Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 03:00:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa  (Đọc 388242 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #20 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2010, 10:47:43 am »


   Anh Tường xem lại chỗ "....cũng từng ấy người ra đi không trở về" có lẽ hơi nhiều chăng?
Bạn q.trung! Đây là một cách nói để hình tượng hóa sự hy sinh quá lớn trong trận chiến 81 ngày đêm mà rất nhiều tài liệu đã đề cập. Lần đầu tiên trong lich sử chiến tranh VN chúng ta đã phải mặt đối mặt với tất cả những vũ khí hiện đại nhất của địch chỉ trừ bom nguyên tử trong khoảng thời gian dài. Đến giờ bọn tôi thường nói với nhau rằng: mình sống được quả là một sự vô lý.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #21 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2010, 11:12:38 am »

KÝ ỨC TUỔI HAI MƯƠI - SUY NGHĨ VỀ MỘT THẾ HỆ
                                             
Lê Xuân Tường 
                           
               Ai đó đã từng qua thị xã Quảng Trị và tới thăm di tích Thành Cổ sẽ thấy hình tượng cây thiên mệnh vươn lên trời cao với biểu tượng Thiên - Địa - Nhân, Âm Dương, Ngũ hành hoà quyện tại nơi đây với mái đình làng thân thương như nhắn nhủ vong linh của những con người vì Nước hiến thân khi tuổi đời còn rất trẻ sẽ sống mãi với tuổi mười tám, đôi mươi của mình. Với những người lính sinh viên chúng tôi, cây thiên mệnh đó giống như ngọn bút lông - tượng trưng cho “kẻ sĩ Bắc Hà”- đang nhấn lên bầu trời xanh ngắt bản Anh hùng ca đầy bi tráng của Thành Cổ Quảng Trị. 81 ngày đêm - từ 28/6 đến 16/9/1972 - bám trụ giành giật với địch từng căn nhà, góc phố, từng tấc đất thiêng liêng của Thành Cổ để rồi một vạn bốn nghìn con người đã nằm lại nơi đây với mảnh đất đẫm máu và trộn đầy bom đạn, nằm lại với dòng Thạch Hãn lúc lành hiền êm ả, khi dữ dội nước ngập mênh mang. Trong số những con người bất tử đó có Nguyễn Văn Thạc - sinh viên Toán Cơ 15  Đại học Tổng hợp, Nguyễn Kỳ Sơn - sinh viên khoa công trình Đại học Thuỷ lợi, Lê Văn Huỳnh - sinh viên Cầu đường 13 Đại học Xây dựng và biết bao sinh viên các trường đại học khác…
Tôi, Thạc và Như Anh cùng là học sinh trường cấp 3 Yên Hoà B, Hà Nội. Tôi học khoá 1966-1969, trước Thạc 1 khóa và hơn Như Anh 2 khóa. Thạc và Như Anh là 2 trong những học sinh suất sắc nhất của trường năm ấy nên ai cũng biết mặt biết tên. Năm học cuối cùng của lớp 10B chúng tôi (1968-1969) học tại thôn Hậu, xã Dịch Vọng. Lớp tôi và lớp 9B của Thạc học chung 1 lán sơ tán, lớp tôi học sáng, lớp Thạc học chiều. Biết nhau qua các hoạt động thanh niên và những buổi lao động làm hầm phòng không và đắp luỹ cho lán học. Cho đến nay đã hơn 36 năm trôi qua tôi vẫn hình dung cái lớp học sơ tán ấy, nằm dưới 1 lùm tre kề con đường làng lát gạch như bao ngôi làng khác của làng quê Bắc Bộ, cạnh ngôi nhà tranh của 1 người nông dân có 2 vợ mà cảnh đánh chửi nhau của vợ cả vợ lẽ diễn ra như cơm bữa. Phía bên kia đường là rặng tre xanh dẫn ra cánh đồng lúa, những căn hầm kèo phòng không của chúng tôi núp dưới rặng tre đó. Trường cấp 3 Yên Hoà B ngày ấy là trường gần Hà Nội nhất, bao gồm số học sinh trong nội thành sơ tán ở các vùng lân cận và học sinh ở Nghĩa Đô, Cổ Nhuế, Dịch Vọng…Lũ học sinh nội thành chúng tôi bao giờ cũng có vẻ “tự tin”“sành điệu hơn” so với các bạn ở địa phương. Thạc trong số học sinh địa phương đó. Mặc dù là 1 người nổi tiếng ở trường nhưng ở Thạc bao giờ cũng toát ra vẻ rụt rè,  khiêm nhường của 1 cậu học sinh ngoại thành. Năm 1968 Mỹ ngừng ném bom từ Bắc vĩ tuyến 20 rồi ngừng ném bom miền Bắc chấp nhận ngồi vào bàn Hội nghị Paris, lũ học sinh nội thành chúng tôi là sướng nhất vì được về Hà Nội không phải sơ tán nữa. Cứ hết giờ học chúng tôi ùa ra khỏi lớp, quá nửa lớp đi bộ ra Cầu Giấy để đi tầu điện về nội thành và bao giờ chúng tôi cũng gặp Thạc và mấy bạn cùng ở Cổ Nhuế nơi rặng bàng đầu xóm.
(còn tiếp)
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Phong Quảng
Thành viên
*
Bài viết: 620


« Trả lời #22 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2010, 11:59:40 am »

Bác Tường có tham gia vào các hoạt động của quĩ:" Mãi mãi tuổi 20 " Không? Ở đấy tôi thấy hầu hết là anh em CCB 325 và tăng thiết giáp.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #23 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2010, 01:01:23 pm »

Bác Tường có tham gia vào các hoạt động của quĩ:" Mãi mãi tuổi 20 " Không? Ở đấy tôi thấy hầu hết là anh em CCB 325 và tăng thiết giáp.
Bac Phong Quảng! Tôi là một cộng tác viên của Quỹ MMT20. Có rất nhiều anh em TTG cùng tham gia. Giam đốc của Quỹ cũng là lính TTG đấy 
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #24 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2010, 03:26:53 pm »

KÝ ỨC TUỔI HAI MƯƠI - SUY NGHĨ VỀ MỘT THẾ HỆ

(tiếp theo)

Ngược lại với vẻ rụt rè, khiêm nhường của Thạc, cô bé Như Anh năm ấy mới nhập trường nhưng đã rất tự tin khi đệm đàn ắc-coóc-đê-ông cho những buổi hội diễn của trường (ngày ấy cả trường chỉ có 3 người chơi được ắc-coóc là Phú lớp 10A, Ngà lớp 10B của tôi và Như Anh). Phải có điểm xuất phát và gia thế như thế nào đó mới có điều kiện để học nhạc, có đàn và chơi đàn cũng như có điều kiện để có thể tiếp cận được những gì thuộc về nền văn minh nhân loại. Vì thế Như Anh so với Thạc và với chúng tôi có nhiều thuận lợi hơn nên đã tạo cho cô bé 1 cái gì đó chững chạc hơn, tự tin hơn so với lứa tuổi của mình. Thế rồi chẳng hiểu làm sao trong lễ sơ kết Học kỳ I tôi sơ ý làm bẹp cái đàn của Như Anh, cô bé cứ đứng giữa trời mưa mà khóc, không ai dỗ được. Hoảng vì làm bẹp đàn thì ít nhưng sợ vì động chạm tới cô học sinh giỏi được các thầy cô cưng nhất trường thì nhiều, tôi chạy ra dắt tay Như Anh vào nhà lúng túng xin lỗi. Thế rồi mọi chuyện qua đi với Như Anh còn tôi bị cô hiệu phó cho 1 trận “lên bờ xuống ruộng” vì chuyện với Như Anh thì ít nhưng vì chuyện khác thì nhiều….Cũng từ ngày ấy chúng tôi quen biết nhau, và hình như bóng dáng của cô bé đó đã ít nhiều đọng lại trong tâm tư của gã trẻ trai như tôi cho tới khi tôi vào Đại học Xây dựng sơ tán tại Vĩnh Phú. Năm 1970 trường cấp 3 Yên Hoà B thân yêu của chúng tôi giải thể, mặc dù chỉ có tồn tại 4 năm thôi nhưng đã để lại cho chúng tôi biết bao nhiêu kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và bạn bè, về lứa tuổi học trò vô tư trong sáng. Chính những kỷ niệm đó đã theo tôi suốt cả cuộc đời bên cạnh những kýý ức về chiến tranh, về những đồng đội thân yêu trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Chỉ có khoá của tôi và Thạc là học trọn vẹn 3 năm cấp 3 tại trường. Nghe nói đến năm lớp 10 Như Anh về học tại trường Phổ thông Công nghiệp Hoàn Kiếm. Thời gian, khoảng cách và nhiều biến cố trong cuộc đời đã làm sợi dây liên hệ giữa chúng tôi bị đứt quãng cho tới khi tôi được biết Như Anh đã đi học tại Liên Xô và sau đó định cư tại Đức.
Một ngày cuối tháng tư  năm 2005, trong không khí tưng bừng của 30 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước tôi đọc bài “Chuyện đời” bi tráng của chàng trai giỏi văn nhất miền Bắc một thời đăng trên tờ An ninh thế giới, sững sờ khi ảnh của Thạc ngay ở trang nhất và lại là người đồng đội với tôi tại Quảng Trị đã hy sinh tại thôn Đầu Kênh (xã Triệu Long huyện Triệu Phong, Quảng Trị ) - mảnh đất đã gắn liền với tôi trong suốt mùa Hè đỏ lửa ấy. Tôi cũng ngỡ rằng Thạc học giỏi như thế chắc chắn phải nằm trong số học sinh đi tu nghiệp ở nước ngoài giống Như Anh và giờ đây đã thành đạt và đang làm việc tại một chân trời nào đó. Thạc đã hy sinh ngày 30/7/1972 - ngay ngày đầu tiên sau khi trung đoàn chúng tôi vượt sông Thạch Hãn đứng chân tại địa bàn Đông-Bắc thị xã Quảng Trị - cũng như bao anh em sinh viên khác tại mảnh đất đầy máu và nước mắt này..
Thạc vào Đại học Tổng hợp khoa Toán Cơ năm 1970, ngày 6/9/1971 cùng với hàng ngàn sinh viên của các trường Đại học khác, Thạc nhập ngũ và trở thành chiến sĩ thông tin 2 watt của tiểu đoàn 1, trung đoàn 101, sư đoàn 325 (D1-E101-F325) chiến đấu tại  Quảng Trị. Tôi nhập ngũ sau Thạc nhưng rồi lại được tăng cường về đại đội 3, cùng tiểu đoàn 1 với Thạc (C3-D1-E101) trung tuần tháng 8/1972 (sau khi Thạc đã hy sinh). Không ngờ sau 30 năm  được tin nhau thì bạn đã đi xa …
(còn tiếp)
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #25 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2010, 09:36:14 am »

KÝ ỨC TUỔI HAI MƯƠI - SUY NGHĨ VỀ MỘT THẾ HỆ
(tiếp theo)

Những dòng nhật ký của Thạc để lại đã nói hộ chúng tôi nhiều lắm. Cám ơn bạn đã nói lên những buồn vui, ước vọng, những trăn trở kể cả những ấm ức trong cõi lòng…Chúng tôi là thế hệ sinh ra vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp. Có thể có những người như tôi và Như Anh sinh ra trong vùng tự do khi cha mẹ chúng tôi đã từ bỏ tất cả sản nghiệp để theo cách mạng đi kháng chiến ; còn Thạc và nhiều người khác có thể sinh ra trong vùng tạm chiếm nhưng tất cả thế hệ chúng tôi đều lớn lên trong cái nôi của chủ nghĩa xã hội được hưởng thụ một nền giáo dục tốt đẹp trong bối cảnh xã hội tuy còn nghèo nhưng ý thức của mỗi con người trong đó đều đặt nghĩa vụ và trách nhiệm lên trên cái tôi của mình. Thế nhưng chúng tôi luôn luôn được coi là tầng lớp “tiểu tư sản”, “tiểu thị dân”…để phân biệt với những con người xuất thân từ những thành phần cơ bản khác hoặc có cha mẹ giữ những trọng trách trong bộ máy nhà nước. Điều đó thể hiện rất rõ khi khoá của chúng tôi là khoá cuối cùng không phải thi mà chỉ xét tuyển vào Đại học qua kết quả thi tốt nghiệp phổ thông và lý lịch. Khoá của Thạc sau khi thi tốt nghiệp cũng không phải thi quốc gia như bây giờ mà chỉ kiểm tra văn hoá sau khi được phân bổ về các trường theo tiêu chí của Ban tuyển sinh. Chính vì thế khoá của tôi có rất nhiều người học giỏi nhưng không trong diện đi nước ngoài mà học Sư  phạm, Nông nghiệp và các trường Đại học trong nước như Hiệp lớp 10D là học sinh A1 nhưng được xếp vào Đại học Nông nghiệp (chỉ vì có bố là công chức lưu dụng). Thạc và rất nhiều người cũng nằm trong hoàn cảnh ấy.
Những định kiến ấy tưởng như không tồn tại trong môi trường quân đội khi mà cả nước bước vào những năm cuối cùng của cuộc chiến, khi mà ở nông thôn và thành thị tất cả thanh niên đều ra trận, khi mỗi gia đình đều là những gia đình quân nhân và thế hệ sinh viên chúng tôi tạm gác lại những ước mơ dang dở, rời giảng đường cầm súng cùng cả nước ra trận. Những năm đó nhất là những năm sau Mậu Thân khi sự tàn khốc của chiến tranh đã bước vào đỉnh điểm, nhiều gia đình ở hậu phương đã mang trên đầu vành khăn tang bởi người thân của mình đã hy sinh…Thế nhưng khi chúng tôi đã mang trên mình bộ quân phục mầu xanh của người chiến sĩ quân đội nhân dân thì cái chất “tiểu tư sản”, “tiểu thị dân” vẫn đeo bám theo chúng tôi mọi nơi mọi lúc. Gian khổ, ác liệt, thiếu thốn, những định kiến và cả những cái chết của đồng đội tưởng như làm chúng tôi ngã quỵỵ, nhưng không, chúng tôi biết đằng sau chúng tôi là Tổ quốc, là quê hương, là cha mẹ và những người thân thương nhất đang từng ngày khắc khoải chờ trông…và vượt lên trên tất cả chính là danh dự, lòng tự trọng, nghĩa vụ và ý thức trách nhiệm đối với xã hội của một thế hệ được giáo dục trong môi trường tốt đẹp của nhà trường và gia đình thời ấy. Chính những nhận thức ấy đã giúp chúng tôi có đủ bản lĩnh và ý chí chiến đấu kiên cường, trụ vững trong 81 ngày đêm tại Thành Cổ Quảng Trị, nơi được xem là túi bom, là chiến trường đẫm máu nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.
(còn tiếp)
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #26 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2010, 10:23:49 am »


       Khoá của Thạc sau khi thi tốt nghiệp cũng không phải thi quốc gia như bây giờ mà chỉ kiểm tra văn hoá sau khi được phân bổ về các trường theo tiêu chí của Ban tuyển sinh.


       Vụ này bác Tường nói không đúng rồi. Nguyễn Văn Thạc cùng khóa với tôi, vào đại học năm 1970. Đây là năm đầu tiên có thi đại học. Khóa của bác Tường, trên tôi một năm thì đúng là chỉ xét vào đại học.  Lần thi đại học đầu tiên năm 1970 có bài toán hàm số mũ làm bao nhiêu thí sinh biết ngay đáp số nhưng loay hoay không biết cách giải như thế nào : (3^x) + (4^x) = (5^x)
Logged

lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #27 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2010, 10:28:57 am »

KÝ ƯC TUỔI HAI MƯƠI - SUY NGHĨ VỀ MỘT THẾ HỆ
(tiếp theo)

Cái chất “tiểu tư sản” ấy đã được truyền từ thế hệ cha anh chúng tôi - những người lính của Trung đoàn Thủ đô, của trung đoàn Tây Tiến, của những chàng trai học sinh, sinh viên Hà Nội trong những “đoàn binh không mọc tóc” anh hùng, quả cảm làm bạt vía kinh hồn kẻ thù trong kháng chiến chống Pháp nhưng rất đỗi hào hoa, phong nhã, đầy chất lãng tử  lại luôn “mơ về Hà Nội dáng kiều thơm”…Chúng tôi tự hào về cái chất ấy, nó thấm đượm lòng yêu Tổ quốc và tình cảm lãng mạn cách mạng qua những bản tình khúc Nga Xô-viết được hát lên giữa chặng đường hành quân vất vả hoặc giữa 2 đợt phản kích của quân thù. Cái chất ấy còn thể hiện những suy nghĩ rất riêng tư qua những trang nhật ký viết vội sau 1 ngày hành quân hay dưới ánh sáng ma quái của pháo sáng địch dọi qua cửa hầm. Hầu như chúng tôi ai cũng viết, viết về mình, viết về đồng đội, viết về những giấc mơ của ngày toàn thắng được trở về với Mẹ và những người thân yêu nhất…và cả những đắn đo, suy tính, dằn vặt, do dự khi bên mình là gian khổ, thiếu thốn, là khốc liệt của chiến tranh và cả những cái chết của đồng đội…Cái chất ấy còn thể hiện ở sự ham hiểu biết, tìm tòi những gì thu lượm được khi bước vào vùng mới giải phóng. Đặc biệt thu hút chúng tôi hơn cả là những sách vở, tiểu thuyết thu được của phía bên kia. “Cổ học tinh hoa”, “Thương nhớ mười hai”, “Bác sĩ Jivago”, “Tội ác và trừng phạt”, “Chùm nho nổi giận”…đã cuốn hút chúng tôi bởi những triết lý mới lạ cũng như số phận của con người…Có rất nhiều đồng đội của chúng tôi khi hy sinh đã để lại trong ba-lô của mình những cuốn Từ điển Anh, Pháp…cùng với lòng khát khao 1 ngày mai chiến thắng trở về lại tiếp tục những gì còn dang dở…Cái chất ấy đã giúp chúng tôi thêm lạc quan để chiến thắng tất cả. Và đó là niềm kiêu hãnh, tự hào của cả thế hệ sinh viên-chiến sĩ trong những năm tháng hào hùng của cả dân tộc.
 Với chúng tôi, những người lính - sinh viên thì Thành Cổ Quảng Trị là khúc dạo đầu bi tráng của Thiên anh hùng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nghẹn ngào nhớ đến những người bạn đã nằm lại trên chiến trường Quảng Trị, không có quan tài chỉ được bọc trong tấm tăng võng lạnh lẽo, chôn vội vàng dưới làn bom đạn. Nhớ đến những đồng đội đã ngã xuống không được toàn thây dưới những trận mưa bom, bão đạn của B52 và của đủ các loại pháo dàn, pháo bầy của địch…trong số họ không ít người là những sinh viên của các trường Đại học. Dòng Thạch Hãn với biết bao địa danh đã trở thành bất tử: Thành Cổ, Nhan Biều, Tích Tường, Như Lệ, An Tiêm, Chợ Sãi, Cửa Việt… nó luôn chảy trong lòng chúng tôi như bao đời nay vẫn chảy nhưng ở đó có cái thiêng liêng hơn, cao quýý hơn vượt lên tất cả để trở thành khúc tráng ca bất diệt:
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ,
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước,
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm . . .
                                                 (Thơ Lê Bá Dương)
 Sau Thành Cổ Quảng Trị, chúng tôi những người lính “tiểu tư sản” đó đã cùng trung đoàn 101 và các đơn vị bạn đập nát cuộc hành quân lấn chiếm cảng Cửa Việt của lữ đoàn 147 thuỷ quân lục chiến cùng hàng trăm xe tăng, xe bọc thép của địch giữ vững vùng giải phóng. Từ dòng Thạch Hãn chúng tôi ngược lên Trường Sơn đánh xuống Tây Thừa Thiên qua Phú Lộc cắt ngang đường 1 và đúng 13 giờ ngày 25/3/1975 từ đỉnh Phú Văn Lâu lá cờ giải phóng của trung đoàn 101 - đứa con của mảnh đất cố đô - ngạo nghễ tung bay trên bầu trời Huế chính thức báo tin thành phố được hoàn toàn giải phóng. Vượt đèo Hải Vân chúng tôi tiến đánh bán đảo Sơn Trà, giải phóng Đà Nẵng ; băng qua duyên hải miền Trung công phá phòng tuyến Phan Rang - Tháp Chàm, sân bay Thành Sơn ; rồi một ngày cuối tháng 4 năm 1975 tại Long Thành - Thành Tuy Hạ ta và địch giành giật nhau từng căn nhà, góc phố để mở đường vào Nhơn Trạch, tấn công căn cứ hải quân Cát Lái tiến về giải phóng Sài Gòn. Trong những giờ phút chiến thắng huy hoàng của dân tộc biết bao đồng đội của chúng tôi ngã xuống, các Anh đã nằm lại từ Thành Cổ Quảng Trị bên dòng Thạch Hãn cho tới cửa ngõ Sài Gòn.
Trong khốc liệt của chiến tranh, giữa cái sống và cái chết bản chất con người được bộc lộ rõ nhất. Cái cao thượng và sự đớn hèn song song tồn tại và cuối cùng trụ lại được chính là bản lĩnh của những con người coi danh dự và lòng tự trọng lớn hơn tất cả. Có 1 nhân vật đến nay tôi vẫn nhớ : Anh ta tên là M. nguyên là bí thư chi đoàn của lớp C cùng ra đi từ trường Đại học Xây dựng với tôi. Đây là 1 con người mẫu mực có thành phần cơ bản, anh ta hay diễn thuyết trên các diễn đàn, nói năng rất hùng hồn và rất hay lên lớp cho tôi và 1 số người khác về tác phong, nhận thức và rất nhiều thứ linh tinh khác…Nhưng khi chúng tôi bước vào trận đầu tại chợ Sãi, thì hành động của anh ta lại hoàn toàn ngược lại cái gì mà anh ta vốn có, là người đầu tiên tháo lui bỏ mặc đồng đội đang bị vây hãm. Trước khi vượt sông sang bờ Bắc anh ta không quên vơ tất cả những quân tư trang, lương thực, thực phẩm của đồng đội để lại tại hậu cứ. Nghe nói giờ đây anh ta đang nắm giữ trọng trách về xây dựng tại 1 tỉnh bạn…
Sau hơn 30 năm, khi mái đầu đã điểm bạc, thế hệ chúng tôi đã trưởng thành và có mặt khắp nẻo đường của đất nước. Nhiều người đang giữ những trọng trách trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, có người thì trở thành những nhà khoa học, những doanh nhân trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Nhưng không ít người còn vất vả trên con đường mưu sinh trong nền kinh tế thị trường đầy khắc nghiệt. Cũng đã có người vượt qua được cái chết của chiến tranh nhưng lại không qua được những cơn bạo bệnh của số phận. Cũng phải kể đến cả những người đã ngã ngựa trên con đường công danh sự nghiệp. Tuy vậy chúng tôi còn may mắn nhiều lắm so với những người bạn mãi mãi nằm lại ở chiến trường. Họ đã giành phần chết để chúng tôi được sống ngày hôm nay. Cứ nghĩ đến điều này thôi, tự đáy lòng chúng tôi lại trào lên niềm đau xót không nguôi…
Giờ đây, trong trái tim chúng tôi - những người sinh viên - chiến sĩ khi ấy - vẫn nguyên vẹn những gương mặt rạng ngời của bạn bè, của đồng đội với nụ cười tươi rói của tuổi đôi mươi, các bạn vẫn trẻ mãi trong ký ức của chúng tôi và luôn “sống mãi trong lòng đất nước, nhân dân và đồng đội thân yêu”.
                              
Quảng Trị tháng 8, Hà Nội tháng 9/2005
                                  L.X.T
                              Cựu Sinh viên-Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị 1972
[/i]
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #28 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2010, 10:38:12 am »

Bác TTNL, khóa 14 của chúng tôi đúng là xét điểm để vào ĐH. Khóa sau thì các thí sinh tựu trường rồi thi ngay tại trường chứ không phải thi theo cụm như sau này. Đúng là khóa các bác là thi với đề do cụ Bửu ra đề. Ở đây tôi muốn nói năm đó các bác thi vào trường nào cũng đều do nhà trường đề nghị thông qua Ban tuyển sinh  chứ không phải thí sinh được phép chon trường phải không.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #29 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2010, 10:41:05 am »


Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ,
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước,
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm . . .
                                                 (Thơ Lê Bá Dương)

        Bài thơ này lúc đầu tôi biết là như vậy nhưng về sau thấy anh em post ảnh khắc trên bia ở bến thả hoa bờ bắc Thạch Hãn và trong một bức tranh phóng tác từ các ảnh trên bến Thạch Hãn cũng đề bài này với lời thơ:

           Đò lên Thạch Hãn ơi ! . . . chèo nhẹ,
           Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
           Có tuổi hai mươi thành sóng nước,
           Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.


Bác có thể xem ảnh trong topic "Những chuyện không thể quên - Cười ra nước mắt", trang 53, 54.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM