Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:17:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử những kẻ sát thủ  (Đọc 42186 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #60 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 12:29:13 am »

 Thông tin mà chúng ta có được về các chính sách của nhóm Sát thủ dưới thời Sinan chủ yếu liên quan đến một lọat các biến cố mà chính họ tham gia : 2 vụ mưu sát Saladin sau khi ông này tổ chức tấn công không thành công vào Masyaf; 1 vụ mưu sát và gây hỏa họan tại Aleppo; và vụ ám sát Conrad xứ Montferrat. Ngòai ra còn có những bằng chứng mơ hồ về mấy lá thư hăm dọa gởi cho Nur al-Din và Saladin, và một tài liệu tra cứu về tình trạng chiến tranh vào năm 1167 giữa nhóm Sát thủ và lãnh thổ Tripoli do 1 lữ khách người Do thái sống tại Tây ban nha, tên là Benjamin người Tudela ghi lại.

Sự xuất hiện của Saladin với vai trò là kiến trúc sư của sự thống nhất Hồi giáo và tính chính thống, cũng như là người dẫn đầu Thánh chiến đã khiến cho ông ta trở thành kẻ thù chính của nhóm Sát thủ, và điều không thể tránh khỏi là đẩy họ vào vị trí dựa dẫm nhà Zangid ở Mosul và Aleppo, tức là các đối thủ chính của ông ta lúc đó. Trong các bức thư gởi cho Caliph ở Baghdad vào năm 1181-2, Saladin tố cáo các thủ lãnh ở Mosul đã kết bè với đám Sát thủ tà đạo và dùng họ để liên lạc với người Frank vô đạo. Saladin cũng đề cập đến việc họ hứa hẹn dành cho nhóm Sát thủ nào là lâu đài, đất đai, và 1 cơ sở truyền giáo tại Aleppo, và việc cử các sứ giả đến gặp Sinan và quân Thập tự, và cũng nhấn mạnh đến vai trò là người bảo vệ đạo Hồi chống lại bọn Frank vô đạo, bọn Sát thủ tà đạo, và bọn Zangid phản bội. Còn chính tác giả của thiên tiểu sử của phái Ismaili viết về Sinan, vốn tiêm nhiễm các lý tưởng thánh chiến của giai đoạn sau này, đã mô tả người anh hùng của mình như là 1 người cọng tác với Saladin trong công cuộc chiến đấu chống lại quân Thập tự.

Cả 2 tài liệu đều đúng trong các thời điểm khác nhau. Mặc dù chứng cứ của Saladin đưa ra cho biết mức độ cọng tác của các kẻ thù của mình có lẽ đã được phóng đại nhằm hạ uy tín nhà Zangid, thì đó cũng là lẽ tự nhiên khi các kẻ thù của Saladin trước hết là tập trung tấn công vào chính ông ta thay vì vào ngươi khác. Câu chuyện kỳ lạ về việc 1 sát thủ đề nghị xin theo đạo Cơ đốc do William người xứ Tyre kể lại có thể chỉ nhằm phản ánh một sự xích lại gần giữa Sinan và vương quốc Jerusalem.

Vụ mưu sát do nhóm Sát thủ nhắm vào Saladin xảy ra vào tháng chạp năm 1174 hoặc tháng giêng năm 1175, khi ông ta đang bao vây thành Aleppo. Theo các nhà chép tiểu sử Saladin, thì Gumushtigin, người cai trị thành này nhân danh người con của Zangi, đã gởi thư cho Sinan, đề nghị dâng đất, tiền bạc để đổi lại việc mưu sát Saladin. Đám Sát thủ nhận nhiệm vụ xâm nhập vào doanh trại vào một ngày đông lạnh lẽo, nhưng lại bị tiểu vương Abu Qubais, là người láng giềng của chúng, phát hiện được. Ông ta cật vấn chúng, và bị chúng giết lập tức. Vụ đụng độ sau đó làm nhiều người chết, nhưng Saladin thì không hề hấn gì. Năm sau, Sinan tính làm một cú mưu sát nữa, và ngày 22 tháng 5 năm 1176, nhóm Sát thủ ăn mặc như quân sĩ của Saladin, tấn công Saladin bằng dao khi ông này đang bao vây Azaz. Nhờ mặc áo giáp cho nên Saladin chỉ bị sướt bên ngòai, còn bọn ám sát thì bị các tiểu vương xử trí, nhiều người bị chết trong khi xô xát. Một số tài liệu cho rằng cú mưu sát lần thứ 2 là do Gumushtigin xúi dục. Sau mấy vụ như thế, Saladin hết sức cẩn trọng, lúc đi ngủ thì nằm trong 1 cái tháp gỗ được chế tạo đặc biệt và không cho bất cứ ai lạ tiến gần đến bên mình.

Khi tổ chức 2 vụ mưu sát Saladin, dứt khóat là không thể có việc Sinan bắt tay với Gumushtigin, và cũng không thể có việc ông ta hành động là do Gumushtigin gợi ý. Nhiều khả năng hơn cả là Sinan hành động theo ý của mình, chấp nhận sự giúp đỡ của Gumushtigin, và như thế là có được các lợi thế về vật chất và chiến thuật. Những quan điểm tương tự cũng được áp dụng cho nội dung của bức thư do Saladin từ Cairo gởi cho Caliph vào năm 1174, cho rằng các thủ lãnh tham gia trong âm mưu bất thành nhằm ủng hộ nhà Fatimid tại Ai cập trong năm đó đã viết cho Sinan, nhấn mạnh đến điểm là họ có chung niềm tin tôn giáo và thúc dục ông ta có hành động chống lại Saladin.

Nhóm Ismaili phái Nizari ở Syria và Ba-tư không có nghĩa vụ gì với những người cuối cùng của dòng Fatimid tại Cairo, mà họ coi là những kẻ thóan đọat. Việc các thành viên dòng Fatimid tìm sự giúp đỡ từ các Sát thủ tại Syria cũng đã quá đủ rồi - khỏang nửa thế kỷ trước vị Caliph dòng Fatimid là al-Amir đã thử thuyết phục họ thừa nhận sự lãnh đạo của mình. Nhưng nhóm Nizari từ chối, và chính al-Amir cũng bị họ sát hại. Có thể là Sinan, một lần nữa vì các lý do chiến thuật, lại tỏ ý muốn cọng tác với những kẻ âm mưu người Ai cập, mặc dù không chắc là ông ta còn tiếp tục phục vụ lợi ích của họ sau khi ra tay dẹp tan âm mưu tại Ai cập. Một nguyên nhân trực tiếp có nhiều khả năng hơn giải thích hành động chống Saladin của Sinan có thể tìm thấy trong 1 câu chuyện do 1 sử gia biên niên đời sau kể lại, chứ không phải do các tác giả đương thời. Vào năm 1174-5, theo tài liệu này, có đến 10 ngàn kỵ binh của Nubuwiyya, là một dòng tu tại Iraq chống nhóm Ismaili, đã đột kích vào các trung tâm Ismaili tại al-Bab và Buza’a, tại đây họ tàn sát đến 15000 người Ismaili và lấy đi nhiều của cải và tù binh.

Lợi dụng sự hỏang lọan của nhóm Ismaili, Saladin phái quân đội đến tấn công họ, đột kích vào Sarmin, Ma’arrat Masrin, và Jabal al-Summaq, giết sạch dân chúng ở đó. Tiếc rằng sử gia biên niên không nêu rõ biến cố đã xảy ra vào tháng nào, nhưng có nhiều khả năng là Saladin đã cho quân đội tấn công khi trên đường tiến về hướng bắc để đến Aleppo, việc này có thể giải thích thái độ thù nghịch của nhóm Sát thủ đối với ông ta. Tuy nhiên, ngay cả khi không có lời giải thích này, thì sự xuất hiện của Saladin với tính cách là 1 lực lượng chính tại xứ Syria Hồi giáo, chủ trương chính sách thống nhất Hồi giáo, thì cũng đủ để xác định ông ta là 1 địch thủ nguy hiểm.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #61 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 12:31:39 am »

 Vào tháng 8 năm 1176, Saladin dẫn quân vào lãnh thổ của nhóm Sát thủ để trả thù và cho bao vây thành Masyaf. Có nhiều cách giải thích khác nhau lý do ông ta lui binh. Theo Imad al-Din, là thư ký và là sử quan cuả Saladin, cùng với các nguồn tự liệu tiếng Ả-rập về sau này, thì nhóm Sát thủ nhờ hòang thân Hama, là chú của Saladin, đứng ra can thiệp dùm. Một người chép tiểu sử khác bổ sung 1 lý do khá thuyết phục hơn - vì người Frank tấn công vào thung lũng Biqa’ nên Saldin phải có mặt ở đó gấp.

Trong quyển sử về Aleppo của Kamal al-Din, thì chính Saladin nhờ hòang thân Hama làm trung gian đứng ra kêu gọi hòa bình, rõ ràng là do hiệu quả khủng bố mà nhóm sát thủ tạo ra. Theo luận điểm của nhóm Ismaili, thì Saladin qúa hỏang sợ vì các quyền lực siêu nhiên của Sinan ; cho nên mới nhờ hòang thân Hama đứng ra năn nỉ Sinan để rút lui an toàn. Saladin đồng ý rút binh, và Sinan trao cho ông ta 1 chứng thư bảo đảm, và sau này 2 người trở thành bạn thân thiết. Tài liệu của nhóm Ismaili rõ ràng là thêm thắt nhiều chuyện hoang đường, nhưng dường như cũng có phần đúng, bởi vì thật ra 2 bên có đạt được một số thỏa thuận. Chắc hẵn là ta không ghi nhận được hành động công khai nào của bọn Sát thủ chống lại Saladin sau khi ông này rút binh ra khỏi Masyaf và thậm chí còn có lời bóng gió cho biết có sự toa rập nữa.

Các sử gia đưa ra nhiều câu chuyện, nhằm mục đích giải thích - có lẽ cũng để biện minh - cho sự dễ dãi của Saladin đối với nhóm sát thủ. Có chuyện kể rằng, trong một dịp nọ, vị Sultan gởi một bức thư hăm dọa cho thủ lãnh nhóm Sát thủ. Ông này trả lời như sau : ’ Ta đã đọc kỹ mọi chi tiết bức thư của ngươi, ghi nhận những lời đe dọa nhắm vào bọn ta bằng lời nói và việc làm, và có trời chứng giám, ta ngạc nhiên khi thấy đó chỉ là những tiếng ruồi vo ve bên tai con voi và con muỗi châm vào tượng đá. Biết bao nhiêu kẻ trước ngươi cũng từng đã nói như thế, rồi cũng bị chúng ta diệt sạch mà không ai cứu được. Liệu ngươi có dám chối bỏ sự thật và tiếp tay cho cái giả dối ?. Kẻ nào làm sai sẽ biết cái kết cuộc mà chúng sẽ gánh chịu ". Nếu quả thật lệnh của ngươi có cắt được đầu ta và cào bỏ được lâu đài của ta ra khỏi núi đá cứng, thì đó chỉ là những hy vọng hão huyền và không tưởng, bởi vì chẳng khi nào mà cái tinh chất lại bị phá hủy bởi cái tình cờ, cũng như bệnh tật không khi nào làm tan rã linh hồn được. Nhưng nếu chúng ta theo cái biểu lộ, được cảm nhận bằng cảm giác mà bỏ đi cái thần bí, cảm nhận bằng linh hồn, thì đây là lời của Đấng Tiên tri thay mặt cho Thượng đế :’ Không có tiên tri nào trải qua những gì mà ta gánh chịu ”. Nhà ngươi đã rõ những gì xảy ra cho dòng dõi, gia đình và bạn hữu của Người. Nhưng tình thế cũng không hề thay đổi, lý tưởng không hể tàn lụi và Thượng đế luôn được vinh danh.

Chúng ta chỉ là người bị áp bức chứ chưa hề đi áp bức ai, là người bị thiệt thòi chớ không phải là người đi cướp đọat. Khi ” chân lý đến thì sự dối trá sẽ tàn lụi ; mà quả đúng như thế, sự dối trá đang tàn lụi.” "[ Qur’an,ii, ] Người biết rõ bề nổi công việc của chúng ta, bản chất của người chúng ta, những gì họ làm được ngay tức thì và họ sẵn sàng liều chết. ” Này - Nói ra sự thật thì có chết cũng được ” . Có câu ngạn ngữ : Ngươi có ý định lấy con sông mà dọa con vịt hay không ?’. Hãy chuẩn bị phương tiện, quần áo để đối đầu với tai họa ; bởi vì ta sẽ đánh bại ngươi từ bên trong hàng ngũ của ngươi và sẽ trả thù người tại ngay chỗ của ngươi, và ngươi sẽ thấy ai là kẻ sẽ bị tiêu diệt, và " đối với Thượng đế thì điều này chẳng có ý nghĩa gì . Khi ngươi đọc thư này của ta, hãy liệu chừng chúng ta và hãy bình tĩnh, và hãy đọc từ chữ đầu ’Con ong’ đến chữ " Buồn " cuối cùng.

Thậm chí còn đáng ngạc nhiên hơn nữa là câu chuyện do Kamal al-Din kể về thẩm quyền của người anh của mình.:’ Anh tôi (Cầu trời thương xót cho ông ta) nói với tôi rằng Sinan đã gởi 1 sứ giả đến gặp Saladin (Cầu trời thương xót cho ông ta) và ra lệnh chỉ nói riêng với Saladin mà thôi. Saladin cho người lục sóat sứ giả, và khi thấy không có gì nguy hiểm bèn ra lệnh đuổi bớt đám tùy tùng, chỉ để lại còn một vài người, và yêu cầu sứ giả thông báo nội dung thông điệp. Nhưng ông này nói :’ Chủ của tôi ra lệnh chỉ đưa bức thư cho riêng ngài mà thôi ‘. Thế là Saladin đuổi hết tùy tùng ra ngòai chỉ còn lại 2 tên nô lệ (Mamluck), rồi nói " Ngươi đưa bức thư ra đây”. Sứ giả trả lời " Tôi được lệnh chỉ đưa bức thư chỉ riêng cho ngài mà thôi”. Saladin đáp:’ 2 người này luôn ở bên ta.

Nếu ngươi muốn, thì hãy đưa bức thư ra, còn nếu không thì cứ ra về’. Sứ giả nói:’ Tại sao ngài không cho 2 người này ra ngòai như những người khác ? Saladin trả lời :’ Ta coi 2 người này như con trai của ta, họ với ta là một ‘. Thế rồi sứ giả quay sang 2 tên Mamluck và nói : » Nếu ta nhân danh chủ nhân ra lệnh ngươi giết tên Sultan này, ngươi có làm hay không ?. Họ trả lời có, rút gươm ra, và nói : « Xin ngài hãy ra lệnh «. Sultan Saladin (Cầu trời phù hộ cho ông ta) hết sức ngỡ ngàng, và khi sứ giả ra về, dẫn theo luôn 2 tên Mamluck. Thế là từ đó, Saladin (Cầu trời phù hộ cho ông ta) phải cầu hòa với Sinan và đặt quan hệ thân hữu với ông này. Chỉ có trời mới biết rõ tình tiết.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #62 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 12:32:42 am »

 Vụ mưu sát thứ 2, xảy ra vào ngày 31 tháng 8 năm 1177, nhằm vào Shihab al-Din ibn al-Ajami, là vizier của Zangid al-Malik al-Sahih tại Aleppo, và cựu vizier của Nur al-Din ibn Zangi. Vụ ám sát này, kéo theo 2 vụ mưu sát không thành công nhắm vào 2 tay chân của vizier, theo các sử gia Syria thì đó là do mưu mẹo của Gumushtigin, người đã làm giả chữ ký của al-Malik al-Sahih trong 1 bức thư gởi cho Sinan xin ông này gởi cho ông ta mấy tên thích khách. Câu chuyện này dựa trên lời thú tội của nhóm Sát thủ, khi bị thẩm vấn, cho rằng họ thực hiện mệnh lệnh của chính al-Malik al –Sahih. Mánh lới này được phát hiện qua những thư từ trao đổi sau này giữa al –Malik al-Sahih và Sinan, và các kẻ thù của Gumushtigin chộp lấy cơ hội để đánh đổ ông ta. Dù câu chuyện có đúng sự thật hay không, cái chết của vị vizier, mối bất hòa và thiếu tin cậy về sau cũng đều làm cho Saladin hài lòng.

Sự tranh chấp giữa Aleppo và Sinan vẫn tiếp tục. Vào năm 1179-80, al-Malik al-Sahih chiếm lấy al-Hajira từ tay bọn Sát thủ. Sinan có phản đối nhưng không đạt kết quả, nên ông ta cử người đến đốt các khu chợ tại Aleppo và gây khá nhiều thiệt hại. Không thủ phạm nào bị bắt - có lẽ là họ vẫn còn có sự ủng hộ của dân địa phương.

Vào ngày 28 tháng 4 năm 1192, họ thực hiện một cú bạo lọan lớn nhất - đó là ám sát Hầu tước Conrad xứ Monferrat, là vua xứ Jerusalem, tại thành Tyre. Phần lớn các tài liệu đều thống nhất là các tên giết người giả dạng làm thầy tu Cơ đốc, luồn lọt chiếm được sự tin cậy của Giám mục và hầu tước. Khi có cơ hội, bọn chúng bèn đâm chết ông này. Phái viên của Saladin tại Tyre báo cáo rằng khi 2 tên Sát thủ bị đem ra tra hỏi, chúng thú nhận rằng vụ mưu sát này do vua nước Anh xúi bẩy. Theo những nguồn chứng cứ phương đông và một số từ phương tây, thì dường như chẳng có mấy ai nghi ngờ có lời thú tội như thế này. Rõ ràng là vua Richard của Anh muốn Hầu tước biến đi, và việc người được ông ta bảo trợ là Bá tước Henri vùng Champagne cưới bà quả phụ và sau đó nhảy lên kế tục ngai vàng vương quốc Latinh nhanh đến mức đáng ngờ, đã làm cho câu chuyện thêm hấp dẫn - và cũng dễ hiểu là nhiều người thời ấy dễ dàng tin ngay. Nhưng không biết bọn Sát thủ có nói ra sự thật khi họ trả lời một câu hỏi khác.

Sử gia của nhà Zangid tên là Ibn al-Athir, ghét Saladin vì không cấp tiền trợ cấp đúng hạn, nhận xét là Richard bị coi là chủ mưu chỉ vì hồi đó người Frank tin như thế. Chính ông này cho rằng Saladin là kẻ xúi bẫy, và thậm chí còn biết được số tiền đã trả cho Sinan để giải quyết công việc. Kế hoạch là giết Richard lẫn Conrad, nhưng việc ám sát Richard hầu như không thể được. Nhà chép tiểu sử nhóm Ismaili cho rằng Sinan khởi xướng việc này, với sự cho phép trước và tiếp tay của Saladin ; nhưng ở đây cũng phải chú ý đến ý muốn rõ nét của tác giả là muốn trình bày người anh hùng của mình là người cọng tác trung thành với Saladin trong cuộc thánh chiến. Sử gia đã thêm nhiều thông tin vô lý chẳng hạn như để tưởng thưởng, Saladin đã ban cho nhóm Sát thủ nhiều đặc quyền, kể cả quyền được thành lập các cơ sở tuyên truyền tại Cairo, Damascus, Homs, Hama, Aleppo và nhiều thành phố khác.

Trong câu chuyện này, có lẽ ta sẽ thấy được là khi kể lại người ta phóng đại một số quyền lợi mà Saladin ban cho nhóm Sát thủ trong thời kỳ sau khi có thoả thuận tại Masyaf. Ngược lại, Imad al-Din kể lại rằng vụ ám sát không hợp theo ý cuả Saladin, bởi vì Conrad mặc dù là một trong những thủ lãnh của Thập tự binh, nhưng lại là kẻ thù của vua Richard đáng sợ hơn nhiều, và Conrad có liên lạc với Saladin trước khi chết. Cái chết của Conrad đã giải thoát cho Richard nhiều mối lo âu và khuyến khích ông này quay lại giao chiến. 4 tháng sau, ông ta ký hưu chiến với Saladin, trong đó theo yêu cầu của Saladin, bao gồm cả các vùng đất của nhóm Sát thủ.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #63 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 12:33:59 am »

 Vụ mưu sát Conrad là thành quả cuối cùng của Sinan. Vào năm 1192 -3 hoặc 1193-4, Sơn trung lão nhân đáng gờm qua đời, và được 1 người Ba tư tên là Nasr kế vị. Với thủ lãnh mới, quyền lực của Alamut dường như được khôi phục và không chút suy chuyển mãi tận đến sau khi quân Mông cổ chiến thắng. Ta biết được tên tuổi của nhiều thủ lãnh da’i ở nhiều thời kỳ khác nhau là nhờ các tài liệu của họ và những lời ghi khắc trên đá tại các trung tâm Ismaili tại Syria, trong đó đa số bọn họ đều được gọi là người đại diện của Alamut.

Là thần dân của Alamut, các sát thủ người Syria cũng phải chịu các chính sách mới của Jalal al-Din Hasan III- đó là việc phục hồi giáo luật, và việc liên kết với Caliph tại Baghdad. Vào năm 1211, thủ lãnh Alamut gởi sứ điệp đến Syria, ra lệnh cho các giáo đồ xây dựng nhà nguyện và thực hành các lễ cầu nguyện theo nghi thức, không được uống rượu và những điều cấm đoán khác, tuân thủ ngày nhịn ăn và tất cả những qui định có ghi trong luật thánh.

Chúng ta không biết nhiều về việc cải cách đã ảnh hưởng như thế nào đến các niềm tin và thực hành tôn giáo của nhóm Sát thủ ; tuy nhiên liên minh với Caliph dường như đã tác động nhiều đến hoạt động của họ. Đáng chú ý là tại Syria, có sự hiện diện các kẻ thù của Hồi giáo, nhưng không có thêm vụ ám sát nào được ghi nhận, mặc dù nhiều người Cơ đốc vẫn tiếp tục gục ngã. Người đầu tiên là Raymond, con của Bohemond IV xứ Antioch, ông này bị giết trong 1 nhà thờ tại Tortosa năm 1213. Cha ông ta, nôn nóng muốn trả thù, đã cho bao vây pháo đài Khawabi. Nhóm Sát thủ, lúc này đang giao hảo tốt với người kế vị Saladin, đã kêu gọi xin Aleppo giúp đỡ, và thủ lãnh thành này gởi đến một đoàn quân giải cứu. Nhưng đội quân này lại bị quân Frank đẩy lùi, cho nên phải kêu cứu đến đồng nghiệp tại Damascus gởi quân đội đến để buộc quân địch phải mở vòng vây và lui binh.

Trong khi đó, các thủ lãnh nhóm Sát thủ tìm ra được cách lợi dụng danh tiếng của mình sao cho có lợi. Bằng cách hăm doạ ám sát, họ bắt các nhà cầm quyền cả Hồi giáo lẫn Cơ đốc phải chi tiền, thậm chí, dường như họ còn lấy tiền của các du khách quá cảnh qua phương đông nữa. Vào năm 1227, theo một nguồn tư liệu Ả-rập, thủ lãnh da’i là Majd al-Din tiếp các phái viên của Hoàng đế Frederidk II, người đã từng đến Palestine để tham gia Thập tự chinh ; những người này mang theo quà cáp trị giá đến 80.000 dinar. Lấy lý do là con đường đi đến Alamut quá nguy hiểm vì người Khorazm quấy phá, Majd al-Dun cho giữ các quà tặng tại Syria và đích thân ông ta trao cho Hoàng đế 1 chứng thư để làm bằng. Cùng lúc đó, ông ta thận trọng gởi 1 phái viên đến gặp người đứng đầu Aleppo, để báo cho ông ta biết về đặc sứ của Hoàng đế và để kết hợp các hành động.

Mối nguy hiểm tại Khorazm cũng giải thích được một vụ rắc rối khác, đã xảy ra trước nhưng cũng cùng năm đó. Theo câu chuyện này, thì Majd al-Din cử 1 phái viên đến gặp Sultan dòng Seljuq ở Rum, xứ Konya, yêu cầu là số tiền cống nạp hàng năm khoảng 2000 dinar, mà những năm trước Sultan vẫn gởi cho Alamut, thì bây giờ phải gởi cho ông ta. Vị Sultan, hơi chần chừ, cho nên cử 1 sứ giả đến Alamut để hỏi ý Jalal al-Din, thủ lãnh Alamut xác nhận là ông đã chỉ định món tiền này gởi đến Syria và chỉ đạo Sultan phải trả. Thế là Sultan giao tiền.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #64 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 12:35:26 am »

 Cũng trong thời gian này, nhóm Sát thủ chính họ cũng phải cống nộp cho các Hiệp sĩ dòng Nhà thương (Knights Hospitaliers). Theo nhiệm vụ của Hoàng đế giao, sử gia biên niên Ả-rập cho biết, các Hiệp sĩ đòi nhóm Sát thủ phải cống nộp, nhưng họ từ chối và bảo :’ Hoàng đế của các ngưoi ban cho ta, thế thì sao các ngươi lấy lại ?. Các Hiệp sĩ liền tổ chức tấn công, và lấy đi khá nhiều chiến lợi phẩm. Tài liệu không nói rõ là việc nộp cống cho các Hiệp sĩ mới bắt đầu từ sự cố này hoặc đã có từ trước.

Một dấu hiệu thú vị khác do Ibn Wasil, người gốc miền trung Syria, cho biết là các Sát thủ đã được thừa nhận và thậm chí trở thành 1 bộ phận của bối cảnh chính trị tại Syria. Vào năm 1240, vị qadi của vùng Sinjar, là Badr al-Din, làm mất lòng vị Sultan mới. Bỏ chạy khỏi Syria, ông ta tìm chốn nương thân ở chỗ các sát thủ. Thủ lãnh của nhóm này vào thời đó là một người Ba-tư tên là Taj al-Din, từ Alamut tới. Ibn Wasil không ngần ngại khi nói thêm rằng ông ta có quen biết thủ lãnh này. Tên vị Taj al-Din này được khắc vào bia ở Masyaf vào năm 646 Dhu’l Qa’da (tháng 3 hoặc tháng 5 năm 1249).

Chỉ có một loạt các biến cố cần phải được ghi chép trước khi nhóm Sát thủ tại Syria tàn lụi về mặt chính trị - đó là việc thông đồng với Saint Louis. Câu chuyện về 1 âm mưu của nhóm Sát thủ nhằm giết Saint Louis ở Pháp khi ngài còn trẻ, được coi là không có căn cứ, cũng giống như những chuyện khác về các hoạt động của nhóm Sát thủ tại châu Âu. Nhưng theo tài liệu của Jonville, sử gia chép tiểu sử của Saint Louis, về những thông đồng của nhà vua với đám Sát thủ khi ngài đến xứ Palestine lại khác, có chứng cứ hẳn hoi.

 Các đặc sứ của nhóm Sát thủ đến gặp nhà vua tại Acre, đòi ngài phải nộp cống hàng năm cho thủ lãnh của họ ‘ như Hoàng đế nước Đức, Vua xứ Hungari, Sultan xứ Babylon [Ai cập], và nhiều người khác đã làm, bởi vì các vị này biết rằng họ chỉ còn sống khi nào thủ lãnh của họ hài lòng’. Ngược lại, nếu nhà vua không muốn cống nộp, thì họ cũng lấy làm hài lòng không phải thanh tóan khỏan cống nộp của chính họ cho các hiệp sĩ dòng Nhà thương và dòng đền Thánh. Joinville giải thích có khỏan cống nộp này bởi vì 2 dòng tu hiệp sĩ trên không có gì để sợ nhóm Sát thủ, bởi vì, nếu 1 trưởng dòng (master) bị giết chết, thì lập tức sẽ có người khác cũng giỏi dang như thế lên thay ngay và thủ lãnh nhóm Sát thủ lại không muốn mất người cho những việc chẳng mang lại lợi lộc. Trong vụ này, cống nộp vẫn giao cho các dòng tu Hiệp sĩ, còn Vua và thủ lãnh da’i thì trao đổi quà cáp. Nhờ thế, vị thầy tu nói được tiếng Ả-rập là Yves người Breton mới có dịp gặp gở và trò chuyện với thủ lãnh nhóm Sát thủ.

Quyền lực của nhóm Sát thủ tàn lụi dần khi chịu sự tấn công 2 đầu của người Mông cổ và của Sultan Mamluk tại Ai cập, là Baybars. Tại Syria, nhóm Sát thủ cùng với các nhóm Hồi giáo khác đẩy lùi mối đe dọa Mông cổ, và cử sứ giả đến gặp và tặng quà cáp để tìm sự che chở ở Baybars. Lúc đầu Baybars tỏ ra không ghét bỏ gì họ, và nhưng khi ký kết hưu chiến với các hiệp sĩ dòng Nhà thương năm 1266, lại buộc họ phải từ bỏ việc đòi lại các thành phố và đô thị Hồi giáo, kể cả các lâu đài của nhóm Sát thủ cũng phải cống nạp ; phần cống nạp của họ, theo một tư liệu Ai cập là 1200 dinar và hàng trăm mudd lúa mì và lúa mạch. Nhóm Sát thủ thận trọng gởi 1 đặc sứ tới gặp Baybars để dâng phần cống nạp mà trước đây họ vẫn nộp cho người Frank để chi dùng trong thánh chiến.

Nhưng Baybars, cả đời gắn với sự nghiệp giải phóng dân Hồi giáo vùng Cận đông khỏi 2 mối đe dọa của người Frank đạo Cơ đốc và đám ngọai đạo Mông cổ, cũng không mong mình cứ tiếp tục dung nạp mãi 1 hang ổ bọn tà đạo tự tung tự tác ngay tại giữa đất nước Syria. Ngay vào đầu năm 1260, theo sử gia chép tiểu sử Baybars cho biết, ông này cho phép một trong các tướng lãnh của mình lấy những vùng đất của nhóm Sát thủ làm thái ấp. Vào năm 1265, ông ta ra lệnh thu thuế và lệ phí đánh trên ‘quà cáp’ mà các vương hầu cống nộp cho nhóm Sát thủ.

 Các tư liệu cho biết trong số những vua chúa đó, có tên ‘ Hòang đế Alfonso, Vua của người Frank và Yemen . Các Sát thủ, do đã suy yếu tại Syria và nản lòng vì số phận của các anh em người Ba-tư của mình, cho nên không còn phương cách chống trả. Ngoan ngõan chấp hành biện pháp này, họ cống nộp cho Baybars, và chẳng bao lâu sau đó, Baybars thâu tóm quyền sinh sát vốn trước đó nằm trong tay thủ lãnh của lâu đài Alamut, đang thất thế. Vào năm 1270, Baybars,do không hài lòng thái độ của thủ lãnh Najm al-Din già yếu, cách chức ông này và thay thế bằng một người khác dễ bảo hơn, là Sarim al – Din Mubarak, thủ lãnh Sát thủ tại Ulayqa, là con rể của Najm. Thủ lãnh mới, giữ chức vụ người đại diện cho Baybars, bị trục xuất khỏi Masyaf, là vùng do Baybars trực tiếp cai trị. Nhưng Sarim al- Din, nhờ mưu mẹo, lại chiếm được Masyaf. Baybars lật đổ, rồi cho giải qua Cairo cầm tù. Sarim chết tại đây, chắc là bị đầu độc. Sau đó chính người bị phạt là Najm al-Din lại được bổ nhiệm lại, cùng với Shams al-Din là con trai với điều kiện phải cống nạp hàng năm. Từ đó tên 2 người đều được khắc ghi tên tại nhà thờ Qadmus.

Vào tháng 2 hoặc tháng 3 năm 1271, Baybars bắt được 2 Sát thủ, nói là được gởi tới để ám sát ông ta. Theo lời kể lại, bọn chúng đi theo 1 sứ đòan từ từ Ulayqa đến gặp Bohemond VI xứ Tripoli, và ông này sắp xếp để chúng đến ám sát vị Sultan. Shams al- Din bị bắt và bị kết tội giao thiệp với người Frank, nhưng lại được thả sau khi người cha là Najm al-Din đến để chứng minh con mình vô tội.

 2 tên chưa kịp giết người được thả tự do, còn 2 thủ lãnh Ismaili, bị ép phải nhường lại lâu đài và bị cầm chân tại triều đình Baybars. Najm al-Din tháp tùng Baybars, và chết tại Cairo vào đầu năm 1274. Shams al-Din được phép đi đến Kahf để ’ thu xếp công việc’. Khi tới nơi, ông này bắt đầu tổ chức chống trả, nhưng vô ích. Vào tháng 5 và tháng 6 năm 1271, tay chân của Baybars đánh chiếm Ulayqa và Rusafa và vào tháng 10, Shams al-Din, nhận thấy rằng mục đích của mình không còn hy vọng, cho nên đầu hàng Baybars. Lúc đầu, ông ta được tiếp đãi tử tế. Về sau, khi biết có 1 âm mưu nhằm ám sát một số tiểu vương của mình, Baybars bèn đày Shams al-Din và đồng bọn sang Ai -cập. Các lâu đài vẫn còn tiếp tục bị phong tỏa. Khawabi đổ trong năm đó, còn tất cả các lâu đài còn lại đều bị chiếm đóng vào năm 1273.

Khi đám Sát thủ thần phục Baybars, trong một thời gian ngắn đám bộ hạ tài ba của họ đều vào lọt tay ông này. Ngay từ đầu tháng 4 năm 1271, Baybars hăm dọa ám sát Chủ thành Tripoli. Vụ mưu sát Hòang tử Edward nước Anh vào năm 1272 và có lẽ vụ ám sát Philip xứ Montford tại Tyre vào năm 1270 thảy đều do Baybars xúi bẩy. Một số sử gia biên niên sau này còn nói đến việc Sultan Mamluk sử dụng các Sát thủ để trừ khử các đối thủ gây phiền hà, và nhà du hành người Moor tên là Ibn Battuta, vào thế kỷ 14, thậm chí còn mô tả được những vụ dàn xếp này. ‘ Khi Sultan muốn sai một người trong bọn họ đi giết kẻ thù, ông ta phải trả cho họ theo giá máu. Nếu thích khách sống sót sau khi hòan thành nhiệm vụ, hắn sẽ nhận tiền, còn nếu hắn bị bắt, con hắn sẽ nhận. Họ sử dụng dao có tẩm thuốc độc để hạ gục các nạn nhân được lựa chọn. Có khi mưu đồ không thành, và chính họ bị giết.

Những câu chuyện như vậy có lẽ là do thêm thắt nào là huyền thọai nào là ngờ vực nên cũng không mang mấy ý nghĩa như các câu chuyện kể tại phương tây sau này, về các vụ giết thuê đám vương hầu tại châu Âu do Sơn trung lão nhân thực hiện. Sau thế kỷ thứ 13, không còn có thêm vụ hành thích nào đúng nghĩa do các Sát thủ Syria thực hiện vì gíáo phái của mình. Từ đó về sau, giáo phái Ismaili chỉ còn là 1 nhóm nhỏ tà giáo tại Syria và Ba-tư, không gây được ý nghĩa quan trọng gì về chính trị. Các nhóm Ismaili tại Syria và Ba-tư đi theo những kẻ tiếm danh (claimant) và kể từ đó trở về sau không còn liên hệ gì với nhau nữa.

Vào thế kỷ 16, sau khi đế quốc Ottoman chiếm đóng Syria, những cuộc điều tra đất đai và dân số đầu tiên được trình cho những chủ nhân mới có ghi đầy đủ các qila al-da-wa - lâu đài truyền đạo – là một nhóm các làng mạc ở phiá tây Hama, bao gồm những trung tâm cũ và từng có tiếng tăm như Qadmus và Kahf, nơi mà dân cư là giáo đồ cuả một chi phái đặc biệt. Điểm khác biệt duy nhất của họ là phải trả một thứ thuế đặc biệt. Không có trang sử nào nhắc đến họ mãi cho đến đầu thế kỷ 19, khi có báo cáo là họ xung đột với các thủ lãnh, các nhóm dân kề cận và giữa bọn họ với nhau. Vào khoảng giữa thế kỷ 19, họ sống đời sống thôn dã bình dị trong các trung tâm vùng Aalamiyya, vốn là nơi định cư mới do họ khai phá từ sa mạc. Hiện nay, họ chỉ còn khoảng 50.000 người, một số người trong bọn họ, không phải toàn bộ, thừa nhận dòng Aga Khan là Imam.

 
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #65 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 12:37:04 am »

 
Chương 6
Mục đích và phương tiện


Nhóm Sát thủ không phát minh ra ám sát ; họ chỉ gắn tên của mình lên đó mà thôi. Mưu sát cũng cũ xưa như nhân loại ; hành động này đã được tượng trưng rõ ràng trong chương 4 của Sáng thế ký, khi kẻ giết người đầu tiên và nạn nhân đầu tiên là 2 anh em, cùng là con của người đàn ông và người đàn bà đầu tiên. Ám sát vì lý do chính trị xảy ra cùng với sự xuất hiện thẩm quyền chính trị - khi quyền hành được trao cho 1 cá nhân, và việc loại bỏ cá nhân này được coi như là 1 phương pháp nhanh chóng và đơn giản để thực hiện sự thay đổi chính trị. Thường thì những vụ mưu sát như thế là do động cơ cá nhân, phe nhóm hoặc triều đại - việc thay thế một cá nhân, một đảng phái hoặc 1 gia tộc bằng một cái khác để chiếm lấy quyền lực. Những vụ mưu sát như thế thường xảy ra tại các đế quốc và vương quốc chuyên quyền, cả phương Đông lẫn phương Tây đều có.

Đôi khi mưu sát được diễn đạt – do những người khác cũng như kẻ mưu sát – là 1 nghĩa vụ, và được biện mình bằng những lý luận tư tưởng. Nạn nhân là 1 kẻ độc tài hoặc là 1 kẻ thoán đoạt ; giết hắn là 1 đức hạnh, chứ không phải là 1 tội ác. Sự biện minh về mặt tư tưởng như thế có thể được diễn giải theo ngôn ngữ tôn giáo hoặc chính trị - mà trong nhiều xã hội, không có sự khác biệt nhiều giữa 2 từ này. Tại Athens cổ đại, 2 người bạn, Harmodius và Aristogeiton, bàn mưu giết tên độc tài Hippias. Họ chỉ giết được người em cùng nắm quyền hành của tên này, và rồi cả 2 đều bị ghép vào tội chết. Sau khi Hippias sụp đổ, họ trở thành những anh hùng công khai tại Athens, được ca tụng qua tượng đài và bài hát ; con cháu của họ được hưởng các đặc quyền và đặc lợi. Sự lý tưởng hoá hành động giết kẻ độc tài đã trở thành 1 đặc tính chính trị của Hi lạp và Rome, và được thể hiện qua những vụ mưu sát nổi danh nhắm vào vua Philip II xứ Macedon, Tiberius Grachus và Julius Caesar.

 Lý tưởng này xuất hiện trong đám dân Do thái, với các khuôn mặt như Ehud và Jehu, và gây ấn tượng sâu sắc nhất là trong câu chuyện nàng Judith xinh đẹp tìm cách vào lều của tên áp bức Holofernes rồi cắt đầu khi hắn đang ngủ. Sách về Judith được viết trong thời kỳ bị Hy lạp đô hộ, và đến nay chỉ còn lại ấn bản Hy lạp ; còn người Do thái, sau đó là tín đồ đạo Tin lành, cho là nguỵ tác. Tuy nhiên, truyện này cũng được đưa vào kinh của Giáo hội Ca-tô La Mã, và đã gợi hứng cho nhiều hoạ sĩ và điêu khắc Cơ đốc. Mặc dù Judith không có chỗ trong truyền thống tôn giáo Do thái, nhưng lý tưởng của 1 sát thủ mộ đạo mà nàng tiêu biểu vẫn còn tồn tại để gợi ý cho nhóm Sicarii - người mang dao găm- là một nhóm những người cuồng tín xuất hiện vào thời điểm thành Jerusalem thất thủ, và họ sẳn sàng tiêu diệt kẻ nào chống đối hoặc ngăn trở họ.

Giết vua - cả về mặt thực tế và lý tưởng - khá quen thuộc đã có ngay từ lúc bắt đầu lịch sử Hồi giáo về mặt chính trị. Trong 4 vị Caliph chính trực kế vị Đấng Tiên tri để lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo, thì 3 vị bị mưu sát. Vị Caliph thứ 2, Umar, khi biết mình bị 1 tên nô lệ Cơ đốc đâm vì thù oán cá nhân ; trước khi chết còn cám ơn Thượng đế đã không để cho ông bị đồng đạo giết. Nhưng niềm an ủi này lại không dành cho 2 người kế vị của ông là Uthman và Ali, cả 2 đều bị hạ gục bởi người Hồi giáo Ả-rập – Uthman là do 1 nhóm đứng lên làm binh biến, Ali là do 1 kẻ cuồng tín tôn giáo. Trong cả 2 vụ mưu sát, kẻ thủ ác đều tự cho mình là người giết bạo chúa, nhằm giải thoát cộng đồng khỏi ách cai trị của kẻ bạo ngược - và cả 2 đều tìm được người có cùng chung ý kiến.

Những vấn đề trở nên rõ hơn khi cuộc nội chiến trong phe Hồi giáo xảy ra sau cái chết của Uthman. Mu’awiya, thủ hiến Syria và là bà con của vị Caliph bị mưu sát, đòi phải trừng trị những kẻ giết vua. Còn Ali, người kế vị tước hiệu Caliph, lại không thể hoặc không muốn chấp hành, và những người ủng hộ Ali lại cho rằng không có tội ác nào cả, để biện minh cho hành động không can thiệp này. Họ cho rằng Uthman là kẻ áp bức, tội chết là để trừng trị, chứ không phải là mưu sát. Vài năm sau đó, nhóm cực đoan Kharjites cũng sử dụng lý luận này để biện minh cho hành động mưu sát Ali.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #66 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 12:38:00 am »

 Trong một chừng mực nào đó, truyền thống Hồi giáo thừa nhận nguyên tắc khởi loạn chính đáng. Khi người cầm quyền nắm các quyền lực chuyên chế, thì nguyên tắc này cũng nêu rõ rằng thần dân sẽ không có nhiệm vụ phục tùng khi sự cai trị này phạm tội ác, và ‘ không phải phục tùng kẻ đứng ra chống lại đấng Sáng tạo của mình.. Do không có qui trình nào để xác định tính chân thực của một mệnh lệnh, hoặc để thực hành cái quyền bất tuân một mệnh lệnh được coi là tội lỗi, cho nên phương cách hiệu quả nhất cho 1 thần dân có suy nghĩ là đứng lên chống lại nhà cầm quyền, và tìm cách khống chế hoặc lật đổ người này bằng vũ lực. Phương sách nhanh chóng để loại bỏ bạo chúa là ám sát. Nguyên tắc này thường được trưng ra để biện minh cho hành động của mình nhất là đối với nhóm nổi loạn theo phe phái tôn giáo.

Trên thực tế, sau cái chết của Ali và Mu’awiya lên cầm quyền, việc mưu sát các nhà lãnh đạo trở nên hiếm hoi, và những vụ mưu sát xảy ra thường là có tính chất thanh toán để dành quyền cho dòng họ hơn là do lý tưởng cách mạng. Ngược lại, phái Shi’a lại cho rằng chính các Imam của họ, và con cháu khác của Đấng tiên tri, bị giết là do các Caliph phái Sunni xúi bẩy ; tài liệu của họ nêu lên một danh sách dài các tử đạo vì Ali, đòi phải được trả nợ máu.

Khi cử các phái viên đi giết các kẻ bạo ngược và tay chân, nhóm Ismaili có thể viện dẫn một truyền thống Hồi giáo cũ. Đây là 1 truyền thống chưa bao giờ công khai, nhiều năm không được nhắc tới, nhưng lại có vai trò trong nhóm những chi phái cực đoan hoặc bất đồng ý kiến.

Lý tưởng cổ xưa về việc giết kẻ bạo ngược, 1 bổn phận tôn giáo nhằm giải phóng thế giới thoát khỏi kẻ cai trị độc ác, chắc chắn đã góp phần làm cho việc ám sát trở thành một thủ tục được nhóm Ismaili chọn lâý và đem ra áp dụng. Nhưng ý nghĩa còn nhiều hơn thế. Việc hạ sát nạn nhân không phải chỉ là 1 hành động mộ đạo ; mà còn mang tính chất nghi lễ, gần như mang tính tạ ơn thần thánh. Điểm đáng chú ý là trong tất cả các vụ mưu sát, tại Ba tư lẫn Syria, các Sát thủ luôn luôn sử dụng dao găm, không bao giờ dùng thuốc độc, không bao giờ sử dụng tên, đạn, mặc dù có thể trong nhiều tình huống sẽ trở nên dễ dàng và an toàn hơn. Hầu như luôn luôn các sát thủ đều bị bắt, và chính xác là họ không muốn trốn ; thậm chí có ý cho rằng thật là xấu hổ khi làm xong sứ mạng mà còn sống. Những lời nói của 1 tác giả châu Âu thế kỷ 12 tiết lộ :’ Khi người nào trong bọn họ được chọn để chết theo cách này... thì đích thân ông ta (tức là thủ lãnh) sẽ trao tận tay 1 con dao găm đã được ban phép thánh, có thể nói như vậy...

Đem con người ra làm vật hiến tế và giết người theo nghi thức (ritual murder) không hề có vị trí trong giáo luật Hồi giáo. Tuy nhiên cả 2 việc này đều có từ xa xưa và bắt rễ sâu trong các xã hội loài người, và có thể tái xuất hiện tại những nơi ít ai ngờ tới. Cũng như tục nhảy múa trong thờ cúng (dance-cult) thời cổ đại đã từng bị quên lãng, vì nó trái ngược với với truyền thống thờ phượng nghiêm khắc của đạo Hồi, lại tái hiện trong nghi thức xuất thần của các thầy tu Hồi giáo nhảy múa, cũng như những tục thờ cúng cái chết thời xa xưa lại tìm được cách diễn đạt mới trong hoàn cảnh Hồi giáo. Vào đầu thế kỷ thứ 8, các tác giả Hồi giáo cho biết là có một người tên Abu Mansur al-Ijli vùng Kufa, cho mình là Imam, và rao giảng rằng các điều khoản trong giáo luật có ý nghĩa tượng trưng, cho nên không cần phải theo đúng từng câu từng chữ. Thiên đàng và Địa ngục không hề tách rời nhau, mà chỉ là những lạc thú và bất hạnh của thế giới trần tục này. Các giáo đồ của ông này thực hiện việc giết người là làm theo bổn phận tôn giáo.

Những giáo thuyết – và thực hành- tương tự cũng được gán cho người cùng bộ tộc và người đồng thời của ông ta là Mughira b. Sa’id. Cả 2 nhóm đều bị nhà cầm quyền đàn áp. Điểm đáng chú ý là theo giáo lý, họ chỉ sử dụng 1 vũ khí duy nhất trong các nghi thức giết người. Một nhóm thì chỉ dùng thòng lọng để thắt cổ nạn nhân ; nhóm khác thì đập đầu nạn nhân bằng chày gỗ. Chỉ tới thời Madhi họ mới được phép sử dụng sắt thép. Cả 2 nhóm đều thuộc cánh cực đoan của nhóm cực đoan Shi’a. Điều gây ấn tượng sâu sắc là nhóm Ismaili sau này vừa coi trọng việc chống lại giáo lý chính thống (antinomianism) và vừa sùng bái vũ khí.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #67 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 12:39:19 am »

 Với vai trò là người gìn giữ các bí mật mầu nhiệm đối với kẻ mới điểm đạo, là người đưa đường giải thoát qua sự nhận biết vị Imam, là người mang đến lời hứa hẹn sẽ được cứu độ, được giải phóng khỏi những khổ ải của thế giới này và cái ách của luật pháp, nhóm Ismaili là một phần của 1 truyền thống lâu dài, có nguồn gốc từ thuở khởi đầu của đạo Hồi và xa xưa hơn nữa, và truyền đến chúng ta ngày nay - một truyền thống thờ phượng dân gian và tình cảm hoàn toàn trái ngược với 1 cơ sở tôn giáo có kiến thức và lệ luật đã thành nề nếp.

Đã từng có những chi phái và những nhóm như thế trước đám Ismaili nhưng chính họ là người đầu tiên tạo được một tổ chức hữu hiệu và bền bĩ. Thời đại nào cũng có. Những hội tương trợ mang tính tôn giáo xa xưa dành cho người nghèo và thấp cổ bé miệng đều nhỏ bé và tản mác, ít khi được các sử gia chú ý và ghi lại. Trong một xã hội bất an và xé thành nhóm nhỏ của chế độ Caliph sau này, con người tìm sự an ủi và bảo đảm trong những hình thức hội đoàn mới mạnh mẽ hơn ; những hình thức này càng ngày càng trở nên nhiều hơn, rộng rãi hơn, và đã chuyển biến từ nhóm dân cứ thấp kém đến tầng lớp giữa và thậm chí các tầng lớp cao hơn trong cộng đồng - mức cuối cùng là Caliph al-Nasir, người đã long trọng tham gia vào một trong những nhóm đó, cố gắng gắn kết các tổ chức này vào bộ máy chính quyền.

Những hội đoàn này có nhiều loại. Một số chủ yếu có tính khu vực, dựa theo thành phố hoặc khu phố, có các chức năng dân sự, cảnh sát hoặc thậm chí quân sự nữa. Trong một xã hội khi nghề nghiệp chỉ khu trú cho một nhóm chủng tộc, địa phương hoặc tôn giáo, thì một số hội đoàn này cũng có thể giữ vai trò kinh tế. Thường thì họ xuất hiện dưới hình thức hội đoàn của thanh niên, đủ các thứ bậc và nghi lễ nhằm đánh dấu thời điểm trở thành thiếu niên hoặc thành người lớn.

 Đa số là những băng đảng tôn giáo, là của đồ đệ của những bậc chí thánh đặt để cách thờ phượng cho họ noi theo. Những đặc trưng thường gặp là chấp nhận các tín niệm và thực hành của một tôn giáo dân gian nhưng lại bị phái chính thống bài bác ; hết lòng trung thành đối với các đồng đạo và tận tuỵ với thủ lãnh ; có 1 hệ thống khai đạo và thứ bậc giáo phẩm, qui định chi tiết qua các lễ nghi và biểu tượng. Phần lớn những nhóm này, dù có phần nào bất mãn nhưng không có hoạt động chính trị. Còn nhóm Ismaili, với các chiến thuật chiến đấu và mục đích cách mạng, mới có khả năng sử dụng hình thức tổ chức này nhiều lần toan tính lật đổ và thay thế cái trật tự hiện có. Cùng lúc đó, họ từ bỏ dần phần tinh tuý về triết học trong các giáo thuyết cũ của họ, và chấp nhận những hình thức của 1 thứ tôn giáo gần gũi với các tín lý phổ biến trong các tổ chức băng đảng. Theo các sử gia người Ba tư, nhóm Ismaili chấp nhận 1 lối sống gần như dòng tu kín ; thủ lãnh của họ không hề có phụ nữ kề cận.

Một mặt, trước nhóm Sát thủ chưa hề có tiền lệ - về việc sử dụng khủng bố có kế hoạch, có hệ thống và mang tính lâu dài như là 1 thứ vũ khí chính trị. Những tên thắt cổ tại Iraq, tương đương với bọn thugge ở Ấn độ, có đôi chút liên hệ với họ, chỉ là những tay giết người cỏn con, đơn lẻ.

Những mưu sát chính trị trước đó, dù lắm tăm tiếng, cũng chỉ là tác phẩm của các cá nhân, hoặc cùng lắm cũng chỉ do những nhóm nhỏ các tay âm mưu mà mục đích và hiệu quả đều hạn hẹp. Về kỷ năng ám sát và mưu mô, nhóm Sát thủ có vô số các tiền bối ; thậm chí trong việc hoàn thiện để đưa ám sát thành 1 nghệ thuật, 1 nghi lễ, và 1 trách vụ, tất cả đều được dự kiến hoặc xếp đặt trước. Nhưng họ mới chính là những kẻ khủng bố đầu tiên. Một thi sĩ của nhóm Ismaili viết :’ Này các anh em, khi thời điểm chiến thắng đã tới, với những ân thưởng lớn trong đời này và đời sau, một chiến binh đi chân đất đơn độc cũng có thể làm cho 1 ông vua hoảng sợ, dẫu cho có hàng ngàn binh mã chung quanh.’.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #68 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 12:40:55 am »

 Đúng vậy. Qua bao thế kỷ, nhóm Shi’a đã phung phí quá nhiều nhiệt tình và máu vì các Imam của họ nhưng đều vô ích. Có biết bao cuộc nổi lọan, từ một nhóm nhỏ những kẻ cuồng sản tự hành hạ thân xác đến những cuộc hành quân chuẩn bị kỹ càng. Đa số đều bị thất bại, đều bị phá tan bởi quân đội của nhà nước và 1 trật tự mà họ không đủ sức lật đổ. Thậm chí, sự thành công của một số rất ít cũng không giải phóng được cái xúc động dâng trào của họ. Thay vào đó, thì những kẻ chiến thắng, vốn được cộng đồng Hồi giáo tin tưởng giao phó quyền lực và vai trò lãnh đạo, lại trở mặt và giết chóc chính những người đã ủng hộ họ.

Hasan-i Sabbah biết rằng lời rao giảng của mình không thể thắng được tính chính thống thâm căn cố đế của Hồi giáo Sunni - rằng các giáo đồ của mình không thể đọ sức và đánh bại được sức mạnh vũ trang của nhà nước Seljuq. Những người đi trước ông ta đã từng trút nổi căm giận của họ bằng bạo lực xốc nổi bằng bạo lọan vô vọng, hoặc nhẩn nhục chịu đựng. Hasan đã tìm ra một đường lối mới, chỉ cần 1 lực lượng nhỏ, có kỹ luật và tận tụy, có thể tấn công hiệu quả vào kẻ thù lớn mạnh. Một chuyên gia thời nay cho biết : ’ Hành động khủng bố do 1 tổ chức nhỏ thực hiện nhưng lại được nuôi dưỡng bằng 1 chương trình lâu dài gồm các mục tiêu có qui mô lớn mà từ đó người ta viện dẫn để tạo nên sự khiếp sợ. Đây là phương pháp Hasan chọn lựa – phương pháp do chính ông ta tạo ra.

Joinville kể lại như sau khi nói về một thủ lãnh Ismaili tại Syria :’ Sơn trung Lão nhân cống nạp cho các Hiệp sĩ dòng đền Thánh và dòng Nhà thương vì 2 dòng này chẳng có việc gì phải sợ nhóm Sát thủ bởi lẽ Lão nhân sẽ chẳng được lợi lộc gì nếu hành thích Vị Thủ lãnh dòng đền Thánh hoặc dòng Nhà thương ; Lão nhân biết rất rõ rằng nếu giết đi một người, thì sẽ có một người khác cũng giỏi dang như thế lên thay ngay, chính vì vậy mà Lão nhân không muốn mất người để chẳng đạt được cái gì cả . 2 dòng tu hiệp sĩ này là những định chế chặt chẽ, có cơ cấu, thứ bậc và sự trung thành theo qui cũ, cho nên sẽ không hề hấn gì nếu xảy ra ám sát ; chính do thiếu những tính chất này nên 1 quốc gia Hồi giáo cô lập, với cơ cấu quyền lực độc đóan, tập trung dựa trên lòng trung thành của cá nhân, vốn dễ thay đổi, sẽ là cái đich thường xuyên của các vụ ám sát.

Hasan có tài năng chính trị đặc biệt khi nhận ra sự yếu kém này của các vương triều Hồi giáo. Ông ta cũng chứng tỏ có nhiều tài năng về quản lý và chiến lược khi lợi dụng thiên tài này để thực hiện các cuộc tấn công tạo khiếp sợ.

Để dựng nên một chiến dịch tạo ra sự khiếp sợ kéo dài cần phải có 2 yêu cầu - tổ chức và ý thức hệ. Phải có 1 cơ cấu tổ chức có khả năng tấn công và chịu đựng được phản công ; phải có 1 hệ thống tín niệm - mà tùy nơi tùy lúc chỉ có thể là 1 tôn giáo - để luôn thúc dục người làm nhiệm vụ tấn công sẳn lòng liều chết.

Đã tìm ra cả 2 điều kiện đó. Tôn giáo của phái Ismaili được cải cách, với các hồi ức về lòng nhiệt thành và tử vì đạo, với những lời hứa hẹn về cõi viên mãn thần thánh và nhân gian, là 1 chính nghĩa tạo ra phẩm giá và can đảm cho những ai theo nó, và đã gợi mở một sự sùng bái chưa hề có trong lịch sử lòai người. Đó là lòng trung thành của các Sát thủ, những người sẵn sàng xả thân liều chết cho Chủ nhân, lần đầu tiên gây được sự chú ý của châu Âu, khiến cho tên của họ đồng nghĩa với với sự trung thành và sự quên mình trước khi đồng nghĩa với từ giết người.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #69 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 12:41:52 am »

 Công việc của Sát thủ là cả một sự tính toán lạnh lùng, cũng như nhiệt thành một cách cuồng tín. Một số nguyên tăc khá rõ ràng. Chiếm lĩnh các lâu đài - một số vốn là hang ổ của các thủ lãnh lục lâm - đã giúp cho họ có được các cứ địa an tòan ; còn qui luật bí mật - dựa theo giáo thuyết taqiyya cũ - giúp cho họ giữ được an ninh và đòan kết. Sự nghiệp của bọn khủng bố dựa trên hành động tôn giáo và chính trị. Các giáo sĩ truyền đạo nhóm Ismaili tìm được chỗ dựa trong dân chúng thôn quê và thành thị ; các phái viên nhóm Ismaili tìm đến các giáo đồ Hồi giáo có địa vị cao, những người này vì sợ hãi hoặc do tham vọng cho nên trở thành đồng minh tạm thời của họ.

Những liên minh như thế đặt ra một vấn đề lớn liên quan đến nhóm Sát thủ. Trong số hàng chục các vụ hành thích được ghi chép tại Iran và Syria, có một số khá lớn được coi như phe thứ 3 đứng ra xúi bẩy, thường là bằng tiền bạc hoặc những thứ cám dỗ khác. Đôi khi câu chuyện chỉ dựa vào lời thú tội của những tên thích khách bằng xương thịt, bị bắt và bị tra hỏi.

Rõ ràng là những tay Sát thủ, là những tín đồ mộ đạo của của 1 sự nghiệp tôn giáo, không phải chỉ là những tên cắt họng thuê có trang bị dao găm. Họ có mục tiêu chính trị riêng ; việc thiết lập chức Imam chân chính, và cả họ lẫn thủ lãnh của họ đều không phải là công cụ phục vụ cho tham vọng của kẻ khác. Tuy nhiên, những câu chuyện dai dẵng và phổ biến về sự toa rập có liên quan đến những cái tên như Berkyaruq và Sanjar ở phương Đông, Saladin và Richard tim sư tử ở phương Tây, cần có lời giải thích.

Một số các câu chuyện này được nhiều người biết bởi vì đã xảy ra. Nhiều lúc nhiều nơi, có những con người đầy tham vọng muốn tìm sự trợ giúp của những kẻ cực đoan hung hãn ; có thể họ không chung tín niệm, và thậm chí cũng chẳng ưa gì nhau nhưng họ nghĩ có thể lợi dụng với hy vọng, thường là nhầm, rằng họ có thể dứt bỏ được những đồng minh đáng sợ này khi đã thực hiện xong mục đích. Đó là trường hợp của Ridwan ở Aleppo, một vương thân dòng Seljuq, đã không chút ngại ngùng khi chuyển sự trung thành từ phái Sunni sang dòng Fatimid, và sau đó lại đón nhóm Sát thủ vào thành, dùng họ để chống lại đồng bào và các bề trên của mình.

 Đó là trường hợp của các vizier đầy mưu mô tại Isfahan và Damascus, những người cố sử dụng quyền lực và khủng bố của nhóm Sát thủ như bước đệm để tiến thân. Đôi khi động cơ của họ chỉ nhằm gây khiếp sợ hơn là tham vọng - như trường hợp vị vizier của Khorasmshah Jalal al-Din, sợ hãi một cách bệnh họan, theo lời Nasawi tả lại. Các quân nhân và Sultan, cũng như các vizier, có thể vì quá sợ hãi nên phải đồng lõa, và có nhiều câu chuyện đầy ấn tượng cho biết về tài năng và tính gan dạ cuả bọn Sát thủ dường như nhằm mục đích biện giải một số thỏa thuận ngầm giữa 1 bậc quân vương mộ đạo dòng Sunni và các nhà cách mạng phái Ismaili.

Còn động cơ của những người như Sanjar và Saladin lại có phần phức tạp. Cả 2 đều có nhượng bộ đối với nhóm Sát thủ ; nhưng cả 2 đều không phải chỉ vì sợ hãi hoặc tham vọng cá nhân. Cả 2 đều dấn thân vào những việc to lớn - Sanjar muốn phục hồi chế độ Sultan dòng Seljuq và bảo vệ Hồi giáo khỏi những kẻ vô đạo đến từ phương Đông, Saladin thì muốn làm sống lại sự thống nhất trong dòng Sunni và đánh đuổi bọn xâm lược Cơ đốc đến từ phương tây. Cả 2 đều phải nhận ra một chân lý - sau khi họ chết, vương quốc của họ sẽ sụp đổ và các kế họach của họ không đem lại kết quả nào. Họ cảm nhận rõ rằng hợp lý khi nhượng bộ tạm thời đối với một kẻ thù ít đáng sợ hơn về sau này, nhằm bảo đảm sự an tòan cá nhân, và có cơ may hòan thành đại nghiệp của họ là chấn hưng và bảo vệ Hồi giáo.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM