Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:39:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bức ảnh chiến trường và hành trình đi tìm người trong ảnh  (Đọc 70398 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
trung uy
Thành viên
*
Bài viết: 286



« vào lúc: 23 Tháng Tám, 2010, 11:46:27 pm »

Bức ảnh này được bác tuaans gửi trong topic Kỷ vật của các chiến sỹ QDNDVN trong kháng chiến chống Mỹ từ 3-2009. Bác lethaitho trăn trở không biết bác lính nhà mình đó còn sống hay đã hy sinh? Hồi đó em xem cũng băn khoăn như thế. Thực ra thì ảnh chụp quân mình hồi Mậu Thân kiểu như thế này cũng nhiều, nhưng ảnh này có chú thích tên tuổi quê quán của người trong ảnh, nhất là lại ở Hải Phòng - nơi em đã sống  6 năm hồi sinh viên, nên đợt vừa rồi có điều kiện, em đã đi xuống đó tìm "tung tích" nhân vật chính.
 Rất mừng là bác ấy còn sống, vẫn đang ở làng Trúc Hiệp đó. Em tìm đến nhà, trao lại cho bác ấy bức ảnh này, bác ấy bất ngờ và xúc động lắm. Cả buổi sáng hôm đó ngồi nói chuyện với bác ấy, nghe bác ấy kể lại câu chuyện của đời mình... Trưa bác ấy sai con trai đi thịt gà đãi khách "quý"  Grin ... đến chiều em mới tạm biệt gia đình bác ấy để về HN.
Bác ấy thì rất mừng và xúc động khi nhận được bức ảnh đó của mình, còn em thì cũng thấy rất vui khi làm được việc đó.
Về nhà em thấy câu chuyện về bức ảnh, về cuộc đời của bác ấy có nhiều cái hay hay nên cũng cố gắng vận dụng hết công lực để viết lại thành một "phóng sự" hihi Grin An ninh thế giới số 985 ra 18-8 bắt đầu đăng, số 986 ngày 21-8 đăng kỳ 2 và chắc là số thứ 4 tuần này 25-8 sẽ đăng kỳ cuối. Nghề chính của em là nhổ răng, nên các bác đừng "làm cỏ vườn báo chí" với em nhé. Roll Eyes
Bản trên ANTG đã "bị" biên tập, cắt ngắn 1 số đoạn, thay 1 số chữ... em ko thích lắm, nên ở đây em sẽ gửi bản gốc full + 1 số bổ sung thêm theo ngôn ngữ QSVN nhà mình. Có thể có 1 số chỗ các bác thấy là nó hơi "thừa", mong các bác thông cảm, vì ở đó là em viết cho số đông độc giả "không phải thành viên QSVN" Wink
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Tám, 2010, 12:04:02 pm gửi bởi trung uy » Logged

"Láng giềng khốn nạn - Cướp đất toàn diện - Lấn biển lâu dài - Thôn tính tương lai"
trung uy
Thành viên
*
Bài viết: 286



« Trả lời #1 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2010, 11:53:37 pm »




1. Từ một bức ảnh chiến trường

Qua trang diễn đàn Quân Sử Việt Nam, -nơi tập hợp những người yêu thích, tìm hiểu về lịch sử hào hùng của QĐNDVN và các cuộc kháng chiến trong lịch sử dân tộc-, chúng tôi được biết đến một chủ đề rất đặc biệt do một quản trị viên (tức bác rongxanh) của diễn đàn gửi lên ( ở đây: http://www.quansuvn.net/index.php/topic,5149.0.html). Ở đó giới thiệu các kỷ vật của các chiến sỹ QĐNDVN trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhưng lại là do các đơn vị lính Mỹ thu giữ được trên chiến trường, hiện nay đang được lưu trữ tại các trung tâm, thư viện của Mỹ. Ở đó, chúng ta có thể gặp rất nhiều chủng loại: các bức ảnh, sổ nhật ký, giấy tờ tùy thân, bằng khen, thư từ, sổ ghi chép, giấy báo tử, phiểu thực phẩm, vở học tập … Khi nhìn những hình ảnh này, chúng tôi cũng có nhiều cảm xúc, nhất là khi thấy những tờ giấy báo tử của các đơn vị gửi về cho thân nhân các chiến sỹ đã hy sinh. Bốn thập kỷ sau chiến tranh, nó vẫn nằm trong các trung tâm lưu trữ ở một đất nước xa xôi, có nghĩa là nó đã không đến được tay người nhận và chưa hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Có thể những gia đình đó, đến giờ này, cũng chưa được biết con em mình đã chiến đấu và hy sinh như thế nào, ở đâu … Theo chúng tôi được biết, từ một tài liệu như vậy trong bộ sưu tập này, khi chuyển đến chuyên mục nhắn tìm mộ liệt sỹ của báo Lao Động, đã tìm được các gia đình thân nhân của các liệt sỹ có tên trong giấy báo tử đó.
Trong số đó, chúng tôi chú ý tới một bức ảnh chiến trường, chụp một chiến sỹ quân giải phóng bị thương đang nằm trên đường. Hẳn đó là một bức ảnh được phóng viên nước ngoài đi theo phía bên kia chụp sau một trận đánh nào đó. Sở dĩ, bức ảnh này được chú ý, vì bên dưới bức ảnh, có chú thích họ tên của người chiến sỹ này cũng như quê quán của anh, và chúng tôi cảm thấy rất tò mò không biết số phận người chiến sỹ này sau đó ra sao? Anh đã hy sinh, hay còn sống? Theo giới thiệu của tác giả chủ đề này, bức ảnh được lưu trữ tại Trung Tâm Việt Nam của trường Đại học Kỹ thuật Texas, Hoa Kỳ. Theo chỉ dẫn đó, chúng tôi tìm đến trang lưu trữ của Trung tâm này, và tìm thấy nguyên gốc của bức ảnh đó. Tại đây, bức ảnh được đánh mã số VA004353, nằm trong bộ sưu tập ảnh của Douglas Pike. Nguyên văn phần chú thích như sau: “North Vietnamese soldier Pham Kim Quan lies on Highway 1, seven miles south of the Demilitarized Zone in Quang Tri Province of South Vietnam following a fire-fight where he was wounded by members of the Republic of Vietnam's 4th Battalion, 1st Regiment, 1st Infantry Division, on May 5, 1968. Below is his North Vietnamese Identification Card showing his name, his unit and a coded destination and his personal identification of height (One meter, 60 centimeters) and a small scar on his left cheek. The card does not show day or month, but indicates it was issued in 1960 by an official by the name of Can. Both signature and number (611/TB, A) were stamped with a seal showing initials GP. Pham Kim Quan was armed with an SK light machinegun. Pham Kim Quan gave his place of birth as Than Truc Hiep Xa, Hiep Hoa Huyen Vin Bao, Thanh Hai Phong. He was evacuated and treated at a hospital in Quang Tri.”

Tóm tắt một số thông tin hữu ích là “Người lính Bắc Việt Nam Pham Kim Quan, bị thương nằm trên Quốc lộ 1, cách khu Phi quân sự Quảng Trị 7 dặm về phía nam, sau một trận giao tranh với tiểu đoàn 4, trung đoàn 1, Sư đoàn 1 VNCH, vào ngày 5-5-1968. Phía dưới là Chứng minh thư của anh ta, có ghi tên, đơn vị, địa điểm và nhận dạng cá nhân (cao 1m60, có một sẹo nhỏ gò má trái). .. Sinh quán tại Than Truc Hiep Xa, Hiep Hoa Huyen Vin Bao, Thanh Hai Phong. Anh ta đã được vận chuyển về điều trị tại một bệnh viện ở Quảng Trị”.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Tám, 2010, 01:22:20 pm gửi bởi trung uy » Logged

"Láng giềng khốn nạn - Cướp đất toàn diện - Lấn biển lâu dài - Thôn tính tương lai"
trung uy
Thành viên
*
Bài viết: 286



« Trả lời #2 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 12:09:58 am »

Trong topic Kỷ vật..., sau khi gửi bức ảnh này lên, bác tuaans cũng đã xác định đó là Thôn Chúc Hiệp, xã Hiệp Hòa, Huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Nhưng để cẩn thận, em vẫn xác minh lại cho chắc  Wink

Tiếp:...
Tôi liên lạc với một người bạn quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng, để hỏi xem huyện này có địa danh nào tên là Hiệp Hòa không. Anh bạn trả lời ngay, có xã Hiệp Hòa. Tôi lại tra danh bạ để tìm số điện thoại của UBND xã Hiệp Hòa. Sáng ngày 5-5-2010, tôi gọi điện về số máy văn phòng UBND xã Hiệp Hòa (- rất tình cờ là đúng ngày bức ảnh được chụp cách đây 42 năm). Một người đàn ông nghe máy. Sau khi giới thiệu về mục đích của cuộc gọi, tôi hỏi thăm xã Hiệp Hòa có thôn Trúc Hiệp hay Trực Hiệp không. Bên kia trả lời: “có thôn Trúc Hiệp”. Tôi suýt reo lên, lại xin hỏi tiếp. Ở thôn đó, có liệt sỹ hay thương binh nào tên là Phạm Kim Quân hay Phạm Kim Quang không ( chú thích của bức ảnh ghi là Pham Kim Quan --> nên em đoán khả năng cao nhất là Quân, rồi Quang, không ngờ trật lất hic) . Người cán bộ UBND xã nói sẽ xác minh và báo lại khi nào có kết quả
Đến lúc đó, với những tin tức đã tìm được, có vẻ như cuộc tìm kiếm đã đi đúng hướng. Giờ chỉ còn hồi hộp đợi câu trả lời của UBND xã Hiệp Hòa, cũng là điều đã thúc giục chúng tôi đi tìm tung tích của người trong ảnh: Anh còn sống hay đã hy sinh? Mong muốn là như thế, và đã bắt đầu cuộc tìm kiếm như thế, nhưng chúng tôi cũng có những suy nghĩ băn khoăn. Nếu anh đã hy sinh (mà theo suy đoán thông thường, khả năng này có vẻ rất cao - bị thương nặng như thế, mang về BV có kịp không, nó có cứu chữa cho không, nó có chữa thì có qua khỏi được không, rồi thì chữa khỏi rồi thì tù đầy, tra khảo, đánh đập, tra tấn, thủ tiêu ... có còn sống đến ngày giải phóng không, hồi đó có sống trở về thì thương tật, tàn phế, già yếu.. liệu đến 2010 này còn sống không - ), giờ tìm được gia đình anh, chúng tôi có nên về đó để trao lại cho gia đình tấm ảnh chụp người thân của họ đang nằm “chết” như vậy không? Liệu nó có gợi cho họ những ký ức đau buồn, mất mát đã qua hơn 40 năm? Phản ứng của gia đình sẽ như thế nào? Nhưng cũng lại nghĩ đây là một kỷ vật của một chiến sỹ giải phóng, mà không phải gia đình nào cũng có hình ảnh của con em mình ở chiến trường, cũng biết con em mình đã chiến đấu, hy sinh thế nào, dù gì cũng nên trao lại cho gia đình. Cuối cùng, chúng tôi thống nhất, đợi tin hồi âm của UBND xã, sau đó sẽ hỏi xem gia đình người chiến sỹ này hiện giờ ra sao, và nhờ địa phương đánh tiếng với gia đình ý định của chúng tôi. Vẫn nghĩ, UBND một xã thì hàng ngày rất nhiều việc, việc xác minh này có để lại ít lâu thì cũng là điều bình thường, nên chúng tôi cũng nghĩ cứ yên tâm mà đợi.
Logged

"Láng giềng khốn nạn - Cướp đất toàn diện - Lấn biển lâu dài - Thôn tính tương lai"
trung uy
Thành viên
*
Bài viết: 286



« Trả lời #3 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 12:12:13 am »

Không ngờ, ngay buổi trưa hôm đó, tôi nhận được điện thoại gọi từ UBND xã Hiệp Hòa của ông Nguyễn Trọng Biển, là người tôi đã nói chuyện lúc sáng. Cũng phải nói thêm là lúc đó ông Biển đi qua văn phòng thấy có chuông điện thoại nên nghe máy, còn nhân viên văn thư thì đang đi nộp báo cáo. Sau khi nhận được điện thoại của tôi, ông Biển đã rất nhiệt tình, đi tìm ngay người phụ trách chính sách của xã về, cùng tìm hồ sơ sổ sách của xã theo đề nghị của tôi. “Chúng tôi đã xác minh rồi. Ở thôn Trúc Hiệp có người tên là Phạm Kim Quản, là thương binh, hồi đánh Mỹ bị địch bắt thôi chứ không hy sinh.” Tôi cám ơn sự nhiệt tình của người cán bộ xã, thầm nghĩ cũng may mắn cho chúng tôi khi ông Biển là người nhận cuộc gọi, nên mới có hồi âm sớm như vậy. Chúng tôi cũng hỏi thêm về tình hình gia đình của CCB Phạm Kim Quản để chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới. Thì ra, người chúng tôi cần tìm tên là Quản, không phải như chúng tôi đoán là Quân hay Quang.
Chúng tôi vội thu xếp chuyến đi về Hiệp Hòa ngay, bởi chúng tôi cũng rất háo hức và phấn khởi, khi nghe tin người chiến sỹ trong ảnh vẫn còn sống, và hiện vẫn đang sinh sống tại quê hương của mình. Mọi lo ngại, băn khoăn lúc trước không còn nữa. Sáng hôm sau, chúng tôi gọi điện lại cho ông Biển để báo tin về ngày giờ dự định của chuyến đi, ông Biển dặn “cứ về đến xã thì gọi điện, tôi sẽ dẫn đến tận nhà ông Quản”. Chúng tôi đi rửa một bức ảnh có in kèm nguyên văn lời chú thích phía sau, để tặng cho nhân vật chính của nó, với hy vọng sẽ mang một món quà bất ngờ cho người CCB ấy.
Logged

"Láng giềng khốn nạn - Cướp đất toàn diện - Lấn biển lâu dài - Thôn tính tương lai"
trung uy
Thành viên
*
Bài viết: 286



« Trả lời #4 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 12:18:57 am »

Em gọi điện cho thằng em học dưới em mấy khóa, nhà ở thị trấn Ninh Giang, Hải Dương, nhờ cậu ấy làm xe ôm. Em đi xe bus xuống Ninh Giang, rồi cậu ấy đón em bằng xe máy, 2 anh em đi đò Chanh sang Vĩnh Bảo và đèo nhau tìm đường về thôn Trúc Hiệp...

Sáng sớm Chủ nhật ngày 9-5, trời rất xanh và cao, hứa hẹn một ngày nắng to, chúng tôi lên đường. Theo đúng hướng dẫn của ông Biển, chúng tôi đi về thị trấn Ninh Giang của tỉnh Hải Dương, sau đó, vượt đò Chanh sang đất Vĩnh Bảo, xuôi theo con đường nhựa dọc bờ kênh thủy lợi khoảng 2km, rẽ qua xã Vĩnh Long thì đến xã Hiệp Hòa. Xã Hiệp Hòa nằm ngay ven đê, mà ở phía bờ bên kia là đất Hải Dương còn xuôi xuống một chút đã là đất Thái Bình, đây chính là ngã ba giáp ranh của ba tỉnh Hải Phòng – Hải Dương – Thái Bình. Hỏi thăm những người dân địa phương, chúng tôi tìm đường về thôn Trúc Hiệp. Ngay đầu làng, là một con đường đang thi công, giữa lòng đường ngổn ngang đất cát. Chúng tôi khiêng xe máy qua đoạn đường đó và dừng chân ngay bên một trạm bơm nhỏ đang bơm nước vào cánh đồng ven làng, hỏi thăm nhà ông Quản thì người phụ nữ đi chợ về chỉ tay theo con đường nhỏ lát bê-tông ngay sau trạm bơm: “nhà có cái cổng xây ấy, cách đây dăm chục mét nữa thôi”. Đến gần cổng ngôi nhà mà người phụ nữ vừa chỉ, một người đàn ông trung niên tóc bạc cũng vừa đi xe máy đến. Đó chính là người mà chúng tôi đã gặp trên điện thoại và đã rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi trong cuộc hành trình này.
Tôi không nén nổi cảm giác hồi hộp. “Bác Quản ơi, ra đón khách xa về chơi này!”, ông Biển gọi từ cổng. Từ trong nhà, một người đàn ông khoảng 70 tuổi, bước ra và đi nhanh xuống sân đón chúng tôi. Đến lúc này, khi nhìn thấy người chủ nhà ấy, không còn nghi ngờ gì nữa, đây đúng là người chúng tôi cần tìm. Dù thời gian đã qua hơn 40 năm so với bức ảnh, chúng tôi vẫn nhận ra gương mặt ấy. Chúng tôi bước vào ngôi nhà gạch một tầng, gian trong gian ngoài, một kiểu điển hình ở nông thôn cách đây 20 năm. Phía trước cửa là mảnh vườn với mấy cây dừa cao vút, xa xa là cánh đồng làng với những ruộng lúa xanh muớt. Một người phụ nữ, mà chúng tôi đoán là vợ ông, đang lúi húi đun nước dưới ngôi nhà ngang cuối sân. Ở gian trong là một bà cụ đang ngồi têm trầu, mà ông Quản giới thiệu là cụ thân sinh của ông, năm nay đã 93 tuổi.
Logged

"Láng giềng khốn nạn - Cướp đất toàn diện - Lấn biển lâu dài - Thôn tính tương lai"
trung uy
Thành viên
*
Bài viết: 286



« Trả lời #5 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 12:25:29 am »

Ấn tượng đầu tiên là chúng tôi thấy trong phòng khách của gia đình, trên các bức tường, có treo rất nhiều huân chương kháng chiến, huy chương, bằng khen, huy hiệu … Hỏi thăm, chúng tôi được biết đấy là “bộ sưu tập” của hai mẹ con ông, hai thế hệ từ đánh Pháp đến đánh Mỹ. Sau những hỏi thăm về tình hình sức khỏe và làm ăn sinh sống của mọi người trong gia đình ông, câu chuyện nhanh chóng quay trở lại chủ đề chính: chuyện chiến đấu và lai lịch bức ảnh. Phải nói rằng tuy là câu chuyện giữa những người lần đầu tiên gặp gỡ, giữa hai thế hệ, song không khí cuộc gặp gỡ hết sức thân tình và sôi nổi.  Ông Quản có kể cách đây mấy ngày, mới sang quân khu Ba bên Kiến An để họp mặt anh em đồng đội cựu chiến binh sư đoàn. Chúng tôi đoán hẳn là hôm nay sẽ có nhiều chuyện để hỏi người lính già này.
Đến lúc đó, tôi mới nói với ông Quản là tôi có giữ một bức ảnh chiến trường, mà hẳn ông chưa từng bao giờ nhìn thấy. Trước đó, ông Biển khi liên hệ với ông Quản cũng chưa “tiết lộ” điều này, cho nên ông Quản đã rất bất ngờ khi nhận được bức ảnh từ tay chúng tôi. “Chú có nhận ra ai trong ảnh không?” Ông nhìn chăm chú vào bức ảnh rồi ngẩng lên giọng ông run run “Chính tôi đấy. Đây là bãi cỏ tranh đây…”. Rồi như khơi đúng những kỷ niệm một thời gian khổ mà hào hùng, câu chuyện của ông đã không ngừng nghỉ trong suốt buổi sáng đầu tháng Năm tại chính ngôi nhà mà 43 năm trước, ông đã lên đường đi chiến đấu …


Từ phải qua trái: ô. Biển - cán bộ xã, ô. Quản và tác giả (trunguyQSVN Cheesy)
Logged

"Láng giềng khốn nạn - Cướp đất toàn diện - Lấn biển lâu dài - Thôn tính tương lai"
trung uy
Thành viên
*
Bài viết: 286



« Trả lời #6 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 11:36:22 am »

tiếp...

2. Trận đánh không quên trên vùng đất lửa Quảng Trị

Ngày ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn ác liệt. Ông Quản lúc đó làm việc tại ủy ban xã, ban đầu là phụ trách nông nghiệp, dần dần, do thanh niên trong xã nối bước nhau lên đường tòng quân, cơ quan đoàn thể không còn người, ông kiêm nhiệm nhiều mảng: phụ trách công tác thanh niên, rồi ở đội thu thuế, và tham gia dân quân xã trực chiến bắn máy bay. Hoàn cảnh gia đình ông cũng rất khó khăn. Bố ông mất sớm từ trước Cách mạng tháng Tám khi ông chưa ra đời. Bà mẹ của ông, tuy góa chồng từ lúc trẻ, và có con nhỏ, cụ vẫn tích cực tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương.  Những năm kháng chiến chống Pháp, cụ tham gia đội nữ du kích của xã, vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống lại các trận càn của Pháp và một mình nuôi dạy ông khôn lớn. (Cụ Ron – mẹ ông Quản, được tặng thưởng huân chương kháng chiến và cũng mới nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng năm ngoái).
Giữa năm 1967, hưởng ứng lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, đúng dịp có đợt tổng động viên chuẩn bị mở chiến dịch Mậu Thân, ông đã xung phong nhập ngũ. Năm đó, ông Quản đã 26 tuổi, đã có vợ và 3 con. Hơn nữa, ông lại là con duy nhất trong nhà, nên được miễn nghĩa vụ quân sự. Do đó, ở xã không nhận, cũng còn vì người ta vẫn muốn động viên ông ở lại để tham gia công tác. Ông đã lấy máu của mình viết đơn tình nguyện đi chiến đấu, lên tận huyện đội để nộp, cuối cùng trước quyết tâm của ông, lá đơn bằng máu đó cũng được chấp nhận. Tôi có hỏi tại sao lại như vậy, ông giải thích “Nói thật là tôi cũng suy nghĩ lắm. Nếu tôi đi thì ở nhà không còn người đàn ông mà cáng đáng công việc, hồi đó làm hợp tác mà thiếu người làm thì gay go lắm. Nhưng tôi thấy mình vẫn là thanh niên, anh em người ta lên đường hết rồi, mình cứ quanh quẩn ở nhà thì không được. Đất nước có giặc thì phải cầm súng ra trận, hồi đó ai cũng nghĩ như tôi thôi”. Gia đình ông lúc đó có 7 người, ngoài ông còn có bà nội, mẹ, vợ và 3 đứa con nhỏ.


Người lính già bất ngờ gặp lại hình ảnh thời trai trẻ ... bồi hồi nhớ về một thời khói lửa ác liệt
Logged

"Láng giềng khốn nạn - Cướp đất toàn diện - Lấn biển lâu dài - Thôn tính tương lai"
trung uy
Thành viên
*
Bài viết: 286



« Trả lời #7 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 11:39:57 am »

Tháng 7-1967, ông lên đường nhập ngũ cùng với những thanh niên muời tám đôi mươi của vùng quê đặc sản thuốc lào ấy. Sau khi nhập ngũ, ông được giao quân cho sư đoàn 320 (đoàn Đồng Bằng) và tổ chức huấn luyện tân binh ở bên Thủy Nguyên. Ba tháng sau, cuối tháng 10-1967, trước tình hình khẩn trương của chiến trường, lứa tân binh ấy được rút ngắn thời gian huấn luyện, biên chế hành quân đi B ngay, với kế hoạch sẽ vừa đi đường vừa tập bổ sung. Thông báo đó được phổ biến rất gấp, ông không kịp về thăm nhà trước khi lên đường.
Từ Thủy Nguyên, đơn vị của ông hành quân vào phía trong và tập kết tại Ninh Bình. Ông Quản đuợc biên chế về C11 – D9 – E64. Cuối tháng 11-1967, đội hình sư đoàn 320 đã bí mật xuất phát từ Cúc Phương, hành quân theo đường mòn Hồ Chí Minh và cuối tháng 12-1967, vào đến địa điểm tập kết tại một nông trường ở Vĩnh Linh, bờ bắc sông Bến Hải. Ông Quản nhớ lại: “Năm đó, hành quân đi B vui như đi hội. Trên đường Trường Sơn, chúng tôi gặp những đoàn xe đi ngược ra Bắc chở thương binh, mấy anh lính cũ nói với sang : “vào nhanh lên, không thì chỉ có mà nhặt ống bơ Mỹ…”, khiến chúng tôi càng háo hức. Chúng tôi vào chiến trường mà lạc quan lắm. Một hôm, trong chặng nghỉ chân ở trạm giao liên, tôi gặp một người, chú này quê Hà Tây và ít tuổi hơn tôi, lân la đến xin thuốc hút. Ngày lên đường, tôi có gói theo mấy lạng sợi thuốc lá, thuốc lào… anh biết đặc sản Vĩnh Bảo rồi đấy … nên vào đó, tôi thành “đại lý” cho anh em tụ tập … Chú em này tên Vượng, về sau còn gặp lại tôi nữa, có duyên với nhau lắm.”
Tôi chỉ vào bức ảnh chiến trường, thắc mắc là trong ảnh ông Quản lại đi giày chứ không đi dép cao su như thường thấy ở hình ảnh bộ đội thời chống Mỹ? - “Đơn vị tôi hồi đó được nhận trang bị đầy đủ và oách lắm. Chúng tôi được phát giày bata cao cổ, mũ sắt Liên-Xô, bi đông Trung quốc. Tôi được nhận một khẩu trung liên mới toanh, nên từ đó tôi luôn nằm trong biên chế hỏa lực của đại đội … Cái trận mà có bức ảnh này, tôi còn đội mũ sắt đấy chứ, nhưng chắc lúc đấy nó văng mất rồi, nên trong ảnh không có.”


ô. Quản lúc huấn luyện tân binh - là bức ảnh duy nhất gửi lại trước khi đi B.
Logged

"Láng giềng khốn nạn - Cướp đất toàn diện - Lấn biển lâu dài - Thôn tính tương lai"
trung uy
Thành viên
*
Bài viết: 286



« Trả lời #8 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 11:44:16 am »

...
“Sau khi vào đến Quảng Trị, chúng tôi hành quân lên phía Tây qua Lào để vuợt sang bờ nam sông Bến Hải. Ngoài nhiệm vụ hành quân vào địa bàn đã được giao, chúng tôi còn kiêm thêm nhiệm vụ cõng hàng nhu yếu phẩm vào cho các đơn vị bạn đang ở chiến trường, đó là tiêu chuẩn ăn Tết năm đó của anh em; ngoài phần của mình, mỗi người chúng tôi chia nhau mang thêm mấy bao thuốc, đường, lương khô, cả kẹo bánh … đến binh trạm phía trong sẽ bàn giao lại cho vận tải. Tết năm đó, chúng tôi ăn Tết sớm 1 ngày…”
“Thế các chú ăn Tết xong có tham gia trận mở màn Tết Mậu Thân không?”
“Có, sư đoàn tôi có đánh cắt đường 9 và đánh chi khu Cam Lộ đấy. Còn đơn vị tôi lúc đó đang cõng gạo, cõng đạn từ trên cứ xuống cho anh em. Đến khoảng tháng 3-1968 tôi mới tham gia đánh trận đầu tiên. Sau đợt 1 Mậu Thân bị bất ngờ, chúng nó phản kích mạnh lắm. Bom, pháo bắn liên tục. Máy bay trinh sát lượn suốt ngày. Nó phát loa nheo nhéo: “ông Sùng Lãm đưa đàn cọp vằn vào tử địa…”. Chúng tôi chuyển sang nhiệm vụ đánh địch phản kích, chống càn, kéo dài sang tận mùa hè …”

(“ông Sùng Lãm” tức đồng chí Nguyễn Sùng Lãm, sư trưởng sư đoàn 320 lúc đó, sau này là Trung tướng, Tư lệnh Đặc khu Quảng Ninh và Trưởng đoàn chuyên gia quân sự VN tại Cuba)


“Thế trận đánh mà có bức ảnh này là trận nào ạ? Trong chú thích nó ghi là giao chiến với tiểu đoàn 4 trung đoàn 1 sư đoàn 1 VNCH ngày 5-5-1968?”
“Ghi thế chắc không phải đâu, trận này đúng ra là chúng tôi đánh với thằng Mỹ mà là ngày 4-5-1968 cơ. Sau đó, khi tôi bị thương, là do thằng Mỹ nó bắt mang đi, nó có phương tiện nên nó chở tôi về tận Đà Lạt, chứ bọn ngụy nó thường ít bắt tù binh, đến quân nó bị thương còn không mang đi được nữa là…
Ngày 3-5-1968, đơn vị tôi nhận nhiệm vụ di chuyển xuống địa bàn ven đường 1 và lập trận địa phục kích, chuẩn bị đánh địch từ thị xã nống ra. Chúng tôi hành quân suốt đêm hôm mồng 3, nhưng đi đêm nên giờ tôi không nhớ đường xá thế nào cả. Chỉ nhớ đến nơi, có hỏi cậu giao liên dẫn đường thì bảo đó là Quán Ngang. Ở đó địa hình không hoàn toàn như đồng bằng, có đồi thấp và rất nhiều trảng cỏ tranh. Chúng tôi khẩn trương đào công sự cá nhân, lập trận địa ở sát bên rìa phía Tây đường 1, đến gần sáng mới xong. Anh em tranh thủ nghỉ môt lúc, chờ đợi trận đánh ngày mai. Đối với tôi, không ngờ đó là trận chiến đấu cuối cùng của mình, và cũng là điểm bắt đầu bước vào một trận chiến đấu khác mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới.

(Chúng tôi có tìm hiểu thì địa danh Quán Ngang nằm ven quốc lộ 1A thuộc xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Tính từ cây xăng Quán Ngang (ngã ba nơi tỉnh lộ 73 Đông cắt đường 1A) tới đầu cầu Hiền Lương là khoảng 15 km. Nếu tính là từ khu phi quân sự (DMZ - cầu Hiền Lương mở rộng về hai phía mỗi bên 5km) như chú thích của bức ảnh thì cách 7 dặm (khoảng 11km) cũng tương đối phù hợp)
Logged

"Láng giềng khốn nạn - Cướp đất toàn diện - Lấn biển lâu dài - Thôn tính tương lai"
trung uy
Thành viên
*
Bài viết: 286



« Trả lời #9 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 11:49:06 am »

...
Ngày 4-5, trời vừa sáng, chúng tôi đã thấy máy bay trinh sát lượn vòng ngó nghiêng trên cao. Sau đó, là những loạt pháo bắn liên hồi, mới đầu còn xa sau chuyển làn lại gần, tiếng nổ mỗi lúc một dữ dội. Chúng tôi cũng quen với kiểu đánh của thằng Mỹ, biết là máy bay ném bom hoặc pháo bắn dọn đường rồi bọn bộ binh sẽ lên sau. Trực thăng bay đi bay lại liên tục. Một lúc sau, bọn Mỹ tiến lên, có xe tăng đi trước. Chúng tôi đợi xe tăng nó tiến thật gần mới dùng B40 bắn cháy và diệt bọn lính theo sau. Đánh gần thì chúng nó không gọi pháo hay ném bom được, vì sợ nhầm vào quân nó. Bọn Mỹ rút ra, gọi pháo rồi lại tổ chức đánh vào. Cả ngày hôm đó, chúng tôi quần nhau với bọn lính thủy đánh bộ này mấy đợt liền. Trời mùa hè nắng nóng hầm hập, trên trận địa cỏ cháy, đất đá cày xới, khói lửa khét lẹt …
Phải nói là ngày đấy anh em mình chiến đấu thì tốt, dũng cảm lắm, nhưng trang bị và hỏa lực so với thằng Mỹ thì không bì được. Mà cái thằng này đánh nhau công tử lắm, gì thì gì, đánh đến 6 giờ chiều là nó rút về, lập trại dã chiến để nghỉ. Vẫn tắm táp, ăn uống đủ bữa. Còn bên mình, đi đánh một trận là tự mình phải mang nước uống, cơm nắm, lương khô theo, trận nào đánh dài một tí mà anh nuôi không lên kịp thì nhịn đói là chuyện thường. Trận này cũng thế, sau khi bọn Mỹ rút về, anh em cũng rã rời cả rồi. Ai cũng khát nước, còn nắm cơm mang từ hồi đêm thì cứng queo rồi. Sẩm tối, chúng tôi được lệnh thu dọn trận địa, khẩn trương đưa số bị thương, tử sỹ về phía sau. Chốt hỏa lực của tôi hy sinh mất 3 người. Tôi cáng anh em bị thương về đến điểm tập kết thì điểm lại, trung đội tôi 24 người không còn một ai. Nói thì diễn biến nó nhanh thế thôi, chứ hôm đó nó ác liệt lắm. Cả cậu Tiếp anh nuôi của đơn vị, cũng không thấy đâu, hỏi thì mới biết nó đưa cơm lên cho anh em, giữa đường bị pháo dập cũng chết hồi chiều rồi...”
Kể đến đây, người lính già ngừng lại, trầm ngâm nhìn ra ngoài vườn. Tôi đoán, có lẽ ông đang nhớ đến những đồng đội của mình đã ngã xuống trong trận đánh ác liệt ngày 4-5 đó. Ông cũng kể, tính từ ngày trực tiếp chiến đấu, tổ hỏa lực của ông đã bổ sung đến 3,4 lượt, mà theo như ông nói là “chúng nó cứ lần lượt hy sinh, toàn bọn trẻ lắm”. Một lát sau, câu chuyện mới lại được tiếp tục.


Nỗi xúc động của người thương binh khi nhắc đến những đồng đội đã ngã xuống ...  "điểm lại trung đội tôi không còn một ai..."
Logged

"Láng giềng khốn nạn - Cướp đất toàn diện - Lấn biển lâu dài - Thôn tính tương lai"
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM