Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 02:39:47 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức một thời hoa lửa  (Đọc 388253 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #320 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2010, 07:47:30 am »

KÍNH TẶNG BÁC LEXUANTRUONG1972

Cổng thôn Gio hạ(bây giờ họ lại gọi là Gio nhân hạ), ngày ấy, có lẽ các bác ở trọ trong thôn này?

Hồ sen, bên đường tới khu ký túc xá.


Cám ơn GiangNH nhiều lắm ! Đúng là cảnh vật thay đổi nhiều lắm. Ngày xưa khi nhập trường 1969 thì tên là Gio Nhân Hạ đấy. Con đường có dãy đèn cao áp có phải là từ ngã ba đi vào khu C không, bên trái là đầm sen có đúng không bạn. Mình nhớ thôn Gio Nhân Hạ nhìn thẳng sang bên kia đường cách 1 cánh đồng là Nam Hồng nơi HV chính trị quân sự sơ tán.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
GiangNH
Thành viên
*
Bài viết: 1146


« Trả lời #321 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2010, 12:19:15 pm »

 Chỗ nào cũng thấy "ông" CIENCO5 bành trướng, vẫn còn 1 vườn cây um tùm, chưa thấy có dấu hiệu nào của đô thị hóa, mấy cụ già bản địa nói: Đây là khu ký túc xá cũ của ĐHXD. Sau khi họ chuyển về Hương canh thì E544-công binh QK Thủ đô tiếp quản(Năm 1985, E544 có lên đánh nhau với Tàu tại Pha hán-Hà tuyên). Cuối những năm 80, công binh bàn giao lại khu đất cho địa phương, hiện nay là vườn cây này do 1 gia đình trẻ, người của thôn quản lý.

 

« Sửa lần cuối: 22 Tháng Chín, 2010, 10:04:27 pm gửi bởi GiangNH » Logged
GiangNH
Thành viên
*
Bài viết: 1146


« Trả lời #322 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2010, 12:41:51 pm »

...Con đường có dãy đèn cao áp có phải là từ ngã ba đi vào khu C không, bên trái là đầm sen có đúng không bạn. Mình nhớ thôn Gio Nhân Hạ nhìn thẳng sang bên kia đường cách 1 cánh đồng là Nam Hồng nơi HV chính trị quân sự sơ tán.
-Con đường có đèn cao áp đi vào khu C đấy bác ạ.
-Bên trái cũng là 1 đầm sen, em đi từ cổng Gio hạ sang khu C mà.
-Em nghe các tiền bối kể lại: Bác nhìn thấy Ban xe của HVCT đó, sĩ quan ngày ấy toàn đi xe "Sít đờ ca", oách lắm. Cái Ban xe này hiện giờ thay bởi 1 Ban xe khác của Cty xe bus Hà nội.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Chín, 2010, 07:13:54 pm gửi bởi GiangNH » Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #323 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2010, 04:09:03 pm »

NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC
(tiếp theo)

Trong số những người trở lại đơn vị có Lê Thanh Sơn ở c8/d5/e95 quê Hải Phòng nguyên là SV K15 Toán ĐH bách khoa; Chung d5/e95 quê Thái Nguyên là SV ĐH kinh tế kế hoạch. Sơn sau này  là 4//, cục phó cục nhà trường và là Chủ tịch Hội Cựu SV-CS Thành cổ Quảng Trị và Chung hiện là Cục phó Cục dự trữ quốc gia. Tôi cũng gặp Đồng cùng c3 với tôi, cậu ta quê Thái Nguyên vốn là học sinh trung cấp lâm nghiệp ở Quảng Ninh bị thương ra trước tôi. Sau này Đồng thi vào ĐHBK TP Hồ Chí Minh và lập nghiệp tại đây. Còn phải kể đến Nết ở c20/e101 cùng huấn luyện ở d60/f304 với tôi, Đăng c4/d1 quê ở Thúy Lĩnh, Thanh Trì...

Trước khi đi chúng tôi được cấp phát bổ sung tăng, võng, xanh-tuya-rông và bình tông nước, đây là những trang bị chiến đấu được trang bị trước khi đi B.

Chúng tôi rời xóm Đồng vào 1 buổi sáng nắng ấm, bà con trong xóm bịn rịn chia tay chúng tôi. Nhớ mãi tình cảm của người dân xóm nghèo giành cho chúng tôi và vùng quê này chính là xuất sứ của bài ca “Tấm áo mẹ vá năm xưa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.
 
2 xe ca chở chúng tôi ra đường 1 và xuôi về Hà Nội, đã nói trước với trưởng đoàn nên khi đến trước Ga Hàng Cỏ tôi xuống xe và chạy nhanh về nhà. Thật không ngờ hôm nay có cả bố mẹ tôi và cả bà ngoại nữa. Bà tôi năm nay đã ngoài 80 nhưng vẫn đi bộ từ Nguyễn Công Trứ đến thăm con cháu. Bà ơi ! Hãy đợi cháu về nhé, chắc ngày đó chẳng còn lâu nữa đâu !

Ở trạm giao liên T1 tại xã Liên Phương, Thường Tín tôi lại được bố trí vào ở ngôi nhà cổ mà hồi tháng 7 năm ngoái đi B đã ở và cũng là ngôi nhà anh Minh ở hồi đầu năm để đi B. Lần này chúng tôi đi bằng tầu hỏa vào Vinh, đoàn chúng tôi cùng đi với 1 tiểu đoàn quân tăng cường của Hà Bắc, họ nhập ngũ tháng 12/1972 và huấn luyện ở Mai Sưu. Trên đường 1 cùng trực chỉ hướng Nam với chúng tôi là những đoàn xe tải chở hàng, có cả những xe chở quân. Quân trên tầu, quân đi xe mỗi khi đường sắt cà đường bộ chạy sát nhau đều í ới gọi nhau hỏi thăm quê quán và đích đến của nhau: họ B dài, chúng tôi B ngắn.

Chúng tôi nghỉ tại trạm giao liên tại 1 xã thuộc huyện Hưng Nguyên, gần TP Vinh để hôm sau lại đi tiếp bằng xe tải quân sự. Vinh đang hồi sinh trên đóng tro tàn của chiến tranh, đâu cũng thấy tranh, tre, nứa, lá để dựng lại nhà cửa trên những nền nhà đã bị bom Mỹ san phẳng.

Qua cầu phao Bến Thủy, chúng tôi vào đất Hà Tĩnh. Cuộc sống thanh bình đang dần dần  trở lại về với mảnh đất miền Trung nghèo khó nhưng rất nên thơ này. Chiều tà chúng tôi dừng ở trạm Kỳ Anh để sáng mai vượt đèo Ngang.

Cảnh sắc đèo Ngang là núi, là rừng vươn mình ra phía Đông như muốn níu kéo khoảng xanh vô tận của biển cả vào lòng mình. Thật là tuyệt đẹp. Nắng xuân trải dài hòa quyện mầu xanh của núi rừng với mầu thạch bích của đại dương khiến cho lòng mình xốn xang trước phong cảnh sơn thủy hữu tình này. Đây là lần đầu tiên tôi được dong duổi qua dải đất miền trung dọc theo đường 1 giữa ban ngày như thế này. Phải nói rằng sau đó mấy chục năm tôi qua đây rất nhiều nhưng cảm giác không được như lần đầu tiên này có lẽ đó là cảm giác tuyệt vời nhất mà sau này chỉ có núi đâu còn những vạt rừng hoang sơ như ngày xưa nữa…

Qua đèo Ngang là đến đất Quảng Trạch, Quảng Bình là những đồi cát trắng nham nhở những hố bom, hố pháo với những vạt phi lao tơi tả bởi bom đạn kẻ thù. Chúng tôi nghỉ tại trạm Ba Đồn ở bắc sông Gianh trong 1 xóm nhỏ không xa đường 1. Xóm nhỏ này chắc dân mới trở về dựng những ngôi nhà tạm trên những vạt cát trắng, nhà cửa tuềnh toàng, mái lợp lá gồi 4 vách nhà cũng bằng lá gồi được dựng lên để đón gió.

Hàng trăm xe xếp hàng chờ qua phà Gianh, nhưng xe chở quân được ưu tiên qua trước. Sang đến bờ Nam chúng tôi gặp 1 đoàn xe ca treo cờ giải phóng và băng khẩu hiệu đi ngược lại đó là đoàn xe chở những tù binh của ta được trao trả ở sông Thạch Hãn. Những người chiến thắng trở về này gầy gò, xanh xao trong bộ quần áo mới vẫy tay chào chúng tôi, nhìn họ tôi chợt nhớ tới trận đánh Chợ Sãi hôm đó: liệu có ai trong số anh em cùng đơn vị bị địch bắt không, nếu có liệu họ có mặt trong đợt trao trả lần này không ?

(còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Chín, 2010, 04:48:01 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
GiangNH
Thành viên
*
Bài viết: 1146


« Trả lời #324 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2010, 01:14:31 pm »

 Chợ Yên, xưa kia vẫn họp vào ngày 5, 10 âm lịch. Nhưng bây giờ ngày nào cũng họp. Các hàng bán bún, bánh cuốn, bánh đa...đâu rồi? Con cháu bà chủ quán đâu, em mang gửi tiền trà thuốc các bác sinh viên "cắm quán" cách đây 40 năm đây này.


 1 góc hồ Yên(còn gọi là hồ Tam giác, vì nó hình tam giác). Cái nhà văn hóa cũ nằm giữa hồ, nay đã hoang tàn. Xa xa là Ủy ban, Hội đồng nhân dân xã Tiền phong(ảnh chụp từ phía Đông nam sang Tây bắc)
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Chín, 2010, 04:53:57 pm gửi bởi GiangNH » Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #325 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2010, 04:23:11 pm »


NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC
(tiếp theo)

Thị xã Đồng Hới bị bom đạn san phẳng, từ xa đã nhìn thấy tháp chuông nhà thờ còn sót lại, đó chính là nhà thờ Tam tòa. 36 năm sau vào dịp 27/7 2009, đoàn cựu SV-CS Thàng cổ QT trên đường từ QT ra, đi qua khu vực nhà thờ này đúng lúc có sự kiện giáo dân ở đây bị kích động chiếm nhà thờ. Các lực lượng an ninh làm nhiệm vụ ra chặn xe của chúng tôi bắt đi đường vòng không cho đi ngang qua nhà thờ  nhưng nhờ có băng rôn đỏ ở mũi xe: Cựu Sinh viên-Chiến sĩ trở về với Thành cổ Quảng Trị nên được phép đi qua.
 
Chúng tôi rời đường 1 để lên đường 15. Qua cầu phao Long Đại mà chúng tôi vẫn gọi là Long Đầu bởi đây chính là trọng điểm bắn phá của địch trên trục đường 15. Con đường chiến lược đầy ổ voi, ổ trâu đang ở cuối mùa khô bụi một cách khủng khiếp, có những lúc xe 3 cầu bị chúi vào những hố bụi đất ngập gần hết bánh xe. Cứ lắc lư, nẩy lên nẩy xuống dưới cái nắng gay gắt của miền Trung cuối cùng chúng tôi dừng lại tại một ngã tư và tất cả xuống xe. Đến một vạt rừng cao-su chúng tôi được lệnh dừng tại đây. Vạt rừng cao-su này thuộc Nông trường Quyết thắng của khu vực Bãi Hà. Cảm giác ban đầu được nghỉ lại trong 1 cánh rừng cao-su đẹp như thế này tưởng là rất dễ chịu dưới cái nắng đầu mùa nào ngờ lại rất oi ả, khó chịu vô cùng, không hiểu tại sao lại như vậy. Sau này mới biết đặc thù ở những rừng cao-su không khí rất nặng nề, đậm đặc. Buổi chiều 1 cán bộ của trạm khách ra làm việc với trưởng đoàn, nào ngờ đó là thầy Khôi dạy Toán của trường ĐHXD cùng nhập ngũ với tôi. Đêm đó tôi ngủ lại chỗ thầy Khôi (tôi đã nói ở đoạn đầu của bài viết này).

Chúng tôi được xe chở ra trạm Hồ Xá, từ đây các đơn vị của 325 sẽ đón về. Cái đêm ở Hồ xá đã xảy ra một chuyện không lấy gì làm hay ho cho lắm. Đêm ấy có chiếu phim, anh em trong đoàn rủ nhau đi xem nhưng tôi không đi vì đang viết dở thư gửi về nhà. Sau khi xem phim về tôi biết đêm trước xẩy ra 1 vụ lộn xộn đánh nhau ở bãi chiếu phim giữa bộ đội với nhau. Sáng hôm sau chúng tôi được lệnh tập trung toàn đoàn để đọc danh sách của từng trung đoàn, một việc rất bình thường. Đột nhiên phía hàng quân của e18 xuất hiện 1 tốp bộ đội nai nịt gọn ghẽ với đầy đủ súng ống. Người chỉ huy đọc tên 3 người ra đứng ngoài hàng, đồng thời 6 người lính với súng ống nói ở trên tiến đến khống chế 3 người trong đoàn chúng tôi. Người chỉ huy đọc lệnh bắt giữ những người này vì đã gây rối trong đêm chiếu bóng hôm trước. Thực ra bất cứ một đêm chiếu phim nào mà chẳng lộn xộn vì lính tráng chòng ghẹo chị em địa phương nhưng ở đây quân ta đánh lộn với đơn vị cạo xạ đóng gần đó, nghiêm trọng hơn cậu Cần (e18, quê Thái Nguyên) đã cướp súng của vệ binh và bắn chỉ thiên, ông Hồng (tôi tạm đặt tên vì không còn nhớ nữa) là b phó và là phó đoàn vì bênh lính mình mà bị vạ lây. Sau này nghe tin họ bị trả về sư đoàn giam 1 thời gian rồi bị loại ngũ trả về địa phương.

Tốp về e101 chúng tôi được 1 cậu truyền đạt của c18 đưa về. Cả tốp có gần chục người hành quân vào Hiền Lương. Sông Bến Hải đây rồi, cầu Hiền Lương bị đổ xụp vì bom Mỹ từ 1967. Nối đôi bờ sông là chiếc cầu phao dã chiến của công binh, 2 đầu cầu là 2 cột cờ cao vút bằng thép được dựng lại: bờ bắc là cờ Tổ quốc, bờ Nam là cờ Giải phóng. Người qua cầu rất đông và chủ yếu lại là bộ đội. Chúng tôi bước xuống cầu phao, người lính mang quân hàm xanh của Công an vũ trang đứng gác ở đầu cầu phía Bắc yêu cầu chúng tôi tháo hết quân hiệu ngôi sao đỏ trên mũ trước khi sang đến bờ Nam để tránh sự soi mói của Ủy ban quốc tế đang làm nhiệm vụ giám sát.

Đi vào khu phi quân sự mới thấy sự ngẫu nhiên của thiên nhiên được chọn khi con người với mục đích chính trị lấy vĩ tuyến 17 có dòng Bến Hải để làm ranh giới giữa 2 miền Nam Bắc theo HĐ Genève 1954: phía Bắc khu phi quân sự là 1 dẫy đồi cao chạy từ Cửa Tùng qua Vĩnh Thành, ngược lên Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy với cao điểm 74 như bức thành phía Bắc; tương tự như thế ở phía Nam khu phi quân sự cũng là 1 bức thành từ cao điểm 31 Bắc Cửa Việt chạy qua Dốc Miếu lên Cồn Tiên rồi 241, 544 - đây chính là nơi hàng rào điện tử Măc Namara chạy qua.

Khắp nơi ngổn ngang xác xe tăng, trọng pháo và những chiến cụ còn lại sau đợt tấn công cuối tháng 3 năm ngoái. Cây cối đã hồi sinh trên những hố bom, hố pháo, trên những công sự lở loét chất đầy bao cát và dây thép gai…Dốc Miếu là căn cứ pháo binh rất mạnh nằm trên hệ thống hàng rào điện tử Măc Namara đã bị chúng ta nghiền nát ngay trong ngày mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị 30/3/1972.

(còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Chín, 2010, 08:09:44 am gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
nguyenquochung
Thành viên
*
Bài viết: 283


« Trả lời #326 vào lúc: 24 Tháng Chín, 2010, 12:17:36 am »

     Trở về trong vòng tay yêu thương của đồng đội sau Hiệp định 73. Hậu cảnh là thị xã Quảng Trị đổ nát


Uploaded with ImageShack.us
Logged
nguyenquochung
Thành viên
*
Bài viết: 283


« Trả lời #327 vào lúc: 24 Tháng Chín, 2010, 08:51:17 am »

     Giấc mơ hòa bình không chỉ của riêng ai.



Uploaded with ImageShack.us
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #328 vào lúc: 24 Tháng Chín, 2010, 10:55:08 am »

Trong các ca khúc da vàng của TCS có "Chờ nhìn quê hương sáng chói":
"Nơi đây tôi chờ
Nơi kia anh chờ
Trong căn nhà nhỏ, mẹ cũng ngồi chờ
Anh lính ngồi chờ trên đồi hoang vu
Người tù ngồi chờ, bóng tối mịt mù
Chờ đã bao năm
Chờ đã bao năm..."

Trước giờ hiệp định còn xảy ra trận Cửa Việt đẫm máu. Cô giáo cấp 2 của bọn tôi, nhà ở Hàng Bồ, có người yêu hy sinh trong trận đó. Những câu chuyện đầu tiên về lính TQLC lì lợm, về trận Cửa Việt, chúng tôi biết từ cô, qua các bạn của người yêu cô. Cô đến lớp, mắt đỏ hoe. Bao nhiêu năm rồi, bọn tôi vẫn nhớ.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #329 vào lúc: 24 Tháng Chín, 2010, 12:19:14 pm »


NGƯỢC DÒNG KÝ ỨC
(tiếp theo)

Qua khỏi Dốc Miếu chúng tôi đến chợ Hà Thượng họp ngay ven đường 1. Chợ cũng lèo tèo không có nhiều hàng hóa mà chỉ có hàng nông sản. Ở đây bầy bán 1 loại củ to như bình tích có mầu tía, lá rất giống với lá trầu không, cậu truyền đạt chọn mua một củ nói rằng để nấu canh ăn bữa trưa. Từ chợ Hà Thượng chúng tôi rẽ trái băng qua những đồi cát trơ trụi không 1 bóng cây. Một xóm nhỏ ở ngay ven đường, chúng tôi nấu nhờ cơm ở 1 nhà dân trong xóm. Củ khoai tía nấu canh với mì chính ăn lạ miệng rất ngon, tuy không có thịt hay xương nhưng nồi canh rất ngậy và béo.  Bà con ở đây mới từ Vĩnh Linh trở về, dựng lại túp nhà bằng những vật liệu nhặt được như tôn, gỗ dán, cọc hàng rào dây thép gai và những mảnh bao cát được khâu lại để che chắn cái nắng gió của mảnh đất này. Chúng tôi được biết đơn vị từ cuối tháng 10 đã rút ra Bắc Quảng Trị để củng cố sau đó lại tiếp tục sang bờ Nam Cửa Việt chiến đấu. Trận chiến đấu giành lại cảng Cửa Việt ngay hôm ký HĐ Paris chính là của trung đoàn tôi cùng 1 số đơn vị bạn.
 
Chúng tôi nghỉ đêm tại thôn Nhị Thượng, hồi tháng 11 năm ngoái sau khi rút khỏi khu vực Chợ Sãi, An Tiêm, Nại Cửu e101 về đóng ở đây để củng cố trong thời gian ngắn sau đó lại tiếp tục vượt sang bờ Nam Cửa Việt cho đến tận bây giờ. Khung cảnh xung quanh toàn là những trảng cát không 1 bóng cây, xen lẫn là những khoảng đất trũng mọc toàn giống cỏ lác, phía trước sừng sững cao điểm 31- một quả đồi cũng toàn cát vươn lên giữa biển cát mênh mông. Nhìn những cánh đồng cỏ lác úa vàng vì giờ là mùa khô không còn ngập nước như ngày nào theo đường chuyển thương ra Bắc chợt nhớ lại tất cả những gì đã xảy ra trong quãng thời gian ngắn ngủi vừa qua và mường tượng tới quãng đường trước mặt đang chờ đợi tôi.
 
Dưới cái nắng đầu mùa rực rỡ, gió từ biển thổi vào lồng lộng cuốn theo những bụi cát mù trời. Trước chúng tôi là mắt sông Cửa Việt với mặt nước xanh biếc và phẳng lặng. Từ bờ này sang bờ bên kia khá rộng phải đến gần 800 mét. Dọc bờ sông không 1 bóng người, gần đấy chúng tôi thấy có 1 chiếc xuồng cao-su buộc vào 1 sợi cáp vắt sang bờ bên kia. Chúng tôi ngồi trên xuồng cao-su và kéo dây cáp để sang bờ Nam. Sang đến bờ Nam đã thấy thấp thoáng những mái nhà lợp tôn sáng loáng dưới ánh sáng mặt trời giữa biển cát mênh mông. Đã nhìn thấy những ngôi nhà bị bom đạn phá hủy, một vết tích của 1 nhà thờ còn sót lại. Hỏi ra đây là thôn Tường Vân của xã Triệu Vân.

Từ bến sông chúng tôi theo người dẫn đường về e bộ. Những gì còn sót lại của trận chiến bảo vệ cảng Cửa Việt dường như còn nóng hổi: xác xe tăng M48, M41,M113 nằm ngổn ngang dọc theo mép biển, có những chiếc hầu như còn nguyên vẹn. Những công sự bao cát của địch ngổn ngang khắp nơi với vỏ lon bia, vỏ đồ hộp, túi cơm sấy, vỏ súng M72 và các loại thùng đạn…. Từ trên đồi cát cảm nhận của tôi với vùng đất mới này là chỗ nào cũng cắm cờ giải phóng, phía cảng Mỹ 1 cột cờ cao lồng lộng một lá cờ nửa đỏ nửa xanh khổ lớn tung bay giữa biển cát trắng xóa và mầu xanh biếc của biển và trời Cửa Việt. Không xa về hướng Nam những dãy cờ giải phóng chạy dài chênh chếch về phía Tây Nam xen lẫn với những lá cờ vàng ba sọc của địch - đấy chính là tuyến giáp ranh giữa ta và địch theo HĐ Paris.

Chúng tôi tạt vào một nhà âm giữa những cồn cát, đây là quân lực của trung đoàn. Người cán bộ quân lực đón chúng tôi cho biết tốp về 101 không dính dáng gì về chuyện xảy ra ở Hồ Xá hôm trước. Chia tay Nết về c20 và 2 cậu về d3; tốp về d1 còn 2 người ở c2, 2 người c3, 1 ở c4 lại đi tiếp. Có một cán bộ của d1 lên họp và chúng tôi theo anh ta về tiểu đoàn.
 
Tiểu đoàn 1 đóng ở thôn Lệ Xuyên, ngay cạnh một lạch nước lợ trong vắt. Nơi tiểu đoàn bộ đóng cũng đã thấy những nếp nhà lợp tôn của dân trở về dựng tạm trên nền nhà cũ. Người trợ lý quân lực của d nhìn thấy tôi đọc luôn cả họ lẫn tên và những thông tin trên trích ngang. Còn những anh em khác anh ta chỉ hỏi tên và tra sổ. Thấy tôi ngạc nhiên vì đây là lần đầu mới gặp anh ta mà anh lại biết tôi rõ thế. Anh ta cười bảo: “ Riêng việc ông đeo kính đi đánh nhau là chúng tôi biết ông là ai rồi ”. Thế đấy việc nhớ tên của cán bộ quân lực thì đây là nghề nghiệp của họ, ngoài ra họ còn phải biết những đặc điểm riêng nữa, thật là bái phục.

Từ d bộ 1 tôi được chỉ đường vể đại đội. Ra khỏi xóm gặp đường 4 được đổ bê- tông xi măng rất dầy trên nền cát mà pháo và bom đào những hố rất lớn trên mặt đường khiến cho những tảng bê-tông chồng chất lên nhau, tôi đi về phia cảng chừng 1 cây số  thấy bên phải nhấp nhô mấy gò cát cao với một cái lều bạt dã chiến giữa được dựng giứ một đám cỏ dại hiếm hoi ở nơi cát trắng này - đấy chính là 4 mỏm là tên lính tráng đặt tên còn trên bản đồ có tên là điểm cao 5,2 -  đó là nơi c3 của tôi chốt giữ.

(còn tiếp)  
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Chín, 2010, 12:31:19 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM