Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 11:01:19 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhật Ký Viết Lại  (Đọc 331677 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vitính
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 483


« Trả lời #270 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2010, 12:14:47 pm »


Băn khoăn thứ nhất là: trường HSMN không đi QL trong giải thích của bác VT và trường HSMN có đi QL trong email chắc không phải là một (?). Vậy thì trường HSMN có đi QL chính là trường Bé. Thứ hai là: Nếu đúng thế thì trường Bé lại về nước từ 1969 chứ không phải sau 75 như bác VT nhớ (?).
    Hai trường này đều chỉ ở nhờ đất Trung Quốc thôi. Toàn bộ thày cô và nhân viên nhà trường đều là người của QĐNDVN. Trong trường không có bất cứ một người Trung Quốc nào.

     Trường Trỗi về nước năm 1969. Lúc đó đang có "sự kiện Tiệp Khắc".
     Trường Bé về nước lúc nào thì tôi không rõ.
Học sinh miền Nam có nhiều người, trong thời gian dài 20 năm, có nhiều trường và ở rất nhiều nơi, nên nói về họ rất khó.
Bác 6971 có thể xem tại trang Bạn HSMN-Nguyễn Văn Bé để biết thêm. Riêng về các bạn nữ đã từng ở Vĩnh Yên thì bác xem luôn bài ẢNH LỚP 9 HSMN SỐ 2 VĨNH YÊN VĨNH PHÚ. Nếu nhận ra mặt người xưa thì trả công tôi nhé.
Những bạn tích cực nhất hiện nay trong trang mạng nói trên là các bạn nhỏ, ở QL, đến nỗi gọi mình là Quế luôn. Vậy thấy họ xưng là Quế nhưng là nhiều bạn khác nhau đấy, đừng lẫn.

Bác TTNL thì lẫn mất một năm. Năm 1968 trường VHQĐ NV.Trỗi về nước chứ không phải 1969.
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #271 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2010, 08:37:20 am »

...
Nhớ hồi ở Trà Liên,
...
 

Hồi bé, tôi vốn bị xem là đứa trẻ nghịch ngợm. Nghịch nổi hẳn hoi chứ không phải nghịch ngầm. Làng quê trung du rộng rãi, phong phú, khoáng đạt, thời hợp tác xá lỏng lẻo, ăn vờ, làm vờ, học hành ở lớp thì bài vở mỏng mai, học ít, chơi nhiều... Có quá nhiều cửa, nhiểu thời gian để nghịch ngợm. Nhẹ thì quả táo, quả ổi, quả khế nhà láng giềng, hơn nữa thì rủ nhau tháo cống ao cá hợp tác xã, thiệt hại vô bờ, nghịch hư một chút thì đêm đêm tối trời đi dọa ma mấy cô giáo trẻ gốc Hà Nội. Nhưng có lẽ nhớ nhất vẫn là trò tiêm bằng nọc kiến cống.

Bọn tôi bắt những con kiến cống mòng, đen nhánh, chạy loe xoe trên bờ đê. Chọn những con kiến thợ, nhỏ nhưng chạy nhanh. Ngắt đôi con kiến ở chỗ vòng 2 của chúng. Phần đầu với mấy cặp chân và đôi râu ngoe nguẩy thì phóng thích, chỉ giữ lại phần từ eo trở xuống, được một vốc nhỏ nom như vốc gạo nếp cẩm. Cứ chiều nào nghe vọng từ phía chợ Cánh tiếng loa phát thanh: "Hôm nay đội chiếu bóng lưu động số 187 chúng tôi về phục vụ bà con xã viên bộ phim chiến đấu phản gián của Liên Xô" là bọn tôi lại hăm hở đi bắt kiến. Con đỉa bị cắt đôi, cắt ba, thậm chí băm vụn ra thì nó lại hóa thành 2, thành ba, thành cả một đàn đỉa mới chứ chúng không chết. Con kiến cống bị cắt đôi thì phần đầu với bộ chân vẫn hua hua đôi râu sờ soạng phần eo còn chảy máu trắng rồi lê về tổ, và cũng sẽ hóa thân thành thức ăn cho đồng bọn, còn phần từ eo xuống, trong chứa nọc độc và một chiếc kim tiêm thì rất lạ, không ra sống, cũng không ra chết. Cho cả vốc đít kiến nom như vốc gạo nếp cẩm ấy vào mồm ngậm vô tư, đừng sợ, nhưng nhai thì hơi béo béo, ngậy ngậy, giống như ăn nhộng sống, mùi hăng hắc.

Tối đến ở bãi xem phim, mọi người kê gạch, kê dép ngồi chen chúc, lộn xộn, chẳng ai nhường ai, chứ đâu có ghế ngay ngắn như trong rạp bây giờ. Khu bọn trẻ đàn trâu chúng tôi ngồi, thi thoảng lại thấy ré lên như bị ong đốt, nhốn nháo một góc chợ. Phụ nữ mặc quần phíp đen thì hay bị đốt ở mông, nam giới mặc quần kaki dày, ống loe thì lại hay bị đốt ở cổ, ngay sau gáy. Nhói một phát, buốt âm ỉ. Có gì đâu, nhẹ nhàng gí cái đít kiến vào sát vải hay sát da, bóp nhẹ một cái như là nhấn cò súng bắn tỉa, tức khắc đối tác giật nảy lên như bị trúng đạn Gruganov. Đèn pin lia ngang dọc để tìm, không thấy kiến đâu, hay là muỗi, hay là ong? Gãi như điên một lúc rồi thế nào cũng vỗi vỗi, phủi phủi và kiếm chỗ khác ngồi. Tay nào gan lỳ thì đến phát thứ 2 cũng phải nhổ rễ. Nếu một buổi chiếu phim không dùng hết số nọc kiến, có thể để dành cho lần sau, vài lần sau. Thế nào trong 1 tháng cũng có ít nhất một lần chiếc xe bò chở cái máy chiếu phim, cái loa méo sẹo méo sọ với 2 chiếc cọc phông bằng tre lăn lọc cọc về chợ làng.

Thằng Ghi lớn lên ở vùng chiêm trũng, nó nghịch theo kiểu chiêm trũng. Tôi chưa bao giờ ngồi so đo với nó xem ai đai đen, ai đai đỏ về đẳng cấp nghịch, nhưng nghe chuyện ong của nó thì xểu nước dãi. Trước khi mặc áo lính, nó đã từng lăn lộn với ong. Quê nó là đất nhãn, hoa nhãn. Ong cần mẫn đi hút mật nhà khác mang về chai nhà nó, đáng hoàng chứ không trộm cắp gì. Những chai mật ong nâu đậy nút lá chuối khô xếp thành dãy ở xó bếp. Ong được huấn luyện bu trên mũi nó, dọn mụn trứng cá cho nó, vỗ cánh ri ri như nói chuyện tâm tình, vô tư, nhưng lại sẵn sàng cảm tử tấn công người nào chủ nó ghét. Nó dạy ong như dạy chó, mà chó nhà nó có cắn ai thì còn phải đền, chứ ong nhà nó đốt ai mặt béo ú lên mà chẳng thể kết tội là ong nhà thằng Ghi.

Đấy là chuyện rất xưa của tôi và nó, chứ đến thời Quảng Trị thì ...    

(còn nữa)  

« Sửa lần cuối: 04 Tháng Mười Một, 2010, 05:31:20 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #272 vào lúc: 07 Tháng Mười Một, 2010, 09:28:42 pm »


... Đấy là chuyện rất xưa của tôi và nó, chứ đến thời Quảng Trị thì ...    


Lần đầu tiên tôi đi công tác cùng với Ghi ở Quảng Trị là vào khoảng ngay trước hiệp định Bảy Ba. Lần ấy hai đứa có nhiệm vụ đi từ hậu cứ Cao Hy, dưới chân cao điểm 108, vào Ái Tử, không nhớ để làm gì, hình như đi lấy tin hay truyền tin gì đấy. Quãng đường khoảng 4-5 cây số đường đồi. Không biết cánh bộ binh hành quân đội hình đông người thì có phải đi đường nào vòng vèo, kín đáo không, chứ trinh sát đi lẻ thì cứ cắt đường ngắn nhất mà đi. Phần lớn quãng đường đi đều trên đồi cao, quang đãng, chỉ có cây cỏ lúp xúp, không có cây cao, rừng rậm. Bom và pháo thì không biết đâu mà lường nên cho qua. Sợ nhất chỉ là mấy quả bom bi hay mìn sót lại dưới đất, vấp vào là toi.

Thằng Ghi thuộc dạng ít chuyện. Chỉ đôi khi mới nghe nó thủ thỉ, còn thì mình nói nó nghe, thế thôi. Trên đường đồi, lại là xứ bom đạn nữa nên hai đứa cũng chỉ lũi cũi đi, chẳng chuyện trò gì, nhanh đến nơi để còn chui xuống hầm, xong việc về hậu cứ cho nhanh. Dù vậy, lúc thì nó rẽ trái, lúc thì nó rẽ phải, lúc thì thấy có bãi rau tàu bay hay rau má non mượt bên hố bom, giựt một bó, lúc thì ngắm nghía xem dưới hố bom này liệu có cá không, cho quả mỏ vịt có bõ không, lúc thì lại dò theo mấy con ong xem tổ nó quanh đâu đây, biết đâu lại được đõ mật. Tôi cứ phải luôn mồm giục nó.

Đến đâu đó quãng sát bờ sông Lai Phước, bất thần có chiếc phản lực không biết từ hướng nào bay đến, rú rít ngay trên đầu chúng tôi rồi bổ xiên xuống dải rừng ven sông. Cả hai đứa bị bất ngờ nên không kịp đối phó gì, mà đằng nào thì nó cũng qua đầu rồi nên đành đứng ngẩn ra xem. Nhìn rõ chiếc phản lực phóng mỗi một quả tên lửa xuống cánh rừng ven sông, cách chỗ bọn tôi chừng 1 cây số, rồi ngóc đầu biến mất về phía Tây. Chỉ nghe tiếng phịch mà không thấy tiếng nổ hay lửa khói gì. Tôi bảo: "Chắc là tên lửa xịt hay bom nổ chậm". Thằng Ghi tủm tỉm cười: "Cây nhiệt đới đấy bố ạ. Để em xuống gấp cánh anten của nó lại, nhân thể kiếm mấy quả pin Mỹ. Hay anh em mình xuống hò hét nghi binh cho nó bị mắc lừa, tưởng có căn cứ sư đoàn, gọi B52 rải thảm". Tôi phải nghiêm mặt, lắc đầu nó mới thôi.

Đi trên đường cắt đồi được cái quang đãng và ngắn, lại được ngắm cảnh nữa, nhưng phải cái nắng. Nắng Quảng Trị thì thôi rồi, mới giữa buổi mà đã rát rạt như giữa trưa. Đến một ngã ba trơ trụi, nó vẫy tay chỉ cho tôi: Thủ trưởng xem này. Bên lề đường là dấu vết một người lính ngụy đã chết, chắc là từ hồi đầu chiến dịch, xương cốt vung vãi đâu hết, chỉ còn lại lác đác vài mẩu vụn với bộ quần áo dằn di đã tã ra và chiếc xanhtuyalong với 1 bi đông nhựa. Tôi đứng bần thần một chút rồi giục đi, nhưng nó còn giơ chiếc bi đông lên sát mặt tôi, lắc lắc và bảo: "Vẫn đầy, thủ trưởng bảo là rượu hay sirô nào? Để mở ra xem nhé" Tôi thì lạnh cả người: Thôi đi đi mày, quỷ sứ!

Buổi chiều, xong việc, chúng tôi về sớm để đỡ phải đi đêm. Trên đầu, có thằng OV-10 cứ rền rĩ như đi bừa, nghe dai dẳng khó chịu. Vẫn biết bọn này có thiết bị quan sát rất tốt, nhưng có nhìn thấy 2 đứa đeo AK báng gấp và địa bàn 5 tác dụng, biết là lính trinh sát thì cũng chẳng bõ căn tọa độ gọi máy bay phản lực đến ném bom. Vì thế OV-10 cứ lượn, bọn tôi cứ đi, việc ai nấy làm, chỉ khi nào đến lối rẽ về hậu cứ thì phải chú ý kẻo lộ. Vẫn như lúc sáng đi, thằng Ghi nó cứ lượn phải, lượn trái rồi có lúc tôi chẳng còn nhìn thấy nó đâu. Bất thần tôi nhìn thấy ở phía bên kia sườn đồi nơi vừa đi qua có đám khói cuộn lên. Chiếc OV-10 rì rì từ phía Động Ông Do phát hiện ra, bay lại ngay, lượn lên lượn xuống. Thôi chết rồi, thằng này lại trêu thằng OV-10 đây mà. Đúng thật, tôi thấy xa xa, thằng Ghi đang vừa chạy vừa che tay lên trán, nhìn lên trời. Chắc nó đang nhử thằng OV-10 bắn đạn khói chỉ điểm cho phản lực đến cắt bom. Tôi cũng tò mò đứng ngắm trò nghi binh tinh quái của thằng Ghi. Chiếc OV-10 lượn lên lượn xuống, nhưng chưa thấy nó bắn pháo khói như mọi lần. Bất ngờ chiếc OV-10 lượn xuống rất thấp và chao cánh xả một loạt đại liên, rượt theo thằng Ghi, như để cảnh cáo rồi bỏ đi. Hú vía, may mà không trúng. Tôi vừa hồi hộp, lo lắng, vừa bực bội đợi thằng Ghi đến. Nó chẳng tỏ vẻ hớt hải hay sợ sệt gì mà còn tưng tửng: "Định lừa con giời nhưng nó xỏ mình, suýt chết, văng mất cả túi rau". Chứ còn gì nữa - Tôi gắt nó.

Đấy, tổ viên của Lạp thế đấy.

(còn nữa ...)      

      


          
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Mười Một, 2010, 10:39:42 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #273 vào lúc: 14 Tháng Mười Một, 2010, 04:10:23 pm »


...
Đấy, tổ viên của Lạp thế đấy.
          

Nhiều người nghĩ đến ác liệt Quảng Trị là chỉ nghĩ đến "81 ngày đêm giữ thành cổ". Thực ra, thời kỳ 81 ngày đêm là thời kỳ ác liệt trên toàn mặt trận, trong đó cổ thành là điểm nóng nhất, còn thời kỳ sau đó, nhìn tổng thể mặt trận đã bình yên hơn, nhưng tính từng điểm một thì vẫn có nơi rất ác liệt, căng thẳng, nhất là giai đoạn trước Hiệp định Bảy Ba. Nhưng anh nào căng thẳng cứ căng thẳng, ác liệt cứ ác liệt, còn tuyến sau, không còn bom rải thảm, bom tọa độ với pháo tầm xa nữa, các thủ trưởng cho lính ta quay ra huấn luyện và tăng gia.

Một phần chuyện huấn luyện và diễn tập của lính trinh sát đã được bác TTNL mô tả sinh động qua "Chuyện làng Quất Xá". Không biết sách dụng binh của Tôn Tử có dạy không chứ điều kỵ nhất trong quân đội là để lính nhàn rỗi, nhàn cư vi bất thiện. Huấn luyện để nâng cao nghiệp vụ, còn tăng gia để cải thiện cuộc sống. Ở quy mô  tiểu đội, việc tăng gia thời ấy cụ thể là trồng rau muống. Không phải giống rau muống nước thả bè hay rau muống cạn trồng bằng ngọn rau già mà là rau muống trồng bằng hạt. Sau này thì giống rau muống trồng bằng hạt cũng trở nên phổ biến, hình như là rau gốc Trung Quốc. Rau đễ trồng, lớn nhanh, nhưng ăn không ngon, hình như bây giờ không ai trồng nữa. Phần lớn ruộng vườn Trà Liên bỏ hoang, tha hồ trồng. Dân làng Trà lác mắt phục mấy chú bộ đội trồng rau muống, tài quá hí.  

Lúc chiến đấu thì lính gốc đường phố hay gốc đồng chiêm chẳng khác nhau mấy, nhưng khi bình bình, tổ chức tăng gia thì rõ ngô rõ khoai. Hồi ấy đại đội trinh sát sư đoàn (Xê 20) đóng quân ở làng Trà Liên Tây. Sinh hoạt không ra thời bình, không ra thời chiến. Nấu ăn quy về một bếp đại đội, nhưng các tiểu đội cử người lên nhận cơm về chứ không ăn tập trung cả đại đội. Chẳng biết các tiểu đội khác thế nào, chứ a8 của tôi rất hay có thêm món "cải thiện" thêm vào. Dễ cải thiện nhất là khi cắt rau muống nộp lên đại đội, trích lại phần ngọn non để luộc, phần thân rau già đem "đóng thuế nông". Rau nộp tính theo cân, ai cũng cố để đến gần ra hoa mới cắt, đã thế lại bớt ngọn non lại thì phần nộp lấy đâu ra ngon.
  
Thế rồi một hôm thằng Ghi đề xuất: Không nên tập trung cả tiểu đội vào rau muống, mà phải tìm thêm hướng tăng gia khác để cải thiện. Tôi thấy ý cũng hay nhưng chẳng nghĩ ra được hướng gì. Tổ trưởng Lâm chỉ biết mỗi vẽ ký họa, cũng không hiến được kế gì. Tuấn Anh dò trước: Nuôi ong á? Còn tổ trưởng Lạp thì bảo: Nó lại nghĩ ra được cái gì rồi đấy mà. Thì hãy biết thế.

Mấy hôm sau, thấy Ghi bảo tôi cử người theo nó có việc hệ trọng, cho mục đích cải thiện. Cũng thấy gợn gợn, nhưng biết tính nó, có hỏi nó cũng chẳng nói, có ngăn nó cũng chẳng đừng, chỉ còn biết dặn đừng làm gì bậy bạ, kiểu như cưa đạn B40 để đánh cá. Nó bảo" Thủ trưởng yên tâm". Ba đứa chúng nó đi từ sẩm tối, tay không, mà mãi không thấy đứa nào về. Rất khuya, mới thấy 3 đứa về, chuyện râm ran từ đầu ngõ. Hai đứa khiêng gì khệ nệ, quảng uỵch xuống góc hè, tưởng săn được con hoẵng hay con nai con, nhưng hóa ra 2 đứa khiêng một bộ lưới quét, toàn dây dợ với phao, chì, ..., còn thằng Ghi thũng thẵng một túi bao cát Mỹ trong đó mở ra có đến hơn ký tôm tươi. Mắt những con tôm càng biếc tím dưới ánh đèn pin, càng đạp phành phạch. Người ngợm đứa nào đứa nấy còn ướt sũng nhưng mặt tươi rói rói như tôm.

Tôi và mấy đứa ở nhà tròn cả mắt ra nhìn.

(còn nữa ...)          
  
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Mười Một, 2010, 09:20:44 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #274 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2010, 09:07:44 pm »

...
Tôi và mấy đứa ở nhà tròn cả mắt ra nhìn.
...

Thì ra mấy hôm trước thằng Ghi nó tăm thấy một chiếc lưới quét phủ trên nóc hầm chữ A ở kề bếp một ngôi nhà vô chủ mãi xóm ngoài sát sông, phía Đại Áng. Chắc chủ nhà trước kia sống bằng nghề chài lưới khi dòng Thạch Hãn còn thanh bình, yên ả. Bây giờ chắc họ chạy vô Nam hay ra Bắc rồi, bỏ lại nghề chài và ngôi nhà hoang leo heo, lụm dụm. Nghề chài lưới có mấy ai giàu. Mà giá như tôi hay ai khác nhìn thấy cái đống lưới tưởng như mục nát vô dụng ấy chưa chắc đã liên tưởng được đến những con tôm càng tuơi tươi roi rói kia. Cừ thật, thằng giặc Ghi ấy cứ như con ma xó, được việc.

Hôm đầu huy động 3 đứa chỉ định đi khiêng lưới về, nhưng Ghi nóng ruột muốn trình làng luôn. Chắc chủ lưới ngày xưa phải có con thuyền nan nữa vì sông nước Thạch Hãn quãng Trà Liên Tây cũng khá mêng mang. Nhưng thằng Ghi đã tính rồi. Một là không có thuyền, sao mà tính chuyện quét Thạch Hãn được. Ấy là chưa kể quãng ấy cách thành không xa, bom đạn, thủy lôi, ... biết được có những gì ở dưới đáy sông mà đùa. Hai là phía sông gần đại đội, lại ong ve, rách việc. Nó đã ngắm sẵn quãng sông cạn khuất nẻo phía sau làng, lại gần với khu ở của a8, dân Trà Liên gọi là Hói Bái. Quãng nửa ruộng, nửa sông này sâu chỉ đến thắt lưng. Ngày ấy, hai bên bờ Hói Bái đều bỏ hoang. Phía bờ hướng đông, mãi xa mới lèo tèo mấy nhà xóm ngoài, còn bờ bên kia là ruộng bỏ hoang kéo dài tít tắp lên tận cầu Lai Phước.


Hói Bái - Ba mươi sáu năm sau trở lại (7/2009), lúa xanh mướt đôi bờ, con Hói teo tóp như một vũng nước

Tôi chỉ biết thằng Ghi thạo về ong, chứ đâu có biết nó lại cả thạo cá và sát cá nữa. Cái lưới quét dài chừng 20m, nặng khoảng 40-50 kí. Ở quê tôi, cũng có lưới quét, nhưng là kiểu khác hẳn. Lưới quê tôi có lớp phao ở phía trên, còn ở mép phía dưới kẹp chì và có một dãy túi nhỏ, mỗi túi dài rộng chừng 1 gang tay để hứng cá, tôm. Sông Cánh quê tôi hin hin, hai người kéo lưới đi hai bên bờ sông. Thế mới gọi là lưới quét chứ. Lưới ở Trà liên cũng có phao ở mép trên, mép dưới cũng kẹp chì nhưng không có hàng túi nhỏ mà kết thuôn dần thành một cái túi lớn, nom như một chiếc vợt khổng lồ. Hai người cầm 2 đầu lưới, một người cầm phần cuối cái túi. Những ngày đầu, chẳng cần quét hết chiều rộng Hói mà chỉ cần quét nửa chiều rộng Hói rồi tấp vào bờ là đã xủng xiểng túi, chủ yếu là tôm, hãn hữu có cả cá và ếch.

Kể từ hôm có lưới quét, bữa ăn tiểu đội tươi gấp bội. Bữa cơm vui đùa rôm rả. Tôi phải kìm chứ mấy đứa cứ tối đến là ngong ngóng đi lưới tôm. Những hôm phải sinh hoạt trung đội, đại đội, đứa nào cũng năn nỉ, cho em ở nhà đi lưới. Tệ thật, chúng nó thích đi lưới hơn đi sinh hoạt chính trị. Nếu không lẩn được 2-3 đứa ở nhà đi lưới thì tan họp về, dù đã 9-10 giờ, mấy đứa vẫn xin đi. Vừa có tôm ăn, lại vừa nghịch nước, tắm mát, chẳng cần cắt cử, đứa nào cũng háo hức, tỵ nạnh xin đi lưới.

Mọi chuyện tưởng cứ xuôi chèo mát mái thế cho đến một hôm.

(còn nữa ...)      

« Sửa lần cuối: 24 Tháng Mười Một, 2010, 07:30:08 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #275 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2010, 06:44:55 pm »


Hói Bái. Quãng nửa ruộng, nửa sông này sâu chỉ đến thắt lưng. Ngày ấy, hai bên bờ Hói Bái đều bỏ hoang. Phía bờ hướng đông, mãi xa mới lèo tèo mấy nhà xóm ngoài, còn bờ bên kia là ruộng bỏ hoang kéo dài tít tắp lên tận cầu Lai Phước.

     Hói Bái sau làng Trà cũng là thao trường của xê hai mươi. Chúng tôi tập tiềm nhập, tập xạ kích, tập đào công sự. . . ở bờ Hói Bái.
Logged

sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #276 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2010, 07:33:01 pm »

... cho đến một hôm. Hôm ấy thế này:

...
Thường thì sau khi khai thác thông tin, đại đội bố trí anh em giải hàng binh lên trạm tiếp nhận của mặt trận. Lần ấy, hàng binh không phải là lính quèn mà là một sỹ quan cấp đại đội, nên tôi phải trực tiếp giải lên mặt trận. Tôi chọn Ghi đi cùng.

Chúng tôi xuất phát từ Trà Liên rất sớm. Lúc đầu tuân thủ đúng quy tắc giải hàng binh: tôi đi trước, hàng binh đi giữa, Ghi lăm lăm AK đi sau cùng, dong nhau đi trên quốc lộ 1, như đi quay phim. Nắng lên, thấm mệt. Qua khỏi cầu Ái Tử, quãng có chiếc xe M113 cháy dụi nằm giữa đường thì mưa ập xuống, càng mệt hơn. Thôi chuyển đi ngang hàng, che chung áo mưa, chuyện trò cho đỡ căng thẳng. Cậu hàng binh vác bao gạo và 3 bi-đông nước, Ghi quàng súng qua vai, treo lên lưng cho đỡ mỏi tay.  

Qua Đông Hà, cả 3 rẽ vào chợ, vừa chơi chợ, vừa ăn trưa. Cũng chẳng ai nhận ra trong 3 chúng tôi có một người là lính nguỵ sang hàng ta.

Đến nơi đã sâm sẩm tối, Trạm tiếp nhận hàng binh vừa mới chuyển khỏi Gio Cam lên Cam Lộ từ 2 ngày trước. Tôi quyết định đi tìm chỗ nghỉ tạm qua đêm, hôm sau đi tiếp về Cam Lộ. Thận trọng, tôi tìm đến trưởng thôn, liên hệ nhờ hỗ trợ. Ông chỉ hứa tạo thuận lợi chỗ ngủ, ngay tại nhà ông, còn chuyện trông coi hàng binh trong đêm thì ông lắc đầu, mấy chú tự lo.

Lụi hụi cơm nước. Tối ngủ, Ghi và tôi, võng 2 đứa 2 bên, kẹp võng hàng binh ở giữa, súng nằm cùng võng với tôi. Ngủ nhưng phải canh chừng động tĩnh, từng mắt lân nhau nghủ thôi, đừng ngủ liền cả 2 mắt.

Cả ngày đi, dính nắng, dính mưa, thấm mệt, đặt lưng xuống đã nghe cậu hàng binh và Ghi ngáy đều đều, tôi thì cứ xoay mình trong võng, vừa lạnh, vừa lo, lo cứu cuốn nhật ký cả ngày bị dầm mưa ướt nhoè nhoẹt, lo thức coi hàng binh.            

8.11
Cố gắng gìn giữ mãi mà không đặng. Khôn ba năm dại một giờ. Chỉ một giờ chót dại mà cuốn sổ bị ướt đầm. Ân hận.

Đưa hàng binh sang tới trạm. Một ngày mưa ác liệt. Cặm cụi đi trong gió và mưa. Đêm dừng lại ngủ ở một xóm nhỏ thuộc Gio Linh. Một đêm ngủ chưa từng chịu. Hầu như không ngủ được. Lạnh. Lo lắng. Mông lung trong những ý nghĩ thiên về lãng mạn.

Sáng ra lại đi. Mỏi mệt quá. Hao hao giống cảnh phim nào mình đã xem. Có thể là “Hai người lính”, cũng có thể là “Người thứ 41” và những sự co kéo qua lại giữa nhân tính và giai cấp tính.




Sau sự cố đáng tiếc làm nhòe nhoẹt cuốn Nhật Ký (Q2) rồi qua cái đêm giống như trong phim "Hai người lính" rất khó quên ấy, tôi và Ghi còn phải lòng vòng giải hàng binh lên trại tiếp nhận hàng binh mới mãi tận gần Cùa. Khi về, hai đứa còn liệng qua Đông Hà, ăn vụng bát phở rồi lê về đến Trà Liên khi trời đã sâm sẩm tối. Hình như đã có điều gì đó khác thường xẩy ra khi tôi đi vắng. Tôi chưa kịp nhận ra là điều gì thì đã nghe thằng Ghi quát tháo mấy đứa ở nhà: Ở đâu, ở đâu hả mấy con giời? Cái gì thế? Cái gì ở đâu? Chưa rõ ngô khoai gì đã thấy thằng Ghi lôi xình xịch thằng Loan ra ngoài ngõ, chạy khuất về phía Hói Bái.      

Thì ra tối hôm trước, khi chúng tôi rét run ở Gio Cam thì ở nhà trời cũng mưa. Không hiểu sao chính những hôm mưa là những hôm tôm cá đi ăn nhiều. Cứ hôm nào trời mưa là y như hôm ấy thế nào cũng nặng túi, cả tôm cả cá. Vắng tôi và Ghi, nhưng mấy đứa ở nhà vẫn cắt cử nhau đi lưới tôm. Mẻ lưới hôm ấy cũng căng phồng. Khi tấp lưới vào bờ, thằng Chỉ hí hửng, le te vác rổ lại cho thằng Loan lộn túi thì bất ngờ thấy thằng Loan hất bung cả cái túi lưới căng phồng sang bên và chạy thốc lên bờ, cứ như là trong túi lưới có rắn độc hay lựu đạn, bom bi. Theo phản xạ, thằng Chỉ cũng quăng cả rổ chạy theo, còn mỗi thằng Quế tần ngần, ngơ ngác đi giật lùi lên bờ, giẫm cả lên lưới: Cái gì, cái gì đấy? Thằng Loan đã chạy tít xa. Chỉ nghe nó kêu hớt hải: Xương người! xương người, chạy thôi, cầm hộ tao quần áo với. Và nó chạy thật, chạy hẳn về nhà, bỏ cả lưới, bỏ cả đồng đội. Hai thằng Chỉ và Quế thấy thế cũng dớn dác bỏ về.

Nghe thủng chuyện, tôi bắt thằng Quế dẫn tôi đuổi theo thằng Ghi và Loan ra nơi đã xẩy ra câu chuyện quét được Xương người tối hôm trước.

(còn nữa ...)
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Mười Hai, 2010, 09:57:17 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #277 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2010, 09:34:26 pm »


... Nghe thủng chuyện, tôi bắt thằng Chỉ dẫn tôi đuổi theo thằng Ghi và Loan ra nơi đã xẩy ra câu chuyện quét được Xương người tối hôm trước.

Chỉ và tôi chạy tắt theo theo lối qua vườn nhà chị Thiết ra phía sau làng Trà. Chỉ bảo tôi: Thủ trưởng ơi, hai thằng dễ đấm nhau lắm. Thấy thế, tôi giục Chỉ chạy nhanh. Ra khỏi vìa làng, chúng tôi đã nhận ra phía xa xa, trên phông trời đang ngả màu gio bếp loáng thoáng 2 cái đầu nhấp nhô, nhấp nhổm. Tôi cứ hét áng chừng lên để đánh tiếng cho 2 đứa nhận ra tiếng tôi: "Này, nà...ày ày, hai đứa, hai đứa..."

Chạy đến được chỗ 2 đứa Ghi và Loan đang đứng thì sự thể may mới chỉ đến đoạn quát nhau chứ chưa đến đoạn đấm. Thằng Ghi bắt thằng Loan khẳng định chuyện đêm trước đúng là xẩy ra quãng bờ này, còn thằng Loan thì vừa ầm ừ, vừa loay hoay tìm xem có còn thấy chiếc quần Tô Châu rách tối hôm trước bỏ lại trên bờ không. Trên thực địa không còn gì, không thấy quần Tô Châu mà cũng không thấy lưới vét với cả xương người đâu. Thằng Ghi lại quát nhặng: Có đúng chỗ này không hả con giời, Loan?

Bốn đứa chúng tôi soi đèn pin dò như dò mìn, nhưng đúng là không thấy dấu vết gì. Chúng tôi quyết định ra về trong thất vọng thì bỗng thấy thằng Chỉ reo lên: Mang đèn soi lại đây, có cái chi này. Chúng tôi mừng rỡ quay lại. Nó chỉ xuống chỗ bờ đất còn lõng bõng nước vừa thải từ người nó ra. Láo lếu. Nhưng đúng là trên bờ đất bùn có một đống vừa vụn cây gỗ mục, vừa cỏ rác linh tinh, cùng với một đôi giày cao cổ, kiểu của lính ngụy. Nom cũng có vẻ như là những thứ thường thu được trong túi lưới cùng với tôm cá. Chúng tôi đoán, chắc ai đó đã đổ những thứ này từ túi lưới ra để lấy lưới. Thế còn bộ xương? Nếu tử tế thì họ đem chôn rồi, không thì lại quẳng xuống hói. Thủy táng cũng là một nghi lễ linh thiêng.

Bàn luận mãi rồi cũng chẳng đi đến đâu, còn cái chính là chiếc lưới vét thì vô vọng rồi. Thằng Loan cứ tần ngần cầm chiếc giày ngụy trên tay cứ như đấy là phần còn lại của chiếc quần Tô Châu rách mà nó đã mất. Thằng Ghi tỉa: "Xương người đấy à, hả con giời?". Tôi quyết định dừng cuộc truy tìm. Cả bọn ỉu xìu đi về phía những bờ tre làng Trà.

Đã tưởng thế là hết thời lưới tôm, nào ngờ thằng Ghi nó vẫn không chịu khuất phục, nó vẫn ngấm ngầm trinh sát. Cuối cùng thì nó cũng tìm ra. Tìm ra cả lưới, cả chiếc quần rách và chiếc rổ nhựa sâu lòng vẫn thường dùng đựng tôm. Một người dân xóm dưới khi thả trâu ven hói nhìn thấy những thứ trên, lại nghĩ rằng ai đó kéo lưới bị chết đuối hay tai nạn gì đó. Người này lội mò quanh một quãng không thấy gì, bèn thu nhặt các thứ mang về nhà. Anh còn dự định mang chiếc quần rách lên nộp đơn vị Hai mươi. Hỏi anh đã xử lý bộ xương trong túi lưới ra sao. Anh bảo: "Có chi mô! Thấy chắc cái lưới với đôi giày lủng thôi". Mọi thứ anh trao cả lại, chỉ có tôm thì nấu mất rồi, nhưng chưa ăn hết.

Lấy lại được lưới, cũng mừng, nhưng mất mát lớn nhất với tiểu đội tôi là kể từ đó chuyện chiếc lưới tôm của a8 bị lộ ra trung đội, rồi đại đội và cuối cùng còn lên cả ban Hai trên sư bộ. Chiếc lưới tôm bỗng thành của chung, các đơn vị đăng ký sử dụng lưới sao cho hiệu quả. Kín bảy ngày trong tuần. A8 cũng phải xếp hàng. Thằng Ghi cú chuyện này lắm, nhất là những lần ban Hai nhắn mang lưới lên cho ban mượn, nó cứ tưng tửng: "Thôi bảo con giời Loan gánh lưới lên Ban. Thế này thà mình kéo rồi mang tôm lên nộp cho ban còn nhẹ hơn".        

(Còn nữa ...)
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Mười Hai, 2010, 07:13:58 am gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #278 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2010, 10:53:20 am »

... Thằng Ghi cú chuyện này lắm, nhất là những lần ban Hai nhắn mang lưới lên cho ban mượn, nó cứ tưng tửng: "Thôi bảo con giời Loan gánh lưới lên Ban. Thế này thà mình kéo rồi mang tôm lên nộp cho ban còn nhẹ hơn".        

Thằng Ghi dỡn thằng Loan thế thôi, chứ những đứa xốc vác và hay việc như nó thường ít khi để bụng lâu cái gì. Thù vặt, thù lâu thường chỉ là mấy tay nói nhiều, làm ít. Mà xét cho đến cùng, lỗi để chiếc lưới quét, nguồn sinh sống bí mật của A8, bị "quốc hữu hoá" cũng không hẳn là do nó. Nhập nhoạng đêm hôm ngoài cánh đồng hoang ở cái xứ ma nhiều hơn người thủa ấy thì rờ phải đôi giày TQLC trong túi lưới quét, thần hồn nát thần tính, tưởng là xương người, bỏ cả quần để chạy, cũng là điều dễ tha thứ, nhất là khi mới ở tuổi 17-18.

Dù sao thì chiếc lưới quét ở làng Trà hồi Bảy Ba cũng đã để lại những kỷ niệm đáng nhớ về những đêm lọ mọ, bì bõm, lấm lem ven hói Bái và những bữa cơm chiều rủng rỉnh với những đĩa tôm rang đỏ au, rôm rả chuyện sống chết. Rồi chiến tranh không để cho chúng tôi kéo dài những tháng ngày êm đềm ở Làng Trà bên dòng Thạch Hãn. Đại đội theo binh đoàn dịch dần vào Thừa Thiên, Tây Huế, rồi tuốt tuột vào Nha Trang, Bà Rịa, Sài Gòn, không thể tha theo chiếc lưới vét nặng mấy chục ký, lùng nhùng những phao, chì, dây dợ. Tạm biệt Trà Liên Tây, vĩnh biệt lưới quét.

Câu chuyện chiếc lưới tôm thủa ấy đã theo tôi suốt mấy chục năm qua với một trăn trở đời thường: Làm sao để những người dưng nước lã lại có thể chụm lại sống như một gia đình? Mỗi gia đình cũng có vui, có buồn, có cười, có khóc, có hay có dở, ... nhưng họ là những người ruột thịt và cư sử với nhau theo tình ruột thịt. Tiểu đội tôi hồi ấy là như thế. Và rồi trượt theo cuộc đời, tôi cũng còn nhiều lần đóng vai trò "tiểu đội trưởng", thậm chí đến cả bây giờ. Quản một lớp sinh viên đại học, một đơn vị nghiên cứu sinh ở nước ngoài, một tổ chuyên môn, một phòng thí nghiệm, nho nhỏ như gia đình. Và luôn ao ước được coi nhau thật sự như trong một gia đình. Nhưng chẳng bao giờ còn đạt được trừ A8 thủa ấy. Do hoàn cảnh chiến tranh ác liệt và thiếu thốn đã xích ta lại gần nhau, che chở, đùm bọc nhau, do tuổi thơ vô tư, chưa có gia đình với bộn bề lo toan ích kỷ, hay do cái gì khác mà thời ấy như vậy mà sau này thì khó thế.

Món tôm hói Bái làm tôi nhớ lại một món đặc sản khác. Hồi ấy là đầu năm Bảy Hai, khi chúng tôi mới thần tốc hành quân từ Bắc Giang vào Hà Tĩnh. Đơn vị đóng quân ở một vùng toàn những địa danh bắt đầu bằng chữ Kỳ: Kỳ Sơn, Kỳ Thượng, Kỳ Lâm, Kỳ Lạc, ... Kỳ thật! Nghe tên thôi đã thấy một vùng rừng núi âm sâm buồn, heo hút nghèo. Đơn vị mua được một con trâu gầy, không nhớ dịp gì, tổ chức giết thịt. Đại đội yêu cầu mỗi tiểu đội cử một chiến sỹ tháo vát, khoẻ mạnh lên giúp anh nuôi thịt trâu. Bếp đại đội, nơi sẽ thịt trâu, nằm bên bờ con suối nước chảy xiết, không biết có phải tên là Kỳ Suối không? Khi đã cắt cử xong, tôi cứ thấy mấy đứa trong tiểu đội thì thầm, bàn bạc rồi đứa này xin rút, đứa khác xung phong đi thay. Vẫn biết ưu tiên cắt cử ai thì người đó thế nào cũng được thì thụt miếng tiết hay mẩu gân trâu luộc, tôi nghĩ vậy.

Chiều đi tập về, tôi thấy mấy đứa trong tiểu đội nói cười rôm rả dưới bếp nhà chủ. Thì ra ngoài phần được đại đội chia, chúng nó còn "du kích" được mấy đoạn lòng trâu và cả một mảng da trâu to gần bằng cái mặt bàn. Quái lạ, làm sao mà chúng nó qua mắt được "Thắng quản lý", tinh như cú ấy, để "du kích" được nhiều thực phẩm thế? Tôi vặn hỏi đứa nào đầu têu, mấy đứa đùn đẩy nhau rồi cũng đến khai thật: Hóa ra chúng nó đã hợp đồng nhau, khi làm lòng trâu, cứ lặng lẽ thả cả lòng, cả da theo suối, phía dưới hạ lưu đã có đứa đón, theo cách bộ đội ta chuyển gạo trên Trường Sơn. Mà có phải mình A8 nghĩ ra mưu ấy đâu. Mấy đứa được phân công đón lòng trâu cùng gặp nhau ở một quãng bờ suối phía dưới bếp đại đội không xa. Nhưng như thế thì làm sao biết được cái "bè lòng trâu" đang trôi đến kia là do ai thả. Cuối cùng mấy đứa đành thống nhất nhau: đón được bao nhiêu, gộp lại, chia đều. Thế thì có khác gì chia nhau công khai ở đại đội, cần gì phải "du kích"!

Lần ấy được bữa lòng và sách trâu luộc túy lúy dù không có rượu. Thấy cá suối bu lấy những miếng lòng trâu trôi trên suối để rỉa, mấy đứa còn về nhà lấy tăng nilong ra hớt được khá nhiều cá. Lòng trâu, sách trâu, cá suối đem luộc cả lên, chấm muối, còn da trâu được làm lông sạch sẽ, luộc xong cắt ra thành những miếng nhỏ, cỡ bìa cuốn sách, để ăn dành, cũng được tới mấy tuần. Bữa tối, lấy một miếng bì trâu, thái nhỏ ra, rang mặn ăn rất chạy cơm. Khi đi tập ngoài thao trường, tôi luôn để một miếng bì trâu trong hộp đựng ống nhòm. Nếu hôm nào tiểu đội tách riêng, lúc giải lao lấy ra truyền tay nhau như kiểu truyền tay nhau chiếc điếu cày, mỗi anh em tự dùng răng giằng lấy một miếng, rồi chuyển cho người tiếp sau, nhai bùi bùi, ngậy ngậy. Chỉ tiếc, về sau không thấy đại đội mua trâu về thịt nữa.          

(còn nữa ...)
      
      

    
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Mười Hai, 2010, 01:56:03 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #279 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2010, 07:15:44 pm »

Xin rẽ ngang với một câu hỏi chợt nảy ra khi nghe một CCB kể về kỷ niệm ngày nhập ngũ trong buổi giao lưu nhân ngày QPTD hôm vừa rồi ở trường Đại học quốc gia, sợ để lâu lại quên mất:

Khi nhập ngũ, tân binh thường mang theo những gì, và đặc biệt không nhớ là đồ đạc được đựng vào cái gì nhỉ? Túi xách, túi dết, balô, bọc nylon, ... Và chắc là mỗi thời lính có một kiểu cách riêng?

Theo trí nhớ nghèo nàn của tôi thì thời gian chờ được cấp quân trang cũng phải cỡ 1-2 tuần, không biết có đúng không?   
Logged

Nhật ký Viết lại
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM