Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:16:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trận đánh cây số 15 đèo Mang Yang - Chiến thắng ĐắK Pơ 24/6/1954  (Đọc 100618 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #70 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2010, 09:10:57 am »

Bài 4: Hành trình tìm lại Đắk-pơ

Đắk-pơ không thể rơi vào quên lãng


Không chỉ gây tiếng vang trong nước, Đắk-pơ còn gây ấn tượng mạnh ở nước ngoài, đặc biệt là tại Pháp. Nhà văn nổi tiếng Bernard Fall (Pháp) đã viết rất kỹ về Đắk-pơ và cái chết của Binh đoàn cơ động 100 trong cuốn sách “Chiến tranh Đông Dương”. Trong cuốn “Đông Dương hấp hối”, tướng Na-va cũng viết khá kỹ về cuộc bỏ An Khê rút chạy của Binh đoàn cơ động 100. Sau khi được trao trả về nước, các sĩ quan, binh lính Pháp cũng viết rất nhiều bài đăng trên báo chí nước ngoài ca ngợi khí phách anh hùng và tinh thần nhân đạo cao cả của Nhà nước, bộ đội và nhân dân Việt Nam. Có thể nói, Đắk-pơ đạt được thắng lợi trọn vẹn cả về quân sự và chính trị.

Thế nhưng bẵng đi suốt mấy chục năm không ai nhắc đến Đắk-pơ nữa, ngay cả sau giải phóng (1975) ngày kỷ niệm chiến thắng Đắk-pơ cũng không có các hoạt động. Chỉ trừ một số rất ít sách lưu hành nội bộ và một vài tờ báo địa phương có đề cập sơ lược, các sách, báo, phương tiện truyền thông cũng hầu như không nói, không viết gì nhiều về chiến thắng này.


Đồng chí Nguyễn Tự - Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 96 tại Bình Định tặng kỷ niệm chương chiến thắng Đắk-pơ các cựu chiến binh.
Ảnh do Ban liên lạc cung cấp.

Lý giải về việc này, các cựu chiến binh Trung đoàn 96 cho rằng một phần là do ngay sau chiến thắng (tháng 10-1954), Trung đoàn 96 trong đội hình của Đại đoàn 305 tập kết ra Bắc (thực hiện hiệp định Giơ-ne-vơ) và bắt tay ngay vào nhiệm vụ mới, còn An Khê (Gia Lai) cũng chìm trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.  Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu, một con người khiêm tốn, giản dị chỉ biết cống hiến, hy sinh chứ ít quan tâm đến khuếch trương chiến quả.

Đến nay, hầu như rất ít người biết về chiến thắng Đắk-pơ. Các em học sinh có thể thuộc lòng trận La Ngà diệt 59 xe quân sự và 150 tên địch; trận Tầm Vu diệt 20 xe; trận Cầy Giấy diệt tên Henry Rivire… nhưng hỏi đến chiến thắng Đắk-pơ diệt 375 xe, xóa sổ cả một binh đoàn cơ động với số quân bị loại khỏi vòng chiến đấu gần 4.000 tên thì không biết. Các nhà sử học, các nhà báo, nhà văn… đã bỏ quên một sự kiện rất quan trọng trước thềm Hội nghị Giơ-ne-vơ. Có chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại thì mới có chiến thắng Đắk-pơ, nhưng nếu không có chiến thắng Đắk-pơ góp phần thì Hội nghị Giơ-ne-vơ còn giậm chân tại chỗ, cuộc chiến còn kéo dài, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta còn phải hy sinh, đổ máu.

Trong thư khen gửi quân và dân ta sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Bác Hồ đã chỉ rõ rằng: “… Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bước đầu…”. Một số chiến lược gia cho rằng: Pháp thua ở Điện Biên, nên phải ký đình chiến…, theo chúng tôi điều đó đúng nhưng chưa đủ. Trở lại lịch sử, nếu chỉ có Bạch Đằng mà không có Vạn Kiếp, Chương Dương, Hàm Tử (bắt sống Toa Đô) thì chúng ta không thắng được quân Nguyên. Nếu chỉ có chiến thắng Đông Đô mà không có Chi Lăng, Xương Giang, Mã Yên (chặt đầu Liễu Thăng) thì không thể đuổi được giặc Minh... Và, nếu chỉ có Điện Biên Phủ mà không có một Đắk-pơ huyền thoại thì chưa thể kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bởi có một thực tế là sau thảm bại ở Điện Biên Phủ, quân Pháp vẫn ngoan cố thực hiện co cụm chiến lược nhằm bảo vệ lực lượng, giằng co kéo dài cuộc chiến, cố ép ta ký Hiệp định Giơ-ne-vơ với các điều khoản có lợi cho họ. Chính điều này đã khiến cho Hội nghị đàm phán giữa ta và Pháp giậm chân tại chỗ.

Trước ngày 24-6-1954, Pháp gấp rút chuẩn bị đưa thêm 3 sư đoàn cùng nhiều VKTB hiện đại sang chiến trường Việt Nam. Ngày 25-6, Pháp đề nghị với ta lấy vĩ tuyến 18 làm điểm phân chia tạm thời. Ngày 28-6, ta công bố việc phân chia tạm thời phải được thực hiện ở vĩ tuyến 13. Nhưng phía Pháp vẫn giữ những đề nghị của họ và cuộc đàm phán một lần nữa lại giậm chân tại chỗ. Nhưng khi tin Binh đoàn cơ động 100 bị tiêu diệt bay tới Giơ-ne-vơ, phía Pháp hết sức sửng sốt vì một binh đoàn cơ động tinh nhuệ vào bậc nhất của họ đã bị xóa sổ bởi một trung đoàn của Quân đội Việt Nam chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Chiến thắng Đắk-pơ đã buộc Pháp không dám mạo hiểm thực hiện được ý đồ bổ sung quân vào Việt Nam. Bởi họ cho rằng, tăng thêm quân vào thời điểm Binh đoàn cơ động 100 vừa bị xóa sổ là đồng nghĩa với nướng thêm quân.

Về chiến thắng Đắk-pơ, nhà sử học Dương Trung Quốc – Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam bày tỏ: “Cần thiết phải đánh giá đúng tầm vóc của chiến thắng này trong toàn bộ chiến cục Đông Xuân 1953-1954 nói chung và là chiến thắng phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng”.

Những chuyển động bước đầu

Hơn nửa thế kỷ đã qua đi, không ít người từng làm nên chiến thắng ngày ấy đã về với ông bà, tổ tiên, người còn cũng đã ở vào tuổi xưa nay hiếm nhưng tất cả đều đau đáu một nỗi niềm là làm sao tìm kiếm, quy tập được đầy đủ hài cốt của 149 anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để làm nên một Đắk-pơ huyền thoại; đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng Trung đoàn 96 và cá nhân đồng chí Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; tổ chức hội thảo khoa học nhằm đánh giá đúng tầm vóc của chiến thắng Đắk-pơ trong toàn bộ chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954; công nhận Đắk-pơ là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, xây dựng Tượng đài chiến thắng Đắk-pơ…

Người đi tiên phong trong thực hiện nỗi niềm mong ước ấy của các cựu chiến binh Trung đoàn 96 và nhân dân An Khê là cựu chiến binh Nguyễn Tự. Ông kể: Năm 2000, chúng tôi bắt đầu đề đạt với địa phương làm các thủ tục đề nghị Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận Đắk-pơ là di tích lịch sử văn hóa; đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho Trung đoàn 96. Đây được xem là việc làm quan trọng đầu tiên để đưa chiến thắng Đắk-pơ vào trang sử vẻ vang chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Mọi chuyện ban đầu tưởng như khó khăn, nhất là về hồ sơ thủ tục, nhưng nhờ sự tích cực của địa phương, lại được các ban, ngành quan tâm nên ngày 10 tháng 4 năm 2001, Trung đoàn 96 – Liên khu 5 (hiện nay là Đơn vị 96, Đoàn 309, Binh đoàn Cửu Long) được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và ngày 22 tháng 12 năm 2001, địa điểm chiến thắng Đắk-pơ được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa. Khó có thể tả hết niềm vui sướng của các cựu chiến binh Trung đoàn 96 trước các sự kiện này.

Ông Nguyễn Tự tâm sự: “Chúng tôi đã có gần 20 năm theo đuổi để thực hiện tâm nguyện”. Cho đến bây giờ ông cũng không nhớ rõ mình đã soạn biết bao văn bản, gửi đến bao nhiêu nơi, đi đến bao nhiêu chỗ, gặp biết bao nhiêu người… để tập hợp tài liệu, hoàn chỉnh hồ sơ, đề đạt nguyện vọng đưa chiến thắng Đắk-pơ về với đúng tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của nó. Ban liên lạc đã có người nản lòng nhưng cựu chiến binh Lê Tự vẫn động viên “Hãy biết chờ đợi và hy vọng”. Việc tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm chiến thắng Đắk-pơ hằng năm, ban đầu thì các cựu chiến binh tự đứng ra tổ chức, rồi “kéo” địa phương vào cuộc và quy mô, tầm vóc cứ lớn dần. Cho đến năm 2004 và năm 2009, lễ kỷ niệm 50 năm, 55 năm chiến thắng Đắk-pơ đã được huyện An Khê và tỉnh Gia Lai tổ chức trọng thể. Nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng Đắk-pơ (24-6-1954/24-6-2009), đồng chí Lê Tự cùng Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 96 tiếp tục làm đơn thỉnh nguyện gửi tới Bộ Chính trị; Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương và Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân khu 5… đề nghị truy tặng Thượng tướng Nguyễn Minh Châu, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96 – Liên khu 5 danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Cho đến tận bây giờ, cựu chiến binh  Nguyễn Tự vẫn nhớ như in những dòng chữ trong lá đơn thỉnh nguyện. Ông viết: “Trong chiến đấu, nhiều đồng chí có thành tích đặc biệt xuất sắc và chỉ tỏa sáng trong khoảnh khắc như: La Văn Cầu, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Nguyễn Quốc Trị… đều được Nhà nước phong tặng hoặc truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đồng chí Nguyễn Minh Châu chỉ huy Trung đoàn 96 diệt gọn Binh đoàn cơ động 100 của Pháp, chiến thắng Đắk-pơ được Bác Hồ vui lòng khen ngợi, đã giải tỏa được tình trạng giậm chân tại chỗ của Hội nghị Giơ-ne-vơ, có ý nghĩa quan trọng chẳng những đối với Tây Nguyên mà còn đối với cả nước, góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là chiến công của Trung đoàn 96 và quân – dân An Khê, trong đó công đầu lớn nhất thuộc về đồng chí Nguyễn Minh Châu và đây cũng là thành tích đặc biệt xuất sắc, được tỏa sáng trong khoảnh khắc của đồng chí Trung đoàn trưởng…”.

Đơn gửi đi, ông Tự và các cựu chiến binh nóng lòng chờ đợi. Thế rồi đúng dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5, Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 96 tại Bình Định nhận được tin: Văn phòng Ban chấp hành Trung ương Đảng đã chính thức có ý kiến với Bộ Quốc phòng và Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương về việc truy tặng đồng chí Nguyễn Minh Châu, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96 – Liên khu 5 danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Tiếp đó, Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 96 nhận được công văn số 992/BTL-CCT của Bộ tư lệnh Quân khu 5. Nội dung công văn cho biết, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã cho ý kiến chỉ đạo Tổng cục Chính trị và các cơ quan chức năng về việc thẩm định thành tích đề nghị truy tặng Thượng tướng Nguyễn Minh Châu, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96 – Liên khu 5 danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, theo “Đơn thỉnh nguyện” của Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 96 – Liên khu 5. Hồ sơ, thủ tục đề nghị truy tặng được Ban liên lạc phối hợp với địa phương và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 nhanh chóng hoàn tất. Và cho đến ngày 23 tháng 2 năm 2010, Thượng tướng Nguyễn Minh Châu  (Năm Ngà), nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96 chủ lực thuộc Liên khu 5 đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sự ghi nhận trong các cuốn sách lưu hành nội bộ; xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ Đắk-pơ; công nhận Đắk-pơ là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia; phong tặng Trung đoàn 96 và truy tặng Thượng tướng Nguyễn Minh Châu danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân… phần nào cho thấy Đảng, Nhà nước và nhân dân đã đánh giá, ứng xử đúng với chiến thắng này cũng như chiến công của Trung đoàn 96 và nhân dân An Khê.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #71 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2010, 09:12:02 am »

Bài 5: Để Đắk-pơ mãi âm vang

Đắk-pơ cần được đánh giá đúng tầm


Mặc dù đã thực hiện được một phần tâm nguyện nhưng giờ đây các Cựu chiến binh Trung đoàn 96 vẫn mong muốn tổ chức một cuộc hội thảo khoa học về chiến thắng Đắk-pơ; xây dựng Tượng đài chiến thắng Đắk-pơ và tìm kiếm quy tập hài cốt các cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận Đắk-pơ.

Theo chúng tôi, đó là những việc rất nên làm không chỉ cho quá khứ mà quan trọng hơn, ý nghĩa hơn là cho tương lai. Chiến tranh, gian khó, hy sinh là môi trường để tôi luyện, để thử thách con người. Không chỉ có các liệt sĩ mà tất cả những con người đã từng góp phần làm nên chiến thắng ấy rất đáng được trân trọng, tôn vinh. Trận Đắk-pơ, tiêu diệt hoàn toàn Binh đoàn cơ động 100 là một trong những trận đánh mẫu mực về sự mưu trí, anh dũng, về đánh tiêu diệt gọn quân địch, là điển hình của tư tưởng “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều” - nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Từ chiến thắng Đắk-pơ có nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn như: tổ chức bố trí, sử dụng lực lượng; vai trò của cán bộ; thời cơ và thế trận… cần được làm sáng tỏ để thế hệ hôm nay tiếp tục suy nghĩ, học tập, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu không có một cuộc hội thảo khoa học đúng tầm mức thì không thể khơi dậy được những cái hay, cái đẹp, cái đặc sắc, những giá trị đích thực của Đắk-pơ.

Về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Đắk-pơ, trong đó có tổ chức hội thảo khoa học về chiến thắng, trong công văn số 307/CV-VLS ngày 11 tháng 10 năm 2006 của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam do Thiếu tướng Trịnh Vương Hồng, Viện trưởng ký gửi Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 96 đã bày tỏ: “Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam rất hoan nghênh và ủng hộ đề xuất của các cựu chiến binh Trung đoàn 96....”


Các cựu chiến binh đã từng tham gia chiến dịch Bắc Tây Nguyên và tiêu diệt Binh đoàn cơ động 100, tham dự hội thảo nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Đắk-pơ (24-6-1994). Ảnh do Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 96 cung cấp.

Ông Nguyễn Tự cho chúng tôi biết thêm về quan điểm của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trong thư gửi Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 96 là: Việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm, trong đó có cuộc hội thảo có thể diễn ra ngay trên địa bàn Đắk-pơ (Gia Lai) nhưng nên đặt tầm vóc của sự kiện có ý nghĩa rộng lớn, hơn nhất là trong thời điểm chúng ta cần quan tâm đến vùng đất Tây Nguyên đã gắn bó với sự nghiệp chung của cách mạng mà Đắk-pơ - An Khê là một sự kiện tiêu biểu… Về phần mình ông Dương Trung Quốc khẳng định: “Chúng tôi sẽ phát biểu ý kiến của mình với các đồng nghiệp quân đội và sẵn sàng tham gia theo đúng chức năng…”. Ông Nguyễn Tự bày tỏ: “Quyết tâm là thế và ai cũng thấy ý nghĩa, sự cần thiết của việc làm này, nhưng đã mấy năm rồi vẫn chưa tổ chức được?”.

Theo chúng tôi việc tổ chức một cuộc hội thảo không khó. Vấn đề là ở chỗ cần có một Ban tổ chức, một địa phương (đơn vị) chủ trì. Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 96 nên đề nghị để Bộ tư lệnh Quân khu 5 hoặc Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai làm công việc này cùng với sự vào cuộc của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam… Chúng tôi tin rằng, cuộc hội thảo về chiến thắng Đắk-pơ sẽ được tổ chức đúng ý định.

Không để tượng đài trên giấy

Còn về việc xây dựng Tượng đài chiến thắng Đắk-pơ, cựu chiến binh Nguyễn Tự cho biết, sau nhiều lần đề nghị, ngày 10-3-2004 tâm nguyện ấy đã được Bộ Văn hóa Thông tin cho ý kiến. Theo đó, Bộ Văn hóa - Thông tin đề nghị tỉnh Gia Lai giao cho Sở Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trong tỉnh xây dựng Đề án tổng thể về hình thức lưu niệm, ghi công chiến thắng Đắk-pơ để UBND tỉnh xem xét, quyết định. Tâm nguyện của các Cựu chiến binh Trung đoàn 96 cũng được Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam hoan nghênh và đồng tình ủng hộ. Thiếu tướng Trịnh Vương Hồng, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng: “Đây là việc làm cần thiết nhằm tôn vinh và thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ người Việt Nam với những người có công”. Đồng thời với tình cảm và trách nhiệm của mình, Thiếu tướng Trịnh Vương Hồng - Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam khi đó (năm 2004) đã có công văn thẩm định về nội dung, đồng thời đề nghị Bộ Văn hóa - Thông tin và các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai sớm nghiên cứu, xem xét đề nghị của các Cựu chiến binh Trung đoàn 96.

Như vậy có thể thấy việc đầu tư xây dựng công trình Tượng đài chiến thắng Đắk-pơ là cần thiết và khách quan. Nhận thức rõ điều đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính, Ban Tuyên giáo, Hội Cựu chiến binh… lập dự án xây dựng công trình Tượng đài chiến thắng Đắk-pơ với tổng số vốn đầu tư khoảng 16 tỷ đồng và giao cho UBND huyện Đắk-pơ làm chủ đầu tư… Thế nhưng kể từ đó đến nay đã 5 năm, dự án chưa được triển khai. 

Ông Nguyễn Tự cho biết: "Tôi đã nhiều lần lên tỉnh, ra huyện để hỏi về việc triển khai thực hiện dự án nhưng đều nhận được câu trả lời là “kinh phí khó khăn, địa phương đang phải cân đối”.

Tượng đài chiến thắng Đắk-pơ được xây dựng sẽ trở thành dấu ấn lịch sử, minh chứng hùng hồn khẳng định những giá trị của chiến thắng. Tuy nhiên, ai cũng biết Gia Lai là một tỉnh nghèo. Hiểu được điều này nên trong công văn số 729/VHTT-VP ngày 10 tháng 3 năm 2004 gửi UBND tỉnh Gia Lai, Bộ Văn hóa - Thông tin đã chỉ rõ: “Nếu có việc gì vượt quá khả năng và thẩm quyền, UBND tỉnh cần đề nghị các bộ, ngành Trung ương giải quyết”. Nếu thực sự quá khó khăn về tài chính, theo chúng tôi UBND tỉnh Gia Lai cần đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ để công trình Tượng đài chiến thắng Đắk-pơ sớm được khởi công. Mặt khác, đã có biết bao xương máu của bộ đội và nhân dân đổ xuống, đặc biệt là sự hy sinh anh dũng của 147 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 96 để đổi lấy một Đắk-pơ huyền thoại. Về với Đắk-pơ hôm nay, chứng kiến một Đắk-pơ khởi sắc từng ngày hẳn ai cũng cảm nhận được giá trị của sự hy sinh thiêng liêng, cao cả ấy. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” chúng tôi tin việc huy các doanh nghiệp góp “viên gạch hồng” xây Tượng đài chiến thắng Đắk-pơ không phải là quá khó.

Hài cốt 147 liệt sĩ đang ở đâu?

Có thể chậm, nhưng ông Tự và các cựu chiến binh Trung đoàn 96 vẫn tin một ngày gần đây, Tượng đài chiến thắng Đắk-pơ sẽ được khởi công đáp ứng lòng mong đợi của quân và dân cả nước. Điều mà các cựu chiến binh trăn trở nhất bây giờ là làm sao để tìm được phần mộ 147 liệt sĩ đã hy sinh trong trận Đắk-pơ. Thông tin từ Văn phòng UBND huyện Đắk-pơ cho biết, trong 147 liệt sĩ đó mới có 93 người xác định được họ tên, quê quán, còn lại 54 người chưa xác định. Ông Nguyễn Tự cho biết: Trong số các cựu chiến binh Trung đoàn 96 có ông Nguyễn Văn Song và một số người từng trực tiếp tham gia chôn cất 49 liệt sĩ hy sinh ngay tại mặt trận. Dưới sự chỉ dẫn của ông Song, các cựu chiến binh Trung đoàn 96 đã nhiều lần trở lại chiến trường xưa để tìm hài cốt đồng đội nhưng vẫn chưa có kết quả bởi mọi dấu tích giờ đã mất hết. Còn lại gần 100 cán bộ, chiến sĩ bị thương được đưa về cấp cứu tại Trạm phẫu thuật Quân y tiền phương của Trung đoàn 96 rồi hy sinh, được các chiến sĩ quân y và nhân dân địa phương chôn cất ngay gần trạm (thuộc địa phận xã Đắk-pơ). Từ những thông tin do người dân và Đại tá, Bác sĩ Nguyễn Công Nghiêm, nguyên Quân y trưởng Trung đoàn 96 ngày ấy cung cấp, các cựu chiến binh Trung đoàn 96 cũng nhiều lần trở khu vực đặt trạm phẫu năm xưa nhờ các già làng giúp đỡ tìm kiếm hài cốt đồng đội như cũng chưa có kết quả.

Theo cựu chiến binh Nguyễn Tự, công việc này ngày càng trở nên khó khăn bởi vừa rồi ông Nguyễn Văn Song và một số cựu chiến binh trực tiếp tham gia chôn cất những đồng đội hy sinh đều đã qua đời do tuổi cao, sức yếu. Những già làng ở xã Đắk-pơ đã từng tham gia chôn cất những cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại trạm phẫu tiền phương cũng lần lượt qua đời. Mặc dù vẫn đau đáu một nỗi niềm là đưa các đồng đội về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ nhưng với ông Nguyễn Tự và các cựu chiến binh Trung đoàn 96 công việc này bây giờ như “mò kim đáy biển”. Tại buổi gặp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 56 năm chiến thắng Đắk-pơ vừa qua, các cựu chiến binh Trung đoàn 96 cùng Hòa thượng Thích Nguyên Phước-Phó trưởng ban trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai và các vị sư trụ trì chùa Long Khánh đã tiến hành lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ và tiếp tục bàn tính chuyện mời những người có khả năng ngoại cảm giúp đỡ tìm hài cốt các đồng đội. Theo ông Nguyễn Tự, nếu thuận lợi thì công việc này sẽ được triển khai sớm.

Dù có bị lãng quên, chiến thắng Đắk-pơ vẫn là một sự thật lịch, mãi mãi là niềm tự hào của Quân đội và nhân dân Việt Nam. Đối với kẻ thù, Đắk-pơ vẫn là một điều bí ẩn về sức mạnh của con người Việt Nam... Những tâm nguyện của các cựu chiến binh Trung đoàn 96 là hoàn toàn chính đáng và đó cũng là tâm nguyện của toàn dân. Đáp ứng những tâm nguyện ấy là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở mà trực tiếp là Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai. Nếu mọi người chúng ta ai cũng hiểu việc giải quyết những tâm nguyện ấy không phải vì quá khứ, không chỉ cho hôm nay mà là cho muôn đời con cháu mai sau thì chắc chắn đó không phải là những việc khó thực hiện. Hy vọng một ngày không xa, mọi trăn trở, băn khoăn của các cựu chiến binh Trung đoàn 96 sẽ được giải tỏa. Đắk-pơ huyền thoại sẽ đi vào chính sử, góp phần làm rạng danh truyền thống chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #72 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2010, 09:15:30 am »

DANH SÁCH 93 TRONG TỔNG SỐ 147 CÁN BỘ, CHIẾN SĨ HY SINH TRONG TRẬN ĐÁNH ĐẮK-PƠ (do UBND huyện Đắk-pơ cung cấp)

1) Võ Duyên – quê Tuy Phước, Bình Định;
2) Lê Định - quê Quảng Ngãi;
3) Trần Nhất – quê Quảng Ngãi;
4) Nguyễn Công - quê Hoài Nhơn, Bình Định;
5) Nguyễn Xuân Lượng - quê Hoài Nhơn, Bình Định;
6) Hồ Biền - quê Hoài Nhơn, Bình Định;
7) Nguyễn Hữu Sen - quê Diễn Châu, Nghệ An;
8 ) Nguyễn Văn Tâm - quê Hoài Nhơn, Bình Định;
9) Mai Viết Lượng - quê Hoài Nhơn, Bình Định;
10) Nguyễn Mài - quê Hoài Nhơn, Bình Định;
11) Võ Văn Đinh - quê Quảng Nam;
12) Nguyễn Sĩ Chiến - quê Hoài Nhơn, Bình Định;
13) Nguyễn Văn Hưởng – quê Quảng Nam;
14) Nguyễn Thành Mai – quê Quảng Nam;
15) Lê Tấn Đắc – quê Quảng Nam;
16) Lâm Khắc Dung - quê Hoài Nhơn, Bình Định;
17) Trần Đức Thăng - quê Hoài Nhơn, Bình Định;
18) Ngô Văn Sơn - quê Bình Định;
19) Trần Văn Lý - quê Bình Định;
20) Nguyễn Văn An - quê Phù Mỹ, Bình Định;
21) Nguyễn Hữu Tài-Hoài Nhơn, Bình Định;
22)  Bùi Văn Hải-Quảng Ngãi;
23) Ngô Văn Luận-Bình Định;
24) Trần Sĩ Mai-Phú Yên;
25) Phan Lung-Tam Quan, Bình Định;
26) Trần Văn Liên-Cán bộ Đại đội ĐKZ;
27) Nguyễn Hương-Cán bộ Đại đội ĐKZ;
28) Nguyễn Văn Thiện–Bình Định;
29) Đồng chí Tâm-Quảng Ngãi;
30) Đồng chí Ngưỡng–Nghệ An;
31) Đồng chí Thành-An Khê, Gia Lai;
32) Đồng chí Lực-Phú Tài, Bình Định;
33) Đồng chí Đức-Đức Phổ, Quảng Ngãi;
34) Hrinh-Gia Lai;
35) Đồng chí Choang - Gia Lai;
36) Đồng chí Tpích - Gia Lai;
37) Đồng chí Chương - Vĩnh Thạch, Bình Định;
38) Đồng chí Ửng – xã Hoài Thanh, Hoài Nhơn, Bình Định;
39) Đồng chí Đức - Điện Bàn, Quảng Nam;
40) Đồng chí Tiến - Quảng Nam;
41) Đồng chí Sử - Quảng Nam;
42) Lê Văn Cầu - Nhơn Bình, Quy Nhơn, Bình Định;
43) Nguyễn Đình Phú - Quy Nhơn, Bình Định;
44) Văn Ngọc Sơn – xã Vĩnh Hội, Tây Sơn, Bình Định;
45) Trần Ngọc Đạm - Vĩnh Hội, Tây Sơn, Bình Định;
46) Lê Phát - Vĩnh Hội, Tây Sơn, Bình Định;
47) Trần Đình Hoành - Duy Xuyên, Quảng Nam;
48) Nguyễn Bình - Đại Lộc, Quảng Nam;
49) Nguyễn Văn Ký - chưa xác định được rõ quê;
50) Ngô Dây - Phù Cát, Bình Định;
51) Hồ Tạo - Tây Sơn, Bình Định;
52) Trần Đề - chưa xác định được;
53) Lê Màng - Chưa xác định được;
54) Đồng chí Giảng - Điện Bàn, Quảng Nam;
55) Đồng chí Hiền - chưa xác định được quê;  
56) Lê Trung Cát - Chưa xác định được;
57) Đồng chí Lung - chưa xác định được;
58) Đồng chí Đoan - Quảng Nam;
59) Đồng chí Chanh - Chưa xác định được;
60) Trần Sao - chưa xác định được;
61) Võ Thôn - Thăng An, Thăng Bình, Quảng Nam;
62) Nguyễn Văn Thái - Phổ Thuận, Đức Phổ, Quảng Nam;
63) Nguyễn Văn Tước - Tịnh Minh, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi;
64) Nguyễn Trung Quyết – chưa xác định được;
65) Nguyễn Văn Sở - Điện Bàn, Quảng Nam;
66) Bùi Đức Ái - Sơn Tịnh, Quảng Nam;
67) Nguyễn Luân - Tịnh Minh, Tịnh Sơn, Quảng Nam:
68) Nguyễn Xuân Cảnh - Tuy Hòa, Phú Yên;
69)  Nguyễn Văn Chức - Nghĩa Thắng, Tư Nghĩa, Quảng Nam;
70) Nguyễn Mẹo - Sông Cầu, Phú Yên;
71) Nguyễn Tấn - chưa xác định được quê…
72) Nguyễn Quang Huy - Tịnh Hiệp, Tịnh Sơn, Quảng Ngãi;
73) Nguyễn Tấn Sang - Điện Bàn, Quảng Nam;
74) Nguyễn Lộc - Gò Cồi, Bình Định;
75) Đồng chí Tấm, Quảng Ngãi;
76) Đồng chí Hạc - Quảng Ngãi;
77) Lê Văn Le - Bình Định;
78) Nguyễn Dầy - Quảng Ngãi;
79) Phan Bài - Bình Định;
80) Lê Văn Lại - Quảng Nam;
81) Đồng chí Phan - Bình Định;
82) Đồng chí Mạnh - Quảng Nam;
83) Phan Tiếp - Quảng Nam;
84) Huỳnh Văn Điểu - Quảng Nam;
85) Nguyễn Anh Hùng - Quảng Nam;
86) Cao Thái Hoàng - Tây Sơn, Bình Định;
87) Cao Thái Hiệp - Tây Sơn, Bình Định;
88) Phạm Bảy - Tây Sơn, Bình Định;
89) Nguyễn Thơ - Phù Cát, Bình Định;
90) Phạm Thành Chung - Quảng Nam;
91) Nguyễn Ngọc Hỷ – Quảng Nam;
92) Nguyễn Hòa - Bình Đông, Bình Sơn, Quảng Ngãi;
93) Nguyễn Trung - Phú Lê, Phú Yên.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #73 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2011, 08:46:24 pm »

Trong bản thành tích của anh hùng Võ Thiết cũng thấy nói đến thành tích chỉ huy đại đội chiến đấu trong trận đánh Đăk-pơ :
 
 ( ..... Trong trận tiêu diệt binh đoàn cơ động số 100 của địch trên đường 19 ngày 24 tháng 6 năm 1954, Võ Thiết chỉ huy đại đội tiến công cắt đứt đội hình phía sau đoàn quân địch, diệt gọn 14 xe chở đầy lính. Đoàn quân đi trước quay lại phản kích, đồng chí chỉ huy đơn vị nhanh chóng chiếm điểm cao đánh lui 3 đợt phản kích của 2 tiểu đoàn địch, giữ vững trận địa và giam chân chúng tại chỗ, tạo điều kiện thuận lợi cho toàn trung đoàn triển khai, cơ động lực lượng, kết quả: đã đánh tan binh đoàn cơ động của Pháp gồm 5 tiểu đoàn, bắt sống 800 tên, thu 279 xe quân sự, thu và phá hủy 12 khẩu pháo địch....)
Logged
SaigonGuider
Thành viên
*
Bài viết: 540


Kẻ thù buộc ta ôm cây súng...


« Trả lời #74 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2011, 12:12:47 pm »

Bài 5: Để Đắk-pơ mãi âm vang...

Mặc dù đã thực hiện được một phần tâm nguyện nhưng giờ đây các Cựu chiến binh Trung đoàn 96 vẫn mong muốn tổ chức một cuộc hội thảo khoa học về chiến thắng Đắk-pơ; xây dựng Tượng đài chiến thắng Đắk-pơ và tìm kiếm quy tập hài cốt các cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận Đắk-pơ.
...
Điều mà các cựu chiến binh trăn trở nhất bây giờ là làm sao để tìm được phần mộ 147 liệt sĩ đã hy sinh trong trận Đắk-pơ. Thông tin từ Văn phòng UBND huyện Đắk-pơ cho biết, trong 147 liệt sĩ đó mới có 93 người xác định được họ tên, quê quán, còn lại 54 người chưa xác định. Ông Nguyễn Tự cho biết: Trong số các cựu chiến binh Trung đoàn 96 có ông Nguyễn Văn Song và một số người từng trực tiếp tham gia chôn cất 49 liệt sĩ hy sinh ngay tại mặt trận. Dưới sự chỉ dẫn của ông Song, các cựu chiến binh Trung đoàn 96 đã nhiều lần trở lại chiến trường xưa để tìm hài cốt đồng đội nhưng vẫn chưa có kết quả bởi mọi dấu tích giờ đã mất hết. Còn lại gần 100 cán bộ, chiến sĩ bị thương được đưa về cấp cứu tại Trạm phẫu thuật Quân y tiền phương của Trung đoàn 96 rồi hy sinh, được các chiến sĩ quân y và nhân dân địa phương chôn cất ngay gần trạm (thuộc địa phận xã Đắk-pơ). Từ những thông tin do người dân và Đại tá, Bác sĩ Nguyễn Công Nghiêm, nguyên Quân y trưởng Trung đoàn 96 ngày ấy cung cấp, các cựu chiến binh Trung đoàn 96 cũng nhiều lần trở khu vực đặt trạm phẫu năm xưa nhờ các già làng giúp đỡ tìm kiếm hài cốt đồng đội như cũng chưa có kết quả.

Theo cựu chiến binh Nguyễn Tự, công việc này ngày càng trở nên khó khăn bởi vừa rồi ông Nguyễn Văn Song và một số cựu chiến binh trực tiếp tham gia chôn cất những đồng đội hy sinh đều đã qua đời do tuổi cao, sức yếu. Những già làng ở xã Đắk-pơ đã từng tham gia chôn cất những cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại trạm phẫu tiền phương cũng lần lượt qua đời. Mặc dù vẫn đau đáu một nỗi niềm là đưa các đồng đội về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ nhưng với ông Nguyễn Tự và các cựu chiến binh Trung đoàn 96 công việc này bây giờ như “mò kim đáy biển”. Tại buổi gặp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 56 năm chiến thắng Đắk-pơ vừa qua, các cựu chiến binh Trung đoàn 96 cùng Hòa thượng Thích Nguyên Phước-Phó trưởng ban trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai và các vị sư trụ trì chùa Long Khánh đã tiến hành lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ và tiếp tục bàn tính chuyện mời những người có khả năng ngoại cảm giúp đỡ tìm hài cốt các đồng đội...
Gần như phù hợp với kết quả có từ sự hỗ trợ của Bác fanlong74 mà Bác ChiangShian đã đưa trong bài post#39 - lần theo đường link tư liệu dossier.pdf (trang 38) do bác Altus cung cấp trong bài post#9 - SGG nhặt ra được một sơ đồ diễn biến trận đánh, từ phía "chứng nhân" bên kia, dưới đây:



Thoạt đầu, với nhiều thông tin nào là trận đánh nổ ra từ bên kia cầu Đakpơ, trận địa kéo dài ba cây số rồi chốt chặn địch viện từ phía sau, diệt 14 xe... dẫn đến cứ thắc mắc mãi về vị trí chính xác với các định danh "Trận Đèo Mang Yang" và "Trận cây số 15"...
Thì ra, cây số 15 phải tính từ... An Khê (trong một đoạn của B.Fall có câu "ngồi xe qua khỏi km14 thấy khung cảnh dễ bị...")
Và cái đoạn địa lý để định danh đèo Mang Yang đã không còn dài như ngày xưa nữa từ sau những năm cuối thập niên 50's (sau hàng loạt cuộc "tái thiết công chánh..." của hai thời cộng hòa ở miền nam trước 1975). Lại càng xa xôi hơn nữa nếu tính vào thời điểm bây giờ

Tạm căn cứ từ địa hình thực địa mà chủ yếu là dòng Đakpơ... nơi mà dân cư chung quanh cái cầu Đăkpơ hiện nay chỉ là những di dân kinh tế mới từ sau 1979



Trong suốt giai đoạn từ 1960 đến 1965 - những cuộc càn trắng, dồn dân về Cheo reo - Phú Bổn, An định - An khê được tiến hành tận tình, những làng dân tộc lại càng khốn khó hơn khi dân "canh tác vùng triền - làm rẫy" lại bị đẩy lên vùng "cao, bằng..." hay "thung lũng, lõm..." (các trại Lực lượng Đặc biệt/Dân sự Chiến đấu/Huấn luyện Biệt kích Nùng... thực chất là một dạng như Ấp Chiến lược/Chi khu ở đồng bằng - mà chỉ yếu dựa vào "lấy gạo, muối" để sử dụng tính dẽo dai đường rừng và văn hóa, ý thức thấp của bà con dân tộc thiểu số - tất nhiên là cũng có những "già, ama, y..." thuộc diện khá là... ác ôn sừng sỏ)



Lại nữa, thật sự, từ trước đến giờ hình như cũng chưa bao giờ có một "xã Đăkpơ"... ở một vùng địa hình mà trong chiến tranh KCCM, gần như được gọi là "vùng trắng/vùng mất kiểm soát" đến độ gần như mỗi cuộc chuyển quân lớn của lính sư đoàn 1 American hoàn tất được coi như là một "thành công chiến thuật xuất sắc" - mà tính ra cũng chỉ được có 2-3 lần chuyển quân lớn chứ mấy đâu!
Tại sao địch gọi là "trắng/mất kiểm soát" thì chắc phải hỏi mấy Cụ Sư 2, Sư 3 Sao Vàng... thì mới biết được nhỉ?



Nhìn cái vệt "đường bò" trên bản đồ 1/50K (1970) và so lại với bản sơ đồ địa hình trên kia... thấy chi tiết "trận địa kéo dài 3km" thì vẫn còn... ít quá so với diễn tiến trận đánh!
Trong bản sơ đồ kia còn có hai chữ "PK21" và "PK11" - có ai giúp giải thích cho em nhờ chút...

Vấn đề SGG đưa ra là... "Lấy đâu ra xã Đakpơ hay già làng Đakpơ để các Cụ cựu nhà ta đi tìm để hỏi?"
Chuyện "mai táng tại trận địa" có còn nằm ở một địa bàn nhỏ hẹp chung quanh cây cầu?
Cũng như khi trận đánh diễn tiến lan dài như thế trong mấy ngày thì việc "trạm phẫu tiền phương trung đoàn" có cơ động thêm "số nóc lều" như thế nào để bây giờ có thể "tìm lại dấu xưa" cho dễ?

Ngay cả cái làng Đakpơ hay xã Đakpơ cũng là một chi tiết!

Chúng ta đang nói về thời chiến đấu của các cụ "bạch đầu quân" phía Nam, khi mà "quân chủ lực" đã dồn hết sức (vũ khí khí tài trang thiết bị) về phía Bắc, Điện Biên Phủ chỉ mới "vừa xong"
Ấy là chưa nói đến thời kỳ này, các tên làng xã vùng này phần lớn vẫn còn giữ danh bắt đầu bằng chữ "Plei" - chứ chưa có thói quen ở đâu cũng dùng chữ "Đak" như từ sau những năm 59-62 (chỉ từ khi có một vị "Trưởng ty sắc tộc" của thời ấy là người... Ê-đê quê xứ Ban Mê thuộc - Vâng, người Ê-Đê/rhades - thường là sắc tộc nòng cốt của... Fulro - thì mới hay lập làng xã bắt đầu từ chữ Đắk)

Lại nôn nao chuyện của mấy cụ già quá đi thôi!
Logged

CHIẾN BINH ĐẤT NUNG - Một đời chinh chiến, đôi khi chỉ vì... một nụ hôn...!

Tôi có một niềm tin: Các ANH rồi sẽ về, dù có... muộn!
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #75 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2011, 12:37:25 pm »

Trong bản sơ đồ kia còn có hai chữ "PK21" và "PK11" - có ai giúp giải thích cho em nhờ chút...

"Cây số" bác ạ (khu vực diễn ra trận đánh là cây số 15 - PK15).
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
SaigonGuider
Thành viên
*
Bài viết: 540


Kẻ thù buộc ta ôm cây súng...


« Trả lời #76 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2011, 01:10:46 pm »

Trời đất, thì ra sơ đồ ký chú tiếng Pháp mà "hắn" dùng Piont Kilometer (tiếng Pháp thì Borne Kilométrique)

Cảm ơn Bác ChiangShian nhé (à! cậu có hỏi các Cụ ý kiến gì về những tọa độ bên ChưTanKra chưa?)
Logged

CHIẾN BINH ĐẤT NUNG - Một đời chinh chiến, đôi khi chỉ vì... một nụ hôn...!

Tôi có một niềm tin: Các ANH rồi sẽ về, dù có... muộn!
star
Thành viên
*
Bài viết: 127


Paracel Islands & Spratly Islands Of VIETNAM


« Trả lời #77 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2011, 10:00:20 am »

Trời đất, thì ra sơ đồ ký chú tiếng Pháp mà "hắn" dùng Piont Kilometer (tiếng Pháp thì Borne Kilométrique)

PK đúng là tiếng Pháp đấy bác ạ, nó là viết tắt của Poste Kilométrique
Logged

Những việc ta làm, thành - bại ngày hôm nay,
Sẽ có sử sách ngày mai ghi chép lại.
Dân tộc ta còn mãi là nhờ lòng cương quyết,
Mấy ngàn năm oanh liệt chống quân thù.
(Câu Thơ Yên Ngựa)
SaigonGuider
Thành viên
*
Bài viết: 540


Kẻ thù buộc ta ôm cây súng...


« Trả lời #78 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2011, 10:19:17 am »

Trời đất, thì ra sơ đồ ký chú tiếng Pháp mà "hắn" dùng Piont Kilometer (tiếng Pháp thì Borne Kilométrique)

PK đúng là tiếng Pháp đấy bác ạ, nó là viết tắt của Poste Kilométrique
Ừ nhỉ... nhớ từ trước giờ mình biết nguyên tắc công chánh thời Pháp, đặt cột cây số cự ly tính theo "Bưu điện địa phương" - chẳng qua vì không rành tiếng Pháp nên không biết... mà cũng không thấy quy định ký chú cột cây số là PK nên mù tịt.

Cảm ơn Bác Star!
Logged

CHIẾN BINH ĐẤT NUNG - Một đời chinh chiến, đôi khi chỉ vì... một nụ hôn...!

Tôi có một niềm tin: Các ANH rồi sẽ về, dù có... muộn!
star
Thành viên
*
Bài viết: 127


Paracel Islands & Spratly Islands Of VIETNAM


« Trả lời #79 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2011, 10:32:05 am »

PK đúng là tiếng Pháp đấy bác ạ, nó là viết tắt của Poste Kilométrique
Ừ nhỉ... nhớ từ trước giờ mình biết nguyên tắc công chánh thời Pháp, đặt cột cây số cự ly tính theo "Bưu điện địa phương" - chẳng qua vì không rành tiếng Pháp nên không biết... mà cũng không thấy quy định ký chú cột cây số là PK nên mù tịt.

Em vừa tìm hiểu thêm 1 số tài liệu tiếng Pháp thì thấy rằng em cũng nhầm, PK trong bản đồ là viết tắt của "Point Kilométrique" thì đúng hơn.

Em cũng không rành lắm về những từ tiếng Pháp dùng trong ngành giao thông, nhưng có vẻ "borne kilométrique" có nghĩa là "cái cột mốc" hay cái "cột cây số", còn "point kilométrique" là giá trị (độ lớn) khoảng cách ghi trên cái cột đó.

Trước em nhầm vì đầu tiên em đoán chữ P là viết tắt của Poste, tìm trên mạng thì cũng thấy một số tài liệu tiếng Pháp dùng cụm "poste kilométrique" để chỉ vị trí địa lý. Nhưng sau đó em tìm sang cụm "Point Kilométrique" thì thấy kết quả nhiều hơn và các nguồn đáng tin cậy hơn.

Đây là một đoạn tại trang 72, cuốn "Cessez-Le-Feu" (Sự Ngừng Chiến) của Gérard Santelli, nguyên trung sĩ thuộc tiểu đòan 2 Triều Tiên:
Đoạn sách này em tìm được trên Google Books với các từ khóa: PK "Point Kilométrique" "Mang Yang"
Đây là tài liệu do một quân nhân Pháp viết nên chắc là đáng tin cậy (đối với việc tìm hiểu ký hiệu viết tắt trên tấm bản đồ quân sự):

« Sửa lần cuối: 13 Tháng Hai, 2011, 11:59:38 am gửi bởi star » Logged

Những việc ta làm, thành - bại ngày hôm nay,
Sẽ có sử sách ngày mai ghi chép lại.
Dân tộc ta còn mãi là nhờ lòng cương quyết,
Mấy ngàn năm oanh liệt chống quân thù.
(Câu Thơ Yên Ngựa)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM