Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:36:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hóa  (Đọc 89911 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #20 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2009, 05:35:35 pm »

                     
                        LƯƠNG ĐẮC BẰNG (1472 - ?)

          Ông quê ở làng Hội Triều, huyện Hoằng Hoá, đỗ Bảng nhãn khoa Kỷ Mùi (1499) đời Lê Hiến Tông, làm quan đến Tả thị lang bộ Lại dưới triều Lê Tương Dực. Năm 1510, ông dâng ''kế sách trị bình'' 14 điều lên vua yêu cầu sửa sang chính trị. Nhà vua khen ngợi nhưng không thi hành. Sau thăng lên Thượng thư bộ Lại kiêm Đông các đại học sĩ, tước Đôn Trung Bá. Ông xin nghỉ việc lui về ở ẩn. Ông là thân sinh của Lương Hữu Khánh và Lương Khiêm Hanh, tất cả đều nổi tiếng thần đồng từ bé.
          Có tài liệu nói Lương Đắc Bằng tinh thông thuật số, truyến lại cho học trò là Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhưng hiện nay, ngoài bản ''kế sách trị bình'', ông không để lại tác phẩm nào khác.

Chép về thầy dạy của Trang Trình như vậy là quá sơ sài và thiếu tương xứng với các nhân vật khác. Trên cơ sở bài đăng ở http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C6%B0%C6%A1ng_%C4%90%E1%BA%AFc_B%E1%BA%B1ng  và đọc các tư liệu khác tôi xin bổ sung như sau:
Lương Đắc Bằng 梁得朋 (1472 - 1522), danh thần đời Lê sơ, người làng Hội Triều (Hoằng Hoá, Thanh Hoá).  

Năm Kỷ Mùi 1499, ngày 10/7, mới 28 tuổi, trong khi ứng chế với đề 五王帐”Ngũ Vương trướng”  được ưu hạng, được thưởng bậc nhất đỗ Bảng nhãn (榜眼, tức là Trạng nguyên 狀元 dưới triều Lê) đời Cảnh Thống 景統 Lê Hiến Tông. Từng cùng các đại nho: Đông các học sĩ Nguyễn Nhân Thiếp, Lê Ngạn Tuấn, Lê Mậu Thưởng, Nguyễn Xung Xác, Hàn lâm viện thị thư Nguyễn Tôn Miệt, Đông các hiệu thư Đặng Tòng Củ, Đặng Minh Khiêm, Lương Đắc Bằng, Hàn lâm viện hiệu lý Nguyễn Viên, Vũ Châu, Hiệu thảo Nguyễn Mẫn hoạ lại bài thơ ngự chế: 觀架亭中秋玩月 Quan Giá đình trung thu ngoạn nguyệt  15 vần của Vua.

Sau đó được bổ làm Tả thị lang Bộ Lễ 禮部左侍郎 (như Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin-Giáo dục nay), sau làm Tả thị lang Bộ Lại 吏部左侍郎 (như Thứ trưởng Bộ Nội vụ nay). Tháng 11 Kỷ Tỵ 1509, được Giản Tu Công Dinh (trá xưng là Cẩm Giang Vương) sai viết hịch dụ đại thần và các quan tố cáo Đoan Khánh Uy Mục đế và kêu gọi mọi người khởi binh đánh đổ Uy Mục (1505-1509), lập Tương Dực làm vua (1509-1516).

Thời Tương Dực, làm Thượng thư Bộ Lại 吏部尚書 (như Bộ trưởng Nội vụ nay), tước Đôn trung bá. Những năm làm quan thấy tình hình đất nước trong cảnh rối ren, giặc bên ngoài chưa yên, quyền thần đánh lẫn nhau, chém giết nhau dưới cửa khuyết, chốn Kinh sư đẫm máu, cái điềm vận nước ngày một suy đã xuất hiện, tháng 10 năm Canh Ngọ (1510) Lương Đắc Bằng đã dâng bài sách “Trị Bình” 14 mục lên vua 洪 順 Lê Tương Dực .

Mở đầu Trị bình thập tứ sách 治平十四冊, Lương Đắc Bằng chỉ rõ “Thánh quân ngày xưa không cho thiên hạ thịnh trị mà quên lòng răn ngừa; hiền thần ngày xưa không thấy vui thành công mà quên lòng can gián. Vì thế thời Ngu Thuấn đã thịnh trị mà Bá Ích vẫn can vua: “Chớ ham nhàn rỗi, chớ đắm vui chơi, không trễ không lười, để công việc quốc gia bê trễ”. Đế Thuấn nghe lời mà ngăn ngừa những việc đáng răn, do đó đã trở thành bậc thánh lớn. Đời Văn Hán Đế (179-163 tCn) dân đã giàu có đông đúc rồi mà Giả Nghị vẫn dâng kế sách nói rằng đất nước đang ở trong tình trạng “để lửa gần củi” Văn Đế nghe lời can này mà lo nghĩ việc đáng lo, do đó nên bậc vua hiền”. Lương Đắc Bằng chỉ rõ tình hình đất nước từ khi vua lên ngôi: “Khí hòa thuận chưa điều tiết, việc binh đao chưa dẹp yên, triều cương chưa cất nhấc, quân chính chưa sửa sang, tai dị thường xuất hiện, đạo trời chưa được thuận, đạo đất chưa được yên, kẻ gian phi lén phát, bọn nghịch tặc manh lòng, lòng người chưa yên ổn...”. Từ tình hình thực tế của đất nước, của bản triều, Lương Đắc Bằng đã dâng lên vua 14 kế sách như sau:

“1. Hết lòng răn sợ để dập tắt biến cố tai dị.
2. Dốc lòng làm điều hiếu thảo để khuyến khích lòng trung hậu.
3. Xa bỏ con hát, sắc đẹp để giữ vững căn bản lòng người.
4. Trừ bỏ gian nịnh để nguồn gốc phong hóa được trong sạch.
5. Dè sẻn trong việc ban đặt quan chức để cẩn thận việc khuyên răn.
6. Công bằng trong việc bổ dụng để trong sạch đường làm quan.
7. Tiết độ trong việc dùng tiền tài để khuyến khích thói kiệm phác.
8. Khen thưởng người tiết nghĩa để trọng đạo cương thường.
9. Cấm ăn của đút để trừ bỏ thói tham ô.
10. Sửa võ bị để nước mạnh thế chống giữ.
11. Lựa chọn người can ngăn ở Ngự sử đài để cổ vũ chí khí người mạnh dạn dám nói lời ngay thẳng.
12. Giảm nhẹ việc lực dịch để nuôi dưỡng sức dân.
13. Ban hành pháp luật đúng đắn để thống nhất tâm chí bốn phương.
14. Cẩn thận pháp độ để mở đời thịnh trị thái bình”.

Với tất cả tài trí, tâm huyết của mình, Lương Đắc Bằng đã khái quát được tất cả các việc cần làm để ổn định triều chính, ổn định xã tắc, quan tâm đến dân tình. Tuy kế sách trên không thể thực hiện đầy đủ do hạn chế của thời cuộc, song lịch sử vẫn ghi nhận Lương Đắc Bằng là một nhà cải cách xuất sắc gần hồi thế kỷ XVI. Những đề xuất của Lương Đắc Bằng mà ngày nay suy ngẫm ta vẫn thấy nhiều điều còn mang tính thời sự nóng hổi.

Vua xem khen nhưng không dùng. Nhận thấy dù đem hết tâm sức ra giúp nước cũng không thể vãn hồi được tình thế. Chính cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim đã viết như sau : “Giữa thời biến loạn, giặc giã nổi lên, vua thì xa xỉ vô độ. Triều đình tuy có các ông Lê Trung, Lương Đắc Bằng v.v... nhưng người thì già chết, người thì xin thôi quan về...”. Do vậy Cụ Lương Đắc Bằng cáo quan về nhà, mở trường dạy học và nghiên cứu lý số. Nguyên khi làm quan, Cụ thường được vua cử đi sứ Trung Hoa và làm tròn sứ mệnh ngoại giao và trong một dịp đi sứ, cụ có mang về bộ Thái Ất Thần Kinh để tham khảo. Cụ rất thanh liêm và trọng đạo đức, dù làm quan mà gia cảnh rất nghèo, con phải đi gặt thuê để sống. Vừa dạy học, Cụ vừa tiếp tục nghiên cứu cuốn sách trên cho nên tinh nghề lý số, việc gì cũng tính biết được trước. Nghe tiếng và mến mộ Cụ nên Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, nay là xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng) tìm vào Thanh Hóa theo học. Nhận thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm tính tình khoáng đạt và thích lý số, nên Cụ truyền dạy và trao cho toàn bộ Thái Ất Thần Kinh. Sau này cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng nguyên 狀元, làm quan đến chức Lại bộ Thượng Thư 吏部尚書, tước Trình Quốc Công, người đời thường gọi là Trạng Trình, cụ có truyền lại cuốn “sấm Trạng Trình” 狀程讖 tiên đoán việc đời sau. Khi mất, Lương Ðắc Bằng dặn lại Nguyễn Bỉnh Khiêm về sau phải trông nom con mình là Lương Hữu Khánh. Cụ Trạng đã làm theo lời dặn của thầy. Đại Việt sử ký viết cụ mất năm Bính Tuất, 1526 đời Lê Cung Hoàng vào dịp Trần Cao đã kéo quân uy hiếp kinh thành.

 Lương Đắc Bằng được một số chi họ suy tôn là Thượng Thủy Tổ dòng họ Lương. Làng Hội Triều có 14 dòng họ  cộng cư chung sống. Làng chia làm 7 xóm: xóm Nghè, xóm Trường, xóm Trung Lương, xóm Quán, xóm Đá, xóm Đình và xóm Sau và họ Lương là dòng họ đến làng Hội Triều đầu tiên. Tiếp theo là họ Trương, họ Lường, họ Hoàng Đình. Đồng thời họ Lương là họ có nhiều vị đỗ đạt nhất và cũng là họ danh giá nhất làng. Họ Lương Hội Triều nổi tiếng với Lương Đắc Bằng, Lương Hữu Khánh, Lương Khiêm Hanh, Lương Đạt đều là Tiến sĩ. Ngày xưa các cụ cho đất Hội Triều là: “Song long đáo hải; Lưỡng phượng trình tường”.

Về mối quan hệ giữa Lương Đắc Bằng và Trạng Lương Lương Thế Vinh xin tham khảo tại http://holuongduclaocai.blogspot.com/2009/10/tuong-niem-uc-vien-to-luong-vinh.html



Logged

copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #21 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2009, 06:59:05 pm »

Nguyễn Chích (1382-1448)
Danh tướng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ông quê ở thôn Mạc  Xá, Vạn Lộc (nay thuộc xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn).
Ông mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ. Ông là người ít nói, ít cười, hiền lành, trung thực, có chí lớn.
Năm 1407, giặc Minh xâm lược, ông đã dựng cờ khởi nghĩa ở quê nhà. Phạm vi hoạt động của ông ở vùng Đông Sơn, Thiệu Hoá, Yên Định, Nông Cống ngày nay. Sau, ông chuyển căn cứ lên vùng núi Hoàng Nghiêu nằm giáp giữa ba huyện Đông Sơn, Nông Cống và Triệu Sơn, ông dựa vào thế núi sông hiểm trở xây thêm thành luỹ, làm bãi tập quân, mở rộng lực lượng, phạm vi hoạt động ra khắp vùng phía Nam Thanh Hoá và bắc Nghệ An.
Năm 1418, Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hoá), nghe thanh thế của ông, Lê Lợi đã sai người mang thư đến mời ông về cùng tham gia quân Lam Sơn. Ông đồng ý theo Lê Lợi, nhưng thời gian đầu ông vẫn ở căn cứ Hoàng Nghiêu. Từ Hoàng Nghiêu, ông mang quân ra đánh Lương Nhữ Hốt ở đồn Cổ Vô, được Lê Lợi phong chức Vinh lộc đại phu Lân hổ vệ tướng quân. Sau đó, Lê Lợi lại phong ông làm Đô đốc đạo phủ quản tổng đô đốc quân dân, tước Quan nội hầu.
Cuối năm 1420, ông mang toàn bộ lực lượng gia nhập với Lê Lợi – lúc đó đóng ở Mường Nanh, được Lê Lợi phong làm Thiết đột hữu vệ Đồng tổng đốc chủ quân sự.
Từ năm 1421 đến 1423, ông tham gia nhiều trận đánh như trận Ba Lẫm (12/1421) và trận Sách Khôi (2/1422) đánh bại 10 vạn quân Minh của Trần Trí. Ông được Lê Lợi thăng lên chức thiếu uý.
Năm 1424, do từ khi khởi nghĩa cho đến giờ địa bàn hoạt động chỉ bó hẹp trong miền thượng du Thanh Hoá nên Lê Lợi đã mở một cuộc họp bàn tính kế hoạch để mở rộng địa bàn hoạt động, ông đã đề nghị tiến xuống Nghệ An: “Nghệ An - là nơi hiểm yếu, đất rộng người đông. Tôi đã từng qua lại Nghệ An nên rất thông thuộc đường đất. Nay hãy đánh trước lấy Trà Lân, chiếm cho được Nghệ An để làm chỗ đứng chân, rồi dựa vào nhân lực tài lực đất ấy mà quay ra đánh Đông Quan thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ.”.
Kế hoạch sáng suốt đó của ông được Lê Lợi và bộ tham mưu chấp nhận.
Đầu năm 1427, ông cùng tướng Bùi Quốc Hưng mang quân bao vây, hạ thành Tiêu Diêu (Gia Lâm, Hà Nội), Thị Cầu (Bắc Ninh), quân Minh trong hai thành này phải mở cửa ra hàng.
Cuối năm 1427, ông cùng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Lê Khuyển đánh tan đạo quân viện binh do Mộc Thạnh chỉ huy ở ải Lê Hoa (Hà Giang).
Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi, lập ra nhà Hậu Lê. Năm 1429, ông được phong Bảo chính công thần, tước Đình thượng hầu, ban quốc tính. Từ đó ông được gọi là Lê Chích.
Thời gian đầu, ông được tham gia triều chính nhưng sau đó bị Lê Lợi cách chức. Các nhà nghiên cứu cho rằng, sử không chép rõ về tội lỗi của ông, việc ông bị cách chức do sự nghi ngại công thần của Lê Lợi.
Năm 1433, Lê Thái Tổ mất, Lê Thái Tông lên ngôi, ông được phục chức làm Đồng tổng quản châu Hoá, trấn thủ Thát Ải.
Quân Chiêm Thành hai lần cướp phá, ông đều chặn đánh tan, giữ yên biên giới phía nam. Sau đó, Lê Chích còn lập công trong 2 lần đi đánh Chiêm Thành, được phong tước Đình hầu.
Tháng Chạp năm 1448, ông mất, thọ 67 tuổi, được truy tặng làm Nhập nội tư không bình chương sự, Hiến quốc công, thuỵ hiệu là Trinh Vũ.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #22 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2009, 07:00:05 pm »

Nguyễn Hữu Dật (1604-1681)
Danh tướng thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Ông là người có công phó tá nhiều đời chúa Nguyễn, đánh lui nhiều cuộc nam tiến của chúa Trịnh, giữ vững lãnh thổ Đàng Trong, được phong chức Chiêu Vũ hầu.
Từ nhỏ, ông đã tỏ ra là người thông minh lanh lợi. Năm 16 tuổi ông đã sớm bộc lộ tài năng cả văn lẫn võ, thi đỗ khoa thi Hoa văn do chúa Nguyễn Phúc Nguyên tổ chức, rồi được bổ vào chức Tham cơ vụ. Ông tỏ ra là người nhiều cơ mưu, đã dâng nhiều mẹo hay cho chúa Nguyễn đánh lui các đợt tấn công của quân Trịnh.
Năm 1627, chúa Trịnh Tráng mang quân nam tiến lần thứ nhất. Nguyễn Hữu Dật được làm chức Giám chiến, cùng tướng Phúc Vệ mang quân ra đóng ở nam sông Gianh. Khi hai bên đang giằng co, ông sai người phao tin phía bắc Trịnh Gia, Trịnh Nhạc sắp dấy loạn. Trịnh Tráng nghi ngờ trong họ sinh biến nên hạ lệnh rút quân về.
Năm 1631, ông theo Đào Duy Từ đắp luỹ Nhật Lệ (tục gọi là luỹ Thày). Năm 1635, Đào Duy Từ mất, ông tiếp tục trùng tu Luỹ Thày và luỹ Trường Dục. Sau đó, tiếp tục xây dựng thêm luỹ Động Cát (tức luỹ Trường Sa) để củng cố tuyến phòng thủ.
Năm 1648, ông lĩnh quân bộ, đánh thắng quân Trịnh một trận lớn, được chúa Nguyễn thăng chức Cai cơ, làm Ký lục dinh Bố Chính.
Năm 1650, ông định dùng kế trá hàng chúa Trịnh, viết thư hẹn về hàng Bắc hà. Tôn Thất Tráng liền tâu chúa Nguyễn rằng ông muốn theo chúa Trịnh. Nguyễn Phúc Tần liền bắt giam ông. Trong ngục, ông viết tập thơ ‘‘Hoa Văn cáo thị’’, tỏ nỗi oan khuất. Chúa Nguyễn lại tha ông ra, sai làm tướng.
Năm 1661, ông được thăng làm Chưởng cơ, trấn thủ dinh Bố Chính. Cuối năm đó, chúa Trịnh lại mang quân vào đánh. Ông dùng kế “vườn không nhà trống”, sai dồn hết dân vào trong luỹ nên ít bị tổn hại.
Năm 1662, ông cùng Nguyễn Hữu Tiến lại đắp thêm luỹ Trấn Ninh và Sa Phụ, làm thế ỷ dốc cứu ứng lẫn nhau cả đường thuỷ và đường bộ. Năm 1664, Hữu Tiến bị bệnh, ông được cử làm chưởng dinh kiêm Tiết chế đạo Lưu Đồn.
Năm 1672, chúa Trịnh Tạc tấn công luỹ Trấn Ninh hàng tháng không hạ được, đành rút quân về bắc. Từ đó hai bên đình chiến, lấy sông Gianh làm ranh giới.
Năm 1681, Nguyễn Hữu Dật mất tại đạo Lưu Đồn, thọ 78 tuổi. Chúa Nguyễn thương tiếc truy tặng ông là Chiêu quận công, thuỵ là Cần Tiết. Nhân dân quanh vùng cảm đức độ của ông gọi ông là Phật Bồ Tát, lập đền thờ ở Xóm Bến, Vạn Xuân (huyện Phong Lộc), gọi là đền Tĩnh Quốc công.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #23 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2009, 07:02:38 pm »

Lê Phụng Hiểu (TK XI)
Danh tướng thời Lý. Ông quê ở làng Băng Sơn (làng Bưng) xã Dương Sơn (nay thuộc huyện Hoằng Hóa). Thời trẻ ông nổi tiếng là người có sức khỏe phi thường, nên khi được tuyển vào Túc vệ quân (quân cấm vệ), ông được Lý Thái Tổ thăng làm Võ Vệ tướng quân. Khi vua Lý Thái Tổ mất, có di chiếu cho Thái tử Lý Phật Mã nối ngôi, nhưng các hoàng tử khác là: Dực Thánh vương, Võ Đức vương, Đông Chinh vương không chấp nhận, đem quân làm phản (Loạn ba vương năm Mậu Thìn - 1028). Theo lệnh vua Lý Thái Tông, ông đem quân cấm vệ đi dẹp loạn và thành công. Vua Thái Tông phong cho ông chức Đô Thống thượng tướng quân.
Năm 1044, ông làm tướng tiên phong, theo vua Thái Tông vào đánh Chiêm Thành, chiến thắng, bắt được vua Chiêm Thành là Chế Vũ. Trở về, ông được vua phong tước hầu và thưởng ruộng đất lập ấp. Ông xin vua lên núi Băng sơn quăng dao xuống núi để xác định vị trí lập ấp. Từ đó có tên gọi " thác đao điền" (ruộng thác đao), để chỉ ruộng đất vua ban cho các công thần.
Ông mất vào năm ông 73 tuổi, được tôn làm Phúc thần.


Nguyễn Hữu Tiến (1602-1666)
Là một tướng tài của chúa Nguyễn ở đàng trong.
Ông quê ở làng Văn Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, trấn Thanh Hoá (nay là huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá).
Năm 1631, ông được Đào Duy Từ gả con gái cho và tiến cử lên chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
Năm 1648, ông làm chưởng cơ, đánh thắng quân Trịnh ở cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) rồi được giao phòng thủ đạo Lưu Đồn.
Năm 1655, ông cùng Nguyễn Hữu Dật đánh ra Nghệ An đến dọc lưu vực sông Lam, vì bất đồng ý kiến với Nguyễn Hữu Dật nên rút về Nhật Lệ phòng thủ.
Được chúa Nguyễn truy tặng nhiều chức tước cao như: Tả quân đô đốc phủ chưởng phụ sự, Thuận quận công, Tiết chế
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #24 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2009, 07:07:34 pm »

Hồ Nguyên Trừng (1374-1446)
Ông tự Mạnh Nguyên, hiệu Nam Ông, là con trai cả của Hồ Quý Ly, anh của Hồ Hán Thương.
Hồ Nguyên Trừng là một tướng tài có công trình quân sự lỗi lạc và là người phát minh Thần cơ hỏa sang, một loại súng trường nhưng không được phổ biến. Khi Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần, Hồ Nguyên Trừng giữ chức Tả tướng quốc thời nhà Hồ.
Sau thất bại trong cuộc chiến chống quân nhà Minh, ông cùng cha bị bắt ở Hà Tĩnh mang về Trung Quốc năm 1407. Hồ Quý Ly bị đồ làm lính còn Hồ Nguyên Trừng vì có tài đúc súng nên được cho làm quan trong triều đình Trung Quốc.



Đào Duy Từ (1572-1634)
Danh thần thời chúa Nguyễn lập nghiệp mở mang bờ cõi về phía Nam, quê làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn (nay thuộc huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa).
Ông thông kinh sử, tinh thâm lí số và binh thư đồ trận. Nhưng vì thân phụ ông là Đào Tá Hán xuất thân là quản giáp trong nghề ca hát mà luật lệ thì nghiêm cấm không cho con nhà xướng ca ra thi cử, nên ông không tiến thân được. Bất đắc chí ông bỏ Đông Kinh (Hà Nội) lần vào miền Nam, định theo phò chúa Nguyễn.
Trong lúc bơ vơ nơi phủ Hoài Nhơn (nay là phủ Bồng Sơn) tỉnh Bình Định, ông tạm khuất thân ở ẩn, chăn trâu cho nhà giàu Chúc Trịnh Long ở thôn Tòng Châu.
Tăm tiếng ông dần dần được sĩ phu biết đến, Khán lí Trần Đức Hòa ở Qui nhơn mến tài, gả con gái cho ông và tiến cử lên chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
Được chúa Sãi trọng dụng phong là Nội tán, ông tận tụy giúp chúa Nguyễn về quân sự, chính trị và văn hóa, đương đầu với chúa Trịnh đến thắng lợi.
Năm Canh Ngọ 1630, ông xướng xuất việc đắp lũy Trường Dục ở huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình.
Qua năm sau (Tân vị 1631), ông lại đắp thêm một lũy nữa từ cửa bể Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu (ở Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), cao một trượng, dài hơn 200 trượng (tục gọi là lũy Thầy. Đến đời Thiệu Trị mang tên là "Định Bắc trường thành")
Năm Giáp Tuất 1634, ngày 17-10 ông mất thọ 62 tuổi, được phong tặng hàm Tán trị dực vận công thần, Kim tử vinh lộc đại phu, Đại lí tự khanh, tước Lộc Khê Hầu. Đến triều Minh Mạng, truy phong tước Hoằng Quốc Công.
Đào Duy Từ còn để lại một bộ binh thư: Hổ trướng khu cơ và hai khúc ngâm: Ngọa Long cương văn, Tư Dung văn
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #25 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2009, 06:05:44 pm »

các bác có bác nào có tài liệu về Lê Hữu Lập không chỉ em với Grin Grin Grin
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #26 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2009, 08:52:15 am »

Lê Tán Tương (1482-?)Văn thần đời Lê Hiển Tông (1740-1786), quê làng Thượng Cốc, huyện Lôi Dương (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá).
Năm Kỷ Mùi (1499), ông đỗ nhị giáp tiến sĩ mới 17 tuổi. Tuổi trẻ tài cao lại có khí tiết nên được sĩ phu yêu kính, làm quan đến Thượng thư bộ Công, thập nhị kinh diên, tước Văn Phú Hầu.
Em ông là Lê Tán Thiện cũng đỗ tam giáp tiến sĩ cùng khoa với ông, làm quan đến Thượng thư bộ Hình, cháu ông là Lê Trạc Tú cũng là danh sĩ đương thời.


Lê Trắc (?-?)
Sử gia Lê Trắc, tên thật là Lê Tắc người đời Trần Thái Tông, tự là Cảnh Cao, hiệu Đông Sơn, quê ở Ái Châu (nay là tỉnh Thanh Hóa). Ông nguyên là họ Nguyễn, được người cậu là Lê Phụng nuôi, nên mới đổi thành họ Lê.
Thời trẻ tuổi ông làm tham mưu cho Chương Hiến Hầu Trần Kiện cháu nội Trần Thái Tông, sung chức trấn thủ Nghệ An. Năm Ất Dậu 1285, quân Nguyên xâm lược nước ta, Trần Kiện đầu hàng về Bắc Kinh, ông đi theo. Khi đoàn xe tù đi gần tới Lạng Sơn, gặp quân Trần chận đánh, Trần Kiện bị bắn chết, ông chạy sang Trung Quốc theo giặc. Từ đó được vua Nguyên cho làm quan, ngụ ở Hán Dương thuộc tỉnh Hồ Bắc.
Tại đây ông soạn bộ An Nam chí lược gồm 20 quyển, bài tựa đề mùa xuân Quý Dậu (1333). Nội dung bộ sử này, lời lẽ xu phụ giặc ngoại xâm, nên bị sĩ phu nước ta khinh miệt cho ông là tiểu nhân nho, phản bội tổ quốc...
Ông cũng làm nhiều thơ. Trong Việt Âm thi tập của Phan Phu Tiên soạn năm 1433, có phụ lục thơ của Lê Tắc.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #27 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2009, 08:54:45 am »

Mai Thế Châu (?-?)
Danh sĩ đời Lê Hiển Tông (1740 – 1786), không rõ năm sinh, năm mất, quê huyện Nga Sơn, Thanh Hóa.
Ông có tài văn, võ, dày công sửa sang chính trị, mở mang văn hóa giáo dục, từng có công yên dân ở nhiều nơi, được nhân dân xưng tụng nhiều công đức. Vua Lê rất trọng vọng ông, phong tước là Toàn Quận Công, lãnh chức Đốc trấn Nghệ An.
Con ông là Mai Thế Uông cũng là một nhân tài đương thời, đỗ hương cống, làm quan đến Trấn thủ Hưng Hóa. Khi nghĩa quân Tây Sơn ra Bắc, Lê Mẫn đế tức Lê Chiêu Thống bỏ ngai vàng tháo chạy sang Trung Quốc, Thế Uông mù quáng chạy theo, tập hợp một số quân sĩ ở mạn ngược quanh vùng sông Đà, sông Mã chống nhau với Tây Sơn, đến lúc cùng thì tự sát.


Ngô Từ (?-?)
Thái phó Ngô Từ là cha ruột Quang Thục hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, không rõ năm sinh, năm mất, cha vợ vua Lê Thái Tông (1423-1442), ông ngoại vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497). Quê xã Động Bàng, huyện Yên Định, lộ Thanh Hoa (nay thuộc huyện Yên Định, Thanh Hóa).
Thân phụ ông là Ngô Kinh, xuất thân nghèo khổ, nên cha ông từng làm người giúp việc của Lê Khoáng (cha Lê Lợi) còn ông thì theo hầu Lê Lợi. Đến khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn phát động, Lê Lợi được tôn làm Bình Định vương, cha con ông tận tụy theo phục vụ, phụ trách trang trại sản xuất lương thực, quân nhu và tiếp nhận người đến tham gia khởi nghĩa.
Đuổi xong giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi tức Lê Thái Tổ (1385-1433), phong cho cha ông làm Thái phó, ông là Thái bảo. Về sau con gái ông là Ngô Thị Ngọc Dao được tuyển vào cung làm Tiệp dư, hầu hạ Lê Thái Tông, sinh hoàng tử Tư Thành. Đến khi Tư Thành lên ngôi tức Lê Thánh Tông, con gái ông là Hoàng thái hậu, có xây dựng tòa đền đặt tên là Thuần Mậu Đường hay còn gọi là đền Phúc Quang để thờ phụng tổ tiên họ Ngô.


Nguyên Hiệu (1674-1735)
Văn thần đời Lê Hy Tông, quê xã Lan Khê, huyện Nông Cống, Thanh Hoá.
Năm Canh Thìn 1700 ông đỗ Đồng Tiến sĩ, 26 tuổi (có sách chép 22 tuổi) được vua Lê và Chúa Trịnh đều tín trọng. Ông làm Bồi tụng, Tả tư giảng, rồi sung Tả Thị lang (1717). Đến Canh Tý 1720 thăng Thượng thư bộ Binh, gia Thiếu bảo, rồi đổi làm Thượng thư bộ Lễ, coi sóc cả việc ở Hàn Lâm.
Năm Nhâm Tý 1732 làm Tham tụng, bị chúa Trịnh ngờ vực, giáng làm Thượng thư bộ Hình, không lâu nhập Tham tụng như cũ, kiêm thượng thư bộ Lại.
Năm Ất Mão 1735 ông mất, thọ 61 tuổi, truy tặng Thái bảo, Đại tư đồ, gia phong phúc thần. Con là Nguyễn Hàm cũng là bậc có danh vọng đương thời.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #28 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2009, 08:56:45 am »

Phạm Vấn (?-1435)
Danh tướng đời Lê Thái Tổ, quê làng Nguyên Xá, huyện Lương Giang (nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá).
Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ buổi đầu, lập nhiều chiến công hiển hách : trong trận Bồ Mộng (thuộc vùng thượng du Thanh Hoá) phá vỡ đạo quân của Lý Bân, Phương Chính năm Canh Tý 1420; trận phá vây ở Khôi Sách (1422) chém tướng giặc Phùng Quý; trận Nghệ An (1424) chiến thắng ở Trà Lâm, Khả Lưu; trận đán Xương Giang (1427), ông cùng Trần Nguyên Hãn, Lê Sát, vậy chặt toán quân của tướng giặc Thôi Tụ, Hoàng Phúc, khiến Vương Thông phải xin hoà.
Kháng chiến thành công (1428) ông được phong Đại tướng quân, tước Thượng Tứ Tự, rồi ít lâu thăng Tể phụ, Nhập nội Kiểm hiệu, Bình chương quân quốc trọng sự. Năm 1429, tấn phong ông tước Huyện Thượng Hầu, khắc tên ông đứng hàng đầu trên bia công thần. Năm 1431, ông được thăng Kiểm Hiệu Đô đốc, Quận Hầu.
Lê Thái Tổ mất (1433) ông và Lê Sát phụ chính Lê Thái Tông, hai năm sau Ất Mão 1435 ông mất, được tặng Thái phó, thụy Tuyên Võ.
Đến đời Lê Thánh Tông (1442–1497), Giáp Thìn 1484, truy phong ông tước Trấn Quận Công.


Lê Quát (TK IV)
Là danh sĩ, tác giả đời Trần Minh Tông (1300-1357), có sách chép là Bá Đạt, hiệu Mai Phong, dòng dõi Thái sư Lê Văn Thịnh. Ông quê ở  làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa.
Ông là học trò xuất sắc của Chu Văn An, thi đỗ Thái học sinh, làm Tử tư lang kiêm Hàn lâm viện phụng chỉ. Ít lâu, thăng Thượng thư Hữu bật nhập nội hành khiển (như Thủ tướng).
Ông cùng Phạm Sư Mạnh nổi tiếng văn chương ngang nhau, và cùng một ý chí tôn sùng học thuật chân chính, bài bác những điều mê tín không tưởng.
Ông đã để lại một số tác phẩm như
- Tống Phạm Sư Mạnh Bắc sứ
- Thư hoài, Nhạn túc đăng và một số thơ in trong: Toàn Việt thi lục,
Tinh tuyển thi gia luật thi
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
copbien51
Thành viên
*
Bài viết: 86


dragon thanh hoa


WWW
« Trả lời #29 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2009, 09:00:50 am »

Lương Hữu Khánh (TK XVI)
Ông quê ở làng Hội Triều, nay là xã Hoằng Phong, Hoằng Hoá. Ông đậu cử nhân năm 12 tuổi, đậu thứ 2 thi hội, không thi đình dưới triều Mạc Ðăng Doanh.
Ông có công trong việc khôi phục nhà  Lê, được thăng tới Thượng thư bộ Binh, tước Đạt Quận công. Ông đã để lại các tác phẩm như: Quan sử, Tân quan văn kê phú…

Danh sĩ Lương Hữu Khánh đời Lê Anh Tông (1556-1573), con cụ Bảng nhân Lương Đắc Bằng. Không rõ năm sinh, năm mất, quê làng Hội Trào, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Ông nổi tiếng thông minh từ thuở bé. Vâng lời cha, ông theo học với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nguyên là học trò của cha ông khi trước nên cũng giỏi văn học và lí số.
Năm Mậu Tuất 1538, đời nhà Mạc, ông đỗ thứ hai thi Hội nhưng lại không vào thi Đình, vì được tin nhà Lê đang chấn chỉnh lại ở Thanh Hóa. Ông lẻn vào Thanh, được Trịnh Kiểm tiếp đón ân cần, đưa vào ra mắt vua Lê. Từ ấy ông dốc lòng phò Lê chống Mạc, hiến kế, công lao rất dày, được vua Lê, chúa Trịnh đều trọng đãi. Sau làm đến Thượng thư bộ Binh, tước Đạt Quận Công, nghiễm nhiên là trọng thần trong đời Trung Hưng nhà Lê.
Con ông là Khiêm Hanh về sau cũng là vị Hoàng giáp có danh vọng.


Lại Thế Khanh (?-1597)
Võ Tướng đời Lê Anh Tông (1556–1573), quê huyện Tống Sơn, Thanh Hóa (nay là huyện Hà Trung, Thanh Hoá).
Khoảng năm Chính Trị (1558 - 1571), ông cùng Võ Sư Thước đem binh chia trấn các cửa biển, khiến thủy quân nhà Mạc và bọn cướp biển đều sợ oai, ông xông pha trận mạc hàng trăm phen. Ít lâu, được lệnh rút quân về đóng giữ phủ An Trường. Được phong tước An Quận Công, chức Thái phó vào năm Tân Mùi 1571.
Năm Đinh Dậu (1597) ông mất, được truy tặng là Khiêm Quốc Công


Dương Tam Kha (TK X)
Con Dương Diên Nghệ, anh Dương Hậu (vợ Ngô Vương Quyền) không rõ năm sinh, năm mất. Người làng Dương Xá, huyện Đông Sơn.
Năm Giáp Thìn (944), Ngô Vương Quyền mất, ông được Ngô Vương ủy thác phù dực con lớn là Ngô Xương Ngập, nhưng ông thừa dịp đoạt lấy quyền của cháu, tự xưng Bình Vương.
Ngô Xương Ngập trốn sang Nam Sách, thuộc tỉnh Hải Dương, được Phạm Lịnh Công ở Trà Hương huyện Kim Thành nuôi giấu. Không tìm được Xương Ngập, Dương Tam Kha lập em Xương Ngập là Xương Văn làm con nuôi.
Năm Canh Tuất (950), có biến ở hai thôn Thái Bình, Đường Nguyễn, Dương Tam Kha sai hai tướng Dương Khiết Lợi và Đỗ Cảnh Thạc cùng Xương Văn đi đánh dẹp. Đi đến Từ Liêm, Xương Văn ướm ý hai tướng Dương, Đỗ, được cả hai tình nguyện quay về đảo chính.
Ông bị bắt và bị giáng làm Trương Dương công. Hai anh em Xương Ngập và Xương Văn nối nghiệp nhà Ngô như cũ.
Logged

Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hoá
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM