Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:29:21 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa  (Đọc 388325 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #370 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2010, 07:43:22 am »

Bức ảnh trên chụp năm 2007, từ trái sang: 1- 6971; 2- Đào Chí Thành c14/e95/f325 nguyên SV ĐHSP toán hiện công tác tại Viện Cơ học; 3- TTNL; 4- An đen c20/f325 , SV ĐHXD, trước khi lên c20 An ở c17/e101/f325, hiện đang công tác ở CT XD đường thủy HN; 5- một người quen biết nhảy vào chụp chung; 6- Quách Ngọc Lâm, tác giả Lửa lũy thành, c20/f325, hiện là họa sĩ của Thời báo kinh tế VN; 8- Thân a12 nguyên SV ĐH Ngoại Thương , công tác tại World bank hiện đã nghỉ hưu; 9- HTB; 10- Hùng côn, a12/f325, SV ĐHXD từ c1/d1/e101/f325 chuyển lên sư, hiện công tác tại Viện KTCN giao thông vận tải.  
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Mười, 2010, 08:11:17 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Nguoixaquehuong
Thành viên
*
Bài viết: 81



« Trả lời #371 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2010, 09:21:02 am »

Không biết bác đã xem qua trang này chưa?Trong đó có giới thiệu cách up ảnh.

http://www.quansuvn.net/index.php/topic,2239.0.html

Nếu vẫn chưa được thì em đã nhắn tin cho bác rồi ,bác check xem nhé.


Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #372 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2010, 04:49:14 pm »

NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC
(tiếp theo)

Như tôi đã nói Ái Tử, Đông Hà ngày ấy như là hậu phương, là nơi bạn bè, đồng đội dễ gặp gỡ nhau. Ở Ái Tử ngoài An đen tôi gặp được Động cận ở c17 cùng trung đoàn cũng đi lấy vật liệu, Ngọ tây ở d6/e95 và một số anh em ở e95 và e18 đã cùng tôi trở về đơn vị từ hậu cứ  Sư đoàn ở Song Mai, Hà Bắc vào.

Chia tay với Lâm, tôi và An đen lên Sư bộ để thăm Hùng côn. Theo đường 1 ra đến gần cầu Lai Phước rẽ trái lúc theo vệt đường tăng, lúc theo vệt bánh xe tải băng qua những vùng đồi thấp lúp xúp cây bụi chừng hơn chục cây số chúng tôi tới một thung lũng ven sông có rừng cây tái sinh, đây là Tân Vĩnh - Sư bộ của 325 đóng tại đây. Qua mấy trạm gác chúng tôi lên chỗ Hùng côn trên một quả đồi thấp. Từ đây có thể quan sát một đoạn sông Vĩnh Phước trong xanh lượn quanh những rừng cây thấp lấp ló những nhà hầm của các cơ quan Sư đoàn. Hùng côn từ c1 được điều lên Sư cùng với An đen tháng 11/1972 khi ở Nam Cửa Việt. Ở c20 trinh sát một thời gian, Hùng được điều lên a12 trực thuộc Ban 2 (Ban quân báo của Sư), đây là tiểu đội trinh sát kỹ thuật làm nhiệm vụ dùng các thiết bị thông tin liên lạc thu được của địch để thu nhận tin tức từ phía địch để thông báo cho cơ quan Tham mưu của Sư đoàn được biết các hoạt động của địch. Hùng vẫn gầy gò như hồi còn gặp nhau ở Đầu Kênh, da dẻ có vẻ trắng hơn. Anh em a12 hầu hết là sinh viên của các trường đại học, một môi trường công tác dễ thông cảm lẫn nhau. Sau này khi tôi chuyển về học tại  ĐH Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội tôi có gặp Duyên bên khoa Anh cùng ở a12 với Hùng.

Đi lấy vật liệu ở Ái Tử về, Trìng ba toác đưa cho tôi lá thư của Thái Hồng Sơn ( Sơn trắng) gửi vào cho Trình. Nó chưa biết tôi đã trở về đơn vị. Thư nó viết về trường ĐHKTQS và về cuộc duyệt binh mừng chiến thắng 1/5/1973 tại Hà Nội: đáng nhẽ trong hàng quân duyệt binh đó phải có mặt những thằng lính đã vào sinh ra tử để có ngày chiến thắng hôm nay...Cầm lá thư của Sơn trong tay mà tôi bồi hồi nhớ lại lúc vượt sông Thạch Hãn nó và thằng Chiến đã cứu tôi khỏi chìm xuống dòng sông đang sôi lên sùng sục...
              
Tháng 6/1973 đang ở khu vực 4 mỏm chúng tôi được lệnh chốt giữ tuyến Vân Hòa - An Lộng nằm dọc theo sông Vĩnh định.  Đây là khu vực trực tiếp tiếp xúc với địch, thuộc xã Triệu Hòa. Trước khi vào chốt chúng tôi tập kết ở thôn An Lộng mấy hôm để là công tác chuẩn bị. Khu vực chốt này chúng tôi sẽ nhận bàn giao từ e27. Tôi, Bình trố và Bình lác ở tại 1 gia đình chỉ có 2 ông bà già ngoài 50 nhưng vẫn còn khỏe mạnh, các con cụ đều theo quốc gia, còn các cụ ở lại với giải phóng và sơ tán ra Vĩnh Linh. Căn nhà tạm này quây bằng những viên táp-lô sót lại của căn nhà cũ, lợp bằng cỏ gianh và những tấm tôn không còn lành lặn được dựng trên 1 nền nhà khá bề thế. Cái nóng hầm hập với gió Lào làm cho người như bị vắt kiệt, làng xóm hồi sinh lại nhưng còn rất thiếu những tán cây xanh để làm dịu bớt cái nóng khủng khiếp này. Từ đây ra tuyến chốt chỉ có chưa đầy 500 m theo đường chim bay.

8 giờ tối đại đội được lệnh hành quân vào chốt, trước đó cán bộ từ a trở lên đã vào nhận vị trí của mình. Ra khỏi xóm, chúng tôi theo đường hào dẫn ra vị trí chốt giữ, tất cả phải di chuyển dưới hào để giữ bí mật. Cả đại đội chốt giữ với chiều dài khoảng 500 m, b1 của tôi nằm lui phía sau làm nhiệm vụ cơ động cho đại đội, còn 2 b kia ở phía trước trực diện với tụi TQLC, 2 bên cách nhau 1 hàng rào dây thép gai do địch dựng lên. Địch bố trí theo cụm với công sự bằng những bao cát phủ bạt. Chỗ b3 là 1 căn nhà hòa hợp được dựng lên để 2 bên tiếp xúc. Đại đội lập 1 tổ có nhiệm vụ tiếp xúc với địch, những người không có nhiệm vụ không được lai vãng tới khu vực đó, mà phải chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Mọi sự đi lại trong khu vực đóng quân đều dưới giao thông hào. Tiểu đội tôi nằm cách nhà hòa hợp chừng 300 mét trong 1 căn nhà âm có đủ hầm chữ A và các ụ chiến đấu, phía trước mặt là cánh đồng với nước ngập trắng xóa, hàng rào dây thép gai do địch dựng lên chạy ngang trước ụ súng tiền tiêu của tiểu đội chừng mấy chục mét. Tiếp đến là khu đất cao của làng Bích La và các công sự của địch. Chỗ chúng tôi không gần địch như ở b3 mà khoảng cách tới gần 200 mét. Cánh đồng trước mặt chắc chắn đầy mìn do 2 bên cùng cài.

Lính địch bên kia hàng rào thằng nào thằng ấy cởi trần trùng trục, nghễu nghện đi lại, nếu như đánh nhau chắc chắn chúng sẽ không thể trở tay kịp với quân ta. Phía sau bọn này là như thế nào chúng tôi cũng không biết được, nhưng chắc chắn 1 điều toàn bộ tuyến chốt của chúng tôi đã nằm sẵn trong tọa độ bắn pháo của chúng một khi xảy ra chiến sự.

(còn tiếp)
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
tai_lienson
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1231


« Trả lời #373 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2010, 05:22:10 pm »

Anh Thái Hồng Sơn có phải là em trai của anh Thái bá Vân   sau khi học DHKTQS xong thì về hải quân phải không bác
Logged

Lính trung đoàn tình nguyện quân 866 - qua những miền tây - (một khẩu súng giữ đất trời ba nước, một dấu chân in khắp nẻo Đông Dương)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #374 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2010, 07:36:18 am »

Anh Thái Hồng Sơn có phải là em trai của anh Thái bá Vân   sau khi học DHKTQS xong thì về hải quân phải không bác

Đúng rồi đó, sau HĐ Paris Sơn cùng 1 số anh em ra học ĐHKTQS, ra trường về phòng công trình của BLL Hải quân sau đó chuyển vào TPHCM, giờ nghỉ hưu rồi. Dân Đô Lương chính gốc nhưng phiêu bạt nên bán giời không văn tự nhưng bản chất anh đồ Nghệ vẫn còn lưu giữ 1 chút trong máu chả là khi đến Ái Tử hầu hết anh em hết cả gạo mà chiều tối mới vượt sông về trung đoàn, không biết lấy gì để ăn đây thì Sơn cười hì... hì và lôi từ đáy ba-lô 1 chiêc tất (không biết tất có thối không) đựng đầy gạo. Thế đấy dù có đi 4 phương trời nhưng lòng vẫn mang dòng máu Nghệ... . Vui thế đấy.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
tai_lienson
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1231


« Trả lời #375 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2010, 08:54:46 am »

Anh Thái Hồng Sơn có phải là em trai của anh Thái bá Vân   sau khi học DHKTQS xong thì về hải quân phải không bác

Đúng rồi đó, sau HĐ Paris Sơn cùng 1 số anh em ra học ĐHKTQS, ra trường về phòng công trình của BLL Hải quân sau đó chuyển vào TPHCM, giờ nghỉ hưu rồi. Dân Đô Lương chính gốc nhưng phiêu bạt nên bán giời không văn tự nhưng bản chất anh đồ Nghệ vẫn còn lưu giữ 1 chút trong máu chả là khi đến Ái Tử hầu hết anh em hết cả gạo mà chiều tối mới vượt sông về trung đoàn, không biết lấy gì để ăn đây thì Sơn cười hì... hì và lôi từ đáy ba-lô 1 chiêc tất (không biết tất có thối không) đựng đầy gạo. Thế đấy dù có đi 4 phương trời nhưng lòng vẫn mang dòng máu Nghệ... . Vui thế đấy.
Đúng là ...kỳ lạ bác với em chưa gặp nhau lần nào nhưng có nhiều mối quen biết quá
    . Bố anh Sơn với bố  em là con cô con cậu , Bố anh Sơn là ông Phán , bọn em thường gọi là bác Phán Hiên ( Họ tên  bác ấy là Thái bá Hiên ) cải cách ruộng đất bác ấy chạy ra ở  Hà nội thế là thoát ,còn những người ở lại bị đánh tơi bời vì khẩu hiệu " Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ ".cha em đang là phó ty ( phó sở bây giờ ) cũng bị đấu ...
  Năm 1973 anh Sơn và gia đình đưa hài cốt bác Phán Hiên về quê ,em có đi đào huyệt cùng và gặp anh Sơn , nghe anh kể chuyện đánh thành cổ cứ há hốc mồm , bây giờ chỉ nhớ anh ấy nói thành cổ là " cối xay thịt "Từ đó đến nay không gặp anh lần nào nữa , anh  ít về quê ., nghe các anh chị nói anh  nghỉ hưu với hàm trung tá nhưng lập công ty riêng
 Còn anh Thái bá Vân là nhà phê bình hội họa có tiếng trong giới văn nghệ sỹ Việt Nam  , có lần anh đi họp về mỏi chân gọi xích lô, xích lô nói giá từ đó về nhà anh 6 đồng , trong túi anh Vân chỉ có 4 đồng ,thế là đi được 2/3 quãng đường anh móc túi trả cho bác xich lô và nói " cho mình xuống đây .Bác xích lô hỏi lại : sao lại xuống giữa chừng , anh Vân nói : tớ chỉ đủ 2/3 tiền ..nghe vậy bác xích lô phì cười xin chở miễn phí anh Vân về nhà  
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Mười, 2010, 09:06:05 am gửi bởi tai_lienson » Logged

Lính trung đoàn tình nguyện quân 866 - qua những miền tây - (một khẩu súng giữ đất trời ba nước, một dấu chân in khắp nẻo Đông Dương)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #376 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2010, 11:03:03 am »

 Đúng là ...kỳ lạ bác với em chưa gặp nhau lần nào nhưng có nhiều mối quen biết quá
    
[/quote]

Đúng là trái đất quá là nhỏ nhoi trước những con người luôn đầy ắp sự phiêu lãng. Một lần có một cháu mới về cùng ngồi uống nước với mình nó nghe thấy mình đang gọi điện thoại để chuẩn bị chuyến đi QT, nó bảo rằng:" Cậu cháu cũng là lính QT, chú có biết không ?"
- Cậu cháu tên là gì, chắc gì đã biết vì nhiều đơn vị đánh nhau ở QT lắm.
-  Cậu cháu tên là Thái Hồng Sơn.
- Ối giời ! Thế mày có phải con bà Cư không ? Tao thấy cậu mày có nói có một đứa cháu con chị Cư làm ở NHCT.
Thế đấy đúng là mình với bác có duyên với nhau đấy, lúc nào ta gặp nhau nhể.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười, 2010, 07:51:26 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #377 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2010, 03:00:19 pm »


NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC
(tiếp theo)

Công việc hàng ngày ở chốt thật buồn tẻ, 5 thằng thay nhau gác liên tục 24/24. Những thằng không phải gác thì kiếm rau, bắt cua và nhất là đặt bẫy bắt chuột. Thằng Hảo toét (mắt nó lúc nào cũng như thằng bị đau mắt hấp háy) có biệt tài làm bẫy chuột. Làng mạc hoang tàn nên chuột nhiều vô kể. Hôm nào cũng vậy sau 1 đêm cũng phải có tới hơn chục con chuột bị sập bẫy. Thôi thì đủ món: luộc, rán, kho tầu…mà gia vị chỉ độc một loại hột ném và sả. May mà còn có thịt chuột để ăn. Nhưng giống chuột này đâu có sợ người, con nào con ấy bằng cổ tay, ngủ buổi trưa là bò lên gặm ngón chân. Có một lần tiểu đoàn trưởng Dương nửa đêm đi kiểm tra các chốt, ông đến khu vực chốt của chúng tôi không ngờ vấp phải bẫy sập bị 2 hòn táp-lô đè vào chân, may mà không gẫy. Thủ trưởng đau quá chửi toáng lên: …Sao chúng mày không đặt ở hàng rào để thám báo mò sang là dính đòn có hơn không…

Chuột nhiều thì thì rắn cũng nhiều. Xung quanh trận địa là cỏ tranh mọc rất nhiều, chúng tôi nhìn thấy đủ loại rắn bò trong các vạt cỏ tranh để lùng chuột, thôi thì đủ loại con đen trũi, con khoanh vàng, khoanh đỏ…ghê cả người. Tôi là một thằng rất sợ rắn nhưng vẫn phải nhìn thấy chúng hàng ngày. Có những lúc ngủ trưa trong nhà âm thấy bụi vào mặt nhìn lên mái nhà thấy 1 chú rắn đen sì mắt thao láo luồn dưới mái tranh chắc để tìm chuột. Có lần đêm đi gác về chui vào màn để ngủ lại thấy cái đình màn chũng xuống bèn lấy bật lửa soi thì thấy một chú khá to đang nằm cuộn khoanh trên đình màn. Ngồi trong màn hãi quá nhưng chẳng còn cách nào khác là dùng hai tay hất cái đám đen sì đó như hất quả bóng chuyền đi đâu thì đi. Còn loại rắn lục xanh lét rất thích nằm ở dép cao-su có lẽ ở dép có mồ hôi chân có vị mặn mòi của muối thì phải. Cho nên trước khi đi ngủ phải cho dép vào màn để tránh cái chuyện giẫm phải các vị ấy…

Đây là vùng đất thịt không phải là cát, dưới cái nắng khủng khiếp cua ở ruộng nhoi hết cả lên mặt ruộng, lính tráng chỉ có việc chộp lấy cho vào bao cát. Giống cua đồng ở đây bà con địa phương gọi là con đam,  không ai ăn cả chỉ có quân ta xài. Cua thì to. mầu nâu đen trông rất dữ dằn với 2 càng rất to. Bắt cua về giã trong mũ sắt và nấu canh nhưng đăc biệt khi nấu xong thịt cua không đóng thành vầng như cua ở ngoài ta. Không biết đó là giống cua hay vì nấu canh không đủ vị…

Ở khu vực này rau cỏ không đến nỗi hiếm như ở vùng cát. Các loại rau mọc hoang khá nhiều như rau dền, rau mồng tơi, rau đay…Đơn vị bạn bàn giao lại những vạt rau muống họ trồng ở các hố bom. Có một câu chuyện nghĩ lại rất đỗi bình thường về việc đi hái rau và sau đó trên báo QĐND 1 loạt phóng sự viết về tuyến giáp ranh QT trong đó có bài Bó rau trên trận địa chốt. Phóng viên viết về mình mà khi đọc chỉ có mỗi tên của mình mà cứ tưởng viết về ai. Số là thế này: lần ấy tôi được cử đi hái rau, hôm ấy phải đi xa 1 chút vì xung quanh đó anh em ta hái hết cả. Tuyến hào của ta dẫn về phía sau đi ven làng, đoạn đó lại sát hàng rào dây thép gai vả địch cách xa tới 2,3 trăm mét. Đang lúi húi hái rau dưới 1 hố bom đầy nước thì thấy đám rau muốngchuyển động từ từ về phía hàng rào cách đó khoảng chục mét. Những ngọn rau muống trên đất ta vươn qua hàng rào sang vạt ruộng nước bên đất địch. Tôi thoáng thấy bóng người đang thụp trong đám cỏ lác. Phản ứng của tôi lúc đó rút nhanh quả lựu đạn ở xanh-tuya rông và quát : “Ai !”. Bóng người vụt đứng dậy ấp úng “Em…em …là lao công đào binh …xin các anh ít rau…” Đó là 1 thằng lính ngụy tóc tai bù xù, râu ria lởm chởm, mặt mũ đen nhẻm mặc 1 bộ quần áo tả tơi không có tay áo. Thắng lính cho biết nó là lính lao công đào binh bị đưa ra tuyến trước phục dịch bọn TQLC: đào hầm, nấu ăn, vận tải. Bọn chỉ huy bắt thằng này đi hái rau, nó biết khu vực này có gài mìn nên chỉ hái những ngọn rau vươn sát bờ ruộng bên đó. Nó dùng 1 sợi dây có móc như móc câu lăng vào đám rau muống và kéo vào để hái. Tôi quát : “Rau chúng tao trồng tại sao mày hái mà không xin, có muốn ăn đạn không ?” . Nhưng thực ra tôi có súng đâu, chỉ có mấy quả lựu đạn ở dây lưng mà thôi. Câu chuyện chỉ có thế nhưng tôi đã báo cáo lại đơn vị biết tình hình phòng khi chỗ đó địch đã gỡ mìn để tìm cách lấn sang đất ta...Ngay hôm sau đơn vị đã bố trí 1 tổ 3 người chốt đêm ở đó. Nhân có mấy phóng viên về viết bài, chuyện của tôi được đăng lên báo là tôi đi hái rau gặp địch hái trộm rau nhưng rồi lại cho chúng nó rau mà mình đã hái được, và tuyên truyền cho chúng nó về chính sách của Mặt trận…

Hệ thống trận địa chốt của chúng tôi được bàn giao từ e27 rất hoàn chỉnh từ giao thông hào đến những ụ súng cùng các nhà âm và các hầm chữ A hoàn toàn bị xụp lở sau những trận mưa đầu mùa. Nước sông Vĩnh Định dâng cao tràn hết vào trong cánh đồng. Các b khác ở chỗ đất cao không sao, chúng tôi ở dìa làng nơi đất thấp, nửa đêm nước tràn hết cả vào nhà âm, mấy anh em bắt buộc phải dỡ mái tranh để chui ra. Sáng ra xung quanh mênh mông là nước, nước ngập hết cả hàng rào dây thép gai, bên phía địch chúng phải lùi sâu vào làng nơi đất cao hơn. Chúng tôi không được phép rút lên chỗ cao mà phải đóng bè chuối để hết vũ khí trên bè và trụ lại trên nóc nhà chờ nước rút. Đến giờ ăn 1 thằng bám bè chuối chở cơm từ bếp của trung đội ra để có cái ăn. Bây giờ ngẫm lại việc chốt giữ ngày ấy vẫn còn rùng mình vì rắn bơi tung tăng xung quanh bè chuối.

Nước rút sau 1 tuần, lại xoay trần ra củng cố lại trận địa như làm mới. Đám bụi cây xấu hổ rất lớn trước cửa nhà âm của tiểu đội bị nước cuốn trôi lộ ra 1 bộ hài cốt của quân ta. Người chiến sĩ đó hy sinh trong tư thế ngồi, khẩu AK để bên hông, xương đùi phải bị gẫy. Chiếc mũ tai bèo vẫn úp trên xương sọ chỉ còn lại lớp lót ni-lông chống nước, bộ quân phục chỉ còn lại phần túi trên nắp có thêu chữ SƠN và 1 gói mì chính còn nguyên vẹn cùng 1 cây bút Trường Sơn. Khu vực này cũng là khu vực ta và địch giành đi giật lại cho nên khả năng người chiến sĩ này đã bị thương gẫy xương đùi không thể quay về đơn vị mà mắc kẹt lại và hy sinh. Chúng tôi khâm liệm SƠN và chôn cất anh ở chỗ đất cao ngay trục đường về làng. Trên bia mộ có khắc dòng chữ Liệt sĩ SƠN, ngày tìm thấy hài cốt …tháng 8/1973.


Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #378 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2010, 04:56:32 pm »


 Tôi, Bình trố và Bình lác ở tại 1 gia đình chỉ có 2 ông bà già ngoài 50 nhưng vẫn còn khỏe mạnh


       Bác lexuantuong ! Tổ tam tam của bác hay nhể. Một người cận, một người trố và một người lác ?
Logged

lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #379 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2010, 07:34:12 am »


 Tôi, Bình trố và Bình lác ở tại 1 gia đình chỉ có 2 ông bà già ngoài 50 nhưng vẫn còn khỏe mạnh


       Bác lexuantuong ! Tổ tam tam của bác hay nhể. Một người cận, một người trố và một người lác ?
Đấy là năm 1973 còn lúc ở Chợ Sãi 1972 là một thằng điếc, một thằng cận và một thằng lác.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM