Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:08:23 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa  (Đọc 388307 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #50 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2010, 02:52:15 pm »

NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC
(tiếp theo)

Tới khuya chúng tôi xuống xe, đây là đất Nghĩa Đàn, đoạn đường đầy bùn nhão nhoét, lính tráng thi nhau ngã oành oạch. Hôm trước còn có ánh trăng, hôm nay tối thui vì mưa không biết đằng nào mà lần, chỉ biết cứ bám theo vệt lân tinh cài ở nắp ba-lô của người đi trước. Với thằng tinh mắt trời tối đã là đáng sợ, còn với tôi - một thằng mù dở với cặp kính 3 đi-ốp - lại càng khó khăn hơn khi nước mưa làm nhòe mắt kính. Chỉ còn bám sát người đằng trước mà đi, cho nên nhiều  lúc đâm sầm vào nhau làm bạn mình ngã dũi ngã dụi nhất là những người còi cọc như ông Oanh. Có tiếng lao xao kèm theo những mùi vị đặc biệt - sau này mới biết đó là mùi của bãi khách, chúng tôi được lệnh xuống ba-lô nghỉ đêm. Lần sờ mãi mới mắc được tăng võng và  cứ nguyên quần áo bẩn thỉu như thế thiếp đi không biết gì hết. Chợt thấy lành lạnh sống lưng, bật dậy thấy võng của mình lõng bõng đầy nước, hất vội chỗ nước và lại nằm xuống, xung quanh tiếng kêu oai oái vì nước vào võng. Mưa rơi lộp bộp lên mái tăng, trời đã mờ sáng. Xung quanh tôi la liệt võng, mái tăng thằng nọ chĩa vào võng thằng kia nên nước vào võng là đúng thôi. Lần đầu tiên mắc võng ngủ rừng cho nên lúng túng như vậy. Xung quanh các gốc cây đều có cọc phụ để mắc võng của các đơn vị đi trước để lại, cọc nào cọc ấy đều lên nước bóng vì biết bao lượt quân ra quân vào nghỉ đêm tại đây. Đêm trước mà sờ thấy cọc phụ thì đâu có bị cảnh nước chảy vào võng. Bữa cơm đầu tiên trong rừng của tiểu đội thật đáng nhớ, quá nửa tiểu đội là sinh viên và người thành phố nên rất lúng túng khi chuẩn bị bữa cơm sáng. Cũng may có Triệu và Tú xin nhận nấu cơm. Triệu là người dân tộc Tày Bắc Thái cả ngày chẳng nói câu nào nhưng những việc như thế này cậu ta rất thạo, chỉ riêng đi kiếm được củi để nấu cơm khi trời đang mưa đã đủ kính nể rồi. Tôi và anh Oanh đi lấy nước. Chặt 1 cành cây làm đòn, 2 anh em lần xuống khe để lấy nước, tuy không xa nhưng dốc trơn, leo gần đến nơi ngã cái oạch đổ hết cả nước, lại phải quay xuống lần nữa. Tú là người Đô Lương, Nghệ An đang học trường công nhân máy kéo, đây là 1 người khỏe mạnh, tháo vát, cậu ta sang Tăng - Thiết giáp ở Bãi Hà. Còn Triệu hy sinh hôm mất Thành Cổ. Hôm đó cả 1 ngày quần nhau với địch còn nhìn thấy nhau đến đêm khi phá vây rút ra không thấy cậu ta đâu nữa. Năm 1973, không có tên của Triệu trong danh sách tù binh được trao trả. Nghi vấn này mãi về sau vẫn còn nhắc đi nhắc lại. Chính tôi khi trình bày với cán bộ trung đoàn trường hợp của cậu ấy: có thể bị thương nặng nằm tại một chỗ nào đó không ai biết và đã hy sinh. Trường hợp anh Tạo B phó khi hy sinh, anh em đã để anh nằm tại góc ngôi trường đổ, đợi đến đêm sẽ tìm cách mang anh ra. Còn cậu Lào, người cùng tiểu đội quê Nghệ An, cũng thế, bị thương nặng tôi cõng ra nhưng nửa đường gặp địch buộc phải đặt cậu ta trong 1 hố pháo để phá vây, rồi tôi cũng bị thương khi tỉnh dậy xung quanh không còn ai và không xác định được phương hướng. Tôi cứ lết mãi lết mãi theo hướng AK nổ, cuối cùng gặp được đơn vị bạn. Mấy chục năm đã qua tôi vẫn mường tượng lúc đặt cậu ta vào hố pháo bàn tay cậu ta níu chặt cánh tay tôi dường như muốn nói : Đừng bỏ em lại ...Cậu ta bị mảnh cối trúng vào cổ mất nhiều máu và không thể nói được. Tôi phủ cỏ rác che cho Lào và ghé vào tai nói nhỏ: “Nằm yên đây, tụi tao phải phá vây rồi sẽ đưa mày ra...” Cho đến nay tôi cũng không hề biết Lào quê ở huyện nào, xã nào để tìm đến gia đình thắp cho Lào 1 nén hương hối lỗi vì đã không thể mang Lào ra. Với gia đình anh Tạo, sau bao năm đi tìm quê quán của anh, tình cờ bạn bè và vong linh anh mách bảo, tôi và Chiến đã tới quê anh ở thị xã Phúc Yên. Âu cũng là nhẹ nhõm phần nào. Nơi anh Tạo và Lào hy sinh cũng là nơi tôi bị thương là trường tiểu học Triệu Thành thuộc huyện Triệu Phong, Quảng Trị.
  
Đây là một trạm khách lớn, xung quanh rất nhiều đơn vị có cả những đơn vị TNXP nữ. Tiếng hỏi thăm nhau í ới, nhận đồng hương với nhau làm cho cánh rừng sôi động hẳn lên. Chúng tôi lại được bổ sung thêm quân trang. Lần này là 1 mũ tai bèo, 1 hộp túi cứu thương gồm bông băng, thuốc phòng độc, thuốc lọc nước, thuốc sốt rét, thuốc bổ, thuốc chống rắn cắn, kim chỉ, 1 hăng-gô Trung-quốc kèm theo 1 túi đựng, 1 túi trắng đựng cơm nắm hoặc lương khô, 2 đôi tất dài để chống vắt, 2 đôi tất ngắn. Ông Viên với kinh nghiệm nhiều lần đưa quân vào Nam hướng dẫn cho chúng tôi cách đi dép cao-su có lồng tất để chống trơn trượt và mỗi thằng phải tìm chọn 1 cái gậy tốt để dùng khi hành quân bộ. Ngoài tác dụng để chống khi hành quân, nó còn có tác dụng chống vào đáy ba-lô cho đỡ mỏi vai khi tạm dừng, đêm xuống dùng gậy để khua vào bụi rậm đuổi rắn, rết cả khi chẳng may bị trúng bom pháo dọc đường, lúc nhẩy xuống hố cá nhân thì nhớ thò gậy lên để đồng đội sẽ dễ dàng bới đất tìm ra...Trong đơn vị có những người khéo tay chạm trổ gậy rất đẹp, thậm chí có người còn tạo ra 1 cái điếu cầy ở đầu gậy rất tiện lợi mỗi khi cơn nghiền thuốc lào nổi lên. Chiếc gậy có chạc của tôi chặt từ bãi khách Nghĩa Đàn này đã theo tôi tới tận Ái Tử, khi vượt sông Thạch Hãn lúng túng vì phao và vì pháo địch bắn dữ quá đành phải bỏ lại.
(còn tiếp)
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Hungnt_E1F2
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1072


« Trả lời #51 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2010, 03:50:19 pm »

Lần này là 1 mũ tai bèo, 1 hộp túi cứu thương gồm bông băng, thuốc phòng độc, thuốc lọc nước, thuốc sốt rét, thuốc bổ, thuốc chống rắn cắn, kim chỉ, 1 hăng-gô Trung-quốc kèm theo 1 túi đựng, 1 túi trắng đựng cơm nắm hoặc lương khô, 2 đôi tất dài để chống vắt, 2 đôi tất ngắn.

Đọc bài phần trước, không thấy bác lexuantuong1972 nhắc đến mấy thứ này em đã định hỏi, bài này đã có đủ. Mà không thấy bác nhắc tới cái túi to bảo quản quân trang bằng ny long dày, lót vào balo để chống nước...
Hộp thuốc cá nhân TQ bằng nhựa cứng màu xanh lá cây có dấu chữ thập, bà cụ mẹ vợ em vẫn còn dùng, post lên đây cho bác coi có đúng không nhé Cheesy
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Tám, 2010, 09:48:34 pm gửi bởi Hungnt_E1F2 » Logged
fanlong74
Thành viên
*
Bài viết: 224


« Trả lời #52 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2010, 10:31:28 pm »

Hộp cấp cứu của bác có thứ này không ạ:
Logged
fanlong74
Thành viên
*
Bài viết: 224


« Trả lời #53 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2010, 10:33:43 pm »

Danh sách các thứ trong hộp cấp cứu, em còn giữ được bảng danh sách và vài món đồ (băng, xà phòng bột, thuốc chống khói độc), cái hộp thì không còn
Logged
Hungnt_E1F2
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1072


« Trả lời #54 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2010, 10:36:10 pm »

fanlong74: Có thể còn một vài loại thuốc sốt rét phòng 2, phòng 3 gì đó nữa.
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #55 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2010, 12:47:30 am »

Em cũng có thời gian ở Nghĩa Đàn. Đất Nghĩa Đàn là đất Bazan giống như Tây Nguyên, nắng thì bụi mù mà mưa thì vừa trơn trượt lại vừa dính. Vùng này có nhiều bác miền Nam tập kết lắm. Cho đến bây giờ cũng có bác ở lại hẳn không về quê Nam nữa.
Bác Tường ạ, em hiểu và trân trọng tình cảm của bác với đồng đội.Trường hợp anh Lào, em nghĩ thực tế bác đã làm hết khả năng của bản thân rồi, nếu không bị vây và bị thương thì đâu đến nỗi. Bác đã lần nào về 325 xem lại trích ngang anh Lào chưa ?
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #56 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2010, 08:01:56 am »


Đọc bài phần trước, không thấy bác lexuantuong1972 nhắc đến mấy thứ này em đã định hỏi, bài này đã có đủ. Mà không thấy bác nhắc tới cái túi to bảo quản quân trang bằng ny long dày, lót vào balo để chống nước...
Hộp thuốc cá nhân TQ bằng nhựa cứng màu xanh lá cây có dấu chữ thập, bà cụ mẹ vợ em vẫn còn dùng, post lên đây cho bác coi có đúng không nhé Cheesy
Hộp thuốc cá nhân của bọn mình được trang bị không phải bằng plastic mà bằng sắt tây mỏng cũng của TQ, trong đó có khoảng 10 ống thuốc các loại cỡ ngón tay. Còn túi to bảo quản quân trang bằng nilon dày lót vào ba-lô chống nước thì chúng tôi tự tạo bằng các bao gạo của TQ. Hồi đó mỗi bao gạo 70 kg được bọc bằng 4 lần bao: ngoài cùng là bao tải gai tiếp đó là 2 bao nilon dày để chống nước, trong cùng lại 1 bao gai nữa. Loại bao này to dùng để làm phao rất tốt. Nếu lót trong ba-lô thì quá to, tốt nhất kiếm được bao gạo đồ 25 kg (lính ta gọi là gạo bọc thép vì nấu lên cứ chuồi chuội chẳng hạt nào dính vào hạt nào) là đẹp nhất.  
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Tám, 2010, 09:39:17 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #57 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2010, 08:10:33 am »

Em cũng có thời gian ở Nghĩa Đàn. Đất Nghĩa Đàn là đất Bazan giống như Tây Nguyên, nắng thì bụi mù mà mưa thì vừa trơn trượt lại vừa dính. Vùng này có nhiều bác miền Nam tập kết lắm. Cho đến bây giờ cũng có bác ở lại hẳn không về quê Nam nữa.
Bác Tường ạ, em hiểu và trân trọng tình cảm của bác với đồng đội.Trường hợp anh Lào, em nghĩ thực tế bác đã làm hết khả năng của bản thân rồi, nếu không bị vây và bị thương thì đâu đến nỗi. Bác đã lần nào về 325 xem lại trích ngang anh Lào chưa ?

Mình đã về 325 vài lần và có dặt vấn đề với anh em ở e101 giúp cho danh sách các LS trong đó có Lào. Nhưng chưa thấy kết quả. Sắp tới mấy anh em mình sẽ về Nghệ An tìm mấy ae còn sống để đến nhà Lào. Cũng may mới nhận được thông tin về họ.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #58 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2010, 08:16:18 am »

Hộp cấp cứu của bác có thứ này không ạ:
Thứ này là của Mỹ hơi bị xịn đấy. Đây là một loại chiến lợi phẩm mà quân ta rất ưa dùng vì tốt. Nó còn có loại ngoài bông băng ra có một bình xịt nhỏ đẻ rửa vết thương kiêm giảm đau, 1 lưỡi dao mổ mỏng sắc, và 1 ống tiêm nhựa có sẵn thuốc kháng sinh và giảm đau nữa.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #59 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2010, 08:26:38 am »

NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC
(tiếp theo)

Rời Nghĩa Đàn chúng tôi lên xe đi tiếp. Trời đã tạnh ráo, những chiếc xe tải quân sự chỉ có 1 ngọn đèn gầm duy nhất lắc lư đi trong đám bụi đường dầy đặc. Từ đây đi đường 15 đi qua những vùng đồi núi đất đỏ của miền Tây Nghệ An. Thỉnh thoảng xe phải dừng lại vì phát hiện máy bay đang lượn trên đầu.

Đột ngột chiếc xe đi trước dừng lại, một bóng người trên xe nhẩy xuống và lao vào mấy nếp nhà núp dưới một cánh rừng bạch đàn ven đường. Xe chúng tôi cũng dừng lại. Sau này mới biết chỗ này là Đô Lương, anh em có đề nghị với lái xe dừng lại ít phút để cho Dương Thanh - K16 Xây dựng - tạt qua nhà từ biệt mẹ. Dương Thanh khi còn ở huấn luyện đã được chọn đi khám tuyển phi công nhưng không trúng tuyển. Thanh về cùng d1 với tôi nhưng ở c2 và đã hy sinh tại khu vực An Tiêm - Chợ Sãi ngày 16/9/1972.

Cũng tại cung đường này, đêm 18/11/1972 chúng tôi rời trạm chuyển thương CT12A ở Nam Thanh ra Nghĩa Đàn. Thời điểm đó sau khi bội ước không chấp nhận ký Hiệp định Paris ngày 26/10/1972, Ni-xơn mặc dù tạm ngừng ném bom phía Bắc vĩ tuyến 20 lại tăng cường dùng B52 đánh phá quyết liệt phía nam vĩ tuyến 20. Đêm đó hơn 10 xe chở thương binh theo trục đường 15 thì bị trúng bom B52. Mỗi xe chở khoảng hơn hai chục thương binh, những anh em bị nặng nhất được nằm võng (mép võng được ghim lại để khỏi lăn ra), dưới sàn xe người nằm, người ngồi ngủ gà ngủ gật thì trời đất chớp lòe, chao đảo, xe nhẩy chồm chồm, cây cối đất đá đổ ập xuống xe như giông bão...Chốc lát trong ánh lửa của cây rừng bị cháy, những vạt rừng hai bên đường biến đi đâu mất thay vào đó là một bãi bom khổng lồ. Thật là may mắn những loạt B52 này lại cắt ngang đường và xen vào giữa các xe. Không một xe nào bị bom, có một vài xe bị bẹp mũi, bẹp nóc do đất đá, cây cối quăng vào. Thương binh đều an toàn chỉ bị một phen hút chết mà thôi. Hôm sau ở Nghĩa Đàn chúng tôi được biết đây là trận mở màn cho chiến dịch Sấm rền của địch đánh vào trục đường 15. Chúng đã dùng 3 tốp B52 gồm 9 chiếc rải thảm khu vực Đô Lương, Tân Kỳ - chính là nơi chúng tôi đi qua. Ngay trong đêm, xe của trạm Nam Đàn ra và của trạm Nghĩa Đàn vào chỉ để làm công tác thương binh tử sĩ vì với mật độ bom dầy đặc như thế chắc chắn sẽ không còn ai sống sót.        

Quay lại chặng đường khi hành quân vào, chúng tôi dừng chân ở trạm Nam Đàn một ngày. Ngôi nhà nơi tiểu đội tôi trú quân có 2 người phụ nữ và mấy đứa trẻ nhỏ. Chiều, khi tập kết để đi anh em mới rỉ tai nhau thằng X. và thằng H. ở trường công nhân máy kéo đã chui vào buồng ngủ của 2 chị em gia chủ ..., khi ra thấy mặt mũi phởn phơ lắm...

Chúng tôi đi dọc theo đê sông Lam, đây là nơi thị trấn Nam Đàn sơ tán về nên có vẻ đông đúc, những quán nhỏ le lói ánh đèn dầu phòng không ở bên đường. Gió sông thổi về mát rượi, chẳng bù cho ban ngày nóng hầm hập. Chính tại đoạn đê này khi tôi trên đường chuyển thương ra đã gặp mấy anh em cùng huấn luyện ở Tân Đức đã được giữ lại làm khung cho đợt quân sau. Không biết họ sẽ vào Quảng Trị hay đi đâu ?

Sà-lan chở chúng tôi ngược sông Lam để theo dòng sông La vào đất Hà Tĩnh.  
Đức Hòa là một xã của huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, chúng tôi nghỉ lại sau một đêm theo sà-lan từ Nam Đàn vào. Vùng quê này là một vùng bán sơn địa với những vườn cọ và những nếp nhà lợp lá cọ xung quanh vách cũng được thưng bằng lá cọ có thể chống lên để hứng gió. Kiểu nhà này rất nhiều cột chống nên lính tráng tha hồ mà mắc võng. Tình cờ anh em chúng tôi phát hiện trong làng có một quán cà-phê khá độc đáo. Mấy anh em rủ nhau ra quán để lấy lại hương vị cà-phê kể từ khi nhập ngũ. Quán cà phê là một nếp nhà lá nép dưới tán mấy cây cọ, xung quanh quán là giàn hoa giấy, trong quán bàn ghế làm bằng tre, tủ quầy cũng được làm bằng tre, không gian được bài trí phù hợp cho một quán cà phê của một thị xã tỉnh lẻ nào đó chứng tỏ chủ nhân là một người có óc thẩm mỹ. Ông chủ là một người đàn ông cỡ ngoài 50, đón chúng tôi vào. Trong quán toàn quân nhà ta cả, chuyện nở như ngô rang, khói thuốc lá nghi ngút bên những phin cà-phê đặc sánh đang tí tách nhỏ giọt. Khi biết chúng tôi là những lính sinh viên mà đa phần là dân Hà Nội nên chuyện cà-phê, chè cháo không phải là không sành sỏi, ông chủ liền giới thiệu các loại cà-phê mà ông ta có đặc biệt là cách dùng rượu rhum đun nóng để chế vào phin thay nước sôi ... Đúng là lần đầu tiên mới nghe thấy kiểu cách pha này (bụng bảo dạ nếu được sống trở về thế nào tôi cũng phải hỏi bố tôi và nhất là bác tôi có kiểu pha cà-phê như thế không hay là ông nói phét). Âu đó cũng là những kỷ niệm đáng nhớ trên đường hành quân. Mấy tháng sau khi tôi nằm ở trạm chuyển thương cách đó một cánh đồng mà tôi đang tập tễnh nên không thể ghé qua quán được.
(còn tiếp)
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM