Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 09:17:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hóa  (Đọc 89935 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #30 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2009, 09:02:55 am »

Bùi Công Kế (Nguyễn Kế)
Võ tướng đời Nguyễn Phúc Thuần (1753-1777). Quê ông ở huyện Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung, Thanh Hoá).
Ông tướng mạo khôi ngô, có sức mạnh, giỏi võ nghệ, làm cai đội, dần dần thăng đến chức Chưởng cơ, lãnh Trấn thủ Bình Khang.
Năm Ất Tỵ (1775), Tây Sơn dấy binh, ông vâng mạng tiết chế Tống Phúc Hiệp đem binh chống cự, bại trận bị bắt và bị giết chết. Ông được triều Nguyễn truy tặng Chưởng dinh, liệt thờ vào hai miếu Hiển Trung và Trung Tiết công thần của nhà Nguyễn.


Lê Hy (1646-1702)

Danh sĩ, sử gia thời Lê Trung Hưng tự Trạm Khê, quê xã Thạch Khê, huyện Đông Sơn.
Năm Giáp Thìn (1664), ông đỗ đồng tiến sĩ, năm 18 tuổi, làm đến Thượng thư bộ Binh, rồi Tham tụng, coi sóc cả Trung thư giám, tước Lai Sơn Bá.
Ông có lần đi sứ Trung Quốc, và từng làm thơ tiễn Đặng Đình Tướng đi sứ.
Năm Nhâm Ngọ (1702), ông mất, hưởng dương 56 tuổi (có sách chép thọ hơn 80 tuổi), được truy tặng thượng thư bộ Lại, tước Lai Quận Công, rồi đổi là Sách Quận Công.
Khoảng năm 1697, ông nhận lệnh của Lê Hy Tông (1676- 1704) và chúa Trịnh Căn soạn nối bộ sử Đại Việt sử kí bản kỉ tục biên, phần ông cùng Nguyễn Quý Đức và nhóm biên soạn chỉ viết tiếp từ đời Lê Huyền Tông đến Lê Gia Tông (1663-1675).
Đại Việt sử kí tục bản kỉ biên (10 quyển) do ông và Nguyễn Quý Đức soạn, vào khoảng niên hiệu Chính Hòa (1680-1705). Sách chép tiếp các sự thực lịch sử khoảng 13 năm, từ niên hiệu Cảnh Trị thứ nhất 1662 đời Lê Huyền Tông đến niên hiệu Đức Nguyên năm thứ hai 1675, cũng gọi tên là Bản kỉ tục biên.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #31 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2009, 09:05:17 am »

Hoàng Thiều Hoa (TK I)
Nữ tướng đời Trưng vương, không rõ năm sinh, năm mất. Bà quê ở huyện Gia Hưng, (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa).
Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, bà nhiệt thành đóng góp công lao, tận tụy phụng sự dân tộc. Chính bà và bà Lê Chân nhận nhiệm vụ huấn luyện đoàn Nương tử quân và thường tổ chức môn thể thao “Đánh phết” còn lưu truyền đến nay.
Kháng chiến thành công, Trưng vương phong bà là Đông cung tướng quân. Khi được phong tặng bà khiêm tốn: “Tôi là người con gái cô đơn có cần chức tước làm chi. Quý hồ làm hết phận sự mình đối với đất nước là đủ vui rồi”.
Tại làng Hiếu Quan, huyện Tam Nông, còn có đền thờ bà, hàng năm ngày 12-13 tháng giêng là ngày hội giỗ long trọng tưởng nhớ bà.


Tống Phúc Hiệp (?-1776)
Hay Tống Phước Hiệp, Tống Phúc Hợp, Tống Phúc Hạp là danh tướng thời chúa Nguyễn.
Ông quê ở huyện Tống Sơn, Thanh Hóa. Ông là cháu Quận công Tống Phúc Trị. Đời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), ông làm Lưu thủ Long Hồ dinh, được tiếng là giỏi việc trị an và biết thương dân.
Đầu năm Bính Thân (1776), Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Lữ mang quân theo đường thuỷ vào đánh Gia Định, Tống Phước Hiệp chống cự được hơn một tháng thì lâm bệnh mất vào tháng 6 Âm lịch.
Thương tiếc, Định vương Nguyễn Phúc Thuần truy tặng ông tước Hữu phủ Quốc Công, cho lập miếu thờ tại dinh Long Hồ, xã Long Châu (nay thuộc thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long). Năm Gia Long thứ 9 (Canh Ngọ 1810), nhà vua cho thờ ông nơi miếu Trung tiết công thần. Ngày 24 tháng 9 năm Minh Mạng thứ ba (1823), lại truy phong làm Trung đẳng thần, cho thờ tại Miếu Hội Đồng.
Em ông là Tống Phước Hòa cũng là một danh tướng của chúa Nguyễn. Năm 1777, trong một trận đánh nhau với quân Tây Sơn ở Ba Vát, gặp lúc tình thế nguy nan, ông đã trở gươm tự sát, được chúa Nguyễn truy tặng Chưởng dinh Quận Công. Hiện ở Sa Đéc, có ngôi đình thờ ông Tống Phước Hòa và đông đảo con cháu ông.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #32 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2009, 09:14:39 am »

Lê Thì Hiến (1610-1675)
Danh tướng, còn gọi là Lê Thời Hiến đời Lê Thần Tông (1619-1643), quê làng Phú Hào, huyện Lôi Dương, (nay là thôn Phú Hào, xã Phú Thọ, huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá).
Năm 1653 ông làm thuộc tướng ở dinh trấn Kì Hoa, bị binh chúa Nguyễn kéo đến đánh úp, thua to, ông bị cách chức. Năm 1655, Phạm Công Trứ tiến cử ông cho Ninh Quận Công Trịnh Toàn, ông được dùng lại. Sau nhiều trận thắng quân chúa Nguyễn, ông được phong làm Đô đốc Đồng tri, tước Hào Quận Công, rồi thăng Hữu Đô đốc.
Năm 1659, ông được phong Thiếu bảo, trấn thủ ở Nghệ An, Sơn Tây, Tuyên Quang.
Năm 1674, ông được thăng Thái phó, ông mất tháng 9 năm Bính Thìn 1676, thọ 65 tuổi. Sau khi mất được tặng Thái tể thụy là Nghiêm Trí.
Các con ông là Lê Thì Liêu, Lê Thì Kinh, Lê Thì Hải cũng là những sĩ phu có danh tiếng đương thời.


Lê Thì Hải (1639-1716)Danh tướng đời Lê Gia Tông, con Hầu Quận Công Lê Thì Hiến, quê làng Phú Hào, huyện Lôi Dương (nay thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá).
Ông cùng với anh là Lê Thì Kinh giúp vua Lê, chúa Trịnh trong việc chống với chúa Nguyễn. Ông làm quan trải các chức Trấn thủ các đạo Cao Bằng, Thái Nguyên, Sơn Tây, được phong chức Thự Phủ sự, tước Thạc Quận Công, Anh ông là Thì Kinh được phong tước Trinh Tường Hầu.
Năm Bính Thìn (1716) ông mất, thọ 77 tuổi.


Lê Thì Liêu (1647-1723)
Danh tuớng còn có tên gọi khác là Lê Thời Liêu đời Lê Huyền Tông  (1662-1671), con Hào Quận Công Lê Thì Hiến, em Trinh Tường Hầu Lê Thì Kinh, và Thạc Quận Công Lê Thì Hải. Quê làng Phú Hào, huyện Lôi Dương (nay thuộc huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá).
Ông cùng với hai anh giúp vua Lê, chúa Trịnh trong việc đánh dẹp các cuộc phản loạn và chống nhau với chúa Nguyễn. Nhiều lần làm trấn thủ Sơn Tây, Nghệ An và thăng Đô đốc. Gần 20 năm làm quan được quân dân mến phục.
Năm Quý Mão 1723, ông mất, thọ 76 tuổi, được truy tặng Thái tể và truy phong phúc thần.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #33 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2009, 09:18:02 am »

Doãn Tử Tư (?-?)
Ông quê làng Cổ Định xã Tân Ninh huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, là một nhà ngoại giao lớn của Việt Nam trong buổi đầu xây dựng nền độc lập tự chủ. Ông làm quan nhà Lý, dưới triều vua Lý Anh Tông, tới chức Trung vệ đại phu. Năm Giáp Thân (1164), ông được nhà vua cử làm đại sứ dẫn đầu một đoàn sứ bộ gồm có ông cùng Thừa nghị lang Lý Bang Chính (làm chánh sứ) và Trung dực lang Nguyễn Văn Hiến (phó sứ), sang thành Hàng Châu (kinh đô của Nam Tống) để triều cống đồng thời đòi vua nhà Tống công nhận vua nhà Lý là An Nam Quốc Vương, và đã thành công. Đây là lần đầu tiên hoàng đế Trung Hoa công nhận Việt Nam với tên là "An Nam quốc", thay vì trước đây chỉ xem Việt Nam là "Giao Chỉ quận", mặc dù Việt Nam (lúc đó có tên là Đại Việt) đã độc lập với Trung Quốc hơn hai, ba trăm năm trước đó. Tới năm 1173, ông lại được cử đi sứ sang Tống một lần nữa đem voi mừng vua Tống mới lên ngôi.


Trần Văn Bảo (1524 - 1610)
Ông đỗ Trạng nguyên khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Lịch thứ 3 (1550), đời Mạc Tuyên Tông. Ông sinh giờ Dần ngày 7 tháng Giêng năm Giáp Thân (1524) tại làng Cổ Chử, huyện Giao Thủy, (nay thuộc xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định).
Quê hương ông gốc làng Đại Bối, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, trước thuộc dòng dõi họ Lê. Thân sinh ông là Lê Minh Triết, húy Văn Linh, tự Minh Đạt, làm quan triều nhà Lê tước Hán Quận Công, lấy bà Trần Thị Từ Huệ người làng Cổ Chử, sinh ra Lê Minh Bảo, sau đổi ra Trần Văn Bảo.
Ông đỗ Trạng nguyên khoa Canh Tuất (1550) niên hiệu Cảnh Lịch thứ 3, đời Mạc Phúc Nguyên, thi đỗ khi 27 tuổi. Ông giữ các chức như: Lại Bộ Thượng Thư, Nhập Thị Kinh Diên; đi sứ Trung Quốc đời Minh Thế Tông. Ông được phong tước Nghĩa Sơn Bá, Hồng Xuyên Hầu. Ông làm quan Thượng thư, đi sứ phương Bắc, được phong tước Nghĩa Quận Công. Sau ba lần dâng sớ xin vua Mạc cải cách chính sự, nhà vua chấp thuận nhưng không thi hành, ông xin từ quan về trí sĩ, năm đó ông 63 tuổi.
Khi nhà Lê trung hưng, vời ông ra làm quan nhưng ông từ chối, giữ lòng trung với nhà Mạc, theo truyền thống của kẻ sĩ không thờ hai triều.
Ngày 1 tháng 2 năm Bính Tuất (1586), ông từ biệt gia đình, di cư về làng Phù Tải, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam (nay là thôn Giải Đông, xã An Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) để ở ẩn dật. Ông mất ngày 5 tháng 12 năm Canh Tuất (1610) niên hiệu Hoằng Định nhà Lê, thọ 86 tuổi. Mộ táng ở làng Phù Tải, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông được sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Tôn Thần, gia tặng Đoan Túc Tướng Công Tôn Thần. Tại Phù Tải có đền thờ Trạng nguyên rất khang trang, có đủ đồ thờ tự, như: kiệu, bát biểu, võng lọng, v.v.
Sử sách ghi chép rất nhiều về Trạng nguyên Trần Văn Bảo. Riêng sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, mục "Nhân Vật Chí", sử gia Phan Huy Chú đã xếp Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trạng nguyên Trần Văn Bảo vào bậc “Đức Nghiệp chi Nho”.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #34 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2009, 09:46:21 am »

Lê Văn Diệm (1925-1999)
Giáo sư Lê Văn Diệm, quê ở tỉnh Thanh Hóa, con cử nhân Lê Tấn cựu án sát Quảng Ngãi và bà Trương Thị Kính, anh ruột Thiếu tướng kĩ sư Lê Văn Chiểu cục phó cục Quân giới Bộ Quốc Phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Thuở nhỏ ông học ở trường Quốc học Huế, tốt nghiệp Tú tài triết học. Năm 1953 du học Hoa Kỳ, đến năm 1960 đậu Tiến sĩ (Ph.D) Văn chương Anh Mỹ (ông là một trong vài người Việt Nam đỗ Ph.D đầu tiên tại Mỹ).
Năm 1961, về nước giảng dạy và giữ chức khoa trưởng Đại học Văn khoa Huế. Đến năm 1966 ông là một trong những người góp công xây dựng và điều hành viện Đại học Cần Thơ, giữ chức khoa trưởng Đại học Văn khoa và Sư phạm trường Cần Thơ từ lúc mới thành lập. Tại đây ông là người cho áp dụng chương trình Đại học theo học chế Tín chỉ (Credit) đầu tiên tại Việt Nam từ năm 1970.
Năm 1972 ông chuyển về làm giáo sư tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, giữ chức Trưởng ban Anh văn cho đến năm 1975. Sau năm 1975 ông vẫn giảng dạy môn Anh ngữ tại trường Đại học Tổng hợp TP.HCM cho đến ngày nghỉ hưu (1990).
Năm 1992 ông được trường Đại học Massachuchett và Bộ Giáo dục Việt Nam mời sang Hòa Kì làm việc để soạn bộ giáo trình sau Đại học (Anh ngữ) cho Việt Nam.
Ngày 25-3-1999 ông mất tại bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 74 tuổi.
Phần lớn tác phẩm ông đều viết bằng Anh ngữ và một số chuyên đề đăng trên Tạp chí Đại học Huế (1957-1965) và các sách:
- British Poetry and Fiction introduction Reading I, II, 1997 (Phương pháp hướng dẫn tìm hiểu thơ ca và văn học giả tưởng Anh).
- American Fiction and poetry annotated selection I, II (Cách dẫn giải thơ ca và văn học giả tưởng Mỹ).
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #35 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2009, 09:49:35 am »

Lê Thiếu Dĩnh (TK XV)
Danh sĩ đời Lê Thái Tổ (1428 -1433), tự là Tử Kỳ, hiệu là Tiết Trai. Tổ tiên ông người Thuần Lộc, trấn Thanh Hoa (nay thuộc huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá), sau dời về làng Mộ Trạch, huyện Đường An, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương).
Khi quân Minh sang xâm chiếm nước ta, cha của ông là Lê Cảnh Tuân và anh trai là Lê Thái Điệp bị bắt về Trung Quốc. Ông cùng với em là Lê Thúc Hiển vào Lam Sơn theo Lê Lợi khởi nghĩa chống giặc. Kháng chiến thành công ông được bổ làm Thẩm hình viện sự, sau đó được thăng Hàn Lâm thị chế. Năm sau đi sứ nhà Minh Trung Quốc, ông bị vua Minh giữ lại một thời gian mới cho về. Nhân dịp ấy, ông đi tìm nơi cha ông cư ngụ, nhưng không được.
Vua Lê rất trọng vọng ông, nhân việc can gián vua Lê, ông bị giáng chức làm Viên ngoại lang bộ Lễ. Ít lâu sau, ông cáo quan về hưu ở quê nhà.
Ông là tác giả của bài Tiết Trai thi tập được đời truyền tụng và một số bài in trong Hoàng Việt thi tuyển Toàn Việt thi lục. Phan Huy Chú có trích mấy bài thơ của ông vào sách mình như bài Đăng Lễ Để sơn, Sơn tự... và khen rằng thơ “Lê Thiếu Đĩnh giản dị, cổ kinh, dễ ưa... lời và ý sâu xa, nói lên được ý thú ở ngoài lời thơ”.


Tô Vĩnh Diện (1924-1953)
Là một Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Việt Nam.
Anh  quê ở xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá; nhập ngũ năm 1949, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi hy sinh anh là khẩu đội trưởng pháo phòng không, đại đội 827, tiểu đoàn 394, trung đoàn 367. Để phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 3 năm 1953, Tô Vĩnh Diện và đồng đội kéo pháo ra đến đoạn Dốc Chuối. Lúc đó, anh và pháo thủ Ty xung phong cầm càng lái pháo. Khi dây tời chính bị đứt, pháo lao nhanh và khó điều khiển, pháo thủ Ty bị càng pháo đánh bật ra, Tô Vĩnh Diện vẫn bám lấy càng, điều khiển hướng lao của pháo, bất chấp nguy hiểm lấy thân mình đẩy càng pháo vào vách núi cho pháo dừng lại, Tô Vĩnh Diện hy sinh. Anh được trao tặng Huân chương quân công hạng nhì, Huân chương chiến công hạng nhất và được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1956
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #36 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2009, 01:49:40 am »

Trần Xuân Soạn (1849-1923)
Người tổ chức phong trào Cần vương kháng Pháp ở Thanh Hoá. Ông quê ở làng Thọ Hạc (nay là phường Đông Thọ, Tp. Thanh Hoá).
Ông sinh trong gia đình nông dân nghèo, tòng quân thay cho con một phú hào trong làng để lấy tiền nuôi gia đình. Trong thời gian đi lính, ông lập được nhiều chiến công, được thăng Đề đốc.
Sau khi Hàm Nghi lên ngôi (1885), được điều về Huế để cùng phái kháng chiến lo giữ kinh thành. Tham gia tổ chức cuộc nổi dậy ở kinh đô Huế đêm 4 rạng 5/7/1885 và đưa vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị. Cùng Phạm Bành, Đinh Công Tráng xây dựng cứ điểm Ba Đình (Thanh Hoá), trực tiếp chỉ huy cánh quân ở Quảng Hoá (thuộc huyện Vĩnh Lộc) để hỗ trợ các căn cứ Ba Đình và Mã Cao (Yên Định, Thanh Hoá). Cuối năm 1886, Ba Đình, Mã Cao thất thủ, ông rút quân lên Điềm Lư, châu Quan Hoá (nay là huyện Bá Thước) xây dựng lại lực lượng. Ít lâu sau, ông sang Trung Quốc gặp Tôn Thất Thuyết để bàn chuyện xin viện trợ, rồi bị mắc kẹt luôn ở đó.
Năm Qúi Hợi (1923) ông mất tại Long Châu (Trung Quốc), thọ 74 tuổi.
Khi ông kháng chiến ở Thanh Hóa, quân địch đào mồ lấy cốt thân phụ ông xếp vào ở giữa đường để thiêu hủy, cốt lung lạc để ông về đầu thú, nhưng ông vẫn bất khuất. Em ông là Trần Xuân Huấn cũng hi sinh trong cuộc kháng chiến, con trai thứ hai của ông là Trần Xuân Kháng cũng hi sinh vì nước.


Hoàng Tạo (?-1867)
Văn thần đời Nguyễn, quê ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.
Năm Nhâm Dần (1842), ông đỗ cử nhân, từng làm Tri huyện, Tri phủ, có tiếng thanh liêm, chính trực.
Đời Tự Đức (1829–1883), ông làm đến Giám sát ngự sử, ít lâu sau, sung chức Bang biện quân vụ Thái Nguyên.
Năm Giáp Tý (1867), ông làm Án sát sứ Cao Bằng, tỉnh thành có loạn, lại bị bọn Nguyễn Tứ, Trương Thập Nhị phản bội làm nội tuyến, ông bị bắt, bèn rút dao đâm cổ tự tử, chúng giựt dao giữ ông lại. tuyệt thực đến chết. Ông được thờ trong đền Trung nghĩa.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #37 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2009, 01:52:38 am »

Tống Duy Tân (1837-1892)
Nhà yêu nước cận đại, quê xã Đông Biện, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.
Năm Canh Ngọ 1870 đỗ cử nhân, năm 1875 đỗ tiến sĩ. Bước đầu làm tri phủ Vĩnh Tường, rồi Đô đốc học Thanh Hóa. Về sau làm Thương biện Tỉnh vụ, đổi sang Chánh sứ Sơn phòng tỉnh Thanh Hóa.
Từ năm 1885, ông hưởng ứng phong trào Cần Vương tham gia khởi nghĩa chống Pháp, trở thành thủ lĩnh kháng chiến tỉnh Thanh Hóa.
Năm Nhâm Thìn 1892, tháng 9 Âm lịch, ông rút quân về hang Nhâm Kỉ (nay thuộc xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) được một thời gian thì bị học trò cũng là cháu ruột ông là Cao Ngọc Lễ báo cho Pháp vây bắt ông. Chúng kết án tử hình và giết ông ngày 5-10 Âm lịch năm 1892, hưởng dương 55 tuổi.
Trước ngày mất, ông có đôi câu đối:
Nhị kim thuỷ liễu tiên sinh trái
Tự cổ do truyền bất tử danh

Nghĩa:
Món nọ tiên sinh nay mới trả
Cái danh bất tử trước còn truyền
”.


Lê Thận (?-1448)
Danh tướng  cuộc  khởi  nghĩa  Lam Sơn, quê huyện Thụy Nguyên, Thanh Hóa.
Ông xuất thân làm nghề chài lưới, nhưng giỏi võ nghệ. Một hôm đánh lưới ở sông Lam, bắt được một thanh kiếm xưa. Chợt có Lê Lợi đến xem, trò chuyện giờ lâu, ông cảm phục tặng thanh kiếm ấy cho Lê Lợi, và sau đó theo Lê Lợi dấy quân khởi nghĩa, đánh đuổi quân cướp nước. Ông trải qua hàng trăm trận quyết chiến và có nhiều chiến công.
Sau khi đuổi được giặc Minh, ông được Lê Thái Tổ phong làm Bắc Đạo chư vệ quân sự, rồi thăng Tư không Bình chương sự. Ít lâu, lại lãnh nhiệm vụ Đô đốc đi đánh Chiêm Thành.
Sau khi mất, ông được tặng tước Huyện Thượng Hầu.
Đến đời Lê Thánh Tông (1460–1497), khoảng năm Đinh Tỵ 1497, truy tặng ông là Thái phó, tước Hoằng Quận công.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #38 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2009, 01:57:57 am »

Thôi Hữu (Nguyễn Đắc Giới) (1919-1950)
Nhà thơ, bút danh là Thôi Hữu. Ông cũng có tên riêng là Trần Văn Tấn với bút hiệu Tân Sắc, quê huyện Hoằng Hoá, Thanh Hóa.
Ông học tại trường Kỹ nghệ thực hành Huế. Từ năm 1939, ông bắt đầu sáng tác văn chương, có thơ đăng ở báo Bạn Đường (Thanh Hóa). Giác ngộ cách mạng ông bỏ học từ năm 1940 làm nghề thợ điện, tích cực hoạt động trong đoàn Thanh niên Dân chủ. Năm 1943 tham gia các tổ chức bí mật hoạt động ở Hà Nội, năm sau ông bị bắt, rồi vượt ngục, tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc.
Sau Cách mạng tháng Tám ông cộng tác các báo Sự Thật, Thủ Đô của Liên khu I, Vệ Quốc quân của Quân đội Nhân dân.
Ngày 16-12-1950 ông hi sinh trên đường đi công tác trong vụ oanh tạc của máy bay Pháp, hưởng dương 31 tuổi.
Thơ văn ông được hoan nghinh qua các bài:
.  Lên Cấm Sơn,
•  Xe trâu,
•  Lời cô lái đò,
•  Đi tuần,
•  Sau lũy tre xanh
.
Và các phóng sự:
•Đi vào sau địch,
•   Tù binh đường số 4...



Hoàng Đình Thể (?-1786)
Hoàng Đình Thể tức Thể Quận công là phó tướng trấn giữ thành Phú Xuân dưới thời Thịnh Vương Trịnh Sâm. Năm 1786, Nguyễn Huệ tiến đánh Phú Xuân được thuộc tướng là Nguyễn Hữu Chỉnh dùng kế ly gián khiến cho chủ tướng trấn giữ thành là Phạm Ngô Cầu -vốn là một kẻ nhút nhát, đa nghi- làm phản. Trước hết Phạm Ngô Cầu bàn với ông bàn bạc cách chống giữ thành: Phạm Ngô Cầu ở lại giữ thành còn Hoàng Đình Thể cùng hai con trai ra ngoài thành cự địch. Ông đánh nhau với quân Tây Sơn từ sáng đến trưa thì tên, đạn hết sạch liền cho người vào xin thêm nhưng Phạm Ngô Cầu không cấp cho, cũng không cho vào thành. Ông nổi giận định phá cổng thành giết Phạm Ngô Cầu nhưng Phạm Ngô Cầu đã kéo cờ trắng đầu hàng khiến cho quân Lê - Trịnh tan vỡ, hai con trai Hoàng Đình Thể đều bị giết, ông chạy trốn thì bị quân Tây Sơn đuổi theo bắn chết trên bành voi.

Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #39 vào lúc: 10 Tháng Mười Hai, 2009, 02:01:30 am »

Hồ Hán Thương (?-1407)
Ông là con thứ của Hồ Quý Ly, em Hồ Nguyên Trừng, không rõ năm sinh năm mất.
Năm Canh Thìn (1400), Hồ Quí Ly lật đổ Trần Thiếu Đế, tự lập làm vua. Ông được lập làm Thái tử (1400). Cuối năm ấy (1400), Quí Ly nhường ngôi cho Hán Thương để làm Thái thượng hoàng.
Vừa lên ngôi ông sai sứ sang cống nhà Minh và xin phong. Dù thế, ông vẫn ngầm chống đối nhà Minh; mặt khác lo sửa sang việc nội trị nhằm đương đầu với các phe nhóm không phục tùng.
Năm Đinh Hợi (1407), ông và cha, anh của ông đều sa vào tay giặc Minh ở cửa biển Kì La. Giặc Minh giải cha con ông về Kim Lăng. Con ông là Hồ Nhuế cùng chung số phận. Sau đó, ông và cha bị giặc giết, chỉ còn anh và con ông được chúng thu dụng.
Ông ở ngôi được 6 năm, đổi niên hiệu hai lần: Thiệu Thánh (1401-1402); Khai Đại (1403-1407).


Nguyễn Đôn Tiết  (1836-1886)
Ông quê ở làng Thọ Vực xã Hoằng Ðức (Hoằng Hoá).
Năm Kỷ Mão (1879), ông đỗ Phó bảng, làm Tri phủ một thời gian. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần vương, ông đă mộ quân phối hợp với nghĩa quân Hoàng Bật Ðạt tấn công đồn Pháp ở Bút Sơn. Con trai ông là Nguyễn Hiệu Tri cũng chỉ huy một cánh quân tiếp ứng chiến đấu ở Ba Đình, và hi sinh trong ngày 20-1-1887.
Ông bị bắt trong tháng 3-1886. Khi nghe tin chiến hữu của ông là Phạm Bành tử tiết, ông có đôi câu đối khóc bạn:
Quân tử nhất sinh tâm khả bạch,
Tướng quân tuy tử diện do hồng.
Nghĩa:
Quân tử trọn đời lòng trong trắng,
Tướng quân dù chết mặt còn hồng.
Ông bị chúng đày đi Lao Bảo và chết ở đấy. Một người con trai nữa của ông là Nguyễn Đôn Dự đỗ giải nguyên, tham gia phong trào Đông du, chuẩn bị ra nước ngoài thì bị bắt đày đi Côn Đảo.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM