Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 02:38:50 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa  (Đọc 388240 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #180 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2010, 08:48:15 pm »

NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC
(tiếp theo)

Anh em vận tải võng chúng tôi cứ dọc theo bờ sông mà đi. Nhiều đoạn phải lách qua những rặng tre xơ xác. Hôm nay trời nắng to nhưng nước sông Thạch Hãn đỏ ngầu cuồn cuộn chảy, nước từ thượng nguồn đổ về cuốn theo rất nhiều cây cối và chắc chắn trong lòng nó là không ít thân xác đồng đội tôi...Nhiều đoạn đường bị sạt cuốn theo những bụi tre to khiến anh em tải thương phải đi vòng rất vất vả vì lội ruộng. Anh em tải thương đưa tôi đến một xóm bên bờ sông, đoạn sông này rất rộng, phía bên kia lại có một nhánh sông đổ vào, sau này mới biết đây là làng Gia Độ, cũng là ngã ba nơi sông Hiếu là đoạn cuối của sông Cam Lộ chảy qua Đông Hà gặp Thạch Hãn ở đây để đổ ra biển tại Cửa Việt.

Đây là trạm phẫu tiền phương của mặt trận cánh Đông, hôm qua B52 đã dội bom vào đây gây tổn thất  khá lớn. Hầm phẫu được đào sâu hơn đầu người trên nóc căng vải nhựa che mưa, chưa kịp làm nóc. Người bác sĩ nói với tôi: “Phẫu bị bom hôm qua nên thiếu thuốc tê, tôi tiêm cho đồng chí một ống để mổ ngón tay, còn chỗ khác nhẹ hơn đồng chí chịu đau nhé, thuốc tê còn giành cho những người khác...”.

- Tôi chịu được, chỉ mong bác sĩ cố giữ ngón cái cho tôi, đừng tháo khớp, tôi mất ngón cái làm sao còn cầm bút đi học được...

- Ông là sinh viên trường nào ?

- Xây dựng.


- Tôi sẽ hết sức cố gắng, chỉ sợ nhiễm trùng khó giữ được lắm. Mà mất ngón tay thì là sao có thể làm đồ án được...


Mảnh đạn găm vào khớp ngón cái tay phải của tôi, vì muốn giữ ngón cái cho tôi người bác sĩ đã mất khá nhiều thời gian. Hai mảnh nằm ở bả vai, một mảnh nằm ở cơ đen-ta tay trái, một mảnh ở hông trái, hai mảnh đùi trái, một mảnh đùi phải, một mảnh vào trán, hai mảnh nhỏ xuyên qua mũ cối găm vào da đầu. Một mảnh sạt qua mũi. Ngó bộ dạng tôi băng bó kín mít chỉ lộ hai con mắt qua cặp kính cô hộ lý là du kích địa phương bón từng thìa sữa cho tôi nghịch ngợm trêu:“Eng mang kiếng như ri mà nỏ vỡ thì giỏi thiệt hè !”. Cô du kích đưa tôi vào một lán thương binh đào âm dưới lòng đất đưa cho tôi khoác một mảnh dù và mang bộ quần áo đẫm máu tôi đang mặc trên người để đi giặt. Lán thương binh có khoảng hơn hai chục người với đủ kiểu thương tật. Hầu hết anh em đều từ cánh Đông chuyển về. Chúng tôi sẽ nằm tạm ở đây để đến chiều tối chuyển tiếp ra viện tuyến sau.

Trong giấc ngủ mê mệt sau những gì xảy ra, tôi nghe loáng thoáng một giọng lanh chanh quen thuộc ở phía ngoài lán. Tôi không thể gọi được vì băng kín từ đầu đến mũi, nói cũng khó khăn. Một khuôn mặt loắt choắt đen nhẻm ló qua lán: “Có Tường đeo kính ở đây không ?”. Đó là thằng Thủy con liên lạc đại đội.

- “Tao đây”, tôi phều phào và giơ tay ra hiệu cho Thủy. Thủy ôm bụng lom khom chui vào lán. Nó cũng bị thương khi rút ra đụng phải địch. Tình hình của đơn vị nó cũng không hơn gì tôi, khi về đến phẫu của trung đoàn nó được biết tôi đã ra. Mừng vì hai thằng cùng đơn vị gặp nhau, sẽ nương tựa lẫn nhau trên đường đi viện.

(còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Tám, 2010, 04:43:27 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #181 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2010, 10:33:14 am »

Bác Tường bị thương tới 12 mảnh như thế cũng nặng đấy nhỉ. Có mảnh nào chạm xương không bác.

Trong đơn vị bọn em dù chỉ bị một mảnh bằng hạt ngô mà chạm xương là sau đó lên đường ra Bắc luôn (rồi về một đơn vị nào đó ở hậu phương hoặc giải ngũ), chẳng bao giờ còn quay trở lại đơn vị chiến đấu nữa.
Logged
nguoixuthanh
Thành viên
*
Bài viết: 22


« Trả lời #182 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2010, 03:37:26 pm »

" Hồi đó sư đoàn 325 thành lập "đội tuyên truyền văn hóa" gọi tắt là "đội tuyên văn" thuộc ban tuyên huấn, phòng chính trị của sư đoàn. Anh Ứng là SV đại học Mỹ Thuật, anh Thịnh SV văn đại hoc Tổng Hợp cũng ở trong đội này. Hai chim sơn ca nữ là Kiều Oanh Và Thu Lý."
 Cháu thấy đây là một chi tiết khá thú vị. Các bác nên tranh thủ tìm tòi thêm, có khi lại hay đấy ạ !!  Grin Grin
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #183 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2010, 03:56:37 pm »

Bác Tường bị thương tới 12 mảnh như thế cũng nặng đấy nhỉ. Có mảnh nào chạm xương không bác.

Trong đơn vị bọn em dù chỉ bị một mảnh bằng hạt ngô mà chạm xương là sau đó lên đường ra Bắc luôn (rồi về một đơn vị nào đó ở hậu phương hoặc giải ngũ), chẳng bao giờ còn quay trở lại đơn vị chiến đấu nữa.

Mình bị mẻ sọ và vỡ khớp ngón cái tay phải, mình sẽ kể tiếp đoạn ra Bắc và trở về đơn vị.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #184 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2010, 06:15:49 pm »



      Bác LXTường à ! Tuấn trưởng phòng hành chính bệnh viện Việt Nhật sau này ở riêng ở khu tập thể Giảng võ, tầng 1. Nhà nhìn ra hồ Giảng Võ.
Logged

lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #185 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2010, 09:20:13 pm »

NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC
(tiếp theo)

Chiều tối thương binh rời Gia Độ xuống thuyền để chuyển ra viện ở Vĩnh Linh. Đoàn chúng tôi đi bằng 3 thuyền máy với khoảng gần 50 thương binh. Thương binh nặng nằm võng còn ai đi được cố gắng dìu nhau đi. Tôi và Thủy dìu nhau xuống thuyền, Thủy bị một mảnh thấu bụng phải ra viện tuyến sau mới mổ được nhưng nó vẫn lom khom ôm bụng đi được. Đoạn sông Thạch Hãn này khá rộng có lẽ gần về biển hơn, loáng loáng sóng hai bên mạn thuyền dưới ánh trăng thượng tuần và mờ ảo của đèn dù. Thuyền lướt xuôi dòng cũng khá lâu rồi tạt mé trái, chúng tôi dìu nhau lên bờ. Đoạn sông tiếp theo bị bom từ trường chưa thông thuyền được các đoàn thương binh buộc phải lên bờ để đi bằng đường bộ ra Vĩnh Linh. Đây thuộc huyện Gio Linh, chúng tôi  đi qua những trảng cát xâm xấp nước với một thứ cỏ lác. Chẳng biết đi được bao xa rồi chúng tôi dừng chân tại mấy căn nhà âm đào sâu dưới đất. Sáng ra mới biết xung quanh chúng tôi là cánh đồng cát ngập nước, nơi chúng tôi nghỉ là một gò cát cao hơn một chút có nhiều cây bụi mọc. Các nhà hầm nửa nổi nửa chìm ẩn mình trong đám cây bụi. Đây chính là một trạm trung chuyển thương binh nên có y tá kiểm tra lại các vết thương, có các cô du kích lo cơm nước. Nằm nhà hầm nghe gió bên ngoài thổi ù ù, vẳng lại tiếng u...u...i...i của thằng OV10, tiếng bom đạn ở đâu xa vẳng tới chứng tỏ rằng đây đã ở sâu trong hậu phương của mình.

Chúng tôi lại lên đường, trước khi đi mỗi người được phát 2 gói lương khô 701 để ăn dọc đường. Bữa cơm chiều các cô du kích cho ăn một bữa cơm với canh cá chua ngon quá. Đã lâu lắm rồi mới lại được ăn một bữa cơm ngon như thế. Quãng đường đêm nay vất vả quá, rất nhiều đoạn chúng tôi phải lội nước tới bụng, thương binh nặng nằm trên võng xũng nước, thương binh nhẹ hơn ngã xấp ngã ngửa. Tiếng pháo từ hạm đội 7 rít qua đầu nổ ở sâu phía trong. Tới những đoạn không bị ngập chúng tôi nằm lăn ra vì đau, vì mệt. Thằng Thủy bữa chiều cơm ngon miệng ăn nhiều nên dạ dày phình ra cọ xát vào mảnh đạn nên kêu đau oai oái. Chân tôi lội nước suốt đêm làm cho các vết thương ở chân, ở hông và ở đùi nhiễm trùng sưng tấy phát sốt và cứng hết cả người. Vẫn phải đi tiếp, cố gắng đến viện chả nhẽ lại nằm lại. Tôi bám vào Thủy để lết từng bước, mỗi lần mệt quá nó phải đỡ chân tôi để ngồi xuống. Mấy chục con người lê lết rồi cũng đến được một con lạch nhỏ và ở đấy đã có thuyền đợi chúng tôi. Ngồi trên thuyền nửa thân dưới cứng đờ không còn cảm giác gì tôi chợt nghĩ các vết thương bị nhiễm trùng có thể bị uốn ván vì lúc lội qua cánh đồng ngập nước cỏ thối, ý nghĩ bị uốn ván chắc chắn sẽ không qua khỏi khiến tôi ứa nước mắt khi nghĩ đến Mẹ: Mẹ ơi! Con không trở về được với Mẹ rồi... rồi tôi lơ mơ thấy thuyền tới một khúc sông rộng hơn đó là sông Bến Hải. Thuyền cập bờ, Thủy dìu tôi lên khỏi thuyền vất vả quá vì chân tôi tê cứng hết cả. Rồi chúng tôi cũng đến nơi, tôi ngồi dựa vào vách một căn nhà hầm, bên trong la liệt thương binh. Tôi tỉnh dậy vì bên tai tôi có tiếng la lớn: “Đau quá, mẹ ơi ! Con đau quá...Con nhớ mẹ quá...Con muốn về với mẹ để đi học...mẹ ơi...học...học...”. Tiếng kêu đuối dần rồi ngừng bặt. Đó là người thương binh nằm cạnh tôi, anh là ai, tên là gì, quê ở đâu, đơn vị nào tôi không hề biết, chỉ biết trong giờ phút lâm chung anh chỉ có một ước muốn được trở về gặp lại Mẹ và tiếp tục sự nghiệp của mình. Ôi những bà mẹ Việt Nam đã mang nặng đẻ đau và dâng hiến những đứa con dứt ruột của mình cho đất nước. Chẳng có bà mẹ nào lại muốn nghe thấy tiếng con mình gọi trong giờ phút lâm chung đó...

Sáng ra, người ta đã đưa người thương binh mất đêm qua đi rồi. Mấy người đi cùng anh ta trên đường ra viện cũng chẳng biết gì hơn, may ra chỉ có bên quân y mới biết mà thôi. Đội điều trị 52 tại xã Vĩnh Thành, Vĩnh Linh nằm ẩn mình trong các khu vườn hồ tiêu của vùng đất đỏ ba-dan. Quang cảnh viện tan hoang, nhiều nhà hầm cho thương binh bay hết mái vì hôm trước B52 rải thảm vào đây. Khu vực bếp của Viện bị trúng bom nồi niêu xoong chảo bát đĩa cho thương binh chẳng còn gì cho nên cơm chỉ có thể  đổ chung vào các tầu lá chuối ăn cùng ruốc mặn mà thôi. May mà tôi có cái thìa US cài ở túi sau để dùng, nhiều anh em phải nắm thành nắm nhỏ để ăn. Sau khi kiểm tra, băng bó lại các vết thương và không có hiện tượng bị uốn ván tôi lại được chuyển đi tiếp về Đội điều trị 48 ở xã Vĩnh Long cách đấy gần 2 chục cây số. Đoàn chuyển thương đi giữa ban ngày mỗi người cầm một cành cây để che nắng và ngụy trang, băng qua những đồi hồ tiêu xanh mướt, những vườn mít lúc lỉu, nếu như được tạt ngang lúc này thì thế nào cũng phải kiếm quả mít cho đỡ cơn thèm. Người dân ở đây đã dỡ nhà của mình để làm hầm và cuộc sống thường nhật là ở dưới lòng đất. Chúng tôi gặp QL1 và cứ men theo đường mà đi, qua những đống gạch vụn của thị trấn Hồ Xá chúng tôi tạt vào một con đường nhỏ bên trái theo một con sông nhỏ tới một xóm nhỏ thuộc xã Vĩnh Long, Đội điều trị 48 nằm tại đây. Thương binh chia về các nhà hầm của dân, ở đây là nơi dân từ Quảng Trị sơ tán ra, còn phụ nữ, người già và trẻ con ở đây lại ra Nghệ An chỉ có thanh niên và đàn ông bám trụ ở lại phục vụ chiến đấu. Cái xóm nhỏ này nằm trên một bãi cát với những bụi trúc nhỏ mọc khắp nơi. Ở đây tôi gặp Tân quẩy ở c1 học lớp 15 Máy, nó cũng ra đây từ hôm trước cùng với Thái Minh Hùng lớp 16 Thủy lợi, Hùng đeo băng kín một bên mắt không rõ có giữ được mắt không. Ông Lâm 13 Xây dựng cũng đã hy sinh hôm 16/9 rồi. Tôi lại gặp một cậu mang ba-lô có viết chữ Dương Thanh, c2 d1 e101 trên nắp ba-lô nhưng không phải là Thanh, cậu ta nói cùng ở c2, Dương Thanh hy sinh cùng Cường, Niên đều ở K16, Thắng 15 Kiến trúc...Nhớ lại cái đêm xe chở quân qua Đô Lương và anh em có yêu cầu cho Thanh chạy về nhà ở ngay ven đường để chào mẹ lần cuối...ai có thể nghĩ rằng đó cũng thực sự là lần cuối của Thanh.

(còn tiếp)
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Hai Ruộng
Thành viên
*
Bài viết: 1275


« Trả lời #186 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2010, 12:23:46 am »

 Đọc bài của bác Tường em cảm động quá , nhất là bà mẹ . Nhớ lại khi em được chuyển ngành về đến nhà đã 1 giờ đêm , em gọi cửa , mẹ em mở cửa ra nhìn thấy em về là bà ngất xỉu luôn .
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #187 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2010, 07:41:33 am »



      Bác LXTường à ! Tuấn trưởng phòng hành chính bệnh viện Việt Nhật sau này ở riêng ở khu tập thể Giảng võ, tầng 1. Nhà nhìn ra hồ Giảng Võ.

Tuấn là con rể ông Ngô Gia Khảm - Anh hùng quân đội ngành quân giới trong KCCP.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Tám, 2010, 12:19:00 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
tai_lienson
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1231


« Trả lời #188 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2010, 10:10:42 am »

   Trích LXT@ "....Nhớ lại cái đêm xe đổ quân qua Đô Lương và anh em có yêu cầu cho Thanh chạy về nhà để chào mẹ lần cuối ..."
 Đọc dòng này em lại nhớ hồi tháng 11/77 em cùng đơn vị hành quân vào An Giang - sao giống nhau thế - Bọn em từ Con Cuông theo đường 7 đi xuôi , qua nhà em - cũng ngôi nhà nhỏ ở Đô Lương cách đường 7 vài trăm mét _ em đập nắp ca bin đề nghị dừng lại , bác lái xe không dừng ,anh em trên xe hét  ầm lên ,
   Chính trị viên D trong ca bin thò cổ hỏi :gì thế ? Em bảo : thủ trưởng cho em qua nhà mấy phút , DV hỏi :gần không ?Em chỉ tay vào làng ,ông nói : cho cậu 10 phút .
  Em cắm đầu cắm cổ chạy về nhà  thấy  mẹ  đang ngồi bậu cửa , chỉ kịp nói :con đi vào Nam đây mẹ ạ , mẹ em hỏi : khi mô đi ??, em nói : xe đang dừng ngoài đường .Mẹ khóc lần túi đưa cho mấy đồng
  Sau này chiến sự biên giới Tây nam ác liệt em cứ đinh ninh lần gặp mẹ ngày đó là  lần cuối . Nhưng rồi số phận may mắn đã đưa em trở về ......
Logged

Lính trung đoàn tình nguyện quân 866 - qua những miền tây - (một khẩu súng giữ đất trời ba nước, một dấu chân in khắp nẻo Đông Dương)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #189 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2010, 12:10:49 pm »

NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC
(tiếp theo)

Các lán thương binh của Đội điều trị 48 được đào âm dưới những lùm cây thấp trong một xóm nhỏ của xã Vĩnh Long từ đây có thể thấy quốc lộ 1 và thị trấn Hồ Xá hoang tàn cách không đầy 3 km. Đêm xuống đoàn thương binh chúng tôi được phát mỗi người 2 phong lương khô 701 và tiếp tục lên đường. Chúng tôi cứ bám theo nền đường xe lửa xuyên Việt hướng ra phía Bắc. Người ta đã chọn con đường xe lửa đã bị bỏ hoang mấy chục năm nay thành một tuyến giao liên vô cùng quan trọng và lại bất ngờ với địch. Đoạn từ Vĩnh Linh ra Quảng Bình chạy kẹp giữa đường 1 và đường 15. Có những lúc chúng tôi đi giữa những chùm pháo sáng rực trời và những chớp lửa của máy bay và cả pháo biển của địch oanh kích vào 2 trục đường 1 và 15. Đoàn thương binh cứ lầm lũi đi như thế, người bị nhẹ dìu người bị nặng hơn, không ít những thương binh bất động được các cô dân công hỏa tuyến tải  bằng võng. Trời đêm mát mẻ, trăng trung thu vằng vặc cảnh vật thật sự thanh bình nếu như không có những tiếng gầm rú của các loại máy bay và những chớp lửa cách đấy không xa. Gần sáng chúng tôi tới nơi, đây là một xóm nhỏ nằm kề đường xe lửa. Chúng tôi được đưa vào một căn nhà tranh núp dưới một rặng tre, chị chủ nhà đưa chúng tôi một manh chiếu trải dưới nền nhà. Mặc dù mệt đi cả đêm nhưng tôi không thể ngủ ngon được vì chặng đường hơn 20 cây số khiến các vết thương ở đùi đau nhức, lại không thể nằm được các vết thương ở bả vai và bắp tay, duy nhất chỉ còn một cách dựa cột để ngủ gà ngủ gật. Cạnh tôi thằng Thủy nằm co như một con tôm ngủ ngon lành.

Sáng ra có ai lay tôi: “Răng mà chú ngủ như ri?”. Thì ra chị chủ nhà thấy tôi dựa vào cột nhà gục đầu mà ngủ. Tôi cho chị biết tôi bị thương không thể nằm được. Hôm sau chị chủ nhà kiếm được ở đâu 1 cái ghế băng nhờ người cưa bớt chân cho thấp đưa về cho tôi nằm. Chiếc ghế băng quả là chỗ ngủ tuyệt vời khi 2 bả vai bị thương được chìa ra ngoài mặt ghế nằm lọt vào giữa lưng, khi máy bay hoặc pháo kích xoẹt trên đầu thì chỉ cần nghiêng người là đã tiếp đất một cách an toàn.
 
Đây là Mỹ Thủy thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, nằm ngay bên dòng Kiến Giang. Đầu xóm là vết tích một cây cầu đường sắt bị sập còn trơ lại những trụ và 2 mố cầu được xây bằng đá hộc. Trạm điều trị của Đội điều trị 43 đóng tại đây. Chị chủ nhà là bí thư phụ nữ có chồng cũng là bộ đội đi B. Những ngày ấy ở đây ban ngày rất yên tĩnh nhưng đêm xuống thì pháo sáng rực trời, đủ các loại máy bay Mỹ đang tọa độ trục đường 15 cách đấy không xa, lại cả những tiếng rú rít của pháo từ hạm đội 7 vọt qua đầu chúng tôi tạo ra những quầng lửa ở phía núi. Có những lúc yên tĩnh giữa các đợt oanh kích của địch, 2 bên bờ lại vọng vang tiếng hò khoan man mác làm chạnh lòng chúng tôi - những thằng lính xa quê. Gian nhà lá nơi chúng tôi ở chứa khoảng hơn chục thương binh, đủ các đơn vị tham chiến ở Quảng Trị. Những câu chuyện không đầu, không cuối của đời lính, đủ các thể loại từ chuyện gia đình, chuyện học hành, yêu đương, chuyện chiến đấu được kể ra để giết thời gian.Tuyệt nhiên những chuyện bị thương như thế nào thì có hỏi thì mới nói có lẽ đó là chuyện đương nhiên và rất may mắn được thoát chết. Đêm xuống tất cả đều phải xuống hầm, hầm không đủ cho từng ấy con người nên những người còn lại phải nằm võng hạ thật thấp hoặc nằm đất phòng khi bom pháo nổ gần còn có cơ may sống sót. Tôi bị thương chi chít khắp người vì quá tham ăn cả quả cối cá nhân M79 mà không thèm chia cho thằng nào cả. Khi được khiêng ra viện chẳng có quân trang gì ngoài 1 cái thìa US bằng i-nox (cái thìa này nay tôi vẫn còn giữ). 5 ngày ở đây đã sống mãi trong ký ức của tôi.

(còn tiếp)

« Sửa lần cuối: 30 Tháng Tám, 2010, 12:20:05 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM