Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:15:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhật Ký Viết Lại  (Đọc 331813 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #40 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2010, 06:54:18 pm »

4 Xê Hai Mươi (tiếp theo)

Tháng 2/1972, miền Bắc chưa bị đánh bom trở lại. Suốt dọc đường từ Bắc Giang, qua Bắc Ninh, Hà Nội, rồi Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An cho đến Hà Tĩnh, đoàn chúng tôi, khoảng trên dưới nghìn người của khối sư bộ f325, hành quân hiên ngang, khí thế hừng hực. Tàu xe phất phới cờ sao vàng, nền nửa xanh nửa đỏ. Lính hồ hởi, say mê hát.

Đây là thời điểm ta chuẩn bị mở chiến dịch lớn ở Quảng Trị. F325 được điều động vào Hà Tĩnh, Quảng Bình, sát với Quảng Trị, dù mới chỉ có khối sư bộ, còn các trung đoàn vẫn ở Hà Bắc. Nhiệm vụ chính của sư đoàn là trấn giữ tuyến sau, phòng địch đánh tập hậu khi ta mở chiến dịch Quảng Trị, đồng thời cũng là lực lượng dự bị cho chiến dịch. Nhưng mãi sau này mới biết nhiệm vụ và ý nghĩa là như vậy, chứ khi đó chỉ cảm thấy mình đang nhích gần hơn vào chiến trường, còn tò mò chưa biết sẽ “B ngắn” hay “B dài”.

11.2.1972
Nặng quá quá. Chưa bao giờ cơ thể bé bỏng này phải chịu đựng tới vậy. Bặm môi mà đi.
Thôn xóm xôn xao, rộn rã ngày tết đến. Nghĩ mà muốn khóc. Tủi quá. Nhắm mắt mà đi. Tới Bắc Giang, lên tàu. Tàu đi. Đi hoài. Đi dọc theo kim địa bàn. Đi vô phương Nam.
Qua Hà Thành tất tả ngày cuối năm. Qua Nam Hà, Ninh Bình, Thanh Hoá. Tàu xuyên đêm đi vô xứ Nghệ. Xứ Nghệ “non xanh nước biếc” là đây.
Tàu mệt mỏi, phả khói phì phì rồi dừng lại ga Vinh. Hơn 20 giờ đi tàu.
Lại cắm cổ mà đi. Đất khu Tư, người khu Tư là đây! -Vinh. (Q.1-Tr.137)


Nhưng rồi những hưng phấn “trùng trùng quân đi như thác” của tôi đã bị sựng lại sau khi qua Bến Thuỷ. Sững sờ đầu tiên là sự cố ngôn ngữ ở một xóm nhỏ thuộc huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Chị chủ nhà vừa dứt khoát không cho các chú bộ đội mang ba-lô vào trong nhà, vừa trầm bổng những gì mà cả tiểu đội toàn lính Bắc không ai hiểu. Tôi phải chạy lên đại đội cầu cứu Lục, a trưởng, quê miền Trung, xuống phiên dịch và “giải vây”. Thì ra câu chuyện là thế này: Tiểu đội tôi chia ra ở nhờ 2 nhà dân, nhưng nấu nướng, ăn uống thì chỉ tập trung ở một nhà. Như vậy, theo lệ thường trẻ con của gia đình nơi bộ đội nấu cơm sẽ được phần bát cơm của mấy chú bộ đội khi đến bữa còn nhà kia thì không, họ thắc mắc. Thế thì đơn giản quá.
 
Rồi cả đêm hành quân. Chập tối được đi xe nhưng tôi thì say rã rượi. Nửa đêm đến sáng gùi bộ quá nặng, tôi đã bi quan cảm thấy mình sẽ bị rớt lại, không theo nổi đơn vị, may có Lê Minh quay lại động viên, vác đỡ bao gạo.

Rồi sáng sau cũng đến được nơi tập kết, một xóm nhỏ heo hút của xã Kỳ Lạc, miền Tây huyện Kỳ Anh. Đó là sáng 14/2/1972, sáng 30 tết. Tết đầu tiên xa nhà. Không thấy Tết đâu, chỉ thấy leo teo mấy mái tranh xơ xướp, mốc trắng, bốn bề âm u núi rừng và suối, tịnh không một tiếng pháo nổ, không một bóng áo mới trẻ thơ, không ai đi mừng tuổi, chúc tết. Sáng đầu năm, mùng một tết, mà bữa ăn chủ nhà chỉ có một đĩa thịt lợn luộc, thịt thái mỏng, xếp vơi vơi. Tôi nhìn chủ nhà, mẹ Khánh, nhường phần mình cho đứa con trai bị tật ở chân mà thấy nghẹn thắt ở ngực. Dân vùng này nghèo khổ quá.

Đã thế, tôi còn phát hiện mình đã đánh rơi mất 1 quả lựu đạn, chắc là lúc say xe. Tội mất quân trang, vũ khí là nặng lắm. Hôm sau, tôi sang gặp và bàn với Minh, 2 đứa chung 3 quả, như ảo thuật, kiểm tra quân trang 2 đứa vẫn đủ cả, may không có lần nào cả 2 trung đội kiểm tra quân trang cùng một lúc.
 
14.2.1972
Ngồi một mình bên bờ con suối xanh trong. Con suối xứ Hà Tĩnh nhớ ai mà thẩn thơ. Rừng núi buồn chi mà khóc nên suối.                  
Tắm suối và những mong rũ gột sạch được tất cả những bụi bặm của đời.
Chưa có khi nào buồn như bây giờ. Chiều 30 tết đến với anh lính trẻ dửng dưng và tẻ nhạt. Nỗi nhớ đong không xuể, nỗi buồn chảy không ngơi. Nhớ. Nhớ tất cả. Nhớ những gì của gia đình, của quê hương, của năm tháng đã qua, một nỗi nhớ day dứt, sâu nặng.
Bốn bề là núi Hoành Sơn cao cao và xanh rì, bí hiểm.
Một năm đáng ghi nhớ trong đời. -Kỳ Anh. (Q.1-Tr.138)


Rồi cũng quen dần. Vất vả thì vẫn vất vả, vất vả hơn, nhưng háo hức. Ngày nào cũng mới. Cứ vỡ dần những hoang tưởng  tuổi ấu thơ. Đâu có thấy Trường Sơn với cao nguyên đất đỏ như hoa mười giờ, đâu có gặp những bác gác rừng hiền hậu, nhân từ, mẫn cán đứng chào đón và nhắc nhở ở mỗi cửa rừng, đâu có nghe cười nói râm ran của các chú lùn khai mỏ trong ngôi lán nhỏ heo hút rừng sâu. Cảnh vật lạ, ngôn ngữ còn lạ hơn. Nghe mấy o gái sin sít giọng Kỳ Anh: “Mô núi, mô sông, mô nỏ chộ – Mô rào, mô rú, chộ mô mô” mà đâu có nhận ra là thơ tiếng Việt, một câu thơ như viết cho chính tâm trạng của mình: “Đâu núi, đâu sông, đâu có thấy - Đâu rừng, đâu suối, thấy gì đâu!”.

Cuộc sống có chất lính hơn, thật hơn, gần chiến trường hơn. Được dọc ngang Hoành Sơn vùng giáp ranh Hà Tĩnh - Quảng Bình, nơi người xưa xem là chốn “Hoành Sơn nhất đái - Vạn đại dung thân”. Thấy những vạt đồi tím lịm dâu rừng vô chủ. Trên những dãy mộ chí của nghĩa trang thanh niên xung phong bên đường 21 đọc thấy nhạt nhoà những tên người, tên quê. Tên người thì ngờ ngợ nhưng tên quê lại quen, quen lắm. Hàng Dầu, Hàng Bột, Nam Bộ, Cót, Canh, toàn quê Hà Nội. Sinh trước tôi đôi ba năm, nhưng tuổi các anh chị đã chẳng còn được cộng dọc theo năm tháng nữa, mãi mãi mười tám, đôi mươi kể từ  những trận bom Sáu Bảy, Sáu Tám ác liệt. Ngẩn ngơ trong ánh chiều, một búp bê nhựa nhỏ như chiếc bật lửa, lấm lem, bạc nắng, cô đơn tựa lưng đợi vô vọng dưới chân một mộ chí khắc nguệch ngoạc: Mai Hà, Ngọc Hà, Hà Nội.

Đại đội tổ chức đi dã ngoại về phía đông, phía biển. Từ trên cao điểm nhìn thấy biển mờ xanh qua ống nhòm, đã ngửi thấy hơi biển đằm đặm trong gió. Sinh ra ở một làng quê trung du, nơi điệp điệp núi đồi, sim mua, chưa một lần thấy biển, đến biển nên biển làm tôi ngộp thở ngay khi còn mờ xa. Hay nhỉ, miền Trung, núi khoả chân xuống biển.
 
Chúng tôi dừng chân ở xóm Mười Chín tháng Năm, thuộc xã Quảng Đông, Quảng Trạch, ngay dưới chân đèo Ngang. Đại đội tổ chức tập bơi vũ trang ngay trên biển. Về sau mới biết, mục đích chính của đợtt dã ngoại không chỉ là học bơi mà còn nhằm chữa ghẻ và hắc lào cho gần 1/3 số chiến sỹ trong đại đội. Một công đôi việc. Không biết đấy là sáng kiến của y tá Tất Việt hay của chỉ huy đơn vị, nhưng sau đợt dã ngoại ở gần cửa sông Ròn ấy thì đơn vị không còn ai bị bệnh ngoài da nữa.
  
17/2
Nhận lệnh đi công tác. Miết mải đi trên Hoành Sơn xanh rì cây cỏ. Qua núi, qua suối, qua rừng. Đã vô tới Quảng Bình. Quảng Bình đất lửa. Quảng Bình ác liệt. Lại nghe tiếng F4H rì rì trên đầu. Giai đoạn ác liệt bắt đầu - Đất đỏ. (Q.1-Tr.139)

18/2
Có gì thanh cảnh hơn thế này. Mắc võng trên đồi cao mà nằm, mà ghi nhật ký.
Hôm nay, lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy biển qua ống nhòm. Biển biếc xa xa, mờ ảo trước mắt (8 km). Lòng rộn lên một thứ cảm giác khó tả.
Nằm trên cao điểm, chao võng, nghe tiếng bom ầm ầm xa xa và nghe gió cây rì rào êm ả. -Đồi không tên. (Q.1-Tr.140)

5/3
Đã 4 năm, hôm nay mới lại nom thấy cái dáng ngạo nghễ, hung hăng của những “thần sấm” Mỹ. Chúng rú và chao cánh trên đầu. Sự tồn tại và sự diệt vong cách nhau một bức liếp tranh. -Cao điểm. (Q.1-Tr.140)

11.3
Có những đọt gió man mát, có mùi vị mằn mặn và tanh tưởi, tràn qua những dải đồi sim lúp xúp và đến cái xứ Kì Anh này. Chúng tôi đi ngược chiều những đợt gió say người đó. Đi từ sáng sớm. Mang đi 12 ngày gạo. Vất vả đây.
Cũng hôm nay, chúng tôi đã khai giấy tờ để chuẩn bị vào B. (Q.1-Tr.141)

12.3
Lần đầu của cuộc đời được sờ thấy, ngó thấy biển. Ôi, người mẹ của thanh bình. Được bơi trên nước mặn của nơi cửa sông Ròn.
Trong tâm hồn lao xao, xốn xang những xúc cảm trong sáng. Biển. Biển ầm ì sóng và một màu xanh sòng phẳng, hiền hoà. Biển âm âm một thứ âm thanh diệu kì, quyến rũ và say mê.
Thế là trong kiến thức đã lấp được một lỗ trống lớn. Đã biết biển. Biển và những rặng dương, dải cát Quảng Bình bình dị, say lòng Tài. -Quảng Đông. (Q.1-Tr.142)

13.3
“Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà - Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”. Câu thơ người xưa dẫn Tài mê mải đi nơi phong cảnh hữu tình này. Đẹp thật! -Cao điểm 234. (Q.1.Tr.142)

22.3
Tắm biển. Khuôn mặt Biển gợn những làn sóng như những nếp nhăn của con người sớm già dặn, chững chạc, cứng cáp, từng trải. -Xóm 19.5 (Q.1-Tr.144)


(Hai trang nhật ký Hoành Sơn, nét chì đã mờ dần theo năm tháng)

Tháng Tư Bảy Hai, quân ta đã tràn qua Đông Hà, đang dồn ép thị xã Quảng Trị. Địch cay cú đánh chặn ta từ ngoài Quảng Bình, Hà Tĩnh bằng bom đủ loại. Đang những ngày sôi nổi và nóng bỏng ở Hoành Sơn thì ngày 8/4, tôi được báo chuẩn bị, ngày hôm sau quay ra Sơn Tây học nghiệp vụ trinh sát. Cùng đi với tôi lại có cả Lê Minh, hai đứa cứ như đôi Sam, kì thế. Đáng tiếc không có Hồ Bảo, bạn mới kể từ sau Lớp dự khoá bay. Hôm sau, Lê Minh và tôi bịn rịn chia tay Hồ Bảo ở ven đồi, thật sự rưng rưng, yếu đuối. Cả 3 không biết những gì ở phía tương lai.
 
Anh Độ vẫn chưa vào. Theo lệnh đại đội, tôi bàn giao cho Đỗ Triệu phụ trách tiểu đội. Lại rất gấp, mọi việc phải xong trong một ngày. Đêm ấy, đêm cuối cùng ở Hà Tĩnh, hôm sau tôi lên đường ra Bắc, tình cờ phiên gác của tôi ngay sau của Triệu. Chúng tôi bàn giao gác và nấn ná đứng dưới mái tranh thấp lè tè của nhà mẹ Khánh. Triệu ngập ngừng:
- Mai anh Tài ra Bắc, còn tôi và anh em chắc chuẩn bị vào, chẳng biết bao giờ gặp lại. Tôi muốn hỏi anh một điều, xin anh nói thật. Có đúng anh cũng là sinh viên không? Hôm ở bờ suối, tôi đã nhìn thấy anh cất chiếc thẻ màu vàng vào cuốn sổ trong ba-lô. Đúng là thẻ sinh viên. Sao anh lại giấu tôi?

Ngay từ những ngày đầu về a8, tôi đã giấu kín gốc tích sinh viên của tôi. Nói đúng hơn là không bao giờ tôi nói đến điều đó, nhất là với Triệu. Triệu là sinh viên trường đại học Lâm nghiệp, dáng người đậm, chắc, quê vùng Đông Bắc. Triệu lấy vợ sớm ở quê và đã có một cậu con trai. Triệu kể: “Một lần, tôi đánh con, thế là bố tôi đánh tôi. Cả 2 đều lần đầu trong đời đánh con! Tôi hứa đấy là lần cuối”. Mới sống cùng tiểu đội với nhau được hơn 2 tháng, nhưng tôi thầm mến Triệu và nghĩ là Triệu cũng vậy.

Sau này, khi học xong nghiệp vụ binh địa ở Sơn Tây, trở vào Quảng Trị, tôi bàng hoàng, rụng rời khi nghe tin Triệu đã hy sinh ở Đông Hà trong mùa hè Bảy Hai nóng bỏng của Quảng Trị. Chắc chắn Triệu không bao giờ đánh con nữa! Nhưng có một chút tự an ủi mình là đêm giao gác ấy tôi đã không giấu gì Triệu, đã nói hết với Triệu những gì tôi nghĩ về người sinh viên mặc áo lính.

10.4.1973
Vào lúc đầu của một ngày, nhớ đến Triệu. Triệu và quãng đời chung dè sẻn giữa tôi và Triệu. Triệu và những điều Triệu nói với mọi người về Tôi. Triệu và Tôi - Những tính toán ngây ngô, hồn nhiên, trong mát mà non nớt của cả 2 đứa.
Ở với nhau ngắn ngủi, vội vã, thờ ơ nhưng sống trong nhau sâu sắc, lâu bền, chắc chắn, thắm thiết. Những câu chuyện sau này mọi người kể về Triệu càng kiên cố thêm những ấn tượng tốt lành của tôi về Triệu, về cả 2 đứa.
Khi đã thực sự đi qua quãng đời ấy rồi, ngồi để ghi nhận nó vào dĩ vãng mới cảm thấy rõ rệt những gì nhỏ nhen, vô nghĩa và những gì vĩ đại. Cái vô nghĩa mà con người không sao thoát ra nổi. Vì trăm vạn điều vô nghĩa ấy mà cuộc sống lại trở nên có nghĩa. Bỏ những điều vô nghĩa ấy là tội thờ ơ với đời. “Đời coi ta như một đứa con hoang, nhưng ta vẫn phải coi đời như một người mẹ thảo”. Chỉ có thể phấn đấu để mỗi việc làm bớt vô nghĩa, tầm phào.
Đời ghi nhận lại quãng đời êm đềm ấy và cả người bạn đời đã khuất ấy vào trong dĩ vãng như là một kỷ niệm đẹp, một niềm tự hào. -Đông Định. (Q.2-Tr.47)
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Tám, 2010, 04:41:25 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
nguyen
Thành viên
*
Bài viết: 61


« Trả lời #41 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 04:34:58 am »

Chú sauchinbaymot cho cháu hỏi người thứ 3 trong ảnh ở post #39 có phải là thầy Hồ Tú Bảo không ạ? Cháu có gặp và nghe thầy Bảo nói chuyện vài lần ở seminar và hội nghị quốc tế tổ chức ở trong nước như RIVF. Thầy Bảo giờ là giáo sư ở JAIST (http://www.jaist.ac.jp/~bao/) và có lẽ là chuyên gia hàng đầu về AI ở châu Á. Qua hồi ký của các chú cháu thấy thế hệ cha anh chịu nhiều hi sinh, thiệt thòi quá. Con đường làm khoa học của lớp người như thầy Bảo khác xa rất nhiều với những người ở thế hệ bọn cháu và cũng khác xa rất nhiều với những người làm khoa học ở các nước. Với một người xuất sắc chỉ làm khoa học liên tục với đủ mọi điều kiện nghiên cứu, đạt được tầm như thầy Bảo hiện nay cũng không hề dễ dàng.
Cháu có cảm nhận rằng lính sinh viên thế hệ các chú có rất nhiều người tài năng trong nhiều lĩnh vực: khoa học cũng như nghệ thuật. Cháu rất khâm phục và cảm phục thế hệ cha anh đi trước.
Logged
Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #42 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 05:39:11 am »

Chú sauchinbaymot cho cháu hỏi người thứ 3 trong ảnh ở post #39 có phải là thầy Hồ Tú Bảo không ạ? Cháu có gặp và nghe thầy Bảo nói chuyện vài lần ở seminar và hội nghị quốc tế tổ chức ở trong nước như RIVF. Thầy Bảo giờ là giáo sư ở JAIST (http://www.jaist.ac.jp/~bao/) và có lẽ là chuyên gia hàng đầu về AI ở châu Á. Qua hồi ký của các chú cháu thấy thế hệ cha anh chịu nhiều hi sinh, thiệt thòi quá. Con đường làm khoa học của lớp người như thầy Bảo khác xa rất nhiều với những người ở thế hệ bọn cháu và cũng khác xa rất nhiều với những người làm khoa học ở các nước. Với một người xuất sắc chỉ làm khoa học liên tục với đủ mọi điều kiện nghiên cứu, đạt được tầm như thầy Bảo hiện nay cũng không hề dễ dàng.
Cháu có cảm nhận rằng lính sinh viên thế hệ các chú có rất nhiều người tài năng trong nhiều lĩnh vực: khoa học cũng như nghệ thuật. Cháu rất khâm phục và cảm phục thế hệ cha anh đi trước.
Đó là 3 sinh viên, 3 người lính, 3 thương binh và là 3 tiến sĩ khoa học xịn không quyền chức
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #43 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 08:14:37 am »

Chú sauchinbaymot cho cháu hỏi người thứ 3 trong ảnh ở post #39 có phải là thầy Hồ Tú Bảo không ạ? Cháu có gặp và nghe thầy Bảo nói chuyện vài lần ở seminar và hội nghị quốc tế tổ chức ở trong nước như RIVF. Thầy Bảo giờ là giáo sư ở JAIST (http://www.jaist.ac.jp/~bao/) và có lẽ là chuyên gia hàng đầu về AI ở châu Á. Qua hồi ký của các chú cháu thấy thế hệ cha anh chịu nhiều hi sinh, thiệt thòi quá. Con đường làm khoa học của lớp người như thầy Bảo khác xa rất nhiều với những người ở thế hệ bọn cháu và cũng khác xa rất nhiều với những người làm khoa học ở các nước. Với một người xuất sắc chỉ làm khoa học liên tục với đủ mọi điều kiện nghiên cứu, đạt được tầm như thầy Bảo hiện nay cũng không hề dễ dàng.
Cháu có cảm nhận rằng lính sinh viên thế hệ các chú có rất nhiều người tài năng trong nhiều lĩnh vực: khoa học cũng như nghệ thuật. Cháu rất khâm phục và cảm phục thế hệ cha anh đi trước.

Xin trả lời thay cho chú 6971.
Đầu tiên bên trái là chú TTNL, tiếp đến là đại tá Nguyễn Việt-nguyên tham mưu phó f325 và nguyên chỉ huy trưởng LLVTBVTXTCQT giai đoạn cuối, thầy Hồ Tú Bảo và cuối cùng là tác giả của NKVL 6971. Ba con người ưu tú của 1 thế hệ SV cầm súng ngày xưa và hôm nay là những nhà KH không quyền chức làm rạng danh cho Tổ quốc hôm nay.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Tám, 2010, 10:34:12 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #44 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 09:11:51 am »

Như chưa hề có cuộc chia ly!


Đại đội trinh sát sư đoàn 325 được thành lập ngay khi sư đoàn chuyển từ huấn luyện sang cơ động. Cán bộ đại đội đủ bộ theo biên chế, trưởng phó 4 người. Đại đội trưởng là trung uý Nguyễn Đức Hiền, người cao, gầy, quê Hà Bắc. Nghe anh em kháo nhau anh là một trinh sát dù kỳ cựu, được học hành bài bản về trinh sát, có rất nhiều tài lẻ. Ba người còn lại đều gốc miền Nam. Chính trị viên trưởng là anh Khâm, quê Phú Yên, nét thư sinh, trí thức, hiểu biết rộng và tỏ ra dễ gần với bọn tôi. Chính trị viên phó là anh Ánh, đại đội phó là anh Thời, cả 2 nghe nói đều gốc biệt động Quảng Nam, Bình Định, nhưng sao thấy chân chất, mộc mạc, thẳng thắn đến lạ kỳ.

Còn chuyện anh Độ, sau này tôi mới biết lần ấy anh Độ đi thẩm tra lý lịch, đại đội linh động cho anh rẽ về nhà ít ngày, tranh thủ cưới vợ. Không ngờ có lệnh chuyển quân quá gấp, trăng mật chưa đủ tròn, chưa đủ ngọt, nhận tin, anh vội lên đơn vị, nhưng cũng không kịp.

Theo đường giao liên, mãi cuối 4/1972 anh mới vào đến đơn vị ở Hà Tĩnh thì tôi lại quay ra Sơn Tây học binh địa mất rồi, không gặp nhau. Chỉ chục ngày ngắn ngủi bên nhau để rồi xa nhau, không ngờ lại là vĩnh viễn. Mãi cuối 1973, ở Quảng Trị, tôi có dịp đến Như Lệ, khu cao điểm 15, quanh quanh nơi anh đã hy sinh khoảng 1 năm trước đó, nhưng không biết mộ anh ở đâu, thuộc bên mình hay bên địch. Rưng rưng, bồi hồi.


Triệu là sinh viên trường đại học Lâm nghiệp, dáng người đậm, chắc, quê vùng Đông Bắc. Triệu lấy vợ sớm ở quê và đã có một cậu con trai. Triệu kể: “Một lần, tôi đánh con, thế là bố tôi đánh tôi. Cả 2 đều lần đầu trong đời đánh con! Tôi hứa đấy là lần cuối”. Mới sống cùng tiểu đội với nhau được hơn 2 tháng, nhưng tôi thầm mến Triệu và nghĩ là Triệu cũng vậy.

Sau này, khi học xong nghiệp vụ binh địa ở Sơn Tây, trở vào Quảng Trị, tôi bàng hoàng, rụng rời khi nghe tin Triệu đã hy sinh ở Đông Hà trong mùa hè Bảy Hai nóng bỏng của Quảng Trị. Chắc chắn Triệu không bao giờ đánh con nữa! Nhưng có một chút tự an ủi mình là đêm giao gác ấy tôi đã không giấu gì Triệu, đã nói hết với Triệu những gì tôi nghĩ về người sinh viên mặc áo lính.

Ai có thông tin gì về 4 trong số các cựu binh, liệt sỹ Xê 20 nhắc tới ở đoạn trên, xin làm ơn báo về QSVN:

1. Đại đội trưởng đầu tiên của C20: Nguyễn Đức Hiền, sinh khoảng 1934-1936, quê Đoan Bái hay Thành An, Hiệp Hòa, Bắc Giang.

2. Đại đội phó đầu tiên của C20: Võ Văn Thời, sinh khoảng 1938-1942, quê Đức Phổ, Quảng Nam.

3. Liệt sỹ Đỗ Triệu, sinh khoảng 1951-1952, quê vùng Đông Bắc, sinh viên ĐHLâm nghiệp, hy sinh ở Đông Hà hè 1972.

4. Liệt sỹ ... Độ, sinh khoảng 1948-1950, quê Hà Nam Ninh, hy sinh tại Tích tường Như Lệ khoảng 11/1972-1/1973.

6971
Logged

Nhật ký Viết lại
hatuyenha
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2403


« Trả lời #45 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 02:16:02 pm »

Hôm nay đọc bài của bạn,nhìn ngắm ảnh 3 sinh viên xếp bút nghiên năm  1972 ,3 người lính,3 thương binh và 3  tiến sĩ KH xịn   của nước nhà ,thật cám ơn các bạn đã làm rạng danh lớp lính sinh viên ngày ấy và các CCB sau này.Nhưng các bạn có biết không chú đại tá Nguyễn Việt chính là một  học sinh của lớp QS Soi  Mít mà ông già mình có tham gia giảng dạy vào những năm đầu KCCP.Chú có bài viết trong quyển :Nguyễn Sơn _ Lưỡng quốc tướng quân,mà trong trang mình đã có.Năm ngoái trong buổi lễ chào mừng ông già  được nhà nước tặng Huân chương Hồ chí Minh ở Bảo tàng Cách mạng Hà nội chú cũng có tham dự.
Mình thấy bạn TTNL và bạn 6971 thật đẹp trai,mặt mũi  sáng láng thảo nào văn hay thế. Mà hồi ức của các bạn thật chi tiết,nhớ kỹ và  chính xác quá hay thật .Rất cám ơn các bạn,mong được đọc nhiều hồi ức của các bạn.
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #46 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 02:24:07 pm »

Như chưa hề có cuộc chia ly

Các bạn C20 ơi, tìm thấy Đại đội trưởng Hiền rồi!

Cách đây 2 phút, 6971 đã nhận được tin phản hồi về Đại đội trưởng đầu tiên của chúng ta, trung úy Nguyễn Đức Hiền, người mà chúng ta thất lạc tin từ gần 40 năm nay.

Đáng tiếc, Bác Hiền đã ra đi 33 năm trước rồi. Bác mất ngày 19/7 năm Nhâm Tuất, tức 2/9/1977, không lâu sau ngày đất nước thống nhất. 6971 mới đưa tên Bác lên QSVN (port #39) chiều hôm qua, nhắn tìm "Như chưa hề có cuộc chia ly" (port #45) vào sáng hôm nay thì buổi chiều đã tìm được Bác, 2 ngày trước ngày giỗ. Linh thiêng Đại đội trưởng!

Cầu cho linh hồn Bác, một cựu trinh sát tài ba, thanh thản nơi chín suối.

Và thay mặt anh em C20, cám ơn A. Thanh, giáo viên Văn học ở Phố Thắng, người đã tận tình tìm đến tận nhà thủ trưởng Hiền, và gọi điện trực tiếp từ đấy đến cho tôi, vào lúc 14:03, ngày hôm nay.

6971
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Tám, 2010, 10:01:05 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
tuyenquang
Thành viên

Bài viết: 3


« Trả lời #47 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2010, 02:59:37 pm »

Chúc mừng các bạn C20 F325 đã tìm được tin về Ctrưởng đầu tiên của mình.
Logged
Van_Basten
Thành viên
*
Bài viết: 8


« Trả lời #48 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2010, 08:12:24 am »

Như chưa hề có cuộc chia ly
...
Đáng tiếc, Bác Hiền đã ra đi 33 năm trước rồi. Bác mất ngày 19/7 năm Nhâm Tuất, tức 2/9/1977, không lâu sau ngày đất nước thống nhất....

Chú 6971 ơi, chắc lúc nhận được tin của chú Hiền chú xúc động quá nên gõ nhầm Smiley. Năm 1977 là năm Đinh Tỵ còn năm Nhâm Tuất gần nhất là 1982. Theo thông tin chú cho biết chú Hiền mất không lâu sau ngày đất nước thống nhất thì cháu chắc là chú ấy mất vào năm Đinh Tỵ (1977). Smiley
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #49 vào lúc: 27 Tháng Tám, 2010, 01:58:46 pm »

Vâng, đúng rồi, năm Đinh Tỵ. Một sự nhầm lẫn rất "Âm lịch" và một lời giải thích hộ rất "Dương lịch".

6971
Logged

Nhật ký Viết lại
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM