Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:51:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nhật Ký Viết Lại  (Đọc 331351 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nguyenquochung
Thành viên
*
Bài viết: 283


« Trả lời #30 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 12:12:32 pm »

     Ối giời ơi! Các bác còn đợi gì nữa mà không tiến hành ngay đi thôi. Khi ý tưởng xuất hiện thì phải tìm mọi cách thực hiện ngay, chứ cứ để lâu là nó lại nhạt nhòa đi mất.

     Mà kể cũng lạ. Cái trận đánh khủng khiếp đến mức chấn động địa cầu ấy sao lại ít thông tin thế nhỉ? Nghe mấy chuyện của các vị E tr, F tr thời điểm trận đánh diễn ra thì cũng chỉ chung chung, đại khái kiểu: Ác liệt lắm, tổn thất nhiều lắm...Mãi rồi cũng chán.

     Sử sách có vẻ vẫn thiếu công bằng đối với những chiến binh Thành cổ chăng? Với người đã ngã xuống và cả những người may mắn trở về.   
Logged
nguyenminhson356
Thành viên
*
Bài viết: 228



« Trả lời #31 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 12:48:25 pm »

    Đọc những trang nhật kí của bác 6/9/71 mà lòng không sao kìm nén nổi cảm xúc về những năm, tháng dài quân ngũ :Từ lúc xa quê hương , người em gái nhỏ đưa tiễn lên đường, khi trên thao trường huấn luyện, lúc hành quân hối hả...Cứ cuồn cuộn trào dâng,trong kí ức mỗi người lính chúng tôi . Thế hệ hôm nay mãi, mãi noi theo, luôn nhìn vào tấm gương đó mà không ngừng phấn đấu và học tập...
Logged

Một ba lô, cây súng trên vai.
Người chiến sĩ quen với gian lao...
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #32 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 01:00:29 pm »

Tôi tính thì chỉ còn ít hôm nữa sẽ tròn 40 năm rất nhiều lính sinh viên nhập ngũ (6/9/1971), và nếu với ai đi trước sau chút ít và có tham chiến ở QT, cũng chỉ dăm tháng nữa là tròn 40 năm chiến dịch ấy.

Vận động được nhiều người viết để ghi lại chiến dịch QT là việc là việc cần làm, mà đến nay sử sách và văn học "chính thống" chưa làm, và có thể nói là không làm được.

Xin được nghĩ và chuẩn bị thêm chút nữa với đề nghị của bọ lexuantuong1972, và cách làm. Xin các bọ cho quay lại chuyện này sau vì tôi đang kẹt quá. Nhưng cần có gì đó sau 40 năm. Chậm nữa thì nhiều chúng ta cũng mang ký ức ... về với giun dế mất Cry.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #33 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 02:00:37 pm »

Tôi tính thì chỉ còn ít hôm nữa sẽ tròn 40 năm rất nhiều lính sinh viên nhập ngũ (6/9/1971), và nếu với ai đi trước sau chút ít và có tham chiến ở QT, cũng chỉ dăm tháng nữa là tròn 40 năm chiến dịch ấy.

Vận động được nhiều người viết để ghi lại chiến dịch QT là việc là việc cần làm, mà đến nay sử sách và văn học "chính thống" chưa làm, và có thể nói là không làm được.

Xin được nghĩ và chuẩn bị thêm chút nữa với đề nghị của bọ lexuantuong1972, và cách làm. Xin các bọ cho quay lại chuyện này sau vì tôi đang kẹt quá. Nhưng cần có gì đó sau 40 năm. Chậm nữa thì nhiều chúng ta cũng mang ký ức ... về với giun dế mất Cry.

Các bạn thân mến ! Sắp tới đợt quân 6/9 sẽ tổ chức 40 năm ngày nhập ngũ nghe nói năm nay trường ĐHKTQD đăng cai. Tuy không nhập ngũ cùng nhưng năm nào anh em 6/9 cũng gọi tôi. Mình và ae cùng 1 trận tuyến QT nên không thể tách rời. Hôm đó mình cũng chính thức đặt vấn đề với ae sẽ gửi bài cho trang QSVN và cũng là những tư liêu sống để lấy chất liệu cho cuốn sách, tôi tin rằng mọi người sẽ ủng hộ.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Tám, 2010, 02:24:17 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Xê 20
Thành viên
*
Bài viết: 13

Sao và Sao


« Trả lời #34 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 02:40:37 pm »

Năm nay mới là 39 năm thôi chứ?
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #35 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 03:03:39 pm »

Năm nay mới là 39 năm thôi chứ?
Hà Nội không còn tầu điện nhưng trong đầu của lứa chúng ta hình như thỉnh thoảng vọng lại tiếng leng keng của tầu điện. Các Bác thông cảm.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #36 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 03:52:15 pm »

Ngày 6/9/1971 là ngày nhập ngũ đầu tiên, thì ngày 6/9/2010 là cái ngày nhập ngũ thứ 40, nên kỷ niệm 40 năm ngày đi bộ đội là đúng. Ai vẫn ở lính đến giờ (tôi biết một bác) thì đến 6/9/2010 sẽ tròn 39 năm đời lính.

Đến 16/9/2011 là ngày kỷ niệm của 40 năm kết thúc 81 ngày đêm bảo vệ tx QT. Nên nếu có gì đấy làm xong trước ngày đó sẽ rất hay.
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #37 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 05:03:19 pm »

3. Chuyện Lớp dự khoá bay

Đang những ngày lửng lơ, ngơ ngác ở d10 thì tối 20/12, tôi và khoảng hơn hai chục đứa được báo chiều hôm sau lên đại đội nhận lệnh. Chắc là tách chuyển đi đâu đó. Chưa rõ hay dở ra sao. Hôm sau chúng tôi nhận lệnh lên tiểu đoàn nhưng yêu cầu không mang theo ba-lô. Bộ đội tập trung ở một sân kho hợp tác xã. Thấy có một chiếc ô-tô nhà binh là lạ. Một sỹ quan đeo quân hàm cánh én bạc đứng ra phổ biến cho chúng tôi: Các đồng chí được lựa chọn tham dự tuyển phi công. Bất ngờ quá.

Quan trọng nhất là phải qua vòng khám sức khoẻ, ai lọt vòng này thì sang tiếp vòng rà soát lý lịch. Mấy y bác sỹ quân y nghe nghe, đo đo, hỏi hỏi. Cũng mới chỉ nhang nhác như khám nghĩa vụ quân sự, có kỹ hơn một chút chứ chưa thấy có vẻ gì là khám tuyển phi công. Thế mà khám cả một buổi chiều, đại đội chỉ trúng được 2 người. Mà chẳng hiểu sao lẻo khẻo như tôi lại được là một trong hai người, còn người thứ hai lại chính là Lê Minh, hai thằng vốn cùng tổ tam-tam, người hin hin, mảnh khảnh như nhau. Cứ như đùa. Chắc tuyển phi công vận tải hay trực thăng. Kể cả ở các đơn vị khác, khám cả nghìn lính mà nghe nói chỉ tuyển được mấy người.

20.12.1971
Lại một biến cố mới nữa. Sau một ngày làm anh nuôi vất vả, buổi tối đang ngồi đánh cờ thì  Hiệc đến báo tin: 13:30 ngày mai (21.12.1971) lên đại đội nhận lệnh mới.
Lại đi. Đi hoài. Đi mãi. Đi đâu? Và ở đấy có gì? Ai mà lường trước được. Lại giã từ, lại chia tay. Đi và đi nữa. Anh bộ đội Cụ Hồ cơ mà. -Việt Yên.
(Q.1-Tr.122)


Đang sửng sốt và hân hoan vì bất ngờ trúng tuyển phi công, tôi lại nhận thêm một bất ngờ nữa: Có gia đình lên thăm. Thế là tôi được đón Tết quân đội đầu tiên với cả 2 niềm vui ngất ngây ấy.

21.12.1971
Kể từ khi xa cuốn nhật kí bìa đỏ, mình cũng xa luôn cả Bố, Mẹ và vô vàn người thân khác nữa. Từ đó , sự vất vả, cảnh gian lao bắt đầu đổ lên đầu mình. Và  hơn cả là sự “tra tấn” của những nỗi nhớ nhung mỗi khi rỗi rãi hay vất vả.
8 giờ tối, khi đang luộc dở 30 chiếc bánh bao cuối cùng ở bếp đại đội thì anh Dụ, chủ nhà, tất tưởi đến báo tin có gia đình đến.
Mặc dù đã hẹn trước và có chuẩn bị, song vẫn thấy quá đột ngột. Có những khi, niềm vui sướng đến nhẹ nhàng, ngọt ngào, êm ả như vậy đấy. Gặp lại Thầy, Mợ kính yêu và anh Phong. Mẹ nhìn mình ngỡ ngàng và cảm động. Nói chuyện làng, chuyện xóm, chuyện gia đình.
Thế là một ngày có đến 2 điều bất ngờ lớn: Khám sức khoẻ đạt, mình trở thành 1 trong 2 kẻ may mắn nhất của 118 người trong đại đội được trúng tuyển phi công - Và gia đình đến chơi.
(Q.1-Tr.123)


23.12
Đưa Bố Mẹ về. Tiễn mãi mà không muốn về. (Q.1-Tr.124)


Sau tết quân đội một ngày, Minh và tôi cùng với 8 người trúng tuyển từ các đơn vị khác của f325 được bộ tư lệnh không quân lôi thẳng từ Hà Bắc về Bạch Mai, trụ sở của Bộ tư lệnh Phòng không – Không quân. Tại đây gặp thêm 5 người từ các sư đoàn khác, gộp chung 15 người thành một đơn vị, không biên chế theo tiểu đội, trung đội, mà tạm gọi chung là “Lớp Dự khoá bay”.  

23.12..1971
Giờ lại được ngồi ở mảnh đất Đông đô, chốn phồn vinh với hàng ngàn năm văn vật này để viết nhật kí. Suốt mấy chục trang nhậy kí, ghi nhận lại bao nhiêu thăng trầm của đời Tài kể từ khi trở thành anh bộ đội, đây là trang độc đắc đầu tiên được ghi dưới ánh điện vàng của Thăng Long.
Thủa “xưa” ấy, mãi tận những trang đầu của cuốn sổ này, chiếc Hải Âu của Hà Nội đã đưa đi từ giảng đường tất cả những gì ngỡ ngàng, hồi hộp đợi chờ của một kẻ vừa được đưa vào một cuộc đời mới lạ. Còn bây giờ, 3 giờ chiều hôm nay, chiếc BA 9690 của binh chủng Không quân lại đưa “kẻ ấy” về theo đường cũ, nhưng chẳng còn là những ngơ ngác xưa nữa, mà là đưa về Hà Nội tất cả sự ngạc nhiên của những hạnh phúc, những may mắn đến đột nhiên, không bao giờ  nghĩ đến.
Lại Hà Thành xôn xao xe và người. Lại Đông Đô rầm rì người và xe. Vẫn một thứ dư âm gần gụi ấy- Bạch Mai. (Q.1-Tr.126)


Cuộc sống những ngày đầu ở Lớp dự khoá bay khác xa thời tân binh ở Hà Bắc. Được nhấc lên “trung táo, chín hào”, không phải “đại táo, sáu hào chín”, tối thứ bảy được tắm rửa sạch sẽ bằng nước máy, quân phục, đầu tóc chỉnh tề, xếp hàng đôi, rồng rắn qua đường Tàu Bay, sang hội trường Cục chính trị quân chủng, ngồi những hàng ghế dành cho binh nhì ở tít phía sau, xem chương trình ti-vi, khi ấy mới là phát thử nghiệm, đen trắng. Ngày nghỉ được khuyến khích lên thư viện đọc sách hay ra phòng thể thao chơi bóng bàn. Đời lính lên tiên, ngất ngây, như mơ.

Phụ trách Lớp dự khoá bay là 2 sỹ quan. Đại uý Gác, thật sự như một linh mục, mẫu mực, nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc, trông coi “phần hồn”, còn “phần xác” do một bác sỹ quân y, nhắc nhở ăn uống, ngủ nghỉ điều độ.

Bắt đầu từ ngày 27/12 là khám sức khoẻ vòng II. Hàng ngày xe chở lính Dự khoá bay từ Bạch Mai đi hết đường Tàu Bay, thẳng qua Đại La, ngoặt xuống phía Đuôi Cá rồi rẽ trái vào làng Hoàng Mai, qua mấy cánh đồng đến Bệnh viện quân chủng phòng không không quân. Chỉ khám buổi sáng, trưa xe lại chở về Bạch Mai, chiều nghỉ ngơi, đọc báo, tối nghe thông báo sáng sau ai sẽ đi khám tiếp, ai không đi thì ở nhà dọn cỏ, tưới cây, sửa sang doanh trại, coi như hết lượt.

Đợt khám kéo dài 5 ngày liền, cũng đúng là 5 ngày cuối cùng của năm 1971. Khám rất kỹ, không sơ sài như hôm ở Hà Bắc, nhất là mắt và thần kinh. Ngoài đo đạc và phân tích bằng máy móc, tôi nhớ có 2 phép thử giống như trò chơi trên ti-vi ngày nay.

Phép thử thứ nhất để kiểm tra mắt. Bọn tôi được đưa một nửa tờ giấy “phê-đúp 5 hào 2”, trên đó kẻ ô, chia 5 hàng, 5 cột, các ô được đánh số từ 1 đến 25, nhưng sắp xếp lộn xộn, ngẫu nhiên. Phải dò nhanh để chỉ ra lần lượt các con số theo đúng thứ tự từ 1 đến 25, càng nhanh càng tốt. Không khó, nhưng vừa phải nhanh mắt tìm, vừa phải nhanh tay chỉ. Cuống là chính. Hết khoảng 10 đến 20 giây là đạt.

Phép thử trí nhớ được thực hiện cũng với một tờ giấy tương tự, cũng với một bảng, nhưng là 3 hàng, 4 cột, mỗi ô có 1 số 2 chữ số, không số nào giống số nào. Mỗi người được nhìn vào bảng đúng 30 giây, sau đó úp bảng xuống, phải nhớ và ghi lại 12 con số trên bảng. Cố nhớ đúng và viết lại được ít nhất 8 số là đạt.
    
Đến ngày khám thứ ba, chúng tôi được đưa tới một chiếc xe chuyên dụng gồm ca-bin nối liền với một khoang kín, có cánh cửa dày, nặng, trên gắn la liệt van khí, đồng hồ, giả làm máy bay, đầu là xe zil-3 cầu, thân lại là mic-17. Bác sỹ mở cửa “máy bay”, cho từng tốp 2-3 “phi công” vào, chụp mũ có micro và tai nghe lên đầu. Cửa được đóng lại, chốt vặn ken két. Rồi tiếng động cơ (ô-tô) ầm ầm. Cảm giác nghiêm trang như đang bay thật. Nhưng nhìn qua ô cửa sổ kính hình tròn to bằng quả bưởi thấy rặng xà cừ vẫn đứng yên dưới sân. Giả vờ bay thôi. Nghe bác sỹ hỏi qua micro: “Thế nào, lên 5 cây, 10 cây rồi đấy, có buốt tai không? Nếu thấy khó chịu thì nhớ chụp mặt nạ ôxy vào ngay”. Sau cùng bác sỹ cho mấy con toán, trình độ thấp thì hỏi bản cửu chương, “bảy lần bảy là mấy?”, trình độ cao thì “Trăm trâu, trăm cỏ, trâu đứng ăn năm, trâu nằm ăn ba, lụ khụ trâu già, ba con một bó. Hỏi mấy trâu, mấy cỏ? ”

Ngày khám đầu tiên bị rớt 4 người, ngày thứ hai rớt 1. Tôi trụ sang được ngày thứ tư, qua gần hết các phòng khám, cả mắt, cả thần kinh và “ca-bin bay”, đến được phòng quay li tâm để khám tiền đình. Tôi còn nhớ, chiếc ghế quay ở phòng khám tiền đình cũng bình thường như chiếc ghế quay ở hiệu cắt tóc ngay đầu phố huyện quê tôi. Ngồi lên, bác sỹ quay nhẹ nhàng, không nhanh lắm, 3 vòng rồi đột ngột dừng lại. Thêm lần nữa, nhắm mắt lại, lại 3 vòng, dừng, mở mắt ra, nhìn thẳng vào mặt bác sỹ. Rồi một lần cuối, cúi đầu xuống, nhắm mắt lại, quay ngược chiều, dừng lại, ngửng đầu lên, mở mắt ra, lại nhìn mặt bác sỹ. Tôi cố tỏ ra bình thường, nhưng thấy mặt ông bác sỹ méo mó, xiên xẹo và giật giật, còn người tôi thì dúi dụi về phía trước, tôi phải cố ghì chặt vào tay vịn ghế, gồng lại để không lộn người ra khỏi ghế. Tôi nôn thốc nôn tháo và lờ mờ thấy ông bác sỹ lắc đầu, chỉ tôi ra xe nằm đợi. Tôi hiểu, thế là “rụng”, thế là hết lượt. Hôm sau, đúng vào ngày cuối năm, ngày khám cuối cùng, tôi nhập hội ở nhà dọn cỏ, tưới cây.

27.12
Ngày đi khám thứ nhất. 4 người bị loại. Còn lại 11 người. (Q.1-Tr.127)

28.12
Buổi sớm đi khám, gặp ở Ngã Tư Vọng đoàn tàu chở lính vô Nam. Thấy những bàn tay lưu luyến vẫy lại hậu phương.
Thêm một người nữa rớt. (Q.1-Tr.127)

29.12.
Xe lại chở đi khám. Mệt nhừ. (Q.1-Tr.127)

30.12
Đến mét thứ 99 của chiếc cột cao 100m thì mình bị tụt. Đến phòng cuối cùng, phòng quay li tâm, thử cơ quan tiền đình thì mình bị loại. Sức chịu đựng đã đạt đến giá trị max mà nó có thể đạt được. Đúng với những tiên đoán của mình. Thôi, thế là khả năng lái “Mích” đã có thể với tới rồi mà lại trôi đi mất. Lại sự khốn khổ của những ngày chờ đợi. (Q.1-Tr.128)



Hết vòng II, “rụng” mất 6 đứa, tôi là đứa rụng sau cùng. Mấy ngày sau, bọn "rụng" về lại đại táo, vừa gọn một mâm. Những ngày tiếp theo chỉ mong sớm được điều đi đâu thì đi. Đi quét dọn đường băng, về ra đa, tên lửa hay về lại bộ binh, d10, đâu cũng được.
 
Trước khi ngã ngũ đi đâu, về đâu, cả bọn đại táo được xông xênh hơn nửa tháng, đi thăm bảo tàng quân đội ở gần cột cờ Hà Nội, khi đó chủ yếu chỉ trưng bày các hiện vật thời Điện Biên, rồi vi vu lên đâu đó mạn Ba La, Bông Đỏ dỡ sắn, sang Gia Lâm dọn doanh trại cũ, ra Ngã Tư Sở chơi, uống bia si-rô, 2 hào bia hơi trộn 1 hào si-rô, ăn bánh ngọt sừng bò và ngơ ngẩn ngắm tàu điện leng keng chạy về hướng trường cũ (Hà Đông).

Tối 5/1, đại uý Gác công bố danh sách chính thức của tiểu đội dự khoá bay, gồm 9 người. Thế là rõ ai đỗ, ai trượt. Số đỗ tôi chỉ còn nhớ lờ mờ, vì thời gian sống cùng quá ngắn, trong đó có một sinh viên sư phạm toán, tên Trung hay Chung, trắng trẻo, thư sinh, quê đâu đó phía Giáp Bát. Trong 6 người rớt, có 3 đứa là lính “Sáu Chín Bảy Mốt”: Lê Minh, tôi và một người nhập ngũ từ khoa toán đại học sư phạm Hà Nội, tên Hồ Tú Bảo. Ba người còn lại, Đức (Sán Dìu), Cần và Chiêu nhập ngũ từ quê. Rủi mà may, vẫn có Lê Minh bên cạnh.


Chụp ảnh kỷ niệm Dự khóa bay với Lê Minh (Phải)
(Ảnh đen trắng, tô màu)  

1.1.1972
Xờ Nôvưm Gôtđơm! Ngày đầu năm, dông cả năm đây.
Cả ngày chơi bóng, chơi cờ, câu cá, … Ngày tết rộng rãi và thoải mái. Buổi chiều, ngồi viết thư gửi về cho Bố Mẹ. Buổi tối, trở lại Hội trường Cục Chính trị để xem vô tuyến truyền hình.
Một ngày kết thúc bằng 90 phút gác đêm. Ông trăng ngày rằm đăm chiêu, tư lự trên mây và lung linh đùa giỡn dưới nước. Ngày đầu năm thanh thản chìm vào trong những giấc mộng thần tiên. (Q.1-Tr.131)

6.1
Tối qua, đại uý Gác đã chính thức biên chế tiểu đội dự khoá bay đầu tiên. Còn mình, một trong những kẻ rủi ro vì sức khoẻ, sẽ làm gì đây? -Giờ gác. (Q.1-Tr.133)

8.1
Thứ 7 rồi. Nhanh nhỉ. Hôm nay rời Hà nội, đi dỡ sắn ở Hà Tây. Ô tô đưa đi từ sáng sớm. Qua Đại học Tổng hợp Hà nội, qua Hà Đông, … tới núi đồi. Gặp trên đường gần 30 xe Zil 3 cầu cắm cờ mặt trận giải phóng chở đầy bộ đội chạy vô hướng nam. Nay đang “mùa ra trận”. Dỡ sắn trên đồi. Ngắm cảnh đẹp đơn sơ, bình dị, tự nhiên của xóm lá, nhà sàn và rặng cau trong lũng. (Q.1-Tr.133)

16.1
Đi xem triển lãm quân đội. (Q.1-Tr.135)

17.1
Chiều, nhận được lệnh mới. Thế là lại giã từ Hà Nội, giã từ lớp dự khoá bay. Lại trở về đời lính bộ binh. Chiều được tự do đi chơi. Về Đại học Tổng hợp, gặp lại bao nhiêu là bạn bè. (Q.1-Tr.135)


Ở không quân được tròn 1 tháng. Ngày 22/1, xe đưa 6 đứa “phi công hụt” rời Bạch Mai. Xe BA 9690 chạy qua cầu Long Biên, ngược đường cũ. Chắc là lên phố Thắng, trả về d10, bộ binh.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Tám, 2010, 04:03:12 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
nguyenminhson356
Thành viên
*
Bài viết: 228



« Trả lời #38 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2010, 01:42:31 pm »



Chụp ảnh kỷ niệm Dự khóa bay với Lê Minh (Phải)
-------------------------------------------------------------------------------------------  Em nhìn ảnh hai anh ''lính trẻ'' này đến giờ chắc có đầy đủ cháu nội cháu ngoại rồi chứ bác sauchinbaymot ?
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Tám, 2010, 01:52:09 pm gửi bởi nguyenminhson356 » Logged

Một ba lô, cây súng trên vai.
Người chiến sĩ quen với gian lao...
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #39 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2010, 06:50:21 pm »

4. Xê Hai Mươi

Chúng tôi từ không quân quay về f325 thì d10 sinh viên đã được điều chuyển sang f308 rồi, giờ đóng ở đâu, Bắc hay Nam, không rõ. F325 cũng vừa chuyển từ chức năng sư đoàn huấn luyện quân tăng cường để bổ sung cho các sư đoàn khác sang thành sư đoàn cơ động, vì vậy, sư đoàn phải biên chế và thành lập mới nhiều đại đội, tiểu đoàn trực thuộc, như công binh, hoả lực, vệ binh, thông tin, đặc công, trinh sát, quân y, vận tải, ... để thành một sư đoàn cơ động hoàn chỉnh. Cả nhóm 6 “phi công hụt” được biên chế vào đại đội trinh sát (c20), khi đó mới hơn 1 tháng tuổi. Cán bộ ban quân lực giải thích: “Trượt phi công mà đỗ trinh sát thì lý tưởng quá rồi còn gì”. Chẳng rõ là ông ta khen hay chê nhưng với 3 đứa sinh viên, gốc d10, ít nhiều có chút thất vọng và buồn, dù sao vẫn ao ước được về “tiểu đoàn sinh viên” hơn. Riêng tôi thì nản đến rã rượi.

22.1.1972:
Sa xuống hố. Sâu thăm thẳm và tối mù mịt. - Ngày về c20. (Q.1-Tr.136)


Đại đội trinh sát sư đoàn 325 được thành lập ngay khi sư đoàn chuyển từ huấn luyện sang cơ động. Cán bộ đại đội đủ bộ theo biên chế, trưởng phó 4 người. Đại đội trưởng là trung uý Nguyễn Đức Hiền, người cao, gầy, quê Hà Bắc. Nghe anh em kháo nhau anh là một trinh sát dù kỳ cựu, được học hành bài bản về trinh sát, có rất nhiều tài lẻ. Ba người còn lại đều gốc miền Nam. Chính trị viên trưởng là anh Khâm, quê Phú Yên, nét thư sinh, trí thức, hiểu biết rộng và tỏ ra dễ gần với bọn tôi. Chính trị viên phó là anh Ánh, đại đội phó là anh Thời, cả 2 nghe nói đều gốc biệt động Quảng Nam, Bình Định, nhưng sao thấy chân chất, mộc mạc, thẳng thắn đến lạ kỳ. Lính c20 chủ yếu nhập ngũ từ nông thôn, quê Hải Hưng, vùng Ân Thi, Kim Động, Khoái Châu, tuổi sàn sàn 17-18, ít hơn bọn lính sinh viên chúng tôi khoảng 1-2 tuổi.

Về c20, mấy đứa phi công hụt được phân tản ra, không ai cùng tiểu đội vớ ai. Ba đứa sinh viên bọn tôi: Lê Minh được điều về a2, tôi về a8, còn Hồ Bảo, bị phát hiện chữ đẹp, ngậm ngùi lên làm liên lạc đại đội. Hôm sau, thấy Hồ Bảo thì thầm tin mật: Trong đại đội còn có 3 sinh viên khác. Đó là 2 y tá Tất, Việt, cũng “dân Sáu Chín Bảy Mốt”, vốn sinh viên đại học Y Hà Nội, và anh Thắng, đi từ trường đại học nông nghiệp, làm quản lý đại đội.

Ba cựu binh “6.9.71”, cựu binh “Dự khóa bay” ngày ấy về Xê 20, và Đại tá Nguyễn Việt, nguyên phó tham mưu trưởng F325, nguyên tư lệnh chỉ huy lực lượng bảo vệ thành cổ hè 1972
(Ảnh chụp 12/1/2005, nhân ngày trao kỷ niệm chương “Quyết chiến thị xã Quảng Trị - Hè 1972")
 
Tôi được “phong” tiểu đội phó, cao hơn chức tổ trưởng tổ tam-tam một bậc, từ chân kiến lên thành thân kiến! Được hơn một tuần thì anh Độ, tiểu đội trưởng, phải đi công tác. Tôi thay anh quản a8, một việc quá quá sức tôi. Được cái anh em trong a đều thuần, thuần lắm. Họ không biết tôi là sinh viên, nhưng cũng có chút nể cái tiếng “phi công hụt”. Tiểu đội êm ấm như gia đình, như anh em. Mấy ngày sau, tôi phát hiện ngay chính trong tiểu đội tôi cũng có một sinh viên, trật tuổi tôi, tên là Đỗ Triệu.
  
Tiểu đội tôi ở xóm Đồng, a2 của Lê Minh ở xóm Bùi, chẳng nhớ xã gì, thuộc huyện Việt Yên, nằm gần bờ sông Thương, đối diện bờ bên kia là Nhà máy phân đạm Hà Bắc. Chúng tôi tập các bài nghiệp vụ trinh sát, tiềm nhập, đột nhập. Được cái tiện, lấy ngay làng xóm, nhà dân làm thao trường, không cần đào đắp thao trường như hồi huấn luyện tân binh ở Tân Yên.
 
Người dân Đồng Bùi sáng trưa theo tiếng kẻng hợp tác xã, đều đặn ngày 2 buổi ra đồng, cổng cửa chỉ khép hờ, không nhà nào có chó, không nhà nào có khoá. Gầm giường các nhà đầy khoai lang, gác bếp lủng lẳng những túm bắp ngô để giống cho vụ sau, đất đai màu mỡ, những cánh đồng xanh mướt mượt, bạt ngàn rau hành, đậu đỗ, tràn ngập cảm giác Nghiêu Thuấn, no ấm, thanh bình. Tôi còn nhớ, có một lần ở Đồng Bùi, trong khi tập bài bí mật đột nhập, tôi đã đứng ngẩn ngơ rất lâu trong một căn nhà tường đất, mái rạ, nhỏ và đơn sơ, đồ đạc sơ sài, chủ nhà đi vắng. Trên một cây cột gỗ có treo một bức chân dung khổ to, tự họa, một người thanh niên mặc áo comple đen, thắt caravat, với dòng chữ tiếng Nga: Ia-Sờtuđent (Tôi là sinh viên). Một cảm giác khó tả.
    
Trinh sát không hẳn là lính cậu, không được hưởng trung táo như Lớp dự khoá bay, nhưng cũng được ưu ái “bảy hào mốt”, tức là nhỉnh hơn 2 xu so với lính thường đại táo. Chẳng hiểu do 2 xu nghiệp vụ ấy hay do tài xoay xở của cán bộ chỉ huy, của anh Thắng quản lý, hay do phì nhiêu màu mỡ của đất Việt Yên mà bữa ăn ở c20 khá hơn hẳn thời c23 và d10, chẳng kém gì “trung táo - chín hào” hồi Lớp dự khoá bay. Tết sắp đến, còn thấy cả mấy chú lợn béo rụt cổ nhốt nhờ ở chuồng lợn hợp tác xã. Thấy anh nuôi, tiếp phẩm rục rịch gạo nếp, lá bánh, miến, mộc nhĩ.... Hứa hẹn “Tết lính” đầu tiên không đến nỗi nào. Đã thấy nguôi ngoai nỗi luyến tiếc “tiểu đoàn sinh viên”.

Tết đã rất gần. Sáng 25 tháng chạp, bất ngờ đơn vị nhận lệnh di chuyển. Đại uý Tân, trưởng ban trinh sát sư đoàn (Ban 2) xuống tận nơi phát lệnh. Đơn vị tập trung ở sân kho hợp tác xã. Uy nghi và trang nghiêm lắm. Không phải dã ngoại hay tập tành như những lần trước mà sẽ đi thật, đi rất xa. Vì mọi thứ cho tết đã chuẩn bị khá đầy đủ, chu đáo, bây giờ đành phải hối hả thịt lợn, gói giò, bó măng, bó miến, chia gạo đỗ về các tiểu đội, nhồi vào các ba-lô. Kịp thì tới nơi đóng quân mới ăn tết, không thì tết trên đường, cứ như chuyện hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn.  

Riêng với tôi còn gặp 2 điều rắc rối. Một là tôi đã trót gửi thư về nhà, chỉ đường chi tiết, hẹn Thầy Mợ tôi tết này lên xóm Đồng thăm tôi, có thể sau tết tôi sẽ đi xa. Hai là anh Độ không kịp lên nên tôi vẫn phải quản tiểu đội thay anh, chẳng nặng nhọc gì nhưng lo cho anh Độ, nhỡ đơn vị đi thẳng vào chiến trường thì sao.

Về sau, kết cục cả 2 chuyện đều buồn. Thầy Mợ tôi, đã ngót nghét 70 tuổi, lỉnh kỉnh bánh trái, bỏ cả tết nhất, lặn lội đêm hôm, chen chúc tàu xe ngày tết, từ Hương Canh xuôi Yên Viên rồi đổi tàu, ngược Bắc Giang, lẽo đẽo cuốc bộ thêm non chục cây số từ ga Bắc Giang, khấp khởi sáng mùng 2 tết hỏi thăm lên đến xóm Đồng. Làng xóm đang thanh bình đón tết, nhưng tịnh không còn thấy một bóng áo xanh bộ đội. Anh chị chủ nhà an ủi, mời Thầy Mợ tôi ở lại chơi. Lòng dạ đâu mà chơi. Qua loa khoanh bánh, chia hết tay nải quà cho các cháu, rồi hai cụ thờ thẫn ra về.

Còn chuyện anh Độ, sau này tôi mới biết lần ấy anh Độ đi thẩm tra lý lịch, đại đội linh động cho anh rẽ về nhà ít ngày, tranh thủ cưới vợ. Không ngờ có lệnh chuyển quân quá gấp, trăng mật chưa đủ tròn, chưa đủ ngọt, nhận tin, anh vội lên đơn vị, nhưng cũng không kịp.

Theo đường giao liên, mãi cuối 4/1972 anh mới vào đến đơn vị ở Hà Tĩnh thì tôi lại quay ra Sơn Tây học binh địa mất rồi, không gặp nhau. Chỉ chục ngày ngắn ngủi bên nhau để rồi xa nhau, không ngờ lại là vĩnh viễn. Mãi cuối 1973, ở Quảng Trị, tôi có dịp đến Như Lệ, khu cao điểm 15, quanh quanh nơi anh đã hy sinh khoảng 1 năm trước đó, nhưng không biết mộ anh ở đâu, thuộc bên mình hay bên địch. Rưng rưng, bồi hồi.

11.8.1973
Như Lệ là nơi yên nghỉ của Anh Độ. Tôi vẫn luôn coi anh là một “Tấm lòng vàng” - “Một tấm lòng vàng bất hạnh”. Có thể nguyên nhân cái chết của anh như Tuấn Anh kể, có thể như Hội kể hoặc như Đọ kể. Nhưng dẫu sao chăng nữa cũng không thể vớt vát được. Có những sự sai sót trả nợ được và cả những sự sai sót không tính thành giá để trả được. -Cao điểm 15. (Q.2-Tr.71)


Chỉ có hơn một ngày để chuẩn bị, mờ sáng 11/2, thứ sáu, 27 tết, chúng tôi tạm biệt xóm Đồng, xóm Bùi, hành quân dọc theo bờ sông Thương, tập kết ở sân ga Bắc Giang. Trên sân ga đã thấy nhiều đơn vị khác, lỉnh kỉnh xoong, nồi, măng, miến, giò, ... lẫn với súng đạn, quân trang.

Xa xa, tôi nhìn thấy các cán bộ lãnh đạo sư đoàn, đều mặc áo măng-tô bằng dạ xám, đồ viện trợ của Liên xô, đi đi lại lại trên sân ga, nom như cảnh thường thấy trong những phim thời Xô-viết đánh phát xít Đức. Đại trưởng Hiền thì thầm chỉ cho chúng tôi: Kia là thượng tá, sư trưởng “Ba Kích”, chiến sỹ cách mạng từ thời Đội du kích Ba Tơ, đứng bên cạnh là chính uỷ Công Trang, người đậm, thấp, lính f325 từ thời Điện Biên. Còn nữa, sư phó, tham mưu trưởng, tham mưu phó, rồi trưởng ban này, ban kia, ... Thời tân binh, lính binh nhì bọn tôi lên gặp đến cán bộ đại đội, một sao, một gạch đã thấy “rét”, bây giờ được đứng gần, nhìn tận mắt tư lệnh và chính uỷ sư đoàn, sao gạch loang loáng trên ve áo, thấy ren rén, run run pha lẫn rạo rực, phấn chấn.

Tàu đưa chúng tôi đi về phương Nam. Không hiểu vì lí do gì mà tàu có dừng lại khoảng nửa tiếng ở ga Hàng Cỏ. Có lẽ là lấy nước, thêm than hay tránh tàu khác chứ chắc không phải là vì một lý do tình cảm hay lãng mạn kiểu dân sự. Khi đó phía sau ga Hàng Cỏ là tường rào, sau rào là nhà dân, chưa mở ga Trần Quý Cáp. Tàu đỗ ở một đường ray tận cùng phía sau, sát rào, cách biệt hẳn với khu vực hành khách. Cán bộ từ tiểu đội trưởng trở lên như tôi được phép xuống sân ga, đi nhận phần ăn, phần uống cho anh em. Quân cảnh khoác AK, đeo băng đỏ “chốt” ở 2 phía đầu và cuối tàu. Thấy có mấy đồng đội, không rõ đơn vị nào, nhưng chắc là lính Hà Nội, tình cờ hay bố trí gặp được người nhà, quân cảnh cho gặp nhau, đứng bịn rịn ngay ở bậc lên xuống toa, nhìn mà thèm, mà ghen. Cách xa mấy đường ray, về phía đường Nam Bộ, có một đoàn tàu khách. Hành khách đứng chen chúc trên các toa tàu vốn là toa chở hàng, cửa mở ở giữa sườn toa, không có bậc lên xuống. Ai nấy đùm đùm, bọc bọc những gói hàng tiêu chuẩn tết với bánh pháo tết bọc giấy điều, nom ngợp không khí tết thời chiến. Loáng thoáng có những bàn tay vẫy vẫy, biết đâu có con em mình bên ấy. Bên này, lính căng mắt nhìn. Ai cũng nghĩ là vẫy mình! Khi đầu tàu phía Khâm Thiên kéo còi hu hu, thấy quân cảnh ai nấy đã ú ụ những chồng thư trên tay, những bức thư lính viết vội viết vàng nhờ chuyển về cho người thân, nhiều lá không tem, không cả phong bì.

(Xem tiếp trang sau ...)
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Tám, 2010, 07:02:16 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM