Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 05:24:20 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tư duy quân sự Trung Quốc đương đại  (Đọc 64024 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #80 vào lúc: 04 Tháng Năm, 2011, 12:16:25 pm »

Các xu hướng an ninh tương lai trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Tác giả: Đại tá Diêu Hữu Chí / 姚有志 - Thượng tá Lưu Hồng Tùng / 刘红松

....

Châu Á – Thái Bình Dương là một khu vực trọng yếu trong cộng đồng quốc tế. Sau sự sụp đổ của trạng huống phân cực và Lãnh chiến, vị trí chiến lược của khu vực này đang ngày càng được đề cao. So với các khu vực khác trên thế giới thì cục diện an ninh hiện thời của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tương đối ổn định. Trong thời gian diễn ra cuộc Lãnh chiến, hầu hết các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã không dấn quá sâu vào các xung đột với hai khối đối địch Đông – Tây. Vì thế nên khi Lãnh chiến kết thúc, tiềm lực tương đối của khu vực này vẫn được giữ ở thế cân bằng. Hầu hết các nước trong khu vực này đều thi hành chính sách đối ngoại hòa bình, trung lập và không liên kết. Trong những thập niên gần đây, các nước trong khu vực đã tập trung vào việc phát triển kinh tế và theo đuổi chính sách lấy phát triển kinh tế để thúc đẩy ổn định chính trị, rồi lại lấy ổn định chính trị để bảo vệ sự nghiệp phát triển kinh tế. Tuy nhiên cũng do nhiều vấn đề lịch sử còn sót lại nên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn gây chia rẽ và đầy rẫy nguy cơ tiềm ẩn. Sự chênh lệch và đa dạng về trình độ chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa đang gây ra nhiều bất ổn trong công tác tăng cường an ninh và dẫn tới một cục diện phức tạp trong an ninh của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.


Lược đồ các nước khối Đông Minh trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương gồm các nước hải đảo và các nước nằm trên Trung Nam bán đảo (hình: http://www.tlsh.tp.edu.tw)


Tự lực hóa giải các mối uy hiếp đến từ bên ngoài     

Do các nguyên cớ lịch sử nên tại nhiều nước Châu Á – Thái Bình Dương vẫn còn tồn tại nhiều xung đột và mâu thuẫn nội bộ. Để duy trì sự thống nhất đất nước và ổn định xã hội, chính sách an ninh của một số nước Châu Á – Thái Bình Dương từ lâu đã hướng trọng tâm vào việc nội trị. Cùng với sự sụp đổ của các khối nước lớn, sự điều chỉnh học thuyết quân sự của Nga và Mỹ, sự phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và xu hướng hiện đại hóa nhanh chóng, các nước Châu Á – Thái Bình Dương đã chuyển trọng tâm chính sách của mình từ nội trị sang phòng thủ hướng ngoại. Các nước này sẽ chủ yếu dựa trên chính sách tự vệ cá nhân và phòng thủ tập thể nhằm đảm bảo an ninh nước mình và sự ổn định, hòa bình trong khu vực. Trong Lãnh chiến, các nước khối Đông Minh bám vào chiếc ô bảo vệ của nước Mỹ, trong khi mấy nước trên bán đảo Trung Nam(1) do Việt Nam dẫn đầu lại dựa vào sự trợ giúp về kinh tế và quân sự từ Liên Xô. Sau Lãnh chiến, các nước này phải dựa vào chính mình để tự vệ và duy trì an ninh. Điều này dẫn tới việc họ phải chuyển trọng tâm chính sách sang tự lực cánh sinh trong việc bảo đảm an ninh trong nước và ứng phó với các mối uy hiếp đến từ bên ngoài. Trong thập niên 1970, công tác phòng vệ quân sự của các nước khối Đông Minh chủ yếu được dùng vào việc xử lý lực lượng phiến quân tham gia hoạt động chống phá nhà nước. Khi phiến quân suy yếu hay bị trấn áp thì cũng là thời điểm diễn ra những biến chuyển trong cục diện khu vực và quốc tế, khiến các nước khối Đông Minh phải tập trung ứng phó với các uy hiếp đến từ bên ngoài và các cuộc chiến tranh hiện đại thay vì dẹp đám nội loạn trong nước.     

....

________
Chú thích:
(1)Bán đảo Trung Nam: Bán đảo Đông Dương
Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #81 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2011, 01:20:54 pm »

Các xu hướng an ninh tương lai trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Tác giả: Đại tá Diêu Hữu Chí / 姚有志 - Thượng tá Lưu Hồng Tùng / 刘红松

....

Tập trung vào an ninh và phát triển    

Trong thời kỳ Lãnh chiến, sự đối đầu giữa hai khối quân sự và chính trị do Liên Xô và Mỹ dẫn đầu bắt nguồn từ sự khác biệt ý thức hệ và thể chế. Sau Lãnh chiến, mối mâu thuẫn ý thức hệ giữa hai khối này đã bị xóa bỏ. Hiện nay theo quan điểm về việc phát triển một cục diện chính trị thế giới mới, các nước Phương Tây đã không còn chú trọng vào việc phản kháng Chủ nghĩa xã hội nữa do phong trào xã hội chủ nghĩa đang ở giai đoạn thoái trào và không còn là một mối đe dọa đối với thế giới Phương Tây nữa.


Trung Quốc nuôi tham vọng biến các nước và nhóm liên kết kinh tế khu vực trên thế giới trở thành vệ tinh phục vụ mình qua cách tiếp cận an ninh và phát triển (hình: http://si.wsj.net)

Sự điều chỉnh mâu thuẫn ý thức hệ giữa các nước đã dẫn tới sự điều chỉnh tình hình quốc tế từ liên kết chính trị khu vực sang liên kết kinh tế khu vực. Trong Lãnh chiến, các nhóm liên kết kinh tế khu vực được phân chia dựa theo chế độ chính trị và xã hội của mỗi quốc gia. Mối quan hệ thương mại và kinh tế giữa các nước khác hệ thống phải chịu sự chi phối của các mối quan hệ chính trị. Nhiều nhóm liên kết kinh tế khu vực có đặc trưng ở nội dung an ninh tập thể. Khối Đông Minh được lập ra trong thời kỳ Lãnh chiến chính là nhằm đáp ứng các đòi hỏi chính trị và an ninh của các nước thành viên. Sau khi sự đối đầu Đông Tây bị xóa bỏ thì các nhóm kinh tế khu vực mới thôi khai thác mâu thuẫn ý thức hệ. Nhiều quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương đã từ bỏ cuộc đấu tranh ý thức hệ và điều chỉnh đường lối đối nội, đối ngoại của mình theo hướng tập trung vào duy trì hòa bình và phát triển nhằm thích ứng với cục diện thế giới mới. Một số nước thậm chí còn tiến hành cải cách thể chế chính trị của mình.

Tuy nhiên, sự phát triển của các nhóm liên kết kinh tế khu vực lại gây ra nhiều xung đột xung quanh vấn đề an ninh và phát triển. Trong quá trình ganh đua nhắm tới các lợi ích cốt lõi, Nhật Bản là đối thủ số một của Mỹ. Điều này khiến các mâu thuẫn giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng trong thời gian tới.

....
  
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Mười Hai, 2011, 02:59:49 pm gửi bởi OldBuff » Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #82 vào lúc: 19 Tháng Sáu, 2011, 04:38:31 pm »

Các xu hướng an ninh tương lai trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Tác giả: Đại tá Diêu Hữu Chí / 姚有志 - Thượng tá Lưu Hồng Tùng / 刘红松

....

Lợi ích an ninh trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự đang ngày một trở nên rõ ràng   

Sau Lãnh chiến, các mối bang giao quốc tế đã hướng trọng tâm vào vấn đề kinh tế dù còn tồn tại nhiều hệ lụy từ cuộc Lãnh chiến. Những thể chế xưa cũ từ thời Lãnh chiến vẫn còn hiện hữu cho dù lịch sử đã sang trang. Những kho vũ khí hạt nhân và ngành công nghiệp vũ khí vẫn tiếp tục được duy trì. Trong khi phải mất nhiều thời gian mới có thể xóa bỏ hết hậu quả của giai đoạn chạy đua vũ trang giữa các cường quốc trước đây, thì xu hướng chạy đua vũ trang khu vực lại đang trên đà gia tăng. Nước Mỹ đang tái phối môi trường phòng thủ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và bố trí cấu trúc quân lực của mình theo hình nan quạt, với sức mạnh Mỹ làm trung tâm và các hiệp ước quân sự song phương với các đồng minh khu vực như Mỹ - Nhật Bản, Mỹ - Hàn Quốc, Mỹ - Phi Luật Tân, Mỹ - Thái Quốc và Mỹ - Úc Đại Lợi Á.

Một số phương thức tư duy mang tính định hướng và quan điểm quốc phòng hình thành từ thời Lãnh chiến sẽ vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới chính sách quốc phòng của các nước hữu quan trong thời kỳ này. Tuy nhiên, nhóm quan điểm đổi mới tập trung vào an ninh kinh tế đang từng bước trở nên chủ đạo. Với sự hình thành một trật tự thế giới mới thì kỷ nguyên ganh đua vì quốc lực tổng hợp dựa trên kinh tế của các bên đang tới gần.

Trong thời kỳ Lãnh chiến, mức độ quyền lực và tranh giành lợi ích chủ yếu đạt được thông qua phương diện quân sự, theo đó quân lực xác định vị thế quốc tế của một quốc gia. Hiện tượng “cường quốc quân sự nhưng kinh tế èo uột” và “cường quốc kinh tế nhưng quân sự èo uột” là một hệ quả đầy tương phản giữa các thế lực quân sự và kinh tế trong các mối quan hệ quốc tế. Kiểu hiện tượng này sẽ không thể tồn tại trong giai đoạn lĩnh vực kinh tế chiếm địa vị chi phối các lĩnh vực khác. Ảnh hưởng của kinh tế tới chính trị đang ngày một gia tăng. Trên thị trường quốc tế, nước giàu không những mở rộng tầm ảnh hưởng, gia tăng lợi nhuận, củng cố đồng nội tệ và cân đối được tài khoản vãng lai, mà còn nâng cao được uy tín và vị thế chính trị của mình. Cạnh tranh kinh tế đang giữ một vai trò quan trọng và thay thế quân sự trong việc chi phối các mối bang giao quốc tế.               

Sự tiến bộ nhanh chóng về khoa học công nghệ và việc ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất đã giúp các nước phát triển vừa tập trung hơn nữa vào công cuộc phát triển nội địa, vừa đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung tư bản. Điều này quay lại giúp họ chuyển hóa cạnh tranh từ sức mạnh quân sự và chính trị sang quốc lực tổng hợp và nhất là sức mạnh kinh tế. Nhân tố kinh tế đã trở thành một yếu điểm khi xem xét vị thế quốc tế của một nước. Trong chiến lược chung của mỗi nước, phát triển kinh tế đóng một vai trò quan trọng trong các mối bang giao khu vực và quốc tế, đồng thời liên kết kinh tế khu vực chiếm vị trí quan trọng trong công tác chính trị khu vực. Các khối liên kết khu vực đã chuyển sang hợp tác kinh tế thay vì hợp tác quân sự chính trị và các khối này cũng nhấn mạnh tới quan điểm anh ninh tổng hòa chính trị, kinh tế và quốc phòng thay vì chỉ an ninh quân sự thuần túy. 
 
....
Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #83 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2011, 02:58:13 pm »

Các xu hướng an ninh tương lai trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Tác giả: Đại tá Diêu Hữu Chí / 姚有志 - Thượng tá Lưu Hồng Tùng / 刘红松

....

Chống lại các giá trị Phương Tây   

Những vụ tranh chấp sắc tộc nghiêm trọng vẫn tồn tại dai dẳng do những thù hận lịch sử và sự mất cân đối kinh tế chính trị mà những kẻ thực dân mang lại. Do vậy đang từ trạng thái toàn vẹn lãnh thổ, một nước có thể bị chia năm xẻ bảy thành các vùng lãnh thổ khác nhau. Nếu phần đông được thúc đẩy bởi ý thức thống nhất dân tộc thì hoàn toàn có thể tiến hành việc tái thống nhất. Thế nhưng, với các nước nhiều dân tộc thì luôn gặp vấn đề xung đột sắc tộc, vốn dĩ là thứ rất khó xử lý đồng thời với mục tiêu duy trì sự thống nhất. Do sự phát triển mất cân đối trong kinh tế chính trị vùng miền và sự tác động từ bên ngoài, những kẻ ly khai dân tộc thường có khuynh hướng làm cho xung đột ngày càng trầm trọng hơn. Sự kết hợp giữa chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa vị kỷ dân tộc và chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở một số nước sẽ tạo ra xu hướng chống lại xu thế hòa bình và thịnh vượng chung của thế giới.

Vấn đề tôn giáo đang ngày càng trở thành một nhân tố quan trọng trong các cuộc xung đột và an ninh tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Khu vực này vốn là một trong ba cái nôi sản sinh ra các tôn giáo trên thế giới, đồng thời cũng là giao điểm của đủ mọi nền văn hóa. Nơi đây tồn tại những khác biệt lớn giữa các tôn giáo và giữa các nhánh tôn giáo, đồng thời những mâu thuẫn và xung đột tôn giáo đó rất khó để hóa giải. Trong những năm gần đây, có hai điểm nổi bật trong vấn đề tôn giáo thu hút được sự quan tâm của toàn thế giới: sự thống nhất tôn giáo tại các quốc gia, khu vực và ý định tham chính lộ liễu của tôn giáo đã công kích trực diện vào hệ thống thế quyền của nhà nước. Các cuộc bạo động xã hội mang màu sắc tôn giáo, những hệ lụy và xung đột kéo theo đang là những vấn đề nổi cộm. Tranh chấp tôn giáo hòa cùng xung đột sắc tộc luôn làm phức tạp và trầm trọng thêm các mâu thuẫn và tranh chấp xã hội.       


Khổng Phu Tử - nhà sáng lập Khổng giáo thời Xuân Thu đã trở thành biểu tượng văn hóa Phương Đông trong công cuộc bành trướng văn hóa của người Trung Quốc mới ra toàn thế giới (hình: http://www.visualstatistics.net)

Tuy thế cũng còn có khá nhiều những điểm chung về văn hóa, nhất là các giá trị và quan điểm, tồn tại trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Thành thực mà nói chính nền văn hóa chung này đã tạo ra những tiền đề cho việc thúc đẩy hợp tác và ổn định trong khu vực.

Đồng thời với việc các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương phản kháng lại các giá trị Phương Tây, văn hóa Phương Đông hay văn hóa Khổng giáo hiện đại đã có tác động to lớn trong việc thúc đẩy sự thống nhất và phát triển ở các nước Châu Á – Thái Bình Dương. Các nền văn hóa Đông Á, trong đó nền văn hóa Trung Hoa giữ vai trò khởi phát và từng có giai đoạn phát triển huy hoàng thời cổ đại, đã tác động sâu sắc tới nền văn minh. Ngày nay nó tiếp tục có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với xã hội hiện đại. Trong thập niên qua, chính quyền Tân Gia Ba đã cổ xúy nền văn hóa Khổng giáo với mục tiêu uốn nắn thói ích kỷ, vụ lợi và hưởng lạc quá độ và giúp dân chúng khỏa lấp khoảng trống tinh thần trong đời sống hiện đại. Những điểm mấu chốt của nền văn hóa Phương Đông là tính tự lập, đức tin, vị tha, ôn hòa, trung thực và bao dung. Mọi người đều tin rằng sự phát triển kinh tế nhanh chóng ở các nước Châu Á – Thái Bình Dương là có mối liên hệ chặt chẽ tới nền tảng sâu đậm của văn hóa Phương Đông.

....
Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #84 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2011, 03:12:34 pm »

Các xu hướng an ninh tương lai trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Tác giả: Đại tá Diêu Hữu Chí / 姚有志 - Thượng tá Lưu Hồng Tùng / 刘红松

....

Hiểu biết và hợp tác cả trong song biên lẫn trong đa biên   

Có một khuynh hướng trong phát triển an ninh, kinh tế và chính trị quốc tế là dùng đối thoại để hiểu biết và hợp tác với nhau. Sau khi cuộc Lãnh chiến toàn cầu chấm dứt, ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã xuất hiện một phong trào thiết lập hệ thống an ninh đa biên. Tính từ Hội nghị Hoa Thịnh Đốn được tổ chức sau Đệ nhất Thế chiến, các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã nỗ lực trải qua tới 5 giai đoạn lịch sử khác nhau để gây dựng một hệ thống an ninh tập thể hay đa biên. Giai đoạn lịch sử đầu tiên phải kể tới cuộc ganh đua Nhật-Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong nửa đầu Thế kỷ 20. Giai đoạn thứ hai diễn ra khi hai siêu cường cùng phân tranh với nhau. Giai đoạn thứ ba là khi Liên Xô cũ cổ xúy cho hệ thống an ninh Châu Á. Giai đoạn thứ tư xuất hiện cùng với sự hình thành hệ thống hợp tác kinh tế ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và trước khi Liên Xô tiến hành những điều chỉnh chiến lược. Giai đoạn thứ năm chính là thời kỳ mới từ năm 1990 đổ lại khi mỗi nước trong khu vực đều muốn lập ra một hệ thống an ninh. Những cuộc hội đàm không chính thức của Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã đánh dấu một bước khởi đầu đàm phán về an ninh đa biên Châu Á – Thái Bình Dương.


Biếm họa về việc các nước trong tổ chức hợp tác đa biên APEC đấu tranh cho lợi ích của mình liên quan tới chỉ tiêu cắt giảm xả thải khí nhà kính (hình: http://members.iinet.net.au)

Các nước Châu Á – Thái Bình Dương đang cùng theo đuổi việc thiết lập cơ chế hợp tác và hiểu biết đa biên, cho thấy những nhận thức của họ về tiến trình phát triển lịch sử, những ước đoán của họ về tương lai của thế giới, sự nhiệt thành của họ về quan hệ kinh tế song biên và ước muốn về các lợi ích tự thân. Nhìn chung, một nước thường có 4 lý do sau khi muốn thiết lập một hệ thống như thế:     

  • Làm rõ vị trí nước mình trong nền an ninh chung của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhằm duy trì môi trường an ninh của đất nước;
  • Qua các cuộc đối thoại và tham vấn tập thể về chủ đề an ninh để hiện thực hóa việc cân bằng quyền lực trong khu vực;
  • Để giành được nhiều quyền lợi cho an ninh của nước mình nhằm hạn chế sự câu kết đa biên và hình thành các thế lực chống đối mình;
  • Để khai thác các lực lượng đa biên nhằm ngăn ngừa rủi ro một hay một nhóm nước thao túng toàn bộ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, vì các mục tiêu chiến lược và lợi ích quốc gia của riêng từng nước mà các cuộc ganh đua phức tạp chắc chắn sẽ nảy sinh trong quá trình các nước theo đuổi mối quan hệ hợp tác và hiểu biết đa biên trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 

….   
Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #85 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2011, 01:52:21 pm »

Các xu hướng an ninh tương lai trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Tác giả: Đại tá Diêu Hữu Chí / 姚有志 - Thượng tá Lưu Hồng Tùng / 刘红松

....

Mục tiêu lớn cho việc duy trì an ninh   

Trong khi theo đuổi các lợi ích kinh tế và an ninh của mình, các nước đều tìm cách loại trừ và ganh đua với nhau. Cùng lúc, họ vừa tìm cách kiềm chế, vừa hợp tác, rồi hòa giải với nhau và thậm chí vươn lên cùng nhau. Những mâu thuẫn phát sinh từ cuộc ganh đua về an ninh cũng phần nào phản ảnh đặc trưng đan xen phụ thuộc giữa chúng.


Đồ hình Lưỡng Nghi - Tứ Tượng thể hiện thế giới quan của người Trung Quốc về sự thống nhất giữa các mặt đối lập (hình: http://kaleidoscope.cultural-china.com)

Chính những hoàn cảnh như vậy đã khiến cho các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương như một chỉnh thể thống nhất giữa các mặt đối lập. Nhiều nước chú trọng phúc lợi của riêng mình, giải quyết tích cực các xung đột và mâu thuẫn, củng cố mối giao lưu tập thể, cũng như cổ xúy sự phát triển của mô hình tập trung và khu vực hóa kinh tế. Họ quan tâm nhiều hơn tới các phạm trù về phát triển và sự tồn vong của nhân loại. Trong vấn đề quốc phòng và an ninh quốc gia, những nước này thể hiện quan điểm lẫn lộn giữa các mối nguy cơ tiềm tàng nhưng lại không rõ đối tượng mục tiêu cụ thể. Một số nước tiến hành mua sắm vũ khí và trang bị quân sự để tăng cường hệ thống phòng vệ của mình trong khi vẫn không xác định được kẻ thù của mình là ai. Tình thế an ninh phức tạp này đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn qua những cuộc đàm phán về chính trị, về phát triển hợp tác, cũng như về khu vực hóa và tập trung hóa nền kinh tế quốc tế.

….   
Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #86 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2012, 04:45:08 pm »

Các xu hướng an ninh tương lai trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Tác giả: Đại tá Diêu Hữu Chí / 姚有志 - Thượng tá Lưu Hồng Tùng / 刘红松

....

Sự can dự của các nước vừa và nhỏ vào nền an ninh khu vực   

Đến cuối những năm 1990 và đầu thế kỷ 21, Mỹ, Nhật, Trung Quốc và Nga sẽ trở thành các thế lực dẫn đầu trong việc xác định nền an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trong số những nước này, nước Mỹ sẽ vẫn là người chơi chính có tính quyết định đối với nền an ninh khu vực này. Chính quyền tổng thống Clinton đã đưa ra một chiến lược mở rộng nhằm thay đổi chính sách an ninh trước đây, vốn dùng để đối phó với mối đe dọa toàn cầu từ Liên Xô, sang chiến lược tập trung vào các xung đột khu vực có khả năng đe dọa tới những lợi ích toàn cầu của họ. Trong chính sách đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nước Mỹ tái nhấn mạnh khái niệm cân bằng sức mạnh, có nghĩa duy trì các lực lượng quân sự tại Châu Á – Thái Bình Dương và giữ được mối tương quan lực lượng trong khu vực. Mỹ cũng thắt chặt lại mối quan hệ hiệp ước đồng minh song phương với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc Đại Lợi, Thái Quốc và Phi Luật Tân, đồng thời xem liên minh Mỹ - Nhật Bản là “Trung tâm ổn định”.     


Đại tá Dương Vũ Quân – người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đang trả lời câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo trước Cuộc họp lần thứ nhất của Nhóm Chuyên gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Cộng (ADMM+) do Việt Nam và Trung Quốc đồng chủ trì tổ chức từ ngày 2 tới 5/11/2011 tại Bắc Kinh (hình: http://www.gov.cn)

Chính quyền Nhật Bản cho rằng nhân tố “đóng góp” chính cho nền an ninh là việc thực hiện đối thoại chính trị tích cực với từng nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và trợ giúp Mỹ thúc đẩy dân chủ trong khu vực này. Nga cũng bắt đầu điều chỉnh chính sách quá thiên về phương Tây từ cuối năm 1992 và đã ban hành học thuyết nhằm xử lý hài hòa mối quan hệ cả với khu vực Châu Âu lẫn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời nỗ lực cải thiện quan hệ với từng nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương này. Trung Quốc đã mở rộng các hoạt động ngoại giao và phát triển mối quan hệ đối ngoại với các nước láng giềng trên cơ sở Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình. Nhìn chung, chính sách an ninh của các nước Châu Á – Thái Bình Dương kể trên sẽ quyết định tình hình và cục diện an ninh tương lai trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Trong khi đó, các nước vừa và nhỏ trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng đã can dự một cách tích cực vào các vấn đề an ninh và cố khẳng định quyền được có tiếng nói đối với các vấn đề an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Các nước thuộc khối Đông Minh bắt đầu thực hiện các động thái tích cực liên quan tới việc giải quyết các vấn đề an ninh khu vực. Họ không chỉ tiến hành nhiều buổi hội đàm nội khối mà còn tổ chức nhiều cuộc đối thoại với các nước hữu quan ngoài khối nhằm đề cao vị thế của mình trong khu vực và trên toàn thế giới.     

….
Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
OldBuff
Moderator
*
Bài viết: 3053


Vì nhân dân quên mình


« Trả lời #87 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2012, 03:02:41 pm »

Các xu hướng an ninh tương lai trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Tác giả: Đại tá Diêu Hữu Chí / 姚有志 - Thượng tá Lưu Hồng Tùng / 刘红松

....

Một thể chế an ninh khu vực linh hoạt   

Về dài hạn, những khó khăn và tranh chấp sẽ tiếp tục tồn tại trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Những cuộc đối đầu sắc tộc và tranh chấp lãnh thổ có liên hệ tới lợi ích cốt lõi của mỗi nước sẽ khó mà hàn gắn. Những cuộc tranh giành quyết liệt về tôn giáo, chế độ xã hội, giữa thống nhất và ly khai sẽ còn dai dẳng. Tuy nhiên, mục tiêu của việc duy trì sự ổn định trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ đáp ứng nhu cầu lợi ích của đại đa số các nước trong khu vực. Vì thế các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ đồng tâm nhất trí tạo dựng một thể chế an ninh khu vực linh hoạt, nhằm bảo đảm các nước có thể hỗ trợ và hợp tác với nhau chứ không can dự vào công việc nội bộ của nhau. Một thể chế như vậy sẽ chứa đựng không chỉ nền an ninh quân sự, mà còn có cả nền an ninh kinh tế nữa. Xét về nội hàm phát triển an ninh trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chúng ta có thể thấy một thể chế an ninh khu vực có tính pha tạp và đa dạng hóa. Tất cả các mô hình thể chế an ninh từ song phương tới đa phương, từ tiểu vùng tới khu vực, từ không chính thức tới chính thức, v.v, đều được đem ra áp dụng. So với cuộc tranh chấp giữa hai khối nước hồi Lãnh chiến, thì việc hợp tác an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ được đặc trưng bởi sự tiên đoán và hành động trước, chứ không chỉ đơn thuần là ra tay sau khi khủng hoảng đã bùng phát. Sự hợp tác an ninh này nhấn mạnh tới tính toàn cục, mối quan hệ hỗ tương và hệ quả tương lai, nhất là yếu tố tác động tới sự tồn vong của loài người, đồng thời được đặt trên quyền tự quyết nhằm duy trì nền an ninh của mỗi quốc gia.


Phát triển quan hệ hỗ tương và giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa hai nước Việt Trung là nội dung chính trong buổi hội đàm giữa Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì và người đồng cấp Việt Nam Phạm Bình Minh được tổ chức tại phòng khánh tiết Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong ngày 12/2/2012 (hình: http://images.vnanet.vn)

Giải quyết hòa bình các tranh chấp   

Việc phát triển nền kinh tế hàng hóa và thị trường đã diễn ra khá muộn ở các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Mấy năm gần đây, mô hình kinh tế thị trường này đã tiến triển nhanh chóng và khiến cho các nước trong khu vực dần trở nên lệ thuộc vào nhau. Điều này buộc các nước trong khu vực ngày càng phải gắn kết và quan tâm tới lợi ích của nhau, qua đó giúp ngăn chặn chiến tranh và duy trì hòa bình. Trước đây khi nền kinh tế hàng hóa còn trong giai đoạn ì ạch lạc hậu, những kẻ xâm lược đã hưởng lợi lớn từ việc phát động chiến tranh và sử dụng các công cụ bạo lực. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, cái giá phải trả của việc gây chiến cao hơn rất nhiều so với những lợi lộc bất kỳ có thể có được từ chính cuộc chiến. Trong tình cảnh như vậy, việc phát triển kinh tế sẽ giúp làm giảm nguy cơ gây chiến nhằm vào các lợi ích kinh tế. Đặc biệt là trong lĩnh vực hạt nhân, thì sự thừa mứa của kho vũ khí hạt nhân là một sự đe dọa cho sự tồn vong của loài người. Chính thảm cảnh và nỗi kinh hoàng chiến tranh đã thúc đẩy con người phải có ý thức về “nền an ninh tương hỗ”. Và hệ quả là với quá trình phát triển của nền kinh tế quốc tế, sự nhất thể hóa thị trường và sự cởi mở chính sách an ninh của mỗi nước, thì việc giải quyết hòa bình các tranh chấp sẽ luôn là sự lựa chọn hàng đầu.       

….   
Logged

Thượng tôn công lý - Chế áp cường quyền
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM