Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 07:11:14 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa  (Đọc 388318 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #420 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2010, 04:05:46 pm »

NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC
(tiếp theo)

Sau 3 tháng làm đường cả đơn vị bắt tay xây dựng thao trường mẫu tại khu vực cầu Bồ Bản. Ở đây đã sẵn có 1 lô cốt và tháp canh bảo vệ cầu, chúng tôi phải xây dựng 1 thao trường để huấn luyện đánh công sự vững chắc với đầy đủ cả giao thông hào, ụ chiến đấu, lô cốt bát úp, hàng rào dây thép gai đủ kiểu: bùng nhùng, cũi lợn, dàn mướp… Thằng S.và P. được phát huy tay nghề công nhân của chúng nó, các học cụ được gò bằng tôn thu lượm từ Ái Tử về qua bàn tay tài hoa của chúng nó giúp đơn vị rất nhiều trong huấn luyện như lô cốt bát úp, các loại mìn, mô hình xe tăng, pháo cối…

Năm trước, các sư đoàn tham chiến tại mặt trận Quảng trị rút ra Bắc thành lập Quân đoàn 1 là các sư đoàn bộ binh 308, 312, 320B, sư 367 phòng không, lữ 202 tăng-thiết giáp, lữ pháo binh 45…thì tháng 5/1974 tin tức về việc thành lập Quân đoàn 2 lan xuống đến đơn vị chúng tôi cùng với việc từ hòm thư TM 01 chuyển sang TM 10. Lính tráng bảo nhau từ tít mù 1 sang tít mù 10 là sắp có chuyện đây. Đơn vị hành quân diễn tập liên miên đang từ cánh Đông hành quân lật cánh sang cánh Tây. Những cuộc hành quân diễn tập này chủ yếu là triển khai các phương án chiến dấu từ d cho đến e. Đang từ miền đất cát đào công sự như như là dế chũi sang đến vùng Lai Phước ở phía Tây đường 1 đào công sự trên vùng đất đồi tóe máu tay.

Quân đoàn 2 có 3 sư đoàn bộ binh thì sư đoàn 304 đang ở Cùa đã vào Thượng Đức từ hồi tháng 3, gặp nhiều tổn thất sau khi đụng với tụi lính dù ở đây  hiện tại vẫn nằm tại miền Tây Quảng Đà; sư 324 vẫn hoạt động ở miền tây Thừa Thiên; ở Quảng Trị chỉ còn sư đoàn của chúng tôi. Tuyến hành lang giáp ranh ở cánh Đông từ Chợ Sãi qua An Tiêm, Nại Cửu, qua An Lộng, Vân Hòa ra tới Long Quang, Thanh Hội vào thời điểm này đã bàn giao cho bộ đội địa phương. Toàn bộ e101 lui về phía sau làm lực lượng cơ động càng làm cho chúng tôi biết đều gì đến sẽ phải đến.

Cuối năm 1974, trung đoàn tôi chia tay với cánh đông Quảng Trị nơi đã để lại nhiều dấu ấn của những tháng ngày chiến đấu ven thị xã và những dải cát trắng Nam Cửa Việt khô cháy để lên Cam Lộ.

Mặt trận phía trước đang chờ đón chúng tôi -  những đứa con của sư đoàn Bình Trị Thiên, sau lưng chúng tôi vẫn còn đó nỗi đau của một Thị xã - Thành cổ Quảng Trị , của Chợ Sải, An Tiêm, Nại Cửu…với biết bao đồng đội thân yêu đã nằm lại trên mảnh đất này. Chúng tôi thề sẽ quay trở lại để trả lại món nợ này.

(còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Mười, 2010, 07:21:06 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #421 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2010, 05:10:33 pm »


Tuyến hành lang giáp ranh ở cánh Đông từ Chợ Sãi qua An Tiêm, Nại Cửu, qua An Lộng, Vân Hòa ra tới Long Quang, Thanh Hội vào thời điểm này đã bàn giao cho bộ đội địa phương.


       Xin làm su-poóc-te (supporter) bácLXT, tôi đưa cái bản đồ "cánh đông" Quảng Trị. Đường giáp ranh màu đỏ được vẽ chỉ có tính chất tương đối, không chính xác lắm. Có gì bác LXT chỉnh lại nhé !
Logged

lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #422 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2010, 08:14:36 am »

NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC
(đoạn kết)

Hình ảnh một lứa trai đi B ngày ấy với ba-lô con cóc trĩu nặng trên lưng, trước ngực là khẩu AK, dáng người đang lao về phía trước, trong tay là chiếc gậy Trường Sơn, đầu đội mũ cối hoặc mũ tai bèo, tóc tai bê bết mồ hôi hòa lẫn nước mưa, xanh-tuya-rông bên hông với bình tông, dao găm, túi cứu thương, quần Tô Châu xắn đến đầu gối, chân mang tất dài xỏ dép đúc Trung Quốc luôn luôn đọng lại trong thế hệ chúng tôi như một tượng đài bất diệt. Trong túi áo ngực của tôi là những thứ bất ly thân: 1 mảnh giấy Trích ngang có viết tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, khi cần báo cho ông (bà) tại địa chỉ...với mảnh giấy nhỏ này nếu như anh ngã xuống thì đồng đội sẽ căn cứ vào đó để báo về gia đình và khắc bia cho anh, còn mảnh giấy sẽ được bỏ vào 1 lọ péniciline hoặc lọ thuốc sốt rét chôn theo người - gọi là bia chìm; 1 bút máy Trường Sơn với 1 cuốn lịch Nhân dân bìa ni-lon trên đó ghi tóm tắt những gì xảy ra trong ngày, một vài ngày nếu rảnh rỗi lôi nhật ký trong ba-lô ra viết chi tiết hơn; một ít tiền Bắc còn lại và mẩu thuốc phiện anh Thiện đưa, tất cả được gói trong túi mì chính. Trong ba-lô còn có cuốn sổ học tập của trường mang theo để làm kỷ niệm, khi vào trận tôi đã nhét nó vào bòng mang theo, cái bòng đó đã để lại nơii đánh nhau và có thể địch đã thu được và đưa tin về những SV của Bắc Việt đã bỏ xác tại trận. Việc mang theo cuốn sổ học tập vào trận cũng không phải riêng tôi, sau này có hỏi lại thì rất nhiều đã mang theo nó trong người. Ngoài ra còn có 1 lọ nhựa đựng mực để dùng dần (về sau mất hết cả mực và rơi mất bút nhưng được cái đơn vị hoạt động ở đồng bằng nên bút chì và bút bi kiếm cũng dễ).
 
Nhưng khi đã trở thành một người lính chiến thực thụ thì trang bị đã gọn gàng hơn: ba-lô để hậu cứ, trên lưng có đeo một cái bòng làm bằng bao cát của Mỹ trong để vài phong lương khô, võng, tăng để khi hy sinh đồng đội sẽ bọc mình bằng võng, tăng phủ bên ngoài và bó bằng dây võng dĩ nhiên bên trong phải có bia chìm (như đã nói ở trên) ; nếu may mắn chỉ bị thương thì mình sẽ được đồng đội đưa ra phía sau bằng võng. Phải tìm cách trang bị cho mình một số đồ trận của Mỹ tuy có nặng nhưng bền và rất tiện dụng như xanh-tuya-rông Mỹ không bị vặn khi đeo nặng như của ta. Những trang bị của Mỹ được cài trên xanh-tuy-rông bằng nẹp rất chặt nhưng lại có thể tháo lắp 1 cách dễ dàng. Còn các trang bị của chúng ta tuy có nhẹ nhưng chỉ làm đai lồng vào xanh-tuya-rông, muốn lấy cái ở trong phải tháo những cái ở ngoài, mặt khác có cái dở khi vận động nhất là khi phải bò, phải trườn những thứ đồ đó dồn hết trước bụng. Kiếm 1 bình tông bằng i-nox của Mỹ và nhất là vỏ bình tông có lớp nỉ có thể giữ ấm khi pha trà. Bên hông ngoài túi thuốc được đựng trong bao đạn cực nhanh Mỹ còn có thêm vài cuộn băng cá nhân, chúng tôi còn phải có 1 con dao găm bằng lê AK (sau được thay bằng lê của AR15 của Mỹ sắc hơn), 1 túi lựu đạn (được lựu đạn mỏ vịt là tốt nhất), 1 túi đựng lương khô hoặc cơm nắm trong đó có 1 cái thìa hoặc dĩa US bằng i-nox, túi ngực 1 bên để cuốn lịch và tờ Trích ngang, túi bên kia là bật lửa (tôi còn giữ 1 cái Zippo chiến lợi phẩm), mấy viên đá dự trữ, 1 cái khui đồ hộp, 1 gói thuốc lào. Nếu phải mang AK thì chỉ cần 2 băng buộc chéo nhau lắp sẵn vào súng, 1 băng gài vào túi quần sau là có thể sử dụng trong 1, 2 ngày. Về sau tôi dùng bao xe đựng đạn dạng yếm, tuy có nặng và nóng nhưng chính bao xe kiểu này như áo giáp chống được mảnh đạn găm vào ngực. Đánh nhau ở đây, ta và địch giành giật nhau từng góc nhà căn phố nên việc sử dụng lựu đạn và B40, B41 rất có hiệu quả vì thế khi vào chốt chúng tôi thường mang rất nhiều lựu đạn và đạn B40, B41. Lại nói đến cái khui đồ hộp, cũng là của Mỹ nó rất có ích khi ta và địch chỉ cách nhau 1 bờ tường đổ, mọi động tĩnh của nhau đều dễ bị phát hiện, lúc đó muốn mở đồ hộp thì chỉ dùng cái khui sẽ mở được rất nhẹ nhàng. Hành quân cơ động chiến đấu còn vất vả hơn rất nhiều so với khi đi B là quân bổ sung vì ngoài quân tư trang thằng nào cũng phải mang theo cơ số đạn dự trữ cho các đơn vị hỏa lực như cối 82, DK, B40, B41, 12 ly 7...còn phải kể đến việc khiêng lợn của đơn vị nữa ...

Cho đến nay đã gần 40 năm khi mái tóc trên đầu không còn xanh nữa, nhưng những ký ức trong những ngày ở Quảng Trị vẫn vẹn nguyên trong tôi như mới ngày hôm qua. Điểm lại những khuôn mặt đồng đội cùng tôi ra đi từ Tân Đức ngày ấy và cùng về e101/f325 giờ này thiếu vắng anh Tạo, anh Lâm, anh Long, Tiến, Triệu, Tuấn, Cao Minh Sơn… và nhiều người lắm không thể nào nhớ hết được. Các anh mãi mãi nằm lại mảnh đất này, thân thể của các anh đã hóa thân thành sóng nước, thành cát trắng, thành gió Lào hắt lửa, thành dai dẳng của mùa mưa Quảng Trị.

Đồng đội tôi trong chiến dịch 72,
Xương thịt nhiều hơn đất đai Thành cổ.
Bao người lính ra đi không về nữa
Để đất này mãi mãi mầu xanh.


Thế hệ chúng tôi, kể cả những người đã xông pha trận mạc hay những người ở lại hậu phương đều giống nhau, là hay nhìn về quá khứ. Không biết tại sao và cũng không ai cố lý giải vì sao lại thế...Nhưng chắc chắn một điều khi nhìn về qua khứ, bên cạnh sự yên tĩnh trong tâm hồn giữa bộn bề cuộc sống thì lúc nào chúng tôi cũng cảm thấy mình còn may mắn rất nhiều so với những người bạn đã nằm lại tại chiến trường với mãi mãi tuổi hai mươi, điều đó càng thôi thúc chúng tôi được giải tỏa, được chia sẻ với nhau khi mái đầu mỗi lúc một  bạc thêm.

Cho đến bây giờ chiến tranh đã đi vào quá khứ và có thể có nhiều đánh giá khác nhau nhưng tôi cho rằng bất cứ ở giai đoạn nào của lịch sử thì Độc lập, Tự do và Thống nhất đất nước bao giờ cũng phải là Tuyên ngôn đầu tiên của bất cứ chính thể nào một khi đang nắm vận mệnh của một dân tộc. Không lẽ gì trong những thời khắc nóng bỏng như thế chúng ta lại là kẻ đứng ngoài cuộc.

Tôi cũng muốn nhắc lại ở đây lời của một đồng đội đã cùng chúng tôi sống và chiến đấu trong những tháng ngày không thể nào quên đó, anh đã nói hộ chúng tôi tất cả:“Không ai lựa chọn chiến tranh, nhưng chiến tranh lại chọn thế hệ chúng tôi để thử nghiệm phẩm chất làm người...Không ai lựa chọn sự gian khổ, nhưng gian khổ thiếu thốn lại làm bật dậy giá trị tinh thần cao quý, làm nên sức mạnh chiến thắng...và không ai lựa chọn cái chết, nhưng sự sống thật là quý giá giữa chảo lửa khổng lồ, chúng ta đã chấp nhận cái chết bằng cách ngẩng cao đầu và nếu có ra đi thì thật là thanh thản...”. Đấy chính là nhân cách của chúng tôi khi hòa vào dòng chảy của dân tộc trước những thử thách cam go để tồn tại hay không tồn tại và chúng tôi tự hào đã làm được cái mà cả thế hệ chúng tôi đã làm trong những năm tháng đầy máu và nước mắt nhưng rất đỗi vẻ vang vì sự tồn vong của dân tộc và đất nước thân yêu.

Tháng 5/2010[/right]
L.X.T
                                                                                                                                 
Ngược dòng ký ức tạm dừng ở đây. Tôi sẽ có dịp quay trở lại với sự tham gia của đồng đội tôi để viết lại trọn vẹn những gì mà chúng tôi đã trải qua trong những năm chiến tranh.

Ngày mai tôi sẽ cùng đoàn CCB của Quỹ MMT20 về dự lễ kỷ niệm ngày mất của anh Trỗi (15/10/1964) và viếng thăm quê hương của chị Sáu tại Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tầu). Hẹn gặp lại các bạn QSVN sau chuyến đi này
.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Mười, 2010, 08:33:13 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #423 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2010, 05:04:27 pm »

Bác LXT cẩn thận quá. Trước một chuyến đi thời bình mà nghe bác căn dặn, nhắn nhủ ae cũng thấy nao nao, hẫng hụt. Chúc bác LXT thượng lộ bình an.

Bọn tôi ở nhà nhấm nháp mấy khúc "ký ức" đợi bác được chứ?

Hỏi ae trên QS chút:

1. Cuối 1974, e101 của bác LXT rút về Cam Lộ, để tuyến phòng thủ miền Đông từ Thanh Hội đến Chợ Sải cho bộ đội địa phương thì thấy hơi ái ngại. Chiến tuyến nóng và căng như dây đàn này trước đó phải do 4 trung đoàn cứng chốt giữ (101-64-48-27), đối diện là bọn TQLC hiếu chiến. Chắc 101 rút ra thì giao lại cho 27 (vẫn xem là bộ đội địa phương, mặc dù khoảng 1973 đã thuộc 320 thì phải). Nhưng thế thì ta hơi mỏng nhỉ. Lúc này tôi ra Vĩnh yên mất rồi nên không tường.

2. Tôi không nghĩ rằng thời đó đã có bút bi. (?)

Xin thỉnh giáo.

 

Logged

Nhật ký Viết lại
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #424 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2010, 07:07:35 pm »


1. Cuối 1974, để tuyến phòng thủ miền Đông từ Thanh Hội đến Chợ Sải cho bộ đội địa phương thì thấy hơi ái ngại.

2. Tôi không nghĩ rằng thời đó đã có bút bi. (?)

Xin thỉnh giáo.

 

1.    Cuối năm 1974, Quảng Trị ngay liền kề miền bắc nên mọi thứ đều đầy đủ, từ lương thực đến đạn dược. Rồi công sự kiện cố. Lực lượng mặt trận B5 bấy giờ cũng rất mạnh. Quân của tỉnh đội cũng toàn lính bắc cả mà toàn là lính thiện chiến, đã từng lầy gan óc ở Thành cổ 1972 rồi lại được hỗ trợ pháo binh, phòng không của Mặt trận. Xin khẳng định là không có gì phải e ngại. Chắc chắn không có tướng lĩnh nào của VNCH dám nghĩ đến chuyện đánh ra phía bắc (làm gì còn Mỹ mà "gấu" được).

2.    Bút bi thì ngay năm 74 tôi cũng có một chiếc. Hồi đó bút Big cũng không hiếm. Thường mọi người lúc đó hay gọi bút bi là bút "nguyên tử". Hình như do một loại bút bi có vẽ logo là mấy quĩ đạo điện tử thì phải.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Mười, 2010, 11:07:49 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

Hai Ruộng
Thành viên
*
Bài viết: 1275


« Trả lời #425 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2010, 11:32:08 pm »

Tôi cũng muốn nhắc lại ở đây lời của một đồng đội đã cùng chúng tôi sống và chiến đấu trong những tháng ngày không thể nào quên đó, anh đã nói hộ chúng tôi tất cả:“Không ai lựa chọn chiến tranh, nhưng chiến tranh lại chọn thế hệ chúng tôi để thử nghiệm phẩm chất làm người...Không ai lựa chọn sự gian khổ, nhưng gian khổ thiếu thốn lại làm bật dậy giá trị tinh thần cao quý, làm nên sức mạnh chiến thắng...và không ai lựa chọn cái chết, nhưng sự sống thật là quý giá giữa chảo lửa khổng lồ, chúng ta đã chấp nhận cái chết bằng cách ngẩng cao đầu và nếu có ra đi thì thật là thanh thản...”. Đấy chính là nhân cách của chúng tôi khi hòa vào dòng chảy của dân tộc trước những thử thách cam go để tồn tại hay không tồn tại và chúng tôi tự hào đã làm được cái mà cả thế hệ chúng tôi đã làm trong những năm tháng đầy máu và nước mắt nhưng rất đỗi vẻ vang vì sự tồn vong của dân tộc và đất nước thân yêu.
 .

 Em rất cảm động với lời nói quí giá của đồng đội lính sinh viên của đàn anh
 Dù rất bận việc nhưng khi nào có tý thời giờ rảnh là em lại đọc " những dòng ký ức của anh " dù cho có hôm rất là khuya . Em thấy những người chiến sỹ chúng ta dù có khác thế hệ , chống Pháp , chống Mỹ , hay chiến tranh biên giới , đều có những điểm rất giống nhau . Đó là bầu nhiệt huyết , rất yêu cuộc sống nhưng sẳn sàng chết cho đất nước thiêng liêng . Có điểm rất giống nhau nữa là anh em mình đều là học sinh , sinh viên , mình có thể viện cớ đó để ở lại học tiếp để góp phần xây dựng đất nước , nhưng đứng trước cảnh chiến tranh đang gieo tang tóc trên đất nước mình , nên đành phải tự nguyện xếp lại sách vở mà ra trận . Những người linh sinh viên đã thể hiện và phát huy hết  những gì mà mình được học tập ở nhà trường từ trình độ nhận thức , cho đến tư cách đối xử với đồng đội , với cã kẽ thù lúc nào cũng toát lên được một con người có học , có hiểu biết . Em rất kính mến các anh là những người lính sinh viên thời chống Mỹ . Khi các anh có dịp vào TP HCM thế nào em cũng tìm cách gặp mặt cho bằng được nhất là anh TTNHULE và anh LE XUAN TUONG
Logged
Hai Ruộng
Thành viên
*
Bài viết: 1275


« Trả lời #426 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2010, 11:35:41 pm »

Tôi cũng muốn nhắc lại ở đây lời của một đồng đội đã cùng chúng tôi sống và chiến đấu trong những tháng ngày không thể nào quên đó, anh đã nói hộ chúng tôi tất cả:“Không ai lựa chọn chiến tranh, nhưng chiến tranh lại chọn thế hệ chúng tôi để thử nghiệm phẩm chất làm người...Không ai lựa chọn sự gian khổ, nhưng gian khổ thiếu thốn lại làm bật dậy giá trị tinh thần cao quý, làm nên sức mạnh chiến thắng...và không ai lựa chọn cái chết, nhưng sự sống thật là quý giá giữa chảo lửa khổng lồ, chúng ta đã chấp nhận cái chết bằng cách ngẩng cao đầu và nếu có ra đi thì thật là thanh thản...”. Đấy chính là nhân cách của chúng tôi khi hòa vào dòng chảy của dân tộc trước những thử thách cam go để tồn tại hay không tồn tại và chúng tôi tự hào đã làm được cái mà cả thế hệ chúng tôi đã làm trong những năm tháng đầy máu và nước mắt nhưng rất đỗi vẻ vang vì sự tồn vong của dân tộc và đất nước thân yêu.
 Em rất cảm động với lời nói quí giá của đồng đội lính sinh viên của đàn anh .

 Dù rất bận việc nhưng khi nào có tý thời giờ rảnh là em lại đọc " những dòng ký ức của anh " dù cho có hôm rất là khuya . Em thấy những người chiến sỹ chúng ta dù có khác thế hệ , chống Pháp , chống Mỹ , hay chiến tranh biên giới , đều có những điểm rất giống nhau . Đó là bầu nhiệt huyết , rất yêu cuộc sống nhưng sẳn sàng chết cho đất nước thiêng liêng . Có điểm rất giống nhau nữa là anh em mình đều là học sinh , sinh viên , mình có thể viện cớ đó để ở lại học tiếp để góp phần xây dựng đất nước , nhưng đứng trước cảnh chiến tranh đang gieo tang tóc trên đất nước mình , nên đành phải tự nguyện xếp lại sách vở mà ra trận . Những người linh sinh viên đã thể hiện và phát huy hết  những gì mà mình được học tập ở nhà trường từ trình độ nhận thức , cho đến tư cách đối xử với đồng đội , với cã kẽ thù lúc nào cũng toát lên được một con người có học , có hiểu biết . Em rất kính mến các anh là những người lính sinh viên thời chống Mỹ . Khi các anh có dịp vào TP HCM thế nào em cũng tìm cách gặp mặt cho bằng được nhất là anh TTNHULE và anh LE XUAN TUONG
Logged
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #427 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2010, 01:41:07 am »

---
Ngày mai tôi sẽ cùng đoàn CCB của Quỹ MMT20 về dự lễ kỷ niệm ngày mất của anh Trỗi (15/10/1964) và viếng thăm quê hương của chị Sáu tại Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tầu). Hẹn gặp lại các bạn QSVN sau chuyến đi này
---

Đ/c LXT 20 tuổi nhớ ôn lại "Mùa hoa lê-ki-ma nở, ở quê tôi miền đất đỏ ..." và "Sáng mãi tên anh người con của đất nước, sông núi reo ca người anh hùng thành đồng bất khuất ..." để đến quê chị Sáu và kỷ niệm anh Trỗi thì thay mặt anh em CCB lên hát nhé.
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #428 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2010, 09:02:28 am »

Chào các bác CCB và xin phép chen ngang một chút:

+ Bút bi thì từ hồi 1969-1970 đã có bút bi rồi bác 6971 ạ. Khi đó phố Đặng Dung, Cửa Bắc ở HN có hàng dãy các quán dịch vụ "bơm bút bi".

+ Đến khi 1972 bọn em sang Lào đánh nhau toàn lấy bút bi của địch dùng xả láng. Lúc ấy có muốn tìm cũng không ra bút mực cơ.

Kính các bác.
Logged
hatuyenha
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2403


« Trả lời #429 vào lúc: 13 Tháng Mười, 2010, 05:45:34 pm »

 Bạn  LexuanTương1972@ thân mến,cũng như Hai Ruong@ và các thành viên khác trong QSVN.net,rất xúc động với những dòng hồi ức đầy lửa và Hoa của nhóm các bạn Sinh viên năm 1972.Đọc xong mình nghĩ thế này: đều là những người lính chiến,đều gian khổ chiến đấu ác liệt mỗi mặt trận một khác.Nhưng lính sinh viên giúp người lính tổng kết được,nói lên hết được những tâm tư tình cảm,những khoảnh khắc mơ mộng bình yên giữa cuộc chiến,những ác liệt rực lửa của cuộc chiến,những đau thương sót xa của cuộc chiến... khiến người đọc hiểu rõ hơn về sự ác liệt,về tình yêu của lính,về sự biết ơn với đồng bào giúp mình trong sự  tàn khốc của cuộc chiến,về tình đồng đội thân thương dũng cảm quên mình,về tình yêu đất nước...nhiều lắm ...nhiều lắm.Thật cám ơn các bạn.Đọc xong chẳng lần nào nước mắt không tràn mi,chẳng lần nào cổ không nghẹn ngào.Xin thay mặt những người lính rất cám ơn các bạn.
Bạn CCBTT@ đã thốt lên trong topic "thối tai chai đít" giá như viết được cuộc đời ở lính như các bạn TTNL@, LXT@,6971@...thì hay quá, mình đã động viên em :thôi mèo nhỏ bắt chuột nhỏ ,tùy theo sức của mình vậy.
Mình còn rất cảm phục Lixeta@ khi đọc bộ tiểu thuyết của em,người lính xe tăng năm xưa mà bây giờ viết được bộ tiểu thuyết về binh chủng của mình.những người này không thể phiêu như các nhà văn không có thực tế và mình cũng muốn lắm mà không làm đươc.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM