Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 09:09:06 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử những kẻ sát thủ  (Đọc 42245 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #30 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2010, 07:53:02 pm »

 Công cuộc bao vây và chiếm lĩnh lâu đài bị hõan lại vì một lọat các mưu mô và thủ đọan do nhóm Ismaili và đồng bọn dựng nên. Ngay từ lúc đầu, việc xuất chinh cũng bị dời lại đến 5 tuần, do những kẻ có cảm tình với nhóm Ismaili trong doanh trại của Sultan đơm đặt các mối nguy hiểm ở đâu đó. Khi thủ lãnh của nhóm Ismaili địa phương tên là Ahmad ibn Attash cảm thấy cùng đường, ông ta cố lấy lại sức bằng cách cho nổ ra 1 cuộc tranh luận về tôn giáo. Trong 1 điệp văn gởi cho Sultan, nhóm Ismaili kêu rằng họ là những tín đồ Hồi giáo tốt, những người tin vào Thượng đế và đấng tiên tri, tuân thủ theo Luật thánh. Họ chỉ khác những người phái Sunni về vấn đề đấng Imam, cho nên tốt nhất Sultan nên ban cho họ được hưu chiến và giảng hoà, chấp nhận sự trung thành của họ.

Điều này khơi ra một cuộc tranh luận về tôn giáo - giữa kẻ tấn công và người phòng thủ, và giữa các trường phái tư tưởng khác nhau trong đội ngũ của những người đi tấn công. Nhiều người trong số các cố vấn thần học của Sultan muốn chấp nhận luận điểm của nhóm Ismaili, nhưng một số ít lại giữ vững một quan điểm nghiêm khắc hơn : " Nếu vị Imam của các anh cho phép những gì mà Luật thánh cấm và cấm những gì mà Luật thánh cho phép, thì liệu anh có vâng phục ông ta không ?. Nếu họ trả lời là có, thì việc giết họ là đúng luật. Do nhóm chủ trương khắc khổ (rigorist) kiên định quan điểm của mình, cho nên cuộc tranh luận không đi đến đâu và lâu đài tiếp tục bị vây hãm.

Đám Ismaili giờ đây đưa ra 1 mánh lới mới, đề nghị 1 thỏa hiệp có điều khoản họ sẽ nhường 1 lâu đài khác ở gần đó " để cứu mạng sống và tài sản của họ khỏi bị dân chúng xâm phạm ". Việc thương thuyết cứ kéo lê, trong khi đó vị vizier của Sultan lại đích thân thu xếp để đưa lương thực vào bên trong pháo đài. Giai đọan này chấm dứt khi 1 sát thủ Ismaili chỉ làm bị thương nhưng không giết được một trong các tiểu vương của Sultan vốn là người đã từng lớn tiếng chống đối họ. Lúc này Sultan thắt chặt việc vây hãm,và đối với những kẻ thủ thành chỉ còn 1 mối hy vọng duy nhất là điều kiện đầu hàng.

Chẳng bao lâu, các điều kiện được thỏa thuận. Một phần quân sĩ, dưới sự bảo vệ của Sultan, sẽ được phép rời pháo đài để đi đến các điểm tập trung Ismaili tại Tabas và gần Arrajan. Phần còn lại sẽ chuyển vào 1 cánh của pháo đài và giao phần kia cho Sultan. Khi nào nhận được tin báo các đồng đảng đã đến nơi an toàn, họ sẽ trèo xuống và sẽ được phép chuyển về Alamut. Theo đúng lịch trình, những người ra đi được báo đã đến nơi, nhưng Ibn Attash lại không muốn thực hiện theo như cam kết.

 Lợi dụng thời gian nghỉ lấy hơi này, ông ta tập trung vũ khí và bộ hạ - khoảng 80 người - vào phía còn lại của pháo đài, và chuẩn bị đánh 1 trận liều chết. Bọn họ chỉ bị đè bẹp khi có kẻ phản bội mách bảo rằng trên 1 bờ thành chỉ có 1 hàng vũ khí và áo giáp được xếp sắp giống như có người đang đứng - nhưng chẳng hề có người. Trong đợt đột kích cuối cùng, phần lớn lính thủ thành đều bị tiêu diệt. Vợ của Ibn Attash đeo đầy nữ trang, gieo mình từ bờ thành xuống đất, rồi bị giết ; còn Ibn Attash bị bắt và bị đem dong bêu khắp các đường phố Isfahan. Sau đó, ông này bị xử tùng xẻo - da đem nhồi rơm, còn thủ cấp thì mang về Baghdad.

Trong 1 thư báo tiệp, được công bố nhân dịp thắng trận, thư ký của Sultan cho biết quan điểm của triều đại Seljuq đối kẻ thù mà họ vừa dẹp xong, bằng một giọng văn có phần khoa trương thường gặp trong những lọai văn kiện như thế này " Tại lâu đài Shahdiz này … đã nuôi dưỡng mầm mống dối trá …. Có kẻ tên Ibn Attash, mà lý trí đã đi vào con đường lầm lạc, dám nói Con đường chính đạo là sai, và đâm đầu theo 1 ngụy thư chứa đầy những điều láo toét, và cho rằng mình có quyền làm đổ máu và cho phép chiếm đọat tài sản của tín hữu Hồi giáo

… Dù rằng chúng chưa kịp làm những gì mà chúng đã từng làm khi mới tới Isfahan - chúng đã trí trá theo dõi và dùng mưu ma chước quỉ vây bắt nạn nhân, dùng những nhục hình kinh khiếp để giết họ, chúng đã ám sát nhiều người từ các thượng quan trong triều đình đến các phần tử ưu tú trong Ulema, chúng đã làm đổ maú những dòng máu đáng kính và những xúc phạm xấu xa đối với đạo Hồi … chúng ta phải có bổn phận chiến đấu bảo vệ tôn giáo của ta và bằng mọi giá sẵn sàng tham gia cuộc thánh chiến chống lại bọn chúng, dù có phải đi đến nước Tàu đi nữa ".
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #31 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2010, 07:54:41 pm »

 Dĩ nhiên nước Tàu chẳng qua chỉ là cách nói đầy hoa mỹ - kiểu nói ẩn dụ của đấng Tiên tri mà ai cũng biết. Nhưng cuộc tiến công của Sultan vào nhóm Ismaili trải rộng ra đến cả 2 cực đông và tây của đế quốc Seljuq. Tại Iraq, một đòan quân tấn công Takrit, nơi mà nhóm Ismaili đã giữ vững suốt 12 năm, tuy không chiếm được nơi này, nhưng cũng buộc được thủ lãnh Ismaili trao trả lại cho các giáo đồ Ả-rập địa phương theo phái Shi’ite. Tại phía đông, Sanjar bị thúc bách phải ra tay tấn công các căn cứ Ismaili tại Quhistan, dù không đưa lại hiệu quả nào rõ rệt. Cũng vào thời gian đó hoặc sau đó ít lâu, thành lũy của nhóm Ismaili gần Arrajan bị chiếm, và không còn nghe mấy đến họ tại miền Khuzistan và Fars.

Nhưng trung tâm thế lực chính của nhóm Ismaili không nằm tại những nơi này. Nó nằm ở miền bắc - trong các lâu đài Rudbar và Girdkuh, và trên tất cả là lâu đài lớn Alamut, nơi Hasan-I Sabbah đóng đô. Vào năm 1107-08, Sultan gởi một đạo quân đến Rudbar, dưới sự chỉ đạo của vizier Ahmad ibn Nizam al-Mulk. Vị vizier này có lý do riêng để thù ghét đám Ismaili. Cha ông ta, Nizam al-Mulk danh tiếng, là nạn nhân tên tuổi đầu tiên của họ ; anh ông ta, Fakhr al- Mulk, cũng bị sát hại dưới nhát dao của tay sát thủ tại Nishapur trong năm trước đó.

Công cuộc chinh phạt đạt được một vài thành công, đã gây nhiều tổn thất cho nhóm Ismaili, nhưng không đạt được mục đích - đó là chiếm được hoặc phá tan lâu đài Alamut. " Ông ta (Ahmad ibn Nizam al-Mulk) bao vây Alamut và Ustavand, gần mé sông Andij, và cho quân sĩ khởi sự đánh phá một thời gian và phá họai mùa màng. Rồi sau đó, do không đạt kết quả thêm gì, quân đội rút lui khỏi Rudbar. Trong lâu đài dân chúng bị đói nặng, chỉ ăn cỏ sống qua ngày ; cho nên, họ phải gởi vợ con đi nơi khác, và chính Hasan –i Sabbah cũng phải gởi vợ và con gái đến Girdkuh.

Bên cạnh việc sai phái quân đội chính qui, Sultan còn cố xúi dục các láng giềng của nhóm Ismaili đứng lên chống lại họ, và thuyết phục 1 thủ lãnh địa phương tại Gilan tham gia tấn công – nhưng không đạt được mục đích. Về sau vị thủ lãnh này thôi không ủng hộ nữa, có người cho là vì không ưa tính kiêu căng của Sultan. Thủ lãnh này hẵn có lý do khác.

Juvayni đã diễn tả một cách sinh động dự cảm của các thủ lãnh địa phương tại Daylam, bị kẹt giữa anh hàng xóm hung bạo ở sát bên và các lãnh chúa tuy có quyền lực nhưng lại quá xa xôi : " về mặt này thì các thủ lãnh địa phương, cả xa lẫn gần, cũng đều lâm vào cảnh nguy hiểm, dù đối với bạn hoặc thù, đều bị cuốn vào cái vòng xoáy huỷ diệt quay cuồng - nếu làm bạn với họ, thì vua Hồi giáo sẽ nghiền nát và tiêu diệt và họ sẽ mất hết " trong kiếp này và kiếp sau " (Qur’an xxii,11) ; còn nếu coi họ là kẻ thù, vốn sợ sự giả trá và phản bội, cho nên họ sẽ thủ thế và cuối cùng tất cả thảy đều bị giết.”

Rõ ràng là không thể tổ chức đánh chiếm Alamut bằng cách tấn công trực diện. Vì thế Sultan bèn tìm cách khác - đó là chiến tranh hao mòn, như mong muốn sẽ làm suy yếu nhóm Ismaili đến mức họ không đủ sức kháng cự. Juvayni kể lại ” trong 8 năm ròng rã, quân đội bao vây Rudbar, phá hủy mùa màng, và 2 bên cố cầm chân nhau. Khi biết Hasan và đồng đảng không được cung cấp thực phẩm hoặc bổ sung lực lượng, vào đầu năm 511/1117-18 Sultan Muhammad cử vị atabeg (phụ chính) tên là Nushtigin Shirgir làm tư lệnh đòan quân và ra lệnh cho ông này tiếp tục vây chặt lâu đài.

 Vào ngày 1 tháng Safar (ngày 4 tháng 6 năm 1117) họ phong tỏa Lamasar và vào ngày 11 tháng Rabi’ (ngày 13 tháng 7) phong tỏa Alamut. Bằng cách dựng lên máy bắn đá, họ tấn công tới tấp và đến khỏang tháng Dhu’l – Hijja của năm đó (tháng 3-4 năm 1118) khi họ sắp chiếm được lâu đài và giải phóng nhân lọai khỏi mưu đồ của nhóm Ismaili, thì họ nhận được tin báo Sultan Muhammad qua đời tại Isfahan. Quân sĩ thế là tan tác, và đám dị giáo bị bỏ sổng, tha hồ mang vác vào lâu đài mọi thứ quân dụng, vũ khí và công cụ chiến tranh do quân đội của Sultan mang tới.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #32 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2010, 07:58:14 pm »

 Việc Shirgir cho rút quân, vào thời điểm gần nắm được chiến thắng, đã gây nên một nổi thất vọng sâu sắc. Có một số chỉ điểm cho thấy không phải chỉ riêng tin báo Sultan qua đời đã làm cho họ phải hối hả lui quân. Trong vụ này có vai trò nham hiểm của Qiwam al-Din Nasir ibn ‘Ali al- Dargazini, là vizier của triều đình Seljuq, được coi là giáo đồ bí mật của phái Ismaili.

 Ông này có ảnh hưởng lớn đối với Mahmud, là con của Sultan Muhammad. Mahmud kế vị Sultan của cha tại Isfahan. Vị vizier có vai trò quan trọng trong triều đình. Ông này được coi là đã làm cho quân đội Shirgir rút ra khỏi Alamut, tức là đã cứu được nhóm Ismaili, và đã làm cho vị Sultan mới đem lòng ghét bỏ Shirgir, tiếp đến cho hạ ngục và giết đi. Sau này, al - Dargazini còn bị tố cáo có nhúng tay vào nhiều vụ mưu sát khác.

Ngay cả trong lúc đang bị tấn công, các sát thủ cũng chẳng hề rãnh việc. Năm 1108-09 họ giết Ubay Allh al-Khatib, là Qadi của Isfahan, vốn là người chống đối Ismaili kịch liệt. Vị Qadi biết rõ các hiểm nguy. Ông ta mặc áo giáp, có vệ sĩ kèm theo và luôn thận trọng – nhưng cũng chẳng ích gì. Trong những buổi cầu nguyện ngày thứ 6 tại nhà nguyện Hamadan, một sát thủ chen lọt vào đám vệ sĩ và đã hạ gục ông này.

Cùng năm đó, Qadi của thành Nishapur cũng bị ám sát vào dịp ăn mừng hết tháng Ramadan. Tại Baghdad, một sát thủ tấn công Ahmad ibn Nizam al-mulk, chắc là để trừng phạt cái tội dẫn quân chinh phạt Alamut ; vị vizier này bị thương, nhưng không chết. Ngoài ra còn những các nạn nhân khác - các nhà thần học Sunni, các luật sĩ và các quan chức cao cấp như tiểu vương người Kurd tên là Ahmadil, vốn là em nuôi của Sultan.

Tiếp sau cái chết của Sultan Muhammad vào năm 1118 là cảnh xung đột tương tàn giữa dòng họ Seluq, nhờ đó các Sát thủ mới có thời gian lấy lại sức sau những cú đánh mà họ chịu trận và phục hồi được vị trí tại cả 2 vùng Quhistan và phía bắc. Trong thời Sanjar, người đã kiểm sóat được các tỉnh miền đông do 2 người anh là Berkyaruq và Mohammad Tapar cai quản, đã cố gắng dành được vị trí đứng đầu mỏng manh trong hàng ngũ các lãnh đạo người Seljuq. Trong giai đọan này, bản chất mối quan hệ giữa nhóm Ismaili và các vùng lãnh thổ theo phái Sunni bắt đầu có sự thay đổi.

 Phong trào Ismaili không từ bỏ các mục đích tối hậu, nhưng các chiến dịch khởi lọan và gây khủng bố tại các vùng trung tâm bị bóp nghẹt ; thay vào đó, họ dồn sức để bảo vệ và củng cố các lãnh thổ mà họ đang kiểm sóat, thậm chí còn đạt được một vài sự công nhận về mặt chính trị. Vào thời buổi mà sự phân rã của miền Trung đông vốn bị gián đoạn do các cuộc chinh phục của triều đại Seljuq, nay lại tiếp tục như trước, thì các lãnh địa và thái ấp của nhóm Ismaili ra đời dưới dạng các tiểu quốc độc lập, những tiểu quốc này thậm chí còn lập bè liên kết và tranh chấp ở cấp độ địa phương.

Juvayni có kể 1 câu chuyện để giải thích về sự khoan dung của Sanjar đối với sự độc lập của phái Ismaili ,Hasan –i Sabbah muốn gởi sứ giả đi cầu hòa nhưng các đề nghị của ông ta lại không được chấp nhận. Vì thế ông ta dùng thủ đọan đút lót các cận thần của Sultan để bênh vực cho ông ta trước mặt Sultan, Hasan bỏ ra một món tiền lớn để mua chuộc một trong các thái giám của Sultan, giao cho ông này 1 con dao ngắn rồi chờ đến một đêm nào đó khi vị Sultan say rượu ngủ như chết mới đem dao ra cắm ngập xuống chỗ đất cạnh giường ngủ.

 Khi Sultan thức dậy, trông thấy con dao, ông ta hết sức hốt hỏang nhưng do không biết ai đã làm việc này nên ra lệnh giữ kín mọi việc. Sau đó, Hasan-i Sabbah mới cử sứ giả đến mang theo lời nhắn như sau: "Chẳng lẽ ta lại không muốn cắm con dao vào cái ngực mềm của Sultan thay cho chỗ đất cứng kia sao ". Vị Sultan lấy làm hỏang sợ và từ đó trở đi muốn làm hòa với bọn họ. Nói tóm lại, nhờ trò ma mãnh này mà Sultan thôi không tấn công nữa và trong suốt thời gian ông trị vì, sự nghiệp của họ trở nên phồn thịnh.

Ông ta cấp cho họ một khỏan trợ cấp 3000 đồng dinar lấy từ thuế đất thuộc quyền của họ tại vùng Aumish và lại cho họ thu một khỏan lệ phí nhỏ đánh trên khách lữ hành đi ngang qua lâu đài Girdkuh, một tập tục mãi đến ngày nay vẫn còn. Tôi có thấy nhiều sắc chỉ của Sanjar còn lưu giữ trong thư khố của họ, trong đó, ông ta xoa dịu và vỗ về họ ; và qua những sắc chỉ này, tôi có thể suy ra mức độ mà Sultan làm ngơ trước các hành động của họ và muốn được hòa hõan với họ. Nói ngắn gọn, dưới thời của Sultan, bọn họ sống thỏa mái và yên bình.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #33 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2010, 08:00:18 pm »

 Nhóm theo phái Nizari ở Alamut còn có một kẻ thù khác ngòai Caliph dòng Abbasd và Sultan, đó là Caliph dòng Fatimid, và giữa các giáo đồ của ông này với nhóm Nizari ở Ba tư có 1 mối căm ghét đặc biệt sâu sắc xảy ra giữa các phái của cùng một tôn giáo cạnh tranh nhau. Vào năm 1121, Al-Afdal, con người đáng sợ, vizier và tư lệnh quân đội bị mưu sát tại Cairo.

Dĩ nhiên lời đồn đại chỉa vào nhóm Sát thủ - nhưng một nhà chép biên niên cùng thời người Damascus cho rằng đó chỉ là " cái cớ rỗng tuếch và lời vu cáo không căn cứ ". Sử gia này cho rằng " lý do thực sự của vụ ám sát là do sự bất hòa giữa al-Afdal và al-Amir, Caliph dòng Fatimid, là người kế vị al-Musta’li vào năm 1101. Al-amir căm ghét sự giám hộ của vị vizier đầy quyền lực và hồ hỡi khi ông này từ trần. Có thể là như thế, nhưng lần này thì lời đồn đại lại đúng. Truyện kể của người Ismaili được Rashid al- Din và Kashani trích dẫn, thừa nhận rằng vụ ám sát đó là do " 3 đồng đạo ở Aleppo làm ". Khi nhận được tin Afidal chết, " Vị Đạo sư của chúng ta ra lệnh mở tiệc ăn mừng 7 ngày 7 đêm, để chiêu đãi các đồng đạo đó ".

Cả lâu đài Alamut và cung đình ở Cairo đều hoan hỉ khi lọai trừ được al-Afdal, dường như đây là thời điểm thìch hợp để thử nối lại mối quan hệ giữa 2 nhánh. Vào năm 1122, có 1 cuộc họp công khai tổ chức tại Cairo,để làm rõ việc ủng hộ Musta’li và chống đối Nizar ; và cùng lúc đó, vị Caliph gởi cho các huynh đệ ly khai một bức thư nhằm bảo vệ tính hợp pháp của mình, còn vị vizier mới tại Cairo là al-Ma’mun, ra lệnh cho Viện thư ký công khố viết 1 lá thư dài cho Hasan –i Sabbah, nhằm thúc dục ông này nên quay về với chân lý và từ bỏ việc tôn thờ cương vị vị Imam của Nizar.
 Cho tới lúc này, al Ma’num - tuy là người theo phái 12 Imam chứ không phải là người của phái Shi’ite Ismaili - chìu theo ý của Caliph và các da’i. Nhưng vị vizier rõ ràng là không có ý định để những vụ dàn xếp này với Hasan-i Sabbah đi quá xa.

Sau khi phát hiện ra 1 âm mưu, do Alamut chỉ đạo và cung cấp tiền bạc, nhằm ám sát cả 2 người al-Amir và al-Ma’mum, các biện pháp an ninh hết sức nghiêm ngặt được triển khai tại các vùng biên giới và tại Cairo nhằm ngăn chận sự thâm nhập của các sát thủ.  Khi al Ma’mun lên nắm quyền, ông ta được báo cáo là Ibn al – Sabbah (tức là Hasan-i Sabbah) và nhóm Batini hồ hởi với cái chết của al-Afdal, và họ còn mong muốn ám sát cả al-Amir và thậm chí al Ma’mun nữa, và vì thế họ phái đi nhiều sứ giả mang tiền bạc đến gặp các đồng đảng đang sống tại Ai cập.

‘Al- Ma’mun đến gặp viên thủ hiến Asqalan, bãi chức ông này và cử 1 người khác thay thế. Ông ta ra lệnh cho viên thủ hiến mới tuần hành và xem xét tất cả các quan chức tại Asqalan, sa thải tất cả chỉ để lại những người mà dân địa phương quen biết. Ông ta chỉ thị cho viên quan này rà sóat tòan bộ các thương nhân và những ai mới tới, và không được cả tin vào những gì mà họ khai về tên họ, tên gọi và quê quán của họ ‘’’ mà phải dò hỏi từng người riêng rẽ những gì liên quan đến người khác và phải hết sức thận trọng về công việc này. Nếu có ai mang bộ dạng như mới đến lần đầu, phải chận hắn ta ngay ngòai biên giới, điều tra kỹ tình huống và hàng hóa mang theo.

Cũng làm như thế đối với người dắt lạc đà, và từ chối không cho nhập cảnh đối với tất cả trừ những ai đã quen biết hoặc là những người đã đến nhiều lần. Quan chức địa phương cũng không được cho phép các thương đòan tiến bước nếu chưa gởi báo cáo bằng văn bản đến diwan, trong đó nêu rõ số lượng nhà buôn, tên tuổi của họ, tên tuổi các gia nhân, tên tuổi người dắt lạc đà và danh mục hàng hóa phải được kiểm tra tại thành phố Bilbays và khi đòan của họ đi đến cổng thành. Mặt khác cũng phải tỏ ra tôn trọng và không được làm mích lòng các nhà buôn.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #34 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2010, 08:02:14 pm »

Sau đó, al Ma’mun ra lệnh cho các thủ hiến tại thành Cairo cũ và mới đều phải đăng ký tên họ của tất cả mọi người dân, theo từng đường phố, theo từng phường một, và không cho phép ai được chuyển đi lại từ nhà này sang nhà khác nếu không được lệnh.

Khi nắm được số dân đăng ký, tên họ, cả tên lóng, hòan cảnh và lối sống của mọi người tại thành Cairo cũ và mới, và của tất cả những người lạ nào đến thăm người dân trong khu phố, ông ta mới sai phụ nữ đến những nhà đó và tiến hành tra hỏi mọi công việc của nhóm Ismaili, đến mức không có việc gì liên quan đến bất cứ người nào tại 2 thành phố Cairo cũ và mới mà không bị phát hiện … rồi vào một ngày nào đó ông ta phái binh linh đến từng nhà và ra lệnh cho họ bắt giữ những kẻ mà ông ta đánh dấu …’ Có nhiều tên gián điệp như thế bị bắt, trong đó có thầy dạy cho con của Caliph ; một số người trong bọn họ còn được Hasan- i Sabbah cấp tiền bạc mang theo để sử dụng tại Ai-cập. Một nhà chép sử biên niên Ai cập cho biết, cảnh sát và tình báo của vizier họat động rất thành công đến nổi ngay từ lúc tên sát thủ mới vừa rời Alamut, thì mọi hành tung của hắn ta đã được theo dõi và báo cáo. Rõ ràng là bức thư ân xá, gọi đích danh các thủ lãnh Nizari quay về chính đạo mà không sợ bị trừng phạt, chưa bao giờ được gởi đi, và mối liên hệ giữa Cairo và Alamut xấu đi nhanh chóng.

Vào tháng 5 năm 1124, Hasan-i Sabbah lâm bệnh. Cảm nhận mình không sống được, ông ta chuẩn bị sắp xếp người kế vị. Người được chọn là Buzugumid, đã từng cai quản Lamasar trong 20 năm. " Ông ta cử người đến Lamasar tìm Buzugumid và bổ nhiệm làm người kế vị. Và sau đó ông ta cho Dihdar Abu- Ali xứ Ardistan ngồi ở phía bên phải của mình và giao phụ trách bộ phận tuyên truyền ; cho Hasan con của Adam xứ Qasran ngồi phía bên trái và Kya Ba-Ja’far, là tư lệnh quân đội ngồi trước mặt. Và ông ta giao cho 4 người trong bọn họ nhiệm vụ là phải thống nhất ý kiến khi hành động cho tới khi nào có vị Imam đến tiếp quản lãnh địa. Và vào đêm thứ 4 ngày 6 tháng Rabi’ 11, năm 511 (nhằm ngày thứ 6, ngày 23 tháng 5, năm 1126), ông ta vội vã tìm đến Thượng đế để chờ sự phán xét.

Một sự nghiệp phi thường đã chấm dứt. Một nhà viết tiểu sử Ả-rập, hẳn chẳng có thiện cảm gì, đã mô tả Hasan như là " một con người thông tuệ, đầy năng lực, giỏi về hình học, đại số, thiên văn, ma thuật và nhiều việc khác’. Phần tiểu sử của nhóm Ismaili được các nhà biên niên sử người Ba-tư trích dẫn, nhấn mạnh đến lối sống khổ hạnh và chay tịnh của ông ta – trong suốt 35 năm Hasan ngự trị tại lâu đài Alamut, không ai được phép uống rượu công khai hoặc cất trử rượu. Tính nghiêm khắc này không chỉ dành riêng cho kẻ thù. Một trong những người con trai của ông ta bị hành hình vì uống rượu, 1 người khác bị xử tử vì bị tố cáo đã tham gia ám sát vị da’i tên là Husayn Qa’ini nhưng sau lại được minh oan. Và ông ta thường viện dẫn đến việc hành hình cả 2 con trai để bác bỏ những ai có ý kiến là ông ta chủ tâm lợi dụng họ để tuyên truyền.

Hasan –i Sabbah là một nhà tư tuởng và nhà văn cũng như là con người của hành động. Các tác giả Sunni còn giữ được 2 đoạn trích dẫn trong các bài viết của ông ta - một đọan lấy trong tự truyện, còn phần kia là phần rút gọn của 1 luận văn thần học.

 Đối với các tín đồ Ismaili sau này, ông ta được tôn kính như là người đề xuất chính về lời thuyết giảng mới – da’wa jadida – là 1 giáo lý Ismaili cải tổ, được tuyên truyền rộng rãi sau khi ly khai khỏi Cairo, giáo lý này được lưu truyền và bổ sung trong các nhóm Ismaili theo phái Nizari. Các bài giảng của nhóm Nizari về sau có chứa một số đọan có thể là trích dẫn hoặc đọan tóm tắt từ các bài giảng của chính Hasan. Hasan không hề cho mình là Imam – mà chỉ là người đại diện của Imam. Sau khi Imam ẩn thân, thì Hasan là Hujja - bằng chứng – là nguồn gốc để nhận biết có 1 Imam đang ẩn thân trong thời đại mà ông ta đang sống, là mắt xích sống giữa dòng dõi các Imam hiển hiện trong quá khứ và trong tương lai, và các thủ lãnh của da’wa. Tín đồ không có quyền chọn lựa, nhưng phải tuân theo lời giảng đã được cho phép, đó là ta’lim.

 Căn cứ dìu dắt tối hậu là đấng Imam ; căn cứ trực tiếp là người đại diện được thừa nhận của vị này. Phái Sunni cho rằng, Con Người không thể chọn được Imam, hoặc phán xét để quyết định chân lý trong các lãnh vực thần học và luật pháp. Thượng đế chỉ định Imam, và Imam là người nắm giữ chân lý. Chỉ có Imam mới chứng thực vừa thiên khải vừa lý tính ; chỉ có Imam, qua chức vụ và lời giảng, mới thực sự làm được điều này, và vì thế Imam mới đúng thực là Imam. Những ai khác cạnh tranh đều là là kẻ thóan đọat, kẻ nào đi theo họ sẽ là người bị tội, những lời rao giảng của họ đều là giả mạo.

Giáo thuyết này, nhấn mạnh vào tính trung thành và sự tuân phục, và chối bỏ cái thế giới đang có, đã trở thành một vũ khí đầy quyền lực trong tay của đám chống đối bí mật, có tính cách mạng. Những thực tiển nhọc nhằn của triều đại Caliph dòng Fatimid tại Ai cập đã trở nên lúng túng trước những yêu sách của nhóm Ismaili. Khi ly khai với Cairo, quay sang trung thành với 1 vị Imam bí mật đang ẩn cư, đã giải phóng những khát vọng và nhiệt tình của nhóm Ismaili vốn bị dồn nén sôi sục ; và chính Hasan-I Sabbah thành công trong việc đánh thức và lèo lái những sức mạnh này.

Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #35 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2010, 09:49:14 pm »

Chương 4
Sứ mạng tại Ba tư

Cái chết của 1 Sultan dòng Seljuq đã làm ngưng ngay mọi hành động tích cực, và sau đó là 1 khỏang thời gian đầy những xung đột và bất trắc, là thời điểm mà mọi kẻ thù bên trong, giặc bên ngoài đều tìm cách nắm lấy cơ hội tốt. Chắc hẳn có nhiều người mong mỏi rằng cứ địa Ismaili do Hasan-i Sabbah lập ra, nhờ cái chết của Sultan, sẽ thích nghi được với cái cung cách đầy thảm hại của 1 chính quyền Hồi giáo trong giai đọan này.

Vào năm 1126, tức là 2 năm sau khi Buzurgumid kế vị, Sultan Sanjar mở một cuộc tấn công để kiểm tra vấn đề. Từ lúc tổ chức cuộc viễn chinh tấn công Tabas vào năm 1103, Sanjar không đưa thêm hành động nào chống lại nhóm Ismaili, thậm chí còn thoả hiệp với họ nữa. Trận tấn công năm 1126 chống lại nhóm Ismaili không có lý do gây chiến rõ rệt. Có thể do Sultan cảm thấy đủ tự tin, và nhóm Ismaili bị coi là suy yếu với thủ lãnh mới, có thể là lý do đủ mạnh để giải thích cho quyết định của Sultan không thể nào tiếp tục chịu đựng cái thế lực độc lập đầy nguy hiểm này trong cương thổ của mình và cả trong phạm vi của đế quốc. Mu’in al – Din Kashi, vizier của Sultan, người có chủ trương hành động mạnh tay đóng vai trò quan trọng trong vụ này.

Đợt tấn công đầu tiên dường như đến từ phương Đông. " Năm đó, vị vizier … ra lệnh gây chiến với nhóm Ismaili, cứ gặp là giết, cướp sạch tài sản và bắt vợ, con gái của họ làm nô lệ. Vizier gởi 1 đạo quân tấn công Turaythith ( vùng Quhistan) hiện đang nằm trong tay họ, và tấn công Bayhaq, ở tỉnh Nishapur … ông ta phái các tóan quân tấn công mọi vùng lãnh địa của họ, ra lệnh cứ gặp nhóm Ismaili là giết ‘. Hiểu ngầm là không được xem nhóm Ismaili như tù binh và là dân thường theo luật Hồi giáo trong các cuộc xung đột giữa người Hồi giáo với nhau, mà phải coi như là những kẻ vô đạo, chỉ có giết hoặc bắt làm nô lệ.
 
Nhà chép sử biên niên Ả-rập ghi nhận 2 vụ thành công - vụ chiếm đóng làng Tarz của người Ismaili, gần Bayhaq ; trong vụ này, tất cả dân làng đều bị giết, còn thủ lãnh của họ thì tự sát bằng cách nhảy từ tháp chuông đền thờ xuống đất, và vụ đột kích vào Turaythith, tại đây binh lính đã giết rất nhiều người, lấy đi nhiều tài sản, rồi rút quân ". Rõ ràng là các chiến dịch này đều mang lại kết quả hạn chế và không mấy thuyết phục. Tại miền bắc, thế tấn công đem lại kết quả còn tệ hơn. Cuộc viễn chinh vào Rudbar, do người cháu của Shirgir chỉ huy, bị đánh trả, và quân phiến lọan dành khá nhiều chiến lợi phẩm. Một cuộc viễn chinh khác, tuy có dân địa phương giúp đỡ, nhưng cũng bị đánh bật, và một trong các cấp chỉ huy bị bắt giữ.

Nhóm Ismaili chẳng hề chậm chân trong việc trả thù. 2 tên fida’i len lõi vào nhóm gia nhân dưới vỏ bọc người giữ ngựa cho vị vizier, chiếm đuợc sự tin cậy của ông này nhờ tài khéo léo và vẻ mộ đạo. Họ tìm được thời cơ khi vị vizier kêu họ đến gặp để chọn ra 2 con ngựa Ả-rập làm quà tặng cho Sultan xứ Ba - tư nhân dịp năm mới.

Vụ ám sát xảy ra vào ngày 16 tháng 3 năm 1127. Ibn al-Athir nói:’ Ông ta đã làm nhiều việc tốt và có ý định tốt khi chống lại bọn họ, và Thượng đế sẽ coi ông ta là kẻ tử đạo ". Cũng chính sử gia nay đã ghi lại cuộc chinh phạt do Sanjar cầm đầu tấn công vào lâu đài Alamut ; trong trận này có đến trên 10.000 người Ismaili bị tàn sát. Nhưng điều này không được nhóm Ismaili hoặc các nguồn tư liệu khác nhắc tới, cho nên có lẽ là một chuyện bịa đặt.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #36 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2010, 09:51:43 pm »

 Khi các vụ xung đột chấm dứt người ta mới thấy là đám Ismaili mạnh hơn nhiều so với trước đó. Tại Rudbar, họ đã cũng cố vị thế của mình bằng cách xây dựng 1 pháo đài mới, kiên cố hơn tên là Maymundiz, và mở mang lãnh thổ, cụ thể là chiếm lấy Talaqan. Tại phía đông, các lực lượng Ismaili, đóan chừng là từ Quhistan tới, đã đột kích Sistan vào năm 1129. Cùng năm đó, Mahmud, là Sultan dòng Seljuq tại Isfahan, thấy rằng tốt hơn nên nói đến hòa bình, và mời Alamut gởi đến 1 sứ giả.

 Rủi thay sứ giả này cùng với đồng nghiệp, lại bị dân chúng tại Isfahan bắt đem treo cổ sau khi được gặp Sultan. Sultan đưa ra lời xin lỗi và không nhận trách nhiệm nhưng lại từ chối yêu cầu của Buzurgumid là phải trừng trị đám giết người. Nhóm  Ismaili trả đủa bằng cách tấn công Qazvin, tại đây, theo sử biên niên của họ, họ đã giết được 400 người và cướp đươc nhiều chiến lợi phẩm. Người Qazvin tìm cách giáng trả, nhưng theo lời người chép biên niên Ismaili, khi các đồng đảng Ismaili giết được 1 tiểu vương người Thổ, thì cả bọn đều bỏ chạy. Một đợt tấn công lâu đài Alamut do đích thân Mahmud ra tay vào lúc đó, đã không mang lại kết quả gì.

Vào năm 1131, Sultan Mahmud chết, và cảnh xâu xé giữa các anh em và con ông ta lại xuất hịện. Một vài tiểu vương tìm cách kết thân với vị Caliph ở Baghdad là al-Ustarshid, liên kết để chống lại Sultan Mas’ud, và vào năm 1139, vị Caliph cùng với viên vizier và một số quan lại, bị Mas’ud bắt giữ gần Hamadan. Sultan giải người tù nổi tiếng này về Maragha, đối xử tử tế – nhưng không ngăn chặn đươc 1 đám đông nhóm Ismaili xông vào doanh trại và ám sát ông này. Một vị Caliph dòng Abbasid - tức là thủ lãnh danh nghĩa của Hồi giáo dòng Sunni - là mục tiêu đương nhiên phải sát hại của các sát thủ nếu gặp cơ hội, nhưng có lời đồn đại cho rằng Mas’ud đã câu kết hoặc cố tình xao nhãng, và thậm chí giao cho Sanjar, lúc này vẫn là thủ lãnh danh nghĩa của dòng Seljuq, là kẻ thủ ác.

Yuvayni cố gắng giải tội cho cả 2 người này :’ Một số người đầu óc thiển cận và ác ý với nhà Sanjar đã gán cho họ phải chịu trách nhiệm về hành động này.Nhưng " các nhà chiêm tinh đã lừa dối, lạy đấng Ka’ba!” Lòng hào hiệp và bản chất thanh khiết Sultan Sanjar đã được chúng minh qua tấm lòng tuân phục và thêm sức vào đức tin Hanafite và Luật thánh Shari’a, Sultan luôn kính trọng những gì liên quan đến chức vụ của Caliph cũng như lòng nhân từ và thương cảm đều rất thẳng thắn và bộc bạch cho nên những lời tố cáo giả trá và phỉ báng không thể nào nhắm được vào cá nhân của ngài, vốn là cội nguồn của đức khoan dung và lòng trắc ẩn ".

Tại Alamut, tin tức về cái chết của Caliph được đón nhận hết sức hồ hởi. Họ ăn mừng trong 7 ngày đêm, ca tụng các đồng đảng và không tiếc lời xỉ vả tên họ và tước hiệu của dòng Abbasid.

Danh sách các vụ ám sát tại Ba-tư trong thời gian cầm quyền của Buzurgumid tương đối ngắn, mặc dù không phải là không nổi bật. Ngòai vị Caliph ra,còn có các nạn nhân khác là quận trưởng Isfahan, thủ hiến Maragha, đều bị ám sát không lâu trước khi Caliph đến thành phố này, quận trưởng Tabriz và 1 vị Mufti của Qazvin.

Nhịp độ ám sát lơi đi không phải là sự thay đổi duy nhất về đặc điểm của 1 lãnh điạ Ismaili. Khác với Hasan-i Sabbah, Buzurgumid không phải là người ngòai mà vốn là dân địa phương tại Rudbar, ông này không có kinh nghiệm của 1 tay khuấy động bí mật như Hasan, nên đã dành nhiều thời gian để lo việc cai trị hành chánh.

 Việc ông ta chấp nhận vai trò của 1 nhà cai trị trên lãnh địa, và thiên hạ cũng thừa nhận như vậy, đã được chứng minh rõ nét khi tiểu vương Yarankush, vốn là kẻ cựu thù đáng gờm của nhóm Ismaili, cùng với bộ hạ chạy trốn vào lâu đài Alamut, khi bị thế lực đang lên của vua Shah xứ Khorazm lật đổ. Vua Shah buộc ông này phải ra đầu hàng, cho rằng ông này là bạn của nhóm Ismaili, trong khi đó Yarankush vốn là kẻ thù của họ - nhưng Buzurgumid từ chối giao trả, và nói rằng :” ta không thể coi ai là kẻ thù khi người đó đến xin ta che chở ‘. Sử gia chép biên niên dưới trướng Buzurgumid quả là phấn khởi khi kể lại những câu chuyện về lòng quảng đại - những câu chuyện phản ánh vai trò của 1 chúa công mã thượng hơn là 1 thủ lãnh cách mạng.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #37 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2010, 09:53:37 pm »

 Các thủ lãnh Ismaili đã làm tròn nhiệm vụ của mình đến mức đàn áp dị giáo. Vào năm 1131, theo lời 1 sử gia biên niên Ismaili, có 1 giáo đồ Shi’ite tên là Abu Hashim xuất hiện tại Daylam, và gởi nhiều thư đến tận Khurasan. ‘ Buzurgumid gởi cho ông ta 1 bức thư khuyên nhủ, nhắc ông ta chú ý đến bằng chứng của Thượng đế ‘. Abu Hashim đáp lời :’ Những gì nhà ngươi nói đều là tà giáo và trái với tín ngưỡng. Nếu ngươi tới đây chúng ta sẽ tranh luận, ta sẽ bóc trần những điều mà ngươi tin đều là giả dối ‘. Nhóm  Ismaili gởi đến 1 đội quân và đánh bại ông này. Họ bắt được Abu Hashim, đưa ra nhiều bằng chứng, rồi đem ông ta ra thiêu sống.

Buzurgumid cai trị trong một thời gian dài cho đến lúc chết vào ngày 9 tháng 2 năm 1138. Juvayni đã diễn tả một cách hoa mỹ như sau :’ Buzurgmid đã bám víu vào Dốt nát để cai trị bằng sự Lầm lạc cho đến ngày 26 tháng Jumda I, năm 522 (nhằm ngày 9 tháng 2, năm 1138), là lúc ông ta bị ách Trầm luân đè bẹp và Địa ngục sẽ được sưởi ấm khi cái thây của ông ta được quăng vào lửa. Điều đáng nói là khi thay đổi lãnh đạo, không có sự cố nào xảy ra khi người con là Muhammad được ông ta chỉ định làm thừa kế trước khi chết có 3 ngày. Một sử gia biên niên Ismaili cho biết, khi Buzurgumid chết, " đám kẻ thù của họ lộ vẻ vui mừng và lên mặt, nhưng họ cũng mau chóng nhận ra rằng mọi hy vọng của họ đều vô ích ".

Nạn nhân đầu tiên của triều đại mới là một người cuả dòng Abbasid al-Rashid, vị cựu Caliph, là con và người thừa kế người cha là al-Mustarshid đã bị ám sát. Cũng giống như cha mình, ông này bị lôi vào những chuyện tranh dành của dòng Seljuq, cho nên bị một hội đồng các luật gia và quan tòa do Sultan triệu tập chính thức cách chức. Sau đó al – Rashid rời Iraq đi Ba-tư để gặp các đồng minh, và chính tại Isfahan, sau khi ốm dậy, ông ta bị các sát thủ tìm giết vào ngày 5 hoặc ngày 6 tháng 6 năm 1138. Thích khách chính là đám dân Khurasani đang phục vụ cho ông ta. Tại Alamut, người ta ăn mừng cái chết của vị Caliph trong 1 tuần lễ, để tỏ lòng trân trọng với " chiến thắng” đầu tiên của triều đại mới.

Bảng vinh danh (roll of honor) dưới thời Muhammad có ghi ra 14 vụ ám sát. Ngòai tên vị Caliph ra, nạn nhân nổi danh nhất là Sultan dòng Seljuq tên là Da’ud, bị 4 sát thủ người Syria giết tại Tabriz vào năm 1143. Người ta cho rằng các sát thủ này do chính Zangi cử đến. Là thủ lãnh tại Mossul, ông ta sợ rằng Da’ud có thể cử người khác đến hất chỗ của mình vì lý do đã mở rộng lãnh địa sang Syria. Có điều khá kỳ lạ là 1 vụ ám sát tại miền Tây bắc Ba-tư lại được sắp xếp từ Syria chứ không phải từ lâu đài Alamut gần đó.

 Những nạn nhân khác có gồm 1 tiểu vương trong triều của Sanjar và 1 trong những cộng sự của ông này, một vương gia thuộc dòng họ của vua Shah tại Khorazm, các thủ lãnh tại xứ Gruzia (?) và Mazandaran, 1 vizier, các vị Qadi xứ Quhistan, Tiflis và Hamadan là những người đã phê chuẩn hoặc xúi dục việc tàn sát nhóm Ismaili.

Đây quả là 1 mẻ lưới nghèo nàn so với những ngày huy hòang khi Hasan-i Sabbah còn sống, và điều này phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng của nhóm Ismaili đối với các vấn đề tại chỗ. Trong biên niên sử của nhóm Ismaili những việc này được coi trọng. Những vụ việc lớn của đế quốc hầu như không được nhắc tới ; thay vào đó, là những ghi chép chi tiết về các cuộc xung đột với các thủ lãnh láng giềng, được tô điểm thêm bằng danh sách các bò, cừu, lừa và những chiến lợi phẩm khác đọat được.

Ngoài ra nhóm Ismaili còn đưa 1 lọat các cuộc đột kích và phản kích vào Rudbar và Qazvin, và vào năm 1143, đã đẩy lùi được 1 cuộc tấn công do Sultan Mahmud đánh vào lâu đài Alamut. Họ cố đánh chiếm hoặc xây dựng một số pháo đài mới tại các thị trấn bên bờ Lý hải, và thậm chí còn cho biết là đã mở rộng họat động sang 2 khu vực mới - tại Gruzia, họ tổ chức đột kích và tuyên truyền, và tại xứ Afghanistan ngày nay, họ được thủ lãnh địa phương, vì lý do riêng, đã yêu cầu họ gởi đến 1 đòan truyền đạo. Khi thủ lãnh này chết vào năm 1161, cả các giáo sĩ truyền đạo lẫn các tín đồ cải giáo đều bị người kế nhiệm đem ra giết sạch.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #38 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2010, 09:55:19 pm »

 Vẫn còn 2 kẻ thù đặc biệt dai dẵng - thủ lãnh thành Mazandaran, và Abbas, thủ hiến người Seljuq tại thành Rayy, đã ra tay tàn sát nhóm Ismaili tại thành phố này và tấn công vào lãnh thổ của họ. Có người nói là cả 2 kẻ thù này đã lấy xương sọ của người Ismaili để xây tháp canh. Vào năm 1146, Abbas bị Sultan Mas’ud giết khi đến thăm Baghdad mà theo sử gia chép biên niên Ismaili " thì đó là do lệnh của Sultan Sanjar ‘. Đầu của ông này được gởi đến Khurasan.

 Có rất nhiều dấu hiệu tương tự cho thấy Sanjar và nhóm Ismaili đứng cùng một phía, mặc dù có lúc họ xung đột, chẳng hạn như khi Sanjar ủng hộ âm mưu phục hồi giáo lý phái Sunni tại 1 trong những trung tâm Ismaili tại Quhistan. Còn ở những nơi khác, chuyện tranh chấp thường liên quan đến vấn đề đất đai và cục bộ. Điều đáng chú ý là tại những lâu đài và thái ấp khác của nhóm Ismaili, ngòai Alamut ra, quyền lãnh đạo được truyền từ cha xuống con, và lắm khi những cuộc xung đột chỉ có tính hòan tòan liên quan đến dòng dõi cai trị.

Giáo lý Ismaili dường như đã mất sức lôi cuốn. Trong tình thế hầu như bế tắc và thỏa thuận ngầm giữa các lãnh địa Ismaili và các vương triều dòng Sunni, cuộc chiến đấu cao cả để lật đổ cái trật tự cũ và xây dựng một kỷ nguyên mới, nhân danh vị Imam ẩn thân, đã bị đẩy xuống thành những vụ cải vả vặt vãnh về biên giới và đột kích để bắt trộm ngựa. Các lâu đài cứ địa, ban đầu vốn được coi là mũi xung kích để tấn công ào ạt vào đế quốc Sunni, giờ đây lại trở thành lỵ sở của các thủ lãnh phe nhóm địa phương,vốn là cảnh thường gặp trong lịch sử đạo Hồi. Nhóm Ismaili thậm chí còn có các cơ sở đúc tiền riêng nữa. Thật vậy, các tay fida’i vẫn còn đi ám sát, nhưng không còn chuyên chú, và trong nhiều trường hợp, chưa đủ sức để khơi lên ngọn lửa hy vọng của tín đồ.

Vẫn có người trong bọn họ muốn quay về những ngày vẻ vang của Hasan –i Sabbah - quay lại với tinh thần tận tụy và phiêu lưu khi ông ta mới tham gia chiến đấu, và quay lại với niềm tin tôn giáo đã truyền cảm hứng cho họ. Họ tìm thấy hình ảnh lãnh đạo của Hasan qua người con và người kế nghiệp hợp pháp của l chủ lâu đài Alamut, là Muhammad.

 Ông này sớm quan tâm đến công việc. " Lúc nhỏ, ông ta hun đúc ý muốn học hỏi và nghiên cứu những lời dạy của Hasan-i Sabbah và tổ tiên của mình, và … ông ta đã giải thích những tín lý của họ một cách xuất sắc … Với lời lẽ hùng hồn ông ta lấy lòng được nhiều người. Trong lúc người cha hầu như không khéo mấy về nghệ thuật này, thì người con … lại có vẻ như 1 học giả lớn khi đứng bên cạnh, và vì thế thường dân tôn ông ta làm thủ lãnh. Và do không nghe được những gì giống như thế ở người cha, cho nên họ bắt đầu nghĩ rằng đây đúng là vị Imam mà Hasan đã từng hứa hẹn. Dân chúng càng ngày càng theo ông ta nhiều hơn và chẳng bao lâu họ đưa ông lên làm thủ lãnh ‘.

Mauhammad chẳng hề thích thú điều này. Là môt người bảo thủ với các tín điều Ismaili, ‘ ông ta cứng nhắc trong việc tuân thủ những nguyên tắc do cha ông ta và Hasan đặt để về cách tuyên truyền trên danh nghĩa vị Imam và việc tuân thủ các qui tắc Hồi giáo bên ngoài ; và ông ta cho rằng cách hành sử của con mình không phù hợp với những nguyên tắc đó. Vì vậy ông ta phê bình con mình không chút úp mở và nói trước mọi người như thế này :” Tên Hasan này là con ta, và ta không phải là Imam mà chỉ là một trong các da’i của người mà thôi.

 Ai đã từng nghe những lời này mà còn tin họ thì chỉ là kẻ vô đạo và vô thần ". Và trên cơ sở này, ông ta trừng trị thẳng tay bằng khổ hình và tra tấn một số người tin vào chức vị Imam của con mình, và có đợt đã kết tội chết đến 250 người tại Alamut rồi tống cổ 250 người khác phạm cùng tội ra khỏi lâu đài, bắt họ phải cỏng xác những người chết trên lưng. Bằng cách này, thảy đều nản lòng và khuất phục. Hasan nằm im đợi thời cơ và cố gắng không để cha mình nghi ngờ mảy may.Khi Muhammad chết vào năm 1162, ông ta kế vị, không ai lên tiếng phản đối. Lúc ấy, ông ta mới 35 tuổi.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #39 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2010, 09:57:54 pm »

 Lúc đầu sự cai trị của Hasan chẳng có gì để nói, chỉ nới lỏng chút ít những qui định nghiêm khắc của Luật thánh mà trước đây đã được duy trì tại lâu đài Alamut. Sau khi lên cầm quyền được 2 năm rưỡi, vào giữa tháng ăn chay Ramadan, ông ta tuyên cáo thiên niên kỷ mới.Các sự kiện về nhóm Ismaili về những gì đã xảy ra đều được lưu giữ trong các tài liệu về sau này của giáo phái và, cả trong các biên niên Ba tư được viết sau khi Alamut sụp đổ, tuy có sửa đổi chút ít.

Tài liệu này nêu ra một câu chuyện kỳ lạ. Vào ngày thứ 17 của tháng chay Ramadan, năm 559 (nhằm ngày 8 tháng 8 năm 1164), là ngày kỷ niệm Ali bị ám sát, khi sao Xử nữ xuất hiện và mặt trời đi vào cung Bắc giải, Hasan ra lệnh dựng lên 1 đài cao trong sân lâu đài Alamut, mặt quay về hướng tây, 4 góc cắm 4 đại kỳ mang 4 màu trắng, đỏ, vàng và xanh. Dân chúng từ các vùng được triệu tập về Alamut từ trước, tụ tập trong sân lâu đài - người từ phương đông thì ngồi ở bên phải, người từ phía tây đến ngồi ở bên trái, và người từ phía bắc, từ Rudbar và Daylam, ngồi đằng trước mặt, đối diện với đài. Vì đài cao quay về hướng tây, nên các giáo đồ ngồi quay lưng về hướng Mecca. Một tài liệu nhỏ Ismaili kể lại : ‘ Khoảng gần trưa, Chuá công (Hasan), cầu cho an bình khi nhắc đến người, mặc quần áo trắng, đội khăn trắng, từ lâu đài đi xuống, từ hướng phải tiến gần đài cao, và đường bệ bước lên đài.

Ngài chào 3 lần, trước tiên chào người Daylam, rồi đến những ngưòi ở phiá hữu, rồi đến những người ở phiá tả. Sau đó ngài ngồi xuống, rồi đứng dậy, tay giữ kiếm, cất cao giọng . Hướng về phía " con dân của các thế giới, jinn, đàn ông và các thiên thần , ngài tuyên bố là vị Imam ẩn thân đã gởi đến cho ngài 1 sứ điệp với những chỉ dạy mới. Vị Imam của thời đại chúng ta gởi đến các con lời chúc phúc và lòng thương cảm của Người, và coi các con là những tôi tớ được ngài chọn lựa đặc biệt. Đức Imam giải phóng các con khỏi các qui lệ nặng nề của Luật thánh, và mang các con đến cõi Sống lại ". Ngòai ra, vị Imam cử Hasan, con của Muhammad là con của Buzurgumid, là người đại diện (vicar), là da’i và là bằng chứng của chúng ta. Chúng ta phải vâng lời và tuân phục Hasan về những vấn đề tôn giáo lẫn thế tục, có nhiệm vụ phải thực hiện những mệnh lệnh của người và coi những lời của ông ta là lời của chúng ta ‘. Phát biểu xong, Hasan bước xuống đài, cúi lạy 2 lần theo kiểu cầu nguyện.

Rồi, sai người bày ra 1 bàn tiệc, ông ta bảo họ chấm dứt mùa chay, nhập tiệc và cùng vui vẻ. Các sứ giả được phái sang phía đông và tây báo tiệp. Tại Quhistan, thủ lãnh pháo đài Mu’minabad cũng làm một lễ rập khuôn như ở lâu đài Alamut, và tự xưng là người đại diện của Hasan nhưng lễ đài lại đặt lệch hướng ;’ Và từ ngày đó trở đi, những điều đê tiện được phanh phui và những cái ác này được tuyên xưng trong hang ổ của bọn dị giáo, Mu’minabad, lũ này đờn ca, chè chén công khai trên mọi bậc cấp của lễ đài và chung quanh . Tại Syria người ta đón nhận những tin tức như vậy, và các tín đồ ăn mừng vì không còn phải tuân theo qui luật nữa.

Sự vi phạm nghiêm trọng về mặt thể thức của luật tôn giáo – giáo đồ quay lưng về hướng Mecca, tổ chức tiệc vào buổi trưa ngay trong mùa chay – đánh giá điểm đỉnh của khuynh hướng của phái thiên niên kỷ và phá luật ( antinomian) xảy ra nhiều lần trong Hồi giáo và tương tự như thế tại các nước theo đạo Kitô. Luật lệ đã đạt được mục đích, và không còn hiệu lực nữa ; các bí mật được phơi bày, chỉ còn ơn phước của Imam mà thôi. Khi dựng những kẻ tôi tớ được lựa chọn của mình thành các tín đồ, ông ta đã cứu họ ra khỏi tội lỗi, qua cách tuyên cáo Sự sống lại, ông ta cứu họ khỏi cái chết, và mang họ, khi còn sống, đến cõi Thiên đàng tinh thần tại đây họ nắm được Chân lý, và chiêm nghiệm được cái Bản thể thần thánh.

 Giờ đây bản chất của niềm tin vô ích này … là : bắt chước nhà triết học, họ nói đến 1 thế giới như chưa hề được tạo dựng và Thời gian không hề có giới hạn và sự Sống lại chỉ nói về mặt tinh thần. Và họ giải thích Thiên đàng và Hỏa ngục… theo kiểu gán thêm ý nghĩa tinh thần cho những quan niệm này. Và dựa trên cơ sở đó, họ cho rằng sự Sống lại là khi ta gặp được Thượng đế và mọi bí mật cũng như chân lý của mọi Sáng tạo được vén ra, và các qui định về sự tuân phục đều bị bãi bỏ, bởi vì trong cái thế giới này, tất cả đều là hành động và không có sự phán xét, nhưng trong cái thế giới sắp đến, chỉ có sự phán xét và không có hành động. Đây là (sự Sống lại) tinh thần do chính Hasan tìm thấy và cái này là sự Sống lại như được hứa hẹn và mong chờ trong tất cả các tôn giáo và tín ngưỡng.

Do hệ quả này, từ đây, tín đồ được miễn không phải tuân theo các nhiệm vụ do luật Shari’a qui định bởi vì trong thời buổi Sống lại này họ phải tòan tâm ý hướng về thượng đế và từ bỏ mọi nghi lễ theo luật tôn giáo và những qui định thờ phụng đã có. Luật Shari’a qui định là tín đồ phải cầu nguyện Thượng đế mỗi ngày 5 lần và trọn lòng hướng về Người. Qui định này chỉ là hình thức, nhưng giờ đây, trong những ngày Sống lại họ phải luôn luôn hết lòng hướng về Thượng đế và giữ cho mọi mặt linh hồn của họ luôn hướng về phía Đấng Chí Thánh, có như thế mới đúng lời cầu nguyện chân thực.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM