Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 10:38:24 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhật Ký Viết Lại  (Đọc 331721 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #180 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2010, 11:59:45 am »


Tình yêu của người lính, của người yêu của lính, đâu phải chỉ “Chàng mơ chinh chiến, thiếp mơ bóng chàng”. Chiến tranh, bom đạn có cách ....yêu, cách ghét rất riêng. Ai nỡ từ chối tình yêu của người lính trước lúc ra đi, dù chưa chắc có ngày họ trở về. Ai nỡ đón nhận tình yêu của người ở lại khi chắc gì mình đã về. Người đi, người ở đều cư sử tưởng như là nhân đạo, cao thượng, vị tha, nhưng thời gian lại nhìn điều đó như là một sự hoang phí xót xa, nhất là khi chiến tranh đã qua đi, qua đi vĩnh viễn, người đợi vẫn đợi mà người đi không bao giờ về nữa, hay ngược lại người ra đi đã trở về mà người ở nhà đã “nhỡ bước sang ngang”. 

Những năm sau chiến tranh, khi thì được nghe kể, khi được chứng kiến, kể cả chính mình là nhân chứng của nhiều câu chuyện éo le, thương tâm về những mối tình thời chiến, thường là những "Mối tình đầu". Đâu phải cứ hết bom đạn, hết đợi chờ,  gặp lại nhau là thành vợ, thành chồng cho thoả những ngày yêu xa cách, bom đạn. Đâu phải ngày ấy ra đi, tránh ràng buộc nhau bởi một lời ước hẹn, để rồi khi về, “sáo đã qua sông”, mà không day dứt, quằn quại những tháng năm vất vưởng, thậm chí đơn côi dằng dẵng cả phần đời còn lại.

Với người lính, tình ruột thịt, tình đồng đội, tình bạn, tình quân dân, tình yêu, vừa như quả đào tiên, quả nhân sâm, thiêng liêng, siêu thực, cao xa, nhưng cũng cụ thể, bình dị, đời thường, như tấm, như gạo, nuôi cho ta sống qua những tháng ngày ác liệt của chiến tranh và bom đạn. 

Hèn gì mấy cụ trong khu 4, Quảng Bình cứ phải nhắc các cháu gái mới lớn trong làng mỗi khi có bộ đội về đóng quân... Grin
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #181 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2010, 01:48:01 pm »

    Bác 6971 ngày xưa xinh trai gớm, thêm học giỏi mà lại giỏi văn nữa thì các bạn gái tha hồ mà tương tư.

Úi, chít chít, giá mà được Nguyenthiquocchung hay AthịB khen thì mới là sướng.

Mà họ cứ tương tư đâu đâu ấy chứ 6971 vẫn ế, hay là "hoa hậu ảnh" cũng có khi chỉ là do Măng-giê Phô-tô (tiếng Pháp, nghĩa là ăn ảnh) mà thôi.

Dù sao cũng cám ơn NQC và tối nay về phải hỏi: "Gương kia ngự ở trên giường, ..."
Logged

Nhật ký Viết lại
nguyenquochung
Thành viên
*
Bài viết: 283


« Trả lời #182 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2010, 08:19:48 pm »

     Nhưng bác cẩn thận đừng để chị nhà thấy đấy nhá, nếu không chị nhà lại đặt câu hỏi đại loại như: Sao dạo này ông ý hay soi gương thế nhỉ?...thì toi.
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #183 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2010, 08:31:24 am »

20. Hoài cổ hay Khúc kết

Tôi bắt đầu viết nhật ký từ đầu năm học lớp 9 (1968), kể từ sau khi có lớp học viết văn của Hội nhà văn, không biết có phải là một khoá nào đó của trường viết văn Nguyễn Du, tình cờ về “thực tế” một tháng ở “Hợp tác xã nông nghiệp cao cấp Tiên Hường”, làng tôi.

Anh Hiển là một học viên lớp viết văn, người Tày, quê Cao Bằng, dáng người đậm, tóc xoăn tít, được phân ở với gia đình tôi, cuối xóm Giữa, giữa làng. Quanh trong xóm có nhà văn Nguyễn Khắc Phê ở nhà bác Chuôm Đào, đang ngổn ngang “Đường qua làng Hà”, tiểu thuyết về chiến tranh phá hoại, nhà thơ Vương Anh ở nhà bà Hảo Hạng, đang ngất ngây “Tình còn, tình chiêng”, tập thơ về người Mường. Thầy Nguyên Hồng là hiệu trưởng ở nhà bà Loan Tiệp, xóm Bầu, gần cây đa rễ rủ leo heo, học viên gọi là “Cây đa thầy Hồng”, vừa vì gần nhà thầy, vừa vì liên tưởng hóm hỉnh chùm rễ đa với chòm râu lơ phơ của thầy Hồng. Các thầy cô Nguyễn Kiên, Anh Thơ, …  khi đi, khi về, Hà Nội - Hương Canh.

Tôi bị anh nhà văn người Tày “bỏ bùa văn” khi nào không hay. Tuổi “hồng vệ binh” ấy dễ “bắt lửa” thật. Bắt đầu là tỷ tê ngấm những câu chuyện Cao Bằng, những giai thoại Tày Nùng huyền ảo của anh Hiển. Cao Bằng là trên cao nhưng bằng phẳng (!), Thin Tốc, tiếng Tày là đá rơi, đọc thành Tĩnh Túc, ... Rồi trốn học ngây người nấp sau cột đình Tiên để nghe ông Xuân Sanh bình thơ ông, trừu tượng như toán học, ngạc nhiên thấy ông Xuân Diệu đỏ mặt dị ứng với ngâm thơ, nhại giọng ngâm thơ của cô Tuyết rè rè trên đài tiếng nói Việt Nam, rón rén xem cụ Nguyễn Tuân thủng thẳng, ngất ngư bầu rượu trắng bên mình, nguyện cả đời không bao giờ uống rượu mùi, thứ rượu hồng hồng màu máu, và loi choi chạy trước đưa đường cho ông Nguyễn Đình Thi đi thăm nhà các học viên quanh trong mấy xóm Nội, xóm Bầu, xóm Giữa. Chưa thấy đâu văn nổi như phao, nhưng đã thấy đấy toán chìm lằm lặm so với năm lớp 8.

Tôi viết những dòng nhật ký đầu tiên trong đời vào cuốn sổ mà trang đầu là 2 câu thơ lưu niệm của anh Hiển viết cho tôi khi lớp viết văn bế mạc: “Một tháng trôi qua đà mấy chốc/ Người cày Ba Xá, kẻ về Cao”.

“Về Cao” là anh về Cao Bằng, quê anh, chắc thế. Nhưng còn “Ba Xá” có phải là Tam Canh, tên xã tôi hồi đó, nơi sáng sáng tôi “cày” ở lớp, ở trường, chiều về lẽo đẽo dong trâu cày vỡ, cày ải trên đồng Mong, đồng Mả không? Giá như bây giờ thì tôi chẳng ngượng ngùng, giấu dốt làm gì mà cứ hỏi thẳng anh: “Anh Hiển ơi, thế “Cày Ba Xá” nghĩa là thế nào, hả anh?”

Những dòng nhật ký đầu tiên chỉ thấy mây trời, hoa bướm, nắn nót, điệu vợi, đẹp vỏ mà rỗng ruột, có vẻ như chủ yếu để tập viết văn, đoạn đầu của giấc mơ và ảo tưởng mai sau thành những Nguyễn Tuân, Tô Hoài. Sang trang nhật ký lính thấy khác hẳn, đã có xương xẩu, xù xì, đắn đo, sống chết, trang này, liệu còn có trang sau? Trở về sau chiến tranh, nhật ký như gương soi. Đứng tuổi, xế chiều, nhật ký như liệu pháp chống bệnh quên của người già (Alzheimer).

8/11/1973: ...
Đi miết. Cố lắm mới nhích được tới giữa đôộng cát. Vẫn miên man là cát. Đôộng cát gợn lên vô vàn nếp nhăn ưu tư. Đằng sau là những vệt chân nối dài về xa tít, ghi lại quãng đường mình vừa đi.

Vẫn nhìn rõ, vẫn đọc được tất cả. Những bước sải dài hồ hởi của những phút hăm hở, sôi nổi; Những bước ngắn ngủn, lần chần của những phút đắn đo, do dự (định hướng đi); Những bước hằn sâu, thấm thía của những phút bước một, chầm chậm, vững chãi mà cực nhọc, những bước lờ mờ, nông cạn của những khi vội vã, dễ dàng, những bước quanh co, lắt léo của những khi gặp gai góc, lầy lội, những bước thẳng hướng, đơn giản của những khi dễ dãi, phẳng phiu...

Tất cả sinh động như một tấm gương lớn soi đời, chân chất, thực thà như nhật ký. Giá như lúc nào ta cũng soi thấy ta, đọc thấy ta trong dĩ vãng thì chắc là bóng ta trong tương lai sẽ gọn gàng, sạch sẽ hơn.
-Ngày áp giải hàng binh ra Gio Cam, Gio Linh (Q.2-Tr.n)


Nói về nhật ký và hoài cổ, tôi nhớ và tâm đắc một kỷ niệm sau chiến tranh chừng chục năm, khi tôi mới ngoài 30 tuổi. Một đêm đông mênh mông tuyết, tôi ngồi nhâm nhi ly trà với bác T, không nhớ tên thật của bác là Tuấn, Tiến hay Thành, làm bảo vệ ở sứ quán ta tại Liên Xô.

Cách nhau hơn 1 giáp tuổi, nhưng cả 2 đều đã từng là “Bộ đội Cụ Hồ”. Câu chuyện bồng bềnh, lúc lãng đãng thả về dĩ vãng, hoài cổ, với ông là chiến dịch Thu Đông, Biên giới, lính Lê-dương, súng trung liên Đui-Sết, máy bay Bà già, với tôi là Quảng Trị, Ái Tử, lính Thủy quân lục chiến, súng B40, máy bay B52, chung với cả 2 là đời lính chiến, lúc lại trệt vào bờ với những chuyện lao động Việt Nam ở “Mát”, chuyện nồi hầm, bàn là, chuyện tem phiếu, con cái, có lúc lảng sang chuyện người, chuyện Gor-ba-chốp, chuyện Pe-re-strôi-ka.  

"Ông T chừng 50 tuổi. Ông không phải là trí thức xét về học vị, nghề nghiệp, cả đến dáng dấp, giao tiếp. Mới nói chuyện với ông một lần. Dễ chịu. Hơi lúng túng. Ông là bạn chiến đấu trong những năm Năm mươi cùng với ông Khoan.

Câu chuyện xoay quanh bài hồi ký của ông Trần Độ và những ký ức chiến tranh ở vùng trung du. Cái áp đảo của ông trong câu chuyện không phải là kho kiến thức đồ sộ (có thể đặc, có thể rỗng), cũng không phải là duyên nói chuyện hay là tính chân thực. Cái mà mình mê là Tình yêu đơn sơ của ông với dĩ vãng. Trạng thái hoài cổ mà không sầu.

Ông T nói với mình: “Lúc đầu, tôi cứ lần chần. Cuộc sống của mình cũng như cuộc sống bao người. Điều mình thấy cũng có biết bao người khác thấy. Nó lặp lại, chỉ khác đi đôi chút, theo cả không gian và thời gian. Điều mà tôi nghĩ, tôi làm lúc tôi 30 tuổi là lạ lẫm đối với đứa con 7 tuổi của tôi lúc đó. Nhưng khi nó 30 tuổi, đến lân nó cũng sẽ nghĩ như tôi. Thế nhưng tôi đã nhầm. Bây giờ, đã ngoài 50, tôi biết mình nhầm, nhầm lắm. Không bao giờ gặp lại dĩ vãng. Bây giờ, người với người đâu có như xưa. Tôi cứ tiếc là mình đã lần chần. Dù vậy, giờ vẫn không muộn. Đã gần chục năm nay, tôi đều đặn viết hồi ký. Viết cho ai? Viết để cho con cái tôi chúng nó đọc trộm. Đọc trộm của cha thì không có lỗi gì cả. Tôi cũng chẳng hiểu có ích gì cho chúng nó không, hay là lại có hại. Nhưng cứ nghĩ: chúng nó không biết ngày xưa, thời chúng tôi, người với người cư sử ra sao, có như ngày nay không, thì tôi muốn viết lắm”. (Q.6-Tr.20).  



Thời kỳ sau chiến tranh không xa, chừng chục năm, mọi người đều khổ, khổ lắm, khổ quá. Tôi như người đạp xe lên dốc cao, không dám dừng chân đạp, không dám ngoái cổ nhìn lại sau lưng. Chới với, dừng chắc đổ, chắc ngã, chắc quỵ mất. Trong những cơn suy sụp tinh thần, có lúc tôi đã nản: Hãy để cho người chết khiêng người chết! Và tôi gói ghém 3 cuốn nhật ký cùng với chiếc bàn cạo râu cụp xoè của thời kỳ bom đạn vào chiếc chăn dù thám báo Mỹ, cất mãi sâu trong góc tủ gỗ.

Lúc đói, chỉ cầu hạt thóc thật to, vỏ trấu làm thuyền, người ngồi lên được, thóc chín tự đi từ đồng về nhà, như trong chuyện cổ tích của Mợ tôi. Đỡ đói, bớt khổ, khi mát mặt, đã có thể thanh thản để nghĩ rộng, nghĩ xa hơn bát cơm, manh áo thì trên tóc đã hoa lau, trên da mu bàn tay đã nhằng nhịt, nhăn nheo những dấu sao vân vi, đồi mồi. “Ngũ thập tri thiên mệnh”, đọc lại nhật ký, quái lạ, thấy cuộc sống những ngày chinh chiến ác liệt sao mà thanh thản, vô tư, thấy gian khổ, thử thách thời lính chiến thật sự là một ân huệ. Ơn Xê Hai Mươi, chính nơi ngay ngày đầu tôi thấy mình như “Sa xuống hố, sâu thăm thẳm và tối mù mịt” ấy lại đã cho tôi nên phận, nên người. Ơn Quảng Trị, nơi ngơi ngơi bom đạn lại đến nắng nóng, gió Lào và lũ lụt, đã cho tôi cái gốc để nghiền ngẫm sự sướng khổ trên đời.

Thôn Hoàng Năm, 30/4 – 30/6/2006.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Chín, 2010, 08:17:09 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #184 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2010, 08:12:01 am »

     Nhưng bác cẩn thận đừng để chị nhà thấy đấy nhá, nếu không chị nhà lại đặt câu hỏi đại loại như: Sao dạo này ông ý hay soi gương thế nhỉ?...thì toi.

       Bác NguyenQuocChung à ! Già rồi, ông soi thì cứ việc soi. Ông đi đâu thì cứ việc đi. Ai quản lý các ông làm gì cho mệt.
Logged

sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #185 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2010, 08:19:05 am »

Một hôm, không nhớ là thuộc phần lịch đã xé hay phần chưa xé, thậm chí chưa in, 6971 thấy ươn ươn, trí nhớ giảm sút ghê quá nên thử sử dụng dịch vụ khám bệnh bằng interair (đọc là in-tơ-re-ơ). Bác CCB nào chưa dùng các dịch vụ in-tơ-re-ơ thì 6971 xin làm chân chỉ trỏ, tiếp thị: In-tơ-re-ơ ra đời sau in-tơ-nét, nó không cần máy móc, kết nối gì cả, cũng không cần biết tiếng Anh hay tiếng Tàu, tóm lại không có hàng rào kỹ thuật và hàng rào ngôn ngữ gì cả, cứ ngồi bất kỳ đâu, thậm chí đang nằm trong bồn tắm, cứ nêu (nghĩ) yêu cầu lên là lập tức in-tơ-re-ơ đáp ứng. Tiện lắm. Thì cũng tiện như QSVN ta trên in-tơ-nét đây này, ngày xưa đâu dám nghĩ đến.

Hôm ấy, người khám cho 6971 trên in-tơ-re-ơ tình cờ là một thầy mo thuộc bộ lạc Inca. Bà ấy chỉ cho xem bản đồ trí nhớ của 6971. Lạ lắm. Bà ấy giải thích: không gọi là bản đồ trí nhớ. Bản đồ là từ của bọn trinh sát f325, từ hồi Quảng Trị, xưa rồi. -À à à, thế à. -Mà phải gọi là cây trí nhớ. Thông tin gì xa quá rồi thì nó như cái là già, phải rụng, thông tin mới thêm vào thì như cái chồi non. Chẳng có lá nào cứ xanh mãi được. - À à, thế. - Nhưng cây trí nhớ của quý ngài, đây này, hầu như không có lá xanh, chỉ lơ thơ mấy cái búp non, đúng là ông bị bệnh "rụng lá", ngày xưa gọi là bệnh Al-di-mơ. Thế nhưng kỳ lạ là có 3 cái lá khô ở mãi tận dưới gốc lại không chịu rụng. -Ừ nhỉ. - Xem nào, xem 3 cái "sẹo"  trí nhớ này là gì nào. - Vâng, hay quá, hay quá.

Thứ nhất là trí nhớ của ông về mùi người chết. Lá này mọc từ khi ông thoát chết trận bom ở Q51, Tùng thiện, Sơn Tây (7/1972), rồi đêm qua cầu Hang, cầu Hổ mới bị bom ban chiều ở Nghệ An (9/1972) và sau nữa là lần ông bò giữa đống xác chết của TQLC trong trận chúng nống sang Nhan Biều (11/1972). - Đúng, đúng rồi, kinh lắm.

Thứ hai là lá trí nhớ của ông về tiếng pháo khoan. Lá này mọc từ hồi ông nằm hầm ở cao điểm 20, Ái Tử (12/1972). - Chính xác, rùng rợn lắm, rùng rợn lắm, ú..ú.. ú... ù .. ụt, cứ như nó nhì thấy mình ngồi dưới hầm để đợi nó gọi tên mình "đi".

Thứ ba là trí nhớ về gác đêm. - Thế à? - Gác thì không gian khổ, nguy hiểm gì, nhưng tuổi ăn, tuổi ngủ mà bị giữa giấc lôi dậy để rồi phải ngồi thừ ra cả tiếng đồng hồ, lại không có đồng hồ nữa nên gác 10 phút đã nghĩ là một tiếng rồi, đổi gác thôi. Cái lá trí nhớ này mà không rụng lại không phải từ thời ở Quảng Trị, mà là khi đã quay ra ĐHKTQS (9/1974), ngủ ở bên khu nhà cao tầng, nửa đêm bị gọi dậy, đi sang gác khu hiệu bộ, cách khoảng 2 cây số, vừa đi vừa lầm bầm: "Vĩnh Yên chứ có phải Quảng Trị đâu mà cũng gác. Hành nhau!".

Tài thật, tài thật, tiên sư anh Inca.

* Nếu có lạc đề thì cũng xin admin cứ để cho cái lá này tươi 1-2 ngày rồi hãy cho rụng.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Chín, 2010, 06:50:18 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #186 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2010, 08:32:53 am »


. . . thử thách thời lính chiến thật sự là một ân huệ. Ơn Xê Hai Mươi, chính nơi ngay ngày đầu tôi thấy mình như “Sa xuống hố, sâu thăm thẳm và tối mù mịt” ấy lại đã cho tôi nên phận, nên người. Ơn Quảng Trị, nơi ngơi ngơi bom đạn lại đến nắng nóng, gió Lào và lũ lụt, đã cho tôi cái gốc để nghiền ngẫm sự sướng khổ trên đời.


       Bác 6971 ạ, ngay từ năm 75, khi ra quân về đi học tôi vẫn nghĩ và vẫn nói với mấy chiến hữu lính tráng cùng lớp rằng không bao giờ phải tiếc những năm tháng đời lính. Lúc đó tôi đã cảm nhận được rằng mình đã là "chất khác".
Logged

nguyenquochung
Thành viên
*
Bài viết: 283


« Trả lời #187 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2010, 09:28:03 am »

     Cái "chất khác" rõ nhất ở đây là: Hì Hì. Thế các cậu gặp thần chết chưa? chưa à. Tớ thì gặp suốt, thậm chí còn khá thân nữa là khác.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #188 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2010, 05:56:35 pm »

Rất cám ơn bác 6971, nhật ký của bác cũng như của những người lính khác, là tâm hồn, tình cảm của cả một thế hệ, là một dạng văn hóa phi vật thể như bác lexuantuong1972 đã nói. Nó cũng là sự tiếp nối của những thế hệ sinh viên, học sinh xếp bút nghiên đi kháng chiến từ 1946.
Thời 1968 ở quê bác, khi đó chắc là một khóa học của trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ của HNV, tiền thân của trường Nguyễn Du sau này.
Nhớ lại những năm 1975-77, trường Tổng hợp, ký túc xá Mễ trì, Thượng đình tràn đầy áo lính. Nào khoa Văn với Hoàng Nhuận Cầm, Lâm Huy Nhuận..., khoa Sinh với Hoàng Ấu Phương (Bảo Ninh), khoa Lý, khoa Sử với bác Côn "sinh viên năm thứ 9 học lớp 5", khoa Toán và nhiều khoa khác nữa. Không khí rất đặc biệt, sôi động, đậm mùi lính, chất lính, nhất là ở những khoa KHXH.
Còn ở khu vực Vĩnh Yên, Phúc Yên, Thái Nguyên, các trường quân sự, xây dựng, kiến trúc, cơ điện, sư phạm 2 cũng vậy. Tràn đầy sắc áo lính sinh viên CCB, bộ đội gửi học trường ngoài, trên những chuyến tàu từ Vĩnh Yên, Hương Canh về Hà Nội qua các "ga Trần Phú", "ga Cửa Nam" trước khi vào ga Hàng Cỏ. Thời đó là thời khổ cực, vật chất thiếu thốn mà rất vui vì hòa bình đã đến. Nhưng cũng là thời một thế hệ đàn em của các bác lên tàu vào Nam, bước vào cuộc chiến tranh mới phía tây nam đất nước vừa thống nhất.
Logged
khanhhuyen
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1957

Cao điểm 1100/85 E2 F3 SV


« Trả lời #189 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2010, 06:27:54 pm »

Đúng như bác sauchinbaymot đã nói,những kỷ niệm khó có thể rời xa trong tiềm thức,của mỗi người lính trận.như tiếng đạn pháo,cối rơi,pháo khoan khi hắn còn cách xa mình vài chục thước,khoan vào lòng đất...ục hay ụt....sóng xung kích đầy đe dọa,tiềm ẩn,rung rinh thành hầm,đất cát đột ngột phun ra và chảy thành dòng.
Mùi tử thi,thật sự là cứ lởn vởn quanh ta mỗi khi chợt nhớ lại,mùi khó chịu nhất là óc người trộn lẫn thuốc pháo..cái mùi ấy,khi thoảng ngửi qua.nó sẽ móc hết những gì từ trong dạ dày,tràn qua miệng..... thật khó quên.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Chín, 2010, 06:45:49 pm gửi bởi khanhhuyen » Logged

TA LÀ CON CỦA BỐ TA,MẸ TA. - H3/85 - CÁC BẠN ĐANG THẢO LUẬN CÙNG KHANHHUYEN,XIN CẢM ƠN.!
NGƯỜI ....CHIẾN SỸ ẤY... AI ĐÃ GẶP ANH... KHÔNG.. THỂ NÀO QUÊN .KHÔNG.. THỂ NÀO....QUÊN...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM