Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:12:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhật Ký Viết Lại  (Đọc 331354 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
Van_Basten
Thành viên
*
Bài viết: 8


« Trả lời #160 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2010, 02:21:55 pm »

Kỳ thi tuyển sinh năm ấy nổi tiếng với 5 bài toán khó, sau này nghe đồn là do chính giáo sư bộ trưởng Tạ Quang Bửu ra đề. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ 2 trong số 5 bài toán đó. Bài 1: Giải phương trình 3x + 4x = 5x, và bài thứ 5: Chứng minh rằng không tồn tại đa diện có số lẻ mặt mà mỗi mặt là một đa giác có số lẻ góc. Riêng bài 1 ai cũng biết nghiệm là 2, thế mà sau này nghe nói cả miền Bắc chỉ có một người giải được, dù không đúng đáp án. Bạn ấy giải bằng biện luận đồ thị, trong khi đáp án phải là khẳng định 2 đúng là nghiệm rồi chứng minh không tồn tại nghiệm khác lớn hay nhỏ hơn 2. Bây giờ thì dễ chứ trình độ phổ thông những năm Sáu Mươi, Bảy Mươi, toán thế là khó lắm rồi.


  Đề thi của bác 6971 khó thế Undecided, hoá ra bác Tạ Quang Bửu bắt các bác phải chứng minh định lý lớn Fermat (định lý đến giờ GS Ngô Bảo Châu mới chứng minh được bổ đề cơ bản để chứng minh nó): Không tồn tại các nghiệm nguyên khác không x, y, và z thoả xn + yn = zn trong đó n là một số nguyên lớn hơn 2.

Đây chỉ là một trường hợp cụ thể chứ đâu phải là định lý hả bạn? Thế nên mới có trong đề thi tuyển sinh đại học ở nước ta (không ngờ đề có từ thời chú 6971, lớp trẻ sau này thường chỉ biết đến qua bộ đề thi tuyển sinh đại học những năm 9x) chứ định lý nó đòi hỏi khái quát dạng x, y, z cơ mà Smiley
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #161 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2010, 05:22:02 pm »

Nhân thể nói chuyện học và thi đại học thời năm 1970. So với bây giờ, có nhiều điều khác hẳn:

1. Chia làm 2 khối: A (Toán Lý Hóa) và B (Toán Văn Địa), cùng thi một ngày.

2. Nguyện vọng của thí sinh vào trường nào, khối nào thì cứ là nguyện vọng, còn sắp xếp thế nào là do ban tuyển sinh trường, dựa theo ý kiến GV chủ nhiệm.

3. Trước đó, có một kỳ thi riêng cho các thí sinh đi nước ngoài (các nước XHCN), gồm các học sinh khá giỏi và quan trọng nhất là không nằm trong diện "nghĩa vụ quân sự".

4. Trong trường chỉ dạy 2 ngoại ngữ: Nga văn và trung văn.

Kỳ thi năm ấy, báo danh thi khối A của ĐHTH (tất nhiên là Hà Nội) là Zn, số của 6971 là Z63, không biết đánh số theo tỉnh hay toàn miền bắc. Hôm thi toán, thấy quanh mình toàn là học sinh lớp chuyên toán của tỉnh (Trần Phú), thế mà hơn nửa phòng thi ngồi chơi hoặc gục xuống bàn ngủ. Hình như 6971 cũng chỉ làm được 2/5 bài.

Bài toán "fermat", chỉ cần nói nghiệm là 2, không cần chứng minh, cũng được 1/4 điểm.

Phần lý thuyết của đề thi Lý năm ấy rơi vào phần hạn chế khi thi tốt nghiệp: Vật lý nguyên tử. Thí sinh lắc đầu hoài.

Đề thi hóa năm ấy không biết do vô tình hay cố ý mà dẫn đến phải giải phương trình vô định. Đáp số không phải là bao nhiêu gam chất A mà là một khoảng giá trị. Bó tay chấm com.

Vì vậy, điểm tối đa năm ấy là 60 cho 3 môn, không biết có hệ số không, nhưng chỉ cần 17 điểm đã đỗ.        
Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #162 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2010, 09:28:00 pm »

         
17 Gót chân Asin hay là khúc riêng tư thứ nhất

(Tiếp theo ...)   

Nói tới sinh viên mặc áo lính, tôi nhớ nhất câu chuyện tối nào với đồng đội quá cố Đỗ Triệu ở Hà Tĩnh trước đêm tôi ra Bắc học binh địa. Chúng tôi nói nhiều về chính đề tài “lính sinh viên”. Trước đó, tôi biết Triệu là sinh viên, nhưng Triệu thì mới chỉ nghi tôi cũng gốc sinh viên. Triệu nói tới lối sống “kiểu sinh viên” của tôi, điều mà các anh tôi và cán bộ chính trị đại đội sau này gọi là “chất tiểu tư sản”. 

26.2.1973
Mối dây nối giữa mình và Omega có vẻ như ngày càng căng lên. Có lẽ còn căng nữa. Vì mình, vì Omega, hay vì một lí do khách quan nào khác? Có thể là Omega có định kiến với mình về những vấn đề tương tự như có lần Đỗ Triệu đã nói. Điều đó ít nhiều cũng có và vẫn còn ở mình. Cần phải khắt khe với lối sống và nếp nghĩ của mình hơn nữa.-Bờ sông Hiếu.


Ai đấy, nếu không nói là tất cả lính sinh viên, nghĩ quân ngũ chỉ là nghĩa vụ, một nhiệm vụ nhất thời, làm cho tốt, chăm chăm chờ ngày hoàn thành để trở về tiếp tục học tập, thì sẽ còn phải trăn trở nhiều. Giản đơn thì lo khi về đã rơi rụng hết kiến thức, còn học được không. Sâu xa hơn thì sợ nếu phấn đấu tốt trong quân đội sẽ bị giữ lại, “sao gạch” đến trọn đời. Không nói cũng biết, những dòng nhật ký dưới đây chắc chắn phải được mã hoá kỹ càng.     

30.3.1973
Vẫn cái chuyện cực kì phức tạp ấy. Biết xử lí làm sao bây giờ?

Sự phấn đấu và khả năng để rời khỏi quân đội. Bài toán khó giải nhất kể từ khi phải và biết giải những bài toán về đời. -Đông Định.


Lâu lâu lại thấy tự nhắc nhở mình:

17.9
Khoa học là ngày mai.


Nếu gặp lại trong nhật ký bao nhiêu điều, bao nhiêu chuyện rắc rối, khấp khểnh giữa tôi và một vài cán bộ chỉ huy, thường là chính trị viên, thì cũng gặp ngần ấy chuyện đẹp đẽ, cảm động về nhiều cán bộ chỉ huy khác mà tôi gặp trong quân ngũ.

Người cán bộ chỉ huy quân đội đầu tiên để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi là trung đội trưởng thời tân binh, thượng sỹ Tặng, một nông dân mặc áo lính thực thụ, giản dị, nhân hậu, cần mẫn. Điều đầu tiên làm tôi chú ý tới anh là cái tính dễ đỏ mặt. Lính sinh viên bọn tôi quý anh, đôi khi trêu đùa chứ không bướng bỉnh, cãi cọ nhưng rất dễ làm anh đỏ mặt. Giai đoạn trước khi chia tay nhau, tôi thường được ở chung với anh. Chúng tôi hay thủ thỉ những câu chuyện đồng áng, mùa màng. Anh chia xẻ với tôi cả những chuyện rất riêng tư.     

5.12
Đêm qua nằm tâm sự với anh Tặng. Sớm nay anh đi bắt một chiến sỹ đào ngũ. Anh nói chuyện về Ni, cô thôn nữ bữa nào mình gặp đi gánh phân. Ni có chồng rồi. Chồng Ni đang chiến đấu ở chiến trường. Đã 6 năm rồi, Ni sống lặng lẽ, âm thầm chờ mong người chồng từ chốn khói lửa trở về. 6 năm xa. 6 năm chịu đựng. 6 năm không một tin tức gì. 6 năm, đêm nằm trăn trở nghe thời gian cấn dần tuổi xuân đi. Năm tháng nặng nề, dai dẳng, tàn ác.

Anh Tặng kể về vợ chồng anh: ”Vợ tao hâm lắm. Tao chúa ghét cái tính làm đỏm của nó. Nó bắt tao đủ thứ. Tao may bộ quần áo nâu rộng thùng thình. Nó biết. Nó len lén mang đi chữa lại. Thế đã xong đâu. Nó lại kì cục đi mua vải kaki may một bộ phăng mới tinh. Nó lại còn thửa một chiếc nón 13đ và ngồi thêu thêu thùa thùa mấy tối được cái quai. Bực cả mình. Nó kêu mình đi bộ đội, bộ đội làm cho chồng nó già đi. Được ngày phép về, nó đi vay vay mượn mượn được ít thế là bày vẽ đủ thứ. Nào gà, nào vịt, … Bực mình tao bảo: Lần sau tao không về nữa đâu. Nó im. Tao nghĩ thương thương, lại cười. Nghĩ lại ngày mới lấy nhau, suốt ngày 2 vợ chồng chỉ cười. Cứ tới bữa cơm, tao nhìn nó, nó nhìn tao, thế là 2 đứa lại nghĩ đến những chuyện buồn cười đêm trước, mặt lại chín ửng như cà chua chín, thế là cười, nó bỏ ra sân. Hết cười lại vào. ấy thế mà nó thương con đáo để, …”. 

Mình thiêm thiếp ngủ mất khi nào không hay. – Ngọc Kim Long


Sau thời tân binh, nhất là thời kỳ là trinh sát sư đoàn, tôi có nhiều dịp tiếp xúc với các thủ trưởng cấp cao hơn. Sàn sạt trên lời nói và mẫu mực trong cử chỉ, họ là những ông thầy nhưng không phải trên bục giảng mà là trên chiến hào. Sức thuyết phục không phải do ngôn từ trau chuốt, sang sảng mà chính là từ những vết sẹo và mảnh đạn trên cơ thể họ.

Tôi tìm thấy nhiều khoảng khắc thiêng liêng, kính trọng như vậy trong nhật ký khi viết về đại uý Gác của Lớp dự khoá bay, thiếu tá Điện ở Cục 2, “cọp Hớn” hay sư trưởng Duy Sơn của f325.

31.12.1971
Tối, đại uý Gác đến giáo huấn về tư tưởng và lối sống:

Ở đây đòi hỏi có những sự lột xác lớn trong thế giới quan và nhân sinh quan. Hãy rèn luyện đức tính kiên trì, cần mẫn, bền bỉ, dai dẳng và nghiêm chỉnh, cẩn thận, cộng với sự sáng tạo, tìm tòi, linh hoạt của một người làm công tác kỹ thuật để chiến đấu. Khắt khe với mình  từ cách ăn mặc, cách đi dép, cách đội mũ, cách nói năng, … Khắt khe để làm vốn. Xác định ý chí và quyết tâm. Nó sẽ là cái trục của cả guồng máy vĩ đại. Phải từ bỏ những mối quan hệ mang tính “tình yêu lứa đôi”. Trả lại cho khoa học và tổ quốc những phần tình yêu ấy.

Cuối cùng, đại uý chúc và mong muốn lớp trẻ này sẽ trưởng thành cứng cáp. -Bạch Mai.

30.5.1972
Buổi sáng, thiếu tá Điện, phái viên của Cục tình báo, nói với bọn mình: Hãy đừng vác mặt trở về nhìn những người thân thuộc khi mà nhiệm vụ chưa làm tròn. Đi, đi hẳn đi. -Xóm Bơn

28.4.1973
Vầng trán căng lồi như nhấc ra được. Còn đôi tay hiếu động thì vất vả với những điều ông ta diễn tả. Khi ông ấýy nói: “Hãy đừng nghĩ đến chuyện ra Bắc khi mà nước nhà chưa thống nhất”, thì ai nấy đều cảm thấy ông ta nói về chính mình.

Cho đến tận buổi tối, khi ông ta bắt tay mình, mình vẫn cảm thấy như ông ta biết tận ngọn nguồn mọi băn khoăn của mình. Mình khẽ nói: Chào Sư trưởng ạ! Rồi thở phào. -Trà Liên

20.5.1973
Những giai thoại thì như vậy rồi, nhưng còn con người bằng xương bằng thịt và cuộc sống tự nhiên với ý nghĩ và việc làm thì cứ nhìn đấy. Chính ông ta đấy, con người có biệt danh “Cọp Hớn” đấy. Kể cũng hay. Có những tầm vóc ấy cho đời thì mới cắt nghĩa nổi cuộc chiến. Cứ nghĩ mãi về “Cọp Hớn”. -Ban tác chiến sư đoàn.

22.5.1973
Cố tìm ra một dáng dấp về hình thức hay cách diễn thuyết, lập luận hoặc ít ra cũng phải là một cố tật nhỏ nào đấy của ông ta nhưng không thành công. Có một ý niệm dù chưa chắc chắn lắm là ông ta bám rất chặt và rất bền vào chủ đề của câu chuyện, không để nó lan man theo kiểu cóc nhảy. Chẳng hạn như cả buổi sớm ấy ông chỉ nói về 2 điểm: Tinh thần trách nhiệm và tính chặt chẽ của kỷ luật quân đội Nga. Chỉ thế thôi. Và những dẫn chứng mà vị Phó tư lệnh mặt trận ấy đưa ra cũng gọn gàng trong cái bố cục chặt chẽ ấy của ông. Ông nói chậm, đều nên đóng vai trò lớn trong việc hấp dẫn người nghe là ở nơi nội dung sự việc chứ không phải là nghệ thuật diễn thuyết. -Bộ tư lệnh sư đoàn.


Tôi có rất ít dịp trở lại những nơi mình đã từng qua thời còn là lính. Tôi có vài lần gặp lại Chính uỷ Nguyễn Công Trang, tham mưu phó Nguyễn Việt, đều đã tuổi bát tuần, nhưng chưa có dịp nào gặp lại ai trong số những người khác được nhắc tới ở trên. Chỉ có một lần, gần đây thôi, không nhớ rõ là dịp 60 năm thành lập quân đội (2004) hay 30 năm thống nhất đất nước (2005), tôi có thấy sư trưởng Duy Sơn trên tivi, đeo quân hàm trung tướng. Hình như ông đã về hưu. Kể ra gặp lại thì cũng thích, như những lần gặp ông Trang, ông Việt, đã lắm. Nhưng nghĩ lại, có khi không gặp vẫn hơn. Tôi cũng kỳ kỳ, thường ngại gặp lại những thần tượng của mình. Nhỡ đâu, háo hức nhưng khi gặp thì chẳng còn được giống như mình nhớ.
Logged

Nhật ký Viết lại
khanhhuyen
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1957

Cao điểm 1100/85 E2 F3 SV


« Trả lời #163 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2010, 12:19:02 am »

Tôi cũng kỳ kỳ, thường ngại gặp lại những thần tượng của mình. Nhỡ đâu, háo hức nhưng khi gặp thì chẳng còn được giống như mình nhớ.
Cảm giác này sao mà cũng giống nhà em thế,em thì cũng cố tìm,cố lục lọi để biết chứ cũng không muốn hội ngộ và lặng lẽ làm gì được thì cứ làm thôi...Rất cảm ơn bác ! về những dòng ký ức.
Logged

TA LÀ CON CỦA BỐ TA,MẸ TA. - H3/85 - CÁC BẠN ĐANG THẢO LUẬN CÙNG KHANHHUYEN,XIN CẢM ƠN.!
NGƯỜI ....CHIẾN SỸ ẤY... AI ĐÃ GẶP ANH... KHÔNG.. THỂ NÀO QUÊN .KHÔNG.. THỂ NÀO....QUÊN...
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #164 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2010, 08:24:50 am »

Tôi cũng kỳ kỳ, thường ngại gặp lại những thần tượng của mình. Nhỡ đâu, háo hức nhưng khi gặp thì chẳng còn được giống như mình nhớ.
Cảm giác này sao mà cũng giống nhà em thế,em thì cũng cố tìm,cố lục lọi để biết chứ cũng không muốn hội ngộ và lặng lẽ làm gì được thì cứ làm thôi...Rất cảm ơn bác ! về những dòng ký ức.
------------------
Quá đúng với ý nghĩ của hai bác.

Nhiều thủ trưởng trong chiến trường chúng tôi rất quý, có khi thần tượng nữa là khác. Vậy mà sau này cố tìm gặp lại thấy buồn, nghĩ giá không gặp thì hơn. Cơm áo gạo tiền nó làm cho con người ta thay đổi khó lường. Chỉ có gặp hội đồng ngũ, gặp anh em trong đại đội cũ hay chỉ gặp thủ trưởng đến cấp đại đội là vẫn giữ được sự nồng ấm như cũ. Mày tao, anh em thoải mái. Mà phần lớn các cán bộ đến cỡ C không phát triển tiếp, về quê lại lấy đít trâu làm thước ngắm nên cuộc sống vất vả, vì thế mà chất mộc mạc vẫn còn nguyên, dù cũng chật vật quanh chuyện cơm áo gạo tiền.
Logged

sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #165 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2010, 07:57:36 am »

18. Tuổi đôi mươi hay Khúc riêng tư thứ hai

Tôi tròn 19 tuổi (24/11/1971) khi mới mang quân phục được 2 tháng 18 ngày. Nếu không thùng thình trong bộ quân phục màu xanh lá cây, chắc gì trong ngày sinh nhật tôi đã chép những đoạn văn nặng nề, răn dạy của Tolstoi và Gorki về tuổi 19 vào nhật ký. Ngay cả như vậy, thì tuổi 19 của tôi vẫn mơn mởn, dịu ngọt. Có chăng chút cứng cáp, góc cạnh thì cũng chỉ là tự cảnh báo, mơ hồ, về những gì ở phía trước.
 
24/11/71
“Thế ra bây giờ đã không còn có thể đùa cợt với cuộc sống, bây giờ mình đã lớn, bây giờ mình phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì mình làm hay mình nói” Liev Tônstôi.

Đúng là “không còn có thể đùa cợt với cuộc sống”. Giờ cuộc sống đã là do mình, của mình rồi. Mình định đoạt lấy một phần lớn những sự thăng trầm của đời mình.

Sớm dậy, lòng lâng lâng, thư thái, bồi hồi. Một sự may mắn đầu tiên: nhận được thư Khuê. Người bạn đời thân thiết đã hơn 70 ngày không biết tin. Báo hiệu một điều gì đây. Chắc là số phận còn cho mình nối mối duyên nợ với khoa học.

Ngồi 30 phút để nhớ lại những chuyện cũ giữa mình và Khuê. Ôi! Dĩ vãng êm đềm như thơ.

Sau khi ra đình nghe chính trị viên nói về việc dời xóm Mạc, mình về và thực hiện ý định.

Buổi sáng đẹp trời, mình cùng Đặng Hùng, người bạn thân nhất ở đây, ra đồi dẻ. Hai đứa nằm tâm sự. Hai đứa mừng ngày này bằng trái đu đủ mua của dân và phong lương khô dành dụm từ hơn một tháng trước. Trái cây ngọt và phong lương khô bùi. Nằm giữa đồi dẻ, ngửa mặt ngắm da trời xanh thẳm thặm, xanh như ước, như mơ. Thế ra đời lính cũng còn lãng mạn chán.

Trưa ngủ muộn. Giấc ngủ đến lần chần như bắt ép.

Tỉnh dậy khi thời gian đã nhích sang chiều.

Buổi chiều liên hoan với gia đình bác Kính. Bữa cơm kéo dài, 5 người (Mình, Tố, bác Kính, Mẹ bác và Thể - cô gái mảnh khảnh, hồn nhiên) thôi khi đêm đã về.

Đêm. Đi gác. Không gác ở nhà mà lại ra cánh đồng rạ để ngồi. Đồng tháng 10, khi có cơn mưa thaỏng qua nên mát mẻ và rộng rãi.

Giờ đã gần sáng, ngồi ghi vội mấy dòng để đi ngủ.

Đã qua đi một ngày. Mùa thu qua đi hay mùa đông trở về? Hoa ké hồng hồng thắm thiết nở ở vìa rừng, ở ven lũng giờ đã tắt lịm. Đang là mùa hoa dẻ nở, vàng, bung xung, no ấm. Rồi những mùa hoa gì nữa?

Tuổi 19 nghĩ gì mà xốn xang, náo nức làm vậy? Hôm nay là ngày vui lớn - Sinh nhật. Đã qua đi 19 năm rồi. Cái thủa thiếu thời chạy xa dần như cái bóng lúc ngày tà. Hết học sinh, hết sinh viên. Giờ là anh lính chiến.
Hôm nay thấy hôm qua dại dột. Hôm mai lại thấy hôm nay khờ khạo, …. Ngày hôm sau Sống hơn ngày hôm trước. Đi miết mải trên đường đời để nuôi mơ ước ấy ! (?)

Sinh nhật, con gửi về Mẹ Cha trăm ngàn mến yêu của con. Gửi về anh chị và các cháu của mình niềm tin vô tận. Gửi về Khuê, những bạn gần, bạn xa những tình cảm tốt lành.

Tuổi 19: “Này Lecxây, mày không phải là cái mề đay, mày không thể lủng lẳng mãi trên cổ tao, mày hãy đi vào đời mà kiếm sống. Và thế là tôi bước vào đời” M. Gorki. Còn mình. Mình đi vào cuộc đời đa dạng bằng một chân của mình và sức xô đẩy của “tất cả”. -Xóm Mạc.



Tôi rủ Hùng ra đồi dẻ, kỷ niệm sinh nhật bằng một phong lương khô và 1 trái đu đủ. Đấy cũng là lần đầu tiên trong đời tôi có ý thức về sinh nhật và tổ chức mừng sinh nhật. 

Bảy Hai, sau một năm, một năm thật sự đời lính, thấy chân dung mình qua nhật ký đã hoàn toàn khác. Đó là sinh nhật 20 tuổi, lần sinh nhật đầu tiên ở chiến trường.

Tôi giấu mọi người trong đài, âm thầm cùng nhật ký đón sinh nhật trong căn hầm chữ A chật chội trên cao điểm 20 của căn cứ Ái Tử, ngay trong tầm đạn bắn thẳng của địch. Dư âm 81 ngày đêm Cổ Thành và trận phản công của Thuỷ quân lục chiến sang Nhan Biều trước đó mới 20 ngày hãy còn nóng hổi. Những dòng nhật ký tuổi 20 khi ấy không thơm thảo, ngọt ngào, không màu mè, ồn ào mà chỉ thấy âm sâm buồn.     

24/11/1972
 “Nhiều nhỉ ư em, mấy tuổi rồi? Hai mươi, ừ nhỉ, tháng năm trôi! Sóng bồi thêm bãi, thuyền thêm bến, Gió lộng đường khơi, rộng đất trời”Tố Hữu.

Một năm nữa qua đi. Lại nghe 1 lá vàng nữa lao xao rụng. Lần kỷ niệm thứ 20 Tài vẫn là Lính. Tài chuẩn bị chu tất cho ngày này từ cách đây một tháng.

Lần thứ 20 của cuộc đời. Lần thứ 2 của đời Lính. Lần thứ nhất ở chiến trường. Lại một lần nữa kỷ niệm ngày này khi không gần Cha Mẹ.

Thêm 12 tháng là thêm mấy lần hút chết, thêm mấy lần phạm tội ác, thêm sự gian giảo và kiến thức âm đi. -Ái Tử


Suốt thời thơ ấu, cha mẹ nuôi cho ăn học, còn tôi miết mải bám theo các thần tượng. Khác với nhiều bạn bè, các thần tượng của tôi không từ lịch sử hay Tam Quốc, Thuỷ Hử quay về, cũng không có tên nước ngoài dài dòng, đa âm. Thần tượng sống cùng tôi, trên tôi, ngang tôi, không quá cao, không quá xa, chạy theo được, gặp được, hỏi han, chuyện trò được. Dường như tôi không thể sống không có thần tượng, nhưng lúc nào cũng chỉ có một, một thần tượng thôi, như một hình với một bóng. Nhưng bắt đầu cuộc đời quân ngũ cũng đúng đến tuổi muốn vùng vẫy, bứt khỏi chính mình, như là muốn “nhảy qua bóng của mình”.

26.8.1973
Tại sao những cái mà hôm qua mình coi là lí tưởng, là mẫu thì hôm nay lại thấy nó tầm thường và thậm chí còn ngộ nghĩnh nữa. Có phải đấy là qui luật không? Mình lớn lên hay mẫu bé đi, hay là mình ngông cuồng, tự phụ.

Những năm 63-65, mẫu ấy là Rô, 68-71 là Zim, cuối 71- cuối 72 là Bêta, Còn bây giờ thì những mẫu ấy đều lạc hậu cả. Họ vẫn sống cả, vẫn bình thường như xưa. -Trà Liên.


Sinh nhật lần thứ 3 trong quân ngũ, tôi tròn 21 tuổi. Đã thấy trầm tĩnh hơn. Do thời gian hay do ngồn ngộn sự kiện? Nhưng lại thấy dấu hiệu sốt ruột, không rõ là về chiến tranh hay về tương lai của chính mình? Và nghĩ về cha mẹ nhiều hơn, nhân bản, hiếu thảo hơn. 

24/11/1973
Ngày kỉ niệm lần này vẫn đến theo cái chu kỳ tính bằng những gốc ngón tay mà sao T thấy nó thanh thản, điềm đạm lạ thường. Một ngày nắng sau một chuỗi ngày mưa. Qua một mảng mây xơ xướp, tướp ra như nơi vai áo cũ thường đeo súng của người lính, thấy những sợi nắng chảy ra từ đấy. Cũng hao hao như ngày này của 2 năm về trước, khi ngồi dưới tán dẻ và cũng có những hoa nắng lung linh trong ý nghĩ và trên trang giấy. Những bông nắng vẫn của thái dương kính yêu, chuốt qua lá rừng và hôm nay chuốt qua mây.

Thế mà là cả 2 năm qua đi (mất đi thì đúng hơn).
...

Lần này lại mất mát đi, rơi rụng đi nhiều hơn. Bất Lực.

Vớt vát lại một phần dù là nhỏ nhoi thôi đó là việc Khuê tìm đến với mình theo đúng hẹn. Lại được nằm bên nhau 1 đêm. Trong muôn vàn mối tơ nối từ dĩ vãng tới chỗ này, có sợi tơ thắm thiết, bền chặt của T và K.

Hãy vượt lên tất cả nhé.

Lần thứ tư con kỷ niệm ngày này khi xa Cha Mẹ. Bây giờ, cái nghĩa lí lớn lao nhất, sâu sắc nhất đối với đời con là “Bố Mẹ”. Nó là nhịp đập của tim con, gắn bó, ân nghĩa và thường xuyên.

Vẫn cứ phải dành một ít ở cuối trang để nhớ về những trang bỏ ngỏ trong cuốn sổ đỏ. Chẳng biết ghi thế nào về chuyện ấy cả. - Trà Liên.


Khi đó, tôi cũng chưa biết rằng đấy sẽ là lần sinh nhật cuối cùng của tôi trong quân ngũ.

(Còn nữa ...)
Logged

Nhật ký Viết lại
CCBTT
Thành viên
*
Bài viết: 184


« Trả lời #166 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2010, 12:48:36 pm »

Đọc nhật ký viết lại,thấy một phần đời mình trong đó, bồi hồi nhớ lại....Cảm ơn bác nhiều! cuối 73 đầu 74 mình cũng ở cao điểm 20 và sân bay Ái Tử.
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #167 vào lúc: 17 Tháng Chín, 2010, 09:30:31 pm »

18 Tuổi đôi mươi hay Khúc tâm tư thứ hai

(Tiếp theo . . . )

Tôi có những “Tuần lễ Vàng”, tự mình đặt ra cho chính mình, như là: Tuần lễ văn học, Tuần lễ Anh văn, Tuần lễ thuỳ mị, Tuần lễ tiểu đội, Tuần lễ sức khoẻ, Tuần lễ thư từ, tình cảm, ... Dường như có bao nhiêu việc cần làm để hoàn thiện mình, để làm tốt cho đồng đội của mình thì có ngần ấy thứ “Tuần lễ vàng” tương ứng.

Một “Tuần lễ vàng” là bảy ngày miết mải, chân tu, mong đạt chính quả hay chí ít cũng đạt được một điều gì đó. Thử hỏi, một tuần, chỉ một tuần thôi thì làm được gì? Chúng như dấu ấn của một thời hung hăng “dế mèn” của tuổi mới lớn, những tưởng có thể giũa trái đất thành hình lập phương được.

Trong các tuần lễ vàng, có đến 3-4 lần lặp lại Tuần lễ tiếng Anh, có lẽ vì học ngoại ngữ là cách tận dụng thời gian “nhàn rỗi” tốt nhất. Tôi học Nga văn năm lớp 5, bẵng đi lớp 6, lớp 7 không học ngoại ngữ, đến 3 năm cuối lại học Trung văn. Hết 3 năm tụng “Tam tự kinh” ở cấp III: “Chim chích mà đậu cành tre, thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm chính là chữ Đức”, lên đại học, năm đầu, tôi lại chuyển sang học ngôn ngữ của Lê-nin: “I a chính thực là Tôi, Tưi: Anh, Ôn: Nó, Ghe-rôi: Anh hùng”. Thời ấy, hình như ở bậc phổ thông không dạy ngoại ngữ nào khác ngoài ngôn ngữ của 2 anh cả XHCN.

Vào bộ đội, như nhiều bạn bè sinh viên thời ấy, tôi tha cuốn Tiếng Anh của tác giả Vũ Tá Lâm trong ba-lô, vào Trung, ra Bắc, vào Nam, suốt nửa chiều dài đất nước, có lẽ chỉ là theo “mốt”. Tự học một ngoại ngữ mới mà đặt đích từng tuần thì thật là hung hăng, tham lam, không tưởng.   

12.10.73
Chiến dịch tấn công vào pháo đài “E” bắt đầu. Đấy là niềm hổ thẹn của mình. Bây giờ phải gầy dựng lại niềm tự hào. Nơi ấy ẩn náu một trong những kẻ thù chính. Phải đánh, đánh kiên quyết.

Giai đoạn đầu sẽ chấm dứt vào 20.10.

20.10.73
Chấm dứt đợt 1 của đợt “phản công”. Mới chỉ mon men và nhen nhóm lại. Pháo đài vẫn sừng sững, vẫn lì lợm, khiêu khích và cả đe dọa nữa.


Chen lẫn những tuần lễ E (Tiếng Anh) là Tuần lễ Sức khoẻ, Tuần lễ Việc công, Tuần lễ Văn học... Đến bây giờ tôi cũng chẳng nhớ nổi cội nguồn từ đâu mà có những tuần lễ ấy. Chúng chẳng theo bài bản trật tự nào cả. Chẳng rõ là tự đặt ra, theo hứng, hay là theo những bức xúc của đời thường. Mà cũng chẳng ai biết, chẳng ai giúp, chẳng ai kiểm tra, đôn đốc, nghiệm thu. Chỉ có mình và nhật ký, đá bóng là mình, thổi còi cũng vẫn là mình.

Đọc lại thấy có nhiều Tuần lễ vàng khác nhau. Nhiều tham vọng, nhưng chắc chẳng được là bao. Có chăng tỵ teo, được ghi lại trong nhật ký, thì đó là thuộc về những tuần lễ Văn học.

Tôi nhớ rõ, ở Đông Hà có một hiệu sách, mở rất sớm ngay sau Hiệp định Bảy Ba, nằm ngay trung tâm thị xã, gần chiếc lô cốt cao ngất. Sách được chở từ Hà Nội vào. Hầu như chỉ có sách chính trị và một ít sách văn học, chủ yếu là văn học Nga và Pháp. Về văn học, đó đúng là những thứ tôi nghiện, dù phần lớn đã đọc rồi. Vẫn Tolstoi, Puskin, Gogol, Tuocghenhep, Guy de Mopatsang, Banzac, Huygo, nhưng đọc ở chiến trường khác hẳn khi đọc ở nhà trường. Tôi nhớ, có một cuốn sách mà thời học sinh, sinh viên, không khi nào tôi đọc được hết, nhưng không hiểu sao ở Quảng Trị tôi lại mê nó đến thế: Kịch Sexpia.   

22.11.73
Tuần lễ Sức Khoẻ tạm dừng để có được một khoảng thanh thản trước sinh nhật. Mình đã ít nhiều cảm thấy lo ngại khi định mở đợt tấn công tiếp vào pháo đài E.

Công tác bê bối quá làm cho những kế hoạch của mình còi cọc, rời rạc.

Tháng tới sẽ càng hối hả hơn..

Hôm nay thư về cho Cha, anh Bình và Tồ. Cũng bình thường. Sáng nay Ghi, Lạp đi công tác. Mình có ý định dành hẳn một trang viết về Lạp mà chưa viết được.

Pi lại tìm đến với mình. Phát tự ái lên được.. -TL Tây

25.11.73
Tuần lễ "Việc Công" được chú trọng xếp ngay sau sinh nhật.



Có vẻ như trong thời gian thực hiện những đợt diễn tập luồn sâu và chờ đợi triển khai A74 vào tháng 12/1973, tôi không được khoẻ. Thấy liên tục mấy lần “Tuần lễ sức khoẻ” và lo sức khoẻ ảnh hưởng đến đợt công tác địch hậu sắp tới. Mà thực ra cũng chẳng nhớ mình đã làm những gì để hưởng ứng "Tuần lễ sức khỏe".   

5.12
Lại tiếp tục tuần lễ "Sức Khoẻ". -Trà Liên

10.12
Sức khoẻ ở mức báo động. Hãy đừng để cho những lo lắng về sức khoẻ lọt ra ngoài. T.Liên.

15.12
Bây giờ lại phải phân vân quyết định Tuần lễ Văn học hay Tuần lễ Thuỳ mị trước. Hai cái đều cấp thiết và đều nảy ra trong một khoảng trống của bụi rậm.

Chấm đứt đợt gian khổ thứ nhất.

Tuần lễ Văn bắt đầu trước. - Trà Liên.

29.12
  ... Tuần lễ Văn học thu được nhiều thắng lợi. Bây giờ dành mấy ngày ngắn ngủi này để thanh thản đón chào 1974. ...-T.Liên.


Sau này, khi đã trút áo lính, trở về đời thường, đôi khi tôi vẫn duy trì những “Tuần lễ vàng”, như một thói quen từ thời còn là lính. Nhưng cái ngưỡng “Tuần lễ” ngắn ngủn chỉ hợp với thời lính chiến, bom đạn, bỗng đi, bỗng ở, bỗng sống, bỗng chết, đâu có hợp với thời bình. Bây giờ cái ngưỡng “tuần lễ” ấy được nới thành tháng, thành năm, thành dăm năm, có khi cả chục năm.

Tuổi tác tăng dần, sức trẻ giảm dần, những “Tuần lễ vàng” cũng thưa dần, đuội dần đi. Rồi cũng không còn là vàng nữa mà thành bạc, thành đồng, thành gốm. Kỳ ôn thi nước rút, mấy tháng chăng tơ hồng, năm sửa sang nhà cửa, mấy năm lo học vị, học hàm, vài năm kèm con lớn, đỡ con bé vào chuyên, dăm năm yoga. Cũng lần đạt, lần  không, lần thắng, lần thua, nham nhở.
Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #168 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2010, 09:06:56 am »

Đọc nhật ký viết lại,thấy một phần đời mình trong đó, bồi hồi nhớ lại....Cảm ơn bác nhiều! cuối 73 đầu 74 mình cũng ở cao điểm 20 và sân bay Ái Tử.

"... thấy thế hệ mình trong đó, ..."

Cao điểm 20 Ái Tử là "chốt" đầu tiên trong đời chinh chiến của tôi, sau khi vượt Bến Hải vào Nam khoảng 4-5 ngày, cũng là 4-5 ngày sau trận tập kích thất bại của TQLC sang Nhan Biều. Như mối tình đầu, Cđ 20 rất sâu đậm trong tôi.

Cách đây vài năm, tôi lần tìm về "chốn cũ nơi xưa", cao điểm 20 Ái Tử, nhưng không tài nào ghép nối được dĩ vãng, hồi tưởng với hiện tại. Lơ ngơ sợ ai đó hỏi: Bác có lẫn không?

Ấy thế mà trở về Trà Liên Tây, kề ngay với Ái Tử, thì làng xóm vẫn nét xưa, con người vẫn nét xưa với những rặng cau không có tuổi, chỉ vắng bóng áo xanh khoác AK47.


Nắng sớm vườn cau, nắng mới lên

Sân bay Ái Tử kẹp giữa Trà Liên Tây và Ái Tử. Đi theo quốc lộ Một từ Đông Hà về gần thị xã Quảng Trị, thấy đài tưởng niệm Ái Tử bên phải đường thì đối diện bên trái là Sân bay xưa. Đâu đó chục năm trước, các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân lấn dần sân bay. May rồi địa phương kịp "stop", giữ lại được một chút, dài khoảng 1 cây, rộng vài trăm mét, với một đoạn nền đường băng đã nham nhở, đủ vớt vát để mai sau biết thế nào là Sân bay Ái Tử. Tôi đứng bùi ngùi nhìn một khoảng không gian rào thép gai hoang vắng cỏ dại dưới nắng trưa xứ Quảng - Lối xưa xe ngựa, hồn thu thảo, ...

Ngày chúng tôi, c20 f325 đóng cứ ở Trà Liên Tây, anh em lên sân bay bóc những tấm nhôm hợp kim (gọi là duara) trải đường băng về dựng hội trường đại đội. Những tấm "ghi" này dài chừng 3m, rộng chừng 50-70cm, màu xám sáng, phẳng phiu, trong ruột rỗng, thả xuống sông thì nổi, cho trôi theo Thạch Hãn từ Tả Kiên, Trung Kiên về bến làng Trà. Ngoài phần nộp làm hội trường, mỗi tiểu đội "tăng gia" vài tấm về kê thành phản nằm, ngồi, mát rượi.  

« Sửa lần cuối: 18 Tháng Chín, 2010, 12:13:44 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
Mr.Ngan
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 540



« Trả lời #169 vào lúc: 18 Tháng Chín, 2010, 09:56:37 am »

Bác sauchinbaymot kính mến, đọc những dòng nhật ký viết lại của Bác, bọn em cảm thấy xấu hổ quá, cái thời đẹp nhất của đời người chính là cái thời các Bác phải bỏ lại để ra chiến trường chiến đấu để cho bọn em và mãi các thế hệ sau được hưởng trọn vẹn cái thời ấy, thế mà thời sinh viên của bọn em thật là phung phí, học hành chểnh mảng, thấy khó khăn đói khổ là nản chí...đến bây giờ mới thấy hối tiếc..Lớp em học đến năm thứ 2 (1981) cũng có ba anh vào sau, đó là những Anh đang học dở năm thứ 2 thì được lệnh động viên nhập ngũ của những khóa 1971 và 1972, các anh là những tấm gương về học tập cũng như tác phong sinh hoạt, chỉ có điều là đến bây giờ bọn em mới thấy điều đó, còn lúc bấy giờ, bọn em chỉ cho là "mấy ông già chập mạch"...nào đâu có biết được các anh đã phải bỏ biết bao mồ hôi nước mắt, xương máu thậm chí cả các bằng liệt sĩ của đồng đội để cho bọn trẻ sau này nói "chập mach" phải không Bác..Vài lời bộc bạch cùng các Bác. Mong bác sauchinbaymot vững tay bút !
Logged

HOA SIM BIÊN GIỚI
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM