Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:40:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhật Ký Viết Lại  (Đọc 331346 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
tuyenquang
Thành viên

Bài viết: 3


« Trả lời #50 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2010, 03:04:42 pm »

Khi về C20 tôi làm liên lạc đại đội một mạch đến trước lúc vào đánh nhau ở QT, nên cũng hay đi cùng đại trưởng. Rạng sáng 29 Tết 1972, đơn vị đến Kỳ Sơn (Kỳ Anh), thì sáng 30 Tết trinh sát được lệnh đi tìm và đặt đài quan sát chống địch đổ bộ. Đại trưởng dẫn mấy người chúng tôi đi thực địa và đêm đó nằm trên Hoành Sơn đón giao thừa.

Vào QT, C20 chia nhiều nhóm, tôi là a trưởng dẫn tiểu đội vào tham gia bảo vệ thị xã với hai đài quan sát ở bờ sông làng Nhan Biều nhìn sang thành và ở đầu cầu QT. Từ đó tôi không gặp anh Hiền. Hôm qua mới biết tin anh đã mất khá sớm, ngay sau 1975, thấy buồn và thật nhớ những ngày ấy đi cùng anh Hiền.

Xin gửi một bài thơ về chuyến đi ấy như một nén hương tưởng nhớ anh Hiền, người đại trưởng đầu của C20.
--

Bữa cơm chiều ba mươi Tết

Không hẹn trước mà rồi gặp nhau
Sáu người đi đặt đài quan sát
Dừng lại nấu bữa cơm chiều Tết
Dưới chân Hoành Sơn bồng bềnh mây bay

Các anh là lính thông tin theo đặt đường dây
Trinh sát chúng tôi đi tìm cao điểm
Đơn vị bước vào những ngày dã chiến
Nên bữa cơm này đơn giản thế thôi

Xoong canh cải còn nghi ngút hơi
Không có muối ta cho ruốc vậy
Cơm nấu vội mà ngon thế đấy
Ngất nghểu một nồi thật cao

Ngồi vào ăn không biết hết tên nhau
Vẫn vui chuyện về mùa xuân xứ sở
Ngày mai ngày mai khi màu xanh hé nở
Cánh rừng này chỉ còn những người đi tìm tài nguyên

Sau những ngày hành quân liên miên
Ta nghỉ lại ven rừng nấu bữa cơm chiều ba mươi Tết
Đi đánh Mỹ có những ngày sống đẹp
Vượt qua một gian lao hiểu hạnh phúc hơn nhiều

Hoành Sơn, Chiều 30 Tết Âm lịch 1972.
(ruốc: mắm tôm)
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #51 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2010, 11:02:07 pm »

5. Chuyện Lớp binh địa

Sư đoàn 325 cử 9 trinh sát ra Cục 2 học nghiệp vụ trinh sát, gồm 3 trinh sát của a12 (Duyên, Nghiêm, Phi) ra học trinh sát ảnh, 3 trinh sát của trung đoàn 18 (Thái, Nhuần, Tân) và 3 trinh sát sư đoàn (Minh, Khoa và tôi) ra học trinh sát binh địa. Ban 2 phân công Duyên làm trưởng toán, tôi là phó. Cả bọn hồ hởi leo lên thùng xe tải, tạm biệt Hoành Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình, quay ngược ra Bắc.

9.4:
Tạm xa đất Quảng Trạch, Kì Anh này đúng vào lúc bắt đầu một giai đoạn khốc liệt. Những sự khiêu khích của đối phương đã bắt đầu từ 4 ngày trước đây.
Xe chở tấm lòng sung sướng ngược về với khu 3 -Thanh Hoá. (Q.1-Tr.145)


Cả bọn được tranh thủ về phép mấy ngày. Hối hả, 2 đứa ngược Thái Nguyên, 4 đứa về Vĩnh Phúc, Khoa về Hải Hưng, Duyên đi Nam Hà, chỉ mỗi Lê Minh là nhà ở Hà Nội. Hẹn nhau sau 3 ngày có mặt ở Ba Vành, dưới chân núi Ba Vì, đại bản doanh của trinh sát bộ tổng tham mưu.

Tôi về Hương Canh nhưng chỉ gặp Mợ và em Tuyết. Dù chưa phải là từ chiến trường về nhưng đã thấy xúc động, sung sướng lắm. Người đến thăm hỏi chật nhà. Ai cũng hỏi có gặp người thân của mình trong ấy không, cứ như chiến trường là một làng, vào đấy ai cũng gặp nhau, ai cũng biết nhau.

Khắp nơi đang hối hả sơ tán, chuẩn bị cho những trận chiến đấu căng thẳng cả ở tiền phương và hậu phương. Tôi chỉ ở nhà được vài ngày rồi lên đơn vị ở Sơn Tây. May là ngay chủ nhật sau đó, đơn vị cho nghỉ tự do, tôi vội vã xin đi nhờ xe về Hà Nội. Suốt chặng đường Sơn Tây – Hà Nội, đâu đâu, ngoài đường, trong mỗi gia đình, người già, con trẻ, đều thấy hối hả không khí “thời chiến”, chứ chẳng riêng gì lính.

10.4
Đã qua đi hơn 7 tháng rồi, hôm nay con mới lại được ngồi ở trên miểng đất yêu dấu này mà ghi cho đời mình. Ôi, đất, cảnh, con người của Hương Canh.
Con đi một nửa ngàn km về đây để được nhìn người mẹ yêu dấu của con khóc vì sung sướng. Tình cảm của anh lính chỉ là thế đấy.
Buồn vì không gặp Bố.
Mắc võng giữa 2 cột nhà chứ không phải là 2 cây rừng của Hoành Sơn nữa. Thao thức mãi. - Hương Canh. (Q.1-Tr.146)

23.4
Đường về Thăng Long nườm nượp một chiều xe và người đi ngược ra. Đường phố Gia Lâm lèo tèo vài bóng người hớt hải. Có một cái gì đấy không rõ rệt, không dứt khoát, nhưng nhìn vào đấy có thể hiểu rằng: Hãy dè chừng, đối phương sẽ gặp phải sự trừng trị đích đáng của đất này. Sự khốc liệt lại bắt đầu. Những nước cờ mới.

Gặp Thầy, anh Thức, chị Thiện và bé Nhung. Thầy đã già đi quá nhiều. Một sự lo lắng mơ hồ thoáng đến và mình phải vội vã xua nó đi ngay.

Bé Nhung, cháu gái yêu dấu của chú. Mong muôn điều tốt lành hãy đến với cháu. -Lộc Hà (Q.1-Tr.149)



(Cửa hàng kem Long Vân-Hồng Vân, chuyến tàu điện Hà Đông về, những con người mặc vỏ áo bông, những chiếc xe đạp không chở người hay hàng đằng sau, những dòng khẩu hiệu chống Mỹ, ... - Một góc Hà Nội Bảy Hai -Ảnh minh họa)

Sau khi tập trung, 3 đứa học trinh sát ảnh được tách theo lớp ảnh, còn 6 đứa học binh địa về cùng một tiểu đội của lớp binh địa, thuộc d74, Cục 2. Tiểu đội trưởng của chúng tôi ở lớp binh địa tên Bơn, hơn tôi chừng 2 – 3 tuổi, quê Hải Phòng, hiền khô, thủ thỉ, nhường nhịn. Bọn tôi hay vòi vĩnh: “Anh Bơn ơi, lương khô đê!”, “A trưởng ơi, đổi áo phin gần như mới, chưa vá miếng nào lấy áo Tô Châu cũ nào!”. Quý nhau lắm. Những đứa như Lê Minh và tôi, đã từng oài người cảnh “đầu binh cuối cán” thì ngấm, hiểu và thương a trưởng vô cùng.

Trung đội trưởng, thượng sỹ Đức, người Thanh Hoá, nom mộc mạc như chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp nhưng vẽ cảnh đồ rất suya, cảnh đồ khu vực gần thị xã Hà Đông mà nom giống như tranh thuỷ mặc của Tàu. Phụ trách lớp học là thiếu uý Thông, người miền Trung, tối ngày soi anh em từ cách đánh răng đến cách xỏ quai dép cao su.

Cùng về học binh địa còn có trinh sát của các sư đoàn khác trong toàn quân. Tôi nhớ trong cùng tiểu đội có Doanh, trắng trẻo, thư sinh, quê Hải Phòng, nhớ mang máng như trước khi nhập ngũ là sinh viên Hàng hải. Doanh chơi thân với bọn 325 chúng tôi.

Học binh địa, nôm na là học về các loại “binh đồ”, gồm bản đồ, sơ đồ, cảnh đồ, thiết đồ và sa bàn. Học ý nghĩa, cách sử dụng, khai thác thông tin từng loại, đối chiếu với thực tế, rồi sau nữa là học cách vẽ mỗi loại, cách đắp sa bàn. Yêu cầu tối thiểu với một trinh sát binh địa là bịt mắt thả xuống một địa hình hoàn toàn xa lạ, nhưng chỉ với chiếc bản đồ và địa bàn trong tay, là mở mắt ra, chỉ gióng mấy đường giao hội là chấm được ngay điểm mình đang đứng là toạ độ nào trên bản đồ.

Tôi rất mê một môn học phụ trong binh địa. Đó là nhận biết phương vị qua sao trời. Tôi vốn mê sao từ khi còn nhỏ, sống ở quê. Thật “may mắn” là thủa ấy hầu như chưa có điện, sao trở nên gần gũi, ban ngày là mặt trời, ban đêm là sao, đôi khi có trăng. Bây giờ tôi vẫn giữ được lòng đam mê sao, nhưng hoạ hoằn, năm đôi ba lần, đi đâu đó xa khỏi thành phố nhoè nhoẹt ánh điện, mới lại có dịp ngắm sao.

Mỗi học viên binh địa tự kiếm một chiếc giá vẽ, bằng gỗ dán, rộng gấp đôi chiếc bảng i-tờ, nhỏ xinh, cũng cắp nách như học sinh, hành quân thì kẹp lên chốc ba-lô. Binh địa chỉ dùng bút chì, không bao giờ dùng mực. Chì đen Hồng Hà, HB thì xông xênh, nhưng 2B thì dè sẻn, quý như lương khô A72.

Mấy tháng học binh địa, ôm bản đồ, la bàn, cắt phương vị bừa ngang, bừa dọc đất Sơn Tây, suốt từ Ba Vì, Ba Vành đến bờ sông Hồng, lui về Tùng Thiện, Thạch Thất, rồi chếch sang Hoà Lạc. Tuy không phải chiến trường, chỉ quân xanh, quân đỏ, lô-cốt, lỗ châu mai Ba Vành từ thời Pháp còn lại, thế mà cũng một lần chết hụt, lần chết hụt đầu tiên trong đời.

Đó là sáng 8/5/1972, chúng tôi hành quân từ Đồng Mô ra một khu doanh trại mới, gần Tùng Thiện. Mới hạ ba-lô, chưa kịp nhận doanh trại thì ầm ầm bom nổ tối tăm trời đất. Khói bụi mù mịt quanh quả đồi chúng tôi mới đến, cả bên trận địa tên lửa phía đồi bên cạnh và đơn vị cơ giới Q51 ở làng bên. Tôi vừa chạy, vừa lăn, vừa bò xuống chân đồi, ẹp mình xuống bờ ruộng và tận mắt chứng kiến một chiến sỹ của đơn vị tên lửa ngã gục xuống giao thông hào. Ngay khi dứt bom, đại đội ra lệnh các nhóm tự tổ chức hành quân ngược về Ba Vành, tập kết ở xóm Bơn, một xóm Mường dưới chân Ba, toạ độ xyz. Đường về đi qua ven làng, nơi đơn vị cơ giới Q51 đóng quân, thấy còn khét lẹt mùi bom, nháo nhác người chạy tìm người. Đây là lần đầu tiên tôi bị gần với cái chết, nhìn thấy cái chết nên cảm xúc khá dữ dội.

8.5
Anh cả của em! Em biết ghi gì và nói gì với anh về tất cả những gì xảy ra cách đây 3 giờ.
Lần đầu tiên trong đời, anh ạ. 9 giờ kém 5, Giặc Mỹ đổ xuống miểng đất vô tội này không biết bao nhiêu là bom đạn và thảm hoạ. Trước mắt em là bóng một đồng đội gục xuống bờ hào. Rồi bom đạn, .. Hai bên cạnh đều bốc cháy. Lửa và khói cuộn lên. Cứ như thế trong 25 phút.
Sự tồn tại dũng cảm của tổ quốc này mãi mãi là một sự kiện vĩ đại -Phi trường. (Q.1-Tr.151)


Những ngày học binh địa ở d74, Sơn Tây, mùa hè Bảy Hai, cũng chính là những ngày cả nước nóng bỏng. Nóng bỏng  Quảng Trị, nóng bỏng cả hậu phương miền Bắc, bom đạn lan ngược mãi lên tận Tây Bắc, sát biên giới.  

10.5
Những nước cờ quyết định và táo bạo của những thế lực đối lập nhau. Tình hình của cuộc chiến có những đổi thay lớn lao. Cục diện chiến trường thay đổi. Sự thất bại và những nước cờ liều ngu xuẩn của đối phương. Sự kiên trì của ta.
Tình hình Quảng Trị gieo vào lòng ta những gì phấn chấn và lạc quan.
Chắc chắn sẽ còn khốc liệt hơn nữa.
Chúng đã đánh phá tới Yên Bái. 16 kẻ cướp đền tội. ((Q.1-Tr.152)

18.5
Tụi kẻ cướp đã cắn được một miếng hiểm. Cầu Hàm Rồng, cái cuống họng gan góc ấy đã bị cắt đứt.
Nhớ lại hình ảnh của đoạn cầu dũng cảm ấy mà mình đã đi qua hôm 10.4.-Xóm Bơn. (Q.1-Tr.153)    

30.5
Buổi sáng, thiếu tá Điện, phái viên của cục tình báo, nói với bọn mình: Hãy đừng vác mặt trở về nhìn những người thân thuộc khi mà nhiệm vụ chưa làm tròn. Đi, đi hẳn đi.

Chập tối, nhận được thư K. Người bạn chiến đấu ấy nhắc nhở mình bao nhiêu điều tốt lành của thủa nhỏ qua rồi. Dĩ vãng êm ái của chung thật là quí giá. Khuê còn cho biết cuối 7.72 K sẽ vào.

Minh cũng nhận được thư. Qua thư Minh được biết sư đoàn mình đã lên đường vào B dài rồi. Mình sẽ vào sau.
X. Bơn. (Q.1-Tr.155)

31.5
Lại hết một tháng nữa rồi. Hôm nay, những con quỉ trời lại lấc láo bay vào.
Hôm nay là ngày đầu của đợt giã ngoại thứ nhất. Lại hành quân, lại đắm đuối chìm vào biển sao mênh mông.
Đồng Mồ. (Q.1-Tr.156)

22.6
Suy nghĩ về Tội ác và Trừng phạt.
Những tên cướp trời bay lấc láo và hăm dọa gieo cái chết vào bất cứ một sinh mạng vô tội nào.
Xóm Bơn. (Q.1-Tr.161)

2.7.1972
Mấy ngày diễn tập thử đã quá ư là vất vả. Chẳng còn bao lâu nữa sẽ rời hậu phương để nhích dần tới lò lửa rừng rực đang đợi chờ. Xóm Bơn. (Q.1-Tr.162)

Gần hết khoá học có 2-3 đợt dã ngoại tổng hợp, có đợt tập đột nhập đào hầm bí mật trong nhà máy nước thị xã Sơn Tây, đợt đột nhập vẽ sơ đồ huyện đội Thạch Thất. Mỗi lần như vậy, bộ đội địa phương hay dân quân tự vệ được báo trước, vào vai quân xanh, háo hức săn tìm cánh trinh sát, bắt giải về “đồn” nhận thưởng.

Tôi còn nhớ chút kỷ niệm về lần dã ngoại ở Thạch Thất. Lần ấy, sau khi nhận nhiệm vụ và tìm hiểu kỹ trên bản đồ, chúng tôi quyết định “ém quân” ở một xóm nhỏ, cách huyện lỵ chừng 2-3 cây số. Ban ngày tìm cách tiệm y, tiếp cận huyện lỵ để sơ bộ định hướng, ban đêm đột nhập vẽ sơ đồ chi tiết khu huyện đội. May mắn là sáng ấy có phiên chợ ở huyện lỵ mà quanh đấy là cả rừng các đơn vị bộ đội nên lính và anh nuôi đi chợ cũng nhiều, dễ trà trộn. Nhưng kẹt nhất là chỉ có một cây cầu duy nhất để vào huyện lỵ, đầu bên kia cầu có quân xanh chốt. Có nhóm may mắn lọt qua cầu, có nhóm bị quân xanh tóm, có nhóm cười xòe, chạy bổ lùi. Mấy anh nuôi đơn vị khác sửng cồ chứng minh mình là “anh nuôi xịn”, trinh sát, trinh seo gì đâu.

Nhóm tôi không chọn con đường qua cầu. Xem kỹ trên bản đồ thấy vòng lên phía phải cầu  khoảng vài cây số có một bến đò. Chúng tôi chọn lối này. Trên đò có 2 đứa bọn tôi, một nhóm trinh sát khác nữa và mấy người dân. Đến giữa sông đã nhác thấy bóng 2 chú quân xanh thập thò sau gốc đa trên bến. Toi rồi. Chúng tôi hội ý chớp nhoáng. Đến bờ, tôi lên đầu tiên, xăng xở vác chiếc xe đạp của một chị khách trên đò, vừa leo lên dốc đê, vừa quay nhìn đợi chị, như chồng đợi vợ. Anh bạn cùng nhóm đi sát tôi, vừa đi vừa phân trần, như năn nỉ, nhờ vả tôi điều gì đó. Đến chỗ 2 quân xanh, tôi chủ động xin khi họ chưa kịp hỏi gì: “Đồng chí này là bạn cùng quê, về nghỉ phép, chuẩn bị đi B, không phải là lính trinh sát đâu”. “Biết rồi, ai hỏi mà xưng, đồng chí cứ đi đi, còn đồng chí lày đứng nại!” Thế là họ đẩy xe đạp của tôi lên hướng đê, còn bạn tôi bị giữ lại. Tôi giả vờ lắc đầu, không nói gì thêm, thản nhiên dắt xe lên hẳn trên đê, bỏ lại người “bạn cùng quê”. Qua rồi, ngoái lại thấy đồng đội và nhóm trinh sát kia xin xỏ một lúc rồi cũng phải lên đò quay ngược về, mỗi mình tôi thoát.

Cả ngày lang thang trong thị trấn. Tối khuya, không khó khăn lắm, tôi đã tiềm nhập được vào một căn phòng rất rộng, không khoá, trong toàn bàn ghế và tủ, chắc là hội trường huyện đội. Bên phòng đối diện thấy có một người mặc quân phục nghiêm chỉnh, ngồi lúi húi sổ sách bên ngọn đèn dầu. Vô tình tôi vấp phải chiếc ghế gây nên tiếng động nhỏ. Thì cũng coi như tiếng động của lũ chuột đuổi nhau trong phòng thôi. Nhưng tôi thấy anh ta thong thả đứng dậy, tay hua hua chiếc đèn 3 pin, đi thẳng sang hội trường. Tôi nhẹ nhàng chui ẹp dưới gầm chiếc bàn cuối phòng. Việc đầu tiên anh ta làm là bình tĩnh chốt cửa lại, rồi dõng dạc: “Mấy bố trinh sát đâu rồi, ra đi!”. Tìm được tôi trong ngổn ngang bàn ghế kể cũng không dễ, mà khéo léo thì tôi cũng có thể lẻn ra ngoài được, nhưng sợ nhất là anh ta chẳng tìm nữa mà lại quay ra, bấm khoá cửa lại thì chỉ còn nước dỡ mái ngói mới thoát ra được.

Thì ra anh ta được báo trước nên đã mở cửa sẵn bẫy tôi. Lần này thì chính tôi bị mắc bẫy, chứ không bẫy được quân xanh như ban sáng ở bến đò. Câu chuyện kết thúc bằng cái bắt tay kiểu lính và nụ cười ngượng nghịu của tôi.

Mãi đến tận ngày bế mạc, chúng tôi mới gặp lại nhóm trinh sát ảnh. Cả toán trinh sát 325 đều đạt kết quả tốt. Chào tạm biệt Sơn Tây, “Thủ đô lính”.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Tám, 2010, 11:51:41 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #52 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2010, 11:10:03 pm »


Xin gửi một bài thơ về chuyến đi ấy như một nén hương tưởng nhớ anh Hiền, người đại trưởng đầu của C20.
--

Bữa cơm chiều ba mươi Tết

Không hẹn trước mà rồi gặp nhau
Sáu người đi đặt đài quan sát
Dừng lại nấu bữa cơm chiều Tết
Dưới chân Hoành Sơn bồng bềnh mây bay

Các anh là lính thông tin theo đặt đường dây
Trinh sát chúng tôi đi tìm cao điểm
Đơn vị bước vào những ngày dã chiến
Nên bữa cơm này đơn giản thế thôi

Xoong canh cải còn nghi ngút hơi
Không có muối ta cho ruốc vậy
Cơm nấu vội mà ngon thế đấy
Ngất nghểu một nồi thật cao

Ngồi vào ăn không biết hết tên nhau
Vẫn vui chuyện về mùa xuân xứ sở
Ngày mai ngày mai khi màu xanh hé nở
Cánh rừng này chỉ còn những người đi tìm tài nguyên

Sau những ngày hành quân liên miên
Ta nghỉ lại ven rừng nấu bữa cơm chiều ba mươi Tết
Đi đánh Mỹ có những ngày sống đẹp
Vượt qua một gian lao hiểu hạnh phúc hơn nhiều

Hoành Sơn, Chiều 30 Tết Âm lịch 1972.
(ruốc: mắm tôm)


Hình như bài thơ này của Hồ Tú Bảo phải không bác ?
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #53 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 12:24:26 am »

...Nhóm tôi không chọn con đường qua cầu. Xem kỹ trên bản đồ thấy vòng lên phía phải cầu  khoảng vài cây số có một bến đò. Chúng tôi chọn lối này. Trên đò có 2 đứa bọn tôi, một nhóm trinh sát khác nữa và mấy người dân. Đến giữa sông đã nhác thấy bóng 2 chú quân xanh thập thò sau gốc đa trên bến. Toi rồi. Chúng tôi hội ý chớp nhoáng. Đến bờ, tôi lên đầu tiên, xăng xở vác chiếc xe đạp của một chị khách trên đò, vừa leo lên dốc đê, vừa quay nhìn đợi chị, như chồng đợi vợ. Anh bạn cùng nhóm đi sát tôi, vừa đi vừa phân trần, như năn nỉ, nhờ vả tôi điều gì đó. Đến chỗ 2 quân xanh, tôi chủ động xin khi họ chưa kịp hỏi gì: “Đồng chí này là bạn cùng quê, về nghỉ phép, chuẩn bị đi B, không phải là lính trinh sát đâu”. “Biết rồi, ai hỏi mà xưng, đồng chí cứ đi đi, còn đồng chí lày đứng nại!” Thế là họ đẩy xe đạp của tôi lên hướng đê, còn bạn tôi bị giữ lại. Tôi giả vờ lắc đầu, không nói gì thêm, thản nhiên dắt xe lên hẳn trên đê, bỏ lại người “bạn cùng quê”. Qua rồi, ngoái lại thấy đồng đội và nhóm trinh sát kia xin xỏ một lúc rồi cũng phải lên đò quay ngược về, mỗi mình tôi thoát... trích từ bác sau chin bay mot.
Hê hê..em nghĩ là bác đã "nghĩa lộ" ngay từ sau lúc này rồi. Mấy ông cục 2 khôn lắm. Bài học đầu tiên có lẽ là không bao giờ được coi thường đối thủ. Em đã ngờ ngợ là các bác học bài bản ở trường HSQ trinh sát từ khi nhìn nét vẽ đám mây trong bức cảnh đồ cao điểm 54 của bác TTNL.
Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #54 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 01:13:42 am »


Xin gửi một bài thơ về chuyến đi ấy như một nén hương tưởng nhớ anh Hiền, người đại trưởng đầu của C20.

Bữa cơm chiều ba mươi Tết
Hình như bài thơ này của Hồ Tú Bảo phải không bác ?

       Bác Lê Xuân Tường tinh quá !
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #55 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 02:28:58 am »

Chúc mừng các bạn C20 F325 đã tìm được tin về Ctrưởng đầu tiên của mình.

       Đã hơn 2 giờ sáng rồi, tôi vân không ngủ được. Ngày hôm nay là ngày giỗ của đại trưởng Hiền. Chiều qua, chúng tôi từ Hà Nội lên phố Thắng Hiệp Hòa Hà Bắc gặp bác Thanh. Suốt chiều hôm kia, ngay sau khi 6971 đưa thông tin tìm anh Hiền lên trang web của Hiệp Hòa, Bác Thanh đã đi tìm hai địa chỉ. Rất vất vả nhưng đã tìm đến tận nhà đại trưởng Hiền. Bác Thanh dẫn chúng tôi về nhà a.Hiền. Chuyện ở nhà a.Hiền, bác 6971 sẽ kể lại. Hết sức cảm động.

       Cảm ơn bác Thanh. Một con người nhiệt thành, chu đáo. Nói như cách nói của Bình Yên, bác ấy cũng "Khùng" lắm !
      đây là bác Thanh. Xin bật mí, bác ấy cũng là lính đánh ở khu vực Lão Sơn đấy ạ !
Logged

dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #56 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 09:08:03 am »

Học binh địa, nôm na là học về các loại “binh đồ”, gồm bản đồ, sơ đồ, cảnh đồ, thiết đồ và sa bàn. Học ý nghĩa, cách sử dụng, khai thác thông tin từng loại, đối chiếu với thực tế, rồi sau nữa là học cách vẽ mỗi loại, cách đắp sa bàn. Yêu cầu tối thiểu với một trinh sát binh địa là bịt mắt thả xuống một địa hình hoàn toàn xa lạ, nhưng chỉ với chiếc bản đồ và địa bàn trong tay, là mở mắt ra, chỉ gióng mấy đường giao hội là chấm được ngay điểm mình đang đứng là toạ độ nào trên bản đồ.
-------------------------------------
 Minh họa cho đoạn viết trên của bác sauchinbaymot: Cảnh đồ

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #57 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 10:32:38 am »

Chuyện ở nhà a.Hiền, bác 6971 sẽ kể lại. Hết sức cảm động.
Chuyện ấy, chuyện hôm qua, đúng ngĩa đen của từ Hôm qua, thế mà tối qua, khi chia tay, A Thanh, giáo viên Văn của Phổ Thắng, ân nhân của anh em C20, cũng phải nói rằng:"Kể lại, nhiều người, nhất là thế hệ trẻ bây giờ không tin".

6971
Logged

Nhật ký Viết lại
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #58 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 11:07:37 am »

6. Đường ra trận mùa này đẹp lắm!

Khoá học nghiệp vụ trinh sát ở Sơn Tây kết thúc gần giữa tháng 8/1972, đúng vào thời điểm Quảng Trị đang nóng bỏng nhất. Đi đâu trên đất Bắc cũng nghe nói 2 từ Thành cổ Quảng Trị. Cả nước hướng về Quảng Trị, chung nhịp thở với Quảng Trị. Toán trinh sát f325 nhận bằng tốt nghiệp, được về phép 2 tuần, hẹn nhau chủ nhật 20/8 tập trung ở Hà Nội, tại nhà Lê Minh, 60 phố Sơn Tây, để theo đường giao liên trở về đơn vị.

Ngày nhập ngũ không liên hoan, nhưng trước ngày “Tài đi B”, Thầy tôi lại quyết định “thịt lợn” liên hoan. Ngày ấy, thịt một con lợn là chuyện hệ trọng, rắc rối lắm, chứ không đơn giản như bây giờ. Phải làm giấy báo cho đội, báo cho hợp tác xã, rồi thịt ra phải bán thịt cho “Thực phẩm” (phòng chức năng của huyện, phụ trách việc thu mua thực phẩm của dân rồi bán theo tiêu chuẩn tem phiếu cho cán bộ), chỉ giữ lại 2 lá mỡ và bộ lòng. Tôi rời Hương Canh, về Hà Nội sớm 2 ngày, tranh thủ qua thăm anh chị và cháu ở Yên Viên. Theo kế hoạch, ngày 20/8 tập trung, ngày 22/8 khởi hành.  

18.8
Lớn lên ở đây và đây cũng là nơi bắt đầu của những chuyến đi. Thức trắng đêm ở Hương Canh và Yên Viên. (Q.2-Tr.5)



Bút tích nhật ký của thầy tôi với các mốc thời gian: Thịt lợn/Bình (anh cả) tìm Tài/Tài tập trung (Hà Nội)/Tuyết (em gái tôi) thi vào 8/Tài đi B

Đầu tuần sau, Duyên và tôi đi tiền trạm, mang giấy giới thiệu của Cục 2 lên thẳng bộ quốc phòng hỏi đường về sư đoàn. Toà nhà Bộ Quốc phòng màu đỏ nâu, đứng uy nghiêm, lạnh lùng, cổ kính góc ngã tư Phan Đình Phùng - Hoàng Diệu. Vị trung uý thường trực ngồi vuông vức trên ghế, đọc giấy giới thiệu của Cục 2 rồi không hỏi nửa câu, lạnh lùng nói: “F325 của các đồng chí đang ở Quảng Trị. Các đồng chí tự tổ chức đi, khẩn trương lên. Vào đến Kỳ Anh sẽ có trạm thu nhận của sư đoàn. Trinh sát, toàn tốt nghiệp khá giỏi thế này cần gì giao liên”.

Không còn đoán già, đoán non nữa, chính f325 của chúng tôi đang chiến đấu ở Quảng Trị. Chúng tôi tụ tập ở nhà Lê Minh, bàn bạc và quyết định, mua được vé xe ngày nào sẽ đi ngày ấy. Trong thời gian chờ đợi, mấy đứa về nhà họ hàng ở Hà Nội, còn lại ở ngay nhà Lê Minh, coi như trạm giao liên gia đình, không đứa nào được về quê nữa.

Đường tàu vào Nam đã bị bom đạn cắt đứt từ đầu hè, chỉ còn trông vào xe khách, nhưng cũng rất hiếm. Cũng may, nhờ bác Lê Giới, bố của Lê Minh, là cán bộ cao cấp trong ngành giao thông nên cuối cùng bọn tôi cũng có được 9 chiếc vé xe khách Hà Nội - Vinh. Đoạn từ Vinh vào Kỳ Anh lo sau, cùng lắm là hành quân bộ. Duyên phụ trách chung, tôi phụ trách hậu cần, quân lương. Dự tính cùng lắm 1 tuần thì đến được đơn vị, nên cũng không quá lo lắng. Dù vậy, tôi vẫn phòng xa mua 300 chiếc bánh xốp loại 3 hào ở chiếc xe lưu động của mậu dịch trên bờ hồ Thuyền Quang. Mỗi chiếc to gần bằng miệng chiếc bát B52, dày non mu bàn tay, nhưng 100 chiếc đùm vào áo mưa lính cũng chềnh ềnh to bằng 2 chiếc ba-lô cóc.

Chiều chủ nhật sau quốc khánh, 3/9, xe xuất phát từ bờ hồ Thuyền Quang. Chúng tôi quê xa, không ai có người tiễn. Mẹ và các em Lê Minh ra tiễn chung. Trên xe chỉ có 9 lính, còn toàn là dân thường và cán bộ đi công tác. Chiếc xe khách vỏ Ba-Đình, ruột IFA chuyển bánh chạy theo phố Trần Nhân Tông rồi ngoặt trái, xuôi đường Nam Bộ đi về phương Nam.  

3.9.1972:
Bây giờ đi là đi chứ đâu phải chuyện “say đi”. (Q.2-Tr.5)


Đầu 9/1972 đang là giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh mà trọng tâm là thị xã Quảng Trị. Địch quyết tâm bật ta ra khỏi thị xã Quảng Trị để lấy lợi thế trên bàn thương lượng Pa-ri. Chịu trách nhiệm chính chốt giữ thị xã lại chính là sư đoàn 325 non trẻ của chúng tôi. Để ngăn chặn mọi sự hỗ trợ của hậu phương cho Quảng Trị, máy bay Mỹ tăng cường bắn phá ác liệt suốt ngày đêm, chặn các ngả đường từ Bắc vào.  
        
Xe chúng tôi đi suôn sẻ được đúng 1 ngày, nhích về phía chiến trường được khoảng 50-60 cây số. Đến một cây cầu đâu đó khỏi thị xã Phủ Lý thì đường bị bom địch cắt đứt, xe phải tạt vào làng xóm ven đường chờ mất 1 ngày. Hôm sau đường thông, lại đi, lại tắc, lại chờ thông đường. Mới được khoảng 100 cây số, chưa hết đất Ninh Bình, mà đã hết đứt gần 1 tuần. Sốt ruột đã đành nhưng bắt đầu có vấn đề về quân lương vì chúng tôi chỉ tính dự trữ đủ cho nhiều nhất là 1 tuần. Thế mà đà này chắc còn lâu mới đến được trạm tiếp nhận của sư đoàn.

Lính vào chiến trường hầu như không ai mang theo tiền. Tôi có tờ 5 đồng, nhưng là 5 đồng của tháng lương binh nhì đầu tiên nhận từ hồi ở Sở Thượng, trên đó tôi đã viết nắn nót và dè sẻn hơn chục địa danh đã qua: Thượng Đình, Sở Thượng, Xóm Mạc, Ngọc Kim Long, Quán Rãnh, Bạch Mai, Kỳ Lạc, Đèo Ngang, Ba Vành, xóm Bơn, Hoà Lạc, Thạch Thất. Tôi quyết không tiêu, để giữ làm kỷ niệm, thầm mong điền các địa danh chỉ hết 1 mặt tờ tiền, sang mặt sau cầu mong được điền lại chữ Thượng Đình là nơi ngày 6/9/1971 đã ra đi. Tôi quản quân lương nên càng lo. Anh em đồng ý xén bớt khẩu phần. Số bánh xốp những ngày đầu chỉ để ăn chơi chơi, nay phải quản chặt để sung vào thành khẩu phần chính. Lên xe, xuống xe, bánh đã vỡ vụn, thì cho vụn luôn, bóp ra, lấy bát B52 đong thành suất, vừa tiện, vừa công bằng, một bữa mỗi người một gạt miệng bát bột bánh xốp, cũng kéo thêm được 3-4 bữa. Kết hợp với nguồn khoai sắn từ dân vận, cố cầm cự.

Tối 6/9, một năm ngày nhập ngũ, Duyên, Minh và tôi, 3 đứa rủ nhau ra ngồi quán nước ven đường. Mấy chén nước chè với mấy viên kẹo dồi, lang thang ngược về dĩ vãng mới một năm chưa xa rồi phiêu diêu tưởng tượng một năm sau, không biết xa hay gần.    

Đến được đâu đó cuối Ninh Bình, đầu Thanh Hoá thì gần như dẫm chân tại chỗ. Phần vì đường tắc, phần vì bác tài-xế cứ nấn ná, chỉ suốt ngày quyến luyến, thân mật với một cô hành khách trên xe. Mọi người xì xào: kiểu này thì đến Tết chưa chắc vào đến Vinh. Chúng tôi hội ý và quyết định bỏ xe khách, chuyển sang hành quân bộ.  

Cả đoàn cặm cụi đếm từng huyện, hết Quảng Xương sang Tĩnh Gia, qua Quỳnh Lưu, vào Diễn Châu. Cầu Hang, cầu Hổ, cầu Giát,... đều bị bom đánh sập ban ngày, ban đêm công binh khắc phục tạm. Lại đánh, lại nối, ít nhất là đảm bảo giao thông cho người đi bộ. Nhớ đêm qua cầu Hang, cầu Hổ, chúng tôi phải bò trên những nhịp cầu đã bị gục xuống sông, quãng nổi, quãng chìm, gập ghềnh, chênh vênh để vượt sang bờ nam.

Chúng tôi qua Tĩnh Gia, huyện cuối cùng của đất Thanh, sang Quỳnh Lưu, huyện đầu của xứ Nghệ, vào một đêm trăng thượng tuần mảnh mai, mùng 3 hay 4 tháng 8 âm lịch. “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh”. Đoạn này, quốc lộ Một chạy bám theo sườn núi. Cả bọn nhóm 2, nhóm 3 cặm cụi đi trong phần đường khuất ánh trăng do bóng núi đổ xuống. Không thấy “non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ”, chỉ thấy ánh trăng bàng bạc trên cao, xa xa phía trước. Càng đi vào đêm, trăng càng xuống thấp, bóng núi càng dâng cao, loang rộng. Tôi chìm vào cảm giác hoang sơ, bé bỏng, thần thoại. Cả bọn dừng chân nghỉ đúng cột phân cách 2 tỉnh Thanh Hoá - Nghệ An. Nhích thêm được một tỉnh nữa.

Hết đất Thanh rồi tiếp sang xứ Nghệ, chúng tôi đi hiên ngang trên quốc quốc lộ Một, hôm đi ngày, hôm đi đêm. Thời điểm đầu 9/1972, quốc lộ Một bị bom Mỹ cắt vụn, đứt đoạn, vì vậy, rầm rập người xe trên đường mòn Trường Sơn nhưng quốc lộ Một lại vắng tanh. 9 chiến sỹ trinh sát f325 với 9 chiếc ba-lô cóc, 9 khẩu AK báng gấp, 1 máy ảnh, cặm cụi đi vào hướng Quảng Trị. Lác đác chúng tôi gặp những người lính đi lẻ hay thành tốp 2 – 3 người, ngược hướng với chúng tôi. Người thì ba-lô lép bẹp trên lưng, người thì xệch xoạc túi mìn Claymo bên vai hay nhếch nhác bao cát Mỹ trên tay, mệt mỏi, rã rượi, vừa đi vừa lấm lét nhìn về phía trước. Đi ngược chiều nhau nhưng chúng tôi chỉ nhìn thấy họ ở xa xa phía trước, không lần nào xáp mặt, không lần nào chào hỏi nhau vì họ đều tạt xuống bên đường, tránh bọn tôi. Có lẽ họ tưởng chúng tôi là quân cảnh.

Tôi chợt nhớ tới một câu có tính triết lý của Huygô trong Những người khốn khổ, đoạn nói về Giăng Van Giăng ở tù ra: “Người nghèo đi không có thói quen ngoảnh nhìn về phía sau”. Lính thì giàu với ai? Đúng thật, không hề thấy những người lính bỏ ngũ đi ngược chiều với chúng tôi ngoái cổ lại. Phía sau của họ là phía trước của chúng tôi, nơi Cổ thành Quảng Trị đang những ngày kiên cường tử thủ.  

10.9
Những tốp lính nhếch nhác lê dài trên lộ 1, trốn về nơi thanh bình hơn.
Mùi khăm khẳm của thịt người thối ở hố bom bên cầu vào lúc hửng sáng.
Thoát khỏi Thanh Hoá. -Quỳnh Lưu. (Q.2-Tr.7)


Dọc đường vào, đâu đó không nhớ thuộc đất Thanh hay xứ Nghệ, trên lưng chừng những dải núi đất, quân dân đã vạt cỏ, xếp đá hay quét vôi thành hàng chữ in trắng nổi bật trên nền xanh của núi đồi và da trời: “Tất cả để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”, sừng sững như một pa-nô thiên nhiên, ta từ chục cây số xa hay địch bay mãi trên trời cao vẫn đọc được.

Đi trên quốc lộ 1, phần đất Quỳnh Lưu, Diễn Châu, có cảm giác như thanh bình hơn Thanh Hoá. Đêm qua núi Mộ Dạ (Dạ Sơn), dù mệt cả bọn vẫn không tiếc đường, tiếc sức, rẽ lên thăm đền thờ Thục Phán An Dương Vương ngay bên đường. Đền nằm trên đỉnh quả đồi tạo nên hình hình con công, đồi là thân công, ngôi đền là cái đầu công, nên gọi là đền Công, tiếng địa phương gọi là đền Cuông.

Từ chân đồi nhìn lên đền Cuông, ánh trăng chiếu sáng ngôi đền, mờ mờ, ảo ảo như phủ khói sương, lung linh truyền thuyết Mỵ Châu, Trọng Thuỷ. Trong đêm trăng mờ, từ trên đền không nhìn được thấy biển, không nghe tiếng sóng vỗ, nhưng gió đã thoảng vị mặn. Khoảng đoán biển không xa, nơi thần Kim Quy hiện lên mách bảo An Dương Vương: “Địch ở sau lưng mà nhà vua không biết!” Sao chuyện xưa mà cũng oan nghiệt thế! Liệu có đoạn nào trên chặng đường chúng tôi vừa đi, vết chân chúng tôi trùng lên vết vó ngựa của cha con Thục Phán? Có còn sót lại đâu đó những chiếc lông ngỗng si tình của người xưa?  

Tôi nhớ hôm qua Diễn Châu, đoàn dừng chân nghỉ đêm ở Diễn Thịnh. Đất lạc đang mùa thu hoạch lạc, ngập sân, ngập hè là lạc. Lần đầu tôi thấy người ta bóc lạc bằng cối máy, đạp bằng chân, thứ cối ở quê tôi chỉ để giã gạo, giã bột. Thật ngạc nhiên, chày máy giã phầm phập thế mà chỉ vỡ vỏ chứ nhân lạc không vỡ. Sáng ra, khi chia tay gia đình, tôi mới biết hôm trước nữa mình đã quên chiếc bi-đông ở Quỳnh Lưu. Bác chủ nhà thấy vậy vội chạy vào buồng mang ra cho tôi một chiếc bi-đông, cũng bi-đông lính, bi-đông Trung quốc, mới tinh, dù tôi từ chối thế nào cũng không được. “Có phải của nhà mô. Cũng là của mấy chú đoàn khác bỏ quên. Bộ đội đi B mà không có bi-đông đánh Mỹ răng được!”.  

Qua Nghệ An sang Hà Tĩnh, chúng tôi rời quốc lộ 1, rẽ lên đường 15 vì đích đến của chúng tôi là miền tây Kỳ Anh. Qua Nghi Xuân, Đồng Lộc, Đức Thọ, Can Lộc, Hương Khê, Cẩm Xuyên vào Kỳ Anh. Chỉ đi đêm, vì đêm mới hy vọng gặp xe đi nhờ. Một đêm, cả lũ ngủ thiếp đi ngay trên mặt đường. Đằng nào xe đến cũng phải dừng lại, khỏi phải vẫy, càng dễ xin đi nhờ.

Một đêm khác, đâu đó thuộc Can Lộc, Hà Tĩnh, trăng gần rằm, trong veo, chúng tôi đi nhờ được xe tải, nhưng đường mới bị bom đánh tắc. Điểm tắc là cống Mười Chín, một trong những trọng điểm mà cánh giao liên quen gọi là cống “Mì Chính”, vì có lần địch đánh trúng xe chở mì chính, làm tung toé mì chính ra trắng cả mặt ruộng. Chờ cả tiếng sốt ruột, chúng tôi xuống xe, men theo đoàn xe đi về phía trước. Ngạc nhiên, đoàn xe không phải là 5 xe, 10 xe mà là cả hàng trăm xe, toàn là xe tải, ăm ắp chở hàng, chở quân. Tất cả tắt máy, căng thẳng, lính lái ngồi trong ca-bin, bộ đội trên thùng xe, ai nấy căng tai lắng nghe hướng dẫn của thanh niên xung phong và canh chừng tiếng máy bay giặc. Và ngạc nhiên hơn nữa là cả trăm xe chiều vào nhưng không có một xe nào chiều ra. Cứ như một chiều máu chảy. Tôi thấy rạo rực, mình cũng là một trong những bạch cầu, hồng cầu li ti trong mạch máu sục sôi, căng tràn, đêm đêm hừng hực chảy dồn về phía có tiếng súng.

Qua được cống Mì Chính là đến ngã ba Đồng Lộc. Một lần khác vẫy được xe dừng lại, lái xe thò đầu ra: Xe chở lợn, hôi lắm, đi không? Có, hôi còn hơn đi bộ. Lớp nhớp một đêm lính đứng chung với lợn trên xe, hôm sau tắm suối nửa ngày vẫn hôi.
Sau đúng 16 ngày long đong, lận đận nhưng không kém thi vị, trưa 18/9, toán trinh sát cũng đến được tiểu đoàn thu dung (d27) của sư đoàn ở Kỳ Tây, Kỳ Anh. Thật tiếc là cuộc hành quân hơn nửa tháng đầy ắp những kỷ niệm thú vị ấy được ghi lại trong nhật ký quá sơ sài. Cứ ngày nối ngày, đêm nối đêm, huyện nối huyện, tỉnh nối tỉnh, mặc máy bay và bom đạn, cứ thế thẳng hướng ra chiến trường. Có rảnh rang lúc nào đâu mà nhật ký! Chỉ 4 lần ghi: 3/9 - Ngày xuất phát; 8/9 – Tắc đường, rỗi rãi; 10/9: Hết đất Thanh, sang Nghệ và 18/9: Tới trạm thu dung. Còn đọng trong trí nhớ thì nhiều, đủ để viết vài quyển, vài trăm trang, nhưng lủng củng, nhòe nhòe, lẫn lộn.

8.9
Tắc đường và những câu chuyện triết lí khi rỗi rãi:
Người ta lo lắng về một sự biến đổi tư tưởng, biến đổi quan niệm. Điều đó không phải là không thể xảy ra. Thật là kinh khủng! Một ngày kia người ta sẽ cảm thấy say mê rất tự nhiên những cái mà bây giờ rất coi thường. Người ta bình tĩnh bao biện cho lối sống tầm thường lúc ấy.
Còn tình yêu, còn quan niệm về hạnh phúc, về thể xác và về hứng thú được nuôi con và dạy con. Những suy nghĩ về chiến tranh.
Người ta thiết tha với cuộc sống không phải vì họ sợ cái chết mà là vì họ sợ cái không sống! (Q.2-Tr. 6)

18.9
Đến được nơi. Một kỳ công vĩ đại. -Trạm thu dung của sư đoàn. (Q.2-Tr.7)


(Còn nữa)
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Tám, 2010, 11:22:34 am gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
nguyenminhson356
Thành viên
*
Bài viết: 228



« Trả lời #59 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 11:08:47 am »

 chào bác 6971 đọc những dòng viết của bác thấm ,thấm lắm bác ạ .E nghĩ bác lên in thành sách đi bác ,em đã đọc nhật ký của Nguyễn Văn thạc cùng thời với bác ,em đã rất xúc động. Emcũng là lính thế hệ em bảo vệ miền biên cương của tổ quốc ,cũng chiến trận ác liệt em cũng có 2toppic ở đây tái hiện phần nào cuộc chiến đó .Nhưng phải nói thật với các bác taukhongso , bác 6971 là ,trình độ là vấn đề cực kỳ quan trọng ,em được chứng kiến được nhìn sự mất mát đau thương của đồng đội ,được bà con dân tộc nơi đây thương yêu đùm bọc nhưng không biết làm thế nào thể hiện được cho thế hệ sau hiểu được .Cám ơn các bác những người tri thức cầm súng ,chỉ có các mới có được những dòng viết xúc động đến như vậy .Việt Nam chúng ta đã bị mất bao nhiêu trí thức vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường ,đó là một  mất mát cực kỳ lớn .Đó là điều làm đất nước chúng ta phát triển chậm lại trong nhiều năm  sau .Đọc nhật ký Nguyễn Văn THạc mấy năm trước em đã bực mình ,sao không để cho nhưng nông dân cổ cày vai bừa ,vào hết chiến trận còn để cho những người giỏi ở nhà học vực đất nước đi nên như các cụ ta ví ( một người lo bằng một kho người làm) một mình các bác bằng một kho người như chúng em .Nhưng càng đọc em lại hiểu thêm một điều nếu không có các bác vừa cầm súng vừa cầm bút thì Việt Nam chúng ta làm gì có được những bài hát ,những vần thơ những trang nhật ký của bác ,của bác taukhongkhongso ,Nguyễn văn thạc , phạm Tiến Duật, Hoàng
Cầm ,Đặng Thùy Trâm sống mãi với thời gian.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Tám, 2010, 05:58:08 pm gửi bởi nguyenminhson356 » Logged

Một ba lô, cây súng trên vai.
Người chiến sĩ quen với gian lao...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM