Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 08:33:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhật Ký Viết Lại  (Đọc 331747 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Xê 20
Thành viên
*
Bài viết: 13

Sao và Sao


« Trả lời #100 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 11:29:25 pm »

Bác Tích tường Như Lệ ơi, xin thêm mấy câu hỏi cho sáng tỏ hẳn cái topic Đồi Chè:
- Đồi đại liên, chắc là có đại liên (ta hay địch), đồi xe đổ (?), đồi xe cháy (?), toàn là tên lính ta gọi các địa danh quanh TTNL thời ấy. Thế còn đồi chè, là vì trước đó nhiều chè, hay là tên địa phương?
- Mô tả Đồi chè địch ở trên, ta ở chân đồi, thực ra là mép sông. Và 2 khu vực trái và phải rộng hơn cũng do ta, nhưng cộng lại cũng vẫn là nhỏ, lẻ loi bên bờ Đông sông TH. Ta giữ như vậy cho đến tận chiến dịch 1975 à?
Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #101 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 11:49:04 pm »

Bác Tích tường Như Lệ ơi, xin thêm mấy câu hỏi cho sáng tỏ hẳn cái topic Đồi Chè:
- Đồi đại liên, chắc là có đại liên (ta hay địch), đồi xe đổ (?), đồi xe cháy (?), toàn là tên lính ta gọi các địa danh quanh TTNL thời ấy. Thế còn đồi chè, là vì trước đó nhiều chè, hay là tên địa phương?
- Mô tả Đồi chè địch ở trên, ta ở chân đồi, thực ra là mép sông. Và 2 khu vực trái và phải rộng hơn cũng do ta, nhưng cộng lại cũng vẫn là nhỏ, lẻ loi bên bờ Đông sông TH. Ta giữ như vậy cho đến tận chiến dịch 1975 à?

       Bác SauChinBayMot à !  Cái tên Đồi Chè thì không thấy trên bản đồ. Hôm 09/7/2010, tôi có vào lại Đồi Chè thắp hương cho Y Hòa Và Chấn Hưng xác nhận lại là dân ở đây vẫn gọi là Đồi Chè. Chủ nhà còn cho biết, ông cụ thân sinh ngày xưa là người trồng chè ở đó nên mới gọi là Đồi Chè. Không biết có thật không ?  Các Bạn của Y Hòa thì gọi nhầm là Đồi Cháy ?!

       Các chốt ở Như Lệ và Tích Tường còn bị địch tấn công một tuần sau ngày ngừng bắn 28/1. Ta giữ vững. Từ đó đến 1975 vẫn là như vậy.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Chín, 2010, 10:33:38 am gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #102 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2010, 10:00:31 pm »

13. Những chuyện lính tráng

Tôi ở trong quân ngũ không lâu, lẹt bẹt đến chức a trưởng, nắm trong tay khoảng chục người. To nhất thì thời làm “hiệu trưởng” binh địa, cũng chỉ bốn chục quân, mà cũng ngắn thôi, chỉ vài tháng. Như vậy gọi là “đầu binh, cuối cán”, chẳng ra quan, chẳng ra lính, cứ coi như lính với lính đi cho dễ gần. Thế mà cũng không ít lần phải bối rối, bất lực, thậm chí bực bội.
 
9.2.1973
Bực mình với 1 chiến sỹ của mình. Nhưng tại sao mình không thể rời bỏ những cái gia trưởng, tầm phào, vặt vãnh, nhỏ nhen, hẹp hòi ấy đi mà tìm lấy cái cao thượng, hào hiệp, độ lượng với những người dưới mình. Cái cố tật ấy đến là dở. -CĐ 108.


Thời kỳ sau lớp binh địa, Minh và tôi trở về với tiểu đội thân yêu của mình. Đơn vị tiếp tục tinh giản, ổn định biên chế và tập trung huấn luyện nghiệp vụ. Một số trinh sát cũ phải chuyển đi, một số lính đặc công (c23) hoặc bộ binh chọn lọc kỹ từ các đơn vị được lấy về thay. Nghe thì có lý, nhưng con người chứ có phải máy móc vô hồn đâu mà chọn cái mới để tốt hơn cái cũ, và thực lòng tôi chẳng muốn tý nào.  

Chỉ trong thời gian nửa năm, tôi lần lượt phải rứt ruột chia tay 2 em út của tiểu đội. Loan nghịch ngầm, hay cãi cán bộ trung đội, đại đội, Chỉ ngoan, nhưng hiền và chậm chạp quá. Cả 2 em phải lần lượt rời c20. Loan có quyết định đi trước, nhưng lại được hoãn để thử thách, nhưng rồi cuối năm vẫn phải ra đi.

Thế là số lính Bảy Ba bổ sung ở Quảng Trị chỉ còn Quách Lâm trụ lại được với a8. Tiểu đội vẫn chủ yếu là các cựu binh gốc Hải Hưng từ thời Hà Bắc: Lạp, Ghi, Quế và Tuấn Anh. Tôi với Tuấn Anh hay thủ thỉ với nhau như anh em ruột.    

22..6.73
Loan đi khỏi A của tôi. Đến một nơi khác. Nơi ấy không có tôi, không có những người như ở đây.

Tôi tránh không chia tay với Loan, bởi cái lẽ rất giản dị: Tôi rất thương Loan. ừ thì bướng đấy, lấc cấc đấy, ngang ngạnh và bồng bột đấy, nhưng chỉ làm tôi thương Loan chứ không ghét. Thương vì Loan nghèo, nghèo về vốn sống, về sự hiểu biết và từng trải. Vốn sống nhỏ nhoi của Loan không đủ cho Loan “xài”. Bao nhiêu mũi nhọn chĩa về Loan. Nhiều lần tôi cố đỡ bớt cho Loan. Nhưng không làm sao khác được. Tôi cố đẩy Loan lên cho kịp với tầm chung, nhưng Loan lại nỗ lực ngược lại. Ngẫu lực bắt Loan quay tròn và văng vào một cối xay khác. ở đấy có những gì đợi chờ Loan?

Tôi buộc lòng phải đồng ý để người ta đẩy Loan đi. Buộc lòng phải dứt đi một đồng đội mà ta coi như em trai. Ta bất lương. Ta tàn nhẫn.

Ghi vội khi Loan đang ngủ. Khi ngủ con người lại càng lương thiện hơn, tội nghiệp hơn. Khi nào tỉnh dậy thì đi nhé. Hãy đi vào nơi mới ấy bằng một thằng Loan mới. -Trà Liên.

29.6
Lại một con chim ngoan, hiền, lìa tổ. Súyt khóc. Thương Chỉ quá quá.  -Trà Liên

11.12
T vừa nhận được tin một chiến sỹ của tiểu đội T sắp phải xa T. T viết những dòng này trước khi viết thư gửi lại cho “con chim non” ấy. ... Dù chỉ là dính líu mà T vẫn thấy mình mắc tội. Lại “đẩy” em đi đâu? T cảm thấy rõ rệt một trách nhiệm vô hình gắn T với Loan. Phải là người nâng đỡ, che chở cho Loan mới phải. Bây giờ T cảm thấy mình luôn là nạn nhân của sự hối hận, mặc dù công bằng mà nói, T cũng đã nhân đạo rất nhiều và từ lâu rồi.



Sau này, khi đã trút áo lính, tôi cũng lại lẹt bẹt, lớp phó, trưởng đơn vị nghiên cứu sinh Việt nam tại một ký túc xá Nga, trưởng phòng thí nghiệm. Cung “quan trường” trong lá số tử vi của tôi hẹp lắm, chỉ muôn thủa “đầu binh, cuối cán”, trong tay trên dưới chục người, chưa bao giờ hơn. Rồi cũng yêu thương, cũng ghét bỏ, nhưng chưa một lần nào gặp lại thứ tình cảm kiểu “lính tráng” như thủa ấy.  

Tình cờ tôi còn gặp biết bao chuyện thú vị khác, cũng là chuyện lính tráng, nhưng là chuyện lính ta với lính địch.

Từ mùa hè Bảy Ba, nhiều lính ngụy vượt chiến tuyến, chạy sang đầu hàng ta, phần lớn là lính trung đoàn 51, sư đoàn 1 bộ binh ngụy trên miền Tây, vùng Tích Tường Như Lệ, đối diện với e95 của f325. Họ là những người lính chốt “sát rào”, vì cũng chỉ có những người lính “sát rào” mới biết đường để vượt qua những bãi mìn dày đặc, ít nhất là ở phía bên họ, có khi do chính tay họ gài. Họ thường bí mật liên hệ trước với lính ta, hẹn ngày giờ địa điểm sang hàng.

Sau khi chạy sang ta, lính chốt chuyển họ lên đại đội, đại đội chuyển lên tiểu đoàn, rồi trung đoàn, sư đoàn. Trước khi giải tiếp lên Mặt trận, hàng binh được đưa về c20 để thẩm định sơ bộ lời khai và tranh thủ khai thác tin tức.

Chẳng hiểu vì sao tôi lại được Ban 2 và c20 chọn chuyên  trách chuyện hàng binh, dù chẳng liên quan gì tới nghiệp vụ binh địa của tôi. Anh em trong đơn vị gọi đùa tôi là “Cán bộ Bình định”, một chức danh của phía ngụy để chỉ các sỹ quan Cộng hoà được cử đi “bình định nông thôn”.    

Trước và sau khi “hỏi cung”, các hàng binh chuyển từ các trung đoàn về tạm sinh hoạt cùng a8 của tôi. Một điều tưởng đơn giản nhưng hoá ra rắc rối. Phải nhận thức hàng binh là những người anh em lầm đường lạc lối, tự nguyện trở về, nhưng cũng phải đề phòng có trà trộn những kẻ “trá hàng”. Coi như anh em trong một nhà, nhưng lại phải dè chừng, phải kín đáo.    

Có nhiều kỷ niệm khó quên về những ngày sống chung với hàng binh. Họ đều quê ở mãi sâu trong đồng bằng sông Cửu Long, nơi tôi chưa một lần đặt chân tới, nơi hồi còn học cấp 3, tôi thường nghe cô Chi giảng “Đồng bằng sông Cửu Long, phải gạt cá mới thấy nước”. Trong số đó, tôi nhớ nhất một người tên Sang, gầy, cao, da sạm nắng gió, gốc nông dân, mộc mạc.

Sang quê Bến Tre, lính trung đoàn 51, sư đoàn 1 bộ binh. Tôi thích thú “tra hỏi” Sang về quê hương Bến Tre, về xứ dừa. Chính Sang cũng không rõ vì sao tôi quan tâm và tỏ ra biết khá nhiều về quê hương anh.
 
Tôi quê Vĩnh Phúc. Thời chống Mỹ, có phong trào kết nghĩa Bắc – Nam, mỗi tỉnh miền Bắc kết nghĩa với một hay vài tỉnh miền Nam. Vĩnh Phúc kết nghĩa với Bến Tre, Hà Nội với Huế-Sài Gòn, Phú Thọ với Long xuyên - Châu Đốc – Sa Đéc. Bây giờ, không phải ai cũng biết sự tích tên trường phổ thông cấp 3 Bến Tre ở thị xã Phúc Yên, rạp chiếu phim Long Châu Sa ở thành phố Việt Trì hay hiệu sách Hà Nội – Huế - Sài Gòn ở góc phố Đinh Tiên Hoàng - Hoàn Kiếm của Hà Nội. Đã có một lần, khi cùng ngồi trên xe khách chạy dọc Bắc Nam, tôi nghe cô gái ngồi ghế trước tôi tò mò hỏi chồng về phong trào kết nghĩa Bắc – Nam hồi chiến tranh: Anh ơi, thế kết nghĩa là liên doanh à? Thậm chí, một thời, người ta đã thay tên trường cấp III Bến Tre bằng tên mới, cấp III Phúc Yên. Tiếc lắm. Sao nỡ làm như vậy với lịch sử. Nhưng gần đây, người ta đã trả lại tên trường là Bến Tre rồi.    

Tôi kể cho Sang nghe chuyện hồi còn học lớp 8, tôi là học sinh trường mang tên quê anh, trường Bến Tre. Trường phát động phong trào tìm hiểu Bến Tre và viết “Thư gửi Bến Tre”. Thư của tôi được chọn đọc trên đài truyền thanh huyện. Tôi còn nhớ một đoạn ngắn, bắt đầu bằng 4 câu thơ Xuân Diệu:

“Lạ thay tình với đất quê hương
Chưa tới chưa thăm mà đã nhớ
Ai hay dải đất mấy năm trường
Đêm ngủ hồn tôi bay tới đó”

"Xin cho em một lần được khoả tay trên dòng Hàm Luông, theo ghe đò mấy anh chị du kích đồng khởi về thăm Mỏ Cày, Giồng Trôm, quê thầy Đồ Chiểu, rồi ngược dòng Cổ Chiên về Chợ Lách, Cai Lậy, dọc ngang 3 cù lao miệt dừa cho thỏa”.


Sang kêu: “Nghe mùi mẫn quá, anh Tài! Nhưng ngược Cổ Chiên hổng có dề được Chợ Lách!”. Thì viết dựa theo sách, đọc nghe cho xuôi tai, cho hay để được đọc trên đài, chứ cả người viết lẫn người nghe đâu có biết sông nào ngược xuôi về đâu mãi tận xứ Bến Tre.

Hôm chuyển Sang lên mặt trận, Sang tặng tôi chiếc thẻ lính bằng i-nốc, nhỏ xinh xinh bằng nửa quân bài tam cúc, với sợi dây đeo cổ kết bằng những hạt i-nốc tròn, nhỏ như hạt tiêu. Sang ngậm ngùi: “Mai mốt chắc ngoài mình thắng. Còn sống gắng dô Bến Tre, tìm gặp nhau cho đã, anh Tài ha!”. Bây giờ thống nhất rồi, tôi còn sống. Sang ở đâu, có lành lặn, bình yên?

Đất nước mình mênh mông, muốn tìm Sang cũng khó. Tôi đã 2 lần qua phà Rạch Mưỡu về tận Bến Tre để được ngất ngây rượu Phú Lễ và đắng ngăn ngắt mật cá kèo sông Hàm Luông. Tới đâu cũng hỏi tìm tên Sang, Sang lính ngụy sư 1. Đất ba cù lao nhiều người tên Sang, nhưng vẫn chưa thấy người mình muốn tìm.

Có một dịp tình cờ tôi quen thân với Phan Thu Thảo, cô sinh viên luật, mặt tròn, mắt tròn, thưa “dạ” ngọt dịu như nước dừa, đặc nét Nam Bộ, dễ thương. Thảo kể tôi nghe những chuyện thời thơ ấu ở ba cù lao xứ dừa, nơi ban ngày là đất, là dân của chính phủ, ban đêm lại của giải phóng, về cái chết eos le của người Cậu là du kích. Còn tôi kể Thảo nghe chuyện hàng binh để hỏi em có tình cờ biết ai tên Sang, lính ngụy cũ, người quê Bến Tre. Em cười: “Tên Sang thì Bến Tre nhìu, chỉ  lính mà đa sầu, đa cảm như anh thì xứ dừa hổng có ai nơi!”.

Một lần khác, thấy một cậu hàng binh đeo lủng lẳng đến 3 chiếc đồng hồ “Thuỷ quân lục chiến”. Sao giàu thế, bay? Cậu ta trả lời rất sỹ: Lính Cộng hoà cha nào chả phòng thân như vầy, anh!  Sạo, cả c20 hơn 100 người mà chỉ 3 người có đồng hồ đeo tay, loại pol-jot của Liên Xô.

Đúng dịp a8 nhận sữa, tiêu chuẩn bồi dưỡng lính trinh sát của mấy tháng, mỗi người được dăm ba lon sữa Thống nhất đã quá hạn. Cậu ta tò mò: Bao lâu được phát 1 lần vầy, mấy anh? Tôi được dịp lên mặt: Tuần 1 lần! Hết lại lĩnh.

Khổ nỗi, hết tuần vẫn chưa có lệnh giải cậu ta đi. Cậu ta còn nằm lại a8 tới cả tháng nữa. Cậu ta không dám thắc mắc, sao tuần này chưa thấy mấy ảnh nhận sữa, nhưng tự tôi thấy cũng hơi kẹt. Thì cũng là sỹ của lính thôi, xấu xa, dối trá gì đâu. Mấy hôm sau lại có thêm 2 hàng binh nữa được giải đến, hoá ra cả 3 đứa vốn cùng 1 trung đội. Hai cậu sang sau thi nhau tố cáo cậu sang trước: Bay đi gua hết cả đồng hồ của mấy thằng, chúng la bay thấy mồ! Tôi cười, độ lượng: Lần sau, sạo cũng phải chừa chỗ để ký tên nghe. Thế thôi, lính đứa nào chả “sỹ”, nhất là với đối phương.        

Thường thì sau khi khai thác thông tin, đại đội bố trí anh em giải hàng binh lên trạm tiếp nhận của mặt trận. Lần ấy, hàng binh không phải là lính quèn mà là một sỹ quan cấp đại đội, nên tôi phải trực tiếp giải lên mặt trận. Tôi chọn Ghi đi cùng.

Chúng tôi xuất phát từ Trà Liên rất sớm. Lúc đầu tuân thủ đúng quy tắc giải hàng binh: tôi đi trước, hàng binh đi giữa, Ghi lăm lăm AK đi sau cùng, dong nhau đi trên quốc lộ 1, như đi quay phim. Nắng lên, thấm mệt. Qua khỏi cầu Ái Tử, quãng có chiếc xe M113 cháy dụi nằm giữa đường thì mưa ập xuống, càng mệt hơn. Thôi chuyển đi ngang hàng, che chung áo mưa, chuyện trò cho đỡ căng thẳng. Cậu hàng binh vác bao gạo và 3 bi-đông nước, Ghi quàng súng qua vai, treo lên lưng cho đỡ mỏi tay.  

Qua Đông Hà, cả 3 rẽ vào chợ, vừa chơi chợ, vừa ăn trưa. Cũng chẳng ai nhận ra trong 3 chúng tôi có một người là lính nguỵ sang hàng ta.

Đến nơi đã sâm sẩm tối, Trạm tiếp nhận hàng binh vừa mới chuyển khỏi Gio Cam lên Cam Lộ từ 2 ngày trước. Tôi quyết định đi tìm chỗ nghỉ tạm qua đêm, hôm sau đi tiếp về Cam Lộ. Thận trọng, tôi tìm đến trưởng thôn, liên hệ nhờ hỗ trợ. Ông chỉ hứa tạo thuận lợi chỗ ngủ, ngay tại nhà ông, còn chuyện trông coi hàng binh trong đêm thì ông lắc đầu, mấy chú tự lo.

Lụi hụi cơm nước. Tối ngủ, Ghi và tôi, võng 2 đứa 2 bên, kẹp võng hàng binh ở giữa, súng nằm cùng võng với tôi. Ngủ nhưng phải canh chừng động tĩnh, từng mắt lân nhau nghủ thôi, đừng ngủ liền cả 2 mắt.

Cả ngày đi, dính nắng, dính mưa, thấm mệt, đặt lưng xuống đã nghe cậu hàng binh và Ghi ngáy đều đều, tôi thì cứ xoay mình trong võng, vừa lạnh, vừa lo, lo cứu cuốn nhật ký cả ngày bị dầm mưa ướt nhoè nhoẹt, lo thức coi hàng binh.            

8.11
Cố gắng gìn giữ mãi mà không đặng. Khôn ba năm dại một giờ. Chỉ một giờ chót dại mà cuốn sổ bị ướt đầm. Ân hận.

Đưa hàng binh sang tới trạm. Một ngày mưa ác liệt. Cặm cụi đi trong gió và mưa. Đêm dừng lại ngủ ở một xóm nhỏ thuộc Gio Linh. Một đêm ngủ chưa từng chịu. Hầu như không ngủ được. Lạnh. Lo lắng. Mông lung trong những ý nghĩ thiên về lãng mạn.

Sáng ra lại đi. Mỏi mệt quá. Hao hao giống cảnh phim nào mình đã xem. Có thể là “Hai người lính”, cũng có thể là “Người thứ 41” và những sự co kéo qua lại giữa nhân tính và giai cấp tính.



Tôi còn nhớ một kỷ niệm bi hài, liên quan tới một “hàng binh” đặc biệt. Trưa hôm đó, khi xuống bếp ăn đại đội, chúng tôi thấy một thông báo rất “giật gân” ở bảng tin: “Bộ binh vừa bắt được một thám báo, đào tạo  và huấn luyện ở Mỹ về”. Cả đại đội sôi nổi. Sộp thế!

Chắc lại có việc cho mình đây, tôi chuẩn bị sẵn sàng. Anh Ngơi bảo tôi: Cậu chuẩn bị sẵn đi, chờ anh Vũ rồi cùng xuống thẳng đơn vị bộ binh nơi bắt được thám báo. Chắc cánh bộ binh đang tranh thủ khai thác nóng ngay tại chỗ.

Tôi háo hức đợi. Cả buổi chiều vẫn không thấy anh Vũ xuống. Đến tối thì anh Ngơi báo tin: Bộ binh họ xử lý xong rồi. Tra hỏi gì thám báo cũng chỉ một mực: “Thám báo học Mỹ về, phải giải hẳn ra Hà Nội, chỉ khai với cấp cao”. Hỏi vũ khí, điện đài đâu mà chỉ có tay không. Cậu ta chỉ ra mấy hố bom ngập nước. Lính chốt mò ngang, mò dọc, hết hố nhỏ sang hố to, chẳng thấy điện đài đâu. Lính ta sôi tiết, nhân lúc vắng cán bộ chỉ huy liền nọc ra tẩn cho một trận, này thì thám báo này, này thì học ở Mỹ này. Muốn đến đâu thì đến.

Hoá ra thám báo ở Mỹ về mà kém chịu đòn, đau đến thân là thông thốc khai ngay: “Em là lính mình, em là lính mình, trong Thừa Thiên ra, xin thề! Nhớ nhà quá, em khai nhăng cuội để được giải thẳng ra hẳn Hà Nội. Chịu kỷ luật rồi em hứa lại xin  vào ngay, xin thề”.
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Chín, 2010, 10:15:40 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #103 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2010, 07:43:53 am »

2.“Kẻ thù buộc ta ôm cây súng!”


Cuối năm 1971, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt và quyết định. Ta và địch đều dốc lực. Miền Bắc tổng động viên, huy động nhập ngũ cả sinh viên và giảng viên, lực lượng vẫn được xem là vốn để dành cho tương lai của nước nhà. Phải có hôm nay mới có ngày mai. Đó là ngày 6/9/1971 lịch sử. Nhiều nghìn sinh viên, giảng viên đã rời giảng đường, nhập ngũ.

Những người ngày ấy ra đi, sau còn sống trở về, lập nên “Hội Sáu Chín Bảy Mốt – 6/9/71”. Có cả những đàn anh đi trước, như anh Phạm Tiến Duật, lính Sáu Tư, những đàn em đi sau, như bạn Lê Xuân Tường, lính Bảy Hai, cũng xin bằng được một “Suất Bảy Mốt”. Hội lính tráng, có quyền lợi, bổng lộc gì đâu mà “suất”, mà xin, cứ đầu tháng Chín, sau Quốc khánh ít ngày, nhớ ới nhau một câu, thế thôi, là lại có dịp nhâm nhi vui buồn, dưng dưng, ăm ắp kỷ niệm lính.

 
Năm ấy, tôi đang nghỉ hè ở quê thì nhận được giấy báo lên trường tập trung. Biết chắc là sẽ “đi bộ đội”. Thế là chào Thầy Mợ và em gái, không mời mọc, cỗ bàn liên hoan, cũng không bịn rịn nước mắt, tôi xuôi Hà Nội.

Mùa hè năm đó có lũ lớn, đê sông Hồng vỡ ở Cống Thôn, quê tôi lũ tràn bờ thuỷ lợi, mênh mông nước. Bé Lê, học sau tôi 2 lớp, trốn mẹ tiễn đưa tôi hơn hai chục cây số theo quốc lộ 2 trên chiếc xe Phượng Hoàng xích hộp. Đến quãng đường ngập nước đâu đó gần Xuân Canh, 2 đứa chia nhau trái na cuối vụ rồi chia tay, em tần ngần quay về còn tôi đi vòng vèo tiếp lên đê ven Đuống, về Hà Nội. Lên văn phòng khoa, thấy có tên mình trong danh sách 17 người của lớp Lý 1 (lớp B1), thế là đi. “Tiền tuyến gọi”, như tên một bộ phim nổi tiếng thời đó. Chỉ cần đủ sức khoẻ, không phải diện chính sách, không phải con một, trúng tuyển là đi. Không ồn ào, hô hét, chỉ thoáng bịn rịn, bâng khuâng. “Nghĩa vụ quân sự”, không cần huyết thư xin đi, cũng không có đơn xin ở lại. Thật sự tự nhiên, nhẹ nhàng như hơi thở.


"Giấy báo nhập ngũ" -
Ngày ấy là: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ... Ủy ban hành chính xã ...


Lại đến mốc Sáu Chín, nhưng không phải là Bảy Mốt mà là Một Không. Ai tình cờ ra đời ngày ấy, giờ đã tròn 39 tuổi! Cho đến giờ tôi vẫn không tìm thấy con số chính xác có bao nhiêu sinh viên đã nhập ngũ ngày này năm ấy, để đổi đời, từ SV thành lính. Nghe nói 3.000, nghe nói 10.000, ... Hơn chứ! Làm gì đến!

Tôi chỉ biết một góc nhỏ: f325, thậm chí một góc rất nhỏ: e101, f325. Ớ đấy có 2 tiểu đoàn SV, tiểu đoàn 5 và tiểu đoàn 6. Trung bình, mỗi tiểu đoàn 450-500 người, vậy là khoảng 900-1000 SV ở 101/325. Còn các e khác của 325? Còn các f khác trong toàn quân? Còn các binh chủng khác, như CAVT, ...?

Các "6971" ơi, hãy thử lên tiếng, thử giơ tay: "Có Tôi, 6971!" để ước lượng xem ngày ấy bao nhiêu người đã rời giảng đường khoác áo lính. Tôi cược con số: 6.971 người.

Chúc các 6971 sức khỏe và mọi sự tốt đẹp.   
Logged

Nhật ký Viết lại
Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #104 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2010, 07:49:10 am »

Chúc mừng các bác 6971 sắp " lên lão ". Mong được nghe nhiều câu chuyện của các bác.
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #105 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2010, 05:13:06 pm »

14. Nhóm trinh sát luồn sâu A74

Chiến tranh vẫn âm ỉ, rình rập. C20 tranh thủ triển khai huấn luyện. Đại đội cử người ra Cục 2 học thêm về nghiệp vụ trinh sát võ thuật, trở về mở lớp huấn luyện, quăng quật nhau huỳnh huỵch ngoài bãi tha ma đầu thôn, gần hói Bái. Đã gần 1 năm sau Hiệp định, chẳng ra chiến tranh, cũng chẳng ra hoà bình ngay trên đất Quảng Trị. Công việc thì càng ngày càng có vẻ buồn tẻ hơn, ít nhất là với tôi.

Đầu tháng 12, tôi vinh dự được đi dự “Đại Hội Thanh niên Quyết thắng” của các đơn vị trực thuộc sư đoàn. Mới từ đại hội về c20, còn đang buồn vì không có việc thì ngày 7/12, đại đội gọi tôi lên nhận nhiệm vụ mới.

Lên nhà ban chỉ huy đại đội, thấy có cả Hồ Bảo (trung đội trưởng), Lục (tiểu đội phó), Anh Tài (tổ trưởng), Minh (liên lạc) và Nguyệt (thông tin trinh sát). Mấy anh trong ban lãnh đạo đại đội cũng có mặt. Nhìn lực lượng và nét mặt lãnh đạo, tôi đoán có việc hệ trọng. Anh Ngơi phổ biến nghiêm nghị và ngắn gọn: “Sư đoàn lệnh cho c20 triển khai phương án diễn tập luồn sâu. Mục đích để nắm vững các kỹ thuật trinh sát cần thiết, chuẩn bị tổ chức luồn sâu vào hậu phương địch. Đây là nhiệm vụ quan trọng và vinh dự, là mũi đột phá đầu tiên chích sâu vào hậu phương địch, đúng theo vai trò, chức năng của trinh sát. Lãnh đạo đơn vị lựa chọn, Ban 2 và sư đoàn đồng ý cho thành lập nhóm “diễn tập luồn sâu”, gồm 6 đồng chí. Đồng chí Bảo là nhóm trưởng, phụ trách chung, đồng chí Tài là phó, phụ trách binh địa. Đã rất gấp. Bắt đầu từ hôm nay, nhóm luyện tập theo chương trình riêng, do Ban 2 và đích thân đại đội trưởng chỉ đạo”.

7.12
Hãy đi vào sau lưng địch. Những bí hiểm đang thúc gọi. Trà Liên, ngày nhận phương án Diễn tập luồn sâu.


Nhiệm vụ luồn sâu liên quan nhiều đến kỹ thuật binh địa và ngụy trang. Chúng tôi tiến hành diễn tập dưới dạng các đợt “luồn sâu” ngay trên đất mình. Thông thường, anh Ngơi chọn và cho biết toạ độ xuất phát và toạ độ tập kết, cách nhau chừng 10-15 cây số, quanh quanh vùng Ái Tử, từ bờ sông Lai Phước tới bờ sông Thạch Hãn. Sau khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi xem xét kỹ trên bản đồ, hội ý và lựa chọn đường đi. Chập tối hoặc tối khuya xuất phát, thường đi suốt đêm, gần sáng đến nơi, chọn vị trí, đào hầm và ngụy trang. Cũng may, những đợt tập căng thẳng nhất (10-20/12/1973) lại rơi vào cuối tháng (16-26/11 âm lịch), nên nửa đêm về sáng có trăng.
 
Có 2 điều chúng tôi phải đặc biệt lưu ý. Một là sẽ phải cắt phương vị đi xuyên rừng, xuyên đồi trong đêm trên vùng đất Quảng Trị la liệt bom bi, mìn và đầu đạn M79 chưa nổ, chờ nổ. Hai là phải lựa chọn đường đi để trong đêm không bị chạm trán, thậm chí ăn đạn lính gác của các đơn vị khác. Sáng sớm, một toán quân xanh của c20 sẽ đến sục sạo quanh toạ độ tập kết, nơi chúng tôi phải đào hầm hay chui rúc trong bờ bụi, réo gọi hú hoạ: “Thủ trưởng Bảo, thủ trưởng  Tài ơi, nhìn thấy rồi mà, ra đi!”. Nếu không bị lộ, chúng tôi chỉ ra khỏi chỗ ẩn náu khi có hiệu lệnh còi.

Yêu cầu phải hạn chế tối đa đi trên đường mòn, nhất là cầu cống. Dù chọn tối ưu đến đâu thì việc đường đi cắt sông, cắt suối là không thể tránh khỏi. Một đêm ít ra phải bơi qua sông vài lần. Quân trang, súng ống gói vào phao bơi, trần truồng lội xuống sông bơi vào những đêm khuya tháng Một, tháng Chạp, dù là Quảng Trị không lạnh cắt da, cắt thịt như ngoài Bắc, nhưng cái lạnh của nước sông sâu cuối đông đến bây giờ nghĩ lại vẫn thấy gai gai. Đã uống nước mắm mà vẫn nghe rõ tiếng răng lập cập của cả mình và đồng đội. Ngồi nấp trong bụi rậm tránh quân xanh, vẫn còn ghi được nhật ký, nhưng thấy như còn khổ hơn cả khi còn bom đạn ác liệt:

11-14/12
Có lẽ hàm số “Đời” lấy những giá trị “Min” ở thời điểm 12, 13, 14-12 của đối số “Tê”. -Bờ bụi.


Một lần khác nhóm xuất phát từ phía đồi, gần Xê-Kim-Tát, điểm tập kết là một cánh đồng ven Thạch Hãn, gần gần Đại áng, khoảng giữa Trà Liên Tây và Đông Hà. Không rõ có phải tôi cắt phương vị sai không, nhưng càng đi càng thấy nước, mênh mang, loang loáng dưới ánh trăng mờ. Chúng tôi bám nhau lội bì bõm. Quá nửa đêm, căn theo phương vị là phải đến nơi rồi, nhưng bốn bề vẫn là nước. Chúng tôi đứng chơ vơ trên một khu mộ. Nao núng, hoang mang. Tôi khẳng định đã đến đúng toạ độ. Nhưng không thể đào hầm trên mộ được, đành quây quanh mộ ngủ gà ngủ gật đợi sáng. Thì ra anh Ngơi cũng chỉ “quan liêu” ra bài trên bản đồ, chọn một cánh đồng địa hình bằng phẳng, không ngờ rằng khi đó cánh đồng đang mênh mang nước.

Trong khoảng thời gian 2 tuần từ khi nhận “phương án luồn sâu”, chúng tôi thực hiện được 3-4 lần diễn tập, lần sau khó hơn, khổ hơn, phức tạp hơn lần trước. Câu của miệng của lính là: Thao trường đổ mồ hôi cho chiến trường đỡ đổ máu. Vẫn biết thế, nhưng ngán tập lắm rồi. Sau đợt diễn tập cuối cùng, nhóm được thông báo “mật”: ngày 27/12 sẽ “xuất kích”. Mọi thứ luôn trong  tư thế sẵn sàng. Nhưng rồi vì một lý do nào đó, giờ G đã thay đổi. Lại thêm những ngày phấp phỏng chờ đợi. Tôi tranh thủ viết thư về cho gia đình, một lá thư chúc tết, đằm tình cảm, nhưng bóng gió xa xôi đến trường hợp sau đó rất lâu sẽ có thể không có thư nữa. Và không ngờ điều bóng gió đó lại đúng.    

29.12
Lại xếp tiếp một ngày nữa - ngày thứ 2- vào trong xấp những ngày đợi chờ, hồi hộp. Phương án luồn sâu lẽ ra theo kế hoạch phải được mở khoá từ 27.12. Có gì khó khăn ư ? Sao lại thay đổi, sao lại ngừng lại ?

Viết thư mừng xuân về cho gia đình. Cảm thấy bức thư vừa rồi rất thoải mái mà nhân hiếu, mà diễn đạt được nhiều điều.

Tuần lễ Văn học thu được nhiều thắng lợi. Bây giờ dành mấy ngày ngắn ngủi này để thanh thản đón chào 1974.

Đêm qua rất tiếc vì quên không dậy đón xem sao chổi Côhutếch, điềm của thời đại.

Đơn vị bâng khuâng trong những công việc lung tung, chờ đợi. Thời gian và công việc như chỉ là lấp chỗ trống. Nôn nao.

Cái nguồn sáng phía trước hư hư, ảo ảo. -Trà Liên.

3.1.1974
Thời gian bị băm vụn ra và dồn dập. Lúc nào cũng nhìn thấy cả một kho việc tồn tại. Luồn sâu, chia tay với Tuấn Anh, chuẩn bị vật chất, chia tay trước với Việt, xem kỹ phần bản đồ, tăng gia, viết mấy bức thư, đọc ngấu nghiến tác phẩm Ôtenlô và định ghi vài dòng cảm nghĩ về vở kịch vào nhật ký, …

Cứ tất bật liên tục như dã tràng. Bây giờ là buổi chiều, ngồi sau ngôi nhà đổ. -Trà Liên.



Tôi không ngờ những dòng nhật ký viết sau ngôi nhà đổ chiều 3/1 lại là những dòng nhật ký trọn vẹn cuối cùng được viết trên đất Quảng Trị. Bao nhiêu sự kiện dồn dập đã xảy ra sau đó nhưng tôi không còn ghi lại được nữa, ngay cả khi cố gượng viết vào đêm giao thừa ở Quân y viện 43. Phải mãi đến tận 11/4, khi đã nhận quyết định tạm biệt f325, tôi mới lại viết tiếp được, nhưng không còn là nhật ký nữa mà đã thành hồi ký.  

Đêm Giao thừa (22.1.74):  
Lại viết sau nhiều đêm, nhiều ngày muốn viết mà không viết được. Hai chục ngày mà đủ sự việc, đủ ý nghĩ để kéo giãn ra đủ cho hai chục tháng, hai chục năm. Những điều muốn viết ...

Đành bỏ dở vì ánh sáng và đầu óc. -Quân y viện 43 -Cam Lộ.

11/4/74
Những gì đã xẩy ra ở những trang cuối này? Sao lại có vẻ uể oải, gián đoạn và bí hiểm thế?


Ngày 5/1/1974, Anh Ngơi và Hồ Bảo lên Sư bộ nhận lệnh. Chiều về, nhóm “Luồn sâu” họp khẩn cấp nghe phổ biến:

1. Tư lệnh trưởng sư đoàn, ông Duy Sơn, chính thức giao nhiệm vụ và đặt mật danh cho nhóm trinh sát là A74, do Hồ Bảo  là trưởng nhóm, tôi là phó, anh Ngơi trực tiếp theo dõi, chỉ đạo;

2. Sáng 7/1 được ấn định là giờ xuất kích của A74, xe ô-tô của sư đoàn sẽ đưa đến một vị trí trên chiến tuyến miền Tây;

3. Nhiệm vụ chi tiết sẽ được anh Ngơi phổ biến tại điểm xuất phát trên miền Tây.

Tôi cũng hơi bực. Đến tận giờ này, sát nút rồi mà tôi, người chịu trách nhiệm chính về binh địa, vẫn chưa biết sẽ luồn sâu vào khu vực nào. Đành cứ “cày suông” trên bản đồ, đến nát các toạ độ phía địch trên miền Tây.

Chúng tôi còn một ngày để hoàn tất mọi việc, nhưng phải đảm bảo bí mật tuyệt đối, thậm chí cả với lãnh đạo, trừ anh Ngơi. Sáng 6.1 nhóm chụp  ảnh kỷ niệm cùng với anh Ngơi và mấy chiến sỹ dự bị.


Ảnh chụp nhóm A74 trước khi xuất kích
(Tính từ bên trái) Nhóm A74 gồm 7 người: Anh Tài- Tổ trưởng (1), Lục-Tiểu đội phó (3), Nguyệt- Thông tin (6), Chinh - trinh sát e95 (7), Tiến Tài - A trưởng, phó toán (8 ), Minh - Liên lạc (9) và Hồ Bảo-B trưởng, trưởng toán (10).
Cùng đi: Đại đội trưởng Đinh Ngọc Ngơi (5), Tất- Y tá (11)
 

Để không gây chú ý của dân làng, sáng 7.1, đại đội cử 4 nhóm đồng thời xuất kích đi công tác xa, theo 4 hướng khác nhau, đều ba-lô, súng ống, nom nhang nhác như nhau. Riêng nhóm A74 sau khi đi khỏi làng Trà Liên, ra quốc lộ 1 có ô-tô chờ đón, 3 nhóm còn lại hành quân bộ, dã ngoại đâu đó, tối quay về đơn vị.

Tham gia A74, ngaòi 6 người của c20 còn có chiến sỹ trinh sát Chinh của e95, vừa tốt nghiệp lớp binh địa mấy thàng trước và là đại diện cho trinh sát Miền Tây. Đi cùng chúng tôi còn có đại đội trưởng Đinh Ngọc Ngơi, anh Xích, trợ lý Ban 2 và một vài chiến sỹ, hoặc có vai trò dự bị, hoặc để hỗ trợ, đó là các trinh sát Hoạch, Ngạc, trinh sát thông tin Thứ và y tá Tất.

Theo lộ trình, xe ngược quốc lộ 1 về Đông Hà, rồi theo lộ 9 lên Cam Lộ, rẽ trái vào Cùa, leo đèo vào Ba Lòng, từ đó hành quân bộ lên chiến tuyến. Qua khỏi Cùa, chúng tôi nghỉ lại 1 đêm trên một bãi rộng ven suối để rà soát một lần cuối. Mấy đứa tranh thủ tắm. Tôi nhớ con suối nhỏ rất trong và nhiều cá bống. Đêm đó là rằm tháng chạp, trăng tròn nhưng nhạt và có tán.

Chập tối mấy đứa xin phép anh Ngơi quay ra Cùa xem văn công quân khu, nhưng chẳng hiểu sao buổi biểu diễn lại bị hoãn. Gần sáng trời trở mưa. Với tôi, ngày nghỉ bên suối như một nốt lặng, lắng dịu hết bao hồi hộp, háo hức, bồn chồn lo lắng.

Sáng sớm 8/1, lẽ ra xe xuất kích rất sớm, nhưng anh Ngơi phát hiện lái xe không mang lốp dự phòng. Xe phải quay về c25 (đại đội vận tải) lấy lốp. Ngạc xung phong đi theo xe. Cơm nước xong, xe cũng vừa trở lại. Khoảng 9 giờ, trời mát mẻ, xe chuyển bánh, leo dốc vào Ba Lòng.

Đêm trước trời mưa, đường hẹp, dốc cao khá trơn. Anh Ngơi ngồi ca-bin với lái xe còn bọn tôi đứng trên thùng xe không mui. Tôi và Bảo đứng ở phía trước, bên phải xe. Bảo đứng ngay bên trái tôi, gần như giữa xe. Thỉnh thoảng anh Ngơi ngồi trong ca-bin lại ngoái đầu qua cửa xe trao đổi với tôi và Bảo về tên các cao điểm đang qua. Khi xe lên đèo, phía tôi đứng, bên phải, là vách núi cao. Qua đỉnh đèo, phía tôi lại là vực sâu thẳm.

Cả Bảo và tôi đều đã lăn lộn với Quảng Trị khá nhiều, hết miền Đông lại miền Tây, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi cùng đi với nhau. Hai đứa đang huyên thiên thì thấy chiếc xe của chúng tôi bị trơn, tườn ra mép đường. ầm, ầm, ầm. Cây cối, đất đá. Xe lật lăn xuống vực sâu hoắm hút. Quay cuồng, chới với. Ngay sau đó tôi không nhìn được gì nữa. Sờ soạng quanh người thấy đất đá, cây cỏ. Mình đã văng ra ngoài xe. Sờ lên mặt thấy ướt nhầy, mùi tanh và vị mặn của máu lẫn với đất đá và lá cây. Hết tiếng đổ vỡ đến tiếng í ới, rên rỉ. Tiếng những đồng đội của tôi, tiếng người lạ, tiếng ai đó rất gần tôi: Ngạc hy sinh rồi, bị vỡ ngực. Càng sau càng có tiếng nhiều người, cả tiếng con gái, giọng Quảng Trị. Chúng tôi lần lượt được khiêng hoặc dìu lên mặt đường. Tôi đã nhận ra có giọng của anh Ngơi, Bảo, Anh Tài, Minh, Nguyệt, lái xe, ... Mười ba người, hy sinh mất một, trinh sát Ngạc, quê Nghệ An, mới 17 tuổi, trẻ quá, thương quá. Anh Ngơi ra lệnh cho 2 trinh sát thông tin, dù cũng bị thương, cố gắng liên lạc ngay với Ban 2 để báo cáo. Mãi mới liên lạc được.

Việc băng bó, sơ cứu rất khẩn trương. Sau đó chúng tôi được gửi nhờ xe tải chuyển đến trạm y tế gần nhất. Tôi không còn nhìn được gì nữa, nhưng thấy xe toàn leo xuống dốc, hơn nữa lại là đoàn xe zin-3 cầu, chở đầy thuốc nổ, thì đoán xe đang đi tiếp vào thung lũng Ba Lòng chứ  không phải quay ra Cùa. Xe chạy chừng nửa tiếng thì dừng lại.

Trạm phẫu tiền phương, không rõ là của bộ đội hay của địa phương, có vẻ như ít người và ở gần sông. Tôi tự đi được, không phải cáng, nhưng phải có người dắt vào trạm. Tôi còn nhớ đến tận bây giờ giọng Quảng Trị của o y tá dỗ dành tôi: “Gắng uống sữa rồi Thuận rửa mắt cho anh sáng mà coi, cảnh Ba Lòng đẹp, con gái Ba Lòng dễ thương lắm nè”. Qua đó tôi biết chị tên Thuận, nghe cái tên thật hiền, nhưng không hề biết mặt, không hình dung ra mặt, ra tuổi, chỉ đoán chị để tóc dài vì thấy những sợi tóc của chị lướt nhè nhẹ trên da mặt tôi.

Chưa rõ tình trạng thương tật của mọi người, trừ tin Ngạc hy sinh. Tôi nghe lào phào bên tai, nghe như giọng Hồ Bảo, hình như Bảo thông báo về tình trạng thương tật của mọi người hay hỏi tôi có sao không, nhưng nghe không thật rõ. Có vẻ Bảo bị nặng hơn tôi.  

Sau khi “tin dữ” về đến bộ tư lệnh sư đoàn, ngay chiều đó 2 xe cứu thương của d24 (tiểu đoàn quân y sư đoàn) được điều vào Ba lòng, đưa chúng tôi ra quân y viện 43 ở Cam Lộ. Qua Cùa, xe đi chậm, tôi không nhìn được gì nhưng nghe tiếng dân lào xào bên đường: “Lấn chiếm đó!”. Tức nghẹn cổ.

11/4/74
 ... Ngày 6.1, chúng tôi chụp ảnh kỉ niệm. Sáng sau, cả toán lên ô-tô đi. Đi-Đi vào sau lưng địch.
Những sự khủng khiếp xảy ra vào 10:15.

Ngạc, chiến sỹ quân báo trẻ mà ta rất mến và nuông chiều đã hy sinh. Bảo, Minh, anh Ngơi, Nguyệt, Anh Tài, .. đều bị trọng thương. Đầu tôi bị vỡ mảng nhỏ, 2 mắt đều bị, cả chân trái nữa. Còn sống.

Ông Đại tá chính uỷ khóc khi nghe tin bộ phận A74 bị.
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Chín, 2010, 09:24:10 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #106 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2010, 06:24:47 pm »


Ngạc, chiến sỹ quân báo trẻ mà ta rất mến và nuông chiều đã hy sinh. Bảo, Minh, anh Ngơi, Nguyệt, Anh Tài, .. đều bị trọng thương. Đầu tôi bị vỡ mảng nhỏ, 2 mắt đều bị, cả chân trái nữa. Còn sống.

Ông Đại tá chính uỷ khóc khi nghe tin bộ phận A74 bị.

       Chuyến xe của nhóm A74 bị tai nạn ngày 8/1/1974 chỉ có 2 người nhảy ra được và không bị thương gì. Đó là Tất (y tá) và Chinh (trinh sát e 95 – bây giờ thấy mọi người gọi là “Chinh lốp”).

       Ngày 01/01/2010, SauChinBayMot, TichTuongNhuLe và anh Trần Quyết Thắng (lính SV 8/1970) lần đầu tiên gặp lại anh Đinh Ngọc Ngơi tại nhà anh ở thành phố Ninh Bình, sau hơn 36 năm.

       Ngày 20/8/2010, SauChinBayMot, TraLienTay và TichTuongNhuLe lại về thăm anh Ngơi. Anh Ngơi nhớ rất nhiều chuyện xê 20. Chuyện anh nhớ về hôm 8/1/74 được kể lại . . .

       Lúc xe đổ, anh cũng bị thương rất nặng. Anh nói với Tất và Chinh hãy bắn súng  và lên đường gọi đơn vị bạn cấp cứu. Anh cũng bảo Tất lấy thuốc cấp cứu cho anh em. Tất nói thuốc tiêm vỡ hết rồi, chỉ còn thuốc viên thôi. Nguyệt và Thứ thông tin đều bị thương . Nguyệt không thể đánh điện được nữa còn Thứ bị thương vào tay phải. Anh Ngơi động viên Thứ phát điện bằng tay trái. Thứ nói nếu điện ngắn thì có thể đánh được. Anh Ngơi đã gửi được bức điện báo cáo tình hình với tư lệnh sư đoàn. . .

       Chuyện cười ra nước mắt là hôm đó cơm khê. Lái xe thấy cơm khê không ăn. Xe đang leo lên đỉnh 365 dưới là dòng sông Ba Lòng uốn khúc quanh quanh, non xanh, nước biếc. Tinh thần phấn chấn mọi người nổi hứng hát một bài hát về Quảng Trị, “ Ai đã tới miền quê em Quảng Trị thừa Thiên, . . . . Sông Ba Lòng bay bổng lời ca, qua đường chín . . .”, bác TraLienTay lại hát thành “ Sông Ba Lòng bay bổng đoàn xe . . . !? . . ."
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Chín, 2010, 10:45:38 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

q.trung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 450


« Trả lời #107 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2010, 10:33:08 pm »

Tai nạn đáng tiếc nhỉ, nhưng có khi bạn sáu chín bảy một bị thương vào đầu làm cho ký ức càng sống động hơn sau mấy chục năm đấy nhỉ, mà TTNL ơi, câu hát phải đổi thành :...sông Ba lòng ...bị chìm đoàn xe .. thì đúng hơn là bay bổng đấy  Grin
Logged
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #108 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2010, 09:07:16 am »

--
Tai nạn đáng tiếc nhỉ, nhưng có khi bạn sáu chín bảy một bị thương vào đầu làm cho ký ức càng sống động hơn sau mấy chục năm đấy nhỉ, mà TTNL ơi, câu hát phải đổi thành :...sông Ba lòng ...bị chìm đoàn xe .. thì đúng hơn là bay bổng đấy
--

Có lẽ đúng hơn là xe bay xuống vực :-)

Lên tới một đỉnh khi xuống phải vòng trái lái xe cua hơi rộng, ra ngoài vệt các bánh xe khác chừng mấy chục cm, và phần đất mượn vệ đường bên phải bỗng từ từ lở ra, xe từ từ nghiêng, lật sang phải và lăn xuống vực. Mọi sự xảy ra không quá nhanh không quá chậm, đủ để Tất và Chinh đứng bên trái thùng xe kịp nhảy ra, đủ để tôi kịp nhìn rõ và nhớ mảng đất dưới bánh xe lở ra và xe nghiêng, lật nhào. Về sau mọi người đo thấy xe lăn quãng 30 mét.

May là xe cũ không có mái che ở thùng xe nên sau khi lật tụi tôi, ngoài Tất và Chinh, rơi ra lăn theo (xe nặng lăn trước). Chỗ đó dốc hơi đứng nên bị lăn và rơi xa, chỉ dừng lại khi đến một chỗ thoai thoải.

Tôi tỉnh lại khá nhanh. Xung quanh khói bụi mù mịt. Chỉ thấy anh Ngơi nằm bên cạnh và xe gấy thành hai phần gần bên cạnh, đúng hơn cabin gãy và rơi nằm cách khung xe một đoạn. Anh Ngơi cho biết Ngạc hy sinh, anh em bị thương hết. Thấy rất đau ở cằm, sờ thấy máu chảy nhiều, tôi chỉ kịp hỏi em bị thương ở đây hả rồi lại lơ mơ.

Lát sau chợt tỉnh khi có người hì hụi khiêng lên mặt đường. Khát quá, tôi xin một ngụm nước. Uống và vẫn kịp nghe thấy hai người đó nói với nhau, "thằng này tỉnh thế này chắc không sống được". Vẫn kịp nghĩ sẽ sống chứ rồi lại thiếp đi.

Lúc tỉnh lúc mê, loáng thoáng nhận ra lúc được đưa đến trạm phẫu, lúc đưa lên bàn mổ thì rừng đã gần hết nắng.

Cú rơi và lăn xuống vực cũng ác. Tôi bị đập gãy đôi hàm dưới, và cái cằm dưới bị đẩy mạnh ra sau, làm gãy lồi cầu hai khớp hàm dưới (cái khớp gần thái dương làm cho hàm dưới quay và chuyển động, tiếc là phần này bên trong, máu me nhiều quá các bác sĩ trạm xá Ba Lòng không phát hiện ra). Bữa đó tôi mặc một chiếc quần Tô Châu mới giặt một lần, va đập thế nào mà hai ống quần bay mất, vùng háng bị rách sâu gần 10cm, còn hai đầu gối bị dập giãn gân chằng, hơn tháng trời chỉ nằm và sau chống nạng hai tháng liền mới bắt đầu tập tễnh.

Bác sĩ kéo cằm dưới lại, tháo các đoạn dây đồng nhỏ buộc mái bếp luồn quá các khe răng ở hai hàm để cố định chỗ gãy. Một đoạn nhôm ở chiếu xong cũ được gò thành hình khum khum như cái muôi, đệm bông băng rồi úp phía dưới cằm, khoét hai đầu để buộc băng vòng qua đầu. Thật sáng tạo!

Đến lúc họ bỏ hết quần để xử chỗ rách ở háng, đau nhưng vẫn láng máng nhớ lời mấy cô y tá: "Vẫn còn nguyên không sao đâu anh, trông cũng được đấy" ...

Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #109 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2010, 09:13:46 am »


Đến lúc họ bỏ hết quần để xử chỗ rách ở háng, đau nhưng vẫn láng máng nhớ lời mấy cô y tá: "Vẫn còn nguyên không sao đâu anh, trông cũng được đấy" ...


       Cái chỗ "trông cũng được đấy" bây giờ thế nào nhỉ ?
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM