Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:48:36 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thất bại lớn nhất của Zhukov - D. Glantz  (Đọc 140377 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 08:38:08 pm »

THẤT BẠI LỚN NHẤT CỦA ZHUKOV
Thảm kịch của Hồng quân trong Chiến dịch "Sao Hỏa", 1942


Zhukov's Greatest Defeat: The Red Army's Epic Disater in Operation Mars, 1942
By David M Glantz.



Người dịch: chiangshan.
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Hai, 2011, 01:39:10 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 08:41:12 pm »

Để tưởng nhớ hàng vạn binh sĩ Đức và Xô-viết đã chiến đấu và chết hay sống sót sau những trận đánh đẫm máu của chiến dịch này, chỉ để bị lịch sử quên lãng.


Lời nói đầu

Ngày 19 tháng 11 năm 1942, Hồng quân giáng một đòn mãnh liệt vào quân Đức đang trên đà thắng ở Stalingrad. Trong vòng có một tuần, quân đội Xô-viết đã bao vây Tập đoàn quân 6 - một trong những binh đoàn lừng lẫy nhất của Wehrmacht ở lòng chảo chết chóc Stalingrad. Chỉ hai tháng sau, phần còn lại của những gì từng là một đạo quân đáng tự hào của nước Đức cùng các đơn vị chư hầu bị xóa sổ trong cuộc chiến sẽ được biết đến với tư cách một trong những trận đánh nổi tiếng nhất trên chiến trường Xô-Đức.

Lịch sử cho chúng ta biết rằng Trận chiến Stalingrad đã đảo ngược cục diện chiến tranh trên Mặt trận phía Đông và đặt người Đức vào thế thất bại không thể tránh khỏi. Lịch sử cũng ghi danh những người thắng trận ở Stalingrad với vinh quang tuyệt đối. Kể từ sau Stalingrad, Hồng quân đã trở thành một đạo quân dường như không bao giờ phải hứng chịu thất bại nào đáng kể. Những kiến trúc sư của Stalingrad đi vào lịch sử quân sự với tư cách những người hùng bất khả chiến bại, những người dẫn dắt quân đội Xô-viết trên con đường một chiều tới chiến thắng. Trong đó nổi lên hình tượng lỗi lạc của Nguyên soái Liên bang Xô-viết Georgi Konstantinovich Zhukov, vị anh hùng của Moscow, Stalingrad, Kursk và Berlin.

Tuy nhiên, lịch sử cũng đánh lừa chúng ta. Lịch sử vốn không kiên định. Nó chỉ lưu giữ những gì được ghi chép lại và lãng quên những gì không. Câu châm ngôn cổ xưa "Chiến lợi phẩm thuộc về người chiến thắng" hoàn toàn chính xác. Rõ ràng lịch sử cũng là một trong những chiến lợi phẩm đó. Không ở đâu sự thật đó lại trở nên rõ ràng hơn Mặt trận phía Đông. Lịch sử chiến tranh giữa Liên Xô và Đức cho tới cuối 1942 là lịch sử quân sự của nước Đức, chủ yếu vì chính người Đức ghi lại tiến trình và bản chất của nó một cách tự hào. Ngược lại, kể từ cuối 1942 nó lại là lịch sử Liên Xô vì những người chiến thắng giành được quyền kể lại thành công của họ. Đó đã và vẫn là thực tế lịch sử của chiến trường phía Đông.

Những cái tên nổi tiếng "Moscow", "Stalingrad", "Kursk", "Belorussia", và "Berlin" gợi lên hình ảnh những thắng lợi vĩ đại của quân đội Xô-viết. Tuy nhiên, những trận thắng oai hùng đó lại phục vụ cho việc làm sai lạc lịch sử bằng cách che lấp những thất bại đương nhiên là đã cản bước Hồng quân trên con đường tới chiến thắng và vinh quang sau cùng. Như thế, chúng xây dựng hình tượng những người chỉ huy như các vị thánh, khiến độc giả quên mất sự thật là sau cùng, họ cũng chỉ là những con người bình thường và cũng có thể mắc những sai lầm của con người.

Cuốn sách này khởi đầu cho một chặng đường dài và khó khăn nhằm trả lại sự thật lịch sử cho cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất, bằng cách cung cấp thêm dữ kiện cần thiết cho những chiến thắng nổi tiếng đã được ghi chép và tán dương suốt thời gian dài đó. Về cơ bản, đây là một hành trình không thiên vị về những điều đã bị lãng quên trong giai đoạn thắng lợi của nước Đức tính đến cuối năm 1942, cũng như trong bước tiến vẻ vang của quân đội Xô-viết kể từ cuối năm 1942. Hành trình này cũng sẽ trả lại bản chất, gương mặt và nhược điểm mang tính con người của những nhân vật đã được chiến tranh tặng cho danh tiếng bất tử.

Nội dung của cuốn sách này là một ví dụ rõ ràng nhất về việc lịch sử đã đánh lừa chúng ta - Chiến dịch "Sao Hỏa" bị lãng quên của Hồng quân. Lên kế hoạch vào tháng 10 và tiến hành cuối tháng 11 năm 1942, Chiến dịch "Sao Hỏa" là đồng hành với Chiến dịch "Sao Thiên vương" - mật danh cho cuộc phản công chiến lược của quân đội Xô-viết ở Stalingrad. Hai chiến dịch song song mang tên những vị thần(*) này là nỗ lực giành lại thế chủ động chiến lược trên Mặt trận phía Đông và để bắt đầu cuộc trường chinh đi tới thắng lợi cuối cùng trước Wehrmacht và nước Đức phát xít. Đặt theo tên vị thần chiến tranh, Chiến dịch "Sao Hỏa" do Nguyên soái Zhukov lập kế hoạch, triển khai và chỉ đạo là trung tâm trong kế hoạch chiến lược của Liên Xô mùa thu năm 1942. So sánh quy mô và mục tiêu, nó ít ra cũng có tầm quan trọng ngang với "Sao Thiên vương". Tuy nhiên, lịch sử với sự thiếu kiên định của mình đã lãng quên "Sao Hỏa" vì nó thất bại và vinh danh "Sao Thiên vương" vì nó thành công. Nói tóm lại, người chiến thắng viết lại lịch sử và đương nhiên họ nhấn mạnh những thành công của mình, trong khi đó kẻ thua trận khó mà viết lại một cách thuyết phục những thắng lợi của mình xảy ra trong quá trình họ đi tới thất bại.

Tài liệu lưu trữ của Đức và Liên Xô giờ đã có thể tiếp cận đầy đủ để giúp xây dựng lại bộ khung thực sự của Chiến dịch "Sao Hỏa" giữa những sự kiện và biến động quân sự chiến lược quan trọng đã diễn ra trên Mặt trận phía Đông mùa thu năm 1942. Những tài liệu lưu trữ đó - của Đức cũng như Liên Xô - làm nên sườn của cuốn sách này. Bằng cách nghiên cứu chúng, giờ đây ta đã có thể tái hiện lại bức tranh chính xác về những gì đã xảy ra, thời gian, địa điểm, quy mô của chúng và với một chút mở rộng hơn, nguyên nhân. Khoảng trống lớn duy nhất cần được điền đầy là yếu tố con người. Ở đây tôi dựa trên những hồi ức đã có - thường là thiếu chính xác, cộng với hiểu biết của bản thân để dựng lại suy nghĩ, hy vọng cũng như những khó khăn mà những người đã chỉ huy, chiến đấu và chết trong chiến dịch này gặp phải. Ví dụ, giờ đây chúng ta đã được bổ sung những ghi chép của Zhukov trong chiến tranh để xác định địa điểm, thời gian ông từng có mặt và có đủ tư liệu lưu trữ để phản biện lại một phần lớn nội dung hồi ức của ông. Bằng việc nghiên cứu Zhukov đã ở đâu và quân đội dưới quyền ông đã chiến đấu như thế nào, chúng ta có thể sửa lại rất nhiều chi tiết không chính xác cũng như thiếu đồng nhất trong đó.

Tôi đã khôi phục lại kế hoạch, mục tiêu và ý định của Chiến dịch "Sao Hỏa" dựa trên những tài liệu lưu trữ hoàn chỉnh và suy ra cái nhìn rộng hơn về kế hoạch chiến lược mùa thu 1942 của quân đội Xô-viết, đặc biệt là dự định cho Chiến dịch "Sao Mộc" trên cơ sở những tư liệu không hoàn chỉnh. Tuy nhiên quyết định, hành động, tính cách, động cơ cùng những suy nghĩ và đối thoại không được ghi chép lại của những người chỉ huy được suy luận thêm dựa vào các tư liệu. Chúng phản ánh hiểu biết chủ quan của tôi, trong vài trường hợp từ chính những tư liệu của họ và phổ biến hơn là từ các hành động trước và sau cũng như số phận cuối cùng của họ. Dù vậy, những phóng tác đó của tôi cũng không thể đảo ngược hay bẻ cong sự chính xác của những gì đã diễn ra trong Chiến dịch "Sao Hỏa" và nguyên nhân của chúng.

Trong quá trình viết cuốn sách này, tôi đặc biệt biết ơn con gái tôi, Mary Elizabeth Glantz đã dịch một khối lượng lớn tài liệu lưu trữ tiếng Đức, và vợ tôi, Mary Ann đã không quản khó khăn để soát và chỉnh sửa lại bản nháp. Cá nhân tôi chịu trách nhiệm nếu có bất kỳ sai sót nào.





(*) Chú thích của chiangshan: Các chiến dịch được đề cập trong sách:
- Sao Hỏa: Mars, thần chiến tranh.
- Sao Thiên vương: Uranus, thần bầu trời.
- Sao Thổ: Saturn, thần nông nghiệp.
- Sao Mộc: Jupiter, thần tối cao.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Hai, 2011, 06:14:41 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 08:47:53 pm »

Chương I - Mở đầu


ĐƯỜNG TỚI STALINGRAD - WERHMACHT VÀ CHIẾN DỊCH "BLAU"

Sở chỉ huy OKH, Vinnitsa, Ukraine, 25 tháng 7 năm 1942.

Việc Adolf Hitler quyết định chuyển Tổng hành dinh Fuehrer của ông ta tới Vinnitsa ở miền tây Ukranie không phải là một sự kiện đáng hoan nghênh đối với những người đang điều hành cuộc chiến của nước Đức từ thành phố bụi bặm này. Đặc biệt là với Tổng tham mưu trưởng Lục quân Franz Halder, người đã tranh cãi hàng tuần với Hitler về tính đúng đắn của chiến lược quân sự trên Mặt trận phía Đông bây giờ sẽ phải đối đầu trực tiếp trước sự hiện diện đầy uy quyền của ông ta. Halder biết, chắc chắn điều đó đồng nghĩa với quỳ gối trước ý muốn của Fuehrer.1

Là Tổng tham mưu trưởng và về danh nghĩa là người đứng đầu Bộ Tư lệnh Lục quân Đức (Oberkommando das Heere, hay OKH), Halder đã chọn thành phố Ukraine đầy bụi và nóng bức này làm địa điểm chỉ huy cuộc tiến công lớn thứ hai nhằm đánh bại Hồng quân và loại Liên bang Xô-viết khỏi cuộc chiến. Về mọi mặt, Vinnitsa có vẻ là lựa chọn thích hợp cho đến cuối tháng 7 - trước khi Fuehrer tới, quân đội Đức một lần nữa lại được vận may chưa từng có phù hộ. Tuy nhiên Halder nhớ rất rõ thành công tương tự năm ngoái đã biến thành tro bụi ở Moscow như thế nào, ông tin rằng một phần là do Hitler đã can thiệp vào kế hoạch chiến lược và phương án tác chiến hàng ngày. Halder lo ngại rằng với sự can thiệp mới này, năm 1942 lịch sử sẽ lặp lại.



Chuẩn thống chế Franz Ritter Halder.

Vào cuối tháng 7 có rất ít lí do để tin rằng điều đó sẽ xảy ra. Nhận định sai lầm rằng chiến dịch mùa hè của quân Đức sẽ diễn ra ở phía bắc, nhằm vào Moscow, chính người Nga đã dọn đường cho thành công của đối phương, Halder nghĩ, bằng cách tung 250.000 quân cùng một lượng lớn trang bị vào chiến dịch vô dụng phía nam Khar'kov hồi giữa tháng 5.2 Cuộc tiến công không hẹn trước của Hồng quân ban đầu nhằm mục đích nghi binh và được lên kế hoạch để khai thác điểm yếu của quân Đức ở phía nam đã làm bộ chỉ huy Đức bất ngờ. Tuy nhiên, những sĩ quan Đức nhanh nhạy đã phản ứng lại với hiệu quả như thường lệ. Họ đã đỡ được đòn đánh vụng về của quân đội Xô-viết và tiêu diệt một lực lượng lớn Hồng quân. Trên thực thế, với việc tấn công thẳng vào mũi nhọn của lực lượng hùng hậu mà người Đức đã bí mật tập hợp cho cuộc tiến quân mới vào mùa xuân và hè vào miền nam nước Nga, Liên Xô đã tự chuốc lấy thất bại không thể tránh được và tạo điều kiện cho thắng lợi của quân Đức ở phía nam.

Sau chiến thắng lớn ở Khar'kov, ngày 28 tháng 6 năm 1942, trong khuôn khổ Chiến dịch "Blau" (Xanh dương) mới được tổ chức, quân Đức thực hiện một đòn đột kích ngoạn mục về phía đông.3 Cũng như trong Chiến dịch tiến công "Barbarossa" (Râu hung) chưa từng có tiền lệ hồi hè 1941, những mũi nhọn thiết giáp và cơ giới Đức giày xéo các thảo nguyên miền nam nước Nga, từ khu vực Kursk tới Donbas ở phía bắc với những hàng dài tưởng như vô tận bộ binh Đức, Hungary và Ý theo sau. Cuộc tiến quân thần tốc này cắt đôi mặt trận của Hồng quân, đánh bại những trận phản kích quấy rối nhưng thường là vụng về của bộ đội Xô-viết và chỉ trong vài ngày đã tới bên bờ sông Don rộng lớn gần Voronezh. Các đơn vị thuộc Tập đoàn quân thiết giáp 4 và 1 Đức tràn về phía đông nam giữa sông Don và Bắc Donets, tự do tiến vào khúc ngoặt của sông Don, trong khi các đạo quân khác đẩy Hồng quân về Rostov (Bản đồ 1).
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Chín, 2010, 09:28:48 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 08:48:39 pm »



Bản đồ 1. Chiến cuộc hè thu, tháng 5 đến tháng 10 năm 1942.


Ký hiệu trên bản đồ:

1S: TĐQ xung kích 1.
2G: TĐQ Cận vệ 2.
3T: TĐQ xe tăng 3.
1R: TĐQ dự bị 1.
1Pz: TĐQ thiết giáp 1 Đức.
2Hun: TĐQ 2 Hungary.
8It: TĐQ 8 Ý.
3Rum: TĐQ 3 Rumani.
1GCC: Quân đoàn kỵ binh Cận vệ 1.
4AbnC: Quân đoàn đổ bộ đường không 4.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Chín, 2010, 05:32:00 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 08:50:16 pm »

Bất chấp thắng lợi rõ ràng của chiến dịch, Halder cảm thấy không thoải mái, và không chỉ vì sự có mặt của Hitler ở mặt trận. Khác với năm 1941, quân đội Xô-viết đã tản ra trước làn sóng tấn công của quân Đức và việc hợp vây hàng vạn bộ binh Nga như dự kiến đã không thực hiện được. Ngay cả những cái "đó" gần Milerovo và bắc Rostov cũng chỉ mang lại kết quả nghèo nàn. Điều làm Haider lo lắng hơn và còn ảnh hưởng xấu hơn tới kế hoạch đã được xây dựng thận trọng này là có vẻ thành công đột ngột của chiến dịch đã kích động Hitler - như thường lệ lại bị xâm chiếm bởi viễn cảnh chiếm đóng không gian và nguồn tài nguyên, cũng nhiều như viễn cảnh tiêu diệt đối phương. Halder - người ngay từ đầu đã không thích ý tưởng ném những đạo quân Đức một cách thiếu cân nhắc vào lãnh thổ vô tận của miền nam nước Nga - chỉ có thể tưởng tượng nơi mà sự thèm khát điên rồ của Hitler sẽ đẩy quân đội Đức tới. Trên thực tế, ngay hôm chuyển tới tổng hành dinh mới, ông ta đã đưa ra Chỉ thị 43 cho Chiến dịch "Bluecher" - lệnh cho Tập đoàn quân 11 dưới quyền Đại tướng Erich von Manstein ở bán đảo Crimea vượt eo biển Kerch tiến vào bán đảo Taman ngay cả khi thành phố Sevastopol đang bị quân Đức bao vây chưa thất thủ.4 Điều này hiển nhiên cho thấy Hitler đang lắng nghe lời mời chào quyến rũ đến từ vùng Caucasus và nguồn tài nguyên dồi dào của nó.

Halder hiểu rõ ý đồ chiến lược và chiến dịch của "Blau". Kế hoạch ban đầu chia làm ba giai đoạn. Trong giai đoạn một, quân Đức sẽ tiêu diệt các đạo quân Xô-viết phòng thủ phía trước Voronezh trên sông Don. Trong giai đoạn hai, họ tiến về phía đông nam dọc theo bờ nam sông Don vào khu vực Milerovo để bắt đầu thực hành bao vây các đơn vị Hồng quân ở phía tây lòng chảo Donets - hay Donbas. Cuối cùng, trong giai đoạn ba họ phát triển chiếm Rostov, vùng sông Don rộng lớn và thành phố danh giá Stalingrad bên bờ sông Volga. Chỉ thị yêu cầu quân Đức tiến vào Caucasus sau khi Stalingrad thất thủ, nhưng nó không mô tả chính xác tính chất mũi tiến quân đó. "Blau" dự kiến Hồng quân sẽ bị xóa sổ trong những cuộc bao vây liên tiếp của quân Đức. Đến ngày 25 tháng 7 rõ ràng điều đó đã và sẽ không xảy ra.

Tất cả mọi người ở sở chỉ huy tại Vinnitsa cũng thấy là thành công của quân Đức đã khiến Hitler trở nên loạn trí. Những cuộc tranh luận nảy lửa ở OKH và tổng hành dinh của Fuehrer đưa tới một loạt mệnh lệnh mới trái ngược. Theo quan điểm của Hitler, chúng sẽ khai thác những cơ hội mới nhưng đối với Halder và các tướng lĩnh Đức thì chúng lại làm đảo lộn mục tiêu ban đầu, triển vọng trong tương lai và có lẽ cả kết cục của Chiến dịch "Blau". Mệnh lệnh quan trọng nhất trong số đó là Chỉ thị 45 với tiêu đề đơn giản "Về việc phát triển Chiến dịch Braunschweig [Blau]".5 Cho rằng mục tiêu chính của "Blau" - việc "hoàn toàn tiêu diệt sức phòng thủ của quân đội Xô-viết" đã hoàn thành, chỉ thị trên yêu cầu tiến hành thêm giai đoạn thứ tư của chiến dịch, một mũi tiến quân vào Caucasus mang mật danh "Edelweiss" (Hoa nhung tuyết) được thực hiện đồng thời với cuộc tấn công Stalingrad.

Những gì mà Hitler cho là sự tận dụng cơ hội và vận may còn hơn cả một điềm gở đối với Halder và Bộ Tổng tham mưu. Giờ thay vì tập trung toàn bộ sức mạnh đột phá của cả Cụm tập đoàn quân A và B chiếm Stalingrad như kế hoạch ban đầu, Hitler yêu cầu họ tiến đánh đồng thời Stalingrad và Caucausus theo hai hướng riêng biệt. Trong khi Tập đoàn quân 6 dẫn đầu Cụm quân B tiến về Stalingrad đang vật lộn với vấn đề hậu cần và Hitler cáu kỉnh về bước tiến chậm chạp, Halder "bí mật viết trong nhật ký rằng có sự "bực tức không thể chịu nổi" trước những sai lầm Fuehrer đã gây ra bằng các mệnh lệnh trước đó của ông ta".6

Tuy nhiên những sự kiện xảy ra hồi cuối tháng 7, những quyết định của sở chỉ huy Đức ở Vinnitsa và các đạo quân ngoài mặt trận chỉ gây ra lo lắng đôi chút, vì chúng diễn ra trong bối cảnh hy vọng tràn trề và đang có những chiến thắng quân sự lớn. Cách đó một ngàn dặm ở Moscow, đối thủ của Hitler - Stalin đang tập trung tìm kiếm giải pháp trước một tình thế còn hơn cả nghiêm trọng.

« Sửa lần cuối: 29 Tháng Chín, 2010, 09:32:00 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 08:52:49 pm »

CHẶN ĐỨNG QUÂN XÂM LƯỢC ĐỨC: KHÔNG LÙI MỘT BƯỚC

Stavka (Bộ Tổng tư lệnh tối cao), Moscow, Điện Kremlin, 28 tháng 7 năm 1942

Generalissimo(*) đang nổi giận. Hơn 10 năm liên tục đấu đá thành công trước những đối thủ chính trị nội bộ, cũng từng ấy thời gian đối phó với những chính trị gia ngoại quốc xảo trá, và thậm chí một năm trải qua những thất bại quân sự nặng nề dưới tay người mà ông nghĩ rằng mình hiểu nhất vẫn không giúp Iosif Vissarionovich Stalin chuẩn bị đón nhận thảm kịch mà quân đội của ông gặp phải trong mùa xuân và hè gần đây. Hitler đã phản bội ông hồi tháng 6 năm 1941 với Chiến dịch Barbarossa, và ngay cả việc ý thức được là chính mình cũng có thể sẽ khai chiến với Hitler vào năm 1942 cũng không xoa dịu được nỗi căm hận trước gã Đức mà Stalin bất đắc dĩ phải thừa nhận là rất giống ông ta. Sau sự kiện đó, quân đội Xô-viết đã hứng chịu tổn thất khủng khiếp và mất những vùng lãnh thổ rộng lớn quan trọng trước khi có đủ thời gian tập trung lực lượng cần thiết chặn đà tiến công của quân Đức và thay đổi tình thế. Cuối cùng, Stalin nghĩ, chính là tính bốc đồng của Hitler sẽ dẫn hắn ta và quân Đức tới thất bại.

Đến cuối năm 1941, sự bốc đồng của Hitler đã giúp đưa các đạo quân Đức - lúc này đã kiệt quệ tới cửa ngõ Leningrad, Moscow và Rostov. Tại đây, các đơn vị dự bị hùng hậu của Liên Xô - được chỉ huy bởi những sĩ quan sắt đá sẵn sàng hy sinh bản thân và binh sĩ cho lý tưởng Xô-viết đã chặn đứng chúng và đã gần như biến thắng lợi chiến thuật và chiến dịch của họ thành thất bại chiến lược của quân Đức. Stalin chết lặng khi nhớ lại chiến thắng cuối cùng đã gần kề như thế nào. "Làm sao mà những thành công hồi mùa đông lại được tiếp nối bởi những thảm bại mới vào mùa xuân và hè? Điều gì đã sai? Nên trách ai? Có lẽ ta nên theo lời khuyên của những người khác là nên chờ cơ hội, củng cố phòng ngự, đợi để đẩy lùi cuộc tấn công của quân Đức và rồi giáng trả? Có lẽ ta nên lắng nghe Zhukov, Shaposhnikov, Vasilevsky và những sĩ quan khác?", ông nghĩ.

Đắn đo quá nhiều không phải tính cách của Stalin. Ông tin rằng suy nghĩ quá sâu và tự nghi ngờ sẽ làm suy yếu bản năng, sự quyết đoán và khả năng giành phần thắng của mỗi người. Đẩy đi những suy nghĩ yếu đuối, ông rít một hơi dài từ tẩu thuốc và tự trả lời những câu hỏi của mình. "Không! Ta đã đúng. Mặc dù quân Đức không đánh ở nơi chúng ta dự kiến và chiến dịch tiến công của Nguyên soái Timoshenko ở miền nam thất bại, tính bốc đồng của Hitler một lần nữa đã chiếm ưu thế", Stalin kết luận, "Hắn đã chọn con đường dẫn tới không đâu ngoại trừ sự bành trướng vô độ và thất bại. Thất bại đó sẽ xảy ra ở sông Don, ở Caucasus, ở Moscow hoặc ở cả ba nơi. Tuy nhiên điều rõ ràng là Hồng quân kiên cường sẽ chiến thắng. Chỉ là vấn đề thời gian".



Nguyên soái Iosif Vissarionovich Stalin.

Bỏ lại những suy tư, Stalin chăm chú đọc bản thảo Mệnh lệnh 227 đang nằm trên bàn, đặc biệt là câu cuối cùng của một đoạn mà những từ ngữ của nó đã vượt ra bên ngoài trang giấy, tạo thành khẩu hiệu bất hủ trong lịch sử: "Không lùi một bước [Ni shagu nazad]! Đó là mục tiêu cao nhất của chúng ta lúc này".7 Nội dung đanh thép với khẩu hiệu được nhấn mạnh của bản mệnh lệnh - từ lâu đã là đặc điểm lối lãnh đạo cứng rắn của Stalin - làm nên ý nghĩa của lời kêu gọi giờ đã trở nên nổi tiếng này. Về cơ bản, nếu khẩu hiệu đó không phát huy tác dụng, các đội hành quyết, roi da, các tiểu đoàn trừng giới và những phân đội khóa hậu sẽ làm nhiệm vụ của mình. "Không đắn đo nữa", Stalin hài lòng, "ta vẫn chưa mất hết sự nhạy bén".

Stalin ký bản mệnh lệnh, giao cho bí thư của ông là A. N. Poskrebyshev chuyển tới Bộ Tổng tham mưu rồi quay sang tấm bản đồ lớn trên tường với những mũi tên xanh đỏ sặc sỡ âm thầm ghi lại diễn biến chiến sự. Ánh mắt ông chuyển tới miền nam Nga, dọc theo Donbas, dọc theo sông Don và tới Caucasus. Những mũi tên xanh lớn mới được các sĩ quan tham mưu bổ sung sáng hôm qua đã chọc qua sông Don gần Rostov và ở Kalach phía tây Stalingrad. Stalin nhanh chóng liếc nhìn lên phía bắc, nơi chiến tuyến của quân Đức được đánh dấu bởi một khu đất lồi lớn chĩa về hướng Moscow, ở khu vực Rzhev và Viaz'ma. Đó là kết quả đáng lo ngại sau những trận đánh gay go mùa đông năm ngoái, giờ nó tương đối yên tĩnh - một vạch xanh dài đối đầu vớii những tuyến đỏ dừng lại ở phía sau những vòng tròn đỏ đồng tâm thể hiện Khu phòng thủ Moscow. Trong khi chăm chú quan sát, Stalin cay đắng nhớ lại rằng mùa hè vừa qua các mũi tiến công của quân Đức đã tỏa ra chính từ cái mấu lồi phiền phức này. Bất chấp thất bại sau đó ở miền nam, Stalin cảm thấy an ủi rằng ít nhất việc thua trận ở Moscow hồi mùa đông cũng đã ngăn Hitler không tung ra thêm một nỗ lực khác nhằm đánh chiếm thủ đô Liên bang Xô-viết.

"Lúc này chúng ta cần vinh danh một thành phố khác với lòng dũng cảm và vinh quang như Moscow", ông nghĩ khi một lần nữa hướng mắt xuống phía nam, tới bờ sông Don, "và khắc sâu tên nó vào tâm trí nước Đức với tư cách một thất bại còn thảm hại hơn". Stalin đã bị thuyết phục là số mệnh, đặc điểm địa lý tự nhiên và sự phát triển không ngừng về phía đông của mũi tên xanh lớn thể hiện hướng tiến của quân Đức qua sông Don đã dành điều đó cho thành phố mang tên ông, Stalingrad. Ở giữa mũi tên xanh, một sĩ quan tham mưu Xô-viết đã chú thích ngay ngắn bằng chữ đỏ, 6-ia Armiia (Tập đoàn quân 6).




(*) Chú thích của chiangshan: Generalissimo - Đại nguyên soái, là quân hàm cao nhất (về danh nghĩa) dành riêng cho Stalin được lập ra năm 1945. Ở thời điểm tác giả đang đề cập (1942) chưa tồn tại.
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Chín, 2010, 10:10:59 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 08:59:12 pm »

SẤM ĐỘNG TRÊN MIỀN BẮC

Sở chỉ huy Phương diện quân Kalinin, phía đông Rzhev, 23 tháng 8 năm 1942.

Thượng tướng Ivan Stepanovich Konev, Tư lệnh Phương diện quân Kalinin biết rõ và cảm thấy khó chịu trước thực tế là hiện giờ sự chú ý của toàn thế giới đang dồn về cuộc đối đầu dữ dội ở Stalingard. Trong hơn ba tuần, ông đã cố thay đổi thực tế phũ phàng đó. Với mục đích bề ngoài là thu hút chú ý và lực lượng của quân Đức khỏi khu vực Stalingrad, từ ngày 1 tháng 8 bộ đội của Konev cùng với các tập đoàn quân thuộc cánh phải của Phương diện quân Tây đã tấn công mạnh mẽ tuyến phòng thủ của Tập đoàn quân 9 Đức trên những tuyến đường tới Rzhev. Đòn công kích này là ý tưởng của Đại tướng G. K. Zhukov, Tư lệnh Phương diện quân Tây và điều khiến Konev phiền lòng là Zhukov đã gặt hái được thành công lớn nhất trong chiến dịch. Hầu như không ai ngoài ông biết ý định thực sự của Zhukov. Vẫn còn âm thầm sôi sục vì thất bại trong việc tiêu diệt Cụm tập đoàn quân Trung tâm Đức ở Moscow mùa đông 1941 và đề xuất tiếp tục tiến công trên hướng Moscow vào mùa xuân và hè 1942 bị ngăn cản, Zhukov đã chờ thời cơ khi các cánh quân Đức bị phân tán ở miền nam. Giờ đây, vào tháng 8, một lần nữa ông tiến hành "chiến lược phía bắc" của mình - được lên kế hoạch để xóa sổ Cụm quân Trung tâm một lần và mãi mãi. Một tháng trước, Zhukov tiến công bằng cánh trái của Phương diện quân Tây ở phía bắc Briansk nhưng không thành, chỉ gây ra chút ít thiệt hại và hầu như không thu hút được Bộ Tư lệnh Đức. Ông quyết định là đòn đánh mới gần Rzhev sẽ hiệu quả hơn, và đúng như vậy.8

Sau những trận chiến ác liệt, Tập đoàn quân 30 và 29 dưới quyền Konev đã đè bẹp quân Đức ở đông bắc Rzhev và nhanh chóng tiến về thành phố. Ở phía nam Zhukov tung ra Tập đoàn quân 31 và 20, và đến ngày 6 tháng 8 Quân đoàn xe tăng 6 và 8 cùng Quân đoàn kỵ binh Cận vệ 2 nguyên vẹn của ông bắt đầu xung trận, khai thác thành công của những đơn vị đi trước. Một trận đấu tăng lớn nổ ra trong suốt 3 ngày khi lực lượng dự bị chiến dịch của Đức cố gắng bịt lỗ thủng và chặn bước tiến của quân đội Xô-viết. Chúng đã chặn được, nhưng chỉ sau khi mất Zubtsov và phải lùi về phòng tuyến mới dọc sông Vazuza ngay phía đông Sychevka. Chiến dịch cay đắng và đắt giá này kết thúc ngày 23 tháng 8, Tập đoàn quân 9 Đức đã đứng vững nhưng nó chỉ làm được điều đó một cách suýt soát. Chỉ Konev và Zhukov biết chiến dịch Rzhev tháng 8 phục vụ cho một mục tiêu lớn hơn, nó chỉ là màn dạo đầu cho những gì sẽ đến. Lần tới đòn tấn công sẽ khủng khiếp hơn nhiều, và Zhukov tin rằng nó sẽ kết thúc cùng với sự cáo chung của toàn bộ cụm quân Đức.



Nguyên soái Ivan Stepanovich Konev.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Chín, 2010, 05:34:03 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 09:09:06 pm »

Sở chỉ huy Tập đoàn quân 9 Đức, Sychevka, 1 tháng 9 năm 1942.

Chuẩn thống chế(*) Walter Model, Tư lệnh Tập đoàn quân 9, người vừa mới trở về sau thời gian dưỡng bệnh hiểu rõ cuộc đối đầu chớp nhoáng vừa qua đã suýt trở thành thảm họa như thế nào. Với sự chú ý của người Đức đang tập trung hết về phía nam, cú đánh dữ dội của phía Liên Xô đã gây ra những sụp đổ và tổn thất nghiêm trọng đối với Tập đoàn quân 9.9 Model đã phải đương đầu với lớp lớp bộ binh, xe tăng và kỵ binh Xô-viết bằng cách tung lực lượng tăng viện vào trận một cách xé lẻ. Đó thật là một phương án tồi tệ để sử dụng số thiết giáp dự bị, nhưng ít nhất đà tiến của Hồng quân cuối cùng cũng đã bị chặn lại. Model cay đắng nghĩ lại cách mà Hitler đã chối bỏ mối đe dọa này. Đối với Hitler, những cuộc tiến công thu hút như vậy đã được dự kiến khi cân nhắc với những gì sẽ diễn ra ở phía nam - Stalingrad, và giải pháp hiển nhiên là cố giữ cho đến khi Hồng quân tự kiệt sức. Model đã phản ứng trước cơn khủng hoảng này và sự thờ ơ của Bộ Tư lệnh Đức với phong cách thẳng thừng quen thuộc. Hôm 16 tháng 8, giữa cao điểm của trận đánh Rzhev, ông thông báo cho Tư lệnh Cụm tập đoàn quân, Thống chế Guenther von Kluge: "Tập đoàn quân 9 có nguy cơ bị tiêu diệt và phải được tăng cường thêm 3 sư đoàn. Nếu không, Cụm tập đoàn quân sẽ phải chịu trách nhiệm về hậu quả cũng như phải đưa ra những chỉ dẫn chiến đấu chi tiết tiếp theo".10 Một lời đe dọa như vậy từ người đã cứu Rzhev mùa đông 1941 không thể bị bỏ qua. Cụm quân Trung tâm đã điều động những đơn vị tăng viện cần thiết và phòng tuyến được giữ vững.

"Vấn đề là chính quân Đức trong khu vực mấu lồi đã kiệt sức", Model nghĩ. Cụm quân Trung tâm đã buộc phải từ bỏ phương án đầy tham vọng hồi cuối mùa hè với mục đích tiêu diệt mấu lồi Sukhinichi phía đông Viaz'ma của Hồng quân. Hai chiến dịch mùa hè của Zhukov đã cho thấy điều đó. Hơn thế, "Cụm tập đoàn quân Trung tâm chỉ tự đứng vững được qua mùa hè một cách may mắn".



Thống chế Otto Moritz Walter Model.



(*) Chú thích của chiangshan: Trong nguyên bản là General der Panzertruppe (Đại tướng thiết giáp). Đúng ra vào tháng 2/1942 Model đã được thăng lên Generaloberst (tạm dịch, "Chuẩn thống chế". Sách báo cũ của ta dịch là "Thượng tướng"), hàm tướng cao thứ 2 trong quân Đức, trên Đại tướng (General) và dưới Thống chế (Generalfeldmarschall).
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Chín, 2010, 05:34:24 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 09:12:50 pm »

ĐÒN PHẢN CÔNG CỦA NHỮNG VỊ THẦN: SỰ HÌNH THÀNH CÁC CHIẾN DỊCH "SAO HỎA", "SAO THIÊN VƯƠNG", "SAO THỔ" VÀ "SAO MỘC"
 
Sở chỉ huy Tập đoàn quân 6 Đức, trên cánh đồng gần Kalach, 15 tháng 9 năm 1942

Chuẩn thống chế Friedrich Paulus, viên tư lệnh cao và oai vệ nhưng phiền muộn của Tập đoàn quân 6 vừa nghe được từ bộ tham mưu những báo cáo đáng khích lệ, giúp giải tỏa tình trạng khó khăn leo thang trong những ngày căng thẳng vừa qua.11 Quân đoàn bộ binh LI của ông đã tới được bờ sông Volga và ga xe lửa chính của Stalingrad, trong khi Quân đoàn thiết giáp XXXXVIII bên cạnh do Tập đoàn quân thiết giáp 4 tăng cường tràn về phía bờ sông Volga từ khu vực phía nam của thành phố đổ nát. Ở giữa họ là những đơn vị sót lại, bị phân tán nhưng ngoan cường của Tập đoàn quân 62 Xô-viết, những người đang bám trụ từng khu nhà, từng đống gạch vụn với ý chí kiên quyết đáp lại lời kêu gọi của Stalin - giữ vững thành phố mang tên ông.



Thống chế Friedrich Wilhelm Ernst Paulus.

Paulus điểm lại những diễn biến khó khăn nhưng đầy khích lệ trong mấy tuần gần đây khi đạo quân hùng hậu dưới quyền ông nỗ lực đánh chiếm thành phố then chốt bên bờ sông Volga - ban đầu chỉ để thực thi mệnh lệnh của Hitler. Cuối tháng 7, tập đoàn quân đã đột phá về phía đông tới sông Don và tiêu diệt 2 tập đoàn quân xe tăng Xô-viết được triển khai vội vàng phía tây Kalach trên sông Don. Sau đó, tiến về phía đông qua những đống xác xe tăng, họ đánh chiếm các điểm vượt sông Don ở Kalach. Trước sức kháng cự gia tăng từ 2 tập đoàn quân mới của Hồng quân (62 và 64), Hitler chấp nhận điều chỉnh Chỉ thị 45, ra lệnh cho 3 quân đoàn thuộc Tập đoàn quân thiết giáp 4 Đức tiến về Stalingrad từ phía tây nam phối hợp với Tập đoàn quân 6. Mũi hiệp đồng bắt đầu ngày 1 tháng 8 này nhanh chóng thu hút sự chú ý của Bộ Tư lệnh Đức khi họ tin rằng Stalingrad là điểm then chốt mà chắc chắn lực lượng dự bị Xô-viết sẽ dồn vào. Những trận chiến đấu quyết liệt dọc bờ sông Don và trên những cửa ngõ dẫn vào thành phố xác nhận điều này. Trong khi quân Đức khó nhọc đánh mở đường vào thành phố, Hồng quân bắt đầu phản công dữ dội vào cánh bắc bị kéo dài của Tập đoàn quân 6 bao phủ khu vực giữa sông Don và Volga. Các trận đánh này làm phiền Paolus, khi ông đang cố gắng tập trung vào việc đánh chiếm thành phố và lại phải không ngừng lo lắng cho sự an toàn của cánh trái.

Để giải tỏa mối lo của Paulus, OKH phối thuộc cho ông đầu tiên là Tập đoàn quân 8 Ý mà Paolus bố trí bên cánh trái dọc bờ nam sông Don, tiếp đó là Tập đoàn quân 3 Rumani cho phép thay thế các đơn vị Đức ở phía nam dọc sông Don. Số quân này sau đó được tung vào chảo lửa có tên Stalingrad. Trong suốt tháng 9 chiến sự diễn ra ác liệt khi quân Đức tiến qua những đống đổ nát của thành phố, đánh chiếm từng căn nhà, từng công xưởng với giá khá đắt. "Đúng với bản chất của mình", Paulus nghĩ, "người Nga ném thêm quân vào cái cối xay thịt này, đó là một quá trình rõ ràng sẽ chỉ ngừng lại khi thước đất cuối cùng của thành phố đã nằm trong tay quân Đức". Át đi ý muốn tưởng như không thể kìm nổi là chấm dứt cuộc tàn sát bằng cách chuyển vào phòng ngự, Paulus thúc đám quân mệt mỏi của mình lên. Đối thủ của Paulus - những người bảo vệ Stalingrad là Trung tướng V. I. Chuikov và Tập đoàn quân 62 gan lỳ của ông đơn giản là không chịu đầu hàng.

Tuyên bố được Paulus đưa ra vội vàng sau đó vào ngày 26 tháng 9 rằng trung tâm thành phố đã thất thủ rõ ràng là lạc quan quá sớm.12 Mặc dù đầu cầu của phía Liên Xô ở nhiều nơi đã thu hẹp đáng kể, dòng tăng viện tưởng như không bao giờ ngừng của họ đã bỏ xa quân Đức. Trong khi tiến về phía bờ sông, Tập đoàn quân 6 không hay biết là mình đã thua trong một cuộc chiến tiêu hao. Ngày 6 tháng 10, lo ngại về con số thương vong ghê gớm, nhật ký chiến trường của Tập đoàn quân 6 viết, "Việc chiếm đóng thành phố không thể hoàn thành được với cung cách như thế này".13 Vấn đề khó xử là cả Hitler và Bộ Tư lệnh Đức đều đang hầu như chỉ quan tâm tới việc hoàn toàn làm chủ Stalingrad.

Cuộc giao tranh giằng co với những người lính kiên cường của Chuikov đã thu hút sự chú ý của Bộ Tư lệnh Đức. Lịch sử đã cho thấy rõ rằng việc quá tập trung vào chiến sự trong nội đô đã che mắt người Đức trước tình hình nghiêm trọng của cánh trái trải dài và ngày càng dễ bị uy hiếp của Tập đoàn quân 6. Cũng giống như một năm về trước ở Moscow, Bộ Tư lệnh Đức nhận định rằng vấn đề sẽ được giải quyết trong thành phố, và do đó Stalingrad sẽ là nơi thu hút phần lớn nếu không muốn nói là toàn bộ lực lượng dự trữ của Hồng quân. Họ cho rằng đó sẽ là nơi mà tiểu đoàn Xô-viết cuối cùng được ném vào. Vì vậy người Đức đã không sẵn sàng hay ứng phó được với những gì giáng xuống họ hôm 19 tháng 11, khi những lực lượng sung sức của Hồng quân chọc thủng hai bên cánh suy yếu của họ phần lớn do các đơn vị Rumani bảo vệ và bao vây Tập đoàn quân 6 trong thành phố. Điều khó hiểu hơn là là sự thờ ơ hoàn toàn mà Bộ Tư lệnh Đức dành cho các mặt trận khác. Thật trớ trêu, chính ở khu vực quan trọng nhất trong số đó, Bộ Tư lệnh Xô-viết đã lên kế hoạch giáng đòn mạnh nhất vào cuối mùa thu và đông 1942.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Chín, 2010, 05:34:41 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 11:28:18 am »

Stavka, Moscow, điện Kremlin, 26 tháng 9 năm 1942.

Tranh luận căng thẳng đã kéo dài nhiều ngày trong nội bộ Stavka giữa những người có ảnh hưởng lớn nhất tới việc quyết định chiến lược quân sự của Hồng quân. Zhukov tham gia từ ngày 26 tháng 9 sau khi trở về từ Phương diện quân Stalingrad. Địa điểm và cách thức thảo luận vẫn như thường lệ. Suốt cả ngày, các thành viên Stavka chủ chốt và đại diện Bộ Tổng tham mưu họp trong trụ sở Bộ Tổng tham mưu. Tại đây họ đánh giá tình hình chiến sự trên các mặt trận, xem xét đề xuất của các tư lệnh chiến trường, tính toán tương quan và lực lượng trên những hướng then chốt, thảo luận các phương án và phác thảo kế hoạch. Các sĩ quan tham mưu khác bận rộn nghiên cứu những đề xuất và kế hoạch, chuẩn bị đánh giá chi tiết về tình hình, kiểm tra tình trạng các đơn vị dự bị chiến lược, ước tính nhân lực và vật lực hiện có, tỉ lệ sản lượng công nghiệp cùng hàng loạt nhiệm vụ cần thiết khác để phát huy sức mạnh của Hồng quân trong chiến dịch sắp tới. Vào tối muộn, những tướng lĩnh chủ chốt chuyển tới điện Kremlin để họp với Stalin và thảo luận phương án chiến lược đến tận khi trời sáng.

Bất chấp bản chất chuyên chế của chế độ Xô-viết, khác với trường hợp Hitler và Bộ Tư lệnh Đức, ở đây quyết định mở những cuộc tiến công lớn không được đưa ra dễ dàng. Hơn thế, nó có sự suy nghĩ cân nhắc nghiêm túc. Thất bại liên tiếp cùng con số thương vong ghê gớm đè nặng lên vai ngay cả vị lãnh đạo sắt đá nhất. Kể cả nếu lương tâm họ không bị dằn vặt bởi cái chết của hàng ngàn binh sĩ thì vẫn còn một vấn đề thực tế là nếu muốn chiến thắng thì cần phải duy trì được sĩ khí cần thiết cho những trận đánh đẫm máu phía trước. Tất cả đều hiểu rõ những tinh hoa của Hồng quân thời kỳ hòa bình tháng 6 năm 1941 đã bị xóa sổ trong 8 tháng đầu chiến tranh, và ngay cả nguồn nhân lực dồi dào của Liên bang Xô-viết cũng không thể duy trì quá trình đó vô hạn mà không có những kết quả tồi tệ. Nếu đánh giá đúng tính nghiêm trọng của vấn đề, chỉ cách đó vài cây số lữ đoàn bộ binh nữ đầu tiên đã được thành lập.14

Tranh luận không phải là điều gì mới mẻ mỗi khi Stavka lên kế hoạch. Tuy vậy, cái mới là mức độ cũng như không khí thảo luận. Trong khi Stalin - đúng với bản tính của mình - đã chi phối những cuộc họp trong những tháng trước đây thì giờ những thất bại nặng nề đã khiến ông chấp nhận lắng nghe những chuyên gia giỏi nhất của mình nhiều hơn. Lúc này ông cũng đã dần biết rõ hơn điểm mạnh, điểm yếu và thói quen cá nhân của mỗi vị quân sư. Mỗi người trong nhóm mang tới cái nhìn riêng có được từ bản năng và kinh nghiệm chiến trường cần được bày tỏ và tranh luận toàn diện. Giờ, vào mùa thu năm 1942, Stalin cuối cùng cũng đã hiểu rằng những cuộc thảo luận đó là cần thiết nếu muốn giành chiến thắng.

Trong số các cố vấn thân cận nhất với Stalin, những gương mặt chính là các thành viên Stavka, G. K. Zhukov, Thứ trưởng Quốc phòng thứ nhất kiêm Phó tổng tư lệnh tối cao; A. M. Vasilevsky, Thứ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng tham mưu trưởng; N. F. Vatutin, Phó tổng tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh Phương diện Voronezh. Những thành viên khác  thuộc Bộ Tổng tham mưu như S. P. Ivanov, Cục trưởng Tác chiến; đại diện ở Stavka như Tư lệnh Pháo binh Hồng quân N. N. Voronov cùng các chỉ huy phương diện quân I. S. Konev (Tây), A. I. Eremenko (Stalingrad) cùng Vatutin (Voronezh, sau đó là Tây Nam) cũng đóng vai trò quan trọng.

Kinh nghiệm có được cùng tính cách cá nhân của mỗi nhân vật đã làm nên cuộc tranh luận và sản sinh ra bản kế hoạch sẽ là cuộc tiến công chiến lược toàn diện và tham vọng nhất mà Stavka và Bộ Tổng tham mưu từng đề xuất. Tình hình thực tế và tính cấp thiết của những hoạt động sắp tới hướng sự chú ý của Stavka vào hai nơi, đầu tiên là lực lượng Đức hùng hậu đang sa lầy ở miền nam nước Nga, và thứ hai là mối đe dọa vẫn treo lơ lửng đối với Moscow đến từ cụm quân ở mấu lồi Rzhev. Thực tế đòi hỏi phải đánh bại quân Đức ở phía nam và loại trừ mối họa đối với Moscow. Nhưng câu hỏi lớn là bằng cách nào. Ở đây tiểu sử cá nhân cũng như tính cách những cố vấn của Stalin sẽ đóng vai trò quyết định.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM