Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:20:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhật Ký Viết Lại  (Đọc 331343 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
q.trung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 450


« Trả lời #120 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2010, 08:22:51 pm »

Ồ! vậy ra vết thương của bạn quá nặng, xin gửi lời cảm thông sâu sắc đến người chiến sỹ dũng cảm, dù biết là chiến tranh thì điều gì cũng có thể xẩy ra, nhưng với một thanh niên trẻ, cả cuộc đời còn ở phía trước, những vết thương như vậy hẳn phải làm bạn đau đớn,  và di chứng còn ám ảnh mãi về sau này, đến bây giờ, bạn đã vượt qua được và chắc còn cống hiến được nhiều cho xã hội và gia đình, xin chúc bạn mạnh khoẻ, vui vẻ và hạnh phúc, xứng đáng là tấm gương cho thế hệ trẻ ngày nay học tập, mong bạn tiếp tục những ký ức sống động của mình.
Logged
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #121 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2010, 08:30:06 pm »

Mình phải xin lỗi Tường, vì vừa đọc thêm bài báo này, chắc là chính xác

http://news.ndthuan.com/viet-nam/2010/07/15/148320-binh-thuong-hoa-quan-he-viet-my-dai-lo-day-chong-gai.shtml

"Anh Phan không tránh khỏi và anh Thạch cũng bị một chút. Anh Phan bị đơn vị cho nghỉ việc và tước bỏ các quyền lợi, các danh hiệu. Đặc biệt là thời kỳ tôi bị xuất huyết não phải nằm viện giữa nhiệm kỳ Chủ tịch nước, anh Phan chỉ còn biết khóc bởi bất lực. Ra viện, trở lại Phủ Chủ tịch, tôi đã khôi phục lại danh dự cho anh Phan, tặng Huân chương cho anh, nhưng lúc đó anh đã suy sụp, đổ bệnh và qua đời."

Những người làm nghề "nằm trong lòng" địch đều hay chịu thiệt thòi.
Hồi trước mình học cấp 3, có cô Thao dạy tiếng Nga là em ruột ông Vũ Ngoc Nhạ. Đấy là chuyện tuyệt mật nên cô Thao không được dạy, chuyển qua trông thư viện đến ngày giải phóng.
Logged
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #122 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2010, 08:45:43 pm »

--
hehe mấy cô y tá tâm lý quá , thấy thương binh đau nên khen hàng họ của thương binh trông cũng được đấy , nếu là em được khen thế thì em sẽ hết đau ngay  Grin
Hỏi nhỏ bác tralientay : các cô ấy khen thật hay chỉ là động viên  Grin
--

Thật là cũng không biết nữa.
Lúc ấy lơ mơ lắm, nên có lẽ mấy cô động viên chứ nhằm nhò gì đâu mà khen.
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #123 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2010, 07:09:33 am »

3. Chuyện Lớp dự khoá bay

Tối 5/1, đại uý Gác công bố danh sách chính thức của tiểu đội dự khoá bay, gồm 9 người. Thế là rõ ai đỗ, ai trượt. Số đỗ tôi chỉ còn nhớ lờ mờ, vì thời gian sống cùng quá ngắn, trong đó có một sinh viên sư phạm toán, tên Trung hay Chung, trắng trẻo, thư sinh, quê đâu đó phía Giáp Bát. Trong 6 người rớt, có 3 đứa là lính “Sáu Chín Bảy Mốt”: Lê Minh, tôi và một người nhập ngũ từ khoa toán đại học sư phạm Hà Nội, tên Hồ Tú Bảo. Ba người còn lại, Đức (Sán Dìu), Cần và Chiêu nhập ngũ từ quê. Rủi mà may, vẫn có Lê Minh bên cạnh.


Chuyện bên lề NKVL

Tối SauChin vừa rồi, những ông "khùng" 6971 (theo cách nói của TTNL) gặp nhau ở quán gió công viên 7 mẫu để "lên đồng". Tiện thể nói nhỏ, hôm qua thấy trên báo nói chính phủ sắp cấm "lên đồng". Lính lên đồng gặp đồng đội xưa thì dù có mê tín cũng có độc hại gì đâu mà cấm, nhỉ.

Gặp lại Hưng, một trong 9 lính bay may mắn trúng tuyển hồi ở Lớp dự khóa bay. Cuộc gặp ồn ào quá, phải gào trong men bia là chính chứ không thủ thỉ được. Lõm bõm nhớ mấy thông tin sau do Hưng ôn lại với TTNL và 6971:

Trong số 15 người từ 325 trúng tuyển vòng sơ tuyển về Bạch Mai, có 5 người của ĐHSP Hà nội: Chung + Bảo (Toán), Hưng (Địa), Chiêu (xyz) và một ai đó nữa. Bảo rụng, về c20, còn lại theo ngạch Bay.

Số trúng tuyển sau được sang Liên Xô (cũ) học, rồi về ém ở một thung lũng cô lập trên Tây tạng, chờ cơ hội. Sát ngày chiến thắng (cuối 3/1975), các vị được bay về Việt Nam, rồi tức tốc dượt theo bộ binh, tham gia giải phóng Nha Trang, Phan Rang, Sài Gòn. Rất sướng, cứ chồm chồm bay từ sân bay này đến sân bay khác của ngụy, sâu dần vào SG, lấy máy bay địch, bom địch, ném vào địch. Chưa kịp hỏi, vậy chứ lính phòng không ta làm sao phân biệt được A37 do địch lái hay do ta lái?

Ở Nha Trang, các vị còn hò nhau lật đổ và đốt cháy chiếc trực thăng đã tham gia vụ đột kích cứu phi công Mỹ ở Sơn Tây năm nào, được bọn ngụy để trong bảo tàng ở sân bay.

Sau này, lớp dự khóa bay với 15 dự tuyển sinh đầu tiên hồi 12/1971, trở thành trường. Hàng năm trường có gặp mặt truyền thống. Ơ, này, thế thì phải mời cả 6 thằng trúng sơ tuyển, sau về c20 nữa chứ. Tất nhiên, lần tới, lần tới. Mà trong 6 đứa trượt bay về c20 thì Cần đã hy sinh ở Quảng trị mất rồi, còn nhiều nhất là 5 thôi.

Hưng hay lính dự khóa bay nào chỉnh sửa, bổ sung mảng này giúp nhé.  
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Chín, 2010, 07:26:45 am gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #124 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2010, 09:38:30 pm »

15. Những ngày quân y viện 43

Từ trạm phẫu tiền phương Ba Lòng, chúng tôi được 2 xe cứu thương của sư đoàn đưa về quân y viện 43, bệnh viện chính của mặt trận Bình Trị Thiên, nằm không xa Quất Xá (Cam Lộ). Tôi được chuyển ngay vào phòng phẫu thuật, bác sỹ xem qua rồi nói không khẩn cấp lắm, xử lý lại rồi tiêm thuốc an thần, chuyển qua hậu phẫu cho ngủ để lại sức.
 
Hôm sau hay hôm sau nữa không rõ, tôi tỉnh dậy, thấy mình như một người lính lạc ngũ. Quanh tôi im ắng, thi thoảng mới có tiếng chân người đi lại nhẹ nhàng. Tôi cất tiếng hỏi về đồng đội, về những trinh sát cùng bị thương. Thấy một giọng nữ Hà Tĩnh hay Quảng Bình trả lời vỗ về: “Chắc anh là mới thôi” (Tiếng Hà Tĩnh chắc là mình: Mình anh là mới thôi). Không hỏi được gì hơn. Không biết tình hình mọi người ra sao, nặng hay nhẹ, chuyển đi đâu hết rồi.

Tôi nằm hậu phẫu khoảng 3-4 ngày, căn phòng nhỏ, mái lá, nền đất, vách nứa, trên mình tôi chỉ phủ một tấm vỏ chăn, không quần, không áo. Mọi sinh hoạt đều nhờ tay 3 o y tá mà tôi chưa biết mặt, chỉ nghe gọi, nghe xưng tên O Nhương, O Thuỷ, O Kim.

Hồi hộp nhất với tôi là hôm bác sỹ cho mở băng mắt. Sau khi thấm cồn, bóc băng buốt nhói, tôi thấy trước mắt mình òa sáng. Thế là còn nhìn được, có mù thì cũng không mù hẳn. Bác sỹ nói cả hai con ngươi vẫn nguyên vẹn, nhưng bị vạt mất hẳn 2 mảng lông mày che nắng che mưa và bị một vết rách sâu, sát mí mắt phải. Nom qua gương thấy kỳ lắm, xấu lắm. Tôi hỏi về vết thương của mình. Bác sỹ nói: “Xấu trai nhưng không sao, vết ở chân cũng nhẹ, chỉ lo vết trên đầu, có vẻ nặng”.                                

Ít ngày sau, tình trạng đã khá hơn, tôi được rời hậu phẫu. Bây giờ mới biết mặt 3 o y tá. Nhương thấp béo nhưng thoăn thoắt, chuyện trò tởi mởi, Kim gầy tong teo, dáng thư sinh, còn Thuỷ như vận động viên cử tạ, cao lớn. Cả 3 đều còn rất trẻ, chắc kém tôi 1-2 tuổi, quê Hà Tĩnh, đáng tiếc không rõ xã nào, huyện nào.  

C20 cử người lên thăm, mang cả thư ngoài bắc gửi vào, cả nhu yếu phẩm lên. Đỡ cảm giác cô đơn, lạc lõng, nhưng quan trọng hơn là qua đó tôi biết tình hình nhóm A74. Anh Ngơi ngồi ca-bin, lộn theo xe mấy vòng xuống vực, bị tổn thương cột sống. Bảo bị vỡ xương hàm dưới. Minh liên lạc bị gẫy 1 chân. Anh Tài cũng bị vết thương ở cột sống. Mấy người còn lại bị nhẹ hơn. Những người bị nặng đã chuyển ra Bắc, Bảo đã ra hẳn Hà Nội, số bị nhẹ hơn về bệnh viện sư đoàn, chỉ một mình tôi, nửa vời, nằm viện 43.

Điều trị ở chiến trường đơn giản, nặng thì chuyển ra Bắc, vừa và nhẹ thì chủ yếu là nghỉ ngơi, lấy sức để trở lại chiến tuyến. Các vết thương của tôi hồi phục nhanh, nhất là vết thương ở hai bên mắt. Vết trên đầu có vể ổn, nhưng nếu quay về học đại học thì coi chừng. Riêng vết ở xương ống chân trái tưởng xoàng lại dai dẳng. Hàng tháng vẫn phải đi nạng, da non không mọc, nước vàng vẫn chảy ra, không khô.

Có lẽ buồn nhất trong những ngày ở quân y viện 43 chính là dịp Tết. Cô đơn, nhớ nhà, nhớ đơn vị. Đêm giao thừa tôi đành ngồi khuây khoả, thở than với Nhật ký, nhưng rồi cũng dở dang.

   


Bệnh nhân nằm viện 43 chủ yếu từ miền Tây ra, lính f324 và f304, đánh nhau vùng Khe Trai và sâu hơn nữa, trong A Sầu, A Lưới, Bạch Mã, Thừa Thiên. Gần như không thấy ai của f325, trừ tôi. Bệnh tình và tình huống bị thương muôn hình muôn vẻ.

Tôi thích câu chuyện hồn nhiên, vô tư của một cậu lính trẻ f324. Cậu ta bị một viên đạn tiểu liên cực nhanh AR15 của địch bắn xuyên từ miệng ra sau gáy mà lạ thay hàm răng vẫn phẳng phiu, đều tăm tắp, không mảy may sứt mẻ. May mà đạn AR15 không phá chứ phải AK thì lối đạn ra ở sau gáy phải toác như cái bát. Anh em đùa: Ai bảo há mồm hô xung phong! Cậu ta gân cổ thanh minh: “Há mồm thở chứ ai hô xung phong làm gì, có hâm à!”. Hàng ngày, y tá dùng chiếc que nhỏ, thon dài như nan hoa xe đạp, đầu cuốn bông, thông từ miệng ra sau gáy, kéo đi kéo lại để rửa vết thương cho cậu, nom như thợ rèn kéo bễ, người ngoài nhìn hãi lắm. Thế nhưng cậu ta suốt ngày cười, nom vô tư và thật dễ thương. Ổn ổn, khô khô là quay vào Thừa Thiên thôi.

Một cậu lính khác không hiểu vì sao lại bị mắc chiếc tăm tre trong dạ dày. Nghe đơn giản, tưởng dễ giải quyết, thế mà phải chuyển ra Đồng Hới. “Ngon” ơ!

Nhưng có lẽ trường hợp một cậu lính trẻ f324 kể sau đây là éo le và tức cười nhất. Không hiểu sao một trong 2 “quả giống” của cậu lọt chuồng, “thoái ngũ” lên khoang bụng, thỉnh thoảng mới “về chuồng”, gây những cơn đau đớn ở vùng bụng dưới. Bác sỹ bảo, trường hợp này dễ ợt, chỉ cần rình khi nào “con giống” về chuồng thì hàn cửa chuồng lại, là xong. Nhớ mãi 2 kỷ niệm về cậu ấy. Một lần, cả bọn đang ngồi chơi tiến lên trong lán thì thấy y tá dẫn vào 2 nữ quân y. Y tá giới thiệu đây là 2 bác sỹ trẻ, từ Hà Nội vào thực tập. Chẳng trách xinh xẻo và trắng trẻo thế. Hỏi han qua loa các trường hợp, đến cậu lính có “trứng thoái ngũ”, cô bác sỹ trẻ bất ngờ yêu cầu cậu cho kiểm tra thực tế ngay tại trận. Cả bọn không nhịn được, cứ ục ục cười trong cổ, trong khi 2 cô bác sỹ nghiêm mặt, tỉnh bơ, khám. Một lần khác, lính cũng đang húm lại đánh tiến lên, cậu ta bất chợt sờ bụng rồi bỏ bài, nằm ngay đơ xuống chiếu và ra hiệu cho mọi người lên báo bác sỹ ngay: Nó về chuồng rồi! Huỳnh huỵch cáng cậu ta lên phòng phẫu. Khoảng nửa tiếng sau đã thấy cậu ta về. Có lẽ tiểu phẫu nên cũng nhanh, chỉ cần khâu tịt cái cổng hậu là xong. Tò mò xúm vào hỏi chuyện, cậu ta bảo: bác sỹ thay chưa xong quần áo thì “trứng” nó lại biến đâu mất, thế là bị mắng oan.      

Có lẽ đối với tôi không còn gì buồn tẻ, vô vị hơn là những ngày nằm quân y viện, còn tệ hơn cả thời kỳ ở tiểu đoàn thu dung cuối Bảy Hai. Lính nằm viện ngày ngày nhận thuốc, khám bệnh, đánh bài, trêu y tá và tán dóc.

Cùng lán với tôi có một thương binh tên Dũng, quê Phú Thọ, thấy gọi là Dũng Thái, chắc gia đình hồi cư từ Thái Lan về những năm 60. Dũng hát rất hay, phần lớn là những bài tôi chưa nghe thấy bao giờ, về thảo nguyên bao la “nhịp nhàng trên yên, vượt qua thảo nguyên, tôi thấy mây xanh in bóng sông xanh…” và đại dương mênh mông “nghe mái chèo vang xa, không biết đâu là bờ, hạnh phúc sẽ đến với người, anh chàng đánh cá ơi”. Đang thời của những ca khúc hào hùng âm vang Trường Sơn thì thảo nguyên và sóng biển nghe là lạ, xa xa. Cứ nghe giọng trầm trầm của Dũng quyện trong tiếng ghi-ta rủ rê, ru ngủ lời một bài hát Nga thời sau Chiến tranh vệ quốc là tôi lại thấy bải hoải: “Đêm hè về ánh trăng vàng chiếu khắp thôn làng. Chiến trường xa không còn tiếng súng vang hờn oán. Giờ anh đi về đâu, hỡi người bạn cũ cùng trung đoàn? Nếu giờ này bạn hiền còn thiếu một gia đình, xin mời bạn đừng ngại ngần về xóm quê tôi. Miền Đông quê phì nhiêu, nông trường tiếng máy cày êm đềm ...”. 

Ở viện, ai nấy khao khát về đơn vị thì ít, ngong ngóng được ra Bắc thì nhiều. Tôi cũng không ít lần băn khoăn, liệu mình có được ra Bắc. Họa hoằn tôi được nghe vài câu chuyện chiến đấu hay hay, hấp dẫn. Nhưng cũng chính những câu chuyện này càng làm tăng cảm giác xa xôi hơn với bom đạn, chiến trường. Những người lính trên chiến hào có mấy khi kể về chiến tranh, về chính mình. Họ thường chỉ kể khi chiến tranh đã qua đi, xa về không gian hay thời gian. Cứ kéo dài cảnh này chắc tôi sẽ quên c20, quên A74 mất thôi.

11/4/74 :  ...
Những ngày ở quân y viện buồn tẻ và hèn hạ, kém cỏi.


Sau Hiệp định Bảy Ba ít lâu, Đông Hà, hay nói chính xác hơn là Cam Lộ, được chọn làm nơi đặt đại diện Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam. Một khu vực biệt lập gồm những dãy nhà tôn gọn gàng, xinh xắn, quanh nhà có lối đi, cây cảnh mang từ Hà Nội vào, được dựng lên sát bên bờ sông Hiếu làm trụ sở Chính phủ Lâm thời, cách viện 43 không xa. Những ngày khoẻ khoắn, tôi chống nạng lò dò ra “Khu Chính phủ lâm thời”, đi ven ven ngoài rào để được đờ đẫn cảm giác Hà thành. Họa hoằn có hôm còn thấy cả ánh điện.

Đâu đó, khoảng giữa 2/1974, ngay trước hay sau tết âm lịch, có đoàn Văn công Công an vũ trang vào biểu diễn phục vụ Chính phủ cách mạng lâm thời và đồng bào khu giải phóng. Anh em trong các lán của viện háo hức từ chiều. Đến tối, buổi biểu diễn mới bắt đầu được màn đồng ca thì có tiếng pháo địch nổ. Pháo tăng tầm từ hạm đội bắn vào, đùng đoàng vài quả cách nơi biểu diễn gần cây số, nhưng cũng đủ làm quân dân nháo nhác và hỏng cả buổi vui.  

Tôi nhớ lâu chuyện này vì đó là lần cuối cùng tôi nghe thấy tiếng nổ của đạn pháo đối phương, pháo vi phạm hiệp định, một thứ âm thanh trước đó như là “cơm bữa” và chắc là sẽ vĩnh viễn trở thành ký ức kể từ tối hôm đó.    
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Chín, 2010, 11:05:50 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #125 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2010, 07:38:08 am »

Chuyện bên lề NKVL

Tôi bị thương ở đầu. Thú thực trí nhớ xuống nhanh lắm. Những gì kể lại được chỉ là do may mắn còn giữ được nhật ký "xịn". Những đoạn "Nhật ký" (In màu nâu, chữ nghiêng, đôi chỗ scan bản gốc) thì trung thực và không cãi vào đâu được rồi. Còn phần "Viết lại" thì cố hết sức mình. Thi thoảng lại có bạn nhắn tin hay alo: ấy nhớ nhầm rồi, không phải là A mà là B cơ.

Có 2 phần thấy trong "Nhật ký" quá cô đọng. Đấy là cuộc hành quân bộ của 9 trinh sát từ hồ Thuyền Quang vào Cam Lộ và vụ A74. Trí nhớ lơ mơ, lờ mờ, nên phần "Viết lại" khó quá. Ngay mình còn thắc mắc với chính mình. Ví dụ: Tên những xóm thôn, những cây cầu vùng Thanh Hoá-Nghệ An trên đường vào? Đường đi của A74 hôm 7/1/74, xuất phát từ Trà Liên, lên Đông Hà, dọc đường Chín, đến đâu thì rẽ vào Cùa, sau Cùa khoảng 2-3km có dừng lại nghỉ đêm ở ven suối (nào), sau đó đi tiếp lên cao điểm (365?), qua đèo thì bị tai nạn, cách xa Ba Lòng ?km. Bây giờ con đường ấy có còn không? Muốn đi lại con đường ấy có được không? Rồi bệnh viện 43 nằm chính xác ở thôn nào (gần Quất Xá), khu Chính phủ lâm thời cũng gần đấy thôi, là thôn nào bây giờ? Có còn gì được giữ lại như là bảo tàng không (ý nghĩa quá chứ).

Xin thỉnh giáo, thỉnh giáo!  


« Sửa lần cuối: 10 Tháng Chín, 2010, 08:03:26 am gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #126 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2010, 04:47:51 pm »


       Cái Avatar của bác SauChinBayMot trông khùng quá !
Logged

Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #127 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2010, 04:53:28 pm »

Chuyện bên lề NKVL

Tôi bị thương ở đầu. Thú thực trí nhớ xuống nhanh lắm. Những gì kể lại được chỉ là do may mắn còn giữ được nhật ký "xịn". Những đoạn "Nhật ký" (In màu nâu, chữ nghiêng, đôi chỗ scan bản gốc) thì trung thực và không cãi vào đâu được rồi. Còn phần "Viết lại" thì cố hết sức mình. Thi thoảng lại có bạn nhắn tin hay alo: ấy nhớ nhầm rồi, không phải là A mà là B cơ.

Có 2 phần thấy trong "Nhật ký" quá cô đọng. Đấy là cuộc hành quân bộ của 9 trinh sát từ hồ Thuyền Quang vào Cam Lộ và vụ A74. Trí nhớ lơ mơ, lờ mờ, nên phần "Viết lại" khó quá. Ngay mình còn thắc mắc với chính mình. Ví dụ: Tên những xóm thôn, những cây cầu vùng Thanh Hoá-Nghệ An trên đường vào? Đường đi của A74 hôm 7/1/74, xuất phát từ Trà Liên, lên Đông Hà, dọc đường Chín, đến đâu thì rẽ vào Cùa, sau Cùa khoảng 2-3km có dừng lại nghỉ đêm ở ven suối (nào), sau đó đi tiếp lên cao điểm (365?), qua đèo thì bị tai nạn, cách xa Ba Lòng ?km. Bây giờ con đường ấy có còn không? Muốn đi lại con đường ấy có được không? Rồi bệnh viện 43 nằm chính xác ở thôn nào (gần Quất Xá), khu Chính phủ lâm thời cũng gần đấy thôi, là thôn nào bây giờ? Có còn gì được giữ lại như là bảo tàng không (ý nghĩa quá chứ).

Xin thỉnh giáo, thỉnh giáo!  



Con đường bác đi là đường 15N đó, không sai tí nào đâu. Em thấy ( Điểm cao 356? ) có lẽ là căn cứ Mai Lộc ( em không phải trinh sát nên không biết độ cao của căn cứ này). Ở Mai Lộc em thấy có căn cứ nhiều lô cốt, tháp canh bằng bê tông, hàng rao kẽm gai 6, 7 lớp cũi lợn, bùng nhùng nhiều lắm. Buổi chiều nghỉ hành quân, lang thang ra xem cái cứ điểm đổ nát này nghĩ đánh nó không đơn giản ( không biết là 304 hay 324 đánh). Sau đó đi xuống sườn dốc thì thấy một nghĩa trang của ta, các ngôi mộ đỏ, bia là những mảnh thùng lương khô duy có một ngôi mộ bia là cái cát tút 130, hàng tên bằng lỗ đinh. Em chỉ nhớ LS đó ở Hàng Bột HN.
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #128 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2010, 12:06:25 pm »

Chuyện bên lề NKVL

Tình cờ phần lớn thời gian trong số 1.111 ngày đời lính của 6971 lại là lính trinh sát. Thì cũng là lính thôi, nhưng nhiệm vụ của lính trinh sát có khác đôi chút so với ở đơn vị chiến đấu. Tùy là trinh sát chiến thuật (cấp tiểu đoàn, trung đoàn) hay chiến dịch (cấp sư đoàn, mặt trận) chiến lược (cấp quân khu, bộ) mà công việc có khác nhau, nhưng nét chung là nhiệm vụ rất phong phú, đa dạng.

Ví dụ, 6971 là trinh sát sư đoàn, cũng đã biết đến những việc như sau: Vẽ sơ đồ mô tả diễn tiến trận đánh đã xẩy ra (trận Nhan Biều 11/1972), vẽ cảnh đồ để chuẩn bị phương án tác chiến (Cảnh đồ cầu Quảng Trị, 11/1972), theo dõi chiến sự nói chung (đài quan sát Ái tử, 11/1972, đài quan sát 108, 1/1973), thị sát chiến tuyến (miền Đông, 3/1973, miền Tây, 8/1973), tháp tùng cán bộ chỉ huy, phục bắt tù binh, khai thác hàng binh, làm quân cảnh trấn áp lính mình ở Đông Hà ngay sau hiệp định, làm quân cảnh trong những ngày Fidel thăm Q Trị, giả làm thành viên phái đoàn 4 bên để trao trả tù binh, mở lớp huấn luyện nghiếp vụ, vẽ bản đồ, đắp sa bàn phục vụ hội nghị tổng kết, luồn sâu trinh sát hậu phương địch, ... Mỗi việc 1-2 tuần đến 1-2 tháng là cùng, đâm ra ở lính hơn 1.000 ngày mà tính đầu việc lại rất nhiều. Kể cũng hay. Các đồng đội C20 cũng vậy, nhiều người tham gia rất nhiều công việc, có khá nhiều chuyện lý thú. Lính trinh sát cũng rất hay được chọn làm liên lạc cho các cấp cao, từ sư đoàn đến quân khu. Những câu chuyện TTNL kể ở "Cười ra nước mắt" là một minh chứng sống động chi tính linh hoạt trong cuộc đời trinh sát. Ở c20 còn có a 12, là tiểu đội trinh sát kỹ thuật. Các bạn ấy cũng có nhiều chuyện ly kỳ bí, khó tin lắm. Giá mà được nghe.    
  
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Chín, 2010, 03:58:13 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
Xê 20
Thành viên
*
Bài viết: 13

Sao và Sao


« Trả lời #129 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2010, 03:33:11 pm »


3. Chuyện Lớp dự khoá bay

Chuyện bên lề NKVL

Tối SauChin vừa rồi, những ông "khùng" 6971 (theo cách nói của TTNL) gặp nhau ở quán gió công viên 7 mẫu để "lên đồng". Tiện thể nói nhỏ, hôm qua thấy trên báo nói chính phủ sắp cấm "lên đồng". Lính lên đồng gặp đồng đội xưa thì dù có mê tín cũng có độc hại gì đâu mà cấm, nhỉ.

Gặp lại Hưng, một trong 9 lính bay may mắn trúng tuyển hồi ở Lớp dự khóa bay. Cuộc gặp ồn ào quá, phải gào trong men bia là chính chứ không thủ thỉ được.

Cũng tối ấy, nghe Thịnh (6971 từ khoa văn DHTH HN) thông báo về tiến trình làm phim "Mùi Cỏ Cháy", gồm các thông tin sau:

- Nhắc lại ý tưởng dựng bộ phim về liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, từ những năm 2005-2006, khi cuốn Sống mãi tuổi 20 đang nổi, và hiện trạng bộ phim bây giờ. Quyết tâm và hứa hẹn "cỏ sẽ cháy" vào dịp 40 năm (6/9/2011).

- Giới thiệu mấy lời của đạo diễn phim: Hoàng Nhuận Cầm

- Giới thiệu mấy lời của quay phim chính (...)

Và Thịnh nhấn mạnh, có ai biết từ đâu ra đời tên Mùi cỏ cháy cho bộ phim không. Tôi cũng tò mò cố lắng nghe. Nhưng, như đã nói ở trên, không thể nào làm im được mấy chục "6971" đang thèm nói, thèm gào các kỹ niệm cũ, không thèm nghe ấy, mặc dù Thịnh cũng gào lên: Im nào, có muốn nghe không, phải im lặng tôi mới nói. Rồi thì chẳng im lặng hơn là mấy, và Thịnh vẫn phải gân cả cổ lên để đọc bài thơ của Cầm, nơi khởi nguồn cảm hứng cho tên bộ phim. Bài thơ ấy thế này:

Phương ấy

Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy
Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai
Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài
Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy
Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn.

Là cái phương sao quá bồn chồn
Đón thư mẹ qua bảy vòng lửa khói
Vết thương đỏ, viên đạn thì sáng chói
Chiếc lá xanh kỳ lạ trút trong đời.

Tiếng mùa mưa hồn hậu đến bên tôi
Tiếng thương nhớ không lời trên tóc mẹ
Tiếng Tổ quốc trên môi khi đạn xé
Tiếng cuối cùng khi khẩu súng nắm trên tay.

Chỗ Hiến nằm - giờ trời trắng heo may
Chỗ Thi ngủ - bình minh rơi tím đất
Mặt trận xưa, đồng trưa đưa cỏ mật
Ơi chiến hào tha thiết tuổi hai mươi.

Cái chiến hào tha thiết ở trong tôi
Xanh thăm thẳm lưng đèo giao thừa tới
Người con gái cõng mình qua đạn xối
Tình yêu thầm, kín lại lối giao liên.

Là cái phương chưa rõ cả mặt em
Chưa khóc kịp bao bạn bè nhắm mắt
Là cái phương nấm mộ người giữ đất
Chớp bên đường như một ánh sao nâu.

Phương ấy dài ngút ngút Cà Mau
Nơi trắng sóng, lá rừng xanh ngắt ngắt
Ôi phương ấy ở đâu tôi cũng gặp
Hát vô bờ chữ Đất, lá cây ơi!

Phương ấy còn ở mãi trong tôi
Ngỡ nâng lấy tay mình, ngỡ như người biết nói
Phương ấy ơi! Suốt đời như dấu hỏi
Trên hai vai tuổi trẻ - trước chân trời.
Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến.


Ai biết gì hơn về bộ phim đang ấp ủ này không?
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM