Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 05:52:24 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhật Ký Viết Lại  (Đọc 331697 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #70 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2010, 11:09:45 am »

(Tiếp theo)

Ấn tượng nhất là các chốt e48. Trung đoàn này đã nổi tiếng cứng từ thời giữ thành cùng với e95 của f325 và e88 của f308. Tiếp chúng tôi ở trung đoàn bộ là một “viên” trung uý, người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, tên Kiếm, phụ trách trinh sát trung đoàn. Anh ta giới thiệu tình hình trên chốt vùng e48. Đúng như tên, sắc lạnh, sắt ra miếng, đầy tự tin pha chút “kiêu binh”. Xuống chốt thì thấy rõ thế áp đảo, đàn anh của lính “Sùng Lãm” (Tướng Sùng Lãm là tư lệnh trưởng sư đoàn 320B). Bên địch cũng vậy, nhìn chốt, không cần nhìn quân phục cũng biết đâu là Thuỷ quân lục chiến, lính Trâu điên, Mãnh Hổ, Kình Ngư, Cọp Biển, ngang tàng, kiêu căng, đâu là lính địa phương quân, rón rén, nhụn nhịn.              

Tình huống da báo đầu tiên tôi gặp là ở gần Lệ Xuyên Đông, trên vùng chốt giáp ranh giữa e64 và e48 của ta, phía địch là d2, lữ 147, Thuỷ quân lục chiến. Hàng rào thép gai chạy từ bờ biển vào, đoạn cong đoạn thẳng trên bãi cát mênh mông, phân cách rạch ròi ta-địch, bỗng đến đây để ngỏ một đoạn khoảng 2-3m không rào, thành một cái cổng với một lối đi thông vào một xóm nhỏ tít sâu phía địch. Lác đác vài cây cờ giải phóng nằm đổ xiên xẹo dọc theo lối đi độc đạo ấy. Anh em trên chốt cho biết khi 2 bên bung cờ lên, bất ngờ thấy mãi sâu trong lòng địch lại có cờ xanh đỏ, sao vàng của ta. Đúng là một tình huống da báo, bất ngờ cho cả 2 bên. Nhóm bộ đội địa phương trụ trong đó như một “ốc đảo”. Sau đó, hai bên đã đạt thoả thuận, địch cho ta mở một “cây cầu trên cát”, đánh dấu bằng 2 dãy cờ, nối với “ốc đảo”. Ta đi từ “ốc đảo” về “đất liền” thoải mái, nhưng từ “đất liền” ra “ốc đảo” địch không cho ta được mang theo vũ khí hay đồ tiếp tế. Sau ít ngày tính toán kỹ, trên cho phép ta rút ra để bảo toàn lực lượng. Hôm tôi đến, ta vừa rút ra hết, nhưng vẫn còn lác đác vài cây cờ trên cát còn lối cổng vào đã được rấp tạm bằng cành cây. Giá như đến sớm vài hôm, tôi sẽ có được cảm giác đặc biệt khi đi trên con đường cát hẹp giữa 2 hàng cờ ấy.

Đến bờ đông sông Vĩnh Định, đâu đó gần Long Quang, chúng tôi còn gặp một “ốc đảo” nữa, nhưng lại là “ốc đảo” của địch. Khoảng một tiểu đội Thuỷ quân lục chiến chốt giữ một khu vườn, um tùm cây và 1-2 nóc nhà, bao quanh 3 bề trên đất là chốt của ta, còn một bề là sông Vĩnh Định.  

Thực ra chốt Thuỷ quân lục chiến này không thật sự cô lập vì bờ tây là chốt địch nên quãng sông Vĩnh Định này cũng coi như da báo. Địch được phép từ bên kia sông bơi thuyền sang chốt cô lập. Khác với “ốc đảo” ở Lệ Xuyên Đông, ở đây ranh giới không thể rạch ròi bằng một dãy cờ tam tài cắm trên mặt sông Vĩnh Định được và phía ta không cấm địch tiếp tế cho ốc đảo. Vì vậy, mỗi lần chèo thuyền qua, chúng vẫn không quên báo cho phía ta biết: “Loa, loa, loa, cho ghe qua tiếp tế, nghe”. Anh em kể lại: Đôi khi ngụy bên bờ đông, cùng đơn vị với bọn chốt cô lập, vẫn nhờ anh em ta chuyển nhu yếu phẩm để tiếp tế cho chốt cô lập, cách nhau chừng 100m, đỡ phải đi thuyền, vòng vèo. Thậm chí chúng còn xin đi nhờ qua đất ta cho tiện, nhưng ta không cho phép.

Hôm tôi đến, anh em bộ binh dẫn ra tận bờ sông, bên trái là chiến tuyến chính, bên phải là chốt cô lập của địch. Nghe giọng Nam Bộ lìu tìu trong chốt hỏi vọng ra: “Guan hả?” (Quan hả?), tôi nhại lại “Guan đây, Ngô Guan Trửng đây” (Tướng Ngô Quang Trưởng khi đó đang là tư lệnh quân đoàn 1 của ngụy).

Trên bản đồ, tôi đã chấm một chấm đậm để ghi chú về điểm chốt nửa da báo, nửa răng lược này. Ít lâu sau ta địch thoả thuận đổi chốt này lấy một chốt khác phía bên sông cho “liền bờ”.


Chiến tuyến ở Quảng Trị ngay sau hiệp định Bảy Ba

10.3

Về với đoàn Sông Lô nổi tiếng. Vẫn như ở bộ tư lệnh các trung đoàn 101, 64, 48, ở đây đồng chí tham mưu phó trung đoàn 27 cũng rất nhiệt tình với mình. Có vẻ thuận buồm xuôi gió.

Vùng của E95 trên miền Tây mấy hôm nay đánh nhau dữ dội. Chắc là chúng nống.

Nhà chủ: máy bay tàu rọ Mỹ gây thù với ông già. -Bộ tư lệnh Trung đoàn 27, Xóm Rào.


Hồi còn nằm “đếm bom, đếm pháo” ở đài Ái Tử và 108, thấy pháo chớp loé, lờ mờ khói xa xa hướng Đông, anh em cựu binh hay bảo: “Lại pháo Chốt Một”. Pháo gần thị xã, Chốt Một, pháo mờ xa phía biển, cũng Chốt Một. Tôi thắc mắc, sao Chốt Một gì mà rộng thế? Cũng có thể “Chốt Một” chỉ là một cái tên tượng trưng, như kiểu “Chốt thép”, thể hiện sự kiên cường hay ác liệt. Lần này, qua e48, về Bích La Nam, địa phận của đoàn Sông Lô nổi tiếng, tôi mới biết “Chốt Một” là có thật và có cơ hội để tận mắt thấy Chốt Một, nhưng vẫn không rõ vì sao có tên này.

Sông Lô là tên của trung đoàn 27 nổi tiếng của bộ đội địa phương Quảng Trị. Trung đoàn trưởng (Ông Minh Tâm) mới rời trung đoàn chuyển lên làm phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng sư đoàn 325 của chúng tôi. Tối trước, ở trung đoàn bộ, cán bộ trung đoàn đã lưu ý chúng tôi về trường hợp Chốt Một. Sáng hôm sau, xuống đến đại đội, anh em yêu cầu cụ thể hơn: “Các thủ trưởng để K54 và AK báng gấp lại đại đội, chỉ đeo AK thường của anh em bộ binh ra chốt, đỡ gây chú ý”.

Tên Chốt Một nổi tiếng từ thời 81 ngày đêm giữ thị xã. Chốt Một giờ là một khu ruộng mà lính khoẻ tay có thể ném đá từ bờ này vượt sang bờ kia, nằm ở địa thế hơi trũng, lô nhô mấy nóc hầm chốt, ba bề rưỡi là địch, chỉ còn một lối duy nhất của ta để đi vào chốt.

Sáng chúng tôi ra Chốt Một, thấy mấy chú lính ngụy tỳ AR15 trên đùi, đứng chống nạnh ngang tàng trên cao, tò mò nhìn. Thật ngạc nhiên, địa thế bất lợi như vậy mà anh em ta trụ vững, địch không tài nào nhổ được Chốt Một, kể cả trước và sau Hiệp định Bảy Ba. Rời Chốt Một, tôi ngoái lại nhìn. Chốt Một bé bỏng mà gan góc, khổng lồ, như Chốt Nghìn, Chốt Triệu chứ đâu là Chốt Một.

Chốt Một nằm trên cánh đồng giữa Bích La Nam và Bích La Trung. Mấy làng Bích La, có làng thuộc ta, Bích La Thượng, Bích La Nam, có làng thuộc địch – Bích La Đông, còn Bích La Trung, nửa ta, nửa địch. Mới ngưng bắn không lâu, Bích La Nam, phía ta, làng xóm xác xơ, tiêu điều, đổ nát vì bom đạn địch, nhưng Bích La Đông, phía địch, vẫn thấy cây cối mướt xanh. Thế mới biết bom đạn bên nào nhiều hơn bên nào. Dù vậy, đêm đến, vẫn nghe tiếng cười đùa, hò hát vui vẻ của thiếu niên, du kích Bích La Nam với các chú bộ đội giải phóng. Chẳng thể nghĩ rằng bên kia cánh đồng là địch.  

11.3.1973:
Quê anh Duẩn vẫn xanh rì.

“Chốt Một” làm mình quá đỗi kinh ngạc. Ra chuyện đó kó thiệt. Đúng là một ngôi sao sáng.

Bích La Nam làm sống lại trong mình cái thủa thiếu thời đã xa vời vợi. -Bích La Nam.


Trong những ngày làm việc với đoàn Sông Lô, từ 10/3, đến 14/3, chúng tôi ở xóm Rào, Đầu Kênh. Chiều 11/3, đúng 1 tuần từ hôm rời Quất Xá, toán trinh sát c20 chúng tôi chạm đích tới bờ sông Thạch Hãn, đoạn giữa Bích La Nam và An Tiêm, coi như hết địa phận của 4 trung đoàn nối tiếp nhau 101, 64, 48 và 27, tính từ mép nước Thanh Hội. Bên kia sông là địa phận trung đoàn 18. Mọi người nghỉ xả hơi 3 ngày để tôi hoàn thiện sơ đồ và viết báo cáo về bố phòng ta-địch toàn tuyến miền Đông Quảng Trị sau hiệp định Bảy Ba.

Chúng tôi chia ra ở nhờ 2 nhà dân. Tôi và Thành ở một nhà. Chủ nhà tôi ở là 2 ông bà già, nghe du kích thông báo là có cậu con trai đang đi lính ngụy. Ông lão suốt ngày cởi trần, người như được tẩm mùi thuốc rê, vẻ lạnh lùng, khó gần. Tôi tò mò gợi chuyện nhưng chỉ nhận được những câu trả lời dè dặt, miễn cưỡng, ngoại trừ câu chuyện ông kể hôm mới đến về vụ máy bay tàu rọ Mỹ bắn chết một người con trai của ông mà sau đó gợi hỏi thế nào, ông cũng lảng tránh.

Bà mẹ cũng ít nói, nhưng đôi mắt như nói hộ nhiều điều thăm thẳm trong nội tâm. Mẹ thường ngồi trên võng, chăm chú nhìn tôi say sưa vẽ. Trưa nóng, bà còn ngồi quạt cho tôi. Không biết có phải tôi có nét gì giống người con trai của mẹ không. Thật là éo le và ái ngại, tôi với người con trai mẹ, mỗi người ở một phía của chiến tuyến.  

Đầu Kênh cũng chính là nơi Thạc, lớp toán A1, đã hy sinh hơn nửa năm trước. Bây giờ Đầu Kênh thuộc phần của ta, hoàn toàn thanh bình. Thành và tôi trốn anh Phi ra buông một chú lựu đạn mỏ vịt xuống một hố bom to giữa khu ruộng trũng trên cánh đồng giữa Đầu Kênh và Bích La Nam. Thật bất ngờ, cá chết nổi gần kín mặt hố bom. Được một túi bao cát đầy, phần lớn là cá quả. Chúng tôi liên hoan cùng chủ nhà, kết thúc giai đoạn 1 của đợt công tác, rẽ về đại đội nghỉ ít ngày trước khi đi tiếp lên miền Tây, vùng của các trung đoàn 18 và 95. Với riêng tôi, chuyến công tác Miền Đông ngắn ngủi, tất bật nhưng thật sự tuyệt trần và mãn nguyện.

10.3
… Nhà chủ: máy bay tàu rọ Mỹ gây thù với ông già. -Bộ tư lệnh Trung đoàn 27, Xóm Rào.
12.3.1973

Chấm dứt giai đoạn 1 của đợt công tác. Một bữa cá chí lí. -X. Rào.    

14.3.1973
Những điều ngó chừng như khờ khạo của ông lão về chế độ miền Bắc. Họ đang lần chần làm cái bước “lột xác” để đổi đời mới.

Bà lão - nếu chưa phải là một định nghĩa bằng xương bằng thịt về khía cạnh tình cảm của một Bà Mẹ, thì ít ra cũng đủ để lòng ta tôn là Mẹ. Suy nghĩ như vậy, mần như vầy và cả khóc như vậy, sống như vậy ... đều vì không biết làm gì khác được.

Một điều chắc chắn là Mẹ thù cuộc chiến tranh này lắm rồi. Chờ mong con về. Đừng đi lính nữa. -Đầu Kênh.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Tám, 2010, 07:51:20 am gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
nguyenminhson356
Thành viên
*
Bài viết: 228



« Trả lời #71 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2010, 11:20:54 am »

      Đọc tất cả các dòng nhật ký bác đã viết lên em đều cảm động ,nhưng cảm   động nhất là tình cảm bác dành cho đại trưởng Hiền đó là tình đồng đội ,tình đồng chí .Thật tiếc đại trưởng Hiền đã ra đi ,không được chứng kiến đất nước thay da đổi thịt lớn mạnh như ngày hôm nay ,bác ấy không bao giờ biết được rằng ,chỉ cần ngồi ở nhà có thể trò chuyện với bác 6971 qua internet  .Em vô cùng thương tiếc đại trưởng Hiền nhanh nhạy ,mưu trí dũng cảm , trong trận mạc ác liệt như thế không thể làm gì được anh ,khi đất nước hòa bình mới được mấy năm mà sao anh lại ra đi sớm như vậy ? Những năm trước thông tin liên lạc của ta quá khó khăn ,khi hòa bình lập lại dù các bác ở rất gần nhau nhưng chưa một lần gặp lại nhau ,em nghĩ ở nơi chín suối bác Hiền chắc cũng đọc QSVN nên trước có 2 ngày giỗ bác ấy ,đồng đội các bác đã gặp được nhau thật ấm tình đồng đội .Ở nơi chín suối chắc bác ấy đang (ngậm cười) vì có những đồng đội như các bác .
Logged

Một ba lô, cây súng trên vai.
Người chiến sĩ quen với gian lao...
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #72 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2010, 09:04:36 am »

Chào các bạn thành viên và khách của QSVN,

Chủ đề nhỏ NKVL này dự định gồm 20 câu chuyện viết dựa trên 3 cuốn nhật ký của một sinh viên nhập ngũ 6.9.71. Đến trang này, đã tải được 10 chuyện, được nửa đường rồi. 6.9.71 muốn hạn chế những câu chuyện tắt ngang, phát sinh trong quá trình giao lưu, để 20 câu chuyện được liền mạch.  

Dù vậy, đến đây, sau khi chúng tôi tình cờ, may mắn và linh thiêng tìm lại được C trưởng Hiền thì không thể không "phá luật" để cung cấp một số thông tin bên lề "NKVL".

Sau chiến tranh, mỗi người mỗi ngả, vất vả mưu sinh những năm 80. Lũ trẻ về hăm hở lập nghiệp. Chúng tôi thất lạc hoàn toàn 4 cán bộ chỉ huy (xem port #39) gần gũi nhất: C trưởng Hiền, C phó Thời, C viên trưởng Khâm, C viên phó Ánh.

Đến khi đã lững thững tuổi, mới ngơ ngác đi tìm. Đâu đó khoảng đầu những năm 2000, chúng tôi tìm được A. Khâm đầu tiên. Anh Khâm quê Phú Yên. Sau giải phóng, anh về Khánh Hòa. Cũng vật lộn gian nan những năm đất nước gian khó. Riêng tôi, gặp lại AKh lần đầu vào tháng 6/2007 khi đi dự hội thảo ở Nha Trang. Ngắn gọn, AKh vẫn là AKh, sau bao nổi chìm, lận đận.

Hóa ra không phải chỉ có chúng tôi đi tìm các anh. AKh cũng đi tìm, mà còn tìm giỏi hơn bọn trẻ chúng tôi. Anh xục khắp Bình Định tìm Anh Thời, Anh Ánh. Ngay đầu năm 2007, AKh đã kỳ công tìm được A. Ánh.

Ra quân, A Ánh về quê, làm ruộng, ít lâu sau rời Bình Định lên khu kinh tế mới Ninh Sơn (Ninh Thuận), heo hút, khuất nẻo, như người ở ẩn.

Sau khi gặp AKh, mấy ngày sau tôi gặp lại A Ánh ở Ninh Chữ. Phải một lúc mới nhận ra - Một cụ già dân tộc. Cảm động lắm. Sau lần ấy, A Ánh ra HN 2 lần, zui tưởng như hồi sinh.


Mới đây, AKh lại giúp chúng tôi tìm được A. Ngơi, đại đội trưởng C20 sau A Hiền. Chúng tôi bảo nhau: AKh có tài, có duyên tìm bạn cũ.

Và mới nhất là việc chúng tôi tìm được thông tin về A Hiền, đáng tiếc là thông tin buồn.

Trong buổi gặp mặt lần đầu tiên các CCB C20 f325 thế hệ chống Mỹ vào cuối 2009 ở Hồ Tây, chương trình sau giao lưu gặp mặt sẽ lên Bác Giang Viếng AH. Nhưng hỏi ra thì hơn 100 CCB, chẳng ai biết AH ở thôn nào, xã nào, huyện nào, chết bao giờ, thậm chí đã chết chưa? Cuộc viếng thăm được thay bằng lời kêu gọi: C20 đi tìm đại đội trưởng Hiền!

Tháng 5/2010, HT Bảo và tôi ghé thăm Tất, Chiến, Tâm, 3 ccb C20 f325 ở Vũng Tàu. Nhân đó hỏi được qua một bạn của Tâm và Chiến ít nhiều thông tin cụ thể hơn về AH: Quê anh ở Thành An, Đoan Bái, Hiệp Hòa, Bắc Giang, con trai là N Đăng Sơn.

Về HN, 6971 lục lọi trên internet:
  
http://hiephoa.net/index.php/topic,7934.msg75404.html#msg75404 (Th.6)

http://hiephoa.net/index.php/topic,8390.msg80281.html#msg80281 (TH8).

http://hiephoa.net/site/index.php?option=com_content&view=article&id=1125:b1125&catid=81:van-hoa&Itemid=516

Và cuối cùng, như người ta thường nói: Tìm là thấy. Chúng tôi tìm được thông tin về AH vào ngày cận giỗ Anh

Hóa ra, sau chiến tranh, 10/1975 AH chuyển ngành về Đồng Nai, chắc là cơ quan tỉnh, phụ trách bộ phận an ninh và bảo vệ. Hơn năm sau thì Anh mắc bệnh hiểm nghèo. Gia đình vào đưa Anh về quê. Anh mất ngày 2/9/1977, (19/7 âm lịch) ở tuổi 36.

Chúng tôi còn nợ việc tìm A. Thời, Võ Văn Thời, quê Đức Phổ. Ai biết giúp với!

6971
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Tám, 2010, 10:25:44 am gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
2anhchuoi
Thành viên

Bài viết: 3


« Trả lời #73 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2010, 12:19:01 pm »

Em có ông bác họ tên Dũng (hiện ở HN) cũng nhập ngũ 9/71, khi đó ông đang là học sinh. Theo những gì ông kể lại, ông vào Quảng Trị từ tháng 11/71, cũng là trinh sát thuộc C20/E95/F325. Ông khá khiêm tốn, ít kể về mình nhưng em hiểu ông tự hào là người lính tham chiến thực sự tại thành cổ trong suốt chiến dịch. Ông là lính trinh sát chiến đấu liên tục đến ngày thống nhất đất nước rồi ra quân. Em có mời ông tham gia diễn đàn nhưng ông ngại, chưa đồng ý. Khi biết ông ở C20 em cứ nghĩ sẽ biết bác 6971, nhưng khi hỏi ông nói ông không biết. Có điều ông bảo chắc bác đó là SV rồi không nói gì thêm, không hiểu ông ấy ngại điều gì nữa...

Chúc các bác CCB luôn mạnh khỏe!
Logged
nguyenminhson356
Thành viên
*
Bài viết: 228



« Trả lời #74 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2010, 04:20:50 pm »

    cuộc đời cứ hối hả trôi đi trong cuộc sống hiện đại với bao nhiêu áp lực công việc ,chuyện gia đình ,rồi chuyện cơ quan .Nó cứ cuốn ta vào cái guồng máy bất tận của thời gian ,khi ngoảnh lại ôi  ! Mình  đã đi đoạn đường khá dài của đời người .Chúng ta mới thấy tình cảm con người là thứ quí giá nhất ,nhất là tình đồng đội tình đồng trí đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong những năm chiến tranh ác liệt . Chúng tôi  những ccb những anh bộ cụ Hồ một thời cầm súng bảo vệ tổ quốc qua các thời kỳ kháng chiến  của dân tộc Việt Nam ! Xin cám ơn trang QSVN đã tạo điều kiện để chúng tôi viết lên những cảm xúc của mình và đã giúp cho chúng tôi gắn kết thêm nghĩa tình đồng đội .Rất mong các ccb những quân nhân đang đứng trong hàng ngũ  Q Đ NDVN trên mọi miền tổ quốc hãy vào QSVN chúng ta cùng viết dày thêm những trang sử hào hùng của dân tộc .
Logged

Một ba lô, cây súng trên vai.
Người chiến sĩ quen với gian lao...
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #75 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2010, 05:56:35 pm »

Em có ông bác họ tên Dũng (hiện ở HN) cũng nhập ngũ 9/71, khi đó ông đang là học sinh. Theo những gì ông kể lại, ông vào Quảng Trị từ tháng 11/71, cũng là trinh sát thuộc C20/E95/F325. Ông khá khiêm tốn, ít kể về mình nhưng em hiểu ông tự hào là người lính tham chiến thực sự tại thành cổ trong suốt chiến dịch. Ông là lính trinh sát chiến đấu liên tục đến ngày thống nhất đất nước rồi ra quân. Em có mời ông tham gia diễn đàn nhưng ông ngại, chưa đồng ý. Khi biết ông ở C20 em cứ nghĩ sẽ biết bác 6971, nhưng khi hỏi ông nói ông không biết. Có điều ông bảo chắc bác đó là SV rồi không nói gì thêm, không hiểu ông ấy ngại điều gì nữa...

Chào ban 2anhchuoi,

1. Trung đoàn 95, có thể nói là trung đoàn hứng chịu gian khổ và ác liệt nhất trong thời gian Quảng Trị so với các e khác trong f. E95 tham gia tử thủ cổ thành QTrị với e48 (320) và e88 (308), rồi sau đó lại dai dẳng tử thủ Tích tường Như Lệ, một cổ thành sau cổ thành.    

2. Theo quy định thống nhất, c20 là tên đại đội trinh sát của cấp trung đoàn và sư đoàn. c20 của sư đoàn có thể có biên chế nhiều hơn c20 của trung đoàn. Bác của bạn ở c20-e95-f325, còn 6971 ở c20-f325.

3. C20-f325 và c20 của 3 trung đoàn (101, 18, 95) có quan hệ rất mật thiết. Anh em ở c20 các trung đoàn lên c20 tập huấn (Bạn chờ xem câu chuyện #11 trong NKVL), trinh sát e và f cùng tham gia các hoạt động trinh sát hoặc trinh sát f đi phối thuộc với trinh sát trung đoàn (xem chủ đề Những chuyện không thể nào quên-cười ra nước mắt (1) của bác TTNL, từ port #23, hay chờ xem câu chuyện #14 của NKVL).

4. Bác Nguyễn Đức Hiền, đại đội trưởng đầu tiên của c20-f325, sau đó chuyển về phụ trách trinh sát e95. Chắc chắn bác Dũng phải biết. Bạn Hổ (xem port #23 nói trên của bác TTNL), cựu trinh sát 95, sau này là Trưởng phòng quân báo QK3, mới mất tháng 6 vừa rồi. Chắc chắn bác Dũng biết. Chinh lốp (xem bài trên của bác TTNL), cựu trinh sát 95, bây giờ sống ở Quy Nhơn. Chắc chắn bác Dũng biết.

Trinh sát trong cùng sư đoàn có họ với nhau ấy mà. Nhờ bạn gửi lời chào của 6971, một người họ hàng, tới bác Dũng.

 6971
« Sửa lần cuối: 31 Tháng Tám, 2010, 06:08:52 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #76 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2010, 10:02:47 pm »

11. Chuyện Lớp binh địa  làng Trà

Tôi trở về Quất Xá mang theo đầy ắp những ấn tượng rạo rực miền Đông, đến nỗi cả tuần sau vẫn không hoà nhập được với cuộc sống thanh bình ở Cam Lộ. Đơn vị đang huấn luyện nghiệp vụ “nghe trộm điện thoại”, nhưng anh em cán bộ biết đây chỉ là tranh thủ lấp chỗ trống trước khi có những thay đổi lớn, ít nhất là về vị trí đóng quân.

Ít ngày sau, toàn bộ đơn vị di chuyển theo hướng nhích lên tuyến trước, về phía thị xã Quảng Trị. Mặc dù trước đợt đi miền Đông, chính tôi tham gia trong nhóm đi tiền trạm chọn vị trí đóng quân cho đơn vị, nhưng sau khi đi miền Đông về, tôi không được biết gì về chuyện đó nữa. Chắc quanh quanh đường 9 hay xuống hẳn Đông Hà, nhưng chắc chắn là sẽ ở ven sông Hiếu hay Thạch Hãn, ở với dân chứ không ở rừng rú nữa.

Rời Quất Xá, chúng tôi đi theo con đường đất kẹp giữa đường 9 và sông Hiếu (sông Cam Lộ), xuôi theo chiều sông chảy và dừng chân ở Đông Định. Mấy tháng trước còn hầm hố, ba-lô cơ động, ngụy trang, đi đêm, đi hôm, lần này đại đội đã lỉnh kỉnh tre gỗ, bếp núc, thậm chí cả mấy chú lợn, cứ như “cơ quan dân sự” chuyển trụ sở. Lính hành quân bộ, đồ nặng cho đóng bè, thả xuôi theo sông Hiếu.

Ở Đông Định khoảng 1 tuần, chưa ấm chỗ, đại đội lại đi tiếp, qua hẳn thị xã Đông Hà, theo quốc lộ 1 hướng thẳng về thị xã Quảng Trị. Định cho trinh sát, mà là trinh sát sư đoàn, trinh sát cấp chiến dịch, lên thay chốt bộ binh à? Đi từ sáng tinh mơ, đến tận tối mịt mới hạ ba-lô ở một làng gồm nhiều xóm nhỏ, hình dung như một chiếc lá liễu mảnh mai, thả nép theo bờ bắc sông Thạch Hãn. Theo bản đồ, đây là làng Trà Liên Tây, phía thượng nguồn, đầu làng là Tả Kiên, Trung Kiên, phía hạ nguồn, cuối làng là Hói Bái, qua bên kia là Đại áng. Trà Liên Tây, lại một cái tên rất thơ, như bao tên khác của Quảng Trị mà tôi đã qua: Phương Thuý, Như Lệ, Ái Tử. Tôi mở bản đồ xem, hoá ra chênh chếch bên kia sông chính là Đầu Kênh, nơi 2 tuần trước chúng tôi đã kết thúc đợt công tác thị sát miền Đông. Thế thì cách địch không xa lắm, khoảng vài cây số ngược lên theo sông là các chốt tiền tiêu của e27, vùng Bích La Nam, chợ Sải.

Chiến tranh có vẻ sẽ không kết thúc một sớm một chiều. Đơn vị ổn định chỗ ở, số ở nhà dân, số ở các nhà vô chủ. Đại đội cho anh em ra sân bay Ái Tử ngay đầu làng Tả Kiên, gỡ những tấm ghi nhôm lát đường băng, thả xuôi theo sông về dựng hội trường đại đội. Bếp ăn và chuồng lợn của đại đội dựng ngay sát sông. Anh nuôi có thể qua đò sang sông đi chợ Đại Hào, chợ vùng giải phóng, mua rau, mua cá, thậm chí có cả thịt lợn mà không cần tem phiếu.  

B3 ở ngay thôn đầu làng, phía gần thị xã. Ban đầu a8 của tôi chia ra ở 2 nhà dân, sau chuyển ra ở chung một căn nhà vô chủ, rộng rãi. Đầu nhà có sẵn một căn hầm chữ A to, rộng, đủ trải 2 chiếu đơn, nhưng nhớp nháp bùn đất vì đã từ lâu không ai dùng đến.

Làng vốn đã rất thưa, giữa các nhà là những khoảng ruộng,  nhiều gia đình hoặc sơ tán ra Quảng Bình, hoặc “chạy vô”, bỏ lại nhà hoang nên càng thưa. Làng xóm đã có vẻ bề ngoài thanh bình, không bom đạn, nhưng dưới mỗi mái nhà vẫn là những cuộc đời, những số phận éo le, đầy uẩn khúc. Chênh chếch nhà chúng tôi ở là gia đình chị Thiết, nhà nghèo xác xơ, một người mẹ với ba đứa con thơ trong túp lều lợp tôn rách, lụp xụp. Đàn ông duy nhất trong nhà mới 6-7 tuổi, nom thật ái ngại. Kề phía sau nhà chúng tôi ở là nhà một người đàn ông hơn chúng tôi gần chục tuổi. Ông ta ở lại một mình, vợ con chạy vào Huế. Ai vô tình hỏi ông về vợ con, ông ta lấp lửng: “Chạy giặc rồi”, nghe tức anh ách.

Đơn vị quay ra ổn định chỗ ở, tổ chức huấn luyện, phát động phong trào tăng gia, trồng rau muống và nuôi lợn, nuôi gà. Cũng kỳ, huấn luyện, chăn nuôi cứ như hồi ở Hà Bắc, Sơn Tây, hay là sinh hoạt của một cơ quan dân sự nào đó, trong khi cách địch chỉ một tầm đạn cối và đêm đêm vẫn thấy chớp pháo loé sáng và tiếng ì ùng trên miền Tây, mạn Tích Tường, Như Lệ.

C20 những ngày ở Trà Liên Tây
5 thành viên nhóm 6.9.71 ở c20: Hàng sau cùng, tính từ phía phải: NTTài (1) HT Bảo(2), LMinh (3), Y tá Việt (8 ) và y tá Tất (9)
.

Hồ Bảo lên trung đội trưởng, phụ trách b3, thành thủ trưởng trực tiếp của tôi, cũng khoái. Bảo ngủ với a7 nhưng lại ăn với a8 của tôi. Họp đại đội, gặp nhau, Lê Minh nháy nháy mắt, cả 3 thằng “phi công hụt” cười xoè. Bảo cũng kiêm luôn bí thư liên chi đoàn, sắng sởi tổ chức đêm “kết đoàn quân dân”, hò hát vui vẻ thâu đêm với du kích Trà Liên, rồi còn tổ chức cả thi đấu cờ tướng nữa.

1.5
Mặc dù đã tự hứa: “Không đánh cờ nữa”, nhưng hôm nay lại vi phạm. Đấu cờ toàn đại đội. Chiếm được cái tiếng nhất cờ toàn đại đội mà đến là đau đầu và bực mình.


Ghi, Quế kiếm đâu được chiếc lưới quét. Tối tối anh em phân công nhau ra Hói Bái “tăng gia” (hói theo tiếng Quảng Trị là một nhánh sông nhỏ, sông cụt hay kênh dẫn nước), quét khoảng 1 tiếng là xách về 1 bao cát đầy, cả kí tôm tươi. Năng suất gấp mấy nuôi lợn, chỉ sợ quét phải bom bi thì oan gia. Tiếng lành đồn xa, sau này “Bọ Luyến” trên Ban 2 còn nhắn a8 mang lưới quét lên cho Ban mượn ít ngày, cải thiện bữa ăn tươi chứ trên Ban khô khan lắm.

Cuối tháng Năm, Lê Minh và tôi được huy động lên sư bộ phục vụ hội nghị tổng kết chiến dịch Quảng Trị. Hai đứa còng lưng phóng một chiếc bản đồ mặt trận Quảng Trị to đùng, ghép bằng 16 tờ giấy Tờ-rô-ki (giấy A0 bây giờ). Hôm diễn ra hội nghị tổng kết chiến dịch, tôi được phân công cầm một chiếc gậy trúc dài, đứng nép bên cánh gà, trong khi vị tư lệnh trưởng diễn thuyết, chỉ trỏ trên chiếc bản đồ to treo chính giữa phông. Run lắm. Lần đầu trong đời nom thấy tướng, được đứng gần tướng, được chạm tay vào tay tướng – mà là Tướng thật.  

22.5.1973
Cố tìm ra một dáng dấp về hình thức hay cách diễn thuyết, lập luận hoặc ít ra cũng phải là một cố tật nhỏ nào đấy của ông ta nhưng không thành công. Có một ý niệm dù chưa chắc chắn lắm là ông ta bám rất chặt và rất bền vào chủ đề của câu chuyện, không để nó lan man theo kiểu cóc nhảy. Chẳng hạn như cả buổi sớm ấy ông chỉ nói về 2 điểm: Tinh thần trách nhiệm và tính chặt chẽ của kỷ luật quân đội Xô Viết. Chỉ thế thôi. Và những dẫn chứng mà vị phó tư lệnh ấy đưa ra cũng gọn gàng trong cái bố cục chặt chẽ ấy của ông.

Ông nói chậm, đều nên đóng vai trò lớn trong việc quyến rũ người nghe là ở nơi nội dung sự việc chứ không phải là nghệ thuật diễn thuyết.

Còn ông tư lệnh trưởng quân khu thì chẳng có gì đặc sắc cả. Thậm chí mình nghĩ về ông rất chung chung. -Bộ tư lệnh sư đoàn.


Đầu tháng 6, Ban 2 giao cho 4 trinh sát đã từng ra học binh địa ở d74 là Lê Minh và tôi ở c20 cùng với Tân, Nhuần ở e18, mở lớp đào tạo nghiệp vụ trinh sát binh địa cho anh em trinh sát của cả 3 trung đoàn và trinh sát sư đoàn. Tôi được phân công phụ trách chung, gọi đùa là hiệu trưởng. Lớp binh địa vẫn nghe chung kẻng, ăn chung bếp, sinh hoạt chung với c20, nhưng tôi và Lê Minh vẫn phải tạm thời “cắt biên chế”, giao tiểu đội lại cho tiểu đội phó để “biệt phái” hẳn sang lớp binh địa.

Lớp binh địa gồm 24 học viên được cử từ 3 trung đoàn về và 12 học viên của c20 sư đoàn, trong đó có Quách Lâm của a8, tổng cộng cả 4 “thầy” nữa là chẵn 40, sinh hoạt như trung đội thứ tư của c20. Lớp học khai giảng ngày 5/6/1973, dự định kéo dài khoảng 2 tháng.

5.6
 Một giai đoạn công tác mới. Một gánh nặng trách nhiệm mới. -Lớp binh địa.


“B binh địa” đóng ở thôn cuối làng, phía Đại áng, ngược với phía b3. Lê Minh và tôi, 2 thầy giáo ở một nhà, chủ là hai ông bà đã rất già, trên dưới 70, thấy gọi là “Cha Cò, Mụ Miến”. Bà lão bị thương một bên chân, không rõ vì bom đạn bên nào, phải chống nạng. Ông bà lụi cụi thương nhau, con cháu “chạy vô” hết rồi. Lại cái cảnh éo le như đã gặp 2 tháng trước ở xóm Rào, Đầu Kênh.

Căn nhà lợp tôn sơ sài, trống trải, quay mặt ra hướng sông. Hai già, hai trẻ sống tình cảm như ruột thịt. Chúng tôi tránh hỏi sâu về chuyện con cái. Không biết trong số “chạy vô” ấy có ai đang cầm súng hướng về phía chúng tôi không. Riêng tôi, cứ nhìn Cha Cò là lại rân rấn nhớ Thầy tôi ngoài Bắc, cũng tuổi xế chiều, cũng hút thuốc cuốn, người cũng cao cao, cũng dìm nỗi nhớ con trong lòng. Cha Cò ngồi gõ gõ những ngón tay xương xẩu, dăn deo lên mép chiếc phản gỗ, dẫn tôi đi lang thang theo những câu chuyện vô đề, phiêu bạt, đầy chất thơ của xứ Quảng, xảy ra từ những thủa chưa có tôi trên đời. Chốc chốc, lưng chừng chuyện, Cha Cò chợt lặng im, mắt thoát trần, xa xăm, buông một câu: “Dui dữ!” (vui dữ) mà chỉ mình ông hiểu. Mặc dù là “hiệu trưởng, hiệu phó” rồi chứ đùa đâu, nhưng Lê Minh và tôi vẫn rúc rích như thời Sở Thượng, Nhã Nam, Xóm Bơn.    

14.6
Những câu chuyện huyền hoặc về một ngày “Thiên lôi giáng”, về một “Con người, con thuốc”, về một “nửa linh hồn” là nạn nhân của một quãng đời “loang toàng” nào đấy cũng khiến cho mình khoai khoái. Cả những câu chuyện về sự giằng co trong “ái tình” của Ông Cha-Bà Mụ ấy nữa. Rồi câu chuyện về sự tích thói quen gõ tay, … Nghe mãi không chán. Cứ như hư, như thực vậy. -Trà Liên.

4.7
Những người sống cô đơn hiu quạnh sau chiến tranh thường là một kho vô tận những câu chuyện muốn nói khi có một người lạ tới. Điều đó cũng dễ hiểu thôi.-Trà Liên.


Mặc dù đã “biệt phái” sang “B binh địa”, nhưng cả Lê Minh và tôi vẫn còn nhiều việc liên quan tới tiểu đội, vẫn phải tham gia các công tác đột xuất của đại đội, nhất là các công việc liên quan tới nghiệp vụ binh địa. Lê Minh đi một đợt công tác dài ngày miền Đông, còn tôi có mấy ngày “trốn” lớp binh địa để dẫn đoàn cán bộ Cục 2 và d74 vào nghiên cứu chiến trường. Lại có dịp sống lại những ngày Lớp binh địa, với xóm Bơn, Ba Vì, Tùng Thiện, Thạch Thất, Sơn Tây.

29.7
Lâu lắm mới lại gặp những trinh sát kì cựu của D74-D84 và Cục 2. Đi địa hình với phái đoàn nghiên cứu của Cục trong 1 ngày.

Say mê nghiệp vụ trinh sát táo bạo này hơn. Nhận được qua anh Hào một số tin về những bạn bè cũ ở D74.
Anh Nho, phó phòng trinh sát của bộ tổng tham mưu nói về thời sự. Hãy đề phòng một sự giãn nở ý chí. Hiệp định là biện pháp hoà hoãn chiến lược, chuẩn bị cho những giai đoạn quyết định bằng mọi biện pháp mà chủ yếu là vũ lực. Trước mắt là cuộc chạy đua về kinh tế. Đích đến là “lòng tin của dân” và chạy bù 10 năm tụt lùi. Nhận định về việc làm của 2 bên thể hiện sự nỗ lực vẫn lớn và bình tĩnh. Phải chủ động và cảnh giác. -Trà Liên.


(Còn nữa ...)
« Sửa lần cuối: 31 Tháng Tám, 2010, 10:17:59 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #77 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2010, 10:04:24 pm »

(Tiếp theo)

Tôi ở Quảng Trị tính theo năm là 3, nhưng tính theo mùa thì thực ra chỉ có 1 mùa hè, trọn một mùa hè Bảy Ba, thời kỳ lớp binh địa. Mùa hè ấy, “Mùa hè đỏ lửa + 1”, Quảng Trị, cái “thắt lưng” miền Trung này hết mưa tràn lại nắng gắt. Ngưng ngưng bom đạn, lũ xối xả miền Trung và nắng nóng với gió Lào rát rạt trên đất Quảng Trị đang còn hoang tàn, sơ sài cũng trở nên dữ dội, ác liệt, nhất là với những người vốn sinh ra và lớn lên trên đất Bắc. Lũ Thạch Hãn như điên khùng. Nắng Ái Tử như nung đốt làm bốc lên mùi hăng hắc của hắc ín và nhựa thông từ những cây cột điện cháy dở. Gió miền cát như cuồng loạn. Những căn nhà thì lụp xụp, nửa nhà, nửa lều, be bằng tôn gỉ.

Có lẽ hè Bảy Ba là mùa hè dữ dội nhất mà tôi được nếm trải trong đời, nóng cả không gian, nóng cả những số phận éo le, những cuộc đời mới hồi sinh, liêu xiêu, vật vã như vừa chui ở đám cháy ra. Đến câu hát ru xứ này cũng không thấy chao chao cánh cò mà chỉ nghe như xiên xiết nước chảy, da diết tình mẫu tử, phu thê. Có phải vì vậy không mà những dòng nhật ký hè Bảy Ba, hè Trà Liên Tây như mang một hơi thở riêng. Hối hả cơn lũ tháng Bảy, tuần nắng, tuần gió, nhọc nhằn mái lều tôn của ba mẹ con, mẩu chuyện ở bãi chiếu phim làng Trà, những thiếu phụ cô đơn,... Không biết rồi đây có ai tình cờ đọc và nhận ra mình trong những dòng nhật ký đau đến thắt ruột của chú bộ đội giải phóng hai mươi mốt tuổi ngày xưa không.        

7 và 8.7.1973:
“Nước cả mênh mông ngập Hạ Bì” -Tam quốc.
Mưa hối hả mà lại lâu. Lâu mà hối hả là nhiều nước lắm. Nước xối xả rồi lại lặng, lặng một ít lấy hơi để rồi lại xối xả. Xối xả, lặng, xối xả, ..., xối xả mãi không thôi. Nước dồn về hạ lưu. Dưới ấy cũng mưa, không dồn kịp ra biển. Nước ùa ngang vào một khoảng đồng, một xóm trũng được be bởi một đoạn bờ mỏng manh, hờ hững. Mưa, vẫn mưa. Những xóm trũng, mảng đồng đã no nê rồi. Nước từ mây xuống, nước chảy xuôi, chảy ngang rồi chảy ngược. Ngớt mưa là gió. Gió táp xuống mặt nước thành sóng nên không còn nhận ra nước có chảy hay không. Chỉ thấy nước cứ dềnh lên. Lên nhanh hơn cả khi có mưa và nhìn thấy nước chảy. Nước như đùn từ dưới lên, từ giữa ra. Nước nở ra, trương lên. Nước liếm dần cây cối, đất đai.
Bây giờ mặt nước rộng rãi và sòng phẳng. Cửa nhà, xóm làng rúm lại, sẻn so, co cúm.

Nước ngầu lên màu nâu sánh. Như máu của đất.

Cơn mưa đưa mình về với con sông Cánh ở quê. Con sông mà ta mến như một người bạn thân ngay cả khi nó tàn ác nhất.

Đêm qua đi bắt ếch chằm. Lạnh và mệt. - Trà Liên.

17.7
Hết tuần nắng là tới tuần gió.

Gió rú lên hệt như kẻ ăn phải nấm cười. Gió cuồng loạn, vô duyên! -Q.Trị

24.7
Gió dữ quá. Gió và thứ tiếng rên rỉ, ỉ ọt, leng queng của gỗ, tôn rách với thứ mùi tai tái, hăng hắc của căn cứ gợi lại không nguôi giai đoạn ác liệt của cuối 1972, cũng ở Ái Tử này.

Thằng bé được là “Eng” thì trời cho cái đức tính thiệt là “Eng”. Rộng rãi. Chín chắn. Kiên nghị. Khéo léo và nhanh nhẹn, … mặc dù mới nhỏ, tuổi đếm còn hụt trên đầu ngón của 2 bàn tay. Còn thằng nhỏ là “Tam” thì “Tam” đủ nghĩa chữ “Tam” thì thôi. Tủn mủn, hẹp hòi, chộp choạp, vụng về, ù ì quá đáng. Cả cái dáng người cũng rõ “Eng”, rõ “út”.

Má bọn hắn khiến cho lòng mình lao xao. Chị biết dành cho đứa con của chồng trước (xấu số) tình thương cần thiết để bù đắp vào phần trống trải mà nó bị thua thiệt vì “không cha”. Và nghiêm nghị nhưng vẫn âu yếm đối với đứa nhỏ có vẻ “hư hỏng” từ bé. Ba hắn còn nhưng ở xa. Ở xa mà gần như đã quên “người hầu” và đứa con “thêm” nên coi như thằng nhỏ cũng “không cha” nốt. Nó không cha, Anh nó cũng không cha. Và không cần nói cũng hiểu là má chúng không chồng!

Tôi chẳng hiểu là trong trường hợp ấy, người đàn bà sẽ ghét đậm hay thương đậm đối với giới “có râu”, chỉ biết là tôi thì thương chị và đứa con lớn quá.- Ái Tử.

9.9
 Mẩu chuyện ở bãi xem phim:
- Cháu ở mô?? - Cháu ở xóm Giếng.
- Răng cháu đòi về? - Cháu buồn ngủ lắm.
- Mơi cháu có đi học không? - Không.
- Răng rứa?  - Cháu không được đi học.
- Răng cháu không đi học? - Cháu phải trự trâu.
- Cháu ở với ai? - ở với Ông và Mệ
- Ba Má mô? - Chạy vô rồi!
- Bỏ cháu ở lại à? - Dạ!, .. Chú ở mô?
Trà Liên

15.4.1973
Cái cảnh của chị Thiết, chị Sáu, chị Càng, chị Tuyết, … đã trở thành quá phổ biến. Ai có ý thức với đời mà chẳng thấy nỗi đau xé ruột ấy. - Trà Liên Tây.


Khoảng giữa khoá học, có một chuyện đáng tiếc đã xảy ra. Lần đó, cả 3 thầy, Minh, Tân và Nhuần đi công tác, một mình tôi dẫn lớp binh địa đi dã ngoại phía ven Ái Tử.

Chiều ấy, tôi dẫn anh em đi thực địa vẽ. Nhóm nào vẽ xong thì tự về. Tôi về với những nhóm cuối cùng. Gần về đến nơi đóng quân, bỗng tôi nghe một tiếng nổ lớn, rất gần, như là một quả bom tấn đã nổ, mảnh kim loại và bụi đất vung viêng mù mịt. Ai nấy nằm giạt xuống ven đường, không rõ bom hay pháo, bắn từ đâu. Ngay sau đấy, chúng tôi điều tra được nguồn gốc của tiếng nổ kinh hoàng ấy. Thì ra một nhóm học viên binh địa trên đường về đã nghịch ngợm đốt những ống thuốc phóng lăn lóc bên đường. Thuốc cháy lan theo cỏ khô tới kích nổ một đống khoảng mấy chục quả đạn pháo 175 ly của địch chất cạnh đó. May mà không học viên nào bị thương.

Hôm sau, tôi được lệnh về gấp gặp đại đội trưởng. Ông cho tôi biết, sư phó Tâm vừa gọi ông lên về vụ C20 gây nổ, làm bị thương một người lính của đơn vị bộ binh ở gần đó và yêu cầu tôi tìm cho ra thủ phạm. Tôi cho cả lớp kéo về Trà Liên, tạm thời ngưng học để giải quyết cho xong vụ này. Gần 40 người, không ai tự nhận là thủ phạm. Đại trưởng và tôi yêu cầu mỗi người phải viết bản tường trình về buổi học đó: Từ thực địa về đi với ai, thấy ai đi trước, ai đi sau, khi về ngang bãi pháo đã thấy có lửa đốt chưa? Sau khi xem xét kỹ và khoanh vùng, chúng tôi yêu cầu một số đối tượng viết lại tường trình, thậm chí viết lại vài lần vừa để tìm sự bất nhất trong lời khai, vừa gây căng thẳng cho đối tượng. Thật là một chuyện „dở hơi”, nghiệp vụ để đối phó với địch lại phải dùng để đối phó với đồng đội. Cuối cùng cũng tìm ra được người gây ra vụ nổ, là một học viên của c20-e101. Chỉ có điều bất ngờ là học viên này bình thường ở lớp rất hiền. Thê thôi, quân lệnh như sơn, phải tìm cho ra, chứ rồi cũng "giơ cao đánh nhẹ", chỉ nhắc nhở, phê bình chú không kỷ luật hay ghi lý lịch quân nhân gì.    

25.7
Ngày chính phương. Hút chết. Cả một khối hơn 20 quả pháo 175 ly cùng gầm lên, bung ra. Mà mình lại là kẻ đi gần khối nổ ấy. Mảnh vù viu, viu xoẹt, xoẹt bịch, ...

Bực mình vì lính tráng vô tổ chức, nghịch ngợm. Chẳng còn muốn nỗ lực, tận tình gì nữa. Lính nghịch như quỷ, nhưng có lẽ so ra còn thua xa thủa thiếu thời của mình


Lớp binh địa bế mạc vào 30/8, kéo dài hơn dự kiến gần 1 tháng. Số học viên từ các trung đoàn được nhắc nhở, động viên, khuyến khích về trung đoàn tổ chức các lớp nghiệp vụ binh địa cho trinh sát các tiểu đoàn. Giáo viên chúng tôi cũng thấy phấn khởi. Chia tay học viên rồi lại liên hoan tiễn Tân, Nhuần về trung đoàn 18, bồi hồi, râm ran những kỷ niệm thời d74 ở Sơn Tây và cuộc trường chinh từ bờ hồ Thuyền Quang vào Cam Lộ hồi cuối Bảy Hai. Đâu có ngờ, đối với tôi đấy cũng là lần vĩnh biệt Tân.
« Sửa lần cuối: 31 Tháng Tám, 2010, 10:40:39 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
tran van thanh
Thành viên
*
Bài viết: 5


« Trả lời #78 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 09:22:31 pm »

Chào anh 6971! Anh nhận ra em chứ. Ngày nào cũng đọc những trang viết của anh về cuộc đời người lính, tuy gian khổ nhưng rất anh hùng ! Năm 1975, em nhập ngũ , có thời đóng quân ở Yên Dũng- Bắc Giang, thuộc trung đoàn 568 sư 325- không biết có phải sư đoàn của các anh không? Chúc anh vui khỏe...
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #79 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 09:50:52 pm »

Chào anh 6971! Anh nhận ra em chứ. Ngày nào cũng đọc những trang viết của anh về cuộc đời người lính, tuy gian khổ nhưng rất anh hùng ! Năm 1975, em nhập ngũ , có thời đóng quân ở Yên Dũng- Bắc Giang, thuộc trung đoàn 568 sư 325- không biết có phải sư đoàn của các anh không? Chúc anh vui khỏe...

Chào bạn TVThanh, không nhận ra mà chỉ ngờ ngợ thôi! Chắc có gặp nhau một lần nào đó rất gần đây ở Một thời máu và Hoa, chứ không phải ở sư đoàn vì khi bạn nhập ngũ thì mình đã xuất ngũ rồi, hơn nữa e568 thuộc f328 chứ không phải 325. Trung đoàn bạn đã tham gia chiến đấu ở biên giới phía Bắc. Không cùng sư đoàn thì cũng cùng QSVN. Chúc mạnh giỏi.

À, hay mình đã đóng quân ở nhà bạn thời ở Yên Dũng nhỉ? Nếu thế thì 6971 vô tâm quá. Đáng trách, đáng trách!

6971  
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Chín, 2010, 09:57:32 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM