Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 04:45:20 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ  (Đọc 98165 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #130 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 10:01:57 pm »

Một đêm, ra đến đường cái, tôi gặp một đơn vị đang tiến ra mặt trận. Anh em mang nặng nhưng khá gọn ghẽ. Chiến sĩ nào cũng đeo bi đông hoặc ống nước bằng tre. Nhiều người quấn khăn ở cổ và đeo khẩu trang để chống lạnh. Tôi thầm đoán: “Đơn vị này phòng bệnh tốt đây!”.

Tôi đi theo anh em.

Bỗng có lệnh truyền dọc theo hàng quân:

- Tản sang ven đường, nghỉ.

Một lát, lại thấy một cán bộ chạy đi bảo anh em:

- Nghỉ, đến 5 giờ sáng hành quân. Tất cả thu xếp chỗ ngủ.

Hai vệ đường, có mấy vạt sườn đồi thoai thoải và những cánh ruộng khô, còn trơ gốc rạ. Anh em tản ra đó
từng tốp, từng tốp và trải bạt, căng màn rất nhanh. Chỉ một chốc đã thấy màn căng trắng toát. Rồi hầu hết
mọi người biến vào trong những chiếc màn căng vuông vắn và giắt kỹ càng.

Có những dãy màn căng thẳng tắp. Tôi lại gần xem anh em làm thế nào. Thì ra mỗi tiểu đội hay mỗi tổ đã chuẩn bị sẵn một ít dây và mấy cái cọc. Đến chỗ nghỉ, họ chỉ việc đóng hai hàng học, căng hai sợi dây song song rồi buộc tai màn vào đó…

Mười phút sau, trong các dãy màn đã nghe tiếng ngáy và cả tiếng nói mê. Bên ngoài, chỉ còn mấy cán bộ cầm đèn pin đi soi xét…

Tôi nói với một trong những cán bộ đó là tôi muốn gặp đồng chí y tá. Anh cán bộ lên tiếng gọi. Đằng xa một người đáp: “Có tôi” rồi cầm đèn pin chạy lại. Đó là một chiến sĩ trẻ măng. Tôi tự giới thiệu là cán bộ ban quân y mặt trận, rồi hỏi:

- Đơn vị cậu “ngủ tốt” đấy! Có được như thế này thường xuyên không?

- Báo cáo, được.

- Hành quân suốt đêm, 5 giờ sáng vào chỗ trú quân, liệu anh em có mắc màn không?

- Báo cáo, có ạ.

- Thế thì tốt. Còn ăn, có tốt không?

- Báo cáo, tốt! Chúng tôi bảo đảm có canh rau xanh ít nhất mỗi ngày một bữa.

- Kiếm đâu ra rau xanh?
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #131 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 10:08:11 pm »

- Tại sao thế?

- Năm nay các đồng chí cán bộ quan tâm nhiều lắm…

Anh cán bộ, vẫn đứng bên cậu y tá, mỉm cười góp chuyện:

- Nhờ chỉnh quân đấy đồng chí ạ. Bộ đội giác ngộ giai cấp cao hơn. Chiến sĩ quyết tâm “đi tốt” để được ra mặt trận giết giặc. Anh nuôi quyết tâm phục vụ bộ đội “ăn tốt”. Cán bộ thương yêu săn sóc đến sức khỏe của chiến sĩ nhiều hơn…

Tôi hỏi anh cán bộ:

- Đồng chí là chính trị viên?

Đồng chí đó cười:

- Vâng.

Đồng chí chính trị viên đó đã nhận xét rất xác đáng. Nhiều mặt khác của công tác quân y cũng được đẩy lên một bước khá xa, chính là nhờ có chỉnh quân chính trị mở đường.

Tôi lại hỏi đồng chí cán bộ:

- Quân số của đồng chí thế nào? Có giữ vững không?

- Suốt hai mươi ngày hành quân chúng tôi chỉ có một chiến sĩ phải đi trạm thu dung trung đoàn, nhưng bây
giờ lại về đại đội rồi! Nói chung, anh em còn sung sức, có thể chiến đấu ngay được.

Thế nghĩa là đại đội này đã bảo đảm một trăm phần trăm quân số. Nhưng đó không phải là thành tích riêng của đại đội này. Hầu hết các trung đoàn, đại đoàn đều giành được thắng lợi tương tự. Chúng tôi có thể vui vẻ báo cáo điều đó với đồng chí Tổng tư lệnh để đồng chí tính toán ngày giờ nổ súng…

Một bước tiến về tính cơ động

Cuối tháng 1 năm 1954, các đơn vị tập trung đông đủ chung quanh Điện biên phủ, chuẩn bị tấn công theo phương châm “đánh nhanh giải quyết nhanh”. Đội điều trị cuối cùng của chúng tôi đã tới mặt trận.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #132 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 10:13:57 pm »

Đội này đã hành quân từ trung tâm Việt Bắc về với một tốc độ khá nhanh. Anh chị em đi hai mươi ngày, chỉ nghỉ một ngày, vượt một chặng đường trên 600 cây số, mang trên vai đầy đủ bàn mổ, dụng cụ, thuốc men. Qua Cò Nòi, họ đã phải đạp lên bom nổ chậm mà đi. Đến mặt trận, không kịp nghỉ, tất cả bắt tay ngay vào việc chuẩn bị, và chỉ một đêm đã xây dựng xong một bệnh viện dã chiến đủ sức thu dung 200 thương binh.
Đó là một bước tiến lớn so với các chiến dịch trước. Ở hậu phương, anh chị em đã được tập dượt nhằm nâng cao tính cơ động của đội. Trong nhiều ngày ròng rã, họ đã tập mang nặng, đi xa, tập dựng trạm nhanh và rút trạm nhanh. Công phu rèn luyện quả không phải là vô ích. Nhưng đạt được bước tiến đó trước nhất là nhờ cuộc chỉnh quân chính trị. Chính vì giác ngộ giai cấp được nâng cao, anh chị em trong đội đều một lòng một dạ phục vụ chiến sĩ nên đã quyết tâm tiến nhanh ra mặt trận trước ngày nổ súng.

Được tin anh chị em ra tới nơi, tôi mừng rỡ viết thư khen ngợi và giao nhiệm vụ mới cho họ. Sau đó tôi đi kiểm tra các đội điều trị ở phía tây.

Chiều hôm ấy, tôi vừa ở ban quân y của một đại đoàn ra thì gặp máy bay địch. Chúng bắn liên thanh và ném
bom lửa. Chất nhựa cháy rơi lộp bộp trên lưng tấm áo đi mưa của tôi. Tôi giật áo vứt đi, thấy nó bén lửa lem lém. Chẳng hề gì, chỉ tiếc cái áo mưa còn mới quá!

Đi sâu xuống phía tây nam, tôi gặp đội điều trị 2. Đội này cũng cơ động rất khá. Anh chị em đi vòng chung quanh Điện biên phủ (đi từ đông sang tây, vòng qua phía nam Hồng cúm) đuổi theo một trung đoàn bộ binh.
Gặp một số bộ đội và dân công bị đạn máy bay, anh chị em đã nhanh chóng đặt bàn mổ để cấp cứu.
Giữa lúc họ đang làm việc thì bộ đội được lệnh rút ra. Họ tiếp tục công việc và rút sau bộ đội. Lúc này đại bác và máy bay địch oanh tạc dữ dội dọc đường kéo pháo. Có thêm một số dân công và bộ đội bị thương.
Đội điều trị 2 vừa rút vừa cứu chữa thương binh. Khi bom đạn nổ, họ núp dưới hầm hố, hễ dứt tiếng súng họ lại đi đón thương binh về băng bó…

Nhỏ một giọt máu để giữ lấy mười giọt máu

Sau khi kéo pháo ra, trong các đơn vị của chúng tôi, không khí phấn khởi ban đầu tạm thời lắng xuống. Một số không ít anh chị em lo ngại, dao động. Theo chỉ thị của Đảng ủy mặt trận, các chi bộ Đảng tiến hành một cuộc đấu tranh nhằm đẩy lùi tư tưởng bi quan và thấm nhuần phương châm tác chiến mới “đánh chắc tiến chắc”. Sau đó chúng tôi làm những công việc thiết thực để chuẩn bị tác chiến.
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Chín, 2010, 12:45:14 am gửi bởi TuongLinh » Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #133 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2010, 12:46:07 am »

Về ban quân y tiền phương ít ngày, tôi lại xuống đội điều trị 1. Tôi muốn nghiên cứu việc đưa các đội điều trị ra hỏa tuyến. Ai cũng biết rằng muốn giảm bớt sự đau đớn, mất mát của thương binh, phải làm thế nào để vết thương của anh em được cứu chữa càng nhanh càng tốt. Bộ đội ta thiếu những phương tiện tải thương hiện đại. Việc vận chuyển thương binh chỉ trông vào sức người và chiếc cáng thô sơ. Phải đem tinh thần cách mạng bù đắp vào sự thiếu thốn đó. Nghĩa là người thầy thuốc phải bám sát bộ đội chiến đấu. Phải đưa phòng mổ ra gần hỏa tuyến.

Đây là một cuộc đấu tranh gay gắt đặt ra trong quân y chúng tôi từ mấy năm nay. Trước đây, nhiều người cho rằng vòng lửa đạn, chết chóc không phải là nơi để người thầy thuốc làm công việc cứu sống con người. Tệ hơn nữa, có người còn biện bạch rằng đưa người thầy thuốc ra hỏa tuyến là phạm vào công ước Giơ-ne-vơ (!). Thật ra, đó chỉ là một sự trốn tránh trước nguy hiểm, một sự lạnh nhạt, thờ ơ đối với máu xương chiến sĩ. Gần đây, các đội điều trị của chúng tôi đã tiến bộ nhiều! Việc cơ động linh hoạt theo bộ đội chẳng là một biểu hiện tốt đẹp về tinh thần phục vụ đó sao? Tuy vậy, chưa ai hình dung nổi việc đưa phòng mổ ra hỏa tuyến.

Phải đưa vấn đề ra thảo luận trong chi bộ, rồi trong toàn đội. Tư tưởng sợ khó, ngại máy bay, đại bác được đánh lùi từng bước. Cuối cùng, anh chị em xây dựng được quyết tâm tiến ra hỏa tuyến. Có đồng chí phát biểu:

- Có chiến đấu thì phải có thương vong, điều đó không thể tránh khỏi. Nhưng có phải hễ ra hỏa tuyến là chết cả đâu? Ngay các đồng chí chiến sĩ vác bộc phá lao vào lô cốt giặc, nguy hiểm biết bao nhiêu, thế mà có phải là hy sinh tất cả đâu? Chúng ta ra hỏa tuyến, có hy sinh một người thì cũng phải cứu được mười đồng chí thương binh khỏi tử vong. Ta nhỏ một giọt máu để giữ lấy mười giọt máu, chẳng có lợi hay sao?
Chúng tôi phác ra kế hoạch xây dựng phòng mổ trong lòng đất. Anh chị em bắt tay vào thực tập. Đào một lần không được thì đào thêm lần nữa! Đào moi vào ruột núi, đất sụt xuống thì dùng gỗ chống. Xong lại xoay ra đào hầm lộ thiên, rồi lát cây, đắp đất lên làm nắp. Làm xong phòng mổ, lại đào những đường hào tỏa khắp chung quanh, rồi làm thêm các hầm kho thuốc, hầm thay băng và hàng trăm hầm nhỏ cho thương binh ở. Một bệnh viện trong lòng đất đã hình thành.

Các đội điều trị trên toàn mặt trận được mời về tham quan, rút kinh nghiệm.

Sang đầu tháng 3, tất cả các đội điều trị trên tuyến 1 đã xây dựng xong các bệnh viện ngầm. Mỗi nơi có ít nhất một phòng mổ với hai bàn. Có nơi còn xây dựng thêm một phòng mổ thứ hai, để phòng khi bị bom đạn địch phá hủy.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #134 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2010, 12:47:30 am »

Các đội điều trị trực thuộc ban quân y mặt trận được sắp xếp thành nhiều tuyến; có nhiều đội bố trí trong tầm đại bác địch. Các đội điều trị đại đoàn càng tiến gần bộ đội hơn. Từ đó, có những đường hào trục dẫn đến các trung đoàn. Các đội quân y trung đoàn cũng trở thành những “bệnh viện trong lòng đất” với quy mô nhỏ hơn.

Thật không thể lường hết bao nhiêu công sức, bao nhiêu mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ và dân công đã đổ vào các công trình to lớn ấy!

Cùng thời gian đó, các đội tải thương lo việc chuẩn bị hàng nghìn cáng, võng. Còn các tổ quân y ở tiểu đoàn, đại đội thì lo tập dượt cho chiến sĩ vệ sinh biết cách cứu chữa đồng đội bị thương. Các chiến binh cũng được cấp băng cá nhân và học cách sử dụng.

Tất cả đều được sắp xếp để mỗi chiến sĩ khi bị đạn lập tức được băng bó trong vài phút. Trong vòng nửa giờ anh sẽ được y tá săn sóc. Trong vòng ba, bốn giờ anh sẽ được đưa vào phòng mổ của trung đoàn và khoảng bốn giờ sau nữa sẽ về tới đội điều trị có trình độ kỹ thuật cao hơn.

Ngày 13 tháng 3, quân ta nổ súng tiêu diệt Him lam.

Bộ máy phức tạp của quân y mặt trận bắt đầu hoạt động. Nhưng không phải chỉ có sự tinh vi của bộ máy đó đã phát huy tác dụng. Điều chủ yếu là bộ máy ấy đã chạy bằng nhịp đập của hàng ngàn trái tim. Chính tinh thần anh dũng, tận tụy của các đồng chí quân y đã cứu sống nhiều chiến sĩ.

Ngay trong trận Him lam, y tá Lương Văn Vọng đã nêu một tấm gương sáng ngời. Vọng đã thực hiện cái lý tưởng cao quý “quên mình vì đồng đội”, đã quyết “nhỏ máu mình để giữ lấy máu đồng đội”.

Tôi gặp Vọng trong hội nghị tổng kết công tác quân y đợt một. Hôm đó vết thương anh mới lành, người anh chưa khỏe hẳn. Anh được mời về kể lại công việc của mình trong trận Him lam.

Vọng còn rất trẻ. Anh là người Tày Cao Bằng và là một chiến binh mới được đào tạo thành y tá.

Trong suốt trận đánh quyết liệt, Vọng đã xông xáo trong làn mưa đạn đại bác và liên thanh, lao đến bất cứ nơi nào có thương binh. Bị thương lần thứ nhất, anh tiếp tục làm nhiệm vụ. Bị thương lần thứ hai vào bụng, anh không chịu buộc vết thương của chính mình vì muốn để dành mấy cuốn băng cuối cùng cho chiến sĩ.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #135 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2010, 12:48:12 am »

Lúc không còn cuốn băng nào nữa, anh nhảy vào hầm địch tìm lấy bông băng. Khi cần thiết, anh đã cầm lấy tiểu liên và thủ pháo, tiến công tiêu diệt một ụ súng máy của địch để bảo vệ mấy đồng chí thương binh nằm ngay trước họng súng địch. Anh đã nhảy sổ vào hầm giặc, dùng báng súng đập chết tươi một tên lính Âu để cứu một chiến sĩ bị thương rơi vào trong đó.

Trong trận Him lam, Vọng đã băng bó cho hàng chục thương binh, đã diệt một ụ súng, giết một tên giặc và bắn sống ba tên khác. Anh đã làm đầy đủ nhiệm vụ của một người quân y và một chiến sĩ.

Ba “không” hay là lòng thương yêu không bờ bến đối với thương binh

Bước sang đợt 2, cuộc chiến đấu diễn ra ngày càng ác liệt. Số thương binh về các đội điều trị tăng lên dần. Giặc lại cho máy bay và đại bác bắn phá điên cuồng các tuyến sau. Các cơ sở điều trị và các đường tải thương bị đe dọa. Việc tiếp tế ở hậu phương lên gặp nhiều khó khăn. Trong tình hình đó, chúng ta vẫn phải cố gắng phục vụ thương binh ở mức tốt nhất.

Đồng chí chủ nhiệm ban cung cấp mặt trận giống như một bà mẹ vừa hiền hậu vừa nghiêm khắc. Đồng chí căn dặn cán bộ quân y chúng tôi:

- Khó khăn đến đâu cũng mặc, quân ta nhất định tiêu diệt quân địch ở Điện biên phủ. Các đồng chí cũng phải có quyết tâm đó. Bất kỳ khó khăn đến thế nào, các đồng chí cũng phải bảo đảm ba yêu cầu thấp nhất:

Không để thương binh đau

Không để thương binh đói

Không để thương binh rét

Trong hoàn cảnh chiến dịch, thực hiện ba yêu cầu đó là cả một cuộc chiến đấu quyết liệt. Đi đến đâu tôi cũng nhắc nhở cán bộ về ba điều “không” ấy. Dần dần ba “không” trở thành khẩu hiệu phấn đấu của tất cả anh chị em nhân viên và dân công ở các đơn vị quân y.

Đến thăm các đội điều trị, tôi thấy anh chị em đã cố gắng vượt bậc, đã chăm sóc thương binh như người ruột thịt của mình.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #136 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2010, 12:49:05 am »

Phải nói rằng, trải qua những năm kháng chiến, chúng ta đã đào tạo được những người thầy thuốc thật đáng quý. Anh chị em là những y tá bộ đội trưởng thành lên, những học viên trường quân y, những sinh viên chưa hoặc mới tốt nghiệp trường Đại học y khoa ở chiến khu Việt Bắc. Họ học ở trường chẳng được bao ngày. Họ mang theo mỗi người vài tập sách chuyên môn đi theo bộ đội, vừa làm vừa học. Trong tác chiến, có khi họ vừa cứu chữ thương binh, vừa phải tra cứu sách vở. Lúc nghỉ ngơi, họ mượn con lợn sắp thịt của anh nuôi để tập cắt xương, mổ bụng, nối ruột… cho thành thạo. Có thể họ còn thiếu vốn kỹ thuật nhưng họ rất giàu tinh thần cách mạng và lòng yêu thương bộ đội. Họ đã được tôi luyện trong khói lửa kháng chiến.
Họ sẵn sàng làm tất cả để giảm bớt đau đớn của thương binh. Tôi đã thấy họ làm việc nhiều đêm trắng, làm việc hàng chục giờ liền không nghỉ. Bom đạn nổ ầm ầm chung quanh phòng mổ, họ không run tay, vẫn cầm chắc lưỡi dao hay mũi kim khâu.

Bên cạnh những thầy thuốc đó là một đội ngũ y tá giàu lòng hy sinh. Họ từ bộ đội chiến đấu về hoặc từ các làng mạc tới. Họ được học chuyên môn trong những lớp ngắn ngày hoặc chỉ học trong công việc. Họ chăm sóc thương binh không phải chỉ trong những việc thay băng, tiêm thuốc, cho ăn uống… Chính họ làm lán cho thương binh ở, tìm cỏ khổ, trải ổ cho thương binh nằm được ấm. Khi cần thiết, họ có thể nhường cho thương binh chăn áo của mình, và nhường luôn cả hầm hố tránh bom, rồi lấy thân mình thay thế nắp hầm.

Không thể không nói đến những người không phải là thầy thuốc nhưng đã đóng góp một phần quan trọng vào việc điều trị thương binh. Đó là những cán bộ, chiến sĩ và dân công lo việc ăn uống cho thương binh.
Ở ban quân y mặt trận của chúng tôi có năm cán bộ tiếp phẩm rất giỏi, được anh em tặng cái tên “ngũ hổ”.
Năm đồng chí đó chia nhau xông xáo khắp nơi, người thì leo lên các đỉnh núi Mèo, người thì gò lưng đạp xe xuống tận Sơn La, Phú Thọ hay Thanh Hóa. Họ đem về chia cho các đội điều trị đủ thứ từ sữa hộp, đường kính, tôm khô… cho đến lợn, gà, trứng tươi, rau xanh, nấm hương, mộc nhĩ…

Họ vác cả những bộ cối đá lên để xay đỗ làm đậu phụ. Rồi họ lĩnh ở ban quân nhu mặt trận về một số hạt rau giống. Nhân viên các đội điều trị đã gieo các hạt rau đó trên những mảnh đất đã bị đạn đại bác cày lên hoặc bị bom napan đốt cháy. Trong mưa xuân, những mầm rau xanh nhú dần lên…

Trên mảnh đất xa xôi, đã bị bom đạn làm cho xơ xác, có được những thứ thực phẩm đó thật là một sự kỳ diệu!
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #137 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2010, 12:50:14 am »

Bàn tay của các anh nuôi, chị nuôi lại biến các thứ đó thành những món ăn thích hợp. Các đồng chí thương binh của chúng ta không những không phải đói mà còn được ăn bổ và ngon nữa.

Tôi còn nhớ cái ngày hai bác sĩ Tôn Thất Tùng và Vũ Đình Tụng ở hậu phương lên săn sóc những thương binh nặng. Chúng tôi đã thết hai vị khách đó một bữa ăn tươm tất.

Hai bác sĩ đã phải ngạc nhiên thốt lên:

- Giỏi quá! Ở mặt trận mà các anh cho ăn ngon hơn ở hậu phương. Thế anh em thương binh có được ăn như thế này không?

Đồng chí chính trị viên đội điều trị đã vui vẻ đáp:

- Các đồng chí thương binh nặng còn ăn tốt hơn thế nữa. Anh em có cả rượu “rom” chiến lợi phẩm nữa kia…

Vai trò của các đồng chí chính trị viên trong các đội điều trị thật vô cùng quan trọng. Là “linh hồn của đơn vị”, các đồng chí đó giúp đỡ anh chị em quân y và dân công thấm nhuần mọi chủ trương, chính sách của Đảng nhất là ý chí quyết chiến quyết thắng và tấm lòng thương yêu thắm thiết đối với thương binh. Chính nhờ các đồng chí đó mà trong muôn vàn khó khăn, mọi công việc vẫn chạy đều. Đặc biệt vấn đề nuôi dưỡng thương binh, một phần lớn phải trông vào sự tận tụy và sự thu xếp tài tình của những người cán bộ vững vàng ấy.

Không gì êm ái bằng tấm lòng của nhân dân

Các chiến dịch trước, thương binh được xử trí bước đầu xong đều chuyển cả về các bệnh viện hậu phương.
Ở Điện biên phủ không thể làm như thế được.

Những thương binh nhẹ, có thể chữa lành trong một thời gian ngắn, rồi trả về mặt trận. Còn thương binh nặng cần đưa về hậu phương để anh em được hưởng những điều kiện thuận lợi hơn.

Đưa hàng trăm và hàng trăm thương binh nặng vượt qua 500 cây số đường núi, dưới sự đe dọa của máy bay địch, quả là một khó khăn tưởng như không thể khắc phục nổi.

Về phương tiện chuyên chở, chúng ta không có lấy một chiếc xe hồng thập tự.

Chúng tôi lợi dụng những xe vận tải chạy về hậu phương lĩnh lương thực, đạn dược để vận chuyển thương binh. Các chiến sĩ lái xe lấy rơm rạ trải lên sàn xe thay đệm, để thương binh nằm được êm. Họ cho xe chạy chậm và thận trọng tránh rừng cái ổ gà, để xe đỡ xóc, giảm bớt đau đớn cho thương binh. Những anh em phụ lái xe thì làm thay công việc của những người y tá, tận tình chăm nom, nâng giấc thương binh.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #138 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2010, 12:51:21 am »

Tuy vậy, chỉ một số thương binh không nặng lắm là có thể đi xe. Còn lại số đông phải đi cáng, phải trông cậy vào tinh thần dũng cảm phi thường và lòng thương yêu không bờ bến của các anh các chị dân công.
Trong những đoàn tải thương đó, các đồng chí cán bộ chính trị và cán bộ quân y đi hộ tống đã có sáng kiến nêu ra khẩu hiệu “mỗi cáng thương là một gia đình”. Đó không phải là một khẩu hiệu suông đâu! Nó đã trở thành một sự thật, một hình ảnh đẹp đẽ và xúc động lòng người!

Mỗi cáng thương phải có từ bốn đến sáu người dân công thay nhau khiêng vác. Những anh chị em đó quây quần lại chung quanh người thương binh và dành cho anh tất cả những chăm sóc dịu dàng nhất. Họ được cán bộ quân y căn dặn tỉ mỉ về tình trạng sức khỏe của thương binh, chỗ đau của anh, cách ăn uống của anh và tất cả những chăm sóc cần thiết cho anh. Họ nhận cả phần gạo, thức ăn, đường, sữa… cho thương binh.

Dọc đường dài, anh cán bộ quân y dù trăm tay trăm mắt cũng không đủ sức chăm sóc hàng trăm thương binh một lúc. Chính những người dân công đã thay thế anh ta một cách khéo léo. Họ làm cho thương binh món ăn ưa thích, rồi lựa lời động viên anh ăn từng miếng. Gặp bom đạn, họ lo tránh cho anh trước khi nghĩ đến mình. Họ bước đều chân và gượng nhẹ mỗi lần đổi vai hay đặt cáng để thương binh khỏi đau. Họ lại biết tìm những lời an ủi thương binh nữa...

Tôi nhớ mãi một đêm mưa lâm râm trên đèo Vả. Đoàn tải thương vượt đèo. Những người dân công chân đất bấm ngón chân xuống mặt đường trơn nhẫy. Họ bước chập chững. Hình như mỗi cơn gió thổi họ lại run lên vì rét. Những tấm vải nhựa của họ, họ đã đem lợp trên đòn cáng để che mưa che gió cho thương binh.

Trong đoàn có nhiều chị em phụ nữ. Gian khổ như vậy mà các chị vẫn hò hát được. Một chị hò:

Thương anh, em ủ áo bông

Áo em nhuộm thắm máu hồng thương binh.

Đồng chí y tá đi hộ tống kể lại với tôi câu chuyện cảm động về câu ca dao đó.

Một chị dân công, người vùng tạm chiếm Vĩnh Phúc, khi đi tải thương đã cởi áo bông của mình để ủ cho thương binh khỏi rét. Máu từ vết thương rỉ ra thấm đầy áo bông. Về đến hậu phương, anh cán bộ hộ tống đưa cho chị một số tiền để may chiếc áo bông mới. Nói sao chị cũng không chịu nhận. Chị nói:

- Máu các anh bộ đội chảy ra vì dân vì nước, có thấm vào áo em thì em mang về, em giữ mãi để luôn luôn nhớ tới các anh.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #139 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2010, 12:52:42 am »

Có lẽ câu ca dao trên chưa nói hết cái đẹp của chị dân công, nhưng nó đã được truyền đi khắp các đoàn tải thương mặt trận.

Những cái cáng thương của chúng ta thật thô sơ mà êm ái biết bao! Có phương tiện tải thương hiện đại nào so sánh được với nó về mặt ấy?

Tuy vậy, không phải công tác tải thương chỉ có một chiều thuận lợi. Dân công của ta rất tốt, nhưng chúng ta lại bắt buộc phải đòi hỏi ở anh chị em quá nhiều, nên đôi khi xảy ra những vấp váp.

Một hôm, đến trạm 59, tôi gặp một chuyện rắc rối. Một bên là một đoàn dân công, một bên là mấy cán bộ, đang lời qua tiếng lại. Mấy đồng chí cán bộ thì nói như van, còn những người dân công thì làm ầm ĩ. Một anh mặt đỏ như gấc, nói oang oang:

- Có bắn chúng tôi thì bắn, chúng tôi nhất định không mang gì cả. Các anh đánh lừa chúng tôi. Địa phương bảo chúng tôi đi ba tháng. Các anh động viên chúng tôi ở lại thêm một tháng, rồi lại thêm một tháng nữa.
Bây giờ, ngót nửa năm rồi, chúng tôi mới được về, các anh lại còn bắt tải thương binh…

Công việc tải thương gay go lắm. Vì thế ban quân y mặt trận phải cử anh Thuyết, phó cục trưởng, chuyên trách công tác đó. Chúng tôi thường gọi đùa anh là “tư lệnh tải thương”. Hôm đó “tư lệnh” mắc việc chạy sang trạm khác; câu chuyện rắc rối ở nhà, mấy anh em cán bộ quây cả vào dàn xếp mà chưa ổn thỏa.

Tôi nghe ngóng tình hình một lúc, thấy quá căng, liền ra mời mấy anh dân công “hăng” nhất vào nói chuyện.
Thấy vậy họ bình tĩnh lại. Tôi mời họ đến chỗ thương binh nằm rồi nói:

- Đấy, các anh xem, anh em chiến sĩ bị thương về còn nằm đó. Vì thế nên chúng tôi mới phải phiền đến các anh. Chúng tôi cũng biết đòi hỏi các anh quá nhiều như thế là không phải. Nhưng chẳng còn cách nào khác nữa. Không thể đợi những đoàn dân công khác ở hậu phương lên được. Chẳng lẽ bỏ mặc anh em thương binh nằm đó hay sao? Anh em là bà con của nông dân ta, đi chiến đấu vì Tổ quốc và vì ruộng đất của nông dân ta nữa đấy! Chúng tôi cũng chẳng nói dài nữa, chỉ yêu cầu các anh nghĩ hộ xem, rồi các anh khiêng giúp hay bỏ mặc anh em nằm đây thì tùy ý…
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM