Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:08:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa  (Đọc 387907 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #550 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2010, 08:24:54 pm »


 ... hai thằng, "Tân vịt" và "Minh già" đang thi nhau kéo gỗ. Cái mũi khoằm của hắn, cái mũi đáng ghét đang rung lên.  


Minh họa cho chuyện của bác Thìn.
 

Hai lính già bị dính đạn sau trận chiến tại cảng Cửa Việt trưa ngày 27/7/2009 và bị trinh sát sư đoàn tia được Grin .
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #551 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2010, 08:23:50 am »


Hai lính già bị dính đạn sau trận chiến tại cảng Cửa Việt trưa ngày 27/7/2009 và bị trinh sát sư đoàn tia được Grin .
Theo điều tra của Xê 20 thì một trong 2 chiến sỹ đang kéo gỗ trong bức ảnh minh họa tên là "Minh Điếc". Còn nhân vật chính "Ma xó" trong chuyện của bác Thìn lại là "Minh Già"?
Logged

Nhật ký Viết lại
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #552 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2010, 10:59:43 pm »

Theo điều tra của Xê 20 thì một trong 2 chiến sỹ đang kéo gỗ trong bức ảnh minh họa tên là "Minh Điếc". Còn nhân vật chính "Ma xó" trong chuyện của bác Thìn lại là "Minh Già"?

     Bác 6971, Minh "điếc" là con em miền nam tập kết theo bố mẹ ra bắc và học trường học sinh miền nam. Minh "già" thì đã từng sống lúc nhỏ ở Thái Lan. hai vị này chẳng có can cớ gì với nhau trừ cái tên "Minh".
Logged

lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #553 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2010, 09:08:29 am »

Hôm nay là ngày kỷ niệm 50 năm thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960 - 20/12/2010).

Đã lâu lắm rồi tôi mới lại thấy các cơ quan truyền thông đại chúng nhắc lại cái tên MTDTGPMNVN (có lẽ từ năm 1976) trong âm vang của bài ca Giải Phóng miền Nam với sắc cờ sao vàng nửa đỏ nửa xanh.

Thế hệ chúng tôi không bao giờ có thể quên âm hưởng hùng tráng của bài ca đó cùng lá cờ giải phóng mà một thời có biết bao người con ưu tú của đất nước đã chiến đấu hy sinh vì độc lập và thống nhất tổ quốc dưới ngọn cờ này. Dĩ nhiên vai trò lịch sử của MTDTGPMNVN đã chấm dứt khi Tổ quốc đã thống nhất nhưng ý nghĩa lịch sử của nó sẽ sống mãi trong tâm khảm của mỗi chúng ta. Không được phép lãng quên. Những cái gì của lịch sử thì phải trả lại cho lịch sử. Việc truyền thụ cho lớp trẻ cũng cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc để cho hộ thấu hiểu lịch sử và trân trọng nó.

Tôi nhớ lại hồi tháng 3 vừa qua, khi đoàn CCB của Quỹ MMT20 làm lễ xuất quân tại Nhà Văn hóa Thanh niên để vào Tây Nguyên, chúng tôi có giương cao lá cờ giải phóng ở đầu hàng quân. Có rất nhiều cháu thanh niên trong mầu áo xanh tình nguyện ra tiễn chúng tôi, rất ngạc nhiên khi nhìn thấy lá cờ này, các cháu có hỏi: "Các bác mang cờ gì thế ? Cờ của quốc gia nào thế hả bác? Chúng cháu chưa thấy bao giờ?"  Embarrassed Angry Huh. Tôi chỉ biết nói:" Cả một thế hệ các bác đã chiến đấu và hy sinh dưới lá cờ này để có ngày hôm nay".

Nhóm chúng tôi có một quy ước mỗi khi đón được một LS trở về, ngoài cờ Tổ quốc phủ lên trên linh cữu còn có một lá cờ giải phóng để bên cạnh bàn thờ.

Tại nhà tôi mỗi khi ngày 30/4 đến, bên cạnh cờ Tổ quốc là cờ giải phóng. Năm đầu tiên tôi về đây năm 2002, cậu CA khu vực, trong buổi họp ĐV sinh hoạt 2 chiều có hỏi tôi: bác treo cờ gì thế. Tôi chưa trả lời thì ông bí thư - 1 sĩ quan về hưu - đã trả lời thay: cờ giải phóng đấy, chú không biết à?  

Hôm qua anh em CCB - SV ĐHXD gặp mặt nhau nhân ngày 22/12 trên Hồ Tây, chúng tôi đã hát vang những bài ca của một thời mà mở đầu là Giải phóng miền Nam, tiếp đến Bình Trị Thiên khói lửa như thông lệ trong dịp kỷ niệm ngày nhập ngũ (27/5) và ngày thành lập QĐNDVN (22/12).

Thế đấy dấu ấn của một thời đâu dẽ quên:

Người lính già đầu bạc
Kể mãi chuyện Nguyên Phong.



« Sửa lần cuối: 21 Tháng Mười Hai, 2010, 10:26:43 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #554 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2010, 09:48:58 am »

Bác Tường nói đúng đấy ạ. Mà em ngẫm thấy thượng đế sinh ra con người vốn không hoàn thiện, cái gì cần người ta sẽ nhớ, không cần hoặc không đủ sức nhớ thì người ta sẽ quên, nhưng không có nghĩa là quên hẳn. Vậy nên bài học mới nhưng bao giờ cũng lại là bài học cũ, kể từ thời truyền thuyết Mị Châu-Trọng Thủy, Lê Lợi-Nguyễn Trãi, cho đến bây giờ. Về mặt này, truyền thống phương tây khác truyền thống phương đông.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #555 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2010, 01:36:47 pm »

Tôi xin giới thiệu với các bạn QSVN một bài viết của CCB Lê Việt. Anh nguyên là sinh viên Lý K14 ĐH tổng hợp. Anh thuộc lứa sinh viên đầu tiên của các trường ĐH nhập ngũ tháng 9/1970. Anh là pháo thủ phòng không của sư đoàn 308 đã tham chiến tại Quảng Trị ngay từ những ngày đầu chiến dịch. Sau chiến tranh anh trở lại trường tiếp tục đi học và hiện nay đang là giảng viên khoa Chính trị của trường ĐH kinh tế quốc dân. Với tôi, anh là bạn học cùng lớp phổ thông trong những năm 1966-1969 tại trường cấp 3 Yên Hòa B, Hà Nội. Sau này, hai đứa con của anh lại là học sinh của vợ tôi tại trường THCS Ba Đình, Hà Nội.


CHUYỆN CŨ NHỚ LẠI

Lê Việt
giảng viên trường Đại học KTQD,
nguyên chiến sĩ c4-d12-e58-f308
   
                                                     

Khi cầm bút viết những dòng này thì cuộc chiến khốc liệt ở Quảng Trị đã lùi xa được 34 năm, trong quãng thời gian đó cứ mỗi khi nhớ đến hai tiếng Quảng Trị hoặc có dịp gặp lại các đồng đội cũ thì bao nhiêu ký ức kỷ niệm về cuộc chiến ấy lại hiện về. Cũng có lúc chẳng hiểu làm sao bâng quơ tôi lại vẩn vơ nghĩ về những gì mình đã trải qua, đã được chứng kiến ở chiến trường Quảng Trị rồi tôi tự mình bị cuốn hút vào những kỷ niệm ấy. Những hình ảnh, kỷ niệm đã qua như một cuốn phim quay chậm ngược thời gian lần lượt đưa tôi  trở về với quá khứ, và rồi cũng có lúc như lẩn thẩn tự mình đặt ra câu hỏi: Không biết có thật mình còn sống không nhỉ ? Mình may mắn đến thế cơ à ? Có thật thế không ?...Xin kể lại với bạn những ký ức mà có lẽ không bao giờ phai mờ trong trí nhớ của tôi.

Đơn vị chúng tôi là tiểu đoàn pháo cao-xạ 37 ly thuộc trung đoàn 58, sư đoàn 308. Chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ một tiểu đoàn lựu pháo 122 ly mà tiểu đoàn này lại có nhiệm vụ chi viện cho bộ binh trong các trận đánh hiệp đồng binh chủng. Trận địa lựu pháo ở đâu thì trận địa cao-xạ cũng nằm gần đó để đánh trả máy bay địch. Đêm 30/3/1972 tiếng súng mở màn chiến dịch Quảng Trị bắt đầu thì ngày 1/4/1972 đơn vị tôi được lệnh hành quân từ Bãi Hà vào Quảng Trị. Chiến dịch mới mở nên khí thế rất nhộn nhịp. Xe pháo của đơn vị tôi hành quân theo những con đường mà công binh mới mở còn nồng lên mùi nhựa cây, lá cây bị trầy xước, dập nát, rồi mùi đất bị xới lên do máy ủi vừa làm xong. Trên đường hành quân chúng tôi gặp những đoàn dài bộ binh đi theo hàng một sát bên đường, đa số họ cũng trẻ như chúng tôi ; với khẩu AK trước ngực, vai đeo ba-lô con cóc cắm đầy lá nguỵ trang. Rồi những đoàn dân công hoả tuyến có cả con gái, chủ yếu là họ mang vác hàng hoá ra chiến trường như thuốc men, thực phẩm…Chúng tôi cũng gặp những xe tải lớn gọi là đại xa chở những hòm đạn lớn cho các trận địa lựu pháo và pháo nòng dài. Thế rồi chúng tôi cũng bắt gặp cả những xe kéo lựu pháo, pháo nòng dài và hết sức ngạc nhiên khi lần đầu tiên thấy những tốp nhỏ xe tăng, mỗi tốp 5-6 chiếc, tháp pháo quay ngược cắm đầy lá nguỵ trang, thành xe có buộc mấy chú lợn được nhốt trong rọ để làm thực phẩm sau này. Tiếng gầm của những chiếc xe tăng vang vọng cả một vùng rừng núi càng làm cho đường ra trận trở nên náo nhiệt, nhộn nhịp khác thường và rồi trước đây toàn giấu quân trong rừng sâu, trước cảnh tượng này đã láng máng hiểu rằng có một cái gì lớn lao đang sắp xảy ra, đang chờ đón chúng tôi.

(còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Mười Hai, 2010, 01:43:00 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #556 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2010, 11:27:02 am »

Hôm qua đoàn CCB của quỹ MMT20 có buổi gặp gỡ, giao lưu với các CCB, các thầy cô giáo và các SV của trường Đại học quốc gia. Buổi giao lưu diễn ra trong không khí thân mật của các thế hệ SV.

Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc rất nhiều các SV của ĐH tổng hợp, ĐH sư phạm trước đây nay là ĐHQG cùng bao SV các trường ĐH khác đã gác bút nghiên lên đường chiến đấu. Họ đã sống và chiến đấu vô cùng dũng cảm trên mọi mặt trận không hổ danh là những kẻ sĩ Bắc hà, nhiều người trong số họ đã mãi mãi nằm lại khắp các chiến trường. Chiến tranh kết thúc, các SV trở về trường tiếp tục học tập và cống hiến cho đất nước những nhà khoa học , những giáo sư, bác sĩ , những nhà quản lý, những doanh nhân trên mọi lĩnh vực của xã hội.

Những năm tháng chiến tranh và hình ảnh những bạn bè hy sinh không bao giờ phai mờ trong trong tâm khảm những Cựu Sinh viên - Chiến sĩ  hôm nay.


Các thành viên của QSVN trong đêm giao lưu.


"...Hướng về Nam, ai đã qua Đông Hà, đã đi Ngô Xá, đã qua Bích La, Thủy Ba, Triệu Phong...
...Bình Trị Thiên ôi niềm thương mến. Có ai đi về cho ta nhắn thương yêu."
[/i]
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Mười Hai, 2010, 02:19:28 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #557 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2010, 12:06:09 pm »


CHUYỆN CŨ NHỚ LẠI (2)
Lê Việt
(tiếp theo)

Khoảng 5,6 giờ chiều, đoàn xe pháo chúng tôi dừng lại và được trên thông báo chuẩn bị vượt sông Bến Hải. Bến Hải, 2 tiếng lúc này bỗng mang lại cho chúng tôi những xúc cảm kỳ lạ. Bến Hải trong sách vở từ lâu ai cũng biết là ranh giới Bắc-Nam và còn khó hình dung lắm  Nhưng lần này thì chúng tôi sắp nhìn thấy nó và sẽ vượt qua nó để sang bên kia. Qua sông là chúng tôi đã xa hẳn miền Bắc, đã bỏ lại quê hương phía sau để tới một vùng đất hoàn toàn xa lại và cứ lởn vởn câu hỏi không biết cái gì sẽ xảy ra ở phía trước ? Một cảm giác nhớ nhung, luyến tiếc, thấp thỏm…cứ thế pha trộn vào nhau.

Chúng tôi phải dừng lại để chờ khá lâu vì chỉ chỉ có một chỗ duy nhất vượt sông cho những phương tiện cơ giới. Cả đoàn xe gồm xe pháo, xe tăng, xe lội nước đều chờ để đến lượt, lúc đó mặt trận mới mở, đường vận chuyển chưa bị địch phát hiện nên không trung hoàn toàn im ắng, không một tiếng máy bay địch.

Sông Bến Hải thực tế không như tôi tưởng tượng ra. Ở thượng nguồn và vào mùa khô nó rất hẹp và nông, lòng sông chỉ rộng chừng 30 m - 40 m và nước đến ngang lưng, 2 bên bờ toàn cát và sỏi. Lúc vượt sông, trừ lái xe còn tất cả đều phải xuống lội bộ để đề phòng tai nạn. Tới bờ bên kia, theo một ý thích do tôi tự nghĩ mà bây giờ nghĩ lại mới thấy mình còn ngồ ngộ trẻ con, tôi nhặt lấy một viên sỏi cho vào túi áo để giữ lại làm kỷ niệm. Lứa chúng tôi nhập ngũ khi còn trẻ lắm, là những sinh viên năm thứ nhất, thứ hai của nhiều trường đại học, sống nặng về sách vở và những ý nghĩ bay bổng tận đâu đâu và nhiều lúc còn tỏ ra ngô nghê lắm. Chả thế từ lúc vào bộ đội tôi cứ có ý nghĩ rằng mỗi vùng đất mình đặt chân tới, mỗi sự kiện xảy ra với mình, mình phải cố tìm ra một cái gì đó để giữ làm kỷ niệm. Những vật kỷ niệm mà tôi giữ lại ngày đó có khá nhiều thứ, đó là điếu thuốc lá mà một cô gái đã mời tôi trong buổi lễ kết nghĩa giữa chi đoàn đơn vị và chi đoàn địa phương nơi tôi đóng quân. Đó là cái nút gỗ mà tôi tình cờ mà tôi nhặt được trong một lần đơn vị đi bắn đạn thật, thấy hay hay cũng giữ lại. Đó là chiếc bàn chải trên có khắc ngày tháng ghi nhớ ngày tôi đi lấy nứa ở Thanh Hoá khi xe đi qua ngầm Bến Nhạ bị đổ chổng 4 bánh lên trời may cả đoàn thoát chết. Và lần này đây một viên sỏi ở bờ sông Bến Hải, đáng giữ lại lắm chứ  Nhưng rất tiếc là những thứ đó đã thất lạc, chỉ những kỷ niệm về chúng là còn.

Sang tới bên kia sông Bến Hải, chúng tôi bắt đầu nhận thấy nhiều điều khác lạ hẳn bờ Bắc. Phía Tây Quảng Trị, phần giáp với rừng già là những gò đồi thấp mọc toàn cỏ tranh xen lẫn những bụi cây nhỏ hoặc cây lúp xúp. Tới khoảng 10 giờ đêm, sau một ngày hành quân các khẩu đội đều giấu xe pháo vào các bụi cây nhỏ ven đường mới mở và đào hầm để ngủ qua đêm. Lệnh của trên là từ lúc này trở đi không được ngủ trên mặt đất để tránh thương vong, nhưng suốt đêm đó chúng tôi không sao ngủ được vì thỉnh thoảng một vài tiếng nổ to như sấm lại vang lên, không khí xung quanh như bị dồn ép lại làm chúng tôi kinh hãi. Thì ra đó là tiếng nổ đầu nòng của pháo nòng dài 130 ly bắn vào Đông Hà, lúc đó Dốc Miếu, Cồn Tiên đã được giải phóng và ta đang tiến công giải phóng Đông Hà. Đêm đầu tiên bên kia Bến Hải đã cho chúng tôi cảm giác đến gần hơn với lửa đạn nơi chiến trường, điều mà trước đó chúng tôi chưa thể hình dung ra nổi.

(còn tiếp)
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #558 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2010, 01:56:09 pm »

Hôm nay là ngày kỷ niệm 50 năm thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960 - 20/12/2010).
...
Hôm qua anh em CCB - SV ĐHXD gặp mặt nhau nhân ngày 22/12 trên Hồ Tây, chúng tôi đã hát vang những bài ca của một thời mà mở đầu là Giải phóng miền Nam, tiếp đến Bình Trị Thiên khói lửa như thông lệ trong dịp kỷ niệm ngày nhập ngũ (27/5) và ngày thành lập QĐNDVN (22/12).

Thế đấy dấu ấn của một thời đâu dẽ quên:

Người lính già đầu bạc
Kể mãi chuyện Nguyên Phong.






Gặp gỡ các CCB - SV ĐH Xây dựng



Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #559 vào lúc: 23 Tháng Mười Hai, 2010, 02:50:12 pm »


CHUYỆN CŨ NHỚ LẠI (3)
Lê Việt
(tiếp theo)

Sau một đêm nghỉ ngơi, trưa hôm sau chúng tôi tiếp tục hành quân nhằm hướng thị xã Đông Hà. Lúc này địch đã dùng máy bay oanh tạc vòng ngoài để chặn bước tiến của quân ta. Ngày trước hồi còn nhỏ khi đi học hay ở nhà lúc thành phố Hà Nội kéo còi báo động là tất cả phải xuống hầm, chỉ nghe tiếng ùng oàng của súng nổ, khi nào còi báo yên lại ra khỏi hầm nên chẳng biết điều gì xảy ra cả. Bây giờ hành quân giữa ban ngày chúng tôi được chứng kiến tận mắt từng tốp máy bay của không quân Mỹ oanh tạc mục tiêu và chúng làm đúng bài bản chúng tôi đã được học, chiếc nào cũng chọn hướng mặt trời tăng độ cao và bổ nhào, cắt bom, từng cột khói bom dựng lên, sau đó là những tiếng nổ vọng tới. Cùng ngày hôm đó từ xa chúng tôi được chứng kiến cảnh máy bay B52 ném bom theo kiểu rải thảm. Đó là cảnh từng cột khói bom đen kịt và đậm đặc lần lượt phụt lên cuồn cuộn từ mặt đất, rồi sau một lúc những tiếng nổ liên hồi như sấm vọng đến và khói bom lan rộng ra như một đám mây đen trước cơn mưa to che kín cả một vùng trời. Trên đường vào Đông Hà cũng có lúc chúng tôi bắt gặp những chiếc xe Vọt tiến (một loại xe tải của Trung-quốc) cắm đầy lá nguỵ trang chạy ngược ra. Tò mò nhìn vào sau xe thì thấy ngổn ngang người nằm, người ngồi. Người thì cuốn băng trắng ở đầu, ở chân, ở tay, người thì mặt mũi bê bết máu. Nhìn cảnh tượng ấy chúng tôi đoán ngay là xe chở thương binh và như vậy chúng tôi đã đến rất gần mặt trận rồi và hiểu rằng cái ranh giới giữa cái sống và cái chết đang dần đến, cái cảm giác nặng nề đầu tiên xen lẫn chút sợ hãi nơi chiến trường bắt đầu ập tới.

Sau 3, 4 ngày vào tới Quảng Trị, đại đội cao-xạ chúng tôi được trên giao nhiệm vụ mới là bảo vệ cầu Trúc Khê. Đây là cây cầu trên quốc lộ 1 cách Quán Ngang vài cây số nằm trên đường tiến quân của quân ta vào Đông Hà. Trận địa của chúng tôi nằm trên một gò cát trắng rìa làng cạnh quốc lộ 1 và cách cầu khoảng 500 m. Hai ngày đầu ở đây không có gì chứng tỏ đây là chiến trường vì dân cư của mấy làng quanh đó đã bỏ đi hết, ít tiếng bom đạn, có lúc còn im ắng hoàn toàn, chỉ có chiếc OV10 thỉnh thoảng đảo qua đảo lại. Nhưng đến ngày hôm sau, đó là ngày 7/4/1972 trận đánh đầu tiên để lại thương vong cho đại đội tôi là một trận đánh khó quên.

(còn tiếp)

Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM