Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:36:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chuyện không thể quên - Cười ra nước mắt (Phần 2)  (Đọc 373980 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #570 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2011, 05:11:30 pm »

.
CHUYỆN XV     QUA ĐÈO HẢI VÂN    (tiếp 6)

      Đến gần cuối cầu, tôi dừng một lần nữa để nhìn lại con đường mà 24/3 chúng tôi đi mò trong đêm. Thật là buồn cười, có một con đường đàng hoàng đi từ đường 1 vào thôn An Nông IV thì chúng tôi không đi, lại chui bờ, chui bụi ở ven sông đi cho nó khó . . . hì hì . . . Chắc chắn con đường này cũng dẫn đến cây cầu nhỏ giữa hai thôn An Nông III và An Nông IV. Tôi nói với Hồng chuyện buồn cười đó thì nó bảo:

-   Thì đêm tối như vậy, ông làm sao mà biết có con đường.
-   Đáng lẽ tôi xem kỹ bản đồ thì có thể đoán ra. Nhưng mà tôi cứ lao bừa đi “hùng hục như trâu húc mả”, làm mọi người
    bở hơi tai. Mãi 7 giờ sáng chúng tôi mới đến ấp Lợi Nông, ở đây này – Tôi chỉ trên bản đồ và đưa cho Hồng xem.
-   Một đêm mà đi mò được từng này đường thì ghê quá !
-   Thế bọn ông qua cầu Nong lúc nào ? – Tôi hỏi
-   Mãi bảy giờ tối, ban 2 mới ra lệnh điều một toán đi xuống cầu Nong. Bọn tôi đã chuẩn bị sẵn nên đi được ngay. Mãi đến
    10 giờ chúng tôi mới đến gần cầu Nong và gặp lính 101.
-   Thế mấy giờ mình mới đánh qua cầu ?
-   Khoảng năm rưỡi (sáng 25/3), 101 họ vòng lên trên, vượt qua sông. Rồi đồng loạt nổ súng với đơn vị ở cầu. Chúng tôi
    chỉ đi theo sau thôi, vượt qua cầu đường sắt.
-   Chúng nó không kháng cự à ?
-   Qua cầu Nong một đoạn, mới thấy địch bắn trả. Có cả xe tăng M41, M48, M113. Chúng nó vừa giật lùi vừa bắn, không
    cho mình đến gần. Bọn nó sợ bê bốn mươi, bốn mốt lắm.
-   Thế mình có bắn cháy chiếc nào không ?
-   Nó vừa chạy, vừa bắn, xa quá, bắn không trúng. 101 đánh cũng gấu, giống như trận Cửa Việt ấy. Bọn tăng mà để vào
    gần thì chỉ có chết. Chắc bọn này đã đánh nhau ở Cửa Việt, bây giờ đụng nhau với 101 thì “són đái ra quần”.
-   Bọn nó chạy hết vào Huế à ?
-   Chẳng biết nữa. Có cả mấy chiếc tăng với xe lội nước nó cũng vứt và chạy dạt đi đâu không biết.
-   Sao lúc mình đi ngược lại không thấy nhỉ ?
-   Có mấy xe lội nước chạy ra ruộng, lúc quay lại tôi cũng không để ý xem còn không. Nhưng mà lúc ở Huế, tôi nhìn thấy
    tăng của bọn 203 có cả M48, có khi họ lấy của chúng nó và dùng luôn.
-   Hay nhể ! Thế mấy giờ thì vào đến Huế ?
-   khoảng 11 giờ chứ mấy.
-   Nhanh thật đấy. Bộ binh mà tiến đánh nhanh thế. Chỉ 5 tiếng rưỡi, suốt từ cầu Nong đến Huế, 25 cây số. Vừa đi vừa
    đánh nhau. Quá nhanh ! – Tôi nói.
-   Này ! Giá mà 101 đi theo bọn ông, 7 giờ đã đến gần lắm, chỉ còn năm sáu cây là đến Huế rồi. Thì ! Có khi 9 giờ đã
    xong rồi.- Hồng mói.
-   Ừ . . . Ừ . . . Nhưng mà cũng khó. Họ đánh suốt đến cầu Nong, cũng phải nghỉ ngơi chứ. Thành ra hướng chúng tôi chỉ
    là phương án 2 thôi.
-   Tôi nghĩ, 101 đánh thì chỉ một bộ phận thôi, còn đoạn đi sau được nghỉ ngơi rồi. Tôi mà là tư lệnh là tôi cho triển khai
    cả hai mũi cùng một lúc. Có mũi vu hồi như thế thì địch nó mới khiếp, không biết đằng nào mà lần. Có khi nó sợ quá mà
    chạy tuốt không còn kháng cự gì. – Hồng nói.
-   Đấy là bây giờ mình nói thế, chứ lúc đó ai biết được địch nó lại hoảng loạn như vậy, cho nên phải chờ xe tăng và 324
    phối hợp tác chiến chứ. Các cụ cũng không nghĩ một mình 101 có thể giải quyết xong đến tận Huế.
-   Nhưng mà 101 đánh cũng nên có một mũi vu hồi chứ ! – Hồng cự lại.
-   Họ không cho ông đi học sỹ quan kể cũng phí một “thiên tài quân sự”. - Tôi nói.
-   Ông cứ bôi bác tôi, ấy là tôi thấy rõ mười mươi thì nói đại thôi. (Từ “bôi bác” lúc đó chúng tôi dùng có ý là “nói diễu”)  

      Cứ tưởng Hồng nói năng khó khăn. Thì ra . . . không phải.  Những lúc máu lính bốc lên, nói năng cũng luyến thoắng ra phết. Những người lính trinh sát cựu của chúng tôi là như vậy đấy. Mỗi thằng một tính, ít nói, nói nhiều hay tếu táo thì lúc vào trận cũng rất nhanh nhẹn và hiểu biết. Chúng tôi đi với nhau, chẳng cần nói nhiều, cũng hiểu ý và phối hợp rất nhịp nhàng. Rất ăn ý và yên tâm.

. . .(còn nữa)
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Hai, 2011, 05:18:48 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #571 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2011, 10:56:16 pm »

.
CHUYỆN XV     QUA ĐÈO HẢI VÂN    (tiếp 7)

     Bám theo toán lính phía trước nhưng không quá gần, chúng tôi tiếp tục đi bộ về phía Truồi. Họ đi khá nhanh và chúng tôi còn nhẹ hơn. Hai thằng tôi đều để ba lô ở cứ của c20. Trên lưng mỗi thằng chỉ là chiếc gùi toòng teeng vài cân gạo, một khẩu báng gấp với hai băng đạn và hai trái lựu đạn M26 (US – còn gọi là da láng). Tôi thì thêm ống nhòm, địa bàn, bản đồ, giấy vẽ và hồ sơ của sân bay Phú Bài.

     Chúng tôi qua cầu Truồi, một cây cầu khá dài. Thôn Truồi đây rồi, một ngôi làng trù phú và bình yên. Tôi không nhận thấy ngôi nhà của BìnhYên bị cháy như nói trong quân sử. Có lẽ nhà bác ấy ở xa đường nên không nhìn thấy, cách đường những 200 mét mà cái làng thì lớn, cây cối um tùm, tốt tươi. Nước sông Truồi bấy giờ rất trong và chảy êm đềm. Thật là thanh bình. Qua ga Truồi một quãng thì hai thằng ngồi nghỉ lại. Chẳng có quán xá gì. Nhiều người dân đã trở về nhà nhưng dường như không thấy làng xóm hoạt động gì cả. Có vẻ như chó cũng không dám sủa. Những người dân vẫn e ngại Việt Cộng, mà đến chó của họ cũng sợ.

     Tôi nhớ lại “anh xe lam” chở chúng tôi từ ấp Lợi Nông ra đến An Cựu. Vừa lái xe anh ấy vừa lấy làm hãnh diện và thể hiện rằng mình rất liều lĩnh một cách thông minh. Cái cách mà anh ấy giải thích rằng không sợ Việt Cộng là: “Em nghe chính quyền nói Việt Cộng đi đến đâu là giết hết bà con đến đó, man rợ, khát máu. Đàn bà mà bôi móng thì bị lấy kìm rút hết móng. Việt cộng xanh như tàu lá vì ở trong rừng, thiếu đói, rất thảm hại. bảy Việt cộng đeo một cọng đu đủ không gãy. Em thấy mấy ông giải phóng trắng trẻo, to lớn, trông hiền lành. Vậy là em không tin. Em tin là dù bên nào thì cũng phải có dân chứ làm sao lại giết hết dân. Hết dân thì ở với ai ?” Một lời giải thích vừa nôm na vừa dài dòng nhưng mà nó cho chúng tôi hiểu, dân bị tuyên truyền về Việt Cộng như thế nào. Một kiểu nói mãi cũng nhiều người phải tin (theo kiểu Gơ-ben). Dân họ sợ giải phóng cũng phải thôi.

     Nghỉ chừng 15 phút, rồi chúng tôi đi tiếp. Một đoạn thì gặp toán lính đi trước chúng tôi, họ đang ngồi nghỉ.

-   Hai đồng hương đơn vị nào thế ?
-   c20 đây. Các đồng hương có phải 101 không?
-   101 đây.
-   Lính của bọ Ngoan à ? Bây giờ bọ Ngoan là thủ trưởng của chúng tôi
    (lúc đó phiên hiệu đầy đủ của chúng tôi là c20, phòng tham mưu, sư đoàn 35, gọi là sư đoàn 35
    chứ không gọi là 325 và . . . thực ra thì gọi thế nào cũng được).
-   Hai đồng Hương có ai Nam Hà không ?
-   Đồng hương này Vĩnh Phú xin xà phòng, còn tôi Hà Nội chuồn đây.
-   Tiếc nhể, không có ai cầu tõm nhảy !
-   Các đồng hương đi sau nhá !
-   Cho gửi lời thăm bọ Ngoan nhá !

     Bọ Ngoan, trước là e trưởng 101, bây giờ là tham mưu trưởng sư đoàn. Bọ lên sư đoàn một thời gian thì kéo theo anh Nhạ c trưởng c20 của 101 lên làm c trưởng c20 chúng tôi. Chuyện này, có lẽ tôi đã kể rồi thì phải.

     Toán lính của 101 có lẽ mệt hơn chúng tôi nhiều vì họ mang đầy đủ đồ đoàn, đầy đủ cơ số đạn và ruột tượng gạo. Chỉ một lúc sau chúng tôi đã mất hút trong tầm mắt của họ.

. . . (còn nữa)
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Hai, 2011, 08:13:30 am gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #572 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2011, 10:59:32 pm »

.
     Thêm hai cái ảnh ga Truồi
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #573 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2011, 12:01:32 am »

.
CHUYỆN XV     QUA ĐÈO HẢI VÂN    ( tiếp 8 )

      Bây giờ qua căn cứ Lương Điền chúng tôi mới có dịp nhìn kỹ. Ngay gần đường, lại sát ngay đầm Cầu hai mà có căn cứ trên điểm cao 162 mét. Xung quanh nó là bằng địa. Căn cứ này thật là lợi hại. Nó có thể quan sát và khống chế được một vùng rộng. Địch đóng ở trên cao. Ngay gần chân cứ điểm, chúng tôi nhìn thấy đường đất cho xe chạy vòng quả đồi để lên đỉnh. Ngay sát đường, không có lô cốt hay ụ chiến đấu hoặc công sự cho xe tăng.

      Tôi nhớ lại cái cảnh đồ Lâm vẽ. Thì ra, vì quan sát không được rõ nên mọi người phán đoán và vẽ ra. Chắc cây gì đó làm mọi người tưởng là nòng pháo xe tăng nên vẽ luôn xe tăng. Và, để cho hợp lý thì vẽ luôn cả hầm cho xe tăng. Lúc đó, tôi thấy việc “vẽ bịa” ra như thế không hay lắm. Nhưng sau này tôi lại nghĩ: “thôi thì cũng được, thừa còn hơn thiếu”, dù sao thì 101 đánh đến đây cũng phải chuẩn bị phương án đánh xe tăng địch, không có xe tăng thì càng dễ chứ sao. Có lúc tôi lại nghĩ, biết đâu lúc đó có xe tăng địch nó đậu ở chỗ đó thì sao ? Thật vô lý, vì xung quanh không có biểu hiện gì là có trại lính cả. Thôi kệ !

      Qua Lương Điền gần cây số thì con đường đã đi sát ngay bờ đầm. Sau đó, cả một đoạn dài qua khu vực thôn Bát Sơn thì có một phần làng che khuất đầm. Qua thôn Bát Sơn thì sẽ gặp con đường mà chúng tôi từ cứ trên thượng nguồn Truồi bên sườn Bạch Mã đi xuống. Không biết có gặp đứa nào của c20 chúng tôi từ trên núi xuống không ?

. . . (còn nữa)
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Hai, 2011, 06:37:35 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

thanhsondlbk
Thành viên
*
Bài viết: 37


« Trả lời #574 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2011, 01:19:19 pm »

Tốc độ của bác TTNL chậm quá! Anh em chờ dài cả cổ! Bác vặn ga tay nhanh thêm tí!
Logged
dangpmc
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #575 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2011, 03:33:21 pm »

Tốc độ của bác TTNL chậm quá! Anh em chờ dài cả cổ! Bác vặn ga tay nhanh thêm tí!
HÌ hì đọc bài của bác TTNL cứ như là ăn khoai bị nghẹn ấy. Mở ra mới vài phút thì nghẹn lại cả tuần lễ. Các bác nào ở gần cho bác TTNL ít nước trà quạu cho nó thông cổ chạy nhanh.
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #576 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2011, 05:29:10 pm »

Tốc độ của bác TTNL chậm quá! Anh em chờ dài cả cổ! Bác vặn ga tay nhanh thêm tí!
HÌ hì đọc bài của bác TTNL cứ như là ăn khoai bị nghẹn ấy. Mở ra mới vài phút thì nghẹn lại cả tuần lễ. Các bác nào ở gần cho bác TTNL ít nước trà quạu cho nó thông cổ chạy nhanh.

Thông cảm cho bác TíchTườngNhưLệ. Bác ấy phải "Tích" các sự kiện và ký ức đã quá xa, sao cho thật "Tường", rồi mới nhỏ giọt "Như Lệ". Làm sao mà rồ máy được.
Logged

Nhật ký Viết lại
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #577 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2011, 10:35:21 pm »

Tốc độ của bác TTNL chậm quá! Anh em chờ dài cả cổ! Bác vặn ga tay nhanh thêm tí!
HÌ hì đọc bài của bác TTNL cứ như là ăn khoai bị nghẹn ấy. Mở ra mới vài phút thì nghẹn lại cả tuần lễ. Các bác nào ở gần cho bác TTNL ít nước trà quạu cho nó thông cổ chạy nhanh.

Thông cảm cho bác TíchTườngNhưLệ. Bác ấy phải "Tích" các sự kiện và ký ức đã quá xa, sao cho thật "Tường", rồi mới nhỏ giọt "Như Lệ". Làm sao mà rồ máy được.

      Đúng là ăn khoai bở nó bứ quá ! Không biết tại sao trước khi vào trận hay trong trận tôi rất hừng hực và hứng chí lắm. Xong trận rồi tinh thần bải hoải . Kèm theo đó là những gì xảy ra lúc đó tôi thường không nhớ lắm cứ phải hồi tưởng lại xem, hôm đi với thằng Hồng thì từ đâu đến đâu, gặp cái gì ở đoạn nào, nói với thằng Hồng những cái gì ấy nhể, . . . Tôi cũng nhớ lại được nhưng không chi tiết và nhất là không có hứng thú nói mấy cái chuyện tẻ nhạt. Chămgr qua là cố viết cho "có đầu có đuôi". Thành ra tệ thế đấy !
_______________________________________________________________________

CHUYỆN XV     QUA ĐÈO HẢI VÂN    (tiếp 9)

      Quãng gần 11 giờ, chúng tôi mới đi qua thôn Bát Sơn. Đoạn này đường bộ nay sát ven đầm, có chỗ chỉ cách một thửa đất nhỏ, có đoạn là đám ruộng lúa hẹp. Chợt chúng tôi nhìn thấy mấy toán lính ta đi trên đường ở phía trước. À ! Đây là đầu con đường từ trong cứ ra. Các lực lượng ở phía sau và các lực lượng đảm bảo bây giờ đang lục tục kéo từ trên núi xuống. Nhưng thấy rặt anh em đi bộ, chưa thấy một chiếc ô tô nào. Mọi người đang phải thồ rất nặng.

     Mỗi toán đi riêng, vài ba người. Họ không cùng đơn vị với nhau nhưng tất cả đều di chuyển theo một hướng. Đi về phía Đà Nẵng.

      Hai thằng dừng lại hỏi thăm tình hình trên cứ mới biết ở trên đó các đơn vị đảm bảo và sư đoàn bộ đang rục rịch di chuyển. Cơ quan sẽ di chuyển bằng cơ giới. Các đơn vị tiểu đoàn và đại đội trực thuộc sư đoàn thì vẫn phải hành quân bộ. Anh em mà chúng tôi hỏi thăm là những người đi tiền trạm cho đơn vị và họ phải mang toàn bộ quân tư trang và lương thực theo nên người nào cũng vác nặng. Chúng tôi hỏi thăm c20 thế nào thì không ai biết cả.

      Chắc anh em sẽ thắc mắc rằng hai thằng tôi đi nhẹ toòng teeng như thế có mang vác hộ anh em mang vác nặng không. Thật sự là không. Kể cũng tệ !

      Hai thằng chào họ rồi đi vượt lên. Gần trưa rồi nên con đường cũng vắng vẻ chứ chắc buổi sáng nay người xuống núi phải nhiều hơn?! Chúng tôi vừa đi vừa ngó chừng kiếm chỗ nghỉ trưa. Thế mà mãi gần đến ngọ chúng tôi mới tìm được cái nhà ven đường ở thôn Bạch Thạch. Trước đây tôi cứ nghĩ Bạch Thạch và Đá Bạc là hai thôn khác nhau vì trên bản đồ thấy có ghi hai địa danh Đá Bạc và Bạch Thạch ở gần nhau nhưng là hai chỗ khác nhau. Hóa ra là cái bản đồ 1/50000 nó ghi một chỗ là “Thôn Bạch Thạch” và chỗ kia là “Da Bac Heliport” (nghĩa là sân bay trực thăng Đá Bạc). “Bạch Thạch” là tiếng Hán Việt  nghĩa là “Đá Trắng” hay “Đá Bạc”. Thì ra là như vậy.

      Khu vự Bạch Thạch này cũng khá rộng nằm dọc theo đường 1 quãng bốn năm cây số, cả ở hai bên đường. Một bên là Đầm Cầu hai, bên kia là núi. Bên phía đầm là rẻo đất hẹp, chỗ nào hơi dày một chút thì có năm ba nóc nhà. Bên núi nhiều nhà hơn và cũng có những thẻo ruộng lúa ngoằn ngoèo gọi là cánh đồng, còn lại là đất đồi. Dăm ba chỗ trên đất đồi có trồng chè, trông không được quy mô cho lắm. Trời tuy nắng gắt nhưng có gió từ đầm thổi vào nên không khí mát mẻ và ráo mồ hôi. Không ai bảo ai, hai thằng tôi, từ lúc nào đã mở mấy cái cúc áo để đón gió. Bình thường, khuy áo trên cùng tôi không hay đóng, hai tay áo sắn cao và quần thì sắn lên đến đầu gối. Mỗi lần đi luồn sâu về bao giờ hai cẳng tay và hai ống chân cũng nhằng nhịt những vết cỏ tranh và gai góc cào xước, vết mới chồng chéo lên vết cũ. Thành quen rồi, thả ống quần xuống thấy rất vướng víu.

      Một căn nhà nhỏ, nằm trên vỉa đất cao ngay bên đường. Mái nhà được lợp tôn, xung quanh thưng bằng lá gồi, vài cái cây không to lắm nhưng có tán lá. Cái vẻ mát mẻ của nó thực ra là vì có gió biển thồi thốc từ đầm thẳng vào nhà. Hai thằng ăn cơm nắm xong, nằm vật ra ngủ ngay tức thì.

. . . (còn nữa)
Logged

binhyen1960
Trung tá
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #578 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2011, 12:52:10 am »

 Cám ơn bác TichTuongNhuLe !
 Bác chỉ đúng vị trí nhà em rồi đấy , đó là thôn Đồng Di xã Lộc Điền huyện Phú Lộc nằm sát mép sông và phía sau là thôn Tế Xuân  Grin
 Người dân thôn Đồng Di và Tế Xuân xưa kia sống bằng nghề bán bánh cùng chả giò trên tàu hỏa và xe khách chạy ngang qua trên tuyến đường QL1 , nay ga tàu không đỗ nên nhà ga ngày càng tiêu điều sơ xác , xếp ga Truồi thời Pháp thuộc là bà con nhà BY rất giàu có và phía sau ga Truồi toàn là đất của ông ấy cả , cái nhà tầng gạch xây trước GP cũng là của ông ấy , vì là bà con nên ông ấy thương cảnh bà nội BY một mình nuôi con vất vả nên đã bán rẻ cho mảnh đất cuối thôn Đồng Di gần giáp chùa để trồng trọt chăn nuôi và nuôi dạy con cái .
 Quê gốc của BY ở làng Bàn Môn ( không phải Bàng Môn ) như bản đồ đã ghi đâu bác ạ , làng Bàn Môn xã Lộc An huyện Phú Lộc , nếu từ phía nam ra thì qua sông rẽ phải đi dọc theo sông 3km về đến thôn Đông làng Bàn Môn , người dân ở đây sống thuần nông và giàu truyền thống Cách mạng , nhiều lão thành CM tiền khởi nghĩa đã lớn lên từ mảnh đất khô cằn nhiều lũ lụt gió bão này . Grin
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #579 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2011, 10:24:51 pm »

.
CHUYỆN XV     QUA ĐÈO HẢI VÂN    (tiếp 10)

      Hai giờ chiều hai thằng mới choàng dậy. Tôi lấy bản đồ ra, hai thằng xem và ước lượng đường đi trong buổi chiều. Bây giờ qua dốc Mũi Né sang đến huyện lỵ Phú Lộc. Nếu đi qua đèo Phước Tượng sang bên Nước Ngọt là vùng công giáo mà ngủ lại thì không thoải mái lắm. Mà đi tiếp thì phải đi rất xa. Bàn đi tính lại, cuối cùng chúng tôi quyết định chỉ đi thêm chừng chục cây số nữa và sẽ chọn thôn Trung An ở chân đèo Phước Tượng để nghỉ lại.

      Khi leo đến đỉnh đoạn đèo Mũi Né, tôi dừng lại để xem cái hầm đường sắt Mũi Né. Lúc tôi ở trên ban 2 đắp sa bàn, thấy các thủ trưởng cứ băn khoăn không biết có phải địch giấu pháo trong đường hầm này không. Nếu không biết, bất ngờ, pháo nó kéo ra bắn thẳng phản pháo với ta trên dãy Lưỡi Cái thì cũng là vấn đề. Cũng có thể pháo ra, sẽ khống chế đoạn đường mà e18 tiến đánh từ Bạch Thạch về Phú Lộc và cản bước tiến của ta đi Đà Nẵng.

      Tôi nhớ bọ Luyến có yêu cầu c20 chúng tôi phải dò thám cái hầm này. Sau đó tôi không có dịp được biết có xác định được cái gì ở trong hầm không. Từ trận địa pháo của ta trên Lưỡi Cái không khống chế được cái hầm này vì nó chui vào giữa đèo, hai bên là đồi. Một quả đồi trên bản đồ có chữ “Da Bac Heliport”, còn quả kia là cao điểm 139 của Mũi Né.

      Đứng từ trên đường bộ ngắm cái hầm đường sắt đi thấp phía dưới với bờ “ta luy” khá cao. Đúng là không thể bắn pháo vào đây được. Nhưng ngược lại, nếu đưa pháo vào đây thì cũng khó mà phát huy được hỏa lực. Muốn bắn, vẫn phải kéo ra chỗ trống trải ở khá xa. vả lại kéo vào kéo ra ở cái hầm đường sắt chật hẹp này sẽ rất bất tiện. Có chăng, chỗ này chỉ có thể đặt pháo phòng thủ bờ biển thì còn hợp lý.

      Các cụ lo xa, đề phòng nhưng không biết thực hư ra sao. Thế mới bảo trinh sát là tai mắt cho các cụ. Đôi khi trinh sát không thể nghe nhìn được hết mà cũng chỉ phán đoán. Có khi cứ báo cáo theo phán đoán. Khi vẽ sơ đồ hay cảnh đồ cũng vậy, cứ thêm thắt vào những thứ không nhìn thấy cho nó hợp lý. Chuyện này hồi đó chúng tôi có một từ rất đắt. Đó là chữ “tạc-mọc”. “Tạc” ra lô cốt, pháo, xe tăng . . . và “mọc” ra cây cối, nhà cửa, hầm chỉ huy, . . . Đúng là “Trinh sát nhà nghề  . . .?!”

      Gọi là thị trấn Phú Lộc nhưng nhà cửa rất lèo tèo và phân tán. Không có cảnh phố xá tấp nập hay cơ quan văn phòng, ủy ban hoành tráng như bây giờ. Lúc đó tôi còn không thấy “phố huyện” như thường thấy ở ngoài bắc.

      Vòng xuống cầu đường sắt để qua cái cầu Thừa Lưu đã bị đặc công nước đánh sập. Quả thật, bây giờ tôi không nhớ quang cảnh cầu này bị sập như thế nào. Đối với tôi, nó không để lại một dấu ấn gì cả.

      Khoảng bốn rưỡi chiều chúng tôi đã đến thôn Trung An. Hai thằng tìm chỗ nghỉ lại qua đêm để mai đi sớm.

. . . (còn nữa)
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Hai, 2011, 09:26:17 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM