Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:53:32 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhật Ký Viết Lại  (Đọc 331367 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #410 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2011, 06:07:27 pm »

Những nghịch lý của thời gian (3)

...  Tôi có một kỷ niệm thú vị về xe đạp thời  đóng quân ở Quế Võ.  Khi ấy đơn vị vừa qua huấn luyện, lính chờ phân bổ đi các đơn vị, do vậy quản lý cũng có phần lỏng lẻo. Lính Hà hay trốn về Hà Nội, ít thì 1 ngày, liều thì 2-3 ngày. Tôi nhát gan nên chỉ dám mượn xe đạp bác chủ nhà, đạp ra Bắc Ninh chơi, sáng đi, tối về. Hôm ấy ham chơi, tối về hơi muộn. Chẳng may, khi về qua Phố Mới thì xe bị đứt xích.  Đường còn xa, tiền thì hết, dắt thì ốm. Thế mà rồi cái khó ló cái khôn, tôi cũng đã nghĩ ra một cách rất đơn giản để thoát nạn ngon lành. Có bác nào đoán được cách ấy không?  

Bác Thaiminhhung nhắc chuyện xe đạp mới nhớ vụ đứt xích hồi năm 71, đã pọt lên hồi đầu tháng. Chưa thấy ai trả lời hay gợi ý giải pháp khắc phục. Tiện đây xin kể nốt câu chuyện đứt xích 40 năm trước.

Đường thì còn xa, tiền trong túi thì mỏng, chưa kể đường xá hồi ấy rất ít hiệu chữa xe. Đành dắt bộ. Dắt một lúc lại ngồi lên yên lấy chân đủn xuống mặt đường cho lăn từng quãng ngắn. Quế Võ là đồng bằng nên cũng chẳng mong gì có dốc mà thả trôi. Ló khó cái khôn. Tôi nghĩ: cái xích xe là một vòng khép kín, căng giữa líp xe và đĩa xe, có tác dụng truyền lực từ đĩa xuống líp. Khi đi, thực ra chỉ có nửa trên của xích chịu lực căng, còn nửa dưới hoàn toàn không chịu lực. Thế thì đơn giản. Tôi rút lấy một sợi dây giày, nối cái xích đứt lại và lắp vào xe sao cho phần nối nằm ở phía dưới, phần chỉ treo chứ không chịu lực. Ngồi lên xe rồi đạp, sao cho nút nối chạy từ đĩa về gần đến líp thì lại đạp ngược. Cứ đạp xuôi nửa vòng lại đạp ngược nửa vòng. Xe bon bon, ngon ơ.     

 
Logged

Nhật ký Viết lại
chienc3.1972
Thành viên
*
Bài viết: 861


« Trả lời #411 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2011, 06:58:46 pm »

Bác thaiminhhung, hôm nay là 18/7 chứ có phải ngày cá tháng Tư đâu nhỉ? Nói về chuyện đi xe đạp, tôi xin góp một chuyện nhỏ: những năm 80 của thế kỷ trước, tôi công tác ở ĐHKTQS. Hồi đó tôi có một cái xe đạp Minsk màu xanh. Tôi thường xuyên dùng cái xe "trâu" đó để đi về thăm vợ con ở Thái Nguyên. Quãng đường gần 80km mà cứ hết giờ chiều thứ 7 là phấn khởi lên đường hành quân theo tiếng gọi của trái tim, trưa chủ nhật lại nhăn nhó đạp xe đi sang trường theo tiếng gọi của nhiệm vụ. Vì đi đường xa nên phải chuẩn bị sẵn cả bơm, miếng vá, đồ vá săm...Có một lần ở nhà đi hơi muộn nên trời tối mịt tôi mới tới dốc Dây Diều. Trời thì mưa rét căm căm. Xe lại đột nhiên bị nổ lốp mới đen chứ. Ở khu vực ấy thời đó vắng lắm chứ không đông đúc như bây giờ. Không thể nào tìm được hàng vá xe. Thế là tôi phải tháo đồ nghề ra cặm cụi móc lốp, tháo săm chuẩn bị vá săm. Ngặt vì miếng rách quá dài, phải tới 20cm không thể nào vá được. May mà đoạn săm rách không phải gần chân van. Thế là tôi lấy dây buộc chặt hai đầu chỗ rách lại rồi lấy giấy, dẻ vừa quấn vừa nhét chặt vào chỗ đó thay măng sông rồi lắp săm vào, bơm căng lên. Đi cũng tạm được nhưng cái chính là vượt qua được lúc khó khăn.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #412 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2011, 09:25:52 pm »

Những nghịch lý của thời gian (3)

...  Tôi có một kỷ niệm thú vị về xe đạp thời  đóng quân ở Quế Võ.  Khi ấy đơn vị vừa qua huấn luyện, lính chờ phân bổ đi các đơn vị, do vậy quản lý cũng có phần lỏng lẻo. Lính Hà hay trốn về Hà Nội, ít thì 1 ngày, liều thì 2-3 ngày. Tôi nhát gan nên chỉ dám mượn xe đạp bác chủ nhà, đạp ra Bắc Ninh chơi, sáng đi, tối về. Hôm ấy ham chơi, tối về hơi muộn. Chẳng may, khi về qua Phố Mới thì xe bị đứt xích.  Đường còn xa, tiền thì hết, dắt thì ốm. Thế mà rồi cái khó ló cái khôn, tôi cũng đã nghĩ ra một cách rất đơn giản để thoát nạn ngon lành. Có bác nào đoán được cách ấy không?  

Bác Thaiminhhung nhắc chuyện xe đạp mới nhớ vụ đứt xích hồi năm 71, đã pọt lên hồi đầu tháng. Chưa thấy ai trả lời hay gợi ý giải pháp khắc phục. Tiện đây xin kể nốt câu chuyện đứt xích 40 năm trước.

Đường thì còn xa, tiền trong túi thì mỏng, chưa kể đường xá hồi ấy rất ít hiệu chữa xe. Đành dắt bộ. Dắt một lúc lại ngồi lên yên lấy chân đủn xuống mặt đường cho lăn từng quãng ngắn. Quế Võ là đồng bằng nên cũng chẳng mong gì có dốc mà thả trôi. Ló khó cái khôn. Tôi nghĩ: cái xích xe là một vòng khép kín, căng giữa líp xe và đĩa xe, có tác dụng truyền lực từ đĩa xuống líp. Khi đi, thực ra chỉ có nửa trên của xích chịu lực căng, còn nửa dưới hoàn toàn không chịu lực. Thế thì đơn giản. Tôi rút lấy một sợi dây giày, nối cái xích đứt lại và lắp vào xe sao cho phần nối nằm ở phía dưới, phần chỉ treo chứ không chịu lực. Ngồi lên xe rồi đạp, sao cho nút nối chạy từ đĩa về gần đến líp thì lại đạp ngược. Cứ đạp xuôi nửa vòng lại đạp ngược nửa vòng. Xe bon bon, ngon ơ.     

 
Em công nhận bác 6971 xử lý tình huống hơi bị chuẩn, xin bái phục bác. Vì cái líp xe đạp chỉ cho truyền lực một chiều: xe đạp không có số lùi. Nhưng còn may là xe tốt, bác chủ nhà cũng giữ tốt. Chứ như xe đạp tàng tàng thời sau 75 nó cứ trượt "cá" líp dài dài thì bác cũng "móm" đấy nhỉ. Thế thì khi về nhà bác chủ nhà nói sao hả bác. Em vẫn nhớ hình ảnh cái xe đạp Vĩnh Cửu hay Thống Nhất xịn chẳng hạn, lau sạch sẽ, được treo bằng dây thừng hay dây cao su lên các thanh xà trên trần mái nhà ở các vùng quê Miền Bắc xưa.
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #413 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2011, 10:38:01 pm »

... Thế thì khi về nhà bác chủ nhà nói sao hả bác.

Hôm ấy, về đến Ngọc Kim Long (Quế Võ), kể chuyện đứt xích xe và nối bằng dây giày, bác chủ nhà ngạc nhiên và không tin. Tôi lại phải dẫn bác ra đường làng biểu diễn lại cho bác xem.

Cũng may, chiếc xe ấy là xe Thống nhất, chứ hồi ấy cũng có loại xe líp Bi-nhong, đạp ngược là xe đứng lại. Sau này, tôi có chiếc xe Thiếu nhi Liên xô, líp bi-nhon, khi nào cần phanh thì đạp ngược lại.
Logged

Nhật ký Viết lại
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #414 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2011, 11:15:45 pm »

Kể chuyện về chiéc xe đạp thì lắm kỷ niệm lắm bác 6971 ạ:

     Thế hệ anh em mình có một chiếc xe đạp Liên Xô con là cả một niềm mơ ước lớn ( như thế hệ bây giờ mơ có một chiếc TOYOTA). Khi đi sơ tán cả nhà em chỉ có một chiếc xe đạp Thống nhất, nhưng phụ tùng thì rất xịn, đùi đĩa của Pháp, mayơ Tiệp, nan hoa inoc, xích, líp Nhật... hàng tuần Ông già sau khi đi làm về, xếp hàng mua thực phẩm (bằng tem phiếu), gạo Khoảng 25 kg bằng Sổ Gạo ( nhà em lúc đó 07 người (một tháng theo tiêu chuẩn được 108 kg gạo) đèo tiếp tế cho 5 anh em ăn học ở nơi sơ tán mà phải đi vào ban đêm.

      Sau này vào thời kỳ xuất khẩu lao động rất nhều xe đạp của các nước XHCN gửi về , vì chú em buôn xe đạp ( lúc đó anh em cùng sống chung một nhà và chưa ai có gia đình) nên em cũng phải học nghề  lắp ráp xe đạp, tất cả các công đoạn khó nhất là cân vành chéo 6 hoặc chéo 8 em đều làm tất cả. Mình lương kỹ sư cũng không đủ ăn nên phải cùng làm thêm cùng em để tăng thu nhập. Chính vì vậy riêng khoản lắp ráp và bình luận về xe đạp, em dám khảng định em cũng không đến nỗi bị ngô ngọng.

     Sau này khi đi mua hoặc sửa xe đạp cho  con trai mình, không ông thợ nào có thể múa qua mặt mình được. Còn nếu bây giờ đi chữa xe đạp thì phải ra cửa hàng của Cty Xe đạp Thống Nhất ở ngã tư Thái Hà- Tây sơn ở đó mới có phụ tùng thật và giá cả thì yên tâm không phải mặc cả. Còn chữa ngoài đường có khi còn mang vạ vào thân đấy
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Bảy, 2011, 11:31:37 pm gửi bởi thaiminhhung » Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #415 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2011, 07:21:26 am »

Những nghịch lý của thời gian (4)

Tuổi thơ gầy guộc của tôi gắn với Hợp Tác Xã, một khái niệm mà lớp trẻ bây giờ hay những người lớn tuổi nhưng lớn lên ở thành phố hay lớn lên ở phía nam bờ Bến Hải, hoặc là không hiểu nổi hoặc là hiểu không đúng.  Gọi cho đầy đủ thì phải là Hợp tác xã nông nghiệp, để phân biệt với Hợp tác xã thủ công, tiểu thủ công hay hợp tác xã mua bán, …. ở xứ thành thị. Hợp tác xã nông nghiệp là bước đi lên sau Tổ đổi công. Nó là ngôi nhà chung của những người nông dân trong một thôn hay một làng. Họ góp toàn bộ ruộng đất, trâu bò và các nông cụ như cày, bừa, gàu tát nước, … vào HTX, thành tài sản chung, không giữ lại chút nào cho riêng mình, góp không phân biệt nhiều, ít, thậm chí không có gì để góp, để trở thành xã viên, như nhau. Hãn hữu mới có gia đình không vào hợp tác xã và thường họ bị cô lập, trở nên lẻ loi, đơn độc và gặp không ít khó khăn.

Tôi lớn lên cùng với lòng tin ăm ắp và háo hức vào bức tranh màu hồng HTX. Thầy tôi hay kể cho mọi người nghe về Nông trang, một dạng HTX hiện đại ở Liên Xô, nơi người ta làm ruộng bằng máy cày, máy bơm, máy gặt đập liên hợp, trâu bò nuôi chỉ để thịt, không biết cày bừa. Bọn nhóc chúng tôi thì nghêu ngao hát: “Hà nội lắm xích lô - Quê tôi lắm xe thồ - Trung quốc có nhiều ô tô, Liến xô có nhiều máy cày, Tằng tằng, tằng tằng tăng tăng, tắng tăng tăng tằng tăng tăng" theo giai điệu của bài "Này bà Lý toét ơi, con tôi muốn lấy con bà, hai đứa nó cùng yêu nhau, sắm cho nó một cái giường. Bà về bà bảo với ông, tối nay ra đình liên hoan.". Thấy thế ông ngoại tôi bảo: “Rồi thì có cả máy ăn nữa, nhai  không kịp thì nó đùn vào mũi ấy”. Hàm ý là người già thường không tin vào những điều viển vông.

HTX chia thành các đội sản xuất, mỗi xóm trong thôn thành một đội, nhưng không gọi theo tên xóm mà đánh số. Ngoài ra, HTX làng tôi còn có một Đội Cải tiến. Đội tập trung mấy người thợ mộc, mấy người thợ rèn trong làng. Đội trưởng đội cải tiến là ông Kim tây, không phải thợ rèn, thợ mộc hay thợ gì, chỉ thấy mọi người trong làng thường xem ông là “Biết tuốt”. Nhà ông Kim tây sát vườn nhà tôi. Xa xưa, ông cũng học Thầy tôi, nhưng tôi không biết ông Kim tây học đến lớp mấy, có bẳng cấp gì không. Tôi nghe mọi người nói ông đang say mê chế tạo cái máy bơm bằng mấy cái ống tre, xếp xếp, lồng lồng vào nhau thế nào đó mà không cần xăng dầu, không cần sức người nhưng nước cứ chảy ngược từ ruộng thấp lên ruộng cao, thấy háo hức, tò mò và khâm phục lắm. Đội cải tiến muôn năm, HTX muôn năm! Ao ước lớn lên, học giỏi, xin về làm ở Đội cải tiến của ông Kim tây.

Hôm chính thức thử chiếc máy bơm, tôi trốn học để lăng xăng theo ông Kim và mấy bác trong tổ cải tiến ra thử ở đầm Lán rau ngay đầu làng. Có cả ông Vinh Bách, chủ nhiệm HTX cũng ra xem. Chẳng hiểu sao, hôm ấy loay hoay suốt buổi sáng mà máy bơm vẫn không chạy.  Nước chỉ tự chảy theo chiều từ  ruộng cao xuống dưới đầm chứ một giọt cũng không tự chảy ngược từ đầm lên ruộng. Đến gần trưa mọi người lại lụi hụi khiêng khiêng vác vác máy về sân kho. Mỗi người được một nắm xôi lạc to bằng nắm tay. Tôi cũng được chia, một nắm bé. Nản quá.

Chuyện xa lắm rồi, mãi từ khi tôi mới học lớp 2-3, nên chẳng nhớ cấu tạo và nguyên lý của cái máy bơm cải tiến ấy nó như thế nào. Con đường từ HTX lên Nông Trang và những ước ao li ti của tôi bị vỡ vụn vì bom đạn. Chiến tranh phá hoại và tiếng súng phương Nam làm gián đoạn hết. Tôi rời mái trường nhập ngũ, vào đì đùng mấy năm ở Quảng Trị, bị thương về học tiếp, nên cũng chẳng biết số phận cái máy bơm ấy ra sao. Hồi là sinh viên, có lần nghỉ hè về quê, đứng chuyện trò bên này bên kia hàng rào, tôi hỏi ông Kim tây về chuyện chiếc máy bơm xưa. Tôi bảo ông: “Hồi ấy vui, anh nhể. Giá hồi ấy mà em học năm thứ 2 Tổng hợp lý như bây giờ thì em đã mách anh: Không thể chế tạo được động cơ vĩnh cửu đâu, định lý Cacnô khẳng định rồi, đỡ mất công, mất sức”. Ông Kim không nói gì, dửng dưng bắt sang chuyện khác.

Hè năm thứ 3, tôi lại có dịp chuyện trò với ông bên hàng rào. Ông Kim hỏi tôi: Thế chú học cao thế thì có học tiếng Tây, tiếng Tàu gì không? – Có chứ ạ, học ghê ấy chứ. – Thế chú có học chữ La Tinh không? Tôi linh cảm thấy ông đang thử tôi, nên khôn khéo và sỹ diện trả lời: “Bây giờ mọi người học tiếng Nga, tiếng của Lênin chứ ai còn học chữ La tinh hay chữ Đờ-Gôn như các anh ngày xưa nữa. Bọn em chỉ học và dùng số La Mã thôi”. Tưởng thế là thắng, ai ngờ ông độp luôn: “À, thế chú viết cho tôi năm nay, năm 1976, bằng số La Mã xem nào”. Chết tôi rồi. Chỉ nhớ hàng đơn vị, hàng chục, quanh quanh 3 chữ I, V và X, chứ hàng trăm, hàng nghìn thì chỉ mang máng, hình như là C, M hay L gì đấy. Thôi đành liều, mà ông ấy thử mình chứ chắc gì ông ấy đã biết: “À, dễ thôi: Một thì là chữ I, Chín là IX, Bảy là VII, còn Sáu là VI. Vị chi 1976 = IIXVIIVI”. Ông bật cười khẩy, buông một câu: “Ới ời, thế thì tôi chịu chú”  rồi ông quay lưng lững thững đi vào phía sân nhà.

Những năm sau nữa, dịp nghỉ hè khi còn là sinh viên, dịp nghỉ phép khi đã đi làm, mỗi lần về quê, ông Kim tây còn hỏi tôi nhiều chuyện nữa, toàn là khó. Làm thế nào tách dầu hỏa ra khỏi mazut, làm thế nào để đất ẩm lâu, làm thế nào cho cây cau ra quả dưới gốc như cây mít, làm thế nào cho lợn đẻ ra trứng để ấp như gà, … Như MC trên “đấu trường 100” hay nói: Kiến thức thì mênh mông, hiểu biết thì có hạn, tôi có phải “Biết tuốt” đâu mà thông tỏ hết.

Mấy năm lang thang học ở xứ người, nhớ đến ông Kim tây, tôi đã hình dung chắc chắn ngày về, ông sẽ khừ tôi nhiều câu xương xảu. Nhưng ngày về, tôi chỉ nghe được nhõn một câu, dễ ợt: “Trước lúc mất, bố cháu còn bảo cháu, bao giờ chú T nhà cụ Giáo về, nhớ nhắc bố hỏi xem bên Liên Xô có còn Nông trang không? ”. Nam mô, a di đà!  
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Bảy, 2011, 09:09:07 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #416 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2011, 09:16:03 am »

Chào buổi sáng bác 6971,

Nhứng kí ức thời gian của bác chắc còn dài dài. Vê cái xe đạp chưa hết nay đã thấy bác sang đến Hợp Tác Xã nông nghiệp rồi. Thế thì thế nào cũng có chuyện về con trâu, con bò, cái rơm, cái rạ rồi chuyện cỗ bàn ở làng quê nữa. Tôi phải đón đầu dần kẻo không kịp góp nhời với bác. Bác cứ viết về "tam nông" là em nói leo được. Hôm nay bác viết sớm thế, mùa hè dậy sớm viết cho mát bác ạ. Cứ hình dung, bác làm ấm chè xanh, rồi túc tắc viết...
Logged
thaiminhhung
Thành viên
*
Bài viết: 760


CHÀO NHÉ MÁI TRƯỜNG ƠI !


« Trả lời #417 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2011, 11:13:01 pm »

Tôi xin góp : Một câu chuyện buồn

         Năm 1994 khi đó tôi đang làm tại TTGT TL, chúng tôi được mời dự cuộc họp để tư vấn cho UBND huyện TL về việc cưỡng chế, phá dỡ một số nhà lấn chiếm đất công xây nhà và mua bán trái phép tại TT Nghĩa tân, thuộc phường Nghĩa đô.

         Đây là khu đất để làm sân chơi cho khu vực, nhưng bị một số anh em TB , lấn chiếm xây nhà ở, mua bán trái phép. Đây quả là vấn đề nan giải, các cơ quan được mời họp gồm CA, Tòa án, VKS, TTXD, TTGT., UBND thị trấn Nghĩa Đô. Theo báo cáo khu đất đã bị lấn chiếm xây nhà trái phép và ngôi nhà to nhất đã được bán cho một người ở trong phố. Hội nghị đi đến thống nhất phải cưỡng chế ngôi nhà này, vì đây là then chốt thì mới giải tỏa được những ngôi nhà khác. Nhưng để việc cưỡng chế được suôn sẻ thì phải vận động thuyết phục để chủ nhà tự dỡ , nhiều phương án được đề ra nhưng cuối cùng chốt lại phải mời bằng được vị chủ nhân ở trong phố đã mua ngôi nhà này để nói rõ và trao QĐ cưỡng chế, nếu anh ta không chấp nhận thì mời đến cơ quan CA để làm việc và sẽ tạm giữ, sau đó tiến hành cưỡng chế ( nghe đâu anh này cũng giầu có và có học). Bên CA cử trinh sát đi nắm tình hình và đã mời được người chủ ngôi nhà và anh ta đã nhận quyết định và đồng ý để UBND phường  dỡ nhà. Angry

            Mọi việc diễn ra suôn sẻ, chỉ có một vài hành động nhỏ cản trở, nhưng người chủ ngôi nhà hôm đó không đến và ngôi nhà 3 tầng bị san phẳng, các nhà cấp 4 khác cũng bị dỡ hết.

          Lực lượng phá dỡ hoàn thành xuấtt sắc nhiệm vụ , và khu đất được thu hồi, Nhưng nếu chỉ có thế thôi thì đây lại là một câu chuyện vớ vẩn. Éo le thay một thời gian sau tôi được tin ngôi nhà bị phá dỡ là nhà của người đồng đội CCB SV ĐHXD QT . Thật là đau quá vì người bạn mình khi mua không hỏi, và cũng chỉ có giấy viết tay thôi,  đây là một bài học để chúng ta rút kinh nghiệm, vì phải đổi bằng cả cuộc đời mới có được một ngôi nhà nhưng không cẩn thận thì sẽ tan thành mây khói . Người chủ ngôi hà là một người lính trinh sát đấy các bác ạ. Tôi không dám nói tên ở đây. Cũng may bạn mình có học và hiểu biết nếu không thì nhà bị dỡ , người thì vào trại giam./. Huh
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Bảy, 2011, 11:29:58 pm gửi bởi thaiminhhung » Logged

Bừng bừng cháy, lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la
Ta về đây vui ca vang, bài ca đi dựng xây nước nhà....
TANVINHprc25
Thành viên
*
Bài viết: 539


« Trả lời #418 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2011, 12:29:12 am »

@ Bác 6971
Hôm nay Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng thông báo sắp tới có thể cấm xe máy trong các đô thị lớn, có lẽ anh em CCB lại phải quay lại đi bằng xe đạp hoặc "căng hải", bác xem cái xe đạp của bác còn không? nếu không lúc đó thì xe đạp chắc là lên giá đấy. Mua nhanh kẻo hết bác ạ!

Chào 6971, thaiminhung...

Bạn kể chuyện về xe đạp thủa hàn vi, xin góp đôi lời cho rôm rả.

3 năm học cấp 3, nhà nghèo không có xe đạp nên tôi toàn phải cuốc bộ gần chuc cây số đi tắt qua các cánh đồng đến trường nơi sơ tán.

Năm lớp 8, có nhiều bạn cùng cuốc bộ thì cũng vui; có cả mấy bạn nữ Hà nội sơ tán ở quê tôi nhưng chưa hết học kỳ 1 thì họ cũng chuyển trường vì đi bộ xa khổ quá. Bố tôi phải đánh thức tôi dậy từ 5g sáng để đi kịp giờ vào học 7.30g.

Đên lớp 9 may là học buổi chiều nhưng lớp học sơ tán lại ở thôn xa hơn, không phải dậy sớm nhưng hôm nào cũng tối mịt mới về tới nhà. Đói và mệt.

Sang lớp 10 năm 69, các lớp học sơ tán đã được trở về trụ sở trường ở thị trấn huyện nên bán kính cuốc bộ của tôi lại xa hơn nữa. Có đến gần nửa bạn học cùng làng đã bỏ học đi công nhân Chung Qui Mô ở khu Cao-Xà-Lá Hà nội từ giữa học kỳ 2 lớp 9, bây giờ số còn lại,  đứa thì nhà có điều kiện mua xe đạp để đi học theo đường quốc lộ đến huyên, đứa thì ra trọ học quanh thị trấn thành ra còn mỗi tôi chẳng có lựa chọn nào khác là tiếp tục bản trường ca cuốc bộ. Theo quãng đường, tôi phải dậy từ 4 g, nhiều hôm rời nhà muôn tôi phải vừa đi vừa chạy mới không bị muộn học. Được cái là, trên quãng đường dài ấy tôi vừa đi vừa nhẩm lại bài nên đên trường tôi thuộc được hết các bài của hôm đấy.

Tôi còn nhớ như in đường tôi đi, từ nhà tôi ra đến con đường ra đồng chỉ vài ba trăm mét rồi cứ thế đi hết đồng làng, qua con mương thủy lợi liên xã là sang đến cánh đồng của xã bên, cứ hôm nào đi qua cái thôn Nhà Thờ mà Đài TNVN đang Chương trình phát thanh Quân Đội Nhân Dân ( 6.30g) là tôi không bị muộn giờ vào học. Làng này có loa công công hình như treo trên lưng chừng nhà thờ hay sao mà tiếng vang rất xa, nhiều hôm từ xa tôi đã phải dỏng tai để xem đã đến chương trình QĐND chưa để điều chỉnh tốc độ. Sang khoảng giữa học ký 2, để tập trung ôn luyện cho thi tốt nghiệp Cấp 3, nhà trường yêu cầu các lớp 10 tăng cường học thêm, ôn luyện, học nhóm kể cả tập trung học luyện vào một số buổi tối trong tuần, thế là buộc tôi phải trọ học nhà đứa bạn cùng lớp ở gần trường.


Khi ở bộ đội về trường học tiếp năm thứ ba, sau hơn 1 năm tôi mới tặu được cái xe đạp cũ. Môt mình tôi ra chợ giời Thịnh Yên mua xe. Khi trả tiền xong, dắt xe đi được một đoạn ngắn trong chợ thì có một người đi bên cạnh nói nhỏ với tôi “ anh mua bị đắt đấy”. Tôi bảo “ thế à, có 1 người định mua tranh với tôi mà.”. “ Bọn nó cả đấy”, người kia trả lời rồi lững thững đi. Bây giờ nghĩ lại thấy người kia nói đúng. Đúng là tay phe đó dùng “ quân xanh” rồi. Quả thực lúc đó tôi cũng chẳng bận tâm nhiều về việc bị mua đắt. Quan trọng là tôi đã có xe đạp, chủ nhật túc tắc đạp xe về quê, không phải chen lấn xe buýt nữa. Mà tiền mua xe tôi cũng chỉ phải xin chị tôi một ít còn chủ yếu là từ tiền bán chiếc đồng hồ kỉ niệm lính dạo mua ở Sài gòn bằng tiền anh đồng hương ở Ban Chính trị SĐ và cậu bạn cùng tiểu đội cho tôi. Thôi, có đắt tí cũng được một việc lớn đang cần.


Năm 87 tôi làm tại một công ty kinh doanh vận tải biển. Năm 89 tôi được điều đi làm thủy thủ tàu của công ty thời gian 1 năm. Chuyến viễn dương đầu tiên của tôi đến cảng Kobe, Nhật,  nơi là thiên đường đồ cũ Made in Japan của các thủy thủ tàu VN. Lúc đó mặc dù tôi đã có phương tiện đi lại, tuy rằng không xịn nhưng cũng ok, nhưng để ‘trả thù” thủa cơ hàn xưa, tôi không mua xe máy mà mua hẳn 3 chiếc xe đạp cho “hả dạ”. Xe cũ nhưng như mới, đẹp long lanh.  Xe nữ mi-ni 2 gióng, loại thép không rỉ toàn phần. 1 chiếc màu đen, hồi đó anh em thủy thủ viễn dương chuyên nghiệp gọi là màu đen Hoàng tử, 1 chiếc màu xanh ngọc bích và 1 chiếc màu đỏ chia ly. Khi tàu về cảng Hải Phòng, Hải quan làm kiểm hóa hàng miễn thuế của thuyền viên tôi bị mua vượt quá hạn ngạch giá trị miễn thuế nên bị tịch thu 1 chiếc. Tôi đắn đo mãi rồi cắn răng nộp cho Hải quan con đen Hoàng tử. Về tôi bán con xanh Ngọc bích được 3 chỉ, còn để lại con đỏ Chia ly để vợ đi làm. Đi được mấy năm thì một lần thằng con trai tôi và thằng bạn học dựng xe, có khóa hẳn hoi, ở vỉa hè Hiệu sách Tràng Tiền, một lát ra thì xe đã biến mất. Hai thằng nháo nhác tìm quanh mà chẳng thấy tăm hơi gì. Đúng là con Chia ly dựng ở Bờ Hồ !

Vẫn thích có xe đạp Nhật nên không lâu sau đó tôi lại mua, lần này mua mới cứng còn trong hộp hẳn hoi, mà chọn con màu Dunhill chứ không dám chơi con Chia ly nữa. Nhiều năm nay, cũng chẳng mấy khi đi xe đạp, biết đâu ít nữa thỉnh thoảng đi dạo loanh quanh bằng xe đạp có khi cũng hay. Hoặc cũng biết đâu rồi cấm xe máy trong thành phố thì mình đã có sẵn cái xe đạp rồi.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Bảy, 2011, 12:36:31 am gửi bởi TANVINHprc25 » Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #419 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2011, 07:19:48 am »

Chào buổi sáng bác 6971,

Nhứng kí ức thời gian của bác chắc còn dài dài. Vê cái xe đạp chưa hết nay đã thấy bác sang đến Hợp Tác Xã nông nghiệp rồi. Thế thì thế nào cũng có chuyện về con trâu, con bò, cái rơm, cái rạ rồi chuyện cỗ bàn ở làng quê nữa. Tôi phải đón đầu dần kẻo không kịp góp nhời với bác. Bác cứ viết về "tam nông" là em nói leo được. Hôm nay bác viết sớm thế, mùa hè dậy sớm viết cho mát bác ạ. Cứ hình dung, bác làm ấm chè xanh, rồi túc tắc viết...


Chào bác Tanvinh và anh em trên QS,

Thì đất nước ta là đất nước nông nghiệp mà, chuyện nhà nông nhiều, dễ kể, dễ chia sẻ. Nhẩm nhẩm cũng phải đủ rót lai rai một hai năm nữa mới vãn chuyện, chỉ cần các bác góp đồ nhậu thôi. Chỉ ngại các vị quản lý QS lại cho là lạc đề, nên tôi chỉ chọn những chuyện ít nhiều liên quan tới lính thôi.  Chứ thực ra, chân dung người lính đầy đủ và trọn vẹn phải có cả trước và sau lính nữa chứ. Tôi nghĩ thế.

Dậy sớm cũng là cái gốc Quê không giấu được. Con gà, con chim, con trâu, con bò... dậy thì mình cũng dậy. Chẳng có việc gì cũng dậy. Hôm thì đi dạo, hôm thì dắt chó ra ngõ, hôm thì đi bơi, ... hôm thì vào QS, miễn sao ý tứ, nhẹ nhàng cho để các thành viên khác trong nhà còn ngủ, các bác ạ. Cũng chưa được "chuyên nghiệp", lên sân thượng, kê bàn mây bên gốc sung cảnh xúc xỉu quả, với ấm chè xanh để túc tắc sáng tác đâu ạ, chỉ ngồi ngay ở bậc tam cấp, "cẩu một bên, còn laptop một bên".
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Bảy, 2011, 11:28:34 am gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM