Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:13:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ  (Đọc 97963 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #120 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 12:11:46 am »

Mặt Hảo đỏ bừng lên:

- Báo cáo, tôi vừa mới được bổ sung về hai hôm nay.

Sau này đồng chí trung đội trưởng cho biết Hảo là tân binh mới ra trận địa. Cậu ta sợ đại bác, mỗi lần địch bắn là cứ chúi đầu xuống nên đã ba bốn lần đi bắn tỉa mà không chết một tên giặc nào.

Tôi ra đài quan sát. Ở đây nhìn sang đồi A1 rõ mồn một. Đồi A1 nham nhở, đất đá bị cày lên lổn nhổn, đỏ loét. Lên tới đây mới thấy rõ tính chất dữ dội, quyết liệt của những trận đánh vừa qua. Nhác trông thấy ba bốn tên địch đang lúi húi xúc đất lắp công sự. Tôi quay lại thấy tân binh Hảo đang đứng bên cạnh hầm, tôi liền gọi Hảo tới, bảo:

- Đồng chí có nhìn thấy mấy tên địch ở đồi A1 không?

- Có ạ, chúng đang đắp công sự.

- Thế thì còn đợi gì mà không bắn đi.

Hảo chĩa súng bắn liền hai phát. Bọn địch nhảy tụt xuống hào. Mặt Hảo lại đỏ bừng lên. Tôi liền động viên:

- Lần sau bình tĩnh mà ngắm thì trúng đấy.

Tôi vừa dứt lời bỗng đồng chí trung đội trưởng gọi giật giọng:

- Báo cáo anh! Cúi thấp đầu xuống, địch bắn đại bác đấy.

Tôi vừa kịp thụp đầu xuống, đại bác địch đã nổ dồn dập trước lỗ châu mai. Nhiều mạnh đạn văng cả vào trong hầm. Một đồng chí quân báo đứng bên cạnh tôi chưa kịp cúi xuống bị một mảnh đại bác văng vào mặt, bị thương nhẹ.

Buổi sáng hôm đó, tôi đứng liền ở hầm quan sát để nghiên cứu trận địa. Bỗng tôi nảy ra một ý định. Mấy hôm vừa qua, bộ đội vẫn đào giao thông hào vào A1 theo kiểu đào dũi để chuẩn bị cho trận chiến đấu sắp tới. Nhưng vì ở phía đó địa thế thấp, địch ở trên cao suốt ngày ném lựu đạn xuống, nên con số thương vong ngày một nhiều mà kết qua đào lại rất chậm. Không thể để bộ đội trong tình huống này tiếp tục đào dũi nữa. Nhưng phải có biện pháp khác bớt thương vong cho chiến sĩ thì quý báu biết chừng nào. Trách nhiệm đó thuộc về cán bộ chỉ huy chúng tôi. Phải suy nghĩ chín chắn, đắn đo lợi hại mà quyết định một kế hoạch mới. Bất giác tôi nhớ tới những trận chiến đấu của Giải phóng quân Trung-quốc hồi đánh bọn Tưởng Giới Thạch. Trong trận đánh thành phố Thái - nguyên, các đồng chí Giải phóng quân đã đào đường hầm để đưa một quan tài bộc phá vào phá hầm cố thủ của địch, giành thắng lợi lớn trong trận chiến đấu đó… Vậy ta có thể áp dụng kinh nghiệm đó được không? Ý nghĩ đó cứ ám ảnh tôi mãi. Đào một đường hầm xuyên qua lòng quả đồi tới tận dưới đáy lô-cốt mẹ, đặt một quả bộc phá thật lớn để tiêu diệt lô-cốt đó. Được không? Tôi suy tính khoảng cách giữa địch và ta, thời gian đào, dụng cụ và sức lực của bộ đội ta, nhưng vẫn chưa quyết tâm lắm. Hãy bàn với anh Chu huy Mân xem sao?
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #121 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 12:13:06 am »

Buổi trưa tôi ăn cơm cùng với anh em chiến sĩ ở đường hầm. Mọi ngày anh em vẫn ăn cơm nắm với muối rang. Nhưng mấy ngày qua, bọn địch thả dù lạc sang bản địa ta ngày một nhiều, nên anh em đã có đồ hộp ăn. Tôi hỏi tân binh Hảo:

- Các đồng chí ăn đã chán đồ hộp chưa?

- Báo cáo chỉ thèm bữa rau xanh. Quê tôi dạo này vẫn còn nhiều su hào lắm ạ.

- Quê đồng chí ở đâu?

- Bắc-ninh.

- Đồng chí đã tham gia trận chiến đấu nào chưa?

- Chưa ạ. Nhưng có một lần tôi tham gia đào hầm chiến đấu với du kích thôi ạ.

- Đào có giống ở đây không?

- Báo cáo, cũng có cái giống nhưng cũng có cái khác.

- Khác như thế nào?

Hảo linh hoạt hẳn lên, đáp:

- Báo cáo, có lần du kích xã tôi bao vây một đồn giặc suốt hai tháng liền, Gọi hàng, chúng ngoan cố, không ra. Mà đánh thì lực lượng du kích còn yếu. Anh em du kích bàn luận mãi, sau đào hầm xuyên cánh đồng, luồn qua hàng rào dây thép, đặt mìn giật đổ lô-côt giặc…

Một chiến sĩ ngồi bên nhổm lên, cắt ngang lời Hảo:

- Cũng đánh lấn chứ gì?

Hảo cười:

- Lúc đó chả gọi là đánh lấn gì đâu, mà chúng tôi gọi với nhau là đánh độn thổ. Đánh kiểu ấy giặc sợ lắm, ra
hàng sạch.

Các chiến sĩ đều gật gù có vẻ thú vị với câu chuyện của Hảo. Riêng tôi, qua câu chuyện đào hầm độn thổ của đồng chí Hảo, tôi càng suy nghĩ về ý định đào đường hầm đặt bộc phá tiêu diệt bọn địch ở đồi A1.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #122 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 12:14:24 am »

*
*   *

Cân nhắc, đắn đo thật kỹ lưỡng, một buổi trưa tôi đem ý định đó bàn với anh Mân. Anh Mân đang nằm nhổ râu, liền ngồi bật dậy, nhìn chừng chừng vào tôi, tay phải vẫn cầm chiếc díp. Những lúc suy nghĩ lao lung, anh thường vẫn có động tác như thế. Sau khi trao đổi bàn bạc, anh gật gù:

- Được đấy, ta cứ đề nghị lên Bộ đi.

Ngay buổi chiều hôm ấy, tôi báo cáo kế hoạch đào hầm lên anh Văn bằng điện thoại. Anh bảo:

- Ý định của đồng chí là muốn đánh bật tung cả cái lô-cốt mẹ ấy đi à?

- Vâng

- Được, Bộ sẽ nghiên cứu, trả lời sau.

Sáng hôm sau, tôi vừa ngủ dậy thì chuông điện thoại đã réo.

Tôi cầm ống nghe. Tiếng anh Văn rành rọt:

- Bộ đã nghiên cứu kế hoạch của đồng chí rồi. Bộ đồng ý. Đại đoàn cứ tiến hành, nếu cần sẽ điều thêm
công binh của Bộ xuống giúp nữa.

*

*   *

Công việc chuẩn bị đào hầm được tiến hành gấp rút. Đồng chí Nguyễn hữu An được trao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy đào hầm. Đồng chí báo cáo về công tác chuẩn bị đào hầm. Lực lượng đào hầm gồm có một tiểu đội công trình của đại đoàn và hơn một chục cán bộ, chiến sĩ công binh của Bộ cử xuống phối hợp. Ngoài ra còn có một trung đội bộ binh của đại đoàn phòng ngự trên nửa quả đồi A1 cũng có nhiệm vụ phối hợp đào một mũi diện nữa.

Ngày 20 tháng 4 năm 1954, tôi ra lệnh bắt đầu mở cửa hầm. Tôi ngồi trong chỉ huy sở, luôn theo dõi từng giờ từng phút. Tâm trạng của tôi lúc đó bồn chồn, hồi hộp chẳng khác hôm theo dõi mở đột phá khẩu trong trận tấn công lần trước. Anh Mân ngồi bên cạnh tôi, thỉnh thoảng lại hỏi: “Thế nào rồi?”. Tôi lắc đầu: “Vẫn chưa mở được”.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #123 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 12:15:30 am »

Nửa giờ sau tin tức từ trận địa báo về: địch bắn đại bác rất dữ, đã có một số chiến sĩ bị thương vong. Tuy vậy anh em vẫn dũng cảm thay nhau tiến lên mở cửa hầm. Nhát cuốc đầu tiên đã bắt đầu.

Mãi đến 22 giờ, ở mặt điểm, cửa hầm mới khoét được vào bằng cái nón. Ở mặt diện thì gặp thuận lợi hơn, đã khoét lọt được một người. Nhưng từ đó đến sáng bọn địch bắn dữ dội hơn, anh em không đào thêm được thước đất nào nữa.

Sáng ngày thứ hai, phía mặt diện đã đào sâu được vài thước. Phía mặt điểm cũng đào được tới 80 phân, nhưng con số thương vong tăng hơn đêm trước.

Đêm thứ ba, đường hầm đã đào ngày một sâu, nhưng lại gặp phải khó khăn mới. Càng đào vào sâu thì càng thiếu ánh sáng và khó thở. Nhiều chiến sĩ bị ngất về thiếu không khí. Anh em đã phải luân phiên thay nhau đào, mỗi tổ đào chừng 20 phút, nửa giờ lại phải thay tổ khác. Phía mặt diện, đào ban ngày tuy có thuận lợi hơn, nhưng năng suất chậm lại cũng vì thiếu không khí. Ngày hôm sau, nhiều sáng kiến của chiến sĩ đề ra để khắc phục khó khăn đó: tập nín thở, đan quạt nan thay nhau quạt không khí vào hầm… Những biện pháp đó tuy không hoàn hảo, nhưng cũng thêm một ít không khí trong hầm, làm anh em dễ chịu một phần.

Chiều tối hôm đó, tôi định rủ mấy đồng chí cần vụ đánh vài ván tu-lơ-khơ cho đỡ mệt óc thì chuông điện thoại lại réo. Tồi cầm ống nghe. Đồng chí An báo cáo: Anh em công binh đào vào sâu hơn, nhưng đường hầm càng tối và vào sâu quá, từ thạch ở địa bàn không hút được, nên có hiện tượng đào chệch hướng. Tôi ngẫm nghĩ một lúc, nghĩ ra một cách điều chỉnh phương hướng mà trước khi tôi đã từng thấy các chiến sĩ tập đêm vẫn làm, tôi liền bảo An:

- Địa bàn không dùng được nữa thì đồng chí cho lấy hương thắp cắm ở ngoài cửa hầm để anh em làm đích đào cho thẳng. Ở trong hầm nhìn ra thấy hương thắp là thẳng hướng đấy. Nhớ cẩn thận kẻo lộ, địch phát hiện được thì bằng “lạy ông tôi ở bụi này” đấy.

- Còn vấn đề ánh sáng nữa?

- Đại đoàn đã tập trung pin đưa xuống cho anh em rồi cơ mà.

- Vâng, nhưng ánh đèn pin nhỏ lại bị lóa rất khó đào.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #124 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 12:16:25 am »

Ở trận địa đường hầm lúc bấy giờ có pin đã là biện pháp tốt nhất rồi, biết làm thế nào được nữa. Tôi dặn An là đại đoàn sẽ nghiên cứu sau, nhưng trong bụng thì nghĩ chẳng còn cách nào khắc phục được nữa.
Đặt ống nghe xuống máy, tôi chợt nhìn chiếc đèn sô-lếch để trong hầm chỉ huy sở. Ánh đèn sáng trong cả gian hầm. Tôi nghĩ bụng: “Thế là vẫn có biện pháp khắc phục đấy chứ. Ngày mai đưa chiếc đèn này xuống cho anh em đào hầm”.

Đèn sô-lếch đưa xuống quả đỡ khó khăn cho anh em nhiều.

Ngày thứ sáu, địch cho một tổ ra chiếm đầu hào giáp trận địa của ta, cách đường hầm mặt điện chừng 50 thước. Chúng đặt súng trung liên, thỉnh thoảng bắn một tràng về phía cửa hầm như thăm dò. Tôi nhắc đồng chí An phải theo dõi bọn địch đó và hết sức đề phòng chúng ùa ra, cản trở tới công việc đào hầm.
Cả buổi chiểu hôm đó, để giữ bí mật, ở phía mặt diện, anh em không chuyển đất đổ ra cửa hầm nữa. Đến tối, địch bò ra ném lựu đạn về phía cửa hầm làm hai chiến sĩ của ta bị thương. Cả ngày thứ bảy, địch vẫn nhập nhằng như vậy, khiến việc đào hầm của chúng tôi chậm hẳn lại. Tối hôm đó, đồng chí An đề nghị cho một tổ xung kích tập kích tiêu diệt toán địch này. Tôi chuẩn y.
Mười hai giờ đêm, tổ xung kích phá hủy hoàn toàn ụ súng trung liên của địch và giết chết 10 tên.

*
*   *

Bọn địch không dám thò ra khỏi vị trị của chúng nữa. Công việc đào hầm của chúng tôi lại tiến hành gấp rút. Năng suất đào ngày một nâng cao: mỗi ngày tám, chín mươi phân, một thước và cứ thế nâng lên mãi. Anh em đã đào dưới trận địa địch, nghe rõ tiếng động trong các giao thông hào của chúng. Trước tình hình đó, tôi cử đồng chí tham mưu phó đại đoàn xuống tận nơi để kiểm tra hướng và cho mở rộng hầm ra. Trước đó, đồng chí An cũng ra tận đường hầm kiểm tra một lần rồi. Đến ngày thứ 11, khoảng 8 giờ sáng, địch đem hai xe tăng và hai tiểu đoàn Âu Phi tấn công về phía đường hầm. Có thể địch đã phát hiện được công việc đào hầm của quân ta, nên định đưa quân ra phá hoại. Tôi ta lệnh cho pháo binh của đại đoàn bắn phủ dầu vào bọn giặc. Phút đầu tiên, pháo binh ta đã bắn cháy một chiếc xe tăng địch. Đồng thời bộ binh của ta phòng ngự trên đồi A1 cũng đánh lui đợt tấn công thứ nhất của giặc. Chúng bỏ chạy tán loạn để lại trận địa ngót hai chục xác chết.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #125 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 09:50:06 pm »

Một lúc sau, đại bác địch lại bắn tới tấp về trận địa ta. Bộ binh địch lại ồ ạt kéo sang. Cuộc chiến đấu ngày càng diễn ra gay go hơn. Sau ba đợt tấn công liên tiếp, với lực lượng đông gấp chục lần, bọn địch chiếm được một đoạn giao thông hào của quần ta. Trận chiến đấu giáp lá cà diễn ra rất ác liệt.

Một chiến sĩ của ta đã dùng lưỡi lê đâm chết tới 7 tên giặc, đánh lui hai đợt tấn công của chúng, giữ vững được trận địa. Tôi hỏi đồng chí An:

- Cho đại đoàn biết ngay tên đồng chí chiến sĩ anh dũng đó.

Nửa giờ sau, đồng chí An trả lời:

- Chiến sĩ đó tên là Hảo.

- Họ gì? Tân hay cựu binh?

- Trần văn Hảo, tân binh...

Trần văn Hảo có phải là chiến sĩ tôi gặp ở đồi Cháy hay không? Dù đúng hay không tôi vẫn hội ý Bộ tư lệnh
quyết định tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng ba cho Trần văn Hảo. Sau này hỏi lại thì đúng là Trần văn Hảo mà tôi đã gặp ở đồi Cháy, và Hào còn đóng góp nhiều công sức cùng kinh nghiệm trong việc đào đường hầm nữa.

Trận chiến đấu giữa trung đội bộ binh của đơn vị tôi với địch kéo dài mãi đến chiều tối địch mới rút quân về vị trí cũ.

*

*   *

Ở phía đổi C1, trận địa vẫn ở thế giằng co. Địch đã tập trung toàn bộ lực lượng để chiếm lại cột cờ. Lần này chúng còn đem theo súng phun lửa, một thứ vũ khí mới lần đầu tiên địch sử dụng trên chiến trường Việt-nam. Chúng chiếm được cột cờ, hất đơn vị của trung đoàn Vũ Lăng xuống nửa đồi thấp hơn. Không thể để địch chiếm cột cờ được, vì nếu địch chiếm được lợi thế, bộ đội ta ở nửa quả đồi thấp sẽ bị uy hiếp. Cả buổi tối hôm đó, tôi tập trung theo dõi tình hình diễn biến ở C1, không nhòm ngó sang phía đường hầm A1 được. Tôi bổ sung cho trung đoàn Vũ Lăng một tiểu đoàn để đêm sau phản xung phong chiếm lại bằng được lô-cốt cột cờ. Trận đánh diễn ra rất ác liệt. Cho đến sáng chúng tôi mới lần thêm được ít đất. Đồi C1 vẫn chia làm hai; địch vẫn chiếm địa thế cao hơn ta.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #126 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 09:51:06 pm »

Chúng tôi được lệnh chiếm lại đối C1 bằng được để chuẩn bị cho trận tổng công kích vào Điện-biên-phủ. Lần này đại đoàn, trung đoàn đều tiến hành công tác chuẩn bị thật tỉ mỉ, sau đó cho triệu tập tất cả cán bộ từ tiểu đội trưởng đã đánh C1 về dựng lại trận địa C1, bàn bạc cách đánh. Ở đại đội chủ công, cho chiến sĩ bàn cách chống súng phun lửa. Sau đó xây dựng lại trận địa và tổ chức cho anh em tập đánh. Rất nhiều ý kiến tốt của chiến sĩ góp vào cách đánh ở giao thông hào, cách đuổi địch và cách diệt súng phun lửa. Tôi còn nhớ cách tiêu diệt súng phun lửa. Hồi đó ta đánh tiếp cận. Vị trí xuất phát xung phong chỉ cách địch có ba bốn chục thước. Đồng chí Thiều Quang, đại đội trưởng đại đội chủ công là người quyết tâm nhất trong cách đánh tiếp cận này. Đồng chí dẫn tiểu đội mũi nhọn lên sát tầm bắn cấp tập của pháo ta. Đêm 30 tháng 4 năm 1954, sau khi pháo ta ngừng bắn, Thiều Quang dẫn tiểu đội mũi nhọn lao lên phía cột cờ. Bọn địch giữ súng phun lửa bị pháo ta bắn, sợ hãi chúi trong hầm, chưa kịp ló đầu ra thì các chiến sĩ xung kích của ta đã lao tới tiêu diệt. Trận chiến đấu diễn ra mau lẹ. Những mũi tấn công diệt địch nhanh chóng. Quân địch bị tiêu diệt hoàn toàn.

Tin tức chiến thắng làm rộn cả chỉ huy sở. Anh Mân vừa cầm díp nhổ râu vừa cười nói:

- Vũ Lăng chỉ huy đánh C1 hai lần đều thắng cả. Còn An thì trận A1 lần này thế nào đây?!

Tôi không trả lời. Tôi cho câu nói đó như chính anh Mân hỏi tôi. Tôi biết anh cũng lo lắng cho trận tấn công đồi A1 sắp tới. Bộ ra lệnh chúng tôi cảm thấy trách nhiệm của mình rất nặng nề trước cấp trên và cấp dưới. Chúng tôi đã nhiều lần bàn bạc, tìm mọi kế hoạch chuẩn bị chu đáo để tiêu diệt A1 bằng được.
Đồng chí tham mưu phó đại đoàn đi kiểm tra trận địa về báo cáo tình hình đường hầm. Đường hầm đã đào sâu tới hơn ba mươi thước. Số đất đào chuyển ra gần lấp cửa hầm. Anh em đã bàn bạc nhiều nhưng vì thiếu phương tiện nên chưa biết giải quyết như thế nào. Nếu cào đất ra ngoài thì lộ cửa hầm ngay. Bộ tư lệnh chúng tôi quyết định lấy số dù thu được của địch đem khâu thành túi gửi xuống để anh em đựng đất chuyển ra ngoài.

Có túi, số đất ùn lại được giải quyết nhanh chóng. Công việc đào hầm ngày một khẩn trương hơn. Hàng ngày chúng tôi nhận được báo cáo: thắng lợi mới ngày đến gần hơn. Thắng lợi của việc đào đường hầm này thật là kỳ lạ. Sức mạnh của hai bàn tay bộ đội ta với chiếc xẻng nhỏ tý xíu đã đào vượt mức ngoài sức tưởng tượng của con người. Lúc nghe tin đồng chí An báo cáo đã đào xong hố đặt bộc phá, tôi vừa kiêu hãnh vừa mừng rỡ vô cùng. Lập tức tôi báo cáo tin đó về Bộ và đề nghị trên cho thuốc nổ. Nhưng với số lượng hàng tấn thuốc nổ, phải đợi từ hậu phương chuyển lên. Nghe tin đó, sợ chậm kế hoạch, đơn vị công binh liền mò ra cánh đồng Căng na, tìm thuốc nổ ở những quả bom trong chiếc máy bay bị quân ta bắn rơi. Anh em lấy được hàng tấm đem về.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #127 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 09:52:08 pm »

Công việc chuẩn bị xong xuôi, cùng lúc đó, kế hoạch tổng công kích Điện biên phủ đã được ban ra. Hôm tôi nhận mệnh lệnh tiêu diệt đồi A1, anh Văn hỏi tôi:

- Có chắc thắng không?

Tôi trả lời, đầy tin tưởng:

- Báo cáo anh! Chắc thắng.

*
*   *

Đêm 6 tháng 5 năm 1954. Trời lất phất mưa.

Hôm ấy, Bộ tư lệnh chúng tôi ngồi trong hầm chỉ huy, hồi hộp theo dõi đường tiến của các đơn vị xung kích. Riêng đơn vị công binh giật quả bộc phá khổng lồ đặt giữa lòng quả đồi A1 thì chúng tôi cho đặt một máy điện thoại trực tiếp với Bộ tư lệnh. Tôi nhìn đồng hồ. Theo đúng giờ quy định, các đơn vị đã tiến đến vị trí tập kết. Nhưng đường dây ở đơn vị công binh giật bộc phá bỗng nhiên đứt. Tôi hỏi đồng chí An. Thì ra bị địch bắn đại bác phá hoại, trung đoàn đang cho nối lại.

Khoảng 9 giờ đêm, đài quan sát của đại đoàn báo cáo: có tia chớp ở phía đồi A1 và có tiếng nổ chuyển đất.
Bộc phá nổ rồi à? Nhưng nổ bé thế? – Chúng tôi ngạc nhiên và đều tự hỏi mình như thế.

Vừa lúc đó, đồng chí An báo cáo:

- Bộc phá đã nổ rồi. Vâng! Vâng! Xung kích đang chiến đấu thắng lợi trên đồi A1.

Bộc phá đã nổ rồi! Quả bộc phá 1.000 cân đặt trong đường hầm A1 đã nổ, phá thành một hố rộng và sâu 18 thước, đánh gãy xà lô cốt mẹ. Quân lính địch chung quanh đều chết ngất vì sức ép. Bọn còn lại thì ù tai, choáng óc. Lợi dụng thời cơ đó, xung kích ta ào ào tiến lên, diệt nốt những tên địch còn chống cự lại.

Bốn giờ sáng hôm mồng 7 tháng 5, đơn vị tôi chiếm được đồi A1. “Cổ họng” Điện biên phủ bị chẹt. Sáng mồng 7 tháng 5 năm 1954, chiếm nốt đồi C2. Thế là toàn bộ các cao điểm ở phía đông Mường Thanh đã lọt vào tay quân ta. Hỏa lực của quân ta đặt trên các cáo điểm đó khống chế toàn bộ khu trung tâm Mường Thanh.

Trưa mồng 7 tháng 5, từ các ngả, quân ta tổng công kích vào Điện biên phủ.

Và đến chiều thì tên bại tướng Đờ Cát và toàn bộ sĩ quan tham mưu của hắn bị bắt gọn, đưa về trại tù binh của quân đội nhân dân Việt Nam chúng ta.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #128 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 09:53:36 pm »

MỘT LÒNG MỘT DẠ VÌ CHIẾN SĨ, VÌ CHIẾN THẮNG

Bác sĩ Đại tá VŨ VĂN CẨN

DÂN HỒNG ghi

Cuối tháng 9 năm 1953, sau khi xếp đặt công việc ở hậu phương, bàn giao cho các đồng chí ở lại, tôi lên
đường đi Tây bắc.

Cùng đi với tôi có ba cán bộ chuyên môn và một đồng chí cần vụ. Năm người, năm chiếc xe, đạp miết. Qua Phú Thọ, sang bên kia sông Thao, chúng tôi đi theo con đường ngựa Thu Cúc – Lai Đồng, rồi ra đường 13.
Cái đêm ra đến đường 13 là một đêm trăng sáng dịu. Sau mấy ngày đi đường nhỏ, luồn rừng, bây giờ gặp đường lớn, thấy rộng thênh thang, thật sướng mắt. Hai bên đường là rừng già, những cây giẻ vạm vỡ vươn lên cao vút và thẳng tắp. Mặt đường mới trải cấp phối, khá mịn. Năm cái xe của chúng tôi nối đuôi nhau phóng bon bon. Gió mát rượi. Chúng tôi khoan khoái như được đạp trên những đường phố nhiều cây của Hà Nội vào một ngày nắng xuân.

Qua đèo Lũng Lô, đèo Chẹn… chúng tôi phải dắt xe mà leo. Nhưng ở đây lại có tiếng hò, tiếng hát và cái vui nhộn nhịp của những đội công binh, dân công đang phá núi, mở đường. Nhìn đoạn đường đèo gấp khúc trườn qua ngọn núi chót vót, chúng tôi không thể không quý mến và cảm phục những anh chị em đã làm nên công trình đó. Không biết họ đã rời quê hương làng mạc ở miền xuôi lên đây tự bao giờ? Hẳn là họ đã chiến đấu suốt cả mùa hè, chiến đấu với những lưỡi cuốc, những xà beng và những chiếc đầm bằng gỗ thô sơ. Có thể nói không phải những dụng cụ đó, mà chính là sắt thép trong lòng đã giúp họ phá đá, xẻ núi, mở ra một con đường vĩ đại…

Đi trên con đường ấy, lại đi bằng xe đạp, chúng tôi thấy mình được ưu tiên nhiều quá. Những khó khăn nguy hiểm dọc đường đối với chúng tôi chẳng còn có gì đáng kể. Chỉ có sự lo lắng trước nhiệm vụ thôi thúc chúng tôi. Chúng tôi càng đi miết, lúc gò lưng đạp, lúc dắt xe leo đèo, lúc vác xe lội suối, lúc phăng phăng lao xuống dốc.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #129 vào lúc: 03 Tháng Chín, 2010, 09:54:18 pm »

Lên đến Tuần Giáo, chúng tôi gặp bộ phận tiền trạm của ban cung cấp mặt trận. Chúng tôi bắt tay vào công việc chuẩn bị chiến trường: điều tra tình hình bệnh truyền nhiễm và điều kiện vệ sinh ở địa phương để có biện pháp phòng bệnh cho bộ đội; tìm địa điểm và chuẩn bị xây dựng cơ sở cho các đội điều trị. Chúng tôi còn tiến hành việc tuyên truyền vệ sinh trong nhân dân và phối hợp với anh em quân nhu trong việc vận động thu mua gạo thịt để tiếp tế cho bộ đội.

Ít lâu sau, nhiều cán bộ khác lên tới nơi. Ban quân y tiền phương hình thành. Các trung đoàn, đại đoàn lần lượt kéo lên. Rồi tiếng súng truy kích Lai Châu nổ. Quân địch nhảy dù vội vã xuống Điện biên phủ… Chúng tôi thực sự bắt tay vào những ngày đêm chiến dịch vô cùng sôi nổi.

Ba tốt: thắng lợi đầu tiên
[/i]

Niềm vui sướng đầu tiên của tôi là được thấy các trung đoàn, đại đoàn kéo lên với khí thế hùng dũng, đội ngũ đông đủ.

Cơ quan quân y mặt trận đặt ở trong rừng, bên đường Tuần Giáo – Điện biên. Đêm đêm tôi thường kéo một số cán bộ ra đường đón các đơn vị bộ đội mới lên để kiểm tra cuộc vận động “ba tốt”.

Đó là một cuộc vận động bảo vệ sức khỏe bộ đội trong hành quân, bao gồm ba yêu cầu cụ thể: ăn tốt - ngủ tốt – đi tốt. Chúng tôi đề ra cuộc vận động này từ tháng 8 năm 1953, dựa vào kinh nghiệm các chiến dịch trước, từ Biên giới (1950) đến Tây bắc (1952 – 1953). Có lẽ cũng nên nhắc lại rằng bộ đội ta tác chiến rất cơ động. Thế mà việc cơ động hoàn toàn dựa vào sức đôi chân. Các chiến sĩ chủ lực của ta mỗi chiến dịch đi hàng mấy trăm dặm đường, với tất cả súng đạn, lương thực, quân trang chất nặng trên vai. Không thiếu những chiến sĩ lòng hăm hở muốn giết giặc mà không đủ sức đi theo đơn vị nên đành tụt lại dọc đường. Đã có những trường hợp bộ đội đến mặt trận chưa đánh trận nào đã thấy đội ngũ của mình vắng đi nhiều tay súng! Cho nên, việc bảo vệ sức khỏe trong hành quân để giữ vững quân số chiến đấu là một điều làm chúng tôi luôn luôn lo lắng!
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM