một tin khá quan trọng và cũng khá hấp dẫn.

 Chẳng là trong lúc bầu không khí đượm màu tang tóc đang bao phủ cơ quan chỉ huy quân viễn chinh, ở Hà Nội cũng như ở Sài Gòn thì tại Pa-ri bộ trưởng Sơ-vi-nhê và tổng tham mưu trưởng Ê-ly được vời đến Điện Ma-ti-nhông gặp thủ tướng.

 La-ni-en than phiền rằng Bộ Chiến tranh và hội đồng tham mưu đã báo cáo sai tình hình, đã đánh giá sai khả năng chống đỡ của Bê-a-tơ-ri-xơ và Ga-bri-en. Nhưng thôi, việc đã qua. Vấn đề cấp bách là bàn cách cứu vãn tình hình.

 Ngài thủ tướng khêu gợi và mọi người đều thấy cần phải gõ cửa Oa-sinh-tơ. Không quân, phải có thêm không quân thì Điện Biên Phủ mới đứng vững được. Bài học của Xa-lăng năm xưa ở Nà Sản là như thế. Bức điện mới đây của Na-va cũng nói như thế. Muốn giữ, phải có thêm máy bay ném bom. Muốn rút bằng đường hàng không như Nà Sản – phải có nhiều máy bay vận tải. Đối phương đã áp sát rồi. Rút an toàn hay không là chuyện tiếp sau. Trước mắt, máy bay, phải thêm nhiều máy bay.

 Về tiền, chính phủ vừa chấp nhận cho Đông Dương một ngân sách đặc biệt 626 tỷ phrăng. Nhưng Pa-ri chỉ đủ sức gánh vác một phần năm. Còn 500 tỷ ph-răng phải thuyết phục Nhà Trắng và Lầu Năm Góc giúp.

 Hôm sau, Hội đồng Quốc phòng đồng tình với thủ tướng. Ngày 20, tướng Ê-ly lên đường thuyết khách. Ra sân bay tiễn tổng tham mưu trưởng, người ta hy vọng máy bay và đô la sẽ là cứu tinh đối với Điện Biên Phủ.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #116 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2010, 02:39:21 pm »

 Đặt chân lên đất Mỹ, tướng Ê-ly liên tiếp bị bất ngờ, như ở Nhà Trắng, ở Lầu Năm góc và cả ở phòng ăn của tổng thống Hoa Kỳ.

 Trước hết, ngay trong ngày 20 nhiều nhân vật chóp bu, những con “diều hâu” cỡ bự Mỹ đã đón tiếp viên tướng Pháp một cách hết sức ân cần: phó tổng thống Nich-xơn, chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Rát-pho, trùm C.I.A. A-len Đa-lét, tham mưu trưởng lục quân Rít-uây... Thì ra họ đang theo dõi với một sự quan tâm sâu sắc những gì đang xảy ra ở Đông Dương, ở Tây Bắc Việt Nam. Những tiếng sấm đầu tiên từ Điện Biên đã vang đến Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Ê-ly dần dần vỡ lẽ vì sao ngay từ đầu cuộc gặp gỡ Pháp – Mỹ diễn ra đầy hứa hẹn.

 Hai ngày sau, thêm những bất ngờ tới từ Tổng thống Ai-xen-hao đích thân gặp Ê-ly và mời ăn cơm tại nhà riêng. Dự tiếp khách, còn có bộ trưởng ngoại giao Phô-xtơ Đa-lét Tổng thống tỏ ra xởi lởi:

 - Tiền, 500 tỷ phờ-răng có là bao. Máy bay thì phải bàn. Không phải bàn việc Mỹ có giúp không mà bàn dùng thế nào cho nó có hiệu quả. Phải thống nhất với nhau trên nguyên tắc: Phải nghiền nát Việt Minh quanh lòng chảo Điện Biên để cứu lấy tập đoàn cứ điểm. Còn cụ thể, xin mời bàn riêng với Rát-pho.

 Tiếp lời Ai-xen-hao, ngoại trưởng Đa-lét khẳng định:

 - Hoa Kỳ không bỏ rơi kế hoạch Na-va, không bao giờ. Trước đây nửa tháng, cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia ngày 6 tháng 3 đã quyết định: dùng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn không cho cộng sản kiểm soát vùng bán đảo Đông Dương...

 Được lời như cởi tấm lòng, Ê-ly vội bắt tay làm việc với chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân Hoa Kỳ. Và lại thêm những bất ngờ mới. Phía Mỹ đề nghị dùng máy bay, xuất phát từ căn cứ không quân Mỹ ở Phi-lip-pin, số lượng theo yêu cầu của Pháp, ném bom nhiều đợt, mỗi đợt chừng 450 tấn, chung quanh Điện Biên Phủ. Người lái là các phi công Mỹ, đang nghỉ phép được gọi về. Để bảo đảm bí mật, họ sẽ mặc thường phục; máy bay không sơn phù hiệu không lực Hoa Kỳ.

 Kế hoạch mang tên “Diều hâu” này sẽ được tiến hành ngay sau khi chính phủ Pháp đồng tình và tổng thống Mỹ chấp thuận...

 Ê-ly khấp khởi mừng thầm. Cuộc công cán đã vượt mức yêu cầu. Ngày 27, viên tướng Pháp vượt đại dương bay về nước báo cáo lên chính phủ.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #117 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2010, 07:06:16 pm »

 Tuần lễ vừa qua, Pa-ri hy vọng rất nhiều vào chuyến đi của tham mưu trưởng Ê-ly mà không hay biết những gì đang xảy ra ở Đông Dương ở Điện Biên Phủ.

 Giới báo chí Pháp và phương Tây gọi 3 trung tâm đề kháng trên đường vòng cung bắc tập đoàn cứ điểm vừa bị quân ta tiêu diệt là cái vỏ cứng của một cái hạt. Vỏ đã bị đập vỡ, nhân ắt bị “trơ thổ địa”. Đó là ý nói quân ta đã đánh theo lối “bóc vỏ”. Vỏ đã dày nhưng gặp phải móng tay nhọn.

 Trong hội nghị sơ kết ngày 17, ta nhận định thắng lợi vừa qua là to lớn, nhưng mới là bước đầu.

 Nhìn lên bản đề tác chiến treo ở cơ quan tham mưu chiến dịch, ta thấy khu trung tâm Mường Thanh còn bốn cụm cứ điểm lớn, bốn trung tâm đề kháng vây quanh sở chỉ huy của Đờ Cát: Huy-ghét và Clô-đin ở phía tây bắc và tây nam: Đô-ni-nich và Ê-li-an ở phía đông bắc và đông nam, liên kết chặt chẽ với nhau, từ các điểm cao phái đông xuống cánh đồng bằng phẳng hai bờ sông Nậm Rốm. Dãy đồi phía đông, với những cứ điểm được xây dựng vững chắc trên các điểm cao, là khu vực phòng ngự then chốt, yểm trợ cho toàn khu trung tâm. Lúc nhúc trong khu trung tâm Mường Thanh này là trên một vạn quân, rải ra trên hơn 30 vị trí. Tại phía Nam. Hồng Cúm như một tập đoàn cứ điểm nhỏ với trên 3.000 quân.

 Bài toán đặt ra với cấp chỉ huy chiến dịch trong đợt tiến công sắp tới là chọn cách đánh như thế nào để hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của chúng, tạo điều kiện tiến tới tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch.

 Địch còn đông quân. Hoả lực của chúng còn mạnh. Chúng có thể phát huy sức mạnh của phi cơ, pháo binh, xe tăng trên địa hình bằng phẳng và trống trải của cánh đồng Mường Thanh. Chúng có khả năng hỗ trợ bằng hoả lực và quân ứng cứu giữa các cứ điểm, các trung tâm đề kháng. Trước mắt chúng còn phát huy được đường hàng không để tiếp tế, tăng viện...

 Khắc phục tất cả những điểm mạnh đó của địch như thế nào?

 Muốn đánh một kẻ địch như vậy, bộ đội phải xuống cánh đồng, chiến đấu ngay cả trong điều kiện chúng sẵn sàng chờ đón các cuộc tiến công của ta, chiến đấu liên tục cả ngày lẫn đêm.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #118 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2010, 07:08:02 pm »

 Trong hội nghị ngày 17, mọi người đã thảo luận và nhất trí với bản báo cáo kết luận của Đảng uỷ mặt trận. Nhiệm vụ trước mắt được xác định là: Phải nhanh chóng tiếp cận bao vây quân địch, đồng thời tiếp tục khống chế sân bay, tích cực tiêu diệt và tiêu hao sinh lực địch, tiến tới giành ưu thế tuyệt đối binh lực hoả lực, tạo điều kiện tiến tới giai đoạn tổng công kích. Cụ thể là:

 - Phải tiếp tục xây dựng trận địa tiến công và bao vây quân địch khắp các mặt đông, tây, nam, bắc trong cự ly có hiệu quả của tất cả các loại pháo lớn nhỏ của ta, đồng thời chia cắt khu nam với khu trung tâm của địch.

 - Tiếp tục “bóc” thêm một số cứ điểm bên ngoài theo nguyên tắc là bảo đảm chắc thắng.

 - Khống chế sân bay có hiệu quả hơn.

 - Phải chuẩn bị sẵn sàng đánh địch phản kích, có pháo binh, phi cơ và cơ giới yểm trợ.

 - Phải tăng cường những hoạt động nhỏ của các đội “dũng sĩ”, luồn sâu đánh hiểm, tiêu hao quấy rối trong tung thâm địch.

 Trong những nhiệm vụ trên, việc xây dựng trận địa tiến công và bao vây là nhiệm vụ trước mắt quan trọng hơn hết. Vì có dựng được trận địa vững chắc bộ đội ta mới tiếp cận được quân địch, mới tiếp tục tiêu diệt được chúng, mới khống chế sân bay có hiệu quả, mới chia cắt được quân địch giữa phân khu nam và phân khu trung tâm Mường Thanh, mới hạn chế được tác dụng của pháo binh và không quân địch.

 Ngoài việc quán triệt trong hội nghị cán bộ, đồng chí chỉ huy trưởng chiến dịch - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, còn gửi thư kêu gọi bộ đội. Lời lẽ ân cần, dễ hiểu của bức thư đã giúp anh em thấy rõ công việc sắp tới là mệt nhọc, gian khổ nhưng là nhiệm vụ rất quan trọng, nhất thiết phải làm để tiêu diệt lực lượng địch, hạn chế thương vong của ta.

 Bức thư nêu rõ: địch còn mạnh  không những vì số lượng của chúng hiện còn một vạn tên mà chúng còn thả dù tiếp tế và tăng viện được, ta không chế sân bay nhưng chưa hoàn toàn cắt được tiếp tế và tăng viện của chúng: pháo binh và không quân của chúng còn hoạt động mạnh, pháo 105 và pháo cao xạ của ta chỉ mới hạn chế có mức độ hoạt động của pháo binh và không quân địch. Như vậy chúng ta cần làm gì để địch mất ba chỗ mạnh nói trên của chúng? Muốn cho địch không thả dù tiếp tế được nữa hoặc có thả thì chí ít cũng phải là một nửa thuộc về ta, chúng chỉ lấy được một nửa; muốn cho viện binh của chúng không nhảy dù xuống được hoặc nếu có nhảy thì ta cũng có điều kiện để tiêu diệt; muốn cho máy bay và pháo binh địch, mặc dù hoạt động mạnh nhưng hiệu lực bị hạn chế; muốn cho công sự địch tiếp tục bị phá huỷ, sinh lực của chúng luôn bị tiêu hao tiêu diệt..., muốn làm được tất cả những việc đó, cần nhận rõ nhiệm vụ trung tâm trước mắt là việc xây dựng trận địa tiến công và bao vây cho nhanh chóng và đúng tiêu chuẩn...

 Hoạt động của bộ đội bước sang một giai đoạn mới.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #119 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2010, 07:11:52 pm »

 Từng trung đoàn, hướng theo các mục tiêu đã được dự kiến, từ trên núi cao, phát triển các chiến hào đổ xuống cánh đồng Mường Thanh, vây quanh tập đoàn cứ điểm trên khắp các hướng.

 Đêm đêm, hàng vạn chiến sĩ toả ra các sườn đồi các cửa rừng và trên cánh đồng. Anh em đã thảo luận bức thư động viên của cấp trên. Người người biết rằng đào thêm một thước khối đất trong lúc này tức là giành toàn thắng cho chiến dịch. Mỗi nhát cuộc nhát xẻng đều mang ý nghĩa đào huyệt chôn vùi kẻ thù.

 Từ một đường hào trục như cái thòng lọng khổng lồ vây quanh hai phân khu trung tâm và Hồng Cúm, những tuyến hào ngang dọc chạy thẳng xuống cánh đồng, hướng về các cứ điểm địch mà đơn vị sẽ tiến hành công kích. Bám vào các đường hào châu đầu chạy ngang chạy dọc, gấp khúc quanh co. Đó là những trận địa địa đội, tiểu đoàn, đối mặt với trận địa địch. Tại đây, bộ đội sẽ chiến đấu phòng ngự bảo vệ trận địa nếu địch đánh ra. Đây cũng là vị trí xuất phát xung phong khi ta tiến công cứ điểm địch. Dọc theo các đường hào là hàng ngàn, hàng ngàn hầm hố tránh pháo, tránh phi cơ địch.

 Công cuộc lao động khẩn trương diễn ra liên tục mười ngày, mỗi ngày đêm 14 đến 18 tiếng. Lúc đầu khi còn xa địch, đường hào phát triển đến đâu, nguỵ trang chu đáo, che được mắt địch. Nhưng rồi, khi mà hàng trăm ki lô mét hào ngang dọc ngày càng tiến gần về phía địch thì ta không còn cách nào hoàn toàn được giữ bí mật công trình quy mô to lớn của hàng vạn con người.

 Thấy trước nguy cơ bị từng từng lớp lớp chiến hào như chiếc thòng lọng khổng lồ ngày càng siết chặt quanh tập đoàn cứ điểm, địch dùng mọi thủ  đoạn hòng ngăn chặn bước phát triển của các trận địa ta: đạn pháo nổ dưới đất, đạn pháo nổ trên không, xe tăng, xe ủi đất, bộ binh lấn ra cản phá, lấp hào, rải mìn... Chúng đã gây cho quân ta không ít khó khăn. Chiến đấu bảo vệ chiến hào trở thành một yêu cầu cấp bách. Có bảo vệ được chiến hào mới tiếp tục phát triển được trận địa. Những trận chiến đấu liên tiếp diễn ra. Đúng như Bộ chỉ huy mặt trận đã dự kiến, “nhiệm vụ xây dựng trận địa là một nhiệm vụ chiến đấu vinh quang không kém các cuộc chiến đấu xung phong giết giặc”.

 Thêm vào đấy, khi trời nắng, không một bóng cây. Khi trời mưa, đường hào biến thành những con kệnh nhỏ. Quần áo bộ đội ướt rồi lại khô, khô rồi lại ướt. Ướt vì sương đêm, vì mồ hôi, vì mưa rào.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM