Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 09:56:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chuyện không thể quên - Cười ra nước mắt (Phần 2)  (Đọc 374016 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #470 vào lúc: 25 Tháng Mười Hai, 2010, 11:45:46 pm »

.
CHUYỆN XIV     TỪ PHÚ LỘC ĐẾN HUẾ    (tiếp 19)

     Hoàn thành xong sơ đồ, tôi lên ban chỉ huy đại đội thì thấy đang có cuộc họp nên tôi phải ngồi chờ. Bây giờ không nhớ hết những người trong cuộc họp lúc đó. Tôi nhớ, có anh Nhạ, Duyên – trinh sát ảnh, Quách Lâm – binh địa, một vài tay súng nữa và hình như là hai hay ba trinh sát của trung đoàn 101. Nhóm đang họp để chuẩn bị đi trinh sát căn cứ Lương Điền. Lần này anh Nhạ đích thân chỉ huy nhóm trinh sát. Yêu cầu của ban 2 là làm binh yếu địa chí căn cứ Lương Điền, được nghi là căn cứ của một trung đoàn (lâu ngày không còn nhớ là trung đoàn nào). Nếu Bạch Thạch có địch thì làm luôn cả điểm này. Nhóm cũng được yêu cầu kiểm tra xem hầm đường sắt qua đèo Mũi Né địch có pháo đặt trong đường hầm hay không đồng thời nắm địch ở Mũi Né.

      Khi tôi đến thì mọi người đang bàn phương án tiếp cận mục tiêu. Nhóm quyết định sẽ luồn rừng men theo Mom Kim Sắc, đi dưới chân cao điểm 312, đến chân cao điểm 560 và 494 xuống thẳng đường 1. Đường đi đoạn sau là rừng cây lúp xúp mà khi ở đài quan sát đã  thấy không có địch đóng quân, chỉ có ít lính tráng đi lại từ các điểm cao xuống đường một theo hai con đường hai bên điểm cao 494. Vậy là phải vượt qua đoạn này vào ban đêm, lúc đó địch hoàn toàn không đi lại nên mình có thể vượt qua tương đối tự do. Sau khi vượt qua đường một có thể do thám được hầm đường sắt và địch ở Mũi Né. Sau đó, đi dọc theo phía đông đường 1 lên phía bắc tiếp cận căn cứ Lương Điền. Ở phia đông đường 1 địch ít để ý, có thể chui rúc trong cái rẻo hẹp của ruộng lúa giữa đường 1 và Đầm Cầu Hai. Ban đêm sẽ di chuyển để tiếp cận địch. Vậy là ban ngày phải tìm chỗ trú bên phía đông đường 1. Ban đêm di chuyển đến vị trí lựa chọn thích hợp, kín đáo để quan sát. Nhiều khả năng phải chui vào cống hoặc gầm cầu nhỏ có nhiều cây cối rậm rạp trên đường 1.

      Nhóm bàn thảo kỹ càng và chuẩn bị thêm một ngày để chiều mai xuất kích. Họp xong, anh Nhạ mới ngồi viết báo cáo gửi lên ban. Lúc nãy ngồi ngoài, nghe hết nên bây giờ tôi đoán được anh Nhạ viết gì gửi cho ban. Đường đi và hoạt động của nhóm trinh sát được thể hiện trên bản đồ dưới đây.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Mười Hai, 2010, 11:59:43 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #471 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2010, 11:22:04 pm »

.
CHUYỆN XIV     TỪ PHÚ LỘC ĐẾN HUẾ    (tiếp 20)

      Nhớ lại sáng nay, tôi ngồi phóng bản đồ thành sơ đồ trên giấy tờ rô ki (troki) mà bây giờ gọi là giấy A0. Tôi xem rất kỹ cái bản đồ 1:50.000 của khu vực này, dò lại con đường 1 suốt từ Lương Điền về Mũi Né. Trên bản đồ này không thể hiện các cống trên đường. Hồi ở Quảng Trị tôi có đủ cả bản đồ tỷ lệ 1:50.000 và 1:25.000. Bản đồ sau, nếu là vùng đồng bằng thì vẽ chi tiết hơn nhiều, thậm chí có cả cây độc lập, chùa, miếu, cống, . . . 

      Nhưng chắc chắn đường 1 ở đoạn này phải có rất nhiều cống chảy qua đường vì ở đây núi sát biển. Rất nhiều đường tụ thủy trên núi xuống đường 1 mà không có thể hiện cầu cống gì. Các cống này không phải bao giờ cũng có nước chảy. Chúng thường để thoát nước của những trận mưa lớn. Nếu cửa cống có cây cối rậm rạp thì ban ngày là chỗ lý tưởng để làm đài quan sát. Tuy nhiên ở ngay sát đường, xe cộ hoạt động suốt ngày, địa hình thì trống trải nên không thể di chuyển ban ngày được. Mỗi ngày chỉ có thể ở một chỗ, ban đêm mới di chuyển được.

      Một khó khăn nữa là khi vẽ sơ đồ, cảnh đồ hay chụp ảnh Lương Điền, Đá Bạc, Mũi Né mình toàn ở dưới thấp, không thể biết toàn cảnh địch ở trên cao điểm. Nhất định sẽ phải quan sát vong quanh mấy mặt. Một toán trinh sát khá đông thì việc xóa dấu vết cũng khó hơn, nhất là khi lội ruộng. Tuy biết anh Nhạ là trinh sát kỳ cựu, nhưng nhất định tôi sẽ nói chuyện này với anh.

      Vì khu vực tổng thể khá rộng nên mãi đến trưa tôi tôi mới xong công việc. Các vị trí địch chốt trên các điểm cao, lực lượng tiểu đội hay trung đội, đại đội đều được thể hiện, chỉ thiếu mỗi phiên hiệu.
Anh Nhạ viết điện xong thì quay ra xem cái sơ đồ tôi vẽ. Anh góp ý mấy chỗ rồi đưa bức điện cho tôi chuyển lên ban 2. Tôi cũng nói với anh mấy ý đã suy nghĩ từ nãy.

. . . (còn nữa)
Logged

sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #472 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2010, 08:13:14 am »

... tôi ngồi phóng bản đồ thành sơ đồ trên giấy tờ rô ki (troki) mà bây giờ gọi là giấy A0

Lại thêm một sự ngạc nhiên đối với những trinh sát binh địa đã trút áo lính sớm.

Năm Bảy Hai, khi vẽ sơ đồ trận TQLC đổ bộ Nham Biều và cảnh đồ cầu sắt Quảng Trị, 6971 phải dùng giấy cuộn của ngụy. Cuộn giấy có bề rộng chỉ cỡ 25-30cm, gấp đôi cuộn giấy WC bây giờ. Giấy rất thô, nhờ nhờ trắng. Vẽ sơ đồ thì phải chắp lại để được tờ giấy khổ cỡ 30x30, nhưng vẽ cảnh đồ thì lại thuận tiện, muốn vẽ dài bao nhiêu cũng được, cứ việc tởi cuộn giấy ra thêm, có thể vẽ toàn cảnh bờ Đông sông Thạch Hãn, từ Tích Tường xuống đến tận dinh tỉnh trưởng, như kiểu "con đường gốm sứ" ấy. Tất nhiên vẽ giấy rộng thì sướng tay hơn, nhưng đào đâu ra giấy lúc ấy, mà có giấy troki thì cũng không tìm ra được căn hầm nào đủ rộng ở Nham Biều khi đó để trải ra vẽ. Ấy là chưa kể khi đi khi về đều phải bò, để giấy vào đâu.

Đến Bảy Ba, sau hiệp định, coi như hòa bình, đi vẽ sơ đồ toàn tuyến Thanh Hội - Chợ Sải, mới có giấy Troki, trên ban cấp cho, nhõn 1 tờ, cuộn lại, bọc ni long rồi tha đi khắp tuyến. Thế cũng đã là cầu kỳ lắm rồi. Thực ra, khi đi thực địa vẫn là vẽ nháp bằng chì ngay trên bản đồ Mỹ, giấy xịn, gấp thoải mái, các ghi chú thì ghi vào sổ tay. Chỉ đến khi khảo sát xong toàn tuyến, về đến Đầu Kênh, ở nhà dân, nhà cửa đàng hoàng, mới bung giấy troki ra phản, vẽ lại.

Đến cuối Bảy Ba, hai đứa (TTNL và 6971) được triệu lên Sư bộ vẽ cái sơ đồ tác chiến toàn mặt trận Quảng Trị, phục vụ hội nghị Tổng kết chiến dịch. Sơ đồ hoành tráng này được ghép từ 16 tờ Troki (4x4 tờ), sau đó được treo lên phông ở chính giữa hội trường Sư bộ, để các chỉ huy Mặt trận và Sư đoàn theo dõi, báo cáo.

Mấy đứa căn bản đồ theo tọa độ, chia lô ra rồi phân công nhau vẽ. 16 lô đều được ae vẽ chính xác thế mà khi ghép lại thì rất khó khăn. Chỉ riêng việc tìm được một mặt bằng đủ rộng và phẳng phiu ở cái xứ núi đồi ấy để ghép 16 tờ troki đã vất vả lắm rồi. Nhưng cái khó chính là vì hồi đó dán ghép bằng hồ (Nấu một nồi hồ to như nồi chè, múc ra nắp ango, vừa dán, vừa ăn!), mép giấy bị co kéo, không còn đều chằn chặn nữa. Chỉnh mãi vẫn không thể khớp được các chỗ tiếp giáp 2 lô, nhất là các đường bình độ. Khó nhất là 4 tờ ở giữa, kéo cho khớp cạnh này thì lại vênh, gẫy 3 cạnh kia. Loay hoay mãi, sau đành dán trước, còn các đoạn tiếp giáp bị vênh thì tẩy và nắn, chủ yếu là nắn đường, sao cho đường đi, nhất là đường 9, không bị gãy khúc ở chỗ tiếp giáp 2 tờ. Đoạn sau cùng, nan giải nhất chính là làm sao treo được lên trên phông. Bí mật.

Thế mà sau này, chắc là khoảng một năm sau, bác TTNL "rúc" mãi vào tận Tây Huế, "lặn" xuống tận đường 1, mà vẫn được xài Troki, nghe mà thèm.  
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Mười Hai, 2010, 10:08:16 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #473 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2010, 07:31:32 pm »


Thế mà sau này, chắc là khoảng một năm sau, bác TTNL "rúc" mãi vào tận Tây Huế, "lặn" xuống tận đường 1, mà vẫn được xài Troki, nghe mà thèm.  


     Bác 6971 à. Lúc đi thực địa thì chỉ vẽ ra giấy nhỏ. Thường tôi cũng dùng giấy cuộn của Mỹ, màu vàng nhạt. Cực tiện luôn! Khi về đến "nhà" mới bung ra trên giấy troki. Vẫn là vậy thôi mà, có sướng gì đâu bác. Lúc chuẩn bị chiến dịch ở Huế, tại "nhà" của c20, tôi không còn nhớ là kê lên cái gì để phóng và vẽ. Rất có thể là trải ra đất. Chỗ nào vẽ thì kê lên bìa vở bìa sách gì đó thôi chứ không có hẳn cái giường bằng gỗ dán như hồi ở Trà Liên Tây.
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #474 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2010, 10:52:49 pm »

.
CHUYỆN XIV     TỪ PHÚ LỘC ĐẾN HUẾ    (tiếp 21)

      Chuyện đắp sa bàn trên sư đoàn thì tôi đã kể trong chuyện “Bắt Tù Binh” ở topic “Những Chuyện Không Thể Quên – Cười Ra Nước Mắt (phần 1)”, trang 28.

      Những ngày đắp sa bàn, chúng tôi ở ban 2, ngay cùng nhà âm với bọ Luyến. Các thủ trưởng trong ban cũng hay trao đổi qua lại tình hình chuẩn bị chiến dịch của sư đoàn  nên tôi cũng nắm được sơ sơ. Tôi nhớ, một hôm bọ Luyến đi họp trên phòng tham mưu về cứ cằn nhằn: “Sao mấy thằng ngu thế, mấy thằng này chủ quan quá ! . . .”. Rồi bọ Luyến trao đổi với bọ Kim chuyện sư đoàn lo lắng, sợ lộ ý đồ chiến dịch. Anh em kéo pháo lên Lưỡi Cái chủ quan, hò hét quá to. Rồi chuyện một khẩu  lựu 122 ly bị lăn xuống vực, không thể kéo lên được. Mà nếu có kéo lên thì cũng hỏng hết rồi không thể dùng bắn được nữa. Anh em cứ nhìn kỹ trên bản đồ mà xem. Hai bên sườn của dãy Lưỡi Cái rất dốc. Đường kéo pháo tuy được công binh làm nhưng là đường bí mật vì địch vẫn dùng máy bay L19 bay lượn trinh sát ở tít trên cao. Nếu nghi vấn, chúng sẽ xăm soi và phát hiện ra đường là lộ ý đồ đánh lớn.

      Rồi chuyện lộ cũng không tránh khỏi. Không rõ là do máy bay hay là do thám báo phát hiện. Chuyện này tôi chưa có dịp hỏi lại anh em a12 - trinh sát nghe lén điện đàm. Hồi đó mà thám báo tìm ra, sẽ báo cáo về phía sau và anh em sẽ nghe lén được. Chỉ sợ anh em cũng quên rồi. Vấn đề ở chỗ, hết ngày này qua ngày khác, mười mấy anh em a12 phải liên tục căng tai ra nghe địch liên lạc với nhau để lấy thông tin. Rồi còn chấm tọa độ của địch đến tận từng tiểu đội của chúng. Quá nhiều, thành ra không nhớ.

      Địch bắt đầu cho L19 lượn loanh quanh phía trên đầu dãy Lưỡi Cái suốt ngày, rồi OV10 cà rà, nghi đâu là gọi A37 tới rồi bắn pháo khói chỉ điểm. Pháo của địch liên tục bắn vào những chỗ nghi vấn. c3/d1/e101 của bác Lê Xuân Tường bị pháo đich bắn đúng vào chỗ trú quân bị thương vong rất nặng (theo bác Tường nói là coi như xóa sổ ?!). Rất nhiều anh em bị thương vong trên đường tải đạn pháo.

      Mặc dù vậy, việc kéo pháo vẫn có kết quả. Từng ngày, tôi vẫn được nghe chuyện các thủ trưởng nói pháo kéo được đến đâu. Ta kéo cả pháo mặt đất và cao xạ 37 ly lên Lưỡi Cái. Vì để giữ bí mật nên cao xạ không nổ súng bắn máy bay và pháo mặt đất của ta cũng không bắn trả pháo địch. Tôi không được nhìn tận mắt việc kéo pháo. Cao xạ 37 ly thì tôi và các bạn tôi đều nhớ. nhưng pháo mặt đất kéo lên núi người thì nhớ là pháo 122, người thì bảo là pháo 85. Hay là có cả hai loại không biết ? Lính trinh sát cựu chúng tôi không ai tham gia kéo pháo và tải đạn vì phải chia đi các mũi để trinh sát địch ở các điểm cao và dò thám tìm các đường để dẫn bộ đội tiến xuống đường 1.

      Chỉ có anh em trẻ tham gia vác đạn. Giá mà họ cũ một tý như chúng tôi thì nhìn đạn pháo là biết, mà nếu không biết thì hỏi. Lính trẻ đâu có dám hỏi. Mới huấn luyện xong tân binh được 2 tháng thì bổ xung vào đơn vị tôi, đúng lúc lên đường từ Quảng Trị vào Huế chuẩn bị chiến dịch. Lúc đó ở hậu phương đói hơn lính tráng chúng tôi ở Quảng Trị. Chúng tôi được dưỡng quân gần 2 năm rồi. Trông lính mới vào, rõ ràng sức lực kém hơn hẳn lính cũ. Họ ngơ ngác chưa biết gì, trông lại càng thương.

      Tôi mất thằng bạn thân nhất khi nó đang trên đường vác đạn pháo . . .

. . . (còn nữa)
Logged

vitính
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 483


« Trả lời #475 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2010, 12:33:35 am »

Đưa đường dẫn chương trình phát thanh Quốc phòng Toàn Dân vào đây có thể sai một chút. Nhưng tôi muốn đưa vào vì một lý do đặc biệt, mong có thể được chấp nhận.
Bạn của TTNL, Trần Bắc Hải, có bài hát Hải Đội Hoàng Sa vừa được trao giải C sáng tác về biển đảo (Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ TLHQ, Hội Nhạc sĩ). Buổi phát thanh này giới thiệu bài hát và những lời tâm sự của tác giả, trong đó có nhắc tới một người bạn khác chung của TTNL và tác giả là LS Trịnh Thúc Doanh mà anh LeXuanTuong có nhắc trong bài viết của mình.
Hơi dài một chút, mong các bạn chịu khó tải về và nghe.
Hải Đội Hoàng Sa, nhạc và lời Trần Bắc Hải với lời giới thiệu của đài.
Hải Đội Hoàng Sa, nhạc và lời Trần Bắc Hải (không lời giới thiệu, phần hát bè)
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Mười Hai, 2010, 02:34:28 pm gửi bởi vitính » Logged
hoang phu
Thành viên
*
Bài viết: 23


« Trả lời #476 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2010, 10:02:32 pm »

".... pháo mặt đất kéo lên núi người thì nhớ là pháo 122, người thì bảo là pháo 85. Hay là có cả hai loại không biết "

Bạn rất dễ phân biệt hai loại pháo này, canon 85 thấp, nhỏ, nòng dài và ở đầu nòng có loa giảm giật, lựu pháo 122ly nòng ngắn, càng vuông và cao hơn, đầu nòng không có loa giống rắn hổ mang như 85 ly, nhưng kéo lên núi cao như bạn mô tả có thể là pháo canon 85, đạn và các tút lọai này thường gắn liền.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #477 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2010, 07:53:14 am »

"Mặc dù vậy, việc kéo pháo vẫn có kết quả. Từng ngày, tôi vẫn được nghe chuyện các thủ trưởng nói pháo kéo được đến đâu. Ta kéo cả pháo mặt đất và cao xạ 37 ly lên Lưỡi Cái. Vì để giữ bí mật nên cao xạ không nổ súng bắn máy bay và pháo mặt đất của ta cũng không bắn trả pháo địch. Tôi không được nhìn tận mắt việc kéo pháo. Cao xạ 37 ly thì tôi và các bạn tôi đều nhớ. nhưng pháo mặt đất kéo lên núi người thì nhớ là pháo 122, người thì bảo là pháo 85. Hay là có cả hai loại không biết ?"

Tôi cũng không được chứng kiến việc kéo pháo nhưng được chứng kiến con đườngkéo pháo. Chiều 22.3.75, khi đi trinh sát theo con đường vượt động Truồi sang Núi Bông, Núi Nghệ, nhìn sang dãy núi bên cạnh (chính là dãy Lưỡi Cái) thì thấy một vệt đường thẳng từ chân lên đỉnh núi. Hỏi mấy trinh sát BB đi cùng thì họ bảo đầy là đường kéo pháo của quân ta. Nhìn dãy núi và con đường mà thấy khiếp vì độ dốc khá cao, theo ước lượng của tôi nhiều chỗ đến 45- 50 độ. Nghe các anh ấy nói mỗi khẩu pháo phải dùng đến 1 tiểu đoàn.
Trước đây chỉ được nghe chuyện kéo pháo bằng sức người vào Điện Biên, đến hôm ấy mới được chứng kiến việc dùng sức người kéo pháo lên đỉnh núi dốc như thế, cánh bọn tôi "phục sát đất" Grin
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #478 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2010, 09:18:46 pm »

"Mặc dù vậy, việc kéo pháo vẫn có kết quả. Từng ngày, tôi vẫn được nghe chuyện các thủ trưởng nói pháo kéo được đến đâu. Ta kéo cả pháo mặt đất và cao xạ 37 ly lên Lưỡi Cái. Vì để giữ bí mật nên cao xạ không nổ súng bắn máy bay và pháo mặt đất của ta cũng không bắn trả pháo địch. Tôi không được nhìn tận mắt việc kéo pháo. Cao xạ 37 ly thì tôi và các bạn tôi đều nhớ. nhưng pháo mặt đất kéo lên núi người thì nhớ là pháo 122, người thì bảo là pháo 85. Hay là có cả hai loại không biết ?"

Tôi cũng không được chứng kiến việc kéo pháo nhưng được chứng kiến con đườngkéo pháo. Chiều 22.3.75, khi đi trinh sát theo con đường vượt động Truồi sang Núi Bông, Núi Nghệ, nhìn sang dãy núi bên cạnh (chính là dãy Lưỡi Cái) thì thấy một vệt đường thẳng từ chân lên đỉnh núi. Hỏi mấy trinh sát BB đi cùng thì họ bảo đầy là đường kéo pháo của quân ta. Nhìn dãy núi và con đường mà thấy khiếp vì độ dốc khá cao, theo ước lượng của tôi nhiều chỗ đến 45- 50 độ. Nghe các anh ấy nói mỗi khẩu pháo phải dùng đến 1 tiểu đoàn.
Trước đây chỉ được nghe chuyện kéo pháo bằng sức người vào Điện Biên, đến hôm ấy mới được chứng kiến việc dùng sức người kéo pháo lên đỉnh núi dốc như thế, cánh bọn tôi "phục sát đất" Grin

Sau nay tôi được anh em c3 của tôi kể lại ngày ấy kéo pháo 85 và 37 lên đỉnh núi vì gần địch nên không được phép hò mà phải đếm nhẩm theo hiệu lệnh bằng khăn mặt trắng của chỉ huy.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #479 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2010, 11:43:45 pm »

".... pháo mặt đất kéo lên núi người thì nhớ là pháo 122, người thì bảo là pháo 85. Hay là có cả hai loại không biết "

Bạn rất dễ phân biệt hai loại pháo này, canon 85 thấp, nhỏ, nòng dài và ở đầu nòng có loa giảm giật, lựu pháo 122ly nòng ngắn, càng vuông và cao hơn, đầu nòng không có loa giống rắn hổ mang như 85 ly, nhưng kéo lên núi cao như bạn mô tả có thể là pháo canon 85, đạn và các tút lọai này thường gắn liền.

     Tôi không trực tiếp kéo pháo và tải đạn mà cũng không nhìn thấy anh em kéo pháo và tải đạn chỉ nghe nói lại. Anh em kéo pháo và tải đạn toàn lính mới thành ra mỗi người nói một kiểu. Pháo 85 nòng dài , pháo 122 là pháo lựu. Nhìn đạn cũng biết. Tiếc là tôi không được nhìn bác Hoang Phu ạ. Hôm nào tôi hỏi lại đám trinh sát a12 hay thủ trưởng ban 2, chắc có người nhớ.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM