Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 06:00:37 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa  (Đọc 388258 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #510 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2010, 10:59:18 pm »

CHUYỆN VỀ NHỮNG NGƯỜI ANH (7)
(tiếp theo)

Chúng tôi đi B vào một ngày cuối tháng 7/1972 (có lẽ là ngày 27/7 thì phải). Chặng đường hành quân đi B tôi đã nói đến trong phần đầu của Ngược dòng ký ức. Anh Được, anh Oanh chia tay tôi ở Bãi Hà. Anh Oanh về d17 công binh của f325, anh Được cùng 9 người nữa về c17 công binh/e95/f325. Chúng tôi về e101/f325 ở cánh Đông Quảng Trị.

Anh Được hy sinh ngày 18/1/1973 chỉ trước khi HĐ Paris có hiệu lực có 10 ngày. Lê Cường và anh em c17 có kể lại hôm đó anh Được cùng 3 người khác (2 bộ binh, 1 trinh sát) sang đồi Chè bên Tích Tường để tìm vị trí phóng bom thì bị lộ, cả 4 người hy sinh. Sau khi ký HĐ hai bên có tiếp xúc với nhau và lính địch cho biết có 4 xác quân ta để lại trong đó có 1 người trắng trẻo và có răng khểnh - đó là anh Được. Sau khi tôi trở lại đơn vị và nhận được tin anh hy sinh qua thư của bố tôi. Mãi đến khi trở về trường học gặp lại anh em bên c17/e95 mới biết đầy đủ tình tiết những anh em hy sinh bên đó. c17/e95 có 10 người chúng tôi về thì 3 hy sinh đó là anh Được, Huỳnh và Sản ở K14X. K13C về đấy có 3 là Được, Huỳnh và Lê Cường thì chỉ còn Cường trở về. Nói chung số SV ĐHXD chúng tôi về e95 chủ yếu là về các đại đội trực thuộc nên hy sinh không nhiều (cho đến giờ mới là 3 ở c17, còn ở các c18 thông tin, c20 trinh sát và c25 vận tải không có - có thể về các đơn vị không nhiều).

Sản hy sinh khi vượt sông sang bên bờ Tích Tường - Như Lệ. Cách đây mấy năm chúng tôi tìm thấy mộ của Sản ở NTLS Hải Phú và gia đình đã đưa Sản về Quế Võ, Bắc Ninh.

Khi phường Cửa Nam khánh thành bia tưởng niệm các LS của phường tại chùa Chân Tiên (phố Lê Duẩn), bố tôi lúc đó là chủ tịch mặt trận tổ quốc phường Cửa Nam không thấy tên anh Được nằm trong danh sách các LS đã bảo tôi: "Con và các bạn đi tìm gia đình anh Được giờ ở đâu để hỏi xem nơi ở mới người ta có đưa tên tên anh vào bia LS không?".. Còn mẹ tôi trong lòng bà vẫn là hình ảnh anh Được và Cao Minh Sơn vào cái ngày chúng tôi đi B, bà chỉ dặn tôi mỗi lần đi Quảng Trị: "Nhớ tìm anh Được và thằng bé xinh trai ở Hải Phòng về".

Ở 38 ngõ Nam Ngư là nhà anh Đỗ Bảo Lâm K13X, anh ở c1/d1/e101/f325 và đã hy sinh ngày 16/9/1972 tại An Tiêm (xã Triệu Thành, Triệu Phong). Anh cũng như các anh em hy sinh tại đây sau khi được người dân phát hiện và được quy tập về NTLS nhưng không có tên trên bia mộ. Sau này Ninh Viết Lập - đồng đội và là bạn học cùng lớp - đã quay trở lại NTLS Triệu Thành, với cách cắm trứng như cách làm ở 1 số vùng đi tìm mộ bị mất, Lập đã xác định được ngôi mộ của anh Lâm. Sau đó gia đình đã đưa anh Lâm về nằm tại NTLS Tây Tựu, Hà Nội.

Qua 1 người em của anh Lâm lại là bạn của em trai anh Được, chúng tôi liên lạc được với anh Thực - em trai út của anh Được. Anh Thực cho biết khi ông cụ thân sinh mất trong số giấy tờ để lại không hề tìm thấy những giấy tờ chứng nhận liệt sĩ của anh Được...

Anh Được như tôi nói ở trên có người yêu tên là O. học cùng lớp. Trước khi đi B, O. đã lên thăm anh và họ đã dâng hiến cho nhau...O.mang trong mình giọt máu của anh Được, nhưng sau khi anh Được hy sinh một thời gian O.lấy chồng cũng là bộ đội. Khi O. mắc trọng bệnh, bạn bè học với nhau có đến thăm và biết O. có 2 con gái mà cháu lớn sinh năm 1973. O. không qua khỏi, sau khi sang cát cho O., người chồng đưa vợ và 2 đứa con về quê.

Sau khi biết câu chuyện này, chúng tôi giao cho H. là người học cùng O. (H. cũng ở c17 và học K14C) phải tìm cách bắt liên lạc những bạn bè cũ để hỏi cho ra quê của người chồng của O. Biết đâu đấy đứa con gái lớn của O. lại là giọt máu của anh Được thì sao? Nếu đúng vậy thì đồng đội phải có trách nhiệm với cháu và nhất là phải trả lại thân phận cho cháu.

Gặp anh Thực, chúng tôi cũng kể lại câu chuyện trên cho Thực được biết. Anh Thực cho biết thời gian anh Được đi B và sau này O. có hay đến nhà. Sau đó rồi không thấy đến có thể đã đi lấy chồng...Còn chuyện kia thì cũng không biết....

(còn tiếp) 
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #511 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2010, 11:50:02 pm »

CÂU CHUYỆN VỀ NHỮNG NGƯỜI ANH
(đoạn kết)

Anh Thực là phó giám đốc nhà máy cơ khí Nam Hồng bên Đông Anh, công việc của một PGĐ kỹ thuật của nhà máy cũng rất bận cho mãi tới đầu tháng 8/2006 anh mới thu xếp cùng chúng tôi vào Quảng Trị. Chuyến đi này chúng tôi không hy vọng tìm được thông tin vể mộ anh Được nhưng việc đưa em trai anh Được trở lại khu vực anh đã hy sinh biết đâu đấy lại có những thông tin mới về anh qua con đường tâm linh.

Đoàn chúng tôi gồm có anh Thực, Lê Cường, Hùng côn và tôi đi tầu đêm vào Đông Hà. Đến nhà khách của Thành cổ mấy anh em ở Quảng Trị như Khư, Bình K8 đã đợi sẵn ở đấy và cả Chiến đang làm công trình ở Đà Nẵng cũng đã ra để cùng đi. Chúng tôi đi bằng xe máy dọc sông qua Như Lệ đến Tích Tường, đây chính là dải đất hẹp nằm bờ Nam Thạch Hãn nơi những trận huyết chiến không kém phần ác liệt của e95 sau khi rút khỏi Thành cổ. Cường dẫn chúng tôi lần theo bờ sông nơi có con lạch đối diện với bến Thượng Phước mà c17 phải đưa xuồng cao-su qua sông, rồi đến chân đồi Chè.

Tại đây sau giải phóng địa phương đã quy tập được rất nhiều anh em mình đã hy sinh đưa vào NTLS Hải Phú, khả năng anh Được nằm trong số đó. Chúng tôi cũng hỏi thông tin về những anh em mình hy sinh mà địch đã gom lại để chôn nhưng không một ai biết chuyện này, có thể thời gian đã qúa lâu...Ở c17 với nhau nhưng anh Được lại ở b chiến đấu với nhiệm vụ đi phóng bom, cài mìn, còn Cường lại ở b bảo đảm chuyên chở xuồng qua lại sông, nên cụ thể nơi anh Được hy sinh chỗ nào cũng không rõ. Nhưng chắc chắc chắn không thể ở sâu được vì quân ta chỉ bám trụ ven bờ sông mà thôi.


Đường vào Tích Tường, bên kia sông là Thượng Phước


Vị trí bến Tích Tường nơi có lạch nước đầu làng

Sau một ngày kiếm tìm tại Tích Tường-Như Lệ không có kết quả, chúng tôi về thị xã để nghỉ ngơi để hôm sau  vào NTLS Hải Phú. Đây là 1 NTLS cấp xã nhưng có tới hơn 3000 mộ LS, hầu hết là chưa biết tên của đủ các đơn vị tham chiến tại Quảng Trị. Tại đây Cường tìm thấy mộ của Chuyên,  người bị thương nặng cùng chiếc xuồng cao-su với Huỳnh nhưng ra tới viện thì hy sinh. Sau đó 1 tháng chúng tôi có đưa gia đình vào để đưa Chuyên về quê. Hôm ấy lại đúng vào ngày 16/9 - ngày mất Thành cổ.


Di ảnh của LS Nguyễn Trần Được


Tại NTLS Hải Phú

Tại NTLS huyện Hải Lăng, chúng tôi gặp vợ chồng ông bà quản trang. Ông vốn là cán bộ phòng Nông nghiệp và PTNT của huyện khi về hưu đã xin ra làm quản trang. Tại đây anh Thực cắm trứng ở đài chính thì trứng đậu, nièm hy vọng nhen nhóm trong mấy anh em chúng tôi, nhưng khi cắm trứng ở 1 số mộ khác lại cũng đậu. Không hiẻu ra sao, ông quản trang khẳng định mấy ngôi mộ đó quy tập từ xã Hải Trường về chứ không phải từ Hải Lệ.

Trứng đậu trên đài chính.


Một ngôi mộ trứng đậu.


Ngôi thứ hai...


Đến ngôi thứ 3 trứng vẫn đậu


Vợ chồng ông bà quản trang tại NTLS Hải Lăng.

Việc đi tìm anh Được không thành công nhưng chúng tôi xác định đây mới là lần đầu và anh Thực đã được chúng tôi đưa đi thăm rất nhiều NTLS từ Hải Phú vào Hải Lăng, về Hải Thượng xuống Triệu Phong, ra Cửa Việt đến Ái Tử...biết đến một vùng đất thẫm đẫm máu xương của biết bao chiến sĩ trong đó có anh trai mình.


NTLS Hải Thượng


Mộ của anh Lan (thứ tư) - người hy sinh cùng với Lê Văn Huỳnh - trong NTLS huyện Triệu Phong (Ái Tử)


Trong NTLS Ái Tử (Hùng côn và anh Thực)

Sau chuyến đi đó anh Thực có hẹn chúng tôi đến năm tới sẽ lại đi tiếp, nhưng không ngờ rằng đây chính là lần duy nhất và cũng là lần cuối cùng anh Thực đi với chúng tôi. Một tai nạn khủng khiếp đã xẩy ra ngay cổng nhà máy cơ khí Nam Hồng - nơi anh công tác - khi một chiếc xe chở phôi thép đâm vào anh. Mọi dự định của anh đành phải dừng lại. Thật là đau xót quá anh Thực ơi.

Đấy, câu chuyện về những người anh là như thế đấy. Các anh mỗi người một vẻ, dù chỉ ở bên nhau với quãng thời gian rẩt ngắn nhưng những việc làm, suy nghĩ, hành động của các anh đã ít nhiều ảnh hưởng đến suy nghĩ và cách hành xử của tôi. Tôi cho rằng có được ngày hôm nay là vì có ngày hôm qua mà ở đó chúng tôi đã sống, chiến đấu và trưởng thành bên nhau với tình người bất diệt.
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Mười Hai, 2010, 01:26:39 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #512 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2010, 01:48:58 pm »


HÀNH TRÌNH MÃI MÃI TUỔI 20 (4)


Xin post một ảnh minh họa cho bác LXT. Bác LXT ghi giúp chú thích cho ảnh nhé.

Tại NTLS Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Mười Hai, 2010, 10:44:16 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
GiangNH
Thành viên
*
Bài viết: 1146


« Trả lời #513 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2010, 11:32:49 pm »

 Em xin chia buồn với gia đình bác T. Vụ tai nạn kinh hoàng đó chỉ xảy ra ở Việt nam. Xe ô tô Hundai, ọp ẹp(Không phải của Hà nội), chạy hướng từ Nội bài về Hà nội, trên xe đầy sắt vụn, tránh nhau với 1 xe buys(cũng không phải của HN)bỗng nhiên lao qua đường ngang của dải phân cách cao tốc Bắc TL-Nội bài, đâm vào bác T đang đứng tận bên kia đường.

 Giờ em mới biết bác T là lính Quảng trị 1972, ước gì bác vẫn còn!

 Công ty cơ khí Nam hồng, xưa kia gọi là nhà máy cơ khí Minh lam, vốn dĩ nó nằm trên đất xóm Chùa, phật phù hộ, nên trong suốt chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, không bị dính quả bom nào. CKNH có vô số cựu binh làng em làm việc tại đó. Gồm cựu KCCP, KCCM nhiều nhất là cựu D8E209F312(lính 1967, đánh nhau ở Chư pả-Gia lai kon tum 1968, Đông Nam bộ 1970-1972), CTBG nhiều nhất là cựu E141F7(lính 1978)

 Em tò mò tý: Bác Hùng "côn" em đã gặp ở đâu rồi(ngoài đời, ít nhất 1 lần)
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Mười Một, 2010, 11:56:16 pm gửi bởi GiangNH » Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #514 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2010, 11:57:56 pm »



Qtdc ơi! Việc này cũng hơi bị buồn đấy. Ngay từ năm 1995 chúng mình đã tập hợp nhau lại mà nòng cốt là anh em đã tham chiến tại QT nhập ngũ đợt 27/5/1972 lấy tên là CCB-SV ĐHXD để sinh hoạt có tổ chức. Mỗi năm 2 lần gặp nhau vào dịp nhập ngũ và dịp 22/12. Chúng mình cũng đã đặt vấn đề với Hội CCB trường ĐHXD đứng ra làm việc với trường v/v giành riêng trong phòng truyền thống 1 góc để tri ân những thầy giáo và SV của trường đã hy sinh. Tại đây những dịp 27/7, 22/12 hay ngày nhập ngũ các CCB của trường trở về tưởng nhớ tới bạn bè của mình. Tiến tới trong khuôn viên của trường sẽ làm 1 cái gì đó (không nhất thiết phải tượng đài) để tri ân những người đã hy sinh nhưng trong tâm khảm họ vẫn ấp ủ một  ngày mai sẽ trở về tiếp tục những gì còn dang dở. Nhưng những yêu cầu đó chưa được giải đáp. Hội CCB trường ĐHXD có lẽ tiếng nói chưa có trọng lượng lắm thì phải mặc dù 2 ông chủ nhiệm của 2 khoa đều là lính Thành cổ và một số anh em khác nữa . Hồi ấy ông chủ tịch kiêm trưởng phòng công tác chính trị là người biên soạn cuốn sách về trường trong dịp 50 năm thành lập trường mà giành cho 1 thế hệ thầy và trò cầm súng ra trận những dòng quá nghèo nàn...Khi lá thư của Lê Văn Huỳnh được đăng tải trên các báo chí cũng như trên các phương tiện truyền thông, dĩ nhiên có những tin chưa chính xác như Huỳnh học khoa cầu đường ĐHBK thì ở trường đã có vị chức sắc nổ rằng phải gửi công văn yêu cầu xin lỗi và cải chính là ĐHXD...Trong khi đó trường không hề có 1 động thái nào về hỏi thăm gia đình Lê Văn Huỳnh. Mãi mấy năm sau việc đó mới làm được mà do các CCB của trường tổ chức.

Nhìn sang hàng xóm của trường như ĐHKTQD, ĐHBK thì mới thấy việc giáo dục truyền thống cũng như tri ân những thế hệ cầm súng mới tốt đẹp làm sao. Hay như bên ĐH thủy lợi khi biết Nguyễn Kỳ Sơn đã để lại những trang viết cháy bỏng trước khi hy sinh, Đảng ủy, BGH đã phát động phong trào học tập LS và tổ chức 1 đoàn đại biểu về thăm viếng quê của LS, thậm chí còn đề nghị lập hồ sơ xét công nhận Anh hùng cho Sơn.

Tuy vậy chúng tôi vẫn coi ĐHXD là điểm tựa, là cái nôi đào tạo, là niềm tự hào mà trong những ngày tháng chiến đấu ác liệt vẫn luôn là nơi gửi gắm niềm tin vào ngày chiến thắng. Hiện trong phòng truyền thống có 3 món quà của chúng tôi tặng trường: dịp 55 năm (2001) là 1 đĩa đồng lớn khắc họa 1 lứa SV tạm biệt trường ra trận, dịp 60 năm (2006) là lá cờ đỏ có lô-gô của CCB-SV Đại học XD và dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập QĐNDVN 22/12/2009 chúng tôi làm 1 tượng đồng đặt trong phòng truyền thống. Đây là hình tượng người chiến sĩ giơ tay vẫy chào ( có thể lúc ra đi và có thể lúc trở về), nửa thân dưới của anh như là 1 tảng đá sừng sững với những tên của những người đã hy sinh được khắc sâu như lời 1 bài hát dòng tên anh khắc vào đá núi.... Bức tượng được đặt tên Chào nhé mái trường yêu !, đây là 1 tứ trong lời trong bài hát Ngày chiến thắng ta lại về trường của thầy Trương Hùng Cường sáng tác tặng những lứa SV lên đường nhập ngũ:

"Hôm nay ta lên đường ra tiền tuyến.
 Chào nhé mái trường yêu! Ta yêu những giấc mơ mà ta thường ấp ủ bao lâu rồi. Tổ quốc thân yêu của chúng ta, giặc Mỹ đang xéo dày, ta không thể ngồi yên. Đi! Đi lên đồng chí ta ơi! Mạnh bước chân ta, băng băng qua Trường Sơn, căm thù nung nấu nhiều rồi.
Đi! Mang theo cả trái tim ta kiêu hãnh đập thay cho cả loài người".

Mai đây ta sẽ về khi toàn thắng.
Về với mái trường yêu, ta xây thêm giấc mơ mà ta thường ấp ủ bao lâu rồi.
Tổ quốc thân yêu của chúng ta, giặc Mỹ đang xéo dày, ta không thể ngồi yên. Đi! Đi lên đồng chí ta ơi! Mạnh bước chân ta, băng băng qua Trường Sơn, căm thù nung nấu nhiều rồi.
Đi! Mang theo cả trái tim ta dũng mãnh đập thay cho cả loài người."






   
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười Hai, 2010, 01:00:15 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #515 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2010, 01:05:07 am »

Chỉ có thể nói là đáng tiếc và đáng buồn bác Tường ạ. Khóa 13 và 14 ở lại trường rất nhiều. Những năm 90-95 các bác ấy là lứa giảng viên chủ lực. Không có ai có thể làm những việc ấy tốt hơn là các bạn đồng đội cùng trường và bạn học cùng khóa, cùng lứa và phải có sự hỗ trợ của ban giám hiệu.
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Mười Hai, 2010, 02:16:00 am gửi bởi qtdc » Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #516 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2010, 08:02:43 am »


 Giờ em mới biết bác T là lính Quảng trị 1972, ước gì bác vẫn còn!
 
 Em tò mò tý: Bác Hùng "côn" em đã gặp ở đâu rồi(ngoài đời, ít nhất 1 lần)

Anh T không phải là lính QT mà là em trai LS Nguyễn Trần Được mà mình viết trong bài Chuyện về những người anh.

Còn Hùng côn cùng lứa nhập ngũ với mình, đầu tiên là lính bb của c1/d1/e101/f325 sau chuyển về trinh sát kỹ thuật a12/f325. Bác ấy công tác ở Viện KTCNKH GTVT. Chúng mình cứ đùa khi nào có cầu nào sắp sập thì có mặt Hùng côn để đến thử tải. Cho nên ông ấy chỉ mong cầu hỏng nhiều để có việc làm Cheesy. Chắc quê của GiangNH có cầu sắp sập nên mới thấy bác ấy quen quen phải không? Grin
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #517 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2010, 12:43:48 pm »

THÁNG BA TÂY NGUYÊN (1)

Cứ mỗi đận tháng 3 về, trời Hà Nội vẫn còn se lạnh nhưng những tia nắng xuân đã rực rỡ xua đi cái ẩm ướt còn rơi rớt lại của mùa đông. Trong những dịp này sau ngày Tết Nguyên tiêu rằm tháng giêng người ta nô nức đi lễ hội đầu xuân để cầu phúc, cầu lộc, cầu an... nhưng với những CCB đã từng chiến đấu trong trận mở màn tại Ban Mê Thuột, trận mở đầu cho một mùa xuân đại thắng đưa non sông về một cõi, lại rộn lên âm hưởng hùng tráng của Tháng ba Tây Nguyên: "Tháng ba mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông lấy nước...", lại thả hồn mình về miền đất cao nguyên đầy nắng gió ấy nơi mà một thời để nhớ, để thương...

Nhận lời mời của BTC lễ kỷ niệm 35 năm chiến thắng BMT, Quỹ mãi mãi tuổi 20 cùng với Hội Cựu SV-CS Thành cổ Quảng Trị tổ chức 1 đoàn đại biểu về dự lễ kỷ niệm tại TP BMT. Đoàn là những CCB của các đơn vị đã từng chiến đấu tại Thành cổ QT năm 1972 và đã tham gia chiến đấu giải phóng BMT tháng 3/1975. Trong đoàn còn có những đại biểu của thanh niên, SV của các trường ĐH đại diện cho thế hệ trẻ thủ đô vào tri ân những con người đã một thời chiến đấu vì độc lập và thống nhất Tổ quốc.

Chiều thứ bẩy 6/3/2010 đoàn làm lễ xuất quân tại Nhà văn hóa thanh thiếu niên ở hồ Thuyền Quang và tới thắp hương trước tượng đài LS Bắc Sơn. Ra tiễn đoàn có đại diện của Thành đoàn TNCS HCM, Hội Thanh niên VN, Hội CCB TP, các đơn vị tài trợ cùng đông đảo các phóng viên của các cơ quan truyêng thông TW và Hà Nội.

Đoàn gồm hơn 130 người chia làm 2 hướng hành quân: - Hướng thứ nhất bao gồm các CCB của e95/f325 - những người đã kiên cường chiến đấu trong suốt 64 ngày đêm tại Thành cổ QT và sau đó đã bám trụ giành giật từng tấc đất với địch tại dải đất hẹp Tích Tường - Như Lệ. Đầu năm 1975, các anh đã bí mật rời đội hình sư đoàn vào một ngày giáp Tết vượt Trường Sơn sang Lào để tiến sâu về phía Nam. 30 Tết năm đó các anh đón giao thừa tại 1 địa đểm gần ngã 3 biên giới. Rạng sáng ngày 10/3 tiếng súng chiến dịch Tây nguyên mở màn, e95 mang tinh thần quyết chiến của những người lính Thành cổ QT tấn công ngã 6 và từ đó đánh chiếm BTL sư đoàn 23 của ngụy . Giải phóng BMT, các anh trong đội hình của sư 320A tham gia truy đuổi địch trên đường 7 tại Cheo Reo - Phú Bổn. Những ngày đầu tháng tư 1975, các anh cùng với QĐ 4 vây hãm địch tại Xuân Lộc và chốt chặn tại ngã ba Dầu Giây tạo thuận lợi cho đại quân ta công phá Sài gòn từ hướng Đông. Hôm nay các anh hành quân bằng xe lửa để vào Quy Nhơn, từ đó sẽ theo đường 1 vào Tuy Hòa và ngược đường 25 (đường 7 cũ) thăm lại con đường đã đi vào lịch sử chiến trannh để lên Tây Nguyên.

- Hướng thứ 2 gồm 2 xe với gần 80 người hành quân theo đường 1 qua Quảng Trị để cẩn cáo với các LS về chuyến hành quân trở lại Tây nguyên này.

Tôi đi theo tốp hành quân bằng đường bộ. Tốp này có rất nhiều CCB của lữ đoàn xe tăng 273 đã chiến đấu tại Tây Nguyên, họ vốn là các SV của các trường ĐH Hà nội nhập ngũ những năm 1971, 1972 cùng các đơn vị khác, không ít các CCB của các đơn vị B3 cũ như sư 320A, sư 10 ... đã lăn lóc nhiều năm tại chiến trường Tây Nguyên.

Đã lâu lắm rồi chúng tôi mới lại hành quân đêm trong 1 đội hình đông đảo như thế này. Những bài hát của người lính được hát lên vô cùng sôi động.

Sáng hôm sau chúng tôi có mặt Thành cổ QT để làm lễ cẩn cáo với các đồng đội mình đã yên nghỉ nơi đây.

(còn tiếp)

« Sửa lần cuối: 01 Tháng Mười Hai, 2010, 04:37:45 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #518 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2010, 01:07:08 pm »

THÁNG BA TÂY NGUYÊN (2)
(tiếp theo)


Lời cẩn cáo trước Đài tưởng niệm Liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị



Kính thưa anh linh của các LS.

Hôm nay là ngày 7/3/2010 nhằm ngày 22 tháng giêng năm Canh Dần, đoàn đại biểu của Quỹ MMT20 gồm những CCB nguyên là sinh viên các trường ĐH Hà Nội của các đơn vị đã chiến đấu tại mặt trận QT mùa hè năm 1972, cùng các em SV các trường ĐH Hà Nội có mặt tại đây kính dâng lên các LS - những đồng đội thân yêu của chúng tôi, những con người luôn sống mãi với lứa tuổi 20 - lòng tiếc thương của những thế hệ hôm nay.

Vào mùa hè năm 1972 chúng tôi cùng các bạn đã từng chiến đấu giành giật từng tấc đất nơi đây: Thành cổ QT, Bến vượt, Tích Tường, Như Lệ, Chợ Sãi, Triệu Phong … Đầu xuân năm 1975, chúng tôi đã tạm chia tay với các bạn mang theo một Thành cổ và những đồng đội đang nằm lại nơi này và thầm hứa với các bạn một ngày nào đó chúng tôi sẽ trở lại, và những người lính đã từng chiến đấu nơi đây tiến vào giải phóng Tây Nguyên. Ngày 10/3/1975 chúng tôi đã nổ súng tiến công Buôn Ma Thuột. Đây là một đòn điểm huyệt khiến cho kẻ thù phải tháo chạy khỏi Tây Nguyên làm rung động toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch. Với đà thần tốc xốc tới chúng ta đã giải phóng Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, băng qua duyên hải miền Trung chọc thủng phòng tuyến Phan Rang - Thành Sơn. Từ Buôn Ma Thuột những chiến binh quả cảm được tôi luyện tại Thành cổ Quảng Trị đã truy đuổi địch tại Cheo Reo, Phú Bổn ; mở tung cánh cửa thép của  địch tại Xuân Lộc và Ngã 3 Dầu Giây tạo thuận lợi cho cánh quân Duyên hải công phá Nước Trong, Long Thành, Thành Tuy Hạ ..., vượt sông Sài Gòn để cắm lá cờ giải phóng trải qua một chặng đường dài gian khổ từ mảnh đất Quảng Trị kiên cường lên trên nóc dinh Độc lập - dinh lũy cuối cùng của kẻ thù - trưa ngày 30/4/1975 kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh đưa giang sơn về một mối.

Hôm nay nhân dịp kỷ niệm 35 chiến thắng Buôn Ma Thuột, chúng tôi những CCB năm xưa - những đồng đội của các bạn, những người đã từng sống chiến đấu gian khổ cùng các bạn trong 81 ngày đêm - lên đường trở lại Buôn Ma Thuột vào đây để cẩn cáo trước anh linh của các liệt sĩ rằng những gì các bạn đang làm dở chúng tôi đã làm và tiếp tục đi theo con đường của cả một thế hệ đã dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho độc lập và thống nhất Tổ quốc. Vong linh của các bạn sẽ mãi mãi bất tử cùng với Bản anh hùng ca đầy bi tráng của Thành Cổ QT và muôn đời sống mãi trong tâm thức của các thế hệ con dân đất Việt. Cầu mong cho anh linh của các bạn được siêu thoát và phù hộ cho quốc thái dân an. Trong cuộc hành quân trở lại chiến trường xưa hôm nay mong các bạn đi cùng chúng tôi tới mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió, thăm lại mảnh đất Buôn Ma Thuột nơi dấu chân những binh đoàn thiện chiến của chúng ta từ QT cùng với các đơn vị bạn tiến vào Buôn Ma Thuột và gặp lại những đồng đội của chúng ta đã an nghỉ tại mảnh đất cao nguyên này. Các bạn hãy phù hộ chúng tôi được bình an trong chuyến đi này cũng như năm xưa đã cùng chúng tôi tiến về giải phóng Tây Nguyên mở đầu cho một mùa xuân đại thắng của dân tộc...

(còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười Hai, 2010, 10:51:35 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #519 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2010, 09:58:26 pm »

THÁNG BA TÂY NGUYÊN (3)
(tiếp theo)


Trước Đài chứng tích Sinh viên - Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị


...Trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc đã có mặt nhiều thế hệ các Thầy, Cô giáo và Sinh viên các trường ĐH và đặc biệt tại mặt trận QT này biết bao các SV - CS, những người đã xếp lại bút nghiên lên đường tham gia cứu nước, đã chiến đấu vô cùng dũng cảm lập nhiều chiến công xuất sắc. Họ đã không hổ thẹn với non sông, đất nước mà hình tượng cây thiên mệnh tại đài tượng niệm như một ngọn bút của kẻ sĩ viết lên bầu trời xanh Bản anh hùng ca 81 ngày đêm Thành Cổ QT.

“ Tại đây Thành cổ QT kiên cường, bao chiến sĩ SV Việt nam đã anh dũng chiến đấu vì độc tự do và thống nhất Tổ quốc. Nhiều người trong số họ đã hy sinh oanh liệt.
Các anh sống mãi trong lòng đất nước, nhân dân và đồng đội thân yêu.”  


Đã gần 40 năm qua kể từ mùa hè năm ấy những người lính QT chúng ta chưa quên bạn bè, đồng đội hy sinh tại nơi đây. Địa danh Thành cổ vẫn là nỗi se sắt sống mãi trong tâm thức mỗi người lính chúng ta.

Trong chúng ta, không ai lựa chọn chiến tranh, nhưng chiến tranh giải phóng dân tộc lại lựa chọn thế hệ chúng ta để thử thách phẩm chất làm người.

Không ai lựa chọn sự gian khổ, nhưng gian khổ thiếu thốn lại làm bật dậy giá trị tinh thần cao quý, làm nên sức mạnh chiến thắng.

Sự sống thật là quý giá giữa chảo lửa khổng lồ và chúng ta chấp nhận sự hy sinh bằng cách ngẩng cao đầu giữ trọn lời thề Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Vào những ngày này cách đây 35 năm chúng ta đã rời mảnh đất QT để lại sau lưng một Thành cổ QT và của một dải đất hẹp Tích Tường, Như Lệ để tiến sâu vào Tây Nguyên và cùng các đơn vị bạn tiến đánh Buôn Ma Thuột giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên truy đuổi địch trên đường 7 tại Cheo Reo, Phú Bổn tạo đà cho đại quân ta thần tốc giải phóng Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng và băng qua duyên hải miền Trung đập nát tuyến phòng thủ Phan Rang - Thành Sơn  ; mở tung cánh cửa thép Xuân Lộc và Ngã ba Dầu Giây cùng với cánh quân Duyên Hải công phá Long Thành, Thành Tuy Hạ, vượt sông Sài Gòn để tiến vào đánh chiếm hang ổ cuối cùng của kẻ thù kết thúc một chặng đường gian khổ từ chân Thành cổ QT bên dòng Thạch Hãn cho tới dinh Độc lập bên dòng sông Sài Gòn. Trong những trận chiến cuối cùng này lớp lớp SV - CS của chúng ta đã trưởng thành và tiếp tục xung trận với ý chí quyết thắng của những chiến binh Thành cổ năm xưa. Nhiều đồng đội của chúng ta đã nằm lại đây không được hưởng trọn vẹn niềm vui của ngày chiến thắng.

Và hôm nay trước Đài Chứng tích Sinh viên - Chiến sĩ Thành cổ QT, trước lúc lên đường trở lại Buôn Ma Thuột sau 35 năm, chúng tôi những đồng đội của các bạn xin gửi tới các bạn lòng tiếc thương vô hạn của những người còn sống hôm nay, cầu chúc các bạn thanh thản ở nơi xa phù hộ cho quốc thái dân an, phù hộ cho chúng tôi làm tiếp những gì mà các bạn đang làm dở. Chúng tôi tin rằng các bạn vẫn cùng chúng tôi đi tiếp hành trình của ngày hôm nay. Các bạn hãy phù hộ chúng tôi được bình an trong chuyến đi này...


Quỹ MMT20 cùng các Cựu SV-CS trao học bổng cho các cháu học sinh nghèo vượt khó và các cháu trường dân tộc nội trú của tỉnh Quảng Trị

(còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười Hai, 2010, 10:56:01 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM