Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:06:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa  (Đọc 387894 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #460 vào lúc: 05 Tháng Mười Một, 2010, 10:10:03 am »

CHÚNG TÔI VÀ LÊ VĂN HUỲNH (2)
(tiếp theo)

Tháng 4/2001 nhân dịp kỷ niệm 29 năm giải phóng Quảng Trị chúng tôi quyết định tổ chức một chuyến đi cho anh em và gia đình về Quảng Trị. Chuyến đi có tổ chức đầu tiên đã thành công ngoài mong đợi. Chúng tôi được Đảng ủy, chính quyền và BCH quân sự  huyện Triệu Phong đón tiếp một cách trọng thể. Chúng tôi đã làm lễ thả hoa tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh trên dòng Thạch Hãn tại bến vượt vào Thành; làm lễ dâng hương tại các NTLS một dải Thạch Hãn từ Thành Cổ cho tới Cửa Việt. Chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều đồng đội đang an nghỉ tại các nghĩa trang này và đã gửi thư thông báo về cho gia đình được biết...Chính chuyến đi này đã tạo thuận lợi cho các chuyến đi tìm đồng đội sau này cũng như làm những công việc góp phần cho việc tri ân những người đã hy sinh trên mảnh đất này. Sự thành công của chuyến đi này là do công tác chuẩn bị hết sức chi tiết từ việc lập các phương án đi lại, ăn ở cho đến việc viết thư liên hệ trước với các đ/c ở Triệu Phong sắp xếp hành trình cho chu đáo.

Biết rằng việc đi tìm đồng đội đã hy sinh là vô cùng gian nan vất vả cho nên việc chuẩn bị cho  chuyến đi phải hết sức chu đáo đến từng chi tiết. Cường và Sơn cụt không còn nhớ chính xác địa điểm nào đã chôn cất Huỳnh nhất là sau gần 30 năm cảnh vật đã thay đổi rất nhiều và chúng tôi xác định có thể cứ men sông từ cầu Quảng Trị mà đi ngược lên. Tuy tôi và Hùng côn không cùng trung đoàn với Huỳnh nhưng chúng tôi quyết định tham gia vì nghĩ đến việc phải hỗ trợ Sơn cụt vì nó chỉ còn có một chân, mặt khác chúng tôi đã gắn bó với nhau từ khi nhập ngũ, huấn luyện ở Tân Đức và cùng hành quân vượt Trường Sơn ra trận. Tôi đã viết thư gửi cho các đ/c ở Huyện đội Triệu Phong nhờ giúp đỡ khi chúng tôi vào đến nơi.

Tối ngày 6/9/2002 chúng tôi lên tầu vào Quảng Trị, lúc đi qua nhà chị Châu để ra ga tôi có tạt vào nhờ chị hôm này (8/9) là ngày giỗ anh Minh thắp hương khấn anh ấy phù hộ cho tôi đưa được bạn mình về cũng như năm 1990 đã vào Bình Long để đưa anh về. Đoàn đi tìm Huỳnh về phía gia đình có anh Chẩm là anh trai, chị gái của Huỳnh, cô Sơ là vợ Huỳnh và một cô em họ của Huỳnh, phía đồng đội có Lê Cường, Sơn cụt, là hai người đã chôn cất Huỳnh cùng ra đi từ trường ĐHXD; Đạo và Hiện cùng c17 ngày ấy quê Hưng Yên, Hùng côn và tôi ngoài ra còn có bố và em trai của Thiệm cũng ở Thái Bình cộng là 12 người.

Huỳnh khi còn học ở trường có yêu một cô bạn gái học cùng lớp quê Hải Dương nhưng khi được tin đi bộ đội đã quyết định lấy cô Sơ người cùng xã để có điều kiện chăm sóc mẹ già. Họ lấy nhau được một tuần thì Huỳnh lên trường để nhập ngũ. Việc Huỳnh lấy vợ trước khi nhập ngũ không phải ai cũng biết ngay cả lá thư đề ngày 11/9/1972 đến khi chúng tôi lên đường đi tìm Huỳnh mới được biết có lá thư này. Lá thư này Huỳnh viết trong những ngày ác liệt nhất của cuộc chiến bảo vệ Thành Cổ. Nhưng rồi cũng chẳng kịp gửi đi mãi cho tới khi Huỳnh hy sinh ngày 2/1/1973 nó mới được chuyển về cho gia đình cùng với những di vật khác. Lá thư gửi về cho người thân của một người chiến sĩ trước khi hy sinh, như một lời nhắn nhủ cho mai sau biết được cái chết sẽ đến với mình nhưng lại vô cùng thanh thản động viên những người ở lại. Lá thư không hề mang mầu sắc bi ai nhưng chứa đựng những tình cảm lớn lao dành cho người còn sống động viên họ hãy sống xứng đáng với người đã khuất. Lá thư đã chỉ dẫn những người sống hôm nay đến với mảnh đất nhuốm đầy máu và nước mắt trong những ngày tháng ác liệt của cuộc chiến 81 ngày đêm, đến với mảnh đất đã trở thành đất thiêng khi nó ôm trong lòng biết bao người con, người chồng, người cha...của những người mẹ, người vợ, người con...từ mọi miền quê nghèo đến đây.

(còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười Một, 2010, 10:24:12 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #461 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2010, 10:27:09 am »

CHÚNG TÔI VÀ LÊ VĂN HUỲNH (3)
(tiếp theo)

Kể từ khi Huỳnh viết lá thư cuối cùng đó lúc còn ở bến Nhan Biều đối diện với Thành Cổ, nơi mà hàng đêm xuồng cao-su của các anh chở anh em thương binh, liệt sĩ từ bên Thành trở về và những người hy sinh đều được tập trung án táng tại cuối làng, cho đến lúc Huỳnh hy sinh là sau gần 4 tháng khi đơn vị làm nhiệm vụ tại bến Thượng Phước (Thượng Phước và Nhan Biều cùng thuộc xã Triệu Thượng, cách nhau khoảng chục cây số). Hôm trước hai bên tạm ngưng chiến vì là Tết dương lịch, rạng sáng 2/1/1973 các xuồng cao-su của c17 rời bến, xuồng của tiểu đội Huỳnh có 4 người do Luân làm tiểu đội trưởng (Luân là sinh viên ĐH Mỏ-Địa chất nhập ngũ 6/9/1971, nhà ở Hàng Bột, sau này mới biết là em vợ người bạn thân của tôi) có Huỳnh, Chuyên, Thiệm và anh Lan CV trưởng đi đốc chiến, pháo địch bắn phá dữ dội bến vượt, một quả pháo trúng ngay chiếc xuồng cao-su của tiểu đội Huỳnh. Huỳnh, Thiệm và anh Lan hy sinh ngay tại chỗ, Luân và Chuyên bị thương được chuyển ra phẫu của trung đoàn, do bị thương nặng Chuyên đã hy sinh tại phẫu. Còn 3 người hy sinh anh em đưa về khu vườn phía sau để an táng. Cường, Thu già, Sơn...khâm liệm họ trong những tấm tăng võng kèm theo tờ trích ngang để trong ống nhựa đựng liều phóng B40. Việc chôn cất họ cũng rất vất vả vì địch pháo kích dữ dội. Sơn do chữ đẹp nên đục bia nổi cho họ bằng vỏ thùng đạn AK và miếng tôn lợp nhà bằng nhôm mỏng. Những người bạn chôn cất Huỳnh hôm ấy gạt những dòng nước mắt và thầm hứa với những người đã chết sau chiến tranh một khi còn sống sẽ tìm đưa chúng mày về…

Họ nằm đó đầu hướng về phía Tây, chân hướng về bến sông nơi họ hy sinh trong đội hình chiến đấu hình tam giác mà anh Lan nằm ở phía trên, nằm lui phía dưới là Huỳnh phía thượng lưu và Thiệm ở phía hạ lưu. Chiến tranh kết thúc, những người bạn và là đồng đội đã chôn cất họ lần ấy sau một chặng đường dài từ Quảng Trị vào Tây Nguyên để giải phóng Buôn Mê Thuột rồi truy đuổi địch ở Cheo Reo, Phú Bổn; vây hãm địch tại Xuân Lộc, chốt chặn ngã ba Dầu Giây … đã trở lại trường tiếp tục đi học. Trong tâm khảm của họ không bao giờ quên những người bạn mình đã ngã xuống trong cuộc chiến ác liệt và đinh ninh một điều là các bạn mình đã được trở về với quê hương hoặc đang an nghỉ tại một NTLS nào đó, nào ngờ...

(còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Mười Một, 2010, 07:22:36 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #462 vào lúc: 09 Tháng Mười Một, 2010, 10:22:18 am »

CHÚNG TÔI VÀ LÊ VĂN HUỲNH (4)
(tiếp theo)

Sáng 7/9/2002, đoàn đi tìm Huỳnh đến ga Đông Hà. Tại đây chúng tôi được một người quen biết với gia đình Huỳnh mang xe ra đón và đưa về gia đình nghỉ ngơi. Ông chủ gia đình là người Quảng Trị tập kết ra Bắc, đã có thời gian ở Thái Bình và rất thân thiết với bên gia đình của Huỳnh. Những lần trước đây khi gia đình đi tìm Huỳnh đều được sự giúp đỡ tận tình của ông.

Theo kế hoạch chúng tôi đến BCH quân sự huyện Triệu Phong tại Ái Tử để cùng các đồng chí ở đây tiến hành việc đi tìm Huỳnh. Sau khi nhận được thư của chúng tôi, các đ/c ở đây đã cho người xác định vị trí của bến sông sang bên Tích Tường, Như Lệ đó là thôn Thượng Phước thuộc xã Triệu Thượng. Tại đây trong một khu vườn ngay bên sông còn lại 2 tấm bia bằng vỏ thùng đạn AK đã gỉ sét có đục tên Huỳnh và Thiệm. Thông tin này làm chúng tôi rất phấn khởi mặc dù tên đơn vị lại là K184. Đến lúc này Cường và Sơn mới sực nhớ mật danh lúc đó của c17 là K184.

Khu vườn nơi tìm thấy 2 tấm bia vốn là của gia đình anh Nguyễn Văn Hậu, một cựu du kích cũ, đã bán lại cho chị Yến. Sau khi chiến tranh kết thúc, căn cứ vào các tấm bia ở trong vườn, các đoàn quy tập mộ liệt sĩ đã tới đây đã đào bới rất nhiều để tìm hài cốt nhưng không hề thấy. Bà cụ thân sinh ra anh Hậu đã giữ lại 3 tấm bia đó với một hy vọng thế nào cũng sẽ có người trở lại để tìm liệt sĩ. Năm tháng trôi qua, bà cụ cũng đã mất, 3 tấm bia để ở góc vườn cũng bị người thu lượm phế liệu lấy mất 1 (tấm này là tôn mái nhà bằng nhôm mỏng), 2 tấm còn lại gỉ sét anh Hậu mang về để ở vườn nhà mình sau khi bán khu vườn nơi các liệt sĩ nằm cho gia đình chị Yến.

Chúng tôi tới nhà anh Hậu, một gia đình nông dân nghèo, anh đưa cho chúng tôi xem 2 tấm bia đã gỉ sét nhưng vẫn còn đọc được những hàng chữ  được đục lỗ. Sau khi chôn cất 3 liệt sĩ, khu vườn này đã liên tục bị bom pháo và những ngôi mộ cũng bị đào xới nhiều lần, bia được cắm lại nhưng đã sai lệch nhiều chính vì thế khi quy tập không tìm thấy mộ. Khu vườn nơi chôn cất các liệt sĩ khoảng hơn 2 sào đất nằm cách nhà anh Hậu một khoảng vườn nữa, được bao xung quanh bằng những rặng tre, cách sông chừng ba chục mét. Hiện tại mẹ con chị Yến trồng sắn trên khu vườn này. Chị Yến có kể lại cho chúng tôi: thỉnh thoảng vào những đêm mưa gió cứ nghe loáng thoáng tiếng người ngoài vườn xin vào trú mưa, tránh rét !!!... Cường và Sơn xác định ba ngôi mộ nằm ở gần giữa vườn. Vết tích 2 hố bom vẫn còn lại ở đó. Gia đình Huỳnh có mang theo đũa và những quả trứng từ quê để tiến hành xác định vị trí của mộ theo cách dân gian - sau khi làm lễ nơi nào trứng đậu trên đầu đũa thì chỗ đó là mộ. Sau mấy lần cắm đũa để trứng không được cuối cùng cũng xác định được vị trí trứng đậu không xa nơi dự đoán. Chúng tôi tiến hành đào hố có đường kính gần 2 mét và đã sâu tới mét rưỡi nhưng không thấy gì. Lại cắm trứng lại, lại đào nhưng cũng không thấy Huh Đến vị trí thứ ba cũng thế. Mà cũng lạ khi mấy anh em chúng tôi cùng anh Hậu ngồi riêng với nhau và cắm thử trứng thì đều đậu cả thậm chí ngay cả tại sân gạch nhà chị Yến cũng đậu !!! Lúc này cũng đã về chiều, theo lời khuyên của bà con địa phương, gia đình cho mời một ông thầy ngoài thị xã vào tìm giúp, sau một hồi cúng bái ông ta nói với anh Chẩm: cứ chọn chỗ nào thắp hương thì tiến hành đào chỗ đó. Y lời ông thầy, anh Chẩm cứ đắn đo không biết cắm hương ở chỗ nào và cuối cùng anh chọn một bụi chuối gần đó để cắm hương, nhưng rồi lại đào và cũng không tìm thấy gì. Ông thầy này sau đó biến dạng không thấy đâu, không rõ gia đình Huỳnh phải trả cho ông ta bao nhiêu nhưng khuôn mặt dị dạng của ông ta làm tôi không thể nào quên. Hai năm sau vào tháng 9/2004, trong đêm giao lưu của các CCB Thành cổ với du kích Triệu Thượng tôi nhận ra ông ta trong số các anh chị em du kích Triệu Thượng đến giao lưu cùng, không rõ ông ta có còn nhớ tôi không...

Cường và Sơn đề xuất dùng que sắt để thuốn như cách dò tìm mộ ở quê thường làm hay cách của công binh đi gỡ mìn dùng thuốn cùng 1 sợi dây dù để khoanh những chỗ cần dò. Chúng tôi quyết định nghỉ vì sau một ngày cật lực đào bới dưới cái nắng nóng gay gắt của Quảng Trị, mọi người đều mệt mỏi nhất là không đạt được kết quả mong muốn. Anh Chẩm cùng gia đình về nghỉ tại Đông Hà chỗ người quen, bố của Thiệm và cậu em trai nghỉ tại nhà anh Hậu, còn 6 thằng chúng tôi về nghỉ tại Nhà khách Thành Cổ.

(còn tiếp)

Trong khu vườn của chị Yến nơi chôn cất anh Lan, Huỳnh và Thiệm.
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Mười Một, 2010, 01:29:26 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #463 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2010, 10:58:13 am »

CHÚNG TÔI VÀ LÊ VĂN HUỲNH (5)
(tiếp theo)

Sáng hôm sau (8/9) chúng tôi quay trở lại khu vườn, gần đến nơi đã nghe tiếng bà con lao xao đã tìm thấy hài cốt liệt sĩ. Chuyện là thế này: cậu em của Thiệm ra vườn từ sớm và dùng que sắt thuốn để dò tìm, phát hiện thấy tiếng lạ rột roạt mà chỗ khác không có, cậu ta về báo mọi người để đào và phát hiện một bọc nhựa có quấn dây võng, đó là cách anh em chúng tôi làm để khâm liệm đồng đội. Bỏ hết lớp tăng bọc ngoài, lớp võng bên trong đã mủn hết, sau gần ba chục năm bộ hài cốt chỉ còn hộp sọ, các xương chân, xương tay, những xương nhỏ hầu hết đã bị mủn hết. Vết tích xương sườn hằn lên trên lớp tăng nhưng chỉ có một bên. Cường và Sơn khẳng định đây là hài cốt của anh Lan vì anh bị mất một bên lồng ngực cộng với một dây đeo súng ngắn dùng cho sĩ quan. Từ vị trí mộ của anh Lan chúng tôi nhanh chóng tìm ra mộ của Huỳnh và Thiệm. Huỳnh bị mất một chân, Thiệm bị mất xương hàm nên khi bốc hộp sọ của Thiệm bị vỡ không còn nguyên vẹn. Vị trí tìm thấy họ cũng chỉ quanh quanh những chỗ chúng tôi đã đào hôm qua. Khi chôn cất họ anh em đào sâu chưa đầy 1 mét nhưng về sau địch ném bom khu vực này cho nên phần mộ của họ nằm kẹp giữa hai hố bom, đất phủ hết lên mộ, bia thì bay sang chỗ khác. Chúng tôi hoàn tất công việc thu gom hài cốt cho các anh, lau chùi sạch sẽ và vét sạch tất cả những gì còn lại của anh gói ghém cẩn thận đặt trong lá cờ Tổ quốc, lúc ấy chưa đến 10 giờ sáng.

Có một việc đã làm cho chúng tôi - những đồng đội của những người đã hy sinh - bị trạnh lòng. Số là khi tìm thấy hài cốt các anh có một số di vật của Huỳnh như tấm bia bằng tôn và 1 chiếc giầy gia đình đã đem về để táng cùng hài cốt tại quê nhà ; di vật của anh Lan chúng tôi gói ghém cùng hài cốt đưa vào tiểu ; còn tấm bia của Thiệm ông bố đã liệng nó xuống phần huyệt vừa đào và nói 1 câu lạnh băng:" Gia đình cần người còn sống đâu có cần 1 tấm bia gỉ " Angry

Ông ta hình như cố tình quên rằng hàng chục vạn gia đình có người thân là LS chỉ mong muốn 1 điều rằng nếu như không tìm được con em mình thì chỉ cần đến nơi hy sinh của LS bốc một nắm đất để mang về quê hương.

Để kịp thời gian về Hà Nội tiếp tục công việc, tôi ra Đông Hà để đăng ký vé tầu ngày hôm sau để về Hà Nội, tôi đã gọi điện về cho chị Châu khi ở nhà đang tiến hành làm giỗ cho anh Minh, báo tin tôi đã tìm được các đồng đội của mình. Phải chăng anh Minh cũng đã phù giúp cho chúng tôi thành công trong việc đi tìm đồng đội lần này.
  
Buổi chiều lễ truy điệu được tổ chức trọng thể tại NTLS của huyện tại Ái Tử, chúng tôi tạm thời đưa anh Lan vào đây vì chưa biết quê quán ở đâu để báo cho gia đình anh được biết. Một chuyến đi tìm đồng đội đã đạt kết quả ngoài mong muốn nhờ sự giúp đỡ tận tình của địa phương, của gia đình anh Hậu đã cất giữ những tấm bia để ngày hôm nay có cơ sở để xác định nơi chôn cất các liệt sĩ và của những người đồng đội năm xưa. Gia đình Huỳnh đưa Huỳnh về nhà khách 27/7 tại Đông Hà để hôm sau lên tầu ra Bắc, bố của Thiệm và cậu em trai ở lại Ái Tử để bắt xe khách về ngay Thái Bình. Chúng tôi quay trở lại nhà khách Thành Cổ nghỉ ngơi và để hôm sau vào Thành Cổ thắp hương cho đồng đội.

Hôm sau (9/9) chúng tôi vào Thành Cổ, năm nay vừa kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Quảng Trị, nhiều hạng mục mới mọc lên như Nhà bảo tàng Thành Cổ, đường đi trong khuôn viên được tôn tạo làm đẹp lên, cây cối đã được trồng thành hàng lối, xén tỉa làm cho Đài tưởng niệm và khuôn viên thêm vẻ trang nghiêm. Chúng tôi đến Đài chứng tích Sinh viên - Chiến sĩ, đây là tâm huyết của những Cựu Sinh viên - Chiến sĩ Thành Cổ còn sống ngày hôm nay để tưởng nhớ tới những bạn bè, đồng đội mình đã ngã xuống trong cuộc chiến 81 ngày đêm máu lửa. Chúng tôi gặp anh Khư, giám đốc bảo tàng Thành Cổ, anh vốn là xã đội trưởng du kích của xã Triệu Vân năm xưa. Câu chuyện đi tìm Huỳnh, nhất là  lá thư cuối cùng của Huỳnh đã cuốn hút anh và hẹn chúng tôi một ngày gần đây sẽ cùng chúng tôi về thăm quê hương của Huỳnh.

(còn tiếp)

Vợ chồng anh Hậu (thứ 2,3 từ trái), chị Yến (thứ 2 từ phải)


Lễ truy điệu tại NTLS Triệu Phong (Ái Tử)
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #464 vào lúc: 10 Tháng Mười Một, 2010, 12:12:55 pm »


Vợ chồng anh Hậu (thứ 2,3 từ trái), chị Yến (thứ 2 từ phải)


    Người đứng bên trái cùng là bác H. CCB tiểu đội 1, trung đội 1, đại đội 1, tiểu đoàn 1, trung đoàn 1 (Thường gọi là trung đoàn 101). Sau đó chuyển về tiểu đội 2 đại đội 20 trinh sát sư đoàn 325. Sau nữa chuyển về tiểu đội trinh sát kỹ thuật của sư đoàn (thường gọi là a12 vì trước đó và sau 30/5/75 thuộc biên chế của c20).
Logged

lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #465 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2010, 10:23:37 am »


CHÚNG TÔI VÀ LÊ VĂN HUỲNH (6)
(tiếp theo)

Buổi trưa chúng tôi ra nhà khách 27/7 để chia tay với anh Chẩm và gia đình. Vì công việc chúng tôi không thể đưa Huỳnh về tận quê, hẹn với gia đình một dịp nào đấy chúng tôi sẽ về thăm. Tại nhà khách 27/7 có biết bao gia đình ngoài Bắc vào đây hy vọng tìm thấy chồng, cha, con em mình nhưng khi ra đi thì nhiều hy vọng nhưng vào đến nơi nỗi thất vọng lại quá lớn: 72 NTLS nằm trong địa phận của tỉnh quy tập hàng vạn LS nhưng do chiến tranh quá ác liệt, việc mai táng trong chiến tranh vội vàng, việc ghi chép, vẽ sơ đồ còn nhiều bất cập, công tác quy tập còn nhiều thiếu sót dẫn đến hàng vạn ngôi mộ chưa tìm thấy tên...Việc chúng tôi đi có 3 ngày mà đã tìm ra được 3 liệt sĩ sau gần 30 năm nằm sâu dưới đất đã làm cho cả nhà khách xôn xao hỏi thăm. Chúng tôi gặp chị Mão quê Gia Lâm đã 30 năm đi tìm người em trai duy nhất hy sinh là liệt sĩ Tô Văn Ty, chị đã vào tận vùng biên giới Tây Nam, lên Tây Nguyên, còn Quảng Trị thì nhiều lần đi lắm. Ty là con trai duy nhất trong nhà, cha già ngoài 80 tuổi luôn khắc khoải đưa hài cốt con trai về quê. Chị đã không lập gia đình, nuôi nấng các em nên người, làm được đồng nào lại giành dụm vào Nam để tìm em. Chúng tôi có hỏi thăm chị có biết trong số bạn bè cùng đi bộ đội với Ty có còn ai không ? Chị cũng không biết, khi Ty hy sinh có bạn bè qua nhà báo tin nhưng lâu rồi cũng không nhớ người bạn đó ở đâu để hỏi thăm. Tôi hỏi chị có biết gì về phiên hiệu đơn vị của Ty không ? Chị đưa cho tôi xem mảnh giấy phô-tô từ giấy báo tử của Ty: c4 - d14 - f325. Trong tôi chợt lóe lên hy vọng vì d14 chính là Tiểu đoàn cối 120 và 160 ly của Sư đoàn về sau sát nhập vào Trung đoàn pháo 84 của Sư đoàn, tôi biết nhiều anh em ở d14 này như Tiến hiện đang công tác tại Sở Công an Hà Nội, Thịnh hiện ở báo Hà Nội Mới...Tôi có hứa với chị Mão sẽ thông qua những anh em ở tiểu đoàn này mà tôi quen biết để từ đó sẽ tìm ra những người cùng đại đội với Ty, biết đâu đó sẽ có người biết được nơi hy sinh của Ty. Về Hà Nội tôi gọi ngay cho Tiến, gia đình tôi chơi khá thân với gia đình Tiến, Tiến thời gian ấy là phó phòng PA38 Công an TP Hà Nội (hiện tại là 4// huyện phó CA Gia Lâm). Tiến là lính của c1-d14 nhập ngũ cùng đợt 6/1/1972 với Ty, hàng năm anh em của tiểu đoàn cùng nhập ngũ một đợt đều gặp nhau nên việc tìm thông tin về Ty cũng thuận lợi hơn. Bẵng đi sau mấy tháng Tiến gọi điện cho tôi là đã tìm được 2 người bạn đã chôn cất Ty và đã đưa được Ty về Gia Lâm. Về sau chúng tôi đã có dịp đến nhà chị Mão tại dốc lên cầu Long Biên, sau khi thắp cho Ty nén nhang, chị Mão có kể lại sau lần gặp chúng tôi ở Đông Hà thì khoảng hơn 1 tháng sau vào một ngày mưa có 2 người đồng đội của Ty quê ở Từ Liêm có đến gia đình cho biết sẽ dẫn gia đình vào nơi chôn cất Ty. Nơi chôn cất Ty đối diện với tháp canh gần cầu xe lửa thuộc địa phận làng An Đôn. Ty và một liệt sĩ nữa nằm ở đây và cách đây đã khá lâu gia đình của liệt sĩ kia cũng đã mang hài cốt về quê. Còn Ty nằm lại rồi mộ cũng bị thời gian làm mất, gia đình người chủ của mảnh đất đó hiện trồng khoai lang. Việc tìm thấy Ty sau 30 năm chứng tỏ rằng có nhiều kênh để đi tìm liệt sĩ trong đó việc đầu tiên là xác định được phiên hiệu của đơn vị chiến đấu từ đó tìm ra địa bàn và thời gian tác chiến của đơn vị, căn cứ vào đó sẽ tìm ra những đồng đội hiện còn sống có thể biết được thông tin về liệt sĩ; thứ hai thông qua những đồng đội cùng nhập ngũ và cùng về một đơn vị chiến đấu sẽ dần lần tìm ra được những người biết được nơi chôn cất liệt sĩ. Bằng những cách này chúng tôi đã tìm ra nhiều thông tin về các liệt sĩ nhưng hầu như đều mất mộ hoặc trở thành liệt sĩ chưa biết tên khi quy tập về NTLS. Cách duy nhất chúng tôi đưa gia đình tới nơi hy sinh của liệt sĩ bốc một nắm đất đưa về để giải quyết tâm linh cho những người đang sống hôm nay. Bằng cách này chúng tôi đưa nhiều gia đình vào nơi người thân của mnình đã hy sinh như các LS Nguyễn Kỳ Sơn (c10/d3/e101/f325), Trịnh Thúc Doanh (e95/f325), Phạm Vũ Hồng (c12/d3/e101/f325)....

(còn tiếp)
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #466 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2010, 10:46:09 am »

CHÚNG TÔI VÀ LÊ VĂN HUỲNH (7)
(đoạn kết)

Tháng 12/2002 chúng tôi về quê Huỳnh để dự 100 ngày (theo tục lệ của địa phương thì ngày tìm ra LS lại là ngày giỗ) ngày này lại trùng với ngày nhập ngũ của anh em c17/e95 (tháng 12/1971). Đoàn chúng tôi về khá đông: tốp chúng tôi là những CCB của ĐHXD cùng nhập ngũ với Huỳnh, tốp anh em cùng c17/e95 ở Hưng Yên và 1 số anh em cùng e95 với Huỳnh. Nguyễn Hữu Luân, a trưởng của Huỳnh người duy nhất còn sống của chiếc xuồng cao-su ngày ấy cũng có mặt. Chính Luân là người được Huỳnh đọc cho nghe lá thư Huỳnh viết hôm 11/9/1972.

Anh Khư, giám đốc Bảo tàng Thành cổ QT đang đi công tác tại Hà Nội cũng được chúng tôi mời về quê Huỳnh lần này.

Chúng tôi rời HN sang Hưng Yên để đón anh em c17 ở đấy rồi theo QL39 đi TX Hưng Yên, qua cầu Triều Dương sang đất Hưng Hà rồi ra đường 10 để về TP Thái Bình. Từ đây đi về Kiến Xương rẽ trái về xã Lê Lợi, quê của Huỳnh. Xã của Huỳnh nằm kề với xã Hồng Thái - đây chính là đất Đồng Sâm nơi nổi danh về nghề chạm bạc. Năm 1985 khi còn công tác tại CTKD vàng bạc Hà Nội tôi đã có dịp về đây để đặt hàng chạm bạc cho CT. Đường xá bây giờ đều được trải nhựa nên đi lại cũng thuận lợi hơn rất nhiều.

Mộ của Huỳnh được đưa vào NTLS của xã. Các thế hệ LS của địa phương trong các cuộc kháng chiến được đưa về đây. Diện tích của NTLS khá rộng và chung cho 3 xã Hồng Thái, Lê Lợi và Nam Cao. Tôi hỏi ông quản trang tại sao đất rộng như thế mà lại ít mộ như vậy. Câu trả lời là chưa tìm được các LS để đưa về nếu đưa đủ các LS con em của 3 xã chắc là sẽ hết đất.

Chúng tôi đến thăm cô Xơ cùng 2 cụ thân sinh ở gần đấy (xã Hồng Thái). Chồng hy sinh mấy chục năm nhưng ở vậy chăm lo mẹ chồng, mẹ chồng mất, bên nhà chồng khuyên đi bước nữa như lời dặn dò của Huỳnh nhưng cô xin ở vậy để chăm lo bố mẹ đẻ khi chưa tìm được mộ Huỳnh.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả để lại thật nặng nề, những nối đau còn đó hiện hữu trong những nét mặt của người mẹ chờ con mòn mỏi, của những người phụ nữ chờ chồng suốt cả tuổi thanh xuân và cả 1 thế hệ những người con khao khát tìm lại lời gọi "bố ơi".      

Hôm ấy tại nhà Huỳnh rất đông khách và không khí rất vui vì bà con họ hàng làng xóm đến chia vui cùng gia đình vì đã tìm thấy và đưa Huỳnh trở về quê hương sau gần 30 năm đằng đẵng.

Ngay hôm đó có mặt anh Khư nhóm chúng tôi động viên anh Chẩm cùng gia đình hiến lá thư của Huỳnh cho BT Thành cổ vì 1 lẽ lá thư đó nếu như để ở gia đình sẽ dần dần đi vào quên lãng. Để ở BT nó sẽ sống mãi với thời gian và thế hệ sau này sẽ biết đến sự hy sinh của lớp người đi trước. Họ hy sinh cho Tổ quốc hôm nay và để lại những dòng thư bất tử động viên người còn sống hãy sống tốt hơn xứng đáng với người đã khuất.

Cuối tháng 4/2003 trong dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền nam, Ban liên lạc Bạn chiến đấu bảo vệ Tị xã Thành cổ Quảng Trị 1972 trao tặng Kỷ niệm chương Quyết chiến bảo vệ Thị xã Thành cổ QT cho các CCB đã chiến đấu trong 81 ngày đêm máu lửa ấy. Trong buổi lễ long trọng này, tình cờ trên báo Nhân dân cuối tuần đó có bài đăng Những lá thư gửi tới mai sau được đăng trên trang nhất, đó là bài viết về lá thư của LS Lê Văn Huỳnh và LS Lê Binh Chủng. http://www.webtretho.com/forum/archive/t-10515.html

Hội trường của KS Khăn quảng đỏ hôm đó im phăng phắc và nghẹn ngào khi bài báo được đọc lên trước hàng trăm con người. Chúng tôi, những đồng đội của Huỳnh cùng ra đi từ ĐHXD hôm đó cũng rưng rưng khi biết bạn mình đã để lại 1 trái tim nhân hậu, một lòng vị tha và động viên những người còn sống hôm nay...

Sau sự kiện lá thư của Lê Văn Huỳnh và của Lê Binh Chủng được các cơ quan thông tin truyền thông đưa tin rất rộng rãi. Rất nhiều đoàn, cá nhân đã về quê của Huỳnh để hỗ trợ cho cô Xơ và gia đình.

Nhưng chung quanh lá thư của Huỳnh có nhiều bài báo viết không trung thực, thêm mắm thêm muối, thậm chí còn luộc tin của nhau để thành bài của mình... chính những loại bài này đã làm cho gia đình người trong cuộc hiểu nhầm lẫn nhau dẫn đến những sự việc đáng tiếc. Chính chúng tôi là những đồng đội đã đi tìm Huỳnh về mà còn cảm thấy bức xúc...Phóng viên HV của 1 tờ báo lớn luộc bài của báo khác sửa thành bài của mình bị gia đình viết thư phản ánh lại thế là đang là 1 nhà báo trẻ trước đó có 1 loạt bài được người đọc chú ý thậm chí được tập hợp thành sách đã bị tòa soạn cho thôi việc.

Ngay cả tác giả của Những lá thư thời chiến viết về việc Huỳnh đã đục sẵn cho mình 1 tấm bia  bằng tôn để khi hy sinh sẽ có bia để đồng đội đặt trên mộ Huh Huh Ông ta chỉ nghe nói đến ngày ấy anh em ta có tờ trích ngang trong người để nếu như hy sinh đồng đội sẽ căn cứ vào đó để đục bia (bia nổi) còn tờ trích ngang cho vào lọ peniciline hay lọ thuốc sốt rét đặt cùng hài cốt (bia chìm). Nếu như các vị nhà văn nhà báo ấy chịu khó tìm hiểu kỹ thì đâu đến nỗi. Tôi đã trực tiếp gặp ông ta yêu cầu đính chính lại nhưng ông ta cho 1 câu xanh rờn: sách đã in ra rồi...

Ngày nay ai có dịp vào BT Thành cổ QT sẽ được thấy lá thư của Huỳnh đặt trang trọng ở trên tầng 2. Một điều đáng tiếc bản gốc của lá thư được gia đình ép plastic để bảo quản nhưng không ngờ những dòng chữ đó vẫn cứ mờ dần mặc dù bảo tàng đã nhờ cậy nhiều nơi để bảo tồn mà không thành công. Huh

Nơi an nghỉ của Lê Văn Huỳnh tại quê nhà


Anh Chẩm (trái) trao tặng lá thư của Huỳnh cho Giám đốc Bảo tàng Thành cổ QT
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Mười Một, 2010, 11:55:43 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #467 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2010, 12:00:30 pm »

Tôi xin gửi tới các bạn QSVN lá thư gửi tới mai sau của LS Lê Văn Huỳnh. Tôi đã tìm mọi cách để tìm lá thư đã được số hóa để gửi cho các bạn như lời đã hứa nhưng không tìm thấy. Tôi đã từng đọc lá thư này không biết bao nhiêu lần mà trong lòng trào dâng xúc động về những gì bạn mình đã căn dặn lại. Lưỡng lự mãi mới quyết định gõ lại lá thư này, vừa gõ vừa kìm nén những dòng nước mắt đang muốn trào ra. Máy tính ở nhà trục trặc nên phải tranh thủ những khỏang thời gian trống ở cơ quan để gõ. Bản chụp từ lá thư gốc nhiều chỗ không còn rõ nữa nên tôi phải gõ lại từ nội dung của cuốn Một thời hoa lửa (NXB Trẻ và Đài Truyền hình Viêt Nam xuất bản tháng 12/2005). Các cháu cùng phòng với tôi thấy tôi vừa gõ vừa quệt nước mắt, trước mặt lại là cuốn sách biết rằng tôi lại đang Ngược dòng ký ức nên yên lặng để tôi gõ. Tôi gửi tới các bạn toàn văn lá thư này:

THƯ CỦA LÊ VĂN HUỲNH
[/b]

[i]Quảng Trị 11.9.1972

Toàn gia đình kính thương!

Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng phòng khi “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột.

Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố rồi.

Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm. Công mang nặng đẻ đau giọt máu đào hơn ao nước lã. Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời. Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu đời mẹ khổ đã nhiều nay bao hy sinh nuôi con khôn lớn, song vì đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu coi như lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi. Bố con đã đi xa để lại cho mẹ biết bao khó nhọc nay con đã đến ngày khôn lớn thì…Thôi nhé mẹ đừng buồn coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau.

Em yêu thương! Mọi lá thư đến với em là nguồn động viên em khi xa anh. Song lá thư này đến tay em là nỗi buồn nhất và có lẽ là nỗi buồn đầu tiên trong cuộc đời của em. Em ạ! Chúng ta sống với nhau chẳng được là bao thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao tình thương trìu mến. Người ta lấy chồng thỉ được chiều chuộng mọi điều, song đối với em không những chẳng được cái diễm phúc ấy mà đã sớm phải xa rời. Thật chỉ là vừa gặp nhau đã phải mãi mãi xa nhau.

Anh rất hiểu đợt này em sẽ gầy đi nhiều vì thương nhớ anh, vì đã phải xa nhau. Anh rất muốn được sống mãi mãi bên em, song vì chiến tranh thì em ơi hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Giờ đây anh biết nói gì với em, chỉ mong em khỏe yêu đời. Em thương yêu! Nếu thực sự thương anh thì em sẽ làm theo lời anh căn dặn. Hằng năm cứ đến ngày này em hãy thắp vài nén hương tưởng nhớ tới anh. Còn em khi nhận được thư này hãy đừng buồn nhiều cho đời tươi trẻ. Nếu có điều kiện hãy cứ bước đi bước nữa vì đời còn trẻ lắm. theo anh thì nên làm như vậy. Nhưng anh chỉ mong một điều là đỗi đãi với mẹ, anh, chị trong gia đình như anh còn sống. Anh mong em hãy làm tròn cho linh hồn anh được bay cao ôm ấp trong giấc mơ trìu mến của em. Khi mẹ qua đời em sẽ làm đúng nghi lễ của người con dâu của gia đình. Thôi nhé anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này vì biết bao nỗi buồn đè nặng lên tấm thân người con gái trẻ tuổi như em. Nhưng em ơi hãy bình tĩnh lại làm theo lời anh căn dặn. Còn ngày anh đi xa là ngày đề ở ngoài phong bì mà nhờ các bạn anh gửi giúp. Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe tới tất cả những người quen thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới công anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tầu vào thị xã Quảng Trị qua sông Thach Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về “Nham Biều 1”. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy tìm sẽ thấy ghi dòng chữ đục trên mảnh tôn. Thôi nhé đó là có điều kiện, còn không thì em hãy cứ làm tốt những điều anh dặn trên là tốt lắm rồi.

Anh chị kính mến! Anh em liền khúc ruột mềm mà giờ đây đã phải mãi mãi xa nhau. Ra đi mong anh chị khỏe mạnh trông nom mẹ già thay em, động viên mẹ khi biết tin này. Em rất hiểu anh chị buồn lắm, kể gì đây cho anh chị đỡ buồn. Song, anh chị hãy vui lên chăm sóc các cháu, nuôi mẹ già sống lâu đó là điều em mong muốn nhất. Để cho linh hồn em mãi mãi quanh anh chị và gia đình. Đối với Xơ anh chị nên động viên nó và tìm đường tương lai vì đời em nó còn trẻ lắm. Hòa bình nếu có điều kiện vào thị xã Qảng Trị sẽ đến được chỗ em yên nghỉ theo em đã căn dặn ở trên. Thôi nhé chúc anh chị ở lại, hồn em mãi mãi bên anh chị.

Trương cháu mến thương! Giờ cháu còn bé song sau này cháu sẽ là trưởng gia. Giờ đây phải cố gắng học tập cho thành người. Được sống hòa bình hãy luôn nhớ tới người chú ruột của cháu đã hy sinh. Khi trưởng thành hàng năm cứ đến ngày này hãy tưởng nhớ tới linh hồn của chú. Đặc tính của chú là hay thích ăn thịt gà và chuối xôi lắm đấy. Thôi nhé hãy làm trọn nghĩa vụ của người cháu đích tôn đối với chú.

Thầy mẹ kính mến! Trước lúc đi xa con có mấy điều mong thầy mẹ làm theo lời con mong muốn. Thầy mẹ ạ, con rất hiểu thầy mẹ buồn nhiều vì mất đi người con thương mến của gia đình. Con mong thầy mẹ đừng buồn nhiều mạnh khỏe cho đời mãi mãi kéo dài đón mừng ngày thống nhất. Thầy mẹ ạ! Chúng con sống với nhau chẳng được bao lâu nay đã … Chắc em nó buồn lắm. Thầy mẹ động viên em thay con. Theo con đời em còn trẻ lắm. Nếu ai người ta thông cảm thì mẹ động viên nó nên đi thêm bước nữa. Cứ ngày này thầy mẹ hãy nhớ tới con. Thôi tất cả những gì đã qua là đã vào dĩ vãng. Ra đi con mong thầy mẹ khỏe, sống lâu mãi. Cho con gửi lời chào bà, các cậu, các mợ, chị Lộc và toàn thể họ hàng thân thuộc.

Em thương yêu! Nhận tin này em sẽ báo tin cho người bạn của anh mà ngày nào đã có dịp về ta chơi.

Địa chỉ: Hoàng Khắc Chiến, xóm Chính, thôn Hoàng Trí, xã Hoàng Thắng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

Nội dung: H đã hy sinh ngày…

Thôi con đi đây chào tất cả gia đình và làng xóm quê hương.
[/i]


Những đồng đội sau khi đã tìm thấy Huỳnh, Lan và Thiệm (8/9/2002)
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Mười Một, 2010, 02:03:35 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #468 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2010, 11:00:25 am »

Ngày 13/11/2010 Ban liên lạc CCB sư đoàn 325 tổ chức trao tặng đợt 1 Kỷ niệm chương Chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 của UBND tỉnh Quảng Trị tại Viện Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam. Đây là sự tri ân của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đối với một thế hệ chiến sĩ đã chiến đấu hy sinh cho mảnh đất máu lửa này.

Buổi lễ được tổ chức trang trọng do đ/c Phó Chủ tịch tỉnh trao KNC cho hơn 100 CCB. Trong số này có các thủ trường các cấp của sư đoàn và các trung đoàn và các đơn vị trực thuộc. Các CCB gặp lại nhau vô cùng cảm động nhiều người đang giữ những trọng trách của các cơ quan nhà nước và không ít người trở về với đời thường làm trợ lý cho vợ con ở nhà... Cheesy

Nhưng có điều khiến cho một số anh em CCB chưa thật sự có niềm vui trọn vẹn vì mẫu mã của KNC giống y như KNC của Ban liên lạc bạn chiến đấu bảo vệ Thị xã Thành cổ Quảng Trị Hè 1972 đã trao tặng cho anh em CCB Thành cổ QT từ những năm trước.

Năm 2002 ý tưởng làm KNC về Thành cổ QT cho cho đồng đội đã chiến đấu tại đây đã nảy sinh từ những Cựu Sinh viên-Chiến sĩ Thành cổ và sau đó kết hợp với BLL bạn chiến đấu bảo vệ Thị xã Thành cổ QT Hè 1972 và tấm KNC đã ra đời từ đó bằng chất liệu nhôm đúc. Cuống của KNC là lá cờ Giải phóng sao vàng trên nền nửa xanh nửa đỏ - mà một thời biết bao thế hệ chiến sĩ đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Phần chính của KNC hình tròn, ở giữa trung tâm là hình Thành cổ QT mầu vàng trong ánh đỏ hào quang bên dưới là 5 ngọn lửa đỏ rực cháy, xung quanh viền tròn là dòng chữ BẢO VỆ THỊ XÃ - THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ trên nền mầu nâu của đất, dải băng đỏ bên dưới là dòng chữ QUYẾT CHIẾN - HÈ 1972.

KNC này được trao lần đầu tháng 12/2002 cho các các thủ trưởng của các đ/vị đã từng chiến đấu bảo vệ Thành cổ hiện trong BLL bạn chiến đấu bảo vệ Thị xã Thành cổ QT hè 1972 như 1/// Nguyễn Công Trang, 1/// Nguyễn Đức Huy, 1/// Mạc Đình Vịnh, 4// Nguyễn Việt....và 1 số CCB khác. Đợt 2 trao tặng KNC vào ngày 26/4/2003 tại KS Khăn quàng đỏ cho gần 300 CCB. Từ đó BLL đã trao tặng nhiều đợt KNC cho anh em CCB tại Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa...BLL đã tổ chức 2 đợt vào trao KNC cho các CCB và các anh chị em du kích QT tại chân Thành cổ QT và có cả những đợt trao tặng cho thân nhân các LS đã hy sinh tại Thị xã - Thành cổ QT.

Như lời 4/// Nguyễn Việt nguyên chỉ huy trưởng LLVT bảo vệ TXTC QT giai đoạn cuối cùng: KNC này do chúng ta làm và trao tặng cho nhau để nhớ tới những ngày không thể nào quên ấy...

Tôi đã biết có những CCB sau chiến tranh trở về không còn giấy tờ gì cả, bạn bè tìm đến trao cho KNC đó, anh đã khóc và nói rằng sẽ phóng to tờ giấy chứng nhận này để treo ở nhà và nếu có chết đi con cái sẽ đặt lên bàn thờ để nhớ tới người cha của mình đã có một thời hoa lửa anh hùng tại Thị xã - Thành cổ QT 1972.

Mẫu mã của tấm KNC do tỉnh QT trao tặng lần này giống hệt như KNC đã có, khác chăng chỉ có nền mầu đỏ to và đẹp hơn mà thôi. Nội dung của tấm giấy chứng nhận là KNC Chiến sĩ bảo vệ Thành cổ QT năm 1972. Nếu như với nội dung này Tỉnh đưa 1 mẫu khác so với mẫu KNC đã có thì có phải hay biết bao và niềm vui thật là trọn vẹn. Nhưng thôi, còn hơn là không, dù sao cũng là một sự tri ân... Undecided

Những CCC của f325 tại Bảo tàng LSQS VN (13/11/2010)


Trao KNC của UBND tỉnh Quảng Trị cho các CCB (13/11/2010)

Lễ trao KNC Quyết chiến BVTXTCQT Hè 1972 tại KS Khăn quàng đỏ cho các CCB - SV Đại học Xây dựng (26/4/2003)

Giấy chứng nhận KNC Chiến sĩ bảo vệ Thành cổ QT năm 1972 của UBND tỉnh QT

Giấy chứng nhận KNC QCBVTXTCQT Hè 1972 của BLL bạn chiến đấu BVTXTCQT Hè 1972



« Sửa lần cuối: 16 Tháng Mười Một, 2010, 02:42:28 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #469 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2010, 07:52:15 pm »

... Từ đó BLL đã trao tặng nhiều đợt KNC cho anh em CCB

Tôi chứng kiến có "đợt" đại tá Nguyễn Việt đặc cách trao KNC cho 01 người! Nhưng cũng đủ nghi thức và rất trang nghiêm. Vỗ tay.

Logged

Nhật ký Viết lại
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM