Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 04:38:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa  (Đọc 388290 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #100 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2010, 01:10:02 pm »

NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC
(tiép theo)

Tháng 5/1972 Sư đoàn 325 đưa trung đoàn 18 vào Quảng Trị và tham chiến tại khu vực Hải Lăng. Khi địch phản kích nhằm chiếm lại những vùng đất đã mất, trung đoàn đã cùng các đơn vị bạn chiến đấu ngoan cường tại phía Đông Thị xã. Trung tuần tháng 7/1972 Trung đoàn 95 vượt sông Thạch Hãn vào chấn giữ Thị xã và Thành cổ cùng Trung đoàn 48 của Sư 320B và các tiểu đoàn 3 và 8 của tỉnh đội Quảng Trị. Cuối tháng 7 đến lượt Trung đoàn 101 của tôi cũng vượt sông vào chiến đấu tại khu vực Chợ Sãi, An Tiêm, Nại Cửu phía Đông Bắc Thị xã. Sát cánh cùng chúng tôi ở cánh đông có các Trung đoàn 64 của Sư 320B và Trung đoàn 27. Khi Thị xã và Thành cổ Quảng Trị bị mất, các đơn vị chốt giữ trong Thành rút về bờ Bắc Thạch Hãn thì tuyến chốt của chúng tôi ở cánh Đông vẫn được giữ vững cho tới khi chúng ta giải phóng hoàn toàn Quảng Trị ngày 19/3/1975. Tuyến chốt này chạy từ sông Thạch Hãn tại Chợ Sải dọc theo sông Vĩnh Định qua An Tiêm, Nại Cửu, Bích La, An Lộng, Vân Hòa băng qua các trảng cát của Long Quang cho tới Thanh Hội ở mép biển có nhiệm vụ bảo vệ tuyến vận chuyển quan trọng của chúng ta bằng đường biển qua Cửa Việt ngược lên Đông Hà.
 
Đêm ngày 1 rạng ngày 2/11/1972 địch tiến hành cuộc hành quân Sóng thần 9 nhằm chiếm lại những vùng đã mất, chúng bí mật cho 1 tiểu đoàn Thủy quân lục chiến  vượt sông tại khu vực Nhan Biều nhằm lập một đầu cầu cho việc tái chiếm khu vực phía Bắc sông Thạch Hãn. Tại đây Trung đoàn 18 dựa vào trận địa phòng ngự vững chắc đã đánh một trận tuyệt đẹp tiêu diệt toàn bộ số quân địch đã vượt sông. Trận Nhan Biều đã bẻ gãy hoàn toàn ý định chiếm lại vùng giải phóng của địch buộc chúng chấp nhận lấy sông Thạch Hãn làm ranh giới tạm thời tại khu vực Thị xã Quảng Trị.

Hiệp định Paris được ký kết và có hiệu lực từ  ngày 28/1/1973. Trước đó đêm 25/1 địch tiến hành cuộc hành quân Tăng-gô Citi âm mưu chiếm lại khu vực Nam Cửa Việt nhằm ngăn chặn con đường vận chuyển của ta từ biển qua Cửa Việt để lên Đông Hà và từ đó sẽ cắt ngang đường 1 ở khu vực Nam sông Bến Hải nhằm chiếm lại những vùng chúng đã mất trước ngày 30/3/1972. Dưới sự yểm trợ của máy bay B52 và các máy bay chiến thuật cùng các pháo hạm của Hạm đội 7 Mỹ với hàng chục trận địa pháo từ Gia Đẳng, Hải Lăng liên tục bắn phá vào khu vực Nam Cửa Việt, địch dùng một lữ đoàn đặc nhiệm bao gồm lữ đoàn 147 TQLC với một thiết đoàn hơn 100 xe tăng và xe bọc thép từ Gia Đẳng, Tam Cát theo mép biển chọc sâu vào sau  lưng tuyến chốt của chúng ta ở Long Quang và Thanh Hội. Trận chiến đấu diễn ra quyết liệt giữa các đơn vị chốt giữ của ta chống lại các đợt tấn công của lũ Trâu điên, Cọp biển. Xe tăng thiết giáp của địch phát huy tác dụng trên những trảng cát phẳng mênh mông không hạn chế tầm nhìn, trong khi các ổ đề kháng của chúng ta hoàn toàn bị phơi mình giữa cát trắng không hề có vật che chắn. Nhiều xạ thủ chống tăng buộc phải vùi mình trong cát để chiến đấu. Cho tới 9 giờ sáng 28/1 hai bên ngừng chiến, lúc này  địch chiếm được cảng Mỹ ở mép biển còn cảng ngụy nằm ở phía trong sông, ta và địch mỗi bên một nửa. Quyết không cho địch cắt con đường vận chuyển của ta vào Đông Hà, sau khi được tăng cường các đơn vị bạn từ phía bờ Bắc, đêm 29/1 ta nổ súng phản kích địch giành lại những phần đất bị mất. Đến ngày 31/1 toàn bộ lữ đoàn 147 TQLC và hơn 100 xe tăng thiết giáp của địch bị tiêu diệt buộc địch phải lui về vị trí xuất phát. Trận Cửa Việt kết thúc, ý định của địch định tràn ngập lãnh thổ bị phá sản. Tuyến phòng thủ cánh Đông của ta được giữ vững cho đến khi ta giải phóng hoàn toàn Quảng Trị ngày 19/3/1975.
……
(còn tiếp)      
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Tám, 2010, 07:58:16 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #101 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2010, 04:11:33 pm »

Đoạn tiếp sau đây của Ngược dòng ký ức TTNL đã trích đoạn chuyển cho các bạn. Để cho bài viết này liền mạch tôi xin phép được đăng lại những đoạn đó.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #102 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2010, 08:48:38 am »

NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC
(tiếp theo)

Lóp ngóp lên tới bờ, một bóng người từ đâu nhô lên hét: “Chạy nhanh khỏi bến, quần áo mặc sau...”, cứ nguyên quần cộc, cởi trần tay ôm bọc ba-lô, khoác vội khẩu súng tôi lao theo những bóng người chạy trước, nhờ ánh sáng của pháo sáng của máy bay và hỏa châu của địch bắn lên. Chạy được khoảng 10 phút mặc cho nhiều lúc ngã dũi dụi do bị sụt xuống hố và cây cối đổ ngổn ngang quăng quật vào mặt, lúc này tốp người đi trước đã dừng lại, chúng tôi tranh thủ mặc quần áo và tiếp tục đi. Dưới ánh sáng mờ ảo của pháo sáng tôi nhận ra đây là làng xóm bởi rất nhiều bụi tre, cây cối và những căn nhà đổ nát vì bom đạn. Đường đi lúc xuyên qua làng, lúc băng qua cánh đồng lầy thụt ngập nước chi chít hố pháo, hố bom...Không biết bao lần phải úp mặt xuống đất vì pháo địch xoèn...xoẹt trên đầu, pháo nổ gần thì chớp sáng chói lòe không hề nghe tiếng nổ chỉ thấy ngực tức lại mắt mũi hoa lên cùng với bùn đất ụp vào đầu, pháo nổ xa thì chớp lửa đỏ rực, dưới chân đất rùng rùng chuyển động...Tốp người đi trước tản ra và mất hút trong những đống đổ nát của nhà cửa, tôi thì thào gọi: “Chiến, Sơn ơi ! Chúng mày đâu cả rồi...”. Không thấy tiếng trả lời nhưng một bàn tay ấn đầu tôi xuống: “Hầm đây, vào đi...”. Trút vội ba-lô tôi lom khom chui qua ngách cửa chỉ một người chui lọt, bên trong rộng đủ chỗ cho 3,4 người nằm. Dưới ánh sáng leo lét khét lẹt của ngọn đèn được thắp trong một đĩa sứ tôi nhận ra trong hầm đã có hai người, đó là hai cậu còn trẻ quãng 18, 19 tuổi giọng đặc sệt Nghệ An đó là Lào và Bắc mới về đơn vị trước tôi một ngày. Người đón tôi ở bến sông và đưa tôi vào hầm cũng còn trẻ, người nhỏ thó, tóc xù như một cái nơm. Đó là Lương Thanh Phồm tiểu đội trưởng tiểu đội 3 quê Tiên Lữ, Hải Hưng. Phồm giới thiệu sơ qua tình hình đơn vị: chúng tôi thuộc đại đội 3 (c3), tiểu đoàn 1 (d1), trung đoàn 101 (e101), sư đoàn 325(f325). Tiểu đội có 5 người, Phồm ở hầm bên cạnh cùng cậu Bình cũng quê Nghệ An. Từ đây vào chốt chưa đầy cây số đường chim bay nhưng Phồm vẫn yêu cầu 3 chúng tôi phải thay nhau gác phòng khi bị tập kích bất ngờ.

Đêm đầu tiên ngủ tại đơn vị trong tiếng nổ liên tục của bom pháo của địch. Hình như càng khuya địch càng bắn phá dữ dội. Hầm kèo đung đưa như đưa võng, có những lúc pháo địch nổ gần làm cho đất cát tung tóe hết vào trong hầm. Có những khoảng khắc tĩnh lặng giữa 2 đợt oanh kích, ló đầu nhìn về phía trái nơi sáng rực như ban ngày vì pháo sáng của địch tôi đoán đó là Thị xã và Thành Cổ, tôi nghe rất rõ tiếng lục bục kéo dài của đại liên hoặc 12 ly 7.

Ánh sáng chiếu qua cửa hầm làm tôi choảng tỉnh dậy, không gian yên ắng vắng tiếng bom và pháo, Phồm và một cậu béo lùn (tôi đoán đó là Bình) đang hí húi bắc bếp nấu cơm trong góc nhà kề ngay miệng hầm. Chúng tôi đang ở trong một ngôi nhà đã đổ sập dìa một ngôi làng tan hoang vì bom đạn. Phía trước mặt là cánh đồng chi chít những hố bom, hố pháo. Đập vào mắt tôi trên bức tường còn sót lại một dòng chữ ngay ngắn rất đẹp viết bằng than củi một câu tiếng Nga rất nổi tiếng: “Rôđina ili umeretr”- Tổ quốc hay là chết. Rõ ràng ở đây đã có sự hiện diện của những người lính Bắc nào đó phải là sinh viên đại học mới có thể viết được những dòng tiếng Nga như vậy. Được biết Phồm và số anh em Hải Hưng về đơn vị khi còn ở Hà Bắc, trong đơn vị có một số anh em đại học -  như Phồm nói nhưng đến giờ bị thương vong chỉ còn lại mấy người mà thôi. Bữa cơm đầu tiên tại đơn vị giữa không gian ngổn ngang đổ nát khét lẹt mùi thuốc súng, mỗi thằng một góc xúc vội thìa cơm với ruốc mặn chẳng có rau cỏ gì cả. Thấy anh Tạo từ  phía sau đi sang, anh đi hội ý ở bên đại đội về, ngồi thụp bên bếp kéo một hơi thuốc lào và cho biết sơ qua tình hình: đơn vị đang ở thôn Đầu Kênh, xã Triệu Long, quận Triệu Phong. Số quân chúng tôi từ d60/f304B bổ sung đêm qua rải khắp các đơn vị của e101. Về c3 này có khoảng hơn chục người trong đó có Trình ba toác khi huấn luyện là cán bộ trung đội vào đây là trung đội trưởng  trung đội 1 (b1) của tôi, anh Tạo cũng là cán bộ khung ở huấn luyện giờ là b phó b1, Tiến lớp Nước 15 ở tiểu đội 1 (a1), Chiến lớp Công trình 15 ở a2, Mẫn lớp Đường 15 ở b2 cùng với Phùng lớp Nước 15 và Triệu người dân tộc ở Việt Bắc, Sơn trắng lớp Cầu 15 ở a cối còn tôi ở a3. Anh Tạo được phân công ở với a3 và nằm cùng hầm với Phồm và Bình. Trong thời gian đang củng cố cứ đêm xuống chúng tôi có nhiệm vụ đi lấy gạo, thực phẩm, vũ khí, đạn dược từ bến sông hoặc đưa cơm và đạn dược cho các đơn vị đang ở trong chốt cũng như
đưa thương binh, liệt sĩ về phía sau.
(còn tiếp)
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Nguoixaquehuong
Thành viên
*
Bài viết: 81



« Trả lời #103 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2010, 09:15:14 am »

Phát hiện thêm nhật ký cảm động của một liệt sĩ tuổi 20-Nguyễn Kỳ Sơn

Bài này hơi cũ nhưng em xin phép bác LeXuanTuong đưa bài này vào đây để mọi người cùng đọc.
http://vietbao.vn/The-gioi-tre/Phat-hien-them-nhat-ky-cam-dong-cua-mot-liet-si-tuoi-20/70022351/504/

Logged
Trongc6
Thành viên
*
Bài viết: 495


« Trả lời #104 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2010, 10:22:06 am »

Đọc hồi ức của bác Tường mới thấy ngấm hơn cái ác liệt của Quảng Trị.

        Ngày trước nghe nói ở Quảng trị ác liệt tới mức: Chuyện kể có 2 thằng bạn cùng đơn vị tân binh. Một thằng bị sốt nằm lại, một thằng bổ sung vào đơn vị trước. Hai ngày sau thằng bị sốt cắt cơn mới được bổ sung vào đơn vị thì thấy thằng A trưởng ra đón mình lại chính là thằng bạn vừa vào trước 2 ngày. Nó đã là lính cũ và giảng giải cho mình đủ thứ về kinh nghiệm chiến trường.

       Chỗ chúng tôi đánh nhau 2 tháng rồi, thằng ở đoàn tân binh sau vào gọi mình là lính cũ còn thấy ngượng.
Logged

nguyenquochung
Thành viên
*
Bài viết: 283


« Trả lời #105 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2010, 10:37:42 am »

     Đọc bài viết của anh về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ mà người cứ rung lên bần bật, muốn viết một điều gì đó đển biểu lộ cảm súc, nhưng trước sự anh hùng của các anh, trước những cái chết đầy bi tráng của đồng đội anh thì lại thấy mọi lời lẽ và câu chữ đều trở nên vô nghĩa. Cay mắt quá!
    Khi những cánh thư từ những ô cửa sổ chuyến tầu đưa những người con ưu tú vào trận, tung xóa phố phường Hà Nội trong một ngày đầy gió, bất chợt tôi thấy như đó là những cánh hoa lan trắng tiễn biệt các anh đi vào cái chết để tìm sự sống cho tổ quốc.
     Bi tráng thay và cũng đẹp đẽ thay !
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #106 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2010, 11:27:03 am »

Phát hiện thêm nhật ký cảm động của một liệt sĩ tuổi 20-Nguyễn Kỳ Sơn

Bài này hơi cũ nhưng em xin phép bác LeXuanTuong đưa bài này vào đây để mọi người cùng đọc.
http://vietbao.vn/The-gioi-tre/Phat-hien-them-nhat-ky-cam-dong-cua-mot-liet-si-tuoi-20/70022351/504/


Nguyễn Kỳ Sơn nhập ngũ trước tôi (6/9/1971) và ở c10/d3 cùng e101 với tôi. Sơn hy sinh ngày 25/8/1972 tại Chợ Sãi. Trận đó có hơn 70 người đã hy sinh mà không tìm thấy xác. Đây là trân tập kich không thành công của ta. Danh sách này hiện đang lưu giữ tại BCH QS tỉnh Quảng Trị. Cuối tháng 10/2005 trong chuyến đi về QT Một thời hoa lửa  đồng đội c10/d3 có đưa gia đình Sơn về khu vực tác chiến tại Chợ Sãi để bốc một nắm đất tượng trưng mang về quê hương.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
tau khong so
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 146



« Trả lời #107 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2010, 01:45:18 pm »

Tôi học tập bạn " Ngừời xa quê hương " chuyển một câu chuyện về người lính Thành cổ Quảng trị mà bạn PhongQuảng đã đưa lên Topic - Xếp bút nghiên .... để Bác Tuờng, bác Như Lệ tập hợp lại. Trích bài viết về giáo sư Hồ Tú Bảo - chiến sỹ thành cổ QT.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
" Có một điều lạ lùng là cuộc đời anh vào thời điểm đó rất giống với liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Có lẽ thế hệ đó có nhiều người giống nhau như thế. Anh học chuyên Toán, anh thi học sinh giỏi Toán và Văn toàn miền Bắc, anh vào Đại học và đi bộ đội cùng lúc với Nguyễn Văn Thạc. Bạn gái của anh Thạc – chị Như Anh – học cùng lớp với bạn anh ở Ki shi nhốp và chính Nguyễn Văn Thạc cũng đã nhắc tới tên anh trong cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” nổi tiếng của mình.

Nguyễn Văn Thạc đã hy sinh. Còn với anh là một chút may mắn của số phận. Anh bị thương nặng nhưng đã được cứu sống. Người ta đã báo tử nhầm. Nghe nói anh bị thương nặng lắm, băng quấn từ đầu đến chân nên không ai tin là anh sẽ qua khỏi. Rồi người ta đưa anh ra Bắc điều trị. Hè năm ấy bạn tôi về phép và thăm anh. Hồi ấy không như bây giờ, việc về phép hầu như là không thể đối với lưu học sinh, trừ những trường hợp cực kỳ đặc biệt và phải được sự đồng ý của Đại sứ quán. Người bạn ấy đã kể cho anh nghe về lũ chúng tôi, về những ngày chúng tôi đọc thơ anh, và khi hồi phục anh viết thư cho lũ chúng tôi, những đứa em mới của anh.

Thư anh viết cho tôi không nhiều nhưng tôi luôn nhớ về chúng. Trên một tờ pơluya trắng mỏng manh, bằng màu mực xanh Cửu long anh chép cho tôi bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm khi bài thơ vừa ra đời. “Khi ta sinh ra Đất Nước đã có rồi ...”. Bài thơ dài ấy tôi trân trọng giữ và mang nó về lại Việt nam khi tốt nghiệp.

Nếu một ngày nào đó bạn vào Internet, gõ ba chữ “Tu Bao Ho”, bạn sẽ thấy hiện lên nhiều trang web giới thiệu một giáo sư ngành Trí tuệ nhân tạo tại một Đại học của Nhật. Chỉ cần đọc tiểu sử tóm tắt bạn cũng nhận ra ngay đây là một giáo sư có uy tín trong lĩnh vực chuyên môn của mình, là người  đã công bố nhiều công trình nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế, người đã tham gia và tổ chức nhiều hội nghị quốc tế về Trí tuệ nhân tạo, biên tập cho nhiều tạp chí quốc tế, tham gia đào tạo nhiều sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ, trong đó có khá nhiều sinh viên Việt nam. Bạn có thể sẽ nghĩ đây là một Việt kiều có cơ hội được học tập đào tạo từ lúc nhỏ tại Nhật hoặc một nước phát triển nào đó như đa phần các giáo sư  gốc Việt có tiếng tăm hiện nay.

Không đúng đâu, đó chính là anh đấy. Người đã không nằm lại “đáy sông Thạch hãn” nhưng đã để lại một phần máu xương của mình, một phần “Tuổi 20 thành sóng nước” ở dòng Thạch hãn bi tráng ấy; người lính trinh sát đã hoàn thành nhiệm vụ và được thưởng một huân chương chiến công hạng hai; người thương binh đã trở về để học hết đại học và rồi tiếp tục theo đuổi con đường khoa học. Trong giới hàn lâm, giữa bè bạn, học trò, tôi ít thấy anh nhắc về những năm tháng đó. Bài viết về Quảng trị anh cũng dùng bút danh khác. Có lẽ chỉ có duy nhất gần đây, trong bài viết của anh gửi cho báo Toán học tuổi trẻ nhân kỷ niệm 40 năm hệ chuyên Toán, anh mới viết chút ít về những gì đã làm. Như một báo cáo, như một lời tạ ơn với các thầy, với mái trường đã góp phần tạo nên con người anh: ngoài tư cách là một chuyên gia giỏi trong lĩnh vực chuyên môn còn là một con người sống đúng nghĩa như cần phải sống trong thời khắc của mình.

Với tôi anh cũng ít nhắc về năm tháng ấy. Biết anh rất bận tôi cũng ít khi viết thư nhưng hầu như không năm nào tôi quên gửi anh vài dòng vào ngày 30/4 và 27/7. Trong những dòng thư ngắn ngủi gửi vào những ngày đáng nhớ ấy, tôi cũng chẳng mấy khi nhắc về Quảng trị nhưng tôi tin là anh biết tôi đang cùng anh nhớ về dòng Thạch hãn 1972. Cũng như tôi đã nhớ về Thạch hãn khi cùng anh dịch những lời thơ từ bài hát Nga “Đàn sếu”

Tôi như thấy những người lính ấy
Không trở về từ các chiến trường xa
Cũng không yên nằm nơi đất lành đâu đó
Mà hóa thành đàn sếu trắng bay qua

 Đã mãi từ những ngày xa đó
Đàn sếu vẫn bay và cất tiếng gửi ta
Phải vậy chăng lòng tôi thường se lại
Mỗi khi nhìn trời biếc bao la

Dịch không phải để đăng đâu đó mà để cho tôi, cho anh, cho những bè bạn và những người đã không còn trở lại. Thi thoảng anh gửi vội cho tôi vài dòng: Thu vào VTV3 xem đi hay ở Tuổi trẻ có bài đấy. Thế là tôi biết đang có chương trình về Quảng trị, Quảng trị mùa hè 1972, Quảng trị của anh năm 20 tuổi. Với anh  

Đò xuôi Thạch hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

không chỉ là một câu thơ hay đầy xúc động mà là một câu nói vĩnh viễn nằm trong ký ức, vĩnh viễn nằm trong trái  tim. Và với tôi những gì anh làm được suốt những năm tháng sau chiến tranh dù đã có một thời cực kỳ khó khăn, dù đã có không ít ngày trái nắng trở trời vết thương xưa hành hạ, cũng là một phần nối tiếp của “Có tuổi 20 thành sóng nước”.

Năm trước trong chương trình kỷ niệm về thành cổ Quảng trị, ban tổ chức có mời một số cựu chiến binh thành đạt sau chiến tranh, một số thương gia, một vài cán bộ lãnh đạo, và nhiều sĩ quan quân đội. Nhưng tiếc là không có anh, một cựu chiến binh có lẽ là duy nhất của Thành cổ trở thành một nhà khoa học có uy tín trên trường quốc tế. Tôi nói với anh điều đó, và anh trả lời nhẹ nhàng “thì có rất nhiều lính chiến đấu ở Quảng trị mà ...”
 
Các bác có biết bác này không?   Giáo sư Hồ Tú Bảo -

http://www.jaist.ac.jp/~bao/

 Ghi thêm : Câu này có thể không hợp ở đây nhưng tôi vừa xem truyền hình trực tiếp về việc giáo sư trẻ Việt Nam Ngô Bảo Châu đạt giải toán học lớn nhất thế giới - tương tự giải NOBEN cách đây 10 phút, đề nghị các bạn QSVN chúc mừng GS Ngô Bảo Châu

 
 
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Tám, 2010, 02:43:55 pm gửi bởi tau khong so » Logged
nguyenquochung
Thành viên
*
Bài viết: 283


« Trả lời #108 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2010, 02:27:41 pm »

     Em đọc trong một số tài liệu khác viết rằng:
     Tiểu đoàn 3 Tỉnh đội Quảng Trị còn được gọi là K3 Tam Đảo nổi tiếng với câu nói: "K3 Tam Đảo còn, Thành cổ còn". Sau khi được lệnh rút ra vào ngày 16.9, cả tiểu đoàn chỉ còn lại chưa đầy 20 tay súng. Cũng như thế, trung đoàn 27 - trung đoàn Triệu Hải cũng chỉ có hơn 10 người trở về. Ác liệt đến thế là cùng.

     Em cứ tiêng tiếc cho mấy anh hy sinh trong ngày 16.9, nếu rút ra được, biết đâu các anh ấy cũng sẽ được về quê.
Logged
hatuyenha
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2403


« Trả lời #109 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2010, 02:36:42 pm »

Hôm nay mình xem buổi khánh thành tượng đài  10 cô gái Đồng Lộc ở ngã ba Đồng lộc,cạnh đó trồng mấy cây bồ kết mấy cây gì nữa mà mình không nhớ lại thấy phó thủ tướng xưng em với các chị,thật hay,thật nhân văn.Bây giờ lại đọc bài bạn  Taukhongso viết về giáo sư Hồ tú  Bảo,thật cảm kích.Mình lại nhớ nhà văn Thiếu tướng Trần Phương khi chú nói với mình là :Thiếu tướng là cuộc đời trước của chú,nhà  văn là cuộc đời hiện tại của chú,chú chưa một lần ghi tên chú kèm với chữ Thiếu tướng nhà văn.Nhà văn là nhà văn không cần dựa vào Thiếu tướng để thành nhà văn.Làm mình tìm chú muốn té xỉu khi muốn tặng sách của ông già có bài viết của chú.Khi mình đến tặng sách thấy chú kể về Trường Sơn mình tò mò hỏi :Chú ơi khi nghỉ hưu hay xuất ngũ chú được quân hàm gì ạ ?Chú chẳng nói chẳng rằng đi lên gác cầm một bì thư xuống đưa mình xem.Bì thư đó ghi:Đại tướng bộ trưởng Phùng Quang Thanh kính mời Thiếu tướng Trần Phương đến dự buổi trao huân chương cho ba đội du kích   Bắc Sơn ,Ba Tơ...được Bác Hồ  tặng thưởng từ năm 1947.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM