Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 07:28:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa  (Đọc 388247 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #80 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2010, 09:39:46 am »

NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC
(tiếp theo)

Chúng tôi dừng chân tại thôn Điếu Ngao bên cạnh thị trấn nằm sát cảng Đông Hà với đường 1. Tiểu đội tôi tạt vào một căn nhà sập một bên mái, sau khi nấu vội nồi cơm và canh ruốc, tôi và mấy người nữa lại lần mò tìm hiểu xung quanh. Rất nhiều đồ nhựa trong nhà từ rổ rá, bàn ghế cho tới hoa quả trên bàn thờ cũng toàn bằng nhựa. Ngồi xệp ở góc nhà, vừa nhai trệu trạo ca cơm với thịt hộp và canh suông mặn chát vì cho quá nhiều ruốc mặn vừa bới tung đống sách vở báo chí của gia chủ. Chủ nhân của căn nhà này cũng là người ham đọc sách vì có nhiều loại sách báo. Tôi cầm một cuốn sách đã sờn gáy giấy vàng ố, tên cuốn sách là Thương nhớ mười hai của tác giả Vũ Bằng. Qua lời giới thiệu mới biết tác giả là một nhà báo Bắc kỳ di cư vào Nam năm 1954. Lật nhanh từng trang thì đây là những dòng cảm xúc về 12 tháng thương nhớ của một con người lưu lạc xa xứ nhớ về cội nguồn ở phương Bắc xa xôi…Ngay trang đầu: Tháng giêng, mơ về trăng non rét ngọt với cái đau đáu của “mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội - là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh…”.  Chao ôi đọc đến đây thôi nước mắt tôi như muốn trào ra: “Mẹ ơi, con của mẹ đây, giờ này con vẫn bình yên, ngày mai con sẽ vào trận. Mẹ đừng khóc nữa, hãy đợi con về nhé. Con nhất định sẽ trở về, và nước mắt của mẹ con ta hãy giành cho ngày ấy…” Tại sao với một niềm nhớ thương da diết như thế mà tác giả nỡ lòng nào rời bỏ quê hương dứt áo ra đi… Cho đến 30 năm sau tôi mới tìm thấy câu trả lời về thân phận của tác giả cuốn sách tuyệt vời ấy - nhà báo Vũ Bằng.

Chiều xuống đơn vị tiếp tục lên đường. Mật độ bom pháo đã dầy đặc hơn, lúc này chúng tôi mới biết thế nào là bị pháo kích nhất là pháo từ hạm đội 7 Mỹ từ biển bắn vào. Đã được phổ biến rồi, nghe “…chíu…chíu…” - cứ đi; “…ú…ú…xoẹt…xoẹt…” - cẩn thận đấy; còn “…xoẹt…xoẹt…” - phải lăn ngay xuống đất vì như thế pháo đã dội ngay trên đầu mình. Đường đi xuyên qua các xóm làng tan hoang vì bom pháo, có đoạn đi dọc theo sông (về sau mới biết đó là sông Hiếu là đoạn cuối của sông Cam Lộ chảy qua Đông Hà và gặp sông Thạch Hãn ở ngã ba Gia Độ), không xa lắm phía trước mặt và xung quanh khói đen mù mịt cùng với những chớp lửa của bom đạn che lấp cả ráng chiều chạng vạng.

Trời tối hẳn nhưng bầu trời sáng rực bởi đèn dù và những chớp lửa của bom pháo, hình như sự dữ dội của bom đạn càng tăng khi màn đêm buông xuống. Lại chuẩn bị vượt sông - đây là điều đáng sợ nhất với tôi. Có lệnh tạm dừng vì mật độ pháo và bom vẫn dầy đặc nơi bến vượt, anh em trong tiểu đội tranh thủ kiếm được mấy cây chuối cho mấy thằng bơi tồi trong đó có tôi… Pháo địch vừa chuyển làn, lệnh xuống trong vòng nửa giờ đơn vị phải qua hết sông. Lúc này các đơn vị trú trong các hầm hào ven sông ùa ra tranh thủ vượt sông dưới ánh sáng ma quái của đèn dù. Con sông này không rộng lắm (sau này mới biết đó là sông Vĩnh Phước) lại có bè chuối nên qua sông được dễ dàng. Chúng tôi tiếp tục đi và cảm thấy hình như khu chiến đang mỗi lúc một gần, xen lẫn tiếng nổ của bom pháo và tiếng rú rít của máy bay địch là những chuỗi dài lục bục. Chúng tôi vểnh tai suy đoán đấy là tiếng đại liên - chắc chắn mặt trận đang ở phía đó. Đường đi bị cầy xới bởi chi chít những hố bom, hố pháo, cây cối ngổn ngang…tất cả đều nát vụn. Đây là đêm thứ hai kể từ lúc vượt Bến Hải. Đây là đâu cũng không biết nữa và chúng tôi được lệnh tản ra tự tìm chỗ trú ẩn qua đêm. Dưới ánh sáng như ban ngày của đèn dù chúng tôi tìm được nơi trú ẩn cũng không đến nỗi khó khăn lắm. Chúng tôi phát hiện một cửa hầm dưới đống gạch vụn của một ngôi nhà khá bề thế, căn hầm khá rộng rãi, sạch sẽ được làm bằng những vòm cống bằng tôn dày mà chúng tôi đã thấy khi ở Cam Lộ. Căn hầm này chứng tỏ đã có người ở đây. Bốn thằng Sơn, Chiến, Phùng và tôi nhai trệu trạo lương khô và ngủ thiếp đi trong cái chao đảo, chớp lòe xung quanh.
(còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Tám, 2010, 04:50:19 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #81 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2010, 11:11:50 am »

chào quê li xe ta ! rất phấn khởi chúng ta lại gặp nhau tại đây ôn lại một thời oanh liệt đã qua. bao ký ưc bao kỷ niêm ủa vể vui có buổn có. vui thỉ nhiểu quê nhỉ đởi lính mả , lúc đó chúng ta có sợ gỉ đâu,tớ cỏn nhớ tháng 9 năm 1972 đươc tiểu đoản điểu vể c6 cách tiểu đoản gẩn 10 cây phải vươt sông thạch hãn, rắc rốibắt đẩu tư đây! đoản bổ xung có gần chục người môt số không biết bơi lúc đó trên trơi nào o v10 nào f4  nào pháo quần đảo bến sông. làm thế nào để qua đây nếu không qua thì trời sẽ tối , sau khi hôí ý chúng tơ quyết đinh vượt và vượt an toản mọi ngưởi thở phào , thời đó bọn tớ mới18 lính mới tò te . làm đươc như thế gọi là tạm được rồi. bây giờ nghĩ lại sao lúc đó liều thế ! đến đơn vị thì trời đã tối , bữatối chỉ có lương khô thôi. chúng tớ ngủ dưới gẩm xe ,nửa đêm nào b52 nao pháo tiếp đón chúng tớ vui đáo đẻ. hành trình về c6 d2 tđ203 của mình như thế đấy. còn quê thì sao!  
Chào hoangphong203! Mình hỏi bạn có phải là tốp lính tank bổ sung đi từ Vĩnh Yên mà mình đã kể trong "Ngược dòng Ký ức" nói về tốp lính tank cùng đi với tụi mình trên đất QB. Trần Thanh Bình (Bình béo) cũng đi trong tốp đó. Các bạn về hậu cứ ở Trường Thủy (Lệ Thủy QB) sau đó chia về các đơn vị khác nhau của 203. Bình về nằm ở Bái Sơn sau đó sang Nam Cửa Việt. Giữa năm 1973 mình có nằm ở Hà Thượng, Dốc Miếu tình cờ gặp Xứng cùng huấn luyện ở Phú Bình (Bắc Thái), Xứng chia tay mình ở Bãi Hà để về tank. Các bạn bên tank có ai biết Xứng không?
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #82 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2010, 12:16:46 pm »

NGƯỢC DONG KÝ ỨC
(tiếp theo)

... Tôi cầm một cuốn sách đã sờn gáy giấy vàng ố, tên cuốn sách là Thương nhớ mười hai của tác giả Vũ Bằng. Qua lời giới thiệu mới biết tác giả là một nhà báo Bắc kỳ di cư vào Nam năm 1954. Lật nhanh từng trang thì đây là những dòng cảm xúc về 12 tháng thương nhớ của một con người lưu lạc xa xứ nhớ về cội nguồn ở phương Bắc xa xôi…Ngay trang đầu: Tháng giêng, mơ về trăng non rét ngọt với cái đau đáu của “mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội - là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh…”.  Chao ôi đọc đến đây thôi nước mắt tôi như muốn trào ra: “Mẹ ơi, con của mẹ đây, giờ này con vẫn bình yên, ngày mai con sẽ vào trận. Mẹ đừng khóc nữa, hãy đợi con về nhé. Con nhất định sẽ trở về, và nước mắt của mẹ con ta hãy giành cho ngày ấy…” Tại sao với một niềm nhớ thương da diết như thế mà tác giả nỡ lòng nào rời bỏ quê hương dứt áo ra đi… Cho đến 30 năm sau tôi mới tìm thấy câu trả lời về thân phận của tác giả cuốn sách tuyệt vời ấy - nhà báo Vũ Bằng.

(còn tiếp)


Cái từ " mùa xuân Bắc Việt " nghe hay lắm bác Tường ạ, thấy sống mũi cứ cay cay. Còn người miền Nam, đôi lúc họ nói rằng chúng ta nói tiếng Bắc Kỳ, còn họ nói tiếng Việt Nam. Kể cũng thú vị. Nhưng mà " tứ hải giai huynh đệ ", đối với chúng ta, cái từ " Nam Bộ " cũng hay và thân thương không kém, phải không bác ?
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Tám, 2010, 12:21:54 pm gửi bởi qtdc » Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #83 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2010, 01:30:15 pm »

Các bạn QSVN thân mến!
Tôi đang dựng dần con đường hành quân đi B của chúng tôi mà bí quá, hỏi anh em cùng đi thì họ lại càng ú ớ hơn tôi. Nhờ các bác giúp cho: đoạn từ Gia Viễn tới Hoằng Trinh (TH) có phải đi vào Nho Quan rồi theo đường 12 đến Hoằng Trinh.
Từ Hoằng Trinh vượt sông Mã đi vào Triệu Sơn là đi đường nào? Tôi không hề nhớ một chút nào chặng nghỉ ở Triệu Sơn. Từ Triệu Sơn theo đường 15 vào Nghĩa Đàn qua Bò Lăn. Giờ Bò lăn ở đâu? Từ Đức Hòa theo đường 22 vào Kỳ Anh từ Kỳ Anh đến sông Gianh là đường nào. Còn trên đất QB chủ yếu là hành quân bộ theo đường tầu và đường rừng. Đỉnh dốc mà phải gần 1 ngày mới qua hết có phải U Bò không ? Rất mong các bạn giúp tôi vẽ lại con đường này.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Tám, 2010, 02:29:50 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #84 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2010, 04:35:13 pm »

NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC
(tiếp theo)

Ánh sáng ùa vào cửa hầm làm tôi bừng tỉnh giấc, không gian buổi sáng tĩnh lặng không một tiếng bom, không một tiếng pháo, chắc giờ này chúng nó nghỉ ăn sáng thì phải !!! Chỉ có tiếng …u…u…i…i…của mấy thằng OV10 đang soi mói ở trên cao. Bầu trời xanh ngắt chói chang ánh nắng, gió thổi lồng lộng khét lẹt mùi thuốc súng, Chiến đang lúi húi làm gì đó ngoài cửa hầm và bảo: đơn vị thông báo đây là Ái Tử, đêm nay sẽ vượt sông Thạch Hãn, bên kia sông là địch…Căn cứ Ái Tử là đây ư, từ khi còn ở ngoài Bắc chúng tôi đã biết qua báo chí về địa danh này. Đây là căn cứ hậu cần tiền phương phía Bắc của vùng chiến thuật 1 của địch đồng thời là hậu cứ của Sư đoàn 3 bộ binh ngụy mang tên Bến Hải. Căn cứ này lớn lắm có cả sân bay cho các loại máy bay vận tải loại lớn như C130, C141, đã bị ta chiếm từ tháng 4/1972. Phía bên trái là hàng dãy nhà kho lớn, những ụ chứa máy bay chạy suốt về phía Nam, tất cả đều tan hoang, nhiều chỗ còn nghi ngút khói. Chỗ chúng tôi đang dừng chân là khu vực dân cư nằm kề sát với căn cứ. Lác đác có những bóng người khi ẩn khi hiện giữa các đống đổ nát. Cách khoảng 300 mét là một trục đường bê-tông tôi đoán đó là quốc lộ 1, một tốp quân ta khoảng hai chục người đang giãn cách đội hình với những cành ngụy trang hối hả đi về phía Nam - phía đó có thể là Thị xã và Thành cổ mà chúng tôi được nghe qua những người lính gặp trên đường.

Sơn, Phùng ở đâu về tha theo mấy cây chuối non thay rau. Chúng tôi bắc bếp nấu cơm ngay cửa hầm. Bữa cơm nóng sốt có canh thịt hộp, ruốc bông và đặc biệt là món thân chuối làm nộm của thằng Phùng ngon đáo để vì mấy ngày nay có ngọn rau nào đâu. Chúng tôi được lệnh chuẩn bị cả cơm nắm cho bữa chiều để sau khi vượt sông có cái mà ăn vì có thể không nấu được cơm.

Chia nhau hơi thuốc còn lại mang từ Bắc vào, mỗi thằng theo đuổi một suy nghĩ mung lung: nhớ nhà cộng them sự hồi hộp kèm theo sự sợ hãi cũng có vì biết đêm nay sẽ vượt sông vào trận…Sơn lôi đâu ra mấy cọng thuốc lá bọ, thái ra chia cho mỗi đứa một nhúm. Lần đầu tiên hút thử loại thuốc này, chao ôi sao mà hôi thế, cảm giác cổ họng như bị chổi sể chọc vào, ho rũ rượi tức cả ngực, nước mắt, nước mũi trào cả ra…

Giữa trưa, mật độ bom pháo hình như cũng thưa hơn. Sơn và Phùng chạy sang mấy hầm bên cạnh, tôi tranh thủ lôi sổ tay ghi vội vài dòng, còn Chiến nghênh ngáo ngoài cửa hầm ngắm trời ngắm đất. Bỗng dưng nó gào lên với chất giọng tenor cao vút: “…những thành phố những đập chắn nước ngăn sông, những xóm làng biếc xinh, những tuyến đương dài xa của quê hương ta từ muôn nơi đang ngời soi lên từng trang sách nhắc ta đêm ngày…” lời ca bài Về đây với trường xây dựng của thầy Trương Hùng Cường giữa cái cháy bỏng của chiến tranh, cái nắng rát của gió Lào Quảng Trị đã khiến những gã lính tò te như tôi xốn xang nhớ về nơi xa ấy, về những gì mình đang làm dở và biết ngày nào mới trở lại trường xưa và khi ấy ai còn ai mất…Lời ca bỗng dưng ngưng bặt. Một khuôn mặt đen sạm đầy bụi đất nhô ra trước cửa hầm: “Các ông là lính Xây dựng hả ? Tôi cũng lính Xây dựng đây”. Nói đến đây anh ta lẳng vào hầm mấy túi cơm sấy và dặn: “Cẩn thận củi lửa nhé, thằng OV10 tinh lắm đấy” và thoắt biến đi giữa đống hoang tàn của căn cứ Ái Tử. Bàng hoàng và xúc động vì giữa mảnh đất đầy bom đạn này những thằng lính sinh viên cùng trường nhận ra nhau qua bản Trường ca chứa chan hoài bão còn đang dang dở. Không kịp hỏi anh ta tên là gì, là sinh viên khoa nào, khóa bao nhiêu, quê ở đâu và nhập ngũ khi nào nhưng chắc chắn anh là một người lính đã trải qua trận mạc qua vẻ phong trần và rất kiệm lời của mình. Cám ơn anh - người bạn cùng trường chưa hề biết tên - đã dặn dò, chỉ bảo, quan tâm đến những thằng lính mới ngu ngơ như tôi.

Đã gần 40 năm trôi qua nhưng bóng hình con người ấy vẫn in sâu trong tâm trí tôi. Anh còn hay đã mất ? Nếu còn sống anh đang ở phương nào ? Âm hưởng của bản Trường ca ngày ấy xen lẫn với giai điệu “…giờ này anh về đâu ? Hỡi người bạn cũ cùng binh đoàn…” mà chúng tôi vẫn hát cùng với nhau cho đến hôm nay để khắc sâu mãi mãi không bao giờ quên những ký ức bất diệt về những người đồng đội thân yêu.
 
Chiều tà, chúng tôi được lệnh hành quân về phía bờ sông. Giờ này địch oanh kích dữ dội khu vực xung quanh chúng tôi. Chỉ có một quãng thôi mà đã bốn, năm lần phải chúi đầu vào những hố pháo, hố bom và các đống gạch vụn ven đường.

Sông Thạch Hãn đây rồi, chúng tôi vừa nhẩy xuống những đoạn hào dọc theo sông thì chớp lòe ngay trên đầu, không hề nghe thấy tiếng nổ nhưng lồng ngực muốn vỡ ra và đất cát chùm kín lên người, mặt đất dưới chân rung chuyển, vách hào nơi chúng tôi phủ phục ép lại đẩy chúng tôi lên, khói đen, bụi đất che phủ hết thảy…Giũ hết đất cát phủ trên người, tôi thấy mình năm trơ trên mặt đất mặc dù trước đó là một đoạn hào sâu ngang ngực. Anh em trong tiểu đội không ai việc gì, còn ở các tiểu đội khác tôi cũng không biết nữa. Dòng sông chỗ chúng tôi không rộng lắm quãng 200 mét, bên này là dốc đứng, bên kia là bãi bồi. Đạn pháo địch nổ dăng màn trên sông hết đợt này đến đợt khác. Tôi đoán bên kia vẫn là vùng ta kiểm soát nên bom pháo địch mới bắn phá dữ dội như vậy. Lại một đợt B52 nữa dội ngay bên kia sông, tiếp sau đó pháo địch lại cấp tập dọc theo sông, nhìn dòng sông bị nát vụn bởi hàng trăm quả pháo các loại, chúng bắn dầy đến nỗi nước sông như một màn nước dựng đứng liên tục bên bờ bên kia.
(còn tiếp)
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #85 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2010, 04:56:40 pm »

Đoạn từ Bến Hải _Suối La La _ sau tiếp là những vạt đồi cỏ tranh bác tả đúng như những gì tôi đã đi qua. Tôi xuất phát cừ hậu cứ của tiểu đoàn 15 ở nông trường Quyết Thắng, gần ngã tư Đất ( đường 15 và đường ngang từ Bãi Hà xuống Hồ Xá ) qua suối khoảng đầu giờ chiều, đến cuối buổi thì dừng ở Cùa thì phải ( nằm ria sông Cam Lộ, nơi này có  quân y viện ).
Đang định hỏi thì bác thì bác lại hỏi bác TTNL. Có lẽ vị trí vượt sông của BB nằm ở hạ lưu Bến Tắt. Tôi cũng qua đường HCM mấy lần nhưng không thể nghĩ Bãi Hà như hôm nay, năm 1972 nó là khu rừng rậm.

       Cuối năm 1972, hậu cứ của c20 chúng tôi ở ngay suối La La. Cái tên "suối La La" không có trên bản đồ. Đây là con suối bắt nguồn từ cao điểm 544. Đoạn suối mà chúng tôi làm hậu cứ là đoạn hạ nguồn, sắp đổ vào Cam Lộ. Lúc ở đó chúng tôi cũng đã thắc mắc tại sao gọi là suối La La. Đoạn này sau chiến dịch mùa xuân 1972, bộ đội thường vượt qua để đi vào phía thị xã Quảng Trị. Cái chỗ chảy qua đồi không tên, "nay đồi đã mang tên tiểu đội Bùi Ngọc Đủ" là đoạn ở phía trên. Chúng tôi chưa có dịp đến đó. Cái tên "La La" chúng tôi vẫn chưa biết đặt từ bao giờ và do ai đặt hay là một cái tên "văn nghệ" rồi thành ra tên gọi thật ?!
Logged

sans
Thành viên
*
Bài viết: 5


« Trả lời #86 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2010, 08:39:42 pm »

Em nhớ trước kia có đọc một bài phỏng vấn nhạc sĩ Huy Thục, ông nói khi viết ra giai điệu, hai nốt cuối của câu đầu ông gieo nốt La. Hát đi hát lại tìm từ (bí vần) thấy cái tên La La đâm ra lại hay, thành ra ông đặt luôn tên cho con suối.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #87 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2010, 07:39:39 am »

NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC
(tiếp theo)

Tranh thủ khi pháo địch chuyển làn quân ta từ nơi ẩn nấp bên bờ ùa xuống nước. Có nhiều đơn vị cùng vượt sông. Vừa lóng ngóng bó phao vừa run vì pháo bắn ghê quá tôi tụi vội xuống nước. Chẳng biết bọc phao kiểu gì mà khi chạm nước  tôi đã bị lộn phộc và chìm nghỉm, chỗ này là bờ lở nên rất sâu, tuy vậy tôi vẫn túm được phao và cố đạp ngoi lên. Hình như có ai đó đã túm được quai khẩu AK và kéo tôi lên khỏi mặt nước, cùng lúc ấy mặt sông dềnh lên cùng chớp sáng chói lòa. Trúng pháo rồi! Tôi cảm tưởng một bức tường nước đổ ập xuống đầu và không biết gì nữa. Mở mắt ra tôi thấy mình lại nằm ở chỗ vừa xuất phát, cách mặt nước gần 2 mét, bên kia sông dưới ánh sáng như ban ngày của pháo sáng địch rất nhiều ba-lô, mũ cối… của đồng đội tôi nhấp nhô trên mặt sông bị băm nát, họ đã không kịp sang đến bên bờ bên kia… Thì ra Chiến và Sơn đã quay lại và lôi tôi lên khỏi mặt nước khi phao bị chìm đúng lúc pháo địch dội vào nửa sông phía bên kia, sóng nước đã đẩy cả 3 thằng lên bờ trong khi những người sang đến bên kia đã bị trúng pháo địch.  

Pháo địch ngừng bắn, hai thằng giúp tôi bó lại phao, Chiến lầm bầm: “Đ…biết đằng buộc phao thì chết là phải…”. Thằng Sơn nói: “Tao và mày phải lạy tạ nó vì cứu nó nên mình mới không bị dính pháo ở bên kia…”. Bơi độ 1/3 sông chân tôi đã chạm đất. Lõm bõm lội nhanh vào bờ, bóng người lố nhố đang đợi chúng tôi bên bờ tre còn trơ gốc vì bom phạt, chẳng còn biết bao nhiêu người nữa nhưng tiểu đội tôi điểm lại vẫn còn đủ. Đó là điều may mắn quá lớn cho chúng tôi để chuẩn bị cho chuỗi ngày chiến đấu đang đợi chờ ở phía trước.

Ngày đầu tiên chúng tôi vượt dòng Thạch Hãn để về trung đoàn là như thế đó. Nơi chúng tôi vượt sông là bến vượt Trà Liên Tây để sang thôn Đầu Kênh thuộc xã Triệu Long, huyện Triệu Phong. Đây là nơi trung đoàn 101 của chúng tôi đứng chân trong suốt Mùa Hè đỏ lửa 1972 tại Đông-Bắc Thị xã, Thành cổ Quảng Trị.
……

30/3/1972 chúng ta nổ súng tấn công phòng tuyến Bắc Quảng Trị từ Dốc Miếu, Cồn Tiên lên tới căn cứ 241 và 544 ở phía Tây. 27/4/1972 ta mở đợt 2 tấn công Đông Hà. Mất Đông Hà, quân đội Sài Gòn bỏ Ái Tử và Thị xã Quảng Trị lui về Nam sông Mỹ Chánh. Ngày 2/5/1972 ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Quân giải phóng tiến đánh Nam sông Mỹ Chánh nhưng không thành công trong khi QĐSG được sự yểm trợ tích cực của không quân và hải quân Mỹ, đã tiến hành phản kích nhằm chiếm lại những vùng đất đã mất.

Bắt đầu từ 28/6/1972 cho đến 16/9/1972 QĐSG được sự hỗ trợ tối đa của Mỹ tiến hành Chiến dịch Lam Sơn 1972 nhằm tái chiếm Thành Cổ Quảng Trị và những khu vực đã bị mất. Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt và đẫm máu, 2 sư đoàn dù và thuỷ quân lục chiến, 1 liên đoàn biệt động, 4 trung đoàn thiết giáp (với 320 xe tăng, xe bọc thép) đã liên tục tấn công trong 81 ngày đêm. Địch đã tập trung vào đây mỗi ngày 150 - 170 lần máy bay phản lực, 70 - 90 lần máy bay B52 ném bom trải thảm, cứ 30 phút 1 đợt B-52, độ tàn phá bằng 8 quả bom nguyên tử đã thả ở Hiroshima, 12 - 16 tàu khu trục, tuần dương hạm và hàng chục tiểu đoàn pháo cỡ lớn kết hợp pháo hạm và pháo trên bộ nã liên tục vào khu vực Thành Cổ gần 30.000 quả/phút. Chúng đã ném xuống đây 328.000 tấn bom đạn. Đây là cuộc hành quân đẫm máu, cực kỳ tàn bạo với đủ loại vũ khí hiện đại: từ bom phá, bom na-pan, bom lân tinh, bom bi, bom dù 7 tấn, bom điều khiển bằng la-de, đến các loại pháo chơm, pháo chụp, pháo khoan, chất độc hóa học và hơi ngạt. Người ta đã ghi nhận được: đêm 4/7, pháo đài bay B-52 Mỹ đã ném 4.000 tấn bom, ngày 31/7, khoảng 2 vạn quả đại bác cỡ lớn từ 105 - 203mm đã rơi xuống vùng phụ cận và khu vực thị xã Quảng Trị. Đây là một trong những trận chiến ác liệt bậc nhất trong Chiến dịch Xuân Hè 1972, một phần của Chiến tranh Việt Nam.

Trước cuộc tấn công cực kỳ dã man đó, quân và dân ta dù số lượng không đông song với ý chí quyết tâm cao độ, tinh thần chiến đấu kiên cường đã giành đi giật lại với địch từng tấc đất Thị xã và Thành Cổ mà có khi "mỗi mét vuông đất là cả một mét máu".

Sau 81 ngày đêm chiến đấu ngoan cường giành giật với địch từng tấc đất nhưng  sức đã cùng, lực đã kiệt, đêm 15 rạng ngày 16/9/1972 chúng ta buộc phải rút về bên kia sông Thạch Hãn. Hơn 16 ngàn chiến sĩ đã nằm lại bên những bức tường sụp đổ xạm đen khói  đạn, thân thể của họ đã hòa vào dòng nước Thạch Hãn trôi về Cửa Việt để muôn đời sau còn văng vẳng những câu thơ xé ruột những người lính còn sống mỗi khi trở lại thăm lại mảnh đất này:

“Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Giữ  yên bờ bãi mãi ngàn năm”.


(còn tiếp)

Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #88 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2010, 08:26:00 am »



Sau 81 ngày đêm chiến đấu ngoan cường giành giật với địch từng tấc đất nhưng  sức đã cùng, lực đã kiệt, đêm 15 rạng ngày 16/9/1972 chúng ta buộc phải rút về bên kia sông Thạch Hãn. Hơn 16 ngàn chiến sĩ đã nằm lại bên những bức tường sụp đổ xạm đen khói  đạn, thân thể của họ đã hòa vào dòng nước Thạch Hãn trôi về Cửa Việt để muôn đời sau còn văng vẳng những câu thơ xé ruột những người lính còn sống mỗi khi trở lại thăm lại mảnh đất này:

“Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Giữ  yên bờ bãi mãi ngàn năm”.



       Xin bác LêXuânTường cho em chỉnh lại bài thơ của Lê Bá Dương theo đúng bài thơ mà bác Dương đã đưa vào tranh ảnh (theo bác Dương, trên văn bia ở bến thả hoa phía nam Thạch Hãn là không chính xác):

                    Đò lên Thạch Hãn ơi . . . chèo nhẹ
                    Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
                    Có tuổi hai mươi thành sóng nước,
                    Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.
Logged

china
Thành viên
*
Bài viết: 517


« Trả lời #89 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2010, 08:49:08 am »

NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC
(tiếp theo)
Bắt đầu từ 28/6/1972 cho đến 16/9/1972 QĐSG được sự hỗ trợ tối đa của Mỹ tiến hành Chiến dịch Lam Sơn 1972 nhằm tái chiếm Thành Cổ Quảng Trị và những khu vực đã bị mất.
(còn tiếp)
Chiến dịch phản công của đối phương hình như ban đầu có tên là Đại Phong Lôi, còn Lam Sơn 719 bên ta gọi là chiến dịch Đường 9 Nam Lào xảy ra trước 30/03/1972, không biết em có nhớ nhầm không Huh
 
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM