Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:56:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hóa  (Đọc 89929 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #60 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2010, 09:47:24 am »

Mai Thế Châu (?-?)Danh sĩ đời Lê Hiển Tông (1740 – 1786), không rõ năm sinh, năm mất, quê huyện Nga Sơn.
Ông có tài văn, võ, dày công sửa sang chính trị, mở mang văn hóa giáo dục, từng có công yên dân ở nhiều nơi, được nhân dân xưng tụng nhiều công đức. Vua Lê rất trọng vọng ông, phong tước là Toàn Quận Công, lãnh chức Đốc trấn Nghệ An.
Con ông là Mai Thế Uông cũng là một nhân tài đương thời, đỗ hương cống, làm quan đến Trấn thủ Hưng Hóa. Khi nghĩa quân Tây Sơn ra Bắc, Lê Mẫn đế tức Lê Chiêu Thống bỏ ngai vàng tháo chạy sang Trung Quốc, Thế Uông mù quáng chạy theo, tập hợp một số quân sĩ ở mạn ngược quanh vùng sông Đà, sông Mã chống nhau với Tây Sơn, đến lúc cùng thì tự sát.


Chu Đạt (? - 160)
Là thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa tại Cửu Chân chống ách thống trị nhà Đông Hán.
Ông là người ở Cư Phong, Cửu Chân (nay là Thiệu Hóa, Thanh Hóa).
Sau khi đàn áp được cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, nhà Hán tăng cường áp bức bóc lột người Việt. Năm 157, ông đứng lên kêu gọi nhân dân nổi dậy giết viên huyện lệnh Cư Phong (vùng đất các huyện Nông Cống, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Như Xuân, Như Thanh thuộc tỉnh Thanh Hóa ngày nay). Nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, ông cho đánh huyện Cửu Chân và giết thái thú Nghê Thức, giải phóng huyện Cửu Chân. Triều đình nhà Hán cho quân từ Giao Chỉ vào đàn áp. Ông lui quân về Nhật Nam (nay là vùng Bình Trị Thiên). Tại đây nghĩa quân tiếp tục lớn mạnh do được sự ủng hộ của nhân dân. Nhà Hán cử thứ sử Hạ Phương sang đàn áp. Năm 160, nghĩa quân hoàn toàn thất bại, ông bị chết.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #61 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2010, 09:50:33 am »

Hoàng Bật Đạt (1820-1887)Là một trong những người chỉ huy tài giỏi, kiên cường của nghĩa quân Ba Ðình trong phong trào Cần Vương chống Pháp. Ông quê ở làng Bộ Đầu, huyện Hậu Lộc.
Sau khi kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở, ông hưởng ứng phong trào Cần vương, tập hợp nghĩa quân nổi dậy cùng với Đinh Công Tráng và Phạm Bành lập chiến lũy Ba Đình, cương quyết kháng Pháp đến cùng.
Khi Ba Đình bị phá vỡ ông tạm lánh về quê và tìm đường sang Trung Quốc với tùy tướng là Lãnh binh Lê Văn Cộc, định thu thập binh tàn tổ chức du kích chiến. Nhưng bị một tên thuộc hạ phản bội, báo với Pháp, ông bị bắt ở Chi Nê, đưa về giam ở nhà lao Thanh Hoá. Vì bất khuất, ông bị Pháp giết và chặt đầu cắm trên ngọn sào dài đưa về bêu ở quê ông để uy hiếp tinh thần nhân dân.
Con ông là Hoàng Xuân Viễn sau tham gia phong trào Đông Du của Phan Bội Châu.
Khi ông khởi nghĩa có làm một đôi câu đối để nói chí mình:
“Cố ý cứu sinh ư phục Việt;
Cam tâm thệ tử bất thần Tây”.

Nghĩa:
"Chí cứu muôn dân nên phục Việt
Lòng thề một chết chẳng hàng Tây". 




Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #62 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2010, 09:56:41 am »

Triệu Quốc Đạt (?-248)
Là một huyện lệnh, hào trưởng - thủ lĩnh vùng đất thuộc Cửu Chân (nay thuộc tỉnh Thanh Hoá), anh ruột của Triệu Thị Trinh (hay Bà Triệu).
Khi Bà Triệu còn nhỏ được ông nuôi nấng do cha mẹ mất sớm. Năm 246, ông tụ binh khởi nghĩa chống lại nhà Đông Ngô bấy giờ đang đô hộ Việt Nam.
Về sau ông bị tử trận, quân của ông tôn bà Triệu lên làm thủ lĩnh chống lại quân Ngô. Cuộc khởi nghĩa thất bại khi thứ sử Giao Châu là Lục Dận đem quân sang đánh.



Lưu Khánh Đàm (TK XI)
Thái uý thời Lý. Ông là người gốc An Lãng, Ngũ Huyện Giang (nay thuộc tỉnh Thanh Hoá). Cha mất sớm, mẹ ông phải đưa các con chạy ra trú ngụ ở Lưu Xá (nay thuộc Hưng Hà, Thái Bình). Đời Lý Thái Tông (1028-1054), ông được tuyển làm nội thị. Nhờ làm việc chăm chỉ, giỏi cả văn lẫn võ, ông đã từng được cử làm Đại tướng quân dưới triều Lý Thánh Tông (1054-1072). Trong kháng chiến chống Tống xâm lược, ông cùng với em trai tham gia, lập được nhiều công. Đất nước yên bình, ông được phong Thái uý, Thượng trụ quốc, Khai quốc công.


Phạm Đốc (1514-1559)

Danh tướng đời Lê Trang Tông, quê ở làng Thổ Sơn, (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc).
Ông có tài văn võ, khi điều động binh sĩ, ông giàu mưu lược, hiệu lệnh rất nghiêm, quân dân đều tuân phục. Triều đình trọng dụng ông và phong tước Dương Nghĩa Hầu.
Nhà Mạc dấy lên đối lập với nhà Lê, ông từng khiến các tướng Mạc như Phạm Đức Trung phải quy thuận nhà Lê. Năm Ất Mão (1555), ông cùng Hoàng Đình Ái nhiều lần chống nhau với Mạc Kính Điển và dẹp yên, rồi được thăng hàm Thượng thư bộ Binh, tước Quảng Quận Công.
Năm Mậu Ngọ (1558), ông được thăng thái phó, tước Đức Quận Công. Năm sau Kỷ Mùi (1559), ông mất, hưởng dương 45 tuổi, truy tặng là Thái úy, tước Đức Quốc Công, thụy Trung Nghị.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #63 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2010, 09:59:30 am »

Lê Tất Đắc (1906-2000)
Nhà hoạt động cách mạng, quê làng Thọ Vực, xã Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hóa.
Ông xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước, cháu ngoại nhà yêu nước Nguyễn Đôn Tiết (1836-1886) hy sinh trong phong trào văn thân chống Pháp hồi Pháp chiếm kinh thành Huế và các tỉnh Trung, Bắc Kỳ.
Từ năm 1927-1928 tham gia đảng Phục Việt (sau đổi là Tân Việt, một bộ phận tiền thân của Đảng cộng sản Đông Dương) bị Pháp bắt ba lần, hai lần ông vượt ngục về hoạt động tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Ông từng có chân trong xứ ủy Trung Kỳ, Bí thư tỉnh Ủy Thanh Hóa kiêm chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh tỉnh Thanh Hóa trong năm 1946, chủ nhiệm báo Sao vàng sau đổi là Vệ Quốc quân, tiền thân của báo Quân đội Nhân dân  ngày nay.
Ngoài một nhà hoạt động, nhà báo, chính khách, ông còn là một nhà thơ có nhiều thi đề giàu nghệ thuật, như bài thơ Vượt ngục có câu:
Phương trời xa mới ta nhìn theo,
Đạp phăng chông gai vượt suốt đèo.
Nắng cháy, mây mù sông núi rạng,
Lòng ta, hồn nước tưng bừng reo.”.
Các chức vụ ông đã kinh qua: Chủ nhiệm báo Sao Vàng, Bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá, Thứ trưởng Bộ Nội vụ…
Tác phẩm: Báo Sao Vàng, Hiệu triệu phản đế (1940), Gửi các bà mẹ (1941), Chim vượt gió (1985)
Ông mất ngày 19-3-2000 tại Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #64 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2010, 08:39:38 am »

Nguyễn Văn Cung (Đội Cung) (?-1941)
Ông quê ở xã Đông Thọ, huyện Đông Sơn (nay thuộc Tp. Thanh Hoá), giữ chức đội trưởng lính khố xanh, nên thường gọi là Đội Cung.
Từ đầu năm 1940, đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào cách mạng ngày càng lan rộng và có ảnh hưởng đến các binh lính trong quân đội Pháp. Tiếp theo tiếng súng khởi nghĩa Bắc Sơn (Lạng Sơn) (9/1940) và Nam Kỳ (11/1940), vào ngày 13/1/1941, ông đã cầm đầu binh sĩ đồn Chợ Rạng (Thanh Chương, Nghệ An), rồi tiến sang chiếm đồn Đô Lương (Anh Sơn). Sau đó cùng nhau kéo về Vinh định chiếm tỉnh lị Nghệ An. Nhưng giặc Pháp đã kịp thời phản công, dồn quân đàn áp nhanh chóng cuộc binh biến. Sau một thời gian trốn tránh, ông bị bắt và đưa về Vinh xử tử cùng mười người khác. Nhiều người khác đều bị đưa đi dùng biệt xứ.


Nguyễn Hữu Độ (1813-1888)
Đại thần đời vua Đồng Khánh, tự Hi Bùi, hiệu Tông Khê, dòng dõi nhà thơ Nguyễn Trãi, quê xã Nguyệt Viên, (nay thuộc huyện Hoằng Hóa).
Ông đỗ cử nhân năm 1837, đỗ tiến sĩ năm 1883. Làm quan từ Thượng thư đến Phụ Chính đại thần, Cơ mật viện đại thần.
Ông là người học thức uyên bác, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều vua Đồng Khánh. Năm 1880 - 1883 ông giữ chức Kinh lược Bắc Kì khi quân Pháp chiếm Hà Nội. Sau này ông là người giữ một vai trò quyết định cho việc Đồng Khánh lên ngôi (vì con gái ông là chánh phi của vua Đồng Khánh) nên được phong làm cố mạng lương thần gia hàm Thái sư, Cần chánh điện Đại học sĩ kiêm Cơ mật đại thần.
Dư luận đương thời cho rằng ông là người có liên hệ mật thiết với Pháp, nhất là Champeaux (Thượng thư bộ Hình), nên lời nói ông được Pháp nghe hơn cả và chính ông và Đồng Khánh cố ý thảm sát Phụ chánh đại thần Phan Đình Bình sau khi ông làm Phụ chánh cho vua Đồng Khánh.
Ngày 18-12-1888, ông mất tại Hà Nội, thọ 75 tuổi, di hài đưa về chôn ở Huế.
Tác phẩm của ông: Đại Nam thực lục Chính biên, Tống Khê tấu nghị tập.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #65 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2010, 08:42:38 am »

Lê Giác (?-1378)
Ông là con danh sĩ Lê Quát, quê ở huyện Đông Sơn, Thanh Hóa.
Đời Trần Duệ Tông (1372-1377), ông làm Ninh phủ sứ ở Nghệ An. Bấy giờ, Duệ Tông thân chinh Chiêm Thành, tử trận, Trần Hiệp hàng giặc.
Năm Đinh Tỵ (1377), người Chiêm đưa Hiệp về Nghệ An lập làm vua, ông phản kháng quyết liệt, liền dàn quân đóng giữ ở yếu điểm Đại Hoàng. Giặc chiêu dụ, ông lớn tiếng mạt sát. Vua Chiêm là Chế Bồng Nga tiến đánh, ông sa cơ bị bắt, không khuất phục và mắng chửi thẳng vào mặt quân thù: "Ta là trọng thần nước lớn, há đi quì lạy ngươi là dân rợ nhỏ sao?".
Giặc giết ông chết (năm 1378). Về sau quân dân ta bình được Chiêm Thành, vua Trần tưởng niệm ông, xưng tặng là “Mạ tặc Trung Võ Hầu”, sắc truy phong làm Phúc thần, có miếu thờ ven sông Đại Hoàng.


Nguyễn Hữu Hào (?-1713)

Là danh sĩ, danh tướng thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Ngoài vai trò cầm quân và an dân, ông còn là tác giả tác phẩm Song Tinh Bất Dạ (Truyện Song Tinh) và một số thơ Nôm.
Ông quê gốc ở làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, Thanh Hóa.
Ông là cháu chín đời của danh thần Nguyễn Trãi (1380-1442), cháu nội Tham tướng Chưởng cơ Nguyễn Triều Văn (dòng Nguyễn Hữu, tước Triều Văn Hầu, phò triều Lê và Nguyễn sơ), con trưởng Chiêu Võ Hầu Nguyễn Hữu Dật (1603-1681), anh Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650 -1700).
Năm 1609, ông nội ông theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam và cuối cùng định cư ở Thừa Thiên.
Ngay từ trai trẻ, ông thường theo cha dự các trận đánh lớn, bộc lộ nhiều dũng lược và tài dùng binh; cho nên vào năm Kỷ Tỵ (1689), ông được bổ làm Cai cơ, Thống binh.
Cũng vào năm trên, có tướng Mai Vạn Long, sau khi đánh đuổi vào Hoàng Tiến nhưng bình Chân Lạp không thành, ông được cử làm Đốc suất vào thay. Khiếp sợ quân hùng tướng mạnh, vua Chân Lạp là Nặc Ông Thu sai sứ đến qui hàng, các tham mưu muốn thừa cơ đánh úp, nhưng ông không đồng ý.
Theo vài sử liệu, thì ông cũng như Mai Vạn Long đều bị trúng đòn "mỹ nhân kế" của một cô gái Chân Lạp gốc Chiêm Thành rất đẹp, giỏi biện thuyết tên là Chiêm Dao Tân (hoặc Chiêm Dao Luật).Vì thế cả hai ông đều bị gièm là cố ý làm trễ việc quân, rồi đều bị chúa Nguyễn lột hết chức tước.
Tháng 8 năm Tân Mùi (1691), chúa Nguyễn Phúc Trăn mất, Nguyễn Phúc Chu nối nghiệp, ông được phục chức Cai cơ. Tháng 10 năm Giáp Thân (1704) được thăng Chưởng cơ, làm Trấn thủ Quảng Bình.
Năm Quí Tỵ (1713), ông mất, được truy tặng là Đôn Hậu công thần trấn thủ, tên thụy là Nhu Từ.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #66 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2010, 08:48:47 am »

Hồ Dzếnh (1916-1991)
Nhà văn, thi sĩ Hà Triệu Anh, bút hiệu Lưu Thị Hạnh, Hồ Dzếnh (phiên âm theo tiếng Quảng Đông là Hà Anh), quê ở làng Đông Bích, xã Hoà Trường, huyện Quảng Xương. Thân phụ của ông là Hà Kiến Huân, người Quảng Đông (Trung Quốc), thân mẫu là bà Đặng Thị Văn (người Việt), lái đò ở bên sông Ghép, Quảng Xương, Thanh Hoá.
Năm 1924, ông học trường Tiểu học Quảng Xương, năm 1930 đậu bằng Tiểu học (Primaire), năm sau ra Hà Nội học Trung học và đi dạy thêm, vào thời điểm này ông bắt đầu bước vào làng văn, làng báo, cộng tác với các báo Trung Bắc chủ nhật, Tiểu thuyết thứ bảy (Hà Nội), Thần Chung (Sài Gòn).
Năm 1945, ông tham gia khởi nghĩa ở Hà Nội, kháng chiến bùng nổ ông về sống ở Thanh Hoá, năm 1953 về Hà Nội, sau đó vào Sài Gòn làm phóng viên cho báo Thần Chung ở Hồng Kông và Nhật Bản. Cuối năm 1954, ông về lại Hà Nội tham gia Hội văn Việt Nam.
Từ năm 1958-1975, ông làm công nhân tại nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) đến năm 1983 mới trở lại nghề văn.
Ông mất ngày 13-8-1991, tại Hà Nội.
Tác phẩm: Một chuyện tình mười lăm năm về trước (1942), Quê ngoại (1943), Cô gái Bình Xuyên (1946), Hoa Xuân đất Việt (1946), Người cứu thương Trung Hoa (1947), Những vành khăn trắng, Dĩ vãng, Hai mối tình (1918), Đường Kế Mã (1943), Nhà nhiều con...
Văn xuôi Hồ Dzếnh "tất cả đều được viết lại đúng những gì nhà văn còn giữ trong trí nhớ" của tác giả cũng như trong cuộc sống vô vàn thương yêu đối với người thân.
Thơ ông buồn man mác như mối sầu vạn cổ của nghìn xưa vọng lại.
Đã trở thành những câu “kinh ngữ” bất hủ của văn chương Quốc ngữ Việt Nam.
Chân trời cũ là một tập truyện ngắn của ông (xuất bản năm 1942) do Thạch Lam viết tựa, đến năm 1946 được tái bản.
Sự pha trộn của hai giòng máu chi phối nhiều sáng tác của tác giả. Tập thơ Quê Ngoại gây được nhiều ấn tượng nhất với những lời thơ êm đềm, nhẹ nhàng, trong sáng, và những cảm xúc đằm thắm chân thành dành riêng cho "quê ngoại" thân thương.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #67 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2010, 08:51:05 am »

Hà Tông Huân (1697-1766)
Danh sĩ  đời  Lê  Trung Hưng, ông đỗ Bảng nhãn khoa thi đình năm Giáp Thìn (1724) đời vua Lê Dụ Tông (1705-1729). Vì khoa thi này không có trạng nguyên và thám hoa, nên ông đỗ thủ khoa (Đình nguyên Bảng nhãn). Người đương thời vẫn quen gọi ông là ông Bảng Vàng, tức là bảng nhãn làng Vàng. Quê ông ở làng Kim Vực (nay thuộc xã Yên Thịnh, huyện Yên Định).
Ông được triều đình cử giữ nhiều chức vụ khác nhau như tham gia soạn sử, dạy học ở trường Quốc Tử Giám, làm Đốc Đồng, Đốc trấn, Hiến sát, rồi làm ngoại giao thu xếp việc biên giới với nhà Thanh, đã giữ đúng quốc thể, giữ cho người ngoài phải kính nể. Ông từng giữ chức Thượng thư, rồi làm tể tướng, đứng đầu triều đình. Sự nghiệp văn võ song toàn, tài đức trọn vẹn, ông được giới sĩ phu cùng thời hết sức ca ngợi.
Ông mất tháng Giêng năm Bính Tuất (1766), thọ 70 tuổi. Sau khi ông mất nhân dân lập đền thờ ông. Trong có đôi câu đối của người xưa ca tụng tài đức của ông.
"Sự nghiệp tam khôi thần báo trước"
"Văn chương bậc nhất được vua khen".



Lê Văn Hưu (1230-1322)

Là nhà sử học đời nhà Trần, tác giả bộ Đại Việt sử ký, bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam. Bộ sách này không còn nhưng nhờ nó mà sử gia Ngô Sĩ Liên đã dựa vào để soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư.
Ông người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn (nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa).
Năm Đinh Mùi (1247), ông đi thi, đỗ Bảng nhãn. Đây là khoa thi đầu tiên ở Việt Nam có đặt danh hiệu Tam khôi. Nguyễn Hiền 12 tuổi đỗ trạng nguyên. Đặng Ma La 14 tuổi đỗ thám hoa. Lê Văn Hưu 17 tuổi đỗ bảng nhãn.
Sau khi thi đỗ, ông được giữ chức Kiểm pháp quan, rồi Binh bộ Thượng thư, sau đó Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử Viện giám tu. Ông cũng là thầy học của thượng tướng Trần Quang Khải.
Trong thời gian làm việc ở Quốc sử Viện, theo lệnh vua Trần Thái Tông, ông đã hoàn thành việc biên soạn Đại Việt sử ký - bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam - ghi lại những sự việc quan trọng chủ yếu trong một thời gian lịch sử dài gần 15 thế kỷ, từ Triệu Vũ đế - tức Triệu Đà - cho tới Lý Chiêu Hoàng. Đại Việt sử ký tất cả gồm 30 quyển, hoàn thành năm 1272 và được Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen.
Đến nay bộ Đại Việt sử ký của ông không còn, nhưng những lời nhận xét của ông vẫn được ghi lại trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, gồm 29 đoạn ghi rõ: "Lê Văn Hưu viết...". Trong bài tựa Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư, Ngô Sĩ Liên viết: "Văn Hưu là người chép sử giỏi đời Trần, Phu Tiên là bậc cổ lão của thánh triều ta, đều vâng chiếu biên soạn lịch sử nước nhà, tìm khắp các tài liệu còn sót lại, tập hợp thành sách để cho người xem đời sau không có gì phải tiếc nữa, thế là được rồi."
Ông mất ngày 23 tháng ba năm Nhâm Tuất (1322), thọ 92 tuổi. Ông được an táng ở cánh đồng xứ Mả Giòm, thuộc địa phận xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Hiện nay ở đó vẫn còn phần mộ với tấm bia dựng năm Tự Đức thứ 20 - 1867, khắc ghi tiểu sử và một bài minh ca tụng tài đức, sự nghiệp của ông. Ở xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa, Thanh Hóa, có nhà thờ Lê Văn Hưu.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #68 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2010, 09:12:24 am »

Lê Khôi (? - 1446)
Danh tướng khởi nghĩa Lam Sơn, người làng Lam Sơn (nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân). Ông là con trai Lê Trừ - anh thứ hai của Lê Lợi, tức là cháu gọi Lê Lợi bằng chú ruột. Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ đầu và lập được rất nhiều công lao.
Năm 1425, ông cùng với nghĩa quân lập nên trận Khả Lưu.
Năm 1427, ông hợp lực cùng Phạm Vấn chỉ huy một cánh quân, góp phần vào chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang quyết định chiến cục, kết thúc thắng lợi khởi nghĩa Lam Sơn.
Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, ông được ban chức Kì Lân Hổ Vệ Tướng Quân, quyền Hành Tổng Quản, hàm Nhập Nội Thiếu Úy, sau thăng hàm Tư Mã, được đem Kim Phù.
Năm Canh Tuất (1430), ông lãnh mạng vào trấn giữ Hóa Châu (đất Thuận Hóa), triệu tập lưu dân, tội đồ, khuyến khích việc canh nông, huấn luyện binh sĩ. Người Chiêm Thành rất kính mộ ông, mỗi khi vào sứ cống triều đình, đều đến vấn an ông trước. Ít lâu, ông lại trấn giữ Cao Bằng.
Năm 1437, ông được phong làm Nhập nội tư mã, Tham trị chính sự, kiểm quản Tây Đạo.
Năm 1440, ông được thăng làm Nhập Nội Đô đốc. Sau, chưa rõ vì lý do gì, ông bị giáng chức.
Năm 1443, ông được làm Nhập Nội Thiếu Úy, trấn thủ Nghệ An.
Năm Bính Dần (1446), ông được lệnh vua cùng Lê Thận, Lê Xí (tức Nguyễn Xí) cầm quân đánh Chiêm Thành. Khi quân ông tới nơi, địch bắt loa kêu to: “có phải Quan Tư mã đã đến đấy không?” Ông nhận, lột mão cho quân Chiêm nom thấy, chúng có vẻ nao núng. Nhân đó, ông tiến đánh vào thành Đồ Bàn, bắt chúa Chiêm là Bí Cai.
Trên đường đem quân về, ông bị bệnh và mất ở dưới núi Long Ngâm (có sách chép là núi Nam Giới ở Hà Tĩnh) được truy tặng là Nhập nội Đại hành khiển, Thái úy, Tán Quốc Công.
Dân chúng Hà Tĩnh truy niệm công đức ông, lập đền thờ ở dưới núi Long Ngâm. 
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #69 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2010, 09:16:16 am »

Lê Lai (?-1418)
Danh tướng trung dũng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh (1418 - 1427). Quê làng Dựng Tú (nay là xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc), dân tộc Mường.
Ông tính tình cương trực, dung mạo khác thường, có chí khí. Đã cùng các em và con tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ đầu. Là người đứng tên thứ hai trong danh sách hội thề Lũng Nhai (1416) chuẩn bị khởi nghĩa, ông cùng Bình Định vương Lê Lợi và 17 tướng lãnh tâm phúc thề sống chết có nhau, được Lê Lợi trao chức Đô tổng quản, tước quan Nội Hầu. Cuối năm 1418, nghĩa quân bị bao vây ở núi Chí Linh (miền Tây Thanh Hoá). Ông đóng giả làm Lê Lợi xông ra phá vòng vây để Lê Lợi và nghĩa quân được giải thoát, ông xung trận giết giặc rồi kiệt sức, bị quân Minh bắt và đem hành hình. Hôm ấy là ngày 29 tháng 4 âm lịch.
Nhớ công ơn Lê Lai, sau khi lên ngôi, Lê Lợi truy tặng ông là Đệ nhất công thần. Năm 1429, được truy phong là Thái úy. Đời Nhân Tông, truy tặng là Bình chương quân quốc trọng sự (1443). Đời Thánh Tông, được truy tặng Thái phó, truy phong Trung túc vương. Lê Lợi thường nói: "Sau này ta mất đi, khi đến lễ giỗ ta, thì một ngày trước đó, phải cúng tế Lê Lai". Trong dân gian còn truyền tụng câu: "Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi".

Đỗ Khuyển (1400-1459)
Danh tướng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ông người làng Đa Mĩ, huyện Cổ Lôi (nay thuộc Thịnh Mĩ, huyện Thọ Xuân), xuất thân từ một gia đình nghèo, cha thuộc quân ngũ của nhà Hồ, hi sinh trong một trận đánh giặc Minh ở cửa biển Giao Thuỷ (Nam Định). Ông xin làm gia thần cho Lê Lợi, rồi khởi nghĩa Lam Sơn. Năm 1418, sau trận Lạc Thuỷ (Cẩm Thuỷ), ông bị giặc bắt đưa ra Đông Quan. Trong dịp này ông điều tra tình hình địch ở ngoài Bắc rồi trốn về Lam Sơn báo cáo với chủ tướng Lê Lợi. Cuối năm 1425, ông chỉ huy một vệ quân đánh tan tướng Vi Lượng chỉ huy quân Minh ở Nghệ An. Cuối năm 1426, ông cùng các tướng Nguyễn Chích, Bùi Quốc Hưng bao vây dụ hàng các thành Điêu Hào, Thị Cầu (Bắc Ninh). Cuối năm 1427, ông cùng Trịnh Khả, Phạm Văn Xảo đánh tan quân Mộc Thạnh ở cửa ải Lê Hoa. Đất nước được giải phóng, Lê Lợi lên ngôi vua, ông được xếp loại công thần, tước Huyện hầu, ban quốc tính. Trong mấy chục năm dưới thời Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, ông giữ chức Đại đô đốc, giữ cấm binh, phụ trách công việc bảo vệ Hoàng thành.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM