Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:21:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ  (Đọc 98209 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #190 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2010, 09:40:15 pm »

IV

Trời đã xẩm tối.

Bên kia sông, trên các hang núi Cống, núi Ngang, núi Sậu, núi Dộc quê tôi đã rực ánh đuốc, ánh đèn. Tiếng loa từ bốn quả núi ấy rộn rã truyền đi tin quân ta đại thắng. Tôi nhớ mãi dáng điệu và giọng nói đầy vẻ tự hào của một ông cụ khi nói chuyện với bộ đội về quê mình:

- … Các anh xem, có thần tình không? Chẳng nơi nào có những cái hang hiểm hóc như đây đâu. Địch càn đến, chúng tôi cứ ung dung kéo nhau lên núi là thằng địch chịu chết. Trên bốn mỏm núi cao, chúng tôi đặt bốn chòi thông tin.

Và bây giờ, bốn chòi thông tin ấy không còn vẳng lên những hồi tù và dữ dội báo tin giặc đến vây lùng nữa. Chòi đang gióng giả mang tin vui tới mọi nhà mọi xóm.

Nhìn ánh lửa rực sáng trên hang núi quê mình, tôi bỗng nhớ mẹ tôi. Suốt mấy hôm nay, vì bận việc, tôi không tìm gặp được mẹ tôi, anh tôi và những người hàng xóm thân thuộc của tôi… Lúc này hẳn mẹ tôi đang cùng mọi người rộn niềm vui chung với chiến thắng quê hương và cũng đang hồi hộp ngóng gặp đứa con trai thứ ba của mẹ…

Nhưng nhiệm vụ trước mắt không cho phép tôi nghĩ tiếp về hoàn cảnh riêng của mình.

Tin vui cứ dồn dập đến. Đúng 7 giờ 30 phút, Phạm Quỳ, đồn trưởng Hoàng Đan đã kéo cờ trắng ra hàng sau khi biết tin cả hai tiểu đoàn địch xuống tiếp viện cho nó đã hoàn toàn bị ta tiêu diệt và bắt sống.

Trung đoàn trưởng Khánh hỏi tên thiếu tá Hốc Kê về trận chiến đấu. Hắn nói thêm: “Bất kể một sĩ quan cao cấp nào của chúng tôi, dù có đầu óc chiến lược minh mẫn đến đâu cũng không ngờ được rằng các ông lại phục kích chúng tôi trên một cánh đồng nước. Chúng tôi thua vì sự bất ngờ đó”.

Lúc này tên sĩ quan thực dân kia đã có thể bình tĩnh suy nghĩ trước khi trả lời nên tôi tin lời hắn nói là đúng lối suy nghĩ của hắn. Làm sao kẻ địch có thể hiểu được nguồn gốc sức mạnh đã giúp bộ đội ta vượt bao nhiêu khó khăn để chọc thủng một phòng tuyến thép, lửa và xuất kích trên một cánh đồng chiêm bùn nước ngập người. Chúng hiểu sao nổi sức mạnh trong mỗi con người bộ đội và nhân dân ta.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #191 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2010, 09:41:38 pm »

Đêm khuya, bộ đội lại hành quân trở về bên kia sông Đáy. Tôi lại đi bên trung đoàn trưởng Khánh. Lòng tôi và bước chân tôi xích gần mãi tới những ngọn lửa đỏ trên các đỉnh núi quê mình.

Anh Khánh vừa đi vừa nghe cán bộ tham mưu báo cáo kết quả cụ thể của trận đánh. Anh nhẩm lại với một vẻ say sưa:

- Ừ, khá lắm, một trận đánh điểm, diệt viện… 891 tên địch bị bắt sống, bị chết và bị thương… vũ khí trang bị đủ cho 2 tiểu đoàn mạnh…

Anh lại rút bao thuốc, lấy ra mấy điếu đưa cho tôi, thân mật:

- Hút đi mừng chiến thắng.

Tôi không nén được nỗi sung sướng đang rộn rã trong lòng:

- Thế là ta đã đánh thắng trận đầu phối hợp với chiến trường chính. Nghe tin này, chắc các chiến sĩ Điện biên phủ khoái lắm đây!

Gần tới chỗ trú quân, trung đoàn trưởng lại nhắc tôi như cách đây mấy ngày khi chuẩn bị cho trận đánh mà anh đã nhắc:

- Còn một nhiệm vụ nữa đấy, Thanh Sơn ạ.

*
*   *

Sau trận chiến đấu này, đơn vị tôi đã có nhiều thay đổi lớn. Trung đoàn trưởng Khánh cũng đã được điều đi phụ trách nhiệm vụ mới.

9 năm đã qua rồi. Tôi kể lại những kỷ niệm về trận đánh ấy chắc còn nhiều thiếu sót. Tôi xin phép được tâm sự đôi dòng ở cuối bài hồi ký nhỏ này với người cán bộ đã săn sóc nhiều đến cuộc sống tình cảm của tôi.
… Anh Khánh ạ.

Anh biết đấy, vợ tôi ao ước mãi có một đứa con. Trước đây, mỗi lần cô ấy nghĩ đến những ngày cơ cực, chồng vợ xa nhau, có mụn con đầu lòng cũng sớm chê bố mẹ nghèo bỏ đi mất, cô ấy lại khóc. Nay cái nhiệm vụ riêng anh trao cho tôi độ ấy, tôi đã hoàn thành rồi.

Sau trận chiến đấu trên phòng tuyến sông Đáy, tôi được về thăm nhà. Cháu gái chúng tôi sinh ra đã đánh dấu cuộc gặp gỡ đầy hạnh phúc ấy, năm nay đang học lớp bốn.

Đọc đến dòng này, chắc anh vui lắm, anh Khánh nhỉ?

Tháng 8 năm 1964
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #192 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2010, 09:43:01 pm »

NHỮNG NGÀY ĐIỆN BIÊN Ở ĐẤT THÀNH ĐỒNG

Thiếu tướng DƯƠNG QUỐC CHÍNH

HỒNG LÂM ghi

Trước khi đi vào vấn đề chính, tôi thấy cũng cần nói lại một vài cảm nghĩ đầu tiên của tôi khi mới bước vào Nam Bộ hồi đầu năm 1949. Những điều cảm nghĩ đó đã giúp tôi hiểu cuộc chiến tranh du kích ở Nam Bộ hơn, có thể cũng giúp các bạn thêm một số nét để hiểu mảnh đất miền Nam và con người Việt Nam ở đất Thành Đồng.

Hồi ấy, đoàn chúng tôi từ núi rừng Việt Bắc băng qua đồng bằng khu 3, khu 4, khu 5, rồi lặn lội suốt dãy Trường Sơn hiểm trở, đạp chân lên những đụn cát ven biển vùng Phan Thiết. Chúng tôi cũng đã có những hiểu biết cần thiết về địa lý Nam Bộ nhưng khi bước chân vào đây mới thấy sự hiểu biết đó còn quá ít ỏi. Có một số vấn đề có thể nói là hết sức bất ngờ. Trong đoàn cán bộ quân sự chúng tôi có anh em đã từng là sinh viên đại học, học sinh trường Bưởi khá hiểu biết về môn địa lý, sau này lại còn được nghiên cứu thêm về địa lý quân sự, thế mà có cậu, mới hai ngày đầu đặt chân lên đất Đồng Nai, Bến Nghé đã thủ thỉ tâm sự với tôi:

- Báo cáo anh, quả là những suy nghĩ của tôi về Nam Bộ đã xa với thực tế không kém gì những chuyện cổ tích Grim.

Nói như thế thì cũng khí quá nhưng quả có xa với thực tế nhiều thật.

Nói rừng thì ai cũng nghĩ: có rừng là có núi. Nhưng rừng ở Nam Bộ, hoặc ở đất bằng, hoặc ở trên nước gọi là rừng sác và thường thấy ở ven sông Soài Rạp, ở miền tây (U Minh Thượng, U Minh Hạ). Ở Bắc, ở Trung, núi thường dính liền với đồng bằng nhưng ở Đồng Tháp Mười nhìn ra tứ phía hơn 900 nghìn mẫu chỉ thấy toàn là chân trời. Anh Nguyễn Tuân khi ở Việt Bắc thèm mãi cái chân trời. Nếu anh vào đồng bằng Nam Bộ anh sẽ thấy thèm núi rừng. Kênh rạch ở đây nhiều, nhiều lắm, nói nhiều như mắc cửi cũng đúng. Xuân hạ thu đông bốn mùa in dấu rõ nét ở các nơi khác của Tổ quốc thì cái xoay vần đó không thật rõ ở đây. Mùa hè không nóng lắm mà mùa đông lại mát. Hai mùa: mùa khô, mùa nước phân chia khá rõ rệt. Đến mùa nước, đi trên đại bộ phận đất đai, đôi chân của chúng tôi là hai cánh tay trên mái chèo. Đến mùa này, một chiếc xuồng từ phía đông tỉnh Chợ Lớn thuộc miền trung Nam Bộ có thể chèo được thẳng đến mũi Cà Mau ở cuối đất nước.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #193 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2010, 09:43:25 pm »

Hồi ở miền Bắc, nghe nói ở chiến trường Nam Bộ giặc đóng đồn giăng giăng, tôi chưa hình dung được cái giăng giăng ấy là thế nào. Có giống hệ thống phòng ngự ở đường số 5 không? Khi vào đến nơi mới biết. Đúng là giăng giăng thật. Nhìn đâu cũng thấy đồn bốt. Hành quân đi sát nách lô cốt địch là chuyện thường. Đó không phải là một lối đi mạo hiểm mà sự thật thì không còn có con đường nào an toàn hơn. Anh Ba Duẩn nói: đồn bốt địch ở Nam Bộ đóng như mạng nhện. Thật hết sức chính xác.

Về cuộc kháng chiến ở miền Nam và những con người ở miền Nam thì phải có rất nhiều pho sách của nhiều nhà văn nổi tiếng mới nói lên được phần nào cái vĩ đại ấy. Ở đây, tôi chỉ nêu một vài hình ảnh đập vào mắt tôi khi tôi mới đến.

Trước hết là các làng kháng chiến Phước Vĩnh An – Tân Phú Trung v.v. thuộc Gia Định. Các làng này có một hệ thống địa đạo nối liền nhau, chạy suốt qua các làng, các xóm. Giặc đến, nhân dân kéo ra đuổi đánh, đánh xong, họ rút xuống đường hầm. Giặc biết nhưng chẳng làm gì được. Có lần, chúng kéo đến hàng tiểu đoàn, dùng cuốc xẻng đào hầm, thả lựu đạn khói làm hơi ngạt, dùng mìn phá hoại những đường hầm kiên cố đó nhưng chẳng ăn thua gì. Thế mà khi giặc lếch thếch kéo nhau về thì họ từ đường hầm trồi lên chặn đánh, cắt bọn chúng ra mà đánh làm chúng phải vắt giò lên cổ mà chạy.

Tất nhiên là đoàn chúng tôi cố hết sức giữ bí mật trên đường đi nhưng cứ bị “bật mí” mãi vì bà con rất sáng ý, họ nghe tiếng nói, nhìn cách căn mặc hơi khác, là họ biết liền. Rồi một đồn mười, mười đồn trăm, bà con kéo nhau tìm phái đoàn để hỏi chuyện miền Bắc, đặc biệt là rất tha thiết muốn nghe chuyện về Bác. Ở xa thế mấy, họ cũng lặn lội đến dù chỉ để nhìn thấy mặt chúng tôi cũng được.

Đến miền Tây anh em vào nghỉ trong nhà một bà má. Thấy bộ đội đi nắng mệt nhọc, má bảo: “Dừa có cả vườn đó, tụi bay leo lên bẻ mà ăn”. Anh em còn phải thu xếp thì bà má đã leo lên cây từ hồi nào để bẻ dừa cho các con bộ đội. Tuổi già, sức yếu, leo lên được cây, vặn được vài quả, bà đã thấy mắt mờ chân dại. Bà liền ôm chặt cây dừa kêu lên: “Tụi bay ơi! Sao mình mấy má tê liệt rồi đây nè”. Anh em hoảng hốt, lấy một cái chăn, bốn người bốn góc giăng ra hứng lấy bà mẹ nửa rơi, nửa nhảy. Khi má lấy bấy đứng được xuống đất, má cười bảo: “May là tao nhẹ, tao nặng thì tụi bay cụng lại mà vỡ ráo cả bốn cái đầu”.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #194 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2010, 09:43:58 pm »

Bây giờ, tôi xin kể qua vài nét hoạt động của địch trong những năm 1950 đến 1953. Khi cách mạng Trung Quốc giải phóng hoàn toàn lục địa thì năm 1950 ta mở chiến dịch Lê Hồng Phong để giải phóng biên giới. Lúc đó giặc xoay ra tìm mọi cách bình định cho được vùng địch hậu để ra sức vơ vét nhân vật lực, tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược. Nam Bộ nhiều người, nhiều của tất nhiên là nằm vào trọng tâm bình định của địch cùng với đồng bằng Bắc Bộ.

Trong những năm này, quân địch lấn dần các vùng tự do còn lại ở Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc. Chúng chiếm đóng Phong Mỹ và suốt con kênh Nguyễn Văn Tiếp, hành lang của Đồng Tháp Mười. Ở miền Đông, chúng chiếm đường 16 ở chiến khu Đ và các xã ven chiến khu. Ở miền Tây, vùng Bảy núi, căn cứ của Long Châu Hà cũng bị lấn chiếm. Vùng tự do lớn nhất của miền Tây bị bó hẹp: phía Cần Thơ địch lần ra Phụng Hiệp, Trường Long, Trường Thành, Hỏa Lựu, v.v.

Nhìn vào những đồn bốt đã chiếm đóng được, quân địch tưởng chừng như chỉ còn có vùng tự do miền Tây là chưa bình định được.

Nhưng vỏ quít dày có móng tay nhọn. Địch đóng đồn bốt nhiều, quân dân Nam Bộ càng nghĩ ra lắm cách để diệt đồn gỡ bốt. Trong những năm 1950, 1951, tuy vũ khí quân ta gọi là nặng nhất cũng chỉ đến đại liên và súng cối, nhưng cũng đã mở được những chiến dịch như chiến dịch Lê Hồng Phong I, Lê Hồng Phong II ở Bến Cát, Trà Vinh, v.v. Trong chiến dịch Trà Vinh, ta diệt đồn địch bằng cách bố trí các tay thiện xạ bắn vào lỗ châu mai, yểm hộ cho xung kích dùng chày vồ và búa tạ đập cửa. Đánh đồn Bắc Sa Ma giữa ban ngày cũng bằng cách này. Tất nhiên là với tinh thần anh dũng tuyệt vời của các chiến sĩ ta, nhiều đồn bốt cũng bị hạ bằng cách này; nhưng việc diệt đồn bằng cách đó cũng không phải là lần nào cũng xuôi chèo mát mái cả. Do đó mà ở miền Đông, anh em nghĩ ra cách đánh đồn bằng “F.T.” tức là pháo tay. Quê hương của nó là Biên Hòa. Trong lúc các khẩu đại bác 88 và 105 ly lấy được trong trận Tầm Vu và Sóc Xoài ở miền Tây chưa phát huy tác dụng được thì anh em ở Biên Hòa đã nghĩ ra được cách dùng bộc phá bò vào đồn để mở đột phá khẩu thay cho pháo. Việc sáng tạo ra cách đánh bằng F.T. cũng khá thú vị. Hồi ấy, dọc theo đường 16 ven chiến khu Đ, giặc đóng rất nhiều tháp canh. Để tấn công vào hệ thống tháp canh dày đặc này, đầu tiên anh em du kích và bộ đội địa phương dùng súng vây phá, quấy rối. Không ăn thua. Sau đó, đang đêm anh em lén bò sát đến tháp canh liệng lựu đạn vào. Có nơi, họ bắc thang để thả lựu đạn rơi đúng tầng chót của tháp canh. Thấy có thể bò sát đến tháp canh và dùng lựu đạn ném vào tháp canh có hiệu quả, anh em liền nghĩ ngay đến cách dùng bộc phá. Quả nhiên sức nổ của bộc phá làm sập một vài tháp canh. Lối đánh bằng F.T. bắt đầu từ đó.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #195 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2010, 09:44:28 pm »

Có đêm, anh em đã hạ hàng mấy chục tháp canh bằng thứ F.T. này. Từ cách đánh bằng F.T., bộ đội Biên Hòa và tiểu đoàn 302, phát triển thành chiến thuật đặc công, một chiến thuật độc đáo của Nam Bộ.

Nhờ sáng tạo ra một chiến thuật tài tình và phát huy được tinh thần anh dũng đến cao độ, bộ đội Nam Bộ đã hạ được một số đồn bốt lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch và thu hẹp được phạm vi chiếm đóng của giặc. Ngay như những đồn bốt nằm sâu trong lòng địch cũng bị hạ như đồn Hội đồng Bền ở Mỹ Tho, đồn Cầu Định ở Thủ Dầu Một, Tràng Bom ở Biên Hòa và Cần Giờ ở Bà Rịa, v.v.

Những cuộc càn quét lấn chiếm của địch cũng bị đánh bại nặng như ở kênh Nguyễn Văn Tiếp, địch bị diệt 30 tàu chiến trong 30 ngày liền, và ở chiến khu Đ, trong ba tháng, chúng đã phải bỏ xác 50 chiếc xe tăng và thiết giáp.

Hoạt động của ta trong vùng đô thị cũng khá mạnh. Có những vụ trừng trị bọn địch một cách tài tình và dũng cảm như vụ trừng trị tên Ba Danh, trùm mật thám Pháp ở Sài Gòn, ngay giữa đường Catina. Và câu chuyện diệt tên tướng Săng Xông với tên thủ hiến bù nhìn Thái Lập Thành thật là một gương sả thân hết sức cao cả.

Bữa ấy, có cuộc lễ khánh thành đài “chiến sĩ trận vong” (!) của giặc ở Sa Đéc. Tên tướng Săng Xông – tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Nam Bộ - và tên Thái Lập Thành - thủ hiến chính phủ bù nhìn - đến dự. Trong khi đang hành lễ, một du kích của ta đã bí mật trà trộn vào được. Anh mang bom trong mình, đi thẳng lại hai vị “khách quý” ấy rồi đứng ngay tại chỗ, bình tĩnh rút chốt cho bom nổ. Hai tên giặc đầu sỏ bị chết. Và đồng chí du kích của chúng ta cũng hy sinh.

Tóm lại hoạt động của địch từ 1950 đến 1952 là tích cực càn quét, lấn chiếm. Ta thì chống càn quét, tiêu diệt nhiều đồn bốt ở rìa chiến khu hoặc sâu trong vùng tạm chiếm đồng thời hoạt động mạnh mẽ ở đô thị. Mặc dầu từ năm 1950 đến năm 1952, ở chiến trường chính đã có những chuyển hướng quan trọng về chiến lược, chiến thuật nhưng ở Nam Bộ, với hoạt động điên cuồng bình định của địch, khẩu hiệu của ta – như anh Ba bí thư Xứ ủy kiêm chính ủy Nam Bộ nêu lên - vẫn là “tích cực cầm cự”, vẫn là “đẩy mạnh du kích chiến tranh”. Qua thí nghiệm, qua hoạt động thực tế, tôi thấy những khẩu hiệu đó hoàn toàn chính xác.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #196 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2010, 09:45:28 pm »

Cũng trong thời gian ấy, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, Xứ ủy đã sáp nhập nhiều tỉnh nhỏ lại thành những tỉnh lớn. Hai mươi tỉnh sáp nhập lại thành mười tỉnh. Các tỉnh lớn như thế có đủ ba thứ quân mạnh, có địa bàn hoạt động tương đối rộng. Về mặt quân sự thì mỗi tỉnh như vậy có lực lượng hơn một trung đoàn, có khi sáp nhập cả hai trung đoàn. Lúc bấy giờ, có ý kiến nên lấy tên là liên trung đoàn, trung đoàn, nhưng ý kiến anh Ba và chúng tôi là nên lấy tên tỉnh đội để nhấn mạnh việc đẩy mạnh chiến tranh du kích. Nhiều đồng chí tư lệnh Khu về trực tiếp làm tỉnh đội trưởng. Như tỉnh đội Gia Ninh có đồng chí Tô Ký, nguyên tư lệnh Khu Sài Gòn – Chợ Lớn, tỉnh đội Thủ Biên thì có đồng chí Huỳnh Văn Nghệ, trước là tư lệnh Khu 7 v.v. Cán bộ huyện đội trưởng đều là những tiểu đoàn trưởng cứng. Có cả những đồng chí cán bộ trung đoàn về huyện đội. Các tỉnh đội chịu sự lãnh đạo trực tiếp của các tỉnh ủy địa phương đồng thời chịu sự chỉ huy thống nhất của Khu. Các ban chỉ huy tỉnh đội là người chỉ huy mọi lực lượng vũ trang và bán vũ trang trong tỉnh, cũng có thể nói đồng thời đó là các ban chỉ huy trung đoàn kiêm ban chỉ huy tỉnh đội. Cách tổ chức đó phát huy được triệt để mọi khả năng để đẩy mạnh chiến tranh du kích. Chiến trường cũng được phân chia lại. Trước kia Nam Bộ có ba khu 7, 8 và 9 với đặc khu Sài Gòn thì nay chia làm hai phân liên khu miền Đông, miền Tây và đặc khu. Các tỉnh từ Long Châu Sa và từ tả ngạn Tiền Giang trở lên thuộc miền Đông. Từ Tiền Giang trở về phía tây thuộc miền Tây. Lúc đầu anh Ba, bí thư Trung ương cục là tư lệnh kiêm chính ủy Nam Bộ. Đến năm 1952, khi anh Ba đã ra Trung ương thì anh Sáu Thọ thay. Tôi thì được phân công về Bộ tư lệnh miền Tây.

Về tổ chức thì như vậy, còn phương hướng hoạt động của chúng tôi trong năm 1952, 1953 là:

Mở rộng du kích chiến tranh, tích cực phá thế lấn chiếm và càn quét bình định của địch, giành dần thế chủ động ở từng lúc, từng nơi, từng bộ phận. Tăng cường chủ lực tỉnh, phát triển bộ đội địa phương, mở rộng các đơn vị du kích xã, thôn, giữ vững một bộ phận chủ lực trong từng khu để chủ động tăng viện cho các chiến trường, tiêu diệt sinh lực địch và mở thêm căn cứ. Tích cực xây dựng cơ sở ở địch hậu, ráo riết giằng co với địch ở vùng du kích, tích cực chống lấn chiếm ở các vùng tự do, đẩy mạnh công tác địch ngụy vận.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #197 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2010, 09:47:13 pm »

Về chủ trương của Xứ ủy, Trung ương cục, phương hướng hoạt động và xây dựng lực lượng của ta đã cải thiện tình hình. Tuy vậy việc giằng co giữa ta và địch rất là quyết liệt. Tình hình giằng co đó đưa đến tình hình và hình thái chiến trường Nam Bộ khi bước vào Đông Xuân 1953 – 1954, phối hợp với Điện biên phủ, tôi xin phác họa qua vài nét sau đây.

Nói cho có hình ảnh thì đến đầu năm 1953 cả một mạng nhện đồn bốt đã chụp lên khắp Nam Bộ, chỉ còn miền rừng núi chiến khu Đ, vùng huyện Dương Minh Châu, Bắc Tây Ninh, một phần Đồng Tháp Mười và vùng tự do ở Bạc Liêu. Căn cứ ta bị bóp hẹp nhiều.

Nhìn vào bản đồ thấy đồn bốt của địch thì tưởng chừng Nam Bộ căn bản đã bị bình đình, thế nhưng thực chất của tình hình thì không phải như vậy. Hồi ấy, phương châm công tác của Trung ương Đảng đã phát huy tác dụng đến những xã xa sự chỉ đạo nhất của các cấp. Nhờ áp dụng phương châm đó mà cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng, cơ sở bí mật phát triển khá mạnh. Nhìn đồn bốt địch đóng gần hết như thế, mà các tỉnh khi họp để phân định tính chất cho các xã lại có ít xã được quy là tạm chiếm mà phần nhiều lại thuộc loại xã du kích. Anh Bường, anh Mùi khu ủy viên miền Tây, miền Đông, sau khi đi kiểm tra những xã ở Vĩnh Trà, Chợ Gạo, Vàm Cỏ, đã kể rất nhiều mẩu chuyện thú vị về sự mạnh mẽ của cơ sở quần chúng. Ở những xã ba bề bốn bên đều là đồn bốt địch, thế mà người lạ nào đến là có người bí mật theo dõi ngay, nếu người lạ đi xa thì người bí mật theo dõi trước lại bàn giao cho người thứ hai, rồi người thứ ba tiếp tục bám sát.
Việc đấu tranh có lý, có lẽ và trừ gian diệt tề cũng được tiến hành rất khéo léo, không bộc lộ lực lượng.
Nhìn đó sẽ thấy rằng địch có ra sức bóp hẹp căn cứ ta nhưng cơ sở ta sau lưng chúng lại phát triển mạnh mẽ.

Chính sách tôn giáo vận, chính sách đối với các tín đồ tôn giáo của Trung ương cục đã mở rộng được khối đoàn kết trong nhân dân. Nhiều đồng bào tín đồ Cao Đài phái Tây Ninh và tín đồ Hòa Hảo, xưa nay do bàn tay chia rẽ của quân thù, xa cách với người kháng chiến đã dần dần thanh toán những thắc mắc. Việc đó đã có tác động mạnh trong quần chúng binh sĩ đi đạo Cao Đài, Hòa Hảo trong quân đội tay sai. Chỗ này tôi cũng nói thêm là thực dân Pháp có lợi dụng tình hình phức tạp của cách mạng trong những năm đầu, nên có gây chia rẽ một bộ phận tín đồ đạo Cao Đài phái Tây Ninh, tín đồ đạo Hòa Hảo với khối kháng chiến toàn dân. Còn đối với các bộ phận khác của đạo Cao Đài (như Cao Đài 12 phái hiệp nhất) và đạo Thiên Chúa, v.v. nói chung chẳng những địch không thực hiện chia rẽ được mà muôn người như một đã đoàn kết kháng chiến trong Mặt trận Liên Việt.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #198 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2010, 09:48:08 pm »

Do những thắng lợi lớn ở chiến trường chính Bắc Bộ cũng như do phong trào du kích ngày càng phát triển khiến cho địch bị tiêu hao rất nhiều nên chúng phải ra sức bắt lính một cách ồ ạt để dùng lính mới đóng ở những vùng gọi là “bình định” rồi lấy lính cũ đưa ra Bắc, đưa đi càn quét hoặc đưa ra đóng ở các đồn bốt ven căn cứ. Những đồn bốt này xem bề ngoài hung hăng nhưng thật ra địch chỉ lấy ruột làm da: ruột chúng đang rỗng. Khi Nava sang, hắn chủ trương xây dựng chủ lực cơ động mạnh, táo bạo “nhổ quân” chiếm đóng, làm cho tình hình “lấy ruột làm da” đó lại càng rõ hơn.

Về phía ta, thì ngay từ năm 1950, trong hội nghị quân sự, anh Ba đã báo cáo, nêu rõ bộ đội ta là bộ đội dân cày. Điều đó làm sáng tỏ thêm phương châm công tác chính trị trong bộ đội. Bộ đội lại đã được học tập hiệu triệu của Hồ Chủ tịch do đó mà ý thức giai cấp được khêu gợi, phân biệt được rõ ta, bạn, thù. Tư tưởng chiến thuật cũng tiến một bước mới. Bài nói chuyện của đồng chí X. về chiến dịch biên giới có tác dụng làm cho cán bộ tin tưởng ở khoa học quân sự vô sản. Những vấn đề như chiến thuật “nhất điểm lưỡng diện”, “tam mãnh: mãnh đả, mãnh xung, mãnh truy”, “tam tam chế”, từ cán bộ trường lục quân ở Trung ương đưa vào được hoan nghênh và trao đổi rộng rãi. Việc phổ biến rộng rãi những gương chiến đấu của các anh hùng La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Cù Chính Lan, tổ chiến đấu Giáp Văn Khương như thổi vào bộ đội Nam Bộ những luồng gió mới.

Đáng chú ý là ảnh hưởng của việc phát động quần chúng giảm tô cải cách ruộng đất từ miền Bắc dội vào. Kể ra thì thiên nhiên vốn đã ưu đãi đồng bào Nam Bộ nhất là ở miền Tây nên đời sống bà con trong khu giải phóng miền Tây khá sung túc. Tuy vậy do ruộng đất tập trung cao độ vào tay một số ít người nên hồi năm 1949, khi mới đến miền Tây, tôi cũng còn thấy nhiều người ăn mặc rách rưới, có chị em còn mặc quần bằng sợi dứa. Sau này nhờ có chính sách tạm cấp ruộng đất, nhờ chính sách kinh tế tốt, nên đời sống cải thiện rất nhiều so với trước.

Cho nên, cứ xem đồng bào vùng Bạc Liêu, khi nghe tin miền Bắc phát động cải cách ruộng đất, thì phấn khởi ra mặt, tự động tổ chức nhiều cuộc trao đổi và những cuộc biểu tình hoan nghênh cũng đủ rõ. Có cán bộ ở Vĩnh Trà về Trung ương cục, khi vặn máy thu thanh, nghe chính sách giảm tô cải cách ruộng đất, nước mắt anh đầm đìa vì vui sướng.

Về mặt vũ khí đạn dược, do ta đánh đồn nhiều, đánh tiêu diệt nhiều, nên vốn cũng khá to. Ta cũng tổ chức khá hơn việc nhận viện trợ từ Trung ương đưa vào. Quân giới Nam Bộ cũng đã sản xuất được nhiều mìn nhất là đã sản xuất ra nhiều đại bác không giật như các loại SSA, SSB, v.v.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
TuongLinh
Thành viên
*
Bài viết: 874



« Trả lời #199 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2010, 09:49:43 pm »

Lúc bấy giờ ở miền Tây chúng tôi cũng đã xây dựng được một tiểu đoàn pháo gồm nhiều khẩu lấy được của địch từ trước như các khẩu lấy ở Tầm Vu, Sốc Xoài - một làng của kiều dân Cămpuchia – và những pháo không giật do ta sản xuất.

Vào năm 1953, 1954, tình hình đại để là như vậy. Ở đây, cũng xin nói thêm vấn đề phối hợp chiến trường của Nam Bộ, một chiến trường địch hậu, chiến trường du kích tất nhiên không hoàn toàn như các chiến trường khác.

Do tình hình cũng có, do khí hậu cũng có, nên chiến tranh trong toàn quốc đã diễn ra như là có mùa. Cuối thu cho đến hết xuân, hoạt động quân sự có mạnh hơn. Từ năm 1950 trở đi, cứ cuối thu là địch bị đánh mạnh ở chiến trường chính. Cho nên khi trời bớt nóng là lúc nhân dân và quân đội ở Nam Bộ chờ đợi những đòn mà bộ đội ở miền Bắc giáng vào địch đồng thời cố gắng đem hết sức mình phối hợp với chiến trường chính, tranh thủ thời cơ để tiêu hao, tiêu diệt địch. Lúc nào ở chiến trường chính ít hoạt động thì quân địch đem quân về địch hậu và Nam Bộ để ra sức càn quét, củng cố bình định và mỗi khi ở miền Bắc ta đánh mạnh thì chúng lại rút quân ứng chiến và quân địa phương đi tiếp viện, để lộ nhiều sơ hở. Thế là ở Nam Bộ, quân và dân cứ nhè vào đó mà khoét sâu thêm.

Với tình hình phát triển của cuộc kháng chiến, năm 1953 hứa hẹn nhiều hoạt động quân sự có tính chất quyết định hơn. Vì vậy để phối hợp với chiến trường chính vào Thu Đông 1953, Đông Xuân 1953 – 1954 chúng tôi đặt vấn đề phải đẩy mạnh hoạt động từ đầu để tranh thủ tiêu hao, tiêu diệt được nhiều địch, đánh phá có hiệu quả kế hoạch bình định của địch. Đồng thời chúng tôi cũng đẩy mạnh chiến tranh du kích, học tập đánh vận động để vừa tiêu hao tiêu diệt lực lượng địch, vừa kìm chân chúng lại không cho chúng đem nhiều lực lượng đi chiến trường chính. Mưu đồ của tên tướng Nava là giải quyết và bình định miền Tây nên một mặt chúng tôi tích cực củng cố các lực lượng địa phương và du kích, chống càn quét nhưng mặt chính là đem chủ lực của khu và của các tỉnh đánh mạnh vào địch hậu.

Như vậy là vấn đề phối hợp với Điện biên của bộ đội Nam Bộ không phải chỉ là phối hợp trong 55 ngày đêm - từ khi tiếng súng tấn công vào vùng lòng chảo Mường Thanh bắt đầu nổ - mà còn phối hợp với cả thời gian từ trước khi chiến dịch Điện biên mở màn. Chúng tôi nghĩ rằng hạn chế địch trong việc bình định Nam Bộ, cầm chân quân của chúng lại ở Nam Bộ nhiều chừng nào hay cho chiến trường chính chừng nấy. Đó là khi chiến dịch ở chiến trường chính chưa mở. Khi chiến dịch bắt đầu thì Nam Bộ lại tiếp tục giữ chân địch, và nhân lúc chúng sơ hở, Nam Bộ lại đánh mạnh vào sau lưng, tranh thủ thời cơ tiêu diệt chúng, mở rộng chiến tranh du kích, giải phóng một số vùng.
Logged

Điều vĩ đại chính là điều giản dị - Sức mạnh chân chính nằm trong sự dịu dàng
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM