Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:47:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhật Ký Viết Lại  (Đọc 331341 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #300 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2011, 02:23:51 pm »

Những chuyện ngày xưa ...

Chuyện Tây càn làng, lấy Tây, con Tây, đồn bốt Tây thì ở đâu không nói, chứ trung du quê tôi thì là "chuyện thường", làng nào cũng có. Nhưng chuyện tôi kể dưới đây chắc là hy hữu, một câu chuyện made in Hương Canh.

Cố nhà thơ Tố Hữu viết trong bài Việt Bắc: Ai về mua vại Hương Canh. Thực ra HC ít làm vại mà chủ yếu là làm tiểu, tiểu sành. Nhưng tiểu vừa khó gieo vần lục bát hơn vại, mà chẳng nhẽ lại hỏi: Ai về mua tiểu Hương Canh, thì ghê chết lên được.

Tiểu là đồ hậu-hậu sự, mỗi đời người nhiều nhất chỉ là 1 suất. Tiểu nặn bằng đất thó, lấy từ thùng đấu lên, nung cho đến khi thành sành, màu nâu hay tím, gõ nghe côông côông như chuông là được. Nung vại thì non lửa một chút, vại mới sang màu gấc chín, gọi là sành non, cũng dùng được, vại nung quá lửa, tím biếc, méo mó, dị dạng, vẫn dùng được, chỉ tội kém giá đi. Nhưng tiểu thì không, đời người chỉ một suất, tiểu phải hoàn hảo, đủ già, vuông viêng, kém chất lượng thì cho không cũng ế.

Vì đòi hỏi cao như vậy, nên tiểu ra lò cứ 10 cái được 6-7 là mừng lắm rồi. Tiểu xếp đáy lò dễ bị già lửa, cái méo, cái vênh, cái thì co lại chỉ đủ cho cốt hài nhi. Tiểu ở nóc lò thì thiếu lửa, nhưng đã dỡ ra thì không thể cho vào mẻ sau nung tiếp được. Non, già đều loại bỏ hết. Năm này qua năm khác, đời ông qua đời cháu, số tiểu phế phẩm có cả vài chục ngàn hay hơn.

Cái khó ló cái khôn. Tổ tiên người HC có sáng kiến dùng tiểu phế phẩm làm gạch xây tường. Những viên gạch vừa to, vừa nhẹ vì rỗng ruột được xây tường bếp, tường bao, cả tường nhà ở, nhà thờ. Khi xây tường tiểu, người ta bỏ nắp tiểu đi, cứ chồng lớp này lên lớp khác, có khi không cả cần vữa nữa. Đôi khi, người ta xoay một chiếc tiểu nằm nghiêng ra, thế là được ngay một chiếc hộc, để diêm, đèn, chai lọ, linh tinh, rất tiện.

Đầu thế kỷ trước, khi HC chưa nhiều nhà như bây giờ, nghe nói gần hết tường ở HC là tường tiểu. Khi Pháp chiếm HC, không biết lính ta hay lính Tây, kháo nhau rằng, người HC hay giấu của trong tiểu tường. Những bức tường bếp, tường bao thường không trát, nên mỗi viên tiểu có 4 lỗ thông, mỗi phía 2 lỗ, nhưng nhỏ chỉ vừa ngón tay, nhìn vào trong lại tối om, không biết có của hay không. Những bức tường nhà ở thì có trát một lớp vữa bên ngoài. Thế là gần như tất cả tiểu tường có năm sinh trước thời điểm Pháp chiếm HC đều bị đập ra một lỗ nhỏ bằng bàn tay, đủ để kẻ tham kiểm tra xem có của gì giấu ở bên trong tiểu không. Vì sành rất giòn nên nhiều chiếc tiểu khi bị đập thì vỡ bung luôn.

Khi tôi còn nhỏ, trong làng còn rất nhiều bức tường mà mỗi chiếc tiểu có 4 lỗ nhỏ và 1 lỗ to như vậy.  Sau rồi mất dần, mất dần. Gần đây, tôi về làng cố tìm lại một vài bức tường của thời ấy để chớp chiếc ảnh cho đời sau, nhưng chưa tìm thấy. Bây giờ làng thành thị trấn, san sát nhà tầng, lại nới rộng mênh mông mãi ra ngoài đồng, khó tìm lắm. Chỉ tìm được những đoạn tường tiểu xây thời Hợp tác xã, thời mà chẳng ai có của để giấu nên cũng chẳng ai rồi hơi đi đập tiểu tìm của nữa.

Một đoạn tường tiểu, phần lớn là tiểu non lửa, xây thời Hợp Tác Xã

Bây giờ ở HC không ai xây tường tiểu nữa, đơn giản vì không còn lò tiểu. Phố HC cũng có bày bán tiểu, khắc chữ Hương Canh hẳn hoi, nhưng là chở từ bên Sơn Tây sang. Có một thời, cách đây chừng chục năm, HC nổi về ngói, lên TV vì ngói. Dấu ấn của thời ấy lại là những bức tường ngói, nom cũng kỳ kỳ, nhưng không gây cho khách lạ cảm giác gai gai, lạnh lạnh như khi ngồi tựa lưng vào bức tường tiểu.  
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Hai, 2011, 02:49:38 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #301 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2011, 05:40:52 pm »

Bác 6971. Nói đến làm nhà bằng tiểu tôi xin phép được tham gia một chút.

Cuối năm 1970 trường ĐHXD bắt đầu chuyển về HC. Sinh viên các khóa phải lao động để xây dựng trường ở đồi bạch đàn nằm giữa các thôn Quất Lưu, Nội Phật và Ngoại Trạch. Mùa đông năm đó sao mà rét đến thế, nhất là ở vùng đồi, chúng tôi toàn ở nhà dân trong các xóm xung quanh. Mấy thằng chúng tôi ở trong 1 gian nhà ngang của 1 gia đình ở thôn QL, gian nhà này được xây bằng tiểu không trát. Đầu tiên chúng tôi không để ý và cho rằng đó là những viên gạch cổ cỡ lớn, nhưng có cái lạ viên nào cũng có lỗ, cả chữ chiện nữa. Khi ông chủ nói là đây là những tiểu hỏng được tận dụng làm tường nhà, chúng tôi cũng ghê. Rồi thì cũng quen nhưng có 1 cái phải thừa nhận rằng ở trong những gian nhà xây bằng tiểu mái lợp rạ thì mùa đông rất ấm và mùa hè rất mát.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Hai, 2011, 03:53:57 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #302 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2011, 12:09:12 pm »

Những chuyện ngày xưa ...

Cái khó ló cái khôn. Tổ tiên người HC có sáng kiến dùng tiểu phế phẩm làm gạch xây tường. Những viên gạch vừa to, vừa nhẹ vì rỗng ruột được xây tường bếp, tường bao, cả tường nhà ở, nhà thờ. Khi xây tường tiểu, người ta bỏ nắp tiểu đi, cứ chồng lớp này lên lớp khác, có khi không cả cần vữa nữa. Đôi khi, người ta xoay một chiếc tiểu nằm nghiêng ra, thế là được ngay một chiếc hộc, để diêm, đèn, chai lọ, linh tinh, rất tiện.


      Tôi còn biết một nơi khác nữa cũng xây nhà bằng tiểu. Đó là Làng Thổ Hà ở Bắc Ninh. Thổ Hà cũng nổi tiếng với món tiểu không kém gì Hương Canh đâu.
Logged

sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #303 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2011, 09:02:40 pm »

Những chuyện ngày xưa ...

Hồi còn nhỏ, tôi vẫn thích nghe người già kể lịch sử làng và rồi đọng lại trong tôi 2 mốc lịch sử cận đại đáng nhớ là năm Bốn Chín - Pháp chiếm Hương Canh lần cuối và năm Bốn Nhăm - Vỡ đê và nạn đói lịch sử.

Chuyện nạn đói Bốn Nhăm thì sách vở nói tới nhiều rồi, vì chẳng riêng gì Hương Canh. Khi học Trích giảng văn học ở phổ thông, tôi cũng viết theo vào bài Tập làm văn: "Căm thù phát xít Nhật bắt dân làng em nhổ lúa trồng đay gây nên nạn đói khủng khiếp năm 1945", nhưng thực sự trong lòng chưa tâm phục khẩu phục, vì chưa thấy nói có nhà ai trong làng chết đói năm ấy. Chỉ nghe kể người dưới xuôi lên chết đói la liệt ngoài chợ Cánh. Nhưng chuyện nạn lụt do vỡ đê thì tôi tin là có nhưng lại khó tin về mức độ khủng khiếp của nó.

Hương Canh là làng trung du, nền đất làng cao so với quanh vùng, thế mà lụt năm ấy nước ngập đến mái nhà.  Đình làng cất trên khoảng đất cao ráo mà còn ngập đến lưng cột. Khi nước rút đi, một người nào đấy trong làng đã có công khắc trên cột đình mức nước lụt năm ấy để con cháu muôn đời sau hình dung được. Chính vì thế mà tôi tin điều khó tin ấy. Nhưng cũng vì thế mà tôi cứ băn khoăn: Thế thì nạn đói Bốn Nhăm là do vỡ đê chứ đâu do Nhật, ít nhất là đối với làng tôi. Lụt thế thì đay hay lúa cũng trắng tay thôi.

Cột đình làng Hương canh với vết khắc và dòng chữ Mức nước lụt 1945
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Ba, 2011, 09:17:35 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #304 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2011, 11:14:28 pm »

Các bác kể chuyện về Hương canh làm em lại bồi hồi nhớ đến một thời nằm điều dưỡng ở đội 4 đoàn 235 đóng ở xã Sơn Lôi ,cách thị trấn hương canh khoảng 4km.Hồi đó muốn đi tàu về nhà bọn em chỉ ra khỏi đội khoảng 300m  gặp đường tàu và cuốc bộ theo nó đi qua khu nhà máy chế biến thức ăn gia súc gần đường tàu là đến ga nhảy tàu về .Còn lúc xuống đi ô tô về đến hương canh vào quán phở gần cổng chợ làm một bát rồi thong dong theo con đường đất có rặng phi lao và xà cừ hai bên về đoàn .Ngoài Hương canh có khá nhiều lò ngói nhưng trong xã sơn lôi thì chủ yếu là thuần nông ,phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên lao động khá là vất vả,ngoài ra ngày ấy dân còn thỉnh thoảng đi xe đạp vào rừng lấy củi bán nữa ,có năm ngập lụt mất mùa dân cả làng phải lo đi vay mượn mua sắn mua khoai về để độn thêm vào bữa ăn ,nghĩ lại cái cảnh nông thôn thời đó sao mà ảm đạm thế .Những người lính bị thương ở khắp các chiến trường về điều dưỡng ở đây ngày thì lang thang buôn chuyện đây đó tối đến lại cảnh đèn dầu nằm nghêu ngao hát ,trêu chọc nhau ....những kỷ niệm ngày đó vẫn luôn được nhắc mãi.
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #305 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2011, 06:04:20 pm »

... một thời nằm điều dưỡng ở đội 4 đoàn 235 đóng ở xã Sơn Lôi ,cách thị trấn hương canh khoảng 4km. Những người lính bị thương ở khắp các chiến trường về điều dưỡng ở đây ngày thì lang thang buôn chuyện đây đó tối đến lại cảnh đèn dầu nằm nghêu ngao hát ,trêu chọc nhau ....những kỷ niệm ngày đó vẫn luôn được nhắc mãi.
Thời ấy, đoàn an dưỡng 235 đóng ở các xã của Bình Xuyên, quanh quanh Hương Canh, kéo dài sang cả các xã của Yên Lạc, Vĩnh Tường. Dấu ấn còn lại của thời ấy là rất nhiều thương bệnh binh trở thành con rể của vùng quê trung du này. Năm 1974, sauchinbaymot cũng tình cờ được giám định thương tật tại chính đoàn an dưỡng này.

Riêng xã Sơn Lôi thì nghèo còn hơn cả vmt kể. Đất đai nửa đồi nửa ruộng, phần lớn là đất đầu ruồi, đá ong, đường đi lại khuất nẻo, mặc dù có đường sắt chạy qua. Bây giờ Sơn Lôi thay đổi nhiều rồi. Con đường vmt đi bộ từ HC về trại an dưỡng sau khi đánh bát phở đã được nhựa hóa khoảng 10-15 năm trước. Mấy năm gần đây, khu công nghiệp Bình Xuyên ngay gần Sơn Lôi được hình thành. Một con đường hoàn toàn mới, 8 làn đường được mở từ QL2 chạy xuyên cánh đồng Hương Canh vào thẳng Sơn Lôi và mấy xã nghèo trong Tam Đảo, hai bên là các nhà máy Xe Piejo, Thép Việt Đức, gạch lát Prime, ... nên Sơn Lôi cũng được nhờ đôi chút.

Khi nào tiện, mời vmt về thăm lại nơi những người lính "an dưỡng" sau những tháng ngày bom đạn ác liệt. Trong phần dự định viết tiếp, 6971 sẽ có dịp kể về dân quân Sơn Lôi và bộ đội tình nguyện Trung Quốc bắn rơi máy bay Mỹ bảo vệ cầu Thịnh Kỷ và lần Ô Clinton đến thăm cánh đồng Tum ở ngay chân cầu Thịnh Kỷ.  
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Ba, 2011, 09:08:07 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #306 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2011, 10:16:00 pm »

[quote author=sauchinbaymot
Riêng xã Sơn Lôi thì nghèo còn hơn cả vmt kể. Đất đai nửa đồi nửa ruộng, phần lớn là đất đầu ruồi, đá ong, đường đi lại khuất nẻo, mặc dù có đường sắt chạy qua...
[/quote]:Đúng là đất đai ở đó rất cằn cỗi bác ạ ,dân rất chịu khó nhưng đôi khi thành quả thu về chả còn được là bao nếu như thời tiết không thuận ,lúc mới về bọn em ở dưới chỗ Đạo đức một thời gian sau thì chuyển lên Sơn lôi ,hồi ở đó dân cứ đùa trêu là ngày xưa đây là rừng bị sét nó đánh nhiều nên đất thành sỏi đá nên gọi vùng này là Sơn lôi ,NTLS xã ở gần ngay ủy ban cạnh một cái hồ rộng những trưa hè nóng nực bọn em vẫn thường ra đó hóng gió còn hôm nào mát mẻ thì lại cuốc bộ ra gần sông cà lồ nhìn sang phía xuân hòa bên kia ....Bây giờ kinh tế phát triển cũng mừng cho dân ở trên đó ,em cũng mong một ngày có dịp lên chơi để tìm về những cảm xúc xưa...

   


Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #307 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2011, 06:35:21 pm »

Tình cờ 6971 vừa có tuần công tác ở đất nước mặt trời mọc đúng vào dịp đất nước này phải hứng chịu trận thiên tai lịch sử. Cũng may là bản thân không hề hấn. Nhưng những gì được tận mắt chứng kiến người dân Nhật trải qua hoạn nạn đáng để cho chúng ta ít nhiều suy ngẫm. Dự định khi về sẽ chia sẻ với anh em trong QS những gì mắt thấy tai nghe rất cảm động. Nhưng tình cờ, chiều nay 6971 nhận được một email do anh Nguyễn Anh Kỳ gửi chung cho các thành viên trong Hội VLLT, mà nội dung trong thư đúng là những điều 6971 muốn viết, nhưng thật hơn, sâu sắc hơn, do một Việt kiều gửi cho GS Nguyễn Đình Đăng, một đồng nghiệp VL. Xin chuyển bức thư đến các bạn trên QS.  
 
Xin chào anh Đăng,

Xin được giới thiệu tôi tên là Hà Minh Thành. Qua anh Nguyễn Hữu Viện tôi mới được biết anh và trang tin của anh dù tôi làm việc cách chỗ của anh cũng không bao xa. Xin hân hạnh được làm quen với anh.

Hiện tại tôi đang được tăng phái công tác hỗ trợ cho cảnh sát tỉnh Fukushima, chỗ tui đang làm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 khoảng 25 km. Gọi là lên đây hỗ trợ giữ an ninh chứ  mấy ngày nay chỉ đi nhặt xác người không thôi. Dân địa phương họ tự động thành lập các đội tự quản, tương trợ lẫn nhau. Giả sử có ai muốn ăn cắp ăn trộm cũng khó. Vấn đề an ninh không lo lắm. Người chết nhiều quá, tụi tôi chỉ còn lấy dấu tay, chụp hình và trùm mền lại rồi giao người đem đi thiêu. Ngày đầu còn mặc niệm, có cảnh sát tăng phái còn khóc nhưng bây giờ thì không còn thời gian để mà mặc niệm và khóc nữa. Hôm qua còn không có chỗ để mà thiêu họ nữa đó anh. Khủng khiếp.

Ký giả của Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc Vương Hy Văn hôm qua theo tôi một ngày để lấy tin khi đi ngang qua một ngôi nhà bị sập mà tiền giấy có lẽ từ ngôi nhà đó trôi ướt nằm tứ tán cả bãi đất chắc cũng vài chục triệu yên nhưng mà chẳng ai thèm nhặt đã phải thốt lên: "50 năm nữa , kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ đứng đầu thế giới, nhưng vĩnh viễn Trung Quốc không thể được gọi là cường quốc vì 50 năm nữa người Trung Quốc cũng chưa thể có trình độ dân trí và ý thức đạo đức công dân cao như người Nhật hiện tại. Tôi hổ thẹn mình là con cháu của Khổng Tử nhưng không hiểu cái đạo Nhân Nghĩa làm người bằng họ".

Người Trung Quốc 50 năm nữa không bằng họ còn người Việt mình không biết bao nhiêu năm nữa mới có dân trí như vậy. Mấy ngày nay tôi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình người trong hoạn nạn lắm nhưng có một chuyện khiến tôi cảm động nhất đã khiến một người lớn như tôi từng có bằng Tiến sĩ công học ở Đại học Đông Bắc (Tohoku Dai) cũng phải hổ thẹn về một bài học làm người.

Câu chuyện tối hôm kia tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng tôi chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn nên mới lại hỏi thăm. Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh run lập cập tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho nó và nói: "Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói". Thằng bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi nghĩ bình thường tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ".

Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc để nó và mọi người đang xếp hàng không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy một thằng có ăn có học  từng có bằng tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.

Tôi nghĩ một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này giờ đây đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.

Lên đây rồi bây giờ tôi mới thấm thía câu nói của vị thiền sư phụ của tôi ở Tokyo trước khi lâm chung dạy lại cho tôi đó là "Nhân sinh nhất mộng , bất luận kiến tâm, Tâm vô sở cầu thị Phật". Cái sự hy sinh vì người một cách vô ngã của đứa nhỏ 9 tuổi khiến tôi ngộ ra được những điều cả cuộc đời bon chen của mình tôi chưa nhận thấy được. Tôi nhường khẩu phần ăn tối của tôi cho thằng bé để nhận của nó một lời cám ơn, còn nó cho đi cả buổi ăn tối của nó một cách vô tư  không so đo dù nó đói còn thê thảm hơn tôi nhiều và chắc còn phải đói nhiều trong cả cuộc đời vì không gia đình nữa. Những công án thiền của Bích Nham Lục, Vô môn quan hoàn toàn vô nghĩa so với hành động của một đứa bé 9 tuổi.

Xưa nay tôi không phục lắm người Nhật từ khi còn đi học, làm kỹ sư rồi làm cảnh sát thì phải luôn tiếp xúc với những người Nhật ở mặt trái của xã hội. Nhưng mà hành động của người dân Nhật trong vùng động đất bây giờ đã khiến tôi phục họ thật sự.

Tình hình quanh nhà máy điện hạt nhân vẫn còn an ninh, hiện tại tụi tôi đã được phát sẵn khẩu trang và đồng phục nylon. Ông Kan sáng nay họp báo dự tính đến tình huống xấu nhất là bỏ cả vùng miền Đông. Tôi không phải chuyên ngành về nguyên tử lực như anh nên không hiểu lắm về tác hại của phóng xạ. Nhưng tôi nghĩ cũng đang nguy hiểm. Tụi TEPCO vụ này chủ quan quá. Anh Đăng nếu được nên sắp xếp cho vợ con về VN trước thì tốt nhất. Tôi sợ tới lúc xấu nhất không còn vé máy bay. Tôi thì bà xã người Nhật, con gái cũng mới ra trường y tá và cũng đang hoạt động cứu trợ thiện nguyện ngay tại Fukushima này. Tôi hỏi con gái tôi "Tình hình có vẻ nguy hiểm , con có muốn đi VN lánh nạn không".  Nhỏ con gái của tôi trả lời "Đi đâu bây giờ , xung quanh con với cha người ta chết với bị thương hàng hàng lớp lớp. Không lẽ bỏ chạy. Thôi kệ, tới đâu hay tới đó."  Tôi gọi điện thoại về hỏi bà vợ tôi tính sao, có cần chạy qua quê chồng trú tạm lánh nạn một mình không thì bà xã tôi nói với tôi rằng người Nhật của họ thì 36 kế của Tôn Tử binh pháp họ chỉ dùng được tới cái kế 35. Cái chước cuối cùng -Tẩu vi thượng sách - không có chỗ dùng vì cái xứ đảo này không có chỗ nào để mà chạy nữa. Cùng lắm chịu chết thôi. Thôi thì tôi thân phận dính líu tới cái tổ quốc thứ hai này rồi. Vợ con gì cũng không chạy không lẽ một mình tôi bỏ nhiệm sở. Già rồi có hít chút phóng xạ vô nữa cũng chẳng sao cả. Mang  cái ơn nghĩa với đất nước này cũng nhiều thôi thì  bây giờ cùng đến lúc có cơ hội để trả ơn cho họ vậy.

Hy vọng không có gì xảy ra , khoảng 3 tuần nữa có thể trở về Saitama. Hy vọng được gặp anh Đăng nếu anh còn ở Nhật, anh em mình tâm sự nhiều hơn. Tôi năm nay 56 tuổi. Chắc cở tuổi của anh.
Chúc anh và gia quyến an toàn.

Hà Minh Thành
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Ba, 2011, 05:23:08 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #308 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2011, 05:38:45 pm »

Đi theo cách mạng

Bây giờ người ta hay nói: Theo cơ chế thị trường để hàm ý thích ứng với cái mới, còn thời thơ ấu của bọn tôi thì thường nghe cụm từ: Đi theo cách mạng. Nghe mãi cách mạng hay thị trường thì rồi cũng quen tai, xuôi tai chứ không phải ai cũng hiểu thấu đáo, nhất là thế hệ hậu sinh khi nghe và nói “đi theo cách mạng”.
 
Tôi xin kể lại câu chuyện một trí thức thời Pháp đi theo cách mạng mà tôi biết rõ và đã gây tò mò, khó hiểu suốt một thời với tôi. Mặc dù không phải là chuyện lính, nhưng chia sẻ để cùng hiểu sâu thêm về cố nhân, về những biến cố của đất nước, của dân tộc.

Ông cụ sinh những năm đầu thế kỷ trước và theo học một trong những khóa đầu của trường Nam Sư phạm Hà Nội. Trường này nằm ở cuối phố Cửa Bắc, ngày ấy là phố Đỗ Hữu Vị, mang tên một phi công anh hùng (đối với chính phủ Pháp) đã tham gia thế chiến I. Ra trường, cụ đi dạy ở nhiều nơi dưới xuôi rồi chuyển lên Sapa. Ngày ấy thày giáo ở dưới xuôi được điều lên dạy Sapa chứ không phải tự nguyện, lên dạy đôi ba năm, hết hạn lại về xuôi, rất nghiêm và công bằng.

Tôi hay được nghe kể những chuyện hay hay về thời cụ dạy học ở Sapa. Khi ấy Sapa còn rất mới, rất nhỏ, có 2 trường tiểu học, một trường công và một trường tư. Trường công to hơn, nhưng cũng chỉ có vài lớp, với 2-3 giáo viên. Ngôi nhà của bang tá Nguyễn Tài Minh (thân sinh của bác sỹ châm cứu nổi tiếng Nguyễn Tài Thu) nằm ở giữa phố Cầu Mây (hình như khi ấy gọi là phố Khách) vừa là lớp học, vừa là nơi ở của thầy giáo và gia đình thày. Ông cụ dạy liền 3 lớp, lớp nhỏ nhất là đồng ấu, mỗi lớp khoảng gần chục học sinh, cùng ngồi trong một gian nhà dài, vừa học chữ quốc ngữ, vừa học chữ của mẫu quốc – Tiếng Pháp. Tôi nhớ mãi một nhận xét của cụ: Ở Sapa hồi đó, có nhiều người không biết nói tiếng Tây mà vẫn đua đòi mặc quần Tây. Cụ kể Pháp cũng khuyến khích người dân đi học. Có những phiên chợ Cốc Lếu (ngoài Lao Cai), người ta chặn ở lối vào chợ, bắt đọc mấy dòng chữ quốc ngữ viết trên bảng: "Còn trời, còn nước, còn non - Còn sông Cốc Lếu ta còn đi chơi". Đọc được cho vào chợ, không thì quay về. Người biết chữ, đọc được thì ít, nhưng người ta bảo cho nhau biết và học thuộc nên rất ít người bị quay về. Nhưng rồi quan chức cũng biết và thay đổi nội dung câu viết trên. Nhiều người vẫn thản nhiên đọc: " Còn trời ...".
                    
Hết hạn 3 năm, ông cụ chuyển về xuôi. Thế rồi cách mạng - 1945. Ông cụ bảo: Cách mạng  hay không cách mạng thì người thày vẫn là người thày. Chắc Cách mạng rồi thì cũng phải có nhiều thay đổi chứ, nhưng tôi quên không hỏi kỹ, chỉ có ấn tượng cụ cấm con cái, học sinh cũ không bao giờ được nói tiếng Pháp trước mặt cụ.

(còn nữa ...)
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Tư, 2011, 05:44:15 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #309 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2011, 06:00:36 pm »

                   
Hết hạn 3 năm, ông cụ chuyển về xuôi. Thế rồi cách mạng - 1945. Ông cụ bảo: Cách mạng  hay không cách mạng thì người thày vẫn là người thày. Chắc Cách mạng rồi thì cũng phải có nhiều thay đổi chứ, nhưng tôi quên không hỏi kỹ, chỉ có ấn tượng cụ cấm con cái, học sinh cũ không bao giờ được nói tiếng Pháp trước mặt cụ.


      Bác 6971 làm tôi nhớ ra chuyện bác chủ nhà mình ở nhờ những này huấn luyện tân binh ở Hà Bắc. Xưa, ông đi cu ly hay đi lính khố đỏ. Trong lúc đang làm việc ông thường báo cáo với quan tây "Cặp bà đoàn xếp, moa ca bi nê !" (nguyên văn là như thế). Câu ấy tôi dịch ra là "tớ thạo tiếng Pháp đấy các cậu ạ !". Rồi ông còn kể chuyện sau này đi bộ đội và đã được lên chức to rồi mới về. Chức gì thì không nhớ, nhưng mà ông luôn tự hào vì chức đó gắn với hình ảnh "Tôi được đội mũ cứng, sao vành". Tình thực, bây giờ tôi vẫn không biết mũ cứng, sao vành có nghĩa gì. Âu cũng là, mọi nhà, không nhà nào là không có người bị dính líu đến chiến tranh hay giặc giã. Mỗi người một cách.  
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Tư, 2011, 08:37:11 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM