Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:48:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhật Ký Viết Lại  (Đọc 331389 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #320 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2011, 05:33:15 pm »

Hưng Yên ký sự

Rồi mọi người cũng nâng cốc và thì thầm giọng cổ “Zô ô”, như hồi nào đi luồn sâu địch hậu, “nấu không khói, nói không tiếng”. Lúc sau tôi quay sang hỏi Dõi, sao mọi người phải nói khẽ. Dõi bảo: “Tuế mới lên Ông được 3 ngày. Cháu bé nằm trong buồng. Đã bảo ông ấy cho chuyển sang nhà khác, nhưng ông ấy bảo: xếp hàng mãi mới đến lân, chuyển là chuyển thế nào?”. À, ra thế.

Đến khi chuyển sang uống nước chè thì mọi người bàn bạc về chuyện các huyện theo gương Văn Giang, thành lập các “tiểu đội” đồng ngũ Xê 20 theo các huyện của Hưng Yên. Các tiểu đội gộp lại thành “trung đội” Xê 20 Hưng Yên. Mỗi năm cả trung đội gặp mặt 1-2 lần, năm nay ở tiểu đội Khoái Châu, năm sau ở tiểu đội Ân Thi, năm sau nữa ở Kim Động, … Vỗ tay.

Với tôi, lần này về Hưng Yên nhận được thêm thông tin về Loan và Nguyệt. Loan là lính A8 của tôi, còn Nguyệt là thông tin trinh sát, cùng bị thương với tôi ở thung lũng Ba Lòng năm 1974. Hóa ra cả 2 đều là dân Hưng Yên. Thế thì tôi còn nợ đất nhãn lồng này rất nhiều. 

Đến hồi chia tay thì bỗng rộ lên: “Các anh rẽ sang nhà em tý, 2 bác rẽ sang thăm nhà em tý, ngay đây mà, mấy khi”. Cũng nể, nhưng biết nhận lời ai. Cuối cùng TTNL và tôi quyết định nhận lời Tiến. Tiến năn nỉ: "Về em đi, anh TTNL hứa với em lâu lắm rồi đấy. Gần đây thôi, khoảng 2 km. Nhân thể anh 6971 về thăm Loan. Nhà nó cách nhà em đúng nửa cây số.” Nghe thấy hợp lý, TTNL muốn về nhà Tiến từ lâu rồi, còn tôi thì chuyện gặp lại Loan chỉ là trong mơ.

Chúng tôi rời nhà Tuế, theo Tiến dẫn về nhà Loan. Đi vòng vòng 2-3km, qua mấy cánh đồng mới thấy Tiến bảo: Hết địa phận xã thằng Tuế. Lại cua cua, lượn lượn thêm 3 xã rõ dài nữa mới qua quê Tiến, rồi mấy quãng đê dài, những rặng nhãn trạt hoa và vài cánh đồng ướp mùi lúa non mới đến đầu xã của Loan. Không phải là "đúng nửa cây số" mà là nửa chục cây số, đi qua địa phận 3 huyện: Văn Giang – Yên Mỹ - Khoái Châu. Hoặc ở quê ước lượng cây số không chính xác, kiểu mấy con dao quăng, hoặc vì lòng hiếu khách mà nói xa thành gần. Được.

Đến trước một ngôi nhà không có cổng, Tiến bảo: “Nhà nó đây”, rồi cua ngoặt xe vào sân, con chó xoắn xuýt vẫy đuôi chứ không sủa. Tôi xuống xe từ ngoài ngõ. Hồi hộp. Thằng Loan ngày xưa má hồng, ngực trắng và căng chẳng ai bảo là ngực con trai, bây giờ ra sao đây?

(Còn nữa)
Logged

Nhật ký Viết lại
nguyenquochung
Thành viên
*
Bài viết: 283


« Trả lời #321 vào lúc: 09 Tháng Năm, 2011, 06:24:53 pm »

   Đoạn bác tả nửa chục cây số về nhà bác Loan em chả thấy xa gì, chỉ thấy đẹp và yên bình quá. Đúng là đường quê, Dân thành phố có muốn cũng mấy khi được đi.

   Em đoán một bác ngực lép kẹp, mắt ờng ợng nước, cười phô cả lợi đang đợi trước hiên nhà ?
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #322 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2011, 05:33:37 pm »

Hưng Yên ký sự

Có sốt ruột đến cồn cào muốn biết gặp lại Loan hôm nay ra sao thì cũng xin kiên nhẫn theo tôi ngược lên gần 40 năm về trước, khi tôi 20 còn Út Loan 19.

Đấy là cuối Bảy Hai, Xê 20 được bổ sung quân, nhưng không phải lính mới mà là các cựu binh ưu tú, chọn lọc từ các đơn vị trong sư đoàn. Sở dĩ phải bổ sung quân một phần để bù đắp những chiến sỹ trinh sát đã hy sinh qua mùa hè Bảy Hai ác liệt, một phần vì chủ trương thay máu của lãnh đạo đơn vị. Quảng Trị Bảy Hai cướp mất của chúng tôi A Độ, bạn Triệu và em Hiếu. Đợt ấy, A8 của tôi được bổ sung 4 người: Lâm “họa sỹ”, Bảo “con”, Út “Loan” và Chỉ. Chuyện về mỗi người ấy đều đáng vài trăm trang. Phần này xin hãy chỉ nói về Út Loan.

Út không phải là con út như ngoài Bắc hiểu mà Út theo tiếng Quảng Trị, là em gái, cô gái. Tên thì là Loan, da thì trắng nõn trắng nà, mắt bồ câu, ngực phây phây, nây nẩy, chẳng Út thì là gì. Nhưng riêng cách nói ngang phè của Loan thì không thể Út mà phải là Eng, Eng xịn. (Eng tiếng QT là anh).

Tôi không nhớ trước đó Loan đã ở đơn vị nào, nhưng chắc chắn phải là một tấm gương sáng mới được chọn lên Xê 20. Về với tiểu đội tôi vào cuối Bảy Hai, Út Loan lăn lộn với bọn tôi Cao Hy, rồi đài quan sát 108, rồi lưới quét Trà Liên Tây, … cho đến cuối Bảy Ba, với lủng củng bao nhiêu chuyện trắc trở, vui buồn nhưng là một phần không thể thiếu trong ký ức của tôi về thủa ấy.

Xin được bắt đầu câu chuyện Út Loan bằng đoạn nhật Ký của A trưởng:

“22.6.1973: Loan đi khỏi A của tôi. Đến một nơi khác. Nơi ấy không có tôi, không có những người như ở đây.

Tôi tránh không chia tay với Loan, bởi cái lẽ rất giản dị: Tôi rất thương Loan.

Ừ thì bướng đấy, lấc cấc đấy, ngang ngạnh và bồng bột đấy, nhưng chỉ làm tôi thương Loan chứ không ghét. Thương vì Loan nghèo, nghèo về vốn sống, về sự hiểu biết và từng trải. Vốn sống nhỏ nhoi của Loan không đủ cho Loan “xài”. Bao nhiêu mũi nhọn chĩa về Loan. Nhiều lần tôi cố đỡ bớt cho Loan, nhưng không làm sao khác được. Tôi cố đẩy Loan lên cho kịp với tầm chung, nhưng Loan lại nỗ lực quay ngược lại. Ngẫu lực bắt Loan quay tròn và văng vào một cối xay khác. Ở đấy có những gì đợi chờ Loan?

Tôi buộc lòng phải để người ta đẩy Loan đi. Buộc lòng phải dứt đi một đồng đội mà ta coi như em trai. Ta bất lương. Ta tàn nhẫn.

Ghi vội khi Loan đang ngủ. Khi nào ngủ con người lại càng lương thiện hơn, tội nghiệp hơn. Khi nào tỉnh dậy thì đi nhé. Hãy đi vào nới mới ấy bằng một thằng Loan mới – Trà Liên Tây."


(Còn nữa)
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Năm, 2011, 09:17:52 am gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #323 vào lúc: 13 Tháng Năm, 2011, 08:32:46 pm »


Những dòng nhật ký viết bằng bút chì của gần 40 năm trước
Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #324 vào lúc: 14 Tháng Năm, 2011, 09:07:53 am »

Hưng Yên ký sự

...
Nhật ký thì là thật rồi, thật 100%, nhưng cô đọng quá. Chỉ mấy dòng cảm xúc bút chì bồng bột của cậu a trưởng 21 tuổi về một cậu lính trẻ hơn 1 tuổi, bồng bột hơn mình một chút thì chưa đủ để hình dung sự thể trọn vẹn thế nào mà Loan phải ra đi. Xin được dựng lại câu chuyện theo hồi ức.

Hè Bảy Ba, ở làng Trà, có một lần chính trị viên tổ chức cho cả đơn vị đi xem phim “Anh Trỗi”, dựng theo tác phẩm “Sống Như Anh”. Xem song, mấy tối sau các trung đội, tiểu đội thảo luận và viết “thu hoạch” về tấm gương yêu nước quên mình của anh Trỗi. Trong phim có cảnh sáng sớm sau đêm bị bắt vì đặt mìn trên cầu Công Lý, cảnh sát giải anh Trỗi về khám nhà. Khi mới nhìn thấy người vợ trẻ đang đứng rửa mặt ở sân, anh Trỗi chủ động nói to: “Quyên, anh bị bắt!”. Thế mà một cậu lính trinh sát lếu láo nào đó của Xê 20 xuyên tạc giọng Nam bộ thành: “Guyên, ăn dẩm phải cức”. Câu nói xuyên tạc lan rất nhanh trong Xê kèm theo những trận cười no nê, và lọt đến tai chính trị viên. Ông bắt đầu khoanh vùng để tìm ra thủ phạm.

Loan không bị dính vào vụ “dẩm phải cức” ấy nhưng cũng bị khoanh vào vùng nghi vấn. Cộng cộng mấy nghi án, dù tôi hết sức bênh vực thì cuối cùng Loan cũng nằm vào diện phải thay máu, nói theo ngôn ngữ hồi ấy là “xuống bộ binh”.

Đầu 6/73, tôi nhận quyết định tạm trao tiểu đội lại cho Lạp, a phó, để chuyển sang làm “hiệu trưởng” lớp binh địa. TTNL cũng vậy. Hai đứa chuyển về cuối làng, ở nhà Cha Cò Mụ Miến. Tối 21/6/73, thấy các thủ trưởng đơn vị gọi tôi lên. Tôi được thông báo cho biết, sáng hôm sau sẽ có lệnh điều chuyển Loan đi nhận nhiệm vụ mới ở đơn vị khác và yêu cầu tôi không được để cho Loan biết trước. Tôi ngỡ ngàng. Không rõ điều gì đã xẩy ra trong 2-3 tuần qua, kể từ khi tôi rời A sang lớp Binh địa. Mặc dù tôi thanh minh rồi phản đối nhưng đã là quân lệnh thì chỉ có việc tuân theo. Thế là Út Loan của tôi phải “xuống bộ binh” rồi.

Tối ấy tôi không ngủ ờ nhà Cha Cò mà về A8 ngủ. Một buổi tối vui hờ với anh em trong dằn vặt, dối trá. Theo kế hoạch, sáng 22/6 tôi phải vượt sông Thạch Hãn sang Bích La, Đại Hào chuẩn bị địa hình cho lớp binh địa. Tôi dậy rất sớm, lặng lẽ đứng nhìn Loan đang ngủ say, rồi quay về nhà cha Cò, quơ bút chì viết vội mấy dòng nhật ký trên, xong lấy bản đồ, địa bàn, cho vào túi mìn Claymo, bơi qua sông Thạch Hãn.  

Đọc lại nhật ký tôi mới giật mình: Hóa ra ngày 22/6 tôi qhi nhật ký đến 2 lần với 2 cái mốc đáng nhớ: Chia tay Loan về bộ binh và lần đầu tiên nhìn thấy Thủy tề rất gần.

Sau khi khảo sát địa hình, tôi lại bơi ngược về Trà Liên, nhưng  ở quãng sông vắng mãi cuối làng. Đây là quãng sông lạ, tôi chưa tắm hay bơi bao giờ. Khi sang đến gần bờ phía Trà Liên Tây, tôi bị lọt vào vùng sông dày đặc rong. Càng bơi rong càng dày, quấn cứng lấy chân. Đuối sức và tuyệt vọng tôi lần lượt dìm ướt rồi bỏ buông cả dép, cả quần áo, mũ cối, cố trườn ngửa lên mặt sông đầy rong, ngoặc quai túi mìn claymo qua vai, để chiếc túi trong có bản đồ, la bàn lên bụng, rã rời vẫy vẫy chân tay, đờ đẫn thở. Tôi nằm buông xuôi tuyệt vọng như vậy không rõ bao lâu thì chợt thấy đầu kịch vào bãi cát như có một phép màu. Sống rồi. Trưa về, tôi buông mấy dòng sặc mùi ông cụ non vào nhật ký:

“22.6: Hãy coi chừng. Mày chưa phải là Cái rốn của vũ trụ đâu. Có vô vàn những thế lực khác sẵn sàng nhận chìm mày như trưa nay. – Thạch Hãn Giang.”  

Sau lần chết hụt buổi trưa, buổi tối tôi lại về A8 ở đầu làng, vừa để hỏi hạn, san sẻ và thanh minh với anh em chuyện Loan “xuống bộ binh”, vừa để kể về vụ suýt chết đuối ở bãi rong phía cuối làng. Đấy là tối thứ Sáu, tối cuối tuần. Nhưng lạ thay, chưa vào đến nhà tôi đã nghe tiếng Út Loan, đúng là tiếng nó. Mấy đứa đang quật Tiến lên, thắng thua, hò hét inh ỏi.  

(Còn nữa)    
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Năm, 2011, 08:51:39 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #325 vào lúc: 16 Tháng Năm, 2011, 01:59:36 pm »

Hưng Yên ký sự

Tôi soi kỹ trong nhật ký và lục lọi trong ký ức nhưng không thấy thông tin nào về việc vì sao lần ấy Loan không phải “xuống bộ binh", chỉ tìm thấy một đoạn nhật ký viết sau đó gần 1 tháng, không có tên Loan trong đoạn này, nhưng có gì đó gần gần với vụ việc của Loan:
 
“20.7 Nếu như hắn không làm vừa ý anh một lần đầu trong nhiệm vụ thì đừng vì thế mà “bỏ két” hắn ta. Bỏ vào “két”, hắn ta sẽ mốc lên, gỉ ra rồi rữa mất. Mà chắc gì anh đã tìm thấy một “hắn” khác như ý hơn. Phải làm tận bờ, sát góc. Được mới thôi. Hỏng, làm nữa, làm lại, làm đến được thì thôi. Được là được việc và được cả người. Đừng bỏ rơi hắn. Chọn người là dễ đi đến “kiêu binh”. Phải rèn người mới phải. - Trà Liên”.

Sở dỹ ở đại đội trinh sát sư đoàn có câu chuyện cảm động về liệt sỹ Sự ở A2 của Tichtuongnhule, cũng như câu chuyện éo le về Út Loan ở A8 của tôi là vì tính đặc thù của đơn vị trinh sát. Thực ra Xê 20 cũng là bộ binh thôi, nhưng nghiệp vụ trinh sát có những yêu cầu nhất định. Do vậy mới có chuyện tuyển chọn lính mới về, thải lính cũ đi, chứ đơn vị bộ binh chiến đấu thì đâu có như vậy được, đã cùng đơn vị rồi thì đi với nhau đến cùng chứ. A trưởng với lính thì như ruột thịt, ngoan hư gì cũng tựa vào nhau mà sống, mà chiến, chẳng nỡ đuổi đứa con hư sang hàng xóm mà cũng chẳng hớn hở đón đứa con ngoan nhà khác về nhà mình nuôi. Trung đội trưởng xa hơn, chính trị viên đại đội thì còn xa nữa, chuyển đi, nhận về mà ít băn khoăn, dằn vặt. Trái ý thì điều chuyển, đỡ bận tâm, lấy đứa mới về, dẫu gì cùng dễ bảo, ít nhất là giai đoạn đầu. Có phải chỉ huy nào cũng được học sách dụng binh của Tôn tử đâu.
  
Tôi níu Loan lại với A8, với Xê 20 được tới cuối năm, vui buồn nham nhở một mùa hè Bảy Ba rát rạt nắng gió và mênh mang mưa lũ ở làng Trà, những đêm lấm lem bì bõm kéo lưới quét ở Hói Bái, những ngày bập bềnh lũ quét Thạch Hãn vớt củi, đêm mưa dò dẫm trên đồng làng bắt ếch chằm, chọc bắt lũ chuột chạy lũ trên ngọn tre, lên sân bay Ái tử dỡ ghi đường băng về ghép giường, đủ đói no, sướng khổ. Để rồi việc gì phải đến, cũng sẽ đến – Loan vẫn bị “xuống bộ binh”. Tôi lại tìm thấy một đoạn ngắn trong nhật ký cuối năm với duy nhất một chữ Loan:

“11.12.73: Khuê thân mến! T vừa nhận được tin một chiến sỹ của tiểu đội T sắp phải xa T. T viết những dòng này trước khi viết thư gửi lại cho “con chim non” ấy. ... Dù chỉ là dính líu mà T vẫn thấy mình mắc tội. Lại “đẩy” em đi đâu? T cảm thấy rõ rệt một trách nhiệm vô hình gắn T với Loan. Phải là người nâng đỡ, che chở cho Loan mới phải. Bây giờ T cảm thấy mình luôn là nạn nhân của sự hối hận, mặc dù công bằng mà nói, T cũng đã nhân đạo rất nhiều và từ lâu rồi.”.

Không nhớ lần ấy chỉ huy đơn vị đã vin cớ gì để chuyển em "xuống bộ binh". Và không biết em đã “văng” vào cái cối xay nào, rồi em ra sao ở đấy, có bị nghiền nát không, có may mắn trở về sau chiến tranh không? Chữ Loan duy nhất trong đoạn nhật ký trên cũng là chữ Loan cuối cùng trong tất cả bộ sưu tập nhật ký của tôi. Cứ thế bẵng đi cho đến chiều 23/4/2011.

TTNL và tôi đứng chờ ngoài ngõ. Tiến vào nhà, chỉ nửa phút sau quay ra. Cùng đi với Tiến là một người đàn ông. Tôi là người chủ động nên dù người ra cùng Tiến có khác với tưởng tượng bao nhiêu chăng nữa thì cũng biết chắc chắn đấy là nó, là Út Loan. Loan là người bị động, cậu đứng ngừng giây lát ngay đầu hè, ngây người nhìn 2 chúng tôi. Tôi không biết Loan nghĩ gì, cảm xúc ra sao, có nhận ra tôi không. Có thể Loan nhận ra tôi vì thấy 1 trong trong 2 người khách Hà Nội đứng lau nước mắt.

Loan thay đổi quá nhiều, đã thành một lão nông thực thụ, nhưng nét mặt và ánh mắt, giọng nói nhát gừng, thũng thẵng thì vẫn là Út Loan xưa.

(Còn nữa)
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Năm, 2011, 09:36:28 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #326 vào lúc: 17 Tháng Năm, 2011, 09:30:35 pm »

Hưng Yên ký sự

Dồn trong tôi biết bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu thắc mắc, tò mò về Loan kể từ khi tôi viết thư gửi lại cho em để chạy trốn buổi chia tay đầy oan khúc cuối Bảy Ba. Thực tình, bây giờ ngồi chỉnh tề đối diện Loan trong ngôi nhà tuềnh toàng ở xóm quê xứ Khoái, tôi thấy ngường ngượng khi nghĩ ngày xưa mình đã thản nhiên coi mình là anh, coi người đàn ông giờ đã luống tuổi, điềm đạm này là em, là “con chim nhỏ”, để kẻ cả bao che, nâng đỡ, dìu dắt. Cứ bạ đâu hỏi đấy, rồi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Loan chậm rãi kể, lúc xưng em, lúc xưng tôi: “Lấn ấy ở Trà Liên là em bị oan. Cả đơn vị đi giã ngoại, em với mấy đứa được cắt cử ở lại coi doanh trại. Mỗi tiểu đội cử một người ở lại, người tiểu đội nào coi đồ đạc nhà cửa cho tiểu đội ấy. Cơm chiều, 3 thằng gác nhà của 3 tiểu đội B3 rủ nhau ăn chung một nhà, tán phét cho đỡ buồn. Khi về nhà thì thấy khẩu AK-báng gấp không cánh mà bay. Thời ấy dù ở nhà dân nhưng sơ sài, tin nhau, chẳng nhà nào có khóa cổng, khóa cửa. Mất vũ khí thì toi, hoáng lên đi tìm. Chưa kịp định thần tìm ở đâu, nghi cho ai, báo cho ai thì thấy T ở C-bộ báo tất cả anh em còn ở nhà lên C-bộ tập trung. Thế là vỡ ra thành chuyện to: Thằng Loan A8 để mất súng AK”.

Kể đến đây thì tôi lơ mơ nhớ ra rồi. Đúng là hồi ấy Loan bị quy tội vô kỷ luật, để mất vũ khí. Tôi cũng bị hành lây. Nhưng thực ra là khi 3 đứa Loan đang ăn cơm tối rồi nhi nha chuyện gẫu thì đúng lúc y tá T thay mặt đại đội đi kiểm tra tình hình mấy đứa ở các a. Đến A8 không thấy ai ở nhà. T liền lặng lẽ xách khẩu AK báng gấp của Loan về C-bộ, cất đi, chắc là nửa đùa, nửa thật, cốt để cảnh cáo, nhắc nhở. Rồi chuyện đùa thành thật, bé xé thành to, nhất là với Loan, người đã từ lâu nằm trong danh sách dự bị, nhấp nhểnh “xuống bộ binh” mấy lần rồi. Lần này thì chính trị viên có lý do chính đáng. Loan chẳng biết cãi vào đâu. Tôi thì đắng cay liên đới, vì nhiều lần đã cố bao che cho Loan. Trong lòng cũng hối hận vì lần ấy đã cắt cử Loan ở nhà.

Loan chậm rãi: “Ừ thì tôi bị đi. Nhưng lão T cũng bị đại trưởng Ngơi trị cho một trận về tội gây hoang mang, đơn vị đang giã ngoại phải rút kế hoạch về sớm vì tưởng là mất súng thật”. Tôi hỏi: “Bây giờ còn thù lão T không?” . Vẫn thủng thẳng: “Lão ấy chế-ết rồi, thù gì”. Cả tôi và TTNL phì cười: “Mày bậy nào, tháng trước T mới ở Vũng Tàu ra, cả bọn còn ngồi nhậu ba ba ở bán đảo Linh Đàm, gần nhà Thắng quản”. Loan tưng tửng nói sang chuyện khác, chẳng cãi một lời, chẳng hỏi thăm một lời. Thế đấy. Tôi chợt nghĩ vớ vẩn: liệu năm nay, năm sau, ... có một lần nào đó Xê 20 gặp mặt nhau mà Loan gặp y tá T thì sẽ ra sao?

-Thế rồi làm sao nữa?  - Về vệ binh sư đoàn.
-Tưởng xuống bộ binh? Về vệ binh chẳng hóa sướng hơn, chắc gáo hơn ở trinh sát à? – Sướng khổ gì đâu, vệ binh chưa được tháng lại bị tai bay vạ gió, lại bị cú oan, số tôi nó chó thế, hết oan này đến oan khác, oan hơn.

(Còn nữa)
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Năm, 2011, 08:32:00 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #327 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2011, 08:27:35 pm »

Hưng Yên ký sự

Tôi thấy cũng khó hiểu, sao lính “Trinh sát” lại thải xuống “Vệ binh”, vì vệ binh là lực lượng cũng được lựa chọn kỹ càng, sống sát cùng các chỉ huy sư đoàn với nhiệm vụ bảo vệ bộ tư lệnh sư đoàn. Nhưng thôi để lần sau hỏi Loan hay lúc nào đó hỏi Trung, vốn là liên lạc của Xê 20, sau  lên làm liên lạc cho sư trưởng Minh Tâm rồi chuyển sang “điếu đóm” cho ông Cao Văn Khánh, chắc sành về vệ binh.

Loan kể tiếp: Về C23 (Vệ binh) chưa ấm chỗ thì lại xảy ra sự cố. Lần ấy chính ủy Trang phàn nàn bên vệ binh làm sao mà mấy ngày gần đây trưa nào dưới bến sông cũng ùm ùm, lính vệ binh bơi, tắm, đùa nghịch, mất trật tự, nước sông thì vẩn đục, có khi trôi nổi cả nhiều thứ bẩn thỉu. Chẳng là vì doanh trại của C23 nằm cách không xa với hầm chính ủy, cùng ở bờ sông (Lai Phước), nhưng vệ binh ở phía đầu nguồn, chính ủy ở phía dưới. Thế là vệ binh phải tức tốc họp lên, họp xuống. Chẳng ai tự giác nhận, chẳng thể tìm ra nguyên nhân. Thôi đúng rồi, trước kia có sao đâu. Chính ủy bảo mới gần đây, mà mới gần đây thì chỉ có thay đổi duy nhất là mấy cậu trinh sát mới chuyển về vệ binh. Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba trinh sát, đích thị rồi.

Tôi hỏi: Oan nhỉ! Lần này thì xuông bộ binh hẳn chứ? – Đâu. Vệ binh trả về trinh sát.

Loan về lại trinh sát thật, nhưng không phải Xê 20 sư đoàn mà là trinh sát trung đoàn. Loan về với trinh sát e95. C20 của e95 thì rất gần gũi với Xê 20 sư đoàn.

TTNL hỏi: Thế là về chỗ “Bọ Hiền” à? Thế có biết Hổ, có biết Chinh không? – “Vâng, bọ Hiền, Chinh, Hổ. Hổ mới chết”. Thế là lại có nhiều chuyện về nghiệp trinh sát để chia sẻ. Loan nhoài người đẩy cánh cửa kính lùa của chiếc tủ chè, lấy ra tấm ảnh khổ lớn, ép plastic, đặt trang trọng giữa tủ: “Gặp mặt trinh sát 95 đây, năm ngoái”. Khi tôi phụ trách lớp binh địa ở Trà Liên năm 1973, có tới 8 học viên từ trinh sát 95. Tôi cố nhìn kỹ nhưng chẳng nhận ra ai, kể cả Loan. TTNL xem rồi cười: “Lão nào già khụ nhất đứng đây?”. Tôi đón lại tấm ảnh xem. Ừ, người già nhất, hom hem nhất đứng ở phía trái, hàng sau, nhìn kỹ thì nhận ra ngay là Út Loan.

Tôi lăn tăn, giá mà có bức ảnh vẫn gồm những người này nhưng chụp vào 37-38 năm trước thì chắc chắn người trắng nhất, trẻ nhất phải là Út Loan. Chuyện kể buồn buồn của Loan chiều chủ nhật 24/4/2011 về cuộc sống sau quân ngũ cứ gỡ dần những băn khoăn, thắc mắc của tôi, vì sao Loan lại già đi nhanh hơn mọi người.

(Còn nữa)    
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Năm, 2011, 09:22:40 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #328 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2011, 02:17:20 pm »

Hưng  yên ký sự

(Quả thật chưa có lần nào tôi phải trằn troài lâu đến thế để viết tiếp câu chuyện dang dở. Cứ viết rồi lại xóa, không đếm được mấy lần)

... Tôi không biết bắt tử vi, nên không biết sao gì năm nào chiếu Loan mà em khổ sở, long đong, oan trái nhiều thế. Nhưng rồi về đến trinh sát 95 thì Loan như đã gặp sao hộ mệnh. Bằng chứng là Loan rất hồ hởi, tự hào kể về những tháng ngày chinh chiến với C20-E95 cho đến khi im tiếng súng. Thế là qua bao nhiêu trắc trở thì phần lớn cuộc đời quân ngũ của em cũng là gắn với nghiệp trinh sát.

Loan cũng như tôi, may mắn trở về sau chiến tranh, dù không lành lặn. Chiến tranh tưởng chỉ như một giấc mơ đôi ba năm, tỉnh dậy là đời thường, sân vườn, mùa màng, con cái. Tưởng như thế cho đến khi đứa con thứ 3 của Loan ra đời, năm Chín Mốt. Cháu bị di chứng chất độc da cam từ bố. Thương con, nhọc nhằn, lặn lội, vất vả lắm. Quá tải. Vợ Loan lâm bệnh, ra đi. Loan trụ được đã là giỏi, làm sao mà không già trước tuổi được.

Hỏi về cuộc sống, về sức khỏe của Loan, em lấy ra cho bọn tôi xem bộ hồ sơ giám định di chứng chất độc da cam. Khám mãi, cả chục năm vẫn không được. Con bị nhiễm chứ bố không. Gần đây mới  có chủ trương lưu tâm đúng mức khi giám định những trường hợp cựu chiến binh có con đã là nạn nhân chất độc da cam. Hồ sơ ghi dày đặc bệnh. Tưởng như nhìn người cũng biết, cần gì khám. Em bị mất 73% sức khỏe. Chắc đợt tới sẽ được hưởng chế độ, đâu đó gần 2tr/tháng. Cũng đã Năm mươi tám tuổi rồi.Thôi muộn cũng hơn không.  

Loan đi bước nữa và đã có cậu con trai đến tuổi đi học. Dù sao câu chuyện cũng có hậu.

Chia tay Loan, tôi nắm tay đứa lớn dị tật. Bé nằm trên giường, cười cười nhưng như vô tri, vô giác. Thương lắm. Tôi vội đưa mấy đồng cho vợ Loan nhờ mua quà cho cháu. Muốn nói mấy lời chia sẻ mà giọng cứ lạc đi. Chúng tôi đứng chụp chung một bức ảnh trước nhà Loan. Nhà đang có vợ chồng Loan và bé trai 20 tuổi với 3 khách là 6, để chụp tự động mà chỉ có 5 người vào ảnh!  


(Còn nữa)
 
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Năm, 2011, 09:00:22 am gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #329 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2011, 09:19:08 pm »

Hưng Yên ký sự

Bùi ngùi chia tay Loan, chúng tôi quay về nhà Tiến. Hưng Yên đúng là xứ nhãn. Bờ sông, bờ mương, những lối đi lớn đều có những cây nhãn cổ thụ. Năm nay nhãn chạt hoa. Tôi nhớ mang máng, hình như năm nào nhãn sai là năm đó mưa nhiều, nước lớn. Tôi tò mò hỏi Tiến: Thế nhãn ấy là thuộc sở hữu của ai? Tiến bảo: Gốc nhãn trong đất nhà nào thì của nhà ấy, còn ở ngoài đường, trên đê, ... thì của thôn, của xã. Thôn xã đấu thầu, ai nhận cây nào thì trông coi cây ấy, thu hoạch rồi đóng cho thôn cho xã ít tiền. Cây nào ít hoa thì bỏ kệ. Thấy cũng hay hay.

Vào nhà Tiến thoáng thấy có vẻ khang trang, mát mặt hơn nhà Loan. Tiến trồng cây cảnh, xếp la liệt trong sân, nhưng không phải để chơi. Hưng Yên là đất nhãn từ xa xưa, bây giờ còn thêm là đất quất và cây cảnh. Tôi nhớ Tichtuongnhule kể trên Quân Sử chuyện hết chiến tranh gặp Tiến thồ rau lên Hà Nội bán. Đất nước ơi, những người lính, người dân của Người thế đấy. Tôi và TTNL gần như chẳng bao giờ dùng đến kỹ năng binh địa trong cuộc sống sau chiến tranh. Những người như Tiến cũng chẳng bao giờ dùng đến các kỹ năng trinh sát nữa.

Tiến kể chuyện nhà. Cũng nhiều éo le lắm. Nhưng Tiến kể cứ như sự việc nó phải như vậy, cần cù và yên phận. Tiến lấy cho chúng tôi xem hồ sơ thương tật giữ từ hồi Quảng Trị, mấy tờ giấy cuộn tròn để trong chiếc ống nhựa. Tôi ngờ ngợ "tủ tài liệu" của Tiến. Tiến bảo: Ống đựng thuốc phóng em giữ từ ngày ấy đấy. Bên trong, giấy đã chuyển màu vàng, chữ đã mờ. Cũng lăn lộn đi khám nhưng chẳng được xếp thương binh.

Tạm biệt Hưng Yên. Còn nhiều nợ với đất nhãn lắm, thế nào cũng quay lại.
      

    
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Năm, 2011, 09:50:23 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM