Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:17:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhật Ký Viết Lại  (Đọc 331348 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #170 vào lúc: 19 Tháng Chín, 2010, 07:21:28 pm »


... thế mà thời sinh viên của bọn em thật là phung phí, học hành chểnh mảng, thấy khó khăn đói khổ là nản chí...đến bây giờ mới thấy hối tiếc..Lớp em học đến năm thứ 2 (1981) cũng có ba anh vào sau, đó là những Anh đang học dở năm thứ 2 thì được lệnh động viên nhập ngũ của những khóa 1971 và 1972, các anh là những tấm gương về học tập cũng như tác phong sinh hoạt, chỉ có điều là đến bây giờ bọn em mới thấy điều đó, còn lúc bấy giờ, bọn em chỉ cho là "mấy ông già chập mạch"...

Không phải ai rời mái trường ra chiến trường rồi cũng trở về được. Không phải ai trở về cũng tiếp tục học hành. Và không phải ai về tiếp tục học hành cũng cày như điên để bù những năm đã mất. Cùng còn tuỳ số phận, tuỳ “cơ địa”.

Năm học 75-76, sỹ số lớp Lý 3 (K18) chúng tôi là khoảng 65-70 người, trong đó có khoảng 50 là bộ đội chân ướt chân ráo rời quân ngũ về, phần lớn là các anh K14-K13. Lên lớp Lý 4, tỷ lệ bộ đội/học sinh phổ thông tăng lên 73/89, thêm cả các anh K12, hơn bọn tôi 4-5 tuổi, hơn cánh "phổ thông" cả gần chục tuổi . Vui lắm. Vẫn biết dưới mái trường thì học là chính, nhưng tối đến, giường này, giường kia hóng hớt, râm ran chuyện lính, trên sân thượng phơi la liệt quần áo Tô châu. Nói bọn mình “chập mạch” cũng không oan.

Cánh “phổ thông” bị bọn lính chúng mình lôi xềnh xệch hết phong trào này, lại thi đua kia. Mình phải làm lớp phó 3 năm, tự hào lớp được là 1 trong 49 “Tập thể học sinh XHCN” của cả nước năm ấy. Cánh “phổ thông” cùng lớp khổ theo đã đành, chứ đến cô bé Lê thân đến là thế cũng phải “chào”.  

Chung quy vì có qua “mất học” mới thấy thèm học. Như trong chuyện “tình yêu cuộc sống” của J. London ấy, bị đói đến kề cận cái chết trên bình nguyên thì khi trở về đời thường, thấy ăn là mắt sáng lên, ăn ngấu nghiến, ăn hơn cả nhu cầu cần thiết.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Chín, 2010, 07:06:36 am gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #171 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2010, 07:20:18 am »

19. Chuyện tình cảm hay Khúc riêng tư thứ ba

Thanh thản khoác ba-lô lên vai, hăm hở tự hành quân từ bờ hồ Thuyền Quang, giữa thủ đô Hà Nội, vào đến tận chiến trường Quảng Trị, nơi ác liệt nhất, vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến, tự đặt ra những ràng buộc khắc kỷ, cứng nhắc để rèn mình từng tuần và khuôn mặt thì cố gân lên thành góc, thành cạnh như một “Ông cụ non”, ... Nhưng tất cả vẫn không thể giấu được nét yếu đuối của một đứa trẻ gốc nông thôn, mới lớn, mới xa mẹ như tôi.  

Thầy tôi là nhà giáo cũ, một hương sư nghiêm khắc, vô thần nhưng mộ Đảng đến khó tin. Ông tận tụy nâng niu bát hương của mấy đời tổng sư từ thượng nguồn gia phả, không cao sang, quyền quý, nhưng thanh liêm, trọng tự, vị tự. Anh em tôi gọi Bố là Thầy, Mẹ là Mợ, nghe lạc lõng ở chốn quê, nhưng ngầm tự hào như một chứng chỉ gia phong.

Thầy tôi rồi các anh tôi truyền “quyển” cho tôi: “Nam nhi cốt ở Cầm-Kỳ-Thi-Họa”. Lương Thầy tôi được 56 đồng, nghỉ hưu từ năm Sáu Nhăm, còn 42 đồng, lĩnh theo quý thành 126 đồng. Nhưng tôi và em gái không được “ăn” theo bố để có lương, có tem phiếu mà lại “ăn” theo mẹ, chật vật ky cóp, nhặt nhạnh công điểm nhà nông. Vì thế Mợ thủ thỉ với tôi và em Tuyết: “Nghe Thầy,  nghe các anh, nhưng cũng phải có Công Điểm nữa”. Tôi hiểu lời Mợ tôi như một khảo dị thời hợp tác xã của câu vè xưa “Nhất Sỹ, nhì Nông - Hết gạo chạy rông, nhất Nông nhì Sỹ”.

Mợ tôi thì ít chữ, cả đời như chỉ biết mỗi một chuyện cổ tích, kể đi kể lại cho anh em tôi mà chỉ vẻn vẹn 3 câu, nhưng nhớ đời:

“Ngày xửa, ngày xưa (không biết có phải thời bà ngoại tôi), hạt thóc to, vỏ trấu làm thuyền, người ngồi lên được, thóc chín tự đi từ đồng về nhà. Con người không biết nâng niu, trân trọng nên thóc tủi rồi thóc giận. Bây giờ Người phải nhọc nhằn một nắng hai sương mới có được những hạt thóc còm, chui lọt mắt sàng”.

Tôi thích và tin chuyện này lắm. Thì vẫn thấy trẻ con thả những vốc trấu li ti như kiến vàng trôi sông, như nuối tiếc những chiếc thuyền vỏ trấu to như con trâu của chuyện xưa đấy thôi. Giận ai nỡ để chạnh lòng hạt thóc.

Rồi tôi cũng lướt đủ Cầm, Kỳ, Thi, Họa, nhưng chỉ gọi là, đến “hết mù chữ”, nhưng chăn trâu, bắt cua, mót lúa, tát vét thì thực sự, ngay từ khi chỏm đầu mới vượt vai bừa, tát nước, cày bừa, nhổ mạ thì từ khi trên mặt chớm sùi trứng cá. Chăn trâu 2 điểm rưỡi một ngày, nhổ mạ 10 bó 1 điểm, bừa đơn ăn gian thành bừa kép 9 điểm một lượt, một sào. Cuối vụ dồn 10 điểm 1 công, mỗi công năm mất mùa được non một lạng thành hai cân thóc dở khô, dở ướt, thuận mưa vừa nắng có năm được những hơn 3 cân thóc mỗi công. Cót thóc góc nhà, một chẳng thành hai, nhưng lúc giáp hạt đỡ cho Mợ tôi không phải điểm chỉ vào đơn vay thóc nghĩa thương của hợp tác xã.

Trái với kỳ vọng của Thầy tôi, tôi là đứa bé nghịch ngợm đến ngỗ ngược ngay từ tuổi còn quệt mũi xanh nhờn bóng loáng hai ống tay áo nâu. Mợ tôi là chiếc gối bông gạo mềm mại, là dải lụa tơ tằm, vân vi, lắng dịu những phàn nàn, bực bội của Thầy tôi về tôi, che chắn, hứng chịu những bắt đền, mắng vốn của người làng về tôi. Thầy Mợ tôi, mỗi người yêu con theo cách của mình. Tình hình chẳng khác mấy ngay cả khi tôi đã đi học đại học. Mợ tôi mừng ngang, mừng dọc chứ Thầy tôi vui vẻ, tự hào về tôi thì ít mà nghiêm nghị nhìn tôi, ái ngại thì nhiều.      

Quân đội đã cho tôi cái nhìn khác về mọi chuyện, nhưng trước nhất là về người cha, người thầy quá nghiêm khắc của mình. Tôi nhớ, tôi đã mong chờ bức thư đầu tiên của gia đình gửi cho tôi đến mức cồn cào. Thời gian đầu cứ chuyển địa điểm và hòm thư liên tục, mãi hơn 1 tháng kể từ khi xa nhà tôi mới nhận được bức thư đầu tiên của thầy tôi. Và tôi đã rạo rực, ngất ngây uống những dòng thư khô bỏng như nắng hè của Thầy tôi.

21.10
Thư đến với chúng bạn làm lòng mình đau nhói. Nhói rồi lại âm ỉ. (Q.1-Tr.26)

27.10.71
Lúc cuối của ngày lẻ, cơn gió lành mang thư của gia đình đến với mình. Cái xúc cảm ngất ngây ấy biết tả như thế nào. Đây là lá thư đầu tiên nhận được kể từ khi mặc áo lính. Vẫn nét chữ và lời thư nghiêm nghị, khắc khổ của cha già, vẫn những lời dặn dò quá công thức mà phút này quí giá quá. Nơi gần gụi nhất, đầm ấm nhất, thắm thiết mà giản dị nhất vẫn là gia đình mình.

Buổi tối đi hành quân thật. Mưa li ri ngoài trời. Khắp những nơi đi qua thấy những đoàn lính khác cũng hành quân. (Q.1-Tr.42)


Tôi biết, trận lũ Bảy Mốt đã tàn phá mùa màng quê tôi ghê gớm. Công điểm cuối vụ chắc sẽ thấp, giáp hạt Mợ tôi lại phải làm đơn xin vay thóc nghĩa thương của Hợp-tác-xã. Thế nhưng trong thư Thầy tôi lại vụng về giấu tôi, chỉ thấy kể những tin vui, tin mừng, phấn khởi.


Hơn chục năm sau chiến tranh, khi tôi đang sống ở nước ngoài, và ngay cả bây giờ, khi chiến tranh đã rất xa, tôi vẫn giữ được nguyên vẹn một kỷ niệm vừa siêu thực, khó hiểu, lại vừa giản dị, đời thường về Thầy tôi. Kỷ niệm hư hư, thực thực nhưng rất đẹp ấy là bắt nguồn chỉ từ một dòng thư tôi nhận được khi còn đang ở Quảng Trị.

Biliaevo, 1986

Có biết bao chiều mưa khó quên. Nhưng không rõ vì sao, cứ gặp cơn mưa hè, buổi chiều, là trong đầu mình hiện rõ mồn một cái chiều hè mưa và nắng ấy. Không bao giờ lẫn sang một khoảng không, thời gian khác.

Chiều ấy đã lâu rồi. Hương Canh đang mùa gặt. Mẹ mình vắng nhà. Cơn mưa ập đến nhanh. Cha ở nhà. Người đã già lắm rồi. Người lập cập thu rơm ở sân lại trước khi ào mưa xuống. Trước mắt mình hiện rất rõ, rõ cả màu, cả mùi, cả âm thanh. Một kỷ niệm kỳ lạ. Khi đó, mình đang là lính, ở xa nhà. Và tất cả chỉ là tuởng tượng từ mấy dòng thư ngắn ngủi: “Rẽ qua thăm gia đình Tài, đúng lúc trời đổ mưa. Chỉ gặp Bố Tài ở nhà, đang dọn rơm”.

Đã bao năm mà không phai mờ. Một hoàn cảnh chưa hề gặp mà không thể nào quên. (Q.6-Tr.18)


Đôi khi, tôi cứ ngớ ngẩn tự dằn vặt mình, nếu không là lính chắc gì tôi đã “yếu đuối” như vậy, nhất là với Thầy tôi.

(Còn nữa ...)
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Chín, 2010, 07:49:10 am gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
hatuyenha
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2403


« Trả lời #172 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2010, 11:40:49 am »

Đọc những kỷ niệm về quê hương Hương Canh của bạn,làm mình lại nhớ hồi năm thứ ba, bọn mình ở thôn Chùa  Tiếng _ vừa rồi có ghé thăm qua hình như cũng là quê ông Kim Ngọc.Gần nghĩa trang liệt sĩ trận đánh Trần hưng Đạo thời chống Pháp. Bao nhiêu kỷ niệm của bọn mình ở nơi này.Hôm bọn mình về,có nhiều bà già tóc bạc vấn khăn đến hỏi thăm anh A ,anh B...bọn mình sững người.Ngày xưa...cách đây đã nhiều chục năm các cô dân quân gái làng chắc cũng có thầm yêu các chàng trai đại đội mình mà bây giờ các chàng đã thành ông rồi và các nàng đã thành bà rồi tóc bạc rồi răng đã móm mém mà vẫn nhớ tình xưa,có một vài anh ở  đại đội mình đã ra đi vì nhiều lí do...khi biết các bà" gái làng "vẫn rất ngậm ngùi.
Mỗi lần được đi phép cả bọn chạy như bay đến sân ga Hương Canh,  không sợ trượt tàu mà sợ bị gọi trở lại không được đi phép nữa.
 Những đêm đội văn nghệ của đại đội đi biểu diễn ở nơi Hiệu bộ đóng quân,đại đội cố gắng mượn đủ số xe đạp để đèo nhau vì cách đến hàng chục cây số.Đêm khuya về đến Hương Canh ,hai bên đường hoa Dã quì nở vàng tỏa hương hăng hắc nhưng hoa đầy bụi đường...dù thích lắm cũng đành chịu vì động vào bụi bay tung tóe.Chẳng bao giờ quên được những kỷ niệm này.
 Chiều chiều bọn mình đi tăng gia trồng rau cải bên bờ sông Cà lồ,thà hồ trêu nhau sau một ngày học hành luyện tập mệt mỏi.Những ngày này sao không quên được vậy ?
  Cám ơn vùng quê Hương Canh  và  những người dân nhân hậu đã che chở giúp đỡ  các  cô cậu lính sinh viên những khóa đầu tiên của trường DHKTQS.Đây là lớp Kỹ sư đầu tiên của QD tự đào tạo chính qui.
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #173 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2010, 01:56:19 pm »


Ngày xưa...cách đây đã nhiều chục năm các cô dân quân gái làng chắc cũng có thầm yêu các chàng trai đại đội mình


Vùng trung du Hương Canh, Bình Xuyên, thời chống Mỹ gắn bó với 2 trường ĐH: DHXD của Bác LXTường (bây giờ bạn Yến của bác LXT vẫn ở lại vĩnh viễn với HC) và ĐHKTQS.

Nói cho công bằng, nếu các cô dân quân có thầm yêu các chàng trai đại đội bác HTH thì chắc cũng có nhiều chàng trai đại đội ấy thầm yêu các "cô dân quân" làng iem chứ. Và cũng không ít đôi yêu nhau công khai.

Những dịp lớp phổ thông của 6971 hội họp, thi thoảng vẫn thấy có mặt 2 anh con rể của lớp, nhớ không nhầm thì là dân DHKTQS. Bác Kiên, hình như thiên về đường chính trị, lấy bạn Đãng, và bác Nghiêu, hình như về vô tuyến hay hậu cần gì đấy (!), lấy bạn Lương. Hoan hô 2 bác ấy. Bác HTH có tình cờ biết 2 bác ấy không ạ. 

Và rất cám ơn bác HTH vì "Mình về mình vẫn nhớ ta".
Logged

Nhật ký Viết lại
hatuyenha
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2403


« Trả lời #174 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2010, 02:52:26 pm »

 Thế thì là người quen rồi đấy,Lương lấy anh Nghiêu cùng lớp HTD khóa 1 với chồng mình.Sau khi ra trường cả chồng mình cùng anh Nghiêu ở lại trường làm giáo viên.Bây giờ về hưu cả rồi.Hai vợ chồng anh Nghiêu và Lương vẫn đến chơi với  vợ chồng mình,ông bà ấy bây giờ mua nhà ở Mỹ đình
cũng gần nhà mình hơn. Quả đất tròn và thật bé trong vũ trụ này,quanh quẩn một lúc là thành có dây mơ rễ má.
 Ít nhất thì mình và 6971@ cùng quen Lương,mình và Tích Tưởng Như Lệ@ cùng quen Quát,Mình và Tàu không số@ cùng quen Dân...hì...hì...hì...
 mà mình và các bạn chỉ quen nhau qua QSVN.net.Thật hay.
 
 Khi đó bọn mình đang học năm thứ ba chưa được yêu nên đều bí mật cả.

Mình dừng dã vì vó khách.
Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #175 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2010, 06:05:07 pm »


Thầy tôi là nhà giáo cũ, một hương sư nghiêm khắc, vô thần nhưng mộ Đảng đến khó tin. Ông tận tụy nâng niu bát hương của mấy đời tổng sư từ thượng nguồn gia phả, không cao sang, quyền quý, nhưng thanh liêm, trọng tự, vị tự. Anh em tôi gọi Bố là Thầy, Mẹ là Mợ, nghe lạc lõng ở chốn quê, nhưng ngầm tự hào như một chứng chỉ gia phong.

       Tôi nhớ ông của 6971 là cụ đồ, còn cha là ông giáo. Cả làng vẫn gọi thày mợ bác là ông bà giáo. Bác có người cha nghiêm khắc. Chắc hẳn ông bác còn nghiêm khắc với cha hơn. Tôi vẫn nghĩ rằng bác chưa có dịp để ý những lúc tình cảm mà người cha tìm cách che dấu. Bao giờ cũng vậy mà !


“Ngày xửa, ngày xưa (không biết có phải thời bà ngoại tôi), hạt thóc to, vỏ trấu làm thuyền, người ngồi lên được, thóc chín tự đi từ đồng về nhà. Con người không biết nâng niu, trân trọng nên thóc tủi rồi thóc giận. Bây giờ Người phải nhọc nhằn một nắng hai sương mới có được những hạt thóc còm, chui lọt mắt sàng”.

       Trời thấy người lười quá, chẳng chịu làm gì cả nên mới làm cho lúa bé lại. Mà lúa bây giờ cũng không tự đi về nhà được nữa. Thế là người từ đó phải vất vả mới có cái ăn. Bây giờ đúng là "thóc to, gạo bé".
Logged

sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #176 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2010, 09:17:36 pm »

19. Chuyện tình cảm hay Khúc riêng tư thứ ba

(Tiếp theo)

Những năm máy bay Mỹ bắn phá ác liệt Miền Bắc, hồi đó  gọi là “chiến tranh phá hoại”, các cơ quan ở thành phố phải sơ tán về nông thôn. Tôi nhớ, quê Bình Xuyên của tôi có 3 cơ quan trung ương sơ tán từ Hà Nội về: Bộ giao thông sơ tán về Bá Hiến, Tổng Cục Đường sắt về Nội Phật và một hay vài khoa nào đó của Bệnh viện Việt Đức về Bảo Đức. Con cái cán bộ sơ tán theo cha mẹ, về ở chung nhà với chúng tôi, học chung trường, chung lớp với học sinh nông thôn chúng tôi. Những năm tháng gian khổ, đùm bọc ấy thật đẹp.          

Tôi có khá nhiều bạn thân là học sinh “sơ tán”, năm lớp 7 là Hoàng Kim Nhị, nhà ở Đội Cấn, bây giờ chẳng biết ở đâu, còn năm lớp 8 là Hồ Kim, nhà ở Khâm Thiên và Trần Trọng Khuê, nhà ở Phan Huy Ích, Hà Nội. Tình bạn của  tôi và Khuê tương đối đặc biệt, trải dài suốt cả những năm chiến tranh.

Tôi quen Khuê hồi 7/1967, trong một đêm trăng, khi 2 đứa cùng dự kỳ thi tuyển vào lớp 8 chuyên toán Vĩnh Phúc. Tôi không đỗ còn Khuê đỗ nhưng lại không theo học vì hoàn cảnh gia đình. Năm sau 2 đứa lại tình cờ cùng học một lớp, lớp 8D, trường cấp III Bến Tre. Cùng chơi thân trong một nhóm còn có Nguyễn Quý Đạt, nhà ở Trần Quốc Toản, cũng sơ tán lên quê tôi.

Từ trái: Nguyễn Quý Đạt, Trần Trọng Khuê và 6971 (1968)

Tôi thân với Khuê, ban đầu là do cả 2 cùng mê toán, nhưng sau thì chính là vì cảm phục Khuê. Do hoàn cảnh, 5 anh em Khuê phải tự thu xếp cả sinh hoạt và học hành ở nơi sơ tán, xóm nhỏ Đê Hến nghèo xác xơ, heo hút. Mới 15 tuổi, nhưng Khuê là anh cả nên vất vả hơn các em. Hàng ngày Khuê phải mài đôi dép cao su cuốc bộ từ nơi sơ tán, xã Bá Hiến, qua Hữu Bằng, Nội Phật rồi Hương Canh, để đến trường ở Mộ Đạo, gần chục cây số đường trung du, đất đỏ đầu ruồi. Một lần đi, lại một lần về, xa gấp ba phần đường của tôi. Thay cha mẹ, lo cho bữa cơm, giấc ngủ và học hành của Bình, Vân, Tuyết, Yến, 4 đứa em thơ ở nơi heo hút núi rừng, vậy mà Khuê vẫn học giỏi, vẫn là tổ trưởng.

Hết lớp 8, Khuê và các em về Hà Nội, nhưng chúng tôi vẫn duy trì tình bạn khăng khít. Khuê thường gửi báo Toán học tuổi trẻ lên quê cho tôi.

Cuối lớp 10 (3/1970), Khuê nhập ngũ, tôi trốn học, từ Vĩnh Phúc về Hà Nội tiễn Khuê. Tôi và cô bạn gái cùng lớp của Khuê bịn rịn vẫy theo Khuê khi xe rời khu đội Ba Đình trên phố Lê Hồng Phong. Chẳng biết bao giờ gặp lại.

“Tất cả mọi con đường đều hướng ra tiền phương”. Hơn một năm sau tôi cũng nhập ngũ. Khi đã cùng là bộ đội, tôi càng hay nhớ tới Khuê, nhớ tới bạn bè thời thơ ấu.

18.11.1971
Đi gác đêm với Lê Minh. Gác từ 2:30 đến 3:45. Đêm êm ả của mùa đông nhắc mình một cái gì đã xa xăm lắm rồi. Trong lòng gợn lên một thứ tình cảm gì khó tả. Thứ tình cảm thường đến khi con người gặp một cái gì hao hao giống như một kỷ niệm.

Cái gì thế nhỉ? Ồ, Khuê đến kìa. Khuê không mặc quân phục mà Khuê mặc cái vỏ áo bông xanh bình dị. Khuê đội mũ lá. Khuê vừa ngủ, vừa cười. Không phải. Hai đứa vẫn thức đấy chứ. Đúng rồi, 2 đứa ngồi trên xe bò gạo, ngồi ở ga Hương Canh, đợi trời sáng. Sao lâu sáng thế nhỉ? Lạnh quá. Từ đây về Phúc Yên còn xa. Lại sắp sửa một ngày học mới. ơ kìa, Khuê đâu rồi? Ai kia nhỉ? à, cô gái ở Tân Phong bữa nào hát bài “Gởi về Quảng Trị”. Còn ai nữa đấy, còn ai ngồi ở cuối toa tàu. Đúng Dũng rồi, … Tất cả, tất cả đều như hôm nay, đều như bây giờ, đều như thanh bình cả.


Một niềm vui sướng ngọt ngào, dịu dàng, êm đềm thường có khi người ta lần tưởng lại quá khứ.

Thế rồi tháng 4/1972, sau 2 năm không gặp nhau, hầu như không có tin của nhau, tôi lại tình cờ gặp Khuê ở Ba Vì, khi tôi từ Hoành Sơn ra học trinh sát binh địa ở tiểu đoàn 74, cục quân báo, còn Khuê đang là cán bộ khung của một đơn vị huấn luyện thuộc trung đoàn Thủ đô. Hai đứa nhận ra nhau trong màu xanh áo lính, trên một đoạn đường đồi, khi 2 đoàn quân đi ngược chiều nhau. Thật là ngạc nhiên, hiếm hoi, tình cờ và có cả sự run rủi, may mắn.

14.4.1972
Gặp Khuê! Cái xác suất rất nhỏ ấy lại có thể xảy ra thật. Khuê mến yêu, chúng ta đều là bộ đội cả rồi! Đi chơi với Khuê một buổi sáng. -Ba Vì.


Rồi cả 2 lại rong ruổi bước chân lính, qua bao sống chết và không hẹn mà gặp lại nhau ở Quảng Trị. Tôi cứ nghĩ Khuê đi “B dài”, đâu đó sâu trong bưng biền Nam Bộ. Thế rồi bất ngờ, hơn một năm sau, hè Bảy Ba, tôi nhận được một tin nhắn rất ngộ: “Có phải Tài ở c20 là Tài Hương Canh không? Nếu phải thì Khuê đang ở c4, d5, e95, f325”. Thật không? Còn sống à? Cùng sư đoàn à? Lính e95 của Thành Cổ Hè Bảy Hai à? Tôi vội vã thu xếp để xuống e95 ngay.

18.6.1973
Niềm vui đến không gõ cửa. Đột ngột bằng một mẩu tin nhắn hờ hững. Mừng vui tưởng đến đứt ruột.

Vẫn còn, vẫn còn một điểm tựa vững chãi ấy, tin cẩn ấy để ta tựa. Mối duyên nợ của T với K là mối duyên nợ giữa T và cuộc đời, trong đó lớn lao hơn cả là cha mẹ, bạn bè, tình yêu nước và yêu khoa học.

Chúng ta viết chữ hoa đầu dòng từ cái đêm trăng say mê Toán đặc biệt. Rồi vun vén, gầy dựng, đeo đuổi cho tới năm thứ 7 (1973) và dài nữa, mãi.

Nhớ K như nhớ năm tháng của đời T. -Trà Liên.

23.6.1973:
Chu trời, Khuê!

Chiến tranh còn để cho lại cho T một khoảng đời để sống. Khoảng đời ấy là Khuê. Khuê vẫn còn! Niềm vui đến ngọt ngào, thơm thảo. Mộc mạc, say mê như thủa nào còn chập chững, mới mẻ.

Nghe Khuê kể lại xấp thời gian vừa qua đi mà thấy rùng rợn rồi lại sung sướng.

Sau những thăng trầm lớn trong đời tư mỗi đứa, chúng ta tìm được đến với nhau vẫn với cái đậm đà, nồng hậu như xưa.

Đến thung lũng vắng vẻ này, kê dép ngồi tránh nắng và gió Lào trong bụi gai phát vội vã (vì thèm nói chuyện ngay), ăn miếng cơm quá bữa, dẫn nhau lên đồi tranh cao, mắc võng ngoài trời, chung hai thân cây, chung cả vòm sao rộng rãi, xôn xao, hàn huyên tri kỷ tới tận phiên gác thứ 3, thứ 4 mới thiếp đi trong rạo rực.

Rửa mặt nơi con suối đục ngầu, phải khoát vội để lớp màng mở ra vội vã một khoảng nước dễ chịu hơn. Rồi lại chia tay nhau khi một ngày mới bê bối việc cần phải làm lại đến. Đứng nhìn nhau khi đã đi qua hẳn ngọn đồi thứ 3 mới lừng khừng quay về. Vẫn thèm thuồng. Còn bao nhiêu là tâm sự nữa.

Chiến tranh đã làm cho Khuê khác đi nhiều. Có một lúc nào đấy hình ảnh trong câu chuyện của Nam Cao vụt đến rồi đi ngay, đi hẳn. T lo lắng rất nhiều về K. Nỗi lo lắng to lớn nhưng hơi mơ hồ và bất lực.
Cố gắng vậy, K nhé. Chúng ta phải kiên nhẫn để tiến đến cái đích chung mà chúng ta vẫn ao ước ấy. T có tội vì đã có một lúc nào đấy nao núng. -Trên đường về.


Từ khi nào không rõ, chúng tôi thề ước dành cả cuộc đời cho khoa học. Không phải là sâu xa, cao vọng, hướng đến những chân trời khoa học rộng mở, mà cũng không cụ thể, rành rẽ,  toán, lý hay hoá, kỹ sư hay bác học. Chỉ mơ hồ, theo khoa học đến cùng. Có sao đâu, những điều thiêng liêng, cao cả thường là mơ hồ. Và cả 2 đã đi qua những năm tháng chiến tranh và trở về chính một phần là nhờ cái nguồn sáng mơ hồ nhưng thiêng liêng ấy.

(Còn nữa ... )
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Chín, 2010, 06:41:01 am gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #177 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2010, 06:54:24 am »

19. Chuyện tình cảm hay Khúc riêng tư thứ ba

(Tiếp theo . . .)

Trong cả 3 cuốn nhật ký thấy nhiều lần nhắc đến hai cái tên viết tắt CH và S. Hai chị em ruột. CH học trên tôi một cấp, hơn tôi 4-5 tuổi, khi còn ở nhà, không chấp tuổi, chơi thân nhau như bạn bè, chẳng giấu nhau chuyện gì. Còn S học với tôi 2 năm ở phổ thông, chơi với nhau vì cùng yêu thích môn văn, năm lớp 7 cùng đi thi học sinh giỏi văn của huyện rồi của tỉnh.

Khi tôi đi xa, những lá thư của CH gửi cho tôi bao giờ cũng đầy ắp những lời dặn dò, coi như tôi còn bé bỏng lắm. Hai chị em thường gửi cho tôi những tin tức về quê hương làng xóm, nhưng biết cách làm mềm đi những gai góc, xù xì, khó khổ, để rồi nhận lại từ tôi những câu chuyện lính nóng hổi đã được thi vị hoá.  

14.11
Nhận được thư CH. Chị lo cho mình, lo nhiều. Chị căn dặn mình giữ sức khoẻ tốt. “Tập, ngủ và nhớ chị”.

Thế thôi ư? Làm sao chiều chị đựoc khi kỷ niệm giữa em và Khuê mỗi sớm mỗi chiều nhắc nhở em.


Cha mẹ, người thân, bạn bè, đằm đậm trong tâm, nhưng tuổi đôi mươi, thế vẫn là thiêu thiếu. Thiếu tình yêu lứa đôi. Bạn bè cùng lứa cứ đùa: “Mày là thằng yêu sớm”. Tự khi nào mà sớm, mà muộn? Cấp II, cấp III, đại học hay khi đã là lính? Tình yêu, như con sóng, ngọn gió, đâu có bờ, có bậc, đâu có hứng được, đong được để biết đã có hay chưa, có từ lúc nào. Liu diu, lăn tăn, ngộ nhận thành “mối tình đầu”, nhưng trắc trở, gập ghềnh là chối bỏ, xem như vẫn phẳng lặng, thờ ơ, bạn bè thôi, đâu đã có gì.

Ngày xưa ấy, cũng đã đã có cuốn nhật ký giảng đường bìa đỏ viết dở gửi lại, em giữ cho anh, như một sợi tơ hờ, rồi cũng chia tay, khăn mùi xoa thêu, tiễn đưa, thư từ, quằn quại, hờn dỗi, nhưng để rồi cứ bồng bềnh, khi thực, khi ảo.          

15.10.1971
Cả buổi trưa cần mẫn, cần mẫn làm mâm tre. Buổi chiều ngồi câu cá. Lại nhớ tới những người thân của mình. Rồi mình tự hỏi mình: Mình có người yêu chưa nhỉ? ờ! Đã bao giờ nghĩ đến một câu trả lời dứt khoát đâu. Nói là có rồi cũng được và nói là dang dở hay nói là “hai bàn tay trắng” cũng được. Kì lạ thật!

Ngồi giở những vật kỷ niệm để nhớ. -Xóm Mạc


Tôi mang theo trong ba-lô rong ruổi chinh chiến chút vương vấn, dùng dằng trong tâm tưởng về bé Lê, học sau tôi 2 lớp, ngày nào trốn mẹ tiễn tôi nhập ngũ. Tôi vô cớ giận em mỗi lần thấy đồng đội nhận được thư bạn gái mà không nhận ra lỗi cả ở phía mình, lỗi là ở kẻ thứ 3: Chiến tranh, để rồi không ít lần tự mình làm khổ mình mỗi dịp sinh nhật em. Bây giờ đã qua rồi, tít tắp mù khơi rồi, thành như người dưng nước lã rồi thì dễ nói, dễ nhận vào, dễ chối ra hơn. Nhưng phán xét thì đừng. Thật là vô duyên khi bây giờ phán đúng sai về tình yêu thiên thần của những ngày tháng ấy.  

27.11.1972
  ...Tu là cõi phúc, tình là dây oan. -Ái Tử.

10.2.1973
Mưa nhỏ, nghĩ vẩn vơ về một miền xa xăm nào đấy của dĩ vãng và thấy nao nao buồn. Quyết định lấy ngày
16.2 sắp tới làm ngày kỷ niệm cái khoảng đời êm đềm kể từ lần cùng Tẩm đi thi học sinh giỏi toán về cho tới …. (khó mà diễn tả được). Hãy cố vượt khỏi những định kiến của người đời, vượt khỏi sự tự ái ích kỷ.

16.2.1973
 Tôi cứ luôn tâm niệm rằng Hãy quên Em đi, hãy quên hẳn cái tình yêu đầu đời ấy đi, mà chưa sao thực hiện được. Em là kỷ niệm êm đềm của đời tôi .  “Ngày Hải Âu” - Quảng Trị.

14.4.1973
 .... Treo hắn vào trước mắt chưa chắc lúc nào ta cũng nhìn thấy hắn, nhưng đã đính hắn vào tâm hồn rồi thì khó có lúc nào không có hắn ở trước mắt. -Trà Liên Tây.


Tình yêu của người lính, của người yêu của lính, đâu phải chỉ “Chàng mơ chinh chiến, thiếp mơ bóng chàng”. Chiến tranh, bom đạn có cách yêu, cách ghét rất riêng. Ai nỡ từ chối tình yêu của người lính trước lúc ra đi, dù chưa chắc có ngày họ trở về. Ai nỡ đón nhận tình yêu của người ở lại khi chắc gì mình đã về. Người đi, người ở đều cư sử tưởng như là nhân đạo, cao thượng, vị tha, nhưng thời gian lại nhìn điều đó như là một sự hoang phí xót xa, nhất là khi chiến tranh đã qua đi, qua đi vĩnh viễn, người đợi vẫn đợi mà người đi không bao giờ về nữa, hay ngược lại người ra đi đã trở về mà người ở nhà đã “nhỡ bước sang ngang”.  

Những năm sau chiến tranh, khi thì được nghe kể, khi được chứng kiến, kể cả chính mình là nhân chứng của nhiều câu chuyện éo le, thương tâm về những mối tình thời chiến, thường là những "Mối tình đầu". Đâu phải cứ hết bom đạn, hết đợi chờ,  gặp lại nhau là thành vợ, thành chồng cho thoả những ngày yêu xa cách, bom đạn. Đâu phải ngày ấy ra đi, tránh ràng buộc nhau bởi một lời ước hẹn, để rồi khi về, “sáo đã qua sông”, mà không day dứt, quằn quại những tháng năm vất vưởng, thậm chí đơn côi dằng dẵng cả phần đời còn lại.

Với người lính, tình ruột thịt, tình đồng đội, tình bạn, tình quân dân, tình yêu, vừa như quả đào tiên, quả nhân sâm, thiêng liêng, siêu thực, cao xa, nhưng cũng cụ thể, bình dị, đời thường, như tấm, như gạo, nuôi cho ta sống qua những tháng ngày ác liệt của chiến tranh và bom đạn.  
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Chín, 2010, 07:12:14 am gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
nguyenquochung
Thành viên
*
Bài viết: 283


« Trả lời #178 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2010, 10:29:14 am »

     Bác 6971 ngày xưa xinh trai gớm, thêm học giỏi mà lại giỏi văn nữa thì các bạn gái tha hồ mà tương tư.
Logged
hatuyenha
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2403


« Trả lời #179 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2010, 11:27:11 am »

Thời trai trẻ của 6971@ mộng mơ thật lại văn vẻ bây giờ vẫn hay.Đọc mà nhớ quá cái thời trẻ trung ấy. Rất cám ơn bạn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM