Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:55:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử những kẻ sát thủ  (Đọc 42185 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #50 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2010, 10:19:05 pm »

 Lời cảnh báo không hề thừa. Sứ thần Ismaili đi dự Đại Hội tại Mông cổ bị đuổi về, và viên tướng Mông cổ tại Iran báo cho Đại Hãn biết rằng 2 kẻ thù cứng cổ nhất của Ngài là Caliph và nhóm Ismaili. Tại Karalorum, các biện pháp được triển khai để bảo vệ Đại Hãn tránh khỏi những cuộc tấn công do các đặc nhiệm Ismaili. Khi Hulegu dẫn quân chinh phạt đến Iran vào năm 1256, thì mục tiêu đầu tiên của ông ta là các lâu đài của nhóm Ismaili.

Thậm chí trước khi đến nơi, quân Mông cổ tại Iran, có sự tiếp tay của Hồi giáo đã tung các cuộc tấn công vào các cứ điểm Ismaili tại Rudbar và Quhistan, nhưng chỉ đạt được một số thành công hạn chế. Mũi tiến công vào Quhistan bị đẩy lùi vì nhóm Ismaili phản công, còn vụ đột kích vào pháo đài lớn tại Girdkhu thì thất bại hoàn toàn. Khi cố thủ trong lâu đài, nhóm Ismaili có được lợi thế là có thể cầm cự lâu dài với các đợt tấn công của quân Mông - nhưng vị Imam mới lại có quyết định khác.

Một trong những vấn đề mà Ruhn al – Din Khurshah không cùng ý với cha mình là chống lại hoặc cộng tác với quân Mông cổ. Khi lên nắm quyền, Ruhn ra sức hoà hoãn với các nước Hồi giáo láng giềng ; ‘ không giống như người cha, ông ta bắt đầu xây dựng nền móng thân hữu với những nước này. Ông ta cũng gởi sứ giả đến khắp các tỉnh ra lệnh người dân phải hành sử đúng tư cách người Hồi giáo và giữ cho giao thương thông suốt.” Sau khi bảo vệ được vị trí của mình trong nước, ông ta gởi 1 sứ giả đến gặp chỉ huy quân Mông cổ tại Hamadan là Yasa’ur Noyan, mang theo các chỉ thị là rằng khi cờ tới tay, ông ta sẽ hết lòng tuân phục và sẽ cạo sạch lớp bụi bất mãn ra khỏi sắc mặt trung thành .

Yasa’ur khuyên Ruhn al-Din đích thân đến thần phục Hulegu và vị Imam phái Ismaili hoà hoãn bằng cách cử người em là Shahanshah đi thay. Quân Mông cổ thử đưa quân vào Rudbar, nhưng lại bị nhóm Ismaili cố thủ trong các vị trí hiểm yếu đẩy lùi, cho nên chúng chỉ đốt phá mùa màng rồi rút lui. Trong khi đó, những cánh quân Mông khác lại tấn công vùng Quhistan và chiếm được nhiều trung tâm Ismaili.

Hài lòng vì gặp được Shahanshah, giờ đây Hulegu lại gởi đến 1 sứ điệp mới. Chính bản thân Ruhk al -Din không mắc lỗi gì ; nếu ông ta phá bỏ các lâu đài, đích thân đến xin thần phục, thì quân đội Mông cổ sẽ tha cho lãnh địa của ông ta. Vị Imam kéo dài thời gian. Ông ta cho triệt hạ một số lâu đài, nhưng với Alamut, Maymundiz và Lamasar, chỉ cho tháo dỡ tượng trưng, và xin hoãn lại một năm sau mới đến chầu.

 Cùng lúc đó, ông ta gởi lệnh đến các thủ hiến tại Girdkuh và Quhistan " đích thân đến trình diện trước nhà vua và bày tỏ lòng trung thành và sự tuân phục của mình ‘. Điều này thì họ làm - nhưng lâu đài ở Girdkuh vẫn nằm trong tay nhóm Ismaili. Hulegu lại gởi 1 thông báo cho Ruhn al-Din yêu cầu phải đến chầu tại Damavand lập tức. Nếu trong vòng 5 ngày mà chưa đến đó được, thì Ruhn phải gởi con mình đến đó trước.

Ruhn al-Din gởi đứa con trai đến - thằng bé mới 7 tuổi. Hulegu, có lẽ nghi ngờ rằng đây không phải là đứa con thực sự của Ruhn, cho nên trả về với lý do là cậu này còn bé quá, và gợi ý Ruhn nên cử 1 người anh em khác để thế thân cho Shahanshah. Trong lúc quân Mông cổ tiến gần đến Rudbar, và khi sứ giả của Rukn al –Din gặp được Hulegu, thì quân Mông phát hiện là Rukn chỉ còn có 3 ngày để cất bước.

Quân Mông cổ giáng 1 tối hậu thư :’ Nếu Rukn al-Din phá bỏ lâu đài Maymundiz và đích thân đến chầu Hoàng đế, thì ông ta sẽ được tiếp đãi tử tế và trân trọng phù hợp với đức khoan dung của người ; còn nếu ông ta không nhận ra hậu quả hành động của mình, chỉ có trời mới biết được việc gì sẽ xảy ra cho ông ta.’ Cùng lúc, quân Mông cổ vào được Rudbar và chia quân bố trí chung quanh các lâu đài. Đích thân Hulegu chỉ đạo vây hãm Myamundiz, nơi Rukn al-Din đang trú ngụ.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #51 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2010, 10:22:00 pm »

 Dường như trong nhóm Ismaili không thống nhất ý kiến, người thì cho rằng khôn ngoan thì nên đầu hàng và cố gắng tranh thủ Hulegu được chừng nào hay chừng nấy, người thì muốn chiến đấu đến cùng. Rukn al-Din rõ ràng là chọn ý thứ nhất, và theo đuổi chính sách này hẳn nhiên là theo lời khuyên của một số cố vấn như nhà chiêm tinh Nasir al- Din Tusi, người ôm hy vọng - và cũng có lý do - là sau khi đầu hàng, mình sẽ có cơ hội kết thân với quân Mông cổ và biết đâu sẽ vớ được chút ít sự nghiệp mới.

 Có người còn nói rằng chính Tusi đã khuyên vị Imam đầu hàng vì các ngôi sao báo hiệu điềm xấu – Tusi cũng là đặc sứ cuối cùng của Rukn al-Din rời lâu đài Maymundiz đến doanh trại của quân hãm thành để thương thuyết việc đầu hàng. Hulegu đồng ý tiếp nhận Rukn al-Din, gia đình, tuỳ tùng và tài sản. Như Juvayni ghi nhận ;‘ ông ta… cống nạp tài sản để tỏ lòng trung thành. Tài sản này không lớn như lời đồn, nhưng mà cũng gần như thế, tất cả đều được đem ra khỏi lâu đài. Hoàng đế đem phần lớn tài sản này phân phát cho quân đội của mình ‘.

Rukn al-Din được Hulegu tiếp đãi tử tế, thậm chí còn chìu theo những sở thích cá nhân của ông này nữa. Ông ta được tặng 100 lạc đà cái tốt vì bản thân thích lạc đà xứ Bactria. Món quà này cũng chưa đủ ; Rukn al-Din còn thích chọi lạc đà, và không chờ được đến khi chúng đẻ, ông ta đã sung công trước 30 lạc đà đực. Một đặc ân khác đáng chú ý hơn là ông ta được phép cưới 1 cô gái Mông cổ, người mà ông ta đâm lòng yêu và úp mở tuyên bố sẵn lòng nhường lại lãnh địa của mình.

Hulegu có lý do để quan tâm đến Rukn. Nhóm Ismaili vẫn còn giữ một số lâu đài, và có thể còn gây ra lắm phiền phức. Lời khuyên họ ra đầu hàng của vị Imam của nhóm Ismaili là 1 món hàng đáng giá đối với triều đình Mông cổ. Gia đình, đầy tớ tư trang và gia súc của vị này tất cả đều còn ở tại Qazvin ( những lời nhận xét của dân thành Qazvin không được ghi lại), và chính ông ta cũng tháp tùng Hulegu trong các cuộc chinh phạt sau này.

Rukn al-Din cố giữ lấy thân. Theo lệnh ông ta, phần lớn các pháo đài tại Rudbar, gần Girdkhh và tại Quhistan đều qui hàng, giúp cho quân Mông cổ khỏi phải tốn những chí phí khổng lồ và những rủi ro khi bao vây và tiến công. Có đến 100 pháo đài - chắc chắn là phóng đại. Có 2 pháo đài mà chỉ huy không chịu đầu hàng, không theo lệnh của chính vị Imam - có lẽ do họ tin rằng ông ta làm thế là vì bị ép. Đó là pháo đài Alamut và Lamasar, 2 căn cứ lớn tại vùng Rudbar.

 Quân đội Mông cổ bao vây cả 2, và sau một vài ngày thì chỉ huy pháo đài đổi ý. ‘ nhìn thấy những hậu quả của vấn đề và sự rủi may của số phần, phía quân đội cử 1 sứ giả đến xin tha mạng và xin giảm tội. Ruhn al –Din cũng lên tiếng xin dùm và Hòang đế sẳn lòng bỏ qua các lỗi lầm của họ. Vào vào cuối tháng Dhu’l –Qa’da (bắt đầu vào tháng 12 năm 12561256), tòan bộ phe đảng của cái đám vô luân và cái tổ của Satan ấy mang vác tất cả các hàng hóa và của cải xuống núi. 3 ngày sau quân đội mới trèo lên lâu đài và tịch thu tất cả những thứ sót lại do chúng không thể mang theo được. Họ phóng tay đốt rụi nhiều tòa nhà, san bằng mọi thứ và biến tất cả thành bụi bay trong gió . Lamasar cầm cự cho đến năm sau, và cuối cùng đến năm 1258 phải đầu hàng quân Mông cổ. Tại Girdkuh, nhóm Ismaili không thèm tuân lệnh Rukn al-Din, cố giữ pháo đài, mãi đến mấy năm sau sau đó mới chịu khuất phục.

Do hầu hết các lâu đài chịu đầu hàng, cho nên Rukn al-Din không còn tác dụng đối với quân Mông nữa ; việc các thành phố Lamasar và Girdkuh chống trả chứng tỏ rằng ông ta chẳng còn ích lợi gì. Các sĩ quan Mông cổ tại Qazvin nhận được lệnh phải giết cả gia đình và tùy tùng của Imam ; còn chính vị Imam, theo lời đề nghị của ông ta, phải đi đến kinh đô Mông cổ tại Karakorum để chầu, nhưng Đại Hãn lại không cho gặp.

Đại hãn nói ”Không cần phải dẫn ông ta đi quá xa như thế, bởi vì luật lệ của ta đã rõ.’ Hãy dẫn Rukn al-Din quay lại, cho hắn thấy các lâu đài còn lại đều đầu hàng và bị phá bỏ ; lúc ấy hắn mới được phép đầu hàng. Trên thực tế, ông ta không hề có cơ hội ấy. Trên đường quay về Ba-tư, đến chân rặng núi Khangay, ông ta được dẫn vào đường rẽ nói là để đi dự tiệc rồi bị giết.’ Ông ta và bọn tùy tùng bị đá cho đến khi mềm như bún rồi bị băm nát bằng kiếm, sau đó mọi vết tích bị thủ tiêu, và còn lại chăng chỉ là lời cuả người đời nhắc nhiều lần câu chuyện của ông ta và đồng bọn mà thôi ‘.

Việc tiêu diệt nhóm Ismaili tại Ba-tư không hòan tòan suôn sẻ như lời Juvayni. Các đồng đảng cho rằng, khi Rukn al-Din chết, người con kế vị và duy trì một chuỗi các Imam, mà cuối cùng là dòng họ Aga Khan xuất hiện vào thế kỷ 19. Nhóm Ismaili vẫn còn họat động trong một thời gian nữa, và thậm chí vào năm 1275 họ còn chiếm lại Alamut trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, chính nghĩa của họ không còn, và kể từ đó trở đi họ chỉ tồn tại như là 1 chi phái nhỏ tại các vùng nói tiếng Ba-tư, phân tán ở miền đông Ba-tư, Afghanistan và phần Trung Á thuộc Liên xô cũ. Tại Rudbar, họ không còn tăm dạng.

Sự tàn phá Alamut, và kết cục nhục nhã của thế lực Ismaili, đã được Juvayni mô tả một cách sống động.’ Trong hang ổ Alamut tại Rudbar của bọn tà giáo, sào huyệt của lũ giáo đồ tội lỗi của Hasan-i Sabbah… không 1 viên đá nào được giữ nguyên tại chỗ. Và tại nơi chưá chấp cái cải biến một thời phồn thịnh này, Đấng Hóa công Vĩnh cữu đã dùng cây bút bạo lực viết lên từng cánh cổng mỗi ngôi nhà câu thơ sau:” Trong những ngôi nhà vắng vẻ này chỉ toàn là đổ nát trống rỗng " [ Qur’an, xxvii,53]. Và tại chốn mua bán trong lãnh địa của những kẻ khốn khổ này, thầy tu báo giờ cầu nguyện (muezzin) có tên Định mệnh lớn tiếng rao " Hãy tránh xa những kẻ độc ác !”. " [ Qur’an, xxviii,43]. Đám phụ nữ bạc phước của họ, cũng giống như tôn giáo trống rỗng của họ, đều bị giết sạch. Và vàng của những kẻ điên khùng, lừa bịp 2 mặt này bên ngòai có vẻ như là vàng ròng nhưng thực ra chỉ là chì mà thôi.

‘ Ngày nay, nhờ cơ đồ rực rỡ của đức Hòang đế anh minh, nếu còn tên sát thủ nào lảng vảng tại nơi hoang vu hẻo lánh, thì hắn chỉ chăm chú công việc của đám đàn bà ; chỗ nào mà còn tên da’i tức là còn điềm chết chóc, và hãy bắt hết bọn rafiq làm nô lệ. Những kẻ tuyên giảng giáo lý Ismaili sẽ đền tội dưới lưỡi kiếm của Hồi giáo …Các bậc vua chúa người Hy lạp, người Frank, đã từng hết vía sợ đám người đáng nguyền rũa này, cam chịu nhục khi cống nạp cho họ, giờ đây có thể yên tâm kê gối cao mà ngủ. Và thảy các con dân của thế giới này, nhất là các tín đồ mộ đạo, đã được giải thóat khỏi những mưu toan xấu xa và những niềm tin uế tạp. Không những thế, tòan thể nhân lọai, sang hèn, cao thấp, đều chia sẻ niềm vui này. Câu chuyện của Rustam con của Dastan chỉ là một chuyện ngụ ngôn cổ tích khi đem so sánh với những việc này’

‘ Thế là thế giới từng bị ô uế bởi cái xấu nay đã được cạo rửa sạch sẻ. Khách lữ hành từ giờ trở đi sẽ tha hồ đi lại mà không phải lo sợ, không phải nộp tiền lộ phí, sẽ cầu nguyện cho công đức (còn tiếp tục) của đức vua nhân từ người đã nhổ sạch gốc rễ bọn chúng. Thật vậy, hành động này là tiên đơn chữa các vết thương đạo Hồi và chữa lành những hỗn lọan về đức tin. Hãy để cho những kẻ hậu sinh biết được mối nguy hại mà bọn chúng đã gây ra, sự hỗn loạn mà chúng gieo vào lòng người.

Ai đã từng hòa hoãn với họ, dù là vua chúa thời trước hoặc các nguyên thủ hiện thời, đều run sợ lo cho tính mạng của mình và [những ai ] chống đối họ, ngày đêm phải sống trong sợ hãi vì đám tay chân vô lại của chúng. Như ly nước bị đổ quá đầy thì phải tràn ; như thể ngọn gió đã hết trớn.’ Đây là lời cảnh báo dành cho những ai hồi tâm và xin Thượng đế cũng trừng trị như thế đối với tất cả những kẻ bạo ngược !
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #52 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 10:16:45 pm »

 
Chương 5
Sơn trung Lão nhân

Khi Hasan -i Sabbah còn đang cầm quyền tại lâu đài Alamut, và thông điệp của ông ta, bằng lời nói và bằng lưỡi gươm, được các sứ giả đem tới cho dân chúng và các vương hầu tại Iran, thì một nhóm thuộc hạ của ông ta lại cất bước băng qua vùng đất thù nghịch, để đến phía Tây. Đích đến là Syria ; mục đích là mang Lời giảng mới cho nhóm Ismaili cố cựu sống ở xứ này, và để mở rộng chiến tranh chống lại thế lực của dòng Seljuq, trải dài từ Tiểu Á cho đến biên giới Ai cập.

Lời giảng mới xuất phát từ Iran, và các tín đồ nhiệt thành đã đạt thành công lớn đầu tiên tại những vùng mang nền văn hóa và nói tiếng Ba- tư - miền tây và miền đông Ba-tư, và tại Trung Á. Đối với âm mưu thứ nhất muốn bành trướng về phía tây, Syria là lựa chọn đương nhiên của họ, còn Iraq, lại không có nhiều cơ hội tuy nằm sát phía Tây Ba-tư. Chắc chắn tại các thành phố ở Iraq đều có người cảm tình với nhóm Ismaili, nhưng các vùng thung lũng bằng phẳng có sông chảy qua vốn không thuận lợi mấy cho chiến thuật xâm nhập, cố thủ và tấn công của nhóm này.

Còn đối với Syria, là 1 vấn đề khác. Nằm giữa vùng núi Taurus và Sinai, Syria 1 vùng gồm nhiều núi và thung lũng, sa mạc xen nhau, là nơi sinh sống của nhiều sắc dân khác nhau, có truyền thống địa phương độc lập mạnh mẽ. Không giống như các xã hội có lối sống dựa trên sông ngòi-thung lũng tại Iraq và Ai-cập, Syria hầu như không có sự thống nhất chính trị. Tại đây lúc nào cũng có tình trạng phân rã - giữa các đặc trưng phe phái tôn giáo và địa phương, luôn trong tình trạng tái diễn xung đột và đổi thay. Mặc dù cùng nói tiếng Ả-rập, người Syria lại theo nhiều giáo phái và tín ngưỡng khác nhau, với nhiều nhóm theo đức tin của nhóm Shi’ite cực đoan.

Nhóm Shi’ite tiên khởi xuất hiện tại Syria vào thế kỷ thứ 8 ;vào khỏang cuối thế kỷ thứ 9 và đầu thế kỷ thứ 10, các Imam ẩn thân của nhóm Ismaili có thể an tâm dựa vào sự ủng hộ của dân đại phương để biến Syria thành cứ địa để đặt tổng hành dinh bí mật và trở thành nơi đầu tiên để dành thế lực. Việc hình thành chế độ Caliph dòng Fatimid tại Ai cập, rồi bành trướng sang châu Á, đã đưa Syria vào vùng ảnh hưởng của nhóm Ismaili vào cuối thế kỷ thứ 10 và thế kỷ 11, và mở cửa cho những tuyên truyền và giáo lý cuả nhóm Ismaili xâm nhập vào nước này.

Ngoài nhóm Ismaili công khai, còn có những giáo phái khác cũng có giáo thuyết gần giống như cuả nhóm Ismaili về mặt giáo lý và tầm nhìn (outlook), đã tạo nơi này thành một mảnh đất đầy hứa hẹn cho các sứ đồ từ lâu đài Alamut tới để tuyển người. Lấy một ví dụ như người Druze sống ở vùng núi Liban và các vùng phụ cận, họ vốn thuộc 1 chi phái Ismaili chống đối, mới vừa tách ra khỏi dòng chính, và cũng chưa lâm vào tình trạng cô lập ôm lấy những tập tục cũ như về sau này. Một nhóm khác cũng hứa hẹn cung cấp nhiều hỗ trợ đó là nhóm Nusayris, cũng còn gọi là nhóm Alawis, vốn là phái Shi’ite theo 12 Imam, nhưng lại nhiễm nhiều tư tưởng cực đoan. Tất cả đều lập cư tại vùng núi phía đông và đông-bắc Lattakia, và vào thời đó, họ cũng có mặt tại vùng hồ Tiberias và thung lũng sông Jordan.

Có thiên thời và có lẽ thêm địa lợi. Các nhóm người Thổ đầu tiên được biết đã nhập vào Syria vào năm 1064. Trong suốt những năm 70 thuộc thế kỷ 11, những nhóm người Thổ di dân tự do, và sau đó là quân đội chính qui người Seljuq đã tấn công nước này, và tiếp đến chiếm tòan bộ Syria, chỉ trừ dãi đất ven biển vẫn do dòng Fatimid giữ, chịu sự kiểm sóat của dòng Seljuq. Thủ lãnh của vùng này là Tutush, em của Đại Sultan Malikshah.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #53 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 12:18:50 am »

 Vào năm 1095, Tutush bị giết tại Ba-tư khi ra trận tranh giành chức vụ Sultan đầy quyền lực. Cái kiểu thức địa phương chủ nghĩa cọng với cái truyền thống tranh dành ngôi vị của người Seljuq đã làm cho lãnh địa của ông này nát bấy. Syria lại bị chia thành những tiểu quốc nhỏ, do các vương hầu và lãnh chúa người Seljuq cai trị ; quan trọng nhất trong số đó là mấy người con của Tutush, Ridwan và Duqaq, nắm giữ 2 thành phố Aleppo và Damascus đối nghịch nhau.

Chính vào thời điểm lọan lạc và đầy rẫy xung đột này, một lực lượng mới toanh xuất hiện – đó là quân Thập tự. Từ thành phố Antioch ở phía bắc, họ tiến nhanh dọc theo vùng bờ biển xứ Syria mà không gặp phải lực lượng nào đủ sức ngăn trở, sau đó họ thành lập 4 quốc gia Latinh tại Edessa, Antioch, Tripoli và Jerusalem.

Sự mở rộng quyền lực của dòng Seljuq sang phía Syria đã đem theo nhiều vấn đề liên quan đến sự thay đổi và áp lực xã hội vốn quen thuộc tại phương Đông. Ngỡ ngàng vì bị các quốc gia Latinh xâm lược và sự chinh phục đã làm cho người Syria càng thêm khốn khổ và thất vọng và đẩy họ vào hòan cảnh dễ gần với những kẻ mang thông điệp đem lại hy vọng đươc cứu chuộc - nhất là đối với những ai vốn đã mang các tín niệm sẵn sàng chấp nhận một thông điệp kiểu như thế.

Dòng Fatimid tại Cairo vẫn còn có các tín đồ tại Syria, là những người phái Ismaili theo Lời giảng cũ - nhưng do sự yếu hèn nhục nhã của chế độ tai Cairo không ngóc nổi đầu để chống trả sự đe dọa của bọn Thổ, hoặc bọn Latinh, cho nên họ phải chuyển sang phía nào tích cực, hiếu chiến hơn và cũng có phần dễ thành công hơn. Một nhóm Shi’ite và đa số nhóm Sunni dường như vẫn còn chung thủy với các những ràng buộc cũ ; nhưng cũng đã có nhiều người lại quây quanh lực lượng mới, có vẻ một mình cũng đủ sức đối đầu với những kẻ xâm lược và cai trị trong xứ.

Ngay từ lúc khởi đầu, các thuộc hạ của lâu đài Alamut tại Syria thử sử dụng các phương pháp tương tự và đã đạt được một số kết qủa giống như các đồng bọn của họ tại Ba-tư. Mục đích của họ là đánh chiếm hoặc bằng cách nào đó đọat được pháo đài làm căn cứ bàn đạp để phát ra các đợt khủng bố. Để đạt được cứu cánh này, họ tìm cách xúi giục và lèo lái lòng nhiệt tình của các tín đồ, nhất là tại các khu vực núi non ; cùng lúc, họ cũng không chê kiểu hợp tác bí mật với các vương hầu khi xét thấy cần đến một liên minh tạm thời và có mức độ mà cả 2 bên đều cần có.

Mặc dù được giúp đỡ như thế, và thỉnh thỏang cũng đạt được một số thành công, nhóm Ismaili nhận thấy rằng nhiệm vụ của họ tại Syria khó khăn hơn nhiều so với công việc tại Ba-tư - có lẽ phần nào vì họ là người Ba-tư phải làm việc trong một môi trường xa lạ. Sau ngót nửa thế kỷ hết sức quyết tâm, họ mới đạt được mục tiêu đầu tiên, và củng cố được 1 loạt các cứ điểm tại vùng trung tâm Syria, vùng rừng núi Jabal Bahra theo tên cũ, tức là Jabal Ansariyya ngày nay.

Các thủ lãnh của họ, theo như chúng ta biết được, thảy đều là người Ba-tư, được Alamut phái tới theo lệnh của Hasan-i Sabbah và những người kế vị sau này. Việc chiến đấu để tồn tại của họ chia ra làm 3 giai đọan chính. Trong 2 giai đọan đầu, chấm dứt vào các năm 1113 và 1130, họ họat động liên tục ở Aleppo và Damascus nhờ sự tiếp tay của thủ lãnh 2 thành phố trên, và họ cố gắng phát triển sang vùng lân cận. Cả 2 đợt đều thất bại tai hại. Trong suốt giai đọan 3 bắt đầu từ năm 1131, họ cũng chiếm được các cứ điểm mà họ cần, khi chiếm đươc rồi, họ ra sức củng cố.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #54 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 12:20:05 am »

 Lịch sử của nhóm Ismaili tại Syria, theo như các sử gia Syria ghi lại, chủ yếu chỉ là lịch sử những cuộc ám sát do họ chủ mưu. Câu chuyện bắt đầu vào ngày 1 tháng 5 năm 1103, với vụ ám sát đầy tai tiếng nhắm vào Janah al-Dawla, thủ lãnh thành Homs, tại giáo đường trung tâm thành phố xảy ra vào ngày thứ sáu cầu nguyện. Các tay sát thủ người Batư, giả dạng làm tu sĩ dòng Sufis, nhào tới tấn công ông này theo tín hiệu của 1 tên Shaykh đi cùng. Trong lúc hỗn lọan, nhiều người bị giết trong đó có bọn tùy tùng của Janah al-Dawla, và những tên thủ ác. Điều đáng chú ý là, sau vụ này, phần lớn người Thổ sống tại Homs bỏ chạy sang Damascus.

Janah al-Dawla là kẻ thù của Ridwan, thủ lãnh Seljuq tại Aleppo, và đa số các nhà chép sử biên niên đều nhất trí rằng Ridwan có nhúng tay vào vụ mưu sát. Đầu đảng của nhóm hashishiyya hoặc Sát thủ (Assassin), như tên gọi bọn chúng tại Syria, là tên al-Hakim al-Munajjin, là " nhà chiêm tinh kiêm thầy thuốc ‘. Ông này cùng với bạn bè từ Ba tư tới và lập nghiệp tại Aleppo. Họ được Ridwan cho phép hành đạo và rao giảng giáo lý tôn giáo của họ tại đây, và họ lấy thành phố này làm bàn đạp cho các hoạt động khác. Aleppo có sẵn những lợi thế mạnh cho các Sát thủ. Trong thành phố có nhiều người theo phái Shi’ite thờ 12 Imam, và thuận lợi hơn nữa là gần gũi với những khu vực Jabalal-Summaq và Jabal Bahra’ nơi có nhóm Shi’ite cực đoan. Nhờ sự lơ là với các trách vụ tôn giáo của Ridwan, nên nhóm Sát thủ mới có khả năng huy động các nhân tố mới để bù đắp cho sự yếu kém về quân sự so với các đối thủ tại Syria.

Vị " chiêm tinh gia kiêm thầy thuốc " chỉ chết sau Janah al-Dawla 2 hoặc 3 tuần, và sau đó được một người Ba-tư khác tên là Abu Tahir al-Sa’igh, thợ kim hòan, kế vị làm thủ lãnh nhóm Sát thủ. Abu Tahir, cũng được Ridwan ưu ái và cho tự do hành động tại Aleppo, tìm cách chiếm lấy các điểm chiến lược tại vùng núi ở phía nam thành phố. Dường như ông này được dân địa phương giúp đỡ cho nên chiếm giữ được 1 vài vị trí, dù chỉ trong thời gian ngắn.

Theo tài liệu thì đợt tấn công đầu tiên xảy ra vào năm 1106 nhằm vào thành Afamiya. Thủ thành này là Khalaf ibn Mula’ib, 1 người Shi’ite, có lẽ cũng thuộc nhóm Ismaili - nhưng gốc tích ở Cairo, không thuộc lâu đài Alamut. Vào năm 1096, ông ta giành được Afamiya từ tay Ridwan, và tìm cách biến thành phố này thành một căn cứ bàn đạp để tiến hành việc cướp bóc rộng rãi hơn. Các sát thủ cho rằng Afamiya sẽ dễ dàng đáp ứng các yêu cầu của họ, và Abu Tahir bèn nghĩ ra 1 kế họach giết Khalaf và đọat lấy thành trì của ông này. Một số dân chúng trong thành Afamiya là nhóm Ismaili tại chỗ, và thông qua Abu’I-Fath, thủ lãnh của họ, vốn là 1 quan tòa của thành Sarmin kế cận, cũng biết được âm mưu.

Một nhóm gồm 6 sát thủ từ Aleppo đến để thực hiện vụ tiến công ’. Từ Aleppo tới Afamiya, họ dắt theo 1 con ngựa, 1 con lừa và quân phục, gồm 1 bộ khiên và giáp của người Frank, và nói với Khalaf …” Chúng tôi đến để xin được phục vụ cho ngài. Giữa đường gặp 1 hiệp sĩ người Frank, chúng tôi giết hắn và giờ đây chúng tôi xin dâng lên ngài ngựa, lừa và quân phục của hắn.” Khalaf tiếp đón họ tử tế, và thu xếp cho họ ở trong thành Afamiya, trong một căn nhà sát bờ thành. Bọn họ đào 1 cái lổ xuyên qua tường và hẹn hò với đồng bọn Afamiya … để bọn này chui qua lổ ấy mà vào bên trong. Rồi họ giết chết Khalaf, chiếm được lâu đài Afamiya.’ Việc này xảy ra vào ngày 3 tháng 3 năm 1106. Chẳng bao lâu sau, đích thân Abu Tahir từ Aleppo tới để nắm quyền.

Vụ tấn công Afamiya, dù thoạt đầu đầy hứa hẹn nhưng lại không thành công. Tancred, là vương hầu tham gia Thập tự chinh đóng tại Antioch, tức là ở sát bên, nhân cơ hội này tấn công vào Afamiya. Có vẻ ông ta nắm rõ tình hình, và dẫn theo 1 tù nhân chính là em của Abu’l-Fath thành Sarmin. Thoạt tiên, ông ta đồng ý bắt bọn Sát thủ cống nạp và cho phép họ giữ thành Afamiya, nhưng đến tháng 11 năm đó, ông ta quay lại và ra lệnh bao vây thị trấn buộc họ phải đầu hàng. Abu’l-Fath của thành Sarmin bị bắt và bị tra tấn cho đến chết ; Abu Tahir và đồng bọn bị bắt cầm tù, nhưng được phép nộp tiền chuộc để về Aleppo.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #55 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 12:21:23 am »

 Lần đụng độ đầu tiên này của các Sát thủ với quân Thập tự, và cay đắng thay khi 1 kế họach được chuẩn bị kỹ lại bị 1 vương hầu cuả quân Thập tự phá hỏng, nhưng dường như không xoay chuyển mục tiêu của nhóm Sát thủ từ Hồi giáo sang Cơ đốc. Cuộc chiến đấu chính của họ chỉ nhằm vào các thủ lãnh, chứ không phải là kẻ thù của Hồi giáo. Mục đích trước mắt của họ là chiếm lấy 1 căn cứ, của ai cũng được ; còn mục đích lớn hơn là nhằm lật đổ nơi nào có quyền lực của dòng Seljuq.

Vào năm 1113, họ làm được cú đảo chánh nhiều tham vọng nhất chưa từng có - đó là vụ ám sát tại Damascus nhằm vào Mawdud, tiểu vương dòng Seljuq vùng Mosul, tư lệnh lực lượng viễn chính phía đông, người đã đem quân đến Syria với lý do bề ngòai để giúp cho người Hồi giáo tại đây chống lại quân Thập tự. Nhưng đối với các Sát thủ, một cuộc viễn chinh như thế quả là một mối nguy thực sự. Mà cũng chẳng phải chỉ riêng họ mới sợ. Năm 1111, khi Mawdud đem quân đội đến Aleppo, Ridwan đã cho đóng sập cửa thành không để họ vào, và các sát thủ đã đứng về phía ông ta. Theo nguồn tin ngồi lê đôi mách thời ấy, từ cả 2 nguồn Hồi giáo và Cơ đốc, đều cho rằng vụ mưu sát Mawdud có sự tiếp tay của Phó vương Hồi giáo tại Damascus.

Mối nguy trước ảnh hưởng của dòng Seljuq ở phía đông đối với với nhóm Sát thủ càng ngày càng rõ hơn khi Ridwan, người bảo trợ của họ chết vào ngày 10 tháng chạp năm 1113. Dân chúng tại Aleppo càng ngày càng trở có ác cảm với các họat động ám sát của họ tại đây, và vào năm 1111, sau vụ mưu sát không thành một người Ba-tư giàu có đến từ phương Đông, người này vốn chống nhóm Ismaili ra mặt, đã làm cho dân chúng ở đây nhất tề nổi lên chống lại bọn họ. Sau khi Ridwan chết, con là Alp Arslan lúc đầu theo chính sách của cha, thậm chí còn nhường cho họ 1 lâu đài nằm trên đường đi Baghdad. Nhưng chẳng bao lâu lại có phản ứng.

 Đại Sultan dòng Seljuq là Muhammad gởi cho Alp Arslan 1 bức thư cảnh báo về cái họa Ismaili và khuyên ông này nên ra tay tiêu diệt chúng. Trong thành, thủ lãnh thị dân và chỉ huy quân tự vệ là Ibn Badi’, chộp lấy ý này, và thuyết phục thủ lãnh cho phép áp dụng những biện pháp mạnh. ‘ Ông ta cho bắt và giết Abu Tahir thợ kim hòan cùng với viên da’i tên là Isma’il, và người em của nhà chiêm tinh-thầy thuốc, và những tay cầm đầu của chi phái này tại Aleppo. Khỏang 200 tên bị bắt, một số bị bỏ tù, tài sản bị tịch thu. Một số được can thiệp xin tha, một số được thả, một số bị ném từ trên đỉnh pháo đài xuống đất cho chết, một số bị giết. Số còn lại trốn thóat, trôi dạt khắp vùng.

Dù bị thoái trào, và chưa kiếm được một lâu đài để làm cứ điểm lâu dài, nhưng sứ mạng của nhóm Ismaili Ba-tư cũng không hẳn quá bết bát trong thời gian Abu Tahir cầm quyền. Họ đã liên lạc với các cảm tình viên người địa phương, hình thành liên minh giữa nhóm Sát thủ với các nhóm Ismaili khác cùng với những nhóm Shi’ite cực đoan thuộc nhiều chi phái tại Syria. Họ có chỗ dựa quan trọng tại vùng Jabal al-Summaq, vùng Jazr, vùng Banu Ulayn- tức là vùng lãnh thổ có tầm chiến lược nằm giữa Shayzar và Sarmin. Họ xây dựng được những hạt nhân hỗ trợ tại nhiều nơi ở Syria, nhất là dọc theo con đường liên lạc hướng về phía đông chạy đến tận Alamut.

 Các đô thị trên dòng Euphrates nằm về phía đông Aleppo đã từng là hang ổ của các nhóm Shi’ite cực đoan thời trước và về sau này, và mặc dù không có bằng chứng trực tiếp chứng tỏ chúng có hoạt động trong những năm đó, nhưng người ta có thể tin chắc rằng Abu Tabir không hề bỏ qua khi có cơ hội. Điều đáng chú ý là ngay từ mùa xuân năm 1142, một lực lượng chừng 100 tên Ismaili từ Afamiya, Sarmin và các nơi khác lại bất ngờ tấn công chiếm được thành Sarmin của người Hồi giáo, khi quan thủ thành này cùng bộ hạ đi ra ngoài dự hội nhân ngày lễ Phục sinh của người Cơ đốc. Ngay sau đó đã xảy 1 cuộc phản công giáng trả, đẩy lùi và tiêu diệt bọn chiếm thành.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #56 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 12:22:39 am »

 Thậm chí tại Aleppo, mặc dù đã thất bại vào năm 1113, nhóm Sát thủ cũng còn lưu được một vài dấu ấn. Vào năm 1119, kẻ thù của họ là Ibn Badi’ bị đuổi ra khỏi thành phố và chạy về Mardin ; nhóm Sát thủ đón lỏng và giết được ông này cùng với 2 đứa con trai tại chỗ vượt sông Euphrates. Năm sau họ đòi một thủ lãnh phải giao 1 lâu đài, ông này tuy không muốn nhưng lại sợ trả thù, bèn giả vờ cho phá hủy vội vàng như thể lệnh phá hủy đã đưa ra từ trước. Mấy năm sau, viên sĩ quan thực hiện việc phá hủy này bị ám sát. Đến năm 1124 thì ảnh hưởng của nhóm Ismaili tại Aleppo không còn nữa, khi thủ lãnh mới của thành phố này bắt giam người đại diện của viên da’i chính và trục xuất các tay chân của ông ta, bọn này bán tống bán tháo tài sản rồi bỏ đi.

Vào thời đó, người đại diện mới là thủ lãnh thực sự nhóm Ismaili tại Aleppo chứ không phải viên da’i chính. Sau khi Abu Tahir bị hành quyết, người kế nghiệp là Bahram, đưa các họat động chính của phái này về phía nam, và chẳng bao lâu sau đó thâu tóm được quyền hành tại Damascus. Cũng như người tiền nhiệm, Bahram là 1 người Ba-tư, là cháu họ của al-Asadabadi, người bị xử tử tại Baghdad vào năm 1101.

Trong một thời gian dài ‘ ông ta sống ẩn dật và hầu như hòan tòan bí mật, luôn cải trang kín đến mức khi đi từ thành phố này sang thành phố khác, từ lâu đài này sang lâu đài khác, không hề để lộ lý lịch ’. Chắc hẵn ông ta có nhúng tay vào vụ mưu sát Bursuqi, là thủ hiến Mosul, tại 1 giáo đường thành phố vào ngày 26 tháng 11 năm 1126. Có đến ít nhất 8 tay sát thủ người Syria, cải trang thành thầy tu khổ hạnh, nhào vô đâm Bursuqi. Sử gia thành Aleppo là Kamal al-Din Ibn al-Adim kể lại 1 câu chuyện khá thú vị :” Tất cả các thích khách đều bị giết chỉ trừ 1 thanh niên quê tại Kafr Nasih, thuộc thị trấn Azaz (phía bắc Aleppo) thóat được mà không hề hấn gì. Bà mẹ cậu này khi nghe Bursuqi bị giết và bọn thích khách cũng bị giết, và biết rằng trong số đó có con trai mình, lấy làm mừng rỡ, lấy dầu kohn bôi lên mí mắt ; nhưng vài ngày sau khi thấy đứa con trai trở về an lành, bà ta nắm lấy tóc mà giựt và bôi đen cả mặt mình.’

Cũng từ năm đó, năm 1126, mới có các báo cáo đầu tiên cho biết về sự hợp tác giữa nhóm Sát thủ và Tughtigin, thủ lãnh người Thổ tại Damascus. Vào tháng giêng, theo sử gia biên niên người Damascus là Ibn al-Qalanisi, các băng nhóm Ismaili từ Homs và các nơi khác, nổi tiếng là can đảm và mã thượng, đã gia nhập đội quân của Tughtigin, tấn công vào quân Thập tự nhưng không thành công. Vài năm trước, Bahram xuất hiện công khai tại Damascus qua thư giới thiệu của Il-Ghazi, là thủ lãnh của thành Aleppo. Ông ta được tiếp đón nồng hậu tại Damascus, và chẳng bao lâu, nhờ sự che chở chính thức đó đã kiếm được 1 vị trí nhiều quyền lực. Theo chiến lược được thừa nhận của giáo phái, đầu tiên ông ta đòi lấy 1 lâu đài ; Tughgitin nhường cho ông ta pháo đài Banyas, nằm trên biên giới với Jerusalem, vương quốc Latinh. Nhưng vẫn chưa đủ.

 Ngay chính tại Damascus, bọn Sát thủ cũng được tặng 1 tòa nhà, khi thì gọi là "dinh” khi thì gọi là " nhà công vụ " để họ đặt tổng hành dinh. Sử gia biên niên thành Damascus cho rằng người mắc sai lầm chính trong những vụ việc này là al-Mazdagani, vị vizier, vị này tuy không theo nhóm Ismaili, nhưng lại là kẻ sẵn lòng tiếp tay theo các kế họach của chúng và đã đứng đằng sau các âm mưu thóan đọat quyền hành. Theo sử gia trên thì Tughtigin tuy không ưa bọn Sát thủ, nhưng vì những lý do chiến thuật nên bỏ qua cho chúng, đợi đến lúc thuận lợi sẽ giáng 1 cú quyết định chống lại. Các sử gia khác, trong khi thừa nhận vai trò của vị vizier, nhưng cứ qui lỗi cho Tughtigin, và cho rằng ông ta làm như thế chẳng qua vì áp lực của Il-Ghazi, người mà Bahram kết thân khi còn ở Aleppo.

Tại Banyas, Bahram cho xây lại và gia cố lâu đài, và bắt đầu chuẩn bị các họat động quân sự và tuyên truyền tại các vùng phụ cận. Ibn al-Qalanisi cho biết: ’ Ông này tung các sứ đòan ra khắp mọi hướng, bọn này nổ lực lôi kéo lũ dân chúng ngu muội tại các tỉnh và đám nông dân khờ khạo tại các làng mạc, cùng với bọn rác rưỡi cùng đinh …’ Từ Banyas, Bahram và bộ hạ ra sức đột kích, và chiếm giữ được một vài chỗ.

Nhưng chẳng bao lâu họ gặp phải thất bại. Tại vùng Hasbayya, nơi mà người Druze, người Nusayri và các nhóm tà đạo khác cùng chung sống, vị Wadi tên là al-Taym lại muốn tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm Sát thủ bành trướng. Baraq ibn-Jandal, là 1 trong những thủ lãnh của vùng này bị bắt giữ và rồi bị giết chết do bị phản bội, và chẳng bao lâu sau đó, Bahram đem lực lượng đến tấn công vị Wadi. Tại đây, chúng gặp sự chống trả quyết liệt của Dahhak ibn Jandal, là em của người bị giết, thề sẽ trả thù. Trong 1 trận giao chiến dữ dội, bọn Sát thủ bại trận, còn Bahram thì bị giết.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #57 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 12:24:13 am »

 Thay thế Bahram nắm quyền tại Banyas là Isma’il, một người Ba-tư, tiếp tục theo chính sách và các họat động của người trước. Vị vizier al-Mazdagani tiếp tục ra tay ủng hộ. Nhưng rồi cũng tới hồi kết. Cái chết của Tughtigin vào năm 1128 kéo theo một phản ứng chống nhóm  Ismaili tương tự như tình hình sau cái chết của Ridwan tại Aleppo. Lần này cũng thế, viên thị trưởng tên là Mufarrij ibn al-Hasan ibn al-Sufi, người chống đối kịch liệt các chi phái, và là kẻ thù của vizier, có sáng kiến. Được vị thị trưởng cũng như thủ hiến quân sự là Yusuf ibn Firuz khuyến khích, Buri, là con và là người kế vị của Tughtigin chuẩn bị tấn công. Vào thứ 4, mồng 4 tháng 9 năm 1129, ông ta ra tay. Theo lệnh Buri,vị vizier bị giết khi ra tiếp khách buổi sáng, và đầu bị chặt đem bêu nơi công cọng.

Khi tin tức lộ ra, đám thân binh và quần chúng đổ xô tấn công đám Sát thủ, chém giết và cướp bóc. ‘ Đến sáng hôm sau, thì bọn Batinites (= bọn Ismaili) bị quét sạch ra khỏi mọi khu phố đường phố, lũ chó tha hồ tranh nhau xâu xé xác và tứ chi bọn chúng.’ Trong vụ này, tài liệu của các sử gia biên niên không giống nhau, người thì cho rằng có đến 6000 tên Sát thủ bị giết, người thì cho là 10000 tên, người khác cho là 20000 tên. Tại Banyas, Isma’il thấy rằng không thể giữ được chỗ này nữa, cho nên đầu hàng và giao lâu đài cho người Frank rồi bỏ chạy sang lãnh thổ của người Frank. Ông ta chết vào đầu năm 1130. Câu chuyện về âm mưu của vị vizier và của nhóm Sát thủ đem giao thành Damascus đầu hàng người Frank được kể nhiều lần, nhưng chỉ dựa trên 1 nguồn tư liệu duy nhất, không đáng tin cậy lắm và có thể coi như đây là một câu chuyện tầm phào đầy ác ý không đáng chú ý.

Buri và các trợ lý hết sức thận trọng tự bảo vệ mình nhằm tránh sự trả thù của bọn Sát thủ, luôn mặc áo giáp và lúc nào cũng có nhiều quân sỹ hộ vệ ; nhưng đều vô ích. Lực lượng tại Syria lúc đó hầu như tan rã, và cú tấn công bất ngờ do chính từ Alamut hang ổ của bọn này đưa ra. Vào ngày 7 tháng 5 năm 1131, 2 người Ba-tư cải trang thành lính Thổ, nhập vào đám tùy tùng của Buri, đã hạ gục ông này. Tên của họ được ghi vào sổ danh dự tại Alamut. Lập tức, lính canh bằm nát 2 tên sát thủ còn Buri bị thương và chết sau đó 1 năm. Tuy cú đột kích này thành công, nhưng nhóm Sát thủ không bao giờ phục hồi đươc vị thế của họ tại Damascus, và thật vậy, trong 1 thành phố được bảo vệ nghiêm ngặt đúng nghĩa, khó có hy vọng để làm được việc đó.

Trong thời kỳ này, ngoài người Thổ ra, nhóm Sát thủ còn đánh nhau với 1 kẻ thù khác. Dưới mắt họ, Caliph dòng Fatimid đang trị vì tại Cairo là kẻ thoán đoạt ; cho nên lật đổ người này đi để đưa dòng Nizar lên giữ chức Imam là nghĩa vụ thiêng liêng. Trong nửa đầu thế kỷ 12, có vài cuộc nổi dậy của phe thân Nizari nổ ra và bị dập tắt tại Ai- cập, và chính quyền Cairo dành nhiều công sức đánh bạt lời tuyên truyền của nhóm Nizari nhắm vào các thần dân của mình. Vị Caliph al-Amir đưa ra 1 huấn lệnh đặc biệt để bảo vệ quyền lợi của dòng tộc của mình về quyền kế vị và bác bỏ lời cáo buộc của phái Nizari.

 Có 1 đoạn phụ lục đầy thú vị về tài liệu này, người ta kể rằng khi sứ giả dòng Fatimid đọc to cho các Sát thủ tại Damascus nghe huấn lệnh trên, họ nhao nhao phản đối và có 1 tên rất phấn kích đến mức hắn ta trình tài liệu này cho thủ lãnh, ông ta ghi thêm lời phủ nhận vào chỗ trống ở cuối trang. Nhóm Nizari đọc phần phủ nhận này trong 1 phiên họp cuả những người ủng hộ dòng Fatimid tại Damascus. Vị sứ giả của Cairo nhờ Caliph giúp đỡ để trả lời ý này và nhận được lời giải thích rõ hơn từ Musta’l. Những việc này có thể liên quan đến vụ ám sát do bọn Sát thủ thực hiện tại Damascus vào năm 1120 nhằm vào một người bị coi là nằm vùng săn tin cho chính quyền Fatimid.

Bọn Sát thủ cũng đưa ra các lý luận đanh thép và đặc trưng hơn để chống lại với kẻ kình địch thuộc dòng Fatimid. Vào năm 1121, al-Afdal là tư lệnh quân đội tại Ai cập, và là người tham gia vào việc truất quyền của Nizar, bị 3 tay sát thủ từ Aleppo đến ám sát ; vào năm 1130 chính Caliph al-Amir cũng bị 10 tay Sát thủ từ Aleppo hạ gục. Ai cũng biết là ông này rất căm ghét nhóm Nizari, và người ta kể lại rằng sau khi Bahram chết, thì thủ cấp, tay và nhẫn của ông này bị 1 người của Wadi al – Taym mang về Cairo để nhận tiền thưởng và được ban tặng 1 chiếc áo bào (robe of honor).

Mối liên hệ giữa nhóm Sát thủ với người Frank trong thời kỳ này không rõ lắm. Theo các tài liệu Hồi giáo về sau này thì những câu chuyện liên quan đến việc nhóm Ismaili bắt tay với kẻ thù của có lẽ chỉ là sự nghiền ngẫm của thế hệ sau, khi tòan bộ dân Hồi giáo miền Trung đông dồn hết tâm trí vào cuộc Thánh chiến bảo vệ tôn giáo. Vào thời điểm này, đại để người ta chỉ biết là nhóm Sát thủ cũng như nhóm Hồi giáo ở Syria không quan tâm nhiều về vấn đề chia rẽ tôn giáo. Không nghe thấy người Frank nào ngả gục dưới lưỡi dao găm của bọn fida’i, nhưng ít nhất cũng có 2 lần lực lượng Sát thủ xô xát với đội quân Thập tự. Ngược lại, đám tị nạn là Sát thủ từ Aleppo và Banyas chạy đến đất của người Frank tìm chốn nương thân. Việc Banyas đầu hàng người Frank thay vì các thủ lãnh Hồi giáo, khi cần phải bỏ chạy, xem ra chỉ là một vấn đề địa lý.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #58 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 12:26:09 am »

 20 năm tiếp nằm trong nổ lực thứ 3 của nhóm Sát thủ đã bảo toàn thành công các căn cứ pháo đài tại Syria, lần này tại Jabal Bahra’, nằm ngay phía tây nam của vùng Jabal al-Summaq mà lúc đầu họ đã cố công chiếm lấy. Họ đặt chân được vào nơi này sau khi người Frank cố gắng dành quyền kiểm soát khu vực nhưng không thành công.

Vào năm 1132-33 một quí tộc Hồi giáo ở al-Kahf bán pháo đài trên núi ở Qadmus, vừa mới dành được từ tay người Frank trong năm trước, cho nhóm Sát thủ. Vài năm sau đó, người con của ông ta lại nhường luôn al-Kahf cho họ khi tranh giành quyền kế tục với nhóm cháu họ của ông ta. Vào năm 1136-37, quân đồn trú người Frank tại Khariba bị một nhóm Sát thủ đuổi chạy, bọn này dành lại quyền kiểm soát sau một thời gian ngắn bị vị thủ hiến ở Hama tống cổ. Masyaf, là cứ điểm quan trọng nhất của nhóm Sát thủ, bị chiếm cứ vào năm 1140-41 từ tay vị thủ hiến được Banu Munqidh bổ nhiệm, ông này là người đã mua lâu đài vào năm 1127-28. Những lâu đài khác của nhóm Sát thủ tại Khawabi, Rusafa, Qulay’a và Maniqa có lẽ tất cả đều được thâu tóm cũng vào thời kỳ ấy, mà dù ta không biết rõ ngày tháng cũng như cách thức chiếm lĩnh.

Trong suốt thời kỳ im hơi lặng tiếng để củng cố này, thế giới bên ngoài không hề biết điều gì về nhóm Sát thủ, và chính vì thế, trong các tài liệu biên niên cũng không có mấy dòng nói về họ. Chúng ta biết rất ít đến tên tuổi của họ. Người mua lâu đài Qadmus được ghi tên là Abu’l –Fath, đó là Abu Muhammad, thủ lãnh da’i cuối cùng trước Sinan. Một thủ lãnh Sát thủ gốc người Kurd tên là Ali ibn Wafa đã cọng tác với Raymond xứ Antioch trong chiến dịch đánh lại Nur al-Din, và bị giết cùng với ông này tại chiến trường Inab vào năm 1149. Chỉ có 2 vụ ám sát được ghi nhận trong những năm đó. Vào năm 1149, Dahhak ibn Jandal, thủ lãnh của Wadi al-Taym, bị đám Sát thủ trả thù vì ông này đã chống trả Bahram vào năm 1128. Một hoặc 2 năm sau đó, họ đã ám sát Bá tước Raymond II tại Tripoli ngay tại cổng thành - đó là nạn nhân người Frank đầu tiên của họ.

Chúng ta chỉ thấy được những nét chính về chính sách chung của nhóm Sát thủ trong những năm đó. Đối với họ, thì Zangi, thủ lãnh vùng Mosul, và dòng họ của ông này chỉ có sự thù nghịch. Các thủ lãnh của vùng Mosul lúc nào cũng là các thân vương người Thổ hùng mạnh nhất. Khống chế được các con đường liên lạc giữa Ba-tư và Syria, và có mối liên hệ thân hữu với các thủ lãnh dòng Seljuq ở phương Đông, cho nên họ luôn là mối đe doạ cho vị trí lúc nào cũng muốn bành trướng về phía Syria của nhóm Sát thủ. Mawdud và Bursuqi đã bị ám sát.

 Họ Zangid bị hăm doạ không phải chỉ 1 lần. Khi họ chiếm cứ Aleppo vào năm 1128, thì mối đe doạ của họ đối với nhóm Ismaili lại càng trực tiếp hơn. Vào năm 1148, Nur al-Din ibn Zangi bãi bỏ công thức mà từ trước đến giờ nhóm Shi’ite tại Aleppo vẫn làm để nhắc mọi người cầu nguyện. Bước này tuy gây phẫn nộ nhiều nhưng không đạt hiệu quả gì trong nhóm Ismaili và các nhóm Shi’ite khác trong thành phố, diễn tiến thành lời tuyên chiến công khai chống lại bọn tà đạo. Trong tình thế này, sẽ chẳng mấy ngạc nhiên khi thấy 1 nhóm sát thủ đứng chung hàng ngũ chiến đấu với Raymond thành Antioch, là thủ lãnh duy nhất tại Syria thời đó có khả năng chống trả với nhà Zangid.

Trong khi đó, thủ lãnh lớn nhất trong tất cả các thủ lãnh Sát thủ tại Syria đứng ra cầm quân. Đó là Sinan ibn Salman ibn Muhammad, được biết dưới tên Rashid al-Din, vốn là người ở Aqr al –Sudan, là 1 làng gần Basra, trên đường đến Wasit. Ông này khi thì xưng là nhà giả kim thuật, khi là thầy giáo, và theo chính ông ta cho biết, là con trai của một trong những người có máu mặt tại Basra. Một tác gia người Syria cùng thời tả lại lần gặp gỡ Sinan, và trong khi trò chuyện được Sinan cho biết nghề nghiệp cũ, học vấn của mình cũng như sứ mạng trong những lần đến Syria. ‘ Ta lớn lên tại Basra và cha ta là một trong những nhân sĩ tại đấy. Giáo lý này đã đi vào tim ta. Rồi giữa ta và các anh em ta có chuyện buộc ta phải rời bỏ họ, và ta ra đi tay trắng không ngựa không tài sản.

Ta cứ tìm đường đi mãi miết cho đến khi tới được Alamut. Chủ nhân lâu đài bấy giờ là Kiya Muhammad và ông ta có 2 người con tên là Hasan và Husayn. Kiya cho ta cùng học với con ông, coi ta như con, cung cấp mọi thứ cần thiết cho việc sinh hoạt, giáo dục, quần áo con trẻ. Ta lưu lại ở đó cho đến khi Kiya Muhammad chết và người con là Hasan lên kế tục. Hasan lệnh cho ta đi đến Syria. Ta lại lên đường cũng như đi ra khỏi Basra, và ta tránh ít khi đi vào các thành thị. Hasan giao cho ta mệnh lệnh và thư từ. Ta vào được Mosul và dừng lại ở một nhà nguyện của đám thợ mộc và qua đêm tại đó, và sau đó ta lại tiếp tục đi, cũng không ghé vào chỗ đô thị, cho tới khi đến được Raqqa. Ta có 1 lá thư gởi cho một đồng đạo ở đó. Ta giao thư cho ông ta, ông ta cho ta lương thực và thuê cho ta một con ngựa để đi đến Aleppo.

Tại đây ta gặp 1 đồng đạo khác và giao cho anh ta 1 lá thư khác, anh này lại thuê cho ta 1 con ngựa để đưa ta đến Kahf. Ta được lệnh lưu lại trong pháo đài, và ta ở đó cho tới khi Shaykh Abu Muhammad, trưởng của đoàn truyền đạo, chết trên núi. Người kế vị là Khwaja Ali b. Mas’ud, tuy không được Alamut bổ nhiệm nhưng lại được sự nhất trí của một số người trong nhóm. Rồi sau đó thủ lãnh Abu Mansur, là cháu họ của Shaykh Abu Muhammad, và thủ lãnh Fahd lập mưu sai một vài tên nào đó đến đâm chết ông này khi đi tắm. Lúc này việc lãnh đạo là lấy ý kiến chung, còn những kẻ giết người thì bị bắt và cầm tù.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #59 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 12:27:35 am »

Thế rồi có lệnh từ Alamut là phải xử tử tên sát nhân và thả thủ lãnh Fahd. Kèm theo đó là 1 bức thư và 1 mệnh lệnh được đọc to cho mọi người cùng nghe.’ Những điểm chính của lời kể này được các nguồn tin khác xác nhận, và được thổi phồng lên trong tiểu sử huyền thoại của Sinan, là thời kỳ tại Kahf ông ta phải chờ đợi đến 7 năm. Sinan, rõ ràng là người được Hasan ala dhikrihi-‘l-salam bảo trợ, và năm mà ông ta xuất hiện trước các giáo đồ tại Syria là năm 1162, tức là năm Hasan lên nắm quyền tại Alamut. Câu chuyện về ai là người kế nghiệp có lẽ là một nhận xét về sự bất hoà giữa Hasan và cha của mình.

Vào tháng 8 năm 1164, Hasan tuyên cáo sự Sống lại tại Alamut và phái các sứ giả mang tin này đến các nhóm Ismaili tại những vùng khác. Nhằm lúc đó Sinan khai trương một hệ thống cai trị mới tại Syria. Có sự đối nghịch khá kỳ lạ giữa những gì được ghi chép về các biến cố này tại Ba-tư và tại Syria. Tại Ba-tư việc xuất hiện của sự Sống lại được người Ismaili ghi lại một cách trung thành – và dường như không gây được sự chú ý cho người Sunni cùng thời ; tại Syria ngược lại, người Ismaili dường như đã quên hẵn - trong khi đó các sử gia phái Sunni, vừa hãi hùng vừa thích thú, lập lại các tin đồn mà họ nghe được về thời kỳ mạt pháp. Một người cùng thời kể lại :’ Ta từng nghe là ông ta (Sinan) đã cho phép bọn chúng cưỡng bức mẹ, chị em gái, con gái của chúng và cho họ khỏi phải ăn chay trong tháng Ramadan .

Trong khi những báo cáo kiểu này không nghi ngờ gì là có phóng đại, thì cũng rõ ràng là thời kỳ không còn giáo luật đã được công bố tại Syria, và đã đưa lại lắm điều quá đáng, cuối cùng cũng được chính Sinan cho dừng lại. ‘ Vào năm 572 [1176-77], Kamal al-Din kể lại  dân chúng tại Jabal al-Summaq đâm đầu vào những điều đồi bạc và trác táng và nhưng lại gọi chính mình là người "thanh khiết ”. Đàn ông, đàn bà cùng nhau chè chén, không tay đàn ông nào tha cho chị hoặc con gái của chính mình, phụ nữ thì vận quần áo nam giới, và có kẻ lại tuyên bố rằng Sinan là Thượng đế của mình . Các nhà lãnh đạo tại Aleppo cử quân đội đến đánh dẹp, bọn họ rút vào trong núi để cố thủ. Còn Sinan, sau khi điều tra vụ việc, chối không nhận trách nhiệm của mình trong vụ này, và thuyết phục người Aleppo rút quân, để tự tay ông ta đánh dẹp bọn họ. Những nguồn tư liệu khác cũng nói về những nhóm sa đoạ tương tự trong mấy năm đó. Có lẽ là các tin đồn đại và các báo cáo mơ hồ của những vụ việc đó là nhằm nhắc đến đến truyền thuyết về các khu vườn Thiên đàng của nhóm Sát thủ sau này.

Một khi đã đặt được cơ sở, công việc đầu tiên của Sinan là củng cố lãnh đia mới của mình. Ông ta xây lại các pháo đài tại Rusafa và Khawabi, và vun quén lãnh thổ của mình bằng cách chiếm giữ và gia cố lại Ulayqa. Một sử gia biên niên Ả-rập cho biết ‘ Ông ta xây dựng pháo đài tại Syria là để cho chi phái. Có cái mới và có cái cũ nhờ mưu mô đọat được, ông ta gia cố và biến chúng thành bất khả xâm phạm. Lợi dụng thời gian mà các vua chúa không tấn công vào những lâu đài này bởi vì sợ các vụ ám sát do đám tay chân của ông ta thực hiện. Ông ta cai trị Syria hơn 30 năm. Thủ lãnh tại Alamut nhiều lần cử người đến ám sát, sợ rằng Sinan sẽ nổi lên giành quyền lãnh đạo, thường thì những tên được cử đến đều bị giết.

 Một số tên thì lại bị ông ta lừa phỉnh và thuyết phục không thực hiện mệnh lệnh . Điều này có nghĩa là chỉ có một mình Sinan trong nhóm các thủ lãnh Sát thủ tại Syria không chịu thừa nhận uy quyền của Alamut và đi theo một chính sách hòan tòan độclập. Về điểm này, cũng có một số người ủng hộ quan điểm về sự phân rã giáo lý mang tên ông ta, và đươc lưu giữ mãi cho đến thời kỳ cận đại trong nhóm Ismaili tại Syria. Giáo lý này không hề nhắc đến Alamut, nhắc đến thủ lãnh của lâu đài này, hoặc các Imam dòng Nizari, nhưng lại thừa nhận rằng chính Sinan là thủ lãnh tinh thần tối thượng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM