Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 04:54:55 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hóa  (Đọc 90138 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #40 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2009, 02:10:49 am »

Mai Anh Tuấn (1815-1851)
Ông quê ở làng Thanh Giản, Nga Sơn, Thanh Hóa nhưng sinh tại thôn Hoàng Cầu, giáp Đông Các, huyện Vĩnh Thuận - Hà Nội (nay là Ô Chợ Dừa - Đống Đa). Cụ thân sinh ra ông là Mai Thế Trinh, tri huyện Thanh Trì và bà Dương Thị Lan, người làng Thịnh Hào. Cụ tổ bốn đời của ông là Hương Lĩnh hầu, tiến sĩ Mai Thế Chuẩn, một văn thần xuất thân khoa bảng mà trở thành võ tướng bảo vệ Tổ quốc.
Ông thi đỗ Đình nguyên Thám hoa vào năm 1843, như thế là kể từ khi nhà Nguyễn mở thi Đình, năm 1822, đến lúc đó mới có ông là người đầu tiên đỗ Đình nguyên Thám hoa, kể cũng là người khai khoa Tam khôi của triều Nguyễn. Ông được bổ làm Hàn lâm Thị độc, làm việc trong tòa Nội các. Sau này, ông dâng sớ can vua không nên phái đoàn quan chức đem thuyền nhà nước tiễn viên quan nhà Thanh, vì quá tốn kém, mà chỉ nên gửi họ theo thuyền buôn. Vua Tự Đức không hài lòng, kết tội ông “khi quân bất kính” và hạ chức, phái đi làm án sát tỉnh Lạng Sơn. Đến nhiệm sở mới, ông lo dẹp thổ phỉ để giữ gìn trị an. Năm 1851, phỉ nhà Thanh tràn sang cướp phá vùng Tiên Yên, tiến sâu vào tận Lạng Sơn. Ông cùng Chưởng vệ Nguyễn Đạc đem quân đuổi đánh, bước đầu thắng lớn. Rồi không may, ông Đạc bị thương, tiền quân ở thế bất lợi. Mai Anh Tuấn đem quân tiếp cứu nhưng gặp địa hình hiểm trở, cả ông và Nguyễn Đạc đều hy sinh.
Nghe tin ông mất, vua Tự Đức thương tiếc, lệnh cho đem thi hài về an táng tại Hoàng Cầu. Triều đình, trí thức, nhân dân Thịnh Hào vô cùng xúc động.
Theo lệnh của nhà vua, tỉnh Lạng Sơn và Thanh Hóa lập đền thờ ông. Dân vùng Hoàng Cầu xây miếu thờ ngay nơi có phần mộ. Linh vị và bát hương thờ được đặt ở đền Trung Nghĩa tại Hoàng thành Huế, bên cạnh các danh thần.


Đào Duy Từ (1572-1634)
Danh thần thời chúa Nguyễn lập nghiệp mở mang bờ cõi về phía Nam, quê làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn (nay thuộc huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa).
Ông thông kinh sử, tinh thâm lí số và binh thư đồ trận. Nhưng vì thân phụ ông là Đào Tá Hán xuất thân là quản giáp trong nghề ca hát mà luật lệ thì nghiêm cấm không cho con nhà xướng ca ra thi cử, nên ông không tiến thân được. Bất đắc chí ông bỏ Đông Kinh (Hà Nội) lần vào miền Nam, định theo phò chúa Nguyễn.
Trong lúc bơ vơ nơi phủ Hoài Nhơn (nay là phủ Bồng Sơn) tỉnh Bình Định, ông tạm khuất thân ở ẩn, chăn trâu cho nhà giàu Chúc Trịnh Long ở thôn Tòng Châu.
Tăm tiếng ông dần dần được sĩ phu biết đến, Khán lí Trần Đức Hòa ở Qui nhơn mến tài, gả con gái cho ông và tiến cử lên chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
Được chúa Sãi trọng dụng phong là Nội tán, ông tận tụy giúp chúa Nguyễn về quân sự, chính trị và văn hóa, đương đầu với chúa Trịnh đến thắng lợi.
Năm Canh Ngọ 1630, ông xướng xuất việc đắp lũy Trường Dục ở huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình.
Qua năm sau (1631), ông lại đắp thêm một lũy nữa từ cửa bể Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu (ở Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), cao một trượng, dài hơn 200 trượng (tục gọi là lũy Thầy. Đến đời Thiệu Trị mang tên là "Định Bắc trường thành")
Năm Giáp Tuất 1634, ngày 17-10 ông mất thọ 62 tuổi, được phong tặng hàm Tán trị dực vận công thần, Kim tử vinh lộc đại phu, Đại lí tự khanh, tước Lộc Khê Hầu. Đến triều Minh Mạng, truy phong tước Hoằng Quốc Công.
Đào Duy Từ còn để lại một bộ binh thư: Hổ trướng khu cơ và hai khúc ngâm: Ngọa Long cương văn, Tư Dung văn
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #41 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2009, 02:30:18 am »

Đào Tá Hán (?-?)
Là Thân phụ Đào Duy Từ, không rõ năm sinh, năm mất, quê làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tỉnh Gia, Thanh Hóa (nay là xã Hải Nhân, huyện Tỉnh Gia, Thanh Hoá).
Thuở trai tráng ông đầu quân nhà Lê, chống nhau với quân nhà Mạc, ít lâu ông sơ suất phạm tội bị phạt 20 roi và đuổi ra khỏi quân ngũ, buồn tình, ông theo một gánh hát chèo để học hát. Thông minh, đẹp trai, chỉ trong hai năm ông trở thành kép nổi tiếng đương thời.
Một hôm, hát đám hội làng Ngọc Lâm, huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa, ông vào ở trọ nhà ông tiên chỉ là Võ Đạm. Con gái Võ Đạm là Võ Kim Chi 19 tuổi, quê làng Mỹ Du Sa cùng huyện, cảm tiếng hát của ông. Từ đó hai người trở thành vợ chồng. Được hơn một năm thì sinh ra Đào Duy Từ có tài liệu viết mẹ Đào Duy Từ là bà Nguyễn Thị Mạch cảm tiếng hát của ông mà kết thành vợ chồng.
Sau, ông làm quản giáp trong nghề ca hát, rồi làm chức linh quan coi đội nữ nhạc trong Đại nội, dưới triều Lê Anh Tông (1556–1573).


Đỗ Xuân Cát (?-?)
Ông là danh sĩ đời Thiệu Trị, hiệu Châu Tân cư sĩ, quê huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
Năm Tân Sửu 1841, ông đỗ Cử nhân nhưng không ra làm quan, ở thôn quê, vui nghề dạy học. Ngoài kinh sách ra, các môn thiên văn, luật, lịch, ông đều nghiên cứu tìm tòi và phát kiến được nhiều điều mới mẻ.
Ông thờ mẹ rất hiếu, khi mẹ mất, ông làm nhà bên mộ chịu tang suốt ba năm.
Đến đời Tự Đức (1829–1883), nhân miền Bắc thường bị vỡ đê, ông có soạn ra năm đề án ngăn giữ nước sông, tỏ ra sành khoa kinh tế. Gặp khi triều đình tuyển chọn nhân tài, các đại thần dâng sớ tiến ông vào triều, nhưng ông cáo bịnh xin về.
Lại khi giặc quấy nhiễu, ông thẳng tới Nghệ An quan sát, dâng sớ tâu bày về các biện pháp tiến thủ. Triều đình khen ngợi, toan nạp dụng ông và các người mà ông đã tiến cử, song ông từ chối không chịu lụy về công danh.
Đến khi ông mất, được vua Tự Đức truy tặng là Hàn Lâm viện biên tu.
Ông có soạn các sách: Châu tân văn tập, Gia phả tự lệ, Lâm hành tạp lục. Em ông là Đỗ Xuân Vĩnh cũng đỗ Cử nhân, làm Tri huyện Thanh Chương nổi tiếng thanh liêm.

Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #42 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2009, 12:09:03 pm »

Độc Cước
Là một vị thần Việt Nam, nơi thờ chính đặt tại đền Độc Cước ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Theo đạo sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 14 (1783), thì thần Độc Cước tên là Chu Văn Khoan, có tài đức, giúp các đời vua dẹp yên giặc giã, giữ gìn bờ cõi, thần có hiệu là Đại pháp sư, có 7 phép màu để trị ma quỷ gian ác… và được vua phong bốn chữ: Độc Cước sơn triều.
Chuyện kể rằng thời xưa có một bọn quỷ mũi đỏ đến vùng biển Sầm Sơn làm hại dân lành. Có một chú bé mồ côi cha vừa chui ra khỏi bụng mẹ đã lớn nhanh như thổi và trở thành người khổng lồ. Chàng khổng lồ đánh thắng bọn quỷ ngoài biển, quỷ tràn vào đất liền cướp phá, nếu chàng ở trong đất liền thì quỷ lại phá ở ngoài khơi. Chàng nghĩ cách lấy búa tự xẻ đôi thân mình, một nửa thân và một chân đứng ngự trên đỉnh Sầm Sơn, một nửa thân và một chân theo bè mảng ra khơi hộ vệ dân chài. Từ đó, bọn quỷ vào bờ hay ra biển đều thấy chàng khổng lồ, chúng bỏ đi nơi khác kiếm ăn, không dám bén mảng đến vùng biển này nữa. Từ đó xuất phát tên gọi thần Độc Cước, nghĩa là 'Một chân'.
Tưởng nhớ công ơn của Độc Cước, người dân Sầm Sơn đã lập miếu thờ thần ngay bên tảng đá có vết lõm dấu chân khổng lồ tương truyền là bàn chân của chàng. Về sau miếu trở thành đền Độc Cước.


Nguyễn Đức Trung (1404-1477)
Là công thần nhà Hậu Lê, người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, Thanh Hóa.
Ông là con của công thần khai quốc nhà Hậu Lê Nguyễn Công Duẩn. Ông nối chí cha làm quan từ đầu thời nhà Lê. Thời Lê Nhân Tông, ông giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ.
Tháng 10 năm 1459, anh Nhân Tông là Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân giết vua lên ngôi, đặt niên hiệu Thiên Hưng.
Ngày 6 tháng 6 âm lịch năm 1460, ông cùng các đại thần Nguyễn Xí, Lê Niệm, Lê Lăng phát động binh biến, chém bầy tôi thân cận của Nghi Dân là Phạm Đồn, Phan Ban ở nghị sự đường, nắm lấy cấm binh, đóng chặt cửa thành, sai Lê Ninh Thuận bắt vây cánh và phế vua Thiên Hưng làm Lệ Đức hầu, rước con út của Thái Tông là Tư Thành lên ngôi, tức là vua Lê Thánh Tông nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.
Năm 1467, Nguyễn Đức Trung mang quân đi dẹp loạn ở vùng An Bang (Quảng Ninh) thắng lợi.
Năm 1471, ông theo Lê Thánh Tông cầm quân bộ đi đánh Chiêm Thành, thắng lớn, mở rộng đất đai phía nam nước Đại Việt. Khi trở về ông được phong chức Thái uý, Trình quốc công, làm Đô ty thừa tuyên Quảng Nam.
Năm 1472, vì tuổi già sức yếu, ông xin cáo lão về nghỉ.
Tháng 8 âm lịch năm 1477, ông mất, thọ 74 tuổi. Mộ táng ở quê nhà.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #43 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2009, 12:13:39 pm »

Lê Hữu Kiều (1915-1989)
Ông có tên tự là Nam Mộc, sinh ra tại xã Hoằng Phúc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa.Ông tốt nghiệp trường Quốc học Quy Nhơn. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông là chủ bút báo Bạn Đường tại Thanh Hóa (1939).
Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, ông từng là bí thư xứ ủy lâm thời của Đảng bộ Nam Kỳ.
Sau cách mạng, ông là giám đốc nhà xuất bản Sự Thật,
Ông là một nhà phê bình văn học với những tác phẩm để lại như: - Noi theo đường lối văn nghệ Mác-Lênin của Đảng (1968); - Văn học miền Nam trong lòng miền Bắc (chủ biên, 1969); - Mấy vấn đề lý luận văn học (chủ biên, 1970); - Văn học, cuộc sống, nhà văn (viết chung, 1978); - Luyện thêm chất thép cho ngòi bút (tiểu luận, phê bình, 1979).



Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #44 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2009, 03:53:54 pm »


Thái phó Ngô Từ là cha ruột Quang Thục hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, không rõ năm sinh, năm mất, cha vợ vua Lê Thái Tông (1423-1442), ông ngoại vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497). Quê xã Động Bàng, huyện Yên Định, lộ Thanh Hoa (nay thuộc huyện Yên Định, Thanh Hóa).

Thân phụ ông là Ngô Kinh, xuất thân nghèo khổ, nên cha ông từng làm người giúp việc của Lê Khoáng (cha Lê Lợi) còn ông thì theo hầu Lê Lợi. Đến khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn phát động, Lê Lợi được tôn làm Bình Định vương, cha con ông tận tụy theo phục vụ, phụ trách trang trại sản xuất lương thực, quân nhu và tiếp nhận người đến tham gia khởi nghĩa.

Đuổi xong giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi tức Lê Thái Tổ (1385-1433), phong cho cha ông làm Thái phó, ông là Thái bảo. Về sau con gái ông là Ngô Thị Ngọc Dao được tuyển vào cung làm Tiệp dư, hầu hạ Lê Thái Tông, sinh hoàng tử Tư Thành. Đến khi Tư Thành lên ngôi tức Lê Thánh Tông, con gái ông là Hoàng thái hậu, có xây dựng tòa đền đặt tên là Thuần Mậu Đường hay còn gọi là đền Phúc Quang để thờ phụng tổ tiên họ Ngô.


Cụ Ngô Từ là tổ nhà em ạ  Grin

Trong gia phả không không có ghi rõ ngày sinh ngày mất của cụ Ngô Kinh, nhưng ngày sinh ngày mất của cụ Ngô Từ ghi rất rõ. Theo đó thì cụ Ngô Từ:

- Sinh giờ Dần, ngày mùng 3 tháng 2, năm Canh Tuất (1370)
- Mất ngày 8 tháng 3, năm Quý Dậu (1454).

Ngoài ra cụ còn được gia phong là bảo chính công thần, tả kim ngô vệ tướng quân chỉ nội đại hành khiển thượng tướng quân, chương khánh công phụ quốc chính , duyên ý Dụ Vương, tên thuỵ là Bàng Khê thượng sĩ.

Cũng trong gia phả thì cụ Ngô Kinh là người giúp việc cho Lê Khoáng (tức bố của Lê Lợi), nhưng Lê Lợi lại nhận cụ Ngô Từ (tức là con cụ Ngô Kinh) làm con nuôi. Điều này là rất hợp lý vì trong dùng binh thì việc chăm lo lương thảo, bảo vệ căn cứ, tuyển quân là những việc tối quan trọng (nhưng lại ít được nhắc đến). Phải những người đáng tin cậy (thường là trong gia đình) mới được giao phó những việc như vậy.

Mời các bác xem thêm: http://www.vietnamgiapha.com/XemChiTietTungNguoi/232/19/Ng_F4+T_26_237915_3B.html
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #45 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2009, 11:40:52 am »

Lê Văn Linh (1376-1448)
Là Khai quốc công thần đời Lê, Danh tướng của Bình Định vương Lê Lợi, quê ở Thanh Hóa.
Ông là người từng tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu và là một trong 18 người dự lễ tuyên thệ ở Lũng Nhai.
Tháng 1-1425 vây đánh thành Nghệ An. Tháng 9 bọn Lý An, Phương Chính bỏ lại một lực lượng rồi vượt biển ra Bắc, vua sai ông cùng nhiều tướng khác ở lại vây đánh. Tháng 1-1426 quân Minh trong thành ra hàng. Ông được phong Nhập nội Thiếu phó.
Sau khi kháng chiến thành công, ông được xếp vào hàng thứ ba công thần, được phong Hương thượng hầu. Qua triều Lê Thái Tông (1423-1442), ông được thăng Nhập nội Hữu bật. Năm 1435 ông được cử làm tham đốc cùng Lê Bôi đi đánh Cầm Quý ở châu Ngọc Ma.
Sau vì ông bênh vực Lê Sát, nên bị tước bỏ công thần và chức tước, xuống làm Tả bộc xạ. Sang triều Lê Nhân Tông (1441-1459), ông được khôi phục chức tước và phong đến Thái phó. Lúc mất ông được truy tặng Khai phủ, tên thụy là Trung Hiến


Lê Trung Mãn (?-1786)
Võ tướng Lê Trung Mãn trước vốn tên Lê Trung Nghĩa, sau ra làm quan đổi tên là Lê Trung Mãn, quê làng An Thạnh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa.
Ông làm tướng đời Lê Hiển Tông (1740-1786), được phong tước Mãn Quận Công, giao du thân mật với Phan Huy Ích nhất là từ năm Quý Mão 1783. Huy Ích lấy cớ bịnh tật xin từ chức mà không được, thường sống trên một chiếc thuyền, ông hay lui tới thăm Phan.
Đến tháng 9 năm Ất Tỵ 1785, ông cùng Phan Huy Ích, Võ Thành Đạo đem quân chống giặc ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An. Trong cơn xung trận ông ngã ngựa bị giặc bắt, bị thương nặng đến nửa đường thì chết.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #46 vào lúc: 14 Tháng Mười Hai, 2009, 11:45:52 am »

Lê Ngân (?-1437)
Danh tướng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, người Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên (nay là huyện Thiệu Hoá, Thanh Hoá).
Năm 1418, Lê Lợi phát động khởi nghĩa Lam Sơn. ông tham gia khởi nghĩa từ đầu. Quân khởi nghĩa mới tập hợp nên chưa đủ mạnh, thường bị quân Minh đánh bại.
Ngày 13/4 âm lịch năm 1418, Mã Kỳ tiến đánh quân Lam Sơn, ông cùng các tướng Lê Thạch, Nguyễn Lý đặt phục binh, dụ quân Minh vào rồi đổ ra đánh, chém được 3000 quân địch và thu nhiều khí giới.
Năm 1425, ông cùng Lê Văn An mang 70 chiến thuyền vượt biển vào tiếp ứng cho Trần Nguyên Hãn. Quân Minh bị đánh bại, phải rút vào thành cố thủ. Làm chủ đất Tân Bình và Thuận Hóa, quân Lam Sơn huy động thêm được quân và voi trận ra bắc.
Mùa thu năm 1426, Lê Lợi tiến quân ra bắc, sai ông trở về thay Lê Sát vây thành Nghệ An. Đầu năm 1427, khi các cánh quân Lam Sơn đang vây Đông Quan và vây đánh nhiều thành ở Bắc bộ thì Lê Ngân hạ được thành Nghệ An. Tướng giữ thành là Thái Phúc chịu đầu hàng nộp thành.
Năm 1428, cuộc khởi nghĩa toàn thắng, ông được phong chức Nhập nội tư mã, tham gia việc triều chính. Năm 1429, khi Lê Thái Tổ sai khắc biển công thần, Lê Ngân xếp hàng thứ tư, được phong làm Á hầu.
Lê Thái Tổ mất, Lê Thái Tông còn nhỏ lên thay. Năm 1434, ông được phong làm Tư khấu, Đô tổng quản hành quân Bắc đạo, cùng Đại tư đồ Lê Sát làm phụ chính. Con gái ông là Lê Thị Lệ được đưa vào cung làm vợ vua Thái Tông, phong làm Chiêu nghi.
Ông làm phụ tướng (Ất Mão 1435) nhưng được ít lâu thì bị ghép vào tội nặng, buộc phải tự tử. Tài sản của ông cũng bị tịch thu; con gái ông là Huệ phi Lê Thị Lệ bị giáng làm Tu dung, con trai Lê Ngân là Lê Nho Tông phải đi làm lính, nhiều năm không được cất nhắc.
Năm 1453, Lê Nhân Tông đại xá, cấp cho con cháu ông 100 mẫu ruộng quan điền. Năm 1484, vua Lê Thánh Tông truy tặng ông chức Thái phó, Hoằng quốc công.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #47 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2009, 09:55:16 am »

Lê Lý (Nguyễn Lý) (?-1443)
Là tướng quân Lam Sơn, công thần khai quốc nhà Hậu Lê. Ông là người thôn Dao Xá, huyện Thủy Nguyên (nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa).
Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ ngày đầu. Năm 1416, ông tham dự Hội thề Lũng Nhai.
Tháng 5 năm 1418, Lê Lợi phải lui toàn quân về Lạc Thủy. Tướng Minh là Mã Kỳ mang quân đuổi đánh. Ông cùng Lê Thạch, Đinh Bồ, Lê Ngân được lệnh mang quân mai phục đánh địch. Ngày 18 tháng 5 năm 1418, quân Minh tiến đến Lạc Thủy bị mai phục. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, trận đó ông chém 3000 quân địch và thu được nhiều quân khí.
Năm 1420, ông cùng các tướng Lam Sơn chống lại một đợt tấn công mạnh của quân Minh vào Mường Thôi. Ông cùng Lý Triện, Phạm Vấn được lệnh mang quân mai phục ở xứ Bồ Mộng, đánh cho quân Minh bị tổn thất nhiều. Sau đó trong các trận đánh ở Khả Lưu, Nghệ An, ông đều tham gia lập công và được Lê Lợi phong làm Thái úy.
Cuối năm 1426, ông cùng Lê Sát mang quân đi vây thành Xương Giang. Đầu năm 1427, khi thành chưa hạ được, ông được lệnh về cầm quân vây cửa nam thành Đông Quan.
Tháng 8 năm 1427, ông cùng Trần Nguyên Hãn trở lại công phá Xương Giang và đến tháng 9 âm lịch thì phá được thành đó, làm viện binh của Liễu Thăng mất đi điểm tựa khi tràn qua biên giới.
Cũng trong tháng 9 năm 1427, Lê Sát đã chém được Liễu Thăng ở Chi Lăng nhưng quân Minh vẫn đông và mạnh. Nguyễn Lý được lệnh cùng Lê Văn An mang 3 vạn quân lên tiếp ứng cho Lê Sát, giết được tướng Minh là Lương Minh.
Tháng 10 âm lịch, ông cùng các tướng Lam Sơn tổng tấn công giết và bắt sống toàn bộ số quân Minh còn lại của đạo viện binh dưới quyền Thôi Tụ. Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi.
Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, tức là Lê Thái Tổ, ông được phong làm Nhập nội tư mã, Suy trung tán trị Hiệp mưu công thần, được ban quốc tính.
Năm 1429, Lê Thái Tổ sai khắc bảng tên 93 công thần, tên ông đứng hàng thứ 6, được phong làm Hương thượng hầu.
Năm 1430, ông được phong làm Nhập nội kiểm hiệu tư không.
Năm 1434, ông bị đưa đi làm Tổng đốc Thanh Hóa. Đến tháng 6 năm đó lại đổi làm đồng Tổng quản lộ Bắc Giang hạ.
Năm 1437, Lê Sát lộng quyền bị Lê Thái Tông giết, ông được gọi về làm Nhập nội hiệu úy, tham tri việc quân ở các vệ thuộc Tây đạo.
Năm 1443, ông mất. Năm 1484, Lê Thánh Tông truy tặng ông làm Thái bảo, Phúc quốc công.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #48 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2009, 10:26:29 am »

Trần Oanh (1942 – 1985)
Là vận động viên bắn súng Việt Nam. Năm 2000, ông được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) công nhận là Vận động viên xuất sắc nhất thế kỷ 20 của Việt Nam theo đề xuất của Ủy ban Thể dục Thể thao Việt Nam.
Ông quê ở miền biển Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
Từ năm 17 tuổi, trong bối cảnh cuộc chiến tranh Đông Dương, ông gia nhập bộ đội địa phương. Ông nổi tiếng với bộ môn bắn súng, thường tham dự các giải thể thao của quân đội các nước Xã hội chủ nghĩa hằng năm và thường xuyên xếp thứ nhất.
Tháng 7 năm 1962, tại Plezen (Tiệp Khắc), trong giải bắn súng quân đội các nước XHCN với sự tham dự của hàng trăm tay súng đến từ 15-16 nước trên thế giới, ông chiếm giải nhất khi bắn được 587 điểm trong bộ môn súng ngắn ổ quay, vượt kỷ lục thế giới lúc đó. Nhờ thành tích này, ông được thăng cấp thượng úy Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Năm 1966, tại giải Ganefo châu Á (giải thể thao của các nước mới phát triển) ông đoạt Huy chương vàng môn súng ngắn bắn chậm với thành tích 574 điểm. Năm 1967, tại giải bắn súng hữu nghị quốc tế mở rộng tại Bắc Kinh, cũng trong bộ môn súng ngắn bắn chậm, ông đọat giải nhất khi bắn được 554 điểm, vượt kỷ lục châu Á lúc bấy giờ.
Năm 1974, ông về hưu và sống cuộc đời nghèo khổ, thiếu thốn, cho đến khi qua đời năm 1985.
Năm 2000, ông được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) công nhận là Vận động viên xuất sắc nhất thế kỷ 20 của Việt Nam theo đề xuất của Ủy ban Thể dục Thể thao VN.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #49 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2009, 10:31:07 am »

Kỹ sư vũ khí Nguyễn Trinh Tiếp (1924-1967)
Là người chủ trì nghiên cứu thiết kế và chế tạo súng SKZ (súng không giật) thời kì đầu kháng chiến chống Pháp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quân giới Việt Nam, giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996.
Ông quê ở xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Năm 1946, ông tốt nghiệp khoá kĩ sư công chính đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
•   Tháng 4 năm 1947, ông là trưởng phòng xạ thuật của Nha nghiên cứu Quân giới (Cục quân giới, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội).
•   1948- tháng 4, 1949 : Trưởng ban SKZ, chủ trì việc nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công loại súng SKZ 60mm, đưa vào sản xuất hàng loạt, kịp thời đáp ứng nhu cầu chính trường; tiếp theo là 1 số loại SKZ cỡ 50.8mm, 80mm, 120mm.
•   Năm 1950-1953, ông là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quân giới.
•   Tháng 3-1953 - 1967, chuyển ngành sang bộ giao thông vận tải, giữ các chức vụ: Cục phó cục đường thuỷ kiêm giám đốc nhà máy đóng tàu Bạch Đằng; Viện Phó : Viện thiết kế thuỷ lợi, Viện thiết kế giao thông; Phó ban đảm bảo giao thông; Cục Phó cục quản lí đường bộ.
•   Ông hi sinh khi làm nhiệm vụ tại Thanh Hoá (24-6-1967)
•   Ông được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu (1996) về "công trình nghiên cứu chế tạo súng SKZ".
•   Kĩ sư Nguyễn Trinh Tiếp là người có đóng góp rất lớn cho ngành quân giới trong những năm kháng chiến chống Pháp và những năm đầu chống Mỹ. Sự ra đi đột ngột của ông đã để lại nhiều tiếc thương cho đồng nghiệp, gia đình về một con người tận tuỵ, hết lòng cống hiến cho dân tộc, một người con ưu tú của quê hương Thanh Hoá.
Ông được Nhà nươc phong tặng 3 Huân Chương Lao Động Hạng Nhì.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM