Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 10:12:20 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh  (Đọc 70486 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
trung uy
Thành viên
*
Bài viết: 286



« Trả lời #20 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2010, 07:36:40 am »

...
Ở Non Nước, có khoảng hơn 1000 tù binh, có cả nam cả nữ, cả bộ đội, cả du kích, rồi cán bộ phong trào địa phương... Anh em chính quy miền Bắc vào thì có 17 người. Về khu giam giữ, chúng tôi dần dần liên hệ với nhau, rồi bàn cách đối phó và tổ chức đấu tranh. Động viên nhau là chẳng may rơi vào tay giặc, nhưng vào đây rồi còn sống thì còn hoạt động cách mạng, phải vận động cùng khối anh em du kích miền Nam đấu tranh chống đánh đập, bỏ đói … Có lần, tranh thủ đi vệ sinh, tôi hỏi một anh khu bên cạnh tình hình bên đó, thằng lính gác nó nhìn thấy, nó cầm báng súng đánh túi bụi “cho mày hết tuyên truyền”. Lần khác, nó đánh hơi thấy anh em chúng tôi hoạt động, nên nó bắt mấy người phải ngồi chuồng cọp, trong đó có tôi, cho “mấy tên Việt cộng cứng đầu hết đòi đấu tranh”
Cái chuồng cọp này, nó ở ngoài trời và làm bằng lưới thép gai. Bọn nó đóng 4 cái cọc sắt giữa sân, rồi chăng dây thép gai bốn xung quanh, trên đầu và duới nền cát. Thành ra, vào chuồng cọp thì nằm không được, đứng cũng không xong, chỉ lom khom thôi. Mỏi quá không vững được là chạm mớ thép gai bùng nhùng, gai nó cào vào da thịt mình tứa máu ngay. Ngày thì nắng chang chang, đêm xuống thì lại lạnh. Ngồi chuồng cọp, mặc mỗi cái quần đùi, hai ba ngày sau là da tôi rát rạt, đỏ như tôm rồi lột ra từng mảng. Ngày nó cho lưng lon nước, cơm thì ăn với cá thum thủm, có khi lại là cơm lẫn cát. Đại tiểu tiện tại chỗ. Trời nắng như thế, lại bẩn thỉu, hôi hám, những chỗ bị thép gai nó cào, nhiễm trùng lên mủ khắp người. Cái trò hành hạ này làm anh em mình xuống sức nhanh lắm. Nhưng không ai chịu khuất phục khi nó dụ chiêu hồi để được thả. Sau đó, anh chị em ở các trại  tổ chức đấu tranh mạnh với địch, thấy tình hình căng quá, chúng nó mới đưa anh em mình vào, thì phần lớn anh em mình cũng lả hết rồi. Nó kéo dài thêm nữa thì chắc mấy anh em chúng tôi cũng bỏ mình trong cái chuống thép gai ấy.
Logged

"Láng giềng khốn nạn - Cướp đất toàn diện - Lấn biển lâu dài - Thôn tính tương lai"
trung uy
Thành viên
*
Bài viết: 286



« Trả lời #21 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2010, 07:42:52 am »

Có một lần, trong đêm, chúng tôi thấy súng nổ liên tục phía ngoài xa. Anh em trong các trại đều nhỏm cả dậy, đúng là quân mình đánh rồi. Chúng tôi mong anh em mình đánh vào trại, nhưng hình như ban đêm anh em không tìm thấy hay chỉ đánh mục tiêu nào đó gần đấy, tiếng súng nổ đì đùng kéo dài cả đêm. Đến sáng, chúng tôi thấy trực thăng vũ trang nó quần lượn xung quanh, bắn rốc-két ngoài bãi biển, chắc là nó truy kích anh em mình.  Sau đó mấy hôm, bọn nó tập trung chúng tôi ra sân, điểm danh rồi lệnh “chuyển trại”, chắc là chúng sợ quân mình đánh vào giải thoát tù binh. Nó đưa ra sân bay, dồn lên máy bay vận tải và chở thẳng chúng tôi ra Phú Quốc, sau hơn 2 tháng ở trại Non Nước.
Logged

"Láng giềng khốn nạn - Cướp đất toàn diện - Lấn biển lâu dài - Thôn tính tương lai"
trung uy
Thành viên
*
Bài viết: 286



« Trả lời #22 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2010, 08:01:06 am »

...
Tôi chuyển ra trại tù binh Phú Quốc tính ra khoảng tháng 10/1968. Ở ngoài đó, nó có 11 khu, mỗi khu lại có 4 phân khu. Mỗi phân khu có 9-10 phòng giam. Chúng nó chia anh em mình theo từng nhóm: sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, mỗi nhóm lại chia thành miền Nam – miền Bắc, giam riêng. Mỗi phòng giam, khoảng trên dưới 100 anh em. Nên áng chừng nhẩm ra anh em mình ở đó cũng phải hơn bốn vạn. Phòng giam thì là những nhà dài, dựng bằng tôn thiếc, mái cũng lợp tôn. Giữa các dãy nhà, ngăn cách các phân khu, là các hàng rào dây thép gai. Bao quanh cả trại thì phải mười mấy lớp rào thép gai, rồi bãi mìn. Cơ bản là chúng phân chia như thế, nhưng ở một thời gian, thì chúng nó cũng đổi một số cho xáo trộn đi, nó tránh anh em mình tập hợp lại với nhau, tổ chức đấu tranh, nhất là về sau này, khi xảy ra các vụ đào hầm trốn thoát thì chúng càng hay đổi. Ban đầu tôi ở trại B3, sau đổi sang A4, rồi sang A6. Số tù của tôi là 3512, bây giờ tôi vẫn khắc lên đồ dùng làm kỷ niệm…”


Gần 2 năm sau khi ông Quản nhập ngũ, đây là tin tức đầu tiên  của ông về với gia đình .... Cùng thời điểm đó ông Quản đang ở "địa ngục trần gian" - Trạu tù binh Phú Quốc.
Logged

"Láng giềng khốn nạn - Cướp đất toàn diện - Lấn biển lâu dài - Thôn tính tương lai"
trung uy
Thành viên
*
Bài viết: 286



« Trả lời #23 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2010, 08:14:50 am »

...
 “Ra ngoài đó, thì anh em mình cũng đông rồi mà tổ chức cũng chặt chẽ hơn. Các phân khu, hay phòng giam đều có chi bộ lãnh đạo phong trào đấu tranh của anh em. Tôi ngày đó thì chưa phải là đảng viên mà mới là đoàn viên Thanh niên Lao động thôi. Anh em mình thì nói chung là đoàn kết, và chấp hành chủ trương của tổ chức lắm. Nhưng ở Phú Quốc, chúng nó cũng đàn áp, tra tấn dã man hơn nhiều. Chắc là anh cũng được nghe, được đọc nhiều về chuyện này rồi. Nó tra tấn anh em mình bằng những hình thức rất khủng khiếp. Ở Phú Quốc, có nhiều chuồng cọp thép gai như tôi đã gặp ở Non Nước, nhưng có khi bên trong nó lồng thêm một cuộn hình ống, hoặc nó nhốt 5-7 có khi hàng chục anh em mình vào đó. Rồi nó dí điện, đổ nước xà phòng nóng, đục răng, đâp vỡ mắt cá chân, rút móng, đóng kim vào đầu ngón tay, quất bằng roi cá đuối, dìm phi nước, tẩm dầu đốt, soi bong điện công suất lớn cho mù mắt, thiêu cháy, chôn sống… chúng nó còn trói anh em mình vào bao tải, ném vào nước sôi, hay là đóng đính dài cả chục phân vào đầu, vào cột sống. Rất nhiều anh em, nhất là các đồng chí cốt cán, đã bị chúng nó tra tấn hành hạ dã man như thế, nhưng không ai chịu khuất phục, nên bị chúng nó thủ tiêu. Hôm trước, xem ti-vi có thấy trong đó đang tổ chức khai quât hài cốt anh em hy sinh đấy, nhiều hài cốt vẫn còn nguyên mấy cây đinh cắm vào xương sọ.
Ngoài ra, hàng ngày chúng tôi bị nó đánh đập như cơm bữa, nó đánh bất kể lý do, hứng lên là đánh. Nhắc đến cơm bữa, thì chúng tôi phải ăn gạo mốc, susu ủng , cá ươn, mà số lượng cũng chả phải nhiều nhặn gì. Nhiều khi mình đấu tranh, nó xả súng bắn thẳng vào phòng, có trận nó bắn chết hơn trăm anh em, số bị chết và bị thương vì nó đàn áp cũng nhiều. Hình thức đấu tranh của mình thì có tuyệt thực, lại có cả mổ bụng phản đối, rồi có khi mình trực tiếp đánh bọn ác ôn. Tôi cùng anh em tham gia tuyệt thực nhiều lần, có lần cao nhất là 11 ngày. Cũng bị nó đánh nhiều lần, chuồng cọp tập thể vài bận, nhưng so với anh em bị tra tấn thì chưa thấm vào đâu. Đấu tranh để chống đánh đập, chống bỏ đói, chống cưỡng ép chiêu hồi, chống chào cờ ngụy … Mà đấu tranh lại được với chúng nó như thế, là do anh em rất đoàn kết và dũng cảm, song cũng buồn là có một số ít người đã dao động, và đã đầu hàng phản bội, làm tay sai cho giặc. Trong sinh hoạt ở phòng giam, chúng tôi ngòai việc tổ chức học tập, tuyên truyền, rồi đấu tranh với giặc, còn phải lo việc bảo vệ nội bộ, phát hiện những tên chỉ điểm do địch cài vào hoặc là chiêu hồi, phản bội. Phòng tôi cũng có lần phải diệt một tên chỉ điểm khi đi lao động ngoài rừng rồi báo cáo là bị ngã suối. Do chế độ tù đày như vậy, cộng với số bị thủ tiêu, bị đàn áp, thì một phần mười số anh em mình đã nằm lại vĩnh viễn trên hòn đảo ấy, số còn lại thì cũng rất nhiều người thương tật, tàn phế nặng…”

Người cựu tù binh Phú Quốc bồi hồi nhớ về những ngày tháng ở hòn đảo địa ngục ấy ... Nơi "một phần mười (>4000) anh em mình nằm lại, số còn sống cũng rất nhiều người thương tật, tàn phế nặng..."
Logged

"Láng giềng khốn nạn - Cướp đất toàn diện - Lấn biển lâu dài - Thôn tính tương lai"
trung uy
Thành viên
*
Bài viết: 286



« Trả lời #24 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2010, 08:24:09 am »

...
“Một việc nữa, không thể không nói đến, đấy là những nỗ lực đào thoát của anh em mình. Cũng có nhiều cách, có nhóm thì khi đi lao động, cướp súng chạy vào rừng, có nhóm thì vuợt rào, có nhóm tổ chức đào hầm xuyên lòng đất ra ngoài. Cũng có trường hợp mặc giả đồ lính canh để đi qua cổng. Đó là có lần bọn quân cảnh trật tự vào phòng đánh anh em, chúng tôi đồng loạt đánh lại, quây được hai thằng trong phòng, đánh cảnh cáo rồi lột đồ của nó. Hai bộ đồ lính này anh em giấu đi, để lâu lâu sau bẵng đi; đợt đó có phái đoàn nào đó đến đảo, chúng nó tổ chức đá bóng giữa tù binh và nhân viên ở trại, nên lợi dụng giữa trận đấu, người đi lại lộn xộn, anh em mặc đồ lính vào, trà trộn đi ra ngoài trại, nhưng nghe đâu đến bến tàu thì một anh bị phát hiện, do không nói đúng mật hiệu của nó, còn một anh trốn lên tàu hàng về được đất liền.
Hồi tôi ở trại A4, anh em cũng tổ chức đào hầm để vuợt ngục. Việc đào hầm thì cả phòng đều biết, vì giam chung phòng giam cả trăm người mà, nên quan trọng là anh em phải đoàn kết, cùng tham gia và giữ bí mật, phải loại trừ được chỉ điểm trong phòng. Lãnh đạo trong phòng chọn một số anh em còn khỏe mạnh, lo việc đào hầm, số còn lại lo cảnh giới, đối phó với địch hoặc là phân tán số đất đào lên. Tôi hồi đó bị thương nên không trực tiếp đào hầm mà ở bên trên lo cảnh giới và chuyển đất cùng anh em, mình bị thương thế này, hầm đào xong cũng không đủ sức mà ra được. Anh em bẻ quai cà-mèn, đánh bẹt đầu, rồi dùng nó để khoét nền xi-măng xuống, rồi đào hướng ra phía ngoài. Rồi lại tìm cách phân tán chỗ đất đào lên không cho địch phát hiện Mỗi người đút một ít vào túi quần, đi vệ sinh thì hất vào hố phân, hố tiểu. Hay là vê lại búng ra ngoài hàng rào. Rồi phải lo cảnh giới, khi địch đến gấn phải báo động cho anh em ngừng đào, lên để kịp điểm danh …Quá trình đào hầm hết sức gian nan và nguy hiểm, mấy lần suýt lộ, vì sau mấy vụ đào hầm trước đó, địch trang bị máy dò lòng đất rồi. Sau gần 6 tháng đào, anh em đã khoét được cả trăm mét đường hầm, hoàn thành xong các công việc chuẩn bị khác, lãnh đạo phòng phân công những ai đi, ai ở, cách đối phó với địch ra sao.
Khoảng 10 giờ đêm Noel năm 1971, 41 anh em đã chui theo đường hầm vuợt ra ngoài hàng rào, chạy vào rừng và tìm về căn cứ của huyện đội. Cũng mừng cho anh em, nhưng không phải ai cũng đi thoát, vì hôm sau nó truy lùng cũng bắn chết vài người, bắt lại một số đưa về chắc cũng thủ tiêu luôn, nên chúng tôi về sau ở trại không gặp lại ai cả. Nhiều năm về sau này, đọc hồi ức của anh em trên báo chí mới biết, hồi đó thường chỉ thoát về đến bên mình được một nửa, số còn lại bị bắn, bị thủ tiêu, rồi mất tích, chết đuối, đạp mìn… Phải nói đào hầm vượt ngục là kỳ tích của anh em mình, nó thể hiện cái quyết tâm tìm về với Đảng, với cách mạng, cũng thể hiện cái gan dạ, khôn khéo và tài tình của anh em mình trước sự cai quản, đày ải của địch.”

Logged

"Láng giềng khốn nạn - Cướp đất toàn diện - Lấn biển lâu dài - Thôn tính tương lai"
trung uy
Thành viên
*
Bài viết: 286



« Trả lời #25 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2010, 08:49:15 pm »

Tiếp phần cuối:


4. Ngày trở về và những chuyện ở hậu phương

“Khoảng sau tết âm lịch năm 1973, chúng tôi biết tin hiệp định Paris đã ký, và sẽ có trao trả tù binh. Thực ra chúng nó bưng bít thông tin lắm, ngày thường nó đã bưng bít, lúc có hiệp định này thì nó càng giấu kỹ. Anh em mình biết tin, là do thu thập các mảnh báo dùng để gói hàng, do chỗ cung cấp thực phẩm cho nhà bếp có cơ sở của mình gửi vào. Cũng có khi do một vài lính quân cảnh có cảm tình với cách mạng mở ra-di-ô hoặc nói xa nói gần chuyện trao trả. Sau đó, thấy tình hình đánh đập tù binh cũng giảm, rồi khẩu phần ăn uống được tử tế hơn, khi nó cấp phát thêm nhu yếu phẩm … thì chúng tôi cũng đoán là chắc cũng sắp đến thời điểm rồi. Biết tin sắp được trao trả, anh em rất mừng, nhưng cũng lo ngại, đề phòng chúng nó giở trò, vì hồi đó cũng nghe được tin nó chở máy bay vứt anh em mình xuống biển. Lãnh đạo trong các khu cũng phải hội ý, nhận định tình hình để tổ chức đấu tranh đòi thi hành hiệp định, chống thủ tiêu, rồi quán triệt tư tưởng cho anh em, thống nhất những việc cần làm, cách ứng xử được trao trả … Thời gian này mình đấu tranh nó không dám đàn áp nữa. Tuy nhiên, nó vẫn giở thủ đoạn để không trao trả hết mà giấu danh sách, giữ lại tiếp tuc giam một số anh em. Chính ở trại tôi, nó còn giấu 200 anh em không trao trả, sau này, tôi có gặp lại mấy người kể là sau đợt đó vẫn bị giam thêm một thời gian nữa.
Cuối tháng 2/1973, chúng nó đưa chúng tôi ra sân bay và chở về Đà Nẵng, phát cho mỗi tù binh một bộ quần áo, khăn mặt, kem đánh răng … Từ Đà Nẵng, nó đưa anh em mình bằng xe ôtô ra Quảng Trị, và tiến hành trao trả tại bờ sông Thạch Hãn. Ở bờ nam, anh em chúng tôi ngồi xếp hàng để sẵn sàng đợi trao trả, có tướng Trần Văn Trà ở đó, động viên và dặn dò anh em. Trước lúc về với bên mình, anh em chúng tôi cởi hết quần áo của chúng nó, mặc mỗi quần đùi rồi người khỏe dìu người yếu để lên thuyền về với anh em mình đang đợi đón bên bờ Bắc. Lúc đó nhìn thấy bên bờ bắc, cờ mình cắm đầy triền sông, rồi anh em bộ đội, rồi nhân dân chờ đón, chúng tôi mừng phát khóc. Khóc vì mình được trở về với anh em đồng chí, cũng khóc vì thương những anh em đã nằm lại ngoài đảo không có mặt ngày về hôm nay. Như vậy, sau gần 5 năm bị giam giữ tù đầy, tôi đã đươc trở về với bên mình…”


Sau gần 5 năm bị giam giữ tù đầy, tôi đã đươc trở về với bên mình…
Logged

"Láng giềng khốn nạn - Cướp đất toàn diện - Lấn biển lâu dài - Thôn tính tương lai"
trung uy
Thành viên
*
Bài viết: 286



« Trả lời #26 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2010, 08:56:55 pm »

...
Còn ở hậu phương, tính từ lúc ông Quản lên đường nhập ngũ, mọi người trong gia đình không gặp ông lần nào nữa. Gia đình ông chỉ biết tin ông đã vào chiến trường, sau khi ông đã lên đường nửa tháng, khi nhận được chế độ của ông gửi lại. Bà Bốn, vợ ông kể:
“Ngày nhập ngũ, tôi đưa ông ấy lên huyện rồi vợ chồng bịn rịn chia tay nhau, sau đó ông ấy đi biệt luôn. Khi chuyển quân vào trong kia, ông ấy cũng không về được. Mấy hôm sau, có ông xã đội trưởng lên huyện họp và chuyển về cho tôi một ít đồ tiêu chuẩn ông ấy gửi lại, có cái quần đùi, mấy đôi bít tất cho con, và một tấm ảnh chụp ông ấy lúc vào tân binh… Ông ấy đi rồi, nhà vắng hẳn, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều đến tay tôi. Lúc đó, nhà tôi có 6 khẩu ăn, bà nội chồng, bà mẹ chồng, tôi và 3 con, đứa lớn mới 4 tuổi, đứa nhỏ vừa biết đi, nên khó khăn lắm. Nhà toàn đàn bà, trẻ con, mà hồi đó đang làm hợp tác, đổi công tính điểm, vất vả lắm anh ạ. Ông ấy lại chiến đấu ở ngay vùng giới tuyến, “ăn cơm bắc, đánh giặc nam” chứ không đi hẳn vào sâu trong kia, nên tiêu chuẩn ở nhà cũng không có gì. Mẹ chồng cũng động viên tôi nhiều, thôi thì hai mẹ con cùng cố gắng, dựa vào nhau làm chỗ dựa cho cả nhà. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng rồi cũng vẫn trụ được, chỉ có điều, trong lòng thấp thỏm, vẫn lo nghĩ ông ấy nơi bom đạn sống chết thế nào.
Ông ấy đi được khoảng 1 năm, thì ở nhà cũng có nghe tin nọ tin kia từ mấy người làng đi bộ đội bị thương về trước. Có người thì bảo nghe đâu bị thương, có người bảo bị bắt, có người lại bảo hy sinh chính tay tôi chôn rồi… cũng sợ lắm, nhưng hồi đó thì cũng hay có kiểu tin đồn như thế, nên mọi người cũng động viên chớ hoang mang. Thì mình cũng cứ cố vững lòng thôi, chứ cũng không có tin tức gì hay xác minh được ngay đâu. Năm đó, Mậu Thân cũng ác liệt, nên chả có thư từ gì hết, nên cũng chỉ nuôi hy vọng thế thôi. Sau đó một thời gian thì có giấy của đơn vị gửi về xã, hỏi anh Quản có về địa phương không, thì xã trả lời là từ hồi nhập ngũ không thấy về nhà. Cái đó thì sau này có anh làm ở xã đội kể lại mới biết chứ lúc đó nhà tôi không biết việc này. Đến giữa năm 1969, thì ở xã người ta nhận được giấy báo tử của ông ấy, báo là hy sinh từ tháng 5/1968 rồi. Bà mẹ chồng tôi hồi đó còn công tác ở xã, nên biết trước, cụ cũng bình tĩnh rồi mới báo cho tôi. Tôi nghe tin đó mà ngất lịm đi. Nghĩ tới ba đứa con nhỏ dại phải mồ côi cha, rồi cuộc sống sau này sẽ ra sao? Bà mẹ chồng tôi tuy vững vàng hơn tôi, nhưng tối tối hai mẹ con cứ ôm nhau mà khóc. Sau đấy, ở xã người ta tổ chức lễ truy điệu cho ông nhà tôi ở sân kho hợp tác, đến năm 1970 thì có bằng tổ quốc ghi công của chính phủ gửi về. Tôi bày lên bàn thờ cùng với tấm ảnh ông ấy hồi bắt đầu đi bộ đội. Rồi chiến tranh vẫn tiếp diễn, thanh niên vẫn lần lượt lên đường, thi thoảng lại có nhà này nhà kia trong xã nhận được tin báo tử, cuộc sống vẫn phải tất bật lo toan, nhất là cho mấy đứa con, nên cũng xác định phải vượt lên mà sống...


Bằng Tổ quốc ghi công của "liệt sỹ" Phạm Kim Quản vẫn được bày trang trọng trong tủ kính - như chứng nhân cho sự ác liệt của chiến tranh và cũng là cho một số phận may mắn...
Logged

"Láng giềng khốn nạn - Cướp đất toàn diện - Lấn biển lâu dài - Thôn tính tương lai"
trung uy
Thành viên
*
Bài viết: 286



« Trả lời #27 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2010, 09:18:37 pm »

Đến giữa năm 1973, vừa gặt xong vụ lúa, tôi bỗng nhận được một bức thư, ký tên là Vượng, xưng là bạn ông Quản nhà tôi, hỏi thăm tình hình các cháu học hành thế nào, kinh tế gia đình ra sao. Nhìn rồi nét chữ, tôi cứ ngờ ngợ. Nhưng không dám chắc, mới gọi mấy chú em trong họ sang, đưa cho họ đọc, thì mấy chú cũng bảo là bạn bè hỏi thăm thì không hỏi kỹ việc trong gia đình như thế, mà nét chữ thì cũng giống, nên chú ấy biên thư lại, bảo nếu là đúng là anh Quản còn sống thì về nhà đi thôi….”
Ông Quản tiếp lời vợ:
“Sau khi về đến bên mình, chúng tôi được cấp mỗi người bộ quân phục, đôi giày, rồi được đưa về cứ trong rừng, ăn bữa cơm đầu tiên trong vùng giải phóng. Sau đó, chúng tôi được đưa ra Quảng Bình, đúng vùng quê đại tướng Võ Nguyên Giáp ấy, nhân dân ở đó đỡ đầu nuôi đoàn chúng tôi. Chúng tôi cắt tóc, tắm giặt, nghỉ ngơi, rồi được phát phong bì, giấy, một cái bút Trường Sơn để viết thư. Chúng tôi ở đấy một tuần, rồi chia thành các đoàn nhỏ hơn để đi an dưỡng. Tôi thì về trại an dưỡng ở Nam Định. Tôi an dưỡng đến cuối tháng 12 thì được giám định thương tật là 51% , thương binh hạng ¾ và được giải quyết chế độ cho phục viên.
Đến trước khi về, tôi mới viết thư về nhà, xưng là một người bạn, lấy tên chú em Vượng mà lúc trước tôi kể với anh là xin tôi thuốc lào hồi mới vào ấy. Số là, sau khi bị bắt, rồi ra Phú Quốc, năm sau, tôi gặp lại chú em này trong tù. Hôm đó nghe thấy có tiếng gọi anh Quản ơi, trong tù tôi tên là Quan cơ, nên tôi cứ lờ đi, cảnh giác biết đâu có khiêu khích. Chú em này mới tìm cách lân la đến cạnh bảo anh không nhớ em à, em là Vượng đây, xin anh thuốc lào hồi ở Quảng Trị đây… Từ ấy, anh em đi đâu cũng có nhau, lúc được trao trả thì cùng về một chuyến, rồi lại cùng tổ đi an dưỡng ở Nam Định, thân thiết lắm…Thực ra tôi cũng cẩn thận thôi, vì mình đi biệt tin tức suốt 5 năm, không biết tình hình ở nhà thế nào, có khi bà ấy đi lấy chồng rồi thì sao (cười) … Sau khi có thư ở nhà lên, thì tôi viết thư thật về. Sau này về nhà rồi, biết những chuyện ở hậu phương như thế, tôi càng cảm phục vợ tôi, một mình cáng đáng công việc nuôi mẹ, nuôi con, rồi chịu đựng những nỗi đau của "vợ liệt sỹ" trong mấy năm trời…”


Đại gia đình ông Quản: ông Quản, cụ Ron, bà Bốn và anh con trai cả - ngày ông đi bộ đội mới 4 tuổi
Logged

"Láng giềng khốn nạn - Cướp đất toàn diện - Lấn biển lâu dài - Thôn tính tương lai"
trung uy
Thành viên
*
Bài viết: 286



« Trả lời #28 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2010, 09:50:24 pm »

...
Bà Bốn cũng cười hiền hậu vì câu đùa của ông Quản, kể tiếp: “Lá thư thứ hai về nhà, thì ông ấy nhận là mình. Ngày báo tử ông ấy, buồn đau bao nhiêu thì hôm nay, biết tin ông ấy còn sống, nhà tôi vui mừng không sao kể xiết. Tôi và bà mẹ tưởng như chết đi nay được sống lại. Ngay sau đó, chú em họ làm ở xã đội, hỏi theo địa chỉ hòm thư mới lần ra địa chỉ đoàn an dưỡng, nên mấy chú ấy vào tìm tận nơi, gặp ông ấy rồi về báo cho tôi. Lúc ấy mừng lắm, chả nghĩ gì hết, xác định là cụt chân cụt tay cũng được, còn người về là mừng rồi. Thế là tôi dắt theo hai đứa lớn vào Nam Định thăm ông ấy luôn. Đến cuối năm thì đón ông ấy về, kịp ăn Tết âm lịch Giáp Dần năm đó.”
Ông Quản trở về nhà, mới biết mình đã thành “liệt sỹ” từ trước đó 4 năm, các con của ông cũng đã được hưởng chế độ con liệt sỹ. Đến nay, ông Quản vẫn giữ tấm bằng tổ quốc ghi công và giấy báo tử của mình để làm kỷ niệm, như là một minh chứng cho cuộc đời chiến đấu giao lao của mình, cũng là một trường hợp may mắn trong chiến tranh. Sau khi phục viên, ông Quản tiếp tục tham gia các công tác ở địa phương, những năm trước ông phụ trách trạm bơm nông nghiệp của xã, cho đến mấy năm gần đây sức khỏe yếu đi, ông cũng mới xin nghỉ công việc đó. Bà nội của ông, vẫn nghĩ cháu đích tôn của mình đã thành liệt sỹ, đã mất trước khi ông trở về, nên không được chứng kiến nỗi vui mừng của ngày đoàn tụ. Sau khi về, ông có thêm 3 người con nữa, tổng cộng là 6 người. Hiện giờ thì tất cả đều đã xây dựng gia đình riêng, cũng đều ở xung quanh trong xã, kinh tế cũng ổn định, cháu nội cháu ngoại cũng có đứa đang học đại học rồi, nên ông cũng “coi như hoàn thành nhiệm vụ”.
Tâm sự với chúng tôi, ông Quản có nói: “Việc anh tìm và trao cho tôi bức ảnh này, đối với tôi ý nghĩa vô cùng, mà thú thực, tôi có tiền tỷ cũng không thể mua được. Không ngờ, đúng vào những ngày tròn 42 năm sự kiện đó, ở tuổi 70, tôi lại được nhìn thấy hình ảnh thời trai trẻ cầm súng đánh giặc của mình, trong một hoàn cảnh đặc biệt thế này. Kể mà gặp anh sớm hơn mấy ngày, tôi sẽ mang bức ảnh này khoe với thủ trưởng Sùng Lãm của tôi hôm đi họp mặt CCB sư 320 hôm nọ. Với những gì đã trải qua trong chiến tranh và kể cả việc hôm nay nữa, quả thật đời tôi cũng là gặp nhiều may mắn. Nghĩ tới nhiều đồng đội đã không trở về thì lại càng thấy mình mắc nợ anh em đồng đội lắm”
Chúng tôi tạm biệt ông Quản ra về, trong lòng vẫn còn nhiều cảm xúc về buổi gặp gỡ nhiều ý nghĩa đối với chúng tôi cũng như với ông Quản và gia đình.  Từ những gì được nghe trong câu chuyện của ông và đồng đội, chúng tôi càng thấm thía về những cống hiến, hy sinh to lớn của cả một thế hệ, từ những người cầm súng chiến đấu đối mặt với kẻ thù cũng như những người mẹ, người vợ ở hậu phương trong suốt mấy chục năm kháng chiến của đất nước, chúng tôi hiểu đó chính là nguồn gốc sức mạnh làm nên những chiến thắng của toàn dân tộc.


Ông Phạm Kim Quản và trung uy-QSVN  Grin - trước sân ngôi nhà của ông tại thôn Trúc Hiệp, xã Hiệp Hòa, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.



Phóng sự của em đến đây là hết ạ ... các bác đừng "làm cỏ vườn báo chí" với em đấy
Logged

"Láng giềng khốn nạn - Cướp đất toàn diện - Lấn biển lâu dài - Thôn tính tương lai"
nguyen dinh thang
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1532



« Trả lời #29 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2010, 10:20:34 pm »

 Một chuyến đi thật ý nghĩa và đã thành công, một bài phóng sự như tác giả nói là nghiệp dư nhưng rất hay. Chỉ có cái nik không hay lắm nếu tôi mà là Đoàn tư lệnh thì chắc sẽ đổi nik của bác thành trung tá chứ không phải trung úy nữa.
Logged

Tụi mình sinh ra vào thời trận mạc

Nên núi rừng bè bạn có sao đâu

Nên sương gió tụi mình dãi dầu

Mặc áo lính phải sống cho ra....... là lính.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM