Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:19:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa  (Đọc 387886 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
tau khong so
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 146



« Trả lời #70 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2010, 10:50:41 am »

[...Về sau này tôi mới biết đây chính là nơi xuất sứ của Truyện Bọ - một thể loại truyện mang tính trào lộng được truyền khẩu qua bao thế hệ những người lính trong cuộc trường chinh vĩ đại xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
[/quote]
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- Chào các bạn! Truyện Bọ chỉ có những người thời chống Mỹ mới biết, nó lan truyền và đi sâu vào đời sống, sinh hoạt của mọi người dân Bắc. Nó thuộc thể loại chuyện hài dân dã. Có lẽ chúng ta nên kể cho cánh trẻ nghe các bác ạ.
[/quote]

Lại nói xấu dân QB rồi.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chào các bạn! Tôi xin sửa lại ý tưởng về Truyện Bọ để tránh hiểu lầm cho là nói xấu QB:" Truyện Bọ chỉ  những người thời chống Mỹ mới biết, nó lan truyền và đi sâu vào đời sống, sinh hoạt của mọi người dân cả nước. Nó thuộc thể loại chuyện hài dân dã, nó là bản anh hùng ca về cuộc sống, cuộc chiến đấu anh hùng của người dân Quảng Bình và của những  chiến sỹ hành quân ra trận qua đất QB.  Thông qua các câu chuyện cánh trẻ sẽ hiểu tính chất ác liệt, sự hy sinh cao cả của người dân QB và của những người lính. Ví dụ : Thôi đằng nào mi cũng chết, cho Bọ cái xanh tuya này đi ... Phía sau câu nói đó ta hiểu rằng cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, cái chết kề bên cái sống. Ngươi dân QB vừa sản xuất vừa chiến đấu, cuộc sống của họ dưới hầm sâu, họ dỡ nhà lấy gỗ kê cho xe ô tô vượt lầy... Những chiến sỹ hành quân qua QB, được sự yêu thiương chia sẻ của người dân QB, mang theo tình cảm, tình yêu của người dân QB vào chiến trận. Nhiều chiến sỹ qua QB rồi không bao giờ trở lại ( hy sinh ) vì thế Bọ mới xin cái xanh tuya cho khỏi phí " Thế nhé, đừng ai nghĩ là nói xấu người QB nhé. Xin cảm ơn các bạn.
[/quote]
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #71 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2010, 01:33:37 pm »

Hề hề, không ai nghĩ xấu về Quảng bọ đâu bác tau khong so ơi. Dân QB hay lắm, rất tếu, rất vui mà rất quý bộ đội, cho đến tận những năm sau này cũng vẫn vậy. QB, nhất là Lệ Thủy, là đất địa linh nhân kiệt đấy nhé. Thời các bác, cụ Giáp là bộ trưởng QP chứ gì, đây chân dung cụ ấy đây:
ĐẠI TƯỚNG

Kính tặng đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi

Đại tướng

Nhưng Ông đánh giặc bằng Tâm

Bạc tóc

Tiết kiệm từng giọt máu lính.

Đại tướng

Nhưng Ông thờ chữ Nhẫn

Người cầm quân chỉ huy trăm trận

Làm binh nhì của Nhân dân.

Có phen tưởng bão nổi sóng cồn

Ông – Bến quê neo nắng

Người biết thua là người biết thắng

Thế kỷ cuộc đời đâu chỉ một Điện Biên!

8.2010

Nguyễn Hữu Quý
 
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #72 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2010, 01:37:49 pm »

NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC
(còn tiếp)

Đi trên đất Quảng Bình bao giờ chúng tôi cũng đi cùng một đoàn cỡ vài chục người. Họ là những lính tăng đi từ Vĩnh Yên được bổ sung cho chiến trường và đều là sinh viên các trường đại học nhập ngũ tháng 1/1972. Cung cách hành quân của họ khác hẳn với đoàn chúng tôi, trong lúc chúng tôi đi theo đội hình từ đại đội cho đến từng trung đội, tiểu đội để tiện cho việc sinh hoạt trên đường, còn họ thì từng tốp vài ba người đi với nhau, có khi trên đường chỉ có 1 người. Có lúc chúng tôi gặp 1 cái võng mắc ngay bên đường mòn, hoặc có lần thấy 1 cậu ngồi ngay vệ đường ôm ghi-ta hát ngêu ngao, hỏi ra cậu ta không theo kịp tốp trước, sợ lạc đành ngồi hát để đợi tốp sau. Trang bị của họ cũng không như chúng tôi: 1 cái ba-lô lép kẹp may ra còn tăng võng để ngủ còn thì đã hóa giá để thành khói thuốc...người có mũ, người đầu trần chỉ đội mỗi cái khăn mặt. Có 1 vài người mang AK báng gấp tôi đoán đó là những cán bộ khung đi cùng. Chúng tôi trên đường hành quân nấu ăn theo tiểu đội còn họ mỗi người 1 hăng-gô ngồi ăn với nhau. Sau này, trong số những người lính tăng đó tôi đã gặp Bình - nhà ở 38 Phan Bội Châu gần nhà tôi - là pháo thủ số 2 trên chiếc tăng T59 số hiệu 988 cùng phối thuộc tác chiến với chúng tôi ở Nam Cửa Việt.
                      
Xe binh trạm chở chúng tôi rời Lệ Thủy, gần sáng dừng lại ở một vạt rừng thưa nham nhở những hố bom, hố pháo, chúng tôi theo giao liên lần theo vệt đường mòn tới 1 khúc suối cạn tạo thành 1 khe sâu có 1 cây gỗ to thẳng tắp bắc làm cầu dẫn đến 1 khu rừng già đại ngàn với những cây cổ thụ cao vút, dây leo chằng chịt. Dưới tán lá rừng rậm rạp là sự sôi động của 1 trạm giao liên. Sau gần một tháng hành quân khi bằng xe, khi bằng ca-nô và cả đi bộ nữa, chúng tôi đã đến Bãi Hà - trạm giao liên cuối cùng trên đất Bắc. Bãi Hà nằm ở miền Tây Vĩnh Linh, gần thượng nguồn sông Bến Hải. Đây là một khu rừng già thuộc đại ngàn Trường Sơn, những thân cây cổ thụ cao vút với dây leo chằng chịt. Quân ra, quân vào nườm nượp, bộ đội, TNXP gặp nhau cười nói râm ran với đủ chất giọng từ mọi miền quê khác nhau…Tại đây chúng tôi được bổ sung vũ khí, trang bị, lương thực, thực phẩm. Chúng tôi đi nhận súng về cứ 3 khẩu 1 bó còn nguyên niêm được bọc mỡ bảo quản. Anh Được, anh Oanh và tôi nhận 1 bó. Phải mất 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới làm sạch mỡ của 3 khẩu AK. Cùng 1 bó nhưng xuất sứ của 3 khẩu lại khác nhau: khẩu của anh Được là của Triều Tiên, anh Oanh là của Trung Quốc có lưỡi lê gập, còn khẩu AK47 của tôi là của Liên Xô sản xuất 1954 và số súng là IAG 4245. Chuyện đi lấy nhu yếu phẩm cũng phải kể ra ở đây: sau khi đi lĩnh quân trang và nhu yếu phẩm về qua một khu vực có những dãy lán nửa nổi nửa chìm trong đó chất đầy những thùng to nhỏ khác nhau toàn chữ Trung Quốc, mấy thằng chúng tôi tạt nhanh vào hy vọng sẽ kiếm chác được những loại đặc chủng như bột trứng, đường ép khô, lương khô cao cấp BA70, BB70 hoặc 702 giành cho sĩ quan và lính đặc công (lính bộ binh chúng tôi chỉ có lương khô Việt Nam hoặc loại không chữ mà chúng tôi gọi là lương khô mù chữ) như lời lính cũ ở các binh trạm chỉ dẫn. Mỗi thằng vơ vài ba thùng, về đến nơi mở ra thì những thùng nhỏ là bột trứng và đường ép khô (quá tuyệt), còn thùng to tôi mang về lại là mắm tôm khô. Cả bọn cười muốn chết và định vứt đi, nhưng anh Được ngăn lại bắt chia nhau mang đi và rồi chính những gói mắm tôm khô này đã giúp chúng tôi rất nhiều trong những bữa ăn kham khổ của những ngày giữ chốt ác liệt sau này.

Lại chia tay, đầu tiên là quân của trường công nhân máy kéo được điều về các đơn vị tăng - thiết giáp, trong tiểu đội có Tú, Xứng và 2 người nữa. Tiếp đến anh Được, anh Oanh, Sơn, Cẩn, Mỹ và nhiều anh em cùng ĐHXD sang e95/f325. Số còn lại quãng hơn 100 người được điều về e101/f325. Sơn trắng, Chiến, Phùng, Tiến, M. và tôi lại được về cùng một tiểu đội.
(còn tiếp)
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
linh thong tin
Thành viên
*
Bài viết: 746



« Trả lời #73 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2010, 03:33:57 pm »

Cái năm 1969 tôi ở Quảng Bình, bờ sông Thanh Lạng, Tuyên Hóa, chiến tranh ác liệt, các bọ các mạ toàn ở dưới hầm cả ngày nên con cái cứ lít nha lít nhít.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #74 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2010, 08:18:07 am »

NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC
(tiếp theo)

Dưới tán cây rừng tăng võng mắc san sát, quân ra, quân vào hỏi thăm nhau í ới, có những giây phút cả khu rừng lặng đi khi có những đoàn thương binh đi qua, không ít trong số đó là những võng thương binh nặng. 2 đêm ngủ tại Bãi Hà, trời đất sáng rực vì pháo sáng và âm thanh như muốn vỡ ra vì tiếng rú rít của đủ loại máy bay đang tọa độ khu vực xung quanh tạo nên nhưng cơn rung chuyển như động đất. Chính cái đêm cuối cùng ở đất Bắc ấy tôi đã thao thức không ngủ được vì ngày mai sẽ vào trận, vì phải chia tay nhau mỗi người về một đơn vị và rồi sẽ ra sao khi trận chiến chưa có hồi kết thúc. Nhớ lời anh Được hẹn tới ngày trở về sẽ cùng nhau đi lang thang khắp phố phường Hà Nội để bù cho những chuỗi ngày xa cách và thưởng thức những món ăn do Mẹ làm. Mẹ anh mất sớm nên anh rất thèm được bàn tay người Mẹ chăm sóc. Nhớ tới anh Oanh chăm lo cho mình suốt dọc đường và tất cả những người bạn đã gắn bó với tôi suốt chặng đường hành quân từ Bắc vào. Văng vẳng trong đêm tiếng đài của ai đó đang đưa tin máy bay Mỹ tiếp tục đánh phá Hà Nội. Gia đình giờ này ra sao, nhà mình gần ga liệu có bị bom không? Bố, mẹ chắc vẫn đang ở nơi sơ tán, các cháu có đi cùng với bà không? Rồi từ đài vang lên bài Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, chao ôi sao mà da diết đến thế. Cám ơn nhạc sĩ, cám ơn ca sĩ Mỹ Bình đã cho chúng tôi được gặp lại những phố phường thân yêu của mình trước giờ xung trận. Tim tôi thắt lại, nước mắt ứa ra với những kỷ niệm về Hà Nội, với những người thân yêu nhất đang hiện về. Âm thanh và lời ca đó đưa tôi trở về với Hà Nội, về với Mẹ và những ngày xưa ấy. Tạm biệt phố phường thân yêu, tạm biệt những kỷ niệm ngày xưa, hẹn ngày chúng tôi sẽ trở về… Mấy cái võng xung quanh tôi hình như cũng không ngủ, nhiều tiếng giở mình xen lẫn với những tiếng thở dài đầy tâm trạng…  

Khi ở Cự Nẫm chúng tôi đã biết mình sẽ đi Quảng Trị vì lúc đó chiến sự tại Thị xã - Thành Cổ Quảng Trị đang vô cùng nóng bỏng. Chúng tôi sẽ tăng cường cho các đơn vị bộ binh đang chiến đấu tại mặt trận thị xã Quảng Trị.

Cầu Bến Tắt bắc qua sông Bến Hải trên trục đường Hồ Chí Minh hôm nay, ngày xưa gọi là ngầm B trên trục đường 15, đây là đường cho xe vượt sông. Năm 1973, sau khi ký Hiệp định Paris, đơn vị tôi đi khai thác gỗ về làm công sự, xe chở gỗ tập kết ở đây để đóng bè về Cửa Việt, 2 bên bờ cũn ngổn ngang những xác ô-tô, xe tăng của ta bị trúng bom pháo khi vượt sông. Còn bến vượt của hành quân bộ ở chỗ nào nhỉ ! Không thể xác định vị trí, chỉ nhớ sáng hôm đó chúng tôi rời Bãi Hà theo giao liên ra khỏi rừng, qua những vạt rừng thưa, lúc xuyên qua những trảng lau lách, rồi men theo vệt bánh xe ô-tô tạt vào 1 vạt rừng. Đường dẫn xuống 1 khe suối đi qua mấy ngôi mộ bên đường - đó là nơi yên nghỉ của mấy cô gái TNXP. Chúng tôi vượt sông Bến Hải ở thượng nguồn, hai bên bờ những tán cây rừng xòa xuống mặt nước. Dòng sông như một con suối, nước chỉ ngang đùi. Qua hết sông cô giao liên mới nói: “Đây là sông Bến Hải, từ giờ trở đi các anh đã đặt chân lên đất miền Nam”. Sững người vì câu nói đó chúng tôi quay ngay lại dòng sông: thằng thì trầm mình, thằng thì vục mặt vào dòng nước mát lạnh đó, có thằng quỳ sụp dưới nước đầu hướng về bờ Bắc vái lấy vái để … mỗi thằng một kiểu. Từ Bắc vào đây qua bao sông, bao suối nhưng chỉ có ở đây thôi khi nhớ tới bài học thời ấu thơ về dòng sông giới tuyến như vết dao cứa vào lòng đất nước, đó làm chúng tôi xúc động như vậy.

Qua khỏi sông một quãng tôi thấy thầy Khôi dậy Toán của trường đi ngược lại. Thầy trong tốp về e95/f325, nhưng dọc đường được gọi ra nhận nhiệm vụ khác. Mong thầy không phải vào nơi hòn tên mũi đạn và được ở đơn vị nào phù hợp với tuổi tác và trình độ của thầy.

Đầu năm 1973, đoàn thương bệnh binh chúng tôi từ các quân y viện trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Tại Bãi Hà, khi người cán bộ quân lực của B5 ra làm thủ tục nhập trạm, tôi không ngờ đó lại là thầy Khôi. Thầy trò gặp nhau mừng khôn xiết và thầy đã xin phép trưởng đoàn cho tôi được vào chỗ thầy một đêm. Ngược theo một lạch nước nhỏ chừng 20 phút chúng tôi đến một lán nhỏ nép mình vào vách núi. Tại đây thầy Khôi ở cùng với 2 người nữa: anh San và Thắng. Thắng nhà ở phố Cao Bá Quát, còn anh San qua câu chuyện lại là học sinh của anh Thiện. Anh San là sinh viên K13 Đại học Nông nghiệp 1 lớp Bảo vệ thực vật của anh Thiện. Quả thực không ngờ trái đất lại bé nhỏ như vậy, quanh đi quẩn lại biết nhau cả. Anh San nhập ngũ sau tôi và trên đường hành quân bị sốt rét ác tính phải nằm lại trạm thu dung. Thầy Khôi đã đưa anh San về để giúp việc. Đêm đó 4 chúng tôi hàn huyên rất lâu, mới chia tay nhau có mấy tháng thôi mà biết bao chuyện để kể. Thì ra thầy Khôi đã giúp rất nhiều người khi ở thu dung về nhất là anh em người Hà Nội. Trường hợp Thắng mỡ - thằng bạn thân của tôi - cũng thế, nó đã ở đây một thời gian và vừa xuống đại đội trinh sát cách đây ít ngày. Tiếc quá không gặp được nó.
……  

(còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Tám, 2010, 10:08:01 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #75 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2010, 01:13:43 pm »

NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC
(tiếp theo)

Đến suối La La, chúng tôi gặp tốp anh em về e95, tay bắt mặt mừng, hỏi thăm rối rít mặc dù mới chia tay nhau hôm qua. Giờ họ lại đi trước, còn chúng tôi nghỉ lại. Trời còn sớm, tranh thủ lúc đợi cơm, tôi và Sơn trắng lần ra khỏi khe suối nơi đơn vị trú quân. Xung quanh là những vạt đồi cỏ tranh mênh mông, cách đấy không xa là một xác xe tăng cháy sém. Trí tò mò khiến hai thằng chúng tôi tiến nhanh về phía đó mặc dù trên đầu là tiếng gầm rú của máy bay địch. Chiếc xe tăng bị đạn vỡ toác bụng, tháp pháo xụp xuống cháy đen. Nhìn hình dáng của nó tôi đã ngờ ngợ đó là tăng của ta, khi chui vào trong xe giữa đống kim loại gỉ sét tôi phát hiện một chiếc nồi quân dụng bằng nhôm và một chiếc rút quai dép - những thứ không thể thiếu được của quân ta… Chúng tôi lặng người đi, không hiểu số phận của kíp xe này như thế nào trước sức công phá khủng khiếp của đạn pháo. Cũng ngay gần đó một khẩu pháo tự hành phòng không 57 li nằm nghiêng bên miệng một hố bom lớn, 2 nòng pháo vẫn vươn lên cao một cách ngạo nghễ…

Đêm đầu tiên tại chiến trường, không thể mắc võng được vì ở đây chỉ toàn những bụi cây xen lẫn những hố bom, hố pháo. Mấy thằng chúng tôi trải võng xuỗng những hố bom để tranh thủ ngủ sau một ngày hành quân căng thẳng dưới tầm oanh tạc của máy bay địch.

3 giờ sáng chúng tôi rời khe suối La La, trước mắt là những trảng đồi tranh cháy sém vì bom đạn và gió Lào. Khu vực này chính là nơi đã diễn ra những trận đánh ác liệt của đợt 1 chiến dịch hồi tháng 3/1972, thêm nhiều xác xe tăng của cả ta và địch ngổn ngang hai bên đường. Phía chân trời là những vầng lửa khói của B52…phải chăng đó là mặt trận Thị xã qua lời kể của những toán thương binh đi ngược lại. 

Trời sáng, chúng tôi lội qua sông Cam Lộ. Quãng sông này nước chỉ tới bụng, nước trong vắt chảy khá xiết nhìn rõ những tảng đá cuội dưới lòng sông.   Qua khỏi sông là thôn Quất Xá, đây là ngôi làng đầu tiên chúng tôi gặp trên đất Quảng Trị. Nhà cửa tan hoang vì bom đạn nhưng không vì thế mà xóa hết vẻ trù phú của nó. Những nếp nhà xây bằng gạch táp-lô (ngoài ta gọi là pa-panh), mái lợp tôn nhôm mỏng, xung quanh là vườn tược với nhiều cây trái. Trước mặt nhà nào cũng có những bồn hoa cây cảnh và cây hương để cúng thần linh. Đường làng rộng rãi vuông vức như bàn cờ, cứ một quãng lại có một giếng thơi trong vắt. Dân làng hầu như đi hết để tránh bom đạn, chỉ lác đác bóng áo xanh bộ đội và mấy cô du kích bám trụ. Tôi tranh thủ lúc nghỉ chạy tạt vào ngôi nhà gần đấy mặc dù đã được cảnh báo về những nguy hiểm do mìn và lựu đạn địch cài lại. Trí tò mò muốn biết những gì khi bước chân vào vào vùng mới giải phóng. Đồ đạc trong nhà gần như còn nguyên vẹn: quần áo, chăn màn, đồ gia dụng, dụng cụ sản xuất, ngoài vườn còn có 1 máy kéo cỡ nhỏ hiệu Kubota chứng tỏ gia chủ là lớp người trung lưu ở nông nhưng cũng chú trọng đến chuyện học hành của con cái qua những đống sách vở còn vương trên nền nhà. Trong đống lộn xộn đó tôi nhặt lên một cuốn không còn bìa, phủi lớp đất bụi, lật nhanh tôi thấy đây là một cuốn sách viết theo những điển tích cổ ngắn gọn đầy tính triết lý, dậy cách cư xử ở đời mà chúng tôi chưa bao giờ được đọc họa chăng chỉ được biết qua các câu chuyện kể của bà nội khi còn ấu thơ.Trang cuối là tên sách: Cổ học tinh hoa và tác giả là Ôn như Nguyễn Văn Ngọc. Tôi nhét vội cuốn sách vào túi cóc và chạy theo đơn vị. Chẳng phải mình tôi mà nhiều thằng cũng đang thu thu giấu giấu những cuốn sách nhặt vội trong những ngôi nhà ven đường.
Ra đến đường 9, đội hình hành quân giãn cách 10-15 mét với cành cây trên đầu để ngụy trang. Bầu trời xanh trong vắt bị rạch nát bởi những vệt khói của B52 và đủ các loại máy bay chiến đấu của địch. Nhưng khó chịu nhất là thằng OV10 như gọng bừa đang vè vè trên đầu, thỉnh thoảng nó lao xuống bắn đạn khói chỉ điểm, vài phút sau lũ phản lực lao đến cắt bom. Nhưng chúng lại không ngờ rằng hơn 100 con người chúng tôi giữa ban ngày đang hành quân bám theo đường 9. Đường 9 trải bê-tông nhựa rất tốt, những hố bom pháo chi chít trên đường. Dọc hai bên đường là những đồn bốt, những khu quân sự tan hoang. Khu vực này ta giải phóng trong đợt 2 chiến dịch vào cuối tháng 4/1972. Gần 1 tháng hành quân từ Bắc vào khi thì đi xe, khi thì đi bộ tưởng rằng đi trên đường nhựa sẽ ngon lành hơn đi đường rừng nào ngờ có mấy cây số thôi mà hai bắp chân đã ê ẩm không buồn nhấc nữa. Cảm giác này khi trên đường Trường Sơn không hề có, phải chăng do nền đường bê-tông cứng nên dội vào hai bắp chân làm cho ta không thể chịu được.  Cứ lết lết đôi chân, thằng nào cũng thế, nhiều thằng lăn ra vệ đường mặc cho những bụi gai xấu hổ đâm vào người. Thế rồi quá trưa chúng tôi cũng đến được Đông Hà. Thị trấn nằm ở ngã ba đường 1 và đường 9 chỉ còn những đống gạch vụn. Trận B52 lúc sớm đã dội vào đây, nhiều chỗ khói bom còn bốc nghi ngút. Ngay ngã ba, một tháp canh cũ của Pháp còn sót lại, bên vệ đường mấy gốc phượng bị bom phạt xác xơ cụt lủn nhưng lạ thay vẫn còn sót lại vài bông phượng đỏ rực  như thách thức bom đạn. Thật kỳ lạ vào mùa này ở đây vẫn còn hoa phượng mà những cánh hoa lại lớn hơn những cánh hoa phượng ở Hà Nội.
(còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Tám, 2010, 01:18:55 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
trevn
Thành viên
*
Bài viết: 43


« Trả lời #76 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2010, 01:38:28 pm »

chú Tường ơi cho cháu hỏi - suối lala này có phải cũng là nơi có sự tích chiến đấu dũng cảm của tiểu đội Bùi Ngọc Đủ và trở thành bài hát không ạ. !
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #77 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2010, 02:22:23 pm »

Các bạn QSVN thân mến !
Đã bao lần tôi muốn xác định chính xác con đường hành quân bộ từ Bãi Hà qua Bến Hải về Quất Xá mà không tìm ra. Có lẽ các bạn phải giúp tôi nhất là Tích Tường Như Lệ là lính trinh sát ngày xưa trong tay lại có nhiều bản đồ. Năm 1973 ngầm Bến Tắt còn có tên là ngầm B phải không? Đường bộ chúng tôi qua Bến Hải không rõ phía trên hay phía dưới con ngầm này? Tôi chỉ nhớ khi qua Bến Hải 1 quãng chúng tôi phải leo 1 con dốc khá cao và quanh co. Chỗ chúng tôi gặp thầy Khôi là ở đoạn này. Đoạn này hẹp lắm khi có 1 đoàn võng thương binh nặng đi ra chúng tôi phải nép sát vào vách núi để nhường cho võng thương đi ra.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #78 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2010, 02:29:38 pm »

chú Tường ơi cho cháu hỏi - suối lala này có phải cũng là nơi có sự tích chiến đấu dũng cảm của tiểu đội Bùi Ngọc Đủ và trở thành bài hát không ạ. !
Đoạn suối La la mà tôi có nhắc đến không rõ có phải đoạn mà tiểu đội Bùi Ngọc Đủ đã chiến đấu với quân Mỹ không? Theo như mình đoán có lẽ vị trí đó nằm ở phía trên nữa. Cái này có lẽ phải nhờ các bác CCB tiền bối thôi. Ngày xưa đến đây thấy anh em nói là suối Lala thì mình cũng chỉ biết vậy.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #79 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2010, 05:57:39 pm »

Các bạn QSVN thân mến !
Đã bao lần tôi muốn xác định chính xác con đường hành quân bộ từ Bãi Hà qua Bến Hải về Quất Xá mà không tìm ra. Có lẽ các bạn phải giúp tôi nhất là Tích Tường Như Lệ là lính trinh sát ngày xưa trong tay lại có nhiều bản đồ. Năm 1973 ngầm Bến Tắt còn có tên là ngầm B phải không? Đường bộ chúng tôi qua Bến Hải không rõ phía trên hay phía dưới con ngầm này? Tôi chỉ nhớ khi qua Bến Hải 1 quãng chúng tôi phải leo 1 con dốc khá cao và quanh co. Chỗ chúng tôi gặp thầy Khôi là ở đoạn này. Đoạn này hẹp lắm khi có 1 đoàn võng thương binh nặng đi ra chúng tôi phải nép sát vào vách núi để nhường cho võng thương đi ra.
Đoạn từ Bến Hải _Suối La La _ sau tiếp là những vạt đồi cỏ tranh bác tả đúng như những gì tôi đã đi qua. Tôi xuất phát cừ hậu cứ của tiểu đoàn 15 ở nông trường Quyết Thắng, gần ngã tư Đất ( đường 15 và đường ngang từ Bãi Hà xuống Hồ Xá ) qua suối khoảng đầu giờ chiều, đến cuối buổi thì dừng ở Cùa thì phải ( nằm ria sông Cam Lộ, nơi này có  quân y viện ).
Đang định hỏi thì bác thì bác lại hỏi bác TTNL. Có lẽ vị trí vượt sông của BB nằm ở hạ lưu Bến Tắt. Tôi cũng qua đường HCM mấy lần nhưng không thể nghĩ Bãi Hà như hôm nay, năm 1972 nó là khu rừng rậm.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM